PDA

View Full Version : Kato Norio: một người Nhật ở Hà Nội



Kasumi
11-01-2007, 02:53 PM
http://img329.imageshack.us/img329/859/imageviewiw2.jpg
Nhà báo Kato Norio tác nghiệp tại Việt Nam

Sau khi về hưu, ông Kato Norio - nguyên trưởng ban tiếng Việt của Đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản NHK - quyết định sống lâu dài ở Hà Nội.

Ông có thú say mê là đi mua sách, đọc các tác phẩm văn học Việt Nam và rượu chè thơ phú, nói chuyện văn chương với giới văn nghệ sĩ.

Lần đầu tiếp xúc với Kato Norio, nhiều nhà phê bình Việt Nam không khỏi ngạc nhiên về sự am hiểu văn học Việt Nam của ông. Nhân dịp ông tham dự buổi giới thiệu sách tại Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, chúng tôi có buổi trò chuyện cùng ông.

* Mục đích của ông khi sang Việt Nam sống?

- Tôi về hưu năm 2005. Tôi đã làm việc hơn 30 năm ở Đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản NHK. Trong thời gian công tác, tôi phụ trách Ban tiếng Việt nên có nhiều cơ hội phỏng vấn, tiếp xúc với các nghệ sĩ, nhà văn hóa Việt Nam… Giờ đã về hưu và được tự do, tôi có kế hoạch sang Hà Nội để định cư.

Tôi nghĩ rằng, trước đây mình là nhà báo, làm công việc của một trong những lĩnh vực văn hóa. Giờ đây có thời gian, nếu ở Hà Nội giúp một tay trong lĩnh vực giao lưu văn hóa giữa hai nước thì không gì bằng. Hơn nữa, bây giờ là một phóng viên tự do, lúc nào cũng đi đi về về mãi như thế cũng mệt, tôi dần dần có ý niệm là nếu sống được ở Việt Nam trong thời gian dài thì sẽ rất tuyệt vời!

* Cũng như Việt Nam, Nhật Bản bị ảnh hưởng rất lớn bởi chiến tranh và phải vất vả xây dựng lại đất nước thời hậu chiến. Phải chăng điều đó đã khiến ông chọn tiếng Việt để học trong thời sinh viên?

- Tôi là thế hệ sinh ra sau thế chiến II. Như thế hệ tuổi trẻ hiện nay ở Việt Nam, tôi không có kí ức nào về chiến tranh. Tôi chọn học tiếng Việt là vì khi đó cuộc chiến tranh Việt Nam là một trong những vấn đề thời sự nóng hổi ở Nhật. Một mặt, tôi cảm động sự hi sinh và dũng cảm của người Việt Nam. Tôi rất muốn hiểu hơn về đất nước các bạn. Mặt khác, tôi cũng nghĩ đơn giản rằng thật thú vị khi được học một tiếng nước ngoài mà rất ít người biết. vì lúc đó tại Nhật chỉ có một trường đại học duy nhất là ĐH Ngoại ngữ Kyoto có khoa tiếng Việt.

Khi tôi vào học (năm 1968), khoa mới thành lập được ba năm, vì vậy việc học tiếng Việt của tôi thời đó rất khó khăn. Đến khi tốt nghiệp đại học, tiếng Việt của tôi vẫn tồi lắm. Nhưng không ngờ tôi “bị” gắn bó với tiếng Việt ngày nay. Bà xã tôi (dịch giả Kato Sakae - chuyên về văn học Việt Nam - PV) cũng tốt nghiệp khoa tiếng Việt, hiện đang dạy tiếng Việt và dịch sách văn học Việt Nam sang tiếng Nhật. Cho đến nay, cô ấy đã dịch hơn 20 tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nhật. Tôi cũng có dịch một tí nhưng không siêng năng bằng cô ấy vì tôi chỉ thích đọc thôi!

* Cho đến nay, ông đã dịch được những tác phẩm nào?

- Tôi đã dịch và xuất bản tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu ra tiếng Nhật. Ngoài ra còn một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như Tướng về hưu, Không có vua… cho tạp chí văn nghệ ở Nhật. Hiện tôi dang dịch Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà. Thật ra mà nói, lúc còn học sinh, tôi đã thích đọc sách văn học, cho nên khi học ĐH tôi đã tìm đọc văn học Việt Nam, quyển sách nào có được hay mượn được thì đọc quyển sách ấy. Ban đầu là các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, sau đó là các nhà văn thuộc trào lưu văn học phê phán và tiếp theo là văn học đương đại. Chắc là tôi đọc và có nhiều sách văn học Việt Nam hơn khối người Việt Nam. Tôi hiểu Việt Nam hơn qua những trang sách của các bạn.

* Là người đọc nhiều, ông đánh giá như thế nào về các tác phẩm văn học Việt Nam hiện nay?

- Những năm gần đây chưa có nhiều tác phẩm tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Tác phẩm mới nhất mà tôi đọc là Mẫu thượng ngàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Đó là một cuốn tiểu thuyết rất hay về văn hóa Việt. Cá nhân tôi rất quan tâm đến những tác phẩm mà mọi dân tộc đều chia sẻ được. Qua kinh nghiệm đọc sách và dịch sách tôi cảm thấy văn học Việt Nam có nhiều điểm gần gũi với văn học Nhật như tình yêu nam nữ, quan hệ giữa con người với con người…

* Với tư cách một nhà báo nước ngoài sống ở Việt Nam, ông cảm nhận thế nào về sự chuyển động trong đời sống của Hà Nội giai đoạn vừa qua?

- Hà Nội là một thành phố lạ: Đằng sau sự thay đổi trông thấy rõ như những khu đô thị mới xuất hiện, những khách sạn, nhà hàng mới được khai trương, những đường sá và hạ tầng cơ sở mới được xây dựng hay nâng cấp… - là cuộc sống phía sâu bên trong, vẫn bền bỉ một cái gì đó không dễ gì đổi thay. Người Hà Nội coi trọng gia đình và bạn bè. Người Nhật coi trọng công việc và không quan hệ với người ngoài đồng nghiệp.

Người Nhật cũng quá ít quan tâm đến gia đình, con cái, dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh như: ngày nay thanh niên nhật ngồi lì tại nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài và khó tìm mục tiêu lẽ sống cho mình. Người Việt Nam ai ai cũng nghĩ ngày mai tốt hơn hôm nay, ngày kia tốt hơn ngày mai. Trong khi đó, nhiều người Nhật nghĩ tương lai không có gì bảo đảm tốt hơn hôm nay nên phải tiết kiệm để đối phó với những rủi ro có thể xảy ra!

Theo Như Trang - Thể thao & Văn hóa
tuoitre

Kasumi
30-04-2007, 10:56 AM
Kato Norio - Người bắc cầu văn hóa Việt Nam


Mặc dù cách phát âm tiếng Việt của ông đôi lúc không rõ, nhưng tiếp xúc với ông chưa đầy 30 phút, bạn sẽ nhận ra ông là người rành tiếng Việt, rành văn hóa Việt, thậm chí hiểu cả cái sâu xa trong cách nói ví von của người Việt… Kato Norio là một người Nhật Bản.


http://img265.imageshack.us/img265/7755/images1778106clg2.jpg (http://imageshack.us)
Ông Kato Norio tại TPHCM.

Kato làm việc ở Đài Phát thanh và Truyền hình NHK của Nhật Bản. Ông có thâm niên 33 năm công tác và giữ vị trí Trưởng ban Tiếng Việt của đài. Ông khoe mình học tiếng Việt từ cách đây 40 năm, khi mà khoa tiếng Việt của Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo mới ra đời được 3 năm (1964) và là một bộ môn hoàn toàn mới mẻ… Kể từ khi nghỉ hưu (năm 2004), hầu hết thời gian của Kato là sống ở Việt Nam…

Lần đầu tiên ông Kato đến Việt Nam là năm 1978, trong một chuyến du lịch. Khi ấy, ông đã làm công việc chuyển thể các chương trình truyền hình sang tiếng Việt để phát sóng được 5 năm. Mãi đến năm 1984, trong chuyến đi thực tập tiếng Việt, ông mới có dịp ở Hà Nội 6 tháng.

Và kể từ năm 1991, cứ mỗi năm, Kato lại tháp tùng đoàn làm phim NHK sang Việt Nam ít nhất một lần. “Năm ấy, đoàn làm phim NHK đã thực hiện một bộ phim tài liệu nói về chiến tranh Việt Nam, những nghệ sĩ mà tôi tiếp xúc là Hồng Sến, Phạm Khắc…”. Cũng trong năm đó, lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam tham dự Liên hoan phim Tokyo và Fukuoka.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và nữ diễn viên Minh Châu đã sang Nhật để giao lưu. Lần lượt các liên hoan phim sau đó, Kato gặp và tiếp xúc với các đạo diễn Việt Linh, Lê Hoàng, Bùi Thạc Chuyên… cùng nhiều diễn viên Việt Nam khác. Ông theo dõi không sót một bộ phim Việt Nam nào có mặt tại Liên hoan phim ở Nhật Bản. Ông nhận xét: “Điện ảnh Việt Nam sắp có một sự đột phá, những thế hệ 7X, 8X đã xuất hiện, nhiều đạo diễn Việt kiều cũng về nước làm phim. Tôi đã xem Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao… và tôi rất thích”. Không chỉ điện ảnh, các lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, văn học của Việt Nam, Kato cũng rất quan tâm.

Nhà văn Việt Nam đầu tiên Kato tiếp xúc là Ma Văn Kháng. “Ông là nhà văn châu Á đầu tiên được Quỹ Kaikô Ken mời sang Nhật giao lưu với độc giả”. (Kaikô Ken có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về chiến tranh Việt Nam. Sau khi ông mất, gia đình ông đã thành lập quỹ văn học mang tên ông).

Khi đến Việt Nam, với Kato đầu tiên chỉ là công việc, ông xem những bộ phim, những chương trình nghệ thuật và đọc những tác phẩm văn học Việt Nam. Sau đó ông say mê và trở thành là một độc giả trung thành của văn học Việt Nam. Ông đọc và sưu tầm các tác phẩm văn học Việt Nam từ cận đại đến đương đại và tự hào nói: “Bây giờ một bạn trẻ Nhật Bản nào muốn nghiên cứu về văn học Việt Nam có thể tới nhà tôi, thư viện cá nhân của tôi đủ phục vụ cho họ…”.

Ông theo dõi khá sát sự phát triển của văn học Việt Nam. Hiện tượng văn học nào xuất hiện là ông tìm ngay để đọc. Ông Kato có những người bạn là các nhà văn tên tuổi của Việt Nam, thỉnh thoảng ông lại cùng họ đàm đạo chuyện văn chương, thỉnh thoảng lại hẹn để cùng lai rai.

“Tôi quyết định nghỉ hưu sớm (trước thời hạn 3 năm) để có thời gian làm những việc mà tôi thích”. Một trong số đó là dịch thuật những tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Nhật. Năm 2000, ông đã dịch và xuất bản xong tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu.

- Độc giả Nhật Bản đón nhận những tác phẩm văn học Việt Nam thế nào, thưa ông?

- Cũng như ở Việt Nam thôi, độc giả trẻ chỉ quan tâm đến những sách bán chạy. Sách văn học ít được quan tâm hơn. Nhưng loại sách này có đối tượng độc giả riêng.

- Tiêu chí chọn tác phẩm dịch của ông là gì?

- Có 2 tiêu chí, một là những tác phẩm mà tôi yêu thích và hai là từ tác phẩm ấy người Nhật có thể biết thêm về tập quán, phong tục, cá tính, lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Kato ở Hà Nội nhiều hơn ở TPHCM, nhưng mỗi lần có dịp vào Nam là ông lại không quên đi xem một vở kịch ở IDECAF. “Tôi đã xem trên dưới 10 vở kịch và có không ít vở tôi xem tới lần thứ 2”. Nhìn ông ngồi xem một cách thoải mái và cười rất to trước những tình huống hài hước, không ai nghĩ ông là một người Nhật Bản.

Hà Giang
sggp