PDA

View Full Version : Cuộc đời cách cách triều Thanh trở thành mật vụ Nhật Bản



lynkloo
13-01-2012, 11:53 AM
(Phunutoday) - Là con gái yêu của Túc thân vương triều Thanh, cô cách cách thứ 14 Ái Tân Giác La Hiển Dư được cha gửi sang Nhật từ khi mới lên 5 với hy vọng sau này sẽ giúp ông hoàn thành sự nghiệp khôi phục nhà Thanh. Những tưởng dựa vào người Nhật có thể giúp mình hoàn thành tâm nguyện, cô cách cách triều Thanh đã bất chấp tất cả để trở thành Yoshiko - một gián điệp lừng danh của Nhật Bản trước và trong Thế chiến thứ hai…

1. Kawashima Yoshiko sinh năm 1907, vốn có tên thật là Ái Tân Giác La - Hiển Dư, là con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ nhà Thanh.

Từ nhỏ, cô cách cách thứ 14 này tỏ ra là một cô gái rất thông minh, nhanh nhẹn, lại đáng yêu, rất được Túc thân vương yêu thương, chiều chuộng nên ông đã quyết định đặt tên cho cô con gái là Hiển Dư. Chữ “Dư” là chữ Hán do Thiện Kỳ lấy từ đồng âm với từ “mười bốn” trong tiếng Mãn sáng tạo nên, ý nghĩa của nó là “viên đá đẹp giống như viên ngọc”.

Năm 1912, sau khi triều đình nhà Thanh bị lật đổ, Túc thân vương Thiện Kỳ không cam lòng nhìn cơ nghiệp tổ tông tan thành mây khói nên đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm khôi phục lại ngai vàng của dòng họ Ái Tân Giác La.

Một trong những hoạt động quan trọng của Thiện Kỳ chính là gửi toàn bộ con cái của mình ra nước ngoài, hầu hết là sang Nhật Bản. Mục đích của Thiện Kỳ rất rõ ràng, ông ta muốn những đứa con trai, con gái của mình ra nước ngoài tìm những thế lực có thể dựa dẫm được, từ đó giúp ông ta hoàn thành sự nghiệp khôi phục ngai vàng của Đại Thanh.

Mới chỉ 5 tuổi nhưng Ái Tân Giác La Hiển Dư cũng giống như anh chị của mình, mặc trên người bộ kimono, lên thuyền sang Nhật. Túc thân vương gửi cô con gái yêu của mình cho một người bạn Nhật Bản tên là Kawashima Naniwa.


Trước khi lên đường, Thiện Kỳ chỉ nói với Hiển Dư như sau: “Đừng quên, gốc của con ở Trung Quốc, sự nghiệp tổ tiên của con là ở Trung Quốc”. Những lời sâu xa hơn, vị Túc thân vương không dám nói vì sợ rằng, đứa con gái của mình còn quá nhỏ, nói nhiều, cô bé cũng không thể hiểu được.

Sang tới Nhật Bản, nhận Naniwa làm cha nuôi, Hiển Dư đã được Naniwa đặt cho cái tên Nhật Bản là Kawashima Yoshiko. Lúc bấy giờ, Yoshiko mới chỉ 5 - 6 tuổi, tại Trung Quốc chưa được học bất cứ thứ gì, có thể nói cô bé giống như một tờ giấy trắng hoàn toàn.

Naniwa đã vẽ lên tờ giấy trắng ấy tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản, Chủ nghĩa phát xít và hàng loạt những suy nghĩ bạo lực, chuyên chế, tàn bạo… Vì vậy, chỉ vài năm sau đó, cô cách cách sinh ra và lớn lên trong những lễ nghi nghiêm khắc của hoàng gia Thanh triều bắt đầu biến thành một cô gái ngang ngược, ương bướng và hoang dại.

Năm 15 tuổi, Yoshiko vào học tại trường nữ Cao đẳng Matsumoto. Mặc dù đường từ nhà tới trường không xa nhưng Yoshiko kiên quyết đòi cưỡi ngựa đi học. Dù trường học không hề cấm học sinh cưỡi ngựa đi học thế nhưng, Yoshiko thì không chỉ đơn thuần là cưỡi ngựa đến trường mà cô còn coi đó là một trò vui mỗi khi con ngựa của cô làm náo loạn của khu sân trường.

Có lúc, Yoshiko còn dắt ngựa vào tận trong phòng học, thậm chí buộc ngựa ở ngay trên bục giảng của thầy giáo khiến cả lớp học từ thầy tới trò được một phen hoảng loạn.


http://i1186.photobucket.com/albums/z363/lynkloo/japanest/images615075_cach_cach_Phunutodayvn.jpg

Kawashima Yoshiko có tên thật là Ái Tân Giác La - Hiển Dư, là con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ nhà Thanh.


Trường học đã phải gọi Naniwa tới nói chuyện, hy vọng ông ta có thể bảo ban và quản lý cô con gái ngang ngược, coi trời bằng vung này. Naniwa bề ngoài thì gật đầu tiếp thu nhưng khi trở về thì chỉ nói với Yoshiko vài câu cho có lệ rồi thôi. Chính vì vậy, tính cách ngang ngược, hoang dã của Yoshiko dần dần định hình và phát triển.

2. Mười tám tuổi, Yoshiko trở thành một cô gái xinh đẹp tới mức ngay từ cái nhìn đầu tiên, bất cứ chàng trai nào cũng phải yêu mến. Điều này đối với ông bố nuôi Naniwa vừa là một sự cám dỗ lại vừa là một sự uy hiếp. Naniwa sợ rằng đến một ngày nào đó, cô con gái nuôi xinh đẹp Yoshiko sẽ bị người ta cướp mất. Vì thế, mỗi khi ông ta thấy Yoshiko nói chuyện với những người bạn khác giới là ngay tức khắc không trừng mắt dọa nạt cũng lên tiếng giáo huấn.

Tuy nhiên, vào độ tuổi 18, dù cho có bị quản thúc thế nào, một cô gái ngang bướng như Yoshiko cũng sẽ tìm cách để làm bằng được những gì mình thích. Và những điều mà người cha nuôi Naniwa lo lắng cũng đã xuất hiện.

Yoshiko đã gặp và yêu chàng trai đầu tiên trong cuộc đời cô. Chàng thanh niên có tên Moriyama, là một lưu học sinh có ngoại hình khôi ngô, tuấn tú và ngập tràn lý tưởng. Sau một cuộc gặp gỡ tình cờ, Yoshiko nhanh chóng có cảm tình đặc biệt với chàng thanh niên đầy hoài bão và triển vọng này.

Một buổi tối mùa hè, Moriyama đến nhà Yoshiko. Buổi tối hôm đó, Naniwa không có nhà, Yoshiko đã mời Moriyama vào trong phòng khách ngồi. Chẳng mấy khi có không gian riêng tư, Yoshiko và Moriyama được dịp nói chuyện, bàn luận rất sôi nổi. Moriayama nói rất nhiều chuyện mà từ nhỏ tới lớn Yoshiko chưa bao giờ được nghe qua nên cô rất lấy làm thích thú.

Vì vậy, càng nghe, Yoshiko càng thêm ngưỡng mộ Moriyama. Đúng lúc hai người đang say sưa nói chuyện thì người cha nuôi hà khắc Naniwa chẳng biết từ đâu xuất hiện ngay trước mặt hai người. Naniwa trợn mắt nhìn Yoshiko, quát lên: “Đây là chỗ con được phép xuất hiện hay sao?”.

Yoshiko có vẻ không hiểu người cha nuôi của mình cáu giận chuyện gì, hỏi lại rằng: “Chẳng lẽ để khách một mình ngồi đợi ở đây hay sao?” Câu hỏi ngược của Yoshiko càng khiến Naniwa thêm giận dữ.

Người đàn ông gia trưởng xông đến vung tay tát thẳng Yoshiko. Đúng lúc đó, Moriyama đã bước tới, dùng thân hình to lớn của mình che cho Yoshiko.

Điều này đối với cơn giận của Naniwa chỉ như lửa đổ thêm dầu. Naniwa đuổi Moriyama ra khỏi nhà. Sau đó, khi quay trở vào, Naniwa đã nói với Yoshiko rằng: “Khi gửi con tới Nhật Bản, cha của con đã nói, con cuối cùng vẫn phải trở về Trung Quốc. Cả ông ấy lẫn ta đều không hy vọng con ở lại Nhật Bản. Ở Trung Quốc vẫn còn việc cần con làm”.


http://i1186.photobucket.com/albums/z363/lynkloo/japanest/images615077_cach_cach_1_Phunutodayvn.jpg

Yoshiko đã bị cha nuôi hãm hiếp.


Vài ngày sau đó, nhân một hôm Naniwa vắng nhà, Moriyama lại tìm tới nhà Yoshiko và đề nghị Yoshiko cùng mình bỏ trốn, thoát khỏi cuộc sống bị kìm kẹp giống như ác mộng mà cô đang phải chịu đựng. Hai người sẽ tìm tới một nơi xa lạ không ai biết mình, sống một cuộc sống hạnh phúc, chỉ có riêng hai người.

Tuy nhiên, trái với những gì Moriyama mong muốn và dự tính, Yoshiko lạnh lùng từ chối: “Xin thứ lỗi, em không thể đi cùng anh được”. Moriyama còn đang bị bất ngờ, chưa kịp nói lời khuyên nhủ Yoshiko thì Yoshiko hét lớn như mắc chứng cuồng loạn: “Anh đi đi, tôi không muốn nhìn thấy anh nữa!”.

3. Vào đêm ngày 6/10/1925, Naniwa cho gọi Yoshiko tới phòng làm việc của mình, nói rằng có một bức tranh Trung Quốc rất nổi tiếng, muốn cho Yoshiko xem. Sau khi Yoshiko bước vào phòng, Naniwa lập tức khóa cửa lại.

Yoshiko không hề nghĩ rằng hành động vội vàng khóa trái cửa của người cha nuôi có điều gì đó khác thường. Cô gái trẻ chỉ cho rằng, có thể vì bức tranh mà Naniwa muốn cho mình xem quá quý giá nên ông ta mới phải làm như vậy.

Sau khi đã khóa trái cửa, Naniwa mắt không rời khỏi người con gái nuôi của mình.

Yoshiko cảm thấy có chút kỳ quái nhưng không muốn suy nghĩ nhiều, nói: “Cha, cha hãy mang bức tranh quý mà cha muốn cho con xem ra đi!”. Naniwa lúc này mới rời mắt khỏi Yoshiko, rồi bước tới bên chiếc tủ, lấy ra một chiếc hộp bằng gỗ tử đàn được khóa rất kĩ. Yoshiko mở chiếc hộp, lấy bức tranh ra. Đó là một bức tranh sơn thủy rất đẹp từ thời nhà Tống. Yoshiko nhanh chóng bị những đường nét mềm mại của bức tranh cuốn hút, trong khoảnh khắc giống như một kẻ mất hồn.

Đúng lúc đó thì Naniwa nhân cơ hội tiến sát về phía Yoshiko, miệng ghé vào tai Yoshiko nói nhỏ: “Con đã nghĩ tới chuyện trọng đại của cuộc đời con chưa?”. Yoshiko chợt giật mình, trong lòng cảm thấy như sắp có chuyện chẳng lành xảy ra, nói: “Chưa, thưa cha. Đối với con, điều đó giờ đây không còn ý nghĩa nữa. Con rất hiểu mục đích con được đưa tới Nhật Bản này”.

Nói xong, Yoshiko quay người lại, chỉ thấy người cha nuôi Nhật Bản của mình đang nhìn mình chăm chăm. Hai con mắt đằng sau cặp kính giống như có một thứ gì đó thiêu đốt. Yoshiko vừa cảm thấy có điều gì bất thường thì đã bị Naniwa lao tới ôm chặt lấy.

“Không, cha, không, xin đừng như vậy” - Yoshiko túm lấy đôi cánh tay rắn như thép của Naniwa, vừa khóc lóc, cầu xin vừa vùng vẫy để thoát ra, tuy nhiên không cách nào thoát khỏi cơn dục vọng đã biến Naniwa trở thành một kẻ hung bạo và thú tính. Cô cách cách triều Thanh lưu lạc trên đất Nhật Bản cuối cùng đã bị chính người cha nuôi của mình cưỡng bức.

Sau chuyện nhục nhã đêm hôm đó, Yoshiko nhiều lần muốn tự sát nhưng không thành công. Cô cũng muốn rời khỏi người cha nuôi thú tính của mình, tuy nhiên, cuối cùng, Yoshiko vẫn ở lại bên Naniwa. Lý do mà Yoshiko ở lại với người cha nuôi của mình là gì thì cho tới nay không ai rõ.

Cuốn nhật ký mà Yoshiko để lại cũng không nói gì về điều này. Chỉ biết, kể từ sau đêm hôm đó, Yoshiko bắt đầu thay những bộ trang phục nữ thành những bộ đồ nam. Trong nhật ký của mình, Yoshiko nói về sự kiện này bằng một câu đầy ẩn ý rằng: “Lúc này, tôi triệt để thanh toán cái phần nữ tính của mình”.

Vì sao Naniwa - một người bạn được Túc thân vương tin tưởng tới mức giao cả con gái mình cho y - cuối cùng lại đang tâm cưỡng bức cô con gái của bạn mình? Naniwa từng nói với Hiến Lập - người anh trai của Yoshiko - rằng: “Túc thân vương cha ngươi là một người có lòng nhân, còn ta là một người có sự dũng cảm.

Chỉ có nhân thì khó mà có được thiên hạ nhưng chỉ có dũng thì cuối cùng cũng vẫn thất bại. Vì vậy, ta nghĩ rằng nếu như có thể đem hai dòng máu nhân và dũng kết hợp lại với nhau, những đứa trẻ sinh ra sẽ có đầy đủ cả trí, nhân và dũng. Đó sẽ là những đứa trẻ làm nên sự nghiệp lẫy lừng”.

Nhiều người cho rằng, chính vì suy nghĩ này, Naniwa đã cưỡng bức Yoshiko với hy vọng sinh ra những đứa con tài năng như ông ta mong muốn. Tuy nhiên, trái với mong muốn của Naniwa, Yoshiko đã không sinh cho ông ta bất cứ đứa con nào và mọi chuyện được giữ kín cho tới tận sau này.

4. Năm 1927, sau khi về nước, Yoshiko được gả cho Ganjuurjab - người Mông Cổ, con trai của tướng quân đội Nội Mông Jengjuurjab. Sau đám cưới, Yoshiko theo chồng chuyển tới sống ở Mông Cổ.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân nhuốm màu sắc chính trị này không duy trì được bao lâu, bởi vì Yoshiko nhanh chóng phát hiện ra rằng Ganjuurjab là một kẻ yếu đuối, không có chí tiến thủ, dựa vào anh ta thì sẽ chẳng có tương lai gì và đương nhiên chẳng giúp gì trong việc hoàn thành di nguyện của cha mình.

Chính vì vậy, chỉ chung sống với người chồng mới cưới chưa được 2 năm thì Yoshiko rời khỏi vùng thảo nguyên Mông Cổ, về Thượng Hải mà không một lời từ biệt.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, quân phiệt Bắc Dương Trương Tác Lâm càng lúc càng trở nên “khó bảo”, chính vì vậy, quân Nhật quyết định thủ tiêu họ Trương. Giữa năm 1928, quân Nhật cho gọi Yoshiko tới và nói với cô toàn bộ kế hoạch, đồng thời hy vọng Yoshiko giúp họ xác định chính xác thời gian Trương Tác Lâm từ Bắc Bình trở về Phụng Thiên.

Vì sao người được lựa chọn lại là Yoshiko? Một mặt, theo cách tính toán của Thiện Kỳ, vùng Đông Bắc và Mông Cổ sau khi độc lập có thể trở thành vùng căn cứ địa để triển khai kế hoạch phục dựng ngai vàng.

Thế nhưng, thế lực của Trương Tác Lâm ở Đông Bắc ngày một bành trướng, một mình Trương Tác Lâm gần như khống chế toàn bộ chính quyền Bắc Dương. Rõ ràng, Trương Tác Lâm trở thành một hòn đá cản đường đối với giấc mộng khôi phục ngai vàng của Thiện Kỳ. Vì vậy, người Nhật cho rằng, Yoshiko và họ có cùng chung lợi ích. Mặt khác, với vẻ ngoài xinh đẹp của mình, Yoshiko có sức tác động nhất định đối với đàn ông, do đó khi hành động sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Sau khi chấp nhận yêu cầu từ phía người Nhật, Yoshiko đã tới xin gặp gỡ với Trương Học Lương - người con trai nổi tiếng của Trương Tác Lâm - để lấy tin tức. Khi đó, Trương Học Lương đang rất bận rộn nên cử một vị phó quan thay mình tiếp Yoshiko.

Với vẻ ngoài xinh đẹp và quyến rũ của mình, Yoshiko đã chinh phục được vị phó quan nọ. Nhờ vậy, Yoshiko nhanh chóng lấy được những thông tin tình báo cần thiết từ vị phó quan này.

Ngày 4/6/1928, sau khi có được những thông tin tình báo từ Yoshiko, quân Quan Đông Nhật Bản đã cho người đặt bom hẹn giờ trên chuyến tàu hỏa từ Bắc Bình về Phụng Thiên của Trương Tác Lâm.

Quả bom phát nổ đã làm Trương Tác Lâm bị thương nặng. Khi đưa được về tới Thẩm Dương thì Trương Tác Lâm đã chết.

Yoshiko đã đóng một vai trò quan trọng trong cái chết của Trương Tác Lâm. Bản thân Yoshiko khi đó đã cho rằng, cô đã thực hiện được một việc làm có ý nghĩa đầu tiên trong việc thực hiện di nguyện của người cha mình.


http://i1186.photobucket.com/albums/z363/lynkloo/japanest/images615078_cach_cach_2_Phunutodayvn.jpg

Yoshiko bị tuyên án tử hình với tội danh phản quốc.


Tuy nhiên, trên thực tế, cái chết của Trương Tác Lâm không giúp vùng Đông Bắc trở thành căn cứ địa khôi phục ngai vàng nhà Thanh mà ngược lại, giúp quân đội Nhật bành trướng thế lực ở nơi đây. Yoshiko thì không hề ý thức được điều đó, và cô công chúa triều Thanh dần lún sâu vào con đường làm gián điệp cho Nhật Bản, chống lại chính những người dân của đất nước mình.

5. Sau sự kiện đánh bom gây ra cái chết của Trương Tác Lâm, danh tiếng của Yoshiko nổi như cồn. Giới truyền thông Nhật Bản tôn xưng cô cách cách Thanh triều là “Mata Hari phương Đông”.

Mata Hari là một nữ gián điệp nổi tiếng của thế kỷ XX với sở trường dùng sắc đẹp và sự quyến rũ của mình để đánh cắp các thông tin tình báo.

Tuy nhiên, Yoshiko lại cảm thấy rất khó chịu đối với những từ ngữ mà báo chí Nhật Bản dành cho mình. Để đẹp lòng Yoshiko, người Nhật Bản đổi lại, gọi cô là “Người đẹp trong bộ đồ nam”.

Sau sự biến 19/8/1931 - ngày nổ ra cuộc xung đột kịch liệt về chính trị và quân sự giữa quân đội Đông Bắc và quân Quan Đông của Nhật Bản, Yoshiko quen biết Doihara Kenji - người đứng đầu cơ quan đặc vụ Thẩm Dương của quân Quan Đông. Sau cuộc gặp gỡ này, Yoshiko được quân Nhật giao cho rất nhiều vai trò và nhiệm vụ quan trọng.

Vào đêm ngày 10/11/1931, Doihara Kenji đã bí mật đưa Hoàng đế Phổ Nghi từ Thiên Tân tới Đại Liên, chuẩn bị cho kế hoạch thành lập Mãn Châu Quốc. Để đánh lạc hướng của dư luận, Doihara Kenji đã phái Yoshiko tới Thượng Hải, kết hợp với thuộc cấp của mình là Tanaka Ryukichi để cùng nhau gây ra những sự cố gây chú ý.

Trên thực tế, từ tháng 10/1930, trong một bữa tiệc tổ chức tại Thượng Hải, cô cách cách triều Thanh 23 tuổi đã gặp vị thiếu tá lục quân 37 tuổi Tanaka và hai người đã rất nhanh chóng trở thành một đôi. Làm thế nào để gây ra những sự việc rắc rối gây được sự chú ý ở Thượng Hải?

Đối với Yoshiko và Tanaka, đây là chuyện không phải khó khăn gì. Yoshiko nói: “Em thấy để gây chuyện rắc rối thì chẳng gì bằng chuyện đổ máu giữa Trung và Nhật. Nếu như chết một vài người nữa thì hiệu quả lại càng tốt hơn”.

Yoshiko quen biết một nhân viên của công ty Tam Hữu ở Thượng Hải tên là Ngô Bình. Yoshiko tới gặp Ngô Bình giả vờ khóc lóc, nói rằng, khi cô tới chùa Diệu Pháp để thắp hương thì bị mấy tên hòa thượng Nhật Bản trêu ghẹo. Nhìn thấy Yoshiko khóc lóc, Ngô Bình nổi lòng nghĩa hiệp, nói: “Tôi sẽ thay cô dạy cho họ một bài học!”.

Theo sử liệu ghi chép, khoảng 4 giờ chiều ngày 18/1/1932, 5 vị hòa thượng Nhật Bản ở chùa Pháp Diệu như thường lệ đi qua trước cổng công ty Tam Hữu. Bỗng nhiên từ đâu xông ra hơn 20 thanh niên Trung Quốc, tay cầm gậy đánh tới tấp 5 hòa thượng Nhật Bản.

Trận tấn công bất ngờ khiến 3 trong số 5 hòa thượng Nhật Bản bị thương nặng. Trong đó, có một người phải đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng đã chết ngay trong bệnh viện.

Ngay sau cái chết của vị hòa thượng Nhật Bản, Yoshiko lập tức tìm tới tổ chức Thanh niên đồng chí hội của những người Nhật Bản tổ chức tại Thượng Hải, nói rằng mình là người thân của vị hòa thượng bị đánh chết kia, rồi vừa khóc lóc vừa yêu cầu những người thanh niên Nhật Bản giúp mình báo thù.

Vì vậy, hơn 30 thanh niên của tổ chức Thanh niên đồng chí hội đã thành lập cái gọi là “Quân đoàn nghĩa dũng China”. Sau khi bố trí mọi thứ chặt chẽ, đêm 24/1, “quân đoàn” này đã tấn công vào công ty Tam Hữu. Hai bên đã diễn ra một trận kịch chiến khiến rất nhiều người chết và bị thương.

Công ty Tam Hữu với hàng ngàn công nhân bên trong đã bị người Nhật Bản phóng hỏa đốt trụi trong trận tấn công này. Cuộc xung đột khiến mối quan hệ giữa Trung và Nhật ngày càng căng thẳng hơn bao giờ hết. Sự chú ý của thế giới từ khu vực Đông Bắc của Trung Quốc cũng bắt đầu chuyển về phía Thượng Hải. Bốn ngày sau đó, sự kiện 28/1 nổ ra.

Quân đội Nhật Bản tổ chức nhiều cuộc tấn công vũ trang tại Thượng Hải, trong đó lớn nhất là cuộc tấn công quân đoàn 18 của Quốc dân đảng. Sau sự kiện này, Nhật Bản gần như khống chế toàn bộ Thượng Hải, uy hiếp nghiêm trọng thủ đô của Trung Quốc lúc bấy giờ là Nam Kinh. Người ta nói rằng, chính Yoshiko là người đã gây ra sự kiện dẫn đến những ảnh hưởng rất xấu đối với Trung Quốc này.

6. Năm 1933, sau khi Mãn Châu Quốc thành lập, người Nhật Bản cũng thành lập một lực lượng quân sự bù nhìn gọi là Mãn Châu Quốc An Quốc quân và phong cho Yoshiko chức vụ Tổng tư lệnh, cùng tham gia trận chiến Nhiệt Hà tác chiến.

Tuy nhiên, An Quốc quân kỉ luật yếu kém, ô hợp, nhanh chóng ta rãn và biến thành thổ phỉ. Yoshiko nhanh chóng thất vọng, bất mãn, nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách quân đội Nhật. Vì vậy, năm 1934, Yoshiko bị người Nhật tống giam.

Hai năm sau, Yoshiko được tha và trở về Thiên Tân, tiếp tục hoạt động gián điệp cho người Nhật. Trong suốt thời gian sau đó, quân Nhật và lực lượng phát xít thắng thế trên toàn thế giới, Trung Quốc nằm dưới ách thống trị của người Nhật. Tuy nhiên, quãng thời gian tung hoành ngang dọc của cô cách cách làm gián điệp cho Nhật nhanh chóng chấm dứt.

Tháng 10/1945, sau khi quân Nhật thất bại, Yoshiko bị Cục Quân thống của Quốc dân đảng bắt tại nhà riêng ở Bắc Bình, đồng thời bị đưa ra tòa xét xử với tội danh Hán gian.

Việc xét xử Yoshiko với tội danh Hán gian gây ra rất nhiều tranh cãi, bởi lẽ Yoshiko sang Nhật từ khi rất nhỏ và có quốc tịch Nhật Bản. Nếu như được công nhận là người Nhật thì tội danh của Yoshiko chỉ là tội phạm chiến tranh và có thể không tới mức phải chịu án tử hình.

Điều đáng tiếc là những giấy tờ chứng minh quốc tịch Nhật của Yoshiko lại bị mất trong trận động đất xảy ra tại Nhật Bản.

Trong thời gian diễn ra phiên tòa, người cha nuôi của Yoshiko là Naniwa lại không đưa ra được giấy tờ chứng minh cô có quốc tịch Nhật, ngược lại, lại để lộ nguồn gốc là con cháu của thân vương nhà Thanh của Yoshiko.

Chính vì vậy, ngày 22/10/1947, Yoshiko bị tuyên án tử hình với tội danh phản quốc. Ngày 25/3/1948, sau khi viết xong di chúc, Yoshiko đã bị chính quyền Quốc dân đảng tử hình. Năm đó, Yoshiko mới 41 tuổi.


Hà Phương

Hei
13-01-2012, 03:11 PM
ợ, cái báo phunutoday lá cải, y như viết tiểu thuyết ấy.

Ai rảnh thì vào đây xem nè:

http://www.baotintuc.vn/133N20101206104117760T0/nhung-cau-hoi-ve-cai-chet-cua-mot-diep-vien-tuyet-sacky-1.htm

Kasumi
22-11-2012, 02:39 PM
Sự thật cái chết của điệp viên lừng danh Kawashima Yoshiko

Kawashima Yoshiko còn có tên là Kim Bích Huy, là nữ gián điệp nổi tiếng của Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc trong thế chiến thứ nhất. Sau khi Nhật thua trận, Yoshiko bị người Trung Quốc bắt và xử tử hình.

Tuy nhiên, sau khi Yoshiko bị xử tử không lâu, người ta bắt đầu đưa ra rất nhiều nghi vấn liên quan tới cái chết của cô, thâm chí có người còn khẳng định Yoshiko chưa bao giờ chết. Cho tới tận ngày nay, cái chết của nữ gián điệp lừng danh Nhật Bản này vẫn còn là đề tài tranh luận của không ít các sử gia…

6 giờ sáng ngày 25/3/1948, Yoshiko đang ngủ trong nhà lao thì bị gọi dậy. Sau đó, cảnh vệ đưa Yoshiko rời khỏi nhà lao. Chỉ đúng một tiếng trước đó, đơn kháng cáo của Yoshiko đã bị bác bỏ.

Ở góc Tây Nam, hai viên cảnh sát của tòa án giữ chặt vai của Yoshiko, ép cô ta quỳ xuống và quay mặt vào tường. Chỉ một lúc sau, một tiếng súng trầm đục vang lên, ngay sau, Yoshiko ngã gục xuống mặt đất, kết thúc cuộc đời của một nữ gián điệp lừng danh.

Cũng một tiếng trước đó, hơn 30 phóng viên của các tờ báo ở Bắc Bình, nơi diễn ra phiên tòa xét xử Yoshiko không quản gió rét tập trung tại cử số 1 nhà lao Bắc Bình. Họ nhận được lời mời của Chính phủ Dân quốc tới đưa tin về vụ tử hình nữ gián điệp Yoshiko.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/slot4/images794869_su_that_cai_chet_diep_vien_Kawashima_ Yoshiko_phunutodayvn_1.jpg
Kawashima Yoshiko còn có tên là Kim Bích Huy, là nữ gián điệp nổi tiếng của Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc trong thế chiến thứ nhất.

Tuy nhiên, dẫu họ có cố gắng thuyết phục ra sao, những viên cảnh sát của nhà lao Bắc Bình vẫn nhất định không cho cánh phóng viên vào. Cách đối xử này hoàn toàn khác với những gì đã xảy ra tại phiên tòa xử Yoshiko trước đây. Lẽ nào việc thi hành án một cách lặng lẽ như vậy là có uẩn khúc gì đó?

Trước khi Yoshiko bị hành quyết khoảng nửa năm, vào tháng 10/1947, Chính phủ Quốc dân công bố cáo trạng đối với Yoshiko. Lúc bấy giờ, chính phủ còn mời tất cả những tờ báo lớn ở Bắc Bình tới đưa tin toàn bộ quá trình thẩm vấn tại phiên tòa.

Thậm chí, họ còn liên hệ với công ty điện ảnh mời họ tới quay hẳn một bộ phim tài liệu. Ngày xét xử, rất nhiều người dân Bắc Bình đã chen lấn vào tòa án nhân dân tối cao Hà Bắc để được tận mắt nhìn thấy nữ gián điệp nổi tiếng của Nhật Bản.

Do ngày hôm đó quá đông người, tình hình lộn xộn, quan tòa buộc phải cho lui ngày xét xử lại. Ngày phiên tòa mở lại, tòa án được đặt ngay ngoài trời, những người dân tới tham gia đông như hội.

Vì sao khi xét xử có thể công khai nhưng đến khi hành hình lại nhất quyết không cho phép các phóng tiếp cận dù đã có lời mời? Cánh phóng viên đợi lâu quá, vừa rét vừa bực mình, dùng chân đá thình thình vào cánh cửa nhà ngục.

Những người dân tò mò tìm tới xem hành hình cũng giúp cánh phóng viên đập cửa. Trong khi đó, bên trong nhà lao, Yoshiko đã bị giải tới pháp trường. Sau khi cánh phóng viên nhiều lần thuyết phục, nài nỉ, thỏa hiệp với nhà tù, phía nhà tù vẫn không đồng ý để hơn 30 phóng viên vào bên trong mà chỉ đồng ý cho 2 phóng viên người Mỹ vào.

Khoảng hơn một giờ sau, thi thể của Yoshiko được đưa ra ngoài. Mọi người lập tức chạy lại vây quanh. Ngay lúc đó đã có người cảm thấy nghi ngờ. Thi thể người phụ nữ được đưa ra ngoài máu me bùn đất đầy mặt, không thể nhìn ra đó chính là Yoshiko.

Nghe nói lúc bấy giờ đội hành hình ở Bắc Bình dùng đạn nổ, bắn từ phía sau lưng tới khi ra trước mặt thì nổ khiến mặt mũi không còn nguyên dạng. Sau đó, một tăng nhân Nhật Bản được cha nuôi của Yoshiko nhờ vả đã tới nhà ngục xin được đưa thi thể của Yoshiko đi hỏa táng.

Một ngày sau khi Yoshiko bị tử hình, các tờ báo lớn ở Bắc Bình bên cạnh việc đưa tin Yoshiko bị hành hình còn đăng cả thư kháng nghị của phóng viên lên chính phủ. Trong thư kháng nghị, cánh phóng viên chỉ trích nhà tù Bắc Bình đã ưu ái phóng viên ngoại mà khinh thường phóng viên nội.

Đồng thời, họ cũng đặt ra những nghi vấn đối với việc vụ tử hình Yoshiko được phía nhà ngục thực hiện một cách lén lén lút lút, không quang minh chính đại: “Vì sao lại làm cho mặt tội phạm be bét như vậy, lại còn trát đầy bùn lên, lẽ nào để khiến người ta không thể nhận ra?”

Có những phóng viên còn để ý chi tiết hơn: “Yoshiko lâu nay luôn đóng giả là nam giới nên thường cắt tóc ngắn. Tai phiên tòa xét xử, hình ảnh của cô ta vẫn y như vậy. Tuy nhiên, thi thể được phía nhà giam đưa ra ngoài tóc lại rất dài, có thể quấn một vòng quanh cổ?”

Hàng loạt những câu hỏi, những thắc mắc liên quan tới vụ tử hình nữ gián điệp Yoshiko đã trở thành đề tài bàn tán của tất cả người dân Bắc Bình.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/slot4/images794870_su_that_cai_chet_diep_vien_Kawashima_ Yoshiko_phunutodayvn_2.jpg
Thi thể của Kawashima Yoshiko sau khi bị xử bắn

Tuy nhiên, hơn một ngày sau, không chỉ phía Chính phủ Dân quốc không hề có bất cứ động tĩnh nào mà tất cả các tờ báo hôm qua còn chỉ trích một cách kịch liệt, moi móc đủ mọi chỉ tiết thì nay im re. Tuyệt nhiên, người ta không thấy có bất cứ một dòng chữ nào xuất hiện trên báo liên quan tới vụ xử tử Yoshiko nữa.

Những mọi chuyện không phải vì thế mà chấm dứt. Bắt đầu từ đây, ở những nơi đầu ngõ cuối hẻm, người ta bắt đầu truyền tai nhau rằng, Yoshiko thực ra chưa chết.

Ngày 1/4/1948, tức là ngày thứ 6 kể từ ngày diễn ra vụ tử hình Yoshiko. Tờ “Kinh thế Nhật báo” của Bắc Bình đột ngột công bố một thông tin vô cùng giật gân. Bài báo đã tường thuật lại một cách chi tiết cuộc gặp giữa phóng viên tờ báo này với Yoshiko.

Bên trong nội dung còn có nhiều đoạn phỏng vấn mà phóng viên đã thực hiện với Yoshiko. Khi bài báo này xuất hiện, vụ tử hình Yoshiko vốn đã mơ mơ hồ hồ càng trở nên bí hiểm.

Ngày 15/10/1947, tại phiên tòa Yoshiko diễn ra ngoài trời, Yoshiko mặc Tây phục, tóc cắt ngắn, rất bình thản trả lời các câu hỏi của tòa án.

Quan tòa cho rằng, Yoshiko không chỉ lấy nhiều thông tin tình báo của Trung Quốc mà còn can dự vào nhiều sự kiện như thành lập Mãn Châu Quốc,… vì vậy đã tuyên mức án tử hình đối với Yoshiko. Tuy nhiên, trước mức án cao nhất ấy, Yoshiko chỉ lạnh lùng nhấn mạnh lại rằng, mình là người Nhật Bản chứ không phải là “Hán gian”.

Thân thế của Yoshiko là một câu chuyện phức tạp. Yoshiko vốn tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, con gái thứ 14 của Túc thân vương Thiện Kỳ nhà Thanh. Yoshiko từ nhỏ đã tỏ ra là một cô bé thông minh lanh lợi, là côn con gái mà Thiện Kỳ yêu thương nhất. Vì thế, năm Yoshiko lên 6 tuổi, Thiện Kỳ quyết định gửi Hiển Dư sang Nhật Bản làm con nuôi của Kawashima Naniwa.

Kawashima Naniwa là người Shinshu, Nhật Bản. Năm 1880, Naniwa thi vào khoa ngoại ngữ của trường Đại học Kyoto. Tới năm 1886, Naniwa sang Thượng Hải, Trung Quốc với nhiệm vụ tìm kiếm thông tin tình báo về biên phòng ở khu vực Hoa Đông Trung Quốc.

Là người tinh thông binh pháp, lại rất giỏi vẽ bản đồ vì thế, những thông tin tình báo mà Naniwa mang về rất được quân Nhật coi trọng. Tới năm 1900, khi 45 tuổi, Naniwa với tư cách là phiên dịch theo liên quân 8 nước tiến vào Bắc Kinh.

Khi liên quân chuẩn bị nã pháo xông vào tử cấm thành thì Naniwa dùng vốn tiếng Trung rất thành thạo của mình dụ hàng quân lính triều Thanh, nhờ vậy, Tử Cấm Thành thoát được trận tàn phá. Thiện Kỳ nghe biết chuyện này, rất thích Naniwa.

Sau khi gặp mặt lần đầu tiên, Thiện Kỳ cảm thấy Naniwa và mình rất tâm đầu ý hợp. Từ đó về sau, Naniwa trở thành một vị khách quý của Túc Vương phủ, có thể tự do ra vào không cần hỏi han.

Tháng 2/1912, Hoàng đế Phổ Nghi bị bức thoái vị, triều Thanh sụp đổ. Trong số 8 vị thân vương phò chính, người trẻ nhất là Túc Vương Thiện Kỳ không thể chấp nhận được chuyện này vì thế từ chối ký vào chiếu thư thoái vị của hoàng đế.

Luôn giương lá cờ “Mãn Mông độc lập”, Naniwa là người cực lực ủng hộ Thiện Kỳ còn Thiện Kỳ vì muốn thực hiện mộng tưởng khôi phục nhà Thanh của mình bèn giao đứa con gái mà mình rất yêu quý cho Naniwa nuôi nấng dạy dỗ, hy vọng có ngày nó sẽ giúp ích cho sự nghiệp “phục quốc” của mình.

Sau đó ít lâu, mới 6 tuổi, Hiển Dư vượt biển sang xứ sở Phù Tang, đồng thời đổi tên theo họ của cha nuôi, trở thành Kawashima Yoshiko.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Naniwa đã đem tư tưởng “Mãn Mông độc lập” nhồi vào đầu Yoshiko. Lúc bấy giờ, ra đình Naniwa là nơi quân phát xít thường xuyên tụ tập, do vậy, ở lâu, tư tưởng chủ nghĩa quân quốc Nhật Bản cũng bắt đầu ngấm vào đầu của Yoshiko.

Năm 1922, Thiện Kỳ qua đời, mới 16 tuổi, Yoshiko lại vượt biển về Trung Quốc. Trong di chúc của mình, Thiện Kỳ dặn dò con gái phải dốc toàn bộ sức lực cho công cuộc phục hồi vương triều Mãn Thanh, trung thành với lý tưởng “Mãn Mông độc lập”.

Sau khi lo tang lễ xong, trở về Nhật Bản, Yoshiko bỗng trở nên trầm ngâm ít nói. Tuy nhiên, điều khủng khiếp nhất với Yoshiko chính là, một năm sau đó, người cha nuôi hơn cô ta 42 tuổi đã cưỡng bức cô. Cùng lúc bị hai cú sốc, Yoshiko từ đó thay đổi hẳn. Cô bắt đầu cắt tóc ngắn, mặc Tây phục giống hệt như đàn ông.

Ngoài ra, Yoshiko còn cố gắng học cưỡi ngựa, bắn súng, lái xe thậm chí là lái máy bay, sau đó còn học tiếng Anh, tiếng Nga và cả tiếng địa phương các vùng của Trung Quốc. Được Naniwa bồi dưỡng, Yoshiko nhanh chóng thành thạo tất cả các kỹ năng để trở thành một gián điệp.

Tại phiên tòa, Yoshiko bám chặt lấy việc Naniwa đã nhận nuôi mình, nhất định nhận mình là người Nhật Bản chứ không phải là người Trung Quốc vì thế, Chính phủ Dân quốc không có quyền xử tội cô ta.

Tuy nhiên, Chính quyền Dân quốc thì lấy lý do rằng, Naniwa chưa bao giờ làm thủ tục chính thức nhận nuôi Yoshiko, vì thế không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh Yoshiko là người Nhật Bản. Cuối cùng, tòa án quyết định xử tội Yoshiko như một người Trung Quốc chứ không phải là người Nhật Bản.

Ngày 15/10/1947, tòa án tuyên án Yoshiko phạm tội “Hán gian” và “gián điệp” với mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, tại thời điểm tòa tuyên án, Yoshiko hoàn toàn không biểu lộ chút tình cảm kinh sợ nào.

Khi cảnh vệ dẫn Yoshiko rời khỏi tòa án, cách gián điệp này còn để lộ một nụ cười mỉm rất bí hiểm. Nụ cười bí hiểm của Yoshiko sau khi bị tuyên án tử hình là rất không bình thường và được rất nhiều người để ý. Khi đó, người ta đã từng bàn tán xôn xao về thái độ của Yoshiko.

Sau khi Yoshiko bị xử tử vài ngày, có một người tên là Lưu Phượng Trinh tới báo án. Lưu Phượng Trinh nói rằng, mẹ ruột của mình mất tích, còn nói, chị gái của mình là Lưu Phượng Linh là thế thân của Yoshiko.

Theo lời kể của Lưu Phượng Trinh thì chị gái của cô ta khi ở trong ngục đã bị bệnh dạ dày rất nặng không còn khả năng trị khỏi. Vì thế, mẹ của cô ta đã mang chị gái cô ta bán lấy 10 nén vàng, biến chị gái của mình trở thành vật thế thân cho một tội phạm bị tuyên án tử hình.

Người ta nói rằng, Lưu Phượng Linh khá giống với Yoshiko, lại biết nói tiếng Nhật và là người con rất hiếu thuận, nói rằng, dẫu sao cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa, chi bằng dùng tính mạng của mình đổi lấy 10 nén bạc cho mẹ an dưỡng tuổi già.

Cai ngục hứa hẹn 10 nén vàng nhưng sau khi sự việc xong xuôi lại chỉ đưa có 4 nén. Mẹ của Lưu Phượng Linh mới đi tìm cai ngục để đòi thì mất tích, tới nay vẫn chưa thấy trở về.

Vụ tử hình Yoshiko càng ngày càng trở nên lớn chuyện, báo chí lẫn người tranh cãi không ngừng, mũi dùi dư luận liên tục chĩa vào Chính phủ Dân quốc. Nếu như những gì đồn đại là có thực thì có thể nói đây là vụ scandal lớn của tư pháp Chính phủ Dân quốc.

Do bị áp lực của dư luận, Chính phủ Quốc dân vội vàng lên báo thanh minh, kiên quyết phủ nhận không có chuyện có người đi cửa sau để phóng thích Yoshiko.

Vị phóng viên của tờ “Kinh thế Nhật báo” cũng vội vàng lên thanh minh, nói rằng, do hôm đó mình bất mãn với cách cư xử của nhà tù nên vào ngày cá tháng tư mới cho đăng bài đó để “đùa một chút”.

Cũng cùng lúc đó, cô gái có tên Lưu Phượng Trinh, sau khi ném “quả bom” thông tin về Yoshiko cũng đã biệt tăm biệt tích trong khi dư luận còn đang tranh cãi không ngớt về thông tin cô ta đưa ra.

Tuy nhiên, những nghi vấn và tranh luận về cái chết của Yoshiko chỉ giống như một cơn bão mạnh thổi qua nhưng sau đó cũng bắt đầu chìm xuống. Khi dân chúng bắt đầu chuyển mối quan tâm của mình vào những vấn đề khác thì vẫn có một bộ phận người dân tin rằng, Yoshiko chưa bao giờ chết.

Đáng nói là những lời đồn về Yoshiko sau đó đều có căn cứ rất chắc chắn. Thầy giáo gia đình của Yoshiko ở Nhật Bản đã đưa ra một suy đoán rằng: “Khi tôi nghe nói rằng, tóc ở tai của người chết rất dày thì tôi lập tức tôi đã đoán rằng đó nhất định không phải Yoshiko mà là thế thân”.

Anh trai của Yoshiko là Kim Hiến Lập trong cuốn hồi ký của mình cũng từng nói: Túc thân vương có lãnh địa ở vùng Đông Bắc gần Mông Cổ. Sau khi Yoshiko bị tử hình không lâu, người trông giữ lãnh địa này từng gọi điện cho ông ta.

Trong cuộc nói chuyện lần đó, người trông giữ lãnh địa này đã ngầm thông báo với ông ta rằng, Yoshiko đã tới nơi an toàn, chuẩn bị xuất cảnh.

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Yoshiko ở trong nơi ẩn nấp của mình ở Bắc Bình không dám ra ngoài, hàng ngày chỉ bật radio lên để nghe ngóng tình hình. Ngày 22/8, Phổ Nghi chuẩn bị lên máy bay chạy tới Nhật Bản thì bị Hồng quân Liên Xô bắt sống.

Yoshiko nghe tin này qua radio đã kinh hoàng khóc lên khóc xuống. Sau đó không lâu, hai tờ bố cáo của Quốc dân Đảng đem lại cho Yoshiko một chút hy vọng. Bố cáo tuyên bố, để cho quân Nhật đã giải giáp và quân đội Mãn Châu Quốc duy trì trị an tại địa phương.

Quả nhiên, ngay ngày hôm sau, người ta thấy quân Nhật và quân đội Mãn Châu Quốc xuất hiện đầy đường phố Bắc Bình. Ngay sau đó, thông tin Chu Phật Hải, phó chủ tịch của chính phủ Uông Tinh Vệ đã được Tưởng Giới Thạch phong làm Tư lệnh Cảnh bị.

Thông tin này khiến những người trước kia theo quân Nhật nhảy cẫng lên vì sung sương, nghĩ rằng, biết đâu mình sẽ trở thành một “nhân viên hoạt động ngầm”, không những tránh được tai họa mà còn được đổi đời.

Yoshiko cho rằng, mình ở Trung Quốc đã lâu, quan hệ cũng không ít, vì vậy cũng hy vọng rằng mình sẽ được đứng vào hàng ngũ những nhân viên “hoạt động ngầm”.

Tới ngày 11/10/1945, Bắc Bình bị khống chế hoàn toàn, tướng quân Tôn Liên Trọng chỉ huy chiến khu 11 mở tiệc to cho mời toàn bộ những “nhân viên hoạt động ngầm” tại Bắc Bình tới dự. Yoshiko cũng là một trong số những người được mời.

Trong bữa tiệc đó, Yoshiko đã uống cho tới tận khi say mèm mới quay về nhà. Tuy nhiên, ngay đêm hôm đó, Tôn Liên Trọng đã ra lệnh bắt Yoshiko. Việc điều tra cũng bắt đầu từ hôm đó. Sau hai tháng thẩm vấn, tòa án đã tuyên án Yoshiko mức án tử hình.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Yoshiko không hề từ bỏ ham muốn được sống. Yoshiko đã viết thư cho Naniwa, mong ông ta nhanh chóng gửi chứng minh hộ tịch từ Nhật Bản sang. Naniwa nhanh chóng trả lời thư tuy nhiên lại không nói rõ Yoshiko có quốc tịch Nhật Bản.

Tòa án cuối cùng đã phán quyết Yoshiko là người Trung Quốc. Một người từng hết lòng hết sức phụng sự nước Nhật, nay lại bị những người “đồng chí” của mình bỏ rơi.

Như vậy, nếu như Yoshiko đúng là có người cứu thoát thì người đó chắc chắn không phải là Naniwa, cũng không phải là người Nhật. Vậy, ai mới là người có thể cứu Yoshiko? Trả lời câu hỏi này, phải bắt đầu từ hoạt động gián điệp của Yoshiko.

Cuối năm 1931, quân Quan Đông Nhật Bản phái người bí mật đưa Phổ Nghi từ Thiên Tân tới Đông Bắc. Do di chuyển quá vội, người ta đã không kịp đem theo Hoàng hậu Uyển Dung. Quân Nhật Bản quyết định phái Yoshiko, người vốn từng có thân phận cách cách tới cứu Hoàng hậu Uyển Dung.

Sau đó không lâu, một cô gái còn rất trẻ xuất huyện trước cửa Tịnh Viên khóc lóc nói rằng, mẹ của cô ta làm công trong Tịnh Viên bệnh nặng sắp chết, cô ta muốn vào gặp mẹ lần cuối.

Sau đó, Yoshiko đã đem Hoàng hậu Uyển Dung giấu vào trong cỗ quan tài mà cô ta đem vào, rồi viện cớ phát tang cho mẹ, mang quan tài ra khỏi Tịnh Viên.

Nhờ có sự giúp sức của Yoshiko, Hoàng hậu Uyển Dung cuối cùng đã về tới Trường Xuân thuận lợi. Có thể nói, trong lần giải cứu Hoàng hậu Uyển Dung này, Yoshiko đã có công lớn đối với Hoàng đế Phổ Nghi cũng như hoàng tộc.

Nay Yoshiko gặp nạn, hoàng tộc Ái Tân Giác La rất có thể sẽ nghĩ cách để cứu cô ta. Anh trai của Yoshiko, Kim Hiến Lập cũng từng nói trong hồi ký rằng: “Lúc bấy giờ, vợ của Tôn Liên Trọng, chỉ huy chiến khu 11 đóng tại Bắc Bình có mối quan hệ huyết thống với hoàng tộc nhà Thanh.

Tôi quyết định thông qua mối quan hệ này để cứu Yoshiko. Tôn phu nhân nói: ‘Khi hành quyết, có thể dùng vật thế thân để cứu mạng Yoshiko. Tuy nhiên, cần phải có khoảng 100 nén vàng mới có thể giải quyết được việc này’”.

Như vậy, Hoàng tộc Ái Tân Giác La là những người đầu tiên có khả năng sẽ tìm cách cứu Yoshiko. Và, ngoài dòng họ Ái Tân Giác La, còn ai có thể ra tay cứu cô Cách Cách gián điệp Yoshiko?

(Còn nữa)


Hà Phương
PNTD

Akasha
22-11-2012, 03:14 PM
Những câu chuyện này quả thật rất ly kỳ. Nhưng có lẽ đằng sau nó còn nhiều uẩn khúc về những mối liên hệ dây mơ rễ má quá nghiêm trọng về mặt chính trị mà ngay cả các sử học gia cũng không thể chạm đến được. Rốt cuộc thì vẫn chỉ là truyền thuyết. Và trong con mắt người thường, cuối cùng cũng chỉ là 1 bí ẩn (mặc dù có thể về bản chất, nó chả có gì đáng để giấu) :).