PDA

View Full Version : Nhật Bản với bài toán dân số già



Kasumi
04-03-2012, 12:26 PM
Nhật Bản đang "đau đầu" với biểu đồ dân số của mình khi kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, đến năm 2060, số dân nước này sẽ giảm một phần ba, số người trong độ tuổi lao động giảm mạnh và số người già chiếm 40%. Ðiều này sẽ kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với các chính sách an sinh xã hội và kinh tế của đất nước Mặt trời mọc trong nhiều thập kỷ tới.


http://www.nhandan.org.vn/polopoly_fs/1.336899.1330798056!/image/3200703405.jpg
Tỷ lệ người già hơn 65 tuổi dự đoán chiếm 40% dân số Nhật Bản vào năm 2060.

Những năm gần đây, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh, trong khi tỷ lệ sinh giảm mạnh. Các chuyên gia dân số cảnh báo, xu hướng gia đình ít con hoặc không lập gia đình và sinh con đang trở thành một hiện tượng phổ biến ở Nhật Bản. Số liệu gần đây của Viện Nghiên cứu quốc gia về xã hội và các vấn đề dân số cho thấy, dân số Nhật Bản sẽ giảm 32%, từ 128 triệu người năm 2010 xuống còn khoảng 85 triệu vào năm 2060. Trên biểu đồ dân số, tỷ lệ sinh tại thời điểm đó dự đoán thấp hơn nhiều so ngưỡng đặt ra để duy trì nòi giống. Số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 cũng sẽ giảm dần, chỉ còn hơn 44 triệu người, tương đương 51% dân số vào năm 2060. Trong khi, số người già hơn 65 tuổi tăng mạnh theo từng năm và khoảng 50 năm tới, tỷ lệ này dự kiến chiếm 40% dân số, gần gấp hai lần so năm 2010. Nhờ mức sống và tiến bộ y học ngày càng phát triển, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản tới năm 2060 cũng được nâng cao. Theo đó, tuổi thọ trung bình ở nam giới sẽ đạt 84 tuổi, nữ giới là 91 tuổi. Tỷ lệ sinh thấp cùng với tuổi thọ cao có thể làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu dân số của nước này, khiến sự chênh lệch giữa người già và người trong độ tuổi lao động ngày càng tăng trong nhiều năm tới. Ðiều này tác động tiêu cực tới việc cải thiện cuộc sống của người cao tuổi, cũng như đặt gánh nặng kinh tế, tài chính lên vai những người trẻ.

Những hệ lụy về thay đổi dân số có thể nhìn thấy trước mắt đó là thiếu lực lượng lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện chiếm 4,5%, mức tương đối thấp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính đang lan rộng khắp thế giới. Dân số giảm cũng đồng nghĩa với việc sản xuất giảm và kéo theo nhu cầu tiêu thụ cũng đi xuống, ảnh hưởng trực tiếp tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ngoài ra, dân số già khiến Chính phủ Nhật Bản cũng phải tăng các khoản chi tiêu công cho y tế và các chi phí phúc lợi xã hội như lương hưu, kéo theo thâm hụt ngân sách quốc gia. Ðối tượng cần trợ cấp xã hội ngày càng nhiều, trong khi lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động, đối tượng đóng thuế nhiều nhất cho xã hội, ngày càng "mỏng", kéo theo các khoản thu cho ngân sách sụt giảm đáng kể. Ðể bù đắp khoản thu thiếu hụt này, chính phủ buộc phải đánh thuế "mạnh tay" hơn đối với tầng lớp lao động. Trong khi đó, nợ công của đất nước Mặt trời mọc hiện chiếm 200% GDP. 95% nợ công của Nhật Bản chủ yếu được chi trả thông qua các khoản tiết kiệm của người dân gửi tại ngân hàng hay mua trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, dân số già tác động thói quen tiết kiệm của người dân Nhật Bản. Chi tiêu hộ gia đình tăng, đồng thời giảm dần "hầu bao" tiết kiệm của người dân nước này. Ðiều đó khiến nền kinh tế thứ ba thế giới sẽ phải tăng tốc độ vay mượn để chi trả các khoản nợ trong thời gian tới.

Theo các nhà phân tích, khuyến khích sinh con, mở rộng "cánh cửa" nhập cư đối với lao động nước ngoài là một trong nhiều giải pháp nhằm cung cấp lực lượng lao động để duy trì phát triển kinh tế của Nhật Bản. Bên cạnh đó, đất nước Mặt trời mọc cần phát huy những thành tựu đổi mới kỹ thuật, nâng cao vai trò của máy móc thay thế con người trong hoạt động sản xuất. Chính quyền của Thủ tướng Nô-da cũng dự kiến trình QH nước này dự luật tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 8% vào năm 2014 và 10% năm 2015, với nỗ lực tăng nguồn thu ngân sách. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cần áp dụng các chính sách tăng độ tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc như một giải pháp bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt.

"Bài toán" dân số già đặt ra nhiều thách thức đối với kinh tế và xã hội Nhật Bản. "Lời giải" đang nằm ở những chính sách của Chính phủ đất nước Mặt trời mọc trong thời gian tới.


LAN HƯƠNG
nhandan