PDA

View Full Version : Honda Soichiro – Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới



Kasumi
05-01-2007, 05:30 PM
Rất nhiều người biết xe Honda nhưng ít ai biết cha đẻ của nó - Honda Soichiro là ai? “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới” là cuốn sách để trả lời cho câu hỏi ấy.

Theo bảng điều tra xếp hạng về “Nhân vật kinh tế thế kỷ XX của Nhật Bản” do Thời báo Kinh tế Nhật Bản (Nihon Keizai Shimbun) tiến hành cuối năm 2000 thì Honda Soichiro là nhân vật được yêu thích thứ hai sau ông “thần kinh doanh” Matsushita (người sáng lập Công ty điện máy Matsushita National).

Bí quyết để được mọi người yêu mến của ông Honda không chỉ là câu chuyện thành công của một người thợ sửa xe ô tô bình thường xây dựng nên đế chế Honda vĩ đại mà đằng sau câu chuyện thành công ấy là vô số những tình tiết đầy ắp tình người, rung động mọi trái tim.

Kỳ 1: Đứa con người thợ rèn (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67502#post67502)
Kỳ 2: Từ chú tiểu thành vị thánh (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67503#post67503)
Kỳ 3: Hai lần thoát chết (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67504#post67504)



Đứa con người thợ rèn

http://img174.imageshack.us/img174/9800/hondajl5.jpg
Thời thơ ấu ông Honda đã ham thích trở thành phi công máy bay Neils Smith

Vào khoảng năm lớp hai hoặc lớp ba, một hôm trên đường về nhà tôi nghe nói có một chiếc xe ô tô chạy về làng. Tôi quên hết mọi việc, phi như bay về và thấy một chiếc xe bọc vải lều bò ọc ạch trên con đường chật hẹp của làng quê. Đó là lần đầu tiên tôi thấy xe ô tô.

Ám ảnh máy móc và động cơ

Tôi sinh năm 1906 tại làng Komei, quận Iwata, nay là thành Tenryu, thuộc thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka. Cha tôi làm nghề thợ rèn. Tôi lớn lên với tiếng phì phào của ống thổi lò và âm thanh chan chát của tiếng đe, tiếng búa. Là trưởng nam trong gia đình, thường ngày tôi cõng em gái tôi đến trường và giúp cha đạp ống thổi lửa.
Từ khi chưa được đi học, tôi đã rất thích chơi đùa với máy móc và động cơ. Chỉ cần nhìn máy móc chuyển động, tôi cũng thấy sung sướng không diễn tả được.

Về cơ bản tôi khéo tay và rất tự tin khi làm mọi việc nhưng lại không có khả năng thể hiện bằng chữ nghĩa.

Khi tôi đọc sách, mọi thông tin vào đầu tôi rất chậm nhưng khi xem tivi bằng tai và mắt thì tôi cảm nhận mọi việc nhạy bén hơn nhiều. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ lần đầu tiên làng tôi có đèn điện.

Lúc đó tôi vô cùng cảm phục những chú thợ điện mang túi đồ nghề kềm, tuốc-nơ-vít cột ngang lưng trèo lên nối dây cáp. Với tôi đó là hình ảnh những anh hùng.

Vào khoảng năm lớp hai hoặc lớp ba, một hôm trên đường về nhà tôi nghe nói có một chiếc xe ôtô chạy về làng. Tôi quên hết mọi việc, phi như bay về và thấy một chiếc xe bọc vải lều bò ọc ạch trên con đường chật hẹp của làng quê. Đó là lần đầu tiên tôi thấy xe ô tô.

Chắc khó ai hiểu được sự cảm kích này của tôi. Khi xe dừng lại, dầu nhểu ra có mùi đặc biệt rất khó tả. Tôi dí mũi xuống mặt đất, lấy tay quệt quệt vào dầu, hít đầy ***g ngực. Rồi trong tôi chợt nảy ra một ước mơ rất trẻ con “Biết đâu, lúc nào đó mình cũng làm được chiếc xe này nhỉ”.

Mùa thu năm 1914 (Taisho 3), khi đang học lớp hai, tôi nghe nói có cuộc biểu diễn máy bay ở liên đội bộ binh Hamamatsu, cách nhà khoảng 20km.

Từ trước tới giờ, nói đến máy bay tôi chỉ được xem bằng tranh vẽ chứ chưa bao giờ nhìn thấy tận mắt. Biết là có nài xin, cha tôi cũng không cho phép, nên trước đó vài ngày, chọn lúc cả nhà không ai để ý tôi lén lấy 2 xu (sen) để làm tiền lộ phí.

Rồi ngày đó đã đến, tôi giả bộ bình thản lén lấy xe đạp của cha tôi đạp một mạch đến Hamamatsu. Tất nhiên là tôi trốn học. Lần đầu tiên tôi được thấy máy bay thật và vô cùng cảm kích khi thấy chiếc Neils Smith bay lên.

Hình ảnh người phi công của chiếc máy bay Neils Smith với vành nón lật ngược ra phía sau, đeo kính bay trông thật hùng dũng. Ấn tượng này giải thích lý do tại sao sau đó tôi vẫn thường đội ngược cái mũ học trò.

Trước khi đi tôi biết sẽ phải nhận lấy sự giận dữ của cha tôi khi về đến nhà. Lúc đầu cha tôi rất giận nhưng khi biết tôi đã đi xem máy bay ông lại rất vui và hỏi: “Mày đi xem máy bay thật à?”.

Sao phải phân biệt nhau vì tiền?

Một chuyện khác, ở gần trường tiểu học của tôi có chùa Thanh Hải (Seikai), dân làng ở đây thường canh tiếng chuông chùa để nghỉ ăn trưa.

Một ngày nọ, trong khi đang trốn học đi chơi tôi bỗng thấy bụng đói cồn cào không chịu được, tôi bèn leo lên bệ chuông, đánh boong boong vào chuông chùa, báo hiệu giờ chính ngọ.

Nghe vậy, nhà trường và cả làng đều chỉnh lại đồng hồ sớm hơn theo giờ “đói bụng” của tôi. Còn tôi, chạy băng về nhà và có cơm trưa ăn ngay.

Sau này, mọi người đều biết là do tôi nghịch phá nên đã cho tôi một trận đòn nhừ tử.

Nhưng cậu bé nghịch ngợm, phá làng phá xóm như tôi cũng có nhiều chuyện khổ tâm và tủi thân. Vì nhà nghèo nên quần áo của tôi rất ít.

Tôi lại hay dùng tay áo để chùi mũi nên vải chỗ này khô cứng lại như mủ nhựa. Kế bên nhà tôi lại là gia đình giàu có, khá giả.

Đến tháng 5, vào dịp Tết con trai thì có trưng bày những búp bê hình dạng hiệp sĩ Samurai của Nhật như “Benkei”, “Yoshitsune”. Tôi thích thú muốn được xem, nhưng khi đến nhà đó thì bị đuổi về.

Cho đến tận hôm nay tôi vẫn không quên cảm giác tủi thân ngày ấy và nhiều khi vẫn tự hỏi: “Tại sao con người có thể phân biệt đối xử với nhau chỉ vì có tiền hay không?”.

Cảm giác ấy ăn sâu vào người tôi nên cả cuộc đời tôi không bao giờ chấp nhận và loại bỏ tất cả mọi hành vi đối xử phân biệt con người trên cơ sở tiền bạc. Suy nghĩ này cũng xuyên suốt trong sự nghiệp kinh doanh của tôi.

Sau khi tốt nghiệp Trường tiểu học Jinjou, tôi tiếp tục học ở Trường trung học Futamata. Sau khi tôi tốt nghiệp trung học thì cha tôi đã chuyển từ nghề thợ rèn sang kinh doanh xe đạp.

Nhờ đó, tôi có nhiều dịp được đọc những tạp chí “Thế giới xe” và có một ngày tôi tình cờ đọc được mục quảng cáo cần tuyển thợ của “Thương hội Ato” - một xưởng sửa chữa xe ôtô ở Tokyo.

Theo Nguyễn Trí Dũng
TTOL

Kasumi
05-01-2007, 05:37 PM
Kỳ 1: Đứa con người thợ rèn (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67502#post67502)
Kỳ 2: Từ chú tiểu thành vị thánh (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67503#post67503)
Kỳ 3: Hai lần thoát chết (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67504#post67504)



Từ chú tiểu thành vị thánh

Từ nhỏ tôi luôn ao ước được làm việc ở xưởng sửa chữa xe ô tô nên cái tên “Thương hội Ato” đối với tôi rất thu hút. Sau khi gửi thư xin làm thợ học việc ở đây, chẳng bao lâu tôi nhận được thư mời lên Tokyo thử việc.

***g ngực tôi như vỡ tan vì giấc mơ ấp ủ từ lâu nay đã thành sự thật. Mẹ tôi không tán thành lắm việc con trai trưởng rời xa gia đình nhưng cha tôi lại đồng ý. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi theo cha đi xe lửa từ Hamamatsu lên Tokyo, hành lý vỏn vẹn chỉ có một túi xách trên vai, đó là mùa xuân năm Đại Chính 11 (1922).

“Cậu nhỏ giúp việc”

“Thương hội Ato” ở phường 5 phố Hongo - Yushima (Tokyo). Cha tôi sau khi gửi gắm tôi cho người chủ tên Sakakibara Yuzo, yên tâm về quê ngay. Như vậy, tôi đã trở thành cậu giúp việc ở xưởng sửa chữa ô tô. Thế nhưng thực tế hoàn toàn khác với giấc mơ mà tôi hằng ôm ấp.



http://img502.imageshack.us/img502/6118/honda1zw8.jpg
Thời học việc tại Thương hội Ato, sau thiên tai động đất vùng Kanto (Tokyo), Honda lái xe mô tô chạy qua ruộng đồng bị cháy rụi của Tokyo để sửa chữa xe.

Hết ngày này qua ngày khác tôi chỉ làm cái việc bồng bế, trông nom đứa nhỏ, con ông chủ. Thất vọng và buồn tủi, mấy lần tôi định thu xếp hành lý, đu dây thừng từ tầng một xuống trốn đi nhưng nghĩ đến nét mặt giận dữ của cha và gương mặt mẹ khóc tủi phận ở quê nhà, tôi lại chùn chân.

Ngày tháng cứ thế trôi qua khoảng nửa năm. Một ngày nọ, ông chủ lớn tiếng gọi: “Này cậu nhỏ, bỏ em đấy đến đây giúp tôi một tay”. Lúc đó, tôi thật sự sung sướng. Đó là một ngày tuyết rơi rất lạnh nhưng tôi như không biết cái lạnh là gì, trải ngay chiếu lót, chui vào gầm xe dưới mưa rơi để sửa đường dây bị đứt bên trong. Đó là lần đầu tiên tôi sửa xe.

Suốt đời có lẽ tôi không thể nào quên được cảm giác này. Từ đó, ít nhiều ông chủ cũng thấy được khả năng của tôi nên tôi bớt phải trông em và làm nhiều việc như những người thợ khác. Sau này nghĩ lại, tôi hiểu ra nửa năm nhẫn nhục bồng bế em bé lại là một việc có ý nghĩa rất tốt. Mỗi khi nhớ lại niềm vui và nỗi khổ lúc đó, tôi luôn quyết tâm vượt qua mọi nghịch cảnh đắng cay trước mắt.

Tính ra, tôi làm “cậu nhỏ giúp việc” khoảng một năm rưỡi. Đến tháng 9-1923, một trận động đất lớn đã xảy ra tại vùng Kanto. Vì trận động đất này, Thương hội Ato bị cháy nên tôi theo cả nhà ông chủ dời đến dưới gầm cầu gần nhà ga Kanda. Mười mấy người thợ của xưởng đã về quê gần hết, chỉ còn tôi và một người thợ đàn anh ở lại với gia đình ông chủ. Ông chủ tôi bắt đầu nhận sửa chữa nhiều xe ô tô bị cháy hư hỏng ở xưởng Shibaura. Kể ra việc học được kỹ thuật sửa chữa xe của tôi tất cả là nhờ có trận động đất này.

Chuyến đi nhớ đời

Tôi làm việc ở Thương hội Ato liên tục khoảng sáu năm. Quãng thời gian đó còn để lại trong tôi nhiều câu chuyện tranh đua, chuyện thất bại buồn vui lẫn lộn!

Xuất thân từ một gia đình thợ rèn, có duyên với máy móc, lại thích lăn lộn với máy móc nên khi có cơ hội được học sửa xe ô tô tôi nắm bắt kỹ thuật rất nhanh và tiến bộ rõ rệt. Ông chủ có lẽ cũng nhận ra tôi là thợ sửa chữa được việc nên từng bước cho tôi cơ hội đi công tác bên ngoài.

Năm 18 tuổi, tôi được lệnh của ông chủ đi công tác ở tỉnh Morioka để sửa xe cứu hỏa. Về tuổi tác tôi vẫn còn trẻ nhưng sự kiện này đã chứng minh năng lực của tôi. Với tình cảm rộn ràng vui sướng, tôi lên xe lửa đến tỉnh Morioka xa xôi. Vừa đến nơi, tôi nhận thấy mọi người tại đây, kể cả người đội trưởng cứu hỏa, tiếp tôi với nét mặt nghi ngờ, thắc mắc như có suy nghĩ: “Cậu nhỏ như thế này thì làm được gì đây!”.

Vì xem tôi chỉ là cậu bé giúp việc nên họ xếp cho tôi ở bên cạnh phòng cô hầu gái. Khi thấy tôi lần lượt tháo tung máy ra, họ lo lắng không biết tôi có phá hỏng xe của họ hay không nên liên tục hỏi: “Này cậu nhỏ, làm vậy có sao không?”. Tôi cứ lẳng lặng tiếp tục công việc trong bầu không khí ngột ngạt như thế.

Tới ngày thứ ba tôi lắp ráp hoàn tất máy móc lại như cũ. Khi khởi động thử động cơ xe thì động cơ xe cứu hỏa chạy rất tốt. Ông đội trưởng đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác: “Ôi, máy hoạt động rất tốt, nước phun ra rất tốt”. Còn tôi thì không còn gì vui sướng đắc ý hơn. Trong ánh mắt của những người coi thường tôi trước đây, giờ đổi ngay sang vẻ thán phục.

Chiều hôm đó khi trở về nhà trọ, phòng của tôi cạnh phòng cô hầu gái được đổi sang phòng hạng nhất có góc trang trí kiểu Nhật Tokonoma. Cho đến sáng hôm đấy, tôi vẫn chỉ được coi là chú tiểu, bỗng chốc giờ được đối xử như một vị thánh. Riêng tôi cảm thấy bối rối trước sự đãi ngộ thay đổi đột ngột như vậy. Tôi còn được mời uống rượu có cô hầu gái rót hầu vào chén. Đây là lần đầu tiên tôi uống rượu.

Trở về Tokyo, nghe tôi báo cáo sự việc này, ông chủ rất vui mừng. Qua việc này ông chủ ngày càng đánh giá cao kỹ thuật của tôi, nên tôi lại càng ra sức cống hiến hết sức của mình.

Theo Nguyễn Trí Dũng
TTOL

Kasumi
05-01-2007, 05:39 PM
Kỳ 1: Đứa con người thợ rèn (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67502#post67502)
Kỳ 2: Từ chú tiểu thành vị thánh (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67503#post67503)
Kỳ 3: Hai lần thoát chết (http://www.japanest.com/forum/showthread.php?p=67504#post67504)



Hai lần thoát chết

Trong sáu năm ở Thương hội Ato, tôi đã học được phần nào kỹ thuật sửa chữa và lái xe ô tô. Ông chủ rất tin dùng nên cho phép tôi mở chi nhánh. Năm 22 tuổi, tôi tự dựng bảng hiệu “Chi nhánh Hamamatsu Thương hội Ato”, khai trương hoạt động sửa chữa xe ô tô ở thành phố Hamamatsu gần quê nhà.


http://img242.imageshack.us/img242/1266/hd3zx0.jpg
Lái thuyền máy tự chế tạo dạo chơi.
Chi nhánh Hamamatsu

Cái tên “Chi nhánh Hamamatsu Thương hội Ato” nghe có vẻ to lớn nhưng thật ra chỉ là một cơ sở đơn sơ với tôi và thêm một cậu nhỏ học việc. Tuy được gọi là chủ tiệm nhưng thật ra tôi chỉ là cậu thanh niên vừa qua nghĩa vụ quân sự. Thật khó lòng có ai muốn giao việc cho tôi vì họ suy nghĩ: “Cậu ấy còn trẻ như vậy thì làm gì được?”.

Nhưng lần lượt những chiếc xe ô tô nào không sửa được ở các cơ sở khác, khi mang tới cơ sở tôi, sửa xong lại chạy tốt nên bắt đầu có tiếng đồn rằng ở chỗ tôi “bất cứ việc gì cũng sửa được”. Từ đó, công việc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Đến cuối năm đó, khi thử kết toán thì chúng tôi còn lại được đến 80 yên.

Năm đầu tiên, mới 22 tuổi mà được số tiền lãi 80 yên, tôi rất vui sướng. Vào thời đó, tôi quyết tâm cả đời mình phải để dành được 1.000 yên. Với quyết tâm ấy, tôi làm việc liên tục không ngơi nghỉ. Mặt khác, bản thân cũng thích máy móc và khéo tay nên tôi không ngừng cải tiến, nghiên cứu, chế tạo mọi cái có trong tay. Đối với tôi không gì thú vị hơn thế.

Thời đó căm xe tải, căm xe ô tô chở khách và căm xe các loại xe ô tô khác đều được chế tạo bằng gỗ. Đây là một vấn đề tôi quan tâm nên tôi nghiên cứu việc đúc căm xe bằng kim loại. Sau khi đăng ký sáng chế, giới thiệu ở Hội chợ Quốc tế, căm xe kim loại này được thị trường đánh giá rất cao và còn được xuất khẩu sang tận Ấn Độ.

Tay chơi trẻ

Năm 22 tuổi tôi dự định để dành 1.000 yên trong cả đời mình nhưng chỉ vài năm sau mỗi tháng tôi có thể kiếm hơn 1.000 yên. Số công nhân của tôi tăng lên khoảng 50 người, xưởng dần dần được mở rộng. Khi thu nhập tăng cao thì ý tưởng chơi bời hưởng thụ cũng nhiều hơn và ý thức dành dụm cũng tự nhiên biến mất. Khoảng 25, 26 tuổi, tôi đã có xe riêng và có tới hai chiếc, thời đó người ta nể phục gọi là “xe tư”.

Dĩ nhiên là toàn xe của nước ngoài. Tôi vẫn thường chở các cô kỹ nữ đi chơi bằng xe đó. Một ngày nọ, tôi chở một cô kỹ nữ trẻ đi Shizuoka để ngắm hoa anh đào. Ngắm hoa rồi uống rượu say, trên đường về, tôi vừa uống rượu vừa lái xe chạy thẳng lên cầu trên sông Tenryu.

Sau khi chạy được một quãng, xe tôi bị lệch tay lái tông vào thành cầu, trong nháy mắt phá hư hai mươi mấy cây trụ thành cầu, nguyên xe chiếc ô tô rơi xuống sông. Đây đúng là chuyện say rượu lái xe. Nhưng cũng may, cầu không quá cao và xe khi rơi xuống đã kẹt lại trên bờ trước khi rơi xuống sông nên cả hai chúng tôi thoát chết.

Năm 27 tuổi tôi cưới vợ. Ngày đó, tôi tự mình lái xe ô tô đi đón cô dâu. Người làng vợ tôi hỏi nhau: “Lấy chồng tài xế à” và có ý rất nể trọng vợ tôi. Thời đó, rất hiếm người có xe riêng, nên thời đó tài xế thường được gọi là “ông tài”.

Cuộc đua kinh hoàng



http://img242.imageshack.us/img242/9595/hd4em8.jpg
Giây phút xảy ra tai nạn đua xe. Người bị hất tung văng ra khỏi xe đua đang lật ngược chính là ông Honda Soichiro.

Khi còn trẻ, ngoài công việc tôi còn có thú tiêu khiển là chế tạo thử nhiều loại máy móc. Sưu tầm, đụng chạm với máy móc vốn là đam mê của tôi. Trong những thứ máy móc tôi chế tạo khi rảnh rỗi thì không thể không nói đến xe ô tô đua.

Ông chủ tôi trước đây ở Thương hội Ato (Tokyo) vốn thích xe ô tô đua (racer) nên bảo tôi chế tạo thử. Tôi đã chế tạo được hai xe từ việc cải tạo lại động cơ Curtiss mua lại của trường Hàng không ở Tsudanuma (Chiba). Xe đua này chạy rất khỏe và đạt giải nhất.

Tất cả những việc này giải thích lý do tại sao khi trở lại Hamamatsu, hễ có thời gian rảnh là tôi lại cặm cụi chế tạo xe đua. Trong lòng tôi lúc nào cũng nôn nóng đến ngày được chạy thử trong cuộc đua thực tế.

Ngày mong đợi đã đến, tôi tham gia vào cuộc đua xe ô tô dọc theo bờ sông Tamagawa Tokyo. Có thể nói đây là cuộc viễn chinh từ Hamamatsu. Tôi đã tham gia nhiều cuộc đua với một số lần đoạt giải vô địch.

Tháng 7 năm Chiêu Hòa 11 (1936), 37 tuổi, tôi tham gia giải đua tốc độ xe ô tô toàn quốc Nhật Bản tại Tamagana. Tôi tự lái chiếc xe do mình chế tạo vượt hơn tốc độ 120 km/g chạy gần về tới đích nhưng ngay ở những giây phút cuối cùng thì một chiếc xe đang sửa chữa từ bên đường đâm ra, đụng vào xe tôi.

Trong tích tắc, xe tôi quay lộn ba vòng trên không như con chuồn chuồn. Tôi có cảm giác thân tôi bị va đập mạnh, tầm nhìn của tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Tôi bị hất tung lên, văng ra khỏi xe và đập mạnh xuống đất, bị hất lên lần nữa và bất tỉnh.

Tỉnh lại trên giường bệnh viện, tôi có cảm giác đau nhức dữ dội toàn mặt mũi. Tôi đã được đưa vào bệnh viện bằng xe cấp cứu. Với nửa mặt bên trái bị giập nát, cánh tay phải gãy rời khỏi bả vai, cổ tay bị gãy. Em trai tôi ngồi ở ghế phụ lái cũng bị thương nặng, xương sườn bị gãy bốn cái. Cô y tá kinh ngạc nói: “Thật chỉ có trời phật phù hộ nên cả hai người mới sống sót”.

Vết thương đó bây giờ vẫn còn ở cạnh mắt trái của tôi. Xe đua lúc đó là chiếc xe Ford được cải tạo lại. Tốc độ120 km/g tôi đã lái là kỷ lục mới của toàn quốc. Vì tai nạn, bỏ lỡ cơ hội vô địch nhưng tôi vẫn nhận được giải đặc biệt. Đời người nghĩ cũng khó hiểu, có người mất mạng mặc dù lái xe chậm chạp với tốc độ 20-30 km/g và có người lại sống sót dù gặp phải tai nạn với tốc độ kinh hoàng như tôi. Đúng là chuyện chết đi sống lại.

Theo Nguyễn Trí Dũng
TTOL

Kasumi
08-01-2007, 08:24 PM
Chinh phục những đường đua thế giới


Hàng năm đều có cuộc đua xe thế giới TT (Tourist Trophy Race) tại đảo Man (nước Anh), là nơi để những người yêu thích xe gắn máy thi đua kỹ thuật. Tất cả những ai hoạt động liên quan đến xe gắn máy đều mơ một lần vinh dự đoạt giải nhất trên vòng đua 420km này. Và tôi đã thể hiện quyết tâm khi tuyên bố sẽ tham gia cuộc đua vào tháng 3-1954.

Vì một niềm hy vọng


http://img155.imageshack.us/img155/1966/images155860e67asn2.jpg

Có hai ý nghĩa cho việc tham gia này. Ý nghĩa thứ nhất, nếu không tham gia để đạt thành tích xuất sắc trong vòng đua TT thì không thể nào giành được thị trường thế giới về xe gắn máy từ nước Italia hay Đức. Ý nghĩa thứ nhì mang tính chất cảm tính, tôi muốn hâm nóng lại niềm hy vọng cho người Nhật sau những năm bại trận giống như tuyển thủ bơi lội Furuhashi Hironoshin đã phá nhiều kỷ lục thế giới trước đây.

Việc phá kỷ lục thế giới của anh này đã làm ấm lòng người dân Nhật Bản, đặc biệt trong thời đại hỗn loạn. Tôi thì không có thể lực như tuyển thủ Furuhashi nhưng tôi có trong tay sức mạnh của kỹ thuật. Sự thắng lợi của trí tuệ sẽ mang lại một niềm hy vọng thật khó diễn tả cho người Nhật Bản. Chắc chắn, nếu giành được chức vô địch trong một cuộc đua quy mô lớn và nổi tiếng như vậy thì việc xuất khẩu sẽ rất thuận lợi và mang lại vinh dự cho dân chúng Nhật Bản.

Tháng 6-1954 (Chiêu Hòa 29) tôi đi khảo sát đảo Man. Khi nhìn tận mắt cuộc đua tôi không khỏi kinh hoàng. Những xe đua nổi tiếng như NSU của Đức, Gereller của Italia chạy với mã lực rất lớn, so với xe gắn máy tôi chế tạo thời đó có cùng dung tích nhưng công suất mã lực mạnh gấp ba lần. Lúc này tôi mới biết mình đã lỡ tuyên bố một việc động trời. Khi nghĩ không biết đến ngày nào mới đạt được ước mơ thì tâm trạng của tôi vừa bi quan vừa chán nản. Thế nhưng bản tính của tôi chẳng chịu thua ai, ngược lại càng làm tôi nung nấu ý chí. Tôi suy nghĩ, việc mà người ngoại quốc làm được thì chắc chắn người Nhật cũng có thể làm được. Muốn vậy, phải bắt đầu nghiên cứu. Khi trở lại Nhật, tôi thành lập bộ phận nghiên cứu tại công ty chúng tôi.

Trong dịp tham quan này, tôi đi các nước Anh, Đức, Pháp, Italia là các nước tiên tiến về chế tạo xe gắn máy và lẳng lặng tìm mua những linh kiện chuyên dụng cho xe đua như: Lim, vỏ xe, bộ phận khí carborator để mang về Nhật. Hình ảnh này trông giống như những người tuyển thủ đua xe đi du lịch mua sắm. Trên đường về nước thì tại phi trường Rome của Italia, tôi gặp ngay vấn đề. Trước ngày về, tôi được biết nếu hành lý nặng quá 30kg thì phải trả thêm tiền cước cho hãng hàng không với giá khá cao. Nhưng số tiền trong túi tôi chẳng còn bao nhiêu vì đã mua linh kiện hết. Cho nên, tôi phải tự mình đóng gói lại hành lý cho đúng 30kg, những thứ như Lim, vỏ xe thì vác trên lưng và những linh kiện bằng kim loại nặng thì bỏ vào trong túi xách tay người ta phát tại phi trường của Pháp.

Khi tôi làm thủ tục lên máy bay thì nhân viên hàng không tính trọng lượng túi xách tay của tôi và hành lý gởi tổng cộng trên 40kg. Trong khi đó, sau khi gửi điện tín về nhà thông báo chuyến bay thì trong túi tôi chẳng còn lấy một xu. Tôi thật sự chán nản về chuyện này. Nhân viên phi trường chỉ làm theo nguyên tắc, bất chấp lập luận của tôi: “Nếu tính trọng lượng thì tại sao bà khách to lớn ngồi ghế chẳng lọt kia, nặng hơn cả tôi và hành lý cộng lại thì được đi”.

Tủi nhục và vinh quang

Nói gì đi nữa nếu không đi được chuyến bay này thì… rách việc, không biết còn phiền toái đến mức nào. Sau khi suy nghĩ tìm mọi phương cách, tôi quyết định bỏ hết đồ đạc cá nhân ra ngoài ngay tại cửa phi trường, mặc tất cả quần áo có thể mặc vào người, tóm gọn lại hành lý và hỏi: “Như thế này được chưa?”. Nhân viên kiểm tra tròn mắt ngạc nhiên và cuối cùng đành chịu: “Thôi như vậy cũng được!”. Tôi nổi nóng: “Làm như vậy thì lại được, như vậy tổng trọng lượng là cái gì, rốt cuộc cũng như nhau”. Hôm đó là ngày 20-7, tôi mặc quần áo dày cộm trong mùa hè nóng bức của Italia, thật sự không lê bước nổi. Sau đó, tôi lại mất công sắp xếp lại đồ đạc vào trong túi xách tay. Trời nóng, tinh thần lại căng thẳng, chưa bao giờ tôi gặp chuyện khó chịu như vậy.

Những nỗ lực, quyết tâm như vậy phần nào thể hiện ý chí quyết thắng tại cuộc đua TT của bản thân tôi. Người ta có câu “Tại La Mã, không việc gì đơn giản có thể làm nên trong một ngày”, điều này thật đúng với trường hợp khổ cực đẫm mồ hôi của tôi. Không cần phải nói, tất cả linh kiện tôi mang về trong hoàn cảnh như vậy thật sự đóng vai trò rất quan trọng về sau. Sau khi về nước, tôi thành lập bộ phận nghiên cứu, tổng hợp lại các phòng thiết kế phân tán ở các bộ phận sản xuất khác nhau. Tháng 6-1957 (Chiêu Hòa 32) hoạt động nghiên cứu được tập trung trong Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật và vào năm 1960 (Chiêu Hòa 35), trung tâm chính thức trở thành Công ty cổ phần Nghiên cứu Kỹ thuật Honda (Honda gizutsu kenkyu sho).

Công ty cổ phần Nghiên cứu Kỹ thuật là một công ty hoạt động độc lập xuất phát từ ý tưởng tập trung nghiên cứu triệt để, để chiến thắng trong cuộc đua TT. Kết quả vào năm 1958, Công ty Honda Giken hoàn thành xe đua hai máy 125 cc và xe đua bốn máy 250 cc. Vào tháng 6 -1959, xe đua 125 cc lần đầu tiên tham gia cuộc đua TT đã đứng hạng thứ sáu. Lần đầu tiên tham gia mà đứng hạng sáu là một thành tích xuất sắc. Tiếp theo sau đó, vào năm 1961, đoạt giải vô địch Grand Prix của cuộc đua TT và ở những cuộc đua khác tại Tây Ban Nha, Pháp, Tây Đức. Như vậy là công ty chúng tôi đã thực hiện ý đồ ôm ấp từ bao lâu nay là phải chế tạo bằng được xe gắn máy đứng đầu thế giới.

Người dịch: NGUYỄN TRÍ DŨNG
Bài 6: Rút lui khi ở đỉnh cao quyền lực
(*) Sách do Trung tâm Sách và xuất bản Báo SGGP kết hợp với trường Doanh thương Trí Dũng và NXB văn hóa Sài Gòn xuất bản.
SGGP

Kasumi
08-01-2007, 08:33 PM
Hành trình cảm tạ

Ông Honda từ nhiệm vị trí giám đốc năm 65 tuổi, khi vẫn còn rất mạnh khỏe. Với bản chất không thể ngồi yên, để một ngày vô nghĩa trôi qua nên ông quyết định thực hiện: “Hành trình cảm tạ” đến những cửa hàng đại lý, nhà máy trên toàn đất nước Nhật Bản: “Tôi muốn nói lời cảm tạ đến tất cả những người đã ủng hộ hợp tác với Công ty Honda từ trước đến nay”.

Đi để nguôi quên tiếng động cơ

Ông sử dụng trực thăng riêng để đi liên tục từ nơi này đến nơi khác, khi phải đi đường bộ thì ông thường tự lái xe. Đến đâu ông cũng được hoan nghênh nhiệt liệt như người anh hùng trong giới kinh doanh. Cuộc hành trình “bắt tay” vòng quanh đất nước này mất một năm rưỡi. Như vậy phải mất gần hai năm ông mới thật sự quên đi những âm thanh, tiếng gọi của động cơ.


http://img213.imageshack.us/img213/9106/images156224g7atm6.jpg
Tình bạn thân thiết giữa ông Honda và ông Ibuka.

Ông có thể bỏ được thói quen “tham công tiếc việc” nhưng ông không thể bỏ mất bản tính hiếu kỳ thích tìm hiểu của mình nên ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và thực hiện những vấn đề liên quan đến: “Sự đốt cháy của nhiên liệu” hoặc thu thập tài liệu từ khắp thế giới về hiện tượng UFO (Unidentified Flying Object): “Đĩa bay của người ngoài vũ trụ”. Ngoài ra ông còn dành nhiều quan tâm cho hoạt động đối ngoại như giao lưu văn hóa quốc tế và giúp đỡ xã hội theo đúng tôn chỉ của Công ty Honda.

Công tác đối ngoại của ông ngày càng bận rộn với nhiều lời mời tham gia Hội đồng quản trị của nhiều đoàn thể, cơ quan, tổ chức..., tham gia thuyết trình hoặc trả lời phỏng vấn trên báo chí, truyền hình.

Vào mùa xuân năm 1981, ông nhận Huân chương Quốc gia Zuihosho hạng nhất cho những cống hiến của mình. Ngoài ra, ông cũng nhận nhiều huân chương, học vị “Tiến sĩ danh dự” từ nhiều quốc gia. Năm 1989, ông là người Nhật đầu tiên được ghi tên trong cung điện của những người có thành tích trong ngành sản xuất ô tô (Automobile Hall of Fame) tại tiểu bang Michigan (Mỹ).

Năm 1990, ông nhận Huy chương vàng của FIA- Liên minh ô tô quốc tế (Federation of International Automobile) vì những cống hiến vĩ đại của ông cho vòng đua F1 và là người thứ ba trong lịch sử có vinh dự này sau ông Ferry Porshe (Đức) và ông Enzo Ferrari (Ý). Hàng năm vào tháng bảy, ông thường xuyên tổ chức: “Ngày hội câu cá đối Ayu” với khách mời là bạn bè thân tình rộng rãi trong chính phủ và từ mọi giới kinh doanh, văn hóa, thể thao...

Hai ông Honda và Fujisawa còn có nhiều hoạt động xã hội khác như lập Hội sáng tác “Sakyokai” (năm 1961) là một quỹ học bổng trích từ tài sản riêng của hai ông. Mục đích chính của quỹ là trợ giúp những tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tất cả đã có 1.735 nhà nghiên cứu được hưởng chế độ học bổng này mà không có một điều kiện ràng buộc gì. Cho đến năm 1983, khi quỹ giải tán, mọi người vẫn không biết chính hai ông là mạnh thường quân, như trong truyện cổ tích nổi tiếng “Ông già chân dài” của phương Tây. Hai ông còn thành lập tổ chức phi chính phủ: “Hội An toàn giao thông” sau khi về hưu.

Năm 1977, ông Honda cùng với người em trai ruột- ông Honda Benjiro- đã cống hiến phần tài sản riêng của mình trị giá 4 tỷ yên để thành lập “Quỹ Honda” với mục đích tổ chức hội nghị quốc tế liên quan đến vấn đề “Kỹ thuật phục vụ giải quyết vấn đề môi trường” và trao giải thưởng Honda cho những nhà khoa học kỹ thuật có cống hiến giá trị cho đề tài này.

“Khi tôi mất, đừng làm tang lễ”

Vào ngày 5-8-1991, ông Honda qua đời tại Bệnh viện Juntenjo vì ung thư gan, thọ 84 tuổi. Tin tức toàn cầu đã thông báo về tin buồn này. Thời báo New York Time” (Mỹ) đã có bài chia buồn trang trọng đăng nguyên một trang báo lớn: “Là một nhà kỹ thuật chế tạo ô tô, ông cũng là một nhà kinh doanh có tầm vóc xây dựng một xí nghiệp tiên tiến nhất thế giới từ những hoang tàn đổ nát sau chiến tranh”.

Lúc sinh thời, ông Honda thường căn dặn thay cho di chúc: “Khi tôi mất, công ty không nên làm tang lễ. Làm tang lễ như thế sẽ gây phiền hà cho nhiều người, ví dụ như gây tắc nghẽn giao thông. Riêng việc này người sản xuất ô tô tuyệt đối không được phép”.

Thay cho tang lễ, văn phòng chính của công ty tại Aoyama (Tokyo) và tất cả các đơn vị kinh doanh, sản xuất tại các nơi khác như Saitama, Suzuka đều đồng loạt tổ chức “Lễ cảm tạ”. Tại hội trường chính có đến 62.000 người đến truy điệu ông Honda. Ông Ibuka Masaru, người sáng lập Công ty Sony, bạn tâm giao của ông Honda, khi được tin buồn này đã phát biểu với báo chí: “Không tổ chức tang lễ , viếng thăm linh cữu! Trong cuộc đời của mình, ông đã cống hiến và để lại cho xã hội nhiều đóng góp giá trị nhưng có thể nói tư duy này là cái làm mọi người thật sự tâm phục kính nể nhất”.

Khi dự định rời hội trường, như có ai lôi kéo ông quay trở lại và lặng người đứng chiêm ngưỡng trước máy phát điện loại nhỏ mà hai công ty Honda và Sony cùng hợp tác sản xuất, ông Ibuka như nói với chính mình: “Tôi nghe ông Honda nhắc nhở phải cố gắng làm thêm một chút nữa, đừng vội sang thế giới bên này “. Sau đó vào tháng 12-1997, ông Ibuka cũng từ trần. Vậy là đất nước Nhật Bản đã mất cả hai “thiên tài chế tạo sản xuất” mà bất cứ ai cũng phải nhìn nhận.

Thế nhưng tinh thần và ý chí của người sáng lập sự nghiệp của hai ông vẫn sống, vẫn tiếp tục để lại cho các thế hệ sau những đóng góp với những hình thức đa dạng khác nhau. Trong thời kỳ hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu, có tầm cỡ đều lúng túng trước nguy cơ suy sụp, khó khăn, thì cả hai công ty Honda và Sony đều tiếp tục phát triển hưng thịnh với phương hướng kinh doanh không chút dao động.

Được như vậy là nhờ định hướng phát triển của doanh nghiệp rất rõ ràng mà hai nhà sáng lập đã nuôi dưỡng và đặt đường rầy cho định hướng ấy tồn tại và phát triển.

Người dịch: NGUYỄN TRÍ DŨNG
SGGP