PDA

View Full Version : Số phận “người hùng” trong thảm họa hạt nhân Nhật



Kasumi
12-03-2012, 05:27 PM
Những người hùng trong nhóm "Fukushima 50" của Nhật Bản đều đã bị lãng quên sau trận sóng thần kinh hoàng tấn công một trong các nhà máy hạt nhân lớn nhất của Nhật.

Koichi Nakagawa* đôi khi tự hỏi liệu sẽ ra sao nếu như anh bảo lãnh cho các bạn bè và các đồng nghiệp khác tại nhà máy hạt nhân ở Fukushima Daiichi sớm hơn.

Có lẽ anh nên rời lại ngày mà anh sửa chữa lại hệ thống điện cho nhà máy, khi đó, anh chỉ mặc quần áo thông thường trong khi những người khác mặc các bộ đồ hazmat. Hoặc là ngày mà anh nhìn thấy đám mây hình nấm màu hồng bốc lên từ nhà máy sau khi Tổ máy số 3 bị nổ tung.

Hoặc có khi anh nên lái xe chạy thật xa vào ngày 11/3/2011, khi anh cảm nhận thấy đất rung chuyển dưới chân mình vào lúc 2 giờ 46 phút chiều. Bề mặt đất bắt đầu dâng thành song y hệt như mặt nước, cửa sổ vỡ tung, và một công nhân nữ bắt đầu hô trên loa phóng thanh: “Xin hãy di tản! Xin hãy di tản!” Ngay sau đó, hàng trăm công nhân chạy về phía trụ sở chính, nơi mà Nakagawa đứng như trời trồng.

Bốn mươi phút sau đó, họ thấy toàn bộ mặt biển rút xuống, chỉ vài phút sau đó là một cột sóng cao 14 mét đổ ập vào 6 tổ máy ở dọc duyên hải miền đông bắc. Toàn bộ nhà máy mất điện, trừ tòa nhà trung tâm.

Nakagawa có thể rút đi vào ngày đó – anh là nhà thầu phụ, lúc đó có mặt tại nhà máy để tiến hành công việc bảo trì và kiểm tra thông thường. Nhưng anh đã nghĩ rằng công việc của anh có thể rơi vào cảnh nguy hiểm nếu như anh rời đi: “Tôi không thể nói không với họ, bởi vì họ mang lại công việc cho công ty của tôi trong tương lai”.


http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2012/03/12/10/20120312101058_fuku6.JPG

Nakagawa và các công nhân khác cũng không hề biết rằng các lò phản ứng đang ở trong tình trạng rất mong manh. Thông tin không được chuyển tới các công nhân trong nhà máy giữa lúc mọi thứ trở nên rối tung sau cơn động đất và sóng thần ập đến. Nakagawa nói rằng anh không hề biết mức độ phóng xạ ở nơi mà anh từng làm việc trong những ngày sau khi thảm họa kép trở thành một thảm họa hạt nhân khác, cho tới khi tờ Newsweek chỉ ra điều này. “Thật sao? Tôi không hề biết điều đó” – anh nói.

Và cuối cùng, anh không muốn bị coi là một kẻ hèn nhát.

Thay vào đó, Nakagawa đã có thể coi là một anh hùng, một trong những người thuộc nhóm “Fukushima 50” mà giới truyền thông toàn cầu phong tặng. Họ đã tìm cách khắc phục thảm họa trong lúc nước sôi lửa bỏng. Trong những ngày và tuần sau đó, hàng trăm người đã cùng nỗ lực, sống nhờ lương thực được đóng gói sẵn và ngủ trong căn phòng họp để đối phó với cuộc khủng hoảng sau đó trở thành thảm họa hạt nhật tồi tệ nhất trong lịch sử, tính từ sau sự kiện Chernobyl.

Cũng giống như những người lính cứu hỏa đã chạy vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001, những công nhân này được phong là “anh hùng” trong ba thảm họa liên tiếp tại Nhật năm qua. Giới truyền thông quốc tế gọi họ là những “anh hùng giấu mặt”, những người đã ở lại. Nhưng giờ thì tại Nhật, những người đàn ông đó hầu như đã bị quên lãng.

Khi Nhật đang tiến hành kỷ niệm 1 năm sau ngày “tam thảm họa”(động đất – sóng thần – hạt nhân), những người công nhân này vẫn “vô danh” và “giấu mặt”. Họ không có tiếng nói, bởi họ sợ bị dính líu đến TEPCO – công ty đã điều hành nhà máy Fukushima. TEPCO đã trở thành công ty bị ghét bỏ khi thảm họa hạt nhân diễn ra. Và những công nhân đó không thể nói về những gì đã xảy ra tại nhà máy khi thảm họa ập đến. Sáu công nhân đã nói với tờ Newsweek với điều kiện tên thật của họ phải được giữ kín, cũng như những gì mà họ cho là các hoạt động không an toàn trong giai đoạn nỗ lực khôi phục ban đầu.

Trong vòng 24 giờ đầu tiên, Nakagawa và đội của mình đã dọn sạch đống vạch vụn và các mảnh vỡ trong nhà máy, dọn đường cho các lính cứu hỏa từ Tokyo vào để dội nước lên các lò phản ứng quá nóng. Khi anh trở lại tòa nhà trụ sở chính, anh thấy cảnh tượng không khác gì bệnh viện dã chiến của quân đội. Sảnh chứa đầy các công nhân kiệt sức đang nói về nhiệt độ tăng cao trong các lò phản ứng và mức phóng xạ trong nhà máy. Một số công nhân của TEPCO đã mặc đồ hazmat trong lúc khắc phục sự cố. Nhưng Nakagawa thì không. “Trí óc tôi minh mẫn trở lại. Tôi nghĩ là tôi đã bị nướng”.

Trong khi đó, các lò phản ứng đã có xu hướng bị nóng chảy. Không có nguồn nước nào bơm vào các lò đã quá nóng, các thanh nhiên liệu đã nổ, khiến cho tòa nhà chứa đầy khí hydrogen. Các công nhân của TEPCO đã chạy hết sức để bơm nước biển, nhưng họ đã quá trễ. Vài phút sau khi họ sẵn sàng làm việc đó thì lò phản ứng số 1 nổ tung. “Tôi nghĩ đất nước này đã chấm dứt” – Jiro Kimura, một người đã làm công nhân của TEPCO tại nhà máy này suốt quãng đời thanh niên của mình, nói.

Sếp của Nakagawa gọi cho anh và nói: “Anh còn làm cái quái gì thế? Ra khỏi đây mau”. Anh rời tòa nhà và lái xe về nhà. Nhưng làng xóm đã trở thành một thành phố ma. Gia đình và hàng xóm của anh đã đi sơ tán, nhưng anh không có đủ khí đốt để lái tới trung tâm di tản. Rồi sếp anh lại gọi, và nói là sẽ tăng lương của anh gấp 10 lần nếu anh quay trở lại.

Đó có thể là một sai lầm lớn. Ngày hôm sau, anh nhìn thấy đám mây hình nấm màu hồng ở lò phản ứng số 3. Lúc đó, anh đang sửa chữa đường dây điện ở vòng ngoài của nhà máy, vẫn trong bộ quần áo công nhân bằng vải bông.

Bất kể việc được phong anh hùng, rất nhiều người trong số các công nhân này lại có các động cơ khác nhau, chẳng hạn như Nakagawa – khi công ty của anh gắn liền với TEPCO. Họ là những người ở các vùng nghèo nhất ở Tokyo và Osaka tới Fukushima vì mưu sinh.

Trên thực tế, rất nhiều người nói rằng hàng trăm công nhân đã không được tính đến cho tới gần đây. Không ai rõ rất nhiều người trong số họ, và có tất cả bao nhiêu người làm việc ở đây.

Thậm chí, có nhiều người đã được thuyết phục làm việc ở nhà máy vào lúc đó với hứa hẹn rằng họ không hề trong tình trạng nguy hiểm. Makoto Inada nhận được điện thoại của sếp vài tuần sau khi sự kiện 11/3 xảy ra để khôi phục sự cố tại Fukushima Daiichi. “Tôi phàn nàn với sếp của tôi, và ông ấy tăng lương tôi cao gấp đôi. Ông ấy đã đối xử rất tốt với tôi suốt cả năm qua, và tôi cũng nghĩ rằng ai đó buộc phải làm việc này”.

Những người khác thì nói rằng họ bị đe dọa – hoặc bị gây sức ép – để làm việc tại nhà máy. Kenki Yamamoto nói: “Họ cực kỳ cần các công nhân, và đe dọa các công ty rằng sẽ không bao giờ được làm việc tại Fukushima nữa nếu như từ chối”. Đó thật sự là một lời đe dọa tới những người sống và làm việc tại đây, khi mà nền kinh tế địa phương phụ thuộc hẳn vào công ty điện. Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, chẳng có cách nào khác là phải làm việc cho TEPCO.

Khi Nakagawa trở lại nhà máy lần thứ hai vào tháng Tư, anh được cấp cho bộ đồ bảo vệ và theo dõi lượng phóng xạ. Nhưng cơ thể anh đã bị tổn thương. Khi anh rời nhà máy vào tháng Tám, cơ thể anh đã nhiễm một lượng phóng xạ quá lớn – gấp ba lần lượng phóng xạ cần thiết cho một thử nghiệm y tế.

Một luật đã yêu cầu các công nhân theo dõi lượng phóng xạ trong một cuốn sổ, nhưng các công nhân như Junji Tomida và Inada không hề nhận được cuốn nào khi họ bắt đầu làm việc tại Fukushima Daiichi. Tomida còn không rõ cơ thể anh nhiễm phóng xạ tới mức nào. “Tôi không vào nhà máy hạt nhân bao giờ, và không ai bảo với tôi về cuốn sổ đó cho tới tháng Sáu. Tôi cảm thấy mình bị đối xử như một công nhân đã hết hạn sử dụng vậy” – Tomida nói.

Trong khi rất nhiều công nhân khác nói rằng họ không biết gì về các quy trình an toàn, những người lại có vẻ thờ ơ. Giới hạn phóng xạ hàng năm đối với công nhân là 50 millisieverts, ai bị vượt quá ngưỡng này đều bị cấm làm việc ở nhà máy hạt nhân. Theo Inada, rất nhiều công nhân đã bỏ các bộ giám sát phóng xạ để qua mặt quy định này, do đó, họ vẫn có thể tiếp tục làm việc. Những người khác còn bỏ mặt nạ bảo vệ trong một môi trường đầy phóng xạ để châm thuốc hút.

Vào tháng 12, chính quyền tuyên bố rằng Fukushima Daiichi đã đạt tới “một tình trạng đóng lạnh” và nhà máy giờ đang nằm trong tầm kiểm soát. Các nhà báo đã tới đây vào tháng 11 và trở lại vào tháng Hai vừa qua. Nhưng các chuyên gia nói rằng khủng hoảng này còn lâu mới kết thúc, và lưu ý một điều rằng không thể tính được hết số nhiên liệu bị chảy. Không ai biết chính xác địa điểm của số nhiên liệu, và việc phá hủy hoàn toàn Fukushima Daiichi phải mất hàng thập kỷ để hoàn tất.

Về phần các công nhân, Nakagawa giờ hiểu rằng anh đã bị nhiễm một lượng quá lớn phóng xạ, nhưng anh vẫn chờ đợi các kết quả kiểm tra toàn diện từ hồi tháng 12. Anh hỏi: “Tôi sẽ ổn chứ?”


Lê Thu (theo Newsweek)
VNN

Chú thích:

(*): Tên của nhân vật đã thay đổi vì sự an toàn khi cung cấp thông tin.