PDA

View Full Version : Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda: Ít nói để sống lâu



Kasumi
26-11-2011, 01:20 AM
Ít nói để sống lâu - phương châm nhân thọ này xem ra có vẻ phù hợp với người ngồi trên chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản, được Thủ tướng Yoshihiko Noda áp dụng kể từ khi lên nắm quyền cách đây 2 tháng. Có thể còn sớm để xem ông Noda có “thọ” hơn các vị tiền nhiệm của mình hay không, nhưng việc ông ít nói chuyện với báo chí đang là “đề tài nóng” trong chính trường Nhật hiện nay.

Hình ảnh thường thấy mỗi ngày làm việc ở hành lang Chính phủ Nhật Bản là khi Thủ tướng Yoshihiko Noda sải bước đi thật nhanh về phòng làm việc, bám theo sau ông là một đội quân báo chí khoảng trên dưới 50 người. Họ ném theo sau ông hàng loạt câu hỏi, ồn ào và huyên náo, hy vọng ông sẽ tạm dừng bước để trả lời vài câu. Nhưng Noda không dừng bước.

Đó đã là chuyện thường ngày ở Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản. Nhưng không phải ông Noda hoàn toàn "tuyệt giao" với báo chí. Chỉ là ông muốn hạn chế bớt những cuộc tiếp xúc, tiết kiệm bớt lời nói, đúng như câu châm ngôn về nhân thọ của triết lý phương Đông là "ít nói để sống lâu".

Các tờ báo lớn ở Nhật Bản đều cho rằng Noda đang theo đường lối "an toàn trên hết" trong công việc hàng ngày trên cương vị Thủ tướng. Ông đã hủy bỏ các cuộc làm việc hàng ngày hoặc cách 2 ngày một lần với báo chí mà những người tiền nhiệm thường phải tuân thủ rất nghiêm ngặt. Nhưng thỉnh thoảng ông vẫn tổ chức các cuộc họp báo để thông tin cho báo chí về một số vấn đề quan tâm.

Những người thân cận với Thủ tướng Noda cho biết, ông chuộng cách làm việc "âm thầm lặng lẽ", bên trong hậu trường hơn là hàng ngày cứ chường mặt ra giải thích này nọ với báo chí về những vấn đề chưa có kết luận xác đáng.


http://www.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/hoabt2/7_thu1111-450.jpg
Thủ tướng Nhật bên hành lang Hội nghị G-20 tại Pháp.

Các trợ lý của Noda cho biết, ông chỉ phát biểu với báo chí khi ông có chuyện để nói. "Liệu có thật sự ý nghĩa gì không khi mà vị thủ tướng ngày nào cũng tiếp xúc với báo chí?" - một phụ tá của Thủ tướng Noda đặt vấn đề. Theo vị này, làm như thế hại nhiều hơn lợi. Chả trách các vị tiền nhiệm và bộ sậu nội các của họ cứ liên tục mắc sai sót và bị báo chí quất cho tơi tả.

Không những thế, ông Noda còn đang cố gắng xây dựng sự đoàn kết nội bộ đảng. Đảng Dân chủ Nhật Bản đang chia rẽ sâu sắc do những vấn đề nảy sinh dưới thời ông Naoto Kan, chẳng hạn như tranh cãi quanh việc có nên tham gia Hiệp ước Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, vì việc này có thể đe dọa ngành nông nghiệp kỹ thuật cao của Nhật Bản. Về vấn đề này, báo chí Nhật cũng đang bị thiếu thông tin vì Thủ tướng Noda rất ít nói. Ngày 10/11 vừa qua, ông Noda đã tổ chức một cuộc họp báo và thông báo chính thức về việc tạm hoãn ký kết thỏa thuận gia nhập TPP vì chưa phải lúc.

Sự xa lánh báo chí của Thủ tướng Noda đã khiến cho một số tờ nhật báo lớn của Nhật Bản không hài lòng, và họ đã cùng nhau ký một đơn thỉnh nguyện gửi lên Văn phòng Thủ tướng Noda, yêu cầu ông hãy cởi mở hơn, dễ tiếp xúc hơn.

Các báo bình luận rằng, việc ông Noda chọn phương án "an toàn trên hết" cho thấy ông đang cố gắng phá vỡ thông lệ thay đổi thủ tướng liên tục trong thời gian qua (5 năm, 6 thủ tướng). Sự thận trọng của ông Noda có phần nguyên nhân từ các cơ quan báo chí. Trong 5 vị thủ tướng tiền nhiệm của ông Noda, hầu như vị nào cũng mắc phải 1 trong 3 yếu tố dẫn đến mất chức: quan hệ với báo chí. Khi thủ tướng làm được việc, báo chí chính là kênh quảng bá hiệu quả, có thể tạo nên tỉ lệ ủng hộ rất cao cho thủ tướng, nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ nào đó, như nói lỡ lời chẳng hạn, thủ tướng cũng có thể phải từ chức vì không chịu nổi sức ép do báo chí tạo ra.

Kể từ thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, Nhật Bản hình thành những câu lạc bộ báo chí. Ông Koizumi vốn là người giỏi giao tiếp, khéo ăn khéo nói, cho nên báo chí đã được ông vận dụng theo hướng có lợi cho mình, nhờ đó ông trở thành một trong những vị Thủ tướng Nhật Bản tại vị lâu nhất. Nhưng những người đi sau ông Koizumi, không vị nào vượt quá thời gian 1 năm cầm quyền. Tất cả họ đều gặp chung vấn đề là báo chí.

Đất nước Nhật Bản có nhiều tờ báo lớn, trong đó có 5 tờ báo hàng đầu thế giới, ảnh hưởng của báo chí đối với chính trị là điều không thể chối cãi, và sự ảnh hưởng đó hiện cũng còn rất mạnh, sự thận trọng của Thủ tướng Noda là điều cần thiết. Ông Noda đã khai mở một chiến lược quan hệ báo chí mới mà có lẽ các thủ tướng kế vị ông sau này sẽ phải học hỏi


Tiểu Bảo (Tổng hợp)
CAND