PDA

View Full Version : [Kiến trúc] Vài nét Kiến trúc Nhật Bản



Kasumi
27-03-2012, 06:35 PM
Vài nét về Đất nước Nhật Bản

Nhật Bản còn có các mỹ danh là “xứ sở hoa anh đào”, vì cây hoa anh đào (sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ Bắc xuống Nam, những cánh hoa “thoắt nở thoắt tàn” được người Nhật yêu thích, phản ánh tinh thần nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc họ; “đất nước Mặt Trời mọc” vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông, tổ tiên của họ là nữ thần Mặt Trời Amaterasu (Thái dương thần nữ). Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang. Cây phù tang, tức một loại cây dâu. Theo truyền thuyết cổ phương Đông có cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt Trời mọc.


http://trelang.files.wordpress.com/2011/09/kientrucnhat22.jpg?w=313&h=226

Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ. Được đánh giá là một cường quốc kinh tế, Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu tính theo tổng sản phẩm nội địa cũng như thứ ba theo sức mua tương đương chỉ sau Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và là đất nước đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư cho quốc phòng; xếp thứ 4 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 6 thế giới về nhập khẩu. Quốc gia này là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Quốc, G8, G4 và APEC.

Khoảng 70%-80% diện tích Nhật Bản là núi, loại hình địa lý không hợp cho nông nghiệp, công nghiệp và cư trú. Có điều này là do độ cao dốc so với mặt nước biển, khí hậu và hiểm họa lở đất gây ra bởi những cơn động đất, đất mềm và mưa nặng. Điều này đã dẫn đến một nền mật độ dân số rất cao tại các vùng có thể sinh sống được, chủ yếu nằm ở các vùng eo biển. Nhật Bản là quốc gia có mật độ dân số lớn thứ 30 trên thế giới.

Văn hóa Nhật Bản là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới, văn hóa Nhật đã phát triển mạnh mẽ qua thời gian từ thời kỳ Jōmon cho tới thời kỳ đương thời, mà trong đó chịu ảnh hưởng cả từ văn hóa châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Nghệ thuật truyền thống Nhật Bản bao gồm các ngành nghề thủ công như ikebana, origami, ukiyo-e, đồ chơi, đồ gỗ sơn mài và gốm sứ; các môn nghệ thuật biểu diễn như bunraku, nhảy, kabuki, nō, rakugo, ngoài ra còn phải kể đến những nét đặc sắc truyền thống khác như trà đạo, Budō, kiến trúc, vườn Nhật và cả gươm Nhật. Ẩm thực Nhật Bản hiện nay là một trong những nền ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới.

Khoảng 84% đến 96% dân số Nhật theo cả đạo Thần đạo và Phật giáo Đại thừa. Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo từ Trung Quốc cũng có ảnh hưởng đến niềm tin và tín ngưỡng của người Nhật. Có 1 triệu người Nhật theo Đạo Cơ Đốc. Thêm vào đó, từ giữa thế kỷ 19, rất nhiều đạo giáo đã xuất hiện ở Nhật Bản như Shinshūkyō và Tenrikyo; các tôn giáo này chiếm khoảng 3% dân số Nhật Bản.

Nhật Bản là một xứ sở có phong cảnh được coi là một trong những nơi đẹp nhất thế giới, được đánh giá là 1 trong 10 đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới (năm 2010) và cũng là đại diện Châu Á duy nhất có mặt trong danh sách này với bốn mùa thay đổi rõ rệt: mùa xuân với hoa anh đào nở dần từ nam lên bắc, mùa hè cây cối xanh mướt, mùa thu lá phong (momiji) đỏ thắm từ bắc xuống nam, mùa đông tuyết trắng tinh khôi. Núi Phú Sĩ (Fujisan) là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, nằm giữa đồng bằng, lại có tuyết bao phủ nơi phần đỉnh núi, là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.

Vài nét về Kiến trúc Nhật Bản

Đặc điểm tiêu biểu nhất của kiến trúc Nhật Bản là sự hài hòa với môi trường tự nhiên. “Thay vì phản kháng hay bảo vệ, sự thích nghi và hòa hợp trở thành lập trường cơ bản” [Eiichi Aoki, 2006, 380]. Người Nhật Bản xưa thường xây nhà giữa cây cối chứ không tìm cách phát quang, thích sử dụng những vật liệu tự nhiên, đặc biệt là gỗ, mái lợp bằng vỏ cây hơn là ngói. Vách nhà trong kiến trúc Nhật bản không mang tính bảo vệ trong khi phương Tây lại quan niệm vách là một loại rào chắn giữa hai môi trường trái ngược như cái nóng mùa hè và cái lạnh mùa đông. “Người Nhật Bản yêu tự nhiên và tôn trọng vẻ đẹp của tự nhiên và luôn tạo ra sự hài hòa với chúng kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất” [Đỗ Lộc Diệp, 2003, 347]. (Xem thêm: Vai trò của thiên nhiên trong đời sống của người Nhật).


http://trelang.files.wordpress.com/2011/09/kientrucnhat3.jpg?w=297&h=448

Hướng về tự nhiên là xu hướng chủ đạo trong kiến trúc Nhật Bản suốt chiều dài lịch sử. Ví dụ điển hình là kiến trúc chùa Nhật bản. “Sau khi Phật giáo được truyền bá từ lục địa, sự cân đối của các khu chùa chiền Trung Hoa sớm nhường chỗ cho các chùa chiền trên núi có các bố trí bất cân xứng” [David - Michiko Young, 2007, 10]. Mối quan hệ giữa ngôi nhà và môi trường cụ thể nhất là vườn là khía cạnh quan trọng trong thiết kế truyền thống. Người Nhật không tách rời không gian nội thất với ngọai thất, vườn và nhà mang tính liên tục. Vì luôn hướng đến tự nhiên nên vườn có vị trí rất quan trọng trong kiến trúc Nhật Bản. “Trong điều kiện nào dù khó khăn về thiên nhiên hoặc chật hẹp về không gian và diện tích… người Nhật luôn cố gắng tạo ra một khoảng nhỏ có hoa, có lá …” [Đỗ Lộc Diệp, 2003, 347]. Khu vườn lý tưởng với người Nhật là phải nằm ở vị trí mà khi đứng ở khu vực quan trọng (như phòng khách) có thể quan sát được toàn cảnh.

Vườn Nhật Bản thường được chia thành hai loại: vườn tự nhiên (natural garden) và vườn tôn giáo (religious garden). Tuy có khác nhau trong cách tạo hình, nhưng hai loại vườn này đều có một đặc điểm chung thống nhất là đều tạo dựng lại cảnh quan thiên nhiên dưới dạng trực tiếp hay liên tưởng. Đối với vườn tự nhiên, “sân vườn cũng tạo nên cảnh núi non giao hòa với thiên nhiên, và nếu có thể nó được thể hiện nét khác nhau theo mùa, như cây cỏ đặc trưng của mùa hè, những chiếc lá nhiều sắc màu khi vào thu, tuyết phủ trên những cái đèn ***g lúc đông về và hoa lá khi xuân” [David - Michiko Young, 2007, 203]. Người Nhật đã phát triển được một phong cách thiết kế vườn riêng biệt: bố trí ao hồ, những hòn đảo tí hon và các mô đất để tượng trưng cho biển, đảo và núi. Các hòn đảo trong một cái ao phải được đặt lệch nhau với những đường nét uốn éo trông giống như những mảng sương mù.

Vườn tôn giáo thường được cấu thành từ đá, sỏi, cát trắng. Trong vườn đá có thể có cây, hoa và cỏ. Tuy nhiên, sự hiện diện của các loài thảo mộc như thế rất ít, chỉ điểm xuyết đây đó, thường là ngoài rìa. Lớp sỏi hoặc cát trắng được trải rộng ra toàn bộ khu vườn để diễn tả biển. Những hòn đá có hình dáng sù sì, gồ ghề được sắp xếp một cách hài hoà với các độ cao thấp khác nhau nên vẻ đẹp tự nhiên của những hòn đá mọc lên một cách độc lập giữa biển. Tất cả những yếu tố đó được sắp xếp hài hòa theo quan niệm thẩm mỹ Thiền.

Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người Nhật Bản là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc này. Tôn sùng thiên nhiên, yêu thiên nhiên và khát vọng sống hòa hợp với tự nhiên đã trở thành những thành tố văn hóa có giá trị bền vững trong đời sống của người dân xứ mặt trời mọc. Người Nhật luôn có nhu cầu tìm đến với thiên nhiên, đồng thời luôn muốn đưa thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày. Điều này được phản ánh trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, nhất là trong ba lĩnh vực: ẩm thực, trang phục và kiến trúc. Món ăn của người Nhật phải đẹp theo nghĩa nó mang hình ảnh của thiên nhiên và phản ánh cách cảm nhận những chuyển đổi của bốn mùa trong năm. Vẻ đẹp thiên nhiên được tái tạo trên chiếc kimono truyền thống sống động với màu sắc phù hợp với môi trường tự nhiên theo từng mùa. Ngôi nhà của người Nhật, nhất là khu vườn, bên cạnh chức năng chính là không gian sống cũng được thiết kế để thoả mãn nhu cầu thưởng thức và hoà hợp với thiên nhiên của người Nhật Bản. Hiểu được cách cảm nhận thiên nhiên của người Nhật là một trong những bước quan trọng đầu tiên khi tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản.

Clip về Kiến trúc Nhật:



http://youtu.be/HxuGO2mo68k


(Source: Tổng hợp)
Kienviet