PDA

View Full Version : Hokusai



Kasumi
11-02-2012, 10:01 PM
http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/317px-Hokusai_portrait.jpg
Hokusai

Họa sĩ Nhật Bản
Katsushika Hokusai
Sinh : tháng 10 – tháng 11 năm 1760 tại Edo, nay là Tokyo, Nhật Bản
Mất : 18 tháng 4 năm 1849
Nơi mất : Tokyo, Nhật Bản
Quốc tịch : Nhật Bản
Nghề nghiệp : Nghệ sĩ
Lĩnh vực : Hội họa và tranh in gỗ Ukiyo-e
Tác phẩm chính : Cơn sóng lừng
Chịu ảnh hưởng : Katsukawa Shunshō, Kanō Masanobu
Ảnh hưởng tới : Hiroshige


Katsushika Hokusai (葛 饰 北 斎, tháng 10 hoặc tháng 11 năm 1760 – 10 tháng 5 năm 1849) là một họa sĩ người Nhật, hoạ sĩ ukiyo-e và là người làm tranh in khắc trên gỗ trong thời kỳ Edo. Trong thời đại của mình, ông là chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về tranh Trung Quốc. Sinh ra tại Edo (nay là Tokyo), Hokusai được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh in bằng khung gỗ “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ” (富 岳 三 十六 景., Fugaku Sanjūroku-kei?, c. 1831) trong đó bao gồm cả bản in được công nhận trên bình diện quốc tế, “Sóng Lừng ở Kanagawa”, được sáng tác trong những năm 1820.

Hokusai sáng tác “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sỹ” vừa để phản ánh sự bùng nổ của du lịch trong nước vừa như một phần nỗi ám ảnh của cá nhân ông với núi Phú Sĩ.Loạt tranh này, cụ thể là “Sóng Lừng” và “Phú Sĩ trong xanh” đã giúp tên tuổi ông trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài nước Nhật. Như sử gia Richard Lane kết luận, “Thật vậy, nếu có một tác phẩm làm nên tên tuổi của Hokusai, cả ở Nhật Bản và nước ngoài, thì nhất định nó phải là loạt tranh in vĩ đại này”. Mặc dù các tác phẩm của Hokusai có trước loạt tranh này cũng thật sự quan trọng, nhưng đến loạt tranh này mới là lúc mà ông được công nhận rộng khắp và để lại một ảnh hưởng lâu dài trong thế giới nghệ thuật. Đó cũng là lúc bức tranh “Sóng Lừng” bắt đầu được đón nhận và rồi tiếp tục được hoan nghênh, ca ngợi và trở nên nổi tiếng tại phương Tây.

Thời tuổi trẻ và quá trình tu dưỡng nghệ thuật

Hokusai được sinh ra vào ngày 23 tháng 9 năm thứ 10 của thời kỳ Hōreki (tháng 10 hoặc tháng 11 năm 1760) trong một gia đình thợ thủ công, ở huyện Katsushika của Edo, Nhật Bản. Tên thời thơ ấu của ông là Tokitarō. Cha của ông được tương truyền là thợ làm gương Nakajima Ise, người sản xuất gương cho các shogun (tướng quân Mạc phủ). Cha của ông không bao giờ để Hokusai làm người thừa kế, vì vậy nên có thể là mẹ của ông là một người vợ lẽ. Hokusai đã bắt đầu vẽ tranh vào khoảng sáu tuổi, có thể ông học nghệ thuật từ cha mình, người làm việc với gương cũng bao gồm cả vẽ tranh của các mẫu thiết kế xung quanh gương.

Hokusai được biết đến bởi ít nhất 30 cái tên trong suốt cuộc đời của mình. Mặc dù việc sử dụng nhiều tên đã là một thực tế phổ biến của các nghệ sĩ Nhật Bản thời gian này, số lượng tên ông đã sử dụng vượt xa của bất kỳ nghệ sĩ tên tuổi nào khác của Nhật. Những sự thay đổi tên của Hokusai rất thường xuyên, và vì vậy thường liên quan đến các thay đổi trong việc sáng tác và phong cách nghệ thuật của ông, và chúng rất hữu ích cho việc chia cuộc đời của ông ra thành nhiều giai đoạn.

Ở tuổi 12, ông đã được cha mình gửi đến làm việc trong một hiệu sách và thư viện cho thuê, một loại cơ sở phổ biến ở các thành thị Nhật Bản, nơi những quyển sách được làm từ các khối gỗ và là một hình thức giải trí phổ biến của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Ở tuổi 14, ông trở thành người học việc cho một thợ gỗ, nơi ông làm việc cho đến khi 18 tuổi, từ đó ông đã được chấp nhận vào xưởng của Katsukawa Shunshō. Shunshō là một họa sĩ ukiyo-e, một phong cách in và vẽ tranh trên gỗ mà Hokusai sẽ là bậc thầy, và là người đứng đầu của cái gọi là trường phái Katsukawa. Ukiyo-e, được thực hành bởi các nghệ sĩ như Shunshō, tập trung vào hình ảnh của các kĩ nữ và các diễn viên Kabuki, những người rất nổi tiếng ở các thành thị Nhật Bản vào thời điểm đó.


http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/800px-Great_Wave_off_Kanagawa2.jpg
“Sóng Lừng ở Kanagawa”, bức tranh in nổi tiếng nhất của Hokusai, bức đầu tiên trong loạt tranh 36 cảnh núi Phú Sĩ

Sau một năm, Hokusai đổi tên lần đầu tiên, khi ông được ông chủ của mình đặt tên là Shunrō. Dưới cái tên này ông đã xuất bản những bức tranh in đầu tiên của mình, một loạt các bức tranh của các diễn viên Kabuki xuất bản năm 1779. Trong thập niên ông làm việc trong xưởng của Shunshō, Hokusai đã kết hôn với người vợ đầu tiên của mình, người mà rất ít được biết đến ngoại trừ việc cô qua đời vào đầu thập niên 1790. Ông tái hôn vào năm 1797, mặc dù vậy người vợ thứ hai cũng qua đời sau một thời gian ngắn. Ông là cha của hai con trai và ba con gái với hai bà vợ này, và cô con gái nhỏ nhất của ông Sakae, còn được gọi là Ōi, về sau đã trở thành một họa sĩ giống như cha mình.

Sau cái chết của Shunshō năm 1793, Hokusai đã bắt đầu khám phá phong cách nghệ thuật khác, bao gồm cả phong cách Châu Âu mà ông đã được tiếp xúc thông qua những đồng tiền được chạm khắc của Pháp và Hà Lan ông thu thập được. Ông đã sớm bị trục xuất khỏi trường phái Katsukawa bởi Shunkō, đại đệ tử của Shunshō, có thể là do các học hỏi của ông tại trường phái đối thủ Kano. Sự kiện này đã, nói theo cách riêng của ông, khơi gợi cảm hứng: “Điều thực sự thúc đẩy sự phát triển trong phong cách nghệ thuật của tôi là sự hổ thẹn tôi phải chịu đựng nhờ bàn tay của Shunkō.” [4]


http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/800px-Red_Fuji_southern_wind_clear_morning.jpg
Tranh in “Núi Phú Sĩ đỏ” từ loạt tranh của Hokusa, 36 cảnh núi Phú Sĩ
.

http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/Hokusai-fuji9.png
“Du khách vượt sông Oi”, một trong mười tranh Hokusai thêm vào bộ 36 bản gốc trong loat “36 cảnh núi Phú Sĩ”. Ông đã được thúc giục sáng tác thêm các bức này vì sự nổi tiếng của loạt tranh gốc

Hokusai cũng thay đổi chủ đề trong các tác phẩm của ông, thoát hẳn ra khỏi những hình ảnh của các kĩ nữ và các diễn viên, đã trở thành các chủ đề truyền thống của ukiyo-e. Thay vào đó, sáng tác của ông trở nên tập trung vào các phong cảnh và các hình ảnh về cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản từ nhiều giai cấp xã hội. Sự thay đổi về chủ đề này là một bước đột phá trong giới ukiyo-e và trong sự nghiệp của Hokusai. Pháo hoa trên Cầu Ryōgoku (1790) ấn định giai đoạn này trong cuộc đời của Hokusai.

Tầm vóc sự nghiệp của họa sĩ

Giai đoạn tiếp theo chứng kiến sự gắn kết của Hokusai với Trường phái Tawaraya và sự ra đời của cái tên “Tawaraya Sori.” Ông sáng tác những bức tranh vẽ bằng bút lông, gọi là surimono, và các tranh minh họa cho kyōka ehon (sách in những bài thơ hài hước được vẽ minh họa) trong thời gian này. Năm 1798, Hokusai chuyển tên ông cho một học sinh và khởi nghiệp với tư cách một nghệ sĩ độc lập, lần đầu tiên tự do thoát khỏi những trói buộc với các trường phái, và lấy tên là Hokusai Tomisa.


http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/800px-Cranes_Hokusai.jpg
Những con sếu từ các bài sơ giảng trong Tranh Giản thể

Năm 1800, Hokusai phát triển hơn nữa việc vẽ tranh ukiyo-e cho các mục đích khác hơn là vẽ chân dung. Ông cũng đã lấy cái tên được biết đến rộng rãi nhất của ông, Katsushika Hokusai, phần trước đề cập đến một phần của Edo, nơi ông được sinh ra và phần sau có nghĩa là “xưởng phía bắc”. Năm đó, ông cho xuất bản hai bộ sưu tập về phong cảnh, Những cảnh đẹp nổi tiếng của Thủ phủ Đông và Tám góc nhìn của Edo. Ông cũng bắt đầu thu hút các học sinh của riêng mình, và đã truyền dạy cho năm mươi học sinh trong suốt cuộc đời mình.

Ông trở nên nổi tiếng trong thập kỷ kế tiếp, nhờ vào cả sáng tác nghệ thuật lẫn tài năng tự đề xướng của mình. Trong một lễ hội Tokyo năm 1804, ông đã sáng tác một bức chân dung của các thầy tu Phật giáo Daruma được cho là dài 600 feet (180 m) chỉ dùng một cây chổi và những xô đầy mực. Một câu chuyện khác kể về ông tại cung điện của Shogun Iyenari, ông được mời tới đó để thi tài với một họa sĩ theo phong cách tranh vẽ bằng bút lông truyền thống hơn. Tranh của Hokusai, được sáng tác ngay trước mặt Shogun, gồm việc sơn một đường cong màu xanh trên giấy, sau đó đuổi một con gà mà chân đã được nhúng trong sơn màu đỏ chạy qua tờ giấy. Ông diễn tả bức tranh cho Shogun rằng đó là phong cảnh của dòng sông Tatsuta với lá phong đỏ trôi nổi trên mặt nước, và đã thắng cuộc thi tài đó.

Năm 1807 đã chứng kiến sự cộng tác của Hokusai với tiểu thuyết gia nổi tiếng Takizawa Bakin trên một loạt các cuốn sách minh họa. Cả hai đã không hòa hợp được do những khác biệt về quan điểm nghệ thuật, và sự cộng tác của họ đã kết thúc trong lần cùng làm việc thứ tư. Nhà xuất bản, được cho sự lựa chọn giữa việc giữ Hokusai hay Bakin lại trong dự án, đã chọn giữ lại Hokusai, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các tác phẩm tranh in minh họa ở thời kỳ này.


http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/Hokusai-MangaBathingPeople.jpg
Hình ảnh của những người tắm trong Hokusai Manga

Năm 1811, ở tuổi 51, Hokusai đổi tên là Taito và bước vào 1 giai đoạn mới của đời ông, trong giai đoạn này ông sáng tác ra Hokusai Manga và etehon (sổ tay nghệ thuật) đa dạng. Những cuốn etehon này, bắt đầu từ năm 1812 với cuốn Các bài sơ giảng trong tranh giản thể, mang lại lợi ích như là một cách thuận tiện để kiếm tiền và thu hút thêm nhiều học sinh hơn nữa. Cuốn sách đầu tiên của Hokusai Manga, các bức phác thảo hoặc tranh biếm hoạ đã có ảnh hưởng lớn đến hình thức hiện đại của truyện tranh được biết đến với cái tên tương tự, được xuất bản năm 1814. Cùng nhau, 12 quyển manga của ông được xuất bản trước năm 1820 và thêm 3 quyển nữa được xuất bản sau khi ông mất bao gồm hàng ngàn bản vẽ về động vật, các nhân vật tôn giáo, và con người thường nhật. Chúng thường mang ngụ ý hài hước, và rất nổi tiếng vào thời đó.

Năm 1820, Hokusai lại đổi tên mình một lần nữa, lần này thành “Iitsu,” một sự thay đổi đã đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới, giai đoạn mà ông củng cố tiếng tăm của mình là một họa sĩ nổi tiếng trên khắp nước Nhật (sự bế quan tỏa cảng của Nhật bản đối với thế giới bên ngoài vẫn duy trì trong suốt thời họa sĩ còn sống, danh tiếng của ông ở nước ngoài đã đến sau khi ông mất). Trong những năm 1820 Hokusai đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp. Sáng tác nổi tiếng nhất của ông, Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ, trong đó có bức tranh nổi tiếng “Sóng Lừng ở Kanagawa”, được bắt đầu từ giai đoạn này. Việc Hokusai sau đó có thêm mười bức tranh in nữa vào loạt tranh gốc đã được chứng minh rộng rãi. Một trong số các loạt tranh in nổi tiếng khác của ông được xuất bản trong thời gian này là “Một chuyến du ngoạn đến thăm thác nước ở các tỉnh lị và những cảnh sắc phi thường trên các cây cầu kỉ niệm tại các tỉnh lị”. Ông cũng bắt đầu sáng tác một số tranh đơn tỉ mỉ nhiều chi tiết về hoa và chim chóc, trong đó có bức tranh cực kì chi tiết Hoa anh túc và đàn gà.

Những năm tháng sau này


http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/406px-Hokusai_1817_First_Guns_in_Japan.jpg
Người phương Tây đầu tiên ở Nhật Bản, bởi Hokusai, 1817. Chú thích: “Ngày 25 Tháng Tám 1543,
những người nước ngoài này đã cho phép đặt chân lên đảo Tanegashima, tỉnh Okuma”, tiếp theo
là hai cái tên Murashukusha (không rõ) và Kirishimota (António da Mota, còn được gọi là Christopher da Mota) .

Giai đoạn tiếp theo, bắt đầu vào năm 1834, chứng kiến Hokusai sáng tác dưới cái tên “Gakyō Rōjin Manji” (Ông già điên vì nghệ thuật). Đó là khoảng thời gian mà Hokusai sáng tác Bách cảnh núi Phú Sĩ, một loạt tranh phong cảnh đáng chú ý khác của ông.

Trong phần phụ bút của tác phẩm này, Hokusai viết:

“Từ khoảng năm lên sáu, tôi đã có thói quen vẽ phác thảo từ cuộc sống sinh hoạt. Tôi đã trở thành một họa sĩ, và từ năm mươi tuổi đã bắt đầu sáng tác được 1 số tác phẩm tạo được danh tiếng, nhưng trước tuổi bảy mươi tôi đã chẳng làm được gì đáng chú ý. Ở tuổi bảy mươi ba, tôi bắt đầu hiểu được cấu tạo cơ thể của các loài chim và thú vật, côn trùng và cá, và cách cây cối sinh trưởng. Nếu tôi tiếp tục cố gắng, tôi chắc chắn sẽ hiểu chúng thậm chí còn rõ hơn nữa khi tôi đến tuổi tám mươi sáu, để đến chín mươi, tôi sẽ hiểu thấu được bản chất chính yếu của chúng. Khi một trăm tuổi, tôi sẽ có thể có được sự hiểu biết siêu phàm hết sức về chúng, rồi khi ở cái tuổi 130, 140, hoặc nhiều hơn, tôi sẽ đạt đến trình độ mà mỗi dấu chấm hay mỗi nét sổ tôi vẽ nên sẽ sống dậy. Có thể trên thiên đường, nơi ban phát cuộc sống vĩnh hằng, sẽ cho tôi cơ hội để chứng minh rằng điều này không phải là giả dối”.

Năm 1839, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi xưởng của Hokusai cùng một lượng lớn tác phẩm của ông. Vào thời điểm này, sự nghiệp của ông đã bắt đầu xuống dốc dần dần thay vào đó các họa sĩ trẻ ví như Ando Hiroshige trở nên ngày càng nổi tiếng. Nhưng Hokusai không bao giờ ngừng vẽ, và ông đã hoàn thành bức Những con vịt trong dòng suối ở tuổi 87.

Không ngừng tìm tòi để cho ra những tác phẩm tuyệt vời hơn, ông dường như kêu lên trên giường bệnh của mình, “Giá mà ông trời cho tôi thêm chỉ mười năm nữa … hay chỉ cần năm năm nữa thôi, khi đó tôi sẽ trở thành một họa sĩ thực thụ.” Ông mất ngày 10 tháng 5, năm 1849, và được chôn cất tại Seikyō-ji ở Tokyo (Khu Taito).

Chỉ bốn năm ngắn ngủi sau sự ra đi của Hokusai, một hạm đội Mỹ dẫn đầu bởi Matthew C. Perry dong buồm đi vào vịnh Tokyo và buộc Nhật Bản mở các cửa ngõ ra với phương tây. Sự nghiệp của Hokusai đã kéo dài suốt thời kì cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản trước khi sự tiếp xúc của nước Nhật với phương Tây thay đổi tiến trình của cả dân tộc Phù Tang.

Các tác phẩm và những ảnh hưởng


http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/800px-Hodogaya_on_the_Tokaido.jpg
Hodogaya ở Tokaido

http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/232px-Hokusai-fuji-koryuu.png
Con rồng khói trốn khỏi Núi Phú Sĩ

http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/212px-Carp_leaping_up_a_cascade.jpg
Cá chép vượt thác

http://i748.photobucket.com/albums/xx130/Lindsay_091/525px-The_Strong_Oi_Pouring_Sake.jpg
Oi khỏe đang rót Sake

Hokusai đã có một sự nghiệp lâu dài, nhưng hầu hết các tác phẩm quan trọng nhất của ông được sáng tác sau tuổi 60. Sáng tác nổi tiếng nhất của ông là loạt tranh ukiyo-e Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ, được sáng tác khoảng giữa năm 1826 và 1833. Nó thực ra bao gồm 46 bản in (10 bản trong số đó được thêm vào sau lần công bố khởi điểm). Ngoài ra, ông còn cho ra đời Bách cảnh núi Phú Sĩ (富 岳百景, Fugaku Hyakkei?) vào năm 1834, một tác phảm mà “nói chung được coi là kiệt tác trong số những cuốn sách tranh phong cảnh của ông”. Ukiyo-e của ông được chuyển đổi loại hình nghệ thuật từ phong cách vẽ chân dung tập trung vào các kĩ nữ và các diễn viên nổi tiếng trong thời kỳ Edo ở các thành thị của Nhật Bản sang một phong cách nghệ thuật khoáng đạt hơn tập trung vào phong cảnh, thực vật và động vật.

Cả sự lựa chọn của Hokusai về nghệ danh và thuật họa thường xuyên về núi Phú Sĩ đều xuất phát từ niềm tin tôn giáo của ông. Cái tên Hokusai (北 斎?) có nghĩa là “xưởng (phòng) phía bắc” viết tắt của Hokushinsai (北辰 际?) hoặc “Xưởng sao bắc đẩu”. Hokusai là một thành viên của giáo phái Nhật Liên của Phật giáo, những người cho rằng sao Bắc đẩu được liên kết với thần Myōken (妙 见 菩萨?). Núi Phú Sĩ theo truyền thống được liên hệ với sự sống vĩnh cửu. Niềm tin này có thể được truy nguồn từ Chuyện cổ tích về Người chặt tre, trong đó một nữ thần đã đặt thuốc trường sinh trên đỉnh núi. Theo như Henry Smith giải nghĩa, “Như vậy từ thuở ban sơ, Núi Phú sĩ đã được coi là nguồn gốc của bí mật về sự bất tử, một truyền thống đã trở thành tâm điểm trong nỗi ám ảnh của Hokusai với ngọn núi.”

Công trình đồ sộ nhất của Hokusai là bộ tranh 15 quyển Hokusai Manga (北 斎 漫画?), Một cuốn sách đầy ắp với gần 4.000 bản phác thảo đã được xuất bản năm 1814. Những bản phác thảo này thường được quan niệm sai lầm là tiền đề của manga hiện đại, vì Manga của Hokusai là một bộ sưu tập các bản phác thảo (về động vật, con người, hiện vật, vv), khác với phong cách truyện tranh có cốt truyện của manga hiện đại.

Những ảnh hưởng về nghệ thuật và văn hóa

Hokusai đã truyền cảm hứng cho truyện ngắn được giải thưởng Hugo của tác giả khoa học viễn tưởng Roger Zelazny, “24 cảnh Núi Phú Sĩ,. bởi Hokusai”, trong đó nhân vật chính du ngoạn ở khu vực xung quanh núi Phú Sĩ, với mỗi điểm dừng là một vị trí được vẽ bởi Hokusai.

Ảnh hưởng của ông cũng lan đến cả những họa sĩ cùng thời với ông ở châu Âu vào thế kỷ XIX, những người theo phong cách Art Nouveau, hay Jugendstil ở Đức đã chịu ảnh hưởng của ông và của nghệ thuật hội họa Nhật Bản nói chung. Đây cũng là một phần của trào lưu ấn tượng lớn hơn, với các chủ đề tương tự như Hokusai xuất hiện trong tranh của Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir. Họa tiết dây roi của Hermann Obrist, hoặc Peitschenhieb, đã trở thành hình mẫu cho thấy trào lưu mới, bị ảnh hưởng rõ rệt bởi sáng tác của Hokusai.

Danh sách các tác phẩm chọn lọc

Sau đây là một danh sách chọn lọc các tác phẩm của Hokusai, được liệt kê theo thứ tự thời gian. Mỗi công trình đã được đề cập hoặc sử dụng như hình minh hoạ bởi một trong những người viết tiểu sử của Hokusai, và đại diện cho hoặc những tác phẩm xuất sắc nhất của Hokusai hoặc cho một giai đoạn cụ thể trên con đường phát triển nghệ thuật của ông.

* Tiểu thư và những người hầu (khoảng 1779) Vẽ trên lụa
* Đền Asakusa, Edo (c. 1780) Tranh in trên gỗ
* Bốn kĩ nữ của nhà Chojiya (1782) Tranh in trên gỗ
* Seyawa Kikujuro giả gái (1783) Tranh in trên gỗ
* Diễn viên Danjurō (1784) Tranh in trên gỗ
* Các cậu trai Trung Quốc trên sân khấu (1789) Tranh in trên gỗ
* Tấn công vào lâu đài của Moranoa từ Chusingura (1789-1806) Tranh in trên gỗ
* Chiếc phà chở các hành khách mang theo những món quà mừng năm mới (c. 1800) Surinomo
* Chân dung nghệ sĩ từ Các chiến thuật của Tổng Lò (1800) Tranh in gỗ trong tiểu thuyết
* Những thú tiêu khiển của Thủ phủ Đông (1800-1802) loạt tranh in trên gỗ
* Tắm ở Cầu Shin-Yangi từ cả hai bên bờ của sông Sumida (1803) Tranh in trên gỗ trong sách hướng dẫn
* Năm mươi ba chặng đường Tokaido (1806) loạt tranh in trên gỗ
* Tra tấn kiểuTrung Quốc từ sự tàn bạo của Bakin Dobki (1807) Tranh in trên gỗ trong tiểu thuyết
* Các bài sơ giảng trong hội họa giản thể (1812) sách hướng dẫn có minh họa
* Hokusai Manga (1814-1834) các tranh minh họa được phác thảo, 15 tập
* Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ (1823-1829) loạt tranh in trên gỗ
* Vẽ tranh trong ba hình thức (1816) sách hướng dẫn có minh họa
* Giấc mơ của vợ người ngư phủ (1820) tranh khiêu dâm in trên gỗ nổi tiếng
* Thiết kế với một nét bút lông duy nhất (1823) sách hướng dẫn có minh họa
* Chuyến du ngoạn đến thác nước tại các tỉnh lị (1827-1830) loạt tranh in trên gỗ
* những cảnh sắc phi thường trên các cây cầu kỉ niệm tại các tỉnh lị (1827-1830) loạt tranh in trên gỗ
* Hoa nhỏ (1830) loạt tranh in trên gỗ
* Hoa lớn (Hokusai) (1830) loạt tranh in trên gỗ
* Đại dương của tri thức (1833) loạt tranh in trên gỗ
* Bách cảnh núi Phú Sĩ (Hokusai) (1834)
* Cuốn sách của những chiến binh (1836) loạt tranh in trên gỗ
* Chân dung tự họa (1839) Tranh
* Cây liễu và những chú quạ con (1842) Vẽ trên lụa
* Một người kiếm củi (1849) Vẽ trên lụa


Theo tieulocloc.wordpress

yuti
22-02-2012, 09:33 PM
mình có bài tập về bứa tranh khắc trên gỗ về 2 chú chim uyên ương cùng ánh trăng của họa sĩ Hokusai, bạn có hình ảnh của bức tranh đó k?

Kasumi
22-02-2012, 11:23 PM
Bạn biết tên bức tranh đó hông? Ka thử tìm một lượt mà hông thấy bức nào như bạn mô tả cả. Trang sau có nhiều tranh của Hokusai lắm nè, bạn xem thử có sót ko nha :) http://www.allposters.com/-st/Katsushika-Hokusai-Posters_c31068_.htm