PDA

View Full Version : Trả lời từ nước Nhật...



Kasumi
20-01-2012, 10:50 PM
1. Hồi còn đi học ở trường cấp 2, nghe được một câu chuyện mà đã rất cố gắng, tôi vẫn không nhớ nó được kể bởi thầy dạy môn “Tập làm văn” hay môn “Công dân giáo dục”. Hai người thầy mà những học trò hay giỡn nghịch, trong đó có tôi hồi ấy vẫn thường gọi đùa với nhau là “Hai ông tả cảnh xen lẫn tả tình”.


http://doanhnhansaigon.vn/files/articles/2012/1061267/nuocnhat.jpg

Bởi, dạy Tập làm văn và Công dân giáo dục nhưng trong bài đọc cho chúng tôi chép và buộc phải học thuộc lòng, cả hai thầy, có lúc thì tả cảnh cánh cò trắng bay trên ruộng lúa vàng ươm, cánh cổng làng rộng mở lúc mặt trời mọc từ bên kia lũy tre xanh…, khi thì kể về lời thề của những phi công Nhật trước lúc cất cánh hướng đến tiểu bang Hawaii của Mỹ, trong trận Trân Châu Cảng vào một ngày mùa đông năm 1941…

Chắc những bài học và chuyện kể ấy không có hoặc có nhưng không phải với những câu, những chữ đã được “đóng khung và gạch dưới” trong sách giáo khoa. Chuyện kể như thế này:

Những người lính Nhật thua trận, bị nhốt dưới hầm tàu của quân Đồng minh, nhưng mỗi sáng họ vẫn đứng thẳng người hát quốc ca Nhật trước lá cờ mang biểu tượng mặt trời đỏ thắm, được vẽ bằng máu của mình trên chiếc khăn tay màu trắng. Lính canh của quân Đồng minh can ngăn, họ phản đối và nói: “Chúng tôi bại trận chứ nước Nhật đâu dễ bị tiêu diệt”. Và họ đã thắng giữa hầm tàu của quân Đồng minh

Kết thúc câu chuyện, thầy hỏi: “Các em có biết điều gì đã làm nên tinh thần bất khuất của những người lính Nhật ấy?”. Một câu trả lời từ cuối lớp: “Dạ thưa thầy, tình yêu nước”.

Thầy gật đầu rất nhanh: “Đúng. Thầy muốn các em học tập tinh thần yêu nước như thế của những người Nhật bại trận, bắt đầu từ tình yêu lũy tre, ruộng lúa, cái cổng làng của quê mình. Hãy nên như thế rồi các em sẽ thấy quê hương, đất nước vô cùng thiêng liêng gần gụi và rất cụ thể”.

Cả lớp đã “Dạ” một tiếng rất nhịp nhàng và rất lớn, nhưng hồi ấy không trò nào trong chúng tôi biết hỏi lại thầy, tinh thần yêu nước của những người lính Nhật được dạy và được học từ lúc nào.

2. “Máy bay của chúng ta bắt đầu giảm tốc độ để chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Narita, Tokyo”. Cho đến khi hệ thống âm thanh của máy bay cất lên lời thông báo ấm áp ấy, tôi vẫn nghĩ là mình rồi sẽ gặp một nước Nhật của những người Nhật “còn đó nỗi buồn”.

Nhưng tôi đã thấy mình sai ngay sau giây phút đi hết đường ống của cầu thang máy bay. Điều đó càng được khẳng định rõ hơn khi người bạn cùng đi với tôi đã phải thốt lên: “Đúng là nước Nhật và người Nhật có khác”.

Bởi chỉ sau chưa đầy mười phút cô ấy đã làm xong thủ tục nhập cảnh và nhận được hành lý giữa một sân bay trùng điệp những dãy nhà ga nhiều tầng và hiện đại; giữa những nụ cười, những cái cúi đầu bày tỏ sự chào đón trân trọng và thân thiện.

Hình như trong giao tiếp phổ biến của người Nhật, trước hết và sau cùng không thể không có nụ cười và cái cúi đầu. Tại một khách sạn, một nhà hàng, một quầy giải khát, thậm chí tại một nhà vệ sinh công cộng giữa một đoạn đường rừng… khi vào và lúc ra, khách đều được ân cần trao gởi những cử chỉ thân thiện như thế.

Suốt chiều dài của chuyến đi từ Tokyo, đến khu nghỉ dưỡng giữa rừng Hakone, thành phố Osaka, cố đô Kyoto, rồi lên vùng cao núi Phú Sĩ, xuống thung lũng Owakudani… đi nhiều chỗ, đến nhiều nơi, nhưng vẫn không bắt gặp chút biểu hiện nào, dù rất nhỏ về nỗi buồn của vết thương Fukushima.

Tôi hỏi Đỗ Phú Tài, một hướng dẫn viên du lịch đã định cư tại Nhật hơn 30 năm, anh nói, theo đó, giấu nỗi buồn đã trở thành đức tính của người Nhật. Họ cho rằng phải sống như thế nào, chứ không phải buồn bao nhiêu.

Có bỏ bớt chuyện buồn mới có chỗ để đón nhận niềm vui. Và, từ lúc còn rất nhỏ, họ đã được dạy: Hãy đừng để chuyện buồn của mình làm bận lòng người khác.

3. Trong ngày cuối cùng tại Tokyo, chúng tôi có được sáu giờ để khám phá Công viên Disneyland. Dẫu đây là tổ hợp giải trí cao cấp trong số năm mô hình được xây dựng bên ngoài nước Mỹ, và là công viên thứ ba tôi có dịp được đến, sau Hongkong và Hàn Quốc, vẫn sẽ không có gì để phải dài dòng, nếu không có chuyện từ “Cái vấp ngã của một cháu bé”.

Chuyện như thế này: Hai vợ chồng còn rất trẻ, người Nhật, cùng một cháu bé gái chừng ba tuổi, đang tung tăng trước khu “Thế giới thần tiên” thì cháu bé bị vấp ngã, làm đổ tung bịch bắp rang cầm trên tay. Nhẹ thôi, nhưng cô bé cũng nghiêng đầu mếu máo nhìn ba mẹ.

Nghĩ là cả ông cha lẫn bà mẹ sẽ nhào đến, xốc ôm cháu bé dậy rồi nhăn nhó với nhau về trách nhiệm, thậm chí còn đạp mạnh chân xuống đất, chỉ tay cao lên trời, mắng nhiếc thậm tệ là hai nơi ấy đã làm cho bé phải té. Nhưng không, tình huống đã diễn ra hoàn toàn khác.

Ông cha và bà mẹ trong trường hợp này chỉ đứng nhìn cho đến lúc cô bé chống tay đứng dậy, họ mới bước tới ôm con vào lòng. Người mẹ vừa lau nước mắt cho con, vừa âu yếm nói những lời gì đó.

Tuy không biết tiếng Nhật, nhưng khi thấy cháu bé rời khỏi vòng tay của mẹ ngay sau đó, đã lững thững cúi nhặt từng hạt bắp do mình làm rơi, đem bỏ vào thùng rác, tôi đồ rằng bà mẹ trẻ ấy đã nói với con mình: “Sao con gái lại khóc. Con gái đã có lỗi khi không chịu nắm tay ba mẹ, lại chạy nhanh mà không chịu ngẩng đầu nhìn về phía trước. Thấy không, con gái đã làm dơ một khoảng sân của mọi người rồi đấy. Mai mốt nếu té là phải tự đứng dậy, nhe con gái yêu của ba mẹ”.

Khi chiếc xe chở chúng tôi chạy ra khỏi vùng nội thành của Tokyo, Thái Vũ, hướng dẫn viên du lịch, người cùng đi với chúng tôi từ Việt Nam nói trong niềm hứng khởi là mình vừa chứng kiến một chuyện rất hay.

Anh bạn đã kể lại câu chuyện mà tôi đã có dịp theo dõi từ một góc khuất, với lời kết luận: “Như thế đấy, người Nhật đã dạy con trẻ từ rất sớm về lòng tự trọng, tính tự chủ, tinh thần vì cộng đồng. Đã té thì phải tự đứng dậy, đã có lỗi thì phải biết nhận lỗi”.

4. Xin gọi hình ảnh cháu bé lững thững đi nhặt những hạt bắp rơi, ngay sau khi rời khỏi vòng tay của mẹ, giữa Disneyland Tokyo hôm ấy là một bài học. Bài học được dạy giữa một công viên giải trí.

Dẫu độ chính xác có là bao, thì tôi cũng vẫn nghĩ, đó là một ví dụ rất nhỏ của “Câu trả lời từ nước Nhật” về cách “trồng người”. Và tôi tin rằng, khi được lớn lên trong vòng tay của mẹ như thế, thì mai mốt, ít nhất, cô bé rồi sẽ cũng như mẹ mình. Cứ như thế, người Nhật và nước Nhật.


HOÀNG THOẠI CHÂU
doanhnhansaigon.vn