PDA

View Full Version : Bill Gates của nước Nhật



Kasumi
17-12-2006, 06:37 AM
Nếu như nước Mỹ có một Bill Gates thì nước Nhật cũng có thiên tài kinh doanh tin học của họ. Đó là Masayoshi Son, người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc điều hành của Softbank, tập đoàn tin học lớn nhất của Nhật Bản.


http://img120.imageshack.us/img120/2836/0609220950501ii8.jpg
Masayoshin Son được so sánh với Bill Gates của Mỹ.

Masayoshi Son không chỉ là nhà tỉ phú giàu nhất, mà còn được coi là doanh nhân Nhật Bản vĩ đại nhất về máy tính. Với rất nhiều phi vụ kinh doanh nổi đình nổi đám, Masayoshi Son được biết đến là nhà kinh doanh có biệt tài bất chợt nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn mà người khác không nhận ra.

Đã có thời kỳ, chính xác là thời điểm hoàng kim của cơn sốt dot.com, trên toàn thế giới, tài sản của Masayoshin Son tại Softbank và các công ty phần mềm được định giá tới 76 tỉ USD. Khi đó Masayoshin Son là người giàu nhất thế giới chứ không phải Bill Gates.

Masayoshin Son được coi là người tiên phong đã phổ cập Internet cho toàn nước Nhật. Những công nghệ tiên tiến nhất về đường truyền tốc độ cao, áp dụng băng thông rộng mà Masayoshin Son thực hiện đã giúp cho nước Nhật có những bước tiến ngoạn mục trong việc sử dụng Internet.

Xuất thân là con một gia đình thiểu số

Softbank là công ty tin học bắt đầu từ kinh doanh phần mềm, máy dịch ngôn ngữ điện tử, tạp chí tin học rồi Internet. Thời kỳ cuối những năm 90, tập đoàn này được định giá trên 100 tỉ USD trên thị trường chứng khoán.

Masayoshin cũng như Softbank nổi tiếng còn vì tập đoàn này tham gia hùn góp vốn với rất nhiều tập đoàn tin học khác như với Microsoft, Yahoo, Novell, CyberCash, Comdex, ZiffDavis. Nhiều công ty Nhật Bản thường không muốn công khai các dự án liên doanh, hùn góp vốn của mình nhưng Masayoshin Son và Softbank thì ngược lại.

Masayoshin Son luôn tự hào công bố Softbank của mình là số 1 trong lĩnh vực liên doanh đầu tư với các đối tác khác trong ngành. Mới đây nhất, Soft bank đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông về việc bỏ ra tới 12,8 tỉ Euro, tương đương với 15,5 tỉ USD để mua toàn bộ hệ thống kinh doanh của Vodafone tại Nhật Bản.

Với phi vụ trên, tập đoàn Softbank đã trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ ba tại Nhật Bản sau tập đoàn NTT và KDDI.

Masayoshin ngày nay được tôn vinh là một trong những nhà doanh nghiệp tài ba nhất của thời kỳ Internet. Để đạt điều đó, ông đã phải nỗ lực không ngừng và trên hết phải vượt qua chính mình. Đó là mặc cảm của một bộ phận người thiểu số sống trên đất Nhật.

Mặc dù sinh ra ở Nhật từ năm 1957, có quốc tịch Nhật nhưng Masayoshin Son thực ra là người Hàn Quốc. Bố mẹ Masayoshin Son sang định cư ở một vùng phía Nam nước Nhật. Cùng với bộ phận người Hàn Quốc sống ở đây, gia đình Masayoshin Son luôn bị coi là một dân tộc thiểu số Nhật.

Bố mẹ của ông không có điều kiện học hành để đi làm cho các công ty lớn của Nhật. Hai ông bà cùng cậu con trai Masayoshin Son phải rất vất vả, vật lộn với cuộc sống cũng như để giành được sự thừa nhận trong xã hội ở Nhật. Về sau, bố mẹ Masayoshin Son có tiền để mở một casino nho nhỏ, đủ để sống được trên đất Nhật đắt đỏ.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy nên ông thường có mặc cảm tự ti. Ông luôn nghĩ rằng mình là gốc người nước ngoài khó mà ngóc đầu lên được. Học hết phổ thông, Masayoshin Son nằng nặc thuyết phục bố mẹ mọi cách để được sang Mỹ học tiếng Anh. Học xong, Masayoshin Son lại quyết định theo học đại học ở Mỹ. Bố mẹ dù không muốn nhưng cũng không thể cản nổi cậu con trai rất bướng bỉnh và dù gì thì Masayoshin Son lúc đó cũng đang ở trên đất Mỹ rồi.

Vượt qua mặc cảm để đến với thế giới tin học

Ông học khoa kinh tế trường Đại học tổng hợp Berkeley. Càng sống lâu trên đất Mỹ, Masayoshin Son càng như có vẻ không muốn trở về Nhật. Chính Masayoshin Son sau này thừa nhận cuộc sống và cách sống của Mỹ như đã giải phóng ông rất nhiều khỏi mặc cảm tự ti của một người thiểu số.

Sống ở Mỹ nhiều, ông thấy ở đây cơ hội thành đạt và được thừa nhận của những người thiểu số rất lớn, bất kể họ có nguồn gốc từ đâu, màu da gì. Đặc biệt ở vùng phía Tây, bang California, tỉ lệ người gốc châu Á thành đạt rất nhiều. Ông trở nên rất tự tin vào khả năng của mình.

Với năng khiếu nhất định về tin học, ông đã tìm cách kinh doanh ở lĩnh vực này ngay từ khi còn là sinh viên. Masayoshin Son kể lại rằng ông lần đầu tiên biết đến khái niệm computer khi tình cờ cậu sinh viên trẻ Masayoshin nhìn thấy bức ảnh của một cái chip của computer.

Bức ảnh in bảy sắc cầu vồng đã gây ấn tượng quá mạnh tới Masayoshin Son và ông luôn để dưới gối ngủ của mình. Say mê với máy tính, Masayoshin Son đã tìm ra "lỗ hổng thị trường" đầu tiên là làm sao có được những chiếc máy tính cá nhân có thể dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia.

Là người nước ngoài sống ở Mỹ nên Masayoshin Son lại càng hiểu nhu cầu đó. Ông miệt mài viết phần mềm cho chương trình dịch thuật. Chương trình phần mềm này của Masayoshin Son bán cho hãng điện tử Sharp. Sau đó, Sharp đặt hàng tiếp cho Masayoshin Son nâng cấp hoàn thiện chương trình phần mềm này. Và anh chàng sinh viên châu Á tài năng Masayoshin Son đã có được một khoản tiền lên tới cả triệu USD.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1981, Masayoshin Son thành lập công ty Softbank. Công ty được thành lập trên đất Mỹ nhưng ngay từ bấy giờ, ông đã nghĩ đến việc quay trở về Nhật kinh doanh. Hiện nay, công ty Softbank là công ty kinh doanh phần mềm lớn nhất của Nhật. Công ty có hơn 1.000 nhân viên ở Nhật và hơn 500 nhân viên ở Mỹ.

Kasumi
17-12-2006, 06:38 AM
Tiên phong khai phá thị trường Internet

Sự phát triển nhanh nhóng của Softbank cũng như sự giàu có đột biến của ông chủ Masayoshin Son bắt đầu từ lĩnh vực kinh doanh Internet. Khi dịch vụ Internet ở Mỹ trở nên rất phát triển nhờ sự cạnh tranh cao, giá thành hạ thì ở Nhật Bản điều này vẫn chưa xảy ra.

Masayoshin đã nhận thấy ngay rằng phí Internet ở Nhật vẫn còn quá cao, công nghệ Internet băng thông rộng chưa phổ biến. Vì vậy, Masayoshin Son đã quyết định về Nhật để đầu tư lĩnh vực này.

Masayoshin Son cất công tới trung tâm công nghệ cao về tin học ở thung lũng Silicon để tìm các đối tác thích hợp. Một quyết định vô cùng nhạy bén của Masayoshin Son là năm 1996, ông đã bỏ ra 100 nghìn USD để mua lại quyền được sử dụng hệ thống Yahoo tại Nhật Bản. Ông bắt đầu hệ thống kinh doanh Internet của mình chỉ với 17 nhân viên.

Sự xuất hiện của hệ thống Yahoo trên đất Nhật do Masayoshin Son khởi xướng như đã thổi một luồng gió mới vào thị trường Internet nước này. Tập đoàn NTT Docomo trước kia gần như độc quyền một mình một chợ nay đã gặp phải đối thủ xứng đáng.

Masayoshin Son đầu tư phát triển Internet băng thông rộng. Tốc độ Internet rất nhanh đã khiến cả nước Nhật chỉ trong một thời gian ngắn sôi sục mở tài khoản sử dụng Internet. Và Masayoshin Son đã nhanh chóng chiếm tới 1/3 thị phần với hàng triệu thuê bao.

Mặc dù mới xuất hiện, thời gian đầu lại phải rất tốn kém thuê đường truyền của các công ty khác nhưng Masayoshin Son đã nhanh chóng thu được khách hàng nhờ tiện ích và nhất là sự phong phú của các dịch vụ. Đặc biệt, qua Internet tốc độ cao do ông phục vụ, khách hàng có thể sử dụng điện thoại giá rẻ. Và đây chính là một chiêu độc để Masayoshin Son cạnh tranh với các đối thủ của mình trên thị trường viễn thông vô cùng hấp dẫn.

Đội ngũ kỹ sư tài ba của Masayoshin Son đã phát minh ra loại modem riêng dùng cho băng thông rộng. Chính nhờ modem này mà khách hàng của Softbank có thể được tiếp cận với hàng trăm kênh truyền hình kỹ thuật số, hay các kênh video chất lượng cao. Masayoshin Son còn trở thành người đi đầu trong việc khai thác kinh doanh trong lĩnh vực giải trí bằng các phương tiện công nghệ cao.

Tham vọng ảnh hưởng đến cả thế giới

Không thể không kể đến các hoạt động marketing bài bản và thường xuyên của Masayoshin Son. Để quảng cáo, Masayoshin Son không chỉ dùng những tờ rơi hay băng rôn mà còn có những chiến dịch tặng khách hàng modem băng thông rộng, thực hiện dịch vụ lắp đặt miễn phí.

Chỉ hơn 3 năm sau, từ 100.000 USD đầu tư ban đầu, Yahoo tại Nhật Bản đã được lên giá tới 14 tỉ USD ở thời kỳ đỉnh cao của thời kinh tế dot.com vào năm cuối cùng của thế kỷ 20.

Masayoshin Son từ một người thiểu số mặc cảm và tự ti ở Nhật đã trở thành một tỉ phú đầy tham vọng. Đã có không ít người Nhật Bản so sánh ông với Bill Gates của Mỹ. Và bản thân chính ông thấy mình cũng có thể nổi tiếng được như Bill Gates, cả về sự giàu có lẫn ảnh hưởng của ông với thế giới.

Từ kinh nghiệm khi đầu tư với Yahoo, cùng với tham vọng vô cùng lớn lao, dần dần Masayoshin Son hình thành triết lí kinh doanh của riêng ông là phải tìm cách ảnh hưởng tới càng nhiều công ty càng tốt. Masayoshin vì thế đã trở thành nhà đầu tư cho rất nhiều công ty, tập đoàn khác.

Ông còn được coi là "bà đỡ" của nhiều công ty tin học khi mới ra đời. Tập đoàn alibaba.com của tỉ phú Trung Quốc mới nổi Jack Ma là một ví dụ tiêu biểu khi Masayoshin Son đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu USD cho Ma thành lập công ty. Masayoshin Son đã tham gia góp vốn vào 500 công ty tin học và công nghệ cao.

Sự đầu tư rất nhiều vào một lĩnh vực kinh tế tri thức đã là thời điểm đưa Masayoshin Son lên "mây xanh" với tài sản được định giá 76 tỉ USD. Khi nền kinh tế dot.com sụp đổ thì Masayoshin Son đã bị thiệt hại nặng nề. Tài sản của Masayoshin Son đã giảm nhiều và "chỉ còn" chưa đến 10 tỉ USD. Mặc dù vậy, Masayoshin Son vẫn rất tự hào mình là nhà đầu tư số 1 vào lĩnh vực công nghệ cao.

Masayoshin Son là con người đầu tư khá mạo hiểm nhưng ông vẫn không bao giờ từ bỏ các tham vọng của mình. Cuối năm 2004, Masayoshin Son đã bỏ ra nhiều tỉ để mua lại cổ phần công ty Telecom Nhật Bản đang kiểm soát hệ thống điện thoại cố định. Chỉ ít lâu sau, nhằm chi phối mạng điện thoại di động, ông đã bỏ ra gần 15 tỉ USD để đầu tư.

Hiện nay Softbank là cổ đông lớn của 4 trong số 12 công ty kinh doanh Internet lớn nhất thế giới. Với 2 đại gia trong đó là GeoCities và ZDNet, thông qua Softbank, Masayoshin Son sở hữu tới 30% cổ phần. Sau khi mua lại Công ty Vodafone Nhật Bản, Masayoshin Son đã có ngay được trên 15 triệu thuê bao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng của mạng lưới điện thoại di động. Và nhà tỉ phú Masayoshin Son đầy tham vọng đã không ngần ngại công bố chiến lược phát triển và mục tiêu trở thành số1 trong lĩnh vực điện thoại di động.

Theo VNECONOMY
nhatban.net

Kasumi
25-04-2008, 10:07 PM
Tỷ phú người Nhật Masayoshi Son cứ vung tiền mua những thứ “hớ hênh” trên thị trường công nghệ cao, mặc cho thị trường tha hồ biến động.


http://www.tienphong.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=150348
Tỷ phú Masayoshi Son

Thiên hạ bàn về Masayoshi Son thôi thì đủ kiểu: Người cho rằng ông là một người có đầu óc dự đoán thiên tài về lĩnh vực Internet, và có công trạng xứng đáng được “khắc bia đá” đối với ngành công nghệ tiên tiến này. Kẻ lại dèm pha cho Masayoshi Son là người mù quáng, đầu tư tiền của một cách thiếu suy nghĩ, liều mạng và không thấu đáo. Tài sản của tỉ phú ở tuổi ngũ tuần này là 5,1 tỷ đô la Mỹ.

Một triệu đô la đầu tiên Masayoshi Son kiếm được từ hồi còn là sinh viên trường Đại học Berkeley tại California. Mới 23 tuổi cậu thanh niên người Nhật đã là nhà sáng lập công ty Softbank.

Từ đó đến nay, Softbank không chỉ cung cấp các chương trình máy tính, mà còn trở thành một công ty cổ phần chuyên đứng ra mua lại các cổ phiếu của những công ty thuộc lĩnh vực công nghệ cao như Yahoo, Comdex, Kingston Technologies, Vodafone…

Softbank hiện có chân trong khoảng hơn 600 các công ty khác nhau. Vào thời kỳ đỉnh điểm bùng nổ Internet, toàn bộ tài sản của Softbank được định giá tới 78 tỷ đô la, khiến cho Masayoshi Son trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Masayoshi Son là người gốc Triều Tiên, gia đình ông di cư sang Nhật, và Masayoshi Son luôn có mặc cảm về địa vị thấp kém của mình so với người bản xứ.

Năm 16 tuổi, cậu sang Mỹ học với quyết tâm “đổi đời”. Ở Mỹ, số phận bắt đầu mỉm cười với cậu. Một lần đang xem tạp chí khoa học phổ thông, Masayoshi Son bỗng bắt gặp một bức vẽ mà thoạt đầu cậu bé ngỡ là minh họa thiết kế xây dựng của một thành phố tương lai.

Khi được giải thích rằng đó chẳng qua là hình ảnh của một chíp máy tính, cậu sinh viên 19 tuổi ngỡ ngàng và thán phục đến nỗi cậu nhủ thầm với bản thân rằng sẽ gắn cuộc đời mình với ngành công nghệ cao (trước đó Masayoshi Son đang lưỡng lự giữa hai nghề họa sỹ hay làm chính trị gia).

Masayoshi Son đã cùng bạn bè lập nên một loại từ điển điện tử, đăng ký quyền sáng chế và nhượng lại quyền sản xuất cho công ty Sharp với giá… 1 triệu đô la! Vậy là chàng sinh viên người Nhật trở thành triệu phú.

Tốt nghiệp đại học, Masayoshi Son quay về Nhật. Bước đầu làm việc tại quê hương đầy rẫy những khó khăn. Cung cách làm việc của người Nhật mang đầy tính nghiêm ngặt, luôn đòi hỏi tuân thủ những nghi thức đến mức khuôn phép.

Ngạn ngữ Nhật có câu: “Cái đinh lòi ra sẽ bị nện cho phẳng”, ám chỉ những ý tưởng phá cách có cơ bị ngăn chặn “từ trong trứng nước”. Nhưng Masayoshi Son không phải là con người dễ chùn bước.

Năm 1981, sau khi về Nhật và thành lập công ty Softbank, ông thẳng thừng tuyên bố với nhân viên: “Các anh phải nghe tôi vì tôi là giám đốc. Sau 5 năm nữa chúng ta sẽ có doanh thu một tỷ yên, khi đó công ty ta sẽ cung cấp dịch vụ cho 1.000 khách hàng và chúng ta sẽ đứng đầu bảng trong số những công ty cung cấp phần mềm”.

Nhiều nhân viên phát hoảng, họ đồ rằng giám đốc bị “ấm đầu” và thế là mọi người lục tục xin thôi việc. Ai ngờ được rằng trong đầu Masayoshi Son là cả một kế hoạch phát triển công ty dài tới vài chục năm?

Nói là làm, Masayoshi Son tìm tới công ty Joshin Denki, một hãng kinh doanh hàng điện tử có tiếng với lời đề nghị được lắp đặt các phần mềm máy tính hiện đại nhất phục vụ cho việc bán hàng.

Lúc đầu lãnh đạo công ty nhìn Masayoshi Son như một kẻ bẻm mép, song tài thuyết phục của ông giám đốc trẻ măng của Softbank đã làm mềm lòng Joshin Denki.

Kết quả vượt ngoài sự chờ đợi: Các mặt hàng của công ty đa dạng đến nỗi các đối thủ cạnh tranh phải chịu bó tay, còn Softbank nhanh chóng trở thành một trong những công ty hàng đầu về cung cấp dịch vụ phần mềm.

Nhưng Masayoshi Son lại ấp ủ những kế hoạch lớn hơn. “Mục tiêu tấn công ” tiếp theo là giám đốc ngân hàng Dai-Ichi Kanyo của Tokyo. Masayoshi Son đề nghị được vay khoản tiền 750.000 đô la.

Các nhà băng Nhật thường rất thận trọng với những khách hàng mới, nhất là khi Masayoshi Son không có bất động sản thế chấp. Nhưng vị giám đốc của Softbank đã khéo léo nhờ những “đại gia” như Sharp và Joshin Denki tiếp sức để thuyết phục, và cuối cùng thì Dai-Ichi Kanyo cũng đồng ý mở “hầu bao”.

Masayoshi Son bắt tay vào mua hàng loạt các công ty lớn (hầu hết ở Mỹ) có liên quan tới công nghệ thông tin. Năm 1995 ông bỏ 2,1 tỷ đô la mua lại nhà xuất bản Ziff-Davis, chuyên phát hành các tạp chí về máy tính.

Một năm sau Masayoshi Son mua lại công ty tổ chức triển lãm hàng đầu Comdex, với giá 900 triệu đô la. Cùng năm đó, Softbank cũng trở thành chủ nhân của Kingston Technologies, nhà sản xuất bộ nhớ máy vi tính lớn nhất lúc bấy giờ. Giá của thương hiệu này lên tới 1,2 tỷ đô la.

Năm 1995 Masayoshi Son phát hiện ra một “thứ đồ chơi” mới - Internet. Ông thành lập một chi nhánh mang tên Softbank Technology Ventures, chuyên săn lùng các công ty kinh doanh công nghệ cao trên toàn cầu để đầu tư vốn.

“Món hàng” đầu tiên của công ty là Yahoo, hồi đó còn là “đứa con” của hai chàng nghiên cứu sinh David Filo and Jerry Yang chưa được ai biết tới tên tuổi. Masayoshi Son bỏ 105 triệu đô la để mua lại 37% cổ phần của một công ty “vô danh tiểu tốt” thời bấy giờ.

“Ai cũng nghĩ rằng ông ta bị điên” - Jerry Yang nhớ lại - “Đầu tư hơn 100 triệu đô la vào một công ty mới là một quyết định quá liều, nhưng tôi không nghĩ đó là vận may, đơn giản là Masayoshi Son nhìn trước tới 10-15 năm”.

Và ông đã không lầm, sau này khi Softbank Technology Ventures bán lại cổ phiếu của Yahoo, Masayoshi Son đã thu lại một con số lớn gấp 4,5 số tiền đầu tư ban đầu- 450 triệu đô la.

Vào thời kỳ cơn sốt internet “hạ nhiệt”, Softbank trải qua những ngày tháng đen tối nhất. Lãi suất giảm với tốc độ chóng mặt, và tới năm 2003 giá trị của công ty chỉ còn ở mức 1 tỷ đô la.

Mọi người bắt đầu kháo nhau về nguy cơ phá sản của “Ngài Internet”. Nhưng rồi tất cả ngã ngửa khi Softbank tuyên bố mua lại chi nhánh điện thoại tại Nhật của công ty viễn thông Vodafone với cái giá “kinh hoàng” là… 15,1 tỷ đô la.

Ngay sau đó Masayoshi Son tuyên bố rằng ông sẽ chuẩn bị cung cấp một dịch vụ hoàn toàn mới- vô tuyến truyền hình số di động.

Masayoshi Son vẫn là một chàng kỵ sỹ dũng mãnh trên lưng ngựa và sẵn sàng chinh phục những miền đất mới. Ông mơ ước sẽ đưa các công ty là thành viên của đế chế Softbank lên tới con số 800.

Vẫn như ngày nào, Masayoshi Son đặt toàn bộ niềm tin vào mạng máy tính toàn cầu và quả quyết rằng 10 năm nữa thế giới vẫn cần có Internet. Và cũng có nghĩa là thế giới sẽ vẫn cần tới Masayoshi Son.

Mai Hồng
TienPhong

Kasumi
07-11-2012, 04:24 PM
Masayoshi Son: Kẻ đánh bạc liều lĩnh

Khi còn là sinh viên Đại học California, Masayoshi Son đã phát minh ra chiếc máy phiên dịch ngôn ngữ biết nói và bán nó cho tập đoàn điện tử Nhật Sharp với giá ước tính 100 triệu yen. Điều đáng nói là chàng sinh viên 19 tuổi khoa kinh tế học đến từ Nhật này xưa nay chưa bao giờ phát minh ra cái gì cả. Son cũng chẳng có tí vốn lận lưng nào và cũng chẳng có kiến thức gì về công nghệ. Cái mà Son có chỉ là sự tự tin và quyết tâm làm tới cùng những mục tiêu đã đặt ra.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/slot4/13807_43-ke-danh-bac.jpg
Ông Masayoshi Son, Tổng Giám đốc của tập đoàn điện thoại di động Nhật SoftBank.


Chính nhờ bản lĩnh, cá tính mạnh mẽ cùng sự kiên trì, bền bĩ, Son đã thuyết phục được những người sở hữu các kỹ năng, kiến thức mà ông thiếu tham gia dự án đầy tham vọng của mình. Trong đó, có cả một chuyên gia hàng đầu thế giới về ngôn ngữ ông chưa từng gặp trước đó bao giờ.

Kiên trì đến cùng

Hiện nay, vị Tổng Giám đốc (CEO) 55 tuổi của SoftBank, một tập đoàn điện thoại di động Nhật, đang cai quản cả một đế chế thương mại rộng khắp nước Nhật. Và đế chế này đang vươn ra thế giới với tuyên bố đầy bất ngờ vào giữa tháng 10.2012 rằng sẽ mua lại 70% cổ phần của Sprint Nextel, nhà khai thác dịch vụ di động lớn thứ ba nước Mỹ với giá 20,1 tỉ USD.

Thương vụ này sẽ tạo ra một tập đoàn di động với tổng cộng 96 triệu người sử dụng và doanh thu 81 tỉ USD, đưa nhà khai thác dịch vụ di động lớn thứ ba nước Nhật SoftBank trở thành tập đoàn đứng thứ ba trên toàn thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon. Sau khi thương vụ kết thúc, Công ty Sprint mới sẽ gồm 10 thành viên Hội đồng Quản trị, trong đó phần lớn là do Tổng Giám đốc SoftBank chỉ định.

Về phần mình, Son sẽ hoàn thành được lời hứa vào năm 2006 khi ông mua lại bộ phận điện thoại di động Nhật của Vodafone để qua mặt đối thủ trong nước NTT DoCoMo trong vòng 10 năm. “Lúc đó mọi người đều cười nhạo tôi”, ông nhớ lại.

Nhưng giờ thì ít ai dám chế nhạo ông. Theo Tạp chí Forbes, Masayoshi Son là người giàu thứ ba nước Nhật với khối tài sản 6,9 tỉ USD. Nếu thương vụ Sprint Nextel tiếp tục xuôi chèo mát mái thì tập đoàn sau sáp nhập sẽ có doanh thu hằng năm 81 tỉ USD, trong khi DoCoMo chỉ có 54 tỉ USD.

Liệu thương vụ này có quá tham vọng khi SoftBank không có kinh nghiệm trên các thị trường ngoài nước Nhật? Mặc dù SoftBank đang bơm vào Sprint Nextel 8 tỉ USD cùng với công nghệ về truyền tải dữ liệu di động tốc độ cao, nhưng tập đoàn này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn tại Mỹ, nơi Sprint cũng đang chật vật bám đuôi các đối thủ trong nước với chỉ 16% thị phần.

Thế nhưng, như từng chứng kiến qua thương vụ Vodafone, Son đã luôn làm cho giới phê bình phải kinh ngạc và dập tan mọi hoài nghi về khả năng của ông. Và lần này, có thể Son sẽ lại đúng. Bản thân Son rất tự tin rằng mình sẽ làm được. “Chúng tôi có một chiến lược và có một kế hoạch vững chắc để biến nó trở thành hiện thực. Hãy chờ mà xem”, ông nói.

Tuổi thơ cơ cực

Son lớn lên ở khu phố người Hàn Quốc nghèo khổ ở Tosu, một vùng nông thôn xa xôi nằm ở phía Tây Nam Tokyo (ông bà của Son là người Hàn Quốc nhập cư vào Nhật). Cha ông chăn nuôi heo và bán rượu lậu trước khi bắt đầu thử sức ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, bất động sản và các tiệm chơi máy giật xèng (đánh bạc).

Khi còn là một cậu bé, Son đã cùng bà nội đi lượm thức ăn ở thùng rác nhà hàng xóm để về cho heo ăn. Khi đó, Son ngồi trên đống thức ăn thừa chở bằng chiếc xe kéo bằng tay. “Chúng nhầy nhụa và rất kinh khủng. Tất cả mọi người trong gia đình đã phải làm việc rất cực khổ”, Son nhớ lại.

Từ nhỏ, Son đã sớm xây dựng một niềm tin vững vàng vào năng lực của mình mà sau này ông đã khai thác triệt để trong kinh doanh. Điều này càng được củng cố nhờ sự động viên và niềm tin của cha ông rằng một ngày nào đó Son sẽ là nhân vật số 1 tại Nhật. “Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình không nên hài lòng với việc làm một con người bình thường và rằng tôi là một thiên tài”, ông nói.

Năm 1981, chẳng được trang bị gì nhiều ngoài sự tự tin vốn có và lòng khâm phục đối với Soichiro Honda, nhà sáng lập hãng xe Honda, Son đã rời nước Mỹ, quay lại quê nhà, thành lập một cửa hàng ở Fukuoka, thuộc đảo Kyushu. Từ việc đặt “căn cứ” tại một ngôi nhà gỗ 2 tầng đã xuống cấp, Công ty của Son, tiền thân của SoftBank, đã nhanh chóng bành trướng trở thành nhà phân phối phần mềm và máy tính cá nhân lớn nhờ tận dụng được cơn sốt tiêu dùng máy tính. Sau đó, Son đã vươn ra lĩnh vực băng thông rộng và đầu tư vào một loạt các công ty từ Yahoo! cho đến TV Asahi, Aozora Bank và Nasdaq Japan.

Khi liên tục chuyển hướng chiến lược như vậy và cùng với các khoản đầu tư dường như hơi ngẫu hứng đã khiến cho nhiều người chỉ trích ông là người cơ hội, chỉ giỏi phát hiện, đánh hơi thương vụ nhưng lại không có đủ nguồn lực để phát triển nên những công ty thực sự. Việc ông không ngại rót một số tiền khổng lồ vào các lĩnh vực kinh doanh mới đã khiến cho một giám đốc tài chính của SoftBank tỏ ra lo ngại về việc Công ty sẽ giống như “một chiếc xe đạp sẽ té ngã nếu bạn ngừng đạp”. Nhưng Son phản bác lại một cách cứng rắn: “Vậy thì hãy đạp mạnh hơn”.

Hong Liang Lu, một người bạn lâu năm và cũng là đối tác kinh doanh của Son, mô tả Son là “kẻ đánh bạc có giấc mơ”. Cho đến nay, canh bạc của Son trong lĩnh vực điện thoại di động đã đơm hoa kết trái. SoftBank là công ty đầu tiên bán ra chiếc iPhone tại Nhật với chiến dịch marketing rất khác thường vào năm 2007 về một gia đình đa sắc tộc có cha là một chú chó. Chiến dịch này được đánh giá là một trong những chiến dịch marketing thành công nhất tại Nhật lúc đó, đã giúp SoftBank tăng gấp đôi lượng người thuê bao và bám sát gót 2 đối thủ DoCoMo và KDDI.

Và Son cũng giành được tiếng tăm là một chàng David khác người đã chống lại được cùng lúc với 2 gã khổng lồ Goliath của ngành điện thoại di động. Son hy vọng có thể lặp lại thắng lợi này với Sprint Nextel tại Mỹ và đưa đế chế di động của ông trở thành lớn nhất thế giới trong khi ông còn sống. Hiện tại, Son đã lên kế hoạch tấn công thị trường này. Mặc dù Dan Hesse, Tổng Giám đốc Sprint Nextel, sẽ tiếp tục giữ vị trí CEO, nhưng Son lại là người bắn phát súng đầu tiên trong cuộc chiến cam go giành thị trường ở Mỹ. Ngày 18.10, Sprint Nextel đã công bố kế hoạch nâng cổ phần sở hữu tại Clearwire, nhà cung cấp dịch vụ băng thông di động có độ phủ sóng cao, nhằm tăng cường sức mạnh cho Sprint Nextel trong việc đối đầu với AT&T và Verizon Wireless. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chống lưng của SoftBank.

Khi còn là một sinh viên ở Berkeley, Son đã vạch ra kế hoạch cho cả đời: xây dựng nên một sự nghiệp lớn trong độ tuổi 40-50 và chuyển giao quyền lực cho người kế vị trong độ tuổi 60. Ở độ tuổi 55, ông đang trong trận chiến cam go đối đầu với những gã khổng lồ trong ngành dịch vụ di động. Và mục tiêu nói trên của Son, vốn đang hừng hực sức sống, có thể sẽ phải được hoãn lại.


(Theo FT và WSJ)
Tác giả: Ngô Ngọc Châu
nhipcaudautu.vn