PDA

View Full Version : [Kiến trúc] Các kiểu khách sạn tại Nhật



Kasumi
27-11-2011, 05:54 PM
Ryokan

Ryokan là kiểu nhà trọ truyền thống của Nhật Bản. Okami là người chịu trách nhiệm chính tại ryokan, từ đón khách đến quản lý mọi hoạt động lớn nhỏ hàng ngày. Vị trí này mang tính kế thừa, mẹ truyền cho con gái hoặc con dâu.

Các gian phòng ở ryokan được lót bằng chiếu tatami, giữa phòng là một chiếc bàn thấp, xung quanh bàn đặt những chiếc ghế không có chân, trên ghế trải đệm zabuton.

Theo tập quán của người Nhật, mọi người đi chân không tại khu vực trải chiếu tatami, do đó, trước khi bước vào phòng khách phải bỏ dép ở bên ngoài.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/ryokan2.jpg
Một gian phòng ở ryokan

Trong phòng được thiết kế một khu vực đặc biệt gọi là Tokonoma. Người Nhật dùng nó làm nơi trang trí cho căn phòng, thường thì họ treo ở đó một bức tranh giấy cuộn bên cạnh 1 bình hoa cắm theo kiểu ike-bana hay một số vật trang trí khác. Tokonoma là 1 trong 4 nhân tố quan trọng tạo nên một căn phòng truyền thống Nhật Bản. Giờ mở cửa đón khách phổ biến ở các ryokan là 3 giờ chiều.

Các ryokan thường chuẩn bị sẵn cho khách khăn tắm và những bộ yukata phù hợp với người mặc. Yukata là một dạng kimono của người Nhật nhưng đơn giản và gọn nhẹ hơn, nó thường được làm bằng vải cotton bình thường. Yukata thường được sử dụng vào mùa hè, trong tiết trời oi bức, nó được bắt nguồn từ trang phục sử dụng trong lúc tắm và được phổ biến rộng rãi đến tận ngày nay.

Sau khi khoác trên mình bộ yukata, khách có thể thư giãn bằng cách ra khỏi phòng và tản bộ trong khu vườn của ryokan. Tại các ryokan rộng lớn lúc nào cũng có một khu vườn xinh đẹp được thiết kế với những luống hoa, cây cối và hồ nước. Đây là nơi để du khách chìm đắm trong không gian thư thái, yên bình của tự nhiên.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/ryokan.jpg
http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/ryokan1.jpg
Khu vườn xinh đẹp trong các ryokan

Kết thúc buổi đi dạo ngoài vườn, khách sẽ đi tắm trước khi dùng bữa tối. Thưởng thức cảm giác trong lúc tắm là một trong những điều thú vị nhất tại ryokan. Phòng tắm tại ryokan được thiết kế theo kiểu nhà tắm công cộng với bồn nước rộng lớn. Đây là cách tắm và thư giãn hàng ngày được nhiều người Nhật ưa chuộng. Nếu trọ tại các ryokan gần suối nước nóng, khách sẽ có cơ hội tắm suối nước nóng ngoài trời. Dù ở hình thức nào, nhà tắm ở ryokan cũng là nơi khách trọ rất thích bởi lẽ nó giúp họ loại bỏ những mệt nhọc trong suốt cuộc hành trình.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/983711.jpg
Hồ tắm suối nước nóng ngoài trời

Trú ngụ tại ryokan, khách có cơ hội được thưởng thức những bữa ăn theo thực đơn truyền thống washoku hay còn gọi là món ăn Nhật Bản. Có một điều đặc biệt là khách không được tự lựa chọn thực đơn tại ryokan. Tuy nhiên, washoku luôn làm họ hài lòng vì mỗi món ăn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Từ rau củ đến món shasimi đắt tiền, tất cả đều được làm từ nguồn nguyên liệu chất lượng, chế biến công phu, bày trí đẹp mắt và hợp khẩu vị.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/washoku.jpg
Mỗi món ăn trong washoku là một tác phẩm nghệ thuật thực sự

Sau bữa ăn tối cũng là lúc, Okami và người phụ việc dọn phòng ngủ cho khách. Tại ryokan, khách không ngủ trên giường như những khách sạn kiểu phương Tây mà thay vào đó là phòng ngủ washitsu với nệm futon được trải trên sàn nhá lót chiếu tatami.

Shukubo

Núi Koya ở tỉnh Wakayama là trung tâm của “Phật giáo Chân ngôn” tại Nhật Bản. Mỗi ngày có đến hàng trăm tín đồ hành hương đến cúng bái tại các ngôi chùa nơi đây. Để phục vụ cho những người hành hương từ phương xa đến, các ngôi chùa trong vùng đã thành lập những khu nhà nghỉ truyền thống.

Gần đây, du khách người nước ngoài, đặc biệt là khách phương Tây, rất thích thú với dịch vụ tham quan đền chùa và nghỉ qua đêm tại các nhà trọ trong chùa hay còn gọi là Shukubo ở Nhật.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/regejoin.jpg
http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/regenjoin.jpg
Các gian phòng shukubo

Khu nhà nghỉ shukubo của chùa Rengejoin có lịch sử tồn tại trên 800 năm ở núi Koya. Các gian phòng shukubo được thiết kế theo kiểu truyền thống với chiếu tatami, bàn thấp, ghế lót đệm zabuton, có cả tivi để giải trí. Ngày nay, ai cũng có thể nghỉ tại shukubo. Vào mỗi buổi sáng và tối, khách trọ có thể tham gia thiền định tại buổi lễ do các vị sư trong chùa chủ trì.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/desayuno.jpg
Khách trọ tham gia bữa chay với nhà chùa

Một trong những điều thú vị đối với khách trọ tại shukubo là thực đơn phục vụ trong các bữa ăn. Đó là những món rất đạm bạc phù hợp với tinh thần Phật giáo. Thịt, cá và trứng hoàn toàn không được sử dụng trong các món ăn này. Người Nhật gọi phong cách ẩm thực này là Shojin ryori, tức món ăn chay trong đền chùa. Trong các bữa ăn tại shukubo, người phương Tây cũng sử dụng đũa giống như người Nhật. Sau mỗi bữa ăn, du khách được nghe người hướng dẫn giới thiệu về Phật giáo Nhật Bản cũng như những phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt và văn hóa của xứ sở này.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/shojin-ryori.jpg
Shojin ryori mùa xuân

http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/Shojin_muaha.jpg
Shojin ryori mùa hạ

http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/Shojin.jpg
Shojin ryori mùa thu

http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/sIdUFw.jpg
Shojin ryori mùa đông

Khách sạn con nhộng

Khách sạn con nhộng là một kiểu nhà nghỉ đặc biệt của nước Nhật được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Loại khách sạn này xuất hiện rất nhiều tại Tokyo.

Bên trong khách sạn con nhộng là những dãy phòng nhỏ 2 tầng. Diện tích của mỗi phòng chỉ đủ chỗ cho 1 người nằm ngủ. Nhìn bề ngoài, nó giống như một cái máy giặt. Chiều ngang và cao của mỗi phòng chỉ 1 mét, chiều dài 2 mét, vách được làm bằng nhựa. Căn phòng không có cửa mà chỉ có màn che. Bên trong mỗi căn phòng được trang bị một chiếc tivi, ngoài ra còn có radio để khách giải trí. Một điểm rất thuận tiện cho khách đến trọ tại khách sạn con nhộng là chúng mở cửa suốt 24 giờ mỗi ngày.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/010_capsule-hotel.jpg
http://thvl.vn/wp-content/uploads/2010/10/capsule.jpg
Khách sạn con nhộng

Khách sạn con nhộng là nơi dừng chân ưa thích của những nam nhân viên làm công ăn lương. Thường thì họ chọn nghỉ đêm ở đây sau 1 ngày dài làm việc vất vả mà lại trễ chuyến tàu cuối về nhà. Ngoài ra, đây cũng là nơi cư ngụ rẻ tiền dành cho những người thất nghiệp không có đủ khả năng thuê nhà.

Khách sạn con nhộng được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1970 tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế tổ chức ở thành phố Osaka. Tại đây, nó được biết đến như là một kiểu nhà ở tương lai với tên gọi: nơi cư ngụ hình nhộng. Người thiết kế mô hình này là kiến trúc sư hàng đầu Nhật Bản, ông Kuro-kawa Kisho. 2 năm sau đó, ông cho ra đời tòa nhà mang tên Tháp Con nhộng Nakagin tọa lạc ngay thủ đô Tokyo. Công trình này là khu phức hợp văn phòng và nhà ở. Bên trong tòa nhà có 140 căn phòng nhỏ, diện tích mỗi phòng chỉ khoảng 18 met vuông với chức năng là phòng ở hoặc gian phòng làm việc. Các căn phòng nhộng này có thể được kết nối và phối hợp với nhau để tạo nên không gian lớn hơn. Đến năm 1979, khách sạn con nhộng đầu tiên trên thế giới chính thức được khánh thành tại Osaka.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của đa dạng khách hàng, khách sạn con nhộng dành cho nữ cũng bắt đầu xuất hiện. Xuất phát từ nhu cầu có một chỗ ngủ qua đêm khi lỡ tàu của cánh nam giới, khách sạn con nhộng dần thay đổi để trở thành nơi trú ngụ lâu dài cho những nạn nhân của tình trạng suy thoái kinh tế và là nơi nghỉ ngơi an toàn của nữ giới.

Khách sạn tình yêu

Một kiểu khách sạn độc đáo khác cũng bùng nổ tại Nhật Bản trong những năm gần đây là khách sạn tình yêu. Đối tượng khách của những khách sạn dạng này là những đôi lứa yêu nhau hoặc những cặp vợ chồng. Khách sạn tình yêu không mở cửa suốt ngày mà chỉ hoạt động theo thời gian qui định. Mục đích của khách sạn tình yêu là nhằm đáp ứng nhu cầu mang tính riêng tư tại 1 quốc gia có mật độ dân số đông đúc khiến các đôi tình nhân và ngay cả những cặp vợ chồng ít có không gian dành cho nhau.


http://www.hotelchatter.com/files/9106/chapelchristmas.jpg

Từ kiểu nhà trọ ryokan đậm bản sắc Nhật đến những kiểu khách sạn hiện đại đáp ứng nhu cầu của xã hội phát triển, lịch sử của ngành công nghiệp kinh doanh khách sạn tại Nhật Bản đã thay đổi không ngừng.

Honjin


http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/e/ea/Kusatsu-juku_honjin.jpg/320px-Kusatsu-juku_honjin.jpg

Thị trấn Narai-juku là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đặt chân tới tỉnh Nagano. Vào thời Edo, khoảng thế kỉ XVII, Nhật Bản nằm dưới sự cai quản của chính quyền Mạc phủ. Theo qui định của chính quyền trung ương lúc bấy giờ, lãnh chúa các địa phương cứ cách 1 năm lại về kinh thành Edo 1 lần để chầu Tướng quân – người đứng đầu Mạc phủ. Thị trấn Narai nằm ở vị trí đắc địa của tuyến di chuyển này, do đó, nhiều nhà trọ mọc lên để đáp ứng nhu cầu ở lại dọc đường của các đoàn người. Hiện nay, những căn nhà đó, được gọi là Honjin, vẫn còn tồn tại ở Narai-juku. Chúng được xây dựng rất đẹp và tiện lợi.

Hatago

Đến giữa thời Edo, thương mại Nhật Bản phát triển hưng thịnh, người dân có những chuyến lữ hành dài ngày. Các chuyến đi này thường nhằm mục đích hành hương, buôn bán hoặc du lịch. Thần cung Ise thuộc tỉnh Mie là điểm đến nổi tiếng của những người hành hương lúc bấy giờ. Đông đảo dân chúng đã đến đây để lễ bái tại quần thể đền thờ Thần Đạo nằm giữa khu rừng thiêng này.


http://www.welovesnow.com/eng/images/hotel_images/hatago-isen-yuzawa-photographs/hatago-isen-yuzawa-square.jpg

Trước nhu cầu tá túc qua đêm của lượng người hành hương đông đảo, nhà trọ với tên gọi hatago nhanh chóng mọc lên khắp nơi. Hatago là hình thức sơ khai của nhà trọ ryokan sau này.

Sự phục vụ tận tình, thái độ phục vụ luôn xem khách là thượng đế ở các ryokan đã tạo ấn tượng đẹp đẽ của du khách lần đầu tiên đến Nhật. Điều này đã góp phần giúp Nhật Bản trở thành một trong những thiên đường du lịch của Châu Á.

Thanh Tâm
THVL