PDA

View Full Version : Okamoto Taro – họa sĩ tiên phong thế kỷ XX của Nhật Bản



Kasumi
07-12-2011, 12:54 AM
Okamoto Taro là họa sĩ nổi tiếng và là nhà mỹ thuật tiên phong của nền hội họa hiện đại Nhật Bản vào thế kỷ XX. Với hai khẩu hiệu tự đề xướng “Nghệ thuật là sự bùng nổ” và “Nghệ thuật là ma thuật”, Okamoto Taro đã cho ra đời những tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/TAR_OK1.jpg
Họa sĩ Okamoto Taro

Trong 84 năm cuộc đời, họa sĩ Taro đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có Chiến tranh Thế giới thứ II. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng sáng tác của ông. Bên cạnh những bức tranh nổi tiếng, Okamoto Taro còn là tác giả của công trình mang tên “Tháp Mặt trời” – ngọn tháp cao 70 m được xây dựng vào năm 1970 nhân dịp Nhật Bản tổ chức Hội chợ Quốc tế Expo’70. Ngọn tháp khổng lồ này đã được Uỷ ban Văn hóa Nhật Bản đưa vào danh sách 100 tác phẩm nghệ thuật đại chúng xuất sắc nhất.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/taro1.jpg
Tháp Mặt trời được xếp vào danh sách 100 tác phẩm nghệ thuật đại chúng xuất sắc nhất

Okamoto Taro sinh ngày 26/02/1911 tại thành phố Kawa-saki thuộc tỉnh Kana-gawa. Cha mẹ ông đều là những nhà nghệ thuật nổi tiếng. Cha của ông là họa sĩ vẽ truyện tranh Ippei Okamoto – một trong những họa sĩ truyện tranh Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách sáng tác phương Tây. Mẹ của ông, bà Kanoko Okamoto là nhà thơ, tiểu thuyết gia và cũng là một học giả nghiên cứu về Phật giáo được nhiều người biết đến.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật cùng với năng khiếu vẽ tranh bẩm sinh nên ngay từ nhỏ, Taro đã được cha mẹ hướng đến con đường hội họa. Bức tranh “Nỗi đau đớn sau khi trò chơi thất bại” do Taro sáng tác vào năm 14 tuổi được đánh giá là sự khởi đầu đầy hứa hẹn của một tài năng mỹ thuật Nhật Bản tương lai.

Năm 18 tuổi, Taro cùng cha mẹ đến một số nước châu Âu để bà Kanoko Okamoto có dịp nghiên cứu về văn chương. Đây cũng là cơ hội để Taro tiếp xúc với những danh họa tại cái nôi nghệ thuật Paris.

Tại Paris, Taro đã gặp gỡ nhiều nhân vật danh tiếng trong làng nghệ thuật lúc bấy giờ. Một trong số đó có danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso – người sáng lập nên trường phái lập thể trong hội họa và điêu khắc.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/canhtaythuongtich1.jpg
"Cánh tay thương tích" – tác phẩm đánh dấu sự gia nhập của Taro vào thế giới hội họa trừu tượng

Sau 6 năm sinh sống và học tập tại Paris, Taro đã cho ra đời bức tranh mang tên “Cánh tay thương tích”. Bức tranh vẽ một người chỉ có cánh tay phải và gương mặt được thay bằng chiếc nơ màu đỏ. Trên cánh tay quấn sợi dây ruy-băng trong khi bàn tay nắm chặt đầu dây thể hiện sự chịu đựng. Bức tranh được vẽ theo trường phái trừu tượng, trong đó mượn hình ảnh của cánh tay và chiếc nơ đỏ để lột tả ý chí của con người vượt qua nỗi đau.

Với tác phẩm này, Taro đánh dấu sự gia nhập của ông vào thế giới hội họa trừu tượng. Giới phê bình nghệ thuật tại Pháp lúc bấy giờ cũng đánh giá rất cao tác phẩm “Cánh tay thương tích” của ông. Họ gọi đó là sự giải phóng những tư tưởng truyền thống bó buộc của phương Đông để hòa vào dòng chảy tự do của nghệ thuật phương Tây.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ II nổ ra, Taro rời khỏi thủ đô Paris trở về Nhật Bản. Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nhật Bản bại trận và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm sáng tác sung mãn nhất của Taro Okamoto. Chủ đề trong các tác phẩm của ông gắn liền với những chuyển biến kinh tế – xã hội Nhật Bản giai đoạn này.

Năm 1949, Taro cho ra đời tác phẩm “Công nghiệp nặng”. Bức tranh vẽ hình ảnh máy móc và những con người quay cuồng bên guồng máy công nghiệp đó. Tác phẩm phản ánh nền kinh tế Nhật Bản đang dần ổn định và phát triển mạnh mẽ giai đoạn sau chiến tranh.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/HeavyIndustry.jpg
Tác phẩm “Công nghiệp nặng” phản ánh nền kinh tế Nhật Bản đang dần ổn định và phát triển mạnh mẽ giai đoạn sau chiến tranh

Một bức tranh nổi bật khác của Taro có tên gọi “Luật rừng” được họa sĩ sáng tác vào năm ông 39 tuổi. Tác phẩm thể hiện quang cảnh rừng rậm, tâm điểm là con quái vật màu đỏ khổng lồ khiến các loài thú khác khiếp sợ. Con quái vật tượng trưng cho sức mạnh của đồng tiền. Bức tranh sơn dầu của Taro được đánh giá là rất thành công khi ông lột tả vẻ đau đớn của con vật đang oằn mình dưới nanh vuốt của quái thú. Taro đã mượn hình ảnh biểu trưng này để nói lên sự khắc nghiệt của qui luật cuộc sống – kẻ yếu luôn bị ức hiếp.

Theo quan niệm của Taro, sức mạnh của đồng tiền hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Tiền có thể khiến cuộc sống con người thoải mái hơn nhưng nó cũng là nguồn gốc phát sinh nhiều tội lỗi. Tác phẩm “Luật rừng” đã chính thức khẳng định vị thế của họa sĩ Taro Okamoto trong nền hội họa hiện đại Nhật Bản thế kỉ XX.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/luatrung.jpg
Tác phẩm “Luật rừng” đã chính thức khẳng định vị thế của họa sĩ Taro Okamoto trong nền hội họa hiện đại Nhật Bản thế kỉ XX

Năm 1951, Taro ở vào độ tuổi 40. Đây là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ tài năng này. Mọi việc bắt nguồn từ chuyến thăm của ông đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Trong chuyến đi này, Taro bị hấp dẫn bởi những di vật bằng đất nung có từ thời tiền sử Jomon.

Bên cạnh các vật dụng dùng trong sinh hoạt hoặc trang trí, người Nhật cổ đại còn tạo ra những tác phẩm hình người bằng đất nung, trong đó, phổ biến nhất là chủ đề về người phụ nữ. Điều này chứng tỏ rằng, vai trò của nữ giới rất được chú trọng trong xã hội Nhật Bản cổ xưa. Taro đã xin phép Ban quản lý Bảo tàng Quốc gia Tokyo cho ông chụp lại hình ảnh của những cổ vật thời Jomon. Văn hóa thời kỳ Jomon đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác sau này của Taro. Ông cho rằng, văn hóa Jomon, vốn nổi bật với nghệ thuật tạo hình nổi trên đồ gốm, là một trong những nền văn hóa đáng tự hào của khu vực châu Á.

Niềm say mê đối với văn hóa Jomon đã thôi thúc Taro Okamoto đi đến những vùng xa xôi hẻo lánh của Tohoku và Okinawa để tìm kiếm những gì liên quan đến thời tiền sử này. Ở mỗi nơi đặt chân đến, ông đều ghi lại hình ảnh sinh hoạt, hội hè và phong tục của người dân địa phương.

Tỉnh Iwate thuộc vùng Tohoku là nơi gây nhiều ấn tượng nhất cho họa sĩ Taro. Cư dân trong vùng vẫn duy trì những giá trị văn hóa truyền thống có từ thời cổ xưa, trong đó có điệu múa dân gian Shishi Odori. Người thực hiện điệu múa này mang mặt nạ trang trí như đầu con nai với cặp sừng nhọn.

“Shishi Odori tạo cho tôi cảm giác giữa con người và loài vật không có khoảng cách, hai đối tượng như một thể thống nhất. Điệu múa thể hiện quan niệm xem trọng tính hòa hợp giữa con người và tự nhiên. Người xưa xem loài nai là con vật có lợi cho nông nghiệp, nó giúp người nông dân xua đuổi côn trùng gây hại”, Taro ghi lại.

Bên cạnh điệu múa Shishi Odori, Taro rất hào hứng với lễ hội kéo cây độc đáo được lưu truyền từ thời Jomon. Lễ hội có tên Onbashira sai, được tổ chức 6 năm 1 lần ở đền thờ Thần đạo Suwa của tỉnh Nagano. Lễ hội có lượng người tham gia rất đông, nhiều lúc lên đến hơn 200.000 người, gồm cư dân địa phương và cả những người ở nơi khác đến. Mọi người có nhiệm vụ vận chuyển một khúc gỗ khổng lồ từ trong rừng về đền thờ Suwa để dựng cột trước cổng đền. Những người trực tiếp thực hiện nghi thức chuyển gỗ đều là nam giới, nhiệm vụ của họ là dùng sức người kéo khối gỗ nặng khoảng 10 tấn, dài 80 mét trên đoạn đường nhiều đồi dốc về đến đền thờ.

Những trải nghiệm thực tiễn mà Taro có được trong quá trình tiếp cận nền văn hóa Jomon đã ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của nhà nghệ thuật này. Năm 1952, ông bắt đầu lấn sân vào lĩnh vực điêu khắc. Hầu hết các tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ thời Jomon của Taro đều được đánh giá có tính nghệ thuật cao và ý tưởng mới lạ.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/bonshou.jpg
http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/temple-bell.jpg
"Chuông chùa hoan hỉ" mang sự sáng tạo mới mẻ vào truyền thống cổ xưa

Taro đã mang sự sáng tạo mới mẻ vào truyền thống cổ xưa. Một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo này là chiếc chuông đồng hình thù kỳ dị có tên gọi “Chuông chùa hoan hỉ”, thể hiện sự hân hoan của con người và vạn vật trong vũ trụ. Trên chuông, Taro trang trí nhiều sừng thú và chạm khắc hình ảnh con người đang trong tư thế bay bổng. Ông dành tặng chiếc chuông này cho một ngôi chùa ở Nhật Bản.

“Chuông chùa hoan hỉ” được hoàn tất vào năm 1981 và Taro là người gióng lên hồi chuông đầu tiên. Đây cũng là thời điểm Taro đưa ra khẩu hiệu “Nghệ thuật là ma thuật”. Khẩu hiệu này trở nên rất nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của Taro cho đến tận ngày nay.

Năm 1970, thành phố Osaka của Nhật Bản vinh dự trở thành nơi tổ chức Hội chợ Triển lãm Quốc tế Expo Osaka 1970. Đây là hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên tại Nhật Bản và cũng là cơ hội để nước Nhật chứng tỏ nền kinh tế của họ đã vươn dậy mạnh mẽ chỉ sau 25 năm kết thúc chiến tranh. Biểu tượng cho Expo’70 là ngọn Tháp Mặt trời do Okamoto Taro khởi xướng.

Ngọn tháp là công trình nghệ thuật đồ sộ với chiều cao 70 mét, đường kính phần chân tháp 20 mét.

3 năm trước khi ngọn tháp được xây dựng hoàn tất, Taro đã đệ trình ý tưởng của ông lên ban tổ chức hội chợ Expo’70. Ý tưởng lập tức được chấp nhận bởi nó ẩn chứa những giá trị nhân văn phù hợp với chủ đề của hội chợ là “Sự tiến bộ và hòa hợp của nhân loại”.

Tháp Mặt trời được hình thành dựa trên ý tưởng nghệ thuật của Okamoto Taro kết hợp cùng sự chỉ đạo kỹ thuật của kiến trúc sư hàng đầu Nhật Bản – Kenzo Tange và đội ngũ công nhân, kỹ sư lành nghề. Tháp Mặt trời của Taro không chỉ là biểu tượng quan trọng tại hội chợ triển lãm quốc tế mà còn là hình ảnh đại diện cho kiến trúc nghệ thuật Nhật Bản trước bạn bè thế giới.

Trên ngọn tháp có trang trí ba gương mặt người cách điệu, hai cái nằm ở phía trước và cái còn lại ở phía sau tháp. Ba gương mặt lần lượt đại diện cho quá khứ, hiện tại và tương lai Ngọn tháp đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho khách tham quan hội chợ.

Tháp Mặt trời là điểm tham quan không thể bỏ qua của hơn 64 triệu người đến với Expo’ 1970 – sự kiện được đánh giá là một trong những triển lãm quốc tế lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử. Đến nay, những chi tiết trên ngọn tháp luôn được duy tu bảo dưỡng theo nguyên bản.

Bên trong ngọn tháp, trên vách tường, Taro trang hoàng bằng những hình ảnh mô phỏng vạn vật hình thành nên vũ trụ. Dưới nền đất là các tác phẩm điêu khắc thể hiện những món đồ thời tiền sử, có cả xương người.

Nói về ngọn tháp, Taro quan niệm rằng, hiện tại, quá khứ và tương lai đều nằm trong một thực thể. Điều đó cũng có nghĩa là con người phải chấp nhận tất cả trong cuộc sống để tiếp tục tiến về phía trước. Cho đến nay, hơn 40 năm sau khi hội chợ kết thúc, ngọn tháp vẫn đứng hiên ngang tại Công viên Kỷ niệm Expo ở thị trấn Suita của Osaka.

Bảo tàng Nghệ thuật Taro Okamoto ở thành phố Kawa-saki, trưng bày rất nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc của Taro, trong đó có một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng được ông sáng tác xuất phát từ tình yêu dành cho mẹ – bà Kanoko. Taro đã đặt tên cho tháp là “Tháp của Mẹ”. Tháp cao 30 mét, tượng trưng cho người mẹ đang che chở, nâng đỡ những người con và những người con trong tâm trạng rất vui vẻ vì có được tình yêu thương của mẹ.

Mẹ của Taro qua đời ở tuổi 49 khi bà còn khá trẻ. Đó là sự mất mát to lớn đối với họa sĩ tài năng này, bởi lẽ thời gian ông ở bên mẹ không nhiều và khi bà qua đời, ông đang ở thủ đô Paris. “Tháp của Mẹ” là một món quà mà ông dành tặng cho người mẹ quá cố.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/thapcuame.jpg
Tháp của Mẹ” là món quà mà ông Taro dành tặng cho người mẹ quá cố

Ngày 17/11/2008, một bức tranh tranh khổng lồ của Taro đã được ra mắt công chúng trên bức tường của nhà ga Shibuya ở thủ đô Tokyo. Bức tranh mang tên “Huyền thoại của tương lai”, có chiều dài 30 mét và cao 5,5 mét, là tác phẩm hội họa lớn nhất của Taro.

Bức tranh khắc họa nỗi kinh hoàng của con người và sự hủy diệt khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào năm 1945. Bức tranh được Taro vẽ vào năm 1967 theo đề nghị của một nhà đầu tư bất động sản ở Mexico. Ban đầu, bức tranh được dùng để trang trí tại hành lang của một khách sạn sang trọng tại Mexico, nhưng sau đó, nó bị thất lạc khi khách sạn được bán cho chủ khác. Mãi đến năm 2003, bức tranh được tìm thấy và vào năm 2007, nó được chuyển về Nhật.


http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/huyenthoaituonglai.bmp
http://thvl.vn/wp-content/uploads/2011/06/huyenthoaituonglai1.jpg
Bức tranh mang tên “Huyền thoại của tương lai” được treo trên bức tường của nhà ga Shibuya ở thủ đô Tokyo.

Chính quyền Nhật Bản quyết định treo bức tranh vĩnh viễn tại nhà ga Shibuya cho công chúng thưởng lãm. Nó được xem là tác phẩm đại diện cho nền hội họa hiện đại Nhật Bản và trên hết, đây còn là thông điệp về sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân đối với nhân loại.


Thanh Tâm
THVL

KamiHito
07-12-2011, 01:31 AM
Nhìn mấy bức này ... chắc tại mình mù nghệ thuật , thôi đi ra ...