PDA

View Full Version : Người "phải lòng" kiến trúc cổ Việt Nam



Kasumi
20-02-2012, 02:48 PM
Với 11 năm ở Việt Nam, chuyên gia về phát triển văn hóa, du lịch– kiến trúc sư Ando Katsuhiro (Nhật Bản) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam. Theo anh, phát triển “du lịch cộng đồng” là một hướng đi tất yếu của du lịch Việt Nam. Đó là cách để người dân vừa tham gia phát triển du lịch vừa bảo tồn những giá trị văn hóa vô giá tại địa phương mình.


http://dangcongsan.vn/cpv/Upload/News/2012/2/DSC_0020.JPG
Hơn 10 năm làm việc tại Việt Nam, anh Ando Katsuhiro mong muốn được góp sức mình trong
việc bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch Việt Nam (Ảnh: KPG)

Anh Ando Katsuhiro sang Việt Nam lần đầu tiên khi còn là một học viên đi theo thầy giáo tới Hội An để thực hiện đề tài nghiên cứu về phát triển du lịch. Sau đó, anh đã quyết định làm việc tại Việt Nam và trở thành chuyên gia về văn hóa và du lịch, theo Chương trình Phái cử tình nguyện của JICA.

Đối với một người nước ngoài, 11 năm không phải là khoảng thời gian ngắn khi sinh sống và làm việc tại nước bản địa. Đất nước, con người và đặc biệt là giá trị văn hóa của những ngôi làng cổ, những công trình kiến trúc cổ Việt Nam đã làm say mê chàng trai của xứ sở hoa anh đào.

Là một kiến trúc sư, anh Ando đã tham gia vào các dự án trùng tu nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam). Đây cũng chính là nơi thắp lên tình cảm yêu mến các giá trị văn hóa truyền thống của Ando đối với Việt Nam. Anh kể, năm 2001, khi lần đầu tiên anh đến Hội An, nếu so với thời điểm “du lịch hóa” như bây giờ, thì Hội An khi đó thật giản dị và yên bình. Người dân Hội An khi đó là những người rất cần mẫn, chăm chỉ và họ mới chỉ làm một vài món đồ lưu niệm để làm quà tặng cho khách du lịch. Hội An ngày nay đã có rất nhiều thay đổi. Tuy vậy, với anh, nụ cười hiền hậu của người dân nơi đây và nét thần thái của Hội An thì vẫn còn. Anh mong rằng, những giá trị cuộc sống và sự thân thiện của người dân sẽ là những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi du khách khi đến Hội An.

Sau Hội An, anh Ando tiếp tục với các dự án trùng tu nhà cổ ở làng Phước Tích (Huế), Cái Bè (Tiền Giang) và Đường Lâm (Hà Nội) và rất nhiều dự án khác đang được triển khai. Đường Lâm là một làng cổ, nơi còn sót lại những nét điển hình của làng quê miền Bắc Việt Nam. Năm 2005, sau khi Đường Lâm được xếp hạng di tích quốc gia, khách du lịch đến đây ngày một nhiều. Tuy nhiên, làng cổ này vẫn còn nhiều tài nguyên du lịch đang “ngủ quên” và chưa được phát triển.

Anh Ando cùng với các đồng nghiệp Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nghiên cứu, làm việc để góp phần trùng tu các nhà cổ và phát triển mô hình “du lịch cộng đồng” tại Đường Lâm. Theo đó, chính những người dân ở làng sẽ là những người góp phần quan trọng vào việc quảng bá cũng như phát triển du lịch của làng. Ando đã cùng với các hướng dẫn viên tại Ban Quản lý có những cuộc khảo sát tìm kiếm các tài nguyên du lịch mới của làng, tạo ra những bản đồ vùng du lịch đã khảo sát. Qua khảo sát, những hướng dẫn viên và cán bộ trong ban quản lý đã bày tỏ rằng: những nơi mà họ không để ý trước đây, từ bây giờ trở đi sẽ có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, những di sản văn hóa, những truyền thuyết lịch sử, cuộc sống của người dân ở làng quê,... là những điều mà hướng dẫn viên du lịch không thể truyền tải hết với du khách tới Đường Lâm. Bởi vậy, theo anh Ando, sự hợp lực của người dân trong việc phát triển du lịch là điều rất cần thiết.


http://dangcongsan.vn/cpv/Upload/News/2012/2/HoiAn.JPG
Việc bảo tồn và trùng tu các ngôi nhà cổ có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị văn
hóa tại các làng quê cổ (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Anh Ando cho biết, ở Nhật Bản, mỗi làng, mỗi thôn đều có nhóm phát triển du lịch cộng đồng. Bởi vậy, chiến lược du lịch được thực hiện rất bài bản. Người dân cũng được đào tạo những kĩ năng để tham gia cùng làm du lịch. Chẳng hạn đảo Ojika – là một đảo nhỏ, ở xa, đường ra đảo rất khó khăn. Nhưng khi khách tham quan đến đó thì thực sự không muốn về. Không chỉ bởi cảnh vật mà các dịch vụ du lịch ở đây rất tốt, khách tham quan không có cảm giác đến một nơi xa xôi, hẻo lánh hay thiếu thốn về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, người dân ở đảo cũng rất ý thức được về những giá trị mà hòn đảo của mình có, biết cách phát huy điểm mạnh, điểm mà những địa danh du lịch khác không có được.

Hiện nay, tại làng cổ Đường Lâm, người dân được hướng dẫn để mở các nhà hàng ăn uống, cách làm các món ăn dân dã nhưng là đặc sản của làng, cách phục vụ khách du lịch sao cho tốt nhất,... Theo đó, người dân sẽ chính là những “hướng dẫn viên” đưa khách du lịch đến gần với văn hóa của làng quê Việt hơn.

Du lịch cộng đồng không còn là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thực hiện một cách tốt nhất. Trong 11 năm ở Việt Nam, anh Ando đã có cơ hội đi khoảng 40 tỉnh thành của Việt Nam. Anh thực sự ngạc nhiên trước tiềm năng du lịch của các làng quê cổ. Bởi vậy, anh mong muốn được góp sức mình trong việc trùng tu, bảo tồn những kiến trúc cổ, đưa du lịch tại những địa phương này phát triển cao và xa hơn.

Anh cho rằng, thật lãng phí nếu như không tận dụng được các nguồn tài nguyên du lịch ở các làng quê. Và du lịch cần phải được phát triển một cách bền vững, chứ không phải làm du lịch một cách “chộp giật”.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng du lịch như: du lịch biển, du lịch di sản, du lịch sinh thái,... Việc bảo tồn và phát huy các tiềm năng du lịch này sẽ là một kênh quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội và đưa gần hơn hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện đến với đông đảo bạn bè quốc tế.

Với những kiến thức chuyên môn và niềm đam mê kiến trúc cổ, anh Ando Katsuhiro hi vọng có thể góp sức lực bé nhỏ của mình trong việc bảo tồn, tôn tạo các ngôi làng cổ của Việt Nam. Anh mong rằng những nét văn hóa truyền thống của các làng quê Việt sẽ được phát huy và nâng cao tính hấp dẫn, không chỉ đối với du khách trong nước mà còn đối với các du khách quốc tế.


Kiều Giang
(ĐCSVN)