PDA

View Full Version : Bí mật đời geisha lên blog



Kasumi
26-01-2007, 02:35 PM
Cuộc sống của Ichimame là một chuỗi lặp lại của những buổi tiệc tùng, những tiệm làm tóc, bộ kimono sang trọng, các giờ học muá... Hơn hết thảy là hàng tiếng đồng hồ ngồi như tạc tượng trước gương, tô vẽ cho khuôn mặt trắng bệch như phấn và cặp môi đỏ như màu máu.


http://img157.imageshack.us/img157/6136/geishaah2.jpg
Nguồn: AFP


Ấy thế mà cô gái 18 tuổi người Nhật này vẫn tìm ra được thời gian để viết blog - trang blog đầu tiên được viết ra bởi một geisha tập sự. Nó đã hé ra một cánh cửa nhỏ, dẫn độc giả bước vào một thế giới được phủ quanh bởi muôn vàn bí ẩn, những câu hỏi và sự khó hiểu.

Từ bao thế kỷ nay, những nàng geisha "tài nữ" luôn được các vị khách giàu có, quý tộc của Nhật Bản xúm xít vây quanh, và họ luôn là ngôi sao của các phòng trà, các tiệm ăn sang trọng.

Nhưng bước vào thời kỳ hiện đại, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các hộp đêm, các quán bar và tiệm karaoke mọc lên nhan nhản khắp đường phố, các nàng geisha của cố đô Kyoto cũng không thể ngoảnh mặt quay lưng với công nghệ cao.

Chậm rãi và từ tốn, họ bước vào thế kỷ 21 với những website cá nhân, những bài học tiếng Anh. Một số thậm chí còn tham gia làm người mẫu và đi tour trình diễn ở nước ngoài.

Nằm trong một dãy nhà xây toàn bằng gỗ trong một con phố hẹp ở Kamishichiken, quận lâu đời nhất trong số 5 "quận Geisha" của Cố đô, phòng trà Ichi trông chả có vẻ gì là mái nhà của một blogger.

Thế nhưng chính tại đây, trong suốt 12 tháng qua, Ichimame đã miệt mài viết về những nỗ lực hàng ngày của cô để có thể chơi được thành thạo cây đàn shamisen 3 dây, thổi được sáo flute shakuhachi và lướt đi như mây theo những vũ đạo truyền thống đầy phức tạp và rối rắm.

Được thể hiện bằng một văn phong du dương đậm chất Kyoto, trang blog ichi.dreamblog.jp đã thu hút lượng hit lên tới vài ngàn mỗi tháng. Hơn ai hết, độc giả của cô háo hức được dòm ngó và xé toang tấm màn bí ẩn vẫn bao quanh thế giới nổi tiếng kín đáo và trầm mặc của các geisha.

Quỳ gối trên một tấm thảm mây tatami, lộng lẫy bên trong tấm áo kimono màu xanh lục, mái tóc được bới hết sức cẩn thận bên trên một khuôn mặt giống như búp bê bằng sứ, Ichimame viết trên blog rằng cô "khuyến khích" tất cả những cô gái trẻ đang ôm mộng thành geisha khác.

Cũng giống như Ichimame, nhiều cô gái trẻ đã nộp đơn xin làm maiko (tức geisha tập sự) từ năm 15 tuổi. Nhưng thường thì khi tiếp xúc với các quy củ ngặt nghèo của nghề này, nhiều người trong số họ đã đổi ý.

Thập niên 20 của thế kỷ trước, có tới hàng chục ngàn geisha hoạt động ở Nhật Bản, nhưng ngày nay, theo thống kê sơ bộ, cả Kyoto chỉ còn lại 280 người cả geisha lẫn maiko mà thôi.

"Số người trụ lại được thật sự rất ít. Tôi hy vọng trang blog nhỏ này sẽ giúp một tay cho họ, những cô gái trẻ thực sự muốn trở thành geisha", Ichimame bộc bạch. Và quả thực, Ichimame đã động viên thành công một cô gái khác vào làm maiko ở cùng phòng trà với mình. Có cả thảy 3 maiko và 1 geisha đang làm việc trong phòng trà này.

Trong một bài viết gần đây, Ichimame có mô tả cặn kẽ cách cô trang điểm cho khuôn mặt của mình, bao gồm cả việc tán loại phấn trắng "oshiroi" đặc biệt. "Phía dưới mắt, tôi kẻ một vệt đỏ mờ mờ. Sau đó, tôi tô má bằng màu hồng và cuối cùng là quệt lên môi một loại son đỏ trộn với nước".

Những người bán giấc mơ

Susumu Harema, viên quản lý 35 tuổi của phòng trà Ichi (nơi Ichimame đang làm việc) luôn cảm thấy các bộ phim và tiểu thuyết nước ngoài đã hiểu sai và thể hiện sai thế giới của geisha. Nhiều người ngoại quốc tưởng rằng geisha là một dạng của gái "bán hoa" cao cấp, vì họ được trả tiền để giải khuây cho các khách hàng nam giới lắm tiền.

"Thực tế hoàn toàn khác. Chuyện bán mình cho khách không bao giờ xảy ra, dù chỉ một lần trong suốt lịch sử geisha tại cố đô Kyoto này. Các geisha chỉ hát, múa và trò chuyện với khách hàng mà thôi. Đó mới là công việc của họ, để giúp khách khuây khỏa và thư giãn", anh cho biết.

Ngay lúc này đây, nhiều người vẫn tưởng rằng maiko và geisha "bán mình vào nghề" là để trả nợ. Nhưng trên thực tế, đó là sự lựa chọn của chính họ, và họ phải tìm mọi cách để thuyết phục chủ nhân phòng trà nhận mình vào làm.

Những ngày đầu, một geisha tập sự (maiko) phải trợ giúp các việc vặt trong nhà song song với việc tiếp thu các quy tắc vỡ lòng. Thường phải mất ít nhất nửa năm để một cô gái trở thành maiko, sau đó, lại mất thêm ít nhất 4 năm nữa để họ thu thập đủ điểm số và trở thành geisha.

Trong một gian buồng nhỏ ở phòng trà Ichi, maiko và geisha ngồi sát cạnh khách, rót rượu, chơi nhạc, hát và múa... Mục đích duy nhất là giúp cho các vị khách giàu có cảm thấy thư giãn mà quên đi những lo toan, sức ép thường nhật của cuộc sống bên ngoài.

"Họ bán những giấc mơ. Mà giấc mơ đó thì chẳng bao giờ là ngồi tâm sự với bà vợ quàu quạu, khó tính ở nhà rồi", Peter MacIntosh, một cư dân lâu năm ở Kyoto cho biết. Peter đã dành suốt một thập kỷ qua để chụp hình, nghiên cứu và tuyển dụng geisha. Thậm chí, ông còn cưới một geisha làm vợ.

"Khi ở cạnh một geisha, bạn sẽ không bao giờ nói với cô ấy về những hóa đơn tiền nước, tiền thuê nhà hay những khoản nợ của mình. Họ làm cho bạn có cảm giác như mình là một người đặc biệt", Peter cho biết.

Với Ichimame, phần tuyệt nhất khi làm một maiko là thi thoảng được khách mời đến những nhà hàng đầu bảng tại Cố đô Kyoto, nơi mà những cô gái khác ở tầm tuổi cô chỉ dám mơ đến mà thôi. Ngoài ra, những lúc được giáo viên khen ngợi là "thanh nhạc có tiến bộ" cũng làm Ichimame sướng đến ngây ngất.

"Nhưng khó khăn thì nhiều lắm", Ichimame nói. "Một trong số đó là giữ cho mái tóc của bạn không bị bung ra bằng cách gối đầu lên một chiếc gối rất cao. Hồi đầu, tôi không tài nào ngủ được vì còn mải lo "Làm sao đây nếu như tóc bị hỏng?". Thế rồi tôi chìm vào giấc ngủ trong nỗi lo lắng lúc nào không biết".

Các maiko phải chờ đến khi qua 20 tuổi mới có thể được nâng lên thành geisha. Một khi đã "nâng bậc", họ sẽ ít phải mặc những bộ kimono sặc sỡ hơn. Hóa trang cũng đơn giản và đỡ lòe loẹt hơn.

"Tôi biết mình muốn trở thành geisha từ năm 11 tuổi, khi tình cờ xem thấy một geisha biểu diễn trong lễ hội viếng đền mùa xuân", Ichimame viết. Bố mẹ cô rất ủng hộ quyết định này, mặc dù hiện tại, cô chỉ được phép ghé thăm họ hai lần mỗi năm. Một lần vào dịp Năm mới, còn dịp kia là ngày lễ gia đình Obon hồi tháng 8.

Chịu trách nhiệm quản lý cuộc sống hàng ngày của Ichimame lúc này chính là bà chủ phòng trà, người được mọi người gọi là "Okaasan" (Mẹ). Okaasan sẽ quản lý mọi việc có liên quan đến Ichimame, từ hôm nay cô sẽ mặc bộ kimono nào cho đến khi nào thì cô bước ra để phục vụ khách hàng.

Trên thực tế, việc cô viết blog cũng phải nhận được cái gật đầu của Okaasan. Và cô đã cam kết với "Mẹ" rằng không hé răng nửa lời về những bí mật liên quan đến khách hàng của mình.

Theo Trọng Cầm
TTOL