PDA

View Full Version : Nghệ thuật Bonsai



Kasumi
26-04-2012, 02:33 AM
Tại Nhật Bản, hoạt động nghệ thuật luôn là sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng, trong đó, các cuộc triển lãm bonsai thường được tổ chức với sự tham dự của hàng trăm ngàn khách tham quan. Tại đây, khách tham quan có thể thưởng lãm rất nhiều loại bonsai được mang ra trưng bày, từ những chậu bonsai nhỏ nhắn không cầu kì đến những tác phẩm bonsai lâu năm rất hoàn hảo.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_01.jpg
Bonsai nghĩa là cây thu nhỏ trồng trong chậu

Bonsai không chỉ được đề cao tại các cuộc triển lãm, mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, người Nhật cũng rất đam mê loại hình nghệ thuật tạo dáng cho cây này. Với những cư dân thành thị không có vườn rộng, người chơi bonsai đã tận dụng triệt để những khoảng không xung quanh để thỏa mãn thú vui của họ.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_03.jpg
Bonsai được tạo dáng theo tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cây cảnh

Bonsai chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ của Nhật Bản cách đây vài thế kỉ, theo âm Hán – Việt, nó có nghĩa là “cây thu nhỏ trồng trong chậu”. Bonsai được tạo dáng theo tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cây cảnh của những ai không có phương tiện thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên. Tuy được thu nhỏ lại để trồng trong chậu nhưng bonsai vẫn mang nét cổ thụ với phần lá xanh tốt, thân gỗ rắn chắc và xù sì.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_04.jpg
Bonsai vẫn mang nét cổ thụ với phần lá xanh tốt, thân gỗ rắn chắc và xù sì

Thông là loại cây phổ biến nhất được dùng để làm bonsai. Có nhiều loại bonsai thông từ bonsai thông lá đỏ, bonsai thông đen đến bonsai thông thân đỏ. Chúng được tạo dáng theo một phương pháp đặc biệt, mang đầy đủ yếu tố thẩm mỹ và ấn tượng tự nhiên sẵn có. Từ xưa, thông đã trở thành loại cây chủ đạo trong nghệ thuật tạo dáng cho bonsai. Đối với người Nhật, cây thông có một ý nghĩa rất đặc biệt.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_02.jpg
Thông là loại cây phổ biến nhất được dùng để làm bonsai

Thông là loại thực vật rất giỏi chịu đựng dù thời tiết khắc nghiệt hay trên những vùng đất khô cằn. Trong những ngày đông giá rét, cành lá trên cây vẫn xanh mượt mà. Từ lâu, sự vững chãi của loài cây này tiêu biểu cho khả năng sinh tồn trong những điều kiện sống khắc nghiệt nhất và là biểu tượng quen thuộc trong phong thủy, tượng trưng cho tuổi thọ.

Bên cạnh cây thông, thích là loại thực vật rất được ưa chuộng để tạo dáng cho bonsai nhờ vào đặc tính rụng lá theo mùa của nó. Mùa xuân là thời điểm cây đâm chồi, lá cây xanh tươi. Vào mùa hè và đến mùa thu, lá chuyển sang màu đỏ. Sự thay đổi màu sắc của lá theo mùa đã tạo sức hấp dẫn cho bonsai cây thích.

Nhật Bản còn có một loại bonsai rất nổi tiếng là bonsai satsuki azalea, thuộc họ đỗ quyên. Nét đẹp đặc trưng của bonsai này là hoa khoe sắc rực rỡ xen lẫn trên khắp các tán lá. Hoa nở rộ vào giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 6.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_07.jpg

http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_08.jpg
Bonsai satsuki azalea

Bonsai Umemodori còn được gọi là bonsai quả. Loại bonsai này được tạo dáng từ cây winterberry của Nhật Bản. Điểm nổi bật của nó là những chùm quả đỏ au đeo dày đặc trên nhánh và tán cây. Người chơi rất ưa chuộng sự độc đáo này của bonsai Umemodori.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2202_09.jpg
Bonsai Umemodori

Bonsai là sự mô phỏng hình dáng của sự vật trong tự nhiên. Nó rất đa dạng, từ hình dáng của biển cả bao la đến núi non hùng vĩ, tất cả được tái hiện trong một không gian nhỏ bé của chiếc chậu sành.

Bonsai là một nghệ thuật nên nghệ nhân chơi bonsai cần tuân thủ một số qui luật, trong đó, thế và dáng của bonsai là rất quan trọng.

Tác phẩm bonsai theo thế “thác đổ” hay còn được gọi là kengai. Có thế cây tựa như một thác nước đang tuôn chảy. Để tạo nên một chậu bonsai thế kengai, người ta phải chọn cây thông trong thiên nhiên có rễ bám chặt vào vách núi, thân nghiêng theo chiều gió.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2502_17.jpg
Tác phẩm bonsai theo thế “thác đổ”

Ngoài dạng bonsai một thân, chúng ta còn có dạng bonsai đa thân hay còn gọi là dạng cụm kabudachi. Bonsai dạng cụm kabudachi thường được tạo theo thế rừng rậm, quang cảnh tự nhiên thường gặp tại Nhật Bản.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2502_18.jpg
Bonsai đa thân

Mỗi dạng cây trong tự nhiên đều mang một nét độc đáo, từ vẻ đẹp oai vệ đến nét kiêu sa yểu điệu. Nỗ lực của nghệ sĩ bonsai là tái hiện toàn bộ dạng cây theo một mô hình nhỏ bé, song phải bộc lộ toàn bộ đặc tính của tự nhiên, bên cạnh đó là sự sáng tạo sao cho tác phẩm của họ hội đủ các yếu tố: đẹp, dễ nhìn và có hồn.

Bên cạnh việc thưởng lãm vẻ đẹp của toàn thân và sự hòa điệu của cây với chậu trồng, tuổi thọ của cây cũng là yếu tố quan trọng rất được người chơi bonsai quan tâm. Cây càng lâu năm, giá trị của nó càng được nâng lên.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2502_19.jpg
Nét cổ thụ của bonsai được thể hiện qua phần gỗ khô bạc thếch trên thân cây

Nét cổ thụ của bonsai được thể hiện qua phần gỗ khô bạc thếch trên thân cây. Đặc điểm này có thể được tạo nên nhờ kỹ thuật can thiệp nhân tạo của các nghệ nhân, vết gỗ trắng trông giống như xương người. Vì vậy, người Nhật đã trân trọng gọi nó là shari, theo tiếng Phạn có nghĩa là “xương Phật”.

Người ta dựa vào vân cây để xác định tuổi thọ của bonsai, phương pháp đó được gọi là mizusui. Bonsai lâu năm phải đáp ứng đủ hai yếu tố, đó là sự kết hợp giữa mizusui và phần gỗ khô shari.

Bonsai được mọi người ưa chuộng bởi vẻ đẹp gần gũi với thiên nhiên của nó. Ngoài ra, bonsai cũng quý giá bởi tuổi thọ kéo dài hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Giá trị của bonsai còn ở chỗ : mỗi tác phẩm là duy nhất, không trùng lặp.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2802_11.jpg
Bonsai là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo

Bonsai là một hình thức nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo giống như nghệ thuật hội họa hay điêu khắc. Tuy nhiên, bonsai là nghệ thuật sống, nó được tạo ra từ thực vật còn đang sống, vì vậy, tác phẩm của nghệ nhân bonsai hầu như không bao giờ hoàn tất.

Bonsai là một trong những văn hóa đặc trưng của Nhật Bản, nhưng theo các học giả, nghệ thuật trồng tỉa, tạo hình cây kiểng và cổ thụ thu nhỏ đã ra đời tại Trung Quốc vào khoảng thế kỉ thứ VII.

Bonsai được cho là đã du nhập vào Nhật cách đây khoảng hơn 800 năm. Trong những bức tranh giấy cuộn vào thời Heian (năm 794 đến năm 1185), người ta đã thấy sự hiện diện của những chậu bonsai dùng làm vật trang trí trong nhà. Vào thời điểm đó, bonsai rất được giới quí tộc ưa chuộng.

Đến thời Kamakura, bắt đầu từ cuối thế kỉ XII đến đầu thế kỉ XIV, giới quí tộc đã bắt đầu trồng và chăm sóc bonsai trong các khu vườn trong lâu đài của họ. Thông là loài thực vật được dùng phổ biến nhất trong giai đoạn này.

Tại Nhật Bản, vào tháng Giêng, khi năm mới đến, người dân lại khẩn trương chuẩn bị những chậu kadomastu hay còn được gọi là “cổng thông”. Kadomastu là vật trang trí gồm những đoạn thân tre kết hợp với cành thông, người Nhật đặt chúng trước cửa nhà để chào đón linh hồn của tổ tiên và Thần mùa màng trong năm mới. Kadomastu thể hiện cho sự trường thọ, thịnh vượng và lòng kiên định.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2802_09.jpg
Kadomastu là vật trang trí gồm những đoạn thân tre kết hợp với cành thông

Vào thời Edo, bonsai không còn là nghệ thuật tiêu khiển dành riêng cho tướng quân hay lãnh chúa, mà nó đã lan rộng ra trong dân chúng. Nhằm đáp ứng niềm đam mê chơi bonsai của quảng đại quần chúng, chính quyền đã tổ chức cuộc triển lãm bonsai lần thứ nhất tại Edo, nay là thủ đô Tokyo, vào năm 1914.

Trong thời Edo, bonsai trở thành tác phẩm nghệ thuật thương mại giữa những người lao động nghèo và tầng lớp thượng lưu. Các nghệ nhân trong gian dân sau khi tạo ra các chậu bonsai trong khu vườn nhà đã mang ra thị trường để bán. Ngày nay, trên thị trường bonsai Nhật Bản, người ta định giá bonsai không chỉ phụ thuộc vào tuổi thọ hàng trăm năm của cây, mà còn dựa trên những yếu tố khác như sự hợp nhãn hay nét độc đáo, mới lạ.

Ngày càng có nhiều giới trẻ Nhật Bản yêu thích nghệ thuật bonsai. Tuy nhiên, xu hướng thẩm mỹ của họ hoàn toàn khác với những nghệ nhân bonsai ngày xưa hay những bậc cao niên. Các nghệ nhân Nhật Bản hiện đại đã tạo ra những chậu bonsai mini có đường kính chỉ 1 cm, tương đương với đường kính của đồng 1 yên.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2802_12.jpg

http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2802_13.jpg

http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot02/D2802_14.jpg
Mini bonsai

Loại bonsai mini còn có tên gọi “Gotsuso mame bonsai”, nghĩa là bonsai có kích thước bằng viên đậu. Trong quá trình làm gotsuo mame bonsai, người nghệ nhân nhất thiết phải tạo ra những chiếc chậu mini. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và hoàn toàn bằng thủ công.

Người Nhật yêu thích sự nhỏ nhắn, tinh tế, vì vậy sự xuất hiện của gotsuso mame bonsai nhằm thỏa mãn xu hướng đó. Kiểu bonsai mini này không tách rời quan niệm đem thiên nhiên thu nhỏ vào trong chậu, chỉ khác ở chỗ là cả chậu và cây trồng bên trong đều rất nhỏ bé.


Thanh Tâm
THVL

nghiemdangvo
23-06-2012, 03:40 PM
Một chậu như thế cũng vài trăm nghìn yên :41-qq:

Hoạt động nghệ thuật và thưởng lãm ở nhật thường không dành cho tầng lớp bình dân.