PDA

View Full Version : [Tham khảo] Tại sao "Totto-chan bên cửa sổ" được yêu mến cuồng nhiệt?



Tiêu Dao Tử
05-02-2012, 02:18 PM
Tác giả: Saito Junko*

Sách bán chạy bao giờ cũng là "những cuốn sách chạm đến sợi dây tâm hồn của thời đại". Sợi dây của Trung Quốc mà bé Totto đã chạm đến rất có thể chính là cá tính, tự do và khát vọng tôn trọng thế giới của trẻ thơ- thứ đang còn thiếu trong nền giáo dục Trung Quốc hiện tại.

Tiểu thuyết tự truyện của Kuroyanagi Tetsuko "Totto-chan bên cửa sổ" vốn đã trở nên quen thuộc ở Nhật Bản hiện đang bán chạy ở Trung Quốc đến mức đáng ngạc nhiên.

Rung động bởi thế giới hồn nhiên không hề vẩn đục

Cuốn sách khắc họa thế giới trẻ thơ hồn nhiên và trong trẻo cùng thầy hiệu trưởng biết dõi theo và tôn trọng thế giới ấy hiện đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới. Ở Trung Quốc sau khi được xuất bản năm 2003, cuốn sách đã bán được 3,5 triệu bản, phá vỡ con số một triệu bản hiếm khi đạt được ở thể loại sách dành cho thiếu nhi. Trải qua tám năm, hiện tại cuốn sách vẫn tiếp tục giữ vị trí số ba ở thể loại sách thiếu nhi và sự yêu mến của độc giả chưa hề giảm sút.

Theo số liệu thống kê mới nhất (tháng 10) của Khai Quyển, tổ chức duy nhất theo dõi tình hình kinh doanh của các hiệu sách trên toàn Trung Quốc thì "Totto-chan bên cửa sổ" luôn giữ vị trí số hai. Theo số liệu thống kê tháng 11 của hiệu sách lớn nhất trên mạng Internet ở Trung Quốc (Đương đương võng) thì cuốn sách này đứng thứ chín nếu tính tổng thể và đứng thứ ba nếu chỉ tính thể loại sách thiếu nhi.

Theo số liệu thống kê nửa đầu năm nay của hiệu sách lớn thứ hai [thế giới] - Amazon - thì tính chung cuốn sách này đứng thứ bẩy và chiếm vị trí thứ ba ở thể loại sách thiếu nhi.

Cuốn sách này cũng xuất hiện cả ở trong sách giáo khoa thuộc hệ thống giáo dục nghĩa vụ do nhà nước quy định. Trong sách giáo khoa quốc ngữ lớp 6 bậc tiểu học (quyển thượng) tên sách được ghi trong mục các sách đọc thêm được giới thiệu. Do đó sách được chọn làm chủ đề của các câu lạc bộ viết văn, sách đọc bắt buộc nhằm bồi dưỡng giáo viên ở khắp nơi trên đất Trung Quốc. Đối với học sinh tiểu học Trung Quốc thì "Tiểu Đậu Đậu"- tên của bé Totto trong tiếng Trung Quốc đã trở nên vô cùng thân thuộc.

Chủ tịch Khai quyển - công ty theo dõi sách cho biết: "Quả thật nó đã đạt tới ngưỡng đáng kinh ngạc". Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân kinh điển văn hóa - đơn vị dịch và xuất bản cuốn sách này ở Trung Quốc, đây là cuốn sách bán chạy nhất trong số các sách được nhập khẩu và dịch ở Trung Quốc và có thể sẽ vượt qua con số 10 triệu bản. "Totto-chan bên cửa sổ" đã chiếm một "địa vị đặc biệt" trong thế giới sách ở Trung Quốc.

Thế giới hồn nhiên tự do của bé Totto đã chiếu rọi một cách tương phản xã hội Trung Quốc. Vậy thì độc giả Trung Quốc đã đọc cuốn sách này như thế nào? Trước hết hãy bắt đầu từ bài điểm sách của Đương đương võng và Amazon Trung Quốc gần đây.

Độc giả Trung Quốc cũng giống như độc giả Nhật Bản đã rung động bởi thế giới hồn nhiên không hề vẩn đục của trẻ thơ và trái tim nhân hậu biết tôn trọng thế giới ấy. Những lời bình như: "Một cuốn sách thanh khiết giống như ánh sáng mặt trời lan tỏa", " thật là thích", "bản thân dường như được trở lại thuở thiếu thời" cũng giống như ở Nhật Bản.

Mặt khác, cũng có những ý kiến từ phía độc giả Trung Quốc cho rằng: "Nó có ích cho việc hiểu biết về trẻ em", "nền giáo dục tôn trọng cá tính, thiên tính của trẻ em thật là tuyệt vời và chúng ta cần phải học tập điều đó". Có thể thấy phần lớn độc giả Trung Quốc đã chú mục và chạm vào triết lý giáo dục tự do được khắc họa trong cuốn sách.

Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến bình luận khác như: "Đã lâu tôi không được đọc cuốn sách đầy ắp sự hồn nhiên thơ trẻ như thế này. Tôi sẽ giới thiệu nó với bạn đang làm thầy giáo. Tôi mong từ giờ về sau bạn tôi sẽ học lấy điều cốt tủy của giáo dục", "Tôi có mối quan tâm tới phương pháp giáo dục tôn trọng trẻ em của Nhật Bản. Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc quá kì vọng vào sự thành công của con cái, vì thế đã giết chết cá tính mà trẻ em có từ lúc sinh ra", "Thầy hiệu trưởng là nhà giáo dục tuyệt vời. Chỉ cần 10% giáo viên của chúng ta như thầy giáo này thì chắc chắn thế giới của chúng ta đã khác"...

Ý kiến nào cũng thể hiện sự nghi hoặc và ý thức vấn đề đối với nền giáo dục của Trung Quốc.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/totto-chan.JPG.jpg
"Totto-chan bên cửa sổ" vốn đã trở nên quen thuộc ở Nhật Bản hiện đang bán chạy ở Trung Quốc đến mức đáng ngạc nhiên.

Chạm đến sợi dây tâm hồn của thời đại

Đằng sau sự yêu mến dành cho bé Totto là những nguyên nhân mang đặc trưng Trung Quốc. Một trong số đó là sự đứt đoạn khoảng cách thế hệ trong giáo dục gia đình. Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nơi các thang bậc giá trị biến đổi mạnh mẽ, các bậc cha mẹ ở độ tuổi 30- 40 đã không thể kế thừa triết lý và phương pháp giáo dục gia đình từ cha mẹ mình.

Các bậc cha mẹ - những người thuộc thế hệ cách mạng văn hóa do chỉ sống qua ngày đã khó khăn nên không có điều kiện tiếp nhận giáo dục gia đình. Thế hệ cha mẹ hiện nay vốn được giáo dục trong mối quan hệ cha mẹ- con cái cổ xưa mang sắc thái phong kiến không còn cách nào khác phải tìm kiếm dạng thức cha mẹ mới mẻ mang tính tự do dân chủ hơn từ con số 0.

Thêm nữa điều trầm trọng là do sự lạc hậu của cơ cấu giáo dục và sự cạnh tranh quá gay gắt mà giáo dục trường học hiện tại đã trở nên lệch lạc. Vì thế "các bậc phụ huynh nỗ lực bổ khuyết sự thiếu hụt của giáo dục trường học thông qua giáo dục gia đình". Nhu cầu này đã tạo ra nhu cầu lớn đối với những cuốn sách có liên quan.

Trong 10 năm tới sách giáo dục gia đình sẽ tiếp tục bán chạy ở Trung Quốc. Theo dữ liệu của Khai Quyển thì trong GDP của nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng, giới doanh nghiệp buôn bán sách loại nhỏ những năm gần đây đóng góp 1,83% (năm 2010), tức là đang rơi vào cảnh tăng trưởng thấp nhất. Các lĩnh vực như khoa học xã hội gần như đều có tỉ lệ âm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như thế sách giáo dục gia đình và sách thiếu nhi tiếp tục tăng trưởng 12.74% và 11% (năm 2010) so với năm trước. Hiệu sách trên mạng hàng đầu Đương đương võng đã rất coi trọng thể loại này trong chiến lược kinh doanh và trước đó đã chiếm tới gần 40% doanh số bán ra.

Đằng sau sự yêu mến dành cho bé Totto là những nguyên nhân mang đặc trưng Trung Quốc. Một trong số đó là sự đứt đoạn khoảng cách thế hệ trong giáo dục gia đình. Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, nơi các thang bậc giá trị biến đổi mạnh mẽ, các bậc cha mẹ ở độ tuổi 30- 40 đã không thể kế thừa triết lý và phương pháp giáo dục gia đình từ cha mẹ mình.

Bên cạnh đó sự bùng nổ sách giáo dục gia đình của Trung Quốc cũng có thể thấy qua khuynh hướng sách bán chạy. Chủ tịch Khai Quyển cho biết: "Khác với thị trường Âu Mĩ, Nhật Bản với dòng chảy chủ lưu của sách bán chạy là ẩm thực, sức khỏe, tự truyện nhân vật, ở Trung Quốc trong vòng 10 năm này sách giáo dục gia đình trở thành sách bán chạy chiếm tỉ lệ rất cao".

Gần đây cuốn "Mẹ giỏi sẽ thắng cô giáo" (xuất bản năm 2009) chỉ ra phương pháp giáo dục gia đình, phát huy tối đa thiên tính của trẻ em, đã cùng với các cuốn sách do Steven Jobs và Chu Dung Cơ viết trở thành sách bán chạy.

Chủ tịch Khai Quyển cho biết sách bán chạy bao giờ cũng là "những cuốn sách chạm đến sợi dây tâm hồn của thời đại". Sợi dây của Trung Quốc mà bé Totto đã chạm đến rất có thể chính là cá tính, tự do và khát vọng tôn trọng thế giới của trẻ thơ- thứ đang còn thiếu trong nền giáo dục Trung Quốc hiện tại.

------------------

* Hiện sống tại Bắc Kinh. Sau khi lấy bằng thạc sỹ về kinh tế chính trị học quốc tế ở Mĩ bà đến Bắc Kinh vào năm 1996. Bà đã từng làm việc cho Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán Nhật Bản, Dự án nghiên cứu điều tra phát triển nông thôn của trường Đại học Bắc Kinh. Bà viết nhiều về chính sách nông thôn, NGO, giáo dục...của Trung Quốc.

Nguyễn Quốc Vương (theo Asahi)

Nguồn: tuanvienam (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-02-03-tai-sao-totto-chan-ben-cua-so-duoc-yeu-men-cuong-nhiet-)

zBluemoonz
05-02-2012, 02:28 PM
hôm thứ 6 vừa mua quyển này xong mà còn đang đọc dở quyển khác nên chưa đọc đc :p