PDA

View Full Version : Năm 2007: USD sẽ rớt giá?



Taichi
06-10-2006, 07:43 PM
Năm 2005, nhiều nhà phân tích tài chính đã sai lầm khi dự đoán rằng đồng USD sẽ bị giảm giá mạnh. Trên thực tế, trong 2005, đồng USD đã tăng giá đến 15% so với đồng Euro và đồng Yên. Năm 2006 tình hình cũng tương tự. Còn năm 2007?

Đầu năm 2006, Ngân hàng Standard & Chartered cho rằng đà tăng giá của đồng USD trong năm 2006 sẽ bị chững lại và sau đó giảm dần khi FED chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất cơ bản đã kéo dài trong năm 2005.

Thực tế, 3 tháng đầu năm 2006, đà tăng giá của đồng USD đã chững lại và giá USD giảm giá khá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác: giảm giá 2,6% so với đồng Yên và 2,4% so với đồng Euro.

Nguyên nhân chính là do các nhà giao dịch tiền tệ lúc đó dự báo rằng FED sẽ ít có khả năng tăng lãi suất lên 5%.

“Chiến dịch” tăng lãi suất của FED

Tuy nhiên, trái với dự đoán của các nhà tài chính quốc tế, ngày 29/3/2006, FED đã tăng lãi suất cơ bản từ mức 4,5%/năm lên 4,75%/năm: đây là đợt tăng lãi suất thứ hai kể từ đầu năm 2006 và gần như tức thời, lãi suất USD trên các thị trường tiền tệ chủ chốt của thế giới như lãi suất thị trường liên ngân hàng Singapore (Sibor), lãi suất thị trường liên ngân hàng London (Libor) cũng đều tăng lên.

Tuy nhiên, trong một báo cáo vào tháng 4/2006 của FED có nội dung “ngụ ý” nói rằng đợt tăng lãi suất lên 4,75%/năm sẽ là đợt tăng cuối cùng trong năm 2006, thì ngay lập tức giá vàng lại tăng trở lại và ở mức cao hơn lên đến mức 682,35 USD/ounce, đồng USD lại bị giảm giá.

Bất chấp “tuyên bố” trong báo cáo tháng 4/2006 trước đó, FED đã tăng lãi suất cơ bản lên 5% vào ngày 10/5/2006. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ đã có những phản ứng trái chiều so với trước đây, thay vì tăng giá, đồng USD đã giảm giá mạnh.

...................

Taichi
06-10-2006, 07:43 PM
Tính đến ngày 10/5, giá USD đã giảm 7,67% so với EURO, 9,12% so với đồng Bảng Anh và 5,45% so với đồng Yên. Sự sụt giảm của đồng USD xuất phát từ nguyên nhân chính là do nhiều nhà giao dịch tiền tệ và phân tích tài chính quốc tế dự báo rằng chu kỳ tăng lãi suất cơ bản của FED đã kéo dài 20 tháng sắp kết thúc.

Thêm vào đó, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ đã ở mức kỷ lục là 224,9 tỷ USD vào quý IV năm 2005 và đang tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm 2006. Tình trạng thậm hụt này tiếp tục tăng lên, cũng đồng nghĩa với việc đồng USD cần phải được chuyển đổi nhiều hơn sang các đồng tiền khác để chi trả cho hàng nhập khẩu.

Sau khi FED tăng lãi suất cơ bản lên 5%, hầu hết các đánh giá đều cho rằng mức lãi suất 5% sẽ là mức cao nhất và FED khó có thể tăng lãi suất hơn nữa do cần phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, từ sau ngày 12/5/2006, những dự báo này có vẻ đã không còn chính xác nữa khi báo cáo về lạm phát mới nhất của Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Mỹ đã tăng trong những tháng gần đây.

Trong tháng 4/2006, chỉ số CPI của Mỹ là 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó mức lạm phát cơ bản (mức lạm phát không tính tới sự biến động của giá năng lượng và thực phẩm) cũng đã tăng tới 2,1%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2005 và cao hơn chút ít so với mức lạm phát danh nghĩa “mức chấp nhận” là từ 1-2% mà FED đặt ra.

Đầu tháng 8/2006, FED đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất kéo dài suốt từ năm 2004 và tối 20/9/2006 vừa qua, kết thúc cuộc họp thường kỳ, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất USD ở mức 5,25% như hiện nay. Trong thông cáo của mình, FED nói rằng tình trạng lạm phát của nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong tầm kiểm soát được, do đó không cần phải tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, giá năng lượng thời gian gần đây khá ổn định, thường xuyên ở mức thấp hơn hẳn mấy tháng trước đó.

Dự báo xu hướng giá USD năm 2007

Theo dự đoán của nhiều nhà phân tích kinh tế, nhiều khả năng đồng USD sẽ giảm giá mạnh vào năm 2007 bởi nhiều nhân tố hỗ trợ làm tăng giá đồng USD không còn mạnh như trước.

Cụ thể như sau:

Thứ nhất, lãi suất cao là nhân tố quan trọng nhất dẫn tới sự tăng giá của đồng USD. Nếu FED còn tiếp tục tăng lãi suất, đồng USD sẽ tăng giá trở lại, còn nếu ngừng tăng lãi suất thì đồng USD sẽ giảm giá.

Vấn đề đặt ra là liệu FED sẽ còn tăng lãi suất cơ bản nữa hay không?

Theo các nhà phân tích kinh tế, cho đến cuối năm 2006 và sang năm 2007, triển vọng tăng giá của đồng USD là rất không chắc chắn. Lãi suất của đồng USD hiện đã quá cao và khó có thể tăng thêm nhiều nữa, mặc dù khả năng tăng lãi suất trái phiếu chính phủ trong tương lai gần có thể sẽ giúp giữ giá đồng tiền này.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ lại khó có thể tăng cao lãi suất trái phiếu dài hạn, vì như vậy sẽ gây ra những rủi ro lớn cho thị trường bất động sản. Viễn cảnh này là nhân tố quan trọng khiến cho đồng USD có nguy cơ rớt giá so với các đồng tiền mạnh khác.

Thứ hai, sau nhiều năm duy trì mức lãi suất 2% (từ tháng 6/2003), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu tăng lãi suất lên 2,25% vào quý IV/2005 và hiện đang ở mức 2,75% nhằm kiềm chế lạm phát.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, ECB sẽ tiếp tục nới rộng biên độ tăng lên mức 0,5% trong các lần tăng tới do áp lực của lạm phát ngày một tăng và ECB luôn cho rằng, chống lạm phát luôn là mục tiêu tối cao nhằm đảm bảo cho sự phát triển lâu bền của nền kinh tế. Theo dự báo của Ngân hàng hoàng gia Scotland, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản của đồng Euro lên đến mức 3,25% vào những tháng cuối năm 2006 và sẽ duy trì ở mức này trong năm 2007.

Như vậy, với dự đoán này thì chênh lệch lãi suất của Mỹ và châu Âu đã có xu hướng giảm, làm cho các dòng vốn chảy vào Mỹ sẽ giảm có thể làm giảm giá đồng USD và gây ra tình trạng yếu của nền kinh tế thế giới.

Thứ ba, đồng USD sẽ bị mất giá mạnh do cán cân thương mại của Mỹ ngày càng bị thâm hụt nặng nề và chưa có nhiều triển vọng phục hồi. Thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2005 của Mỹ tăng tới hơn 715 tỷ USD bằng 6,5% GDP và dự kiến tăng lên mức 7% GDP vào năm 2006 và 10% GDP trong 5 năm tới.

Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản và Trung Quốc đều tăng khá trong năm 2005 và đầu năm 2006 và việc điều chỉnh tỷ giá của đồng Nhân dân tệ vẫn đang ở dưới mức giá trị thực của nó nên không có tác dụng nhiều trong việc cải thiện cán cân thương mại của Mỹ.

Thứ tư, do triển vọng của đồng USD trong nhiều năm gần đây là không rõ ràng và các ngân hàng trung ương ở các nước châu Á cũng đã mua một lượng lớn USD, nên khả năng ngân hàng trung ương các nước này tiếp tục mua đồng USD cho dự trữ là tương đối thấp. Thực tế, một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu chuyển sang mua đồng Euro nhằm đa dạng hoá nguồn dự trữ ngoại tệ của mình.

Do vậy, nhu cầu đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế sẽ giảm sút, làm giảm giá trị của đồng USD so với các đồng tiền mạnh khác.

Và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và VND đã được duy trì khá ổn định trong vài năm gần đây, trong năm 2005 vừa qua giá USD chỉ tăng 0,7%. Giá của đồng USD trong một thời gian dài giữ ở mức khá ổn định là 15.900 VND.

Sự ổn định này của tỷ giá hối đoái là nhờ lượng cung ngoại tệ tương đối dồi dào với biểu hiện cụ thể nhất là cán cân thanh toán của Việt Nam đạt thặng dư.

Mặc dù, trong những ngày từ 8 đến 10/5/2006, tỷ giá đồng USD/VND có tăng mạnh, giá USD trên thị trường tự do có lúc lên tới 17.000 VND/1 USD, nhưng những diễn biến của USD tăng mạnh so với VND vào thời điểm đầu tháng 5 vừa qua hoàn toàn là do tâm lý đầu cơ và lo sợ đồng USD tăng giá của người dân, chứ không phải do nền kinh tế có những biến động bất thường nên chỉ vài ngày sau đó, tỷ giá lại giảm mạnh và trở lại mức bình thường (khoảng 15.900 VND/1 USD).

Tuy nhiên, từ cuối quý III năm nay, giá của đồng USD đang có xu hướng tăng lên, làm tăng sức ép lên thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Hiện có nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng này, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, do môi trường lạm phát cao và mong muốn duy trì khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam nên Chính phủ Việt Nam đã điều hành tỷ giá hối đoái ở mức tăng nhẹ, vừa đảm bảo kích thích xuất khẩu nhưng cũng không quá ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là đối với những nguyên vật liệu nhập khẩu và không gây ra lạm phát cao.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước đang thu mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối lên 10-12 tuần nhập khẩu. Ba là, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất.

Tại Việt Nam, nếu so sánh USD với vàng thì trong một năm qua, tốc độ tăng giá của USD chỉ bằng 2,28% so với mức tăng giá của vàng. Ngoài ra, hiện nay nhiều người dân Việt Nam khi có USD, thường đổi lấy tiền đồng Việt Nam (VND) để gửi tiết kiệm hoặc mua vàng cất trữ, bởi mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm của USD kỳ hạn 1 năm thấp hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND cùng kỳ hạn khoảng 4% tại một số ngân hàng thương mại cổ phần.

Thêm vào đó, trong tương lai gần, nguồn cung USD có xu hướng tăng (từ kiều hối, viện trợ và đầu tư nước ngoài, khách du lịch...) sẽ làm cho sức hút của đồng USD tại thị trường trong nước càng giảm, hạn chế mức độ Đôla hoá nền kinh tế.

Khi người dân không mặn mà với đồng USD thì ngân hàng có cơ hội mua được nhiều USD, hay nói cách khác là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại hối. Tính đến tháng 3/2006, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mức dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tương đương với 9 tuần nhập khẩu hàng hoá của cả nước (khoảng hơn 6 tỷ USD).

Mức dự trữ đó chưa bằng 1% so với mức dự trữ của Nhật Bản, Trung Quốc nhưng có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có đủ mức dự trữ ngoại tệ mạnh để điều tiết thị trường ngoại hối trong nước. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thu mua ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối lên 10-12 tuần nhập khẩu. Chính sách này của Ngân hàng Nhà nước là hoàn toàn hợp lý trong điều kiện cán cân thanh toán năm 2005 đã đạt tới mức thặng dư kỷ lục là khoảng 1,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cố gắng chống đỡ sự giảm giá của đồng USD trên thị trường trong nước bằng cách mua vào một khối lượng lớn USD trong khi kho dự trữ đã ở mức đủ cần thiết để điều tiết thị trường ngoại hối, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ mất dần sự kiểm soát đối với nguồn cung tiền nội địa và nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng lạm phát.

Trong bối cảnh dầu thô và nhiều nguyên vật liệu giữ ở mức cao như hiện nay, thì việc đồng USD giảm giá sẽ làm giảm bớt chi phí nhập khẩu đầu vào cho các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào bằng ngoại tệ và bán sản phẩm trên thị trường nội địa.

Song nếu giá đồng USD giảm mạnh thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giảm sút mạnh và hàng hoá Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các hàng hoá đến từ Mỹ ngay chính tại thị trường Việt Nam. Khi USD giảm giá sẽ làm giảm bớt các khoản nợ nước ngoài mà ngân sách Nhà nước phải trả hàng năm.

Tuy nhiên, do đồng tiền Việt Nam chưa phải là đồng tiền giao dịch phổ biến trên thị trường thế giới, nên sự biến động của đồng USD so với các đồng tiền mạnh trên thế giới sẽ không có tác động trực tiếp đến giá USD ở Việt Nam mà phải thông qua cơ chế điều hành tỷ giá ở nước ta.

Đây là lợi thế của Việt Nam, cần được tận dung tối đa để hạn chế các tác động tiêu cực nếu đồng USD giảm giá trong thời gian tới.

@VNN