PDA

View Full Version : "Con bọ" và những trang sử huy hoàng của CNN



Hei
02-11-2011, 11:52 AM
Một phần lý do khiến logo CNN nổi tiếng có lẽ do nó là biểu tượng đầu tiên luôn luôn xuất hiện trên góc màn hình tivi.

"Con bọ" - theo biệt ngữ của giới truyền hình, sau 31 năm ngày lên sóng vẫn "sống" cho tới tận bây giờ, góp công vào trang sử năng động và huy hoàng của CNN.

Biểu tượng - 48 giờ và 3.000 USD

Hãng truyền hình CNN của Mỹ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng đã trở thành thương hiệu góp phần quan trọng vào việc làm thay đổi cả nếp sống và nếp nghĩ của con người trên Trái đất.

CNN là viết tắt của Cable News Network. Biểu tượng thương hiệu của CNN như chúng ta vẫn thấy ở thời điểm hiện nay về cơ bản có từ 1/6/1980 - ngày CNN lên sóng. Logo được Anthony Guy Bost - Giáo sư trường Đại học Auburn - thiết kế

Toni Dwyer, đến từ Công ty Communication Trends - là công ty quảng cáo đã làm việc với CNN những ngày đầu, nhớ rất rõ về buổi trình bày phương án tới ban lãnh đạo: "Chúng tôi chỉ có khoảng 48 tiếng đồng hồ để nắm lấy cơ hội cho logo của mình. Có nhiều phương án được đưa ra mà không gây ấn tượng gì cho họ. Chỉ có một phương án mà chúng tôi nghĩ là sẽ tiến triển tốt và chúng tôi đã giữ cho nó luôn đơn giản. Phương án đó được thiết kế với tính kinh tế được đặt lên hàng đầu, vì vậy nó chỉ có đúng một màu".

McGuirk - Phó Chủ tịch của Turmer Broadcasting từ năm 1980, là người có vai trò to lớn trong sự ra đời của CNN - nhớ lại: "Họ đưa cho chúng 4-5 phương án và có một phương án trông rất nổi bật - một sợi cáp chạy xuyên qua các chữ C-N-N". Chủ sở hữu CNN, Ted Turner cũng đã rất phấn khích khi nhìn thấy logo này và ngay lập tức "chấm" nó làm biểu tượng chính thức.

Nhưng điều mà ít người biết là dù logo CNN đã cũng với hãng truyền hình này đẻ ra hàng chục tỷ USD lợi nhuận thì thù lao của người làm ra nó lại khá khiêm tốn. "Sau khi được chọn, mức giá mà chúng tôi muốn vào khoảng 5.000 USD. Nhưng tất cả bọn họ đều nhảy dựng cả lên, mức phí cuối cùng tôi nhận được khoảng tầm 3.000 USD".

Logo sau khi được chọn đã luôn luôn xuất hiện trên góc màn hình tivi. Ý tưởng này là của Burt Reinhardt - Giám đốc CNN khoảng thời gian từ 1982-1990. McGuirk đã cho biết lý do logo được đặt trên màn hình như sau: "Mọi người luôn xem tin tức không chỉ từ một kênh, vì vậy chúng tôi không muốn họ nhầm lẫn chúng tôi với một kênh tin tức khác!". Trải qua 31 năm thăng trầm, logo của CNN gần như không thay đổi, chỉ có một vài thay đổi nhỏ về màu sắc để nó trông có vẻ chuyển động hơn.

"Con bọ" sau khi ra đời đã cùng với hàng ngàn nhân viên CNN tạo ra một "cuộc cách mạng" về truyền thông trên thế giới.


http://i1207.photobucket.com/albums/bb465/dahota/CNN.jpg

"Hãy là người đầu tiên biết được"

CNN chính thức phát sóng lần đầu tiên vào ngày 1/6/1980, là "con đẻ" của Ted Turner, khi đó mới 41 tuổi. Ngay tại buổi phát sóng đầu tiên, Ted Turner đã tuyên cáo về sứ mệnh của CNN: "Chúng tôi sẽ không ngừng truyền tin cho tới khi thế giới này sụp đổ và khi ấy, chúng tôi sẽ truyền hình cho các bạn thấy sự sụp đổ đó".

Với phương châm "Be the first to know" (Tạm dịch: “Hãy là người đầu tiên biết được"), CNN từng bước thực hiện sứ mệnh là "lịch sử sống" của thế giới. Ở đâu có chuyện gì xảy ra, ở đó có sự hiện diện của CNN.

Người ta nói, CNN là cuộc cách mạng về truyền hình bởi nó là kênh truyền hình đầu tiên chuyên phát tin tức, không có phim ảnh, âm nhạc, không có phóng sự dài và tạp kỹ. CNN là thế giới thông tin, thông tin thời sự suốt cả ngày và khắp nơi trên thế giới.

Khi CNN ra đời, các hãng truyền hình ở Mỹ và trên thế giới thường chỉ phát tin thời sự vào những thời điểm nhất định. Khán giả truyền hình muốn biết thông tin thời sự luôn phải chờ đến thời điểm đó. CNN đã tạo điều kiện để khán giả được thông tin vào bất cứ thời điểm nào.

Vì thế, CNN đặt ra tiêu chí hàng đầu để gây dựng lòng tin là thời sự và khách quan. Càng phát triển, CNN càng được báo giới và khán giả đánh giá cao qua các chương trình tường thuật các bước ngoặt của nước Mỹ và thế giới.

Ngày 14/10/1981, một bé 18 tháng tuổi tên là Jessica McClure rơi xuống một cái giếng ở Midland (bang Texas). CNN đã nhanh chóng xuất hiện và đưa tường thuật trực tiếp vụ việc. Sau đó, tờ The New York Times chạy một bài bình luận về tác động của tin tức video trực tiếp. "Nếu một bức tranh trị giá một ngàn chữ, sau đó một hình ảnh chuyển động có giá trị nhiều lần. Còn một hình ảnh sống động tạo một kết nối tình cảm thì không có gì đo đếm được".

Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 là một sự kiện bước ngoặt đối với CNN. Hãng này đã trở thành "một cửa hàng tin tức" từ bên trong Iraq, với các báo cáo trực tiếp từ các phóng viên như Bernard Shaw, John Holliman và Peter Arnett.

Chiến dịch ném bom nổ ra, các phóng viên đã công bố với thế giới trên CNN như sau: "Đây là Bernie Shaw. Một cái gì đó đang xảy ra bên ngoài ... Peter Arnett, cùng tôi ở đây. Hãy mô tả cho người xem của chúng tôi những gì chúng ta đang thấy... Bầu trời Baghdad đã được chiếu sáng... Chúng tôi đang nhìn thấy tia sáng đi ra khắp nơi trên bầu trời...". Những bản tin trực tiếp nóng hổi đó đã khiến hàng tỷ người trên thế giới nín thở trước màn hình tivi.

Luôn có điều gì quan trọng xảy ra đâu đó

CNN phủ sóng nhờ vào một hệ thống gồm 15 đài truyền hình cáp và vệ tinh, 2 mạng lưới truyền thông riêng, 2 mạng lưới truyền thanh, 8 website trong đó có CNN.com - nguồn cung cấp thời sự và thông tin hàng đầu thế giới và CNN Newsource - một trong những trung tâm tin tức rộng rãi nhất.

Bên cạnh đó còn có khoảng 800 đài truyền hình khắp nơi cung cấp và chuyển phát tin tức của CNN. Sự kết nối toàn diện không chỉ được thể hiện qua cách thức phân phối thông tin mà còn ở cách thu thập thông tin của CNN. Với đội ngũ 300 phóng viên chủ chốt có mặt khắp nơi trên thế giới, được hỗ trợ bởi 37 trung tâm thông tin toàn cầu, gần 800 cộng tác viên và hơn 1.000 nhân viên chuyên lo thu thập thông tin, các phóng viên của CNN không chỉ có mặt ở nơi sự kiện đang thu hút khán giả mà họ còn có mặt ở cả những nơi đang diễn ra sự kiện. Đó là lý do tại sao người ta luôn muốn xem CNN.

CNN với quan niệm: Luôn có một điều quan trọng đang xảy ra đâu đó trên thế giới, vì vậy, mạng lưới toàn cầu của CNN luôn mang đến cho khán giả những tin tức mới nhất. Không những thế, với những vấn đề thời sự nóng bỏng, CNN luôn có những chương trình bình luận, trao đổi sâu hơn.

Dường như với bất cứ một thể loại chương trình nào, CNN cũng không tiếc công sức gọt giũa sao cho chương trình trở nên hoàn hảo nhất. Mỗi bản tin của CNN thường không quá nhiều về nội dung nhưng tần suất phát sóng lại rất cao. Điều này luôn mang lại cho khán giả một cảm giác tiết tấu mạnh và họ thực sự nghĩ rằng "tin tức luôn bên cạnh bạn" đúng như phương châm của CNN.

Một đặc điểm rất thú vị nữa đó là trên màn hình của CNN, khán giả rất khó để bắt gặp một người dẫn chương trình thời sự quá nghiêm túc, máy móc mà thay vào đó là hình ảnh những người dẫn chương trình tự nhiên, thoải mái, hài hước và rất thông minh. Đó cũng chính là một trong những bí quyết dẫn tới thành công của CNN.

Gã khổng lồ cũng có lúc "khó ở"

Cách đây 31 năm, CNN mở ra cuộc cách mạng trong truyền hình nhờ tìm ra phương thức truyền tin độc đáo. Nhưng sau đó, CNN phải tìm lối thoát khỏi khủng hoảng cũng bởi cuộc cách mạng mà mình khởi xướng. Người ta gọi đó là "hiệu ứng CNN".

31 năm trước đây, CNN là lối thoát ra khỏi mê cung của sự nhàm chán và khuôn mẫu trong thế giới truyền thông, truyền hình. Bản sắc đặc thù của thương hiệu này là sự khác biệt rất đơn giản nhưng cũng rất độc đáo so với những hãng truyền hình khác. Nhưng theo đà phát triển, mô hình này bị bắt chước, các đối thủ không ngừng tìm cách khai phá ý tưởng để cạnh tranh với CNN.

CNN đã bị mất đi vị trí hàng đầu về truyền hình tin tức ở Mỹ cho dù vẫn giữ được vị trí đầu bảng trên thế giới. Trong hào quang của thành công, CNN đã ngủ quên với sự yên trí là không có đối thủ.

CNN đã không để ý thấy rằng con người có nhu cầu thông tin, nhưng một khi không còn đói thông tin nữa thì họ mong đợi ở những gợi mở về nhìn nhận và đánh giá thông tin mà các nhà cung cấp thông tin đưa lại.

CNN không làm việc ấy vì tiêu chí của CNN là thời sự và khách quan. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, hai đối thủ tin tức truyền hình cáp ở Mỹ là Fox News và MSNBC đã đẩy CNN vào khốn đốn. Lượng khán giả giảm, những gương mặt ưu tú nhất của CNN theo nhau bỏ đi.

Vào năm 2003, CNN đã từng suýt bị bán. Thời điểm đó, CNN được ví như một con tàu đã chìm sâu, thoi thóp sống dựa vào những hư danh của lịch sử. CNN bị Fox News vượt về tỷ lệ khán giả ngay cả trong lĩnh vực tin tức - thế mạnh của CNN.

Từ 2000 đến 2003, hoạt động kinh doanh của CNN hầu như không mang lại lợi nhuận nếu không nói là còn phải chịu lỗ. Time Warner - Công ty mẹ của CNN đã từng thất vọng tới mức tính đến khả năng sát nhập CNN và ABC News, thậm chí còn có ý định bán đứt CNN.

Tuy nhiên, CNN vẫn là một thương hiệu mạnh toàn cầu, gã khổng lổ dù "khó ở" nhưng vẫn đầy sức mạnh. Sau một thời gian "ngủ đông", kéo dài từ cuối những năm 1990 đến tận năm 2004, cuối cùng CNN cũng đã quay lại với đường đua.

Họ chính thức "vượt mặt" Fox News trong việc thu hút đối tượng khán giả ở độ tuổi từ 25 đến 54 trong nỗ lực giành lại ngôi vị "ông hoàng truyền hình". CNN cũng đã trở lại vị trí thượng phong quen thuộc trong lĩnh vực cập nhật tin tức.

Năm 2007, CNN dồn sức cho mặt trận thu hút cư dân mạng. Đó là lý do CNN.com được thành lập. Ngay lập tức, trang web này một mình làm mưa làm gió trên mạng. Theo thống kê, cư dân Internet đã dành thời gian ghé thăm CNN.com vượt mặt cả Wikipedia, Yahoo News và MSNBC.com. Ngôi nhà chung CNN giờ đã có thêm ba thành viên mới - Headline News, CNN International và CNN.com.

Người có công lớn vực dậy CNN trong khủng hoảng là Walton - Chủ tịch đương nhiệm CNN hiện nay. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 9/2003, Walton liên tiếp thực hiện nhiều kế hoạch cải tổ sâu sắc, trong đó phải kể đến việc phát triển CNN ở thế ba gọng kìm: Mạng lưới truyền hình, lĩnh vực tin tức và Internet.

Lợi nhuận của CNN liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2004, mức tăng trưởng bình quân hàng năm của đế chế CNN ở mức 20% - một con số đáng nể. Và từ đó đến nay, lợi nhuận mỗi năm tăng từ 200 triệu USD lên hơn 400 triệu USD.

=====================================

Đội ngũ nhà báo hùng mạnh

Trong vòng xoáy thời sự của một thế giới phức tạp, CNN luôn được trang bị đầy đủ với hàng loạt các chương trình và đội ngũ nhà báo hùng mạnh nhất trong lịch sử.

Các chương trình như American Morning, Inside Politics của Judy Woodruff, Crossfire, Wolf Blitzer Reports, Lou Dobbs Tonight, Anderson Cooper 360o, Paula Zahn Now, Larry King Live và NewsNight của Aaron Brown được biết đến về chất lượng chương trình và thu hút được một lượng khán giả đông đảo. Các chương trình đều có những nét riêng biệt nhưng mỗi chương trình là một yếu tố quan trọng trong việc CNN kết nối mọi người với những sự kiện đang diễn ra.

Kiếm tiền bằng tin tức

Hiện nay, CNN đã trở thành nhà cung cấp tin tức cho hơn 200 đài phát thanh và truyền hình trên thế giới, "dưới trướng" của CNN cũng có tới hơn 600 đài truyền hình trực thuộc.
CNN đã khéo léo biến tin tức thành những sản phẩm khác nhau rồi kinh doanh nguồn tin tức đó trên toàn thế giới.
Mỗi năm CNN đã thu về hàng tỷ USD từ tin tức, ngoài doanh thu khổng lồ từ quảng cáo, đủ thấy CNN đã thịnh vượng lên nhờ tin tức như thế nào.

Hàng tỷ người xem truyền hình CNN

Lúc đầu, CNN chỉ có 225 nhân viên, có số vốn là 20 triệu USD. 16 năm sau, Ted Turner bán CNN cho tập đoàn truyền thông Time Warner với giá 7,4 tỷ USD.
Nếu như năm 1980, chỉ có khoảng 1,7 triệu người Mỹ xem chương trình phát sóng đầu tiên của CNN, thì 31 năm sau, CNN có thể được xem ở gần như khắp nơi trên thế giới.
Ước tính bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng có hơn 1 tỷ người đang xem truyền hình CNN.


Ngọc Thùy (tổng hợp)

KHA
02-11-2011, 03:52 PM
Đọc và nhìn qua Vờ Tờ Vờ - ÔI...

Hei
02-11-2011, 09:12 PM
=)) vậy mà anh cũng so được =))