PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Việt Nam nhìn từ Nhật Bản



Kasumi
19-01-2012, 11:04 PM
Đến Nhật Bản, học và trải nghiệm cuộc sống ở đây chắc chắn trong mỗi bạn đều có thao tác so sánh Việt Nam – Nhật Bản và mỗi người sẽ có những nhận định riêng. Trong quá trình so sánh ấy rất có thể có bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “người Nhật biết gì về Việt Nam? Họ suy nghĩ như thế nào về Việt Nam? Hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trong mắt họ ra sao?”. Đi tìm câu trả lời đó lẽ tất nhiên không thể bỏ qua những cuốn sách, các công trình nghiên cứu Việt Nam xuất bản tại Nhật

Giới nghiên cứu Nhật Bản đã dành một mối quan tâm đặc biệt đến Việt Nam xét trong mối tương quan với các nước Đông Nam Á khác. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản tiếp cận Việt Nam ở nhiều phương diện: Địa-chính trị, lịch sử-văn hóa-truyền thống, kinh tế-du lịch, ngoại giao-hợp tác quốc tế, cuộc sống đời thường – phong tục tập quán…Dưới đây xin trân trọng giới thiệu với các bạn 10 cuốn sách người Nhật viết về Việt Nam, hi vọng “tổ quốc nhìn từ xa” (mượn chữ của nhà thơ Nguyễn Duy) sẽ đem đến cho các bạn nhiều điều thú vị.

1. 日本とのつながりでみるアジア-東南アジアII
(Châu Á nhìn trong mối quan hệ với Nhật Bản- Đông Nam Á II)

関根秋雄, 岩崎書店、2003
Cuốn sách giới thiệu về địa lí, lịch sử, văn hóa khu vực Đông Nam Á trong mối quan hệ với Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại và triển vọng trong tương lai. Việt Nam được đề cập đến trong phần cuối cùng của cuốn sách từ trang 50 đến trang 60.
Bạn nào muốn biết Nhật Bản liên quan như thế nào đến cuộc chiến tranh Việt Nam thì đọc mục “Chiến tranh Việt Nam và Okinawa”.

Đây là sách phổ biến kiến thức nên in đẹp, chữ to và có nhiều tranh màu minh họa rất dễ đọc.

2. 東南アジアの歴史: 人物・文化の交流史
(lịch sử Đông Nam Á: lịch sử giao lưu văn hóa – con người)
桐山昇、栗原浩英、根本敬「著」
有斐閣アルマ、2003年

Cuốn sách chuyên khảo này bao gồm các luận văn của các nhà nghiên cứu tiếp cận Đông Nam Á từ nhiều góc độ. Các tác giả xem xét Đông Nam Á như một khối chỉnh thể trong mối quan hệ “ sâu sắc” với Trung Quốc và Ấn Độ. Lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại được dành một dung lượng khá lớn trong cuốn sách này.

3.地球の歩き方―ベトナム2004 2005版
Published by Diamond Big Co.Ltd

Một cuốn cẩm nang du lịch với đầy đủ thông tin phục vụ những ai (tất nhiên là người Nhật) muốn lang thang trên đất Việt. Đầy đủ các mục “đi đâu, xem gì, ăn gì, chơi gì?”. Các bạn nên đọc thử để xem người Nhật khoái ăn chơi những thứ gì trên đất Việt.

4. 声を聞かせて、ベト
Please say something, Viet
( Hãy cất tiếng nói Việt ơi!)
Nguyen Duc 著, PHP出版

Cuốn sách do anh Nguyễn Đức viết về Việt- người anh song sinh. Những câu chuyện cảm động dễ làm người đọc rơi nước mắt. Các bạn hãy đọc cuốn sách này để biết sau chiến tranh nỗi đau còn lại ra sao, những nạn nhân của chiến tranh đã vượt qua nỗi đau nó như thế nào?
Cuốn sách cũng nói về những trái tim nhân hậu, nồng ấm tình người đến từ xứ Phù Tang.

5. 観光コースでないベトナム
歴史・戦争・民族を知る旅
( Du lịch Việt Nam: chuyến đi tìm hiểu lịch sử-chiến tranh-dân tộc)(1)
文・写真「朝日新聞記者」伊藤千尋
高文研、1995年

Cuốn sách giới thiệu lịch sử, truyền thống văn hóa Việt Nam dưới dạng nhật kí lữ hành của một kí giả. Chuyến lữ hành từ Bắc vào Nam với các chặng đường cũng chính là cấu trúc của cuốn sách: Hà Nội-Bắc Bộ-Trung Bộ-thành phố Hồ Chí Minh-Nam Bộ. Chương cuối cùng có tên gọi rất ngoại giao và đậm phong cách Nhật Bản ベトナムはこれから( tạm dịch: triển vọng Việt Nam). Ở phần này có một đề mục nho nhỏ ca ngợi chị em phụ nữ Việt Nam là “mạnh mẽ” ( ông nhà báo Nhật có ý chê đàn ông Việt rượu chè bù khú bỏ mặc vợ con lao động chèo chống gia đình). Cuối cùng là niên biểu thống kê các sự kiện liên quan đến quan hệ ngoại giao Việt-Nhật.

6. ベトナムの子どもたち
(Trẻ em Việt Nam)
編集人:川口典子
学研出版、2001年

Nằm trong loạt ấn bản về trẻ em thế giới, cuốn sách nhắm tới đối tượng bạn đọc là các phụ huynh, thầy cô giáo và các em học sinh Nhật. Các tác giả trong suốt 60 trang sách khổ lớn kèm tranh, ảnh màu minh họa cố gắng phác họa hình ảnh trẻ em Việt Nam sau chiến tranh. Ở trường các em học những môn gì, các em thích học môn nào, ghét môn nào? Các em dành tình cảm như thế nào cho ông bà, cha mẹ? Cụ thể hơn nữa các em dậy lúc mấy giờ vào buổi sáng, các em có xin tiền để tiêu vặt không? Các em thích ăn qùa gì, vào ngày nghỉ các em chơi gì… Rất chi tiết và cụ thể.
Không rõ ở Việt Nam có ai biên soạn một cuốn sách như vậy về trẻ em Nhật Bản để đáp lễ chưa nhỉ?

7. ベトナムの社会と文化
( Văn hóa và xã hội Việt Nam), 第2号/2000
ベトナム社会文化研究会編, 風響社、2000年

Một cuốn sách chuyên khảo công phu bao gồm các luận văn nghiên cứu xã hội và văn hóa Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại. Trong cuốn sách, ngoài các nhà nghiên cứu Nhật Bản còn có sự góp mặt của một số tác giả Việt Nam, Pháp. Bạn nào học chuyên ngành Đông Nam Á nên đọc cuốn này. Cuốn sách tuy viết bằng tiếng Nhật nhưng đề mục lại in song ngữ Nhật-Việt.
Cuốn sách mở đầu bằng luận văn “ Tập quán pháp và phát triển nông thôn ở Việt Nam hiện nay” của Ngô Đức Thịnh và kết thúc bằng bài bình luận “ Những quãng đời của người cha: từ những đoạn tiết ở nông thôn Bắc Bộ” của Hiruma Yoichi.

8.変容する東南アジア社会: 民族・宗教・文化の動態
( Sự biến đổi của xã hội Đông Nam Á: Sự biến đổi dân tộc-tôn giáo-văn hóa).
編者:加藤剛, めこん出版, 2004

Một cuốn sách nặng cân đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tác giả đi sâu phân tích các yếu tố cấu thành tôn giáo, văn hóa, xã hội của các nước trong khu vực Đông Nam Á đồng thời phân tích sự hình thành các dân tộc ở đây. Một cuốn sách tham khảo hữu ích cho những ai học tập và nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á.

9.現代ベトナムを知るために (Tìm hiểu Việt Nam hiện đại)
今井昭夫、岩井美佐紀(編著)
明石書店、2004年

Cuốn sách phác họa khá toàn diện Việt Nam hiện đại từ tự nhiên, kinh tế, văn hóa-xã hội, giáo dục đến chính trị, quốc phòng ngoại giao. Mục đích của nó là cung cấp cho các độc giả Nhật một cái nhìn toàn diện về Việt Nam hiện đại. Các nhà nghiên cứu Nhật đã mổ xẻ các vấn đề một cách khách quan đến “lạnh lùng và tàn nhẫn”. Nếu bạn nào tai chỉ quen nghe, mắt chỉ quen thấy những gì đem lại niềm “tự hào dân tộc” thì coi chừng sẽ bị “sốc” khi đọc cuốn này. Sự lạc hậu về kinh tế, sự kém cỏi trong quản lí kinh tế-xã hội, sự bất công và tệ nạn trong xã hội Việt Nam hiện đại được mổ xẻ dưới bàn tay của các nhà nghiên cứu mà không cần tới thuốc gây mê. Các vụ án Năm Cam, PMU18 , tệ buôn bán phụ nữ, trẻ em xuyên biên giới, vấn nạn cảnh sát giao thông “xin đểu” tiền dân cũng “vinh hạnh” được đặt lên bàn mổ.

Nhưng cho dẫu vậy với văn phong hàn lâm và các dẫn chứng xác đáng rất khó bác bỏ được các luận điểm và kiến giải mà họ nêu ra. Các tác giả là các giáo sư ở đại học Tokyo, Waseda, Keio, Kyoto (trong số họ có nhiều người làm luận văn thạc sĩ hoặc tiến sĩ bằng tiếng Việt tại Việt Nam), các nhà báo, nhà ngoại giao đã “nằm vùng” nhiều năm ở Việt Nam. Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận được tình cảm của họ đối với đất nước và người dân Việt Nam đúng như tinh thần của họ trong lời nói đầu “嫌な目にもさんざん遭ったけれど ベトナムの人々を嫌いにはなれない (2) . Các bạn có thể thấy rõ điều này qua phần họ viết về người nông dân và phụ nữ Việt Nam.

10. リアル・ベトナム(Một Việt Nam chân thật)
改革・開放の新世紀

千葉文人,明石書店、2004年

Tác giả làm việc cho NHK và đã từng phụ trách cơ quan thường trú tại Việt Nam trong những năm 1996-1997.
Tác giả vẽ lại xã hội Việt Nam hiện đại bằng ngòi bút của nhà báo: sắc, lạnh, linh hoạt và có điểm nhấn. Có cảm tưởng tác giả “đi guốc trong bụng” người Việt. Cả cái “tốt” và “xấu” cố hữu của người Việt, dân tộc Việt được phơi bày ở đây. Khi đọc nó bạn sẽ không khỏi bật cười (sung sướng hoặc cay đắng là tùy thuộc vào trải nghiệm và tầm nhìn của bạn) trước những dẫn chứng, nhận định của tác giả. Rất thú vị là ở đây bạn có thể tìm thấy cả những chuyện rất “hàn lâm” như: tôn giáo, tín ngưỡng, bản sắc dân tộc đến những điều rất “đại chúng” như: ca nhạc, thể thao, điện ảnh đi kèm chân dung và những chi tiết về Đan Trường, Mĩ Linh, Phương Thảo-Ngọc Lễ, Mĩ Tâm. Tác giả còn dẫn ra một loạt địa chỉ các Câu lạc bộ Fan, các Web và Blog của các ca sĩ nói trên trong phần phụ lục bố trí phần cuối sách.


Nguyễn Quốc Vương