PDA

View Full Version : Người Nhật đầu tiên làm tổng giám đốc IAEA



Kasumi
05-02-2012, 02:51 PM
Chỉ trong vòng hơn một năm sau khi nhậm chức, tổng giám đốc cơ quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) Yukiya Amano đã phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn, mà mới đây nhất là sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản.


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/Uploads/Amano4.jpg
Ông Yukiya Amano

Yukiya Amano là ai?

Là một nhà ngoại giao khôn khéo và kín đáo, người ta không biết nhiều về ông Amano ngay cả sau khi ông lên nắm quyền vào năm 2009. Khác với người tiền nhiệm vốn bị chỉ trích là làm việc theo cảm tính và quá mềm mỏng với Iran, ông Amano, người được Mỹ ủng hộ khi ra tranh cử chức giám đốc IAEA, được cho là có quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi này.

Ngay trong bản báo cáo đầu tiên của mình với tư cách của người đứng đầu IAEA vào đầu năm 2010, ông Amano đã dùng những ngôn từ được cho là mạnh mẽ hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm al-Baradei để chỉ trích sự thiếu minh bạch trong các chương trình phát triển hạt nhân của Iran.

"Phong cách làm việc của tôi không thuộc kiểu mềm mỏng hay cứng rắn. Tôi muốn mọi thông tin phải rõ ràng, bất kể là có áp lực từ phía nào đi nữa. Nếu nhìn từ góc độ này, ngôn từ của tôi không phải là mạnh mẽ hơn, mà chỉ đơn giản là đúng thực tế hơn," Ông Amano giải thích với tờ Spiegel, tạp chí hàng đầu của Đức.

Dĩ nhiên đó là ngôn từ mang tính ngoại giao, còn trên thực tế, việc vấn đề Iran được đưa ra thảo luận nhiều hơn tại Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như bị áp đặt nhiều lệnh cấm vận nghiêm khắc hơn, cho thấy IAEA dưới thời ông Amano đã thay đổi cách tiếp cận với quốc gia Hồi giáo này.

Ưu tiên hàng đầu

Trong cuộc bầu cử người kế nhiệm ông al-Baradei sau 12 năm ông này nắm quyền, Amano không phải là ứng cử viên ưa thích của khối các quốc gia mới nổi như Nam Phi, Argentina, hay Trung Quốc, với lo ngại rằng chính sách của một lãnh đạo người Nhật sẽ làm chậm lại quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của mình.

Tuy vậy với nhiều người, một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm về giải trừ vũ khí hạt nhân và đến từ quốc gia duy nhất phải gánh chịu hậu quả của bom nguyên tử, như ông Amano, sẽ rất phù hợp trong thời điểm các chương trình phát triển hạt nhân trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

Ngay trong lễ nhậm chức, ông Amano đã tuyên bố rằng giải trừ vũ khí hạt nhân là "ưu tiên hàng đầu" trong nhiệm kì của mình.

IAEA ở đâu?

Tuy vậy, khả năng IAEA của ông Amano có hoàn thành được nhiệm vụ đó hay không vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp, nhất là khi IAEA đang tỏ ra bất lực trong việc kiểm soát hoạt động của các quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân.

Đầu năm 2009, Bắc Triều Tiên trục xuất thanh sát viên của IAEA, "làm nóng" lại các chương trình hạt nhân của mình. Cùng năm đó, Bắc Triều tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần hai (lần đầu vào năm 2006), và không có vẻ gì là sẽ sớm nối lại việc đàm phán để tái gia nhập hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà nước này đã rút lui vào năm 2003. Đầu năm nay, lại rộ lên nguồn tin rằng Bắc Triều sẽ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần ba, một động thái được cho là nhằm "nhắc nhở" Mỹ và đồng minh trong khu vực sau những xung đột quân sự giữa hai miền Triều Tiên vào năm ngoái.

Đông Á chưa yên thì Nam Á đã dậy sóng. Cùng năm 2009, tổng thống Iran tiếp tục sử dụng chiêu bài của Bắc Triều Tiên khi "dọa" sẽ rút khỏi hiệp ước NPT, động thái dọn đường cho việc thử nghiệm vũ khí nguyên tử mà không vi phạm hiệp ước quốc tế. Tuy khả năng này đã được phía Iran phủ nhận, sự thiếu minh bạch trong các chương trình làm giàu Uranium của quốc gia Hồi giáo này luôn khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Trong cả hai trường hợp, IAEA đều không thể hành động gì bằng ngoài việc phê phán hoặc "chỉ trích mạnh mẽ". Điều này cho thấy vai trò hạn chế của IAEA trong việc tạo ra sức ép cần thiết lên những quốc gia "có vấn đề" về chương trình hạt nhân.

Nó cho thấy cộng đồng quốc tế nhìn nhận IAEA dưới góc độ của một tổ chức nghiên cứu và điều tra hơn là cơ quan quyền lực duy nhất có chức năng giám sát hoạt động hạt nhân trên toàn cầu.

Điều này càng được khẳng định rõ hơn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, sự cố được đánh giá nghiêm trọng chỉ sau vụ nổ lò phản ứng Chernobyl của Liên Xô cũ. Theo ông Amano, cơ quan có trách nhiệm bên phía Nhật Bản đã không thông báo đầy đủ cho IAEA về diễn biến tại Fukushima khi sự cố diễn ra.

Đường đi khó

Sự suy giảm và bất ổn trong nguồn năng lượng hóa thạch, cụ thể là dầu mỏ và than đá, khiến cho nhu cầu phát triển năng lượng hạt nhân bùng nổ ở tất cả các nước. Chỉ tính riêng Trung Quốc, nước này đang có dự định xây mới gần 100 lò phản ứng hạt nhân trong 10 năm tới. Những sự phát triển mạnh mẽ này khiến IAEA khó lòng kiểm soát được hoạt động hạt nhân trên thế giới một cách hiệu quả, với khả năng hiện tại.

Yukiya Amano là người Nhật, sinh năm 1947, trở thành người châu Á đầu tiên nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc IAEA sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 7/2009. Trước đó, ông Amano là một "công chức Liên Hiệp Quốc", đảm nhiệm chức đại sứ và đại diện thường trực Nhật Bản tại IAEA.

Ông Amano đã sống và lớn lên trong những nỗi đau, lòng căm phẫn của người dân Nhật do bị nhiễm phóng xạ từ 2 quả bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, cho nên có lẽ trong IAEA và cả cộng đồng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân,... không ai hiểu rõ những nỗi đau do di chứng nhiễm phóng xạ từ bom hạt nhân hơn ông.

Đây là một vấn đề vô cùng gai góc và ẩn chứa nhiều hiểm họa cho an ninh toàn cầu, khi chỉ cần một trong số hàng trăm các nhà máy điện hạt nhân có sự cố thì cũng có thể tạo ra một thảm họa khôn lường cho cả nhân loại. Và với việc khủng hoảng hạt nhân còn xảy ra với ngay cả một quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng nguyên tử như Nhật Bản, không ai có thể đảm bảo rằng sự cố tương tự sẽ không bắt nguồn từ một quốc gia nào khác.

Điều này đòi hỏi IAEA dưới thời ông Amano phải tiến hành cải tổ để củng cố và tăng cường sức mạnh cho tổ chức này, cả về tiềm lực tài chính, nhân lực, lẫn tiếng nói có trọng lượng hơn về vấn đề hạt nhân trên toàn cầu.

Một nhiệm vụ khó khăn nữa mà ông Amano cần phải làm trong những năm còn lại của nhiệm kỳ là bình đẳng hóa trong phát triển hạt nhân cũng như sở hữu vũ khí nguyên tử trong cộng đồng quốc tế.

Lâu nay các quốc gia như Iran và Bắc Triều Tiên luôn cảm thấy bất công vì các quốc gia như Mỹ hay Nga tiếp tục củng cố kho vũ khí hạt nhân của mình, trong khi các chương trình phát triển hạt nhân đầy nghi ngờ của họ thì bị phê phán mạnh mẽ. Iran đã từng gợi ý một hiệp ước hủy bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng tất nhiên gợi ý này không được nhiều quốc gia ủng hộ.

Quốc gia này có quyền bất mãn hơn khi Israel, đồng minh của phương Tây ở Trung Đông, sở hữu vũ khí hạt nhân và từ chối tham gia NPT, nhưng cũng không bị "sờ gáy" nhiều như Iran.

Không thể hi vọng rằng những vấn đề đó sẽ được giải quyết ngay trong nhiệm kì đầu tiên của ông Amano; tuy vậy, việc đặt nền móng cho tương lai là tối cần thiết để đảm bảo phát triển năng lượng hạt nhân một cách hòa bình, an toàn, mang lại lợi ích cho cả nhân loại.

Và ông Amano cũng không phải hoàn thành sứ mạng đó một mình: sau những biến cố hạt nhân gây sốc vừa qua, thế giới dường như đã bắt đầu đánh giá lại năng lượng hạt nhân một cách nghiêm túc. Đó chính là cơ sở cho niềm tin rằng ông Yukiya Amano sẽ hoàn thành nhiệm kỳ của mình một cách thành công.


Tác giả: KHẮC GIANG
VNN