PDA

View Full Version : Kế hoạch nghiên cứu bom nguyên tử của Nhật trong Thế chiến II



Kasumi
05-01-2007, 05:50 PM
Khi Lục quân Nhật (lúc này Không quân Nhật đã được quy về Lục quân) tiến hành nghiên cứu hạt nhân, thì Hải quân nước này cũng bắt đầu chương trình nghiên cứu bom nguyên tử của riêng mình.

Trước khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, người đầu tiên trong giới quan chức cao cấp quân đội Nhật Bản rất hứng thú với bom nguyên tử là tướng Takeo Yasuda. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Tokyo, Nhật, ông từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Sở Nghiên cứu Công nghệ hàng không của Lục quân, sau đó được thăng làm Tổng Tham mưu trưởng Không quân Nhật. Takeo Yasuda hết sức quan tâm đến tình hình phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực nguyên tử hạt nhân.

Lục quân và Hải quân Nhật Bản cùng tham gia nghiên cứu


http://img244.imageshack.us/img244/7666/173qw9.jpg
Giáo sư Yoshio Nishina

Tháng 4/1940, sau khi nhận thấy phản ứng nhiệt hạch có một tiềm lực quân sự cực kỳ lớn, Takeo Yasuda đã đến đặt vấn đề với thầy dạy của mình là Giáo sư Ryokichi. Ryokichi cũng đã từng đến Mỹ, qua đó quen biết được với một số nhà khoa học vật lý trẻ tuổi, nên ông ta hiểu khá rõ về tình hình phát triển mới nhất của Vật lý hạt nhân trên thế giới lúc bấy giờ.

Trước yêu cầu của Takeo Yasuda, Ryokichi viết một bản báo cáo tỉ mỉ về những phát triển mới nhất của vật lý hạt nhân cũng như những ứng dụng to lớn của nó trong lĩnh vực quân sự.

Sau khi nhận được bản báo cáo này, Hideki Tojo, một quan chức cấp cao trong Lục quân đã lệnh cho các chuyên gia Nhật tiến hành nghiên cứu. Tháng 5/1941, Takeo Yasuda chỉ thị cho Phòng Nghiên cứu Vật lý hóa học Nhật Bản tiến hành thảo luận về khả năng nghiên cứu chế tạo bom Uranium, do Giáo sư Yoshio Nishina, chuyên gia về Vật lý hạt nhân phụ trách.

Trong phòng thí nghiệm của mình ở Tokyo, Giáo sư Yoshio đã chế tạo thành công một máy gia tốc cộng hưởng từ loại nhỏ, sau đó theo bản thiết kế được nhà Vật lý học người Mỹ Ernest Lawrence tặng, ông cũng đã chế tạo được chiếc máy gia tốc thứ 2 cỡ lớn, nặng 250 tấn.

Phòng thí nghiệm này đã thu hút 100 nhân viên kỹ thuật trẻ tuổi của Nhật cho chương trình nghiên cứu khổng lồ này. Hai năm đầu, họ chủ yếu tập trung vào những tính toán về mặt lý thuyết, so sánh và phân biệt các nguyên tố đồng vị của uranium cũng như tìm kiếm mỏ uranium.

Khi Lục quân Nhật (lúc này Không quân Nhật đã được quy về Lục quân) tiến hành nghiên cứu hạt nhân, thì Hải quân nước này cũng bắt đầu chương trình nghiên cứu bom nguyên tử của riêng mình.

Đầu năm 1942, do nhận thức rõ về tầm quan trọng và tính bức thiết của việc nghiên cứu bom nguyên tử, Hải quân Nhật bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu về năng lượng động lực của nguyên tử. Lúc đó, nước Mỹ đang gấp rút tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực này. Được sự giúp đỡ của một số nhà khoa học người Do Thái, nước Mỹ đã thu được những tiến triển hết sức khả quan.

Mục tiêu nghiên cứu của Nhật là muốn thông qua quá trình phản ứng nhiệt hạch để thu được nguồn năng lượng, nhằm cung cấp năng lượng khởi động cho tàu chiến và các loại máy móc hạng nặng.

Do đó, Phòng Nghiên cứu kỹ thuật của Hải quân Nhật đã thành lập ra Ủy ban ứng dụng các thành tựu vật lý hạt nhân, để theo dõi và bám sát chương trình nghiên cứu hạt nhân của Mỹ. Thành viên trong Ủy ban nghiên cứu gồm có các nhà vật lý học hàng đầu của Nhật Bản lúc bấy giờ như Arakatsu, Bunsaku, trong đó Yoshio được bầu làm Chủ tịch Ủy ban này.

Tháng 3/1943, ủy ban lần lượt mở 10 cuộc thảo luận về vật lý hạt nhân. Họ tính toán rằng, muốn chế tạo được một quả bom nguyên tử phải dùng tới mấy trăm tấn quặng uranium, để tách ra được uranium 235 cần phải tiêu tốn 1/10 lượng điện và 1/2 lượng đồng của Nhật trong cả năm.

Cuối cùng, ủy ban này đưa ra kết luận rằng, việc chế tạo bom nguyên tử trên lý thuyết có thể thực hiện được, nhưng cần thời gian ít nhất là 10 năm. Sau khi khẳng định chắc chắn việc nghiên cứu bom nguyên tử sẽ không thu được bất cứ kết quả gì trong thời gian ngắn, Hải quân Nhật ra lệnh giải tán ủy ban.

Phương án Yoshio và sự thất bại

Thế nhưng, Yoshio vẫn tiếp tục nghiên cứu bom nguyên tử cho Lục quân Nhật. Kế hoạch của ông ta cũng gần giống với “Công trình Manhattan” của Mỹ, việc thiết kế vũ khí và sản xuất uranium 235 được tiến hành cùng lúc.

Ngày 5/5/1943, ông ta gửi một bản báo cáo lên Bộ tư lệnh Không quân Nhật, nói rõ việc chế tạo bom nguyên tử về mặt kỹ thuật là rất khả thi. Sau đó, Takeo Yasuda đem bản báo cáo này đệ trình lên Hideki Tojo, lúc này đã trở thành Thủ tướng Nhật.

Sau khi xem xét bản báo cáo của Yoshio, Hideki Tojo vội vã lệnh cho Bộ tư lệnh Không quân, nếu như kế hoạch này yêu cầu vốn, nguyên liệu hay nhân lực đều phải được ưu tiên cung cấp đầu tiên. Bộ Tư lệnh Không quân Nhật sau đó đã phê chuẩn một kế hoạch với tên gọi “Phương án Yoshio” dựa theo báo cáo của Yoshio.

Yoshio nói với người phụ trách kế hoạch này của Bộ tư lệnh Không quân rằng: “Người chúng ta đã có đủ rồi, khó khăn chính bây giờ là uranium, hy vọng quân đội có thể giúp chúng tôi tìm kiếm uranium”.

Như vậy bắt đầu từ mùa hè năm 1943, Không quân Nhật đã phái người tới Archipelago của Nhật hay các khu mỏ nổi tiếng ở bán đảo Triều Tiên, mang về nhiều mẫu quặng, thế nhưng chúng lại không chứa uranium, trong khi đó “phương án Yoshio” lại đang rất cần có oxit uranium để tiến hành thí nghiệm.

Do đó, Nhật Bản quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ từ Đức. Cuối năm 1943, Đức cho một tàu ngầm mang 1 tấn quặng uranium tới Nhật, nhưng do thông tin bị lộ, nên con tàu này đã bị quân Mỹ mai phục tại eo biển Malacca, bắn chìm. Sau đó, Đức ngày càng gặp bất lợi trong cuộc chiến với Liên Xô, nên đã không có thời gian để ý đến chương trình phát triển hạt nhân của Nhật nữa.

Do nhiều khó khăn, nên “Phương án Yoshio” chỉ “tồn tại ngắc ngoải” đến tháng 7/1944, khi nội các của Hideki Tojo sụp đổ. Cùng với sự thay đổi ngày càng xấu của cục diện chiến tranh, việc nghiên cứu bom nguyên tử cũng được tiến hành một cách khẩn trương hơn. Lúc này, phương án Yoshio bắt đầu thí nghiệm sang công đoạn tách các nguyên tố đồng vị của uranium. Đến đầu năm 1945, tổ phương án đã tiến hành cả thảy 6 thí nghiệm tách uranium, thế nhưng đều thất bại.

Hơn nữa trên khắp các mặt trận, quân Nhật liên tiếp thất bại, cộng với việc Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagashaki, buộc Chính phủ Nhật phải đầu hàng quân Đồng minh, sau đó, quân đội Nhật ra lệnh hủy toàn bộ những tài liệu liên quan đến kế hoạch nghiên cứu bom nguyên tử, do vậy khi chiến tranh kết thúc đã không ai được biết việc Nhật Bản từng nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử.

Theo Tiến Anh
Bí ẩn lịch sử
TTOL