PDA

View Full Version : Khi người già Nhật Bản lên mạng để yêu



lynkloo
26-01-2012, 03:54 PM
(Dân trí) - Tình yêu không phân biệt tuổi tác. Đó cũng là điều mà ông Yoji Kawamura nhận ra sau khi về hưu ở tuổi 62 và còn nhiều thời gian rảnh rỗi mặc dù ông đang đảm nhận một công việc ngoài giờ.


http://i1186.photobucket.com/albums/z363/lynkloo/080504133923-832-15.jpg

Ông Yoji Kawamura, 65 tuổi, là thành viên của dịch vụ mai mối trên trang Match.com


Giống như nhiều người già độc thân khác tại Nhật Bản, ông Kawamura đang sử dụng dịch vụ mai mối trực tuyến để tìm một phụ nữ nào đó có thể chia sẻ với ông "cuộc đời thứ 2".

Ông Kawamura tâm sự: "Khi bạn ở vào tuổi như tôi bây giờ, các hoạt động của bạn sẽ giảm hẳn. Bạn chỉ có thể gặp gỡ mọi người trong một phạm vi hẹp. Nếu bạn muốn vượt ra ngoài cái vòng đó, bạn không biết phải làm thế nào".

Ông Kawamura, một cựu tài xế taxi, đã ly dị vợ cách đây 26 năm, và hiện ở tuổi 65 tuổi. Hồi tháng 7 năm ngoái, ông đã đăng ký tham gia dịch vụ mai mối trực tuyến trụ sở tại Mỹ có địa chỉ trang web là Match.com.

"Phạm vi hiểu biết của tôi được mở rộng và cuộc sống trở nên phong phú hơn vì tôi có thể kết bạn," ông Kawamura tâm sự, và cho biết thêm rằng ông đang kết bạn với 3 phụ nữ, trong đó 2 người kém ông 9 tuổi và 1 người kém 3 tuổi.

Khai trương tại Nhật Bản năm 2004 và hiện đã có 840.000 thành viên, trang Match.com bắt đầu nhắm vào thị trường mai mối, sau khi nhận thấy sự tăng lên nhanh chóng của số hội viên trên 50 tuổi, độ tuổi từng được cho là đã già để nói tới chuyện yêu đương.

Một nửa thành viên của Match.com tại Nhật Bản trong độ tuổi 30-39, còn 9% khác ở độ tuổi 50 trở lên.

Katsuki Kuwan, Giám đốc Match.com tại Nhật Bản, nói: "Trước đây người ta thường quan niệm rằng những người trong độ tuổi từ 50 trở lên không còn bàn về tình yêu. Mọi người thường nói: "Không ích gì đâu, bạn già rồi". Ngày nay, có thể chấp nhận được khi nhóm người ở tuổi đó nói về tình yêu và hôn nhân".

Thay đổi về văn hoá

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người già tại Nhật Bản một phần nào đó đã làm thay đổi các quan niệm. Hiện cứ 5 người Nhật Bản thì có một người trên 65 tuổi và tỉ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào giữa thế kỷ 21. Tầng lớp người già tại Nhật Bản ngày càng sử dụng Internet nhiều hơn, trong khi số người chưa từng kết hôn hoặc đã ly dị sau nhiều thập kỷ chung sống ngày càng gia tăng.

James Farrer, giáo sư ngành tâm lý xã hội tại Đại học Sophia ở Tokyo, nhận định: "Khi tỉ lệ ly dị ngày càng tăng và số người chấp nhập cuộc hôn nhân thứ 2 cũng nhiều hơn thì quan niệm cũ đã hoàn toàn thay đổi. Tôi nhận thấy có một sự thay đổi về mặt văn hoá mà báo chí cũng nhắc tới rất nhiều. Mọi người hiểu rằng người già vẫn hấp dẫn và vì thế mà hoàn toàn là chính đáng khi nói về tình yêu của họ".

Những người con trưởng thành trước đây có mong muốn sống với cha mẹ và phản đối chuyện họ tái hôn giờ đây cũng ủng hộ.

“Con người ngày càng sống thọ hơn và nhiều gia đình thích sống độc lập. Số lượng người già như tôi sống cô đơn ngày càng tăng. Con cái trưởng thành giờ đây đều muốn cha mẹ tìm được một ai để sống chung để chúng không phải lo lắng”, ông Kawamura nói.

Các công ty kinh doanh trên mạng khác giống Match.com cũng nhận thấy sự thay đổi về mặt quan niệm khiến người già tại Nhật Bản có cơ hội để bày tỏ tình cảm yêu đương.

Junichi Ikeda, chủ tịch công ty tư vấn trực tuyến Senior Love cho hay: “Các bạn trẻ trong độ tuổi 20 hoặc 30 nghĩ rằng chuyện tìm hạnh phúc riêng cho họ là rất quan trọng, vì thế họ có hiểu được rằng cha mẹ họ cũng muốn điều tương tự”. Ikeda còn khoe rằng thành viên lớn tuổi nhất của công ty là một cụ ông 90 tuổi.

Mai mối trực tuyến: Xoá bỏ những ấn tượng xấu

Cho tới nay, các dịch vụ hẹn hò trực tuyến vẫn để lại ấn tượng không tốt trong suy nghĩ của nhiều người.

“Tôi giấu con cái tôi vì tôi nghĩ tốt nhất là nên gặp gỡ ai đó một cách tự nhiên. Đó có thể là một suy nghĩ cổ hủ nhưng hình ảnh của các trang web mai mối không tốt cho lắm”, Naomi, 52 tuổi, một thành viên từng ly dị của Match.com và mới đăng ký trên trang này hồi tháng 2.

Những lo ngại như vậy giải thích tại sao phụ nữ chỉ chiếm 40% các thành viên của Match.com tại Nhật Bản, so với 50% tại Mỹ.

Theo chủ tịch Match.com Katsuki Kuwano, một lý do khác là lòng tự trọng. "Họ sợ sử dụng Internet để tìm bạn đời sẽ khiến họ có cảm giác như người thua cuộc".

Và dù có lên mạng hay không, việc người già tìm kiếm tình yêu vẫn đầy rầy những rào cản, trong đó nổi bật nhất là sự khác biệt về tuổi tác.

Một cuộc khảo sát của Match.com cho thấy, cả phụ nữ và đàn ông Nhật Bản đều đặt tiêu chuẩn “biết chia sẻ” là ưu tiên hàng đầu khi tìm người yêu. Đàn ông coi "sự tương đồng về tính cách" là tiêu chuẩn thứ 2 trong khi phụ nữ coi trọng thu nhập.

Ông Kawamura đã tiết lộ một vấn đề mà ông gặp phải khi mới tham gia Match.com, lý do khiến ông đã từ bỏ dịch vụ này trong một thời gian ngắn. “Tôi gửi thư đi và nhận được một email hỏi về nghề nghiệp của tôi. Nhưng công việc của tôi lại thuộc hạng bét nhất ở Nhật Bản”.

Nhưng cuối cùng, mọi chuyện với ông Kawamura cũng trở nên tốt đẹp hơn. Ông đã chuyển tới sống gần một trong số những người bạn gái để họ có cơ hội hiểu nhau hơn. Nhưng ông Kawamura không vội vàng. “Điều quan trọng nhất là sự trung thực. Và cần phải biết kiên nhẫn”.


VTH
Theo Reuters