PDA

View Full Version : [Truyện dài] A lô, em yêu anh!



Aka!chan
08-05-2012, 02:26 PM
Tác giả: Gia đình Saiya
Tình trạng: đang sáng tác
Nguồn: http://giadinhsaiya.wordpress.com/
*Repost được sự cho phép của tác giả

Chap 1

Vừa bước chân vào công ty, Tuấn đã nghe tiếng xì xầm cố gắng nhỏ hết mức của hai cô nhân viên.

“Chị Hương, chị Hương! Chị nói chuyện được với chị Ánh chưa?”

Tuấn lướt qua sau lưng hai cô nhân viên, nhẹ như một con mèo khiến họ không phát giác ra sự hiện diện của anh. Đúng như hình dung của Tuấn, cô nhân viên chăm sóc khách hàng tuổi đời chưa quá 22, đang nghiêng người sang phải, ghé miệng vào tai cô nàng kế toán tên Hương ngồi cạnh bên. Cả hai hơi rụt cổ lại, mắt thì hướng về phía đối tượng đang được đề cập, chỉ sợ cô ấy nghe thấy thì khổ. Tuấn nhếch mép, giá mà đằng sau ót hai cô mọc thêm mắt để kịp nhận ra Tuấn thì không biết tình cảnh sẽ hài hước đến nhường nào.

Cô nàng kế toán tên Hương vừa xoay xoay tách cafe trên tay, vừa dài giọng:

“Có mới sợ. Mỗi hôm đầu tiên anh Vinh giới thiệu thì còn cười một cái cho có lệ, từ đó đến nay chả thấy chuyện trò gì với ai. Chị bắt chuyện, hỏi một câu nó trả lời lại đúng một câu.”

Tuấn có thể hình dung ngoài cái đầu lắc lắc ra chiều không hài lòng, Hân còn trề cái môi của mình ra ngoài đâu tầm một thước:

“Mà sao nói chuyện với trai qua điện thoại thì ngọt ngào thế không biết, mắt cứ gọi là lấp la lấp lánh”.

“Đã vậy ăn mặc cũng chả ra gì, áo rộng phùng phình như đồ ngủ, màu lại nhờ nhờ, nhìn luộm thuộm chết được”.

Câu nói này của Hương khiến Tuấn khẽ chau mày. Công ty sách trực tuyến này mới thành lập chừng vài tháng, nhân viên không nhiều lại toàn người trẻ, cộng thêm đặc thù công việc, nên anh chẳng muốn bó buộc mọi người trong đồng phục. Bản thân anh là giám đốc nhưng trừ khi hoàn cảnh bắt buộc phải động tới comple, nếu không anh cũng chỉ quần tây áo sơ mi, có khi nóng quá còn mặc áo thun đến chỗ làm. Xét cho cùng, lý do anh rời công ty cũ, chẳng phải cũng do không chịu nổi môi trường làm việc ngột ngạt , bảo thủ ở đấy đó sao. Nhưng các cô cậu nhân viên của anh, chắc không đến mức vì thấy anh có phần dễ dãi chuyện phục trang mà nhân dịp anh đi vắng mấy ngày lại mặc luôn đồ ngủ đến chỗ làm thật chứ? Lại còn “nói chuyện với trai”?

Khẽ đằng hắng một tiếng để hai cô nàng nhận ra sự xuất hiện của mình mà tập trung vào công việc, Tuấn bước nhanh chân về văn phòng của mình, nơi vẫn thường được mọi người gọi đùa là “hoang đảo”, bỏ lại sau lưng tiếng xuýt xoa “Ý chết, sếp về rồi” của bé Hân.

Trụ sở công ty tương đối nhỏ, phần lớn diện tích đều dành cho kho sách phía sau, căn phòng phía trước vừa là chỗ làm việc cho tất cả mọi người từ kế toán, chăm sóc khách hàng (mà anh vẫn hay gọi là support) cho đến nhân viên đóng gói kiêm giao hàng, vừa được tận dụng để chất những gói hàng đã dán địa chỉ nhưng chưa kịp gửi đi. Đã thế, khi mới dọn về, Tuấn lại yêu cầu thợ lắp thêm kính để ngăn ra tạo thêm hai căn phòng nhỏ ở bên hông, một vuông vức là nơi cho anh làm việc, một hẹp dài vừa là chỗ họp hành, vừa dành khi tiếp khách, nên diện tích căn phòng ấy càng nhỏ thêm. Bù lại, sau khi hoàn thành, anh có một không gian riêng biệt, dù nhỏ bé nhưng yên tĩnh để có thể tập trung làm việc, nghe điện thoại, cũng có thể ngước mắt nhìn ra quan sát mọi người. Như lúc này chẳng hạn, sau khi xem qua mớ giấy tờ sổ sách Vinh bày sẵn lên bàn, anh không thể không nhìn đến vị trí mà nhân viên support mới đang ngồi.

Mọi khi, việc tuyển dụng nhân sự mới đều do đích thân anh phụ trách, từ xem CV cho đến trực tiếp phỏng vấn, rồi bày đủ trò để thử thách, chỉ riêng lần này do phải ra Hà Nội những một tuần để xem xét thị trường ngoài đó, mà nhân viên cũ lại nghỉ ngang do chuyện gia đình, anh mới để Vinh toàn quyền tuyển chọn và quyết định. Không phải anh thiếu lòng tin với Vinh – không, cậu ấy đã thân thiết với anh từ thời sinh viên ở chung phòng trọ, chia nhau từng gói mì tôm, mặc chung những cái quần còn tương đối sạch mỗi lần cúp nước, tự giác ngủ bụi mỗi đợt bạn gái thằng còn lại đến chơi phòng, Vinh lại sẵn lòng bỏ việc để đầu quân cho anh khi chính anh còn hoang mang chưa biết tương lai công việc mới sẽ dẫn về đâu, anh không tin tưởng cậu ấy sao được. Chỉ là như Vinh vẫn nói, có nhiều việc người ta khắt khe anh lại thoải mái, và những chuyện người khác dễ dãi anh lại khắt khe, đặc biệt anh có tiêu chuẩn rất cao với nhân viên support, luôn bắt họ phải nhiệt tình năng nổ hết mức có thể. Kể cả nhân viên giao hàng mà anh cũng đòi họ phải yêu thích sách, có kiến thức nhất định về sách, đủ để nếu cần có thể đứng tán gẫu với khách hàng, ngoại hình sáng sủa ưa nhìn, chứ không phải chỉ cần thông thạo đường sá Sài Gòn là đủ. Dù mẹ anh vẫn thường ca cẩm, người có đủ những tiêu chuẩn đó ai thèm bó buộc mình vào cái công việc giao sách đó chứ. Cũng như, làm gì có ai điên rồ giống anh, đùng đùng bỏ chức trưởng phòng kinh doanh ở một công ty danh tiếng hàng đầu trong lĩnh vực này, một thời gian sau vất vả trầy trật đổ tiền thành lập công ty mới, gầy dựng mọi thứ gần như từ con số 0.

Khẽ nhẩm trong đầu những thông tin của nhân viên mới, Tuấn chăm chú nhìn bóng áo xám ở góc phòng lớn. Trần Diệu Ánh, 26 tuổi, tốt nghiệp trung cấp, độc thân, từng bán hàng, tư vấn, hỗ trợ khách hàng… nhưng không có công việc nào lâu dài. Công việc lâu nhất là tuyển sinh cho một trung tâm ngoại ngữ, thời gian: 9 tháng. Thành tích như thế anh sẽ cho rớt từng vòng gửi xe đạp, thế mà thằng Vinh lại nhận vào, anh thật không hiểu nổi. Vinh có trao đổi với anh qua điện thoại, nào khen rằng nhân viên xinh lắm (anh nói trực điện thoại thì xinh để làm gì), Vinh nói có 6 năm kinh nghiệm chăm sóc khách hàng (anh nói già quá), Vinh nói giọng ngọt như mía lùi (anh nói giọng bé Hân không chỉ ngọt mà còn nũng nịu), Vinh nói nhưng cô ấy xử lý tình huống rất nhanh, cô ấy rất thu hút, rất lạ, tóm lại anh cứ về xem thì biết. Ừ thì anh về rồi đây, và đang quan sát cô từ đằng sau đây.

Từ chỗ anh ngồi, tuy có thể nhìn bao quát phòng lớn, nhưng cũng không quan sát kỹ được sắc mặt Diệu Ánh mà chỉ nhìn được dáng ngồi của cô trước màn hình máy tính. Tấm ảnh thẻ trong hồ sơ anh vừa xem cũng bình thường như bao tấm ảnh thẻ khác, gương mặt đầy vẻ nghiêm túc choán gần hết ảnh, đôi mắt mở to trừng trừng nhìn về ống kính, tóc xõa phủ vai, không nói lên được điều gì. Mười người thì hết chín bực bội vì ảnh thẻ khiến mình nhìn già và xấu hơn thực tế, rất may anh nằm trong số còn lại, nhưng mà thiên hạ được mấy người như anh, tự tin rằng mình đẹp trai kể cả trên giấy CMND lẫn lệnh truy nã – nếu có? Suy nghĩ một lúc, anh dứt khoát đứng lên đẩy cửa bước ra ngoài, tiến về phía góc phòng lớn.

Khoảng cách giữa anh và Diệu Ánh càng thu hẹp lại, anh càng xác định được vài điều. Một là không như Hân nói, dù chiếc áo phông xám cô mặc trông khá giản đơn lại hơi rộng so với vóc người khá nhỏ bé của cô, trông chả thấy chút eo iếc nữ tính nào, nhưng cũng không đến nỗi mang tiếng là áo ngủ. Hai là quả thật cô đang nói chuyện với khách hàng nam bằng một giọng hết sức ngọt ngào pha chút trẻ con, một tay cầm bút chì ghi ghi vạch vạch gì đó trên giấy rồi lại xoay sang nghịch thành chậu trầu bà ở góc bàn, môi khẽ mấp máy dịu dàng :”Dạ, em biết rồi ạ. Dạ, em sẽ gọi lại cho anh ngay ạ”, rồi dập máy một cách khẽ khàng, rồi lại cúi đầu gõ lách tách gì đó trên bàn phím, trông có vẻ rất nghiêm túc. Mái tóc không được xõa như trong ảnh mà được búi hờ hững, vài lọn tóc mảnh mai lòa xòa trên trán. Gương mặt nhìn ngang ấy đủ để anh khẳng định cô ấy đẹp. Đột nhiên trong đầu anh xuất hiện hình ảnh cô đang loay hoay trong gian bếp, thì thầm những lời âu yếm chờ đợi với chồng qua điện thoại xong lại cúi người tiếp tục công việc cắt cắt gọt gọt rau củ…

Vội gạt hình ảnh đó đi, anh đang cân nhắc xem nên bắt đầu câu chuyện với cô thế nào, thì bên tai đột nhiên vang lên giọng nói khô khan, lạnh lùng: “Hân, kiểm tra lại đơn hàng A120300024, khách hàng đặt từ ngày 23, đến hôm nay vẫn chưa nhận được. Cần câu trả lời trong năm phút nữa”.

Sự ngọt ngào ban nãy, dường như chỉ tồn tại trong ảo giác của anh.

Aka!chan
08-05-2012, 02:32 PM
Chap 2

Trưa Sài Gòn nắng nóng như thiếu đốt thế này, cách tốt nhất để bảo vệ tâm trạng chính là ngồi lì trong phòng máy lạnh, bật thêm vài cây quạt cho nó thổi vù vù. Nhưng sẽ không thể bảo vệ nổi cái dạ dày nếu không có gì vào bụng. Cho nên dù thích dù không, dân văn phòng vẫn phải lếch cái thân mệt đứ đừ vì một buổi sáng bận rộn với công việc (hoặc chơi game, ai biết được) đến một quán ăn nào đó. Nhất là với những công ty dịch vụ vốn có quy định không ăn trưa tại văn phòng. Hiển nhiên, công ty Metoobooks kinh doanh dịch vụ, dù là dịch vụ trực tuyến, khách hàng không phải đến tận nơi, thì anh tổng giám đốc hắc ám vẫn rất kỳ thị việc ăn trưa tại chỗ. Lý do phòng kín sẽ để lại một số mùi rất đặc trưng, nói trắng ra là mùi đồ ăn. Cho nên cứ đúng 11 giờ là đám nhân viên của Metoobooks lại nhốn nháo 5 phút đồng hồ để bàn cãi chán chê chủ đề kinh điển “ăn gì, ở đâu”. Suốt một tuần nay, cô phải nghe đi nghe lại điệp khúc “ăn quán bình dân cho rẻ” và “vô quán cafe vừa có máy lạnh mà ăn lại ngon”, rồi sau đó họ lại chia ra hai phe, mạnh ai muốn ăn chỗ nào thì đến chỗ ấy.

Lần này cũng vậy, sau một ồn ào kén cá chọn canh, họ nhanh chóng rảo bước sang mấy quán ăn sát cạnh công ty. Không lâu sau đó, một đôi giày đế bệt bước chân qua ngạch cửa, lần bước xuống vỉa hè, giữ những nhịp chân đều đặn trên lằn gạch. Dường như chủ nhân của nó không hề vội, cũng không để tâm đến việc nắng trên vai mà chẳng có mây che trên đầu.

Là Diệu Ánh.

Cô đã quen với việc đi ăn một mình suốt cả tuần nay, mặc cho việc mỗi buổi trưa luôn có người này hay người khác rủ rê cô đi ăn cùng cả công ty, lúc hồ hởi nhiệt tình, khi kỳ kèo níu kéo, lúc ơ hờ xã giao, nhưng lần nào cũng như lần nào, tất cả đều gom về hai chữ: thất bại.

Một, hai, ba, bốn, bảy, tám, chín, mười, hai mươi, hai mốt…

Cô chẳng biết mình có thói quen này tự lúc nào, chỉ nhớ từng có người bỏ xa cô một quãng mới quay lại mắng “Sao chậm vậy, bộ vừa đi vừa đếm bước à?”. Ánh nắng lấp lóa trên cặp kính cận gọng xanh, trên gương mặt hơi mỉm cười kia bỗng khiến cô nhức mắt, lòng chợt trào dâng một nỗi bất an mơ hồ. Từ sau lần đó, cô luôn cố sải những bước thật nhanh, thật dài, nhưng rốt cuộc cũng không thay đổi được cái gọi là duyên phận. Nhiều năm sau này, những giấc mơ của cô thường bị cắt ngang bởi một bóng lưng và một nụ cười nửa miệng rơi xuống giữa màn đêm tịch mịch, dù cô có cuồng chân chạy hay rảo bước thế nào cũng không sao bắt kịp, bừng mở mắt chỉ thấy mồ hôi đầm đìa ướt áo, không ngủ lại được đành bật đèn đọc sách cho đến sáng. Một thời gian dài, cô nghĩ, có lẽ mình nên chết thì hơn.

Phải rồi, còn ai cần cô bước nhanh để theo kịp họ nữa. Nên cuối cùng, cô lại quay về những bước chân chậm chạp như ngày nào, khác chăng là cô bắt đầu duy trì thói quen đếm từng bước theo đúng nghĩa đen của nó. Cũng là một cách để bản thân khỏi phải suy nghĩ nhiều những lúc phải đi bộ. Một mình.

Nơi cô chọn để ăn trưa là một quán cafe hơi xa chỗ làm một chút, nhưng khá yên tĩnh. Quán có một cái tên khá đặc biệt: “Cafe trắng”. Khi nghe tới cái tên này, không hiểu sao cô lại liên tưởng đến hai màu sắc đối lập nhau, màu đen và trắng, cùng song hành trên một bàn cờ vây. Nghĩ vậy cô mới bước chân vào quán.

Mấy ngày đầu đi làm, cô đổi hết tiệm cơm này đến quán bún khác, không phải vì không hợp khẩu vị, mà chỉ bởi không chịu nổi tiếng ồn. Một thời gian dài gần như giam mình trong phòng kín khiến khi lê bước đi dưới ánh mặt trời, cảm thấy những âm thanh như tiếng dầu mỡ sôi xèo xèo, tiếng bát đũa lanh canh, tiếng người vừa húp nước xúp xì xụp vừa nói những chuyện tận đẩu tận đâu làm cô đau đầu kinh khủng. Đến ngày làm việc cuối cùng của tuần trước, khi lang thang hết khu vực quanh công ty mà vẫn chưa tìm được chỗ nào ưng ý, cô mệt mỏi rẽ sang một con đường lạ, bước chân vào quán “Cafe trắng” ấy. Chí ít thì một quán cafe có phục vụ cơm trưa văn phòng, cũng sạch sẽ và tương đối yên ả hơn một cái quán bán cơm đúng với tính chất của nó chứ?

Nhưng đấy cũng không phải là tất cả lý do khiến hôm nay cô quay lại quán này, và có ý định sẽ định cư lâu dài, ít nhất là tới khi lại nghỉ việc, do cô chủ động xin nghỉ hoặc do bị sa thải. Mà chắc là cô sắp bị cho thôi việc rồi.

Người sếp sáng nay đã đứng trước bàn cô một lúc lâu, từ khi cô nghe điện thoại đến lúc xử lý xong yêu cầu của khách hàng. Cô tương đối nhạy cảm với hơi người và tiếng ồn. Nên dù không muốn nghe, nhưng tất cả lời xì xầm của Hân và chị Hương đều lọt hết vào tai cô. Khi sếp ở một khoảng cách hợp lý để quan sát, cô cũng phát hiện ra. Nhưng cô vốn không để tâm anh ta có nhìn cô từ lúc ngồi trong căn phòng nhỏ xíu chín mét vuông ở phía xa, hay từ từ tiếng lại gần, cô vẫn sẽ là cô như mọi khi thôi. Nếu anh ta hay bất kỳ ai không gây ồn quá mức cho phép và cũng không có biểu hiện gì bộc lộ ý định muốn trao đổi về công việc, cô có thể mặc anh ta thành tượng đá ngay tại đấy cũng không liếc mắt lấy một lần. Mà anh ta thành tượng đá thật rồi, ngay khi cô vừa ngọt ngào với khách hàng trong điện thoại đã quay qua lạnh tanh với bé Hân. Anh ta đâu phải “một phần công việc” của cô đâu mà cô phải giả lả.

Nghĩ cũng buồn cười, cô làm việc ở một công ty sách trực tuyến, tuy nhỏ nhưng kho sách phía sau cũng chất thành tầng cao vượt đầu cô, lúc rảnh rang hoàn toàn có thể lấy bất kỳ cuốn nào đọc tùy thích miễn giữ đúng quy tắc không mở sách quá 45 độ và không xé bọc những cuốn đóng màng co, nhưng cô lại quyết định gắn bó với một quán cafe, chỉ vì trên kệ sách nhỏ chất xen kẽ từ truyện Tây đến truyện Tàu mà cô nghi là có tác dụng trang trí, làm màu hơn là cho khách đọc, chẳng hiểu sao lại xuất hiện một cuốn sách cũ ố vàng.

Ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu cô khi nhìn hai chữ kỳ phổ trên gáy sách, ấy là, lấy về thôi.

Dĩ nhiên, cô không lấy, nên mới tính đến chuyện quay lại. Hình như khá lâu rồi cô không động đến những quân cờ vây đen trắng, đột nhiên chỉ hai chữ tưởng chừng đơn giản ấy lại mở toang một số thứ đã phong ấn trong cô từ lâu lắm.

Tiếc thay, trưa thứ hai lại chẳng yên tĩnh như ngày đầu tiên cô đến.

Khi người phục vụ còn chưa kịp mang thức ăn của cô lên, tiếng cười đùa của một nhóm học sinh trung học bàn bên đã khiến cô phải chau mày. Cô giơ tay ra hiệu cho người phục vụ trẻ có vẻ là sinh viên làm thêm, khiến đồng loạt người ấy và một tên nhóm trong đám gây phiền hà cho cô cùng quay lại. Nhưng rất mau sau đó, tên nhóc tiếp tục cười đùa với đám bạn của mình, còn cậu nhân viên vội rảo bước đến chỗ của cô.

“Còn chỗ nào yên tĩnh hơn không?” – Cô khẽ hỏi, không giấu diếm ý định muốn rời khỏi chỗ này ngay lập tức.

Cậu nhân viên theo phản xạ hơi xoay đầu về phía đám học sinh đang tíu ta tíu tít, bối rối không biết có nên xin lỗi cô không. Sau thoáng lúng túng, cậu mời cô lên tầng hai. Nhìn vẻ mặt sợ mích lòng khách của cậu, cô biết có cho vàng cậu ấy cũng chẳng dám sang phê bình đám học sinh có lẽ là khách quen của quán.

Tầng hai thực ra không vắng như cậu phục vụ kia nói, mà có một vị khách hơi lớn tuổi đang ngồi một mình một góc bên laptop, nên cũng có thể xem là tạm ổn, tiếng lách tách vọng lại cũng không đến mức quá phiền hà. Cô yên tâm ngồi xuống, lần giở những trang đầu tiên trong cuốn kỳ phổ. Khi cậu phục vụ vừa dời ly trà đá và tách cacao của cô lên, cô còn chưa kịp nói lời cảm ơn như thường lệ, đã một lần nữa nghe bên tai tiếng cười đùa giòn giã, xen lẫn tiếng nện của những đôi giày đắt tiền.

Lần này, cô thực sự muốn cầm cả ly trà đá, hoặc tách cacao, hoặc cả hai, mà hắt vào mặt ai đó cho bõ tức. Nhóm học sinh kia rõ ràng là có thù oán với cô từ trước, nếu không đã chẳng nối gót cô mà dời lên tầng hai thế này.

Mà chết tiệt, cái quán này không có tầng ba.

Aka!chan
08-05-2012, 03:20 PM
Chap 3

Phòng làm việc của Tuấn thực sự xứng danh “hoang đảo”, cả công ty trừ Vinh ra chẳng ai dám tự tiện “chèo thuyền” vào, trừ khi có việc thực sự nghiêm trọng mới hít sâu rồi gõ cửa thay vì gửi tin nhắn Skype cho anh. Đôi lúc các cô nàng lắm chuyện cũng hỏi nhau, rốt cuộc ai quét dọn phòng sếp, khi công ty vốn không có lao công, chỗ ai nấy tự dọn mỗi sáng? Câu trả lời rất giản đơn: sếp quán triệt tư tưởng “tự túc là hạnh phúc”, trừ khi đi đâu lâu quá thì lúc gần về Vinh sẽ kiêm luôn công việc dọn dẹp này, nhưng thường cũng không vừa ý sếp. Mối quan hệ thân thiết ấy còn bị mấy nàng hủ nữ trong công ty thêu dệt thành chuyện tình lâm li bi đát.

Trưa nay, khi cả công ty kéo nhau ra ngoài gần hết, trừ bé Hân phải ở lại trực điện thoại chờ mọi người về mới được đi ăn, Tuấn vẫn còn đang loay hoay trong phòng với một cái giẻ trong tay, lau lau chùi chùi những thứ bị bám bụi trong quãng thời gian anh đi Hà Nội theo từng nhịp của “The Circle Of Life” vang lên từ chiếc loa máy tính được vặn âm lượng rất nhỏ. Nghe rock kiểu này thực ra chẳng thể coi là đã, nhưng đang ở công ty, anh đâu được tự do như hồi sinh viên vẫn thường “tra tấn” Vinh.

Vừa khe khẽ gào theo được một câu “What will come and what will be”, Tuấn đã ngậm miệng lại, tắt hẳn loa đi rồi bước ra vì thấy một vóc dáng nhỏ bé đang rụt rè trước cửa. Còn ai nữa, ngoài cô bé Hân từng được anh khen có giọng nói vừa ngọt ngào vừa nũng nịu, hẳn đang chán lắm vì phải ngồi một mình trong phòng lớn, nhưng cũng đành chịu bởi cái quy định hỗ trợ khách hàng xuyên suốt từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối. Chắc là lại gặp rắc rối với khách hàng, thấy công ty đang vắng nên mới bước vào gọi anh luôn đây mà. Có khi vừa buzz Skype anh nhưng bị tiếng nhạc át mất nên anh không nghe thấy cũng không chừng. Vừa mở cửa, Tuấn vừa thầm nhủ.

Hóa ra anh phán đoán sai. Trái với vẻ e dè ban nãy, cô bé hấp háy đôi mắt to tròn nhìn anh bằng một vẻ ngây thơ vô – số – tội, dường như chỉ chờ cánh cửa được đẩy nhẹ ra đã nhanh nhẹn bước một bước vào, rồi cất giọng oanh vàng thỏ thẻ “Sếp ơi, có cần em giúp gì không?” Ngẩn ra một tí, anh mới hiểu Hân đang nói đến cái giẻ mình vừa quăng lên góc kệ.

“Cảm ơn em, anh sắp xong rồi. Có khách hàng nào gọi tới không em? Trực trưa vầy có đói không?” Vừa từ chối nhã nhặn, Tuấn vừa nhắc khéo Hân về nhiệm vụ của cô, hy vọng cô hiểu.

“Cách một ngày mới trực một lần, em cũng quen rồi sếp ơi. Mà sao trưa rồi sếp vẫn chưa đi ăn? Để đó đi em dọn cho, có gì em mang điện thoại vào đây cũng được mà.”

Tuấn hơi chau mày, định bảo Hân gọi mình là anh chứ đừng một sếp hai sếp như thế, nhưng lại thôi khi nghĩ tới hoàn cảnh “trai đơn gái chiếc” dễ gây hiểu lầm như hiện tại. Con thầy – vợ bạn – gái công ty, ba phạm trù không nên để dính tới bất kỳ scandal nào nếu không muốn oan mạng, một trong những lý do khiến anh để vách phòng riêng của mình là kính, chấp nhận để bị nhân viên quan sát lại. Mà cái kiểu mắt chớp chớp miệng đớp đớp thế này, không dứt khoát lần một nhất định sẽ có lần hai nếu anh mềm lòng, dù cô nàng chỉ định giúp đỡ anh công việc dọn dẹp, nhưng ai biết được những lần tới sẽ là gì. Dù trong sáng hay đen tối thì cũng không nên lùi bước trước yêu cầu của phụ nữ, nếu không muốn họ được đằng chân lân đằng đầu. Nghĩ vậy, Tuấn dứt khoát mở rộng cửa, rồi sải chân bước qua Hân đi ra phòng lớn, vừa đi vừa nghiêm túc: “Vừa hay, nếu hiện em đang rảnh thì ra đây, anh có chuyện quan trọng hơn muốn nhờ em”. Cô nàng vội vã líu ríu bước theo sau.

Việc Tuấn nhờ Hân, là kể chuyện.

Ngồi nghe nhân viên support kể lể về những dạng khách hàng đã gặp qua trong tuần, âu cũng là một công việc thú vị, nhất là khi người ấy lại có khiếu kể chuyện như Hân, thường đệm vào những câu cảm thán kiểu “Úi trời ơi” hoặc đang kể lại ngưng ngang “Sếp có biết ông đó hỏi gì không?” Chẳng lẽ lại bảo cô bé, biết thì anh đã sắm sửa cặp kính tròn đen mà hành nghề thầy bói. Đã thế, cô lại hay chuyển đề tài bất ngờ. Ví dụ như bây giờ, đột nhiên cô quay ngoắt sang chủ đề nhân viên support mới, bằng một câu hỏi rất ư là khó trả lời: “Sếp ơi, anh thấy chị Ánh thế nào?”.

“Thế nào là sao em?”. Vừa tiện tay thu xếp một mớ giấy vụn trên bàn lớn, Tuấn vừa hỏi ngược lại Hân để tiện định hướng suy nghĩ.

“Thì… thì là sếp thấy chị ấy thế nào ấy? Về tính cách, cách làm việc, ừm… nói chung là mọi mặt?”

“Anh mới đi Hà Nội về, cái này phải hỏi các em ở nhà mới đúng chứ?” Tuấn phì cười, ném đống giấy vụn vào thùng rác dưới chân bàn.

“Em không biết nhận xét sao nữa. Chị ấy làm việc tốt ạ, đâu ra đó, nhưng mà… hình như lạnh lùng, nghiêm túc quá thì phải ạ. Em bị chị ấy nạt mấy lần. Ấy, sao lại thành sếp dọn bàn em! À, chị ấy cũng giống sếp, tai nghe điện thoại, tay ghi chép hoặc dọn dẹp linh tinh, không lúc nào yên. Em là em chịu. Mà sếp ăn kẹo không?” Câu chuyện thế là lại nhanh chóng chuyển sang hướng khác, sau cái lắc đầu của Tuấn.

Lơ đãng nhìn những gói hàng đang được xếp gọn chờ nhân viên bưu điện đến lấy, Tuấn cầm lấy gói trên cùng, lướt tay qua tờ đơn hàng được dán vuông vức ở mặt trên của thùng.

“À, vụ dán đơn hàng ở ngoài là ý chị Ánh ạ. Không biết chị ấy nói với anh Vinh thế nào, mà từ hôm thứ 5, mọi gói hàng đều phải dán thêm một tờ đơn hàng ở ngoài thay vì chỉ ghi địa chỉ người nhận như trước, làm tốn thêm công đoạn in rồi dán nữa ạ” Hân chun mũi.

Tuấn hơi gật gù. Anh bắt đầu hiểu, vì sao cô nàng áo xám sáng nay lại được Vinh đánh giá cao đến thế. Có vẻ như lần đầu tiên, anh không cần nhồi tư tưởng “khách hàng là thượng đế” vào đầu nhân viên, mà cũng có người thể hiện cho anh thấy.

Anh lại nhớ về những trận cãi nhau mỗi lúc một nhiều hơn, lâu hơn, và kết thúc bằng sự tức giận nhiều hơn của người tham gia khi còn ở công ty cũ. Ban đầu chỉ là những góp ý không được quan tâm, những bản kế hoạch anh tốn bao công sức soạn thảo nhưng đều bị gạt đi, rồi nảy sinh tranh cãi, cuối cùng trở thành khẩu chiến thực sự. Anh không phủ nhận công ty cũ là một trong những nơi đi đầu trong lĩnh vực sách trực tuyến, không phủ nhận vầng hào quang của nó, nhưng dường như những người ở vị trí lãnh đạo đã ngủ yên trên chiến thắng quá lâu, không nhận thấy công ty giờ đã qua đỉnh và dần trở nên trì trệ, việc chăm sóc khách hàng ngày một tệ hơn, những mảng mới nhiều tiềm năng anh đề xuất lại không được khai phá do ngại thay đổi. Trong khi yêu cầu khách hàng ngày một tăng, các đơn vị cạnh tranh cũng dần mọc lên như nấm. Các sếp lại không chấp nhận được anh, một nhân viên từng đạt nhiều thành tích trong công việc nhưng lại không yên phận, mà cứ muốn can thiệp nhiều vào hướng đi vốn đang có vẻ như rất ổn định của công ty. Mọi chuyện kết thúc vào cái hôm người đã từng dẫn dắt anh những ngày đầu thử việc đã phải nhã nhặn nói với anh rằng, xin lỗi, cậu rất có tài năng, nhưng khả năng của cậu không còn phù hợp với định hướng của công ty. Lúc đưa đơn nghỉ việc trong danh dự, không hiểu sao trong đầu anh lại bật lên câu nói, sẽ có một ngày anh dùng những bản kế hoạch bị gạch bỏ, để xây dựng một thương hiệu thành công trong lòng khách hàng. Sau vài tháng vật vã với việc gom góp vốn, chạy giấy tờ, vượt qua những lời cằn nhằn của mẹ và lời mắng của bạn bè, công ty TNHH một thành viên Minh Tuấn ra đời, với ngành nghề kinh doanh chính là trang web bán sách trực tuyến Metoobooks. Đồng hành cùng anh khi đó ngoài Vinh ra, chẳng có ai.

Đó là quãng thời gian cả hai vật lộn chia nhau việc thiết kế website, nhập dữ liệu, tự mình lập nick đi quảng cáo khắp các forum, chạy khắp các nhà sách, đơn vị xuất bản để thuyết phục họ cho mình lấy sách kiểu gối đầu mà vẫn chiết khấu cao, trực điện thoại và vô vàn việc linh tinh khác, thậm chí tự mình giao hàng cho khách trong nội ô thành phố. Người thằng nào thằng nấy đen như hòn than. Thói quen ăn sáng trở thành một thú vui xa xỉ. Trong thời điểm đó cả hai quen dần với việc uống cafe thay cơm. Cho nên nếu có ai đó xì xầm mối quan hệ mờ ám từ thời sinh viên ở chung phòng đến ra đời chung công ty của anh và Vinh thì anh cũng không ngạc nhiên. Bạn bè thân thiết đều biết anh có bạn gái.

Có điều, Uyên cũng nói lời chia tay với anh trong quãng thời gian ấy.

Aka!chan
08-05-2012, 03:21 PM
Chap 4

Nhìn cái thẻ nho nhỏ đề hai chữ “bàn đặt”, rồi khẽ đưa mắt sang cái bàn cạnh đó, Diệu Ánh cố nén một tiếng thở dài, ngồi xuống ghế. Cái suy nghĩ “Mình điên thật rồi” ập đến, khi một lần nữa cô ngu ngốc đặt chân đến Cafe Trắng.

Sau một buổi trưa vừa ăn vừa tranh thủ đọc vài trang kỳ phổ, vừa phải cố gắng không nghe – không thấy – không biết những trò quái đản đã và đang diễnra ở bàn bên cạnh, Diệu Ánh thực sự chỉ muốn thốt lên hai chữ “Đầu hàng”.

Sáu năm qua, công việc của cô đòi hỏi phải tiếp xúc và đối phó với đủ loại người. Khách hàng kênh kiệu, keo kiệt, hống hách, khó chịu, ỏng ẹo, dê xòm… kiểu gì cũng từng gặp qua. Nhưng chưa bao giờ cô bị phá rối một cách ác – ý – ra – mặt đến thế. Nhất là khi, trời đánh còn nhân từ mà tránh né bữa ăn.

Cô còn nhớ thuở còn nhỏ, những lúc hiếm hoi đến thăm nhà bà dì họ hàng xa tít mù khơi, cô phải trân mình chịu đựng cảnh một đám nhóc lóc cha lóc chóc dư năng lượng bày đủ trò nghịch phá, từ nhổ những bụi cây không tên bên hè nhà làm vũ khí đánh trận giả, đến ngắt hoa dại mọc đầy sau vườn mà băm, mà vằm, mà nấu giả làm cơm còn toan ép cô ăn thử. Nhưng ít ra khi đó còn có một bà dì thỉnh thoảng chạy ra cười với cô vẻ hối lỗi, rồi chống nạnh quát đầy uy quyền “Thằng Tí, thằng Ti, con Tị… đâu rồi, sao không coi chừng tụi nhỏ cho tao, để nó phá cô Ba vậy đó hả, tao đập hết bây giờ, muốn không?”. Còn ở đây, cậu phục vụ mà cô tạm gọi là Bốn Mắt bởi cặp đít chai gắn trên gương mặt hiền khô, chẳng thể bảo vệ cô khỏi đám hung thần áo trắng. Lúc mang lọ tương ớt lên cho cô theo yêu cầu, cậu ấy cũng chỉ biết cố nặn ra với cô một nụ cười méo xệch, rồi nhanh chóng quay người khi bàn bên vang lên một giọng nói hách dịch :”Ê, đem cái menu qua lẹ dùm!”.

Khi đó, cô đã đặt kỳ phổ xuống, tập trung xử lý dĩa nui xào bò, vừa xắn từng sợi nui vừa tự kỷ ám thị: “Trẻ con, không chấp”.

Phải, có người lớn nào lại gào rú như King Kong giữa một quán cafe thanh lịch, trang nhã thế này? Khi mà không gian đang rất êm đềm, tường trắng điểm những vệt hoa đen mảnh, vài hốc kệ âm tường đặt những thứ đồ trang trí xinh xinh, nắng vàng nhảy nhót bên bậu cửa sổ có đặt cái chậu gốm nhỏ màu đen bên trên nở xòe những cánh trắng muốt chẳng rõ tên, và nhạc nền đang du dương bản tình ca bất hủ “My heart will go on”? Có người lớn nào đang ăn uống lại phá lên cười hô hố một cách đầy khả ố rồi thách nhau bước ra nhảy bật xa, chắc là để xem giày thằng nào xịn hơn?

Có một thoáng, cô khẽ quay đầu lại nhìn về phía người đàn ông ở góc phòng, mong tìm chút đồng cảm. Tiếc thay, đôi tai ông ấy lại đang được che chắn bởi cái headphone to đùng. Cô nghĩ tới cái mp3 viên sỏi nằm ở đáy tủ nhà mình, nhưng lại thôi. Với những người làm công việc liên quan đến đôi tai như cô, sẽ rất nhạy cảm và thậm chí là ác cảm với mp3 viên sỏi. Cô nhớ có dạo vì cần tiền mà một ngày cô dành hẳn tám tiếng không ngơi nghỉ để canh phụ đề phim. Một tập phim phải nghe đi nghe lại ba bốn lần đã đành, sau một ngày làm việc, tháo cái mp3 viên sỏi khỏi tai, cô như bị ù đi, ai nói gì cũng không thể nghe. Cho nên, lũ nhóc trước mặt cùng âm thanh quái đảng của chúng, cô chỉ có thể tự nhủ “nhịn đi” chứ không thể gắn cái thứ độc hại ấy lên tai nữa.

Chính trong khoảnh khắc ấy, cô lướt qua ánh mắt cậu chàng có vẻ là leader của nhóm bàn bên. Cậu khẽ nhếch mép, cái nhếch mép khiến cô không khỏi rùng mình. Cô nhớ hôm thứ hai, khi cô nhíu mày hỏi Bốn Mắt đổi chỗ, cậu chàng này cũng kịp phát hiện ra sự khó chịu của cô, nhưng không có vẻ gì là ngại ngần hoặc tức tối, chỉ khẽ nhếch mép một cái rồi quay sang trò chuyện tiếp với đám bạn. Khi cô yên vị ở tầng hai và chắc mẩm được yên tĩnh đọc sách, thì cả đám học sinh trường quốc tế ấy lại kéo lên. Cả đám nhốn nháo tranh nhau nói chuyện, dường như không để ý gì tới cô, trừ cậu ta. Cậu ta đi lướt qua trước mặt cô, nhìn một cái, nhếch một cái… Và nếu chỉ có vậy thì thật may cho cô rồi. Tiếc rằng hôm ấy, và những ngày sau hôm ấy, bọn chúng canh đúng 11h30, nện những âm thanh lịch bịch của giày hiệu, tiếng cười đùa luôn xuất hiện trước mới tới những cái đầu nhấp nhô theo sau. Tiếp theo đó, chúng sẽ đi sượt qua mặt cô, tiếp tục vận dụng cái miệng song song với cái tay, kéo lê mấy cái ghế cạnh đó, độc chiếm làm của riêng. Tầng hai của Cafe Trắng bố trí những chiếc ghê sofa dành cho hai người, nhét ba người vẫn vô cùng thoải mái, thế mà chúng nhất quyết mỗi đứa một ghế. Bốn đứa lấy mất của quán bốn cái ghế dài, vừa vặn tạo thành một khu cách biệt với thế giới. Nhưng tiếng cười đùa và những trò lố lăng của chúng, thì cô phải lãnh đủ.

Để tránh cho việc phải lên báo với hàng tít “Xung đột từ việc nhìn đều trong quán cafe, cô gái trẻ bị hành hung bởi một nhóm học sinh trường Quốc Tế”, ngay hôm đầu đụng độ chúng cô đã quyết định chuồn êm. Họa có là điên mới quay lại với cái quán không chê vào đâu được trừ mỗi việc dung chứa một đám khách thiếu duyên. Thế nhưng, những ngày sau, khi bước chân khỏi cửa công ty đi ăn trưa, dù là lúc 11h hay 12h30, cô cũng đều quay lại CafeTrắng. Một phần vì cuốn kỳ phổ dở dang. Một phần vì cô phát hiện mình đã quá mệt mỏi với việc tìm kiếm cho mình một chốn nương thân. Cô hy vọng đám khách đó không ghé quá thường xuyên, thái độ nể nang của cậu phục vụ chỉ là do sự hiền lành của cậu ấy, hoặc do thái độ lấc cấc của họ khiến người ta ngại xung đột. Cô không hào hứng gì với việc lại bị làm phiền bởi họ.

Nhưng mà ông cha ta nói cấm có sai, ghét của nào trời trao của nấy. Đám nhóc khoái bám theo cô đến mức, khi Bốn Mắt quen với sự có mặt của cô mà bắt đầu để biển “bàn đặt” lên cái bàn cô hay ngồi ở tầng 2 hôm trước, hôm sau cũng xuất hiện một cái bảng tương tự ở bàn bên. Đến mức cô phải đau đầu tự vấn, rốt cuộc mình đã làm sai chuyện gì, ngoài việc thẳng thừng xin đổi chỗ hôm đầu giáp mặt?

Diệu Ánh không phải loại người quá kiên nhẫn, nhất là khi đối tượng lại không phải người thân hay khách hàng, tức việc kiên nhẫn với họ chẳng mang đến cho cô chút tình hoặc tiền nào. Nhưng dù không thuộc nhóm đối tượng xã giao, cô cũng không thể quay sang bàn bên và quát “Câm mồm”. Thế nên đành sống chung với lũ. Bù lại, đồ ăn ở đây khá ngon. Cô có dịp tiếp xúc với chú chủ quán án chừng năm mươi tuổi, rất có tâm huyết với quán, kiến thức về cờ vây cũng đáng nể. Chú chủ quán thân thiện tự hào nhất chính là thức ăn của quán do chính vợ ông nấu. Không giống những quán cơm bình dân hay cơm trưa văn phòng thường thấy, món ăn ở đây chỉ được làm khi khách gọi, nên luôn nóng hôi hổi và mang mùi vị của mẹ. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính khiến cô nấn ná mãi không chịu rời đi. Và khi đã quyết tâm bám trụ đến cùng, thì chỉ cần cố gắng một chút, cô có thể dồn hết tinh thần vào những ván cờ vây trong tưởng tượng.

Những ván cờ vây gợi cô nhớ đến một người. Người đã dạy cô thế nào là nhập môn cờ vây, cầm tay cô mà hướng dẫn cách đặt những quân cờ đen trắng, cười với cô mỗi khi cô hờn dỗi bởi bị bắt mất quân…

Nhưng tiếng cười ở bàn kế bên lại một lần nữa xộc vài tai, cắt ngang cái gọi là hồi ức.

Tựa như ván cờ năm nào đã bị cô xáo tung và hất đổ ngổn ngang trên sàn gạch.

Aka!chan
09-05-2012, 03:07 AM
Chap 5

“Hoang đảo” của Tuấn thực ra có hai mặt là kính chứ không phải một. Nhưng phần kính ngăn giữa phòng anh và phòng họp bên cạnh đã được che chắn bởi một tấm bảng trắng rất to, đứng từ bên đây nhìn sang đó hoặc từ đó nhìn sang đây sẽ chỉ thấy một khoảng không tít trên trần, hoặc nhìn đôi giày mà đoán chủ nhân. Tấm bảng có hai công dụng lớn, một là để che chắn như đã nói ở trên, chức năng còn lại là để Tuấn có nơi “vẽ bùa” mỗi bận họp hành, đặc biệt là lúc cuối tuần. Hôm nay cũng vậy.

Sau khi vạch vạch vẽ vẽ vài sơ đồ chằng chịt lên bảng, Tuấn nghiêm trang quay lại hỏi mọi người: “Sao, tuần này có ai gặp khúc mắc gì trong công việc không?” Đáp lại câu hỏi của anh là ánh nhìn trăm lần như một của đám nhân viên mang rành rành hàm ý làm – gì – có – khúc – mắc – gì – ngoài – chuyện – họp – hành – buồn – chán – thế – này – hả – sếp – muốn – nói – gì – sếp – cứ – nói – đại – cho – rồi.

Sau khi lặp lại câu hỏi trên với vài phiên bản kiểu “Không ai gặp rắc rối gì sao?” hoặc “Chẳng có gì cần hỗ trợ thêm à“, “Không ai phát biểu gì thì mình chỉ định đấy nhé”, Tuấn xoa xoa tay vào nhau rồi đằng hắng, chuẩn bị bài phát biểu dài ngoằng bắt đầu bằng một đoạn diễn văn tràn đầy niềm tin, lý tưởng, hy vọng… như thường lệ, thì ở cuối chiếc bàn dài, phía đối diện với Tuấn, một dáng người cao gầy từ tốn đứng lên, cất giọng thanh lạnh.

“Tuần rồi, có một số thắc mắc, đề nghị của khách hàng qua điện thoại ”.

“Ơ? Nếu là thắc mắc về chính sách, cách thức hoạt động của công ty, thì cứ giải thích qua điện thoại, hoặc xin mail rồi gửi cho họ là được mà chị Ánh?” Bé Hân lanh chanh cắt lời, sau đó quay đầu lại nhìn Tuấn, hơi so vai lại rồi lè lưỡi “Sếp ơi, có cần giơ tay để phát biểu không ạ?”.

Tuấn nhìn Hân, rồi lại nhìn Ánh, nhân viên support mới đang đứng ở cuối phòng, rồi nói chung với tất cả mọi người: “Không cần, mọi người cứ tự do trình bày, miễn đừng át lời người khác là được. Ai thấy đứng mỏi chân thì cứ ngồi tự nhiên nhé, không cần phải đứng theo anh. Ánh cứ nói tiếp đi? Có thắc mắc nào không trả lời được à?”

“Không phải là không trả lời được, mà là những thứ công ty mình chưa có, chưa thực hiện, hoặc chưa làm tốt trong quy trình giao hàng”. Nói đên đây Ánh hơi ngập ngừng một chút, như để chọn lựa ngôi xưng cho phù hợp, rồi nói tiếp: ”Tôi đã note những thắc mắc, yêu cầu lại. Giám đốc muốn tôi gửi mail, hay trình bày trực tiếp?”

Ánh mắt toàn bộ mọi người trong phòng họp, giờ đây đều quy tụ lại góc cuối phòng. Không cần suy đoán, Tuấn cũng biết sau buổi họp này, sẽ có một hội tụ lại với nhau và thì thào những câu về nhân vật có lẽ sẽ trở nên nổi bật nhất hôm nay, với lời nhận xét đại loại như, đồ chơi trội. Đột nhiên anh nhìn thấy chính mình một năm về trước, với sự xốc nổi bồng bột đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Nhưng khi ấy, anh đã thể hiện sự nhiệt huyết của mình bằng một vẻ hồ hởi không giấu giếm, như thể thừa năng lượng, còn cô gái đang đứng đối diện anh đây lại giữ một vẻ ngoài vô cùng điềm tĩnh, giọng nói lạnh lùng, mang chút thờ ơ. Chỉ có đôi mắt là nhìn thẳng anh không ngại ngần, nhưng lại cho anh cảm giác, dường như cô không nhìn anh mà đang nhìn một vật gì đó tình cờ nằm ngay vị trí anh đang đứng vậy. Lẽ tất nhiên, anh khuyến khích cô phát biểu, thay vì như mọi khi luôn phải là anh nói trước thật nhiều, liệt kê một đống thứ rồi đám nhân viên mới bắt đầu bàn ra tán vào góp ý.

“Nhóm thắc mắc thứ nhất là dành cho những bất tiện của chính sách hiện nay bên công ty mình. Ví dụ như việc bao sách bằng bìa plastic khiến cho những quyển đặt kế bị dính bìa vào nhau. Nhóm thắc mắc thứ hai là dành cho những tiện ích mà công ty chưa có.”

“Dính thì gỡ, có gì mà phải thắc mắc trời?”. Vẫn là giọng bé Hân. Ánh không đặt tia nhìn của mình lên Tuấn nữa, mà xoay sang Hân, nói bằng một ngữ điệu không chút đổi thay: “Thường khách hàng sẽ không chú ý. Khi mở hộp đựng sách, lấy sách ra là cong bìa liền.”

“Cong chút xíu hề hấn gì. Vuốt lại mấy hồi”. Tiếng lầm bầm của Hân nhỏ dần, do ánh nhìn nghiêm khắc của Tuấn. Anh đợi một lúc cho mọi người yên tĩnh lại, mới cầm bút lông gõ nhẹ cạnh bàn, rồi hỏi Ánh.

“Có nhiều khách hàng phản ánh chuyện cong sách không, hay chỉ một người?”.

“Hai người. Trong đó có một người than phiền tổng cộng hai lần, đến lần thứ hai chị ấy yêu cầu đừng bọc sách cho chị ấy nữa”.

“Thế lần đó đã bọc hay không bọc?”.

“Vẫn bọc, nhưng đơn hàng đó được gói riêng, giữa hai cuốn lót một tờ giấy trắng để chống dính”.

Nếu là người khác, có lẽ Tuấn đã khen , nhanh trí đấy. Nhưng chẳng hiểu sao, anh lại thấy khó nói lời khen ngợi Ánh. Thay vào đó, anh hỏi:

“Theo mọi người, việc này nên xử lý thế nào?”

Lần này đến lượt chị Hương lên tiếng: “Ai khó tính lắm mới phàn nàn mà, ai có yêu cầu thì mình chèn giấy thêm, không thì thôi, mấy tháng nay vẫn gửi sách như thế có ai nói gì đâu. Hổng ấy đừng bọc sách nữa”.

“Không được, việc bọc sách bằng plastic là một trong những hình thức khuyến mãi được áp dụng ngay từ ngày đầu, giờ mà bỏ thì khó ăn nói với khách hàng. Mà lý do bỏ cũng không thuyết phục”. Vinh ngắt lời.

“Khó nhỉ. Ánh có ý kiến gì không?” Tuấn quay lại với cô gái vẫn đứng ở góc phòng, dường như không biết mỏi chân là gì.

“Tôi nghĩ, tạm thời cứ như lời chị Hương, chịu khó chêm giấy thêm, nhưng không phải cho riêng khách hàng nào có yêu cầu, mà cho tất cả. Trong thời gian đó, chúng ta sẽ tìm loại bọc plastic nào không dính khi ép vào nhau quá gần”.

Câu trả lời của Ánh, có lẽ chỉ gói gọn trong bốn chữ: ”Mua dây buộc mình”. Lần này đến lượt Thành, cậu nhân viên phụ trách việc đóng gói kiêm giao hàng đứng lên rụt rè: “Sếp ơi, thế thì công đoạn gói hàng sẽ lâu hơn đấy ạ…”. “Tôi có thể phụ cậu trong thời gian không phải xử lý yêu cầu của khách hàng” – vẫn là giọng nói lạnh lùng thờ ơ ấy. Cái này thì nên gọi là gì đây? Ôm rơm nặng bụng? Thề có bóng đèn phòng họp làm chứng, anh tin ngoài Thành ra, cả đám nhân viên đang rất muốn nhìn Ánh Tâm bằng ánh mắt hình viên đạn. Thành đang bị câu nói của Ánh làm xúc động, choáng váng, chứ lát nữa cậu ấy sẽ nhận ra, không có yêu cầu của Ánh thì cậu đã chả phải thêm việc, chẳng cần đến sự giúp đỡ của cô làm gì. Đến lúc đó cậu ấy cũng sẽ nhìn cô, bằng ánh mắt hình viên đại bác.

“Ok, tạm thời quyết định như vậy. Còn thắc mắc nào nữa, Ánh cứ kể ra xem nào?”

“Hộp đựng sách của công ty nhiều khi quá lớn hơn so với lượng sách bên trong, khiến hộp có nhiều khoảng trống, sách bị xô lệch trên đường vận chuyển sẽ cong, gãy”.

“Phương án khắc phục?”

“Đặt làm nhiều cỡ thùng hơn nữa so với hiện tại. Nếu thùng chứa vừa 5 cuốn dày mà chỉ đựng có 3 cuốn, thì chịu khó cắt thùng lại cho vừa khổ sách”.

“Việc đặt thêm thùng với kích cỡ khác nhau, Vinh sẽ liên hệ với xưởng để xem báo giá, có gì báo lại với anh càng sớm càng tốt. Tạm thời Thành lại thêm việc nhé.”

“Sếp ơi, thế sao không gói bằng giấy bìa, sách mấy cuốn cũng gói vừa vặn được? À mà không được, sách có cuốn to cuốn nhỏ.” Hân lại lanh chanh, may thay cô nàng tự nhận ra sai lầm của mình.

Chẳng biết tự bao giờ, Tuấn đã dần di chuyển xuống cuối phòng. Khi chỉ còn cách Ánh vài bước, anh dừng lại, hơi nghiêng đầu nhìn cô. Không hiểu sao cách cô nói ra những ý kiến của mình rất ơ hờ lại khiến anh bị thu hút mạnh mẽ. Cô nói ngắn gọn, đơn giản, không trình bày dông dài, nhưng lại khiến anh có cảm giác cô đã suy nghĩ, phân tích những vấn đề này khá nhiều, nên mới nói một cách hàm xúc như thế.

“Vậy có vấn đề gì mà công ty chúng ta chưa có?”.

“Có một khách hàng hỏi, tại sao đã có hình thức COD với người nhận, không có hình thức đến nhà thu tiền với người muốn mua sách tặng bạn, nếu người tặng cũng lười ra ngân hàng chuyển khoản như những người nhận sách bằng hình thức COD thì sao?”

“Hổng lẽ nhân viên giao hàng của chúng ta phải đi những hai lần à? Chi phí ai chịu?”.

“Tôi nghĩ, không áp dụng thì thôi, nếu muốn áp dụng thì tính thêm phí cho người trả tiền sách một cách vừa phải, nếu họ muốn tiện thì phải mất thêm tiền, cái đó hiển nhiên mà. Chúng ta chỉ cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng”.

“Còn với người muốn tặng sách nhưng ở ngoại tỉnh?”.

“Cũng vậy thôi, nhưng thay vì nhân viên giao hàng của mình đi thu tiền, thì sẽ là nhân viên bưu điện đi thu, cũng theo kiểu COD, nhưng thay vì giao sách, là giao hóa đơn cho khách. Dĩ nhiên nếu cân đối được phần chi phí cộng thêm cho thấp bớt một chút thì tốt, nhưng cũng đừng quá thấp sẽ khiến khách hàng lười thanh toán theo những cách sẵn có”.

“Đã mua sách trực tuyến tức nhiên phải là người hay lên mạng, ATM, paypal có hết, click vài cái là xong, lâu lâu mới có một khách kỳ lạ như vậy… Quá nhiều hình thức thanh toán sẽ thêm chi phí, sách của mình bán đã không có mức giảm giá 30% như ở ngoài rồi… lùm xùm chỉ thêm rắc rối.” Lần này là ý kiến của một kế toán, nên ai cũng gật gù đồng tình.

Có điều Ánh không nghĩ vậy. Dường như đây là lần cô trao đổi với mọi người nhiều nhất kể từ ngày vô làm.

“Chính vì mình bán sách đúng giá nên càng phải có nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm, nếu không khó lòng cạnh tranh với các công ty sách trực tuyến khác. Huống hồ… cực mình nhưng tiện cho khách… phải vui mừng vì điều đó chứ không nên than thở…”

“Tôi sẽ suy nghĩ về tính khả thi của hình thức này. “ Tuấn vội vàng lên tiếng khi thấy buổi thảo luận sắp trở thành khẩu chiến.

Nhận thấy vẻ tức giận của Hương nhưng cố kìm lại rồi im lặng luôn, Tuấn không biết nên vui hay nên mừng. Anh sợ nhất là chiến tranh giữa chị em phụ nữ. Nếu mọi người chẳng ai thèm nói vào thì anh sẽ nói với Ánh vậy. Dù gì anh cũng rất thích nghe ý kiến của cô. Cứ thế, buổi họp trở thành không gian tung hứng giữa anh và cô nhân viên support mới.

Anh đoán, chắc hết hôm nay, không phải mình cô ấy bị cả công ty ghim đạn.

Aka!chan
09-05-2012, 11:59 AM
Chap 06

Một khi đã quyết định “sống chung với lũ”, sức chịu đựng và khả năng thích nghi của con người tốt đến mức đáng ngạc nhiên.

Giống như khi bạn buộc phải chuyển nhà đến một khu vực khá ồn ào vì gần đường ray xe lửa hoặc sân bay, cứ cách một quãng lại nghe tiếng đoàn xe rầm rập lao qua, hoặc tiếng máy bay cất cánh, thời gian đầu cứ giật mình suốt, nhưng chẳng thể hoặc chẳng muốn dời đi, thì chỉ một thời gian sau, dám cá bạn sẽ dần quen với những âm thanh đó, coi như chúng chẳng còn chút xi-nhê nào với mình. Thậm chí, sẽ có đêm bạn giật mình tỉnh giấc vì thiếu vắng những thanh âm một thời là tiếng ồn đáng ghét đó, nếu bạn vừa dời đi sang nơi khác yên tĩnh hơn, hoặc chuyến tàu đêm gặp tai nạn đâu đó dọc đường nên không đi ngang nhà bạn hú còi như mọi bận.

Cảm giác của Ánh với đám học sinh bàn bên quả là như thế. Dù không nhiều kiên nhẫn, nhưng sau khi cân nhắc lợi hại được mất, cô quyết định vẫn đến Cafe Trắng đều đặn, và sau những khó chịu của mấy hôm đầu, cô phát hiện, hóa ra mình không đến nỗi không chịu được sự quá quắt của bọn chúng. Và sau khi đã quen dần, cô chợt nhận ra, quan sát những trò quái đản của bọn chúng cũng như phản ứng của Bốn Mắt, cũng là một chuyện không tồi.

Những trò quái đản ấy, thực chẳng khác cách khách hàng thường gọi điện đến công ty mà giày vò, mà làm tình làm tội cô với những yêu cầu hết sức oái oăm. Một ít trong số đó, cô có thể tổng kết lại và đưa ra phương án khắc phục như hôm họp cuối tuần rồi, dù đổi lại cô và một số đồng nghiệp khác sẽ mất thêm chút thời gian trong việc bọc sách, gói hàng… Nhưng còn vô số những yêu cầu khác, khiến cô không thể nào không nhớ đến mẩu truyện cười về nhật ký của một anh nhân viên trông quán net cô từng đọc trên mạng. Kiểu như tiệm không có “phim ấy” thì chê là không đầy đủ, nhập mật khẩu sai lại mắng máy lởm, hoặc hỏi sao không down được vcoin… Cô cũng từng trực một hàng net quen gần nhà trọ cũ một thời gian, cũng từng trải qua nhiều tình huống cười ra nước mắt, nhưng lúc đó vẫn còn ngây thơ nghĩ, tại tiệm net là nơi tập trung nhiều thành phần xã hội nên mới thế, còn người mua sách trực tuyến hẳn cũng chẳng có những yêu cầu gì nhiều ngoài việc muốn tiện và nhanh. Hóa ra, cô lầm. Sự đòi hỏi của khách hàng là không có giới hạn, dù với bất kỳ đối tượng nào.

Chẳng hạn như với người mua sách, sách cong sách lỗi thì phàn nàn đã đành, sách chưa phát hành thì do công ty sách chứ nào phải do nơi bán sách, càng đâu phải do cô, thế mà bao nhiêu cô bé cứ gọi lên hỏi tại sao chưa có, tại sao em thấy người ta đăng quá trời rồi, mặc cô bao lần nhỏ nhẹ giải thích đó là đơn vị xuất bản họ trích đăng giới thiệu để quảng cáo, chứ ngày phát hành chính thức là tận tháng sau cơ, thế mà vẫn có đứa hỏi cô, sách mà chưa có lấy thì lấy đâu ra cho người ta đăng. Nhưng thế vẫn đỡ hơn so với chuyện gọi lên tóm tắt cho cô nghe một câu chuyện dài ngoằng sến súa đầy những tình tiết kinh điển “Chàng gặp nàng, chàng yêu nàng, chàng hiểu lầm nàng, chàng hận nàng, chàng xa nàng, chàng gặp lại nàng, chàng vẫn yêu nàng nhưng vẫn hiểu lầm và vẫn hận nàng, thế là chàng lại bắt đầu giày vò nàng tới lúc nàng một lần nữa xa chàng chàng mới biết thì ra mình quá hận là do quá yêu nàng….” cho đến khi cô gần chết gục trên bàn vì buồn ngủ thì mới đi vào trọng tâm vấn đề “Cuốn đó là truyện gì vậy chị? Em muốn mua nhưng không nhớ tựa”. Khủng khiếp hơn, là chuyện một mực đòi cô kiếm cho bằng được một quyển sách có cái tên hết sức ngộ nghĩnh là “Một chiếc quần lót làm nên sóng gió”, mà lúc mới nghe tên cô còn tưởng bạn ấy tìm series những quyển như “Thuyền trưởng quần lót và cơn thịnh nộ của xếch quần bà bà”… Cô bảo là truyện đó chỉ mới được dịch rồi đăng trên mạng, lại thuộc thể loại nhạy cảm nên không ra sách, mà bạn ấy vẫn không tin, bảo cô là cửa hàng ít sách thì nói đại cho rồi chứ sao lại lấy cớ như thế, rõ ràng ở Hải Phòng có cuốn đó rồi mà. Cô đành tự an ủi mình, may chưa gặp chú già biến thái nào gọi tới tìm bạn cũ, hỏi thăm cô Thảo với chú Kim.

Ấy là những thắc mắc, yêu cầu qua điện thoại. Còn với nhân viên phục vụ trong một quán cafe hoặc quán ăn, người ta có thể hành hạ theo những cách nào? Thì đây, cứ nhìn nhóm bàn bên là thấy.

Mở đầu bằng chuyện xin tăm.

Với một quán cafe có phục vụ ăn trưa, về cơ bản vẫn sẽ trang trí như một quán cafe hoàn toàn bình thường, những thứ như tương ớt, tương cà, tăm xỉa răng… chỉ được mang lên khi có khách gọi thức ăn để tránh làm chật bàn, mất mỹ quan. Tăm thì cuối buổi ăn mới đem lên, còn tương các kiểu thì mang lên tùy món, hoặc tùy yêu cầu của khách. Nhưng nhóm bàn bên là một điển hình cho khái niệm “ẩm thực không biên giới”. Khi Bốn Mắt vừa bưng đĩa thức ăn lên chúng sẽ xin tăm, xin khăn ướt, xin thềm trà lạnh, rồi lại trà nóng, ăn những món người ta thường chấm tương ớt chúng sẽ hỏi xin thêm xì dầu, còn những thứ thường ăn với xì dầu chúng lại nhờ mang thêm nước mắm, còn nếu Bốn Mắt để sẵn cả hai dĩa xì dầu và nước mắm, sẽ có một thằng dùng ánh mắt ngây thơ vô số tội mà hỏi, quán có thể cho nó xin một xíu dấm được không, chỉ một xíu thôi. Và đặc điểm chung là dù xin thêm thứ gì, bao giờ cũng chỉ xin duy nhất mỗi lần một món, muốn xin bốn món chúng sẽ chia ra hỏi bốn lần, dù tương ớt hay tăm lấy cho đứa nào thì cũng sẽ chỉ có một đứa duy nhất hỏi. Đồng nghĩa với việc chúng ăn xong một bữa ăn, Bốn Mắt phải chạy lên xuống thang không dưới hai mươi lượt, đưa từng thứ cho duy nhất một người mà lần nào cũng phải giữ nụ cười nhã nhặn trên môi. Điều này làm cô có cảm tình với Bốn Mắt, bởi chuyện phục vụ tận răng những yêu cầu đó đã khó lắm rồi, lại còn giữ vẻ tươi cười như thế. Cô đoán bình thường quán cũng hơi ế, nên mới mặc kệ cho đám khách đó loi nhoi suốt thế này.

Giá Bốn Mắt là con gái, cô còn có lý do giải thích cho sự hành hạ đó.

Hoặc, Bốn Mắt cũng thấm nhuần tư tưởng “trai đẹp luôn luôn được tha thứ”, nên mới chấp nhận để bị đày đọa thế chăng. Bởi quả thật ngoài chuyện tính tình lấc cấc, nhóm học sinh kia mặt mũi rất sáng sủa xinh trai, dù hầu hết đều có vài cái mụn trứng cá trên mặt, phải thôi, tuổi dậy thì mà.

Hoặc, cũng có thể, Bốn Mắt có gian tình cùng một cô bé nhân viên khác, sợ cô lọt vào tầm ngắm của nhóm thiếu gia này, nên dù vất vả thế nào cũng bền gan kiên trì chiều theo từng yêu cầu của chúng, không dám đẩy nhiệm vụ sang cho bất cứ ai. Nhóm hung thần áo trắng thì cứ thấy mãi một gương mặt nên lại càng cố tình quậy, để xem có người khác lên thay thế hay không chăng?

Nghe điện thoại ở Metoobooks một thời gian, trí tưởng tượng của Ánh bỗng phong phú dần.

Trí nhớ vốn không tệ chút nào của cô lại càng được phát huy tác dụng, khi chỉ chừng một tuần, ngoài một số điều thu nhặt được từ quyển kỳ phổ cờ vây, cô còn nhớ được cả tên của ba thằng trong nhóm bàn bên. Ba chứ không phải bốn, vì không hiểu sao cái tay leader lại được gọi bằng tên tiếng Anh, dù Ánh biết học sinh trường Quốc tế mỗi người đều có một cái tên tiếng Anh, nhưng ba người còn lại trong nhóm đều gọi nhau bằng tên tiếng Việt. Có lẽ cái tên tiếng Anh đó là nickname quen thuộc của gã, như nhiều bạn trẻ bây giờ quen với những biệt danh từ tiếng Tây tiếng Pháp sang tiếng Nhật. Chẳng bù với cái thời cô còn mơ màng với những trang blog 360, mốt thời bấy giờ là những cái tên mang đầy hơi hướng thiên nhiên như Mây như Gió như Lá như Cây, kèm những entry ra vẻ triết lý sâu xa “Em là Mưa, anh là Nắng, chẳng thể nào gặp được nhau trừ những cơn mưa nắng thoáng qua, như tình ta vốn là tình vô vọng…”

Hình như, thuở đó, cô cũng từng theo phong trào mà tự hóa thân mình thành Ốc. Một chú Ốc Mượn Hồn.

Vì Bốn Mắt là nhân viên phục vụ hiền lành, chịu thương chịu khó nhất mà cô từng gặp, vì cô làm ngành dịch vụ nên yêu cầu rất khắt khe về ngành dịch vụ, nên khi gặp Bốn Mắt, cô rất có cảm tình. Mà lý do sâu xa hơn là Bốn Mắt cũng trạc tuổi thằng em út của cô, dù nó chẳng có được cái vẻ ngoan hiền của Bốn Mắt. Cô thấy tội tội nên nhân lúc bọn học sinh kia đúng 12h15 phải lục tục rời quán tiếp tục buổi học, cô ngoắc ngoắc Bốn Mắt lại. Bốn Mắt bước đến gần, giương đôi mắt kinh ngạc nhìn cô. Cũng phải thôi, thường thì hôm nào cô đến quán muộn vì ca trực, cô sẽ có rất nhiều thời gian tĩnh tâm chúi đầu vào cuốn kỳ phổ, chẳng khi nào lại bắt chuyện với Bốn Mắt cả.

“Lần sau, chuẩn bị sẵn tăm, khăn ướt, tương ớt, các loại nước chấm… trên kệ, tụi nhóc cần gì thì em đưa ngay, khỏi chạy lên chạy xuống mắc công.”

Cô chỉ nói có vậy, nhưng Bốn Mắt như người thoát khỏi u mê, gật đầu lia lịa và cảm ơn cô rối rít.

Aka!chan
09-05-2012, 08:29 PM
Chap 07

Từ sau buổi họp cuối tuần trước, thiện cảm Tuấn dành cho Ánh tăng theo cấp số cộng. Giá cô
thân thiện với anh ngoài giờ làm việc hơn, chắc anh chẳng ngại ngần gì mà để nó tăng theo
cấp số nhân.

Mà rõ ràng anh chỉ mời cô ấy đi ăn tối thôi, có cả Vinh đi kèm, cô ấy sợ gì mà từ chối cũng
bằng cái vẻ lạnh lùng dửng dưng như thế? Làm anh phải tự soi gương xem cái bản mặt mình
có giống những lão sếp dê cụ mượn cớ để hẹn hò quấy rối nhân viên không. Có giống các
bác “nông dân chăn rau” không? Có giống không? Không hề! Chẳng lẽ lần sau anh phải mượn
cớ sinh nhật nhân viên trong tháng rồi mở party mời cả công ty đi trong ấy có Ánh chắc? Mà
khéo lúc đó cô nàng cũng mượn cớ có việc nhà mà trốn cũng nên!

Anh mang nỗi hậm hực đó trút vào Vinh.

“Haha, tao bảo rồi mà, Ánh thú vị lắm, nhưng hơi khó gần. Tao cũng có mắt nhìn người lắm
chứ bộ”. Khi ngồi đối diện anh ở quán cafe quen thuộc, Vinh lại quay về cách xưng hô như thời
sinh viên. Anh nhớ hồi mới thành lập công ty, không phải anh chưa từng đề nghị Vinh cùng
đứng tên trên giấy tờ, dù tiền vốn anh do xuất gần hết, nhưng tâm sức của Vinh đổ ra tuyệt đối
không thua kém anh chút nào. Thế mà lần nào Vinh cũng từ chối và nửa đùa nửa thật bảo, tao
chỉ chịu cực với mày lúc đầu thôi, sau này chỉ cần làm tà tà thảnh thơi ăn lương hàng tháng của
mày là đủ xài, lỡ có đi tù cũng là mày chịu. Anh hiểu một phần do Vinh tin tưởng ở anh, một
phần do tính cậu ấy khi có đủ quyết tâm và áp lực thì sẽ dốc hết sức, còn khi mọi thứ đã tạm
ổn, cậu ấy vẫn hợp với những công việc mang tính chất bình yên. Biết vậy nên khi nghe Vinh
nói câu đó kèm một nụ cười nhăn nhở, anh cũng đành nhún vai ra chiều bó tay.

“Tao chỉ không hiểu, người như Ánh sao cứ nhảy việc liên tục nhỉ? Theo ‘chủ nghĩa xê dịch’ à?”

“Còn phải hỏi, đương nhiên là bị ghét, bị đuổi. Quá nhiệt tình với khách hàng chính là tự ngược
đãi bản thân, mày nghe câu này bao giờ chưa?”. “Chưa”. “Tất nhiên rồi, tao mới nói lần đầu
mà! Mày tưởng tượng ở hàng bún quát, phở đuổi hoặc cháo chửi mà xuất hiện một con bé
nhiệt tình thế này đi, không bị tống đi ngay mới là lạ”.

“Ờ, cám ơn mày đã nhắc tao nhớ ra mày còn nợ tao một chuyến du lịch Hà Nội. Mà mày nghĩ
Ánh có thể bày ra những trò gì để tự ngược đãi bản thân, và khổ lây tao với mày nữa?” Vinh lại
nhe răng cười với anh, rồi nhanh chóng lảng về chủ đề ban đầu, khi nhận thấy nét buồn thoáng
qua trong mắt Tuấn. Cứ nghĩ công việc bận rộn cuốn mình đi mất, không ngờ cái tên Uyên vẫn
để lại trong anh những vệt đau khó lành, đến mức hai chữ Hà Nội khi nhắc đến cũng trở thành
mũi dao khoét lại vết thương lòng.

Ánh có thể nghĩ ra những chuyện gì nữa ư? Có trời mới biết được. Anh bắt đầu có chút mong
đợi mau tới buổi họp cuối tuần sau.

Có lẽ trời cũng hiểu sự mong chờ đó của anh, nên mới thứ tư, công ty đã lại xảy ra tranh cãi.
Đầu dây mối nhợ cũng từ Ánh mà ra.

Bắt đầu từ một câu hỏi của Ánh với Phương, nhân viên phụ trách nhập dữ liệu website và kiêm

luôn việc PR: “Những bài giới thiệu nội dung sách ở phần mô tả, Phương lấy từ đâu?”.

“Ừm, thì từ thông tin trên web của công ty sách, từ thông cáo báo chí, hoặc những bài giới thiệu
trên báo mạng, không thì type lên từ bìa sau của sách. Có vấn đề gì à?” Phương e dè nhìn
Ánh, cuộc họp lần trước khiến dù muốn dù không cô cũng phải có chút đề phòng, nên trong
câu trả lời của mình, cô không hé ra chuyện nhiều lúc cô vẫn sao chép phần thông tin sách từ
những trang bán sách trực tuyến khác về.

Ánh vẫn không lộ cảm xúc gì với câu trả lời của cô, mà chậm rãi nói: “Có một số bài viết, không
rõ là web mình lấy từ blog cá nhân, hoặc những trang khác copy từ đó ra rồi bên mình đăng lại,
nhưng nói chung là không được chủ bài viết đồng ý. Họ không comment góp ý thẳng trên web
bên mình, nhưng viết bài hoặc comment gay gắt ở blog họ, không tốt cho thương hiệu công ty
đâu”.

Phương hơi bối rối với thông tin này, cô định cãi lại nhưng nhớ đến vẻ mặt của sếp hôm họp
cuối tuần, nên sau khi cân nhắc từ ngữ, cô ngẩng lên nói với Ánh một cách nhỏ nhẹ:

“Nhưng bài viết đăng lên mạng rồi, sao chép qua nhiều nơi, khó biết tác giả gốc là ai. Chủ blog
đăng bài lên mạng chắc cũng phải nghĩ đến chuyện bị sao chép chứ. Vả lại bài viết có hay mới
được sao chép rộng rãi, cũng là một cách truyền bá cho bài viết của người đó mà. Mà cũng chỉ
là một vài bài viết giới thiệu truyện, chứ có phải mình lấy nguyên tác phẩm hay gì của họ đâu,
chị Ánh? Em thấy chuyện này là họ khó tính quá mức rồi”.

Vinh thầm cám ơn sự nhạy cảm của mình, vừa thấy Ánh rời khỏi chỗ ngồi bước sang vị trí của
Phương, anh vội kiếm cớ đi ra ngoài như thể một bà già tọc mạch, nên mới nghe được đầu
đuôi câu chuyện. Cả câu trả lời nghiêm nghị của Ánh với Phương:

“Chị không nghĩ vậy. Nếu đứng ở góc độ người viết blog, chị cũng không thích bài mình bị
mang đi nơi khác mà không xin phép, hay chí ít là ghi đúng nguồn. Đứng ở góc độ nhân viên
công ty, chị nghĩ những chuyện này không quá khó để tránh những tai tiếng không đáng có.
Tưởng tượng em định mua sách của Metoo, không rõ công ty có uy tín không, bèn lên mạng để
tìm thông tin, lại ra được vài cái blog than phiền là trời ơi trang đó làm ăn cùi bắp lắm, ăn cắp
review của mình để đăng mà không nói một lời, niềm tin của em có bị sụt giảm không?”.

“… Em biết rồi, sau này em sẽ chú ý”. – Giọng Phương tiu nghỉu, và dù không thấy được sắc
mặt, Vinh cũng phần nào đoán được thái độ hậm hực của Phương.

Tưởng thế là xong, nhưng đến cuối ngày, Tuấn nhận được một email nội bộ từ Ánh. Trong mail
không kể gì về chuyện tranh luận với Phương, chỉ có một số ý kiến về chuyện nội dung phần
giới thiệu. Ánh đề nghị nên đẩy mạnh việc cho thành viên web đăng bình luận, nhận xét về
truyện, để tăng độ phong phú cho nội dung web.

Thế là sáng hôm sau, cả công ty lại họp bất thường, chủ đề chính là chuyện bình luận nhận xét
truyện của thành viên.

Từ lúc mới thành lập đến giờ, Metoo vẫn để cho thành viên gửi bình luận dưới từng quyển
sách, tuy nhiên với điều kiện ai đã mua cuốn nào mới được quyền nhận xét cuốn đó, nên lượng
bình luận cũng không nhiều, lại có một số comment dạng không dấu, hoặc chỉ sơ sài vài chữ
như “Hay lắm!”, “Đáng đọc”. Giờ Ánh lại đề nghị công ty nên khuyến khích thành viên đăng
nhân xét về truyện, viết hẳn review càng tốt, dù đã mua sách hay chưa, chỉ cần có tài khoản là
được. Có điều khi họp, anh không nói đó là ý kiến của ai, theo yêu cầu của Ánh.

Vấn đề đặt ra là, làm sao cho độc giả chịu viết bình luận?

Lần này thì Hân có dịp phát biểu hùng hồn:

“Lúc trước em tham gia mấy diễn đàn teen, hay có chế độ điểm thưởng cho thành viên, hoặc
tiền tệ các kiểu. Một diễn đàn nhỏ em rất thích có hai chế độ cộng điểm, một là cộng EXP – tức
điểm kinh nghiệm, và một là SP – Skill Point là điểm kỹ năng. Điểm EXP thì chấm tự động theo
độ dài bài viết, cứ viết nhiều bài, bài nào bài nấy dài ngoằng là sẽ có nhiều EXP, còn điểm SP
thì chỉ có mod hay smod, admin mới cộng được, chấm cho những bài viết chất lượng. Còn
nữa, bài sưu tầm phải đặt trong thẻ trích dẫn, phần trong thẻ trích dẫn không được tính EXP,
để tránh chuyện đi copy hàng loạt bài viết về đăng để cày EXP làm loãng diễn đàn. “

“Thế nhiều EXP hay SP thì có được gì không?” – Phương hỏi.

“Có chứ chị! Nhiều EXP thì sẽ lên level, nhiều SP thì được lên class, class càng cao thì quyền
lợi càng lớn, được chèn ảnh nền bài viết nè, được chèn nhiều ảnh vào chữ ký nè, được tự sửa
title nè, được để avatar động nè, hai bên avatar còn có hai thanh đao hoặc kiếm nhìn rất oai nữa,
nói chung là thích lắm!” – Vừa nói, Hân vừa thích chí huơ tay, mắt sáng bừng.

“Chỉ thế thôi à? Không quy đổi thành tiền được sao?” – Thành nhăn mặt.

“Trời ơi, anh tưởng dễ có những quyền lợi đó lắm hả? Nhiều diễn đàn không cho mem thường
để avatar động đâu, phải là cán bộ cấp cao mới được để đó. Tiền thì lấy đâu ra, admin lâu lâu
còn phải ngửa tay xin tiền mem để đóng tiền băng thông gì đó nữa mà. À mà đúng là có diễn
đàn có thể đổi điểm thưởng ra tiền, viết bài càng nhiều thì càng nhiều tiền, tiền đó để mua búp
bê, xe cộ, nhẫn kim cương… trong shop, nhưng chỉ là item ảo thôi”.

“Trời ạ, ảo mà cũng ham nữa. Đúng là con nít dễ dụ”..

Hân phụng phịu: “Tại anh không chơi diễn đàn nên không biết, mấy cái đó với tụi em quan
trọng lắm chứ bộ. Điểm tuy ảo nhưng giá trị là thật, anh không biết sao?”

“Không, anh chỉ nghe câu ‘ Quyền lực hoặc tình cảm nơi thế giới thực vốn dĩ đã ảo, thì nơi thế
giới ảo nó lại càng không thật’ “. Lần này đến lượt Vinh cắt ngang câu chuyện.
“Xí, anh Vinh lên mạng bị lừa tình rồi nên mới bi quan vậy chứ gì? Nhưng nói chung là cứ có
điểm thưởng là được tất, ảo thật gì các bạn cũng sẽ rất thích, cái này em cá chắc luôn!”

Đợi mọi người yên tĩnh lại một chút, Tuấn mới nghiêm túc nêu ý kiến: “Gợi ý của Hân thực
ra rất hay, nhưng có cái thế này, diễn đàn đa số là hoạt động phi lợi nhuận, có thu lợi nhuận
cũng là ‘trá hình’, nên thành viên gắn bó thân thiết sẽ rất nhiệt tình đóng góp, dù không có điểm
thưởng vẫn sẽ có những người hăng hái tha bài về xây dựng, huống gì là có phần thưởng động
viên, khích lệ. Nhưng web chúng ta là web kinh doanh, độc giả sẽ không quá hào hứng với việc
comment đóng góp đâu. Nếu em thích một truyện nào đó, em sẽ comment nhận xét ở một diễn
đàn chuyên về truyện, hay ở một website bán sách vu vơ nào đó? Thế nên nếu có áp dụng,
chúng ta phải có quyền lợi vật chất để thu hút họ.”

“Review hay, sách trao tay, thế được không sếp?”

“Nhỡ có nhiều bài review hay quá thì tiền đâu mà tặng sách hết cho họ? Lâu lâu tổ chức event
viết review với quà tặng là sách thì được”. Vẫn là chị Hương quan tâm đến lợi ích kinh tế.

“Ờ hén. Thế viết nhiều review thì được tặng thẻ VIP của công ty, được ưu đãi khi mua sách thì
thế nào ạ?”

“Viết sao mới biết là nhiều chứ. Thôi cứ chấm điểm như kiểu diễn đàn chấm SP ấy sếp, bài hay
thì điểm cao, nhiều điểm gom lại thì đổi được gì đó, tiền chẳng hạn, nhưng tiền đó chỉ được trừ
khi mua sách ở Metoo thôi, thế là người ta phải mua thêm sách, hehe. Bạn nào hay mua sách
ở mình thì tích cực viết review để được giảm giá, thế là người người comment nhà nhà review.
Mà ở diễn đàn em á sếp, cứ topic nào càng hot nhiều comment người ta lại càng đâm đầu vào
đọc, càng đọc lại càng ngứa tay muốn com, càng com lại càng hot, vậy á”.

“Ừ, và chúng ta sẽ phải có người tích cực đọc, duyệt comment, chấm điểm từng comment một
đấy”.

Thế là cả buổi sáng trôi qua với những tranh cãi thảo luận kiểu như nên quy định về các nhận
xét như thế nào, chấm điểm theo tiêu chí gì, bài viết chê truyện nhiều quá thì có nên biên tập
bớt lại không.

Lạ thay, những vấn đề đó lại được giải quyết rất nhanh. Chuyện đau đầu nằm ở việc đặt tên
cho hệ thống tích điểm.

Tới cuối buổi thì Tuấn hoàn toàn đau đầu với những Xu, những Đồng, những Keng, những
Meme các kiểu. Anh yêu cầu mỗi người về nhà nghĩ kỹ rồi chốt lại 3 cái tên đẹp nhất gửi mail
về cho anh. Và tự nhủ, sau này chuyện đặt tên con anh sẽ đẩy hết cho vợ hoặc ông bà nội
ngoại.

Aka!chan
09-05-2012, 08:30 PM
Chap 08

Ánh thật sự rất sợ ai bắt gặp cô trong lúc này. Ánh sợ người ta thấy dáng vẻ mong ngóng của cô, chốc chốc lại nhìn về phía cầu thang chờ đợi cái gì đó. Một người thường ngày lạnh lùng ơ hờ, người bị cho thôi việc không biết bao lần vì không hòa đồng, người cho dù trời có sập trước mắt vẫn ung dung ngồi ăn cơm… vậy mà hôm nay lại không giấu được vẻ nhấp nhổm không yên. Nhiêu đó thôi cô đã muốn giấu nhẹm đi, huống hồ lý do còn là chờ đợi nhóm hung thần áo trắng. Lòng bàn tay Ánh như có kiến bò, mồ hôi bắt đầu túa ra… Đó là dấu hiệu của sự hồi hộp. Nó giống hệt mỗi khi Ánh lên trả bài thuở còn đi học, hay những lần run rẩy chìa bài kiểm tra điểm thấp ra trước mặt ba mẹ. Ánh có cảm giác như mình đang trở lại thuở còn mặc áo dài. Hồi ấy Ánh trầm tính hệt như bây giờ, không tham gia vào những trò phá phách của lũ con trai trong lớp. Nhưng như những cô con gái khác, Ánh cũng im lặng, cũng tủm tỉm cười khi một thầy cô nào đó bị bày trò, cũng bao che cho chúng bạn. Còn ngày hôm nay, cô đang muốn xem phản ứng của đám tứ quái, như một người chị đang tìm cách bảo vệ em mình. Đứa em mà dù nó đã lớn chồng ngồng, Ánh vẫn thơm vào má nó rồi mới cho đi học. Vậy mà… đã lâu rồi Ánh không gặp nó nữa.

11h29, Ánh một lần nữa nhìn ra phía cầu thang. Thốt nhiên cô lo lắng hôm nay vì một lý do nào đấy mà đám học sinh sẽ không đến. Và cô cảm thấy ngại ngùng với ý nghĩ này. Cảm giác mình như cô nữ sinh năm nào chờ gặp chàng trai của lòng mình. 11h30, tiếng cồm cộp của những đôi giày nện trên bậc thang lại vang lên một cách quen thuộc, và rất mau sau đó, tiếng cười nói rộn rã và những cái đầu lỉa chỉa nhấp nhô chen xuất hiện. Ánh vội lật lật cuối kỳ phổ, vờ như đang chăm chú lắm, đến nỗi bản thân cô cũng không phát hiện ra môi mình khẽ cong lên.

Không biết những nước cờ hôm nay có nhập được vào đầu Ánh không, nhưng một phần đuôi mắt liếc sang bàn bên cạnh, dõi theo bóng Bốn Mắt xoay người bước đến chỗ cái kệ nhỏ khuất ở góc cột cạnh cầu thang để lấy ra thứ bọn nhóc yêu cầu, rồi quay lại nhanh hệt chảo chớp, khiến kẻ đày ải mắt tròn mắt dẹt nhìn lên lọ tương ớt vừa được chìa ra trước mặt mình như ảo thuật.

Tương cà, dầu giấm, sốt mayonnaise… tất cả đều diễn ra tương tự.

Trong một thoáng, ánh mắt của Bốn Mắt chạm đến đuôi mắt cô, cậu khẽ chúm chím cười. Trừ tên leader mặt mày vẫn lạnh tanh như nào giờ, ba tên còn lại xụi lơ, khiến Bốn Mắt phải kìm chế lắm mới không bật ngón tay giơ lên No. 1 với Ánh. Ánh khẽ cười trước thái độ vui còn hơn đậu phỏng vấn xin Visa của Bốn Mắt, và thái độ ngược đời của mấy kẻ được đáp ứng yêu cầu một cách cấp kỳ. Ban đầu, Ánh còn ngỡ chúng nó giàu quá đâm ra khó tính, ăn uống phải có cái này cái kia, như ngày xưa cậu em út ở nhà nếu không có hành sẽ không chịu ăn bột chiên. Nhưng mấy cái mặt bí xị lúc này giúp Ánh khẳng định chúng cốt ý muốn phá Bốn Mắt mà thôi.

Đại – thằng nhỏ da trắng trẻo, trong có vẻ thư sinh nhất bọn, nhưng không hề kém cạnh trong mấy trò quậy phá, cứ như ba mẹ trót sinh ra cái dáng vẻ ấy để lừa tình các thiếu nữ ngây thơ, lúc này đây đang đưa mắt nhìn sang Nguyễn, thằng nhóc da đen, răng khểnh, lí lắc nhất bọn để tham khảo ý kiến. Nhưng vẻ như Nguyễn cũng không biết làm gì hơn, đưa mắt sang thằng suốt ngày hát hò những bản nhạc tiếng Anh không đầu không đuôi. Ánh nhớ không lầm thì tên của nó hệt như con gái, là Phụng. Phụng nhẹ lắc đầu, xem ra tình huống ngoài dự liệu này khiến nó không kịp xoay trở. Và khi cả ba biết rằng mình chẳng thể làm gì, cùng đưa sáu con mắt sang cầu cứu tên leader, người vẫn được gọi bằng cái tên tiếng Anh là Sam. Sam từ đầu đến cuối im lặng không nói gì, tay bóp nhẹ gương mặt mình, ánh mắt hướng xuống dưới ra chiều suy nghĩ. Dáng vẻ của thằng nhóc lúc này y hệt Shinichi Kudo đang suy luận hung thủ để phá án.

Bốn Mắt không ngửi được mùi nguy hiểm, hí hửng mang dĩa cơm bò xào sa tế thơm lừng của Sam lên, thái độ còn vô cùng vui vẻ, miệng cười lên tận mang tai. Nguyễn lập tức cằn nhằn:

“Gọi cả tiếng rồi mới đem lên. Bộ ngủ quên ở dưới hả?”

Rồi nó nhìn chằm chằm vào Sam, chờ đợi cu cậu kia lên tiếng đồng tình. Gì thì gì, dĩa cơm cũng là của Sam. Hơn nữa, sau thời gian quan sát, Ánh phát hiện, các trò hành hạ Bốn Mắt đều do Sam khởi xướng, và chỉ làm đúng một lần, những ngày sau đó ba tên nhóc kia sẽ y thế mà làm, dĩ nhiên tầng suất vô lối cũng tăng thêm.

Không phụ lòng mong đợi của đồng bọn, Sam từ từ hạ tay xuống, hướng mắt lên nhìn Bốn Mắt bằng vẻ áy náy nhất có thể, và cất giọng lịch sự nhất trên đời, y như tác phong đó giờ của nó:

“Xin lỗi, lúc nãy quên dặn, em không ăn được ớt chuông”.

“Thế thì gạt ra”. – Phụng ngồi cạnh nhanh nhảu lên tiếng.

“Tao không thích tự gạt”.

Giọng Bốn Mắt yếu ớt vang lên :”Thế để em bưng xuống đổi dĩa khác chỉ xào thịt bò cho anh…”

“Xào không sao có vị ngon của ớt?” – Tên leader cắc cớ.

“Vậy… em xuống dưới bảo bếp xào đĩa khác rồi gắp riêng thịt bò ra cho anh, được không?”

“Vậy em phải trả hai lần tiền cho một dĩa cơm bò sao? Với lại sắp tới giờ vô học rồi…”

Vậy là dù Sam nói chuyện hết sức nhã nhặn, Bốn Mắt vẫn phải ngồi xuống tự tay gắp từng miếng ớt chuông bỏ đi. May phước, chẳng phải ớt sa tế, Ánh thầm nhủ. Nhưng khi Bốn Mắt quệt mồ hôi đưa lại dĩa cơm lúc này chỉ còn thịt bò, Sam lại nhờ Bốn Mắt đem gạt tàn, rồi khăn giấy khô, rồi mở lại một khúc vừa phát vì Sam thích nghe, dĩ nhiên, lời nhờ vả luôn luôn mỗi lần một chuyện. Kết quả là Bốn Mắt vẫn phải lạch bạch chạy lên chạy xuống chục lần. Giờ Ánh hoàn toàn tin rằng, bọn nhóc là một lũ biến thái thực sự, không hành hạ người khác chúng sẽ ăn không ngon. Trêu chọc người khác, hình như với chúng lại là “thú vui tao nhã”. Có lẽ cô nên để Bốn Mắt sống yên với lũ như cô, chứ kiếm cách đối phó với chúng chỉ càng làm mọi chuyện thêm tồi tệ.

Cô đã đinh ninh phải làm như thế, và dự tính sẽ nói với Bốn Mắt ngay ngày hôm sau, nhưng khi ngày đó đến, lại có một sự kiện bất ngờ khiến cô phải suy nghĩ lại. Đó là ngày thứ sáu cuối tuần, tức là chỉ cần chịu đựng 45 phút thôi, Bốn Mắt sẽ có hai ngày để nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý cho ngày thứ hai gian khổ. Nhưng thứ sáu của ngày hôm nay thật khác với những ngày thứ sáu trước kia. Bọn nhóc không ồn ào, không đòi hỏi. Chúng ăn rất nhanh rồi lôi tập ra học. Ánh nghe loáng thoáng một đứa nói lát có bài kiểm tra toán. Nhìn bọn nhóc mới hôm qua thôi còn láu ta láu táu, còn kiếm chuyện sinh sự, hôm nay bổng như những học sinh ưu tú nhất thế gian, ngoan ngoãn tập trung học hành. Ánh chợt nhớ, có lần, cô không nén nổi tò mò đã lên mạng xem thông tin về cái trường Quốc Tế cạnh Cafe Trắng. Đúng là phải con ông cháu cha mới có thể vào học được cái trường mà học phí một tháng không dưới 600 USD này. Bọn nhóc giàu có hẳn quen được nuông chìu mới sinh ra hách dịch, phá phách như vậy. Điều đó khiến Ánh liên tưởng đến “Rắn và khuyên lưỡi”, những người sinh ra trong gia đình đề huề, hạnh phúc lại có xu hướng trở nên chán nản và bùng nổ. Có lẽ bọn nhóc này cũng như vậy.
Mà không phải có tiền thì có thể vào trường đó. Học lực phải tanh tưởi, trải qua kỳ kiểm tra năng lực tiếng Anh gắt gao mới giành được một suất học ở đây. Thốt nhiên, Ánh cảm thấy sự chán ghét của mình dành cho đám nhóc vơi đi quá nửa. Hình ảnh chúng nó nghiêm túc như vậy, quả đúng với câu nói “Học ra học, chơi ra chơi”.

“Ê Sam, bài này tao không hiểu, mày giảng tao nghe.” – Tiếng nói của Phụng cắt ngang dòng suy nghĩ của Ánh.

Lúc này Ánh mới phát hiện, thực chất chỉ có ba đứa kia lôi tập ra học, Sam nãy giờ vẫn ngồi trầm lặng như mọi khi. Và lúc này đây, nó hơi chồm người về phía bạn, bắt đầu giải thích về một bài toán rắm rối vừa quen vừa lạ với Ánh. Khi bước ngang bàn bọn chúng để đi vệ sinh, Ánh tò mò đưa mắt nhìn sang, chợt ngạc nhiên vì dáng vẻ nghiêm túc cực kỳ của Sam. Giọng nói như tiếng suối reo, nhiệt tình truyền đạt cho bạn mình bằng cách dễ hiểu nhất. Ánh mắt như phát sáng. Cả con người như có vầng hào quanh vây quanh. Dường như khi chuyên tâm vào việc gì đó, nó trở thành một con người khác hẳn.

Đột nhiên, con người đó ngẩng đầu lên, thấy Ánh đang nhìn mình chăm chú, chợt thoáng lúng túng rồi lại cúi đầu xuống tiếp tục công việc của mình.

Lần này thì Ánh tin chắc mình đã nhìn thấy một con người khác. Ai tin được gã leader kia cũng biết đỏ mặt?

Aka!chan
14-05-2012, 06:33 PM
Chap 08

Ánh thật sự rất sợ ai bắt gặp cô trong lúc này. Ánh sợ người ta thấy dáng vẻ mong ngóng của cô, chốc chốc lại nhìn về phía cầu thang chờ đợi cái gì đó. Một người thường ngày lạnh lùng ơ hờ, người bị cho thôi việc không biết bao lần vì không hòa đồng, người cho dù trời có sập trước mắt vẫn ung dung ngồi ăn cơm… vậy mà hôm nay lại không giấu được vẻ nhấp nhổm không yên. Nhiêu đó thôi cô đã muốn giấu nhẹm đi, huống hồ lý do còn là chờ đợi nhóm hung thần áo trắng. Lòng bàn tay Ánh như có kiến bò, mồ hôi bắt đầu túa ra… Đó là dấu hiệu của sự hồi hộp. Nó giống hệt mỗi khi Ánh lên trả bài thuở còn đi học, hay những lần run rẩy chìa bài kiểm tra điểm thấp ra trước mặt ba mẹ. Ánh có cảm giác như mình đang trở lại thuở còn mặc áo dài. Hồi ấy Ánh trầm tính hệt như bây giờ, không tham gia vào những trò phá phách của lũ con trai trong lớp. Nhưng như những cô con gái khác, Ánh cũng im lặng, cũng tủm tỉm cười khi một thầy cô nào đó bị bày trò, cũng bao che cho chúng bạn. Còn ngày hôm nay, cô đang muốn xem phản ứng của đám tứ quái, như một người chị đang tìm cách bảo vệ em mình. Đứa em mà dù nó đã lớn chồng ngồng, Ánh vẫn thơm vào má nó rồi mới cho đi học. Vậy mà… đã lâu rồi Ánh không gặp nó nữa.

11h29, Ánh một lần nữa nhìn ra phía cầu thang. Thốt nhiên cô lo lắng hôm nay vì một lý do nào đấy mà đám học sinh sẽ không đến. Và cô cảm thấy ngại ngùng với ý nghĩ này. Cảm giác mình như cô nữ sinh năm nào chờ gặp chàng trai của lòng mình. 11h30, tiếng cồm cộp của những đôi giày nện trên bậc thang lại vang lên một cách quen thuộc, và rất mau sau đó, tiếng cười nói rộn rã và những cái đầu lỉa chỉa nhấp nhô chen xuất hiện. Ánh vội lật lật cuối kỳ phổ, vờ như đang chăm chú lắm, đến nỗi bản thân cô cũng không phát hiện ra môi mình khẽ cong lên.

Không biết những nước cờ hôm nay có nhập được vào đầu Ánh không, nhưng một phần đuôi mắt liếc sang bàn bên cạnh, dõi theo bóng Bốn Mắt xoay người bước đến chỗ cái kệ nhỏ khuất ở góc cột cạnh cầu thang để lấy ra thứ bọn nhóc yêu cầu, rồi quay lại nhanh hệt chảo chớp, khiến kẻ đày ải mắt tròn mắt dẹt nhìn lên lọ tương ớt vừa được chìa ra trước mặt mình như ảo thuật.

Tương cà, dầu giấm, sốt mayonnaise… tất cả đều diễn ra tương tự.

Trong một thoáng, ánh mắt của Bốn Mắt chạm đến đuôi mắt cô, cậu khẽ chúm chím cười. Trừ tên leader mặt mày vẫn lạnh tanh như nào giờ, ba tên còn lại xụi lơ, khiến Bốn Mắt phải kìm chế lắm mới không bật ngón tay giơ lên No. 1 với Ánh. Ánh khẽ cười trước thái độ vui còn hơn đậu phỏng vấn xin Visa của Bốn Mắt, và thái độ ngược đời của mấy kẻ được đáp ứng yêu cầu một cách cấp kỳ. Ban đầu, Ánh còn ngỡ chúng nó giàu quá đâm ra khó tính, ăn uống phải có cái này cái kia, như ngày xưa cậu em út ở nhà nếu không có hành sẽ không chịu ăn bột chiên. Nhưng mấy cái mặt bí xị lúc này giúp Ánh khẳng định chúng cốt ý muốn phá Bốn Mắt mà thôi.

Đại – thằng nhỏ da trắng trẻo, trong có vẻ thư sinh nhất bọn, nhưng không hề kém cạnh trong mấy trò quậy phá, cứ như ba mẹ trót sinh ra cái dáng vẻ ấy để lừa tình các thiếu nữ ngây thơ, lúc này đây đang đưa mắt nhìn sang Nguyễn, thằng nhóc da đen, răng khểnh, lí lắc nhất bọn để tham khảo ý kiến. Nhưng vẻ như Nguyễn cũng không biết làm gì hơn, đưa mắt sang thằng suốt ngày hát hò những bản nhạc tiếng Anh không đầu không đuôi. Ánh nhớ không lầm thì tên của nó hệt như con gái, là Phụng. Phụng nhẹ lắc đầu, xem ra tình huống ngoài dự liệu này khiến nó không kịp xoay trở. Và khi cả ba biết rằng mình chẳng thể làm gì, cùng đưa sáu con mắt sang cầu cứu tên leader, người vẫn được gọi bằng cái tên tiếng Anh là Sam. Sam từ đầu đến cuối im lặng không nói gì, tay bóp nhẹ gương mặt mình, ánh mắt hướng xuống dưới ra chiều suy nghĩ. Dáng vẻ của thằng nhóc lúc này y hệt Shinichi Kudo đang suy luận hung thủ để phá án.

Bốn Mắt không ngửi được mùi nguy hiểm, hí hửng mang dĩa cơm bò xào sa tế thơm lừng của Sam lên, thái độ còn vô cùng vui vẻ, miệng cười lên tận mang tai. Nguyễn lập tức cằn nhằn:

“Gọi cả tiếng rồi mới đem lên. Bộ ngủ quên ở dưới hả?”

Rồi nó nhìn chằm chằm vào Sam, chờ đợi cu cậu kia lên tiếng đồng tình. Gì thì gì, dĩa cơm cũng là của Sam. Hơn nữa, sau thời gian quan sát, Ánh phát hiện, các trò hành hạ Bốn Mắt đều do Sam khởi xướng, và chỉ làm đúng một lần, những ngày sau đó ba tên nhóc kia sẽ y thế mà làm, dĩ nhiên tầng suất vô lối cũng tăng thêm.

Không phụ lòng mong đợi của đồng bọn, Sam từ từ hạ tay xuống, hướng mắt lên nhìn Bốn Mắt bằng vẻ áy náy nhất có thể, và cất giọng lịch sự nhất trên đời, y như tác phong đó giờ của nó:

“Xin lỗi, lúc nãy quên dặn, em không ăn được ớt chuông”.

“Thế thì gạt ra”. – Phụng ngồi cạnh nhanh nhảu lên tiếng.

“Tao không thích tự gạt”.

Giọng Bốn Mắt yếu ớt vang lên :”Thế để em bưng xuống đổi dĩa khác chỉ xào thịt bò cho anh…”

“Xào không sao có vị ngon của ớt?” – Tên leader cắc cớ.

“Vậy… em xuống dưới bảo bếp xào đĩa khác rồi gắp riêng thịt bò ra cho anh, được không?”

“Vậy em phải trả hai lần tiền cho một dĩa cơm bò sao? Với lại sắp tới giờ vô học rồi…”

Vậy là dù Sam nói chuyện hết sức nhã nhặn, Bốn Mắt vẫn phải ngồi xuống tự tay gắp từng miếng ớt chuông bỏ đi. May phước, chẳng phải ớt sa tế, Ánh thầm nhủ. Nhưng khi Bốn Mắt quệt mồ hôi đưa lại dĩa cơm lúc này chỉ còn thịt bò, Sam lại nhờ Bốn Mắt đem gạt tàn, rồi khăn giấy khô, rồi mở lại một khúc vừa phát vì Sam thích nghe, dĩ nhiên, lời nhờ vả luôn luôn mỗi lần một chuyện. Kết quả là Bốn Mắt vẫn phải lạch bạch chạy lên chạy xuống chục lần. Giờ Ánh hoàn toàn tin rằng, bọn nhóc là một lũ biến thái thực sự, không hành hạ người khác chúng sẽ ăn không ngon. Trêu chọc người khác, hình như với chúng lại là “thú vui tao nhã”. Có lẽ cô nên để Bốn Mắt sống yên với lũ như cô, chứ kiếm cách đối phó với chúng chỉ càng làm mọi chuyện thêm tồi tệ.

Cô đã đinh ninh phải làm như thế, và dự tính sẽ nói với Bốn Mắt ngay ngày hôm sau, nhưng khi ngày đó đến, lại có một sự kiện bất ngờ khiến cô phải suy nghĩ lại. Đó là ngày thứ sáu cuối tuần, tức là chỉ cần chịu đựng 45 phút thôi, Bốn Mắt sẽ có hai ngày để nghỉ ngơi, chuẩn bị tâm lý cho ngày thứ hai gian khổ. Nhưng thứ sáu của ngày hôm nay thật khác với những ngày thứ sáu trước kia. Bọn nhóc không ồn ào, không đòi hỏi. Chúng ăn rất nhanh rồi lôi tập ra học. Ánh nghe loáng thoáng một đứa nói lát có bài kiểm tra toán. Nhìn bọn nhóc mới hôm qua thôi còn láu ta láu táu, còn kiếm chuyện sinh sự, hôm nay bổng như những học sinh ưu tú nhất thế gian, ngoan ngoãn tập trung học hành. Ánh chợt nhớ, có lần, cô không nén nổi tò mò đã lên mạng xem thông tin về cái trường Quốc Tế cạnh Cafe Trắng. Đúng là phải con ông cháu cha mới có thể vào học được cái trường mà học phí một tháng không dưới 600 USD này. Bọn nhóc giàu có hẳn quen được nuông chìu mới sinh ra hách dịch, phá phách như vậy. Điều đó khiến Ánh liên tưởng đến “Rắn và khuyên lưỡi”, những người sinh ra trong gia đình đề huề, hạnh phúc lại có xu hướng trở nên chán nản và bùng nổ. Có lẽ bọn nhóc này cũng như vậy.
Mà không phải có tiền thì có thể vào trường đó. Học lực phải tanh tưởi, trải qua kỳ kiểm tra năng lực tiếng Anh gắt gao mới giành được một suất học ở đây. Thốt nhiên, Ánh cảm thấy sự chán ghét của mình dành cho đám nhóc vơi đi quá nửa. Hình ảnh chúng nó nghiêm túc như vậy, quả đúng với câu nói “Học ra học, chơi ra chơi”.

“Ê Sam, bài này tao không hiểu, mày giảng tao nghe.” – Tiếng nói của Phụng cắt ngang dòng suy nghĩ của Ánh.

Lúc này Ánh mới phát hiện, thực chất chỉ có ba đứa kia lôi tập ra học, Sam nãy giờ vẫn ngồi trầm lặng như mọi khi. Và lúc này đây, nó hơi chồm người về phía bạn, bắt đầu giải thích về một bài toán rắm rối vừa quen vừa lạ với Ánh. Khi bước ngang bàn bọn chúng để đi vệ sinh, Ánh tò mò đưa mắt nhìn sang, chợt ngạc nhiên vì dáng vẻ nghiêm túc cực kỳ của Sam. Giọng nói như tiếng suối reo, nhiệt tình truyền đạt cho bạn mình bằng cách dễ hiểu nhất. Ánh mắt như phát sáng. Cả con người như có vầng hào quanh vây quanh. Dường như khi chuyên tâm vào việc gì đó, nó trở thành một con người khác hẳn.

Đột nhiên, con người đó ngẩng đầu lên, thấy Ánh đang nhìn mình chăm chú, chợt thoáng lúng túng rồi lại cúi đầu xuống tiếp tục công việc của mình.

Lần này thì Ánh tin chắc mình đã nhìn thấy một con người khác. Ai tin được gã leader kia cũng biết đỏ mặt?

Aka!chan
14-05-2012, 06:34 PM
Chap 09

Vừa dắt xe qua cổng, Tuấn đã nghe tiếng mẹ than thở với ai đó qua điện thoại :”Nó hả? Từ ngày lập công ty riêng thì hôm nào cũng nửa đêm mới mò về nhà, chờ ngày có cháu bồng còn xa lắm. Ối xời, lắm mối tối nằm không.”.

Tuấn đứng sựng lại, chẳng biết mình nên khóc hay cười. Khoảnh sân trước nhà vẫn vậy, vẫn đan ken dày đặc những chậu be bé xinh xinh do mẹ anh một tay vun trồng từ hoa lá đến cả những loại rau mà đi chợ bỏ ra một nghìn đồng là có cả nắm, có khi còn được cho không kèm theo như lá quế, ngò gai. Nhưng mẹ anh đến giờ vẫn chưa thay đổi hai thói quen, một là thích chờ anh về ăn cơm mỗi tối; hai là “nói xấu” anh với tất cả người quen. Mà nói xấu những gì? Tham công tiếc việc, không biết tự lo cho bản thân mình, đến giờ vẫn chưa có ý định thành gia lập thất… những điệp khúc ấy mẹ anh cứ tua đi tua lại mãi mà không chán. Cứ như nói xấu anh với người khác chính là niềm vui của mẹ anh.

Và cứ như cô gái tên Uyên là một trong rất nhiều cô gái xuất hiện trước ngạch cửa nhà anh. Dù rằng thực tế, con gái tự tìm đến nhà anh, vì công việc, vì tình cảm đúng là rất nhiều, nhưng chỉ có mình Uyên là anh dắt tay đến trước mặt mẹ, đàng hoàng nói: “Bạn gái của con.”

Tuấn chợt nhớ đến một “truyền thuyết” được đám bạn anh rỉ tai nhau, ấy là nếu còn đang độ sinh viên, có bạn gái thì chỉ cần ra mắt bạn bè thôi, đừng dẫn về cho gia đình xem mặt làm gì vội, vì cứ dẫn về gia đình là bảo đảm sau đó mười đôi hết chín sẽ chia tay, không sớm thì muộn, mà lý do thường bởi sự ngăn cấm của phụ huynh.

Không biết “truyền thuyết” có linh ứng với anh không, chỉ biết mẹ anh ác cảm với Uyên ngay từ lần đầu gặp, dù chẳng thể hiện rõ nét ra, nhưng sau đó cứ có cơ hội là lại ca cẩm với anh, từ chuyện Uyên không biết ý tứ vào bếp phụ mẹ dọn cơm, đến việc Uyên gầy quá sau này khó sinh lắm, đến độ anh có cảm giác nếu anh chia tay Uyên hẳn mẹ sẽ rất vui. Mấy năm liền trôi qua mà thái độ của mẹ anh với Uyên vẫn thế, dù tài nữ công gia chánh của Uyên đã khá khẩm hơn nhiều, đủ để có một món ruột lần nào đến nhà anh cũng mang ra thể hiện.

Ấy thế mà khi cả hai đường ai nấy đi, mẹ anh lại chuyển sang than vắn thở dài như thể đã hụt mất cô con dâu tuyệt vời nhất thế giới, rằng sau này chẳng biết có ai chịu lấy anh không. Nhưng chỉ vài tháng sau, mẹ anh nhanh chóng gạt đi tên Uyên khỏi tâm trí, và đóng lên người anh cái mác “trai ế tồn kho năm năm chờ người đến rước”, với hy vọng bạn bè người thân sẽ giới thiệu anh cho một cô nàng nào đó. Mẹ anh không chú ý đến một điều rằng, một thằng trai ế như lời mẹ tả, sẽ rất dễ gây cho người ta ấn tượng “chắc phải có vấn đề”.

May thay (hoặc rủi thay), mẹ lại có một đội ngũ bạn bè kiêm bà mai hùng hậu, dù qua câu chuyện của mẹ khiến anh không hình dung ra được chính mình mà chỉ tưởng tượng ra một thằng nào đấy ba mươi rồi mà vẫn lơ ngơ thế sự không phân biệt được lọ muối với hũ đường nếu không có mẹ chỉ giúp, lúc tập trung làm việc có thể bỏ ngoài tai mọi thứ kể cả tiếng gọi của mẹ đến khi giật mình thì tàn thuốc đã rơi cháy áo… thế mà vẫn nhiệt tình hăm hở cung cấp thông tin từ cô này đến cô khác, kiếm chuyện xếp đặt cho họ đến chơi nhà với cớ đi kèm một dì một thím nào đấy, sau đó luôn được mẹ ca ngợi hết lời. Chỉ khổ thân anh nhiều tuần liền phải báo cáo thời gian đi làm về sớm hay muộn với mẹ để mẹ xếp lịch hẹn hò với các thím các dì kia. Cho đến một ngày anh kiên quyết từ chối những cuộc hẹn đó, bảo mẹ rằng công việc công ty rất bận không thể về sớm được, mà nếu có cũng chẳng có thời gian hẹn hò chăm sóc người ta, mất công mang tiếng mẹ lẫn các dì nhiệt tình kia. Dù biết mẹ buồn lòng, nhưng anh chán lắm cái cảnh về nhà ăn cơm mà cũng chẳng được yên, phải khoác lên tấm mặt nạ lễ độ gia giáo lịch thiệp để tiếp chuyện người khác.

Chờ mẹ nhận ra sự có mặt của mình và kết thúc cuộc nói chuyện, Tuấn mới đẩy xe lên tấm ván nơi ngạch cửa vào nhà. Như mọi bận, vẫn là những câu hỏi của mẹ anh, sao về muộn thế, đã ăn gì chưa, dù anh nhớ rõ ràng chiều nay đã gọi về dặn mẹ ăn cơm trước, đừng chờ. Kế đó sẽ là một loạt những nhắc nhở kinh điển như mẹ đã gọt táo sẵn bỏ trong tủ lạnh, đã pha mật ong chanh đường với nước ấm tí nữa nhớ uống, khuya đừng hút thuốc quá nhiều rồi ho sù sụ giữa đêm, mà tốt nhất là đừng thức khuya nữa… Chốt lại bằng câu biết tới bao giờ mới có người thay mẹ lo cho mày những thứ này.

Có lúc Tuấn nghĩ, dẫu anh rất cảm động với những chăm lo của mẹ, nhưng nếu lấy vợ về chỉ để thay mẹ nhắc anh những điều ấy, anh thà sống độc thân suốt đời. Cứ như Vinh, cặp bồ với một bé 9x suốt ngày cứ nhõng nhẽo mè nheo đòi Vinh dẫn đi ăn những thứ chẳng bổ béo gì như trà sữa hay bánh tráng trộn, cá viên chiên gì đấy, có khi còn dễ chịu hơn.

Ý nghĩ đó vẫn đeo theo anh, cho đến lúc anh đã tắm rửa khoan khoái xong, ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc trong gian phòng nhỏ. Thực ra, đến giờ anh vẫn nghĩ, có người bạn gái như Uyên rất đáng tự hào. Gương mặt thanh tú, học thức tương xứng, ăn nói ngọt ngào. Thậm chí anh đã có lúc anh nghĩ đây là người bạn đời của mình. Còn việc vô tâm vô ý ư, có lẽ mẹ anh đã đặt yêu cầu quá cao, hoặc đem tiêu chuẩn của những thập niên trước mà áp lên Uyên. Cứ xem thử những đứa em họ của anh cũng tầm tuổi Uyên xem, được mấy đứa chịu giặt đồ tay nếu nhà đã có sẵn máy giặt, được mấy đứa tự nấu được nồi cơm bằng bếp gas chứ đừng nói là bếp củi, nếu cúp điện thình lình?

Thôi thì giờ anh tạm xem Metoobooks là người yêu của mình, để anh tự tay chăm sóc.

Dù đúng ra, Metoobooks giống con anh hơn nhiều.

Kéo chuột qua list friend đang online Skype, Tuấn dừng lại khi thấy nick Ánh cũng đang sáng màu xanh lá. Thực ra, nhân viên của anh không phải chưa từng có ai nhiệt tình phát biểu ý kiến như cô, thời gian đầu mọi người cũng rất hăng hái đóng góp sáng kiến này ý tưởng nọ, nhưng sau đó họ dần nhận ra, không phải ý tưởng hay nào cũng khả thi, nếu có thì cũng thường kéo theo sự vất vả cho một bộ phận nào đó. Lâu dần, mọi người quen với việc im lặng đợi anh nêu ý kiến, rồi mới phân tích thiệt hơn mà phản bác hoặc đồng tình. Anh đang định đi Hà Nội về sẽ xốc lại không khí sôi nổi buổi đầu, thì Ánh đã xuất hiện đúng lúc để làm việc đó. Thời gian đầu mọi người sẽ hơi khó chịu một chút, nhưng anh tin rằng chỉ một thời gian sau khi nhận thấy sự thoải mái dễ chịu của khách hàng, họ sẽ thấy công việc trơn tru hơn trước nhiều.

Anh cũng từng thấy qua nhiều người như Ánh, thậm chí chính anh cũng giống cô, như một khối rubik nhiều mặt, tùy đối tượng tiếp xúc là ai mà sẽ xoay mặt đó ra với họ. Nên chuyện một người lúc ngọt ngào chu đáo, khi lạnh lùng thờ ơ vốn cũng rất bình thường. Chỉ lạ ở chỗ, thông thường đồng nghiệp cũng sẽ được cho vào danh sách đối tượng cần giả lả xã giao, dù có ấn tượng xấu với nhau thế nào đi nữa, trừ khi đã có vị trí rất cao trong công ty, hoặc sắp cuốn gói ra đi. Còn Ánh, có vẻ như cô không ác cảm gì với ai, càng không có chuyện “dựa hơi” anh hay Vinh, nhưng vẫn giữ thái độ ơ hờ như thế. Như thể không quan tâm gì ngoài công việc, và khách hàng,

Có một nhân viên support như thế, lẽ ra anh nên mừng mới phải. Nhưng anh biết, trong môi trường công sở, thậm chí cả trường học, sự xuất hiện của một nhân viên hoặc học sinh như thế vừa là đề tài bàn tán của những cô nàng lắm chuyện, vừa dễ gây hiềm khích sau này, ảnh hưởng đến việc chung. Có lẽ sau này anh nên nghĩ tới những hoạt động mang tính chất gắn kết nội bộ nhân viên, như dã ngoại tập thể chẳng hạn.

Tuấn khẽ mỉm cười khi nhớ đến giọng nói dịu dàng của Ánh qua điện thoại với một vẻ kiên nhẫn vô bờ bến. Chẳng biết cái mặt nạ ấy Ánh sẽ giữ được đến chừng mực nào khi bị khách hàng “quay như quay dế” nhỉ?

Aka!chan
14-05-2012, 06:34 PM
Chap 10

Sau lần thấy cảnh đám nhóc bàn bên chăm chú học bài, Ánh không còn cảm thấy ghét chúng nhiều như trước, mà bắt đầu nhìn chúng bằng ánh mắt khác, không quá khắt khe, và pha chút tò mò. Vả chăng, những trò quá quắt đó tuy có làm Bốn Mắt mệt mỏi, nhưng nhóc ấy thực ra không tỏ vẻ khó chịu cho lắm. Có lần cô dò hỏi, Bốn Mắt nhe răng cười và bảo, em quen rồi, cũng chẳng thấy quá đáng gì. Cô thì nghĩ, nếu là cô, những yêu cầu quá quắt kiểu bắt gấp hết ớt ra trước mặt mọi người như thế, cô sẽ không làm, dù cô có chiều chuộng khách hàng đến mức nào đi nữa.

Công việc của cô ở chỗ làm mới cũng dần ổn định, thỉnh thoảng sếp hạ cố nhắn tin cho cô qua Skype vào buổi tối, nội dung thăm hỏi vu vơ, có hôm còn bàn luận với cô về sách truyện, dò xem cô thích đọc sách kiểu gì, vì sao lại vào làm việc ở Metoobooks. Cô trả lời nhát gừng, không quá cộc cằn, nhưng cũng chẳng hào hứng mấy. Đêm thường trôi qua một cách vô vị, cô tìm một món nào đấy ăn bừa cho xong bữa, lên mạng xem một tập phim ngắn, tìm kiếm những thông tin liên quan đến công việc đang làm, mỏi mắt thì tắt máy ôm một quyển sách vào giường đọc vu vơ vài trang rồi chìm vào giấc ngủ. Mấy hôm gần đây, cô thường lên KGS đánh cờ vây, nên những lúc tập trung vào ván cờ, càng thờ ơ với việc chat chit ngoài Skype. Nhưng sếp cô xem ra cũng khá kiên nhẫn, hoặc cũng đang bận bịu với việc gì khác như cô, nên những lúc hỏi mà không thấy câu trả lời của cô cũng không hối thúc.

Nhưng nghĩ lại, nếu sếp cô không tỏ ra kiên nhẫn như thế, cô đã tắt hẳn Skype trước khi đăng nhập vào KSG.

Thế giới của cô hiện nay, quả thật rất hẹp.

Thậm chí cả ngày còn đi học cũng thế, cô thường co mình lại trong không gian của riêng mình, ít đụng chạm ai, cũng không muốn ai đụng chạm tới mình. Thời học sinh trôi qua một cách yên bình, đến mức khi nghĩ lại, cô hoang mang nhận ra mình không nhớ nổi quá mười đầu ngón tay những cái tên hay gương mặt trong cùng một lớp, cũng chưa bao giờ cùng bạn bè đi thăm thầy cô hoặc về họp lớp nhân dịp tết. Đôi lúc cô có cảm giác, mình đã ngủ thiếp đi khi đang xem một đoạn phim, nên có những giai đoạn trong cuộc đời cô không cách nào hồi tưởng được, chỉ biết bản thân đã bỏ lỡ một điều gì đó. Ngay cả bạn gái thân để tâm sự, cô cũng không có. Cô thường bị ám ảnh bởi suy nghĩ, mình là người đến sau trong bất kỳ mối quan hệ nào. Mỗi lần có cảm tình với một cô bạn nào đó, đang muốn kết thân, cô sẽ rất nhanh nhận ra, cô bạn đó đã có một người bạn thân thiết khác, cô có cố gắng đến đâu cũng chỉ là một mảnh ghép vô duyên trong cuộc đời người khác, trong khi cô muốn một mối quan hệ mang tính chất công bằng, cô xem người ta là bạn thân nhất, thì bạn thân nhất của người ta cũng phải là cô. Thứ cảm giác bất an khiến cô chẳng thể kết thân với bất kỳ ai, nên ngày tháng cứ lững lờ trôi như thế, để giờ khi hồi tưởng, cô chỉ thấy lại hình ảnh cô đơn của chính mình đang nằm gục đầu trên bàn mơ màng ngủ trong giờ ra chơi, hoặc ngồi ở một góc yên tĩnh của sân trường mà chăm chú đọc sách, hoặc giấu mình ở một góc lan can. Từng có người cho cô cảm giác mình là tất cả của người đó, nhưng tiếc thay, cũng chỉ là ảo tưởng của riêng cô.

Thực ra, người ta có thể chơi thân với cả một nhóm bạn, như những thằng con trai bàn bên chẳng hạn. Và cũng có thể cố gắng để dung hòa thế giới của mình và thế giới của người yêu, hoặc bạn bè, như cái cách thằng Phụng dẫn bạn gái của mình đến ăn trưa tại Cafe Trắng, và giới thiệu cho cả đám quen nhau. Cô không như Phụng, nếu cô còn người yêu, có lẽ cô vẫn sẽ như ngày trước, giữ chặt người ấy cho riêng mình, cũng không màng đến câu nói “Khi một người con trai tự hào dẫn bạn gái ra mắt bạn bè, là khi anh ta đang thể hiện thành ý muốn mở cửa đưa cô gái kia trở thành một phần cuộc sống của mình”.

Nhưng, cô không là Phụng, cũng không là người đã từng nắm rất chặt tay cô, rồi lại buông tay bỏ mặc cô một mình trong bóng đêm u tối, khi cô chỉ biết ôm chặt gối, cắn chặt chăn để không bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào đau đớn. Kể từ ngày đó, cô biết mình chỉ có thể đối xử tốt với hai loại người trên thế gian này, một là những người ràng buộc với cô bằng huyết thống, dù có đối xử tàn tệ với nhau thế nào thì vẫn không xóa hết được tơ vương vấn vít. Hai là những người khách hàng trong công việc, họ trả tiền để nhận lấy sự phục vụ từ cô, cô cố hết sức mình để nhận lấy tiền mặt hoặc những con số tăng dần trong tài khoản. Sòng phẳng. Chẳng tổn thương.

Ngay cả đồng nghiệp cũng chẳng nên kết thân, nếu không muốn mối quan hệ bị đẩy đi quá xa và dẫn đến những phiền toái không đáng có.

Vậy nên, mỗi lúc tan làm, Ánh lại thu dọn đồ đạc cho vào túi, rồi lặng lẽ bước ra ngoài đi bộ đến trạm xe bus đón tuyến về nhà. Chưa bao giờ cô nhận lời đi ăn cùng ai, cũng luôn lắc đầu trước những câu hỏi quan tâm như nhà cô ở đâu, liệu có cần ai cho quá giang… Hôm nay cũng thế, dẫu trời mưa tầm tã từ chiều, Ánh cũng chỉ lấy trong túi xách ra một chiếc ô, rồi bước ra cửa, mặc đám nhân viên đang túm tụm ngồi lại xuýt xoa tám chuyện với nhau đợi ngớt mưa mới về. Dẫu rằng ở nhà chẳng ai đợi cô.

Từ công ty ra trạm xe bus gần nhất chỉ mất chừng mười phút đi bộ, nhưng hôm nay quãng thời gian ấy bị kéo dài hơn, bởi gió cứ chực giật tung chiếc ô trên tay Ánh, và nước thì cứ đọng từng vũng trên vỉa hè, ngập cả lòng đường khiến những lúc băng sang ngã tư hết sức khó khăn. Giày và quần cô bắt đầu lấm ướt. Mưa khiến ánh đèn đường vàng vọt trở nên nhòa nhoạt, cả ánh đèn xe cũng trở nên nhạt nhòa, khiến Ánh khó khăn lắm mới nhìn ra được biển tên tuyến xe bus mình chờ. Gấp ô lại, chạy nhanh lên xe, tóc cô cũng ướt mèm một mảng. Máy lạnh trên xe bus phả từng đợt vào người, khiến cô khẽ rùng mình. Ánh xoay người dùng ngón tay miết lên mặt kính đang mờ đục vì hơi lạnh, tạo thành những hình vẽ ngoằn ngoèo, mơ hồ phác ra một cái tên, rồi lại dùng cả bàn tay xua lên xóa mất. Đường phố Sài Gòn với những chiếc xe máy mà người lái trùm kín người trong áo mưa hoặc áo mưa đôi bắt đầu hiện ra trước mắt, rồi trôi đi vùn vụt về phía sau.

Lạnh, thực sự là rất lạnh.

Ánh căng mắt nhìn ra đường, cố đoán xem xe bus đã đến những đoạn nào. Người tiếp viên trên xe cô hôm nay có vẻ lười, không nhắc khách khi sắp đến từng trạm như những người cô gặp suốt tháng qua. Cô đã để tâm theo dõi, thế mà vẫn bấm chuông hụt một tuyến, khiến sau khi xuống xe bung ô ra, cô phải đi bộ ngược lại một đoạn xa hơn bình thường. Một chiếc taxi vụt qua, cô định đưa tay vẫy rồi lại thôi vì nhận ra ghế sau có người. Đằng nào cũng ướt lem nhem, cô đành rảo bước đi nhanh về nhà trọ.

Ngang một cây xăng gần nhà, cô chợt chậm bước. Dưới ánh đèn neon sáng rực giữa một khoảng tối tăm, cô nhận ra có một dáng người đang ngồi thu lui dưới mái hiên, đầu gục lên gối, có lẽ đang tránh mưa. Dáng ngồi khiến cô bất giác xót xa, dường như mình đã từng ngồi như thế giữa một cơn mưa tầm tã, dưới mái hiên một căn nhà từng quen thuộc nhưng đã trở nên xa lạ vào thời khắc đó.

Những cơn mưa cứ thường nhắc nhớ người ta về những thứ đáng quên.

Cô nghĩ, có lẽ nên đổ tội cho định mệnh, khi cô chuyển ánh mắt từ dáng người đó lên chiếc đồng hồ trên tường trạm xăng, rồi lại nhìn dáng người đó lần cuối trước khi dứt khoát bước đi, thì người ngồi đấy lại hơi ngẩng lên, lục túi lấy ra một thứ, khiến cô thoáng giật mình khi nhận ra đó là gì.

Quên cả cảnh giác, cô bước nhanh về phía người ngồi đấy, rồi gắt khẽ, “Đừng hút thuốc gần cây xăng”, trước khi nhận ra người mình nhắc nhở.

Nơi cô đứng có thể gọi là biên giới, là lằn ranh phân cách trạm xăng và một căn hộ đóng cửa im ỉm gần đấy. Căn hộ có mái che nên người đó chạy vào trú mưa, dẫu rằng người ngợm lúc này đã ướt sũng. Nước mưa bắn mạnh vào cái người đang ngồi chồm hổm trước mắt cô, khiến chiếc áo trắng mỏng tang ôm sát vào làn da. Nơi gấu quần kaki nhạt màu giờ đã bám đầy sình bùn. Chiếc giày hiệu cũng trở nên lấm lem. Thật khác với vẻ chỉn chu mà cô đã quen thuộc.

Cô có cảm giác dường như chiếc đồng hồ thời gian ngưng đọng lại trong giây phút người đó ngước mắt lên tìm kiếm tiếng gắt gỏng, và cũng nhận ra cô.

nguyenhongtrinh
14-05-2012, 08:20 PM
truyện này viết chưa xong hả bạn

Aka!chan
17-10-2012, 04:22 PM
chưa bạn ạ, mình post tiếp nhưng chương đang viết nhé

Aka!chan
17-10-2012, 04:24 PM
Chap 11

Có bao giờ bạn rơi vào cảnh, một ngày đẹp trời, đang tung tăng tưới hoa trước sân hoặc nằm dài nơi ghế salon phòng khách mà đọc báo tận hưởng một buổi sáng yên lành, đột nhiên có tiếng chuông cửa vừa vặn vang lên. Bạn chạy ra thì thấy trước mặt mình là một anh nhân viên bưu điện hoặc người giao hàng của một dịch vụ nào đấy, chìa ra cho bạn một gói hàng đẹp đẽ yêu cầu ký nhận, dù bạn chưa từng đặt mua, cũng chẳng nghe ai nhờ nhận giùm. Nhìn cái tên người gửi quen quen, đoán là một món quà bất ngờ, bạn hớn hở cầm gói hàng, hì hục ký tên, đưa bút lại, và ngẩn ngơ nhìn anh chàng giao hàng vẫn đứng đấy, đang định mở miệng thắc mắc vì sao anh ta vẫn chưa đi, thì đã bị cướp lời bằng một câu rất ngọt ngào nhưng lại khiến bạn có cảm giác mình vừa bị “xin đểu”: ”Cho em xin chín mươi lăm nghìn tiền sách và hai mươi lăm nghìn phí vận chuyển, tất cả là một trăm hai mươi nghìn đồng”.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Khi mà nhìn lại tờ giấy mình vừa ký, đúng là có ghi số tiền phải trả thật, chứ chẳng phải chỉ có mỗi tác dụng xác nhận mình đã lấy được hàng? Bạn sẽ chửi anh giao hàng một trận vì tội xớn xác tự dưng dí vào tay bạn của nợ, bắt anh ta gọi lên công ty xem có nhầm lẫn gì không, hay sẽ ngoan ngoãn móc túi trả tiền sau đó mới gọi cho người quen hỏi cho ra lẽ, hoặc mặc kệ luôn, xem như mua phải món hàng ngoài ý muốn?

Dù phản ứng có là gì, chuyện bực mình vốn là điều không tránh khỏi.

Khổ thay, trong trường hợp này, công ty đó lại là Metoobooks.

Chuyện xảy ra trước tết hai tuần. Nhưng người è cổ ra xử lý lại là Ánh, kẻ mới vào làm chưa được nửa tháng.

Giáp tết, ấy là một quãng thời gian đầy bận rộn. Người ta quay cuồng với những sổ sách cuối năm, những thứ cần sắm sửa, những toan tính về quê, những món nợ phải thanh toán hoặc thu hồi trước tiếng pháo giao thừa… Trong bối cảnh ấy, chuyện xảy ra sơ suất trong công việc tuy vẫn khó lòng thông cảm, nhưng khiến người ta chẳng mấy ngạc nhiên. Và nhân viên của Metoo dù được training rất kỹ, nhưng ông bà ta nói chẳng sai, ai mà chẳng có lúc mắc sai lầm. Ông bà ta còn nói đúng một câu nữa, ấy là phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí.

Nên mới có chuyện, nhân viên nhận đơn hàng do thấy tên khách quen nên bất cẩn không gọi xác nhận đơn hàng đã đành, anh nhân viên giao hàng do phải giao nhiều hàng nên cũng lười mà không gọi hỏi trước khi mang túi sách đến nhà khách. Hậu quả như đã kể ở trên. Thế là sáng nay, cả công ty lại có dịp xáo động, bởi những cú điện thoại khác thường.

Hôm nay Vinh có buổi hội thảo chủ đề “Kinh doanh trên mạng”, còn nhân viên nam đã đi giao sách. Hiện trong văn phòng chỉ còn lại chị Hương kế toán, Phương PR, hai nhân viên support là Hân và Ánh. Tràn ngập phòng là một bầu không khí yên ắng, nếu không muốn nói là vô cùng ảm đạm. Sáng nay, một khách hàng đã gọi điện thoại lên phản ánh với nhân viên tư vấn bằng một thái độ tức giận. Hân là người nhận cuộc gọi đó. Khách hàng không ai xa lạ, chính là người khách xui rủi trước tết. Hân lơ ngơ không hiểu gì cả, mà đơn hàng lại quá lâu, phải mất một lúc mới tìm ra được cái đơn hàng từ lúc Hân chưa vào làm, mà đơn hàng cũng không có ghi chú gì ngoài việc đã chuyển và đã thanh toán đầy đủ. Khách thì vẫn cứ gọi dồn gọi dập dù Hân đã hứa sẽ gọi lại. Anh ta nói như quát qua tai Hân rằng: “Đợi, đợi, đợi hai năm rồi chưa đủ hay sao mà giờ còn bắt đợi. Đợi rồi cô im luôn như mấy lần trước à?”. Hai năm, tức là năm ngoái tới năm nay. Tức trên thực tế mới vài ba tháng. Hân dở khóc dở cười chưa biết tính sao thì khách cúp máy cái rụp.

Khi hiểu ra phần nào sự tình, mấy cô nàng còn lại xui Hân báo cáo lại với Tuấn để tìm phương án giải quyết. Mặc dù gắn bó với Metoo gần như từ những ngày đầu, nhưng chị Hương và Phương trước nay không phụ trách nhận điện thoại, dù có cũng khó mà nhớ nổi từng trường hợp. Nhân viên support cũ thì sau khi ôm tiền thưởng tết đã một đi không trở lại, có lẽ đã chán nản với công việc nhàm chán mà nghe chửi suốt ngày, lương lại quá đỗi bọt bèo nếu so với bao nghề hot hiện nay trong xã hội, làm tốt hết sức thì chỉ nghe người ta khen chung danh tiếng công ty chứ mấy ai tỉ mỉ hỏi đến tên người chăm sóc khách hàng.

Nhưng cả Tuấn cũng chẳng giúp được gì, ngoài việc đề nghị chuyển qua cho Ánh xử lý. Cô kiểm tra lại số điện thoại trong danh sách khách hàng, tìm lại đơn hàng cũ một lúc, rồi gọi lại cho người khách kia. Vừa nghe câu tự giới thiệu “nhân viên Metoobooks”, đập vào tai Ánh lại là một tràng than thở rủa xả. Phải im lặng lắng nghe một lúc, sau đó nhẹ nhàng khơi gợi, khách hàng kia mới hậm hực kể lại câu chuyện trước tết. Ánh cúp máy sau khi hẹn sẽ gọi lại sớm nhất có thể, rồi xoay sang kể với mọi người. Ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Chuyện đã thế, đòi công ty giải quyết thì biết giải quyết thế nào? Và rõ ràng anh ta đã kêu ca phàn nàn rồi, sao giờ lại đào xới chuyện cũ mà kêu ca mãi? Trong khi bản thân anh ta chẳng chịu hợp tác gì cả, cứ buộc mọi người phải tự nhớ ra. Ai nhớ nổi một đơn hàng của nhiều tháng trước, giữa hàng đống khách hàng?

Cuối cùng, bé Hân giơ tay thỏ thẻ: “Sếp ơi, sau này sếp tài trợ cho em một cuốn sổ tay to to đèm đẹp nhá, em ghi chú lại mấy cái quan trọng về khách… giống chị Ánh”.

Tuấn nhíu mày: “Giấy note bình thường không đủ sao?”

“Ghi sổ cho dễ lưu trữ sếp ơi, sau này em có nghỉ việc lấy chồng thì bàn giao lại cho nhân viên mới. Trước giờ chỉ lưu thông tin cá nhân địa chỉ này nọ thôi, không ghi chú những yêu cầu đặc biệt hoặc những thắc mắc, khiếu nại thế này”.

Anh gật gù, lại hỏi, thế có ai nghĩ ra phương án giải quyết chuyện này chưa? Lần này đến lượt Phương lên tiếng: “Em nghĩ nên cử người gọi điện cho người nhận hàng để xin lỗi và giải thích, sau đó hẹn ngày giờ đến hoàn tiền lại cho người đó. Đối với người mua, mình cũng xin lỗi, rồi nhờ anh ta chuyển tiền sách lại cho mình, giảm giá một chút coi như đền bù”.

“Thế nếu anh ta không chịu chuyển thì sao?”

“Thì chịu vậy chứ sao. Mất ít tiền nhưng đổi lại giữ được uy tín. Đáng ra mình không lấy tiền của anh ta cũng được, nhưng sợ thành tiền lệ, sau này lỡ đơn hàng lớn cũng sơ suất thế thì…”

“Còn có lần sau sao?” – Hân le lưỡi.

“Ai biết được. Nói chung tùy sếp duyệt xem nên đền tiền lại, hay cứ đòi tiền nhưng giảm giá, hay tặng món gì đó cho anh ta để xoa dịu và cảm ơn vì đã góp ý, ủng hộ. Chứ không một người than phiền rồi lan truyền thì không tốt”. Phương học theo vẻ trầm ngâm của anh. Có vẻ cô nàng đã dần biết cách xử lý khủng hoảng.

Sau một lúc trao đổi, cuối cùng mọi người cũng thống nhất được hình thức đền bù đối với vị khách kia. Ánh được đẩy cho trách nhiệm thương lượng. Cuộc điện thoại kéo dài hơn mười lăm phút. Khi điện thoại đặt xuống, tất cả xúm quanh cô mà hồi hộp hỏi “Thế nào?”, dù căn cứ vào thái độ của Ánh khi nghe điện thoại, cũng có thể đoán được mọi chuyện có lẽ đã ổn. Cả Tuấn cũng thong thả bước ra phòng lớn.

Ánh mỉm cười, nụ cười hiếm hoi của cô nơi công sở, có lẽ cô hiểu tình huống này nên để mọi người yên lòng: “Không cần chuyển tiền lại, khách hàng đã tự giải quyết rồi”.

“Sao, sao, giải quyết thế nào?”

“Anh ta nhờ một cậu bạn giả làm nhân viên của Metoobooks đến nhà người kia xin lỗi và hoàn tiền lại rồi”.

“Hả?”

Bao nhân viên buộc miệng há hốc phát ra một trong những từ được sử dụng nhiều nhất ViệtNamđó. Việc để khách hàng làm vậy chẳng khác nào tự vả vào mặt mình.

Ánh lại nói bằng một giọng thờ ơ, lơ đãng quen thuộc: “Có lúc, cái khách hàng cần, chỉ là việc chúng ta chịu nhận sai, nói lời xin lỗi và đưa ra một phương án giải quyết rõ ràng thôi. Ai chẳng muốn ý kiến của mình được lắng nghe và tôn trọng”.