PDA

View Full Version : Những người gieo mầm cho vùng đất “chết”



Kasumi
05-03-2012, 02:21 PM
Cách đây 1 năm, vùng đông bắc Nhật Bản đã chịu thiệt hại nặng nề do sóng thần và động đất nhưng nay vùng đất này đã hồi sinh.

Nhân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra thảm họa động đất sóng thần tại Nhật Bản, phóng viên VOV tại Tokyo đã có chuyến công tác tại hai tỉnh Iwate và Miyagi thuộc vùng đông bắc, nơi chịu nhiều thiệt hại nhất. Ofunato, Rikuzen Takata, Kesennuma, Ishinomaki, Sendai, Natori, những địa danh vốn tràn ngập trên báo chí 1 năm trước đây với những hình ảnh đổ nát và tang thương nay hiện ra trong mắt chúng tôi với diện mạo mới. Tuy rằng cảnh đổ nát vẫn còn đó khắp nơi nhưng niềm hy vọng, sự nỗ lực và bầu nhiệt huyết của rất nhiều người đang gieo mầm cho sự hồi sinh trên vùng đất “chết” này.

Hạt giống từ trái tim

Rikuzen Takata là một thành phố nằm trên bờ Thái Bình Dương ở phía nam của tỉnh Iwate, cách thủ đô Tokyo 500 km về phía đông bắc. Đây đã từng được báo chí miêu tả là “bị quét sạch khỏi bản đồ” khi trận sóng thần lịch sử tấn công thành phố hôm 11/3/2011. Hơn 70% nhà cửa bị sóng thần và động đất tàn phá. 1.555 người chết và 289 người mất tích vẫn còn mất tích. Nếu so với tổng số dân của thành phố khoảng trên 23.000 người, gần 8% dân cư của ở đây đã bị thảm họa cướp đi sinh mạng. Đây là một trong những nơi bị thiệt hại về nhân mạng cao nhất Nhật Bản trong thảm họa năm 2011.

Chúng tôi đến nơi vốn dĩ đã từng là khu vực trung tâm của thành phố. Mùa đông đang phủ lên nơi đây một tấm áo tuyết trắng tinh nhưng vẫn không thể che lấp hết những núi phế thải được thu gom từ đống đổ nát sau trận sóng thần. Lác đác trong khu vực còn sót lại những tòa nhà kiên cố chưa bị cuốn trôi nhưng cũng bị tàn phá tan hoang: tòa thị chính thành phố, siêu thị Maiya, khách sạn Capital...

Nổi bật nhưng lẻ loi trong khu vực vốn sầm uất này là một căn nhà nhỏ với một nhà vườn bằng nylon nằm sát bên. Đó là cửa hàng bán các loại hạt giống của ông Tetsuda Sato (55 tuổi). Ông là người đầu tiên quay trở lại, dựng nhà, mở cửa hàng trên mảnh đất của mình. Đó không phải là vì muốn giữ đất, mà đó là vì ông muốn gieo lên mảnh đất chết này những hạt giống cho sự hồi sinh.

Người đàn ông chắc nịch, đầy sức sống, luôn chân luôn tay này vẫn không khỏi một chút chùng xuống khi nhìn ra xung quanh. Ông cố gắng giải thích cho chúng tôi vị trí các ngôi nhà hàng xóm, nơi bây giờ chỉ còn là những bãi đất trống tuyết phủ trắng xóa.

“Tôi muốn gieo hạt giống từ trái tim mình cho vùng đất này. Cậu có hiểu hạt giống từ trái tim không?”. Dường như sợ tôi không hiểu hết ý nghĩa của “hạt giống từ trái tim”, ông Sato kéo tôi ra phía trước cửa hàng, nơi có đặt tấm biển ghi triết lý sống của ông bằng những màu xanh đỏ nổi bật: “Gieo hạt giống hy vọng cho trái tim. Gieo hạt giống hồi sinh cho thành phố. Và gieo hạt giống hạnh phúc cho vùng đất gặp thiên tai”.

Ông Sato cho biết gia đình ông vẫn còn may mắn hơn nhiều người hàng xóm khi chỉ bị mất sạch nhà cửa, còn mọi người trong gia đình đều thoát nạn sóng thần. Còn sống là còn làm việc, làm việc để xây dựng lại thành phố. Tự nhận mình mang tinh thần của võ sĩ đạo samurai, không bao giờ lùi bước, không bao giờ từ bỏ, ông Sato đã quyết định quay trở lại, dựng lên trên nền móng của ngôi nhà cũ một căn nhà nhỏ làm cửa hàng và một nhà vườn bằng nylon làm nơi ươm giống.

Chỉ cho tôi xem những thanh nhôm nẹp cửa với nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau, ông Sato cho biết tất cả nguyên vật liệu dựng lên căn nhà và nhà vườn đều được lấy từ đống phế liệu mà cơn sóng thần để lại. Ông mất cả tháng trời để tự mình làm nên căn nhà như một minh chứng cho lòng quyết tâm xây dựng lại thành phố từ đống đổ nát.

Để có nước tưới cây, ông Sato đã lấy những ống tre, đóng đinh vào đầu rồi xoay vào đất để đào giếng. Chiếc giếng nhỏ chỉ với đường kính chưa đầy 20cm cũng đã là một thử thách cho tinh thần không lùi bước của người chiến binh Samurai này. “Những ống tre như thế này cũng đã là vũ khí của người Việt Nam trong chiến tranh. Người Nhật có tinh thần võ sĩ đạo. Người Việt Nam cũng có tinh thần không bao giờ lùi bước”, ông Sato làm tôi ngạc nhiên vì kiến thức về Việt Nam của mình.

“Tôi biết các bạn Việt Nam, dù giàu hay nghèo đều đã quyên góp rất nhiều tiền cho người dân Nhật Bản sau động đất sóng thần”. Vừa nói từ cảm ơn lơ lớ bằng tiếng Việt, ông Sato vừa cúi gập người xuống trước chúng tôi. Ông Sato gửi lời nhắn nhủ đến người dân Việt Nam: “Tôi không biết sẽ mất bao lâu để xây dựng lại thành phố nhưng xin các bạn tin chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ”.

Tình nguyện viên gieo mầm

Ngoài chúng tôi, còn có một nhóm sinh viên tình nguyện gồm cả người Nhật và Việt đến cửa hàng của ông Sato để giúp ươm cây giống nhân ngày nghỉ cuối tuần. Bạn Nguyễn Cao Hoàng Quân, hiện đang học ngành kiến trúc tại Tokyo, là một trong hai sinh viên tình nguyện người Việt. Đây là lần đầu tiên Quân đến vùng bị động đất sóng thần.

Chỉ một chút bỡ ngỡ với việc lấy nước lên từ chiếc giếng nhỏ xíu, Quân đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ tưới nước cho những luống rau mầm trong nhà vườn bằng ny lông. “Em đã trải qua cảm giác sợ hãi lúc bị động đất nên em rất muốn giúp đỡ dù chỉ là một chút với những người dân ở đây”, Quân chia sẻ.

Đối với Lê Yến Lan, sinh viên ngành công nghệ thông tin, những hình ảnh đổ nát hoang tàn ở Rikuzen Takata không còn quá xa lạ bởi đây là lần thứ hai bạn đi tình nguyện. Trong chuyến đi tình nguyện kéo dài 20 ngày vào mùa hè năm ngoái, Lan đã thực sự sốc khi nhìn thấy những gì trận sóng thần để lại. Cẩn thận đưa từng cây cải mầm nhỏ xíu từ chậu nhỏ sang chiếc chậu lớn hơn, cô sinh viên tình nguyện người Việt như muốn chúng lớn nhanh hơn đem đến màu xanh cho vùng đất chết.

Các sinh viên Việt Nam đến Rikuzen Takata trong một hoạt động tình nguyện do 2 tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản có tên gọi Aid Takata và Set tổ chức. Hoạt động tình nguyện lần này thu hút hơn 30 sinh viên, trong đó có 9 sinh viên người Việt đang học tập tại Nhật Bản. Các tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm đến giúp đỡ và giao lưu với người dân địa phương.

Chị Asako Nakanishi, một trong những người đứng ra tổ chức hoạt động tình nguyện, cho biết, chị đã có 2 năm dạy tiếng Nhật ở Việt Nam nên có nhiều mối liên hệ với các lưu học sinh Việt Nam ở Nhật. Sau thảm họa động đất sóng thần, rất nhiều lưu học sinh Việt Nam đã hỏi chị làm thế nào để giúp các nạn nhân của thảm họa như một mối tri ân đối với đất nước Nhật Bản. Nhiều bạn đã không ngần ngại lên đường tình nguyện đến những vùng gặp nạn.

Tháng 9/2011, chị Nakanishi đã dẫn một nhóm lưu học sinh Việt Nam đến Rikuzen Takata tham gia hoạt động tình nguyện. “Tôi muốn gửi đến người dân địa phương những nụ cười tuyệt vời của các bạn Việt Nam. Tôi muốn sự tưoi khỏe của sinh viên Việt Nam truyền sang cho những con người đang phải vật lộn với cuộc sống ở đây”, chị Nakanishi nói.

Tự nhận mình đã kết duyên với Rikuzen Takata sau khi thành phố bị sóng thần hủy diệt, chị Nakanishi đã đến đây hàng chục lần trong một năm qua để đưa các tình nguyện viên đến với người dân địa phương. Mỗi tình nguyện viên sau khi về sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực để thêm nhiều người nữa đến đây giúp gieo mầm cho vùng đất chết. “Xin mọi người đừng quên những nạn nhân của thảm họa. Họ vẫn cần giúp đỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động tình nguyện của mình.”, chị Nakanishi khẳng định.


http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-1.jpg
Núi phế thải từ đống đổ nát do sóng thần để lại

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-2.jpg
Nơi vốn là trung tâm sầm uất của thành phố Rikuzen Takata

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-3.jpg
Chỉ còn những tòa nhà kiên cố còn sót lại

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-4.jpg
Một chiếc xe lăn vô chủ

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-5.jpg
Cửa hàng hạt giống của ông Sato nổi bật nhưng lẻ loi

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-6.jpg
“Võ sĩ đạo” Sato trước cửa hàng hạt giống của mình

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-7.jpg
Triết lý sống của ông Sato

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-8.jpg
Dụng cụ đào giếng của ông Sato

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-9.jpg
Nụ cười tình nguyện viên Việt Nam

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-10.jpg
Nâng niu từng cây rau mầm

http://vov.vn/Uploaded_VOV/thuthuy/20120305/Anh-11.jpg
Tinh nguyện viên và người dân địa phương


Bài và ảnh Hoàng Liên Sơn
(từ Tokyo)