PDA

View Full Version : Chuyến vượt biển cầu pháp của vị Quốc sư Nhật Bản



Kasumi
22-02-2012, 12:39 PM
Từ năm 18 tuổi, Viên Nhĩ Biện Viên đã là một danh tăng trên đất Nhật, được mọi người ngưỡng mộ vì kiến thức uyên thâm. Thế nhưng, không bằng lòng với chính mình, Viên Nhĩ đã lặn lội sang tận Trung Quốc để cầu pháp. Và cuộc hành trình vượt biển cầu pháp của vị Quốc sư đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản cho tới nay vẫn còn là một huyền thoại khiến nhiều người phải thán phục...

Viên Nhĩ Biện Viên sinh năm 1202, mất năm 1280, vốn là người họ Bình, tên là Biện Viên, tự là Viên Nhĩ, vì vậy người đời sau mới gọi ông là Viên Nhĩ Biện Viên. Từ nhỏ, Viên Nhĩ đã thông minh hơn người. Lúc mới lên 5 tuổi đã bắt đầu theo học thầy Nghiêu Biện, một đại sư nổi tiếng thời bấy giờ.

Năm 12 tuổi, Viên Nhĩ theo học giáo nghĩa của Thiên Thai tông. Tới năm 15 tuổi thì đã tinh thông tất cả mọi giáo lý kinh sách.

Chuyện kể rằng, có lần Viên Nhĩ ngồi dưới nghe thầy giảng tới một câu thì thấy thầy ngập ngừng nhiều lần, không biết giảng tiếp thế nào nữa.

Cậu học trò mới 15 tuổi Viên Nhĩ đã bước lên phía trước thay thầy giảng giải câu văn trong sách kinh điển một cách trôi chảy khiến tất cả mọi người có mặt trong lớp học hôm đó đều phải kinh ngạc.

Năm 18 tuổi, Viên Nhĩ xuống tóc, xuất gia ở chùa Viên Thành, quyết tâm theo học giáo lý của dòng Thiên Thai tông. Sau đó, trong khoảng thời gian kéo dài 3 năm, Viên Nhĩ tới kinh đô và chuyên tâm học kinh điển của Nho giáo.

Song song với các giáo lí trên, Viên Nhĩ cũng tu tập theo Mật giáo của Thiên Thai tông và được ấn chứng theo nghi lễ tông này năm 1228.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, Viên Nhĩ được coi là người tinh thông cả giáo lý bên trong lẫn bên ngoài Phật giáo, một đại sư cực kỳ uyên bác với kiến thức mà ai cũng phải kính nể.

Tuy nhiên, Viên Nhĩ lại cảm thấy rằng những kiến thức mà ông học được trong kinh điển trong và ngoài Phật giáo đều chẳng có tác dụng gì với việc sống chết, nó chỉ giống như hạt muối giữa biển khơi mênh mông mà thôi.

Quyết tâm mở rộng kiến thức của mình, Viên Nhĩ quyết định rời khỏi chùa Viên Thành, tới chùa Trường Lạc, bái thiền sư Vinh Triều là đệ tử nổi tiếng của Vinh Tây thiền sư, cùng Vinh Triều nghiên cứu Thiền tông.

Vinh Tây là thiền sư Nhật Bản từng lặn lội sang Trung Quốc cầu học. Vinh Triều sau khi theo Vinh Tây học Thiền đã khai sáng chùa Trường Lạc dạy thiền, danh tiếng lừng lẫy một vùng. Lúc bấy giờ, Viên Nhĩ đang tìm lối thoát trong tư tưởng nên khi nghe danh Vinh Triều đã không quản ngại đường xá xa xôi, tìm tới chùa Trường Lạc.


http://phunutoday.vn/dataimages/201202/original/images627282_Vo_Chuan_1_Phunutoday.vn.jpg
Vô Chuẩn

Khi đó, Phật giáo đã tới Nhật Bản từ lâu, song Thiền tông thì vẫn chưa được truyền bá một cách rộng rãi. Chính vì vậy, những danh tăng thời bấy giờ nhiều người rất có hứng thú với Thiền tông. Viên Nhĩ cũng không nằm ngoài số này.

Là một người đọc thông kinh điển trăm nhà, Viên Nhĩ cũng rất háo hức với hình thức và những quan niệm rất mới lạ của Thiền tông so với Phật giáo kinh điển. Tìm hiểu Thiền tông chính là lý do lớn nhất khiến Viên Nhĩ quyết định rời Nhật Bản, tới Trung Quốc để cầu pháp.

Năm 1235, Viên Nhĩ quyết định lên đường tới Trung Quốc. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, thuyền của Viên Nhĩ đã tới đất Minh Châu của nhà Nam Tống.

Đến mảnh đất mới, lại thêm lòng ham học hỏi, Viên Nhĩ đã đi rất nhiều nơi, nơi đâu ông cũng dừng lại để xin được chỉ giáo. Nơi đặt chân đến đầu tiên của Viên Nhĩ chính là Luật viện Cảnh Đức ở Minh Châu. Tại đây, Viên Nhĩ nghe luật sư Thiện Nguyệt giảng về giới luật.

Sau khi rời khỏi Cảnh Đức, Viên Nhĩ lại tới xin học đạo với Si Tuyệt Đạo Xung tại chùa Cảnh Đức ở núi Thiên Đồng. Sau khi học Si Tuyệt Đạo Xung, Viên Nhĩ lại tới Hàng Châu học giáo pháp của Thiên Thai tông với một đại sư nổi tiếng của dòng Thiên Thai tông ở Trung Quốc là Bá Đình Thiện Nguyệt.

Thấy Viên Nhĩ có tâm cầu học, Bá Đình Thiện Nguyệt đã đem tất cả hiểu biết của mình về bốn bộ kinh kinh điển của Thiên Thai tông truyền cho Viên Nhĩ.

Tuy nhiên, Viên Nhĩ cũng không ở lại lâu bên Bá Đình Thiện Nguyệt. Ít lâu sau đó, Viên Nhĩ lại cáo từ Bá Đình Thiện Nguyệt để tới núi Nam Bính theo học Tiếu Ông Diệu Thậm ở chùa Tịnh Từ và Thạch Điền Pháp Huân ở chùa Linh Ẩn. Trong suốt thời gian này, Viên Nhĩ qua lại liên tục ở hai chùa Tịnh Từ và Linh Ẩn.

Trong thời gian ở chùa Linh Ẩn, Viên Nhĩ đã may mắn gặp được Thôi Canh Đức Ninh, đệ tử của thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm. Thôi Canh Đức Ninh thấy Viên Nhĩ là người có chí hướng hơn người, mới nói với Viên Nhĩ rằng: “Danh sư trong thiên hạ ngày nay chỉ có một mình thầy ta là Vô Chuẩn Sư Phạm, vì sao cậu không tới đó học mà cứ phải chạy khắp nơi này tới nơi khác như vậy cho cực nhọc?”.

Nghe theo lời khuyên của Thôi Canh Đức Ninh và cũng là vì tò mò, Viên Nhĩ đã lặn lội lên Kính Sơn để cầu học thiền sư Vô Chuẩn Sư Phạm.

2. Vô Chuẩn Sư Phạm là thiền sư nổi tiếng thời kỳ Nam Tống, được người ta ví như bậc Thái Sơn, Bắc Đẩu của Phật giáo lúc bấy giờ. Vô Chuẩn Sư Phạm cũng là nhân vật trung tâm của hệ phái Dương Kỳ thuộc tông Lâm Tế của Thiền tông.

Khi Viên Nhĩ tìm tới Kinh Sơn cầu học Vô Chuẩn Sư Phạm, vừa nhìn thấy vị hòa thượng Nhật Bản, Vô Chuẩn đã biết không phải là người bình thường, vì vậy không những nhận Viên Nhĩ làm đệ tử mà còn cho phép Viên Nhĩ trở thành người hầu cận bên mình hằng ngày để tiện việc giảng pháp.

Một hôm để gợi ý cho sự giác ngộ của Viên Nhĩ, Vô Chuẩn Sư Phạm đã đưa cho Viên Nhĩ công án nổi tiếng “Chiếc lược bí của Thủ Sơn”.

Công án này nói rằng, thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm đã đem một cái lược trúc hỏi một vị hành tăng rằng nên gọi nó là cái gì. Nếu như gọi là cái lược trúc thì người đó bị mắc phải sự cố chấp, chỉ biết tuân theo lối mòn người ta sắp sẵn từ trước.

Nếu như nói rằng nó chỉ là một đoạn trúc, tạm gọi là cái lược trúc thì thực chất vẫn gọi nó là cái lược trúc. Dùng lời gọi nó cũng không được, mà không gọi nó cũng không xong, vậy rốt cuộc thì nên gọi cái lược trúc là cái gì? Điều này trở thành một vấn đề nan giải.

Để ngộ được công án này, Viên Nhĩ đã ngày đêm nghiên cứu công án, song vẫn chẳng ngộ ra được đạo lý ẩn sâu bên trong đó. Nguyên nhân là vì, từ trước tới nay, Viên Nhĩ đều theo học Thiên Thai tông và Mật tông, hai tông phái này vốn rất cố chấp với những lời dạy của Phật Thích Ca, coi là khuôn vàng thước ngọc, không thể thay đổi.

Cũng chính vì vậy, tư tưởng của những tông phái này bị chính sự cố chấp trong tư tưởng của mình bó buộc. Vô Chuẩn Sư Phạm chấp nhận một người có lại lịch như Viên Nhĩ làm đệ tử của mình, có thể thấy là ông vô cùng kỳ vọng vào người thanh niên Nhật Bản này.

Cho tới một ngày, Viên Nhĩ theo thường lệ trình bày với thầy những kiến giải của mình về vấn đề này. Vô Chuẩn Sư Phạm nghe xong, chẳng nói chẳng rằng, tiến tới gần vung tay tát thẳng vào mặt Viên Nhĩ một cái như trời giáng khiến Viên Nhĩ lăn quay xuống đất.

Khi bị ngã nhào xuống đất, đau đớn và thở dốc thì cũng là lúc Viên Nhĩ ngộ ra chân lý. Ông đã thoát khỏi hai chữ “Hữu Vô” để đạt tới trạng thái tĩnh tâm giác ngộ.

Lúc bấy giờ, Viên Nhĩ vội vàng đốt hương cảm ơn đại ơn đại đức của sự phụ đã giúp mình giác ngộ. Vô Chuẩn cũng cảm thấy rất vui vì cuối cùng Viên Nhĩ cũng đã có thể vượt qua được những chấp niệm đã đeo bám theo ông từ khi ông bắt đầu xuất gia theo Phật. Ngay trong hôm đó, Vô Chuẩn Sư Phạm đã ấn khả cho Viên Nhĩ.


http://phunutoday.vn/dataimages/201202/original/images627283_Chua_Dong_Phuc_Phunutoday.vn.jpg
Chùa Đồng Phúc

Để chúc mừng Viên Nhĩ, Vô Chuẩn Sư Phạm còn tặng cho ông một bức tranh. Bức tranh này ngày nay vẫn còn được trưng bày ở Nhật Bản. Sau khi được Vô Chuẩn Sư Phạm ấn chứng, Viên Nhĩ tiếp tục ở lại theo học Vô Chuẩn thêm 3 năm nữa rồi mới cáo biệt, trở về Nhật Bản.

Sau 8 năm cầu pháp ở Trung Quốc, Viên Nhĩ trở về tới nước Nhật. Tại quê nhà, Viên Nhĩ đã sáng lập chùa Đông Phúc (Tofuku-ji) tại kinh đô (Kyoto) và trở thành sư trụ trì tại nơi đây.

Ngoài ra, Viên Nhĩ còn quản lý hai thiền viện khác là Thụ Phúc (Jufuku-ji) và Kiến Nhân (Kennin-ji), cả ba đều là những thiền viện quan trọng nằm trong hệ thống “Ngũ sơn thập sát” của Liêm Thương và Kinh Đô.

Do xuất thân từ Thiên Thai tông rồi đắc đạo với Thiền tông, phương pháp dạy đệ tử của Viên bao gồm giáo lí của Thiên Thai, Chân ngôn và cả Thiền tông nhưng khác với phương pháp của Vinh Tây, Thiền tông trong giáo pháp của Viên Nhĩ được xếp cao hơn hẳn hai giáo môn còn lại.

Do những công trạng to lớn của Viên Nhĩ đối với sự phát triển của Thiền tông Nhật Bản, nên sau khi ông viên tịch, Hoa Viên Thiên Hoàng đã phong tặng cho ông tước hiệu Thánh Nhất Quốc sư. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản có danh hiệu Quốc sư và Viên Nhĩ cũng là vị Quốc sư đầu tiên trong lịch sử Phật giáo của quốc gia này.


Bằng Hư
PNTD