PDA

View Full Version : [29.03.2012] Foxconn đầu tư vào Sharp



Kasumi
29-03-2012, 05:38 PM
Foxconn Technology (lãnh thổ Đài Loan) sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của hãng Sharp (Nhật Bản), thêm một dấu hiệu về sự trỗi dậy của các nhà sản xuất gốc gác Trung Quốc giữa lúc các đối thủ Nhật Bản gặp khó khăn.


http://vinacorp.vn/UserFiles/News/tinhtt/Raw/2012/03/tinhtt29134539.jpg
Sharp là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất toàn cầu và cũng là nhà tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Theo thỏa thuận Foxconn sẽ mua gần 11% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Sharp. Sharp sẽ phát hành lượng cổ phiếu mới trị giá hơn 800 triệu USD bán cho Foxconn, đồng thời sẽ bán gần 47% cổ phần trong nhà máy sản xuất tivi màn hình phẳng ở Tây Nhật Bản cho Foxconn.

Ngoài việc mang về một lượng tiền mặt, thỏa thuận với Foxconn còn nhằm giúp Sharp hồi phục lợi nhuận cho mảng sản xuất tivi và màn hình tinh thể lỏng (LCD). Mặc dù Sharp là đại gia tivi màn hình phẳng và được xem là nhà cải cách công nghệ LCD nhưng hãng đang bị chảy máu tiền mặt, dự báo lỗ 3,5 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 này.

Và cũng như các đồng hương Sony, Panasonic, Sharp đang bị các công ty Hàn Quốc như Samsung, LG lấn sân. Trong lúc đó, Foxconn chủ yếu làm nhà thầu gia công cho các khách hàng nổi tiếng, bao gồm Apple với dòng sản phẩm iPhone và iPad. Foxconn nhiều lần bị tai tiếng bóc lột người lao động để cho ra lò các sản phẩm với số lượng lớn nhưng chi phí thấp, gây ra những vụ công nhân tự tử, nhưng vẫn vươn lên hàng ngũ dẫn đầu thế giới nhờ sức lực của các khu sản xuất được mở rộng ở Trung Quốc đại lục.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc đóng vai trò công xưởng giá rẻ cho ngành công nghiệp Nhật Bản. Nhưng nay, đến lượt các công ty Trung Quốc mang tiền bạc và phương pháp của họ tiến sang Nhật Bản, đặc biệt sau khi các doanh nghiệp Nhật Bản bị xính vính vì thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân, lũ lụt ở Thái Lan và đồng yen tăng giá.

Năm ngoái, một công ty Trung Quốc đã mua mảng sản xuất tủ lạnh - máy giặt của Sanyo. Gần đây, các nhà sản xuất Trung Quốc đã đồng ý xây dựng một nhà máy chất dẻo và một nhà máy sản xuất máy móc hạng nặng ở Tây Nhật Bản. Trong năm 2011, lần đầu tiên các công ty Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ về số lượng các vụ mua bán - sáp nhập tiến hành ở Nhật Bản.

Trở lại thương vụ Foxconn đầu tư vào Sharp, ngay cả khi Sharp không hoàn toàn áp dụng các phương pháp của Foxconn, mô hình sản xuất của Sharp vẫn có được lợi ích từ việc tổ chức lại hiệu quả hơn. Từ trước đến nay, các nhà sản xuất Nhật Bản ưa chuộng mô hình sản xuất theo chiều dọc, thường cố gắng tự mình hoàn thành trọn vẹn sản phẩm, và đã giành được nhiều thành công trong những năm 1980, 1990.

Nhưng gần đây, các công ty hoạt động theo cách thức này bị lấn lướt bởi các công ty chấp nhận đem gia công sản phẩm. Người sắp lên làm Chủ tịch Sharp Takashi Okuda thừa nhận: “Sharp không thể một mình ôm đồm hết mọi việc từ nghiên cứu, phát triển cho tới thiết kế, sản xuất, bán hàng, dịch vụ. Trong thị trường toàn cầu cạnh tranh khốc liệt, mô hình chiều dọc của Sharp đã chạm tới cực hạn”.

Sharp dự kiến sẽ dùng số tiền thu được từ thương vụ với Foxconn để đầu tư vào công nghệ LCD tiên tiến với kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ bùng nổ cùng với sự thịnh hành các thiết bị di động. Ngoài ra, Sharp và Foxconn cũng có kế hoạch hợp tác phát triển, sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử khác nhau, trong đó có smartphone.

Chưa rõ Sharp có thể khôi phục sức mạnh để chiến đấu với những đối thủ Samsung, Apple… hay không, nhưng dù gì người khổng lồ Nhật Bản cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc cải tổ mô hình hoạt động, sử dụng các nguồn gia công, sản xuất các sản phẩm giá mềm hướng tới thị trường đại chúng và điều này có thể là bước tiến cải thiện lợi nhuận của công ty.


Bách Sơn (Theo NYT, Reuters)

KHA
30-03-2012, 12:40 PM
Hãng điện tử đang gặp khó Sharp vừa nhận được một “phao cứu sinh” từ Hon Hai Precision Industry Co. khi công ty này thâu tóm 10% cổ phần của đối tác Nhật.


http://vneconomy2.vcmedia.vn/zoom/450_291/cG9BhzqggAYvp7UxcnTcotBaHKbQ/Image/2012/02/0_aca52.jpg (http://vneconomy2.vcmedia.vn/zoom/450_291/cG9BhzqggAYvp7UxcnTcotBaHKbQ/Image/2012/02/0_aca52.jpg)
Mức giá mà Hon Hai cùng các công ty con - gọi chung là Foxconn - trả để có được 10% cổ phần của Sharp là 800 triệu USD



Thương vụ này là một bằng chứng cho thấy về sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc, đối chọi với tình trạng sa sút nghiêm trọng của lĩnh vực này tại đất nước mặt trời mọc.

Tờ Wall Street Journal cho biết, mức giá mà Hon Hai cùng các công ty con - gọi chung là Foxconn - trả để có được 10% cổ phần của Sharp là 800 triệu USD. Theo điều khoản của thỏa thuận, Hon Hai sẽ nắm một nửa số cổ phần 92,96% của Sharp trong nhà máy màn hình LCD tại Sakai thuộc phía Tây Nhật Bản.

Số tiền thu về sẽ được Sharp dùng để hỗ trợ cho lĩnh vực hoạt động chính của hãng là sản xuất màn hình TV tinh thể lỏng. Đây cũng chính là bộ phận được dự báo sẽ tiếp tục gây thua lỗ nhiều tỷ USD cho Sharp trong năm tài khóa này.

“Chúng tôi đã cố mọi cách, nhưng môi trường thật khắc nghiệt”, Giám đốc điều hành của Sharp, ông Takashi Okuda, phát biểu trong một buổi họp báo tại Tokyo. Giá cổ phiếu của Sharp từ đầu năm đến nay đã giảm 26% và giới đầu tư đặc biệt lo ngại về việc hãng này sẽ xoay đâu ra tiền.

Với thương vụ vừa được công bố, Hon Hai nghiễm nhiên trở thành cổ đông lớn nhất của Sharp và được tiếp cận với công nghệ sản xuất màn hình tinh thể lỏng Nhật Bản. Công ty này đang phát triển với tốc độ chóng mặt, đạt doanh thu 117 tỷ USD trong năm tài khóa vừa qua, vượt xa doanh thu của Sharp cho dù “sinh sau đẻ muộn” hơn hãng điện tử Nhật tới 60 năm.

Hon Hai là nhà sản xuất thiết bị điện tử cho những công ty hàng đầu thế giới, trong đó có hãng Apple và thậm chí cả các đối tác Nhật như Sony và Nintendo. Tuy nhiên, hoạt động của Hon Hai mới chỉ dừng lại ở việc vận hành những nhà máy với hàng chục ngàn công nhân, thay vì thiết kế ra những sản phẩm điện tử cao cấp.

Nhà sáng lập Terry Gou của Hon Hai gia nhập vào ngành công nghiệp điện tử vào năm 1974 bằng con đường sản xuất các bộ phận bằng nhựa cho máy thu hình đen trắng. Sau đó, công ty này nhảy vào những mảng phức tạp hơn như linh kiện máy tính. Đến nay, Hon Hai đã có xấp xỉ 1 triệu công nhân.

Trong khi đó, Sharp tuy sở hữu công nghệ màn hình LCD đỉnh cao nhưng lại lỗ đậm liên tục trong những năm gần đây. Cũng như nhiều công ty Nhật khác, Sharp khốn đốn vì đồng Yên mạnh và sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm giá rẻ hơn do các đối thủ Hàn Quốc như Samsung và LG tung ra.

Điểm chung giữa Hon Hai và Sharp là cả hai cùng là nhà cung cấp của hãng Apple. Thương vụ của Hon Hai và Sharp được dự báo sẽ giúp cả hai mạnh lên trong quan hệ đối tác với Apple, cạnh tranh quyết liệt hơn với Samsung. Bộ phận sản xuất màn hình LCD của Hon Hai, có tên Chi Mei Innolux, hiện đang trong tình trạng thua lỗ trầm trọng và yếu kém về công nghệ.

Tuy nhiên, ông Gene Munster, một nhà phân tích thuộc công ty Piper Jaffray, thương vụ Hon Hai-Sharp có thể sẽ khiến Apple không vui, bởi lẽ thương vụ này sẽ làm Sharp mạnh lên và trở thành một đối thủ đáng gờm của “quả táo”. Theo một số nguồn tin, hiện Apple cũng đang phát triển sản phẩm TV, nhưng nhiều khả năng, lĩnh vực TV sẽ chỉ là một bộ phận nhỏ của Apple.

Tình trạng bết bát ở bộ phận màn hình của Sharp xuất phát từ chính vụ đầu tư 1 nghìn tỷ Yên (tương đương 12 tỷ USD) của hãng vào nhà máy Sakai mở cửa hồi năm 2009. Bất chấp công nghệ đỉnh cao, Sharp không tìm được lực cầu cho các sản phẩm màn hình cỡ lớn trong bối cảnh nhu cầu thị trường TV nội địa lao dốc. Hàng tồn kho lớn, Sharp cho biết hồi tháng trước sẽ duy trì hoạt động nhà máy này với một nửa công suất cho tới tận tháng 9 năm nay.

Sharp hy vọng, thương vụ với Hon Hai sẽ tạo ra nguồn cầu ổn định cho sản phẩm màn hình của nhà máy Sakai. Theo dự kiến, nhà máy này sẽ cung cấp màn hình cho Hon Hai ngay trong năm nay, và công ty Đài Loan sẽ sử dụng khoảng một nửa số màn hình do nhà máy Sakai sản xuất ra.

Từ lâu, các công ty điện tử của Nhật luôn thẳng thừng cự tuyệt ý tưởng mua lại từ các công ty nước ngoài, bởi lẽ họ là những người đi đầu trên ngành công nghiệp điện tử toàn cầu trong suốt mấy thấp kỷ qua. Bởi vậy, thương vụ giữa Hon Hai và Sharp cho thấy tình thế nay đã khác, cán cân quyền lực trong ngành công nghiệp điện tử đang dịch chuyển khỏi Nhật.

Ở thời hoàng kim, các hãng điện tử Nhật là hiện thân của sự hoàn thiện quy trình sản xuất theo chiều dọc. Họ làm đủ mọi công đoạn từ thiết kế tới sản xuất, thay vì thuê ngoài như Apple làm hiện nay. Tuy nhiên, với sự nổi lên của những nhà gia công như Hon Hai, các hãng như Apple có thể tập trung vào các công đoạn thiết kế, marketing sản phẩm và quản lý chuỗi cung cấp mà không cần phải mở nhà máy.

Khi ngành công nghiệp điện tử Nhật bắt đầu xuống dốc vào thập niên 1990, các công ty điện tử nước này tìm kiếm sự giúp đỡ trong nước. Lo ngại rò rỉ công nghệ sang các đối thủ ở châu Á, các hãng điện tử Nhật cuống cuồng tái cơ cấu bằng cách thành lập liên doanh hoặc tách riêng một số bộ phận, thay vì cắt giảm hoạt động kiểu phương Tây. Khi thua lỗ trở nên trầm trọng hơn, các hãng điện tử Nhật không thể cứu nhau được nữa.

Hồi năm 2007, Sharp đã ra tay cứu đối thủ đồng hương Pioneer khi đó đang rất cần vốn do thua lỗ nặng ở mảng TV plasma. Nhưng tình hình của Pioneer tiếp tục xấu đi, buộc Sharp phải đánh tụt giá trị khoản đầu tư vào hãng này gần như về 0 chỉ một năm sau đó. Hiện tại Sharp vẫn là cổ đông lớn nhất của Pioneer với cổ phần 9%.

Sharp và Hon Hai đã cân nhắc hợp tác từ tháng 6 năm ngoái trước khi đi đến quyết định chuyển nhượng cổ phần nói trên. Ông Gou cho hay, Hon Hai còn đang đàm phán hợp tác đối với một số công ty Nhật khác để tăng cường năng lực cạnh tranh với hai đối thủ Hàn là Samsung và LG.