PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Tiếng hát người cá - Masatsugu Ohno



nic-chan
23-03-2012, 06:16 AM
Đời là một đống những bí mật cỏn con…

(TT&VH Cuối tuần) - Nằm ngoài những hấp dẫn mang tính toàn cầu và có phần thời thượng trong những tác phẩm văn học đương đại Nhật Bản được biết đến nhiều ở Việt Nam, từ Haruki Murakami đến Yoshimoto Banana, tập truyện Tiếng hát người cá của nhà văn thế hệ 7X Masatsugu Ohno, mang một tinh thần hoàn toàn khác. TT&VH Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của dịch giả Trần Đĩnh, người đã chuyển ngữ Linh Sơn (Cao Hành Kiện), Ngầm (Haruki Murakami) và nhiều tác phẩm khác, về góc khác lạ trong dòng chảy đương đại của văn chương Nhật Bản này.

Không có tuyến chuyện ra đầu ra đuôi. Không kịch tính, không cao trào.Không ly kỳ, giật gân... Đọc xong quyển sách, không thể kể lại được quá ba phút về một mảnh đời của ai đó trong cái nhóm người thưa thớt mờ nhạt ở một xó hẻo lánh ven biển Nhật mà Masatsugu Ohno đã cho trình diện trên mặt bức toan phác thảo chưa lên khung có lẽ vẫn còn chờ hình thành nốt (xin cho nói thêm: một chỗ nhỏ bé hẻo lánh thế nhưng khối nơi còn lâu mới theo kịp: có nhà máy, có chế độ bảo hiểm cho người bệnh, có tổ chức dưỡng lão và người dân thì động một tí lại đe người nhà nước “lấy tiền thuế chúng tôi đóng góp ra làm thế này à?...”. Tóm lại, một xã hội dân sự, thứ vẫn rất còn rất xa lạ với nhiều người).


http://media.thethaovanhoa.vn/2012/03/16/15/29/T3233H2.jpg

Quyển sách tất nhiên không thiếu bi kịch. Chết chóc, chia ly, bệnh tật, nhiều đó, song chỉ toàn thoang thoảng ló ra ở dạng chấm phá, thường là ôn lại, nếu không thì là khúc cuối đã ngán giãy giụa của những thất bại, tan vỡ xảy ra rất lâu trước đó (hay do vì không thấy giằng xé nổi sóng nên ngỡ là đã quá lâu), có thể nói một chấn động vừa đủ làm khe khẽ se lòng những con người trong cuộc đang sống cái hiện tại mang mùi vị hài hòa nhàn nhạt không xung đột lợi ích, không mánh mung, âm mưu…

Các nhân vật trong Tiếng hát người cá không khóc than kêu trời, không trút đổ nỗi khổ cá nhân vào đầu kẻ bên cạnh có lẽ là nhờ họ đều kiêu hãnh với tư cách làm người, đều chăm chút giữ gìn cái mạng quan hệ yên lành giữa người với nhau. Sức mạnh Nhật đây chăng? Hiền hòa, thân thiện.


“Tôi đào hang của tôi và cho chính tôi. Có thể cuộc đào kia dở dang hay thất bại, nhưng đó là cái hang của tôi. Nó sẽ không giống bất kỳ cái hang nào khác hay của ai khác” - Masatsugu Ohno nói về công việc viết văn của mình.

Nhưng đọc Ohno tôi cũng chợt thấy hiện ra hình ảnh chú bé xếp hàng nhận cứu tế sau đại thảm họa sóng thần Fukushima. Rành rành một khối kim cương với hai con mắt trẻ thơ lạnh lùng trừng lên đối lại với thách thức kinh hoàng: vâng, cháu, mười tuổi, cháu cố gắng theo cha chú, anh chị không lùi bước ở trận địa bảo vệ nhân phẩm.

Nhưng quyển sách vẫn phải nói về cuộc đời - dù lụn vụn và bề ngoài nom có phần rời rạc. Mà cuộc đời thì chúa là bất ngờ. Mà Ohno lại thích đùa. Nên ở trong sách tình yêu phải chui lủi (có lẽ vốn dĩ như một nửa số tình yêu?) trong xe hơi (ngả ghế xuống và dựng ghế lên, mồ hôi mồ kê). Trên bãi biển. Một nhân vật thiếu niên vầy công cụ để tự sướng trong chuồng heo bị ông bố phát hiện đã đỏ mặt lên chửi thầm bố vì tiếng cười quá ư khoái trá của ông ta (tại sao cười khoái trá, tác giả không nói. Nhưng tại sao bố không răn đe, giáo dục như ở những nơi đạo Khổng nặng căn và nặng đồng cân?). Thích hài, Ohno đã dựng lên khá kỹ một cảnh trong tứ khoái - một nhân vật ở trên tàu ỉa xuống biển và phải lấy tay chùi vì đứa bạn cấm chùi bằng dây chão có đầy ở trên tàu và rồi do vục tay xuống biển té nước lên rửa đã đập tay vào đá. Đau quá cu cậu vội đưa tay lên miệng mút. Và cái mùi tự tạo tự vấy lên ở quanh ngón tay đã “làm lộn tùng phèo bao tử” cu cậu…


http://media.thethaovanhoa.vn/2012/03/16/15/29/T3233H1.jpg

Masatsugu Ohno hay dắt người đọc ra biển. Bảo ngồi chờ - có khi tới sáng. Chờ chả một cái gì cụ thể cả (trừ những ảo ảnh hết sức đẹp mà Ohno quàng lên cho biển). Bởi đơn giản là cái gì cụ thể đó không hề có, hay có rồi đó nhưng đã mất. Hóa kiếp sang thành bùn hôi thối ở dưới dáy biển mà cây gầu cải tạo đáy biển đem vất tung tóe lên, dựng thành một viện bảo tàng của quá khứ đen ngòm, hôi thối, viện bảo tàng âm, song có điều chúng ta không đủ trình độ giải mã nó - nên không nhận dạng được những ngày tháng qua hay tung tích của chúng ta để mà yêu quý nó thôi… Nào ai ra đời là có ước mơ ngay. Là rồi tự thắp lấy, ngọn hải đăng dai dẳng lái bản thân đi trong biển bão… (và thường rồi lạc trên đó). Bà già bệnh tật bất động trong Tiếng hát người cá chờ ngày trở lại làm Nàng tiên cá…Những ngày sống khắc khoải mà vô tư nhờ cái năng lượng chờ nó giỏi cổ vũ, đánh lừa. Một nhân vật hay cho thấy bóng đen lù lù cùng tiếng nói câm nín vang vọng làm đau mãi của nó. Chiến tranh. Bài học, hay nỗi ân hận, tiếc thương cay đắng về chiến tranh do Nhật gây ra còn lưu lại hoài hoài trong từng gia đình. Có gia đình những ba mất mát tiếc thương. Ở các nghĩa trang quân đội - những nóc mộ như những chiếc đinh đóng tua tủa lên cái vật thể bao la là vòm trời. Có lẽ đóng cả vào mênh mang tâm hồn những người còn sống. Mẽo-tsugu, con của một lính Nhật chết ở Mãn Châu theo mẹ về nước mắc chứng dở hơi và nghiện rượu. Tại sao Ohno đặt cho anh ta cái tên Mẽo-tsugu? Lính Mỹ đến Nhật nom xa lạ quá nhưng theo Ohno, con gái Nhật lại hay mơ thầm đến họ…

Đọc Tiếng hát người cá vừa se lòng vừa vui. Và êm ả. Ohno nhìn vào đâu thì ở đó sáng lên ánh mắt nhân hậu, yêu người của ông. Phải nói Ohno đã tạo nên ở trong thiên nhiên, ở trên nét mặt con người những cái đẹp chỉ riêng mình ông thấy. Chức năng phù thủy ở Ohno khá đấy.

Đoạn tản văn cuối cùng như một andante kế luôn vào sau chuyến ***g phóng khiến cho bồi hồi của dòng văn xuyên qua con đường hầm của “mê cung mộng mị” (Luis Borges nói). Nó trả lại cho chúng ta nhịp thở thoải mái bình thường. Cho ta thấy khuôn mặt đáng mến của gã phù thủy. Gã biết tới lui, căng lỏng, cứng mềm…

Tôi muốn dẫn câu của nhà văn Pháp André Maraux mà Ohno du học ở Pháp thì hẳn có đọc… Đời người chả là cái quái gì nhưng chả cái quái gì bằng được đời người… Đời là một đống những bí mật cỏn con. Chắc thích câu này, Ohno đã “minh họa” nó rất đạt ở Tiếng hát người cá. Đúng, nên như Ono. Tôn trọng nơi nào thì anh sẽ khắc muốn viết về nơi đó. Hình như ở nhà văn, lòng tôn trọng con người và nơi chốn nằm ngay ở trong lõi của tài năng. Thiếu món này tài năng sẽ tóp, lép. Teo tóp chứ không phải top hit


Tập Tiếng hát người cá (NXB Trẻ, dịch giả Lâm Thương) gồm 2 truyện vừa đã gây tiếng vang tại Nhật: Trôi trên Vịnh, và Tiếng hát người cá, cùng một tiểu luận Từ Vũng đến Vườn Mộc Lan. Tác giả Masatsugu Ohno, sinh năm 1970, tiến sĩ nghệ thuật và khoa học Đại học Tokyo, tiến sĩ văn chương đại học Paris 8, đã hai lần sang Việt Nam, năm 2011 tham gia hội thảo về văn học đương đại Nhật Bản, và mới đây, để giới thiệu cuốn Tiếng hát người cá.


Trần Đĩnh