PDA

View Full Version : 12 người lập ra nước Nhật



Kasumi
10-02-2007, 11:33 AM
http://www.erct.com/2-ThoVan/DLMo/12men/12nin.gif http://www.erct.com/2-ThoVan/DLMo/12men/12Nguoi_bia-40.JPG
Nguyên tác của : Sakaiya Taichi Người dịch : Đặng Lương Mô


12 người lập ra nước Nhật


Nguồn: erct.com

Mục lục

Lời tựa của dịch giả (#78) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=507855&viewfull=1#post507855)

Mở đầu: Bây giờ chính là lúc học lịch sử (#1)

Chương I: Thái tử Shotoku (#2) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=69971&viewfull=1#post69971)
- Người khởi xướng "tư tưởng gộp đạo Thần-Phật-Nho"

Thủy tổ của khái niệm tôn giáo của người Nhật
Thời chuyển tiếp từ "thời sơ cổ" sang "thời cổ"
Sự đối lập xung quanh vấn đề công nhận Phật giáo
"Chính quyền liên hiệp" giữa hoàng gia và họ Soga
Khởi xướng "tư tưởng gộp đạo" duy nhất trên thế giới
Phong cách "chọn lấy chỗ tốt"
Cội nguồn của "xã hội chức lộc"

Chương II : Hikaru Genji (#8) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=69977&viewfull=1#post69977)
- Người mẫu cho kiểu "chính khách thanh nhã"

Hikaru Genji có thật không?
Ðại biểu cho giới quý tộc thời đại Heian
Việc làm của một chính khách quý tộc
Ðiểm gốc của khái niệm "thanh nhã"
Sự xuất hiện của chính trị gia kiểu "Hikari Genji"
Tính cách vô lãnh đạo của "Chủ nghĩa tập thể"
Khác nhau lớn giữa "quý phái" và "thanh nhã"
"Thanh nhã kiểu Nhật" không còn đắc dụng nữa

Chương III : Minamoto Yoritomo (#14) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=69983&viewfull=1#post69983)
- Người sáng chế ra "cấu tạo quyền lực hai tầng"

"Chính quyền kỳ lạ" chưa từng thấy
Yoritomo xuất hiện
"Chinh di Ðại tướng" chỉ là một chức tư lệnh quân đội
Bề ngoài là chế độ luật lệnh, thực chất là cơ chế "mạc phủ"
Bắt đầu truyền thống "thực quyền thuộc kẻ dưới"
Yoritomo mở ra nền "chính trị võ gia"
Người nắm quyền lực lớn Hojo Masako xuất hiện
Quan chức ngoài luật lệnh đã sinh ra cấu trúc hai tầng

Chương IV : Oda Nobunaga (#77) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=507854&viewfull=1#post507854)
- Người anh hùng bị phủ nhận của lịch sử Nhật Bản

Thời chiến quốc, thời kỳ đổi mới kỹ thuật lớn
Thằng đại ngốc thống nhất vùng Owari
Trận Okehazama không phải là đánh úp
Phương sách "phân ly binh nông" thể hiện nhu cầu thời đại
Chiến thuật mới là "Chơi xấu"
Cơ chế thị trường tự do "chợ vui, tổ buôn vui" đã làm đổi nền kinh tế
Sự thay đổi tổ chức và sư xuất hiện của "binh gia" chuyên nghiệp
"Rải võ ra khắp thiên hạ" và ý thức "quốc gia"
Viễn tượng về một vương quyền tuyệt đối đầu tiên trên thế giới

Chương V : Ishida Mitsunari (#20) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=69989&viewfull=1#post69989)
- Người sáng tạo ra loại hình "Kế hoạch kiểu Nhật"

Thủy tổ của kế hoạch do quan liêu trung cấp
Vận không may và vụng đánh trận
Năm quan Ðại Lão và năm quan Chấp Chính
Mưu đồ vĩ đại
Phương pháp làm kế hoạch của Mitsunari
Dùng Mori Terumoto làm tổng chỉ huy để chống lại Tokugawa Yeyasu
Kịch hay, diễn dở

Chương VI : Tokugawa Yeyasu (#27) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=69996&viewfull=1#post69996) - Cải cách với "ý chí tăng trưởng"

Từ "con tin" trở thành "đại chúa tể"
Dựng thành Edo với chức năng thủ đô.
Triết lý "tín nghĩa" và "nhẫn nại"
Việc phổ cập "ý thức quan trên" và nền "trật tự phong kiến"
Tiêu chuẩn đánh giá nhân tính của Ieyasu
Từ "xu hướng tăng trưởng" tới "xu hướng ổn định"
Sự hình thành của bản tính "đảo quốc" và tính "nghi kị ngoại quốc"

Chương VII: Ishida Baigan (#33) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70002&viewfull=1#post70002)
- Triết lý dân gian "cần cù và tiết kiệm"

Thủy tổ của "Tâm học Thạch môn"
Xã hội võ sĩ samurai là xã hội "tổng số zero"
Sự phát đạt “bong bóng” thời Genroku
Thời Yoshimune có thế tình giống như ngày nay
Làm ăn cần cù là tu thân
Ngồi không là uổng
Mâu thuẫn giữa làm ăn cần mẫn và lối sống thanh bần
Chủ trương chi ly đã trở thành thói quen buôn bán
Sự kỹ tính phát triển thành lý luận về nhân cách của con người trong tổ chức
Ý thức "Xa xỉ là kẻ Ðịch"
"Chủ nghĩa đâu ra đó" phát sinh ra từ nền Tâm học Thạch Môn

Chương VIII: Okubo Toshimichi (#40) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70009&viewfull=1#post70009)
- Người dựng nên "chế độ quan liêu (công chức)"

Nguồn gốc của thể chế "quan liêu (công chức) chỉ đạo"
Chế độ quan liêu (công chức) đã không thể thiếu được cho sự hiện đại hóa.
Dùng quyền hạn và mưu lược phân hóa phe phản đối
Xây dựng một nước không để cho ngoại quốc coi thường
Xây dựng cơ chế trong nước dập theo Ðế quốc Ðức.
Giữ chức Bộ trưởng Nội vụ nắm toàn thể nền chính trị quốc gia
Chế độ quan liêu được tăng cường sau khi Okubo qua đời
Khuyết điểm của chế độ quan liêu kiểu Ðức
Tình trạng bó chân bó tay ngày nay

Chương IX: Shibusawa Ei-ichi (#47) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70016&viewfull=1#post70016)
- Thủy tổ của "chủ nghĩa tư bản Nhật"

Người lập ra "giới kinh tài"
Trước nhất lập ra chế độ lưu thông tiền tệ
Cha đẻ ra chủ nghĩa hòa hợp kiểu Nhật Bản
Iwasaki Yataro, một tồn tại đối chọi
Chủ nghĩa cá nhân trong phép kinh doanh của Iwasaki
Ðối chọi trực tiếp với Iwasaki trong ngành vận tải đường biển
"Tài phiệt" và Nhóm Xí nghiệp Liên hệ khác nhau thế nào?
"Giới tài phiệt," đoàn thể của những nhà kinh doanh làm thuê
Khuyết điểm của chủ nghĩa góp vốn
Thang danh vọng kiểu Nhật Bản
Ðã đến lúc thoát xác khỏi mẫu người Shibusawa
Giới hạn của sáng kiến xuất phát từ "Luận ngữ"

Chương X: MacArthur (#54) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70023&viewfull=1#post70023)
- Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một "nước Mỹ lý tưởng"

Tốt nghiệp thủ khoa trường võ bị Westpoint
Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản
Biến thành kiểu mẫu cho một "nước Mỹ lý tường"
Hãy là Thụy Sĩ của Viễn Ðông
Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn
Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương trở nên trống rộng
"Thể chế năm ‘55" đánh đổ chính sách giải thể tài phiệt và giải phóng đất nông nghiệp
Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc
Cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ
Phủ định tinh thần sinh ra sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng
Là quân nhân đồng thời là nhà chính trị

Chương XI: Ikeda Hayato (#60) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70029&viewfull=1#post70029)
- Sự thực hiện một đại cường quốc kinh tế

Con đường tới "gấp đôi thu nhập"
Một công chức (quan liêu) thành đạt muộn
Bắt đầu tôn thở GNP (Tổng Sản Phẩm (Sản lượng) Quốc gia)
Gặp dịp phồn thịnh chưa từng thấy từ thời Jinmu
Thành công vượt xa kế hoạch
Ý nghĩa của câu nói "người nghèo hãy ăn lúa mạch"
Hướng tia mắt nhìn của quốc dân vào nước Mỹ giầu có
Xây nhà máy trước nhất để phát triển địa phương
Quy cách hóa con người và tập trung dân số vào thành thị
Tăng cường thể chế chỉ đạo của quan liêu
Sức mạnh của Hội Hoằng Chì trong việc thâu góp tiền ủng hộ

Chương XII: Matsushita Konosuke (#67) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70036&viewfull=1#post70036)
- Kinh doanh kiểu Nhật Bản và triết lý kinh doanh

Doanh gia trở thành anh hùng dân tôc
Gặp gỡ điện khí
Sự phổ cập "đường lối kinh doanh Matsushita" qua mạng lưới bán vững chắc
Tại sao trở thành anh hùng dân tộc được?
Khởi đầu kiểu "Kinh doanh Nhật Bản" với hình thức làm công suốt đời
Kỹ thuật thì Honda, Kinh doanh thì Matsushita
Công bố và thực thi phong trào PHP
Xúc tiến chí hướng lập thân xử thế
Ðẻ ra "Người xí nghiệp" và "Xã hội chức lộc"
Tạo ra ảo tưởng coi doanh gia là "tài giỏi"
Ðã đến lúc vượt qua ảnh hưởng của vĩ nhân

Chương kết: Kết luận (#73) (http://japanest.com/forum/showthread.php/5802-12-nguoi-lap-ra-nuoc-Nhat?p=70042&viewfull=1#post70042)



Lời mở đầu

Bây giờ chính là lúc học lịch sử



Nhật Bản hiện đang ở thời kỳ đổi mới lớn.

Trong thời kỳ đổi mới này, cái gì sẽ thay đổi và cái gì sẽ không thay đổi? Nếu thay đổi thì thay đổi như thế nào, yếu tố cũ nào nên giữ lại, yếu tố mới nào nên tiếp thu thêm?

Nghĩ như trên, trước hết phải hiểu thấu cái dòng lịch sử đã biến thành xương, thành thịt, thành con tim, thành “lòng” người Nhật.

Trong những cái coi là "có tính Nhật Bản," có cái đã hình thành sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương[1], cũng có cái mới chỉ lan truyền rộng ra từ những năm chót của thập niên 1980, tức là khi "cơn thịnh vượng kinh tế bong bóng" hay là khi "xã hội ít con" đã xuất hiện, song cũng có cái đã được vun trồng trong sự kế thừa liên miên của lịch sử. Phần lớn những cái đó đã trở thành "tính dân tộc," "tính quốc dân" khó có thể thay đổi được.

Xưa nay, Nhật Bản có đủ loại hình văn hóa du nhập vào. Tổ tiên người Nhật đã tiếp xúc bằng con mắt kinh hoàng những văn hóa về hình thức sinh hoạt, từ quần áo, thức ăn, nhà ở tới kỹ thuật, học vấn, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo, chính trị, v.v., rồi đã chọn lọc kỹ càng, cái thì bỏ đi, cái thì tiêu hóa đi rồi cải tạo và vun đắp thành "tính Nhật," "kiểu Nhật." Ðây chính là một đặc trưng lớn của Nhật Bản và của người Nhật.

Hiện nay, Nhật Bản đang ở thời kỳ biến chuyển mạnh. "Chiến tranh lạnh" kết thúc đã làm cho thế giới đổi mới, đồng thời cái "thể chế hậu chiến[2]" dễ thở ở Nhật Bản cũng đã băng hoại luôn rồi. Chính lúc này mới là lúc cần phải nhìn lại lịch sử, đi tìm cái lai lịch của Nhật Bản, tìm hiểu và nắm cho vững cái đặc sắc của xã hội và nền văn hóa mà người Nhật đã vun đắp lên.

Những vấn đề thời sự như cục diện chính trị, biến động thị trường từng ngày từng giờ thì đều dễ hiểu, dễ kể lại. Ai ai cũng ngóng nghe, và báo chí cũng loan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, nếu nghĩ tới tương lai nước Nhật và người Nhật, tới cái mối quan hệ của nước Nhật và người Nhật với thế giới, thì cần phải nhìn thấu suốt lịch sử cùng bản chất của nước Nhật và người Nhật.

Trong những căn nguyên đã làm thành cái đặc trưng của nước Nhật Bản và người Nhật Bản, cái đặc sắc của xã hội Nhật Bản, thì có "vật" và "người," tức là "phong thổ" và "nhân vật."

Nói về phong thổ, Nhật Bản quả có một địa thế đặc biệt trên thế giới.

Thứ nhất, Nhật Bản nằm trong vùng gió mùa châu Á, có khí hậu tương đối ấm áp và ẩm ướt. Trạng thái này rất thích hợp cho việc trồng lúa. Vì thế, nền nông nghiệp trồng lúa đã phát triển rộng lớn. Lật lại những trang sử của Nhật Bản, người ta thấy rằng ngay sau thời đại bắt cá, gọi là thời "hoa văn dây thừng[3]," thời đại canh tác thóc lúa đã xuất hiện rồi. Thời đại "du mục, chăn nuôi" vốn chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử thế giới, thì lại không thấy có ở Nhật Bản. Núi non hiểm trở và bình nguyên nhỏ hẹp của lãnh thổ Nhật Bản không thích hợp cho việc xua đuổi chăn nuôi những đàn súc vật đông đảo. Vì vậy, người Nhật chỉ có những quan hệ rất mỏng manh với gia súc, và như vậy so với những nước khác vốn đã có kinh nghiệm của thời chăn nuôi gia súc, thì người Nhật tỏ ra yếu kém về thuật chế ngự những con vật có trí khôn.

Ðặc điểm thứ hai là lãnh thổ Nhật Bản do bốn hòn đảo lớn hình thành và ngăn cách với những nước khác bằng một "vùng biển không hẹp." Ðiều này có nghĩa là việc vượt biển vào Nhật Bản bằng số đông có tổ chức tập thể, có mục đích quân sự hoặc mục đích chính trị, thì rất khó. Tuy nhiên, vùng biển này lại không rộng đến nỗi không thể vượt qua được, dù chỉ bằng kỹ thuật thô sơ của thời cổ xưa. Vì vậy, sự ghi chép về người Nhật xuất hiện trong triều đình Trung Hoa đã có từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên.

Nói cách khác, quần đảo Nhật Bản vừa có tính cách cô lập về mặt quân sự và chính trị, song mặt khác lại có tính giao lưu văn hóa từ cổ xưa. May mắn thay, ở bờ bên kia vùng biển không quá hẹp cũng không quá rộng này, có bán đảo Triều Tiên và đại lục Trung Hoa, tức là một trong những vùng mở mang tiên tiến nhất trong lịch sử văn minh nhân loại.

Ở xa đại lục một quãng cách tương tự như Nhật Bản còn có Cuba và Madagasca. Song trong trường hợp những nước này, thì châu lục Mỹ hoặc châu lục Phi ở bờ bên kia, lại chỉ có nền văn minh cổ đại không lấy gì làm phát triển cho lắm. Bởi vậy, những đảo quốc này đã không được sự du nhập liên tục của những văn hóa cao độ từ đại lục vào. Ở điểm này, có thể nói cái vị trí địa lý của Nhật Bản, vừa cách xa không để cho các thế lực quân sự vượt qua được, nhưng lại vừa đủ gần để cho văn hóa vãng lai được, thì quả là độc đáo trên thế giới.

Ðặc điểm thứ ba là bốn hòn đảo chính của Nhật Bản làm thành một nhóm rất gọn. Hokkaido phát triển muộn hơn, chứ Kyushu, Shikoku và Honshu thì đã hợp lại thành một nước và có điều kiện thiên nhiên để phát triển. Vì vậy, khi có cùng một nền văn hóa đã phát triển, nên nếu có một thế lực chính trị nòng cốt ra đời, thì toàn thể dễ trở thành một quốc gia.

Chính vì vậy mà kể từ khi lịch sử viết thành chữ ra đời, tức là từ tiền bán thế kỷ thứ VII, cho tới nay, một quãng thời gian khoảng chừng 1400 năm, ở Nhật Bản đã có nhiều cuộc tranh chấp chính trị, nhiều vụ nội loạn, song trong tất cả những bè phái tranh giành nhau như vậy, không thấy có ai tự mình tuyên bố rằng "ta đây là một nước khác không phải là Nhật Bản." Phần lãnh thổ chủ yếu thì chưa bao giờ bị nước ngoài cai trị lâu năm cả, quốc gia cũng chưa bao giờ bị phân cắt.

Ba điều kiện kể trên, tức là "địa thế và khí hậu," "vị trí quốc tế" và "sự tóm gọn của lãnh thổ," quả thật đã có ảnh hưởng quan trọng và lớn lao tới lịch sử Nhật Bản. Có lẽ cũng vì vậy mà người Nhật ưa luận về "phong thổ," bất cứ sự việc gì cũng thuyết giải từ phong thổ. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào phong thổ không thôi, thì đó cũng có khi nguy hiểm.

Thí dụ võ tướng Oda Nobunaga là người có tính tình rất phóng đạt, thì thường được giải thích rằng đó là bởi vì ông sinh trưởng ở vùng bình nguyên Mino-Owari rộng lớn. Song le, thời đại Nobunaga sinh ra, thì bình nguyên đó toàn là đồng lầy, có sông ngòi chi chít và rất ít quãng rộng cho ngựa chạy vòng quanh. Nghĩa là khó có thể nói rằng nhờ sinh trưởng ở vùng đồng bằng mà Nobunaga đã có tính tình phóng đạt như vậy được.

Nói cách khác, từ luận về phong thổ, rồi đi đến giải thích tính tình con người, hay có khi cả tình trạng của một chính quyền, là việc làm gò bó. Phong thổ Nhật Bản quả có ảnh hưởng rất lớn tới nước Nhật và người Nhật, song cái gì cũng chứng minh bằng sự xuất phát từ đó, thì e dễ sinh ra nhầm lẫn.

Ngược lại, ảnh hưởng của một "nhân vật" đặc thù nào đó, hoặc của một giai tầng hay tập thể mà nhân vật đó là tượng trưng, thì không nhỏ. Có không ít những cái mà nay ta coi là đương nhiên, thì một lúc nào đó trước đây đã do một người nào đó làm và từ đó đẻ ra tính độc đáo, tạo ra tính dân tộc riêng biệt của Nhật Bản.

Dĩ nhiên cái đó không phải chỉ do năng lực của cá nhân đó hay sự ngẫu nhiên mà xẩy ra được. Có lẽ nên nói rằng người đó, giai tầng người đó đã làm công việc tất yếu lịch sử, thì đúng hơn. Thế nhưng để cho dễ hiểu, nếu coi sự việc như vậy chẳng qua là đã được tượng trưng hóa bởi một nhân vật đặc thù nào đó, thì đây không phải là phương pháp dở.

Sách này chọn 12 "nhân vật" tượng trưng đã để lại ảnh hưởng sâu đậm đối với nước Nhật cho tới ngày nay.

Những người này đã hành động như thế nào trong giai đoạn nào của lịch sử? Ðiều mà họ đã làm còn tồn tại trong người Nhật ngày nay như thế nào? Nó đã kìm hãm ý nghĩ của người Nhật, của xã hội Nhật như thế nào? Thế rồi từ nay về sau, trong sự giao tế với thế giới, nó sẽ ảnh hưởng ra sao?

Cuốn sách này chính là muốn luận về những "nhân vật" này từ quan điểm như vậy.

Trong luận cứ như vậy, cả những "sự thật" đã được thần thoại hóa trong lịch sử cũng sẽ được đề cập, chứ không riêng gì sự nghiệp lịch sử của người đó, lai lịch xác đáng của người đó, hình ảnh đúng của người đó trong thời đại người đó thực sự sống. Tuy nhiên, cái tổng thể, kể cả những điều như vậy, đang có ảnh hưởng như thế nào tới nước Nhật và người Nhật ngày nay, sẽ để lại cái gì cho Nhật Bản sau này, và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng như thế nào, chính là điều chúng tôi có chủ ý tìm hiểu ở đây.


Chú thích:

[1] Chiến tranh Thái Bình Dương là nói mảng Thái Bình Dương của trận Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

[2] “Thể chế hậu chiến” cũng gọi là “thể chế năm 55.”

[3] Jomon Jidai.

Kasumi
10-02-2007, 11:41 AM
Thái tử Shotoku
Người khởi xướng tư tưởng gộp đạo Thần-Phật-Nho


http://img184.imageshack.us/img184/9879/shoutokutq8.th.jpg (http://img184.imageshack.us/my.php?image=shoutokutq8.jpg)

Thủy tổ của khái niệm tôn giáo của người Nhật

Thái tử Shotoku là một trong những "nhân vật" quen biết nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Sau khi qua đời ông được đặt tên thụy là Shotoku Taishi, tức là Thái tử Shotoku, chứ sinh thời ông tên là Umayado no Miko hoặc Kamitsu Umayado no Toyotomimi no Oji.

Những ai sinh trước thập niên 1960, thì hẳn còn nhớ hình bán thân Thái tử Shotoku in trên tờ giấy bạc 5 ngàn Yen hay tờ 10 ngàn Yen cũ. Ðây chỉ là một phần của hình vẽ thái tử đứng chung với hai người con. Hơn nữa, hình vẽ này có miêu tả đúng thái tử hay không, là vấn đề còn cần phải bàn luận thêm. Nhưng dù sao, hình vẽ này cũng đã trở thành quen thuộc như là "bộ mặt Thái tử Shotoku" vậy.

Truyền thuyết về Thái tử Shotoku trên phương diện tôn giáo và văn hóa có rất nhiều. Ðến nỗi ở hậu bán thập niên 1980, người ta đã thấy xuất hiện một tập sách hoạt họa vẽ Thái tử Shotoku, bán rất chạy trong giới trẻ. Một nhân vật lịch sử hoạt động về tôn giáo và ngoại giao, thường ra khó trở thành đề tài kể chuyện Kodan[1] hay đề tài truyện cổ, thế mà đã thành kịch hí họa bán chạy, thì cũng lạ.

Thái tử Shotoku được chọn làm người thứ nhất trong "Mười hai người dựng nên nước Nhật," chính vì ông là người khởi xướng đồng thời là người thực hành "tư tưởng gộp đạo Thần-Phật-Nho," tư tưởng đã được cụ thể hóa thành quan niệm tôn giáo chi phối tâm thức người Nhật trong suốt một nghìn bốn trăm năm qua.

Ðây là tư tưởng tôn sùng cùng một lúc ba giáo lý: đó là Thần đạo hay tôn giáo dân gian của Nhật Bản, Phật giáo hay tôn giáo phát sinh ra ở Ấn Ðộ rồi truyền qua Trung Hoa và bán đảo Triều Tiên vào Nhật Bản, và Nho giáo phát sinh ra ở Trung Hoa, tức là những quy phạm đạo đức làm khuôn mẫu cho cách xử thế.

Từ đó tới nay, cái tư tưởng này không những đã quyết định hẳn quan niệm tôn giáo và quan niệm văn hóa của người Nhật, mà còn có ảnh hưởng lớn tới cung cách đối xử khi Nhật Bản tiếp thu văn hóa hay kỹ thuật từ nước ngoài vào. Ðồng thời, từ sau khi tư tưởng gộp đạo đã bén rễ rồi, thì tôn giáo không còn là một trục đối lập đáng kể ở Nhật Bản nữa. Thậm chí nếu một tôn giáo mới (ví dụ đạo Cơ Ðốc) du nhập vào, thì đó chẳng qua là lại có thêm một đối tượng nữa để tôn sùng. Sự khác biệt tôn giáo chỉ là ở chỗ đặt trọng điểm tín ngưỡng vào đâu mà thôi.

Ðối với người Nhật, thì chiến tranh tôn giáo là cái gì thật sự không hiểu nổi. Khi xét vấn đề Trung Ðông hay cuộc phân tranh Bosnia Helzegovina[2], người Nhật hoàn toàn thấy mù tịt khi đi vào vấn đề tôn giáo! Chỉ vì khác tôn giáo mà đánh nhau đến bỏ mạng, là chuyện chưa bao giờ thấy có ở Nhật Bản, kể từ trận phân tranh giữa hai họ Soga và Mononobe thời Thái tử Shotoku cho tới ngày nay. Người dân nước này đã thành như vậy là do Thái tử Shotoku, hay ít nhất cũng là do cái tinh thần thời đại tượng trưng bởi thái tử.

Chương này sẽ kể lại "nhân vật" Thái tử Shotoku từ quan điểm nói trên. Song, trước hết, chúng ta thử nhìn lại xem thái tử đã sống trong thời đại như thế nào.

Thời chuyển tiếp từ "thời sơ cổ" sang "thời cổ"

Thời kỳ đáng coi là văn hóa đã thực sự bén rễ ở đảo quốc Nhật Bản này, là từ bao giờ? Thật ra, những nghiên cứu khảo cổ học càng đi sâu hơn thì thời kỳ như vậy càng thấy trở lui thêm về quá khứ. Song tựu trung, nhận thức chung là coi thời kỳ này ở vào khoảng thế kỷ thứ II.

Thời đó có nữ chúa Himiko, làm chúa một số thôn ấp và quy phục được một số thôn ấp xung quanh nữa. Người ta mặc loại y phục chỉ gồm có một mảnh vải đay đục lỗ ở giữa rồi chui cổ qua đó. Ðây là lời tường thuật trong sách "Ngụy chí Oải nhân truyện[3]". Ngụy nói ở đây là nước Ngụy trong ba nước Ngụy, Ngô, Thục của truyện Tam Quốc Chí, nước đã được con của Tào Tháo[4] dựng nên. Khi Trung Hoa đã ở thời kỳ Tam Quốc, thì Nhật Bản hãy còn ở tình trạng như kể trên vậy.

Tuy nhiên, có một sự thật được biết rất rõ là, trước thời đại Himiko cả hơn 150 năm, nghĩa là vào khoảng năm 57 sau công nguyên, đã có sứ giả của vua nước Nu người Oải tới kinh đô Lạc Dương của nhà Hậu Hán, Trung Hoa, trình cống vật và nhận "ấn vàng" (con dấu bằng vàng) của Hán Vũ đế. Truyện này chép trong sách Hậu Hán Thư. Vật được coi là "ấn vàng" đó, người ta đã đào thấy ở tỉnh Fukuoka vào thời chúa Tokugawa, nay vẫn có thể tới xem ở Viện bảo tàng Fukuoka.

Lại nữa, qua những điều tra gần đây, người ta đã lần lượt phát hiện ra nhiều ngôi mộ cổ xưa chứng tỏ rằng ngay thời Himiko, đã có ở vùng Kinki, tức là vùng quanh kinh đô Kyoto ngày nay, một triều vua với thế lực đáng kể. Xét những sự thật như vậy, không chừng ta có thể coi nền văn minh Nhật Bản đã có từ lâu trước thời đại Himiko.

Cũng có thể là một thời gian trước hoặc sau đầu công nguyên, nền canh nông đã phát triển và do đó đã có một triều vua. Tuy nhiên, dù cho thời đó đã có một triều vua đi chăng nữa, thì tôi cũng chỉ định nghĩa đó là một quốc gia "thời sơ cổ," chứ chưa phải là "thời cổ" tức là thời kỳ người ta đã biết coi trọng sự gia tăng số lượng vật chất.

Trong lịch sử Tây Âu, thì từ thời Kim tự tháp tới thời đế quốc La Mã tan rã, và trong lịch sử Trung Hoa, thì thời thái cổ kể từ nhà Ân, tức triều đại Hạ, cho tới đời Ðường, nghĩa là suốt khoảng thời gian trước thời "trung cổ" đều gọi là "thời cổ." Nhưng ngay trong khoảng thời gian dài này thì nửa trước và nửa sau đã có sự khác nhau lớn lao. Nên gọi thời đại mà con người chỉ biết gieo hạt rồi chờ thu hoạch trên những thửa đất có điều kiện thiên nhiên tốt, nghĩa là thời đại coi sự cầu đảo thần linh làm trọng hơn là trông cậy vào tri thức và sự cần cù, là "thời sơ cổ." Còn thời đại sau cách mạng nông nghiệp, tức là biết dùng thủy lợi và thâm canh để cải thiện đất đai, rồi do đó coi trọng kỹ thuật và sự cần mẫn, là "thời cổ." Theo tôi, thì chia ra như vậy mới đúng.

Thời Himiko rõ ràng chỉ là "thời sơ cổ," vì chưa thấy có kỹ thuật dẫn thủy nhập điền hay kỹ thuật đê điều. Nói khác đi, diện tích có thể canh tác được ở mỗi nơi đều nhỏ hẹp, và như thế, ở mỗi địa vực đều không thể sinh ra một quyền lực quốc gia mạnh lớn được.

Nhưng dần dần kỹ thuật cải thiện đất trồng trọt ngày một tiến bộ, kỹ thuật dẫn thủy nhập điền được phổ cập, thì diện tích canh tác rộng lớn ra. Kết quả là sự hình thành của quốc gia địa vực bao gồm cả vùng xung quanh mà đất đai không canh tác được nếu để nguyên trạng như thiên nhiên. Tiến bộ kỹ thuật đã làm cho luân lý thay đổi, hình thái quốc gia cũng từ dạng quốc gia đô thị biến thành quốc gia địa vực. Ðây chính là thời chuyển tiếp từ "thời sơ cổ" sang "thời cổ" vậy.

Không những diện tích canh tác đã được mở rộng sang vùng phụ cận, mà sức sản xuất cũng tăng lên. Vì thế, dân số gia tăng và sinh ra sản phẩm thặng dư. Do đó mới phát sinh ra quyền lực bắt người khác làm việc để mình thu lợi. Rồi, tổ chức và chế độ mới thành hình.

Những ngọn kim tự tháp hùng vĩ đã được dựng lên ở quốc gia đô thị thời thái cổ Ai Cập. Việc nặng nhọc khuân vác những tảng đá xây kim tự tháp đó, hẳn đã phải do bọn người nô lệ bị đánh đập, thôi thúc bằng roi vọt, khuân vác. Như vậy, có nhiều người tưởng rằng thời Kim tự tháp đó hẳn đã phải có nhiều nô lệ lắm. Nhưng thật ra, người ta đã biết rằng ở thời thái cổ Ai Cập, tức là lúc những kim tự tháp đó đã được xây dựng, thì hầu như không có người nô lệ. Ðây là vì, bắt một người khác làm việc cho mình, mà sức sản xuất của người đó không nuôi được hơn một miệng người, thì đó là việc làm vô nghĩa. Chế độ nô lệ chỉ trở thành đại quy mô kể từ "thời cổ" khi đã phát sinh ra hiện tượng sản phẩm thặng dư mà thôi.

Kỹ thuật cải thiện đất trồng trọt đã từ bình nguyên Kawachi lan sang thung lũng Yamato. Do đó, người ta cho rằng một vương quyền kiểu "thời cổ" đã phát sinh ra ở vùng Kinki vào thời bách niên kỷ 500 sau công nguyên (tức là thế kỷ thứ VI). Thế lực này sau đó đã lớn mạnh thành triều vua Yamato vậy.
Thái tử Shotoku đã sinh ra vào thời kỳ mà quốc gia "thời cổ" này đã đứng vững, tức là hậu bán của thế kỷ thứ VI.

Kasumi
10-02-2007, 11:42 AM
Sự đối lập xung quanh vấn đề công nhận Phật giáo

Sức sản xuất đã cao vọt lên từ thời sơ cổ sang thời cổ, là nhờ kỹ thuật du nhập từ đại lục sang. Ðương nhiên, cùng với kỹ thuật đó, cả tư tưởng mới lẫn tôn giáo mới cũng lan vào.

Sự việc trên, không những đã nhờ tiến bộ về thuật hàng hải khiến cho sự đi lại giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản trở nên dễ dàng hơn, mà cũng nhờ có những diễn biến quân sự, chính trị ở bán đảo Triều Tiên nữa. Thời đó, Triều Tiên đang có loạn "tam quốc[5]". Những người có kỹ thuật và văn hóa ưu tú đã vượt biển sang Nhật Bản. Trong những người gọi là "dân vào làng (dân nhập tịch)" như vậy, có nhiều người đã kéo tất cả bà con thân thích vượt sang Nhật Bản. Những người này đã mang vào Nhật Bản văn hóa và kỹ thuật phát đạt ở Trung Hoa, trong đó có cả Ðạo Phật.

Sử chép năm 538 lần đầu tiên Phật giáo đã được "công truyền" vào Nhật Bản. Ðây là nói sự "công nhận của triều đình," chứ thật ra, Ðạo Phật hẳn đã được truyền bá trong dân gian từ trước đó. Phật giáo đã lưu hành rộng rãi trong dân gian, đến nỗi triều đình không thể làm ngơ được, đã truyền cho họ Soga "phải thờ Phật đi." Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì đó chính là sự công nhận tự do tín ngưỡng đối với Ðạo Phật vậy.

Là một tôn giáo đã hoàn chỉnh, Phật giáo vào Nhật Bản mang theo không những chỉ có yếu tố tôn giáo và triết học, mà còn cả một nền "văn hóa" có hệ thống nữa. Từ kỹ thuật kiến trúc và các công nghệ, kỹ thuật cải thiện đất trồng trọt, nghề thuốc và dinh dưỡng học, v.v., đã cùng với Ðạo Phật được mang vào Nhật Bản.

Vốn thèm khát "văn hóa," số người Nhật quy y theo Phật giáo đã tăng vọt lên. Một hiện tượng tương tự song với quy mô và sự ưu đãi gấp nhiều lần của hiện tượng lúc ban đầu thời Meiji[6] (Minh Trị), tức là khi nền văn minh Tây Âu hiện đại cùng với đạo Cơ Ðốc truyền vào Nhật Bản, đã thực sự diễn ra. Vì thế, hơn cả chính Ðạo Phật, số người mộ cái lợi ích đời nay, như sự học tập kỹ thuật, cái vẻ bảnh bao, v.v., hẳn đã quy y vô cùng đông đảo. Tôn giáo hoặc tư tưởng từ những nước tiên tiến lan truyền tới thì bao giờ cũng như vậy.

Tuy nhiên, mười mấy năm sau khi Phật giáo được "công nhận," nghĩa là khoảng từ năm 552 trở đi, phe "sùng Phật" tức là dòng họ Soga đã gặp phải lúc vận xui. Hễ cứ xây chùa thì bệnh dịch lại lưu hành, khiến đã nẩy ra cuộc tranh luận về vấn đề công nhận Phật giáo. Ðại biểu của phái "bài Phật" là dòng họ Mononobe.

Mononobe là một dòng họ được nâng đỡ bởi chế độ thị tộc của triều đình Yamato, và cùng với họ Otomo, đời đời được giữ quyền lực tối cao với chức Omuraji[7]. Nói cách khác, với địa vị quan chức thống lãnh ba quân của triều đình Yamato, với thói quen thờ "thần bảo hộ" của những nhà quân sự thời đó, dòng họ này đã cố chấp sự duy trì tôn giáo cổ truyền của Nhật Bản.

Một mặt thì phái sùng Phật, với dòng họ Soga làm trung tâm, đã không chịu mãn nguyện với nền tự do tín ngưỡng cho dân gian, mà lại muốn cả bậc nguyên thủ, tức là "thiên hoàng" (vua Nhật Bản), cũng phải sùng bái Ðạo Phật nữa.

Từ đời vua Bidatsu, rồi đến vua Yomei lên ngôi, cuộc tranh luận vẫn còn sôi nổi. Vị này là em trai vua Bidatsu và là cha Thái tử Shotoku.

Theo sử chép, vua Yomei là ông vua đầu tiên ở Nhật Bản đã lễ Phật (năm 585). Tuy nhiên, hình như đó chỉ là một lễ không chính thức của cá nhân nhà vua mà thôi. Ở thời đó, đây là giới hạn tối đa mà nhà vua có thể làm được[8].

Vua Yomei ở ngôi được một năm tám tháng, thì băng hà. Thế là cuộc tranh chấp liên quan đến việc chọn vị vua kế, đã bùng nổ ra giữa đại nguyên soái Mononobe Moriya và thượng thư Soga no Umako. Nghĩa là đã có một cuộc nội loạn giữa một bên gồm có họ Mononobe và họ Nakatomi, tức là phe tôn thờ thần thánh cổ truyền của Nhật Bản, và một bên muốn nâng Ðạo Phật lên thành quốc giáo, tức là phe gồm có dòng họ Soga làm nòng cốt, xung quanh có nhóm người mới "vào làng" cùng với đám hào trưởng muốn học hỏi văn hóa, kỹ thuật của nhóm người mới "vào làng" này.

Thời ấy, đại đa số các hào trưởng đã ủng hộ phe sùng Phật của họ Soga là vì người Nhật lúc đó, với tinh thần "thời cổ," đã mong có một chế độ xã hội mới với tiến bộ văn minh có thể tạo ra nhiều của cải, hơn là cái nền chính trị Thần quyền. Nói cách khác, Nhật Bản rõ ràng đã bước từ "thời sơ cổ" sang "thời cổ" vậy.

Trong cuộc nội loạn này, Thái tử Shotoku đã đứng về phe họ Soga và đã đích thân ra chiến trường. Thái tử cho tạc tượng tứ thiên vương để cầu thắng và đã phát thệ rằng nếu thắng trận sẽ dựng chùa thờ phụng tứ thiên vương. Kết quả là thái tử thắng trận và đây là cơ hội cho chùa Tứ Thiên Vương được dựng lên thành quốc tự ở Naniwa.

"Chính quyền liên hiệp" giữa hoàng gia và họ Soga

Thắng trận, diệt xong họ Mononobe thì họ Soga đã tôn Thái tử Hatsusebe lên ngôi, tức là vua Sushun.

Thế nhưng khi lên trị vì, nhà vua gặp phải một mâu thuẫn chính trị sâu sắc. Số là vua Nhật, hay "thiên hoàng", vốn được kể là dòng dõi Amaterasu Omikami[9], hậu duệ vua Jinmu, theo một truyền thuyết Thần đạo. Nay đã phủ nhận Thần đạo rồi, nên cái tính tất yếu của việc phải để cho con cháu dòng họ "thiên hoàng" lên làm vua, cũng đã mất đi rồi.

Thời đó, văn hóa Trung Hoa lan vào Nhật Bản không phải chỉ có Ðạo Phật mà cả Nho giáo và Ðạo giáo cũng truyền vào. Phép tu luyện thần tiên, đại diện bởi pháp sư Enno Gyoja, cũng truyền bá vào. Ðương nhiên, cái tư tưởng "cách mạng đổi họ[10]," một tư tưởng chính trị quan trọng của Trung Hoa, cũng du nhập vào.

"Dịch tính cách mạng (cách mạng đổi họ)" là nói trời chọn người có đức cho làm thiên tử. Do đó gọi là thiên mệnh. Con cháu nhờ đức của tổ tiên mà trị thiên hạ. Nhưng sau nhiều đời, đức ấy hết đi, trong hàng con cháu có kẻ thất đức xuất hiện, thì kể như thiên mệnh hết. Lúc đó, trời chọn người họ khác có đức, trao cho thiên mệnh và khiến lập ra triều đại mới. Chẳng qua, "đổi họ để thay mệnh" chính là "mệnh lệnh" của "trời" vậy. Tư tưởng này đã được Mạnh Tử lý thuyết hóa, cũng đã được nói đến trong sách Sử Ký Tư Mã Thiên, là tư tưởng khẳng định cách mạng quá khích độc đáo của Trung Hoa.

Thời Thái tử Shotoku thì ở Trung Hoa nhà Tùy mới thành lập chưa được bao lâu. Ðó là thời đại toàn quốc mới thống nhất sau một thời tao loạn gọi là "thời đại lục triều" hay thời "nam bắc triều," thì đương nhiên phải có sự thay đời đổi vua. Vì vậy, cái tư tưởng "cách mạng đổi họ, đổi đời" hẳn phải được cổ súy hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh như vậy, Ðạo Phật đã phát đạt và được truyền bá vào Nhật Bản.

Như vậy, tư tưởng "cách mạng đổi họ, đổi đời" không thể không du nhập vào Nhật Bản được. Nói cách khác, cái quan niệm lúc đó coi ai có đức thì đáng làm vua, chứ không câu nệ truyền thống "vạn thế nhất hệ (một họ vạn đời)," quả là cái nguy cơ chồng trứng đối với dòng họ "thiên hoàng."

Kasumi
10-02-2007, 11:43 AM
Hơn thế nữa, lại có cả dòng họ Soga có thế lực đáng đứng ra thay thế nữa. Thế mà, cái tiền đề cho dòng họ "thiên hoàng" được làm "thiên hoàng," tức là Thần đạo, đã bị phủ nhận mất rồi, thì cái nguy cơ quả là "nước đã đến chân." Vua Sushun đã nhận thức được cái nguy cơ này. Vì thế, mặc dầu được dòng họ Soga, tức là phe "sùng Phật" tôn lên làm vua, song nhà vua đã ngả sang phe "bài Phật" vậy.

Kết quả là năm năm sau, vua Sushun đã bị Soga no Umako ám sát. Trong lịch sử Nhật Bản, chỉ có hai vị vua được sử chép là "bị giết," đó là vua Anko ở thế kỷ thứ V và vua Sushun này. Nói cách khác, họ Soga đã có đủ uy thế đến nỗi có thể ám sát được cả vua.

Sau đó, dòng họ vua đã khổ tâm không biết nên tôn ai lên làm vua. Kết cục, bà cô của Thái tử Shotoku đã lên ngôi năm 592, tức là nữ hoàng Suiko. Ðây là vị nữ đế vương đầu tiên ở Ðông Á.

Vị nữ đế vương đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, tức là bà Tắc Thiên Võ Hậu (Võ Tắc Thiên) đã xuất hiện vào nửa trước của đời nhà Ðường (bà lên ngôi năm 690), nghĩa là sau bà nữ đế vương Nhật Bản khoảng 100 năm. Ở bán đảo Triều Tiên thì cũng khoảng 40 năm sau Nhật Bản mới có nữ vương, tức nữ vương Thiện Ðức của nước Tân La lên ngôi năm 632.

Lúc đó không phải là dòng họ vua không có người đàn ông nào xứng đáng. Chính Thái tử Shotoku lúc đó đã được 19 tuổi, và ở thời đại đó thì như vậy là trưởng thành rồi, vì so với ngày nay thì tuổi đó tương đương với tuổi trên 30. Ấy thế mà người ta đã để cho một người đàn bà thuộc ba thế hệ trước lên làm vua!

Việc tôn lên ngôi vị nữ hoàng đầu tiên này ở Ðông Á đã để lại dấu tích của cái khổ tâm trong vấn đề nhân sự này. Lợi dụng sự sùng bái phụ nữ từ Amaterasu Omikami để chọn nữ hoàng Suiko, đã cho thấy sự thỏa hiệp phức tạp giữa dòng họ Soga và dòng họ thiên hoàng. Với dòng họ Soga thì việc chọn nữ hoàng tức là làm cho nhà vua khó cựa quậy, mặt khác việc lựa chọn nữ hoàng tỏ rõ cái ý của dòng họ thiên hoàng, hay đúng ra là của Thái tử Shotoku, không muốn đối lập ra mặt với dòng họ Soga.

Với việc đưa thiên hoàng Suiko lên ngôi, vấn đề nhân sự như thế là xong. Nhưng "chính quyền liên hiệp" này giữa dòng họ thiên hoàng và dòng họ Soga liệu có tốt hay không. Trước hết là vấn đề tôn giáo, vấn đề trọng đại nhất, thì chưa giải quyết được. Giữa lúc đó, thì từ dòng họ thiên hoàng đã thấy xuất hiện một thiên tài. Ðó là Thái tử Shotoku, người đã nắm quyền nhiếp chính năm sau đó, tức là năm 593.

Khởi xướng "tư tưởng gộp đạo" duy nhất trên thế giới

Thái tử là một Phật tử rất ngoan đạo. Như đã nói ở trên, thái tử mộ đạo đến nỗi trong cuộc phân tranh Soga - Mononobe, ông đã cho tạc tượng tứ thiên vương để cầu thắng, và sau khi thắng trận, ông đã dựng chùa Tứ Thiên Vương làm quốc tự. Thêm nữa, thái tử đã theo một cao tăng tên là HuệTừ từ Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên qua, học Phật giáo và viết chú giải kinh Pháp Hoa cùng nhiều kinh điển khác. Hơn thế nữa, thái tử còn tạc tượng và hiểu biết tinh tường về kiến trúc Phật giáo. Có thể coi thái tử là nhân vật uyên bác nhất về Ðạo Phật thời đó.

Trên thực tế, thái tử cũng đã đích thân truyền bá Ðạo Phật, đã cho xây chùa Horyuji làm ngôi chùa của chính mình. Mặt khác, năm 15 đời nữ hoàng Suiko, chính thái tử đã viết "Kính Thần Chiếu," hay là tờ chiếu tôn kính Thần đạo.

Sự nghiệp của thái tử đáng được ghi vào sử sách gồm có, thứ nhất, nghiên cứu và phổ cập Ðạo Phật. Sự nghiệp này gồm có việc dựng chùa, tạc tượng Phật, chế tạo Phật cụ và phát triển biết bao nhiêu kỹ thuật liên quan.

Sự nghiệp thứ hai là chế định những chế độ quốc gia như "Hiến pháp 17 điều," "quan chế 12 bậc," v.v., làm nền tảng biến Nhật Bản từ một nước cai trị bởi hào trưởng, thành nước có chế độ quan lại, có tổ chức hành chính hẳn hoi. Ðiều thứ nhất của "Hiến pháp 17 điều" có câu nổi tiếng là "lấy hòa làm quý, không đối nghịch nhau làm gốc. Người ta ai nấy hãy nên có bè phái."

Nước Nhật ngày nay là nước do quan lại cầm quyền. Thời Thái tử Shotoku chính là lúc chế độ quan lại bắt đầu. Cho đến bấy giờ, chế độ quan lại cũng như chế độ quốc gia đều không có gì rõ rệt cả. Vì thế, việc chế định "quan chế 12 bậc" là biểu hiện của nỗ lực xếp đặt chế độ quan lại vậy.

Vì thế, một mặt thì nói "lấy hòa làm quý," song ngay sau đó lại dạy người ta rằng "ai nấy nên có bè phái!" tức là từng nhóm hãy lập ra tổ chức của mình đi, rồi cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp.

Sự nghiệp hiển hách thứ ba của Thái tử Shotoku là vấn đề ngoại giao mà tiêu biểu là việc gửi sứ sang nhà Tùy, Trung Hoa. Sứ giả đầu tiên được Nhật Bản chính thức phái tới Trung Hoa, đã mang quốc thư với câu mở đầu nổi tiếng là "thiên tử nước mặt trời mọc gửi thư này tới thiên tử nước mặt trời lặn." Thật là minh bạch, để tỏ rõ lập trường coi Nhật Bản cũng như Trung Hoa hay bán đảo Triều Tiên, đều là một nước riêng biệt, độc lập.

Ngoài ra, hình như thái tử còn toan gửi quân sang chinh thảo nước Tân La (ở bán đảo Triều Tiên). Kế hoạch này bái hoàng tử Kume no Miko, bào đệ thái tử, làm đại tướng tổng tư lệnh, nói là sang yểm hộ nước Bách Tề (cũng ở bán đảo Triều Tiên). Trên thực tế, hoàng tử đã mắc bệnh, mất đi, nên kế hoạch có lẽ đã chỉ mới là "câu chuyện đầu lưỡi." Dù sao, dù chỉ là "câu chuyện đầu lưỡi," nó cũng đã chứng tỏ cái ý nghĩ cơ bản về một quốc gia Nhật Bản thực tại.

Sự nghiệp thứ tư là kế hoạch phát triển khu vực Ikaruga để xây dựng kinh đô văn hóa thay cho kinh đô Asuka. Việc thiên đô tới Ikaruga là muốn tránh sự chi phối của bọn hào trưởng ở vùng Asuka, nhất là của dòng họ Soga. Từ vùng này, thái tử đã cho mở con đường qua bến Naniwa tới Ozaka[11] để trực tiếp thông thương với nhà Tùy, chứ không qua con đường xuyên bán đảo Triều Tiên mà dòng họ Soga có quan hệ mật thiết.

Sự nghiệp này đã không nhất thiết thành công về mặt chính trị và kinh tế, vì nó đã làm cho dòng họ Soga phẫn nộ. Song ngược lại, chính vì vậy, nó càng làm cho thái tử thêm miệt mài vào sự nghiệp văn hóa học thuật, khiến đã để lại những di sản văn hóa tuyệt diệu.

Xem như trên thì thấy Thái tử Shotoku đã để lại sự nghiệp hiển hách trên nhiều lãnh vực. Song, cái ảnh hưởng của thái tử đối với nước Nhật ngày nay đáng nhấn mạnh nhất là sự nghiệp truyền bá Ðạo Phật, bởi chính thái tử cũng vừa là một tín đồ vừa là một nhà nghiên cứu nhiệt tâm, đồng thời, đã thảo ra bài "chiếu kính Thần." Sự thật này đã được ghi chép trong sách Kojiki (Cổ Sự Ký) và sách Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ). Nhưng, sự xuất hiện trong những sách này xem có vẻ đường đột. Có người nghi rằng sự việc này đã được ***g vào đó một cách vội vã khi người đời sau biên soạn sách đó. Sở dĩ nghi ngờ như vậy là vì nếu xét sự kiện thái tử là một Phật tử nhiệt thành, thì sự việc đó đáng lấy làm kỳ lạ.

Nhưng thật ra, chính đây mới là chỗ bao gồm một quan điểm vô cùng trọng yếu. Ðó là, một mặt thì truyền bá và nghiên cứu Ðạo Phật, mặt khác lại không phủ nhận đạo thờ thần cổ lai của Nhật Bản. Chẳng những thái tử đã soạn ra bài "chiếu kính Thần," ông cũng không đón bà chị làm Itsuki no Miya tức là "bà từ", ở đền Ise về. Tập tục từ đời vua Suinin, theo đó mỗi đời vua đều để một công chúa còn trinh lên làm "bà từ" tối cao ở đền Ise, đã được kế tục cho tới đời vua Daigo. Từ vua Minh Trị trở về sau thì chức "chủ tế" đền Ise đều là người hoàng tộc cả.

Nói cách khác, Thái tử Shotoku một mặt nhiệt tâm thờ phụng và phổ cập Ðạo Phật, mặt khác đã không hề có cử chỉ nào đàn áp Thần đạo cả. Trái lại, ông tỏ ra thông cảm Thần đạo, thậm chí lại giúp đỡ nữa. Ðiểm này là yếu tố quyết định quan niệm tôn giáo của người Nhật vậy.

Về mặt cá nhân, Thái tử Shotoku là một Phật tử, song đứng ở địa vị một chính trị gia, và vốn là một người trong hoàng tộc, ông không thể không bênh vực truyền thuyết Thần đạo được. Ðể giải quyết mâu thuẫn này bằng lý luận và luân lý, ông đã nghĩ ra sự kết hợp ba giáo lý Thần, Phật và Nho vậy.

Thái tử Shotoku cũng là một "đứa con của thời đại". Như đã nói, ông sinh vào thời đại mà Phật giáo du nhập vào, rồi đám "người vào làng" đã cùng với Ðạo Phật đem một nền văn hóa cao độ vào. Làm thế nào hòa hợp những yếu tố mới này với đạo thờ Thần cổ truyền của Nhật Bản? Ðây là vấn đề trọng đại mỗi người Nhật phải đối phó. Thái tử Shotoku đã đối xử và vượt qua được bằng cách khẳng định Thần đạo trong khi vẫn cư xử như một Phật tử trong cương vị cá nhân.

Kasumi
10-02-2007, 11:44 AM
Ðiều này không phải là dễ. Khi một tôn giáo mới, cùng với một nền văn minh tiên tiến, du nhập vào, thì vấn đề làm sao dung hòa được với tôn giáo cổ truyền và với chế độ xã hội sẵn có, là chuyện có thể xẩy ra ở bất cứ nước nào. Chẳng hạn, Hy Lạp thời cổ cũng đã có một kinh nghiệm tương tự khi đạo Thiên chúa du nhập vào. Họ đã phải đương đầu với vấn đề đối xử thế nào với các thánh của đền Olympos, hoặc tín ngưỡng tôn thờ thần Jupiter. Hay là dân German ở địa phương nay là nước Ðức, cũng đã phải giải quyết vấn đề tôn giáo cổ truyền như thế nào khi đạo Cơ đốc đã từ vùng Ðịa Trung Hải truyền bá tới. Ấn Ðộ cũng gặp phải vấn đề tương tự khi đạo Islam loan truyền tới.

Tuy nhiên, ở những nước này, tư tưởng gộp đạo đã không xuất hiện. Do đó mà chiến tranh tôn giáo đã diễn ra không dứt, nhằm giải quyết vấn đề chọn một giữa hai. Nói cách khác, chính vì họ cố tình đi tìm cái thuần túy trong tôn giáo, nên mới phát sinh ra chiến tranh tôn giáo và sự thù ghét lẫn nhau.

Ngoại lệ duy nhất trên thế giới là Nhật Bản. Ở đây cũng đã có cuộc chiến tranh tôn giáo giữa hai dòng họ Soga và Mononobe. Song, sau đó thì sự đối lập tôn giáo hết hẳn.

Sứ quân Oda Nobunaga đã đốt chùa Hieizan, rồi dẹp loạn Ikko (cũng gọi là Jodo Shinshu). Song đây chỉ là một cuộc tranh chấp nhằm hủy duyệt cái võ lực và sự chiếm đoạt đất đai của nhà chùa, tức là những biểu hiệu của quyền lực trần tục mà môn phái này có trong tay. Không hề thấy dấu vết nào tỏ ra Nobunaga đã đàn áp môn phái Ikko bởi đó là một tôn giáo.

Xung quanh Nobunaga, người ta thấy có nhiều tín đồ môn phái Tendai cũng như môn phái Ikko. Là quân nhân hay là quan lại trần tục, hoặc là tăng lữ mà tỏ ra trung thành với Nobunaga, thì ông không đòi họ phải từ bỏ tín ngưỡng hay đổi đạo bao giờ cả.

Chúa Toyotomi Hideyoshi và dòng chúa Tokugawa sở dĩ cấm đạo thiên chúa là bởi vì họ sợ tôn giáo này thông đồng với nước ngoài làm nguy hại tới chính quyền Nhật Bản.

Ở Nhật, chiến tranh tôn giáo đã mất hẳn, chính là nhờ có bậc thiên tài Shotoku xuất hiện, truyền bá tư tưởng gộp đạo bằng lý luận và tài thuyết phục khéo léo vậy.

Thái tử Shotoku, với việc tiếp nhận Ðạo Phật và nền văn minh tiên tiến do đạo này mang tới, đồng thời khởi xướng tư tưởng gộp đạo làm cho lập trường tôn trọng Thần đạo và truyền thuyết về hoàng gia Nhật cũng đứng vững, hẳn đã làm cho người Nhật thời đó thấy thoải mái.

Nhờ đó, tư tưởng này tức khắc được khẳng định và phổ cập, được gọt giũa thêm cả về mặt tôn giáo lẫn lý luận, để cho tới thời Nara, đã được xác lập thành một hệ tư tưởng hẳn hoi.

Phong cách "hay đâu âu đấy "

Thái tử Shotoku là nhà tư tưởng lớn duy nhất trên thế giới đã khởi xướng tư tưởng gộp đạo. Tư tưởng này đã ăn sâu vào xương tủy người Nhật cho tới ngày nay.

Người Nhật thời đó muốn tiếp nhận Phật giáo như là một nền văn hóa mới mang từ những nước tiên tiến tới. Họ muốn học hỏi kỹ thuật mới, thời trang mới. Song, phải chối bỏ cái tôn giáo của tổ tiên truyền lại thì họ cảm thấy khó chấp nhận được. Tình trạng này đã có trong lịch sử thế giới biết bao nhiêu lần rồi.

Chẳng hạn, trong lịch sử châu Âu, khi đạo Thiên chúa mới truyền tới, đã có mấy biến cố lớn xảy ra.

Một linh mục nói: "Nếu không tin chúa Giêxu thì sẽ phải xuống địa ngục!" Một bậc vương hầu German tin lời thuyết giáo này nên có ý định theo đạo thiên chúa. Trước khi quyết định, ông hỏi: "Cha ta không hề biết đạo thiên chúa thì nay ra sao?" Linh mục trả lời: "Hẳn là ở dưới địa ngục!" Nhà vua bèn nói: "Cho dù địa ngục của đạo thiên chúa có đáng sợ đến mấy đi chăng nữa, ta cũng muốn tới nơi cha ta ở!" và bắt đầu đàn áp đạo thiên chúa. Ðã có không thiếu gì những thí dụ tương tự.

Ðạo Phật tuy không nghiêm khắc đến như vậy, song người Nhật thời đó hẳn đã nghĩ tương tự. Do đó, thái tử mới nói rằng dẫu theo Phật giáo cũng không phải bỏ Thần đạo. Người Nhật thời đó một mặt thì thèm khát văn hóa mới, mặt khác lại không muốn phải chối bỏ tổ tiên ông bà, nên đã ồ ạt chấp nhận tư tưởng này. Thần đạo, tôn giáo cổ truyền của Nhật Bản, lại có thể đứng song lập với Phật giáo, một tôn giáo mới, mới từ nước ngoài truyền vào. Ðây là một ngụy biện ghê gớm. Ấy thế mà, Thái tử Shotoku đã cộng thêm cả Nho giáo, coi đây là quy phạm của phép xử thế, và bắt đầu triển khai lý luận giảng giải rằng cả ba đều có thể đứng song hàng với nhau được.

Ở Trung Hoa, tôn giáo bản xứ đúng nghĩa thì không có, mà chỉ có Nho giáo coi như quy phạm xử thế và tư tưởng Lão Trang đối nghịch lại. Sau đó, nghi lễ Phật giáo thêm vào, rồi cả ba hợp lại thành một "tổng thể tôn giáo kiểu Trung Hoa."

Vì vậy, người Trung Hoa, tuy nói là vừa theo Ðạo Phật vừa theo đạo Nho lại vừa theo cả đạo Lão nữa, song không phải là họ tôn thờ một lúc ba tôn giáo. Ðúng ra, họ tôn thờ một "tổng thể tôn giáo kiểu Trung Hoa", một hỗn hợp của ba yếu tố tôn giáo đó.

Thói thường khi tin một tôn giáo nào rồi, người ta hay bài xích tôn giáo khác. Nói cách khác, không có cái gì đọa lạc bằng tôn thờ một lúc nhiều tôn giáo. Sự khởi xướng và thực hành của Thái tử Shotoku đúng ra là hành vi sa đọa về mặt tôn giáo. Song ngược lại, đó là bước nhảy vọt về mặt chính trị. Nghĩ ra điều ấy thì dù trong cả thế giới rộng rãi này cũng chỉ thấy có một mình Thái tử Shotoku mà thôi. Không thể có một nhà tôn giáo nào lại dạy người ta tin một lúc nhiều tôn giáo cả.

Do đó, dù Ðạo Phật đã du nhập vào, mà đền Ise vẫn không bị mất tín đồ đi. Hơn thế nữa, nghi lễ "thiên cung[12]" vẫn diễn ra liên miên trong lịch sử, người đi lễ đền Ise vẫn không hề bớt đi.

Khi Ðạo Phật tới, thì chọn lấy chỗ nào hay, còn chỗ nào không thích thì cứ việc bỏ đi. Sau này, đạo Thiên chúa truyền vào, thì những chỗ "vui nhộn", "bảnh bao" cũng đều được gạn lọc lấy. Chẳng hạn, chỉ có tiệc liên hoan Nôen, lễ cưới ở nhà thờ đã được chọn lấy. Chứ ma chay thì vẫn làm ở chùa, lễ Vu lan thì múa Bon Odori[13], tết nhất thì đi lễ đền. Vừa ngồi "tham thiền nhập định" lại cũng đi "rước kiệu". Tất cả những cái này người Nhật đều thực hành thoải mái không hề cảm thấy một mảy may mâu thuẫn nào hết.


Ðến tôn giáo mà còn "hay đâu âu đấy," "chọn chỗ hay, chỗ tốt" thôi, thì bất cứ cái văn hóa nào khác cũng vậy, người Nhật cũng có thể chỉ gạn lấy chỗ hay, chổ tốt mà tiếp nhận. Do đó, thời Minh Trị, khi nền văn minh Tây Âu lan truyền vào, thì tức khắc kỹ thuật cơ khí ưu tú đã được gạn lọc lấy, hệ thống đường sắt, mạng lưới truyền thông đã được thiết trí. Tổ chức nghị viện cũng được áp dụng và chế độ trưng binh cũng được lập ra. Từ kỹ thuật tới chế độ học đường đều theo kiểu Tây Âu.

Thế nhưng, cái tư tưởng tự do, cái chế độ gia đình của Tây Âu thì không được chấp nhận. Cái cách gạn lọc này gọi là "hồn Nhật Bản, tài Tây Âu" rất được ưa chuộng. Chính vì có cái truyền thống tư tưởng như thế, nên người Nhật đã không ngừng tiếp nhận được văn hóa, kỹ thuật mới mẻ của nước ngoài.

Văn minh Tây Âu đã lan tràn ra khắp thế giới từ thế kỷ thứ XVIII tới thế kỷ thứ XIX. Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư đều đã tiếp xúc với văn minh Tây Âu trước Nhật Bản từ lâu.

Tuy nhiên, những nước này vốn sẵn có những nền văn minh nguyên bản của họ. Do đó, họ không nghĩ tới "chọn lấy chỗ tốt, chỗ hay" mà lại nhìn vào văn minh Tây Âu bằng con mắt hệ thống hóa. Vì vậy, khi kỹ thuật Tây Âu lan truyền tới, họ đã bắt đầu thảo luận xem nếu tiếp nhận chế độ và kỹ thuật của Tây Âu, thì có làm thay đổi chế độ xã hội, chế độ gia đình, nền chính trị quốc gia của chính họ, hay không. Họ nghĩ rằng "khi chấp nhận đạo Thiên chúa thì phải phủ nhận thần Jupiter," thành ra họ cho rằng từ vẻ mặt của thành phố tới dạng thức sinh hoạt đều phải đổi hết.

Ðiển hình là Trung Hoa. Trước cuộc Duy tân Minh Trị của Nhật Bản, Trung Hoa đã nếm mùi sức mạnh quân sự hiện đại ghê gớm của đế quốc Anh qua trận chiến tranh nha phiến. Ðương nhiên, nếu muốn trở thành một nước hùng cường thì phải tiếp nhận chế độ quân đội, kỹ thuật quân đội của Tây Âu. Ðã có phái tiến bộ chủ trương phải học hỏi kỹ thuật mới, và phổ cập chế độ mới của Tây Âu. Thế nhưng, lập tức một cuộc tranh luận nóng bỏng bùng lên. Họ đặt câu hỏi "nếu tiếp nhận những kỹ thuật mới đó, thì thôn xóm ta, gia đình ta, nền giáo dục của ta sẽ ra sao?" Kết quả là Trung Hoa đã không dễ dàng tiếp nhận kỹ thuật, chế độ hiện đại của Tây Âu vậy.

Kasumi
10-02-2007, 11:44 AM
Ngược lại, Nhật Bản thì coi việc tiếp nhận văn hóa mới không nhất thiết có nghĩa là phải vứt bỏ nền văn hóa cũ đi. Người Nhật không hề nghĩ rằng, bởi vì đã theo Ðạo Phật nên không được đi lễ đền Thần đạo. Ðó chẳng qua là tiếp nhận thêm một cái hay, thế thôi.

Vi vậy, họ coi "cái đó lý thú," "cái kia cũng hay" và tiếp tục tiếp nhận thoải mái. Trong tất cả các nước châu Á và châu Phi, Nhật Bản trở thành nước duy nhất đã mau mắn tiếp nhận kỹ thuật hiện đại, chế độ hiện đại, chính là nhờ ở đặc tính này.

Nhìn qua lịch sử Nhật Bản, người ta thấy rằng, nói chung, tuy Nhật Bản học nước ngoài, nhưng chỉ 40 năm sau thôi, người Nhật thường đã làm tốt hơn rồi. Bởi vì người Nhật có lối học rất có hiệu quả. Họ bắt đầu bằng cách mô phỏng nguyên xi, "thầy làm sao, trò làm y hệt như vậy." Thời Minh Trị, người Nhật học Tây Âu kỹ thuật quân sự, kỹ thuật công nghiệp, rồi trải đường sắt, mắc hệ thống điện tín, nhưng tuyệt nhiên không có ai bàn tán dông dài về vấn đề xã hội, gia đình Nhật Bản sẽ biến đổi ra làm sao. Chẳng có ai coi điều này là nghiêm trọng cả.

Cội nguồn của "xã hội chức lộc"

Cái sáng kiến "chọn lấy chỗ tốt" như vậy, đã có cội nguồn từ tư tưởng gộp đạo của Thái tử Shotoku. Thật ra, thời kỳ cải cách sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng giống như vậy. Tư tưởng gốc của xã hội Nhật Bản thì không đổi đi, song việc dân chủ hóa cái bề ngoài thì xúc tiến, kỹ thuật và mánh lới kinh doanh của Mỹ thì thâu nhận. Do đó, mặc dầu có kỹ thuật, có phương pháp quảng cáo tiên tiến kiểu Mỹ hơn ai hết, song ở Nhật Bản đã sinh ra mộ t "xã hội chức lộc (chức tước và bổng lộc)" độc đáo theo chủ nghĩa tập thể do "quan liêu" (công chức) chỉ đạo.

Ngày nay, xã hội Nhật Bản đã thành một "xã hội chức lộc" trong đó "sở" (nơi làm việc) làm thành một "kết hợp thể," tức là một vật kết tinh chắc nịch. Có nhiều lý do cho sự việc này. Thứ nhất, Nhật Bản hầu như không có những đoàn thể tôn giáo đóng vai "kết hợp thể" thay cho "sở" được. Với tư tưởng gộp đạo do Thái tử Shotoku khởi xướng, người ta có thể dễ dàng tránh được những luật lệ, nghi lễ tôn giáo phiền toái có phương hại cho hoạt động của "sở." Cũng chính cái sáng kiến "chọn lấy chỗ tốt" này đã đẻ ra cái bản năng "súc vật kinh tế[14]."

Trong thế giới của những tôn giáo độc thần như Ðạo Do Thái, Ðạo Thiên Chúa, Ðạo Islam, thì mỗi cá nhân trực tiếp đối đầu với vị thần đó. Quan hệ với cá nhân khác, phải là qua trung gian của vị thần đó. Ðiều này thật là khó hiểu đối với người Nhật.

Chẳng hạn, trong hôn lễ, khi linh mục hỏi "Ngươi có nhận người này làm vợ hay không? Ngươi có nhận người này làm chồng hay không? Có chịu thề sẽ vĩnh viễn yêu nhau cho tới chết, hay không?" và khi người bị hỏi trả lời "Xin thề!" thì nhiều người Nhật vẫn hiểu lầm rằng đây là thề giữa hai người trai gái với nhau. Thật ra, đây là thề với Chúa, chứ không phải là thề lấy Chúa làm nhân chứng. Ngược lại, đạo Thiên Chúa có lời răn "ngươi chớ thề thốt" tức là cấm không cho thề thốt lấy Chúa làm chứng cho mình.

Bởi vậy, Công giáo mới không nhìn nhận ly hôn mặc dầu hai đương sự đã thỏa thuận ly dị với nhau rồi. Ðó là vì sự thỏa thuận của hai cá nhân thì không thể xóa bỏ được lời giao ước với Chúa. Ðây chính là cái suy nghĩ cơ bản của đạo Thiên Chúa vậy.

Trong các tôn giáo độc thần thì mọi việc đều là do sự đối đầu giữa Chúa và người. Khi chết, thì chẳng có cha mẹ, vợ con bạn bè nào, cũng chẳng có "công ty," "cấp trên" nào cả, mà chỉ có một mình duy nhất đứng ra chịu sự phán xét của Chúa. Chính vì vậy mới sinh ra cái suy nghĩ rằng nếu mình không thấy hổ thẹn trước Chúa, thì cho dù có bị bạn bè ghét bỏ cũng chẳng sao. Hơn nữa, dù bạn bè có khuyên nên làm đến mấy đi nữa, song nếu là việc đáng sợ trước Chúa, thì cũng không làm. Bởi vậy mà cái quan hệ người với người bị nhạt nhẽo đi, và thay vào đó, cá tính cùng tính sáng tạo đơn độc mới nẩy nở ra.

Song, người Nhật thì "hay đâu, lấy đó" cho nên hôm nay thề với Phật, mai thề với Chúa, mốt thề với Thần, mà không hề thấy hổ thẹn gì cả. Ngược lại, cái quan trọng là mối quan hệ người với người đang có lúc này. Ðây chính là cái cơ sở tinh thần mà từ đó hình thành cái gọi là "cộng đồng sở," nghĩa là cái tập thể vĩ đại gồm những "con người xí nghiệp."

"Con người xí nghiệp" đã hoàn thành trong thời kỳ hậu chiến, nhất là trong khoảng năm 1955 (năm thứ 30 niên hiệu Chiêu Hòa). Trước đó, Nhật Bản là "xã hội máu mủ ruột thịt, dây mơ rễ má." Thời đó hãy còn có đại gia đình, đại gia tộc. Người ta coi trọng cộng đồng hương thôn, bà con lối xóm. Nếu có kẻ gây tội lỗi thì trước nhất người ta bảo đó là "làm bêu rếu họ hàng," "làm xấu mặt lối xóm." Không ai nghĩ rằng kẻ đó đã vi phạm giao ước với Chúa cả.

Nhưng trong thời kỳ phục hưng và tăng trưởng cao độ hậu chiến, thì dân địa phương ồ ạt kéo nhau ra các đô thị lớn. Kết quả là cha mẹ và con cái ở xa nhau ra, người ra ở các đô thị lớn sống rải rác lẻ loi không còn "máu mủ ruột thịt, dây mơ rễ má" nữa. Cái xã hội "bà con họ hàng" của đại gia đình, đại gia tộc bị tan rã. Cái "xã hội địa phương, bà con lối xóm" cũng bị tiêu diệt. Kết quả là người Nhật chỉ còn một nơi duy nhất để có ý thức quy thuộc: Ðó là "sở," đó là "công ty."

Ý thức quy thuộc vào tập thể của người Nhật, đã có từ trước thời Thái tử Shotoku. Ðó chính là truyền thống đã làm phát sinh ra Thần đạo từ "xã hội thị tộc" ("xã hội họ hàng") nguyên thủy. Thái tử Shotoku đã không hủy diệt cái xã hội đó mà lại duy trì nó, bảo tồn nó trong quá trình truyền bá Ðạo Phật. Do đó, người Nhật đã trở nên trung thành với tập thể, đã tạo ra cái gọi là cấu tạo "xã hội bề dọc."

Ý thức quy thuộc hướng tới đại gia đình, đại gia tộc, cộng đồng thôn xóm trong thời tiền chiến, thì tới thời hậu chiến đã biến thành ý thức quy thuộc đối với cộng đồng "sở." Ðối tượng có thể đã khác đi hoàn toàn, nhưng tựu trung cái căn bản của sự suy nghĩ vẫn là "coi trọng con người ở ngay tại đó."

Cái cộng đồng "xóm làng, dây mơ rễ má" của Nhật Bản thời cổ, là tập thể có tính cách sản xuất kinh tế. Cộng đồng xóm làng của Nhật Bản là một xã hội địa vực cùng nhau sản xuất thóc lúa. Ở những nước mà sự phân tranh giữa các sắc dân khác nhau đã xẩy ra kịch liệt, thì xã hội địa vực của họ mang tính cách cộng đồng phòng vệ hơn là cộng đồng "sở." Xã hội địa vực của Nhật Bản, cơ bản là tập thể của những người cùng cày cấy, cùng sản xuất thóc lúa dọc theo cùng một dòng nước với nhau. Ngày nay, cái xã hội đó trở thành tập thể ở một "xí nghiệp," một "doanh nghiệp," một "công sở." Thế thôi.

Xét như trên, ta thấy trong suy nghĩ của người Nhật ngày nay, trong cấu tạo của xã hội Nhật ngày nay, cũng có mối quan hệ sâu sắc của phong cách "chọn lấy chỗ hay" vốn phát xuất từ "tư tưởng gộp đạo" của Thái tử Shotoku vậy.

Thái tử Shotoku còn là một đối tượng thờ cúng của người Nhật đã từ lâu rồi. Sự thờ cúng thái tử chiếm một vị trí thoải mái trong tư tưởng gộp đạo mà chính thái tử đã sáng tạo ra. Thái tử một mặt cống hiến tố đa cho việc phổ cập Ðạo Phật từ ngoài truyền vào, mặt khác đã có sự nghiệp to lớn là tạo ra cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, cái phong cách "gạn lọc lấy chỗ hay," tức là phương pháp áp dụng văn hóa một cách chọn lọc, chính là ảnh hưởng lớn nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ thái tử vậy.

Kasumi
10-02-2007, 11:45 AM
Chú thích:

[1] Kodan là một nghệ thuật kể truyện truyền thống của Nhật Bản.

[2] Một nước trong Liên bang Nam Tư.

[3] Gishi Wajinden. Chí là sách chép lịch sử, Ngụy là nước Ngụy, Oải nhân là người Nhật. Vậy Ngụy Chí Oải Nhân Truyện là Truyện Người Nhật trong sách Ngụy Chí.

[4] Tức Tào Phi.

[5] Không liên can gì tới thời Tam quốc bên Trung Hoa.

[6] Thời Meiji, tức là thời Duy tân Minh Trị, hay thời Canh tân Minh Trị, là nói từ khi Nhật hoàng đổi niên hiệu từ Khánh ứng (Keio) thành Minh Trị (Meiji, từ 8/9/1968 tới 30/7/1912), sau khi được chúa Tokugawa trả lại quyền chính trị năm 1967, bắt đầu cho thời kỳ canh tân biến nước Nhật thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.

[7] Omuraji, tương đương với hàng đại nguyên soái.

[8] Vua Nhật, tức Thiên Hoàng, vốn được coi là con cháu Thái Dương Thần Nữ (xem lời chú tiếp), không những chỉ là vị nguyên thủ của Nhật Bản về mặt chính trị, mà đồng thời còn là Giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản nữa. Giáo chủ Thần đạo mà tới chùa làm lễ Phật giáo là chuyện khó vậy.

[9] Amaterasu Omikami, quen gọi ở Việt Nam là Thái Dương Thần Nữ.

[10] Dịch tính cách mạng (cách mạng đổi họ) hay Dịch thế cách mạng (cách mạng đổi đời).

[11] Ozaka, nay là thành phố Osaka.

[12] Ðền Ise là đền chính của Thần đạo, mỗi 21 năm lại đổi đền một lần gọi là "thiên cung," bằng cách khi đền mới xây xong thì các thần tượng, thánh thể được di sang đền mới này, và đền cũ bị phá đi để xây lại trong 20 năm rồi năm thứ 21 lại thành đền mới.

[13] Bon Odori, đây là hình thức múa dân gian vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng bảy.

[14] "economic animal", do một cố tổng thống Philippines gọi Nhật Bản, có ý chê người Nhật chỉ miệt mài làm kinh tế để làm giàu.

Kasumi
10-02-2007, 11:49 AM
Hikaru Genji
Người mẫu chính khách thanh nhã

http://img184.imageshack.us/img184/5824/hikarugenjibyaoishutz8.jpg (http://imageshack.us)

Hikaru Genji có thật không?

Không cần nói, ai cũng biết Hikaru Genji là nhân vật tưởng tượng, vai chính của Truyện Genji (Genji Monogatari)[1].

Tại sao một nhân vật tưởng tượng lại có thể là một người đã lập ra nước Nhật được? Người như vậy có ảnh hưởng gì tới thời nay? Hẳn có nhiều độc giả cảm thấy lạ lùng, ngờ vực, cho nên chúng tôi xin trình bày điểm này trước hết.

Thời Taisho[2] và Showa[3] có một sử gia tên tuổi, là tiến sĩ Tsuda Soukichi, nổi tiếng với lối nghiên cứu thực chứng. Triệt để gạt bỏ những tình cảm lãng mạn, ông đã thẳng thắn tuyên bố trong tác phẩm của ông rằng những gì viết trong Kojiki (Cổ Sự Ký) và Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỷ) đều không là sự thật, mà chỉ là huyền thoại. Nói cách khác, trong tác phẩm của ông nhan đề "Nghiên cứu lịch sử đời thần thánh," ông đã chỉ trích thuyết "thiên tôn giáng lâm[4]" bằng cách nói rằng hai sách Ký Kỷ vừa kể, chẳng qua đã được soạn ra căn cứ vào những tư liệu cổ, "Ðế Kỷ" và "Cựu Từ," tức là những tư liệu ghi chép lại những truyện cổ lưu truyền trong cung đình nhằm chính đáng hóa chế độ "thiên hoàng," mà thôi.

Ðến thập kỷ Showa thứ X (1926-1935), ông bị nhóm tôn thờ chủ nghĩa "Nhật Bản quốc túy" phê bình là ông đã "phạm thượng," đã xâm phạm tới sự "tôn nghiêm của hoàng tộc." Họ nói "Tsuda viết nhảm, dám nghi ngờ sự hình thành của hoàng tộc." Họ đã thưa kiện ông về tội vi phạm luật xuất bản.

Rút cục, vì lý do "thời hiệu" nên ông đã được "miễn tố," song trước tòa án, ông đã có lời biện minh tuyệt diệu như sau: "Truyện thần thoại Nhật Bản không phải là đã kể lại những sự thật lịch sử, nhưng đáng được lưu ý về cấu trúc tư tưởng!"

Nói cách khác, "Mọi người tin là như vậy cho nên về mặt tư tưởng, đó là một cấu trúc không phủ nhận được. Bản thân ông cũng không phủ nhận. Tuy nhiên, đó không phải là những sự thật đã diễn ra trong lịch sử. Chẳng hạn, trên trời làm gì có đất đai, vì thế làm gì có người từ trên trời rơi xuống! Do đó, đây chỉ là truyện thần thoại, và có là thần thoại thì những lời thuật của Cổ Sự Ký mới đứng vững được."

Ở vào thời đó thì việc làm của ông như vậy là chuyện không thể tránh được, song đó là một cách nói chạy, nói lẩn tránh khá gò bó. Ðể lấy một thí dụ điển hình chứng tỏ rằng một cấu trúc trong tư tưởng tuy không phải là một sự thật lịch sử, vẫn có thể tồn tại được, tiến sĩ Tsuda đã viện dẫn vai Hikaru Genji.

Nghĩa là, Hikaru Genji là nhân vật tưởng tượng được bịa ra trong Truyện Genji, cho nên Truyện Genji không phải là sự thực lịch sử. Thế nhưng, một chính khách quý tộc "hao hao" như vậy đã có tồn tại ở thời Heian, thì rõ ràng lại là một sự thực.

Trên thực tế, ngày nay không còn thấy có "nhân vật" nào đủ truyền lại được cái mẫu người quý tộc hoặc chính trị gia quý tộc thời Heian như Hikaru Genji nữa.

Với ý nghĩa trên, thì Hikaru Genji là một nhân vật tưởng tượng và sự tồn tại của một nhân vật như vậy không phải là một sự kiện lịch sử. Song có thể nói rằng cái cấu trúc lịch sử có ảnh hưởng tới người Nhật như vậy, thì đã thực sự tồn tại. Ðây là lời thuyết minh của tiến sĩ Tsuda.

Ðúng như vậy, khi chúng ta hình dung con người quý tộc thời Heian, tưởng tượng lối sinh hoạt hay thế giới tinh thần của họ, thì Truyện Genji là đại biểu dễ hiểu nhất. Vì thế, nó đã có ảnh hưởng lớn tới lối suy tư hay tiêu chuẩn giá trị của người Nhật ngày nay.

Bởi thế, nhân vật tưởng tượng do Murasaki Shikibu sáng tạo ra, đã được chọn làm một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.

Ðại biểu cho lớp người quý tộc thời đại Heian

Vậy nhân vật chính Hikaru Genji mô tả trong Truyện Genji quá quen biết này, là con người có lai lịch ra sao? So với sự kiện tên Hikaru Genji đã trở nên rất quen thuộc, thì lai lịch, sự tích của người ấy lại ít được biết tới.

Người ta cho rằng Hikaru Genji đã sống vào thời đại cũ hơn thời đại tác giả Murasaki Shikibu chừng vài chục năm. Nói kiểu ngày nay, sự kiện này tựa hồ như việc một tác giả thời hậu chiến viết lại cảnh tượng diễn ra ở thời kỳ đầu của đời vua Showa (niên hiệu Showa: 1925-1989) vậy. Có khác chăng là thời ấy không có sự tăng trưởng kinh tế cao độ, không có những biến đổi kỹ thuật, nên dạng thức sinh hoạt không thay đổi mấy. Nói về niên hiệu thì đó là lúc niên hiệu Engi (đọc là ên-ghi, 901-923) đổi sang niên hiệu Tenryaku (947-957), nghĩa là khoảng từ năm 901 tới năm 957. Truyện Genji lấy thời đại đó làm sân khấu, đã có vài nhân vật tưởng tượng chủ yếu như sau xuất hiện.

Trước hết là vua Kiritsubo. Người con trai thứ hai được nưng như trứng hứng như hoa của nhà vua, chính là hoàng tử Hikaru. Thân mẫu của cậu tuy là cung nữ của vua Kiritsubo, song vốn xuất thân hèn hạ, nên cậu bị giáng xuống hàng thần hạ mang họ Genji. Rồi vì đẹp trai, cậu được gọi là Hikaru Genji[5]. Cậu yêu hết cô gái nọ tới cô gái kia, rồi sau cùng rơi vào mối tình đau khổ với một người đàn bà giống địa vị mẹ cậu là cung nữ Fujitsubo. Mà Fujitsubo lại là ái phi của vua cha. Cuộc tình ngang trái đã sinh ra một hoàng tử "hoang." Người con hoang này lại được nuôi làm con vua Kiritsubo rồi sau này lên ngôi thành vua Reizei.

Về sau, người anh khác mẹ của Genji lên ngôi, tức là vua Suzaku, thì sau khi vua Kiritsubo mất đi, Genji bị ngược đãi và bị lưu đầy hai năm ở vùng Suma, Akashi. Ðây là "đoạn Suma - Akashi" mô tả hoàng tử trong cảnh bất hạnh.

Thế rồi vua Suzaku và mẫu hậu, tức là bà thái hậu Hoằng Huy Ðiện[6] lâm bệnh, nên thế lực yếu đi và nhờ đó, Genji mới về kinh được và lại nắm được quyền hành ở trung ương.

Sau đó, ở địa vị người săn sóc ấu chúa Reizei, Genji đã lần lượt thăng chức tới Naidaijin[7], rồi Dajodaijin[8]. Ngày một có thêm vây cánh, Genji mới xây dinh thự riêng cho mình đặt tên là Rokujo-in. Rồi Genji cho người mình sủng ái nhất tức là Murasaki no Ue, cùng những người đàn bà khác đã có quan hệ với mình, ở đó. Ðịa vị của Genji lên tới bậc tương tự như thái thượng hoàng. Ðến đây là hết phần Một của truyện.

Trong phần Hai, Hikaru Genji ở tuổi sơ lão đã tái hôn với công chúa thứ ba, con gái cưng nhất của Suzakuin[9], rồi dần dần về già. Ở đoạn này, Genji trở thành một nhà chính trị có quyền lực lớn.

Trong phần Ba thì con trai của Genji là công tử Kaoru xuất hiện, song ở đây chỉ có Hikaru Genji được chọn, coi đó là người mẫu của lớp nhà chính trị quý tộc thời đại Heian.

Vậy thì, lớp người quý phái thời đại Heian kể từ niên hiệu Engi tới niên hiệu Tenryaku sinh hoạt trong trạng thái như thế nào.

Trước thời này là thời Nara, thời đại mà các hào trưởng lấy hoàng tộc làm trọng tâm cho cuộc tranh giành quyền lực với nhau trong quá trình thành lập của chế độ tập quyền trung ương.

Nhưng sang tới thời Heian, thì nhà vua được đôn lên trên "mây" và ở dưới thì dòng họ Fujiwara trở thành trung tâm quyền lực của cái gọi là thời đại quý tộc. Giới quý tộc này có trang ấp, đồn điền, nông trại ở khắp nước. Quyền quản lý các trang ấp như vậy được trao cho đám quản gia mà sau này trở thành võ sĩ[10]. Các địa chủ không sống ở trang ấp mà chỉ ngồi mát thâu hoa lợi hàng năm.

Ðám quản gia này được các quý tộc ủy thác cho quyền hành, đã dùng bạo lực bóc lột chiếm đoạt quá nửa hoa lợi, coi đó là phí tổn quản lý.

Quý tộc và quản gia như vậy là có quan hệ nương tựa lẫn nhau. Sự kiện này tương tự như quan hệ ngày nay giữa những bà quả phụ thừa hưởng tài sản chứng khoán lớn với đám người kinh doanh đắc lực vậy.

Nói như vậy không phải là giới quý tộc thời Heian chỉ ngồi chơi xơi nước. Ngược lại, tuy ở kinh đô, họ có nhiệm vụ "chính trị" trọng yếu là đảm đương việc quốc chính, dẹp loạn. Vấn đề là nội dung công tác "chính trị" đó của họ.

Kasumi
10-02-2007, 11:49 AM
Việc làm của một chính khách quý tộc

Thời đó, Nhật Bản có tổ chức triều đình rập khuôn theo kiểu nhà Ðường bên Trung Hoa nên có thể chế luật lệnh đàng hoàng. Ở dưới chức Dajodaijin thì có Sadaijin[11], Udaijin[12], Dainagon[13], Shonagon[14], v.v.. Những quan chức lớn này thì chỉ có dòng dõi nhà vua, hoặc con cháu bốn họ Gen Pei Tô Kitsu[15], đảm đương mà thôi.

Vậy thì, nền chính trị do những người này nắm giữ là như thế nào? Từ tướng quốc trở xuống, các nhà chính trị quý tộc này làm gì? Những điều này được thấy rất rõ ở nhân vật Hikaru Genji.

Như đã kể ở trên, Hikaru là con vua, và nhờ đẹp trai nên chàng đã yêu hết người này tới người khác. Trong khi đó, địa vị của chàng cũng tăng dần lên. Song lúc vua cha mất đi thì chàng bị lôi cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhà quý tộc, rồi bị lưu đày ra xứ Suma, xứ Akashi.

Ở trong tình huống này, ai chẳng chán ngán cho cái không may của mình và oán hận những kẻ địch chính trị của mình? Hoặc, để trở lại chính trường, ai chẳng sẽ triển khai cuộc vận động chính trị, trình bầy đường lối chính trị của mình và kết nạp đồng chí? Nhưng Hikaru hầu như chẳng làm gì cả! Trong cả tập truyện dài như vậy, người ta không hề thấy gì viết về chính kiến của Hikaru, về chính sách mà Hikaru muốn thực hiện, mặc dầu Hikaru đã làm quan đại thần lâu năm và đã leo lên tới địa vị tướng quốc.

Ngay cả sự kiện Hikaru được gọi từ vùng lưu đày Suma - Akashi về kinh rồi lại làm quan to nữa, cũng chẳng phải là kết quả của một cuộc vận động chính trị nào cả, mà chỉ do một sự thay đổi bè phái ở kinh đô mà thôi.

Tuy nhiên, "đoạn Suma - Akashi" kể lại cuộc sống trong thời kỳ bị lưu đầy, thì lại có rất nhiều điểm đáng tham khảo. Một điểm là ngay trong trạng huống bất hạnh như vậy mà Hikaru vẫn không hề bị trụy lạc, không hề làm phản!

Xa kinh đô, buồn về đời sống nhà quê tẻ nhạt, Hikaru đã than khóc nỗi niềm nhớ kinh đô và cảnh ngộ phải kéo dài cuộc sinh hoạt chán nản này, nhưng không hề có ý định làm phản, cũng không hề oán hận gì cả. Quý tộc thời đó sống biệt lập với những thành phần khác, và chỉ đắm chìm trong thế giới của ý thức thiện mỹ để khắc phục cái bất mãn của mình. Ðây mới chính là lối sống quý tộc thời đó, mới là nguyên gốc của cái "thanh nhã Nhật Bản" cho tới ngày nay.

Hikaru sau hai năm lưu đày ở vùng Suma - Akashi trở về kinh thì lại càng nắm được địa vị trọng yếu hơn trước. Ðến nỗi, chàng đã leo lên tới bậc tướng quốc, tức là tương đương với chức thủ tướng ngày nay. Hơn thế nữa, là tướng quốc, chàng còn làm Chuẩn Thái thượng hoàng kia.

Là một nhà chính trị ở địa vị cao sang như vậy mà đọc suốt "Truyện Genji" ta không thấy Hikaru làm gì "có vẻ chính trị" cả. Trong cả tập truyện dài của Murasaki Shikibu người ta không thấy nói gì tới vấn đề ngoại giao, quốc phòng hay trị an nào cả. Cũng chẳng thấy có cục diện nào thảo luận về vấn đề tài chính hay chế độ thuế khóa. Thế mà, người đọc vẫn không lấy thế làm lạ lùng, kỳ cục. Ngược lại, người ta gật đầu nhìn nhận rằng, với quý tộc thời Heian thì có khi như vậy là phải.

Nhật Bản ở thời kỳ này về mặt "công," thì đường lối "bế môn tỏa cảng" được áp dụng, sau khi bỏ lệ gửi sứ sang nhà Ðường, do đề nghị của Sugawara Michizane.

Kể từ khi Thái tử Shotoku bắt đầu gửi sứ sang nhà Tùy, rồi khi nhà Ðường thay thế nhà Tùy, thì thông lệ gửi sứ sang Trung Hoa đã kéo dài trong suốt thời đại Nara cho tới đầu thời đại Heian. Song từ năm 857, nhà Ðường có nội loạn và không thấy có tiến bộ nữa về mặt kỹ thuật cũng như văn hóa trước con mắt người Nhật thời đó, nên việc gửi sứ sang đó đã bị gián đoạn lâu năm. Cho tới năm 894, Sugawara Michizane mới đề nghị rằng "dẫu có sang nhà Ðường, thì cũng chẳng mang được gì về đáng cho ta học hỏi," nên lệ gửi sứ sang Trung Hoa đã bị bãi bỏ hẳn.

Trên thực tế, từ loạn Vương Tiên Chi - Hoàng Sào năm 875 trở đi, thì Ðường triều bị suy thoái dần và rơi vào tình trạng nội loạn liên miên, khiến mất cả năng lực thống suất. Cho nên dẫu cho có tới kinh đô Trường An đi chăng nữa thì cũng chẳng mang về được văn vật nào đáng kể cả! Ít nhất đây cũng là cái nhìn của người Nhật thời đó. Thực ra, thời kỳ gọi là "Ðường mạt ngũ đại" này mới chính là lúc sắp thoát thai của đời Tống, thời kỳ "cận hiện đại" với những kỹ thuật mới như "than đá," "kim nam châm," "thuốc nổ," v.v.. Thế mà người Nhật quý tộc thời Heian đã hoàn toàn không quan tâm tới những kỹ thuật công nghiệp như vậy.

Ở trong nội bộ nước Nhật thì thời đại đó chẳng phải là thời đại thong dong gì cả. Quyền thế và võ lực của giới quý tộc Heian đã yếu đi, khiến miền đông thì có loạn Taira no Masakado (935-940), miền tây có loạn Fujiwara Sumitomo (938-941). Hikaru Genji đã lên làm tướng quốc trước đó, song vẫn sống bình thản chứ không thấy lo lắng gì về vấn đề trị an hoặc tài chính cả.

Ấy thế mà, cả người đọc cũng như người bình luận "Truyện Genji" đều hiếm có ai phê bình Hikaru là nhà chính trị vô vi vô tài. Ngược lại, sự kiện những vấn đề hiện thực như trị an hay tài chính thì không phải do giới quý tộc trực tiếp nắm giữ, mà đã được giao phó cho các quản gia ở trang ấp, tức là những người sau này trở thành giai cấp võ sĩ samurai, là điều coi là đương nhiên vậy.

Ðiểm gốc của khái niệm "thanh nhã"

Vậy thì, công việc của người quý tộc thời đó trong chính phủ trung ương do họ chi phối, là gì? Công việc lớn nhất của họ là tiêu dùng tiền thuế do những người quản lý nông trại đã trưng thu, vào những phí tổn ở kinh đô cho việc cử hành những nghi thức Phật giáo hay Thần đạo nhằm truyền bá cái phong thái, cái dạng thức của nhà nước ra toàn quốc, với mục đích giữ được cái phong cách Nhật Bản, duy trì được sự thống nhất nhân tâm và văn hóa trong toàn quốc. Vấn đề trị an hay duy trì sản vật và ngành nghề của địa phương nào thì ủy thác cho quyền tự trị của địa phương ấy.

Thời Nara, họ cho mở nhiều đường quốc lộ, cho dựng chùa Quốc Phân Tự[16] ở mỗi địa phương để hoàn thành chế độ tập quyền trung ương. Ðến thời Heian thì quyền hành trung ương bị yếu dần đi, làm cho nền tự trị địa phương biến thành nền "phân lập" (độc lập) địa phương.

Chẳng hạn, ngày nay khi người ta làm một đường cao tốc và nếu người ta quy hoạch một cách hợp lý thì hầu như con đường đó luôn luôn trùng với quốc lộ ngày xưa. Nói cách khác, thời xưa người ta đã lập ra một quốc gia cổ đại với những con đường đáng được gọi là "đường viên đạn" chạy từ kinh đô Nara ra khắp nơi trong nước.

Nhưng đến thời Heian thì những con đường này mất khí thế, rất hiếm người đi lại nữa vì sự di chuyển trên những con đường này trở nên mất thời gian và nguy hiểm. Nói cách khác, Nhật Bản dần dần bước sang thời trung cổ.

Do đó, quyền hạn và quyền lực của chính phủ trung ương bị giảm đi, "giá trị" của chính phủ cũng không lấy gì làm "đắt" cho lắm nữa. Mỗi địa phương đều được phân quyền và lập ra một chính phủ nhỏ bé của mình. Việc làm của các chính trị gia quý tộc chủ yếu là duy trì những nghi thức tôn giáo có tính cách quốc gia để làm mô phạm cho ý thức thiện mỹ của toàn quốc. Có thể nói một cách cực đoan rằng nước Nhật thời đó đã được bảo tồn nhờ một ý thức thiện mỹ chung vậy. Chính ở thời kỳ như vậy mà Hikaru Genji, ở địa vị một chính trị gia, đã làm một "cấu trúc trên mặt tư tưởng."

Chính phủ trung ương thời đại Heian là một "chính phủ nhỏ," song việc thu thuế để duy trì một chính phủ nhỏ như vậy cũng không dễ dàng gì. Truyện Genji có những đoạn mô tả cảnh biệt thự hoang tàn của những bậc công khanh nghèo nàn hoặc những nhân vật quý tộc đã suy đồi. Hikaru Genji làm tướng quốc mà không thấy nghiêm chỉnh thảo luận vấn đề cứu tế những nhà quý tộc suy đồi đó. Ngược lại, thái độ của ông là xa lánh, hoặc dẫu có nhìn thấy cũng làm ngơ trước những nhân vật quý tộc đáng thương đó. Ðương nhiên là với thứ dân, ông cũng làm như vậy. Cá nhân ông thì có coi những cảnh tượng đó là tội nghiệp thật, song với tư cách chính trị gia, ông đã không hề nghĩ đến một chính sách phúc lợi nào cho họ.

Tướng quốc Hikaru Genji đã chỉ miệt mài vào thế giới của ý thức đẹp, ý thức thẩm mỹ. Thơ ca hoặc trang phục, cử chỉ hoặc sự xếp đặt chỗ ngồi trên dưới trong nghi lễ, thì thấy thảo luận rất nhiều. Rồi yêu đương và tranh giành trong quan hệ với nữ giới cũng thế. Thật ra, nếu nghĩ rằng chính trị chẳng qua là vấn đề bè phái, vấn đề máu mủ ruột thịt, thì yêu đương nhau cũng là vấn đề chính trị trọng yếu chăng.

Kasumi
10-02-2007, 11:50 AM
Ngày nay, nếu các nhà chính trị không màng gì đến ngoại giao, tài chính, mà chỉ miệt mài với thẩm mỹ, thì sẽ ra sao? Không chừng, bọn quan liêu (công chức), tức là những người tương đương với đám quản gia thời Heian xưa, lại làm cho mọi việc chạy trơn chu hơn cũng nên. Trước đây đã có một thủ tướng Nhật Bản chỉ bận tâm tới cách quàng khăn cổ trong buổi hội kiến với tổng thống Mỹ. Biết đâu ông thủ tướng ấy chẳng là "hậu duệ" của các nhà quý tộc thời Heian? Và nếu nghĩ như vậy, người ta có thể sẽ gật đầu nghĩ thầm: "chí lý!"

Có điều lạ lùng là riêng với nhân vật Hikaru Genji này, thì dù chẳng làm chính trị gì cả, mà không thấy có gì đáng ghét, không bị nghĩ là ngu. Gần đây, từ lập trường nhân quyền của phái nữ, hình như có nhiều người cảm thấy ghê tởm Truyện Hikaru Genji bởi vì có quá nhiều phụ nữ xuất hiện trong truyện. Song ngay với những người như vậy, thì vai chính trị gia Hikaru Genji cũng không đến nỗi bị người ta ghét bỏ. Ðây âu cũng là bởi chàng vốn có "đức" chăng?

Truyện kể Hikaru Genji làm nhân vật điển hình của lớp người quý tộc Heian và được mọi người Nhật biết cho đến ngày nay. Nếu trong lịch sử không có Hikaru Genji, nghĩa là nếu bà Murasaki Shikibu không viết ra Truyện Genji, thì ngày nay chúng ta làm sao biết được chi tiết như vậy về địa vị, về lối sống của lớp người quý tộc Heian.

Thế rồi cái đó đã trở thành hình ảnh của giới quý tộc, hay hơn thế nữa, thành điểm gốc của khái niệm "thanh nhã" của Nhật Bản. Người Nhật thì ngay ngày nay cũng vậy, vẫn chấp nhận những người như Hikaru Genji, dù chỉ là chấp nhận với điều kiện nào đó. Sự kiện Hikaru Genji vẫn có ảnh hưởng lớn tới cách sống hoặc cách đánh giá trong xã hội của người Nhật ngày nay, đủ chứng tỏ Hikaru Genji đáng được đếm là một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.


Sự xuất hiện của chính trị gia kiểu "Hikaru Genji"

Ảnh hưởng của "chính trị gia chằng làm gì cả" kiểu Hikaru Genji, đã hiện ra ở đâu và như thế nào trong nước Nhật ngày nay?

Trước nhất là sự phát sinh ra mô hình "chính khách quý tộc kiểu Nhật Bản," hay là loại "người thanh lịch."

Ðúng vậy, ở nước Nhật này, thỉnh thoảng người ta lại thấy xuất hiện những chính trị gia kiểu Hikaru Genji. Nghĩa là loại chính trị gia trông tốt mã, tốt người, song chẳng làm gì đáng gọi là làm chính trị, thậm chí chẳng muốn làm gì, chẳng quan tâm gì, chẳng hiểu gì về thực chất của việc chính trị, tài chính phải làm cả.

Ðiển hình là Konoe Fumimaro, người đã lập nội các năm 1937.

Konoe Fumimaro cao 1m 80, ở thời đó như vậy là cao vượt bực, với vóc người hết sức bảnh bao. Ông để râu mép, mặt mũi thanh tú. Hơn tất cả nữa, ông lại là con dòng chính thống của họ Fujiwara, đồng thời lại là công tước. Thật quả là một chính khách quý tộc chính hiệu.

Lúc đó Nhật Bản đang ở vào thời kỳ vô cùng khó khăn: Từ vụ Mãn Châu qua diễn biến 26 tháng 2[17], Nhật Bản đang bị cô lập hóa trên trường quốc tế và tình hình quốc nội thì rối beng. Ðúng lúc đó thì từ mọi giới nổi lên như cồn lời kỳ vọng: "Ngoài Konoe ra, chắc không còn ai có thể trị nổi nước Nhật hiện nay!" Ðúng là người ta đang muốn tìm ở Konoe hình bóng một Hikaru Genji vậy.

Nhiều chính sách được đề ra, nào phong trào Thể chế mới, nào luật Tổng động viên toàn dân, v.v.. Tất cả đều chỉ là những khẩu hiệu, những phiêu ngữ rộng tuếch, không ra ngoài phạm vi ý thức về vẻ đẹp. Dưới quyền một thủ tướng vô vi vô tài như vậy, nền chính trị thực tế là do quân nhân và quan liêu (công chức) thực thi. Thật đúng là phó mặc cho quản gia. Ấy thế mà dân chúng chẳng ai phê phán, chẳng ai chê bai gì cả, đến nỗi Konoe được làm thủ tướng đến ba lần.

Tiếng tăm của Konoe không hề bị suy giảm mặc dầu ông không hề thực sự làm chính trị, chỉ lạm phát khẩu hiệu và làm điệu bộ thôi. Nội các Konoe thứ nhất đã làm cho chiến tranh Nhật-Hoa sa vào bùn lầy, rồi ông buông bỏ chính quyền mà cũng chẳng bị ai chỉ trích gì cả. Ðến năm 1940, ông lại đứng ra lập nội các thứ hai. Với chiêu bài thúc đẩy phong trào Thể chế mới, ông đã lập ra Hội Ðại chính Dực tán, theo đó mọi chính đảng đều giải tán, và tất cả nghị viên đều vui lòng đặt mình dướI quyền chỉ huy của chính trị gia vô vi vô tài Konoe này!

Vì Konoe không có tài chỉ huy, nên thực tế vấn đề chính trị đã phó mặc cho quân nhân Bộ Lục quân, quan chức Bộ Nội vụ và Bộ Kho bạc thao túng. Kết quả là Nhật Bản đã bị lôi cuốn vào trận chiến tranh Thái Bình Dương.

Thực ra, tội của Konoe đối với việc đưa Nhật Bản mạo hiểm vào trận chiến tranh thế giới trước, là vô cùng nặng.

Thứ nhất, trong đợt nội các thứ nhất (lập ra năm 1937), Nhật Bản đã khởi đầu cuộc chiến tranh Nhật-Hoa. Hơn thế nữa, năm 1938, nội các này đã tuyên bố: "Không thèm bắt tay với Tưởng Giới Thạch," khiến làm mất cơ hội đình chiến. Dĩ nhiên, đây là vì Bộ Nội vụ, tức là nhà đương cục công an lúc đó, chứ không phải quân đội, đã phản đối với lý do rằng "Nếu thỏa hiệp với Tưởng Giới Thạch thì không thể kiềm chế được bạo động của những nhóm hữu khuynh," song Konoe làm thủ tướng đã không thuyết phục nổi đám quan liêu Bộ Nội vụ, cũng không cất chức họ đi.

Trong thời kỳ nội các Konoe thứ hai, thì Nhật Bản đã kết bè với Ðức, Italia thành phe trục Nhật - Ðức - Italia. Thế rồi năm 1941, tức là thời nội các Konoe thứ ba, thì một mặt Nhật Bản tuyên bố "Phản đối việc khai chiến Nhật-Mỹ," nhưng mặt khác mỗi ngày lại có những hành vi gây hấn như chiếm đóng Ðông Dương thuộc Pháp chẳng hạn. Thế rồi đến lúc không còn làm gì khác hơn được là phải nhảy vào vòng chiến, tức là tháng 10 năm 1941, thì nội các Konoe tổng từ chức, nhường bước cho nội các của Ðại tướng lục quân Tojo Hideki.

Ai cũng biết rằng chính nội các Tojo đã bắt đầu cuộc chiến tranh. Lại nữa, ai ai cũng biết rằng Tojo Hideki, Bộ trưởng Lục quân trong nội các Konoe thứ ba, chính là phe chủ chiến. Thế nhưng, làm cho quan hệ với Mỹ bị hỏng một cách tuyệt vọng khiến không còn con đường nào khác hơn là chiến tranh, chính là trách nhiệm của nội các của Konoe Fumimaro vậy.

Mặc dầu có trách nhiệm là đã gây nên sự kiện lớn lao như vậy, song sự ngưỡng mộ của dân chúng Nhật đối với Konoe vẫn không hề suy giảm. Năm 1945, Konoe tâu vua Nhật cho mình sang Liên-Xô cầu hòa, làm như chính mình không hề có trách nhiệm gì về cuộc chiến tranh cả. Ðây chính là thái độ thường có của các chính trị gia quý tộc Nhật Bản như được đại biểu bởi Hikaru Genji vậy.

Thời nay cũng thế, ở Nhật Bản người ta vẫn quan niệm rằng, người đứng trên chóp bu thì không nên để tâm đến những tiểu tiết, nên có thái độ phó mặc cho bề dưới muốn làm sao cho tốt thì làm. Ðây chính là hiện tượng đã khởi nguồn từ từng lớp quý tộc thời Heian, được Hikaru Genji đại diện vậy.


Tính cách vô lãnh đạo của "Chủ nghĩa tập thể"

Cùng thời với Konoe, người ta thấy có các nhà lãnh đạo ngoại quốc như Hitler, Churchill, Stalin, người nào cũng quan niệm trách nhiệm và quyền hạn của mình một cách rất tỉ mỉ.

Tổng thống Mỹ Roosevelt cũng vậy, khi bắt đầu vào cuộc chiến, ông đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia để biết cần bao nhiêu chiến hạm, cần chế tạo loại xe tăng nào, v.v., và chính ông tự mình quyết định. Churchill cũng vậy, Mao Trạch Ðông cũng vậy.

Thời Ðại chiến thứ nhất, thủ tướng Anh Lloyd George, thủ tướng kiêm bộ trưởng Lục quân Pháp George Clémenceau nổi tiếng độc tài, đã chính mình đứng ra chỉ huy chiến trận. Hơn thế nữa, Lloyd George còn bất chấp sự phản đối của hải quân thời đó, đã cho thành lập đoàn tầu có hộ tống. Kết quả là phương án này đã thành công lớn lao, đã ém được sự tấn công bằng tàu ngầm của Ðức. Chịu nghe ý kiến của các chuyên gia, song chính mình hạ quyết định cuối cùng. Ðó là thái độ của các chính khách ngoại quốc.

Dù là chủ nghĩa quân phiệt, hay là chủ nghĩa dân chủ, thì người đứng ở chóp bu cũng phải nhận trách nhiệm ra quyết định. Ðó là bổn phận của kẻ lĩnh lương cao nhất vậy.

Nếu là một tập thể nhỏ của một xí nghiệp, thì điều này càng thấy quyết liệt hơn. Xí nghiệp ở Mỹ hay ở châu Âu thì nguyên tắc là kinh doanh độc tài bởi một cá nhân. Mọi việc đều phó mặc cho người có trách nhiệm kinh doanh tối cao. Kinh doanh có kết quả tốt, thì tổng giám đốc, mặc dầu cũng chỉ là người lĩnh lương, sẽ nhận được thù lao to lớn. Song, ngược lại, nếu kinh doanh không suôn sẻ, thì tức khắc bị giải nhiệm. Nói cách khác, chính mình nhận tất cả trách nhiệm mà hạ quyết định. Ðó là bổn phận của kẻ ngồi trên chóp bu vậy.

Kasumi
10-02-2007, 11:55 AM
Tuy nhiên, ở Nhật thì người ta quan niệm rằng người ở địa vị cao không nên câu nệ chuyện nhỏ nhặt. "Chỗ đó, tụi bay liệu mà làm cho tốt!" hoặc "Khi nào phương án của văn phòng thảo xong, thì cho tao biết!"... Ðó mới đáng mặt kẻ làm lớn, kẻ "sang," kẻ "ăn trên ngồi trốc."

Sở dĩ có sự khác biệt như trên là vì, quý tộc Âu Mỹ vốn là võ tướng, lúc nào cũng sống trong tình trạng chiến tranh cướp giựt lãnh địa, trang ấp của nhau. Chứ quý tộc Heian của Nhật phải chăng chỉ là những "văn nhân" trong triều đình, kiểu Hikaru Genji?

Cái phong cách "người sang," "người làm to" ngồi trên chóp bu thì không nên chi li, đã có ảnh hưởng trọng đại đối với sự hình thành xã hội ngày nay của Nhật Bản. Người ngồi trên không lãnh đạo gì cả, cho nên mới sinh ra hình thức quyết định tập thể của đông đảo người ở cấp dưới. "Chủ nghĩa tập thể" mới nghe thì hay lắm, song thật ra đó là hình thức thiếu lãnh đạo, mạnh nhóm nào nhóm ấy quyết định theo ý riêng, khiến dễ sinh ra tình trạng không còn biết trách nhiệm ở đâu nữa.

Thời kỳ tao loạn, chẳng hạn thời kỳ "chiến quốc," thời kỳ "Duy tân," thì cần có những người lãnh đạo mạnh. Nhưng thời bình thì tức khắc xuất hiện hiện tượng chối bỏ quyền lãnh đạo, khiến phát sinh ra cơ cấu "làm quyết định (decision making) theo chủ nghĩa tập thể." Kể từ Hikaru Genji trở đi, đã sinh ra truyền thống theo đó nhân sĩ thượng lưu không nhúng tay vào thực vụ, người "thanh nhã" thì "không giám sát, không chỉ huy" người khác.

Ở thế kỷ XX, sau trận chiến tranh thế giới thứ hai, người ta cũng thấy xuất hiện nhiều nhà lãnh đạo có cá tính mãnh liệt trong giới chính trị cũng như trong giới kinh doanh. Họ nghĩ ra những chính sách mới, khởi đầu những doanh nghiệp mới, và có nhiều trường hợp đã thâu được thành công lớn.

Thế nhưng, ba chục năm sau chiến tranh, tức là từ khoảng giữa những năm 1970 trở đi, thì cả ở trong giới chính trị lẫn trong giới kinh doanh, không còn những người có tinh thần khởi nghiệp nữa, mà chỉ còn những người vô lãnh đạo thường được gọi là kiểu "người điều hợp" (coordinator). Cái gì cũng chủ trương "thôi thì mọi người cùng quyết định" là tốt.

Mọi người tụ tập nhau lại, "quyết định" phiên phiến theo bầu không khí, hay nói đúng ra là có "cảm giác" đã quyết định. Chẳng phải là có ai đã nói thế này, đã nói thế khác, cũng chẳng phải đã có quyết định đó từ đâu rồi, mà thật ra chỉ là "vì không có ai phản đối cả" hoặc "trong phiên họp đó, không có ai bàn ra tán vào gì cả, nên phương án do văn phòng đề ra đã được thông qua."

"Lãnh đạo tập thể" và "quyết định theo tinh thần tập thể," là hai việc khác nhau hoàn toàn. Lãnh đạo tập thể là một tổ chức rõ rệt gồm mấy người hoặc mấy chục người (chẳng hạn hội đồng nội các, hội đồng quản trị công ty) làm quyết định, rồi chỉ thị xuống cho cấp dưới thi hành. Còn quyết định theo tinh thần tập thể, chẳng qua là sự thiếu sót hẳn một cơ cấu có quyền làm quyết định, cho nên việc quyết định đã phải dựa vào bầu không khí của toàn thể tổ chức hoặc vào cảm tính của toàn thể thành viên của tổ chức. Do đó, những người làm công tác "tạo bầu không khí" phải họp thường xuyên, "mặt đối mặt" để trao đổi "Tình huống lúc này là thế nào?" "Bầu không khí lúc này là thế nào?"

"Phòng xalông" của Hikaru Genji mô tả trong "Truyện Genji" chính là để tạo ra cái bầu không khí như vậy. Ðủ hạng người ra vào đó, ngâm thơ, ngắm trăng,...và từ đó đã tạo ra cái bầu không khí chính trị của Nhật Bản vậy.

Hình thức "phòng xalông" như trên, ngày nay cũng được giới chính trị và giới kinh doanh bắt chước. Xí nghiệp bỏ ra kinh phí rất lớn cho việc giao tế, du lịch giao thông, cơ sở phúc lợi.

Theo thống kê thuế vụ năm 1994, thì giao tế phí tổng cộng của toàn thể xí nghiệp tư doanh Nhật Bản là 5.487 tỷ đồng Yen. Sau khi "bong bóng kinh tế" bị xẹp, người ta đã thắt lưng buộc bụng nên đã giảm bớt kinh phí như vậy được 870 tỷ đồng Yen so với năm 1992. Song, so với Mỹ, kinh phí như vậy vẫn nhiều hơn gấp 3 lần, và so với Ðức thì nhiều hơn gấp gần 16 lần. Tính trên cơ sở GNP[18], thì giao tế phí của Nhật Bản nhiều gấp 5 lần Mỹ, 6 lần Ðức. Ðây mới chỉ là giao tế phí "dân thết đãi dân," chứ những hình thức giao tế phí khác, như giao tế phí "quan tiếp đãi quan" cũng nhiều vô kể.

Bảo rằng "giao tế phí" thì cần thiết cho kinh doanh, nhưng thật ra đây chỉ là tiêu dùng cho mục đích gặp mặt nhau để trao đổi thông tin hoặc ở trong cùng một xí nghiệp hoặc ở trong cùng một gia đình xí nghiệp. Nghĩa là, muốn cho bầu không khí được hình thành mà chẳng phải vì ai đã muốn như vậy, thì người ta phải thường xuyên gặp mặt nhau, dò dẫm tìm hiểu lẫn nhau bằng cách trao đổi thông tin, sao cho đến một lúc nào đó thì cái ý chí của chính mình cũng hướng theo cùng chiều. Cái đó mới quan trọng.

Kinh phí giao thông, du lịch, để cho mọi người có dịp gặp gỡ nhau trao đổi thông tin như thế này, cũng vô cùng lớn. Cũng năm 1994, kinh phí cho du lịch, giao thông như vậy của Nhật Bản, là 14 ngàn tỷ đồng Yen. Kinh phí này đem so với Mỹ hay Liên bang Âu (EU) thì lớn hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, các xí nghiệp tư Nhật Bản còn bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng cơ sở, thiết bị phúc lợi, nhằm cộng đồng hóa tập thể nhân viên.

Chẳng riêng gì ở các xí nghiệp tư nhân. Ngay cả trong giới chính trị gia ở "xóm" Nagata[19], thậm chí trong văn đàn, họa đàn, thi đàn, ca đàn,...người ta cũng thấy hình thành "làng," nghĩa là sự xây dựng quan hệ người với người trong khuôn khổ xóm làng.

Kết quả là, chẳng phải những người vốn dĩ có năng lực làm việc, mà chính những người khéo xã giao, hay săn sóc bạn bè, không nói phật lòng người khác, nghĩa là những người kiểu Hikaru Genji, là những người sẽ được xung quanh đôn đẩy lên địa vị cao. Hiện tượng như vậy càng thấy nhiều khi thế gian bước vào giai đoạn ổn định.

Cái truyền thống về loại người không quyết định gì cả lại được ở địa vị cao sang, nghĩa là loại người tuy không có năng lực nhưng "thanh nhã" này, đã có từ thời quý tộc Heian, tức là từ thế kỷ thứ X, thời Hikaru Genji sinh sống. Hơn thế nữa, trong lúc quan tể tướng Hikaru Genji chỉ miệt mài với yêu đương và thơ phú, thì thế gian đã xoay vần đổi thay.

Miền đất phương đông thì Taira no Masakado làm phản rồi tự diệt, mặt biển phía tây thì Fujiwara Sumitomo nổi loạn rồi bị Taira diệt. Ấy thế mà bọn võ sĩ samurai chẳng lấy thế làm kiêu ngạo. Rồi xuất hiện thời đại thái bình thịnh trị, thời đại hoàng kim của giới quý tộc Heian, tức là thời đại mà Murasaki Shikibu, tác giả "Truyện Genji," sinh sống.

Cái ký ức như trên còn có ảnh hưởng lớn tới tính tình người Nhật, tới sự khẳng định kiểu mẫu chính trị gia Hikaru Genji.

Chẳng hạn, ở thời đại mạc phủ Tokugawa thì vua Nhật chỉ coi vấn đề văn hóa, tế lễ thần đạo, còn mạc chúa Tokugawa thì nắm thực quyền chính trị. Song, chính mạc chúa Tokugawa như vậy cũng không được nói xen vào những chuyện tỉ mỉ. Thí dụ, vị chúa Tokugawa đời thứ tư, tên là Ietsuna thường được gọi với hỗn danh "ngài làm thế đi." Ông này chỉ nói "làm thế đi" mỗi khi được quần thần trình tấu việc nước. Các vị chúa sau ông, trừ vị chúa thứ năm Tsunayoshi và chúa thứ tám Yoshimune, đều là chúa "làm thế đi" như vậy cả. Thậm chí, các phiên chúa (lãnh chúa) cũng thuộc loại này. Nghĩa là, khi thiên hạ được thái bình thì cái "tính di truyền cách đời" từ thời Heian đã lại xuất hiện ra vậy.

Nhìn qua các ví dụ ngoại quốc, ta thấy vua chúa, hoàng đế nói chung đều thuộc loại độc tài cả.

Ngay ở Trung Hoa bên cạnh đây, cũng thấy xuất hiện đủ loại hoàng đế. Nếu có người "kỳ cục" trật đường ray, thì cũng có người "ngu," "người bệnh," "con nít," v.v.. Song, tất cả các hoàng đế Trung Hoa đều là người có quyền hành tuyệt đối cả. Nếu còn nhỏ hoặc bị bệnh, thì có nhiếp chính phụ giúp. Trường hợp ấu đế thì nhiều khi bà mẫu hậu đứng làm nhiếp chính, nhưng cũng có khi quyền bính bị các ông cậu hay anh em họ chiếm đoạt.

Tuy nhiên, cho dù là chính vị hoàng đế, hay vị nhiếp chính đứng cầm quyền, thì người ở địa vị quyền lực tối cao đó, cũng phát huy quyền chỉ huy, quyền lãnh đạo ghê gớm. Quan đại thần có thực lực mấy đi nữa, cũng không bì được với hoàng đế hoặc nhiếp chính. Khi hoàng đế trưởng thành, nắm lấy thực quyền, thì lập tức nền chính trị của quan nhiếp chính bị thay đổi, các quan đại thần có thực quyền lớn cũng dễ dàng bị bay cổ như chơi.

Sự khác nhau lớn giữa "quý phái" và "thanh nhã"

Ðiều kể trên còn có nghĩa rằng quan niệm "thanh nhã" của người Nhật và của ngoại quốc khác nhau xa. Ðây là cái ảnh hưởng thứ hai do Hikaru Genji, tức là tầng lớp quý tộc thời đại Heian, để lại.

Ở Nhật Bản, khi nói "người thanh nhã" chính là chỉ Hikaru Genji. Ðây tức là nói người không phát huy quyền lãnh đạo, đánh nhau yếu và thể lực cũng yếu, không có sức chịu đựng dẻo dai để sống còn trong cảnh hoang dã, lúc nào cũng chỉ miệt mài trong thế giới thẩm mỹ, thi ca, hiểu rõ phép xã giao, không làm phật lòng người khác. Nói cách khác, đây là loại người "không đủ mặn" đồng thời cũng "không đủ mỡ màng."

Kasumi
10-02-2007, 11:56 AM
Nói chung, trong phim truyện hay trong tiểu thuyết, "người thanh nhã" như công khanh hoặc công tử đài các, thường được mô tả là người ít hoạt bát, chẳng có gì hấp dẫn cả. Người quý tộc thanh nhã mà lại có võ nghệ siêu quần, như vị chúa thứ 13 của dòng chúa Ashikaga, tên là Yoshiteru, thì không phải là không có, nhưng người ta coi như vậy là không thích hợp! Thà ông ta miệt mài với thơ phú, đá cầu[20],.. thì phù hợp hơn. Cái khái niệm "thanh nhã" này là nét độc đáo của Nhật Bản.

Ở xã hội quý tộc châu Âu, thì "thanh nhã," nghĩa là "quý phái," phải hội đủ điều kiện tiền đề là có "sức chịu đựng và tính cẩn thận." Trong hai đức tình này thì "sức chịu đựng" quan trọng.

Thí dụ, bộ đội bị lạc trong rừng sâu. Lương thực đã hết mà mãnh thú lại xuất hiện. Lúc đó, thử hỏi ai sẽ là người sống sót? Ở Nhật thì trước hết người ta nghĩ rằng binh sĩ xuất thân từ nông dân hay giới lao động, sẽ sống sót. Chứ người quý phái "thanh nhã" thì làm sao sống sót được trong rừng sâu một năm, hai năm? Ðó là thường thức ở Nhật Bản.

Thế nhưng, ở Anh quốc, người ta hẳn sẽ nói: "Hắn ta sẽ sống sót. Vì hắn là quý tộc. Cái gì chứ sống trong rừng là chuyện bình thường! " Ở Pháp cũng vậy, ở Ðức cũng vậy, câu trả lời cũng sẽ là như vậy.

Quý tộc châu Âu không những là con cháu những chiến sĩ đã thắng trận, chính bản thân họ cũng đang chiến đấu để bảo tồn lãnh địa của mình.

Vì thế, quý tộc không những đánh nhau khỏe, thể hình cũng to lớn. Tự mình quyết định mọi việc, tự ý chí của mình thích ứng với hoàn cảnh. Nóng, lạnh cũng chịu đựng được. Người quý tộc mùa hạ cũng ăn mặc chỉnh tề, mùa đông không mặc dầy xù mất vẻ thẩm mỹ. Ðó chính là vì họ có sức chịu đựng, chịu đựng được nóng cũng như lạnh. Bị bệnh cũng không rên rỉ đau đớn. Khi có chiến tranh, thì tiên phong tự nguyện đầu quân ra chiến trường. Có can đảm không sợ chết. Ðó mới là điều kiện phải có của người "quý phái," tức là người "thanh nhã" châu Âu.

Ðiều kiện thứ hai của quý tộc châu Âu là "tính cẩn thận." Quý tộc muốn giữ được gia thế và tài sản của mình, thì không thể không "cẩn thận" được. Cách ăn mặc chỉnh tề, không xuề xòa, cách ăn nói khéo léo chính là biểu hiện của "tính cẩn thận" này vậy.

Một mặt thì mạnh dạn, dũng cảm, có sức chịu đựng, mặt khác lại phải có tính cẩn thận, mới nghe tưởng như mâu thuẫn, song đó chính là điều kiện để làm "quý tộc" châu Âu vậy.

Tóm lại, các kỵ sĩ mặc giáp trụ cưỡi ngựa chiến đấu thời xưa, thời nay sống sót làm thành những con người quý tộc điển hình của châu Âu. Có sức chịu đựng, có tính cẩn thận chính là những điều kiện tất yếu của khái niệm người "quý phái" vậy.

Còn một từ nữa để chỉ "thanh nhã." Ðó là "gentle" của tiếng Anh (hoặc "gentil" của tiếng Pháp) mà tiếng Nhật dịch là "có vẻ, có dáng thân sĩ." "Thân sĩ" là từ dùng để chỉ người tiểu tư sản. Vậy nếu coi "noble" là "thanh nhã quý phái" thì "gentle" là "thanh nhã thứ dân," "thanh nhã tiểu tư sản."

Gentleman (gentilhomme) là từ chỉ những người từ tốn, ít khi biểu lộ tình cảm, bị nói sao cũng bình tĩnh đối đáp, thế mà lại không a dua theo ý kiến người khác, biết tâm đắc cái trung dung. Quý tộc Heian của Nhật Bản thì khác hẳn loại người gentleman này. Ðối với gentleman thì quan trọng nhất là thường thức và trung dung, rồi đến ý chí cứng cỏi.



"Thanh nhã kiểu Nhật" không còn đắc dụng nữa

Xem như trên, ta thấy cái "thanh nhã" Nhật Bản khác hẳn cái "thanh nhã" Âu Mỹ. Còn cái "thanh nhã" của châu Á, thí dụ cái "thanh nhã" của Trung Hoa thì ra sao? Cái "thanh nhã" Trung Hoa thì hoàn toàn chú trọng vào sự hiểu biết (chủ tri chủ nghĩa), lấy hiểu biết làm điều kiện lớn nhất.

Bên Trung Hoa, sau khi nhà Ðường suy, trải qua thời kỳ hỗn loạn gọi là thời Ngũ đại, rồi nhà Tống bắt đầu chỉ một thời gian ngắn sau thời Hikaru Genji hoạt động chính trị. Ở thời này, bên Trung Hoa, hình thức khoa cử để tuyển chọn quan lại cao cấp đã được tổ chức nghiêm minh và đã trở thành trọng yếu. Chế độ khoa cử thật ra đã bắt đầu từ thời Tùy sơ, song cho tới hết thời Ðường, thì nhiều người đỗ đạt là nhờ con ông cháu cha. Nhưng kể từ đời Tống trở đi, khoa cử đã được tổ chức nghiêm minh, và đỗ đạt khoa bảng đã thành điều kiện thứ nhất để được coi là "thanh nhã," để gia nhập giới thượng lưu.

Nghĩa là, muốn trở thành con người "thượng lưu" thì điều kiện thứ nhất là phải có đủ hiểu biết để đỗ đạt khoa bảng.

Ở Trung Hoa thì từ xưa, thi sĩ, hoạ sĩ cũng nhiều người xuất thân từ quan trường khoa bảng. Những người sáng tạo ra học vấn hoặc kỹ thuật mới, cũng phần lớn xuất thân từ quan trường. Như vậy, quả thật quan trường là nơi tụ tập đủ loại nhân tài. Thậm chí, "không thả rong nhân tài nơi dã ngoại" được coi là lý tưởng của quốc gia, nghĩa là quốc gia dùng tất cả người tài làm quan, không để ai chơi không. Ðó là lý tưởng của chính trị.

Do đó, có tri thức đủ để đỗ đạt đã là điều kiện tất yếu để trở thành "thanh nhã." Nhất là từ thời Minh trở đi, "Chu Tử học" coi trọng tri thức làm cho "chủ nghĩa chủ tri (chủ nghĩa lấy biết làm chủ)" trở thành phổ biến, thì Trung Hoa đã trở thành quốc gia mà những trí thức hiểu biết nhiều được tôn trọng lắm lắm.

Ở Nhật, cứ xem câu nói "trí thức mặt trắng bệch" đủ thấy là người ta có phần nào khinh miệt người trí thức, người đọc sách. Quan niệm tương tự như vậy cũng thấy có ở Mỹ, Anh. Ở Mỹ thì đàn ông võ biền được ưa chung, trong khi đó những người "đầu trứng," tức là đầu nhét đầy tri thức như quả trứng, thì lại không được tôn trọng. Tập quán tôn trọng người trí thức thì trước nhất là Trung Hoa, thứ đến là Pháp[21].

Ở Trung Hoa, nơi mà những môn học khoa cử như lịch sử, văn sách, được coi trọng, thì dù không muốn làm quan nhưng để chứng tỏ mình cũng là thành phần "thanh nhã" thượng lưu, người ta phải làm sao đậu được khoa thi hương. Do đó, có nhiều người đậu hương thí, lấy được mảnh bằng để chứng tỏ đã có cái hiểu biết của người thượng lưu rồi, nhưng không ra làm quan, chỉ ở nhà làm địa chủ hay nối nghiệp ông cha, vẫn được tôn kính gọi là ngài "cử nhân." Trí thức Trung Hoa có học vấn, thường khinh bỉ việc lao động chân tay và nghề võ biền[22], song phát huy năng lực lãnh đạo. Cái trật tự trên dưới duy trì được cũng là nhờ vậy.

Quý tộc Heian của Nhật Bản cũng biết làm thơ, cũng thông văn sách chữ Hán, song với họ, có tri thức, có học vấn hay không, không phải là tiêu chuẩn ấn định sự "thanh nhã." Với họ, ngâm vịnh thơ phú chỉ là một phần trong ý thức thẩm mỹ. Hikaru Genji là người đàn ông đẹp trai, "thanh nhã," được nữ giới hâm mộ và làm tể tướng. Chàng được người ta vô cùng vì nể, song chẳng phải vì chàng biết làm thơ hay, cũng chằng phải vì chàng có học thức đủ viết sách chú giải Luận ngữ.

Nhật Bản kể từ khi gửi sứ sang nhà Tùy, đã học hỏi văn hóa Trung Hoa rất nhiều, đã mô phỏng chế độ chính trị Trung Hoa, song riêng về khái niệm "thanh nhã" thì Nhật Bản khác xa với Trung Hoa. Ðây có lẽ là bởi vì từ Ðường mạt sang Tống sơ, tức là vào thời kỳ biến chuyển của nền văn hóa Trung Hoa, thì Nhật Bản đã dẹp bỏ việc gửi sứ sang Trung Hoa, và thôi không du nhập văn hóa mới của Trung Hoa nữa chăng?

Ngày nay, 50 năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ cũng như xí nghiệp tư nhân đều bước vào giai đoạn hướng tới ổn định. Vì thế, càng ngày càng thấy nhiều người "thanh nhã," "tư cách mười điểm, tài năng zero điểm" kiểu Hikaru Genji, giữ địa vị chóp bu.

Ðiều này cũng thấy thể hiện cả trong giáo dục con em của Nhật Bản nữa. Giai cấp thượng lưu châu Âu thì trước nhất dạy con "tính chịu đựng" và "tính cẩn thận," tức là giáo dục con em thành người cương cường. Nhưng nhà giầu hoặc người có địa vị xã hội ở Nhật thì nuôi con sao cho thành người "thanh nhã." Vì vậy, họ thường nuông chiều con cái.

Ở Nhật Bản, "đời thứ hai" đang thịnh hành lúc này. Trong giới đại biểu quốc hội, thày thuốc thì đã đành, ngay trong giới nhà kinh doanh, nghệ sĩ nghệ nhân, thậm chí người chơi thể thao cũng thấy xuất hiện nhiều người "đời thứ hai." Bầu không khí chung là nhìn nhận những người thuộc đời thứ hai này, bởi vì xã hội Nhật Bản đang bước vào thời kỳ ổn định chỉ cần những người ngồi ở chóp bu không làm gì cả song giữ được vẻ "thanh nhã" Nhật Bản là đủ.

Tuy nhiên, đời thứ hai có nhiều, chứ sự giầu sang kéo dài tới ba đời là chuyện hiếm có ở Nhật Bản. Bởi vì, trong khoảng thời gian ba đời, sáu mươi năm, thế nào cũng có lúc biến động sôi nổi, khiến người "thanh nhã" kiểu Nhật Bản dễ bị đè bẹp. Ở điểm này, Nhật Bản là nước mà giai cấp thượng lưu luôn luôn thất bại trong vấn đề giáo dục con em.

Như trên, ngược dòng thời gian tìm đặc điểm ngày nay còn thông dụng của xã hội Nhật Bản, người ta tất sẽ đụng phải cái lối sống của quý tộc thời Heian, cái nội dung "thanh nhã" của giới quý tộc này. Truyện Genji miêu tả Hikaru Genji, phải chăng đã điển hình kể lại cái đó cho tới ngày nay?

Một mơ ước của người Nhật ngày nay vẫn là lối sống của Hikaru Genji, quý tộc thời Heian. Tuy nhiên, ở thời đại mà sự quốc tế hóa ngày càng tiến mạnh, đòi hỏi một sự lãnh đạo mạnh mẽ từ nay trở đi, thì liệu mẫu người Hikaru Genji có thể đáp ứng được chăng?

Nói cách khác, đã đến lúc phải xem lại cái "thanh nhã" kiểu Nhật Bản này.

Kasumi
10-02-2007, 11:57 AM
Chú thích:

[1] Truyện Genji, tức là Genji Monogatari, do tác giả Murasaki Shikibu viết vào khoảng gần giữa thời Heian của Nhật Bản (vào khoảng thế kỷ thứ X), là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới, đồng thời là tiểu thuyết dài nhất trên thế giới từ trước tới nay, dài hơn gấp hai lần truyện Tam Quốc Chí diễn nghĩa.

[2] Taisho, Ðại Chính. Niên hiệu thời vua Taisho, từ 30/7/1912 tới 25/12/1926.

[3] Showa, Chiêu Hòa. Niên hiệu thời vua Showa, từ 25/12/1926 tới 7/1/1989.

[4] Thuyết coi dòng họ vua Nhật Bản là con cháu thần thánh từ trên trời xuống!

[5] Gengi sáng lóng lánh.

[6] Hoằng Huy Ðiện là cung điện của các bà thái hậu, do đó cũng là danh xưng của các bà.

[7] Naidaijin: một chức quan kế bậc tam công.

[8] Dajodaijin: quan chức tối cao trong triều đình Nhật cho tới thời vua Minh Trị, tương đương với chức tướng quốc.

[9] Suzaku In, tên hiệu của vua Suzaku sau khi nhường ngôi cho vua Murakami để làm thái thượng hoàng.

[10] Bushi, thường nói nôm na là "samurai."

[11] Sadaijin: tương đương với tả thừa tướng.

[12] Udaijin: tương đương với hữu thừa tướng.

[13] Dainagon: tương đương với á tướng.

[14] Shonagon: tương đương với thượng thư lang.

[15] Gen Pei To Kitsu, tức là Minamoto, Taira, Fujiwara và Tachibana.

[16] Quốc Phân Tự: Kokubunji, một hình thức chùa "quốc doanh" làm nơi nương tựa tinh thần cho nhân dân.

[17] Ngày 26/2/1936, một nhóm sĩ quan lục quân trẻ, kéo khoảng 1.500 lính đánh chiếm phủ thủ tướng, giết vài bộ trường, làm đảo chính. Ba ngày sau thì vụ này dẹp xong không đổ thêm máu nữa.

[18] GNP (Gross National Product): tổng sản phẩm (lượng) quốc dân.

[19] Xóm Nagata, Nagata-cho, là khu tụ tập các cơ quan chính phủ trung ương Nhật Bản. Nói Nagata-cho là nói trung tâm chính trị của Nhật Bản.

[20] Bả n do NXB Chính Trị Quốc Gia ấn hành viết “đá cầu lông,” nay sửa lại là “đá cầ u.”

[21] Việt Nam ta chịu ảnh hưởng lớn của cả hai nước này, nên đáng đứng hàng thứ ba chăng.

[22] Ca dao Việt Nam có câu: "Quan văn tam phẩm đã sang, Quan võ nhất phẩm còn mang gươm hầu!" cũng là thuộc phạm trù này chăng?

Kasumi
10-02-2007, 12:05 PM
Minamoto Yoritomo
Người sáng chế ra cấu trúc quyền lực hai tầng

http://img46.imageshack.us/img46/5088/yoritomosamuraiti7.th.jpg (http://img46.imageshack.us/my.php?image=yoritomosamuraiti7.jpg)

"Chính quyền kỳ lạ" chưa hề thấy

Minamoto Yoritomo sinh năm 1147 mất năm 1199, sau khi bị ngã ngựa nhân đi xem cầu dịp cuối năm trước đó, năm 1198. Tính tuổi đếm, ông thọ 53 tuổi. Thời ấy như vậy không phải là chết yểu vì đó là tuổi thọ trung bình.

Minamoto Yoritomo đã để lại trong lịch sử và dân tộc tính Nhật Bản một dấu ấn rất lớn. Nhất là nếu xét ảnh hưởng đối với Nhật Bản ngày nay, thì dấu ấn đó càng sâu đậm.

Công lao lớn nhất của Minamoto Yoritomo là sáng lập ra "phủ chúa" ("mạc phủ[1]") làm nền tảng cho chính quyền "võ gia" (tức là "samurai"). Ðể đạt được mục đích này, ông đã phát minh ra một phương thức kỳ diệu. Nghĩa là, ông đã khéo léo sáng chế ra một "cấu trúc quyền lực hai tầng," triển khai ra toàn quốc nền chính trị "võ gia" trong khi đó vẫn duy trì chế độ luật lệnh cũ sẵn có từ thời Nara.

Nói Minamoto Yoritomo là nói người đã được phong Chinh Di Ðại Tướng Quân, đã lập ra "mạc phủ" Kamakura, đã nắm quyền thống trị thực sự Nhật Bản. Ðiều này mọi người đều biết rõ.

Vậy, Chinh Di Ðại Tướng Quân mà Minamoto Yoritomo đã nhiệm chức là gì và "mạc phủ" do ông lập ra, là gì? Quyền lực bởi đó Yoritomo thống trị Nhật Bản có cơ sở pháp lý như thế nào? Nói cách khác, ông đã được ai đứng trên lập trường nào trao cho quyền hạn gì? Nghi thức và lập pháp ra làm sao? Lạ lùng thay là những chi tiết này lại ít ai biết tới.

Nói Yoritomo làm Chinh Di Ðại Tướng Quân, mở ra mạc phủ, người ta thường nghĩ ngay tới mạc phủ gần ngày nay nhất, tức là mạc phủ Tokugawa thời Edo[2] (1603-1867). Do đó, người ta tưởng tượng ngay rằng mạc phủ do Yoritomo lập ra thời Kamakura là cơ cấu thống trị giống như mạc phủ Tokugawa vậy.

Tuy nhiên, cũng gọi là mạc phủ, song cơ cấu do Yoritomo lập ra ở Kamakura khác xa với mạc phủ Tokugawa cả về tổ chức lẫn chức năng. Từ nguồn gốc của quyền lực, từ cấu trúc thống trị tới con mắt nhìn vào đó của thế gian, tất cả đều khác nhau lắm. Mạc phủ do Yoritomo lập ra chưa từng có cho tới lúc đó, và như vậy với cảm giác của chúng ta ngày nay, thì đó quả là một "chính quyền kỳ lạ." Song, chính đó là chỗ tiềm tàng tính sáng tạo đáng sợ của ông ta.

Trải qua trước đó là thời đại Heian khá dài. Vua Kanmu thiên đô từ kinh thành Nagaoka sang kinh thành Heian năm 794. Từ đó, nếu kể khi Minamoto Yoritomo nhậm chức Chinh Di Ðại Tướng Quân lập ra mạc phủ Kamakura năm 1192, cũng là lúc thời đại Heian chấm dứt và thời đại Kamakura bắt đầu, thì thời đại Heian đã kéo dài 398 năm.

Thành phố Tokyo đã trở thành trung tâm hành chính, tức là đã bắt đầu có chức năng của thủ đô, là kể từ khi mạc phủ Tokugawa được mở ra ở thành Edo năm 1603. Nếu tính liên tục thì năm 2002, Tokyo sẽ phá kỷ lục của kinh thành Heian để trở thành đô thị có chức năng thủ đô lâu đời nhất trong lịch sử Nhật Bản. Với thời gian lâu như vậy, đô thị thường trở nên quá đông dân cư, hết nơi này đến nơi khác sinh ra tình trạng bất hợp lý. Vì vậy, cuộc thảo luận vấn đề dời đô đã diễn ra gần đây ở Nhật Bản, là chuyện đương nhiên. Trong cuộc thảo luận này, sự kiện Kamakura của Yoritomo tuy có chức năng của thủ đô, song trung tâm văn hóa và kinh tế vẫn còn là Kyoto, đã được đem ra tham khảo.

Kinh thành Heian đóng vai trò kinh đô, và như thế đã tạo ra một thời đại có hệ thống hẳn hoi, tức là "thời đại Heian," một thời gian dài ngang với từ khi Tokugawa Ieyasu lập ra mạc phủ ở thành Edo cho tới Thành phố Tokyo ngày nay.

Dĩ nhiên, trong 398 năm này đã có biết bao lần quyền lực được luân chuyển, bao nhiêu đổi thay rồi. Thời kỳ đầu của thời đại Heian thì ít nhiều vẫn còn ảnh hưởng tàn dư của thể chế quốc gia luật lệnh thời Nara. Cái thể chế lúc đó hãy còn là tập quyền trung ương với vua làm trung tâm. Nhưng dần dần thể chế này băng hoại, để đến khoảng giữa thời kỳ Heian, thì cả nước thành những trang viên, trang ấp do các nhóm quý tộc chia nhau cai quản.

Thể chế quốc gia luật lệnh của thời đại Nara, là rập y theo khuôn mẫu của nhà Ðường bên Trung Hoa. Do đó, thể chế tập quyền trung ương được tổ chức nề nếp ngăn nắp, gọi là "nhị quan bát tỉnh[3]."

Nhị quan gồm có Thần Kỳ quan, tức là quan tôn giáo lo việc tế lễ, và Thái Chính quan tức là quan lo việc chính trị, tương đương với thủ tướng ngày nay. Dưới quyền chỉ huy của Thái chính quan có tám bộ (gọi là "tỉnh"), với các chức quan đại thần như là Dajodaijin, Sadaijin, Udaijin, Naidaijin, v.v., và các chức phó đại thần như Dainagon, Chunagon, Shonagon, v.v. Chế độ quan chức thật là chỉnh tề. Chế độ địa phương cũng được chỉnh đốn, xếp đặt gọn gàng.

Ðồng thời, phép "ban điền thu thụ" được thực thi.Theo phép này thì tất cả đất trồng trọt đều thuộc sở hữu nhà nước. Mỗi người dân được cho mượn một khoảnh nhất định. Phép tắc như vậy trên thực tế đã được thực thi bao lâu và trên quy mô bao lớn, còn là vấn đề nghi vấn. Song, thực sự là chế độ như vậy đã được nỗ lực áp dụng một thời kỳ nhất định. Nghĩa là, thể chế của triều đình nhà Ðường đã được du nhập y nguyên, được tổ chức quy củ để xác lập chế độ tập quyền trung ương.

Ðến thời đại Heian, thì thể chế trên dần dần băng hoại, chế độ trang viên, trang ấp sinh ra và quyền thống trị trang viên của bọn quý tộc trở nên mạnh mẽ. Ðến nỗi, quyền lực trung ương không còn có ảnh hưởng tới những trang viên này, tức là lãnh địa của bọn quý tộc nữa, khiến phát sinh ra cấu trúc phân quyền địa phương. Ngoài ra, đất đai của chùa chiền, của đền đài, do nhà vua hoặc quý tộc tặng cho, cũng chiếm diện tích khá lớn. Quản lý những lãnh địa của quý tộc hay đất đai của đền chùa này, là đám võ sĩ (samurai) ở địa phương. Ðó chính là những quản gia kiêm vệ sĩ.

Tóm lại, ở thời Heian thì giới quý tộc xem võ sĩ samurai là lớp người ti tiện. Quý tộc thường chỉ sinh hoạt ở kinh đô, như Hikaru Genji đã nói đến ở Chương II. Mà nếu họ có nhậm chức quan địa phương đi chăng nữa, họ cũng chẳng làm gì thật sự cả. Việc bắt nông dân hay đám nô bộc lao động gia tăng hoa màu để thu thuế ("niên cống") là công việc của võ sĩ samurai. Công việc của võ sĩ là dùng bạo lực đàn áp nông dân, thay cho giới người quý tộc không muốn nhúng tay vào việc này. Vì vậy, trong thời kỳ giai cấp võ sĩ samurai mới hình thành như vậy, họ thường bị gọi là "bọn thầy chùa sát sinh."

Tuy nhiên, ai đã được trao cho việc làm bạo lực như vậy, cũng dần dần mạnh lên rồi độc lập. Giai cấp võ sĩ thời đại Heian không phải là ngoại lệ. Họ trở nên mạnh, qua việc đè nén nông dân ở hiện trường, trực tiếp quản lý sản xuất. Cùng với thời đại, họ mạnh lên, biết bớt xén niên cống đóng cho quý tộc, và nhờ đó có thể tự lập được về mặt kinh tế. Võ sĩ samurai tự lập được như vậy quay ra đánh lẫn nhau để mở rộng thế lực. Trong một thời gian dài, giới quý tộc đã lợi dụng bọn võ sĩ samurai trong cuộc tranh giành này để duy trì quyền lực của mình trên thế cân bằng. Song, tới cuối thời đại Heian, người ta đã thấy xuất hiện những "cột trụ võ sĩ," tức là những người lôi kéo được đông đảo võ sĩ thần phục mình. Ðó là những võ tướng, những sứ quân, như Genji, như Heike vậy.


Yoritomo xuất hiện

Quý tộc nước nào cũng dẻo dai, bền bỉ. Nhất là quý tộc thời đại Heian lại càng dai dẳng, không dễ gì tiêu diệt họ được. Họ khiến bọn võ sĩ đánh lẫn nhau để duy trì quyền uy của mình. Vì vậy đã có loạn lớn. Năm 1147, tức là năm Minamoto Yoritomo ra đời chính là lúc bắt đầu của thời kỳ tao loạn này.

Cha và ông nội Yoritomo, tức là Yoshitomo và Tameyoshi đã chia thành hai phe bạn và thù, đối địch với nhau trong cơn loạn năm 1156. Ðám quý tộc thuộc dòng họ Fujiwara, tuy lúc đó chỉ là làm cảnh, song đã nghiễm nhiên ngồi trên hai phe. Với bọn quý tộc, nếu không có sự ủng hộ của giới võ sĩ samurai, họ không thể đánh nhau được. Mặt khác, đám võ sĩ thì không có đủ uy quyền đứng làm thủ lãnh. Nói cách khác, võ sĩ samurai thì dùng quý tộc làm cảnh, quý tộc thì lợi dùng samurai làm bộ đội chiến đấu.

Minamoto Yoritomo thuộc dòng chính của họ Seiwa Genji. Họ này xuất phát từ con vua Seiwa, được phong tên họ là Minamoto. Trong hàng võ gia, họ này là danh giá nhất. Yoritomo sinh ra trong dòng chính của họ này, cho nên năm mới 12, 13 tuổi đã được phong quan tước là "Tùng ngũ vị hạ nội tàng nhân[4]."

Tùng ngũ vị hạ là tước vị thấp nhất trong hàng quan được vào chầu vua. Nhưng, ngay sau đó, năm 1159 lại có loạn Heiji. Cha Yoritomo, tức là Yoshitomo, đã thua Taira no Kiyomori. Yoritomo đã bị bắt giải về Kyoto và sắp bị chém thì được ni cô Ikenozenni, người vợ thứ của Taira no Kiyomori lúc đó đã xuất gia, xin cho khỏi chết. Sau đó Yoritomo bị đày ra đất Izu.

Sau đó khoảng 20 năm, tức là cho tới năm 33 tuổi, ông bị quản thúc dưới quyền quan địa phương. Trong khoảng thời gian này, hình như ông vẫn không ngừng thu thập tin tức, tìm hiểu tình thế. Sau này, từ một nơi chỉ đáng gọi là vùng quê hẻo lánh của nước Nhật, tức là Kamakura, ông đã trở thành một con người tinh tường tin tức, chính là vì đã có năng khiếu từ thời bị lưu đày vậy.

Taira no Kiyomori nổi loạn Heiji, nắm được quyền bính, nên tầng lớp võ sĩ, cho đến lúc đó vẫn bị coi là giai cấp thấp hèn, thì nay trở nên mạnh, và ngay trong việc chính trị, cũng bày tỏ được ý kiến mạnh bạo. Năm 1167, Kiyomori đã leo lên tới quan chức tối cao, tức là Dajodaijin. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, ông từ chức để đi tu, song trên thực tế vẫn nắm thực quyền.

Kasumi
10-02-2007, 12:06 PM
Taira no Kiyomori là con người hào phóng lỗi lạc, giống như võ tướng Oda Nobunaga sau này, nên đã có tư tưởng cải cách. Vì thế, nên ông đã bị các thế lực cũ, đại biểu là pháp hoàng Go-Shirakawa, phản đối kịch liệt. Cái quan hệ giữa Taira no Kiyomori và pháp hoàng[5] Go-Shirakawa này cũng tương tự như quan hệ giữa Oda Nobunaga và mạc tướng (Shogun) Ashikaga Yoshiaki vậy.

Thế rồi, thời toàn thịnh của Heike kéo dài được 10 năm. Vào khoảng năm 1180 (niên hiệu Trị Thừa năm thứ tư) thì cả nước Nhật Bản bi nạn đói hoành hành. Trận đói này làm một yếu tố quan trọng trong cuộc phân tranh Genpei[6]. Nhân trận đói này, lòng dân phẫn uất trước quyền cai trị của Heike, và loạn lạc bùng ra tứ phương. Việc Minamoto Yoritomo đã khởi quân chống lại nhà Heike, không phải là duy nhất. Trong tình trạng đói kém đó, những đám phản loạn tương tự đã phát sinh ra ở khắp nơi.

Tháng 4 năm 1180, Yorimoto đã được mật chiếu chinh thảo họ Taira của vua Mochihito. Tháng 8, ông dương cờ phản ở Izu. Trong trận đánh với các tướng của Heike như bọn Oba Kagechika ở Ishibashiyama, thuộc Sagami, nay là thị trấn Odawara, tỉnh Kanagawa, ông bị thua, suýt bị bắt, song đã thoát nạn nhờ ẩn náu trong hang ở Sugiyama. Ngày hôm sau, quân Heike lùng soát hang động, ông sắp bị bắt thì may được tướng của Heike là Kajiwara Kagetoki vì tình mà tha cho chạy thoát[7]. Cảnh này đời sau thường được ca ngợi trong những màn kịch cổ.

Thoát nạn, Yoritomo theo đường biển thoát sang đất Awa (nay là địa phận tỉnh Chiba). Ở đây, nhờ được sự tiếp viện của các tướng như Kazusanosuke Hirotsuke hoặc Chibanosuke Tsunetane của dòng họ Miura, lãnh chúa[8] vùng Joso Kaso (nay cũng thuộc tỉnh Chiba), ông đánh ngược lên chiếm các vùng đất Kanto[9]. Trong khi đó, tình trạng xã hội trở nên vô cùng bất ổn vì trận đói hoành hành. Tập thể võ sĩ samurai hạ cấp do Heike thống suất đã tan rã.

Trong khi Yoritomo đánh lên phía bắc, thì tháng 10 cùng năm đó đã có trận đánh ở Fujikawa. Viên đại tướng tổng chỉ huy quân chinh phạt Yoritomo, là Taira no Koremori, mặc dầu trong tay có đại quân, mà nửa đêm chỉ vì nghe thấy tiếng vỗ cánh bay của đàn vịt trời, bỗng kinh hồn bỏ chạy về mất. Theo sách Sơn Hoè Ký (Sankaiki) thì viên tướng này "nghe thấy tiếng vỗ cánh của bầy vịt trời, tưởng lầm là bị địch đánh úp ban đêm." Tuy nhiên, về mặt số lượng thì quân Taira đông hơn nhiều, nên hẳn phải có nguyên nhân khác nữa làm cho viên tướng này khiếp sợ. Có lẽ đây là vì đám võ sĩ hạ cấp thuộc hạ thiếu ăn bất mãn nên dám làm loạn bất cứ lúc nào.

Thêm nữa cái bất hạnh cho phe Heike là năm 1181, Kiyomori đã chết vì bị cảm sốt.

Yoritomo thắng trận Fujikawa, nhưng sau đó hầu như không ra trận nữa. Những trận đánh chinh thảo Heike sau này là do Minamoto Yoshinaka ở Kiso. Từ Kiso khởi binh, Yoshinaka đã phá quân Heike ở đèo Gurikara, rồi men đường Hokuriku đánh tới kinh đô Kyoto. Ông quét sạch quân Heike sau khi đoàn quân này đã mất chủ soái Kiyomori, rồi lên làm Chinh Di Ðại Tướng Quân. Nắm được quyền bính ở kinh đô, thanh thế Yoshinaka lớn lắm, đến nỗi người đời đó đã gọi ông là "tướng quân mặt trời mọc." Thế nhưng, một mặt ông bị sự đối lập của phe muốn bảo tồn quyền lực của quý tộc ở kinh đô, một mặt quân đội của ông cũng gây nhiều nhũng nhiễu làm mất lòng dân, có lẽ vì lương thực không đủ để nuôi quân.

Tháng 10 năm 1183, Yoritomo được sắc phong tổng lĩnh binh quyền khu vực miền Ðông. Yoshinaka không bằng lòng việc này, đã quản thúc pháp hoàng Go-Shirakawa. Do đó, pháp hoàng đã cho Yoritomo mật chiếu chinh phạt Yoshinaka.

Ðược mật chiếu, Yoritomo phái hai em là Noritomo và Yoshitsune đi đánh Yoshinaka. Yoshitsune đã phá Yoshinaka ở Ujikawa, kéo quân vào kinh thành Kyoto. Sau đó, ông đuổi quân Heike ở Ichinotani, nay là thành phố Kobe, thuộc tỉnh Hyogo, bao vây địch quân ở Dannoura hơn một năm mới phá tan được. Như thế là cuộc phân tranh Gempei chấm dứt, và từ đó quyền độc tài quân sự bởi họ Minamoto đã được thực hiện.


"Chinh di đại tướng quân" chỉ là một chức tư lệnh quân đội

Trong khoảng thời gian cuộc chinh phạt diễn ra như trên, thì Yoritomo làm gì? Ông đóng quân ở Kamakura, giữ vững quyền cai quản miền Kanto. Chẳng hạn, ông đem quân quét sạch vùng đất của họ Satake, nay là tỉnh Ibaraki, vốn cũng thuộc dòng họ Genji, lúc đó mưu toan độc lập. Ấy đại để ông chỉ có chiến công như vậy thôi, chứ không có những chiến công hiển hách như Yoshitsune. Như vậy kể cũng lạ đối với một võ tướng đã bình định được thiên hạ như Yoritomo.

Yoshitsune sau khi chinh phạt xong Yoshinaka, chiếm được kinh đô Kyoto rồi thì tiếp tục đánh tới bờ biển phía tây, quét sạch họ Heike. Song, như vậy sao tránh khỏi giữa Yoshitsune và Yoritomo, hoặc giữa Yoshitsune và pháp hoàng Go-shirakawa có sự bất hòa. Yoritomo chỉ chờ như vậy để xua quân thảo phạt các em mình. Thêm nữa, Yoritomo lại chinh phạt luôn cả Fujiwara Yasuhira, lãnh chúa đã được bốn đời của đất Hiraizumi, thuộc địa phương Oshu, vì đã che dấu Yoshitsune khi ông này bị lùng bắt đã chốn sang đất ấy. Tóm lại, Yoritomo đã dùng võ lực trong thế chờ đợi an nhàn, nên đã dễ dàng đắc thắng, chiếm được quyền chi phối toàn nước Nhật. Thật là khôn ngoan, song không được quần chúng hâm mộ.

Bây giờ, ta thử tìm hiểu xem Yoritomo lúc ấy chính thức giữ địa vị gì? Ta sẽ thấy vô cùng thú vị.

Như đã nói ở trên, lúc 12, 13 tuổi, Yoritomo đã được phong tước Tùng ngũ vị hạ, rồi lãnh chức Hyoe no Suke, tức là chỉ huy phó của một đội bảo vệ, ngày nay tương đương với vụ phó ở cơ quan trung ương. Tuổi mới 12, 13 cho nên đây chỉ là chức vụ tượng trưng. Sau đó, vì loạn Heiji, Yoritomo đã bị cách khỏi chức vụ này và bị đày ra miền Ðông.

Sau khi dẹp xong họ Heike, Yoritomo đã được đền đáp công lao như thế nào? Ông đã được pháp hoàng Go-Shirakawa ban cho "quyền sa thải" ở miền Ðông. Theo ngôn ngữ ngày nay, thì quyền này tương đương với quyền của một tỉnh trưởng. Nói cách khác, Yoritomo đã nắm được quyền nội chính của miền đông nước Nhật. Năm 1184 (niên hiệu Nguyên lịch nguyên niên), dẹp xong Yoshinaka, và năm sau (niên hiệu Văn trị nguyên niên) thì diệt xong họ Heike. Tháng 11 năm đó, Yoritomo được lãnh quyền chỉ định các quan trấn thủ, quan cảnh vệ các châu quận toàn quốc. Như thế ông đã tạo ra được một cơ chế khiến samurai trong cả nước đã mặc nhiên phải trở thành thuộc hạ của ông. Nghĩa là, ông mới chỉ nắm được quyền quân sự và quyền cảnh sát trên toàn quốc, chứ chưa hẳn đã được giao phó toàn quyền cai trị. Hơn thế nữa, người trao quyền như vậy cho Yoritomo lại chỉ là pháp hoàng Go-Shirakawa (một ông vua đã thoái vị đi tu), nên sự việc này không có cơ sở pháp lý nào cả.

Trong khoảng thời gian ngắn trước sau những diễn biến trên, Yoritomo đã đặt ra ở Kamakura cái gọi là "sở công văn" và "sở vấn chú[10]." Hai sở này thật ra chỉ là "sở tư," "xí nghiệp tư" để quản lý tài sản riêng của Yoritomo mà thôi. Mặc dầu có quy mô lớn hơn, chúng không khác gì những cơ cấu tương tự đã được giới quý tộc lập ra để quản lý trang viên của họ.

Tuy nhiên, nhờ nắm được thực quyền trong tay, Yoritomo đã đưa được người quý tộc của phe phái mình vào địa vị trọng yếu. Chẳng hạn, ông đã đề nghị thành công cho Kujo Kanezane vào chức Nairan, quan chức tương đương với "chuẩn quan bạch[11]" có quyền duyệt xét mọi sắc sớ trước khi tâu vua, nghĩa là, ông đã đưa được vây cánh của mình vào địa vị quyết đoán chương trình nghị sự để thao túng triều đình.

Khoảng 5, 6 năm sau, tức là vào năm 1190, Yoritomo mới lần đầu tiên được yết kiến pháp hoàng Go-Shirakawa và được phong Gon Dainagon U-Konoe Taisho (Quyền Ðại Nạp Ngôn Hữu Cận Vệ Ðại Tướng). Chức đó, sau này Oda Nobunaga cũng giữ lâu năm, chỉ là chỉ huy trưởng cảnh sát trấn giữ cung vua, tương đương với một bộ trưởng thường. So với Taira Kiyomori đã lên tới Dajodaijin (tướng quốc) thì chức vị của Yoritomo hãy còn khiêm nhượng lắm, song dù sao như vậy ông cũng đã lên tới địa vị đáng nể trong thể chế luật lệnh đương thời.

Thế nhưng, ngay năm sau, ông từ chức đó. Như vậy là trong thể chế luật lệnh ông đã trở thành vô vị vô quan. Năm 1192, ông được phong Chinh Di Ðại Tường Quân và lập ra "mạc phủ" ở Kamakura.

Vậy thì Chinh Di Ðại Tướng Quân là gì? Thói thường, nghe Chinh Di Ðại Tướng Quân, người ta nghĩ ngay rằng đó là quan chức tố cao của mạc phủ, đương nhiên có quyền cai trị thiên hạ. Nhưng đó là kể từ sau nhà mạc phủ Tokugawa. Chứ thời Yoritomo nhậm chức đó thì không phải như vậy.

Không phải Yoritomo là người đầu tiên nhậm chức Chinh Di Ðại Tướng Quân. Ðầu tiên là Otomo Otomaro. Ông này được phong chức đó đúng năm kinh đô Heian được lập ra, tức là năm 794.

Thời đó, miền đông Nhật Bản, tức là từ vùng Kanto tới vùng Tohoku ngày nay, còn có người Ezo chưa chịu thần phục triều đình Yamato, cư ngụ. Theo nhân chủng học, thì trong đám người này có lẽ có người thuộc dân tộc Ainu. Tuy nhiên, thời ấy, tất cả những người ở miền đông không chịu tuân theo triều đình Yamato, đều bị gọi là Ezo. Cũng như vậy, những người ở miền nam Kyushu thời đó không chịu thần phục triều đình Yamato, thì gọi là Kumaso.

Chinh Di Ðại Tướng Quân là chức quan đánh dẹp người Ezo, đối lại với chức quan đánh dẹp miền nam là Trấn Tây Ðại Tướng Quân. Nói cách khác, Chinh Di Ðại Tướng Quân là tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, chẳng qua là một chức võ quan lâm thời.

Kasumi
10-02-2007, 12:13 PM
Người thứ hai nhậm chức Chinh Di Ðại Tướng Quân, tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, là Sakanoue no Tamuramaro, người đã khai khẩn vùng Tohoku, biến vùng đất giá lạnh đó thành ruộng cấy lúa được.

Người thứ ba là Fun’yano Watamaro, không nổi tiếng lắm. Từ đó, vùng Tohoku đã đặt dưới quyền cai trị của triều đình Yamato, nên chức Chinh Di Ðại Tướng Quân bị bỏ đi.

Rồi một thời gian sau, Yoshinaka vào kinh đô, thành Chinh Di Ðại Tướng Quân như đã kể trên. Ðúng ra, người ta cho rằng chính Yoshinaka đã tự phong cho mình chức đó. Thế rồi, sau khi Yoshinaka mất, chức này lại bị bỏ trống tám năm nữa. Ðến năm 1192 mới lại thấy Minamoto Yoritomo thụ phong chức này.

Xem như trên, ta thấy rằng chức võ quan lâm thời tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, Chinh Di Ðại Tướng Quân, chỉ là một quan chức nhỏ, nhất thời trong thể chế luật lệnh. Thế nhưng, Minamoto Yoritomo đã lợi dùng quyền chỉ định và sa thải các tư lệnh địa phương mà trước kia pháp hoàng Go-Shirakawa đã ban cho ông bằng một bức thư riêng, khiến samurai toàn quốc phải nghe theo chỉ thị của mình sau khi được phong tổng tư lệnh quân đội miền Ðông.

Tóm lại, cái cơ sở pháp lý cho Yoritomo nắm quyền thống trị toàn quốc thật là kỳ lạ.


Bề ngoài là thể chế luật lệnh, thực chất là cơ chế "mạc phủ"

Thêm nữa, cái khôn ngoan đáng sợ của Minamoto Yoritomo là giữ nguyên thể chế quan lại "nhị quan bát tỉnh," không đụng chạm gì đến các quan chức ở kinh đô từ Dajodaijin, Sa-Udaijin trở xuống.

Cấu trúc hai tầng về quyền hạn, quyền lực: Ðây mới là điểm sáng tạo độc đáo, đồng thời là điểm đáng ngại của Yoritomo.

Tổng tư lệnh quân đội miền Ðông (Chinh Di Ðại Tướng Quân) không những đã chỉ nắm quyền quân sự của quân đội miền Ðông, mà còn lần lượt đặt ra và phong thêm nhiều quan chức khác nữa. Ðây là những "quan chức ngoài luật lệnh," tức là những quan chức không có quy định trong luật lệnh. Người ta nói, người Nhật quen xử sự theo hai cách: "vỏ ngoài (hình thức)" và "mặt trong (thực chất)." Yoritomo biết phân biệt thể chế luật lệnh (hình thức) và cơ chế mạc phủ (thực chất), làm thành một cấu trúc quyền lực hai tầng, không phải đã không có liên quan mật thiết với điều đó.

Tư tưởng "dịch tính (hoặc dịch thế) cách mạng" phát sinh ra ở Trung Hoa thời cổ xưa, như đã nói ở trên, coi thiên tử là người nhận thiên mệnh (mệnh trời) trị thiên hạ. Nhưng nếu đức cạn khiến sinh ra trong nhà một kẻ thất đức, thì họ này không còn tư cách làm thiên tử nữa, và một họ khác có đức hơn sẽ nhận thiên mệnh lập ra dòng vua khác, nghĩa là đổi đời, đổi họ vậy. Ðây là tư tưởng chính trị nhìn nhận cách mạng. Tư tưởng này lan ra khắp vùng đông châu Á: Trung Hoa thì đương nhiên, cả Mông Cổ, Hàn Quốc (và Việt Nam nữa), đâu đâu cũng có nhiều lần thay đổi triều vua. Ở châu Âu hay Ấn Ðộ cũng vậy, hể có thay đổi người nắm quyền lực thì có thay đổi triều vua.

Thế nhưng, duy có Nhật Bản là nước "vạn thế nhất hệ (muôn đời một dòng họ)." Ở đây, kể từ Thái tử Shotoku, người Nhật đã thấm nhuần khái niệm một người có thể tin một lúc nhiều tôn giáo, cho nên sau khi Ðạo Phật đã truyền vào rồi mà Ðạo Thần (tức là Shinto, Thần đạo) vẫn sống còn. Lại thêm có Yoritomo nghĩ ra phương pháp thành lập chính quyền samurai trong lúc vẫn duy trì triều đình với thể chế luật lệnh giữ nguyên vẹn. Với hai việc như vậy, người ta thấy rằng cái tuyệt đối, cái duy nhất, cả về tinh thần lẫn về chính trị, đều không còn ở xứ này nữa. Có chăng chỉ còn loại người biết thực tế, biết thỏa hiệp khéo léo, mà thôi.

Ðúng ra, "mạc phủ" thời Kamakura không phải đã cai trị được đất đai cả nước Nhật Bản. Mạc phủ Kamakura với tư cách tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, tuy đã thu hút được samurai trên toàn quốc vào dưới trướng của mình, song trên thực tế, đất đai do samurai cai quản mới chỉ được một nửa trên toàn quốc. Một nửa còn lại là trang viên của quý tộc hay của đền chùa. Những nơi này vì không thuộc quyền quản lý của samurai, nên quyền hành của bộ tổng tư lệnh quân đội miền Ðông không ảnh hưởng tới được.

Thêm nữa, mạc phủ Kamakura cũng không có quyền chỉ định các quan chức của thể chế luật lệnh, từ Dajodaijin trở xuống. Quyền này vẫn là thuộc triều đình ở Kyoto. Duy, các quan chức như vậy trên thực chất đều không có quyền hành gì tương xứng cả.

Triều đình có quyền cai trị đất đai và quyền phong quan cai trị, song mạc phủ Kamakura lại có võ lực, nên khi cần có thể bắt giữ lưu đày quý tộc hay hoàng tộc. Việc đó đã xẩy ra sau chính biến Thừa Cửu năm 1221, khi quan phụ chính Hojo Yoshitoki và người con kế nghiệp là Hojo Yasutoki hành sử quyền đó.

Yoritomo còn học thêm được một bài học sau cái thất bại của Taira no Kiyomori. Ông đã tách chức năng thủ đô đem ra Kamakura, một nơi xa hẳn kinh đô để tránh ảnh hưởng của bè phái và quyền lợi. Ông đã, bằng sự cách ly về địa lý và hình thái của hai đô thị, thực sự cho người ta cảm thấy rõ rệt cái cấu trúc hai tầng của quyền lực, một hình thức và một thực chất.

Từ đó cho tới thời Minh Trị, triều đình nước này luôn luôn đóng ở kinh đô, song trung tâm hành chính thì đổi chỗ từ nơi này sang nơi khác. Nhờ thế, thể chế chính trị có thể đổi khác, song văn hóa vẫn được kế thừa. Yoritomo, vì có tính đa nghi, nên đã cảm thấy cần cách ly công khanh với võ sĩ samurai phần vì sợ sức thẩm thấu văn hóa của triều đình và công khanh vào võ sĩ samurai, phần vì e ngại sức mạnh của lòng hâm mộ của võ sĩ samurai đối với văn hóa công khanh.

Minamoto Yoshitomo đã tránh không đối đầu toàn diện với thể chế cũ, và bằng một thủ đoạn hiện thực khéo léo đã lập ra một chính quyền trong tình trạng mập mờ về mặt pháp lý. Có thể nói, ông đã đả phá cái quan niệm thường thức là "một nước chỉ có một chính phủ."

Tuy nhiên, thấy làm như vậy được thì hết người này tới người khác bắt chước làm theo. Có người sẽ nghĩ rằng: Nếu những quan chức như Dajodaijin hay Sa-Yudaijin mà chỉ có danh không có thực quyền cũng được, thì ngay Chinh Di Ðại Tướng Quân, tức là tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, cũng có thể đôn lên làm vì để cho kẻ dưới nắm lấy thực quyền chứ gì?

Thực hành điều đó chính là vợ Yoritomo, tức là Hojo Masako và người cháu ruột tên là Hojo Yasutoki. Khi con cháu Yoritomo tranh giành sát hại lẫn nhau không còn ai nữa, thì hai người này bèn lựa trong hàng ngũ công khanh ở kinh đô một người xứng đáng để đôn lên làm tướng shogun, còn thực quyền thì giao cho nhân vật đứng ngay dưới shogun, gọi là Chấp quyền ("phụ chính") do dòng họ Hojo nắm giữ. Nghĩa là một người chỉ tương đương với chức tham mưu hoặc chánh văn phòng của bộ tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, đã nắm được thực quyền, thao túng bộ tổng tư lệnh này vậy.



Bắt đầu truyền thống "thực quyền thuộc kẻ dưới"

Sự việc trên vừa đúng là cái mặt trái của hình tượng quý phái kiểu Hikaru Genji đã nói ở chương trước. Nó còn có ảnh hưởng tới hình dạng cơ cấu quyền lực của Nhật Bản ngày nay nữa. Trong xã hội Nhật Bản bây giờ, thì thủ tướng hay bộ trưởng các bộ không nắm thực quyền bằng một giám đốc trực thuộc, hay đúng hơn, có nhiều trường hợp không bằng một vụ trưởng. Không phải chỉ có thế, cái suy nghĩ cơ bản là, người ngồi trên thì không nên "chi li" quá, không nên tỉ mỉ quá. Người có trách nhiệm tối cao chỉ nên ngồi làm tượng trưng, còn thực quyền thì trao cho các cấp thực thi ở dưới. Như thế mới là cách làm việc đúng.

Chính phủ Nhật Bản ngày nay đã kế thừa trung thực truyền thống ấy. Bộ trưởng chỉ đọc cái gì quan liêu (công chức) đã viết ra thôi. Nếu đọc sai thì bị chê là "bậy."

Chẳng hạn, thời nội các Kaifu[12] đã xẩy ra "vụ tê-ta" như sau. Ðảng đối lập đặt vấn đề "nên cải cách thuế tiêu thụ." Họ lý luận rằng những mặt hàng như thực phẩm thì nên áp dụng thuế suất nhẹ.

Lúc ấy, Thủ tướng Kaifu, được đám quan liêu (công chức) Bộ Kho bạc đưa cho tờ ghi chép viết rằng: "sẽ mạnh dạn xem lại thuế tiêu thụ[13]," song không biết có phải cố ý hay không, ông đã đọc sai thành: "sẽ (có những) xem lại mạnh dạn thuế tiêu thụ[14]." Nghĩa là, ông đã nói sai chữ "tê" thành chữ "ta", nên mới gọi là "vụ tê-ta."

Cùng là một tiếng Nhật (omoikiru), song nói "omoikitte" (ô-môi-kít-tê, thể tiến hành hiện tại) hay nói "omoikitta" (ô-môi-kít-ta, thể quá khứ), thì ý nghĩa khác nhau nhiều lắm. Ðám công chức Bộ Kho bạc viết "sẽ mạnh dạn xem lại thuế tiêu thụ" là ý nói "nên sửa lại thuế tiêu thụ hay không là vấn đề còn lưỡng lự, song xin hứa sẽ mạnh dạn xem để sửa lại." Cũng có thể hiểu là sẽ xem lại song không hẳn sẽ có cải cách lớn. Song, như Thủ tướng Kaifu nói "sẽ xem lại mạnh dạn..." thì như vậy nghĩa là "sẽ làm những cải cách mạnh dạn."

Ðám công chức Bộ Kho bạc nổi giận. Một người trong đám họ dám nói: Một tên thủ tướng mà dám đọc sai câu viết của cơ quan chủ quản, là ý gì?

Ðúng ra, y định nói "một tên quan lại" song đã buột miệng ra thành "một tên thủ tướng." Ðây chẳng qua là cái cảm nghĩ thường ngày của một cán bộ cao cấp đã ngẫu nhiên vuột ra không kiềm chế được.

Ở Nhật, không cứ gì đám quan liêu Bộ Kho bạc, mà ngay ở các xí nghiệp cũng vậy, có rất nhiều khi người ta muốn xổ ra "một tên tổng giám đốc!"

Kasumi
10-02-2007, 12:14 PM
Dù là thủ tướng, nhưng cũng phải để cho ý kiến của chuyên gia thuộc hạ được thông qua. Ở xí nghiệp cũng vậy, tổ chức càng lớn thì người ngồi trên chóp bu càng nên nghe theo ý kiến của cấp dưới sau khi những người này đã nghiên cứu kỹ càng rồi. Ðiều này là chuyện đương nhiên. Không làm ngược lại cấp dưới:"Chí lý! Tụi bay đã làm tốt lắm. Tao sẽ đọc y hệt như vậy. Hiểu rồi. Hiểu rồi." Nói như vậy mới đáng gọi là thái độ của kẻ cả, của người làm lớn, được trọng vọng ở Nhật Bản vậy.

Nhờ Minamoto Yoritomo sáng lập ra chế độ thao túng chính trị bằng cách đẻ ra rất nhiều "quan chức ngoại lệ," nên một tiền lệ đã hình thành, theo đó cơ cấu thượng tầng được bảo tồn trên hình thức, nhưng thực quyền đã được chuyển giao cho cơ cấu hạ tầng. Kết quả là đám quý tộc sống dựa vào thể chế luật lệnh ở kinh đô vẫn duy trì được tư thế danh gia thế phiệt. Nhờ vậy mà đã chỉ có rất ít máu chảy, một sự phân công nghiệp vụ đã hình thành: Võ sĩ samurai thì đảm đương quân sự chính trị, còn quý tộc thì đảm đương văn hóa.

Cũng vì vậy mà nền văn hóa do quý tộc ở kinh đô đảm đương đã thiếu sinh khí, thiếu thực cảm sinh hoạt. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng nó có hiệu quả giữ được nhân tài bảo hộ văn hóa.

Phải chờ đến 300 năm sau, tức là tới hậu bán của thời Muromachi mới thấy tầng lớp võ sĩ samurai bắt đầu sáng tạo ra văn hóa mới. Lúc ấy, võ sĩ samurai lớp trên của nhà mạc phủ Ashikaga, tức là hàng quận thú, thái thú thì lần lần quý tộc hóa, nên bị đám lãnh chúa mới nổi lên dần dần chiếm đoạt mất thực quyền. Ðến thời võ tướng Oda Nobunaga thì quý tộc Heian suy đồi đến nỗi không còn năng lực đảm đương văn hóa nữa. Sang tới xã hội ổn định của thời Tokugawa thì văn hóa quý tộc Heian lại phục hưng. Do đó, những nghề nghiệp như công nghệ cổ truyền ở vùng quanh kinh đô đã hưng thịnh lên nhờ tiếp nhận thêm kỹ thuật sản xuất mới.

Nếu những người có tiền bạc, có sức mạnh, có thực quyền đứng ra xúc tiến hoạt động văn hóa như ở Anh, ở Pháp, thì hạng người võ biền như Nobunaga, như Hideyoshi, cũng có thể đã làm bén rễ ở Nhật Bản những văn hóa đồ sộ từ lâu rồi.

Những công trình kiến trúc như thành Azuchi, thành Ozaka, cung Jurakudai[15], đều đã làm cho các nhà truyền giáo đạo Cơ đốc kinh ngạc và thán phục, bởi vì thời đó chúng đồ sộ, tráng lệ hơn những thành quách, cung điện của Tây Âu. Thế nhưng, quý tộc Nhật Bản ở kinh đô thời đó, vừa không có thực quyền, vừa không có tiền, nên đã phải đi tìm cái đẹp trong những loại hình nhỏ bé, ai ai cũng có thể làm ra được.

Minamoto Yoritomo, với sự xây dựng cấu trúc quyền lực có thực chất, tránh xung đột quyết liệt với thế lực bảo thủ bảo cựu, đã mặc nhiên lưu lại ở Nhật Bản một cấu tạo văn hóa gồm hai loại hình khác nhau từ người đảm đương đến hình thái. Ðó là văn hóa công khanh (quý tộc) và văn hóa võ gia (samurai).

Dù chỉ với ý nghĩa rằng đó là người đã lần đầu tiên lập ra nền chính trị võ gia, xã hội võ sĩ, thì Minamoto Yoritomo cũng đáng là người vô cùng quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Cũng không thể bỏ qua sự thật là ông cũng đã tách rời hẳn quyền hành chính khỏi quyền tôn giáo. Nghĩa là theo thể chế luật lệnh thì phải có "nhị quan," với "quan tôn giáo" là một, song mạc phủ Kamakura đã không đặt chức quan tôn giáo này. Ở điểm này, ông cũng là nhà cải cách rất lớn.



Yoritomo mở ra nền chính trị "võ gia"

Minamoto Yoritomo, với tư cách một "cột trụ võ sĩ," là một chính khách đồng thời là võ tướng đã gây dựng nên nền chính trị võ gia. Ông hầu như chỉ ở Kamakura, chứ ít khi ra chiến trường. Cả đời ông chỉ vào kinh có hai lần.

Là võ tướng sáng lập ra chính quyền, song Yoritomo không có những truyền thuyết hùng tráng. Cho nên ngay thời nay, sự hâm mộ ông cũng nhạt nhẽo. Trái lại, các em ông, những người đã thực sự chiến đấu, nhất là Yoshitsune thì có rất nhiều đề tài để nói đến và rất được người ta hâm mộ. Thế nhưng, nếu nhìn vào sự thực rằng, sau khi đã định Kamakura làm đất đóng mạc phủ, ông giữ vững ở đó, nuôi dưỡng thực lực trong lúc sai khiến người khác, để sau này triển khai nền chính trị võ gia mới mẻ, thì ta thấy chính Yoritomo mới thật là nhân vật lớn. Một nhân vật lớn như vậy lại có thêm tính nghi kỵ và lòng tàn nhẫn nữa. Ông đã giết hai em, là Noritomo và Yoshitsune, cũng như nhiều người họ hàng thân thích khác nữa.

Kết quả là Yoritomo có rất ít con cháu và thân thích. Ðến đời thứ ba thì máu mủ ruột thịt bị đứt đoạn. Thêm nữa, ông đã tru diệt nhiều công thần đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng mạc phủ Kamakura. Ðó cũng là thêm một lý do khiến cho họ Hojo đã thành phụ chính, tức là nắm được quyền chấp chính vậy.

Là một nhân vật lịch sử, Yoritomo tính tình mờ ám, âm hiểm. Ðó là điểm giống những bậc anh hùng đã lập ra vương triều trên khắp thế giới. Có lẽ tính tình đa nghi, âm hiểm chính là điều kiện để duy trì quyền lực lâu dài chăng.

Yoritomo nắm được quyền lực, lập ra mạc phủ ở Kamakura. Ông sát hại các tướng đã thực sự chiến đấu thành công như Yoshitsune. Sự việc này đã uất tích thành lòng thương tiếc kẻ anh hùng bạc mệnh, hay như Yoshikawa Eiji[16] nói "anh hùng hoại diệt[17]" vậy. Xem như vậy thì cái bản chất của người Nhật hay ca tụng những người nỗ lực mà không thành công, có lẽ cũng bắt nguồn từ ảnh hưởng của Yoritomo đối với nền văn hóa Nhật Bản.

Sau Yoshitsune còn có nhiều "anh hùng hoại diệt" trong lịch sử Nhật Bản. Ðiển hình là Sanada Yukimura và các nghĩa sĩ Ako (Ako Roshi) trong tích Chushingura. Nhất là những nghĩa sĩ này, sau khi trả được thù cho chúa rồi thì đều phải tự mổ bụng, và dòng họ Asano, chúa của họ , cũng không phục hưng được. Nghĩa là, họ đã làm cho mọi người càng thêm bất hạnh. Ðúng là những "anh hùng hoại diệt."

Minamoto Yoritomo đã làm nên sự nghiệp vĩ đại, mà từ xưa đến nay ít được người ta hâm mộ. Vì vậy mà bậc anh hùng hoại diệt như Yoshitsune mới sinh ra.

Còn một điểm nữa không thể bỏ qua được đối với vai trò lịch sử của Yoritomo, là ảnh hưởng lớn ông đã để lại đối với quan niệm giai cấp của Nhật Bản. Như đã nói ở đầu chương, ở thời Heian, võ sĩ samurai bị gọi là bọn "thầy chùa sát sinh." Ðám võ sĩ như vậy, sau khi đã nắm được quyền lực, đã hoàn thành sự nghiệp "hạ khắc thượng[18]" rồi, đã không tự mình trở thành quý tộc, mà trái lại đã để nguyên triều đình và công khanh. Nói cách khác họ đã phân tách rõ rệt "địa vị" và "quyền lực" vậy.

Sự việc này tương tự như tư tưởng "cánh mạng vinh dự[19]" ở Anh hay tư tưởng độc lập của Mỹ, tức là tư tưởng cách mạng theo đó những người nắm hiện trường sản xuất, giữ quyền chính trị. Nếu coi võ sĩ samurai đương thời là những người kinh doanh nông trại, thì sự tương đồng vừa nói không phải là vô căn cứ.

Nakagawa Yatsuhiro viết rằng: Trong bộ luật điển "Go-Seibai (Joei) Shikimoku[20]" của thời Kamakura có tư tưởng giống như bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Nếu chỉ nhìn vào sự kiện là hiện thực đã được phản ánh trong cơ cấu thống trị, thì lời viết này cũng có phần chí lý; nghĩa là, muốn triệt để phản ánh hiện thực, thì nên bảo lưu toàn bộ trạng thái phi hiện thực của hình thức cũ. Cái khôn ngoan có tính cách Nhật Bản đó đã sinh ra từ Minamoto Yoritomo.



Người nắm quyền lực lớn Hojo Masako xuất hiện

Nhìn từ Yoritomo thì chuyện sau đây là dông dài. Nhưng không thể không nói sơ qua về Hojo Masako, vợ Yoritomo.

Khi Yoritomo bị Heike bắt, đày ra Izu, thì người giám thị ông, là Hojo Tokimasa, trông ông có tương lai nên đã đem con gái gả cho. Ðó là Masako. Thật ra, theo sách Gempei Seisuiki thì chính Masako đã theo Yorimoto mặc dầu bi cha phản đối. Song có lẽ vì nhiệm vụ, sợ bị Heike nhòm ngỏ, nên bề ngoài đã phải làm như vậy chăng. Cho rằng vì yêu Yoritomo nên Masako đã chạy theo chàng, thì sự kiện Tokimasa phản đối là không đúng sự thật, xét quan hệ giữa Yoritomo và Tokimasa sau này.

Nhật Bản là nước có truyền thống vợ chồng khác họ, cho nên Masako không thành Minamoto Masako mà vẫn là Hojo Masako. Bà Masako này đã bắt đầu hoạt động và được gọi là "Nữ tướng shogun" là kể từ sau khi Yorimoto mất.

Khi Yoritomo còn sống, bà đã ra lệnh cho thủ hạ đốt nhà vợ bé của Yoritomo. Ngay Yoritomo cũng không ngăn nổi việc ấy, thì đủ biết bà là người vợ không vừa, song lúc đó bà chưa ra mặt làm chính trị.

Chỉ có một lần trong sinh thời Yoritomo, bà đã làm chính trị. Ðó là năm 1195, nhân Yoritomo vào kinh để làm lễ ở chùa Todai-ji, Masako cũng đồng hành. Bà đã gặp bà ái phi của pháp hoàng Go-Shirakawa (bà này sau khi pháp hoàng mất rồi, vẫn nắm quyền hành ngấm ngầm), bày kế đưa con gái trưởng của bà và Yoritomo, là Ohime vào làm vợ vua Go-Toba. Taira Kiyomori cũng đã tìm cách kết hợp công khanh với võ sĩ song không thành.

Tiếc rằng Ohime đã mất năm 1197, nên kế hoạch không thành. Sau đó, cũng còn nhiều kế hoạch khác nữa, song năm 1199 Yoritomo mất và Masako xuất gia đi tu. Thật ra, sau đây mới là thời kỳ Masako hoạt động mạnh.

Trước nhất, cùng với cha là Hojo Tokimasa, bà đã đưa con trai của Yoritomo và bà, tên là Yoriie lên làm mạc tướng. Bố vợ Yori’ie tức là họ Hiki dần dần có thế lực, nên hai bên, một bên là họ Hojo bên kia là họ Hiki, đã đối lập với nhau kịch liệt.

Kasumi
10-02-2007, 12:14 PM
Lấy cớ để tránh sự độc tài của mạc tướng, bà đã lập ra chế độ "hợp nghị" gồm có 13 người, kể cả cha là Hojo Tokimasa, em là Yoshitoki, và những người khác như Oe Hiromoto, Hiki Yoshikazu, tức là những người có thế lực lớn. Bằng cách này, Masako đã đoạt được quyền của con trai, là mạc tướng Yoriie, người mà vợ nói sao cũng nghe vậy. Nghĩa là bà đã tước cái quyền ngoài luật của mạc tường bằng một nội quy của 13 người bất kể luật lệnh đã có. Một lần hình thức và thực chất đã được tách riêng ra rồi, thì quyền lực sẽ được phân tán vô hạn định xuống hạ tầng. Masako là người đầu tiên thực hành điều này.

Năm 1203 khi Yoriie mắc bệnh nặng thì bà chia đôi quyền hành ra cho con trai của Yoriie, tức là Kazuhata và con trai thứ của mình, là Sanetomo. Việc này làm phẫn nộ Hiki Yoshikazu, tức là cha ruột của người con dâu bị Masako ghét, tức là mẹ đẻ của Kazuhata. Masako chỉ chờ có thế để kết hợp với gia đình cha ruột của mình tức là họ Hojo, tiêu diệt dòng họ Hiki.

Tiếp theo, bà giết luôn cả cháu nội của mình (Kazuhata), bắt con trai trưởng là Yoriie lúc ấy đã khỏi bệnh, xuất gia đi tu, rồi giam lỏng ở chùa Tu thiền tự (Shuzenji). Việc này về sau đã trở thành cốt truyện của bản kịch nổi tiếng "Sự tích Tu Thiền Tự" của Okamoto Kido (1872-1939). Bà cho con thứ là Sanetomo lên làm mạc tướng, cho cha là Tokimasa làm phụ chính. Nghĩa là bà yêu quyền hành hơn con cháu, hoặc là bà coi họ hàng mình trọng hơn cả chăng.

Thêm nữa, bà mưu đồ với người vú nuôi thượng hoàng Go-Toba, là Fujiwara Kenshi, (tước Khanh nhị vị[21]), hứa hẹn với nhau sẽ đưa hoàng tử Yorihito, con thượng hoàng Go-Toba lên làm mạc tường kế vị Sanetomo. Nghĩa là hai bà xúc tiến vấn đề kết hợp giữa triều đình và mạc phủ vậy.

Vì vậy mà tuy đã xuất gia đi tu, song Masako đã được phong tước "Tùng nhị vị." Bà được gọi là "Nữ mạc tướng," chính là vì bà đã có tước vị ngang hàng với chồng làm Chinh Di Ðại Tướng Quân[22] vậy.

Thời ấy việc phụ nữ mưu đồ với nhau là chuyện thường, nhưng trong số những phụ nữ như vậy thì Masako là người thành công nhất, đáng mặt là thủy tổ của "bà mẹ ngoáo ộp."

Sách Gukansho có câu viết mỉa mai rằng: "Con gái Tokimasa, mẹ Sanetomo và Yoriie có sống sót mới có đời nay!" Rồi cùng với bà Khanh nhị vị có thế lực to lớn ở kinh đô, thì sách viết: "Nhờ có đàn bà tô điểm cho, thì nước Nhật mới thành." Ý nói nước Nhật phải nhờ nữ giới giúp cho thì nền chính trị mới được hoàn chỉnh.

Masako đòi được một hoàng tử từ kinh đô hạ mình xuống làm rể mình, song sự thế đổi thay khiến điều đó bị khước từ. Kết cục, thượng hoàng Go-Toba đã đề cử Yoritsune, một người trong dòng họ Minamoto bà con xa của Yoritomo lên làm mạc tướng, tức là khác với lời hứa. Yoritsune lúc đó mới lên 2 tuổi, nên quyền hành đã do Masako và cha ruột là Hojo Tokimasa nắm giữ.

Sau khi Tokimasa mất thì em Masako tức là Yoshitoki lên làm phụ chính. Sau đó, lại là con Yoshitoki lên làm phụ chính. Cứ như vậy, người họ Hojo liên tiếp lên làm phụ chính nắm giữ thực quyền.

Hoạt động nổi bật nhất của Hojo Masako là lúc thượng hoàng Go-Toba bực mình với quyền thế của Kamakura, đã khởi loạn Jokyu năm 1221.

Masako diễn thuyết kêu gọi võ sĩ samurai: "Chớ quên ơn của họ Minamoto. Chớ theo vua, hãy theo mạc phủ." rồi gửi quân vào kinh đô bắt tất cả từ thượng hoàng Go-Toba trở xuống, đem đày ra hải đảo. Sự việc này đã làm cho quyền thế mạc phủ không thể lay chuyển được nữa. Thực quyền như vậy đã vào tay Masako và dòng họ Hojo. Ðó là hình ảnh Masako đã được lưu truyền lại.

Mặc dù nói là Hojo Masako đã nắm giữ thực quyền ghê gớm, song Masako đã thực sự lèo lái chính trị, hay cha bà (Tokimasa) và em bà (Yoshitoki), hay cháu bà (Yasutoki) đã nắm quyền ấy, thì hãy còn là một nghi vấn. Duy, có một điều chắc chắn là, vì có Masako nên Tokimasa hay Yasutoki mới chiếm được vị trí trung tâm của quyền lực. Lại nữa, cứ nhìn vào tư thế của ba đời phụ chính từ Tokimasa qua Yoshitoki tới Yasutoki, rồi chuyện âm mưu với bà Khanh nhị vị, rồi diễn thuyết khi có loạn Jokyu, người ta có cảm tưởng rằng quả thật Masako là vai chính. Không còn nghi ngờ gì nữa là sau khi Yoritomo chết, người đàn bà này đã nắm quyền lớn, đã có quan hệ tới lịch sử nước Nhật vậy.



Quan chức ngoài luật lệnh đã sinh ra cấu trúc hai tầng

Ở đây, điều quan trọng là tại sao Masako đã có thể làm như vậy được?

Ðó là vì chính Yoritomo, với tư cách tổng tư lệnh quân đội miền Ðông (Chinh Di Ðại Tướng Quân), tức là một quan chức đứng ngoài quy định của bộ luật lệnh Ðại Bảo[23], đã chế ra một phương pháp nắm quyền chính trị bất thường bằng cách tự xưng mình là "cột trụ của samurai" toàn quốc. Cái phương pháp bất thường này lại được Masako phát triển thêm một bước nữa, đưa quyền hành của mạc tướng xuống hàng chánh văn phòng, tức là phụ chính. Nghĩa là, mặc dù quyền hành vốn dĩ thuộc vua và dưới vua còn có "nhị quan bát tỉnh" nữa, song cơ chế này vẫn được giữ nguyên vẹn và thực quyền đã được trao vào tay tổng tư lệnh quân đội miền Ðông qua bộ tư lệnh của người ấy, gọi là "mạc phủ," làm thành một chính phủ thực chất (de facto). Thế rồi, chánh văn phòng bộ tư lệnh lại nắm lấy thực quyền bằng cách đưa một đứa bé mới hai tuổi vào địa vị tổng tư lệnh quân đội miền Ðông để hình thức hóa địa vị này đi. Làm cho sự việc này có thể xẩy ra được không ai khác hơn là chính Minamoto Yoritomo vậy.

Ðiều trên đã ảnh hưởng lớn tới lịch sử Nhật Bản, đã biến thành truyền thống là chánh văn phòng lại nắm thực quyền hơn bộ trưởng mà không ai coi sự việc ấy là kỳ lạ nữa. Không cứ gì các cơ quan chính phủ đâu, cả xí nghiệp tư nhân cũng vậy, những câu nói cửa miệng như: "Ông tổng giám đốc thì dẫu có nói cũng chẳng hiểu đâu! Phải nói với ông phó nọ, ông phó kia cơ!" hoặc "Không, ông phó đó cũng chẳng hiểu đâu mà chính phải nói với ông trưởng phòng tổng giám đốc ngồi bên cạnh kia!" không còn ai coi là kỳ lạ nữa.

Minaamoto Yoritomo là người đã mở màn cho lịch sử "Cấu trúc quyền lực hai tầng" kiểu Nhật Bản. Sau đó Masako cùng những người của họ Hojo đã phát triển cấu trúc đó thêm một bước nữa. Với ý nghĩa này, Hojo Masako cũng là một diễn viên phụ không thể nào quên được vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:15 PM
Chú thích:

[1] Mạc phủ: Bakufu. Mạc phủ vốn chỉ là chỗ quây màn, dựng lều làm bản doanh tại trận tiền của một tướng lãnh. Song, ở Nhật Bản, từ mạc phủ được dùng để chỉ cơ chế quyền lực chính trị toàn quốc đứng đầu bởi một vị tướng (trong sách này thường viết là mạc tướng, hoặc tướng shogun hoặc shogun) được vua phong cho, thường là Chinh Di Ðại Tướng Quân. Ở Nhật Bản trong thời kỳ có mạc phủ, Nhật hoàng thực chất chỉ là làm vì, mà tướng quân shogun mới thực sự thống trị toàn quốc như là một ông vua. Vì thế, có nhiều sách do người phương Tây viết về Nhật Bản thời kỳ có mạc phủ, mạc tướng thường được dịch là King (vua), trong khi đó Nhật hoàng dịch là Emperor (hoàng đế), mặc dù chỉ là một vị hoàng đế vô quyền.

[2] Edo, là nói thời kỳ ngót 300 năm (từ 1603 tới 1867) dòng chúa Tokugawa mở mạc phủ ờ thành Edo (tức Tokyo ngày nay) tiếm quyền cai trị nước Nhật của Nhật hoàng.
[3] Nhị quan bát tỉnh, tức là chế độ gồm có hai chức quan và tám "tỉnh", tức là tám bộ. Hai chức quan là "thần kỳ quan," trông coi vấn đề tế lễ, và "thái chính quan," đảm đương việc trị nước. Tám "tỉnh" gồm có Trung Vụ tỉnh (lo việc chiếu sớ, nhân sự, hộ tịch, tô thuế,...), Thức Bộ tỉnh (nghi thức, điển lễ, tặng thưởng,...), Trị Bộ tỉnh (hôn lễ, tang tế, ngoại giao,...), Dân Bộ tỉnh (dân chính, tài chính, thuế khóa,...), Binh Bộ tỉnh (quân chính, binh mã, binh khí,...), Hình Bộ tỉnh (tư pháp), Ðại Tàng tỉnh (kho bạc) và Cung Nội tỉnh (việc cung đình).

[4] Quan tước chia làm 8 "vị". Mỗi "vị" còn chia ra Chính và Tùng, Thượng và Hạ.Tùng Ngũ Vị Hạ là tước vị phong cho đích tử của công hầu khi tới tuổi thành niên. Thời xưa, tuổi thành niên thường thấp hơn thời nay. Nội tàng nhân là một chức quan coi kho của vua.

[5] Thái thượng hoàng đã đi tu. Trong bản NXB CTQG lời chú này để ở sau trang này.
[6] Cuộc phân tranh giữa họ Minamoto và họ Taira.
[7] Kiểu Quan Công tha Tào Tháo ở Hoa Dung Tiểu Lộ chăng?
[8] Lãnh chúa là từ gọi chung những chúa tể hoặc sứ quân cai trị một vùng đất nhỏ, một tiểu quốc.
[9] Kanto, là khu vực gồm Thành Phố Tokyo và sáu tỉnh bao quanh, tức là Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba và Kanagawa.

[10] Sở công văn là cơ quan tương với văn phòng hành chánh, và sở vấn chú là tòa án. Ðặt ra những công sở như vậy là chứng tỏ đã nắm được quyền cai trị chính thức.
[11] Quan bạch, là chức quan được phép xem trước sớ sắc rồi mới tâu vua. Tên quan chức này là từ sách Hán Thư (truyện Hoắc Quang): "chư sự giai tiên quan bạch quang, nhiên hậu tấu ngự thiên tử," nghĩa là mọi sự việc đều được xem trước cho rõ, rồi sau đó mới tâu lên thiên tử.
[12] Nội các của thủ tướng Kaifu, từ 8/10/1989 tới 5/11/1991.
[13] Việc xem lại (sửa lại) thuế tiêu thụ, sẽ được làm một cách mạnh dạn. Nghĩa là chưa hứa sửa chữa gì cả.
[14] Sẽ có những xem lại (sửa lại) mạnh dạn cho thuế tiêu thụ. Rõ ràng là hứa sẽ có những cải cách mạnh dạn về thuế tiêu thụ. Bản NXB CTQG không có 2 từ trong ngoặc “(có những).”
[15] Cũng gọi là Jurakutei.
[16] Một nhà tiểu thuyết lớn, chuyên viết tiểu thuyết lịch sử.
[17] Nguyên văn tiếng Nhật là Hametsu no Eiyu, đọc âm chữ Nho là Anh hùng Phá diệt.
[18] Hạ khắc thượng (Gekokujo), tức là kẻ dưới khắc phục người trên.
[19] Cánh mạng vinh dự (Glorious Revolution): Sự kiện lịch sử Anh theo đó khi vua James II độc đoán định cho cựu giáo phục hưng, những lãnh tụ quốc hội cầu cứu công chúa Mary theo tân giáo và quận công William năm 1688. Năm sau, Mary II và WIlliam III lên ngôi vua, ban hành Hiến chương nhân quyền (Bill of Rights).

[20] Luật điển nói ở đây là của niên hiệu Joei (Trinh Vĩnh, năm 1233) gồm có 51 điều.
[21] Tước gồm có tám vị. Thường ra, tam vị trở lên là hàng Công, Khanh.
[22] Chinh di đại tướng quân là "chức vị", trong khi đó "Tùng nhị vị" là tước vị. Chẳng hạn, trong quân đội, một đại úy trung đội trưởng, thì đại úy là tước vị còn trung đội trường là chức vị.

[23] Ðại Bảo luật lệnh, soạn ra năm Ðại Bảo nguyên niên (701), gồm 6 quyển luật và 11 quyển lệnh.

Kasumi
10-02-2007, 12:21 PM
Ishida Mitsunari
Người sáng tạo loại hình "Kế hoạch kiểu Nhật"

http://img401.imageshack.us/img401/4092/ishida01pa2.th.jpg (http://img401.imageshack.us/my.php?image=ishida01pa2.jpg)

Thủy tổ của loại hình kế hoạch do công chức bậc trung thảo ra

Ðể làm người thứ năm trong "Mười hai người lập ra nước Nhật," tôi muốn chọn Ishida Mitsunari. Sự chọn lựa này hẳn sẽ có nhiều người cho là bất ngờ, bởi vì nó đã bỏ qua rất nhiều nhân vật vương bá nổi tiếng trong lịch sử của Nhật Bản. Tuy nhiên, đây không phải là cố ý làm một sự bất ngờ, mà chính là vì nhân vật Ishida Mitsunari đã để lại một ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với Nhật Bản và người Nhật ngày nay.

Bản thân tôi, Sakaiya Taichi, đã nghĩ tới tổ chức Hội chợ Thế giới[1] là khi tôi mới là công chức tại bộ Thương nghiệp Quốc tế và Công nghiệp được hơn ba năm, lúc đó tôi 28 tuổi. Trước hết, tôi đã tìm hiểu Ishida Mitsunari như là một tiền lệ về xây dựng một dự án khổng lồ. Nếu không có tiền lệ của Ishida Mitsunari, thì một gã tổ trưởng 28 tuổi đầu như tôi, chắc chẳng bao giờ dám mơ màng tới việc liều lĩnh vận động tổ chức một Hội chợ Thế giới cả.

Trong lịch sử cận đại của Nhật Bản, đã có biết bao nhiêu kế hoạch khổng lồ. Chẳng hạn những kế hoạch siêu khổng lồ như cuộc Duy tân Minh Trị, cuộc Xây dựng nước bù nhìn "Mãn Châu," cuộc Chiến tranh Thái bình dương. Thời hậu chiến thì có việc Xây dựng tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen[2], việc Tổ chức Thế vận hội Tokyo năm 1964, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Aichi Yosui, việc tát cạn phá Hachiro-gata, tuy trình độ lớn nhỏ có thể khác nhau ít nhiều, song tựu trung đều đáng được gọi là những kế hoạch khổng lồ.

Kế hoạch thống nhất thiên hạ nói trong chương trước đã do một nhà độc tài có cá tính mãnh liệt, Oda Nobunaga, dùng quyền lực, sáng kiến và khả năng hành động của mình khởi đầu. Sau đó tới Toyotomi Hideyoshi tiếp tục sự nghiệp, rồi tới Tokugawa Ieyasu hoàn thành công trình. Ba người tuy thuộc loại hình nhân vật khác nhau, song đều là những bậc thiên tài, những nhà độc tài và những lãnh tụ của tổ chức cả.

Thế nhưng, rất khó có thể đưa ra một nhân vật độc tài nói là đã làm nên kế hoạch Duy tân Minh Trị. Xuất hiện trên khán đài Duy tân Minh Trị là rất nhiều nhân vật nổi tiếng, như Saigo Takamori, Kido Takayoshi, Okubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, v.v.. Phải chăng họ là những người ở địa vị có thể điều khiển được hàng chục ngàn quân? Phải chăng họ là những người có quyền lực độc tài, có thể xuất ra hàng chục ngàn lượng vàng? Không, hoàn toàn không. Thời đó, những kẻ sĩ bậc trung xuất thân từ hai miền Satsuma và Choshu[3], những nhà hoạt động vô danh đã tụ tập lại, chủ trương rằng "cần phải cải cách Nhật Bàn," "dòng thời đại đang dần dần đổi hướng," v.v.. Cứ như thế, cái bầu không khí toàn thể đã sôi động lên. Rồi rốt cục, mạc phủ Tokugawa cùng các phiên chúa đã không thể ngăn chặn được cao trào khí thế đang dâng lên như vậy được nữa. Ðấy, cái đặc trưng lớn lao của cuộc Duy tân Minh Trị là như vậy.

Cũng vậy, nếu nhìn vào quá trình Nhật Bản đã dấn thân vào tấn bi kịch chiến tranh Thái bình dương từ điểm phát hỏa là "nước Mãn Châu" tới cuộc chiến Nhật-Hoa rồi chiến trận Thái bình dương đại quy mô, người ta không thể quy trách nhiệm đó vào một vị thủ tướng, một viên đại tướng nào cả. Ngược lại, chính thủ tướng cũng như đại tướng lục quân thời ấy đều đã lên tiếng "phản đối," "phản đối," nhưng rồi vẫn bị lôi kéo vào tấn bi kịch đó. Thật ra, chính những sĩ quan trẻ tuổi hàng trung tá, thiếu tá của lục quân, những công chức thuộc phe cải cách hàng cục trưởng, vụ trưởng của các cơ quan trung ương nhà nước, đã thực sự thúc đẩy và xúc tiến vụ việc này. Chính là hàng võ quan và văn quan bậc trung đã thực sự điều khiển, lèo lái thời đại vậy.

Một hiện tượng tương tự đã tiếp tục diễn ra trong thời hậu chiến. Việc kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen là do ai quyết định? Quả có Kỹ sư trưởng Shima Hideo là người đã tận tụy về mặt kỹ thuật[4], song chẳng phải chỉ có một kỹ thuật gia mà có thể làm nên công trình đồ sộ này. Cũng chẳng phải vì cuộc vận động của toàn dân mà thành được. Thật ra, chính những công chức bậc trung, một cách vô tư không ai bảo ai, đã nghĩ tới việc cho chạy một kiểu tầu tiện lợi thích hợp với thời đại trên tuyến đường Tokaido (tuyến giữa Tokyo và Osaka). Rồi từ ý nghĩ đó chính họ đã vận động kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen vậy. Câu chuyện là như vậy.

Ðến như công trình thủy lợi Aichi Yosui hoặc công trình lấp cạn phá Hachiro Gata, thì những sự nghiệp lớn lao này thực sự đã bắt đầu từ những cuộc vận động của những người vô danh tiểu tốt. Nghị viên quốc hội đã chỉ bắt đầu hành động, là sau khi bầu không khí thực hiện kế hoạch đã dâng lên tới cao trào do cuộc vận động mà dân chúng địa phương đã phát động mà thôi.

Tóm lại, Nhật Bản là nước mà chính "những người không phải là những ông lớn" đã làm nên những kế hoạch to lớn vậy. "Ông lớn" nói ở đây là những người có quyền thế lớn, có địa vị cao, có tiền bạc nhiều. Ở Nhật Bản, thì kể từ mạc chúa Tokugawa Ieyasu về sau, những "ông lớn" như vậy, không hề bắt tay vào những kế hoạch khổng lồ nữa.

Chính vì nhận thức được như vậy, mà tuy chỉ là một tổ trưởng mới 28 tuổi, tôi đã mạnh dạn nghĩ và tin tưởng rằng: "Nếu khéo vận động, thì không chừng có thể mở ra ở Nhật Bản được một Hội chợ Thế giới. Với quy mô lớn gấp 20 lần Thế vận hội Tokyo, đây sẽ là một sự nghiệp kinh thiên động địa."

Vậy thì, những "ông không lớn" đã soạn thảo và xúc tiến những kế hoạch kiểu Nhật Bản là bắt đầu từ bao giờ, từ ai? Ngược dòng lịch sử, người ta thế nào cũng tìm thấy được căn nguyên là thời Chiến quốc Nhật bản, và thế nào cũng đụng phải nhân vật Ishida Mitsunari[5].

Cho đến thời bấy giờ, tất cả những kế hoạch lớn, kể từ thời Nara, thời Heian, đều là do những bậc có quyền thế lớn, có thực lực lớn, chủ trì. Thời Chiến quốc thì Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi đều là những bậc thiên tài khác thường có quyền lực lớn trong tay, lãnh đạo những kế hoạch lớn. Ngay cả những đối thủ của họ, tức là những người đã thua họ, cũng đều là những thủ trưởng biết tự mình quy hoạch, tự mình tổ chức phe đảng của mình để tranh giành hơn thua.

Duy chỉ có trận đánh Sekigahara[6] thì xem ra khác hẳn. Lúc đó, mạc chúa Tokugawa Ieyasu, với cá tính cương cường, đã xuất hiện ở vị thế trung tâm của phe Ðông. Song, thật ra, từ trước đó, ở vị trí cao nhất trong năm chức "đại lão," tức là hàng lương đống, hàng cột trụ của thiên hạ lúc đó, ông đã giữ trong tay quyền chính trị độc tài rồi, nghĩa là ông đâu có cần phải đánh một trận thư hùng nữa. Chính phe Tây, tức là phe phản Tokugawa, mới cần phải hoạch định và thực hiện một trận thư hùng như vậy. Thế nhưng, trong phe Tây lại không có ai đáng mặt đứng ra làm minh chủ.

Người được tôn làm đại tướng tổng chỉ huy của phe Tây là Mori Terumoto. Là cháu đích tôn của Mori Motonari, thống lãnh 12 châu quận miền trung bộ Nhật Bản thời đó, ăn lộc 1 triệu 200 ngàn hộc, Mori Terumoto quả xứng đáng là kình phùng địch thủ của Tokugawa Ieyasu. Song le, Mori Terumoto đã chỉ tham gia chiến dịch phản Tokugawa sau khi Ishida Mitsunari đã khởi hấn rồi. Lại nữa, ông không hề đánh một trận nào cả, cũng không tích cực ra chỉ thị, mệnh lệnh nào cả. Rồi sau khi phe Tây thua trận rồi, ông chỉ còn biết chuộc tội bằng cách cắt hai phần ba đất dâng cho Ieyasu để cầu hòa và khẩn xin Ieyasu tha chết cho. Ôi! Có đại tướng tổng chỉ huy nào tệ đến như vậy không? Thật là "tướng tổng chỉ huy mướn," với tư thế "chân trước chân sau!"

Vai phó tổng tư lệnh là Ukita Hide’ie. Mới 27 tuổi, có nhân cách tốt, lại là con nuôi chúa Toyotomi Hideyoshi, ông luôn luôn giữ lòng trung nghĩa với dòng chúa Toyotomi. Thế nhưng, ông cũng chẳng phải là đã tự đứng ra vận động cho trận thư hùng này. Lại nữa, ngay trước khi cử sự, trong nhà lại có chuyện xích mích, khiến ông không thể dốc toàn lực cho chiến dịch được.

Thật ra nhân vật chủ mưu, người đã viết kịch bản, đã bài trí sân khấu, đã phân công vai diễn, rồi đã mở màn vở kịch khổng lồ này, chính là Ishida Mitsunari.

Vậy thì, Ishida Mitsunari là người thế nào?

Ngày nay, ta đều biết Ishida Mitsunari là kẻ đã gây ra trận đánh Sekigahara. Người đời nhìn ông như một người vốn lo sợ Tokugawa Ieyasu sẽ tiếm ngôi của dòng chúa Toyotomi, nên đã hô hào, cổ động mọi thế lực đứng dậy đánh đổ Tokugawa Ieyasu. Nhưng đây là chỉ là sự nhận thức sau sự việc. Nếu không có trận đánh Sekigahara, thì hỏi ngày nay người ta sẽ biết về nhân vật Ishida Mitsunari này được bao nhiêu?

Nếu chúng ta tháo gỡ hết đồ trang sức, lau chùi sạch phấn son của kế hoạch khổng lồ, của trận thư hùng Sekigahara đi, chúng ta sẽ thấy hiện ra hình ảnh Ishida Mitsunari khác hẳn, nhỏ đi hẳn. Nghĩa là, mặc dầu Ishida Mitsunari đã lưu lại tên trong lịch sử với vai trò là người viết kịch bản và tạo dựng nên tấn kịch trận đánh Sekigahara, nhưng nếu ta lột bỏ cái vỏ ngoài như vậy đi, tháo gỡ những định kiến, thiên kiến về ông đi, rồi nhìn kỹ cái vị trí mà ông đã được đặt vào, nhìn cái tài sức của ông trong việc hoạch định sáng tạo, thì ta sẽ thấy một sự thực khác xa.

Vận không may và vụng đánh trận

Ishida Mitsunari sinh năm 1560 (niên hiệu Vĩnh Lộc năm thứ ba) tại thôn Ishida, đất Omi, nay thuộc tỉnh Shiga. Gia cơ là phú nông, nhưng lúc nhỏ, ông vào ở chùa để học lễ giáo. Thời đó, con nhà nông giàu thường đến ở chùa vừa để học chữ vừa để học phép tắc lễ giáo. Nói cách khác, ông thuộc loại con nhà gia giáo, có học hành đàng hoàng.

Vừa lúc đó thì Hashiba (sau đổi thành Toyotomi) Hideyoshi được chúa Oda Nobunaga phong làm lãnh chúa đất Omi, trấn thủ thành Nagahama. Nhờ có duyên với chúa Hideyoshi này, năm 15 tuổi, ông đã được vời ra làm tiểu đồng. Ðó là năm 1574 (niên hiệu Thiên chính năm thứ hai), tức là ngay sau khi Hideyoshi đến trấn thủ thành Nagahama.

Kasumi
10-02-2007, 12:22 PM
Thời đó, các bậc thái thú lãnh chúa đều nuôi ở bên mình những tiểu đồng, một là để xách kiếm và hầu hạ việc vặt, hai là để dạy bảo khuôn phép võ sĩ samurai, đồng thời cho nhớ mặt những người hầu cận ra vào dưới trướng. Những tiểu đồng như vậy thường là người họ hàng thân thích của thái thú, hoặc là con cháu của các gia thần thân tín. Kato Kiyomasa và Fukushima Masanori cũng là tiểu đồng như vậy. Hai người này là họ hàng thân thích của Hideyoshi, nên khi Hideyoshi làm lớn, thì mẹ ông đã dắt họ tới thành Nagahama. Còn nhiều người khác thì đã được chiêu mộ ở lãnh địa Omi. Mitsunari cũng là một phần tử đã được chiêu mộ như vậy. Nói về kết quả thì đây là niềm may cho Mitsunari, song trên thực tế, được chọn làm tiểu đồng chưa hẳn là đã được hứa hẹn gì về tương lai cả, vì đó mới chỉ là một người được sung vào trong số hàng mấy chục người như vậy.

Mitsunari đã tỏ ra xuất sắc là trong vụ biến loạn chùa Honnoji[7] năm 1583, khi Toyotomi Hideyoshi đánh bại Shibata Katsu’ie ở gò Shizugaoka. Từ Ogaki tới gò Shizugaoka đường trường hơn 50 kilômét, ông đã mang quân bản bộ chạy đi trước, dọc đường đã chu đáo chuẩn bị lương thực, củi đuốc cho đại quân của Hideyoshi theo sau. Với công đó, năm sau, tức là khi Hideyoshi đã thu phục được giang sơn, ông liền được phong lãnh chúa ở Mizukuchi cũng thuộc đất Omi, ăn lộc 40 ngàn hộc. Lúc ấy, Mitsunari mới có 25 tuổi, nên có thuyết nghi ngờ rằng bổng lộc như vậy là quá cao, song sự thực hư ra sao thì không rõ. Duy có điều chắc chắn là thời gian đó, Mitsunari được trao cho giữ việc quân nhu, hậu cần. Ông đã tỏ ra xuất sắc trong công tác như vậy. Năm sau, 1585, tức là năm mà vọng lâu của thành Osaka hoàn thành, Hideyoshi lãnh chức Phụ chính cho vua, thì 12 gia thần của Hideyoshi được triều đình phong tước Tùng Ngũ Vị Hạ, tức là được ra vào triều kiến vua. Mitsunari là một trong 12 người đó, ông được lãnh chức Trị bộ Thiếu phó. Ðây là một quan chức không lấy gì làm cao cho lắm của một bộ tương đương với Bộ Nội vụ ngày nay. Theo tiêu chuẩn ngày nay, thì chức này tương đương với hàng vụ trưởng tổng vụ của một cơ quan trung ương.

Có điều lạ là, từ đó tới 15 năm sau, quyền thế của Mitsunari ngày càng lớn, lãnh địa thì ngày càng rộng ra, nhưng quan tước thì hoàn toàn không thay đổi. Không phải riêng gì Mitsunari, tất cả những lãnh chúa gia thần của Hideyoshi cũng đều như vậy cả. Có lẽ là sau khi Hideyoshi thâu tóm được thiên hạ rồi, thì sự quan tâm tới quan tước đã giảm đi chăng?

Khỏi cần nói, Ishida Mitsunari là võ tướng samurai, lại đồng thời là lãnh chúa. Dĩ nhiên là ông có nhiều gia thần, bộ hạ, quân phải nuôi dưỡng. Ðương nhiên là ông đã cùng ra trận nhiều lần với Toyotomi Hideyoshi. Nhưng không thấy nói ông chiến thắng ở trận tiền. Nói trắng ra, ông chỉ đóng vai tướng chỉ huy ở trận tiền là lần đánh thành Odagawa, rồi lần công hãm hai thành Tatebayashi và thành Shinobi của họ Hojo. Thế nhưng, với thành Shinobi, ông đã mưu toan đánh thủy công, nhưng đã thất bại.

Khi xẩy ra vụ biến ở chùa Honnoji, thì lúc đó Toyotomi Hideyoshi đang đánh thủy công thành Takamatsu ở đất Bichu. Ông cho đắp đê đập, rồi tháo nước sông Ashimorikawa dìm thành xuống dưới mặt nước. Thời Chiến quốc, ở Nhật Bản chỉ có hai loại thành. Một là sơn thành, tức là thành xây trên sườn núi để ngăn địch, hai là thành xây trong đồng sâu hoặc đồng lầy và chỉ có một đường độc đạo dẫn vào thành. Ngoài con đường này ra, thì cả người lẫn ngựa đều phải lội bì bõm tới ngang hông, không sao tiến lên được. Thành loại này như vậy cũng lại rất khó hạ. Thành Takamatsu được xây trong đầm lầy, nên đã không có ai tấn công cả. Nhưng Hideyoshi đã để mắt tới mực thấp của thành, nên đã chặn sông Ashimorikawa lại, dìm thành xuống nước. Ðộ cao của con đê ông cho xây lên là 8 m, cho nên đúng ra chỉ có tầng trệt của thành là bị chìm dưới nước mà thôi. Lính giữ thành tất cả đều phải chèo lên tầng lầu, khiến thành bị chật ních. Lương thực, đạn dược đều bị thấm nước, ẩm ướt dùng không được nữa. Củi đuốc cũng hết, cơm không nấu được, khiến binh sĩ vô cùng cực khổ. Thật là một chiến lược có hiệu quả.

Ở Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi là người đầu tiên dùng chiến thuật thủy công. Theo sách "Sử ký" Tư Mã Thiên, thì chiến thuật như vậy đã thấy có từ thời Xuân Thu chiến Quốc bên Trung Hoa. Ðó là chuyện cả hai nghìn năm về trước. Tương truyền rằng Kuroda Kanbei Takadaka đã đọc sách đó, học được chiến thuật thủy công, và đã hiến kế này cho Hideyoshi.

Hideyoshi sau khi thành công trận đó, đã quen mui, lại dùng chiến thuật thủy công đó đối với những nơi khác, như Mino và Kii. Tất nhiên, trong thời gian này, với tư cách là tiểu đồng cho Hideyoshi, Mitsunari hẵn đã học hỏi được phép thủy công đó, nên đã mưu toan đánh thành Shinobi như vậy.

Thế nhưng, ở đây ta mới thấy cái vận may của Hideyoshi và cái vận xui của Mitsunari đã hiện ra rõ rệt. Khi Hideyoshi đánh thủy công thành Takamatsu thì trời đổ mưa lớn và chỉ trong khoảnh khắc là thành chìm ngập trong nước. Tướng giữ thành, Shimizu Muneharu, đã bắt buộc phải mổ bụng cầu hòa nộp thành cho Hideyoshi. Hơn nữa, sự kiện chiến thắng này đã đạt được đúng lúc vụ biến loạn Honnoji xảy ra, quả đã là một vận may lớn cho Hideyoshi.

Khi Mitsunari đánh thủy công thành Shinobi thì, cũng địa hình như vậy, cũng là mùa mưa dầm, nhưng mưa lại to quá làm vỡ cả đê. Vì thế, quanh thành đã trở thành đồng lầy, không còn tiến công được nữa. Mãi về sau, khi thành chủ chốt là thành Odagawa bị hạ rồi, thì thành Shinobi mới chịu thương lượng rồi mở cửa quy hàng. Vụ này đã tượng trưng cho cái vận xui xẻo ám ảnh Mitsunari suốt đời vậy.

Tóm lại, Mitsunari tiếp tục không lập được võ công nào cả cho tới thời kỳ cuối cùng của chúa Hideyoshi. Ðiều này là nguyên nhân làm cho các tướng giỏi đánh trận như bọn Kato Kiyomasa, Fukushima Masanori khinh miệt ông. Trong chiến trận, Mitsunari chuyên lo việc quân nhu hậu cần, còn trong thời bình ông chuyên tâm vào việc biên thảo luật lệnh, phép tắc. Nhờ chuyên tâm với chế độ quan liêu như vậy, ông dần dần đã được sự trọng vọng của mọi người.

Năm 1592, khi xẩy ra vụ việc lớn nhất đồng thời cũng là tệ nhất đối với chúa Hideyoshi, tức là vụ xâm lăng Triều Tiên, Mitsunari được chỉ định làm "quan chấp chính tàu thuyền." Vấn đề điều động tàu bè để chuyên chở binh lương là công tác trọng yếu. Hideyoshi đã giao phó cho Mitsunari trọng trách này. Ít lâu sau khi khai chiến, ông đã cùng bọn Masuda Nagamori và Otani Yoshitsugu đổ bộ lên Triều Tiên.

Nhờ có công về nội trị như kể trên, năm 1595, ông được phong chức trấn thủ thành Sawayama, gần Omi. Thành đó ở ngay gần phía nam thành Hikone ngày nay, làm thành một vị trí trọng yếu trong việc trấn giữ đất Omi. Lãnh địa ấy của ông chỉ có 194 ngàn hộc thôi, nhưng ngoài ra, ông còn kiêm nhiệm cả chức quản lý lãnh địa trực thuộc chúa Hideyoshi. Hơn thế nữa ông vẫn còn được giữ công tác chỉ đạo việc đạc điền, và chia cắt lãnh địa.

Năm quan Ðại lão và năm quan Chấp chính

Trong những năm cuối đời của mình, chúa Hideyoshi đã đặt ra năm quan Chấp chính thường trực để làm ổn định tổ chức hành chính. Cho đến bấy giờ, mỗi khi có vấn đề, thì mới đặt quan Chấp chính để giải quyết. Sợ sau khi qua đời, không làm được như vậy, nên Hideyoshi đã quyết định đặt ra những quan Chấp chính thường trực về hành chính.

Năm quan Chấp chính này chỉ làm thành cơ quan hành pháp, chứ không phải là cơ quan làm quyết định (decision making). Hideyoshi đã đặt lên trên nữa một cơ quan làm quyết định gồm có năm quan Ðại lão. Ðứng đầu năm vị đại lão, là Tokugawa Ieyasu, thứ đến là Maeda Toshi’ie, Ukita Hide’ie, Uesugi Kagekatsu và cuối cùng là Mori Terumoto. Vị nào cũng đều có lãnh địa rộng trên 500 ngàn hộc, vị nào cũng là những võ tướng có chiến công hiển hách cả. Nếu là công ty, thì đó là Hội đồng Thường vụ do Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tokugawa Ieyasu chủ trì. Nếu là chính phủ, thì năm vị đại lão là năm bộ trưởng, còn năm quan chấp hành là năm thứ trưởng thường trực vậy.

Trong năm Ðại lão, thì Tokugawa Ieyasu có lãnh địa 2 triệu 400 ngàn hộc. Nghĩa là lớn hơn cả lãnh địa của chúa Toyotomi Hideyoshi, lúc ấy chỉ còn là 2 triệu 200 ngàn hộc. Ðây là vì Hideyoshi đã chia cho bọn gia thần của mình là Kato Kiyomasa, Fukushima Masanori, Konishi Yukinaga, Ishida Mitsunari, Masuda Nagamori, mỗi người trên dưới 200 ngàn hộc rồi, nên lãnh địa của ông bị nhỏ đi.

Sau Tokugawa Ieyasu, đến Mori Terumoto và Uesugi Kagekatsu, mỗi người đều có lãnh địa từ 1 triệu 100 ngàn tới 1 triệu 200 ngàn hộc. Về vai vế thì người đứng thứ nhì trong năm quan Ðại lão là Maeda Toshi’ie, với quan chức là Dainagon (xem chú 35, Chương II), so với quan chức của Ieyasu là Naidaijin (xem chú 31, Chương I), nhưng lãnh địa của ông lại chỉ có 900 ngàn hộc, nghĩa là chỉ bằng khoảng 1/3 đất của Ieyasu mà thôi. Ngồi ghế cuối trong năm quan Ðại lão là Ukita Hide’ie, mới 25 tuổi, được phong đất Bizen Mimasaka chỉ có 574 ngàn hộc, là con nuôi rất được chúa Hideyoshi cưng, đã lãnh chức tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Triều Tiên.

Nghĩa là, nói theo tổ chức một đại công ty kinh doanh ngày nay, thì chúa Toyotomi Hideyoshi là chủ tịch sáng lập ra đại công ty, thứ đến là đại cổ đông phó chủ tịch Tokugawa Ieyasu. Sau đó là quản trị viên thường trực Maeda Toshi‘ie, bạn cố tri đồng thời trợ tá của chủ tịch Toyotomi Hideyoshi. Mori và Uesugi vốn là chủ tịch các công ty đã bị thôn tính hợp nhất, nay được đãi ngộ với chức vụ quản trị viên thường vụ của đại công ty. Cuối cùng là quản trị viên thường vụ Ukita Hide’ie, vốn là chủ tịch đời thứ hai của công ty hạng trung đã sớm bị thôn tính hợp nhất và nay trở thành con nuôi của đương kim chủ tịch của đại công ty.

Tổ chức là như trên, chỉ là xếp thứ tự năm lãnh chúa có thế lực, chứ trên thực tế, hội đồng thường vụ không hề quy định phương thức nghị quyết, không ấn định lịch làm việc định kỳ nào cả.

Kasumi
10-02-2007, 12:23 PM
Ðối lại, thì tổ Chấp Chính Thường trực năm người lại là một tổ chức chặt chẽ quy định rõ rệt cả tới phương thức nghị quyết. Chủ nhiệm tổ Chấp Chính Thường trực là Maeda Gen’i. Ông này là thày chùa, song lại là quan Chấp chính của kinh đô Kyoto. Ông tinh tường các vấn đề quý tộc và đền chùa, đảm đương việc hành chính của kinh đô. Theo ngôn ngữ thời nay thì chức vị của ông là bộ trưởng đối ngoại và giao tiếp với các cơ quan công quyền. Kế đến là Asano Nagamasa (cũng có thuyết cho rằng ông này mới là chủ nhiệm của tổ Chấp chính thường vụ). Ông là bà con với bà One, chính thê của chúa Toyotomi Hideyoshi, nên đã theo Hideyoshi từ thuở Hideyoshi hãy còn ở lứa tuổi 20. Ông có tài khéo léo điều chỉnh nhân sự, và với mối quan hệ mật thiết với chúa Hideyoshi từ thời hàn vi ở Owari, ông có thể được coi là bộ trưởng nhân sự. Nhân vật đứng thứ ba là Masuda Nagamori. Sinh năm 1545, lúc nhậm chức Chấp chính thì ông đã 54 tuổi. Ông hiểu tinh thông về luật pháp, phụ trách chỉ huy các hoạt động hành chính và tư pháp. Ông còn có tài về xây dựng nữa, nên đáng được gọi là bộ trưởng tổng vụ. Người thứ tư trong hàng ngũ năm quan Chấp chính là Ishida Mitsunari. Ông cùng với Asano và Maeda, có tài toàn ban, nên đã đảm đương từ việc thanh tra các lãnh chúa tới chiến lược chính trị. Có thể nói khu vực công tác của ông là trưởng phòng chủ tịch công ty và bộ trưởng kế hoạch. Người thứ năm là Natsuka Masa’ie. Ông này vốn là gia thần phụ trách vấn đề tài chính và kế toán dưới trướng của lãnh chúa Niwa Nagahide. Sau khi Niwa Nagahide qua đời thì chúa Hideyoshi vời ông tới cho phụ trách bộ phận tài chính.

Cả năm người trên, nếu nói theo cách tổ chức của một công ty kinh doanh thì đều được coi là hàng quản trị viên trơn, mỗi người phụ trách một bộ phận của công ty. Nói về bổng lộc, thì cao nhất là Asano và Masuda với hơn 200 ngàn hộc, Ishida 194 ngàn hộc, còn Maeda và Natsuka chỉ có 50 ngàn hộc. Nghĩa là so với hàng Ðại lão, thì nhóm người này cách một khoảng quá xa. Vì thế, có thuyết nói rằng giữa hàng Ðại lão và hàng Chấp Chính, còn có một hàng nữa gọi là "Trung lão". Có khá nhiều sách bàn về điểm này, song tất cả đều là những trước thuật của hậu thế, chứ không có sách sử đương thời nào giúp xác định được điều đó. Tuy nhiên, sự kiện một giả thuyết Trung lão như vậy đã được nêu ra, đủ cho thấy cái cảm giác xa cách quá lớn giữa năm quan Ðại lão và năm quan Chấp chính vậy.

Còn Tokugawa Ieyasu thì vốn là xui gia của Oda Nobunaga và như vậy có thể coi như có vai vế anh em với Nobunaga, chúa của Toyotomi Hideyoshi. Bởi vì con gái Nobunaga là vợ của trưởng nam của Ieyasu. Không phải là hạng người thiên tài như Nobunaga, song bản tính thận trọng, tiến hành mọi việc bằng từng bước vững chắc, ông đã bị Hideyoshi, vốn là gia thần của Nobunaga, vượt lên trước trong sự nghiệp thống nhất thiên hạ, song trong trận đánh với Hideyoshi ở Komaki để yểm hộ Oda Nobuo, con thứ của Nobunaga, Ieyasu đã không thua. Trong trận đánh ở Nagakute trước kia với Hideyoshi (lúc đó còn gọi là Hashiba Hideyoshi) thì ngược lại ông đã đại thắng. Và bây giờ thì ông đã trở thành đại lãnh chúa chiếm giữ tám châu quận vùng Kanto rộng 2 triệu 540 ngàn hộc. Có thể nói rằng Ieyasu vốn cũng là chủ tịch một công ty lớn khác, đã hợp nhất trên cơ sở bình quyền với Công ty Toyotomi, nên ở trong công ty mới này, ông là cổ đông lớn nhất và vì vậy đã trở thành phó chủ tịch công ty. Xem như vậy, thì hạng Ishida Mitsunari đâu có đáng để cho ông đếm xỉa tới.

Mưu đồ vĩ đại

Tháng 8 năm 1598, chủ tịch sáng lập công ty Toyotomi Hideyoshi qua đời. Con trai ông là Hideyori lúc ấy mới lên sáu tuổi. Mẫu thân đứa nhỏ, công chúa Yodo, chỉ là vợ lẽ của người quá cố. Trong khi đó thì người vợ cả, tức bà chúa Kita No Mandokoro, hãy còn kiện khang. Những nhân vật có vai vế của công ty thì hãy còn ra vào đông đảo. Tình hình nội bộ của công ty như vậy trở nên khá phức tạp.

Trong tình huống ấy, Ishida Mitsunari, một cổ đông không đáng kể chỉ có địa vị là hàng thứ tư trong năm quan chấp chính, nhưng nhờ có quan hệ nhân sự đã xây đắp được với tư cách là người thân cận của Hideyoshi, đã quyết tâm đứng lên bảo vệ gia sản cho chủ. Ðối thủ của ông là người có đầy thực quyền Tokugawa Ieyasu. Chưa có tiền lệ nào như vậy trong lịch sử Nhật Bản. Mà kể cả trong lịch sử thế giới nữa, cũng ít thấy có âm mưu lớn như vậy. Quả là một "Mưu đồ vĩ đại."

Ishida Mitsunari đã mưu toan và thực hiện được kế hoạch này, chứng tỏ rằng một kẻ không ở địa vị cao, không có thực quyền lắm, vẫn có thể làm nên những kế hoạch khổng lồ. Sự kiện này đã để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau đó.

Vậy, trong 754 ngày, kể từ sau khi Hideyoshi qua đời cho tới trận thư hùng Sekigahara, hỏi Ishida Mitsunari đã dùng phương pháp nào, đã hành động ra sao để vạch ra kế hoạch?

Ishida Mitsunari đã suy nghĩ đường đi nước bước, làm sao ngăn chặn không cho Tokugawa Ieyasu tiếm đoạt cơ nghiệp của Toyotomi Hideyoshi.

Ðiều trước nhất Mitsunari nghĩ ra là phải làm sao tìm cho được một người có thể đối địch với Ieyasu, rồi kết hợp mọi thế lực phản Tokugawa lại dưới trướng của người ấy làm thế quân bình. Như vậy thì mọi người đều nghĩ ra rằng người có thể đối địch được với Tokugawa Ieyasu không thể là ai khác hơn người bạn cố tri của Hideyoshi. Ðó là Maeda Toshi’ie. Cho nên Mitsunari đã tìm đến Maeda Toshi’ie. Ông này cũng nghĩ rằng chính Hideyoshi đã gửi gắm con côi cho ông, nhờ cậy ông sau này phò đứa con thơ lên. Nay, ngay sau khi Hideyoshi vừa qua đời, đã thấy Ieyasu âm mưu tiếm đoạt thiên hạ, cho nên ông cũng cảm thấy cần phải ngăn chặn ý đồ ấy. Nghĩa là ông đã nhất trí với Ishida Mitsunari. Do đó, Maeda Toshi’ie đã lên tiếng kêu gọi kết hợp những người thuộc phái trung thành với Toyotomi Hideyoshi, những người muốn duy trì địa vị của dòng họ Toyotomi.

Tokugawa Ieyasu hẳn đã nghĩ rằng, một cậu bé sáu tuổi chẳng có thực lực gì cả, thì làm sao có thể hứa hẹn sau này sẽ phó thác cả thiên hạ cho cậu ta được, bởi làm như vậy có khác gì tư hữu hóa thiên hạ? Chính ông phải tự mình đứng ra trị thiên hạ mới xong. Thế nhưng, với MaedaToshi’ie và Ishida Mitsunari, thì đây chẳng qua là cái dã tâm muốn chiếm đoạt thiên hạ của họ Toyotomi mà thôi. Xem sự kiện sau này, quả nhiên Ieyasu đã coi thiên hạ như của riêng của mình, thì đủ thấy cái suy nghĩ của hai người này là chí lý.

Ieyasu quả có ý muốn chiếm đoạt thiên hạ. Muốn làm được như vậy, ông đã từng bước phá bỏ những "di mệnh" của Hideyoshi đi. Một trong những di mệnh đó là, các lãnh chúa không được kết bè kết đảng với nhau. Kết bè kết đảng thì thế nào cũng sinh loạn. Vì thế, ông cấm không cho các lãnh chúa kết duyên thân thích với nhau. Ieyasu biết rõ di mệnh như vậy nhưng ông vẫn hứa hẹn gả con gái nuôi cho Date Masamune và Fukushima Masanori. Ông còn đem lãnh địa 2 triệu 200 ngàn hộc của họ Toyotomi cắt ra ban thưởng cho các tướng có công trong trận xâm lược Triều Tiên.

Ishida Mitsunari đã phản đối mãnh liệt việc này. Ông đã tố cáo với Maeda Toshi’ie việc Ieyasu làm bậy. Toshi’ie nghe chuyện cũng phẫn nộ, nên đã bằng lòng vào phe đồng minh ngăn chặn Ieyasu. Sự kiện này xẩy ra khoảng nửa năm sau khi chúa Hideyoshi mất.

Nhờ có sự kêu gọi của người chủ xướng có thực lực, nên hai quan Ðại lão là Ukita Hide’ie và Uesugi Kagekatsu cũng phụ họa theo. Còn một quan Ðại lão nữa là Mori Terumoto, thì hãy còn dè dặt nhìn trái nhìn phải, nhưng "nếu cả ba ông đã nhất trí rồi, thì mỗ cũng tuân theo." Sứ giả của bốn người này đã mang thư kháng nghị do Ishida Mitsunari và Masuda Nagamori thảo ra, từ thành Ozaka tới dinh thự của Ieyasu ở dưới thành Fushimi.

Các lãnh chúa đang tập trung ở thành Fushimi đều hết sức kinh ngạc, rồi ồn ào bàn tán là hẳn sắp diễn ra một trận đánh giữa phe Tokugawa và phe phản Tokugawa. Ông nào ông ấy lập tức điều động quân của mình. Có nhiều người đã vội vàng đã gọi thêm 300, 500 quân từ lãnh địa tới. Ieyasu cũng tức khắc gọi vài ngàn quân từ thành Edo tới.

Trong tình huống này, thế nào cũng có người đứng ra dàn xếp, nói rằng "Nếu đánh nhau lúc này ở Fushimi thì nguy lắm." Thời đó, các lãnh chúa đều hoặc ở Ozaka, hoặc ở Fushimi nhưng binh lính thì chỉ có ít. Nếu đánh nhau ở những nơi này, thì sẽ là một trận chém giết lẫn nhau giữa các cấp tư lệnh, và như vậy sự thiệt hại về người của hàng võ sĩ cao cấp sẽ rất lớn.

Cãi nhau một hồi thì cuối cùng đi đến sự thỏa hiệp là Ieyasu phải viết thư tạ lỗi. Như thế là xong. Cho đến đây, Mitsunari cùng các lãnh chúa khác trung thành với dòng họ Toyotomi, đều coi là mưu toan của họ đã thành công bởi lẽ họ đã ngăn chặn được Tokugawa Ieyasu.

Nếu tình trạng này kéo dài thêm mười năm nữa, và nếu họ Toyotomi giữ được địa vị trên thế quân bình, chờ cho Hideyori trưởng thành, thì cơ nghiệp của họ Toyotomi có thể duy trì được. Nhưng, bất hạnh thay là Maeda Toshi’ie, điểm nương tựa của Hideyori, đã bị bệnh chết vào tháng ba nhuận năm sau. Ông này bị bệnh suy nhược thân thể, ngay từ lúc sự thỏa hiệp giữa ông và Ieyasu thành lập, thì mặt ông đã hiện ra tử tướng rồi. Có lẽ ông bị ung thư dạ dầy, và chẳng cần phải là thày thuốc ai cũng nhìn thấy cái vẻ suy nhược của ông. Ðương nhiên là Ieyasu và các lãnh chúa khác đều đã đoán trước được cái chết này của Toshi’ie.

Con trai Toshi’ie là Toshinaga lên nối nghiệp cha, song ông này thì chưa hề có uy quyền của một vị quan Ðại lão. Vi thế, cái tổ chức năm bậc Ðại lão đã không thể phát huy được chức năng của mình nữa.

Ieyasu thấy thời cơ đã tới, thừa lúc Mitsunari tới phúng họ Maeda nhân cái chết của Toshi’ie, sai bọn Kato Kiyomasa, Kuroda Nagamasa, gồm bảy lãnh chúa ít tuổi, chặn đánh Mitsunari trên đường về. Mitsunari cũng có nhiều người ủng hộ. Nhờ thế, bọn Konishi Yukinaga, Ukita Hide’ie, Satake Yoshinobu đã cho quân hộ vệ Mitsunari. Nhưng bọn bảy lãnh chúa ít tuổi, e ngại việc giao chiến ngay trong thành phố nên đã đòi phải trao Mitsunari cho họ. Ieyasu nghĩ rằng, nếu thiên hạ loạn lạc, thì phe Tokugawa sẽ nắm được thiên hạ nhờ thế ưu việt hơn về vũ lực.

Kasumi
10-02-2007, 12:23 PM
Không ai dè Mitsunari trong lúc quẫn trí lại đã chạy ngay vào dinh của Ieyasu ở thành Fushimi. Ðến thế thì Ieyasu không thể nào giết được nữa. Cực chẳng đã, Ieyasu bảo: "Thôi, ngươi hãy nghỉ hưu, về lãnh địa của mình là thành Sawayama mà ở ẩn." Rồi cho quân hộ tống Mitsunari về thành Sawayama. Kẻ chướng tai gai mắt như vậy đã loại xong, lần này thì Ieyasu được lợi thế tuyệt đối. Ông bèn thực hiện tất cả những cuộc hôn nhân mà trước đây ông đã phải xin lỗi rồi hủy đi.

Phương pháp làm kế hoạch của Mitsunari

Thường ra, câu chuyện đến đây là chấm hết. Maeda Toshi’ie, người đáng tin cậy đã mất, trong khi đó thì kẻ đáng ghét Ieyasu nay đã nghiễm nhiên làm chủ thiên hạ. Bản thân mình thì bị đổi về địa phương xa và giáng cấp. Ieyasu được tha hồ chuyên quyền về nhân sự. Ôi, hận thay, hận thay. Kết thúc như vậy là chuyện thường tình.

Song, đàng này, Ishida Mitsunari lại không chịu như vậy. Từ đây trở đi mới chính là lúc Mitsunari thực sự khởi đầu cuộc vận động vĩ đại của mình.

Người có thực lực có thể nhờ cậy được thì không có ai. Bản thân mình thì nghỉ hưu. Quanh mình là bọn ám sát được thiên hạ công nhận[8]. Kẻ kình địch thì quá lớn. Trong hoàn cảnh khó khăn này, làm sao đưa thiên hạ vào một trận thư hùng để đập tan mưu đồ của Ieyasu được?

Nghĩ nát óc, Ishida Mitsunari đã tìm ra một mưu kế, một cái "bả" để chiêu dụ, gồm có ba yếu tố. Trước nhất là "hãy vì họ Toyotomi," để hô hào các lãnh chúa trước kia đã tôn thờ chúa Hideyoshi. Ðây là dương cao ngọn cờ đại nghĩa mà không ai có thể phản đối được. Cụ thể là nói: "Ông hẳn có lòng trung nghĩa với chúa Hideyoshi. Vậy, ủng hộ cậu Hideyori để sau này đưa cậu lên làm chủ, ngăn cản mưu đồ của Tokugawa Ieyasu, là đúng."

Thời đó là loạn chiến quốc, nên dĩ nhiên không có lãnh chúa nào chịu hành động cho chính nghĩa như vậy. Ông nào cũng chỉ hành động vì sự an toàn và lợi ích của cá nhân.

Nói chung, cái động cơ hành động của con người ta chỉ có ba loại: một là lòng yêu thương thuần túy, hai là danh lợi ti tiện, và ba là sự khiếp sợ bắt nguồn từ bản thân yếu đuối.

Nói là hành động vì "lòng yêu thương," thì có vẻ như chuyện lý tưởng. Nhưng, quả thật con người ta thực sự có hành động bởi tín ngưỡng tôn giáo, bởi niềm tin chính trị, bởi tình yêu thương, bởi tình yêu quê hương xứ sở, nghĩa là những tình yêu thuần túy. Ở con người quả có một bộ phận khiến người ta hành động vì thiện tính như vậy.

Gần đây, có không ít bài viết trên báo chí, cho rằng con người ta không hành động vì tình yêu hay ý thích. Chẳng hạn, báo chí thường viết rằng, khi người ta ủng hộ tiền bạc cho chính trị gia, thì người ta trông chờ được bù lại bằng lợi ích, bằng quyền lợi thiết thực. Nhưng thực tế cho thấy, phần đông những người ủng hộ tiền bạc như vậy, là do họ quý mến chính trị gia đó. Cũng tựa hồ như những người hâm mộ của đội bóng chày "Người Khổng Lồ," hay những người ủng hộ đô vật sumo Ðại Vô địch Takanohana[9], không hề trông chờ được một lợi ích gì, mà chỉ ủng hộ, bởi vì họ thích như vậy. Thế thôi. Ðây là bản tính của con người. Danh chính ngôn thuận, chính nghĩa, đại nghĩa, nói rộng ra chẳng qua là thuộc phạm trù "yêu thương."

Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thôi, thì không thể động viên được nhiều người. Vì thế, mới có sự dụ dỗ người ta bằng yếu tố thứ hai, tức là bằng "danh lợi." Nghĩa là hứa cho địa vị, cho quyền lực, cho tiền bạc, cho quyền lợi, bởi phần đông người ta hành động vì bả danh lợi như vậy. Cái chỗ đê tiện này cũng lại là một phần của bản tính con người ta. Vì vậy, trong bầu cử, cũng như trong tôn giáo, thế nào cũng có cái phần dụ dỗ vì danh lợi này.

Yếu tố thứ ba, "khiếp sợ," tức là đe dọa "nếu không nghe, sẽ đánh," hoặc "sẽ bắt giam," và cuối cùng "sẽ giết." Ngay như người hành động vì "yêu thương" cũng không muốn bị giết. Vì thế, nếu nghe thấy nói "sẽ giết," người ta sẽ van lạy "xin nghe theo," "xin tha mạng cho." Ðó là thường tình. Ðó là cái nhược điểm của người ta. Bị đe dọa là "sẽ giết," mà vẫn vì chính nghĩa, vì tình yêu hoặc niềm tin mà vẫn hi sinh, thì đó mới quả là người can đảm, người đáng phục.

Trong ba yếu tố chiêu dụ trên, nếu hỏi cái nào mạnh nhất, thì, đáng tiếc thay, "khiếp sợ" là số một, sau đó mới tới "danh lợi" và sau rốt mới là "tình yêu."

Tôn giáo thuyết giảng tình thương yêu của Thần, chiêu dụ người ta quay về với chính nghĩa và chân lý của Thần. Thế nhưng, nếu muốn có thêm tín đồ, muốn có sự gắn bó mật thiết hơn nữa của tín đồ, thì tôn giáo bắt đầu dùng tới cái mồi lợi lộc. Nghĩa là dùng tới những mồi ngon như "Nếu thờ Thần này, thì sẽ buôn bán phát tài, gia đình được an ổn," để dụ dỗ thêm tín đồ. Nếu vẫn chưa thấy tín đồ tăng thêm, thì lần này tôn giáo dùng đến biện pháp làm khiếp sợ, như ám thị rằng "Nếu không thờ Thần này, thì chết sẽ phải xuống âm phủ, sẽ bị vua Diêm Vương lấy kìm rút mất lưỡi," chẳng hạn. Con người ta khi còn sống thì không thể nào biết được thân mình sẽ ra sao sau cái chết. Vì thế, cái sợ hãi, cái khiếp đảm của người ta, là duy tâm, là có tính cách quan niệm. Nếu như đe dọa thế mà vẫn chưa đủ, thì dùng đến tòa án tôn giáo giết quách đi. Những chuyện như đốt chết những mụ phù thủy giữa chợ (thời Trung cổ bên châu Âu), tàn sát người khác đạo, có phải là hiếm đâu. Tôn giáo mà kết hợp với uy quyền, dùng mồi lợi lộc, dùng sự đe dọa, thì phải nói là một sự sa đọa, không hơn không kém.

Trong hiện thực của giới chính trị, thì bởi vì chính trị vốn không có cái hào nháng, cái quyến rũ có tính cách duy tâm, có tính cách quan niệm, như tôn giáo, nên thủ đoạn của chính trị chủ yếu là dụ dỗ bằng danh lợi và đe dọa.

Bởi thế, dù đem chính nghĩa, đại nghĩa ra thuyết dụ, cũng chẳng bao giờ lay chuyển được võ tướng samurai thời chiến quốc cả. Ấy thế nhưng, cái kỳ cục của con người ta là, chính mình thì không tin vào chính nghĩa, đại nghĩa, song người ta lại cho rằng, hẳn phải có nhiều người bị lay chuyển bởi chính nghĩa, đại nghĩa, nghĩa là, người ta cho rằng phía có chính nghĩa hẳn sẽ được nhiều người về hùa, tụ tập lại. Nói cách khác, đó là sự quá tin người. Ishida Mitsunari trước nhất đã biết lợi dụng cái điểm tâm lý này.

Nói "Hãy vì họ Toyotomi," hoặc "Hãy đền đáp lại ân nghĩa của chúa Hideyoshi," là dương ngọn cờ đại nghĩa, là khiến người ta phải đánh giá quá mức cái thực lực của phái phản Tokugawa vậy.

Thế nhưng, chẳng phải chỉ có vậy đã đủ để lôi cuốn được đông đảo người ta đâu, bởi vì các võ sĩ samurai thời Chiến quốc đâu có dễ dụ như vậy. Vì thế, thứ đến cần phải có hoạt động tuyên truyền quảng cáo nữa.

Nói đến tuyên truyền quảng cáo, thì bất luận thời đại nào, hoạt động này cũng tốn tiền tốn sức lắm. Với bổng lộc vẻn vẹn chỉ có 194 ngàn hộc, Mitsunari chẳng có nhiều tiền và người để dùng. Nếu còn làm quan Chấp chính của thiên hạ, thì Mitsunari cũng có thể tiêu dùng được phần nào cái kho tiền của thành Ozaka, nhưng nay thì ông đã bị bắt nghỉ hưu về ở ẩn ở nơi quê nhà rồi, thì việc đó không làm được nữa. Vậy, ông phải đi tìm một nguồn tài trợ.

Phải là người rất trung nghĩa đối với chúa Hideyoshi, phải là người chất phác trung thực, mới chịu làm nguồn tài trợ như vậy. Nếu vậy, chỉ có Ukita Hide’ie. Người tốt, tiếng tăm tốt, và với gia tài 570 ngàn hộc của xứ Bizen Mimasaka, ông cũng lại có tài lực đáng kể nữa.

Mitsunari đã nương tựa vào họ Ukita, đã bòn rút được khá nhiều tiền và mượn được khá nhiều tay chân của Hide’ie. Ông đã vận động đây đó, dụ dỗ người ta bằng chiêu bài hãy vì họ Toyotomi, hãy giúp ấu chúa Hideyori. Trong cuộc vận động này, ông đã tiêu xài khá tốn kém, mua chuộc cũng nhiều.

Các võ tướng samurai thì bàn tán rằng "Xem ra chẳng phải chỉ có một mình Mitsunari," "Thằng cha ấy làm gì có tiền mà tiêu xài như vậy," "Nó hẳn phải có người tài trợ." Nghĩa là một tin đồn đã lan ra rằng "Kế hoạch Ishida Mitsunari hẳn phải được nhiều nhóm, nhiều doanh gia yểm trợ, ủng hộ." Ðó chính là bầu không khí, kiểu suy nghĩ, cái tâm trạng quần chúng mà Mitsunari mong đợi vậy. Ông lợi dụng tình thế này, đã bòn rút được khá nhiều tiền bạc của những thương gia hai mang ở Sakai và kinh đô.

Mitsunari còn nghĩ ra một phương pháp kỳ diệu nữa. Bởi vì nếu chỉ có chính nghĩa và bầu không khí không thôi, thì không có hiệu quả mấy. Ông cần có yếu tố thứ ba nữa: đó là mạng lưới nhân sự, nguồn nhân tài. Thế nhưng, ở địa vị quan Chấp chính hàng thứ tư, nếu ông có trực tiếp kêu gọi những nhân vật ở hàng Ðại lão, thì cũng chẳng có hiệu quả gì. Ngày còn mồ ma Maeda Toshi’ie, ông này chỉ cần nói lên một lời là được việc. Nhưng nay làm gì có vị lãnh chúa nào, có thực lực, dám đứng ra phất cờ tiên phong. Ông bèn khởi sự lập mạng lưới nhân sự không gồm lãnh chúa, mà gồm Gia lão, tức là gia thần cột trụ của lãnh chúa, những người thực sự làm việc dưới trướng của lãnh chúa.

Chẳng hạn, khi cần tiếp cận Ukita Hide’ie, thì ông không trực tiếp liên hệ với Hide’ie, mà đã thuyết phục gia thần có thực lực của Hide’ie, là Akashi Sobe Teruzumi. Tương tự, với họ Uesugi thì không phải với chủ nhân, mà với người thuộc hạ có thực lực của chủ nhân, tức là Naoe Yamashiro no Kami Kanetsugu, mà ông đã nối tay. Với họ Mori, thì ông bắt liên lạc với cố vấn ngoại giao, là Ekei (Huệ Khuê), nhà sư trụ trì chùa Ankokuji (An Quốc Tự). Nghĩa là với những dòng lãnh chúa lớn, ông đã bắt tay được với hàng gia thần hoặc ở địa vị trọng trách hoặc tương đương như vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:23 PM
Mitsunari tuy chỉ là một quan Chấp chính bậc thấp nhưng lại là gia thần trực thuộc chúa Hideyoshi, nay nếu trực tiếp thuyết phục Hide’ie, thì lời thuyết phục đó sẽ là lời "van xin," và như vậy nếu có sự phản đối trong hàng gia thần của Hide’ie, thì bị "bẽ mặt." Vì thế, ông đã thuyết dụ nhân vật thứ hai, Akashi Sobe, rồi khiến ông này vận động nội bộ trong họ Ukita. Ðến với họ Uesugi, thì ông nói "Ngài Ukita Hide’ie đã đồng ý rồi" để thuyết phục Naoe Yamashiro no Kami. Rồi tới họ Mori thì ông thuyết phục nhà sư Huệ Khuê. Nói cách khác, ông hoạt động với hàng quan liêu (công chức) trung gian, lập ra mạng lưới nhân sự của những người thực sự làm việc. Cách làm của ông đã có hiệu quả, khiến đã làm lan rộng ra một bầu không khí phản Tokugawa giữa các lãnh chúa. Họ liên lạc với nhau, hỏi han nhau và thậm chí trở thành mạnh dạn, liều lĩnh.

Trước hết là họ Uesugi đã khởi sự hành động. Ðương chủ của họ Uesugi, Kagekatsu, chỉ là con nuôi của đời trước, Kenshin, nhưng được thừa kế. Vì thế, muốn cho bọn gia thần tâm phục mình, ông cần phải đóng vai trò giống hệt như cha nuôi.

Ông nói: "Dưỡng phụ Kenshin là người trọng nghĩa, được người đời gọi là nghĩa tướng. Mỗ nay cũng phải như vậy, mới gây được sự đoàn kết trong hàng gia thần. Việc này, không kể thành bại, mỗ phải lên tiếng trách cái sai lầm của Ngài Tokugawa, mới được." Niên hiệu Chokei năm thừ năm (1600), mùa Xuân, ông đã trở về Aizu Wakamatsu chuẩn bị chiến tranh. Mitsunari bèn liên lạc với Nao’e Yamashiro no Kami, gia thần của lãnh chúa Uesugi, bảo cho ông này biết là chủ của ông ta đã quyết tâm hỏi tội Tokugawa Ieyasu. Lúc ấy, Ieyasu tự coi như đã được thiên hạ rồi, bèn thống suất bọn lãnh chúa dưới trướng - thật ra đó chỉ là đám gia thần cũ của chúa Hideyoshi, nay theo Ieyasu - kéo quân đi chinh phạt họ Uesugi.

Trong khi đó, Mitsunari đã bàn với quan Chấp chính Hình bộ Thiếu phó đã nghỉ hưu, Otani Yoshitsugu, cùng thông đồng với nhà sư Huệ Khuê để lung lạc lãnh chúa Mori Terumoto, nổi tiếng là người ở ẩn thận trọng. Họ hứa sẽ tôn ông lên làm tổng tư lệnh để mời ông ra. Nếu trận đánh thắng lợi, thì họ sẽ để ông làm đại diện cho ấu chúa Toyotomi Hideyori, nắm quyền cai trị thiên hạ. Nghĩa là họ đã dùng mồi ngon nhử Mori. Nói xấu, thì đó là mánh lới lừa bịp, cái bẫy của Mitsunari vậy.

Dùng Mori Terumoto làm tổng chỉ huy để chống lại Tokugawa Ieyasu

Tóm lại, thứ nhất là dương cờ chính nghĩa, thứ hai là khéo che đậy bằng người tài trợ, thứ ba là dùng mạng lưới những thành phần thực quyền để lung lạc các lãnh chúa lớn. Rồi thứ tư là kiếm một nhân vật tượng trưng để đôn lên làm tổng tư lệnh. Nghĩa là ở bên trên Ukita Hide’ie, tức là người tài trợ cho kế hoạch, còn có một nhân vật tượng trưng, một cái bung xung nữa. Ðó là tổng tư lệnh Mori Terumoto.

Cái cấu trúc trên thật là tuyệt diệu. Nghĩa là, tuy Mitsunari chú ý cả tới những điểm tỉ mỉ, song thực tế là ông đã xây dựng một cấu trúc gồm hư cấu nọ che phủ hư cấu kia. Chính nghĩa, đại nghĩa là một hư cấu. Ðưa Mori Terumoto ra làm tổng tư lệnh, chỉ là mượn danh nghĩa, cũng là một hư cấu nữa.

Tuy nhiên, cái tình hình nội bộ như vậy, đã không được loan truyền chính xác ra ngoài. Với điện thoại và truyền hình được phổ cập như ngày nay, thì hẳn cái trò bịp bợm trên còn được thổi phồng lên thành một hư cấu vĩ đại hơn nhiều.

Vì vậy, phần lớn các lãnh chúa đều không nắm được thông tin chính xác. Với họ, họ chỉ thấy rằng hai bậc Ðại lão là Ukita và Uesugi đã bắt tay nhau rồi, và cái ông thận trọng Mori cũng đã về hùa rồi. Thế rồi một tin đồn được loan truyền mau lẹ, là "Xem chừng phen này chắc ăn cờ rồi. Nếu không vậy thì đời nào một người thận trọng như Mori lại chịu về hùa." Dĩ nhiên là Mitsunari đã nhúng tay vào việc loan truyền tin đồn này.

"Ngài Mori chịu đứng ra làm tổng tư lệnh, thì hẳn phải có triển vọng thắng cả trăm phần trăm. Nói về bề rộng của lãnh thổ, thì tuy Tokugawa Ieyasu có tới 2 triệu 540 ngàn hộc thật, song cả Uesugi, Ukita và Mori cộng lại thì lớn hơn. Chưa kể, lấy thành Ozaka làm căn bản để tôn ấu chúa Hideyori lên, thì chính nghĩa đã minh bạch lắm. Như thế này thì ăn đứt rồi." Ấy, câu chuyện như vậy đã được truyền miệng rộng ra.

Vì thế, các võ tướng samura trấn giữ các lãnh địa xa, không có đủ thông tin, bèn lần lượt từ khắp nơi kéo quân tới thành Ozaka.

Chẳng hạn, lãnh chúa bảy quận phía đông xứ Hizen là Nabeshima Naoshige, một người đa mưu túc trí, vốn chẳng có ân nghĩa gì với họ Toyotomi cả, song đã kéo đại quân tám ngàn người tới thành Ozaka. Con trai của Chosokabe Motochika, là Morichika, lãnh chúa đất Tosa, cũng là người chẳng phải đã được Hideyoshi đãi ngộ gì. Ngược lại, trong lúc ông đang tự sức mình toan thôn tính cả đảo Shikoku thì bị Hideyoshi can thiệp vào, khiến phải thu mình lại trong mảnh đất Tosa nhỏ hẹp. Thế mà nghe nói chính nghĩa có lẽ thắng, đã kéo quân tới thành Ozaka. Chẳng bao lâu, thành Ozaka đã có quân tới đóng chật ních.

Tokugawa Ieyasu cũng phải giật mình té ngửa ra. Thoạt kỳ thủy, ông cho rằng chỉ có một thiểu số như bọn Otani Yoshitsugu, bạn thân của Ishida Mitsunari, tỏ ý bất mãn. Ông chỉ vung tay áo giáp là quét sạch. Nhưng dè đâu, đến lúc chợt tỉnh ra, thì một lực lượng lớn hơn cả lực lượng dưới trướng mình, đã tụ tập tại thành Ozaka rồi.

Cho đến đây, thì chiến lược, kế hoạch của Mitsurari đã thành công lớn. Mưu lược của Ishida Mitsunari trong chiến dịch chia đôi thiên hạ, đã tiến hành vô cùng thuận lợi. Trong lịch sử Nhật Bản cho đến lúc ấy, chưa hề có danh tác nào như vậy. Cách làm của Mitsunari đã để lại ảnh hưởng vô cùng lớn lao cho tới ngày nay đối với phương pháp dự thảo kế hoạch, dự án. Ðó là nguyên mẫu cho loại hình kế hoạch gọi là "hạ ý thượng đạt[10]" kiểu Nhật Bản vậy.

Nhưng tiếc thay, vở kịch dựa trên danh tác như vậy, đã được trình diễn một cách vụng về. Tới lúc sắp diễn ra trận thư hùng ở Sekigahara, tức là lúc vở kịch sắp được trình diễn trên sân khấu, thì hết trục trặc nọ tới thất bại kia nối đuôi nhau xuất hiện một cách bất ngờ.

Kịch hay, diễn dở

Bị Ishida Mitsunari kích động, binh lực tụ tập tại Ozaka đã lên tới 160 ngàn người. Ðể đối lại, binh lực của Tokugawa chỉ là non 80 ngàn người. Trên số lượng thì như vậy phe Tây có ưu thế tuyệt đối.

Tuy nhiên, các tướng vốn thiếu thông tin khi tụ tập tại thành Ozaka thì thấy thông tin lan tràn. Họ được những thông tin này mới lần lần nhìn ra sự thực.

"Quý huynh tại sao tới thành Ozaka này như vậy?"

"Thú thật ngu đệ cũng không hiểu tại sao. Thấy chư huynh kéo quân đến, nên ngu đệ cũng đến."

"Vậy huynh định giao chiến với Tokugawa chăng?"

"Không đánh thì tốt hơn. Ðánh thì mệt lắm. Cái gì chứ ngài Tokugawa quả là địch thủ đáng sợ."

Toàn những cuộc đối thoại mù mờ kiểu này mà thôi. Những tướng thực sự muốn đánh thì ít. Chưa kể họ cũng chẳng biết ai là tổng chỉ huy, ai là minh chủ, kế sách ra sao và sự phân công là như thế nào. Ngay cả Mori Terumoto, người đã kéo quân vào thành Ozaka với tư cách tổng chỉ huy, cũng không có chiến lược gì và thái độ thì lừng chừng. Vì thế, các tướng ai cũng giữ thái độ chờ xem ai là người ra tay trước.

Nếu là kế hoạch thời nay, thì chỉ cần chút ít tiền là người ta bắt tay vào việc ngay trong bầu không khí "làm đi! làm đi!." Chứ thời đó, nếu thất bại là ba họ bị chu di. Hơn nữa, ủng hộ cả hai bên, hoặc đứng trung lập cũng bị coi là kẻ địch. Nghĩa là, dù có nói: "Tôi không về phe với Tokugawa hoặc Toyotomi. Tôi ngồi im re ở đây. Xin bỏ qua cho tôi," cũng không được. Cũng có người đã giữ trung lập, nhưng sau đó đã bị phe thắng (Tokugawa) giết đi, hoặc bị tước mất lãnh địa. Tóm lại, đó là thời đại ai nấy đều phải đứng hẳn về một phe, phải nghiêm chỉnh chọn lấy một bên mà về hùa.

Vì thế, các tướng dần dần đâm ra lo ngại, "liệu như thế này có xong không?" Họ bắt đầu hoài nghi rằng: "Không chừng bọn ta đã bị Ishida Mitsunari chơi một vố rồi!" Quả thật, Mitsunari vốn đã bị cho về vườn ở thành Sawayama. Bản thân ông chỉ có gia tài 194 ngàn hộc, nghĩa là chỉ có thể thống lãnh được sáu ngàn quân. Như vậy, ông làm sao thắng được binh lực 2 triệu 540 ngàn hộc của Tokugawa? Mitsunara nén lòng giữ im lặng, song mọi người chẳng ai chịu động binh cả.

Ðến lúc sắp đánh trận Sekigahara thì các tướng đều chân trong chân ngoài, ai cũng thấy cần phải bắt tay với ai đó ở phe Tokugawa. Thậm chí, đến như Mori Terumoto, đóng vai tổng đại tướng, mà còn sai Yoshikawa Hiro’ie bắt tay hữu nghị với Tokugawa, thì còn gì tệ bằng?

Kasumi
10-02-2007, 12:24 PM
Nguyên nhân cái thất bại của Ishida Mitsunari chính là cái mỹ học, cái ý thức đẹp của ông. Ông muốn đường đường chính chính tỉ thí trên võ đài. Chứ nếu chỉ là với mục đích đả đảo Tokugawa, thì đúng ra ông nên đánh du kích. Lúc ấy, Uesugi Kagekatsu đã về chuẩn bị chiến tranh ở đất Aizu, và Tokugawa đã thống suất hơn một trăm lãnh chúa đem quân đội chinh phạt rồi. Vậy nếu Mitsunari đừng nghĩ đến đánh một trận thư hùng kiểu Sekigahara, mà quay ra triển khai đánh du kích, làm rối loạn toàn quốc lên, thì có lẽ làm cho Tokugawa lo sợ hơn. Thế nhưng, với tư cách quan Chấp chính của thiên hạ, ông muốn chính danh kế thừa nền chính trị chính thống của chúa Toyotomi, thì làm sao có thể đánh du kích, tức là đánh lén được. Ðó là cái mỹ học, cái ý thức đẹp của Mitsunari vậy. Mitsunari đã làm một sai lầm, là đã coi hình thức trọng hơn hiệu quả. Ðúng là cái khí tiết văn trị[11] của hàng quan liêu[12], chứ không phải là cái bản lĩnh đánh bạc của ông chủ kinh doanh, của con buôn.

Nếu Ishida Mitsunari áp dụng chiến thuật du kích và chiến thuật cố thủ thành trì, thì chắc hẳn Tokugawa Ieyasu cũng phải ngán. Song, như thế thì Mitsunari cũng chẳng thể thắng được. Rốt cục, lại chỉ làm trở lại thời kỳ chiến quốc mà thôi. Rồi, biết đâu chẳng có nhân vật thứ ba xuất hiện?

Một lý do nữa cho sự thất bại của Mitsunari, là địa vị của ông dở dang, lửng lơ quá. Muốn làm chuyện xoay vần trời đất, mà chỉ đứng hàng thứ tư trong năm chức quan Chấp chính, tức là cũng tựa hồ như một chức quản trị viên trơn của một đại công ty, thì quả là địa vị thấp kém quá. Mà nếu dấu mình đi, chỉ hoạt động nơi hậu trường, thì ngược lại, lại quá l liễu. Nghĩa là sẽ bị người ta nghĩ rằng "Mitsunari có tham vọng."

Với 194 ngàn hộc mà muốn làm sự nghiệp lớn, thì thiếu tiền, thiếu người. Vì thế, ông đã viết ra cốt truyện, song không tự mình đứng làm trung tâm của vở kịch được. Cái mưu toan sơ khởi của ông là chỉ viết cốt truyện, rồi để cho Ukita Hide’ie và Mori Terumoto nắm phần diễn xuất và trình bày. Vì thế, lúc đầu ông đã ở lại đất Omi mà không bước chân tới thành Ozaka nghĩa là ông đã biết tự kiềm chế mình vậy.

Thế nhưng, Mori Terumoto đóng vai chính lại ngồi lì ở thành Ozaka không chịu nhúc nhích. Vì thế, Ukita Hide’ie mới phải khởi sự trước, bằng cách nhân lúc Tokugawa đi vắng, kéo quân đội đánh úp thành Fushimi. Ðại quân vây xong thành Fushimi nhưng không tướng nào chịu ra tay cả. Súng đại bác thì có bắn, song không có ai xung phong đột kích cả. Nghĩa là không ai muốn bị mang tiếng là kẻ đã xông xáo trước nhất, nếu vạn nhất bị thua. Ba quân chỉ reo hò ầm ĩ, song không có ai tiến đánh cả.

Chịu không nổi, Mitsunari mới kéo quân bản bộ từ thành Sawayama tiến ra. Có vài võ tướng khí thế đã đánh được thành, song sau đó làm gì, đi đâu, thì không thấy quyết gì cả. Nghĩa là về hình thức thì tướng tổng tư lệnh là Mori Terumoto, song tướng chỉ huy chiến trường lại là Ukita Hide’ie, và tướng tham mưu bày mưu đặt kế lại là Ishida Mitsunari, tức là toàn thể tổ chức là một cấu trúc ba tầng.

Rốt cục, quân phe Tây đã chia làm ba đường. Ukita Hide’ie kéo quân chủ lực đánh từ Ise lên Owari. Ðạo quân thứ hai do Ishida Mitsunari làm tư lệnh, đánh và hạ xong thành Otsu ở Shiga, rồi kéo quân ra Sekigahara ở Gifu. Ðạo thứ ba do Otani Yoshitsugu làm tư lệnh, đi đường Hokuriku. Vậy mà chẳng tiến được bao nhiêu. Chẳng bao lâu, Ieyasu đã thống suất đại quân Ðông chinh trở về, trước nhất đánh úp lấy thành Gifu của cháu nội chúa Nobunaga.

Thế là bị Tokugawa chọn mất chiến trường dự định rồi. Ông quả là sáng suốt, đã không lầm lẫn trong việc chĩa ngay mũi dùi vào trung quân của Ishida Mitsunari. Bị quân chủ lực của Ieyasu nhằm đánh, Ishida Mitsunara bèn vội vàng truyền hịch gọi cánh quân của Ukita Hide’ie lúc ấy đang tiến về Ise, quay đầu trở lại. Song, phó tướng là Nabeshima Naoshige, lấy cớ là binh sĩ đã mệt và không đủ lương thực, nên không chịu nhúc nhích. Tướng thống lĩnh cánh quân tiến theo đường Hokuriku là Otani Yoshitsugu thì đã kịp thời quay đầu trở lại, song các bộ tướng thì vịn vào lý do này lý do khác không chịu trở về. Một võ tướng 50 ngàn hộc, thân lại bệnh tật, nên ông không đủ sức cưỡng bách chư tướng nghe theo ý mình.

Dần dà, tình trạng không thống nhất trong nội bộ phe Tây đã lộ ra, khiến các tướng trở nên hoang mang, và bắt đầu thương lượng với phe địch, rằng "Mỗ đã tham gia chiến dịch mà thật ra không hiểu mô tê gì cả. Bản thân mỗ không có ý định chống đối lại phe Tokugawa." Những thư tín tương tự còn lưu lại tới ngày nay rất nhiều.

Tất nhiên, hẳn cũng đã có những vụ thương lượng tương tự trái ngược lại. Hẳn cũng đã có những thư tín của các tướng dưới trướng Tokugawa rằng "Mỗ tuy theo Tokugawa, song không phải vì thế mà đã quên ân nghĩa của họ Toyotomi." Tiếc rằng, những thư tín này đã bị vội vàng đốt đi, nên ngày nay không phát hiện ra được.

Trong trận Sekigahara tuy phe Tây đã có thế ưu việt áp đảo, song bọn Obayakawa, Ogawa thì làm phản, tổng tư lệnh Mori Terumoto thì ngồi lì trong thành Ozaka không chịu nhúc nhích, anh em Yoshikawa Hiro’ie ra trận thay thế lại quyết chỉ đứng bàng quan.

Thế là, cái mưu đồ của Ishida Mitsunari đã kết thúc kiểu "kịch hay, diễn dở." Kế hoạch khổng lồ Sekigawara có chủ tướng (Mori Terumoto) và tham mưu (Ishida Mitsunari) khác nhau. Chủ tướng thì vừa không có nhiệt tình vừa không có tài quyết đoán. Tham mưu thì tiền và tay chân không có đủ. Vì thế nên kế hoạch đã kết liễu kiểu "kịch hay, diễn dở" vậy. Tuy nhiên, cách sắp xếp, chuẩn bị kế hoạch thì tuyệt diệu, nên đã để lại trong lịch sử hậu thế một ảnh hưởng lớn lao.

Việc thực hiện cuộc Duy Tân thời Minh Trị, việc xây dựng "nước Mãn Châu," việc kiến thiết tuyến đường sắt Siêu Cao Tốc Shinkansen, rồi việc tổ chức Hội chợ Thế Giới tại Nhật Bản của chúng tôi, tất cả đều đã dập theo đúng khuôn mẫu của Ishida Mitsunari. Cách thức làm việc của Ishida Mitsunari đã được thuật lại tỉ mỉ trong tiểu thuyết "Mưu đồ vĩ đại," và cho thấy rằng phương pháp làm kế hoạch của Ishida Mitsunari hiện nay cũng vẫn được các xí nghiệp, các doanh nghiệp và các đoàn thể công cộng trên toàn quốc Nhật Bản áp dụng.

Vậy, ai muốn lập ra và xúc tiến một kế hoạch khổng lồ, hãy học hỏi cách làm việc của Ishida Mitsunari, hãy tìm hiểu tại sao Mitsunari thất bại. Ishida Mitsunari đã tự mình viết ra một kế hoạch khổng lồ kiểu Nhật Bản và đã chính mình thực thi kế hoạch đó. Mặt thành công của kế hoạch, cũng như mặt thất bại của kế hoạch, đều đáng cho người ta tham khảo.

Nhật Bản là một quốc gia do hàng công chức bậc trung của nhà nước, hàng nhân viên bậc trung của các xí nghiệp tư nhân, làm cho hoạt động. Nói khác đi, "những ông không lớn" mới thật sự quy hoạch và thực hiện những kế hoạch khổng lồ kiểu Nhật Bản vậy. Với tư cách là người đã sáng chế ra phương pháp làm kế hoạch như vậy, Ishida Mitsunari xứng đáng làm một trong "Mười hai người lập ra nước Nhật" của ngày nay vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:24 PM
Chú thích:

[1] Hội Chợ Thế Giới hoặc Triển lãm Thế giới (International Exposition, thường viết tắt là EXPO) lần đầu tiên mở ở Luân Ðôn năm 1865. Năm 1928, hiệp ước về Hội chợ Thế giới được ký kết ở Paris. Nhật Bản gia nhập hiệp ước năm 1965, và năm 1970 đã đứng ra tổ chứ Hội chợ Thế giới lần đầu tiên ở châu Á, gọi là EXPO’70, Osaka.

[2] Hệ thống đường sắt nhanh nhất thế giới trên đường ray khổ hẹp (1,435 m), thường gọi nôm na là "tuyến đường sắt viên đạn." Năm 1964 tốc độ đạt được đã là hơn 200 km/h. Hiện nay (năm 2003), tốc độ là hơn 300 km/h.

[3] Hai miền này thường được gọi ghép lại là Satcho. Miền Satsuma nay thuộc tỉnh Kagoshima trên đảo Kyushu, còn miền Choshu (cũng gọi là Nagato) nay thuộc tỉnh Yamaguchi trên đảo Honshu.

[4] Hàng mấy chục năm trước khi Nhật Bản bắt tay vào xây dựng tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen này, Kỹ sư trưởng Shima Hideo, lúc đó còn là một kỹ sư trẻ tuổi, đã thầm lặng tính toán vẽ ra kế hoạch tổng thể cho một hệ thống đường sắt mà ông gọi là Ðường Sắt Viên Ðạn (Dangan Tetsudo), rồi tiếp tục thuyết phục cấp trên thực hiện tuyến đường sắt này. Về sau, khi kế hoạch bước vào giai đoạn thực thi, thì chính ông, với tư cách Kỹ sư trưởng của Hệ thống Ðường sắt Quốc doanh Nhật Bản, đã trực tiếp lãnh trách nhiệm về mặt kỹ thuật.

[5] Người đất Omi, làm võ tướng samurai thời Azuchi Momoyama, có tài về mặt kinh tế, tài chính được chúa Toyotomi Hideyoshi tin dùng, phong cho làm lãnh chúa cai quản thành Sawayama, ăn lc 19ếngàn hc. Sau này, sau khi chúa Toyotomi Hideyoshi mất, đã mưu toan lật đổ chúa Tokugawa Ieyasu, song bị thua trận ở Sekigahara (xem lời chú dưới), nên bị xử trảm ở Kyoto. 1560-1600.

[6] Trận đánh quyết định ngày 15/9/1600 giữa hai phe Ðông và Tây ở Nhật Bản thời đó. Phe Ðông do chúa Tokugawa Ieyasu dẫn đầu, phe Tây do lãnh chúa Ishida Mitsunari cầm đầu. Sau trận đánh này, chúa Tokugawa Ieyasu thống nhất được thiên hạ, lập ra mạc phủ ở Edo (Tokyo ngày nay) năm 1603, dựng nên dòng chúa Tokugawa kéo dài 15 đời, 265 năm, cho tới cuộc Duy tân Minh Trị năm 1867.

[7] Vụ biến loạn chùa Honnoji xảy ra năm 1582 (niên hiệu Thiên Chính năm thứ 10). Chúa Oda Nobunaga đem quân đội cứu viện Toyotomi Hideyoshi, lúc đó đang bao vây thành Bichu Takamatsu, nửa đường còn đóng quân ở chùa Honnoji thì bị Akechi Mitsuhide, một bộ tướng đã được Oda Nobunaga cho đi tiên phong, làm phản đem quân từ thành Tanba Kameyama trở lại đánh úp chùa Honnôji, sát hại chúa Nobunaga.

[8] "...bọn ám sát được thiên hạ công nhận," là nói những thích khách chuyên nghiệp võ nghệ cao cường, có công lực khác thường, biết dùng đủ loại ám khí, thường gọi là Ninja. Xưa mỗi lãnh chúa Nhật Bản đều nuôi ở dưới trướng những Ninja như vậy, dùng để dò la tin tức các địch thủ của mình, và khi cần thì sai thủ tiêu địch thủ đi.

[9] Bóng chày môn thể thao thịnh hành nhất và được ưa chuộng nhất tại Nhật Bản. Sumo, môn đánh vật truyền thống, là môn thể thao được trân trọng nhất của Nhật Bản. Ðội bóng chày Người Khổng Lồ là đội bóng chày chuyên nghiệp, đóng căn cứ tại Tokyo, có lịch sử lâu đời nhất đồng thời cũng có thành tích chói lọi nhất Nhật Bản, nổi tiếng có những người hâm mộ cuồng nhiệt. Còn đô vật sumo gọi là Ðại Vô Ðịch là đô vật hàng tối cao, thường được mọi người rất trọng vọng. Ðô vật Takanohana là một Ðại Vô Ðịch trẻ tuổi có thành tích sáng chói nhất trong lịch sử sumo Nhật Bản.

[10] Hạ ý thượng đạt, nghĩa là ý người dưới được đề đạt lên người trên. Nói cách khác, những dự án, kế hoạch khổng lồ kiểu Nhật Bản, chẳng qua là sáng kiến của những người cấp dưới, tức là những người thực sự việc làm, những người biết việc, viết ra, soạn thảo ra. Nhiên hậu, nội dung kế hoạch mới được giải thích để thuyết phục cấp trên, rồi được đưa ra thực thi, như thế là cụ thể hóa cái ý muốn thực hiện kế hoạch đó của những người cấp dưới vậy. Nói chung, những người ăn trên ngồi trốc ở Nhật Bản thường chủ trương an thân, an phận, sao cho thời gian mình ngồi giữ ghế ăn trên ngồi trốc đó được vô sự cho tới lúc mình hết nhiệm vụ. Họ không muốn liều lĩnh, không muốn đánh liều, không muốn thử vận. Vì thế, những người ở cấp dưới, muốn làm nên sự nghiệp lớn lao, dù có sáng kiến, dù có khả năng thực hiện, song vì không có quyền hành, không có quyền quyết định trong tay, nên đã phải dùng tới những thủ đoạn, những phương pháp mà Ishida Mitsunari đã áp dụng vậy.

[11] Trị bằng văn, bằng pháp luật.

[12] Tức là nhà nước chính qui, chính thống.

Kasumi
10-02-2007, 12:28 PM
Tokugawa Ieyasu
Cải cách với "ý chí tăng trưởng"

http://img181.imageshack.us/img181/1118/ieyasusamuraibi4.th.jpg (http://img181.imageshack.us/my.php?image=ieyasusamuraibi4.jpg)

Từ "con tin" trở thành "đại chúa tể"

Nhân vật Tokugawa Ieyasu là một tồn tại quá ư nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản, nên tài liệu ghi chép và giai thoại về ông nhiều vô kể. Song, một mặt vì ông đã được tô son điểm phấn bởi quá nhiều truyền thuyết và thần thoại, nên có một khoảng cách rất xa giữa cái "thực ảnh" và cái "hư ảnh" về ông.

Trước khi xem cái ảnh hưởng có tính cách đương đại của những truyền thuyết và thần thoại về Ieyasu, chúng ta hãy nhắc lại một cách hết sức vắn tắt cuộc đời ông căn cứ vào những sự thực lịch sử.

Ông sinh năm 1542, (niên hiệu Tenbun thứ 11), với ấu danh[1] là Matsudaira Takechiyo và mất năm 1616, (niên hiệu Genna thứ hai), hưởng thọ 75 tuổi. Nếu muốn đổi thành cảm giác tuổi tác của thời đại tuổi thọ 80 như ngày nay, thì người ta phải thêm vào tuổi thời chiến quốc hai phần mười rồi cộng với ba năm nữa. Thí dụ, thời chiến quốc tuổi 15 tương đương với tuổi 21, và tuổi 50 tương đương với tuổi 63. Ðiều đó có nghĩa là, với tuổi 75, Ieyasu đã thọ bằng 93 tuổi của thời nay.

Cha ông là Matsudaira Hirotada, làm tướng giữ thành Mikawa Okazaki trong vùng thuộc quyền cai quản của lãnh chúa Imagawa Yoshimoto. Mẹ ông là bà Odai no Kata. Lúc mất, bà được gọi tên Phật là Dentsu-in. Chùa thờ bà tên là Dentsu-in (Truyền Thông Viện) hiện còn thấy ở Koishikawa thuộc thành phố Tokyo. Cha bà là Tadamasa cũng là một lãnh chúa nhỏ. Như vậy, cha Ieyasu đã lấy người vợ có gia cảnh tương tự như mình.

Tuy nhiên, ông ngoại Ieyasu là Tadamasa đã mất năm 1551. Người anh mẹ Ieyasu là Nobumoto nối nghiệp, nhưng lại thần phục cha của chúa Nobunaga là Nobuhide. Họ Matsudaira thì thuộc phe Imagawa, cho nên hai bên trở thành cừu địch với nhau. Mẹ Ieyasu bị li dị. Lúc ấy Ieyasu mới lên ba tuổi. Từ đó đến năm 19 tuổi, ông không hề được gặp mặt mẹ nữa. Thoạt mới nghe chuyện như vậy thì thấy mủi lòng, song thật ra, cảnh chia lìa như vậy ở thời Chiến quốc không phải là hiếm. Con trai hàng trấn thủ thành trì bị như vậy là chuyện thường.

Lúc lên sáu tuổi, cậu bé Takechiyo rời thành Okazaki để đi làm con tin cho họ Imagawa, nhưng dọc đường cậu bị tướng thuộc hạ của Nobuhide, cha Nobunaga, bắt nộp cho thành Owari. Cậu trở thành con tin của họ Oda.

Hai năm sau, cậu được tám tuổi thì cha cậu là Hirotada mất. Lúc đó, cậu lại bị đem ra đổi tù binh để chuộc lại người con thứ tên là Nobuhiro (một người anh cùng cha khác mẹ của Nobunaga) của Oda Nobuhide đã bị họ Imagawa bắt. Thế là cậu lại trở thành con tin của họ Imagawa. Vì vậy, thời niên thiếu của cậu Takechiyo thường được coi là vô cùng gian khổ.

Trong khi sống ở thành Sunpu, đến tuổi trưởng thành (thời ấy là 15 tuổi), cậu bèn đổi tên là Motonobu, nhưng sau lại đổi là Motoyasu. Năm 1557, cậu kết hôn với con gái quan hình bộ thiếu phó Sekiguchi, cũng là người thuộc thế lực của họ Imagawa, nghĩa là, với thân thế của một tiểu lãnh chúa đang bị giữ làm con tin, cậu đã xin làm rể của phe Imagawa lớn mạnh. Người vợ này, sau này gọi là bà chúa Tsukiyama, trở thành vai chính của một tấn bi kịch.

Cơ hội thoát thân đã đến với Motoyasu là năm 1560, tức là khi Imagawa Yoshimoto bị thua Oda Nobunaga ở trận Okehazama[2]. Lúc ấy với tư cách tướng tiên phong cho Imagawa, Motoyasu đã bỏ luôn về thành Okazaki. Từ đó, Motoyasu đoạn tuyệt với họ Imagawa, rồi mon men tới làm thân và sau cùng thì làm đồng minh với Oda Nobunaga.

Năm 1563, Motoyasu đổi tên thành Ieyasu. Năm 1568, ông đã cấu kết với họ Takeda, cùng đánh chiếm đất của con trai Imagawa Yoshimoto tên là Ujizane, hẹn lấy sông Oikawa làm ranh giới chia cắt. Chỉ tám năm sau trận Okehazama, Ieyasu đã từ một tiểu lãnh chúa với vẻn vẹn 100 ngàn hộc, chiếm hai đất Mikawa và Toto’umi để nghiễm nhiên trở thành đại lãnh chúa có đất rộng 600 ngàn hộc.

Quan hệ đồng minh với Nobunaga, Ieyasu đã duy trì một cách trung thực suốt 25 năm, cho đến khi Nobunaga bị giết trong vụ Honnoji năm 1582. Thật là một quan hệ đồng minh hiếm có trong thời Chiến quốc. Phần lớn các võ tướng thời chiến quốc lúc liên minh với người này, lúc lại ngả sang người khác, lúc nào cũng thiên về phe có lợi cho mình. Họ luôn luôn dùng mưu mẹo, kế sách để thủ lợi riêng. Trong số những người đó, Ieyasu được coi là rất trung thực với Nobunaga. Ðiều này cũng chứng minh lòng tín nghĩa của Ieyasu nữa.

Năm 1568, Nobunaga vào được kinh đô[3], nhưng đồng thời lúc nào ông cũng có nhiều kẻ địch bao quanh. Trong khi đó thì Ieyasu là người duy nhất giữ niềm trung tín, hễ gọi tới là lúc nào cũng đưa quân đi yểm trợ. Thế rồi, khi Nobunaga nghi ngờ vợ ông, bà Tsukiyama, và con trưởng ông, Nobuyasu, là đã thông đồng với Takeda Katsuyori định làm phản, ông đã chém vợ và bắt con trai tự mổ bụng. Dầu có phải hi sinh vợ con đi, Ieyasu vẫn một lòng tin theo Nobunaga. Những người hâm mộ Ieyasu cho đây là chứng cớ của lòng trung tín của ông.

Sau vụ Honnoji, Nobunaga mất, thì lần này Hashiba Hideyoshi đã đánh thắng các trận Yamazaki, Iyashiga’oka, rồi thoán đoạt luôn cơ nghiệp của họ Oda. Tokugawa Ieyasu đã giao chiến với Hashiba Hideyoshi ở Komaki Nagakute và đã tỏ thực lực bằng cách không thua trận đó. Nhưng rút cục, ông cũng chịu thần phục Hideyoshi. Cho đến năm 1598 khi Hideyoshi mất, ông đã duy trì lòng trung tín với Hideyoshi 15 năm trường.

Thế nhưng, Hideyoshi vừa mất xong, là ông đổi thái độ, vi phạm di mệnh của Hideyoshi. Lúc đầu với Maeda Toshi’ie, sau với Ishida Mitsunari, ông đã lần lượt đối lập, rồi chừng 750 ngày sau khi chúa Hideyoshi mất, ông đã đánh thắng trận Sekigahara, và như thế trên thực tế, đã đoạt được thiên hạ.

Ba năm sau, năm 1603, ông thụ phong Chinh Di Ðại Tướng Quân, lập ra nhà mạc phủ Tokugawa. Nhưng chỉ hai năm sau đó, ông nhường chức cho con trai là Hidetada, về đóng ở thành Sunpu, với địa vị "đại chúa tể," trông chừng thiên hạ..

Ieyasu nhường địa vị Ðại Tướng Quân cho Hidetada, chẳng phải là vì muốn thoái chức để dạy bảo con. Ông muốn chứng minh cho thiên hạ thấy rằng cái chức vị Ðại Tướng Quân này không phải là để truyền cho Hideyori, con của Hideyoshi, mà là của dòng họ Tokugawa. Ðưa ra người kế vị chức Ðại Tướng Quân từ dòng họ Tokugawa, chính là để tuyên bố với thiên hạ như vậy, để chứng tỏ cho thiên hạ thấy sự bất di bất dịch của quyền bá chủ đó vậy.

Thế rồi, năm 1615, ông đã tiêu diệt xong dòng họ Toyotomi bằng trận Ozaka mùa Hạ, và năm sau 1616, ông mất. Lý do tử vong là ăn đồ chiên quá nhiều. Chắc hẳn là bộ máy tiêu hóa đã suy nhược nên bị bội thực chăng.



Dựng thành Edo với chức năng thủ đô

Ieyasu đã để lại cho xã hội Nhật bản và người Nhật ngày nay những ảnh hưởng gì?

Thứ nhất, với tư cách một nhà chính trị, với tư cách mạc tướng, ông đã làm tròn hai vai trò vô cùng trọng yếu, là thống nhất thiên hạ và lập ra mạc phủ. Thứ hai, cá nhân ông, cá tính của ông đã làm thành mẫu mực cho lối sống của người Nhật Bản. Thứ ba, xã hội Nhật Bản đã được quy định bởi việc làm của nhà mạc phủ do ông lập ra. Với ba mặt như vậy, kể cả những hư cấu nhằm đưa ông lên hàng thần thánh, ông đã để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với xã hội Nhật Bản ngày nay.

Bằng cách nâng thủy tổ Tokugawa Ieyasu lên hàng thánh như gọi ông là "Ðông Chiếu thần quân (vua thần Ðông Chiếu)" hay "Ngài Quyền Hiện (hiện thân của Thần Phật)[4]." Mạc phủ Tokugawa đã không dứt tuyên truyền rằng, không những mỗi điều ông làm đều đúng hết, thậm chí bản thân ông cũng là con người có đạo đức tối cao. Ðương nhiên, người ta đã dựng nên nhiều thần thoại về ông, người ta đã mỹ hóa ông về mọi mặt. Rồi, nếu đã khẳng định mọi việc làm của Ieyasu, thì cũng phải tạo dựng nên cái luân lý quan, cái ý thức thẩm mỹ của ông. Nghĩa là, chỉ riêng sự tồn tại của Ieyasu thôi, cũng đã có ảnh hưởng lớn tới nền văn hóa và nhân sinh quan của nước Nhật.

Với ý nghĩa trên, chính Tokugawa Ieyasu mới đáng là nhân vật trọng yếu nhất trong lịch sử Nhật Bản vậy.

Một điểm nữa không thể quên được trong những cái Tokugawa Ieyasu đã để lại ảnh hưởng cho Nhật Bản và cho người Nhật ngày nay, là việc ông đã xây dựng cơ sở cho thành phố Tokyo ngày nay.

Năm 1590, Tokugawa Ieyasu đã theo lệnh của Toyotomi Hideyoshi di chuyển tới vùng Kanto, lấy thành Edo làm thành gốc, để sau này lập ra mạc phủ ở đây. Ông đã phát triển thành Edo thành một nơi đại đô hội, đầy vẻ cá tính và sức tưởng tượng của chính ông.

Thật ra, hình như chính Hideyoshi đã bảo Ieyasu lấy thành Edo mà ở.

Thời đó trung tâm của vùng Kanto là thành Odagawa của năm đời họ Hậu Hojo. Thành quách lớn, phố xá sầm uất, xung quanh thành lại có hào sâu lũy cao bao bọc kín. Hideyoshi thật ra không muốn thấy Ieyasu ở một cái thành kiên cố như vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:29 PM
Thêm nữa, ở vùng Kanto còn có Kamakura. Mặc dầu nhà mạc phủ Kamakura đã diệt 300 trăm rồi, nhưng đó vẫn là một nơi nhiều chùa chiền, lại có tượng Ðại Phật nữa. Ðường quốc lộ Kamakura hẳn lúc ấy vẫn còn. Ieyasu đã xưng là dòng dõi Genji (tức là họ Minamoto), nên nếu cho ông ở Kamakura thì như vậy là gợi ý quá mạnh chăng. Ðây là điều Hideyoshi lưu tâm cảnh giác.

Ðể tránh những lo âu trên, Hideyoshi đã lựa thành Edo ở trong vùng đồng lầy cho Ieyasu ở. Thời đó, Edo chỉ có một ngôi thành nhỏ do Ota Dokan (1432-1486) dựng mà thôi.

Ngày nay, Ota Dokan mới được biết tên là người đã khai sinh ra thành Edo. Nhưng nếu Ieyasu không lấy Edo làm thủ đô chính trị, thì Dokan cũng chỉ là một nhà thơ hạng xoàng. Dokan vốn cùng tuổi với Hojo So’un (võ tướng xuất gia, đóng ở thành Odagawa kể trên), song so với So’un, thì Dokan chỉ là một võ tướng tầm thường, con cháu cũng không thành đạt gì cả. Không những thế, cái thành Edo mà Dokan xây dựng, chỉ là một ngôi thành hết sức hèn mạt. Khi Toyotomi Hideyoshi đánh họ Hojo ở vùng Kanto, thì thành Edo này bị ông hạ đầu tiên trong những thành của đất Musashino.

Khi Hideyoshi bảo Ieyasu đóng ở thành Edo làm trấn thủ tám châu quận Kanto, thì không phải là ông có ý chơi hiểm. Thật ra, ông đã nhìn thấy ở vùng bình nguyên đang được bồi đắp này một tương lai hết sức hứa hẹn.

Nhưng, điều quan trọng nhất là khi thụ phong Chinh Di Ðại Tướng Quân để được mở ra mạc phủ, Tokugawa Ieyasu đã chọn đất Edo này làm căn cứ, rồi đã áp dụng chế độ phong kiến tập quyền ở trung ương, chứ không theo chế độ phong kiến phân quyền ra địa phương của mạc phủ Muromachi (1392 - 1573).

Ngoài ra, mạc phủ Tokugawa về sau đã áp dụng chế độ "luân phiên chầu hầu[5]," khiến cho các "phiên hầu[6]" phải sống một nửa đời mình ở thành Edo, vợ con thì phải ở hẳn trong thành Edo làm con tin. Nhờ vậy, Edo không những đã trở thành thủ đô hành chính, chính trị, mà còn hoàn thành chức năng của nơi trao đổi xã giao và thông tin, của trung tâm văn hóa nữa. Với ý nghĩa xây dựng một thành phố như vậy, Ieyasu cũng đã để lại ảnh hưởng lớn lao cho nước Nhật và người Nhật.

Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố (kế hoạch đô thị hóa) Edo thành thủ đô, thì không phải là việc làm đáng khen.

Khi Oda Nobunaga xây thành Azuchi, thì ngay từ đầu, ông đã chủ trương xây làm thủ đô chính trị, nên không nghĩ gì tới những thiết bị phòng thủ. Do những khai quật gần đây, người ta tìm thấy nhiều con đường thẳng tắp tới ngọ môn. Thành Ozaka của Hideyoshi cũng vậy, tất cả những đường lớn đều thẳng tắp, chạy suốt tới chân thành.

Nhưng khi Tokugawa Ieyasu xây thành Edo, ông sợ Hideyoshi tiến đánh, nên đã phải có những sắp đặt phòng ngự quân sự. Ông đã cho làm nhiều ngã tư gấp khúc rất khó đi. Nói khác đi, thành Edo đã được xây dựng để chiến đấu, bí hiểm về mặt tình báo. Vô hình chung, nó đã phản ánh cái ý hướng cầu ổn định và cái bản năng phòng vệ của ông.

Sau khi Edo đã trở thành căn cứ của mạc phủ Tokugawa, chúa Ieyasu mới cho lấp biển từ bờ Hibiya ra thành một thửa đất vuông mỗi chiều 4 km để làm một khu đô thị hóa vĩ đại. Người sau đã tiếp tục cải thiện, tô điểm thành đô thị Tokyo khổng lồ vậy.

Như đã kể, tính từ khi nhà mạc phủ Tokugawa được mở ra năm 1603, thì nay thành phố Tokyo đã được xấp xỉ 400 năm. Trong lịch sử Nhật Bản, nơi có chức năng thủ đô lâu đời nhất là Kinh thành Heian, với 398 năm. Thành Edo rồi thành phố Tokyo như vậy chắc chắn là nơi có chức năng thủ đô lâu đời nhất Nhật Bản. Với ý nghĩa là người đã xây dựng cơ sở cho một thành phố khổng lồ như Tokyo, đã để lại ảnh hưởng có tính cách quyết định về cấu tạo địa vực của Nhật Bản, thì Tokugawa Ieyasu cũng xứng đáng được kể là một người đã "lập ra nước Nhật" vậy.

Triết lý "tín nghĩa" và "nhẫn nại"

Sau khi trở thành Chinh Di Ðại Tướng Quân, những việc Tokugawa Ieyasu đã làm với tư cách một nhà chính trị, một nhà quân sự, đã lưu lại ảnh hưởng như thế nào đối với người Nhật ngày nay? Ta hãy xem những sự thực lịch sử, kể cả những chuyện đã được thần thánh hóa.

Ðiều thứ nhất là lời giáo huấn về thuật xử thế: "võ sĩ samurai (tức là người Nhật) hãy nên có tín nghĩa như Ieyasu." Trong suốt 20 năm làm đồng minh với Oda Nobunaga, ông đã bị Nobunaga đòi hỏi đủ điều cắc cớ, song ông đã làm tròn phận sự một cách trung thực. Vì thế, ông được người đời đánh giá là con người rất có tín nghĩa. Con người ta, càng làm lớn càng phải có tín nghĩa, hay nói khác đi, có tín nghĩa thì có thể làm lớn được. Cái triết lý này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với người Nhật ngày nay. Sự kiện người làm công ở Nhật Bản rất coi trọng lòng trung thành với xí nghiệp cũng có quan hệ với điều đó. Nghĩa là, người làm công phải có tín nghĩa đối với xí nghiệp như là Ieyasu mới được.

Cái quan hệ với Nobunaga, nếu chỉ nhìn bề mặt, thì đúng là như vậy. Chẳng hạn, năm 1570 khi Nobunaga sắp đánh họ Asakura ở xứ Etsuzen, thì Ieyasu là người đầu tiên đã hưởng ứng lời kêu gọi ra quân.

Lúc đó, Ieyasu đang đóng ở thành Okazaki, thoạt đầu ông theo Nobunaga vào kinh đô. Nhưng, khi Nobunaga xuất phát đi đánh họ Asakura ở Etsuzen, thì chính Ieyasu đã làm điều nguy hiểm là xin đi tiên phong. Nhưng khi tiến quân tới Kanegasaki, thì bị Asai Nagamasa làm phản. Ông phải triệt thoái toàn quân và chính Ieyasu cũng suýt chết.

Thế nhưng chỉ chưa đầy một tháng sau, ông lại bị Nobunaga gọi đi đánh họ Anekawa ở Omi. Quân của Nobunaga kéo đi là 29 ngàn người, trong khi quân của Ieyasu chỉ có 5 ngàn người. Thế nhưng, ông vẫn chiến đấu dũng cảm và đã đưa đến thắng lợi cho Nobunaga.

Trong thời gian những sự việc như vậy tiếp diễn, thì xẩy ra vụ con trai lớn là Nobuyasu và vợ cả là Tsukiyama, bị nghi ngờ đã thông đồng với họ Takeda, nên ông đã giết cả hai. Việc như vậy, thời đó cũng không phải là dễ làm (mặc dầu quyền sinh sát nằm trong tay ông). Thế mà ông vẫn phải làm, thì đủ hiểu đám gia thần dưới trướng ông muốn tỏ lòng trung thành với Nobunaga như thế nào.

Xét tình huống thời đó, sự việc chẳng phải đơn thuần là Ieyasu tâm phục Nobunaga, hay cũng chẳng phải là vì bản tính trọng tín nghĩa của Ieyasu. Ðúng ra, lý do thứ nhất chính là vì Ieyasu kinh sợ quân lực của Nobunaga. Bởi vì, dù cho có bị đồng minh thân tín yêu sách thế nào đi chăng nữa, thì việc giết vợ con ắt không phải vì lòng trung nghĩa được.

Nhìn vào sự thực lịch sử thì khoảng năm 1580 đó, phía tây lãnh địa của Ieyasu có lãnh địa của Nobunaga, phía đông có lãnh địa của Takeda Katsuyori. Lúc đó, cha Katsuyori là Takeda Shingen đã mất được năm năm, và trong trận đánh Nagashino thì Nobunaga đã đại thắng quân của Katsuyori. Khí thế quân Oda vượt trội hẳn Takeda. Vì thế, xét về mặt chính trị, cũng như về mặt thủ lợi, thì theo Nobunaga là phải.

Cái khôn ngoan của Ieyasu là ngay từ khi Takeda Shingen còn sống, ông đã nhìn thấy cái sức mạnh đáng sợ đang lên của Nobunaga. Cái đáng sợ của Nobunaga là gì? Ðó là áp lực của bộ đội lính đánh thuê mà Nobunaga đã xây dựng được bằng đường lối tách rời binh và nông ra (Chương IV).

Khác với quân nông binh của Takeda, binh của Nobunaga có thể đánh dai, đánh mãi vì họ là lính thuê bằng tiền. Lính nông dân có điều bất tiện là không thể ra trận trong thời kỳ gặt lúa hoặc thời kỳ cấy lúa được. Chứ lính đánh thuê thì ngay trong thời kỳ cấy lúa hay thời kỳ gặt lúa cũng đến đánh được. Cái đáng sợ này Ieyasu biết rất rõ. Vì thế, ông biết là nếu có được Shingen yểm trợ để chống lại Nobunaga, thì cũng không mong thắng được. Bởi vì, trong lúc quân Takeda làm ruộng thì ông bị Oda diệt vong rồi.

Ông cho rằng Nobunaga sẽ được thiên hạ. Vậy cứ bám lấy Nobunaga, nếu Nobunaga lớn mạnh, ông cũng lớn mạnh lên. Chính cái biết nhìn xa này đã khiến ông phục tùng Nobunaga vậy.

Với ý nghĩa trên, khi đánh giá Ieyasu ở địa vị chóp bu của họ Tokugawa, ông được coi là một nhà lãnh đạo có con mắt sáng suốt. Biết "thủ lợi" như vậy mới là bộ mặt thật của cái gọi là "lòng tín nghĩa của võ sĩ samurai." Cái "tín nghĩa" mà người làm công hoặc chính trị gia ngày nay thường bày tỏ, phần lớn cũng chỉ là vì lợi ích cá nhân mà thôi. Cái mà xí nghiệp đòi hỏi ở người làm công, là nếu muốn thành đạt trong xí nghiệp, chớ có nhìn thụt lùi, mà hãy nhìn lên phía trước, làm việc đi. Ở điểm này quả nhiên Ieyasu đáng là gương mẫu vậy.

Ðiều thứ hai người ta thường nói rằng, Tokugawa Ieyasu là người đã chịu cực khổ rất nhiều. Như đã kể, ông đã bị bắt làm con tin từ lúc còn nhỏ. Làm con tin là ở thế vô cùng nguy hiểm, vì nếu thái độ ở quê nhà có gì thay đổi thì con tin có thể bị giết như chơi. Lên sáu tuổi, ông bị bắt làm con tin cho họ Oda, rồi lên tám, ông bị đổi tù binh sang làm con tin cho họ Imagawa. Tổng cộng trước sau, ông đã làm thân con tin trong suốt 10 năm trời. Lần đầu tiên lấy vợ cũng là ở vị thế con tin.

Quả thật là ông đã chịu cực khổ nhiều. Lại nữa, về sau này, ông phải thần phục Oda Nobunaga, phải giết cả vợ con đi, rồi sau khi Nobunaga chết, lại phải nhịn nhục mà thần phục Toyotomi Hideyoshi, một người xuất thân b tốt, bị Hideyoshi bắt đổi lãnh địa, bị gia thần đào ngũ. Thật là biết bao nhiêu cơ cực. Nghĩa là về mặt con người, ông được coi là người có lòng nhẫn nại kiên trì ghê gớm.

Không những vậy, với tư cách võ tướng, ông đã nhiều lần thua trận. Một trận thua tiêu biểu là trận Mihogahara. Ông đón đánh quân xâm lược của Takeda Shingen ở cánh đồng Mihogahara. Ðịa điểm này ở ngay gần thành Hamamatsu, tức là thành chính của Ieyasu lúc đó. Thua trận, ông bỏ chạy về thành Hamamatsu. May là Takeda Shingen vì vi vào kinh đô nên đã bỏ qua thành Hamamatsu nên ông thoát chết. Sau đó, Shingen mắc bệnh lao mà chết đi, nên ông thoát nạn mà giữ nguyên được địa vị lãnh chúa. Nghĩa là ông đã nhờ lòng nhẫn nại mà thoát nạn sau khi bị thua trận một cách nhục nhã.

Kasumi
10-02-2007, 12:29 PM
Qua sự kiện trên, người ta có thể rút ra được lời giáo huấn thứ hai là con người ta không nên vì một hay hai lần thất bại mà chùn chí.

Nhưng nói cho cùng, thì các võ sĩ samurai thời Chiến quốc ai là chẳng phải chịu cực khổ ngần ấy. Nhẫn nại cũng chẳng phải là của riêng của Tokugawa Ieyasu. Oda Nobunaga đã ba lần bị thương trong chiến trận. Ishida Mitsunari hay Ukita Hide’ie cũng đã có lần bị thương tại chiến trường. Chứ Tokugawa Ieyasu thì không bị thương lần nào cả. Xem như thế, ta thấy Ieyasu quả là võ tướng có may mắn lắm vậy.

Việc phổ cập "Ý thức quan trên" và nền "trật tự phong kiến"

Ðiều quan trọng nhất là sau khi Hideyoshi mất đi, Tokugawa Ieyasu đã thắng trận Sekigahara và được thiên hạ. Như đã kể ở Chương V, trong trận đánh chia hai thiên hạ Sekigahara đó, Ieyasu đã thắng nhờ hoạt động chính trị khéo tạo ra được tình huống có lợi cho mình, hơn là nhờ binh lực. Rồi ba năm sau, ông đã lập ra mạc phủ. Trong khoảng thời gian này ông đã hành động chớp nhoáng, không để cho ai kịp bình luận phê phán gì cả. Cái đáng sợ của Tokugawa Ieyasu là ở chỗ "hoãn cấp tự tại," nghĩa là "thong dong đấy," mà lại "gấp rút đấy," cái nào cũng làm theo ý mình được cả.

Trước ông, cũng đã có mạc phủ. Như đã kể ở Chương III, Minamoto Yoritomo đã lập ra nhà mạc phủ Kamakura và như thế đã xác lập được khái niệm mạc phủ. Yoritomo thụ phong Chinh Di Ðại Tướng Quân, rồi với tư cách Tổng tư lệnh Quân lực miền Ðông ông đã lôi cuốn võ sĩ samurai toàn quốc vào dưới trướng của ông để thống trị. Ông đã nắm lấy thực quyền bằng một cơ cấu bên ngoài cơ chế luật lệnh của nhà nước lúc đó. Cơ chế mạc phủ này đã được Ashikaga Taka’uji kế thừa mà lập ra nhà mạc phủ Muromachi.

Hai nhà mạc phủ vừa kể, Kamakura và Muromachi, chủ yếu là thống trị tầng lớp võ sĩ samurai, chứ với giai cấp quý tộc và đền chùa thì họ chỉ có quan hệ gián tiếp mà thôi. Thế nhưng mạc phủ Tokugawa thì thống trị mọi tầng lớp, mọi giai cấp. Triều đình ở kinh đô Kyoto vẫn có Dajo Daijin (tướng quốc), Sa Daijin (tả thừa tướng), U Daijin (hữu thừa tướng) và các quan chức khác nữa, nhưng tất cả cái cơ chế luật lệnh này, cho tới thời mạc phủ Tokugawa, đã trở thành còn tệ hơn một bộ xương khô, đã biến thành một tồn tại khôi hài.

Với mạc phủ Kamakura thì tuy chỉ là một phần thôi, nhưng những thế lực lấy triều đình làm trung tâm vẫn còn có ảnh hưởng chính trị. Mạc phủ chỉ quản lý giai cấp võ sĩ samurai toàn quốc, bởi vì tướng quân shogun là cột trụ của samurai. Trên thực tế mạc phủ Kamakura quả có uy lực trong hàng ngũ võ sĩ samurai. Chẳng hạn, pháp hoàng Go-Toba chỉ vì đã kháng cự lại mạc phủ mà đã bị đày ra đảo Oki.

Tuy nhiên, từ thời Heian, đất đai do giai cấp quý tộc cai quản thì khá rộng, đất đai của đền chùa cũng nhiều vô kể. Nói về diện tích thì quý tộc và đền chùa chiếm bốn phần mười toàn thể đất đai. Quyền thống trị của mạc phủ Kamakura không hẳn đã có ảnh hưởng tới nhũng vùng đất này. Hơn thế nữa, mạc phủ Kamakura chỉ được ba đời là do người của họ Minamoto làm chúa mà thôi, chứ sau đó đều là hàng công khanh của triều đình xuống làm chúa cả. Cho nên, thể chế mạc phủ lần lần suy đồi.

Ðến mạc phủ Ashikaga, với hình thức tiếm đoạt mạc phủ Kamakura, thì quyền thống suất lại càng yếu kém hơn. Sau một thời loạn ly dài, đất đai của hàng công khanh đã bị giảm đi nhiều. Trong khi đó, đất đai của võ sĩ samurai tăng rộng ra. Ðược sự yểm hộ của các võ sĩ địa phương, mạc phủ Ashikaga đã thắng, nên chúa Ashikaga Taka’uji đã chọn những võ tướng chủ chốt phong cho làm thái thú, quận thú, trấn thủ các địa phương. Nói khác đi, mạc phủ Ashikaga là một chính quyền liên bang gồm có các thái thú, quận thú. Như thế nghĩa là từ khoảng nửa sau của thế kỷ thứ XV thì quyền uy của mạc chúa đã yếu đi nhiều, không còn có thực lực như trước nữa.

Nhưng, mạc phủ Tokugawa đã thống trị toàn quốc bằng một chế độ quan liêu hết sức tinh vi. Ðường lối phân ly tôn giáo khỏi chính trị do Oda Nobunaga khởi đầu, đã được triệt để áp dụng bằng cách giảm bớt đất đai của đền chùa đi, đồng thời bắt mọi người phải đăng ký thành phần tôn giáo hàng năm, nghĩa là xếp đặt chùa chiền vào trong cơ cấu hành chính. Trong thời mạc phủ Tokugawa, thì ngay ông từ giữ đền Thần đạo cũng phải đăng ký làm tín đồ Phật giáo, và khi chết cũng phải làm ma chay ở chùa.

Triều đình trở nên nghèo nàn đến cực độ, quyền thế của hàng công khanh bị mất hẳn. Nhật hoàng (Thiên hoàng) và công khanh chỉ còn là những nhân viên điển lễ.

Ở đây, người ta thấy xuất hiện cái "ý thức quan trên" của người Nhật ngày nay. Ðây mới là cái ảnh hưởng lớn nhất mà mạc phủ Tokugawa đã tạo ra. Chính Tokugawa Ieyasu là người đã nhắm tới mục tiêu đó. Không phải là Ieyasu đã từ trên ngựa chiếm được thiên hạ, rồi con cháu đời sau lo việc giữ thành. Chính Ieyasu đã có cái nhìn xa, đã có ý nghĩ sâu xa về cơ chế cơ bản và đường hướng phát triển tương lai.

Từ sớm, Tokugawa Ieyasu đã dương khẩu hiệu "Yếm ly uế thổ, hân cầu tịnh độ," nghĩa là "Hãy ghét bỏ và lánh xa cõi đời ô uế này. Hãy hân hoan đi tìm một thế giới trong lành." Cái ý nghĩa thực của khẩu hiệu này là gì? Cái gì gọi là "cõi đời ô uế", và cái gì là "thế giới trong lành." Cái gọi là "cõi đời ô uế" chính là cõi đời "hạ khắc thượng," cõi đời tự do cạnh tranh.

Thật vậy, thời đại chiến quốc Nhật là cõi đời "hạ khắc thượng." Nếu có một kẻ xuất thân hèn hạ như Hideyoshi đã được thiên hạ, thì ngược lại có biết bao nhiêu lãnh chúa bị mai một đi. Nếu có hạng gia thần giết chủ chiếm đoạt lấy cơ đồ, thì ngược lại cũng có biết bao gia thần bị chủ giết bỏ hoặc đầy ải. Tóm lại, đó là cõi đời cạnh tranh tự do. Dưới con mắt của Ieyasu, đây là "cõi đời ô uế."

Thế rồi, cái "thế giới trong lành" mà Ieyasu cầu tìm là một xã hội có trật tự hẳn hoi, có trên có dưới. Thứ bậc phải rõ rệt, lễ nghi phép tắc phải đâu ra đó, gia đình thì trưởng ấu, già trẻ trên dưới phải phân minh, mọi sự cái gì cũng phải ổn định. Ðó mới là cái chính nghĩa lớn, cái đại nghĩa mà ông truy cầu.

Tokugawa Ieyasu, từ sớm đã nêu cao khẩu hiệu "Yếm ly uế thổ, hân cầu tịnh độ" với ý nghĩa như trên, nên đã thực hiện khẩu hiệu đó bằng thể chế Mạc Phiên Tokugawa[7].

Ieyasu chỉ làm chúa hai năm, rồi nhường ngôi chúa cho con trai là Hidetada. Nhưng sau đó, ông đóng vai "đại chúa tể," đóng ở thành Sunpu mà hành sử thực quyền. Nói theo kiểu ngày nay, thì vai trò "đại chúa tể" này giống như địa vị Chủ tịch sáng lập Công ty, và con trai tuy làm Tổng Giám đốc Công ty, nhưng quyền hạn bị hạn chế đến nỗi ngay cả những nghị quyết của hội đồng quản trị cũng nhiều khi bị vị Chủ tịch sáng lập phủ quyết.

Trong lúc vừa thi thố ảnh hưởng của mình như vậy, Ieyasu đã lần lượt xây dựng cái trật tự phong kiến của ông. Cả quý tộc công khanh lẫn đền chùa, cũng đều bị đặt vào trong vòng trật tự này. Mặc dầu quan chức gọi là quan Chấp chính đền chùa đã chỉ xuất hiện sau khi Ieyasu qua đời, song trong lúc sinh thời ông đã chế định những luật lệnh áp dụng cho võ sĩ samurai, gọi là "Mười ba điều cấm kỵ đối với nhà võ" và áp dụng cho công khanh gọi là "Những điều ngăn cấm trong cung cấm và đối với công khanh." Như vậy là thống trị toàn quốc không sót ai cả. Hai bộ luật lệnh này nội dung hơi khác nhau, và ngày nay thì chúng không đáng gọi là luật pháp mà chỉ tương tự như luật đạo đức hay nội quy công chức.

Ðồng thời, chế độ "luân phiên chầu hầu" bắt đầu, dần dần biến đổi xã hội thành tổ chức phong kiến kiểu tập quyền trung ương, nghĩa là mọi quyền hành đều do trung ương thâu tóm.

Trên khắp thế giới, ở đâu cũng vậy, xã hội phong kiến là xã hội địa phương phân quyền. Chỉ duy ở Nhật Bản thời đại Tokugawa này mới có xã hội phong kiến kiểu tập quyền trung ương. Phiên hầu (chư hầu) trên toàn quốc hàng năm cứ phải hoặc đi hoặc về giữa thành Edo và phiên địa. Vợ con phải để làm con tin ở thành Edo. Võ sĩ samurai gia thần của các chư hầu cũng phải chia ra một số không ít đóng ở thành Edo trong thời gian phiên chúa ở đó. Trong khoảng những năm hậu bán của thời đại mạc phủ Tokugawa, chi phí cho dinh thự ở thành Edo của mỗi phiên hầu là khoảng từ ba mươi tới bốn mươi phần trăm của tổng thu nhập đối với phiên hầu lớn, hoặc khoảng năm mươi phần trăm đối với phiên hầu nhỏ. Xem như vậy đủ biết ngân sách dùng cho dinh thự ở thành Edo của các phiên hầu là phần chi tiêu lớn nhất của họ. Ðiều này cho thấy thể chế tập quyền trung ương này mãnh liệt như thế nào, sự tiêu xài ăn chơi xã giao ở thành Edo thời đó xa xỉ như thế nào. Võ sĩ samurai thời Edo đều lấy sự tiết kiệm làm đức hạnh, song chỉ riêng giao tế phí ở thành Edo thì hình như đã là ngoại lệ. Nói cách khác sự "tiêu xài vì xí nghiệp" hình như đã được rộng lượng bỏ qua.

Nhờ có chế độ "luân phiên chầu hầu," các phiên hầu và gia thần của họ đã mang về phiên bang đủ loại văn vật. Từ ngôn ngữ tiêu chuẩn của Edo được truyền bá ra khắp nước, mọi thông tin được trao đổi, những nghệ thuật đặc trưng của Nhật Bản như Kabuki (tương tự như Hát Bội) và No (kịch mặt nạ), cờ vây, cờ tướng, v.v., đã lan tràn ra khắp nơi. Cả nước đã trở thành một vùng văn hóa chung. Toàn nước Nhật đã trở thành một xã hội đồng chất.

Thêm nữa, cái thói quen "học thủ đô" đã hình thành, làm cho quyền uy của chính phủ trung ương càng được nâng cao. Vốn yêu chế độ giai cấp, Ieyasu còn thành công trong việc phân đẳng cấp của đô thị, của địa vực nữa. Trong thể chế tập quyền trung ương của thời đại Edo, thì cao sang nhất là võ sĩ samurai gia thần của mạc phủ, sau đó mới đến samurai gia thần của các phiên hầu địa phương. Nói khác đi, công chức trung ương được địa vị ưu việt, còn công chức địa phương thì phải chịu đặt dưới sự chỉ huy giám thị của công chức trung ương. Sự việc này đã có ảnh hưởng không ít tới tình trạng hiện tại của Nhật Bản.

Kasumi
10-02-2007, 12:29 PM
Tiêu chuẩn đánh giá nhân tính của Ieyasu

Một ảnh hưởng nữa của Tokugawa Ieyasu là chính ông đã trở thành mẫu mực để đánh giá nhân tính. Nếu có ai bảo Ieyasu, con người thành công nhất Nhật Bản, hiện thân của chính nghĩa, có tính nọ tính kia, thì cái tính đó phải được coi là tấm gương chung cho mọi người Nhật.

Vậy thì, Tokugawa Ieyasu có đức tính nào? Những đức tính nào ông đã được người đời gán cho rồi truyền tụng? Trước nhất, người ta nói rằng ông có tính "chịu đựng." Người ta coi Ieyasu là người đã "chịu đựng" nhiều trong suốt cuộc đời. Sau đó, có quan hệ với đức tính "chịu đựng" là "nhẫn nại" và "tiết kiệm." Ðó là nhân tính của Ieyasu, những đức tính đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mọi người. Trên thực tế, hình như chính Ieyasu cũng luôn miệng nói tới tính "nhẫn nại" và tính "tiết kiệm."

Sau khi chết, Ieyasu được thờ ở đền Nikko làm thần "Ðông Chiếu thần quân (vua thần Ðông Chiếu)." Trong lời "di huấn của đền Ðông Chiếu" có câu như sau: "Ðời người ta tựa hồ như vác nặng đi đường xa. Cho nên chớ có hấp tấp vội vàng." Câu này thường được kể lại là câu nói của Ieyasu, nhưng theo những nghiên cứu gần đây, thì tác giả câu này lại là Mito (Tokugawa) Mitsukuni (Mito Komon)[8]. Toàn thể bản di huấn này là ngụy tác, tức là không phải do Ieyasu làm ra, mà phần lớn đã được viết ra sau khi Ieyasu đã mất đi gần hai chục năm rồi. Tuy nhiên, đọc câu trên, người ta thấy đó dường như chính là lời Ieysau, bởi vì nó đúng với hình ảnh ông.

Nhắc đến ông, người đời thường bảo nhau rằng: "Luôn luôn chịu đựng, nhẫn nại và cần kiệm, Ieyasu quả là đáng phục. Ta nên bắt chước vua thần Ðông Chiếu mà chịu đựng, mà tiết kiệm. Phải biết sống trong sự chịu đựng kiên trì."

Ðúng ra thì Ieyasu sống như thế nào? Lúc còn nhỏ, mẹ ông bị li dị, ông bị đưa đi làm con tin cho họ Oda, rồi họ Imagawa. Như vậy thời thơ ấu ông quả thật phải sống trong sự chịu đựng, trong sự nhẫn nại. Thế nhưng, kể từ sau trận Okehazama mà Imagawa Yoshimoto bị tử trận, rồi nhờ quan hệ đồng minh với họ Oda, nên tuy có nhiều lúc cơ cực thật, song mỗi năm, mỗi năm, cơ nghiệp của ông đều lớn mạnh hơn lên. Như thế thì dù có bị lao khổ, nhưng cuộc sống hẳn là rất đáng phấn khởi.

Ngày nay cũng vậy, một ông chủ sáng lập ra xí nghiệp, mà mỗi ngày mỗi thấy xí nghiệp mình phát triển, số thu tăng lên, lợi nhuận nhiều lên, nhân viên đông thêm, bản thân ông chủ cũng mỗi ngày mỗi được nhiều người biết đến hơn, thì ông chủ hẳn phải vui sướng lắm chứ cho dù công ty Tokugawa chỉ là công ty con, chỉ sống bằng đơn đặt hàng của công ty mẹ Oda đi chăng nữa, nhưng với tình trạng làm ăn phát đạt như vậy, dù cho chủ tịch công ty mẹ có đáng khiếp sợ đến đâu, thì điều đó cũng không phải là không thể chịu đựng nổi.

Nhưng vấn đề là ông chủ tịch công ty mẹ Oda Nobunaga lại khác hẳn ông cả về luân lý quan lẫn về ý thức thẩm mỹ. Người kia thì độc tài, có nhiều sáng kiến, đồng thời khích lệ việc "hạ khắc thượng," điều bị Ieyasu ghét. Do đó, Ieyasu bị Nobunaga nghi ngờ. Rốt cuộc, ông bị bảo rằng: "Nếu muốn được công ty tao đặt hàng, thì mày phải đuổi cổ thằng con trai gai mắt của mày ra ngoại quốc đi." Thời đó, bắt mổ bụng chỉ tương đương với sự chế tài "cách chức và đuổi đi" của ngày nay mà thôi.

Mặc dầu vậy, phải đuổi cổ đứa con cưng nối dõi tông đường đi, thì với bậc cha mẹ ngày nay quả là điều quá quắt lắm. Với Ieyasu điều đó hẳn cũng là điều đau khổ.

Sau đó, Oda Nobunaga chết trong vụ Honnoji, và sự tranh giành chức chủ tịch công ty đã diễn ra. Là chủ tịch công ty phụ thuộc có thế lực, Ieyasu rất muốn chiếm lấy địa vị chủ tịch công ty mẹ. Thế nhưng, một quản trị viên xuất thân hèn mạt là Hideyoshi, đã khéo tay cuỗm mất cái địa vị ấy. Hideyoshi trở thành chủ nhân và Ieyasu lại phải phục tùng. Một kẻ ngang bướng tham quyền như Ieyasu hẳn phải lấy sự thể này làm điều đau khổ hơn chúng ta tưởng. Tệ hơn nữa là địch thủ của ông lại chỉ là một tên vô học, chó ngáp phải ruồi, thích hoa hòe hoa sói.

Mặc dầu vậy, ông cũng chẳng vì thế mà than khóc làm gì. Bởi chính ông cũng đã lớn mạnh lên vì đã chiếm được hai châu quận Koshu và Shinshu (nay là tỉnh Yamanashi và tỉnh Nagano) của họ Oda.

Xem như vậy thì cái "chịu đựng" của Ieyasu đã được thổi phồng quá đáng. Nhất là kể từ khi đã bắt đầu thời đại Tokugawa rồi, thì cái "chịu đựng" của Ieyasu đã có phần được ngụy tạo để tuyên truyền cho mỗi người "hãy chịu đựng tuân theo cái trật tự phong kiến" của mạc phủ.

"Tiết kiệm" cũng vậy.

Người ta truyền tụng rằng Ieyasu là người rất tiết kiệm. Một ví dụ là ông đã bắt các nàng hầu yêu mặc đồ vải bông. Thời Edo, những người khá giả thường mặc đồ lụa cho nên sự việc ông cho các nàng hầu mặc đồ vải này được coi như biểu hiện cho tính tiết kiệm của ông.

Thực ra, thời Ieyasu thì hàng vải bông còn hiếm và có khi đắt hơn hàng lụa. Chỉ từ sau trận Sekigahara, mới thấy xuất hiện vải bông Kawachi, vải bông Yamato, vải bông Mikawa nghĩa là có thêm nhiều vùng sản xuất vải bông. Giá cả vải bông nhờ thế đã giảm đi nhiều, chứ trước đó thì đắt vô cùng. Vì thế, mặc hàng vải bông là đúng mốt thời trang, chứ chẳng phải là tiết kiệm. Chỉ có điều khác với Hideyoshi, là Ieyasu không ưa thích văn hóa lòe loẹt.

Toyotomi Hideyoshi là người rất ham chơi trội, muốn làm nổi đình đám. Ở đời, những kẻ không có gia thế, không có học thức thì thường lại hay phô trương sự giầu có bằng cách đeo vàng ngọc đầy người, cưỡi xe ôtô thể thao chạy nhông nhông. Hideyoshi cũng là người thích khoe của. Ðúng ra, việc làm của Hideyoshi lúc đó là đối sách kích thích thị trường, đối sách thúc đẩy sự tiêu dùng trong nước. Hideyoshi cho xây thành Ozaka, rồi thành Fushimi chẳng phải là vì ưa thích việc thổ mộc hay vì cái thú xa hoa của ông, mà chính là vì ông muốn tạo ra nhu cầu xây dựng công cộng. Thế nhưng, mầu sắc và kiểu dáng của những kiến trúc đó thì đã mang nặng cái tính ưa phô trương của Hideyoshi.

Ieyasu thì không có tính phô trương, cũng không ưa thích hào nháng. Nhưng hỏi ông có phải là con người tiết kiệm không, thì chưa chắc ông đã là người như vậy. Duy có điều ông thích sống ở thôn quê hơn là ở thành thị, nên ý thích về màu sắc và hình dáng thì không lòe loẹt cầu kỳ. Ðó có lẽ là điều mà hậu thế đã diễn đạt ra thành đức tính "nhẫn nại" và "tiết kiệm" của đức vua thần Ðông Chiếu chăng. Thế rồi cái đó đã trở thành một ý thức thẩm mỹ của người Nhật: từ lâu rồi, sống thanh đạm nén lòng không phô trương đã được coi là đức hạnh.

Một điểm nữa về hình ảnh nhân cách của Ieyasu, là "tàn nhẫn phi nhân." Nhất là ông đã tru diệt biết bao nhiêu lãnh chúa đã từng về phe với ông trong trận đánh Sekigahara. Ví dụ tướng Fukushima Masanori đã làm tiên phong cho ông trong trận đánh Sekigahara, lập được công đầu, thoạt tiên được ông phong cho làm lãnh chúa đất Aki Hiroshima 490 ngàn hộc, nhưng chẳng bao lâu, đã bị ông chèn ép đến nỗi bị giam lỏng rồi chết bệnh, con cháu bị đuổi xuống làm thứ dân. Dòng họ Kato Kiyomasa cũng vậy, khi phiên chủ Kiyomasa chết bệnh rồi, thì con cháu cũng bị tước mất lãnh địa. Họ Kato Yoshiaki, họ Mogami Yoshimitsu cũng bị tru diệt một cách tương tự.

Cái ấn tượng tàn nhẫn phi nhân nhất về Ieyasu là, mặc dầu đã nhiều lần nhận lời phó thác con côi của Hideyoshi, đã hứa sẽ phò con Hideyoshi là Hideyori lên làm chúa thiên hạ, nhưng rồi chính ông đã giết đi. Không những ông đã giết Hideyori và mẹ là bà chúa Yodo, mà còn tru diệt luôn cả đứa con thơ vô tội của Hideyori nữa.

Không những Ieyasu có hình ảnh là con người tàn nhẫn phi nhân, mà còn bị coi là ông già giả vờ.

Vì thế, ở Nhật Bản, người ta quan niệm rằng làm chính trị gia thì phải đóng vai ông già giả vờ, nắm quyền lực trong tay thì phải tàn nhẫn phi nhân. Ðây là những điều mà Ieyasu đã lưu lại ảnh hưởng quan trọng cho người Nhật ngày nay.

Từ "xu hướng tăng trưởng" sang "xu hướng ổn định"

Tại sao một người đã được tôn thờ là "vua thần Ðông Chiếu" như Tokugawa Ieyasu, mà còn bị gán cho cái hình ảnh xấu xa là "tàn nhẫn phi nhân?" Ðây là kết quả của một cuộc tuyên truyền xấu từ cuộc Duy tân Minh Trị bởi chính quyền Satsuma, tức là phe đã lật đổ mạc phủ Tokugawa, cùng giới thương gia và văn nhân Osaka. Trong thời kỳ thịnh vượng của mạc phủ Tokugawa thì họ chẳng dám hé môi nói ra như vậy.

Thế nhưng, cái mầm gây ra sự tuyên truyền xấu như vậy quả thật đã có ở nhân cách của Ieyasu và đường lối chính trị của ông, bởi khi cướp đoạt chính quyền từ tay họ Toyotomi thì ông cần phải làm như vậy. Cái đó cũng tựa hồ như thời kỳ phản động lực trầm trọng của nền kinh tế Nhật Bản thời Heisei[9], khi bong bóng thịnh vượng đã nổ vỡ ở cuối thời kỳ tăng trưởng cao độ.

Nhật Bản của thời Heisei đã thấy bong bóng thịnh vượng nổ vỡ, và nền kinh tế đã đổi từ sự tăng trưởng theo đường dốc đi lên, sang hình dạng đường dốc từ từ hạ thấp xuống. Cho đến lúc đó, người Nhật luôn luôn hướng tới sự tăng trưởng. Mỗi năm đều có tăng lương, có tiền thưởng nhiều hơn. Tùy theo thâm niên, chức vị từ từ được thăng cao, người làm dưới quyền mỗi ngày một đông hơn. Giá đất đai mỗi ngày một lên cao, cho nên bỏ tiền ra đầu tư thì hơn. Ở sở thì bầu không khí là nên làm việc hăng say, và ai ai cũng say sưa hướng tới sự tăng trưởng.

Kasumi
10-02-2007, 12:29 PM
Trong họ Oda và họ Toyotomi, người ta còn có ý thức tăng trưởng mạnh hơn cả các xí nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ. Kẻ vương bá của thời Chiến quốc là tổ chức tăng trưởng khủng khiếp, mỗi thành phần của tổ chức ai ai cũng sôi sục lên vì sự ham muốn tăng trưởng. Thế nhưng, sau khi thống nhất toàn quốc rồi, thì lãnh địa của võ sĩ không tăng thêm nữa. Nếu không chặn cái ý hướng tăng trưởng lại thì không sao đối phó được với thời đại "tổng số zero[10]." Nói khác đi, tổ chức chư hầu toàn quốc cần phải được "tái cấu trúc" (re-structuring) và "tái thiết kế" (re-engineering). Muốn làm được như vậy, con người ta cần phải đổi cách suy nghĩ, phải làm cuộc cải cách tư tưởng, từ "xu hướng tăng trưởng" sang "xu hướng ổn định." Ðể thực hiện cuộc cải cách tư tưởng như vậy, Tokugawa Ieyasu đã tru diệt những võ sĩ hăng máu, những phiên hầu có ý chí tăng trưởng mạnh.

Ðứng đầu đám phiên hầu ham tăng trưởng là những người đã cùng tranh đoạt thiên hạ dưới cờ của Hideyoshi, tức là bọn Kato Kiyomasa, Ishida Mitsunari, Fukuda Masanori. Bọn này không phải chỉ chính họ ham lập chiến công trong một trận đánh khác để có cơ hội tăng trưởng hơn nữa, mà ngay đám thuộc hạ của họ cũng đều là những người ham danh lợi như vậy cả. Cả tổ chức là loại hình đầu tư quá mức, nhân viên dư thừa. Mỗi thuộc hạ cũng lại ôm đồm thêm một mớ thuộc hạ dư thừa nữa, để mong có thời cơ lập công danh. Nói theo kiểu xí nghiệp ngày nay thì không những công ty mẹ, mà cả các công ty con lẫn các nhà hàng đại lý đều hướng tới tăng trưởng, đều đầu tư quá mức cả.

Hideyoshi là người có lòng nhân, cho nên ông không đang tâm cách chức những người đã làm việc cho ông. Ở thời Chiến quốc, thì cách chức tức là bắt mổ bụng, tước đoạt lãnh địa, tru diệt gia tộc. Nếu không cách chức, thì phải triển khai thêm doanh nghiệp để duy trì công ăn việc làm. Vì thế, ông đã phải mở cuộc xâm lăng Triều Tiên và đã bị thất bại nặng nề.

Trong tình huống ấy, Ieyasu sau khi nắm được thiên hạ mới thấy cần phải trấn áp cái ý chí tăng trưởng. Muốn vậy, không gì hơn là chính ông phải chỉ bảo cho họ hiểu rằng "Bây giờ không còn là lúc hướng tới tăng trưởng nữa. Phải biết cam phận chịu đựng với thu nhập hiện tại;" rằng "Mỗi năm thu nhập có giảm đi cũng đành chịu. Hãy tiết kiệm mà vượt qua;" rằng "Mỗi xí nghiệp hãy cắt giảm nhân viên dư thừa đi." Nhưng nếu chỉ nói miệng thì chẳng khác gì công tác "cải cách hành chính" của chính phủ, hay việc làm "tái cấu trúc" của xí nghiệp ngày nay, khó lòng thực thi được. Vì thế, ông đã phải dùng phương pháp "trị liệu sốc," tức là chữa bệnh mạnh tay, để làm cho mỗi người khiếp sợ. Muốn vậy, chỉ cần tru diệt vài tổ chức ưu tú có chí hướng tăng trưởng là xong. Nghĩa là mặc dầu không có chỗ nào tỏ ra bất trung bất tín cả, song chỉ vì có chí hướng ham tăng trưởng nên đã bị ông tru diệt mà thôi.

Sau trận Sekigahara, trong bọn đã chống lại ông thì Ishida Mitsunari và Ukita Hide’ie đã bị tiêu diệt rồi, còn Mori và Uesugi thì đã đầu hàng và được tha tội rồi. Nay dẫu có tru diệt bọn này đi, thì người đời cũng không kinh đởm. Ngược lại, người ta sẽ đàm tiếu rằng " Ấy chẳng qua là báo thù trận Sekigahara." Nhưng nếu tru diệt ngay bọn phiên hầu trung tín không có chỗ nào chê trách được, như Fukuda Masanori, Kato Kiyomasa, Mogami Yoshimitsu, thì hẳn mỗi người sẽ tự hỏi, rồi sẽ hiểu rằng "Những người đó bị tru diệt vì họ có ý chí tăng trưởng." Như vậy thì hẳn sẽ sinh ra trong xã hội võ sĩ samurai cách suy nghĩ rằng "Từ nay trở đi, chớ có hướng tới sự tăng trưởng nữa."

Ieyasu đã ra tay "tàn nhẫn," chính là để xây dựng lại và đổi hướng xã hội từ loại hình "xu hướng tăng trưởng" sang loại hình "xu hướng ổn định." Cái tàn nhẫn như vậy đã được kể lại như là nhân cách của Ieyasu, có thể đã làm tổn thương tới hình ảnh ông. Song việc làm tàn nhẫn như vậy để ổn định cái xã hội chiến loạn, chắc chắn là một quá trình không thể không trải qua được.

Tóm lại, Tokugawa Ieyasu tài giỏi quá, thần thánh quá. Kết quả là ông đã được hậu thế tả lại bằng đủ mỗi loại hình người, và như vậy ông đã để lại đủ thứ ảnh hưởng vậy.

Sự hình thành của bản tính "đảo quốc" và tính "nghi kỵ ngoại quốc"

Cuối cùng, nếu xem những chính sách do mạc phủ Tokugawa thực thi dựa trên tư tưởng của Ieyasu, đã ảnh hưởng tới Nhật Bản ngày nay như thế nào, ta có thể tóm lược chúng lại thành ba điểm sau đây.

Thứ nhất, mạc phủ Tokugawa đã triệt để thực thi chế độ tập quyền trung ương, đã xác lập được chế độ quan lại. Ðiều này cũng chính là ý nguyện của Ieyasu. Rồi, ông đã thống trị được toàn quốc, kể luôn cả hoàng gia. Như vậy, cái xã hội dưới sự chỉ đạo gần như quá đáng của quan lại ngày nay, có thể nói là đã có mầm mống từ đó vậy.

Thứ hai, như đã kể, là sự khích lệ tính tiết kiệm, cái cảm nghĩ lo sợ đối với ý chí tăng trưởng. Nhất là sự tiết kiệm thì đã được triệt để đề cao trong đời trị thế của vì chúa thứ tám tên là Yoshimune. Ðây là do lợi dụng kết quả của việc thần thoại hóa tư tưởng và con người của Ieyasu, mà thành, đúng như đã kể trên.

Thế rồi thứ ba là đường lối "bế môn tỏa cảng." Bế môn tỏa cảng thật ra không phải là trách nhiệm trực tiếp của Ieyasu. Bởi vì không phải Ieyasu đã thi hành chính sách đóng cửa. Ngược lại, ông có phần tích cực nhìn nhận nền mậu dịch quốc tế bằng cách đã gửi tầu bè có mang giấy phép của mạc phủ ra nước ngoài. Từ những sự thật này, có người đã coi Ieyasu là thuộc phái người chủ trương mở nước khai hóa.

Thế nhưng, từ thất bại lớn trong việc Hideyoshi gửi quân đội xâm lăng Triều Tiên, về sau Ieyasu quả đã có ý nghĩ rằng không can thiệp vào việc nước khác là đắc sách. Từ đường lối ổn định trật tự phong kiến, thì việc đi tới chính sách "bế môn tỏa cảng," áp dụng đường lối kinh tế tự cấp tự túc, là quy kết tất nhiên không thể phủ nhận được.

Thêm nữa, trong thời kỳ đầu của mạc phủ Tokugawa, cảng Nagasaki đã được mở ra để thông thương với nước ngoài, nhưng vì việc này mà một số vàng bạc lớn đã bị thất thoát ra ngoài. Thời đó, số tơ lụa nhập từ Trung Quốc rất lớn, khiến cho cán cân mậu dịch của Nhật bị lệch về phía mua vào quá nhiều. Vì mậu dịch thua lỗ, vàng bạc thất thoát ra nước ngoài nhiều thì trong nước sinh ra sự sụt giá. Cho nên cần phải ngăn chặn ngay sự thất thoát vàng bạc. Sinh thời Ieyasu thì còn đỡ, chứ sau khi Ieyasu mất được khoảng mười lăm năm, tức là khoảng năm 1630 trở đi, thì tình trạng này trở nên khá trầm trọng.

Ngoài vấn đề mậu dịch, còn có vấn đề đạo Cơ Ðốc. Ngay từ thời Hideyoshi, đã có sự nghi ngờ tín đồ đạo Cơ Ðốc trung thành với giáo hội Rôma hơn là với nhà nước Nhật Bản. Tự nhận việc giữ thiên hạ là nhiệm vụ thứ nhất của mình, Ieyasu không thể không quan tâm tới vấn đề này được. Thế nhưng, không phải là Ieyasu đã tăng cường sự đàn áp đối với tín đồ đạo Cơ Ðốc. Thật ra, sự đàn áp đã trở nên khắc nghiệt là cùng thời với đường lối bế môn tỏa cảng, tức là sau khi Ieyasu đã qua đời rồi.

Mặc dầu vậy, với chủ nghĩa tiết kiệm, với lối sống bình dị, với chế độ phong kiến tập quyền trung ương, thì đường lối kinh tế tự cấp tự túc, chính sách bế môn tỏa cảng, chỉ là quy kết tất yếu. Cái điều kiện tiền đề cho chính sách đó đã được Ieyasu dọn đường, cho nên ông đã có trách nhiệm cũng như có công gián tiếp vậy.

Còn một điều nữa ít được nói tới trong lịch sử Nhật Bản. Ðó là sự nhập cư của di dân. Nhất là sau khi Ieyasu mất rồi, triều Thanh của người Mãn Châu đã chiếm toàn thể Trung Quốc rồi, thì đám trí thức không chịu sự cai trị của người khác dân tộc cũng như binh tướng nhà Minh đã nhập vào Nhật Bản nhiều, dần dần trở thành vấn đề phức tạp. Trịnh Thành Công (Kokusen’ya)[11] tới Nhật chỉ là một ví dụ. Vì chủ trương ổn định nên mạc phủ Tokugawa bắt buộc phải ngăn chặn di dân, cũng như cấm hẳn không cho cả người Nhật ở hải ngoại trở về. Ðường lối thật phi lý, song với tư cách người trị nước thời đó, việc "bế môn tỏa cảng" không phải là chuyện không thể hiểu được.

Như vậy, đường lối bế môn tỏa cảng lấy sự ổn định làm ưu tiên đã được thực thi.

Thế rồi, từ trạng thái ổn định trong sự tự cấp tự túc, cái ý thức bất tín nhiệm người ngoại quốc đã trở nên rất mạnh. Ðiều này cũng đã phản chiếu cái tính thận trọng, hay nói xấu là tính đa nghi của Ieyasu vậy.

Ngay ngày nay, Nhật Bản thường bị nói là theo chủ nghĩa sản xuất toàn bộ, chủ nghĩa kỹ thuật toàn bộ. "Cái gì cũng phải chính Nhật Bản làm được thì mới an tâm," "Trông cậy vào ngoại quốc thì nguy hiểm lắm," v.v., đều là những tư tưởng đã ăn sâu vào trí não người Nhật Bản. "Lúa gạo mà phải trông cậy vào ngoại quốc thì nguy hiểm lắm." "Tinh lọc dầu mỏ mà trông cậy vào ngoại quốc thì nguy hiểm lắm," đều là những ý kiến cửa miệng của người Nhật Bản. Thậm chí đã có lúc người ta lo ngại rằng "Nếu trông cậy vào ngoại quốc về mạch IC, linh kiện điện tử thường được gọi là "gạo công nghiệp", thì tin tức (bí mật) trong nước bị lọt ra ngoài hết." Ðiều này đã được minh chứng bằng nhiều dẫn chứng là sai lầm, song cái lo ngại tương tự ở người Nhật không phải là đã hết hẳn.

Sự thiếu cảm giác quốc tế của người Nhật, sự không tin người ngoại quốc, cái thể chất cô lập hóa về mặt quốc tế, cũng là do chính sách "bế môn tỏa cảng" của mạc phủ Tokugawa đẻ ra. Thế rồi, cái tư tưởng khiến phát sinh ra như vậy cũng xuất phát từ cá tính của nhân vật Ieyasu. Nó đã nằm trong tinh thần cơ bản của tổ chức do Ieyasu sáng lập ra. Sự thật này không thể phủ nhận được.

Xem như trên, người Nhật ngày nay đã tiếp nhận biết bao nhiêu ảnh hưởng từ con người Tokugawa Ieyasu cũng như từ nhà mạc phủ Tokugawa, tổ chức đã kế thừa cái tinh thần Ieyasu. Dù là trong "thần thoại" hay là tượng trưng cho nhà mạc phủ Tokugawa, thì Tokugawa Ieyasu cũng là một sự thật lịch sử vĩ đại.

Kasumi
10-02-2007, 12:30 PM
Chú thích:

[1] Ấu danh (yomei), tức là tên ấu nhi, tên gọi lúc tuổi thơ. Con trai võ sĩ samurai mang ấu danh cho đến lúc trưởng thành thì đổi tên khác, gọi là tên trưởng thành (genpukumei hay eboshina). Tên trưởng thành mới là tên chính thức. Nhiều nơi ở miền quê Việt Nam cũng có phong tục đặt tên gọi riêng cho trẻ con, song đây thường chỉ là một tên thêm cho tên chính thức đã sẵn có trong tờ khai sinh rồi, nên không giống như ấu danh của con trai samurai Nhật Bản.

[2] Xem Chương III.

[3] Thời chiến quốc quần hùng cát cứ thì hễ ai vào được kinh đô, yết kiến được thiên tử, là được coi như có chính nghĩa, được thay thiên tử ra hiệu lệnh cho thiên hạ.

[4] Đến nỗi năm 1617, mạc tướng đời thứ hai đã dâng sớ xin và được Nhật Hoàng Go-Mizuo truy phong cho Tokugawa Ieyasu làm Ðông Chiếu Ðại Quyền Hiện, tức là gộp luôn hai tên tôn xưng làm một.

[5] Nguyên gốc chữ Nhật là (đọc âm Hán Việt) "Tham Cần Giao Ðại." Giao đại là luân phiên, tham cần là đến làm việc, tức là chầu hầu. Chế độ này đòi hỏi các lãnh chúa địa phương, trên nguyên tắc, cứ cách một năm ("luân phiên") lại phải lên thành Edo mà sống dưới sự quản l ý nghiêm ngặt của mạc phủ Tokugawa ("chầu hầu"). Như vậy để cho họ không có thời giờ ở lãnh địa nuôi dưỡng quân lực mà nổi loạn. Nhờ chế độ này, mạc phủ Tokugawa đã duy trì được quyền lực trong suốt gần 300 năm, 15 đời chúa, cho tới ngày họ trả lại chính quyền cho thiên hoàng Minh Trị năm 1867.

[6] Phiên hầu tức là lãnh chúa địa phương. Thời Edo (tức là thời mạc phủ Tokugawa trị thiên hạ) thì các lãnh chúa địa phương gọi là phiên hầu; chỉ có lãnh chúa ở trung ương, tức là chúa Tokugawa mới gọi là mạc chúa. Do đó, chế độ mạc phủ Tokugawa cũng gọi là chế độ mạc phiên.

[7] Thể chế Mạc phiên Tokugawa, là thể chế phong kiến, gồm có mạc phủ Tokugawa đứng làm lãnh chúa tối cao, thống suất những phiên chúa (lãnh chúa) nhỏ hơn, mỗi người được phong một vùng đất gọi là "phiên" (tức là bang, nước nhỏ), từ đó họ chủ yếu thâu sưu thuế bằng lúa gọi là "niên cống."

[8] Dòng họ Tokugawa có ba chi: chi trưởng ở đất Owari, tức là chi của Ieyasu, và hai chi thứ, một ở đất Ki’i (Kishu), một ở đất Hitachi (Mito). Ieyasu, người sáng lập ra dòng chúa Tokugawa, đã định chế là nếu dòng trưởng không có con trai kế vị chức chúa shogun, thì một trong hai dòng thứ sẽ đưa con trai ra kế vị. Vì thế, đời đời các phiên chúa Kishu và Mito đều giữ chức phó shogun, tức lá phó vương. Tokugawa Mitsukuni là một đời phiên chúa của Mito, một nhân vật truyền thuyết, có nhiều đóng góp về mặt văn học và trị nước, thường được gọi bằng hỗn danh là Mito Komon.

[9] Heisei là niên hiệu của Nhật Bản bắt đầu từ ngày 8 tháng 1 năm 1989. Thời kỳ phản động lực của nền kinh tế nói ở đây, còn đang tiếp diễn ở thời điểm hiện tại cùa năm 2002.

[10] "Tổng số zero" là dịch tiếng Anh "zero sum." Khi còn "địch" và "ta" thì mới có "ăn" có "thua," có "hơn" có "thiệt." Nhưng khi đã thống nhất rồi, nghĩa là khi đã hết "địch" rồi, khi tất cả đều là "ta" cả rồi, thì những "hơn" và "thua" nếu đem cộng lại, sẽ thành một tổng số zero.

[11] Di thần của triều Minh mạt, cha là Trịnh Chi Long, mẹ là người Nhật đất Bizen Hirato họ Tagawa. Kháng chiến chống lại quân nhà Thanh ở đảo Áo Môn, Kim Môn và Ðài Loan. Song chí chưa thành thì bị chết bệnh. Ðược triều đình Nam Minh phong cho họ vua là Chu, nên gọi là Quốc Tính Da (Kokusen’ya), tức là ông già họ vua. 1624-1662.

Kasumi
10-02-2007, 12:34 PM
Ishida Baigan
Với triết lý dân gian "cần cù và tiết kiệm"


http://img184.imageshack.us/img184/9134/059ibaigan1nj1.jpg (http://imageshack.us)

Thủy tổ của "Tâm học Thạch Môn"

Ishida Baigan là ông tổ của nền Tâm học Thạch Môn. Tâm học Thạch Môn nghĩa là "cái học về cõi tâm (lòng người) của học phái Ishida." Thời nay thì ít ai biết tới, chứ trong khoảng thời gian từ hậu bán của thời đại Edo cho tới đầu thời Duy tân Minh Trị, thì những trường dạy cái học này, gọi là "Trường luyện Tâm học," xuất hiện ở khắp nước Nhật, đã trở thành một tổ chức tu dưỡng tinh thần có thế lực to lớn. Võ sĩ samurai và phiên chúa cũng theo học, nhưng với sự giảng dạy cái tinh thần liêm khiết, cần mẫn, Tâm học Thạch Môn đã lan rộng cả trong thường dân, và đẻ ra cái triết lý dân gian là "cần cù và tiết kiệm."

Triết lý dân gian do Tâm học Thạch Môn truyền bá, không những đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cái ý thức thẩm mỹ, cái quan niệm đạo đức, cái dạng thức sinh hoạt hay phép đánh giá con người của người Nhật ngày nay, mà còn để lại vết tích to lớn trong sự quyết định cái quan niệm cần lao, cái phép đánh giá sản phẩm, cái hình thái của thị trường sản phẩm tiêu dùng độc đáo của Nhật bản nữa. Ngày nay, trong những cục diện mà sự cọ sát mậu dịch, thể chất đắt đỏ của thị trường Nhật Bản, đã trở thành những vấn đề rắc rối, thì người ta đều thấy xuất hiện cái ảnh hưởng của Tâm học Thạch Môn dưới nhiều hình thức khác nhau. Xem như vậy, thì Ishida Baigan, tổ sư của Tâm học Thạch Môn, không thể không được coi là một trong những người đã lập ra nước Nhật được.

Vậy thì, Ishida Baigan là nhân vật đã sinh ra ở thời nào và đã sống như thế nào?

Ishida Baigan sinh năm 1685 (niên hiệu Jokyo năm thứ hai), tức là lúc thời kỳ Genroku[1] sắp bắt đầu, và mất năm 1744 (niên hiệu Enkyo nguyên niên), tức là vài năm sau khi thời Kyoho (1716-1736) đã mãn. Nghĩa là ông sinh ra trước thời Genroku và mất sau thời Kyoho. Nói theo tây lịch, thì như vậy là ông đã sinh ra vào thời mạt của thế kỷ thứ XVII, mất vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII. Như vậy, ông là nhân vật đã sống vào đúng giữa thời Edo.

Cuộc đời Ishida Baigan có thể chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu là thời niên thiếu. Baigan là tên hiệu của ông, chứ tên thật của ông là Okinaga, thường được gọi là Kampei. Con thứ của một gia đình nông dân ở thôn Toge, quận Kuwata, thuộc đất Tanba (nay là thị xã Kameoka, tỉnh Kyoto). Cha tên là Ishida Gon’emon, mẹ là Tane. Năm 1692 (niên hiệu Genroku năm thứ năm), lên tám tuổi (cũng có thuyết nói là 12 hay 13 tuổi), Baigan đã phải đi ở đợ làm tiểu đồng cho một nhà buôn bán quần áo ở kinh đô Kyoto. Nhà hàng này hình như nhỏ lắm, vì chẳng bao lâu sau khi Baigan tới đó phục vụ thì nhà hàng bị phá sản.

Trước khi đi ở đợ, Baigan đã được cha dặn dò rằng: "Ði ở thì phải coi trọng chủ nhà như cha mẹ. Không được làm gì bêu xấu chủ nhà." Nhớ lời dặn đó, Baigan đã không trở về xứ sau khi nơi ở đợ đã bị phá sản. Ngược lại, Baigan nấn ná ở lại, làm phu lấy tiền nuôi chủ nhà. Chuyện này đến tai người mối đã giới thiệu nơi ở đợ, nên năm 15 tuổi, Baigan được cha mẹ đón về quê quán. Baigan như vậy đã sống cuộc đời gian khổ ở tuổi thiếu niên, nghĩa là phải đi ở đợ, rồi vì chủ nhà bị phá sản, nên phải đi làm phu nuôi chủ nhà trong những năm phồn vinh của thời Genroku, từ niên hiệu Genroku năm thứ năm tới năm thứ 12. Chịu đựng được như vậy quả đã chứng tỏ cái bản tính khác thường của Baigan vậy.

Trở về quê, Baigan đã sống một thời gian ở thôn Toge, hình như là giúp việc làm ruộng. Thời gian này không thấy được ghi chép rõ ràng.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn làm nghề buôn. Lần này, Baigan lại lên kinh đô Kyoto năm 1707 (niên hiệu Hoei năm thứ tư). Lúc đó Baigan đã 23 tuổi. Lần trước thì ở đợ cho một nhà buôn nhỏ, nhưng lần này thì Baigan ở đợ cho một nhà buôn lớn. Ðó là cửa hàng bán quần áo rất bề thế, tên hiệu là Kuroyanagi.

Lúc này, kinh nghiệm hay thành tích làm việc cho nhà buôn phá sản trước kia, đã bị quên lãng mất rồi, nên dù đã tới tuổi 23, Baigan vẫn phải bắt đầu từ một chú tiểu đồng. Nói chung, đi ở làm tiểu đồng thường là bắt đầu từ tuổi 12, 13. Như vậy, Baigan đã bắt đầu đi làm tiểu đồng chậm hơn những trẻ khác 10 năm. Nghĩa là trong đám tiểu đồng 12, 13 tuổi thì bỗng vọt lên một đứa 23 tuổi. Cái khổ tâm của Baigan là thế đấy.

Thế mà Baigan vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Năm 1727 (niên hiệu Kyoho năm thứ 12), sau 17 năm gian khổ làm tiểu đồng, rồi đứa ở nhỡ, Baigan đã được cất nhắc lên làm quản gia. Nhưng năm 42 hay 43 tuổi, Baigan đã nghỉ hưu. 20 năm này chính là khoảng thời gian ông đã có được kinh nghiệm sâu sắc của nhà buôn và cơ hội suy nghĩ sâu đậm về cuộc đời. Tập tiểu thuyết "Chân dung một người đàn ông khiêm nhường" (tác giả: Sakaiya Taichi) chính là miêu tả Baigan trong thời kỳ này.

Thế rồi giai đoạn thứ ba. Nhờ đã học hỏi về Thần đạo, Nho giáo và Phật giáo trong thời kỳ làm công, Baigan bây giờ bỏ thời gian đi tầm sư học đạo, và ông đã hạnh ngộ được với Oguri Ryo’un, một ẩn sĩ được trọng vọng. Baigan đã theo vị này tu Thiền, rồi giác ngộ được câu nói "hãy trở về trạng thái vô ngã" có nghĩa là "hãy tìm hiểu lòng mình." Do đó, sau khi đã thôi không đi làm nữa, năm 1729 (niên hiệu Kyoho thứ 14), ở tuổi 45, Baigan đã mở trường tư thục luyện Tâm học ở phường Kurumaya, kinh đô Kyoto. Theo cảm giác ngày nay, thì 45 tuổi ở thời đó tương đương với tuổi gần 60 bây giờ, tức là tuổi về hưu. Nói cách khác, sau khi về hưu, ông mới bắt đầu mở trường tư thục. Từ đây cho đến lúc mất ở tuổi 60, ông đã miệt mài 15 năm làm thày đồ giảng dạy và viết sách.



Xã hội võ sĩ samurai là xã hội "tổng số zero"

Ishida Baigan đã sống tuổi thơ ấu trong thời kỳ Genroku, đã làm công cho nhà buôn trong thời kỳ Kyoho và sau cùng đã làm thầy dạy học trong thời kỳ Genbun. Trước khi kể lại các hoạt động của nhân vật này, ta cần phải khảo sát qua về ba thời kỳ vừa nói.

Chúa Tokugawa Ieyasu đánh thắng trận Sekigahara là năm 1600 (niên hiệu Keicho năm thứ năm), rồi lập ra nhà mạc phủ Tokugawa là năm 1603 (niên hiệu Keicho năm thứ tám). Khoảng từ 80 tới 85 năm sau đó, Ishida Baigan mới ra đời. Nếu coi trận đánh Sekigahara tương tự như lúc khởi đầu của cuộc Duy tân Minh Trị (1867), thì 85 năm sau là năm 1953, hay tám năm sau khi Nhật Bản thua trận Chiến tranh Thái Bình Dương, đồng thời là lúc sắp sửa diễn ra cái gọi là "thể chế năm ‘55[2]" Nếu nghĩ rằng Baigan đã sinh ra vào thời kỳ như vậy thì có thể ta sẽ thấy dễ hiểu hơn.

Ký ức về thời Chiến quốc đã phai mờ, và thể chế mạc phủ Tokugawa đã bén rễ vững vàng. Kinh tế thì phát triển. Baigan sinh ra đúng vào thời kỳ kinh tế thịnh vượng "bong bóng" tương tự như thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao độ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai vậy. Thế nhưng, khi thiếu niên Baigan từ vùng quê Tanba ra kinh đô Kyoto, thì "bong bóng" thịnh vượng chưa thấy đâu, mà việc buôn bán làm ăn đã bước vào lúc khó khăn, rồi nhà hàng mà thiếu niên đến đó ở đợ đã phá sản.

Có một dạo từ "Thời Genroku Showa[3]" đã được ưa dùng để chứng tỏ rằng thời Genroku là thời kỳ thịnh vượng như thế nào. Song cái thịnh vượng, cái hào nháng đó đã chỉ đi sướt qua thiếu niên Baigan. Cậu đâu có được hưởng cái phồn hoa đó? Ngược lại, cậu đã phải nếm mùi gian khổ do "phản động lực" của sự phồn hoa đó gây ra.

Chương VI về Tokugawa Ieyasu có nói, thời chiến quốc Nhật là thời kỳ "hạ khắc thượng." Người tài có cơ hội đoạt lấy địa vị chóp bu. Khoảng thời gian đầu của thời kỳ đó, người ta ứng dụng kỹ thuật học từ Trung Hoa, thời gian sau thì học từ Tây Âu để phát triển kinh tế. Thoạt nghe nói thời Chiến quốc, người ta thường có cảm giác là thời đó chỉ có đánh chém lẫn nhau. Nhưng thực ra, đó là thời kỳ mà văn hóa phát triển, kỹ thuật tiến bộ và kinh tế phát đạt. Nhất là kỹ thuật xây dựng thì đã tiến được những bước dài. Dân số thì gia tăng. Tư tưởng, kiểu cách sinh hoạt cũng đã có những tiến bộ rất lớn. Nói cách khác, đó là thời kỳ đáng được gọi là "Thời phục hưng (Renaissance)" của Nhật Bản vậy.

Sau trận đánh Sekigahara và sau khi thể chế mạc phủ Tokugawa đã ổn định rồi, thì nhân tài và tiền bạc liền được dùng cho dân sinh. Vì thế, những ngành nghề dân sinh đã phát triển mạnh mẽ.

Mặt khác, xã hội samurai thì đã rơi vào trạng thái "tổng số zero." Trước đó, từ Oda Nobunaga, qua Toyotomi Hideyoshi rồi Tokugawa Ieyasu, tất cả đều là những tổ chức tăng trưởng lớn mạnh. Thế nhưng, khi thể chế Tokugawa được định xong rồi, thì lúc đó, với đất đai trong toàn quốc chỉ có diện tích nhất định, vấn đề còn lại chỉ là làm sao chia xẻ cái nguồn lợi thu hoạch mà thôi. Lãnh địa của toàn tập thể samurai không tăng lên hơn. Vì thế, những nguyện vọng như "muốn có lãnh địa lớn hơn" hoặc "muốn trở thành lãnh chúa to hơn" đều là những ý nghĩ không chính đáng.

Sự phủ nhận cái tư tưởng muốn bành trướng, đã được Tokugawa Ieyasu dạy bảo bằng cách tru diệt các phiên chúa có công, qua cuộc thanh trừng gọi là tái cấu trúc (Chương VI). Võ sĩ samurai toàn quốc Nhật Bản đã phải thay đổi tính tình (re-minding) đi.

Dưới thể chế mạc phủ Tokugawa, võ sĩ samurai phải học hỏi cách sống cho thích hợp với xã hội "tổng số zero." Kết quả là sự khám phá ra cái gọi là "chủ nghĩa minh quân." Nghĩa là, giá trị của võ sĩ samurai không còn là tài mở rộng lãnh địa, khả năng có nhiều thuộc hạ nữa. Ngược lại, họ phải làm sao cư xử cho phải đạo, phải biết yêu dân, phải được thuộc hạ kính nể, phải có tư cách tốt và ý thức thẩm mỹ cao. Như thế mới đáng gọi là võ sĩ samurai tốt. Ðây là một tư tưởng bảo thủ cực kỳ thoái hóa.

Kasumi
10-02-2007, 12:35 PM
Sự phát đạt bong bóng thời Genroku

Một trăm năm đầu của thời mạc phủ Tokugawa, là thời kỳ mà xã hội thương gia trưởng thành lớn lao. Do đó, số con cháu võ sĩ samurai đã bỏ giai cấp samurai để gia nhập giới kinh doanh không phải ít. Chẳng hạn, một trong Mười Dũng sĩ Amako[4] lừng danh, là Yamanaka Shika-no-suke, có người con thứ, tên là Shinroku (1570-1650), đã trở thành người lái rượu ở đất Settsu Itami. Ông đã phát minh ra phương pháp nấu rượu sake, và trở thành thủy tổ của dòng họ phú thương Konoike. Thủy tổ của dòng họ tài phiệt Sumitomo là Soga Rihei, người sáng lập ra nhà phú thương Yodoya là Okamoto Yozaburo (Tsuneyasu), v.v., đều xuất thân từ giai cấp võ sĩ samurai cả. Dĩ nhiên cũng có những nông dân đã trở thành phú thương. Ngoài ra, cũng có những người từ Triều Tiên, từ Trung Quốc, vào làng rồi trở thành thương gia hay thợ lành nghề.

Giai đoạn một trăm năm đầu của thời mạc phủ Tokugawa đã thu hút được những nhân tài như vậy và đã phát triển kinh tế một cách khí thế. Nửa chừng, cũng có những tai họa như đám cháy lớn thời Meireki-Manji[5], thời làm ăn thua lỗ của những năm Tenna (1861-1864), nhưng rồi kinh tế lại phục hồi để lại tiếp tục tăng trưởng mạnh. Khoảng thời gian gần 80 năm giữa trận đánh Mùa Hè Ozaka[6] (tháng Năm âm lịch, 1615) cho tới khoảng giữa những năm Genroku, là lúc kinh tế thịnh vượng và tăng trưởng nhanh. Ðỉnh cao của thời kỳ thịnh vượng này chính là những năm Genroku hào hoa vậy.

Trong khoảng thời kỳ thịnh vượng dài này, đã có nhiều ngành nghề phát sinh ra. Thí dụ, thợ làm súng ống bằng sắt thép trong thời chiến tranh, nay chuyển sang chế tạo nông cụ. Thế là nhờ có nông cụ bằng sắt nên những vùng đất cằn cỗi trước đây bỏ hoang, nay cũng được khai khẩn. Việc khai mỏ đào hầm lại phát hiện được những nguồn nước ngầm phun ra. Nhờ thế, kỹ thuật đào đường mương, kỹ thuật bơm nước tiến bộ và nghề khoáng sản cũng phát triển.

Hơn hết cả là sự khai thác đất đai đã tiến mạnh. Ðiều này có nghĩa là ở thời gian đầu của thời mạc phủ Tokugawa, Nhật Bản hãy còn có nhiều đất đai để khai phá.

Chẳng hạn, khi họ Tokugawa lập ra mạc phủ đóng đô ở vùng Kanto, thì chỉ cần cải thiện các dòng nước một chút thôi là đã khiến cho đồng bằng Kanto trở thành một vùng nông canh rộng lớn. Ngay trong thành Edo, chỉ trong một thời gian ngắn, việc lấp ven biển đã mở thêm được một diện tích đất rộng lớn. Những nơi trước kia là đất núi, nay cũng được dẫn nước vào và trồng loại hoa màu thích hợp. Vùng đất sình lầy thì được tát nước đi thành vùng đất trũng để phát triển hoa màu thích nghi. Thế rồi, việc trao đổi, lưu thông những sản vật như vậy, đã khiến cho nền thương mại phát đạt. Rồi với sự ổn định chính trị của mạc phủ Tokugawa, việc phát hành phiếu tín dụng và thể thức giao dịch thị trường tương lai đã nẩy sinh ra.

Thế nhưng, nền kinh tế thương nghiệp khi phát triển tới một mức độ rồi thì bị chùn lại. Ðó là vì bước vào thế kỷ thứ XVII thì những tiến bộ kỹ thuật có tính cách toàn cầu ít đi, và Nhật Bản, với đường lối bế môn tỏa cảng, đã không có những kích thích kinh tế đáng kể nữa.

Vì thế, vào khoảng giữa thời Genroku thì không thấy còn có đối tượng đầu tư có hiệu quả nữa. Dẫu có đổ tiền vào khai thác đất đai thì đất canh tác cũng không tăng thêm nữa nghĩa là với kỹ thuật thời đó, chỗ nào khai thác được đều đã được khai thác hết rồi.

Ðương nhiên, cán cân I-S[7] bị mất thăng bằng, khiến nẩy sinh ra tình trạng dư thừa nguồn vốn. Bọn nhà giầu xổi ở Edo và Ozaka có tiền không biết dùng vào đâu, bèn bỏ ra du hí miệt mài. Thời Genroku là lúc mà những loại hình nghệ thuật, như kịch hát bội Kabuki, kịch rối Bunraku, tranh hoa lệ của Ogata Korin hay nghề thủ công đã phát triển mạnh. Một hình thức đua tài thời trang gọi là "thi đua Kimono" đã thịnh hành, và thú ẩm thực cũng thịnh lắm. Nói cách khác, cái hào nhoáng của thời Genroku chẳng qua là cái bong bóng do tư bản thương nghiệp đã mất đất dụng võ thổi phồng lên.

Thế mà vẫn còn tiền thừa để cho các phiên chúa vay nợ. Ðời sống trở nên xa hoa, thì võ sĩ samurai cũng như lãnh chúa đều phải tiêu sài tốn kém. Giới võ sĩ, với thu nhập cố định một cọc ba đồng thì dứt khoát là nghèo đi. Mức sinh hoạt chung tăng lên, song mức thu nhập của võ sĩ samura vẫn không thay đổi. Lương lậu được lĩnh bằng gạo nên tuy không chịu ảnh hưởng của lạm phát, song không theo kịp đà tăng của mức sinh hoạt và sự gia tăng kinh tế. Mạc phủ Tokugawa mặc dầu không võ trang mà đã duy trì được quyền lực tới 260 năm, chính là nhờ ở cơ chế bần cùng hóa mãn tính của giai cấp cai trị.

Thế nhưng, tiền cho phiên chúa vay chỉ là để lấy lời, chứ có sinh ra tài vật gì đâu. Rốt cục, các phiên địa đều rơi vào tình trạng tài chính eo hẹp. Ðến thời Genroku, thì ngay nền tài chính của mạc phủ cũng bị quẫn bách. Vàng bạc tích lũy từ thời bậc khai tổ là Tokugawa Ieyasu cũng cạn đi mất hết.

Không làm sao khác được, tháng 8 năm 1695 (Genroku năm thứ tám), mạc phủ đã cho đúc tiền lại. Hàm lượng vàng trong đồng tiền vàng bị giảm bớt đi. Thay vào đó, đồng được trộn vào, và số lượng tiền được đúc ra nhiều hơn. Ðồng tiền bạc cũng được pha thêm chì để đúc ra số lượng nhiều hơn. Nói theo kiểu ngày nay, thì đây là lạm phát tiền tệ. Ðương nhiên, sự lạm phát như vậy làm cho việc làm ăn được phấn chấn một thời gian.

Nửa sau của thời Genroku chính là lúc thịnh vượng bong bóng. Ðám nhà thầu xây dựng như Kinokuniya Bunzaemon được lời lớn. Bởi vì họ trúng những mẻ thầu lớn như xây điện Goji-in và chùa Gokokuji. Tình huống này cũng tương tự như thời kinh tế bong bóng của những năm 1980.

Song, bong bóng vẫn chỉ là bong bóng. Sự thịnh vượng giả tạo không được yểm trợ bởi sự gia tăng sản xuất và gia tăng tiêu dùng, thì không thể kéo dài được. Bốn năm sau vụ đúc tiền lại, tức là khoảng năm Genroku thứ 12 (1699), bong bóng bắt đầu xẹp dần. Chính lúc đó là thời kỳ Baigan đến ở đợ cho nhà buôn đầu tiên bị phá sản. Mới 8 tuổi đầu, từ nhà quê Tanba ra nơi đô hi Kyoto, mặc dù được mắt thấy cái vẻ hào nháng của thời Genroku, nhưng chưa có cơ hội thưởng thức thì đã phải nếm mùi thảm thương là nơi ở đợ bị phá sản.



Thời Yoshimune có thế tình giống như ngày nay

Thế tình mỗi ngày một xuống dốc. Tiểu thuyết "Chân dung một người đàn ông khiêm nhường" (tác giả: Sakaiya Taichi) viết về Baigan của thời kỳ đó.

Vụ trả thù chúa nổi tiếng Chushin-gura[8] diễn ra ngày 15 tháng Chạp âm lịch, năm Genroku thứ 15. Theo dương lịch, người ta hay coi vụ này diễn ra năm 1702. Nhưng vì đó là ngày 15 tháng Chạp âm lịch, nên theo dương lịch lúc đó phải là đã sang năm 1703. Lúc đó, bong bóng thịnh vượng đã xẹp rồi, việc làm ăn trở nên khó khăn một cách trầm trọng. Vì vậy, sự kiện phiên chúa Asano Takumi No Kami đã hà tiện trong việc đút lót Kira Konosuke No Suke không phải là không có liên quan tới vấn đề tài chính eo hẹp của phiên bang.

Thời Genroku chỉ kéo dài 17 năm. Tháng 3 năm thứ 17, niên hiệu đổi thành Hoei nguyên niên. Niên hiệu này ít được mỗi người nhớ tới, duy chỉ có vụ nổ Hoei của núi Phú Sĩ (năm Hoei thứ tư, tức 1707) là nổi tiếng. Khói bụi do núi phun ra đã rắc tro xuống thành Edo (ở cách xa hàng 100 km) và cản ánh nắng đến nỗi năm đó mất mùa. Cảnh khí buôn bán trở nên cáng tệ hơn, và bầu không khí trong xã hội mỗi ngày một thấy bí bích hơn. Chỉ còn một lối xả hơi duy nhất là phong trào đi lễ đền Ise.

Một hiện tượng thú vị của thời Tokugawa mỗi khi cảnh khí làm ăn không phấn chấn, thì không lần nào sai lần nào, mọi người đua nhau đi lễ đền Ise. Theo kinh tế học ngày nay, thì sự biến động dài hạn của cảnh khí kinh doanh là khoảng 60 năm, gọi là "làn sóng Kondrachev[9]." Nền kinh tế bế môn tỏa cảng của thời Tokugawa đã hùng hồn chứng minh điều này. Phong trào đi lễ đền Ise cũng cứ khoảng 60 năm lại thịnh hành một cách nổ bùng lên.

Ði lễ đền Ise quả đã là một phong trào bộc phát, nhất là ở thời Hoei thì chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng trời đã có khoảng 3 triệu 600 ngàn người cuồng nhiệt tham gia.

Thời ấy từ Ozaka tới Ise phải đi mất ba ngày đường. Vậy nếu ngủ lại Ise một đêm, thì như vậy phải mất một tuần đi về. Từ những nơi xa hơn thì phải mất có khi hơn cả chục ngày. Dân số Nhật Bản thời đó chỉ là khoảng 30 triệu người, và như vậy con số người đi lễ đã lên tới khoảng 12 phần trăm dân số nghĩa là 12 phần trăm tổng dân số đã làm một cuộc du lịch lớn từ một tuần tới mười ngày trong vòng chưa đầy hai tháng trời. Nói theo cảm giác ngày nay, thì như vậy tương đương với sự kiện 15 triệu người Nhật Bản đổ xô đi du lịch Nữu Ước trong khoảng thời gian chưa đầy hai tháng trời.

Thời Tokugawa thì người làm công phải trình với chủ nhân, con phải trình với cha mẹ, vợ phải trình với chồng, chứ không được tự tiện bỏ nhà đi du lịch. Hơn nữa, nông dân thì phải trình với lãnh chúa, xin giấy thông hành mới qua cửa ải được. Bởi vì thời ấy chế độ phong kiến, chế độ gia tộc, chế độ chủ tớ đều đè nặng lên đầu mỗi người.

Ðể thoát khỏi được sự kiềm chế như vậy dù chỉ nhất thời thôi, chính là việc đi lễ "lén". Phong trào đi lễ bùng nổ vào những năm ngay sau năm "thiên cung " của đền Ise. Sáu mươi năm một lần phong trào đi lễ bùng nổ lên như vậy đã có hiệu quả giải phóng dân gian khỏi cái bí bức, cái cảm giác khó thở của lúc cảnh khí làm ăn trở nên tồi tệ. Năm Kyoho thứ 15 (1730), đã thấy xuất hiện một cuốn sách phê bình lệ đi lễ "lén" (Sách dạy bảo lẽ phải trái của việc đi lễ lén), song tức khắc lại có sự phản luận. Tầng lớp cai trị cũng thấy "thật là khó xử," song họ cũng phải nhìn nhận công dụng của việc đi lễ là làm tiêu tan sự bất mãn của quần chúng.

Kasumi
10-02-2007, 12:35 PM
Mỗi lần phong trào đi lễ đền Ise bùng nổ ra, là lúc sự tiêu dùng lại tăng vọt lên. Thời Hoei thì nhà trọ và quán ăn hãy còn ít nên mỗi dịp như vậy lại là một phen hỗn độn. Ðịa chủ và phú thương dọc đường tới Ise đã đem khăn phát không cho khách hành hương, hoặc cho họ ăn, hoặc cho ngủ bợ. Dân chảy hội đều nghĩ rằng những phú thương được lời quá trong lúc cảnh khí phấn chấn, thì lúc này là lúc họ đương nhiên phải bù đắp lại cho xã hội. Cũng có thể nói là mỗi lần phong trào đi lễ đền Ise bùng nổ ra vào lúc cảnh khí kinh tế xuống dốc như vậy, chính là cơ hội tái phân phối của cải.

Thế nhưng, trong khoảng thời gian cảnh khí làm ăn xuống dốc như vậy, đám phú thương ở kinh đô hay ở Ozaka đã phải tiêu xài những món tiền lớn, nên họ chịu không nổi nữa. Một mặt, để khỏi bị giới võ sĩ samurai ghen ghét ganh tị, họ phải bắt đầu thắt lưng buộc bụng, sống cuộc đời tiết kiệm. Như vậy lại càng làm cho cảnh khí trở nên tồi tệ hơn.

Thời Genroku và Hoei là đời trị của vị chúa Tokugawa thứ năm, Tsunayoshi. Hai đời chúa sau ông đều đoản mệnh, và sau đó là lúc đăng đàn của vị chúa thứ tám, Yoshimune.

Cảnh khí suy xụp, thì đương nhiên thu nhập của các phiên địa cũng sút giảm. Nền tài chính của mạc phủ, với sự tiêu sái phung phí cho công cuộc đầu tư công cộng, thì nay bị thâm thủng. Nguồn lợi thu được từ việc cho đúc lại tiền nói ở trên, cũng chẳng bao lâu tiêu mất hết.

Ðể đối lại với tình trạng tài chính khó khăn này, chúa Yoshimune đã dạy người ta phải triệt để tiết kiệm. Ðó là cuộc cải cách tài chính thời Kyoho. Chính ông đã nỗ lực tiết kiệm, và ông bắt người khác cũng phải noi gương ấy. Ông dựng nên xã hội do quan chức cầm đầu bằng cách dùng thám tử, gọi là Oniwa-ban, rình rập cung cách sinh hoạt của người khác và nếu thấy tiêu xài xa hoa thì bắt giam, rồi tịch thu tài sản.

Chính trong thời đại tối tăm xuống dốc như vậy mà thanh niên 23 tuổi Ishida Baigan, đã lên Kyoto xin việc làm lại ở nhà hàng bán quần áo Kuroyanagi-ya. Ðây là một nhà hàng lớn, nổi tiếng, nhưng vì phải làm việc ở địa vị tương đương với những cậu bé 12, 13 tuổi, nên Baigan hẳn đã lấy làm khổ tâm lắm. Nói cách khác, Baigan đã bị đưa vào cảnh ngộ đen tối của kẻ thất bại, lạc loài.

Thế tình thời đó cũng giống như tình trạng bong bóng xẹp của những năm 1990. Thế giới của võ sĩ samurai thì đã bị "tổng số zero hóa." Giới thương gia thì khoảng mười năm qua đã xuống dốc dần dần. Sự kiện này đã đánh một đòn tinh thần đau vào giới thương gia. Bởi vì, là con buôn, ai nấy đều hướng đến làm ra tiền, nhưng nay việc làm tiền đã tới giới hạn, họ mất hẳn mục tiêu của cuộc đời.

Ðến thế này thì họ sẽ giữ thủ thế, bằng cách giữ của cải lại. Sách "Gia huấn của họ Konoike," hoặc "Những điều viết để lại" của Mitsui Takatoshi, hay "Ghi chép về ý nghĩ của nhà buôn" của Mitsui Takafusa nghĩa là những sách gia huấn do thương gia viết để lại cho con cháu, phần lớn đã xuất hiện vào những thời Hoei, Seitoku, Kyoho sau Genroku, tức là lúc việc làm ăn đã dần dần xuống dốc. Sách nào cũng dạy là phải "làm ăn cần cù và tiết kiệm," tức là dạy quan niệm nhân sinh thế thủ. Nhà kinh doanh nào đã sống qua thời làm ăn khó khăn sau khi bong bóng Genroku bị xẹp, đều dạy "hãy làm ăn cần cù, sống thanh bạch, tiết kiệm" để có thể vượt qua được thời kỳ làm ăn khó khăn như vậy. Nghĩa là làm sao duy trì cho được thể chất tiêu xài ít, tích lũy nội bộ nhiều, để vượt qua giai đoạn kinh doanh suy sụp.

Lý luận như vậy chỉ đúng trong việc kinh doanh của một xí nghiệp, tức là trong phạm vi kinh tế vi mô. Nhưng nếu mỗi người đều làm việc cần cù, đều tiết kiệm cả, thì trên bình diện kinh tế vĩ mô của toàn dân, sự thăng bằng sẽ không duy trì được. Mỗi người càng làm việc chăm chỉ, cần cù, thì lượng sản xuất càng gia tăng, số cung càng lớn lên. Nhưng nếu mỗi người đều tiết kiệm thì số cầu sẽ giảm đi. Kết quả là hàng làm ra bán không hết. Như vậy, làm bao nhiêu cũng vẫn thấy đời sống khổ cực.

Nếu là thời nay thì lượng sản xuất thặng dư được bán ra ngoài nước làm cho cán cân mậu dịch trở thành "chữ số đen" (bán ra nhiều hơn mua vào). Nhật Bản có "chữ số đen" về mậu dịch quốc tế vào thời đầu của những năm Heisei (niên hiệu kể từ năm 1989 tới nay) lên tới 130 tỷ đôla Mỹ hàng năm, là vì lúc đó mặc dầu không còn đối tượng đầu tư nữa, nhưng mỗi người vẫn làm ăn cần mẫn, vẫn tích lũy đều đặn, cho nên số cung vượt quá số cầu, và lượng sản phẩm thặng dư đã được dồn hết sang bàn cho nước ngoài. Nói bằng ngôn ngữ kinh tế ngày nay, thì tích lũy, hay tiết kiệm (S) phải luôn luôn bằng đầu tư (I), nghĩa là S=I. Như thế, nếu S tăng mà I không có đối tượng thì bắt buộc phải rơi vào tình trạng kinh doanh suy đồi để giảm bớt S đi.

Người Nhật thời Kyoho không có cái hiểu biết kinh tế như vậy, nên mạc phủ Tokugawa đã ra lệnh bắt mọi người phải tiết kiệm đồng thời cấm xa hoa. Vì thế nên nhu cầu càng bới đi, nên đã rơi vào tình trạng cân bằng sút giảm (nghĩa là S=I nhưng cả S lẫn I đều nhỏ lại). Thế nhưng người Nhật rút cục đã nhận biết được điều này. Nghĩa là, người Tây Âu vì đã dựa vào thuộc địa hay chiến tranh với ngoại quốc để tìm đường thoát thân, nên đã không nhận thức được điều mà người Nhật ở thế kỷ thứ XVIII đã hiểu rõ.

Làm thế nào được đây. Có hai con đường. Một là mọi người cùng tán thưởng xa hoa nghĩa là mỹ hóa sự tiêu xài. Hai là bỏ sự cần cù làm ăn đi, bớt số giờ lao động đi và vui chơi trong những thời giờ nhàn rỗi.

Thời đó, người Nhật không thể bỏ sự cần cù làm ăn đi được, vì nhìn ở bình diện vi mô, thì cả nhà nông cũng như nhà buôn, cả hai đều đòi hỏi sự cần cù lao động. Xa hoa cũng không được. Bởi nếu xa hoa thì bị mạc phủ Tokugawa bắt tội, như Yodoya Tatsu Goro đã bị tịch thu tài sản và đuổi khỏi quê quán. Hơn nữa, vật giá gia tăng khiến cho việc buôn bán không thành được. Thật là vấn đề bức xúc với người Nhật thời đó.

Giải pháp đầu tiên là do Ito Miroku (hay Jikigyo) đề xuất. Ðó là sự sùng bái núi Phú Sĩ, mà sau này trở thành tục đi lễ núi Phú Sĩ. Việc này chỉ gồm có vừa leo núi Phú Sĩ vừa tụng câu "lục căn thanh trừng[10]." Thế nhưng, một mặt thì quan niệm rằng "tiền bạc là con đò đưa người ta vượt qua cõi đời trôi nổi này." Nói cách khác, đây là sự tu hành đi tìm cái lợi đời nay chứ không tin vào Thần Phật để được tới thế giới cực lạc.

Ðây chẳng qua là khuyên người ta lao khổ, vận động thật nhiều nhưng không sản xuất ra gì cả. Ðể đền bù, nếu leo núi Phú Sĩ được nhiều lần thì được gọi là "người đạt," được nhiều lần hơn nữa thì trở thành "người đại đạt," được người khác kính nể. Trong một thời gian ngắn, phong trào leo núi Phù Sĩ như vậy đã thịnh hành lắm. Song, chẳng bao lâu, người ta đã tỉnh ngộ vì việc này quá ư ấu trĩ. Nó chỉ làm mệt mỏi nên đã không thuyết phục được đông đảo người ta nữa.

Thời kỳ Kyoho với nỗi bức xúc như vậy của mỗi người, chính là giai đoạn hai trong cuộc đời Ishida Baigan. Lúc này, Baigan đã được thăng chức từ tiểu đồng lên làm quản gia, tức là con buôn hẳn hoi. Ðây là thời kỳ Baigan đã sống trong tình trạng mâu thuẫn kịch liệt.

Ðiều này có quan hệ sâu đậm với cách dạy con của cha Baigan. Người cha này là người hết sức thật thà. Khi Baigan còn nhỏ, đi lượm hạt dẻ ở núi đem về, thì người cha hỏi: "Hạt dẻ đó rơi ở bên trái hay bên phải đường ranh giới?" Khi nghe cậu bé trả lời "bên trái," ông liền nói: "Ðó là hạt dẻ của người khác rơi xuống, lăn sang đất nhà ta. Vậy phải đem trả về chỗ cũ ngay." Rồi ngay nửa đêm, ông bắt cậu Baigan phải đem trả về núi. Câu chuyện này còn lưu truyền tới ngày nay. Chính cái giáo dục nghiêm khắc này đã một phần làm cho Baigan trở thành con người hết sức nghiêm túc, thật thà. Lời cha bảo không được nói xấu nhà chủ, đã khiến Baigan dấu cha nhiều năm không nói ra việc chủ nhà đã phá sản. Thật là sự thật thà nghiêm túc hiếm có.

Baigan là "người nghiêm túc" như vậy đó, nên đã cảm thấy vô cùng bức xúc trước những mâu thuẫn của thời thế. Rồi sau khi suy nghĩ mung lung, Baigan chợt tỉnh ngộ và ở tuổi 42, 43, ông đã xin thôi không làm quản gia cho nhà hàng Kuroyanagi-ya nữa. Như đã thuật, ông theo học Oguri Ryo’un, để rồi tự khám phá ra chân lý của riêng mình.

Năm Kyoho thứ 14 (1729), ở tuổi 45, ông đã mở trường dạy học ở phường Kurumaya, kinh đô Kyoto. Nói là mở trường, song lúc đầu chẳng có học trò nào cả. Trước hết, ông phải ra đứng đầu đường, thuyết giáo cho người qua đường nghe cái suy nghĩ của bản thân mình. Ngày nay, hình thức thuyết giáo này gọi là diễn thuyết đầu đường. Ngày đầu tiên diễn thuyết như vậy chỉ có một nông phu tay cầm một củ cải, đứng nghe thôi.

Có một dạo, ông Takeshita Noboru[11] hay nói: "Dẫu có phải đứng đầu đường, ta cũng quyết thuyết giảng đường lối này." Câu nói này gốc gác là của Ishida Baigan. Nghĩa là, dẫu có phải đứng thuyết giáo đầu đường, xó chợ, ông cũng muốn giảng giải cho rõ cái đạo của mình. Với sự hăng say như vậy, Baigan đã tiếp tục đứng đầu đường thuyết giảng cái đạo của mình vậy.



Làm ăn cần cù là tu thân

Vậy thì Ishida Baigan đã thuyết giảng cái gì. Quả thật, đó chỉ là hãy làm việc cần mẫn, hãy sống tần tiện, thanh bần. Rồi ông giảng giải làm thế nào để sự cần mẫn lại đứng song lập được với lối sống thanh bần. Không phải chỉ khuyên nên làm việc cần mẫn, mà còn cả nên tần tiện, tức là nêu lên một quy phạm luân lý ảnh hưởng đến cả hai đức tính một lúc. Ðó mới là quan trọng.

Kasumi
10-02-2007, 12:36 PM
Nguồn gốc là sự rút gọn cái triết lý độc đáo của mình thành "mọi nghề đều là tu hành" cả. Nói cách khác, làm việc cần mẫn tức là tu thân. Mỗi nghề, từ nhà nông cầy ruộng, nhà buôn bán hàng, thợ chế ra đồ dùng, làm gì cũng vậy, nếu cần cù trau dồi nghề nghiệp, thì tự nhiên nhân cách được tu dưỡng tốt ra. Nói cách khác, để tu dưỡng được như vậy, người ta có thể bỏ quên cái năng suất đi. Lời dạy bảo của Baigan có thể tóm lược như sau:

"Người ta mỗi ngày làm việc sáu tiếng đồng hồ thì được ba hộc gạo (540 lít). Ta làm việc mỗi ngày tám tiếng đồng hồ để lấy ba hộc một thăng gạo (541,8 lít). Ôi tuyệt diệu biết bao."

Nghĩa là người ta đi làm mỗi ngày sáu tiếng đồng hồ để lãnh một năm 540 lít gạo, nhưng Baigan đi làm mỗi ngày tám tiếng đồng hồ chỉ là để lãnh 541,8 lít gạo, thế mới hay, mới thú vị. Cái quan trọng ở đây không phải là đặt trọng điểm của việc làm (sự lao động) vào năng suất, vào sản lượng, mà cái quan trọng là sự tu thân, sự tu dưỡng nhân cách, sự sống sao cho phải đạo làm người.

Nếu đem khái niệm năng suất lao động ra giải thích, thì như vậy là hai giờ lao động cuối cùng có năng suất sút giảm kinh khủng. Bởi vì, nếu mỗi ngày làm việc sáu tiếng đồng hồ mà thâu được 540 lít gạo mỗi năm, thì như vậy là mỗi giờ làm việc một ngày sẽ đem lại 90 lít gạo một năm. Vậy nếu làm việc tám tiếng đồng hồ một ngày mà chỉ được 541,8 lít gạo, thì ra hai tiếng đồng hồ cuối cùng chỉ có năng suất lao động giảm xuống bằng một phần trăm. Thế nhưng, cái quan trọng, cái bí quyết là năng suất này không tụt xuống zero.

Phong trào sùng bái núi Phú Sĩ thì, ngay từ đầu đã biết rằng việc làm này không sản suất ra cái gì cả, nhưng vẫn khuyên người ta leo núi Phú Sĩ. Thế nhưng, phép tu hành của Baigan thì không phải là không sản suất gì cả. Hơn nữa, biết đâu hai tiếng đồng hồ làm thêm kia, lại chẳng mang lại sự được mùa. It lắm, nó cũng giúp tránh khỏi mất mùa. Nghĩa là, nó vẫn hơn ở không, hơn chơi bời. Ngoài ra, nếu nó giúp ta tu thân, thì chẳng phải là điều hay đó sao?

Sách viết của Baigan, như cuốn "Luận về việc tề gia tằn tiện" hoặc sách viết chung với học trò "Vấn đáp tỉnh quê," hay sách do học trò ghi chép lại những câu hỏi và đáp án với học trò "Lời thày Ishida dạy," tất cả tựu trung là lập đi lập lại lời dạy "lao động cần cù là tu dưỡng nhân cách."

Tóm lại, nền Tâm học Thạch Môn của Ishida Baigan lấy tư tưởng đó làm căn bản. Nó đã thuyết phục được người đương thời bởi vì nó không thuyết giảng sự lao động sản xuất trong sự gò bó cưỡng bách, ngược lại nó chủ trương lấy lao động làm phương tiện tu thân.

Tư tưởng của Baigan dần dần được đệ tử truyền bá ra toàn quốc. Học xá Tâm học Thạch Môn đã được lập ra ở khắp nơi. Sau khi Baigan mất, người ta thấy đã mọc ra ở kinh đô Kyoto ba học xá là Tu chính xá, Thời tập xá và Minh luân xá. Ở Ozaka cũng có ba trường là Minh thi xá, Tĩnh an xá và Ý hành xá. Rồi ở thành Edo thì có Tham tiền xá.

Từ các học xá này, đã xuất hiện nhiều nhân vật xuất sắc. Chẳng hạn, Tejima To-an là người đã đóng góp nhiều cho sự phổ biến cái học của Ishiba Baigan, bằng cách bỏ tiền ra mở trường Tâm học. Hay là, một trong những học trò của To-an, tên là Nakazawa Doni, đã mở trường truyền bá Tâm học Ishida ra khắp vùng Kanto. Trong hậu bán của thời kỳ mạc phủ Tokugawa, người ta thấy đã có tới mười phiên chúa kể cả phiên chúa Yamazaki của phiên địa Haruma No Kuni, là môn đồ của Doni.

Cái đặc sắc nhất trong phương pháp thuyết giảng Tâm học của họ là dùng những tỷ dụ, những câu chuyện lý thú để giải thích từng vấn đề của cuộc sinh hoạt thường ngày, giống như lời thuyết pháp của thày chùa vậy. Phương pháp thuyết giảng này đã được cả phiên chúa lẫn thứ dân hoan nghênh. Hơn thế nữa, cho đến thời đó thì không hề có trường học nào lấy đối tượng là nữ giới cả. Nhưng, những trường Tâm học Ishida này đã hoan nghênh cả nữ giới nữa. Thật là một tiến bộ đáng ngạc nhiên.

Xem những bức tranh vẽ quang cảnh một phòng học của trường Tâm học Thạch Môn, người ta thấy thày giáo ngồi trên giữa một cái bục ở chính diện. Học trò nam nữ chia nhau ra ngồi hai bên phòng, ở giữa có một tấm mành mành ngăn cách. Học trò đều có thể nhìn thấy mặt thày, nhưng hai bên học trò nam nữ thì không thấy mặt nhau được. Nhờ có sáng kiến mới như vậy, nên trường Tâm học đã lan ra khắp nước, được đại chúng ủng hộ coi như là nơi nương tựa tinh thần. Nhờ thế, đã có tới 21 trường như vậy được lập ra. Tất cả những trường này đều chỉ dạy người ta hãy làm việc cần mẫn, hãy trau dồi nghề nghiệp của mình, thì như vậy nhân cách cũng sẽ được tu dưỡng. Nghĩa là, tất cả là để truyền bá cái tư tưởng cần cù, tần tiện, an phận tri túc của Ishida Baigan.



Ngồi không là uổng

Tư tưởng của nền Tâm học do người quản gia hơn người, Ishida Baigan, khởi xướng, đã có ảnh hưởng sâu đậm tới Nhật Bản và người Nhật. Ngay ở thời đại với nhiều biến đổi nhanh chóng như ngày nay, tư tưởng đó cũng đáng là đầu đề suy ngẫm.

Ảnh hưởng thứ nhất là, người Nhật ai nấy đều coi sự làm việc cần cù không kể đến năng suất lao động, không đếm xỉa đến tính kinh tế, là vô cùng tốt. Do đó, mới nảy sinh ra ý nghĩ "chơi là phí phạm, ngồi không là uổng." Ðến gần đây, người ta mới thấy giảm bớt đi, chứ chỉ 10 năm, 15 năm trước đây thôi, nhà nông cũng như người buôn bán lẻ, ai nấy đều có ý thức như vậy cả.

Thí dụ, có những nhà hàng bán trái cây ở góc phố mở cửa tới quá 10 hay 11 giờ đêm. Nếu hỏi chủ cửa hàng "Quá 8 giờ thì khách vào có đông không?" Ông ta sẽ trả lời "Chỉ lác đác thôi. Rút cục chỉ đủ tiền điện." Lại hỏi "Vậy sao không đóng cửa, nghỉ cho khỏe?" Thì ông sẽ nói "Dạ thưa, ngồi không thì uổng. Trông cửa hàng để khỏi ngồi không."

Hay là vào một nhà hàng giặt ủi, người ta sẽ thấy quần áo giặt ủi xong được xếp lại gọn ghẽ, bọc nilông hẳn hoi. Thế nhưng ở nước ngoài thì để tránh lãng phí công sức như vậy, quần áo giặt ủi xong chỉ được máng lên mắc áo bằng dây kẽm. Một cái mắc áo dây kẽm như vậy chỉ tốn 10 Yen, nếu đem so với công sức mười phút đồng hồ để gấp xếp rồi bọc nilông, thì không đáng kể. Thế nhưng, nhiều chủ tiệm giặt ủi sẽ nói "bề nào cũng ngồi không, nên gấp lại như vậy tốt hơn."

Với nhà nông, thì ý thức đó càng rõ hơn. Chẳng biết có thu hoạch được thêm chút nào không, nhưng người ta bao giờ cũng vác cuốc ra đồng. Nói cách khác, làm việc để tự thấy mãn nguyện, làm việc để được an tâm, đã trở thành một tập quán của người Nhật vậy. Thời Showa (1926-1989), người Nhật bị phê bình là "làm việc quá nhiều." Ðó chính là chứng tích của tư tưởng "làm việc cần cù chính là tu dưỡng tinh thần, tu dưỡng nhân cách" của Baigan vậy.

Nhưng nếu tư tưởng này chỉ dừng lại ở đây thôi, thì ảnh hưởng cũng nhỏ. Khốn nỗi, nó đã lan rộng ra, tạo thành nét độc đáo của nền văn hóa Nhật Bản.



Mâu thuẫn giữa làm ăn cần mẫn và lối sống thanh bần

Trong nền văn minh Thiên chúa giáo của Âu Tây, hay trong nền văn minh Hồi giáo của vùng Trung Ðông, thì làm việc cần mẫn là để tích lũy tài sản để sau này vui thú hưởng nhàn. Do đó, chính việc làm ăn cần cù trở thành đề tài "nên hay không nên." Nhưng nếu thuyết dụ nếp sống thanh bần, thì tốt hơn hết là coi trọng tín ngưỡng, mà việc cầu nguyện thần thánh là ưu tiên.

Trong nền Nho học của Trung Hoa, thì cái học của Chu Tử lấy sự hiểu biết làm chủ (chủ tri chủ nghĩa), nên coi trọng tri thức và tưởng thưởng sự cần mẫn. Nhưng đó là sự cần mẫn học tập để mở rộng tri thức, chứ không phải là sự cần cù làm ăn. Nói cách khác, đó không phải là khích lệ người ta cần cù sản xuất để truy cầu cái lợi ích đời nay.

Mặt khác, thanh bần là một trong số những tư tưởng trung tâm của Công giáo. Chẳng hạn, Công giáo thời trung cổ coi "Gautier một xu dính túi không có," "Pierre nghèo rớt mùng tơi" hoặc "Thánh Francisco nói chuyện với cả chim chóc," đều là hay, là giỏi. Thày tu thì bỏ hết bề ngoài hào nháng, chỉ mặc đồ đen hoặc đồ trắng. Dòng Francisco thì mặc quần áo màu nâu. Lưng chỉ thắt một sợi dây gai, để thực tiễn sự tiết kiệm.

Tư tưởng coi thanh bần là thiện, thì có ở khắp thế giới. Thế nhưng ít thấy có những nhà tư tưởng nào đồng thời dạy người ta cần cù làm ăn. Giảng dạy người ta hãy chăm chỉ cầu chúa, hay cần cù học tập để hiểu biết thì có, chứ còn việc chăm chỉ làm ăn thì không lưỡng lập được với lối sống thanh bần, nên thường được né tránh. Thế nhưng, Baigan thì dạy người ta cần cù lao động, dù là làm ruộng, hay làm thợ, hay đi buôn, thì đây quả là đã lập nên một nền luân lý độc đáo.

Không phải nước ngoài không có tư tưởng coi lao động cần cù là thiện. Giáo lý Tin lành chẳng hạn, là một. Song ở đó, cần mẫn và thanh bần đã trở thành mâu thuẫn với nhau.

Kasumi
10-02-2007, 12:37 PM
Chẳng hạn, trong các giáo phái Tin lành, thì Thanh giáo (Puristan) đã thực tiễn cả hai. Họ phạt rừng, làm rẫy, cho nên bị những người khác ghê sợ vì sự kiện họ phá hoại thiên nhiên và sự cân bằng kinh tế. Có một thời, cuộc cách mạng Thanh giáo này đã lan rộng ra hết nước Anh, nhưng rút cục, họ đã phải bán sới châu Âu và tìm đường sống ở châu Mỹ.

Mặt khác, cũng có giáo phái Tin lành chỉ chung sự cần mẫn và bỏ lối sống thanh bần đi. Nghĩa là, với thành quả của sự làm ăn cần cù, người ta có thể hưởng lạc. Chính cái tư tưởng này đã phát sinh ra "Tinh thần chủ nghĩa tư bản" của Max Weber vậy.

Một điều làm cho người ngoại quốc hay hiểu lầm Nhật Bản, là Zen (Thiền). Baigan cũng nhiệt tâm tu Thiền, cho nên cũng có thể bảo rằng Tâm học Thạch Môn phát sinh ra từ Thiền. Song, cái Thiền mà người ngoại quốc nghiên cứu, là Thiền của thời đại Kamakura, chứ cái Thiền mà của phần đông người Nhật đời nay thì khác xa lắm. Nguyên lai, Thiền coi đức Ðạt Ma Ðại Sư (Tổ Sư) ngồi nhìn tường chín năm là tài, là giỏi. Nghĩa là, coi việc triệt để sống thanh bần, chứ không màng tới lao động sản xuất, mới là hệ trọng.


Chủ trương chi ly đã trở thành thói quen buôn bán

Ảnh hưởng thứ hai của lời dạy "mọi nghề đều là tu thân" của Baigan, là sự suy luận từ mặt trái của câu đó, tức là "nếu có nhân cách đàng hoàng thì tất sẽ lao động cần cù trong sản xuất."

Người Nhật thời Tokugawa có ít tiến bộ về kỹ thuật, đồng thời đất đai thì hạn hẹp và tài nguyên thì nghèo nàn. Như vậy, nếu mọi người đều làm việc cần cù, thì sẽ xảy ra tình trạng lao động quá nhiều, đất đai và tài nguyên không đủ. Ðó là hiện tượng "treo mạng sống cho một mảnh đất." Nghĩa là người ta dốc hết sức lao động vào một mảnh đất nhỏ hẹp, một nhúm tài nguyên nhỏ nhoi. Như vậy sẽ phát sinh ra sự cạnh tranh làm cho tốt, làm cho đẹp tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Sự cạnh tranh này tăng lên, sẽ khiến người ta nghĩ rằng: "Tôi là người có nhân cách cao khiết, nên mới làm ăn cần mẫn như vầy. Chứng cớ là tôi chú tâm làm kỹ tới những chi tiết mà người khác không nhận ra." Cái "kỹ tính," tức là cái đặc tính chú trọng tới chi tiết của người Nhật, đã làm cho họ "làm kỹ" cả tới mặt trái của quần áo, hay cái mặt đế của bàn thờ Phật.

Nghĩa là, muốn được cả "cần" lẫn "kiệm" thì không những phải hạ năng suất lao động xuống, mà đồng thời còn phải để ý tới những gì người khác không nhìn thấy, để nâng trị giá gia tăng lên, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Ðúng ra, đây chính là để khoe cái giá trị của sản phẩm mình ở chỗ kỹ càng và tỉ mỉ. Thế rồi từ đó tạo ra cách thức đánh giá con người ở cái đức tính có thể làm ra được sản phẩm như vậy.

Sau rốt, cái tỉ mỉ, cái kỹ càng đó đã trở thành đặc trưng của sản phẩm Nhật Bản, thành tập quán làm ăn của người Nhật. Những chỗ chẳng cần thiết gì cả, cũng câu nệ làm cho kỹ càng tỉ mỉ. Thậm chí, cái cách gói ghém sản phẩm, cái cách dán nhãn cũng cầu kỳ, cũng để ý từng li từng tí một.

Thế nhưng, những chỗ cầu kỳ, tỉ mỉ như vậy thì người thường không hiểu nổi. Chúng trở thành trung tâm của sự cạnh tranh giữa các thợ lành nghề: "Cũng cùng một vật liệu, nhưng cái công sức tôi đã đổ vào đó, thì khác xa. Xin hãy nhìn chỗ này này. Người trần mắt thịt thì đâu có nhìn thấy những chỗ tôi đã đổ công sức vào như vậy."

Lúc này, sản phẩm ngoại quốc khi nhập vào thị trường Nhật Bản hay bị khiếu nại, chê bai về sự gia công bôi bác ở những chỗ nhỏ nhặt. Chẳng hạn, khi xem nước sơn xe ôtô có được gia công cẩn thận hay không, người ta thường vạch lên đó một đường nghiêng, rồi kiểm tra từng chiếc xe một, bằng cách chiếu một tia sáng vào đó xem có thể nhìn rõ tia phản xạ qua một mặt gương phẳng không. Hơn nữa, người ta kiểm tra nghiêm ngặt xem cánh cửa xe khi đóng lại thì khe hở giữa mép cánh cửa đã đóng lại với lỗ đóng cánh cửa có đều nhau từ trên xuống dưới không. Chỉ có Nhật Bản mới kiểm tra kỹ lưỡng như vậy.

Ý thức về cái đẹp ở cả những chỗ tỉ mỉ người Nhật, cũng thấy xuất hiện trong bản in. Ở nước ngoài, vì mỗi từ dài ngắn khác nhau nên người ta chỉ chú ý đến làm thẳng hàng phía bên trái, còn phía bên phải thì để cho lồi lõm (hoặc phải cắt từ ở giữa chừng). Trong sách Nhật thì mỗi hàng chữ có chẵn 41 từ, nên hoặc dấu chấm phết được treo lửng, hoặc người ta xê xích mỗi chữ đi một chút cho lọt các dấu chấm phết vào mà không thấy rõ sự xê dịch như vậy, sao cho cả đầu dòng lẫn cuối dòng đều thẳng hàng với nhau một cách đều đặn.

Nếu in giấy cả hai mặt, thì bát chữ mặt trái phải vừa khít với bát chữ mặt phải. Mới chỉ khoảng mươi năm trước đây thôi, người ta còn chưa câu nệ điều này, nhưng càng gần đây thì sự câu nệ này càng thái quá lắm. Dĩ nhiên, giá thành vì thế cao lên.

Ý thức về cái đẹp ở những chỗ tỉ mỉ của người Nhật, là một nguyên nhân khiến sinh ra sự kiện giá cả đắt đỏ ở Nhật Bản. Thời đại Baigan thì nhân công rẻ, và chẳng cần trả thêm tiền phụ trội, người ta vẫn gắng làm thật tốt. Nhưng ngày nay thì giá nhân công Nhật Bản đắt nhất thế giới. Ðồng thời cái tập tục "làm gì cũng là tu nghiệp" khiến cho người ta nỗ lực chẳng cần tiền lương phụ trội, thì nay cũng mất đi rồi. Thế nhưng cái tâm lý câu nệ vào cái đẹp ở những chỗ tỉ mỉ thì vẫn còn sót lại, khiến phát sinh ra một xã hội đắt đỏ.

Chi phí sản xuất chương trình truyền hình cũng vậy, nếu so với ngoại quốc, thì Nhật Bản đắt gấp từ ba tới mười lần. Một trong những nguyên nhân là sự đòi hỏi phải điều chỉnh màu sắc một cách rất kỹ lưỡng. Ví dụ, nếu quay bằng ba máy quay khác nhau thì, tùy theo tình trạng máy quay và cảm giác màu sắc của người quay, màu sắc có thể khác nhau ít nhiều. Thế nhưng ở Nhật Bản thì khi quay bóng đá cũng như bóng chày, màu đồng phục chỉ hơi khác đi một chút cũng không được. Vì thế, phải điều chỉnh màu sắc cho kỹ lưỡng, nên phải có nhiều người phục dịch, và do đó tiền nhân công tăng vọt lên. Ðến như giờ phát sóng, thì ở ngoại quốc nếu có xê xích chút đỉnh cũng chẳng có ai để ý tới, nhưng ở Nhật Bản thì phải căn cho đúng từng phút, từng giây[12]. Nhật Bản là nơi mà tiền công lên cao vì sự câu nệ tới những chi tiết tỉ mỉ như vậy.

Ðến xây dựng thì lại càng quá quắt lắm. Người ta nói rằng, chi phí xây dựng ở Nhật Bản đắt gấp hai lần ở Âu Mỹ, và hơn ba lần ở châu Á. Phần lớn sự tốn kém là ở chỗ tỉ mỉ mà chỉ có người chuyên nghiệp nhìn mới biết, như khe ghép của đá hoa, của sàn gỗ, sao cho thật đều đặn, thật khít. Người thường nếu không nói cho biết thì không nhìn thấy, mà chỉ có thợ lành nghề mới thấy những chỗ tỉ mỉ như vậy. Thế nhưng, giữa các thợ lành nghề với nhau, nếu không làm kỹ, thì sẽ có sự chê bai lẫn nhau, như "ai làm thế này vậy?" hoặc "làm như vầy mà coi được sao?"

Tóm lại, cái tinh thần của nền Tâm học Thạch Môn, do Baigan truyền bá ra, mà cố văn sĩ Yamamoto Shichihei gọi là tinh thần của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản, quả đã cổ súy tính cần cù, và như vậy đã thúc đẩy sự phát triển của Nhật Bản lấy nghề chế tạo làm nòng cốt. Thế nhưng, ngày nay thì chính nó đã làm phát sinh ra tình trạng chi phí cao. Nó đã khiến cho các sản phẩm Nhật Bản chìm đắm trong hiện tượng "phẩm chất quá dư thừa."

Trong xu thế của sự cạnh tranh quốc tế gay go như ngày nay, các xí nghiệp Nhật Bản cũng lần lần nhận thức được sự hệ trọng của cái gọi là VA (value assessment: bình giá giá trị, hoặc value analysis: phân tích giá trị), nên bắt đầu coi trọng sự làm giảm chi phí sản xuất. Nghĩa là họ bắt đầu phân tích để ấn định phần nào của sản phẩm thì cần có phẩm chất tới mức nào?

Ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn còn ảnh hưởng mạnh ở Nhật Bản, cho nên kỹ thuật gia ở bất cứ ngành nghề nào cũng muốn làm ra sản phẩm tốt nhất. Xe hơi để bán với giá rẻ cũng vẫn gia công kỹ càng cả ở những chỗ tỉ mỉ. Nếu là lĩnh vực có sự cạnh tranh quốc tế gay go, thì người ta mới nghĩ đến nghiên cứu sự phân tích giá trị, như nói ở trên. Chứ ở những lãnh vực không có cạnh tranh như xây dựng cơ sở công cộng, hay giáo dục, hay y tế, thì sự phân tích giá trị cũng không được thực hiện. Phía công chức lo việc đặt hàng cũng vì sợ bị chê bai là thành phẩm trông không ra gì, cho nên tự họ cũng chú trọng tới cả những chỗ nhỏ nhặt, tỉ mỉ. Cho nên, họ không ngại chi phí nhân công tốn kém, không e ngại gì việc nâng giá thành lên cao để có được sản phẩm có phẩm chất cao nhất.

Tinh thần của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản do Ishida Baigan đẻ ra, là tư tưởng phát sinh ra trong hoàn cảnh người thừa vật thiếu. Cái đó quả có công dụng là đã sinh ra truyền thống của thời đại tốt đẹp trước kia của Nhật Bản. Nhưng không nên quên rằng chính nó cũng hàm chứa cái nguy cơ sinh ra tập quán làm hơn hẳn chuẩn mực quốc tế.



Sự kỹ tính phát triển thành lý luận về nhân cách của con người trong tổ chức

Ảnh hưởng thứ ba của nền Tâm học Thạch Môn, là từ sự đánh giá nhân cách cao khiết của người thợ làm ra sản phẩm trau chuốt, người ta ngược lại đã coi sản phẩm thô tạp là tác phẩm của những kẻ đê tiện. Chẳng hạn, xe ôtô Mỹ thì nước sơn không kỹ bằng xe Nhật, hay cột cánh cửa thì không khít từ trên xuống dưới, cho nên người Nhật thường nói với nhau rằng "xã hội làm ra loại xe ôtô thô tạp thế này, thì luân lý lao động bị suy tàn rồi."

Có người kể lại rằng: "Tôi mua một chiếc xe ôtô Mỹ. Dùng một thời gian thì thấy có mùi thối. Xem kỹ mới thấy ở giữa lớp sắt cánh cửa ngoài và lớp lót bên trong cánh cửa có một chiếc hamburger đã thối. Thì ra thợ ráp xe ôtô vừa ăn hamburger vừa làm việc nên đã bỏ quên ở đó."

Câu chuyện trên, tôi (Sakaiya Taichi) đã được nghe kể tới bốn lần trong khoảng những năm 1980. Hai lần được nghe người Nhật làm việc ở nước ngoài kể lại, và hai lần được nghe ở trong nước. Có lẽ là chuyện có thật. Thế nhưng cả bốn lần cùng một câu chuyện, thì đó có thể chỉ là một trường hợp trong hàng mấy chục ngàn chiếc xe mà người Nhật mua của Mỹ. Thế mà người ta đã rút ra ở đó một kết luận chung, về "sự suy đồi đạo đức lao động của người Mỹ," về nhân cách tổ chức của xã hội Mỹ.

Kasumi
10-02-2007, 12:37 PM
Ấy đấy, ở nước Nhật này, người ta hay nghĩ rằng "công ty làm ra sản phẩm tồi tệ thô tạp, thì có đạo đức lao động thoái hóa, có nhân cách tổ chức thoái hóa." Thế rồi, từ đó người ta suy ra rằng "những sản phẩm khác của công ty đó đều xấu cả." Vì vậy, những công ty lớn, nhất là những công ty chế tạo nhiều mặt hàng của Nhật Bản, thì không chịu chế ra những mặt hàng giá rẻ. Ðiều này khiến cho toàn xã hội Nhật Bản đã trở thành một xã hội đắt đỏ.

Cái tư tưởng của nền Tâm học Thạch Môn do Ishiba Baigan khởi xướng, đã hạn chế không ít cái ý thức thẩm mỹ và cái quan niệm đạo đức của người Nhật thời nay.

Thời kỳ bế môn tỏa cảng, Nhật Bản thiếu vốn liếng, thiếu đất đai trồng trọt, cho nên dù có phải hạ thấp năng suất lao động xuống, nhưng sự nâng cao giá trị gia tăng đối với mỗi tài nguyên, hay sự nâng cao năng suất sản xuất của đất đai, như đã kể trên, đều đã mang lại hiệu quả nhất định trên mặt hợp lý hóa. Người Nhật mỗi khi du nhập cái cơ bản về một kỹ thuật hay một sản phẩm mới từ nước ngoài về, thì chẳng mấy chốc, họ đã có thể chế ra sản phẩm tốt hơn của nước thày của họ. Sự kiện này đã là nguyên nhân khiến cho khối lượng mậu dịch của Nhật Bản có lợi lớn cho trong thập niên 1980.

Mặt khác, hàng ngoại quốc mỗi khi muốn đưa vào thị trường Nhật Bản, thì chính người ngoại quốc sẽ không thể ngờ được rằng họ bị đòi hỏi khắt khe đến thế, từ phẩm chất đến những chỗ tỉ mỉ của sản phẩm. Ðến nỗi, họ than phiền rằng "Thị trường Nhật Bản có tính bài ngoại." Ðây quả là một vấn đề ý thích đặc thù của thị trường Nhật Bản.

Một điểm nữa là người Nhật thật không biết thực sự an hưởng thời giờ nhàn rỗi. Ðây cũng lại là một ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn. Ngồi không ăn chơi là phí phạm. Ngay cả nếu nhàn du, thì cũng rán học hỏi thêm. Vì vậy, họ đua nhau tới các trung tâm văn hóa, các câu lạc b dưỡng sinh. Ở xứ Nhật, người ta không thể quan niệm được rằng "vacance" nghĩa là "chỗ trống," là "trống rỗng[13]."



Ý thức "Xa xỉ là kẻ địch"

Ảnh hưởng thứ tư của nền Tâm học Thạch Môn là sự nhấn mạnh vào điểm "tần tiện là đức tính tốt."

Baigan không phải chỉ khuyên người ta hãy cần cù làm ăn, mà đồng thời còn thuyết giảng sự tần tiện nữa. Chính từ việc coi tần tiện là điều thiện này, đã lan ra một ảnh hưởng lớn rộng khiến phát sinh ra sự bất quân bình trong xã hội ngày nay.

Trước nhất, từ sự khích lệ tính tần tiện đã nảy sinh ra ý thức "xa xỉ là kẻ địch." Vì thế nên các nhà chính trị nếu tiêu xài xa xỉ thì bị phê bình ngay. Vì thế, phu nhân các chính trị gia khi lên Tokyo dù có tiêu xài xa xỉ cách mấy, thì về cơ sở, về tuyển khu, phần đông họ đều phải giả bộ "thanh bần." Bởi vì nếu tiêu xài xa xỉ, thì thế nào cũng bị chê bai, bị coi là phẩm hạnh xấu. Ðó là bởi vì Tâm học Thạch Môn dạy người ta rằng: "Người cao thượng làm ăn cần cù để tu dưỡng nhân cách, và để cảm thấy niềm vui trong sự cam phận thanh bần." Do đó, tiền tích lũy tăng lên, trong khi sự tiêu xài lại ít. Vì vậy, tiền đã tích tụ vào các cơ quan công quyền hoặc các xí nghiệp kinh doanh và chỉ có các đoàn thể, các tổ chức như vậy mới tiêu xài phí phạm được thôi.

Nói cách khác, nếu có chi phí trong việc giao tế một cách xa hoa, xa xỉ cho xí nghiệp, cho cơ quan, thì cái đó tha thứ được, song cho cá nhân thì không được. Vì thế, khi thết đãi các "quan lớn" vì việc công ty, vì việc cơ quan, thì dù có phải dùng tới những nhà hàng đắt tiền cũng không sao, nhưng nếu cá nhân mà tới những nhà hàng đắt tiền đó, thì sẽ bị chỉ trích. Trụ sở của công ty, câu lạc bộ hay nhà của công ty, thì dù có cất ở ngay vùng nhất đẳng địa của trung tâm thủ đô, cũng được. Nhưng nhà của cá nhân bậc quản trị viên công ty cũng vô cùng khiêm tốn. "Xa xỉ là địch" nhưng "xa xỉ cho cơ quan, cho tổ chức, là bạn, là ta."

Xem như trên, ta thấy rằng Tâm học Thạch Môn đã để lại ảnh hưởng vô cùng lớn đối với Nhật Bản và "văn hóa" của người Nhật Bản.

Trên cơ sở của nền Tâm học Thạch Môn đó, nền văn minh Tây Âu đã du nhập vào Nhật Bản kể từ sau cuộc Duy tân Minh Trị. Người Nhật kể từ thời Minh Trị, đã được dạy bảo rằng, phương pháp hay là chỉ cần học thêm những chỗ tinh xảo của nền văn hóa Tây Âu, cách học giỏi là chỉ cần bắt chước rồi làm tinh xảo hơn những kỹ thuật hay chế độ của ngoại quốc. Vì vậy mà người Nhật chỉ khéo léo làm được ngay cả những chỗ tỉ mỉ nhất, nhưng họ tỏ ra không thành thạo trong sự xây dựng khái niệm tổng thể hay sự chuyển đổi nhảy vọt về ý tưởng. Ngược lại, sự không thành thạo như vậy lại còn được coi như bằng chứng cho phẩm hạnh phương chính, tức là tính trung thực không đi chệch đường ray.

Khi viết luận văn thì chỉ cốt sao cho luận điểm tổng thể được thông thoát. Như vậy tức là chỉ coi trọng sự tham khảo, sự dẫn chứng trung thực chư thuyết của người trước hay của ngoại quốc, hơn là sự đánh giá về tính sáng tạo, tính độc đáo. Vì thế, không thấy phát sinh ra những học thuyết làm cho thế giới kinh ngạc. Mà nếu một học thuyết như vậy có phát sinh ra, thì cũng khó mà lan truyền rộng ra được[14]. Vậy nên, có rất ít người cam tâm miệt mài vào những nghiên cứu cơ bản, với viễn vọng lập ra lý thuyết mới.

Tóm lại, từ tư tưởng làm sao cho cả cần mẫn lẫn tần tiện được lưỡng lập, đã phát sinh ra sự cố chấp tới những chỗ tỉ mỉ, rồi từ tỉ mỉ tới "chủ nghĩa thủ tục." Chủ nghĩa coi trọng thủ tục này đã có quan hệ tới chế độ quan liêu (công chức) hiện nay của Nhật Bản vậy.



"Chủ nghĩa đâu ra đó" phát sinh ra từ nền Tâm học Thạch Môn

Quan chức ngoại giao nước ngoài ở Tokyo, hay xì xào với nhau từ "chanto-ism[15]." Người Nhật có tính làm gì cũng kỹ lưỡng, từ cách gói ghém bao bì, từ cách trình bẩm báo cáo, từ cách lấy chứng từ thu ngân, v.v., nhất nhất cái gì cũng phải đâu ra đó mới chịu. Thu thuế thì tới một yên cũng phải cho minh bạch. Thuế tiêu thụ ở ngoại quốc thì đại khái chủ nghĩa thôi, nhưng ở Nhật Bản, thì chỉ nói rằng, cửa hàng nhỏ với doanh thu dưới 30 triệu yên thì khỏi phải nộp thuế tiêu thụ, là đã thấy có sự bàn tán là "ăn lời nhờ thuế."

Liệu cái "chủ nghĩa đâu ra đó này" có hiệu quả thực tế không? Người ta nói rằng, Luật tiêu chuẩn kiến trúc Nhật Bản, hay Luật phòng cháy chữa cháy Nhật Bản là nghiêm khắc nhất thế giới. Ấy thế mà hồi trận động đất lớn Hanshin-Awaji thì sự thiệt hại về cơ sở xây dựng đã lớn hơn bất cứ ở nước nào khác. Số người chết cũng rất lớn. Nghĩa là, mặc dù "đã làm đàng hoàng," song hiệu quả thực tế thì yếu kém[16].

Tương tự như vậy, tỷ suất cứu hộ thấp các trường hợp bị liệt tim trở tới bệnh viện bằng xe cấp cứu có tỷ lệ cứu sống thấp, sự phát sinh tình trạng bị AIDS vì dược hại (cái hại của sự dùng thuốc)[17], sự chế tạo thẻ chơi pachinko[18] giả, v.v.. Nghĩa là, "chủ nghĩa làm đàng hoàng" của Nhật Bản thật ra chú trọng tới thủ tục nhiều hơn là hiệu quả.

Vậy, làm đàng hoàng cái gì? Trước nhất là cái cảm giác, cái ý thức đẹp đối với việc làm thủ tục một cách đàng hoàng, kỹ lưỡng. Thứ hai là, với việc làm đàng hoàng như vậy, người ta đã nhận thức được sự bình đẳng, sự ngang hàng với nhau. Nghĩa là, không có ai làm cái gì đột phá, không có ai chơi trội cái gì cả. Ai cũng làm đàng hoàng cả, nên mọi người an tâm. Rồi, thứ ba là, làm đàng hoàng để có thể chạy trốn trách nhiệm. Nghĩa là "việc này đã được làm như vầy, như vầy, đúng thủ tục, ai nấy đều thừa nhận cả. Cho nên, trách nhiệm không phải là về ai cả."

Nếu Nhật Bản nới bớt những gò bó, những quy tắc, để lập ra một xã hội cạnh tranh tự do, thì Nhật Bản phải chấp nhận một phần sự "lỏng lẻo" thì mới thoát ra khỏi được chủ nghĩa tiêu chuẩn, thoát khỏi sự thống chế của chế độ quan liêu, tránh được "chủ nghĩa đâu ra đó."

Nghĩa là, dù cho những chỗ nhỏ nhặt có không được làm kỹ càng đi chăng nữa, thì cũng nên để cho bán ra. Tự do cũng có nghĩa là chấp nhận để cho những phẩm vật thô tạp có đất phát sinh. Ðể cho mỗi vật có cơ hội tham gia cạnh tranh, rồi để cho người tiêu dùng lựa chọn, mới có thể xác lập được quyền làm chủ của người tiêu dùng. Nói cách khác, chỉ có thế mới thoát ra khỏi được cái ảnh hưởng của nền Tâm học Thạch Môn, của "chủ nghĩa đâu ra đó," một sản vật của nền Tâm học này.

Trong xã hội được kiểm soát nghiêm ngặt của thời Kyoho, trí tuệ của thứ dân đã kết tinh thành nền Tâm học Thạch Môn, một nền triết học độc đáo của Nhật Bản.

Nhưng ngày nay, năng suất sản xuất của người Nhật đã tăng rất cao, đời sống đã trở nên phong phú. Cần có một quy phạm đạo đức mới, một ý thức đẹp mới vượt lên trên triết học của Ishida Baigan.

Kasumi
10-02-2007, 12:38 PM
Chú thích:

[1] Genroku (1688-1704) là niên hiệu của vua Higashiyama, thường được coi là lúc thịnh trị, thịnh vượng nhất của thời đại mà nhà mạc phủ Tokugawa đóng ở thành Edo (Tokyo ngày nay).

[2] Năm 1945, các đảng vô sản có từ trước cuộc Ðệ nhị Thế chiến, đã kết hợp lại thành Ðảng Dân Chủ Xã hội. Năm 1947, đảng này do vị Chủ tịch đầu tiên của đảng là Katayama Tetsu, đã thành lập nội các liên hiệp, và như vậy đã là đảng cầm quyền tại Nhật Bản, nhưng hai phe tả và hữu trong đảng đối lập nhau dữ dội, đến nỗi năm 1951, đảng tách ra làm hai. Rồi năm 1955, hai đảng cánh tả và cánh hữu đã hợp nhất lại thành Ðảng Xã Hội Nhật Bản. Lúc đó Ðảng Dân Chủ Tự Do ra đời và do đó đã xuất hiện một tình trạng cân bằng giữa các lực lượng bảo thủ và lực lượng cấp tiến, do hai đảng lớn lãnh đạo. Tình trạng cân bằng như vậy được gọi là "thể chế năm 55 ". Tình trạng chính trị, xã hội như vậy, nếu đem so sánh với năm 1867, tức là lúc Nhật Bản còn là nước nông nghiệp phong kiến lạc hậu, đang sắp tập tễnh bước vào cuộc đổi mới, cuộc công nghiệp hóa, thì quả là quá xa. Nói cách khác, 85 năm là cả một thời gian dài. Những gì xẩy ra trước kia và những gì đang diễn ra bây giờ đều khác nhau rất xa. Người sống 85 năm trước không thể đoán được những gì sẽ xẩy ra 85 năm sau. Và người 85 năm sau cũng không còn ký ức gì về 85 năm trước nữa.

[3] Showa (1926-1989) là niên hiệu của thời trị hơn 62 năm của thiên hoàng Hirohito. Showa bắt đầu từ thời kỳ Nhật Bản xưng hùng xưng bá ở châu Á, nào gây hấn ở Trung Quốc, nào dựng nước bù nhìn Mãn châu, nào chiếm đóng các thuộc địa và đất bảo hộ của Pháp, Anh, Mỹ, Hòa Lan ở Ðông Nam Á, qua thời kỳ thua trận chiến Thái Bình Dương (Chiến tranh thế giới lấn thứ hai), rồi tới thời kỳ phục hưng để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới như hiện nay. Thời Showa như vậy là thời kỳ vừa nhục nhã (bại trận), vừa đáng hãnh diện (thái bình thịnh vượng) của Nhật Bản. Genroku là thời kỳ thịnh vượng, hào hoa nhất trong gần 300 năm của mạc phủ Tokugawa. Do đó, từ Thời Genroku Showa là nói cái khúc thái bình thịnh vượng của thời kỳ Showa.

[4] Amako là một dòng dõi thế phiệt của thời Mạc Phủ Kamakura (xem Chương III). Mười Dũng sĩ Amako là nhóm người muốn phục hưng cơ nghiệp của họ Amako này.

[5] Meireki và Manji đều là niên hiệu của thời trị (1654-1663) của thiên hoàng Gosai (1637-1685). Trận hỏa hoạn lớn này đã xẩy ra trong ba ngày 18-20 tháng Giêng âm lịch năm 1657, đốt cháy một diện tích khoảng 400 mẫu tây, làm thiệt mạng 100 ngàn người.

[6] Trận đánh Mùa Hè Ozaka là trận đánh cuối cùng để tiêu diệt dòng họ Toyotomi, và như vậy là hoàn thành cuộc thống nhất toàn quốc Nhật Bản dưới quyền cai trị của mạc phủ Tokugawa.

[7] I = Investment = đầu tư, S = Saving = tiết kiệm=tích lũy.
[8] Chushin-gura là tên gọi của những kịch hát bội Kabuki, kịch rối Joruri, kịch hài No, phim kịch lịch sử, v.v., diễn tích 47 người dũng sĩ của phiên bang Ako đã quyết tâm trả thù cho chúa của họ là Asano Takumi No Kami. Ông này có lãnh địa nhỏ bé ở địa phương nay là tỉnh Hyogo, ngay cạnh Osaka. Ông được cử tiếp sứ giả của triều đình ở thành Edo (Tokyo ngày nay). Song vì ít hiểu biết về nghi lễ nên đã phải nhờ cậy Kira Konosuke No Suke, một chức quan coi việc nghi thức của phủ chúa Tokugawa, chỉ bảo. Lệ thường, ông phải cung phụng xứng đáng cho Kira. Song vì tiền lo lót ít, ông đã bị Kira tìm mọi cách làm tình làm tội, xài xể dè bỉu là quê mùa. Bị làm nhục, ông đã tuốt đao chém Kira ngay trên điện. Kira chỉ bị thương nhẹ. Thời ấy, khi hai người đánh lộn với nhau, thì đáng lẽ cả hai bên đều bị xử phạt, song chỉ có Asano bị xử phải tự mổ bụng, lãnh địa bị tịch thu, con cháu bị truất khỏi hàng phiên chúa. Còn Kira thì được miễn trách. Sự bất công này đã làm phẫn nộ đám gia thần của Asano. Họ lập mưu, đột nhập dinh của Kira đêm 14 rạng 15 tháng Chạp, bắt được Kira, chém đầu đem ra tế trước mộ chủ. Như thế là trả thù được cho chủ, nhưng rồi tất cả 47 người đều bị mạc phủ Tokugawa xử tội phải tự mổ bụng. Việc làm của họ, trả thù cho chủ rồi tự mổ bụng chết theo chủ, đã trở thành tấm gương sáng về lòng trung nghĩa. Và cái chết oan ức của chúa tôi Asano đã làm thành đề tài cho dân gian thương tiếc những kẻ anh hùng hoại diệt như vậy suốt trong lịch sử hơn 300 năm nay.

[9] Nikolai D. Kondrachev (1892-1938), một nhà kinh tế học người Rossia (Nga).
[10] "Lục căn thanh trừng" nghĩa là "rửa sạch lục căn." Lục căn, theo Ðạo Phật, là sáu cảm quan sinh ra cái biết, tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân mình và ý nghĩ. Tục đi lễ núi Phú Sỉ sau này trở thành đạo Phù Tang.
[11] Thủ tường Nhật Bản từ ngày 6/11/1987 tới ngày 2/6/1989.
[12] Nói đến sự đúng giờ từng phút từng giây, thì phải kể đến sự đúng giờ của hệ thống đường sắt Nhật Bản. Có thể nói, đường sắt Nhật Bản là phương tiện giao thông công cộng tiện lợi nhất, rẻ tiền nhất, an toàn nhất, có thể đi tới bất cứ nơi thâm sơn cùng cốc nào cũng như hàng cùng ngõ hẻm nào, và nhất là đúng giờ nhất thế giới. Hồi năm 1972, nhân dịp kỷ niệm 100 của ngành đường sắt Nhật Bản, các giới chức của hệ thống đường sắt Anh quốc đã được mời tới Nhật Bản tham dự. Phái đoàn Anh quốc đã phải thốt lên lời thán phục về sự đúng giờ của đường sắt Nhật Bản, đúng đến nỗi chưa bao giờ một chuyến tàu đường xa lại chậm tới hơn một phút mà không có thông báo trước cả. Ngay cả đến những tuyến đường sắt nội ô Tokyo hay Osaka, buổi sáng trong giờ cao điểm thì cứ khoảng chưa đầy 10 giây đã có một chuyến khởi hành hoặc đáp bến, chuyến nào cũng từ 12 tới 15 toa, toa nào cũng chật ních hàng 200 người, mà không bao giờ tàu tới trễ hoặc khởi hành trễ cả.

[13] Trong tiếng Nhật, "ba-kan-xư" là từ dịch âm của tiếng Pháp "vacance" và có nghĩa là sự nhàn du, sự nghỉ ngơi thư giãn. Ở đây, tác giả muốn nhắc đến nghĩa nguyên gốc của từ "vacance." Theo tự điển tiếng Pháp Petit Larousse Illustré (1976), "vacance: état d’une place, d’une charge non occupée," nghĩa là "vacance là chỗ trống rỗng."

[14] Một thí dụ điển hình hay được kể lại, là trường hợp Tiến Sĩ Esaki Leona, thuộc Ðại học Quốc gia Tokyo, đã phát minh ra diod đường hầm (tunnel diod) năm 1957. Tuy nhiên, ở trong nước Nhật thời đó, ít người tán thưởng, thậm chí còn bàn ra. Phải chờ đến năm 1962, nhà bác học người Mỹ là William Shockley, người đã được giải Nobel Vật Lý về phát minh ra transistor, sang Nhật, công nhiên khen ngợi công trình nghiên cứu của TS Esaki trước đại hội khoa học, thì phát minh đó mới được đánh giá một cách chính đáng. Cũng nhờ có sự khen ngợi của Shockley mà Esaki đã được đề nghị và được trao tặng giải Nobel Vật lý.

[15] "Chanto" tiếng Nhật có nghĩa là "đàng hoàng, kỹ càng, đúng đắn, chính xác, không bôi bác, không phiên phiến, không tắc trách." Còn "ism" là tiếp vĩ ngữ tiếng Anh, có nghĩa là "chủ nghĩa." Vậy "chanto-ism" là "chủ nghĩa đàng hoàng, kỹ càng, đúng đắn, chính xác, không bôi bác, không phiên phiến, không tắc trách,..." mà ở đây đã được tiêu biểu bởi từ "chủ nghĩa đâu ra đó."

[16] Trận động đất lớn này đã xảy ra ngày 17/01/1995, phá hoại ba tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, làm chết 6300 người, bị thương 43 ngàn người, làm đổ hoặc hư 209 ngàn căn nhà. Thành phố cảng Kobe là nơi bị thiệt hại lớn nhất, bị phá hủy tan hoang, từ cao ốc tới các xa lộ cao tốc. Tuy nhiên, tác giả Sakaiya Taichi có phần hơi khắt khe quá với vụ việc này. Thật ra, khu vực lấy thành phố Kobe làm trung tâm này, xưa nay được coi là an toàn về mặt động đất, cho nên các kiến trúc đều theo tiêu chuẩn cũ, ít chịu đựng được những trận động đất lớn, nên đã bị phá hủy nặng nề trong trận động đất năm 1995 vừa nói.
Còn số người chết và người bị thương lớn, thật ra không phải vì ảnh hưởng trực tiếp của trận động đất, mà vì họ bị chết cháy hoặc bị phỏng sau khi động đất xảy ra rồi. Hơn nữa, còn có một lỗi lầm lớn do người gây ra: Ðó là sự ứng phó chậm chạp của lực lượng quân đội Nhật Bản đóng ở gần địa điểm động đất, trong việc ra quân cứu hộ. Viên tướng chỉ huy quân khu, đã không linh hoạt cho xuất quân ngay để cứu hộ, mà còn "dềnh dàng" điện thoại xin mệnh lệnh của bộ trưởng quốc phòng, khiến cho sự ra quân bị chậm trễ cả nửa ngày. Ðây là một trường hợp điển hình của một viên tướng chỉ huy "tồi," không hiểu cái "lẽ quyền biến," không hiểu cái "quyền hạn" của người tướng ở tiền tuyến, hễ thấy "địch" là phải biết ra tay ngay, chứ đâu cần phải chờ có "lệnh bài" mới ra quân? Trường hợp này, "địch" tức là trận động đất, tức là đám cháy. Ðúng ra, đây quả là một trường hợp viên tướng chỉ huy này đã quá câu nệ tới "thủ tục," nên đã không "làm chủ" được trách nhiệm của mình. Câu nệ thái quá tới thủ tục, mới là điểm tác giả Sakaiya nên chỉ trích.

[17] Vụ này đã xảy ra vì có một số người mắc bệnh thiếu máu (bần huyết) đã dùng loại thuốc tăng huyết chế ra từ máu người nhập từ ngoại quốc vào mà không qua xử lý nhiệt. Thời đó, ở Mỹ hoặc ở Pháp, giới y học đã có cảnh báo rằng máu ngoại nhập như vậy có khả năng chứa đựng virus HIV, và như vậy có nguy cơ nhiễm độc đối với người sử dụng thuốc chế tạo từ máu như vậy nếu không qua xử lý nhiệt. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thời đó, cơ quan chủ quản việc cho lưu hành thuốc men, là Bộ Y Tế, lại chưa có quyết định chính thức về sự bắt buộc phải xử lý nhiệt những loại thuốc như vậy. Do đó, các công ty bào chế thuốc vẫn bán ra những thuốc tăng huyết không qua xử lý nhiệt. Kết quả là có nhiều người đã nhiễm virus HIV, và một số đã bị AIDS rồi chết một cách oan ức. Vụ này đã gây ra một vụ án lớn lao kéo dài hàng chục năm ở Nhật Bản và đã làm cho dư luận phẫn nộ trước sự vô trách nhiệm của Bộ Y Tế. Qua mấy đời bộ trưởng, bộ này cứ khăng khăng chối bỏ trách nhiệm đối với các nạn nhân. Kết cục, Bộ trưởng Y Tế Kan Naoto, sau là tổng thư ký của đảng đối lập lớn nhất Nhật Bản, đã phải trực tiếp họp báo xin lỗi nhân dân, nhận lỗi của Bộ Y Tế và bằng lòng trích công quỹ ra bồi thường cho các nạn nhân.

[18] Pachinko là một trò chơi, hay đúng hơn là một trò cờ bạc, dùng một máy tự động bắn bi sắt vào một bảng có nhiều lỗ, mỗi lỗ có thể ăn được một số hòn bi khác nhau. Số bi thắng được có thể đổi ra hiện vật như bánh kẹo, thuốc lá,...

Kasumi
10-02-2007, 12:43 PM
Okubo Toshimichi
Người dựng nên "chế độ quan liêu (công chức)"

http://img171.imageshack.us/img171/8305/180pxtoshimichiokubo3rm7.th.jpg (http://img171.imageshack.us/my.php?image=180pxtoshimichiokubo3rm7.jpg)

Nguồn gốc của thể chế "quan liêu (công chức) chỉ đạo"

Vấn đề chính trị lớn hiện nay là giảm bớt quy chế.

Nội các Hashimoto Ryutaro[1] đã lấy việc giảm bớt quy chế làm công tác chính trị lớn nhất của mình. Song việc này không dễ dàng.

Nguyên lai, vấn đề giảm bớt quy chế và cải cách hành chính vốn đã do nội các Suzuki Zenko[2], ra đời tháng 7 năm 1980, đề xướng ra. Tới nay (1998) đã được 18 năm. Nhất là nội các Nakasone Yasuhiro[3], ra đời sau nội các Suzuki, tự xưng là "nội các cải cách hành chính," đã lập ra Ủy ban lâm thời cải cách hành chính[4] Doko, với quyết tâm cải cách hành chính, giảm bớt quy chế và chia quyền cho địa phương.

Chính phủ đã đạt được ít nhiều thành quả tốt. Chẳng hạn, Hệ thống Ðường Sắt Quốc Doanh đã được phân thành 7 công ty và chuyển sang dân doanh. Tổng Công ty điện tín điện thoại Nhật Bản và Tổng Công ty bán độc quyền thì biến thành các công ty dân doanh, thứ tự gọi là Công Ty NTT và Công Ty JT[5]. Xét cái hoàn cảnh lúc đó, thì việc cải cách như vậy là mạnh bạo. Song, cơ quan hành chính chủ chốt, tức là các bộ sở trung ương cùng các cơ quan hành chính địa phương, thì không thể mó tay tới được tí nào cả.

Không phải chỉ có thế. Các bộ sở đã tăng số lượng quy chế, thể lệ về chứng nhận và cho phép lên từ con số 9.600 ở thời điểm nội các Nakasone mới thành lập, tới 19.000 vào cuối năm 1995. Nghĩa là trong vòng mười năm, mặc dù có sự hô hào la lối "giảm bớt quy chế, giảm bớt thể lệ," song thực tế là quy chế, thể lệ cứ mỗi ngày một tăng thêm.

Tại sao như vậy? Nói trắng ra là vì hàng ngũ quan liêu (công chức) quá mạnh, và số người lệ thuộc vào hàng ngũ quan liêu này lại quá đông. Mỗi bộ sở của chính phủ đều có những ngành nghề kinh doanh bám vào đó, sống đèo bòng vào đó. Trong đám đèo bòng này, có rất nhiều người kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ trông chờ sự chỉ đạo, sự chỉ bảo của "quan trên." Thế rồi, dân gian cũng coi việc làm như thế là đương nhiên. Ở nước Nhật, ngay lúc này cũng còn có rất nhiều người suy nghĩ rằng, nếu không có quan trên chỉ đạo, quan trên quy định cho, thì mỗi việc đều bị lộn xộn hết.

Cái xu hướng, cái thể chất quan liêu chỉ đạo này đã hình thành bao giờ và hình thành như thế nào? Nếu ngược dòng lịch sử, người ta sẽ đụng tới Chính phủ Minh Trị. Thế rồi, nói đến nhân vật đứng ở trung tâm của việc lập ra chế độ quan liêu này của Chính phủ Minh Trị, người ta ắt phải nói tới Okubo Toshimichi.

Trước khi xét vai trò của bậc nguyên huân Okubo Toshimichi này của thời Minh Trị, cần suy nghĩ xem tại sao Nhật Bản lại có nhiều quy chế, nhiều thể lệ như vậy. Tại sao sự chỉ đạo của quan liêu lại không bị đánh đổ. Nghĩ như vậy, người ta sẽ thấy có hai mặt.

Trước nhất là ý thức êlít[6] và tinh thần trách nhiệm mãnh liệt của đám quan liêu. Họ nghĩ rằng: "bọn ta không chỉ đạo thì nước Nhật non nớt này không thể đứng dậy bước đi nổi." Chính vì vậy mà ở Nhật Bản, quan liêu làm việc rất nhiệt tâm và đầy kiêu hãnh. Nhưng mặt khác, không thể bỏ qua sự thật là ngay hiện nay cũng vẫn còn tồn tại tư tưởng coi dân là ngu, coi "dân sự chẳng bao giờ làm được gì ra hồn cả."

Chẳng hạn, một thí dụ trong việc nới bỏ quy chế, là đề nghị hãy thử cho phép mở những cây xăng tự phục vụ. Ở nhiều nước trên thế giới, việc biến các cây xăng thành hình thức tự phục vụ đã được phổ biến, nhưng ở Nhật Bản thì việc này hãy còn bị cấm[7]. Nếu để cho cây xăng trở thành tự phục vụ, thì mỗi lít xăng có thể rẻ đi vài Yen. Vậy mà tại sao ở ngoại quốc có mà ở Nhật Bản lại không có những cây xăng tự phục vụ? Ðó là vì các quan ngại rằng: "Nếu để cho cây xăng tự phục vụ, có kẻ sẽ gây ra hỏa hoạn."

Thế nhưng, ở Âu Mỹ cũng như ở châu Á, cây xăng tự phục vụ đâu có gây ra hỏa hoạn? Vậy mà khi hỏi: "Tại sao nghĩ rằng chỉ ở Nhật Bản mới xẩy ra hỏa hoạn?" Thì các quan trả lời: "Người Âu Mỹ và người châu Á quen rồi, chứ người Nhật chưa quen, nên nguy hiểm." Thật là câu trả lời coi thường người Nhật. Ấy thế mà khi nghe xong câu chuyện này, cũng đã có người phụ họa: "Chả nói gì chứ ở ngay gần nhà tôi cũng có cây xăng. Nói chung, nên để các quan kiểm tra dùm chứ không thì sợ lắm."

Cái ý thức quan trên như vậy đã thấm sâu vào mỗi lãnh vực. Người dân cũng vậy, hễ có chuyện gì xẩy ra thì thế nào cũng có người nói: "Nhà nước làm gì?" "Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn." Tóm lại, đó là thái độ coi nhà nước là vạn năng, thái độ ỷ lại vào quan liêu. Ðó chính là chế độ do Okubo Toshimichi nghĩ ra vậy.

Chế độ quan liêu (công chức) đã không thể thiếu được cho sự hiện đại hóa.

Còn một mặt nữa, là sự hình thành và chức năng của cơ chế quan liêu. Phần lớn các bộ sở Nhật Bản đều tự hào là cơ quan nuôi dưỡng ra nhiều nhân tài, nhiều doanh nghiệp và thực hiện nhiều chức năng hiện đại. Không những chỉ nuôi dưỡng, mà đối với mỗi lãnh vực, họ còn hăng say trong công tác xây dựng thể chế cộng tác hài hòa, chỉ đạo hướng dẫn cho thông suốt các quy cách, các tiêu chuẩn. Nếu nhìn từ mặt trái của sự việc này, thì quy chế của cửa quan là ban cho giới doanh nghiệp cái lợi ích được bảo hộ chống lại sự cạnh tranh của kẻ mới nhập cuộc. Chính nhờ cơ chế đó, mà việc nới rộng quy chế bao giờ cũng bị giới chuyên gia và giới doanh nghiệp phản đối.

Những lãnh vực mà quan liêu chỉ đạo mạnh mẽ nhất, là giáo dục, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, truyền thông và an ninh. Những lãnh vực này chưa bao giờ bị phơi bày ra trước sự cạnh tranh quốc tế, cho nên sự đồng lõa của cơ quan công quyền và giới doanh nghiệp đã tạo ra tình trạng giá cả cao, phí tổn cao. Xe ôtô, hàng điện - điện tử đều là những ngành sản xuất phải cạnh tranh khốc liệt trên thương trường quốc tế, nhưng ở trong nước, thì họ lại được hưởng ân huệ không ít của quy chế về cơ chế lưu thông hàng hóa. Thế nhưng, hiện nay, cái đảm phụ về giá cả cao của các ngành nghề khác, mà họ phải gánh chịu thì ngày một lớn.

Người ta thường nói: "Ở Nhật Bản, những ngành nghề bán hàng cạnh tranh ra nước ngoài có hối suất 1 đôla bằng 100 Yen, những ngành nghề được bảo hộ chống lại sự cạnh tranh quốc tế có hối suất 1 đôla bằng 200 Yen, và sau cùng là những ngành nghề không bị cạnh tranh ngay cả ở trong nước lại có hối suất 1 đôla bằng 360 Yen."

Chẳng hạn, phí thông hành (giá vé) trên các tuyến đường cao tốc so với nước ngoài thì rất cao. Dĩ nhiên là vì có sự khác nhau về giá cả đất đai, về địa hình địa vật phải khắc phục, song ngay cả với những nơi địa hình tương tự như ở Âu Mỹ, phí tổn xây dựng ở Nhật Bản cũng đắt khoảng gấp đôi. Lý do thường được nói tới từ lâu, là vì Nhật Bản có nhiều động đất, nên phải xây kiên cố hơn.

Năm 1994, ngày 17 tháng 1, ở Los Angeles, Mỹ, có động đất lớn, làm đổ nhiều nhà cửa, cầu đường. Lúc đó, từ giới doanh nghiệp xây dựng cho tới cơ quan công quyền Nhật Bản, nơi nơi đều đồng thanh lên tiếng rằng, nhà cao tầng và đường cao tốc Nhật Bản được chú trọng đến tính an toàn nên nhất định không hề gì, khác với Mỹ coi ưu tiên sự thi công xây dựng ít tốn kém và nhanh.

Thế nhưng, chỉ đúng một năm sau thôi, ngày 17 tháng 1 năm 1995, trận động đất lớn Hanshin - Awaji[8] đã xẩy ra, và nhà đã đổ cũng như đường cao tốc bị phá hủy nhiều hơn ở bất cứ một nước nào khác. Dĩ nhiên, mức độ của trận động đất khác nhau, địa bàn xảy ra trận động đất khác nhau, nên khó có thể kết luận chính xác hậu quả được, nhưng có một điều chính xác: đó là lời tuyên bố của giới chức xây dựng rằng đường cao tốc Nhật Bản tuyệt đối an toàn, là sai lầm.

Nghĩa là, mặc dầu giá cả xây dựng công cộng tương đối cao, song tính an toàn lại không cao lắm. Ngược lại, sở dĩ giá cả cao là vì giới xây dựng phen với nhau, ăn ý với nhau, đồng lõa với nhau nâng giá lên. Rồi, thủ tục rườm rà làm tốn tiền hơn. Thế thôi.

Ở Nhật Bản, trong mỗi ngành nghề, ở mỗi lãnh vực, đều có những cơ chế khác nhau, mỗi cái đều tốn tiền cả. Những cơ chế như vậy, đã làm cho giới kinh doanh lớn lên, đồng thời làm cho quyền hạn của quan liêu mạnh lên.

Trong giáo dục, y tế, giao thông vận tải cũng vậy, sự việc cũng tương tự hay có phần còn tệ hơn. Cái căn bản coi thường người tiêu dùng, coi trọng người cung cấp của giới quan liêu, đã hình thành từ thời Minh Trị.

Chính phủ Minh Trị vì muốn hiện đại hóa gấp, nên một mặt đã lập ra nhiều cơ quan công quyền chuyên đào tạo ra nhà sản xuất, mặt khác đã lập ra Bộ Nội Vụ làm cơ quan công quyền có chức năng bảo vệ quần chúng (người tiêu dùng). Những người làm việc cho các cơ quan công quyền này đều được tuyển lựa qua kỳ thi, chứ không quan tâm gì đến lai lịch hoặc giai cấp xuất thân của họ. Người đã lập ra chế độ quan liêu như vậy, chính là Okubo Toshimichi vậy.

Với ý nghĩa đó, người ta có thể nói không quá lời rằng những vấn đề phải đương đầu hiện nay, như sự giảm bớt quy chế, sự khác biệt giá cả trong và ngoài nước, v.v., thật ra đã bắt đầu từ thời Okubo. Có rất nhiều người đáng được suy tôn là "bậc nguyên huân của thời Duy tân Minh Trị," song, xét cái ảnh hưởng đối với Nhật Bản ngày nay, thì phải kể Okubo Toshimichi chính là một trong "Mười hai người lập ra nước Nhật."

Kasumi
10-02-2007, 12:43 PM
Dùng quyền hạn và mưu lược phân hóa phe phản đối

Cái tên Okubo Toshimichi được mỗi người biết đến, song thực thể về ông ta thì không hẳn được biết đến rõ ràng. Vây ông ta là người như thế nào?

Okubo Toshimichi sinh năm 1830 tại phiên bang Satsuma (bây giờ là tỉnh Kagoshima), tức là năm thứ nhất của niên hiệu Tenpo (Thiên Bảo), niên hiệu được quen biết với "cuộc cải cách Thiên Bảo." Cha là môt phiên sĩ Satsuma, tức là một võ sĩ samurai hạng trung của phiên bang Satsuma.

Năm 1846, (niên hiệu Hoàng Hóa năm thứ ba), ở tuổi 17 (tuổi đếm), ông được tuyển làm thư ký sở đăng ký của phiên bang Satsuma. Mới 17 tuổi đã được tuyển làm thư ký, thì hẳn Okubo Toshimichi phải là người văn hay chữ tốt, biết sử dụng bàn toán rành rọt. Sau đó, nhân cái gọi là "vụ đổ bể Takasaki," tức là một vụ tranh chấp trong phiên ban, cha ông bị trục xuất và ông bị cách chức. Toshimichi bị mất chức thư ký từ lúc 21 tuổi tới lúc 24 tuổi.

Năm 1857 (niên hiệu An Chính năm thứ tư), ở tuổi 28, ông trở thành một hạ sĩ quan. Năm ấy, Saigo Takamori[9] cũng trở thành hạ sĩ quan. Nghĩa là ở thời điểm đó, cả hai bậc nguyên huân của thời Duy tân Minh Trị đều đã xuất hiện trên sân khấu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, vì cùng với nhà sư Gessho (Nguyệt Chiếu) và đồng bọn nổi loạn, bị đi đày, nên Saigo Takamori đã không ở chức này được lâu.

Okubo Toshimichi thực sự hoạt động là kể từ năm 1859, lúc 30 tuổi. Lúc đó, phiên chúa Satsuma đã thay đổi, Toshimichi lân la lại gần người cha của phiên chúa Shimazu Hisamitsu. Biết chúa Hisamitsu thích đánh cờ vây, Toshimichi đã học đánh cờ rồi mon men tới làm bạn chơi cờ. Thành công, năm sau, ông đã được phong làm tổ trưởng kế toán. Thời đó, 30 tuổi có thể coi tương đương với tuổi 40 ngày nay. Nghĩa là, đã tới tuổi trung niên rồi mới đi học đánh cờ để tìm cách tiếp cận phiên chúa. Như vậy, ông đáng được coi là một người có chí, một người ham địa vị.

Năm 1862 (niên hiệu Văn Cửu năm thứ hai), Toshimichi lần đầu tiên lên thành Edo (Tokyo ngày nay). Hai năm sau, ông trở về phiên bang Satsuma, lo việc cải cách hành chính của phiên bang, nhưng gặp phải sự chống đối từ nhiều mặt. Lúc đó, phiên bang Satsuma đã chuyển từ phe ủng hộ sang phe lật đổ mạc phủ Tokugawa. Okubo thì chuyên tâm vào việc vận động cải cách.

Thế rồi bốn năm sau tức là năm 1868 (niên hiệu Khánh ứng năm thứ tư), năm đổi niên hiệu thành Meiji (Minh Trị), mạc chúa đời thứ 15, Tokugawa Yoshinobu (1866-1867), sau khi đã hoàn trả quyền cai trị cho vua Minh Trị, lại gây hấn ở Toba Fushimi nhưng thua trận, phải bỏ thành Edo mà về quê ở Mito. Có người chủ trương phải đuổi đánh. Okubo là một trong số những người chủ trương mạnh nhất như vậy. Nghĩa là cho đến lúc này, ông xứng đáng được gọi là chí sĩ của cuối thời mạc phủ với tinh thần cách mạng như vậy.

Nhưng thật ra, Okubo Toshimichi đã phát huy thực lực, là sau khi cuộc cách mạng Duy tân Minh Trị đã thành công, sau khi chính phủ mới của vua Minh Trị đã thành lập. Năm thứ hai sau cuộc cách mạng Duy tân, tức là năm 1869, ông được phong Tham nghị, một chức quan trọng yếu trong triều, rồi năm 1871, ông được phong làm Bộ trưởng Kho bạc. Thời đó, Tham nghị là chức quan lớn hơn Bộ trưởng Kho bạc, và như vậy có nghĩa là ông bị giáng chức ít nhiều. Song vì biết cái vị trí tế nhị của mình nên ông đã nhận lãnh chức vụ mới này.

Thế nhưng tháng 11 năm ấy, ông tổ chức đoàn đại biểu thị sát nước ngoài, tôn Iwakura Tomomi làm đại sứ toàn quyền, còn chính mình nhậm chức phó sứ. Ðoàn đại biểu đã bỏ ra một năm rưỡi tuần sát các nước Âu Mỹ để rồi trở về nước tháng 5 năm 1873. Lúc đó Okubo được 44 tuổi. Từ đó trở đi mới là lúc Okubo phát huy thực quyền.

Trong lúc Iwakura và Okubo xuất ngoại, ở trong nước có cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề "chinh Hàn[10]." Vừa ngoại du trở về, Okubo chủ trương đặt ưu tiên cho công tác chỉnh đốn việc trong nước. Và sau một cuộc tranh luận kịch liệt với nhóm Saigo Takamori, Eto Shinpei, Itagaki Taisuke, ông đã đè bẹp được chủ trương "chinh Hàn." Ðây là đầu mối cho cơ hội phát huy thực lực của Okubo.

Okubo Toshimichi được phục chức Tham nghị, đồng thời kiêm nhiệm chức Bộ trưởng nội vụ. Sau cuộc cải cách quan chế năm 1885, chức năng của Bộ trưởng nội vụ bao chùm tất cả các vấn đề nội chính. Với quyền hạn rộng lớn này, Okubo đã tìm mỗi cách cô lập hóa Saigo Takamori.

Năm 1875, cuộc hội đàm Osaka[11] mở ra giữa Okubo Toshimichi, Kido Takayoshi (tức là Katsura Kogoro, một cựu phiên sĩ phiên bang Satsuma) và Itagaki Taisuke được mở ra, trong đó Okubo đã thuyết dụ được họ tham gia nội các. Năm trước đó, Okubo đã chấp nhận cho xuất binh sang Ðài Loan, và nhân cơ hội đó, đã lôi kéo được em trai Saigo Takamori là Saigo Tsugumichi.

Dùng thủ đoạn, Okubo lần lần chia rẽ phe đối lập. Chẳng hạn, bọn Eto Shinpei đã có lúc có thế lực chia hai dư luận trong nước, song dần dần đã bị cô lập hóa. Okubo quả là người có thủ đoạn. Kết quả là Chính phủ Minh Trị đã trở thành dụng cụ cho Okubo chuyên quyền. Nhân đó, ông đã thực thi chính sách "gia tăng sản xuất, tân hưng kỹ nghệ[12]," tức là chính sách chấn hưng các ngành nghề sản xuất.



Xây dựng một quốc gia không để cho ngoại quốc coi thường

Những chí sĩ thời cuối Edo, như Takasugi Shinsaku, Katsura Kogoro, Saigo Takamori, đều là những người chủ trương "nhương di (sua đuổi man di)" để giữ vững chính sách "tỏa quốc," tức là đóng cửa đất nước, tức là "bế quan tỏa cảng." Họ đã cho ám sát những người khác chủ trương "mở nước" như Ðại lão[13] Ii Naosuke và những người cùng chủ trương. Thế nhưng, chỉ mười năm sau đó, tất cả đám người "nhương di" này đều đã chuyển hướng thành chủ trương "mở nước." Nghĩa là những chí sĩ "tôn hoàng nhương di", sau khi trở thành quan cao của Chính phủ Minh Trị, đều đã chủ trương "khai hóa văn minh[14]." Ở điểm này, họ đáng gọi là những kẻ "thất tiết," những người không giữ được tiết nghĩa, nhưng tuyệt nhiên không thấy họ có vẻ gì là ngượng nghịu, là xấu hổ trước hành vi đổi chiều, thái độ chuyển hướng như vậy của họ cả. Thật là một hiện tượng lạ lùng của thời kỳ Duy tân Minh Trị.

Sở dĩ như vậy là vì những chí sĩ Duy tân này không phải là những nhà tư tưởng. Họ chỉ là những người hành động thực tế. Ðối với họ, chủ nghĩa chủ trương không bằng lòng ái quốc, không bằng tinh thần không chịu thua kém người khác.

Những người sau này được tôn vinh là chí sĩ Duy tân, trước sự kiện "đoàn tàu đen xuất hiện[15]," đã chỉ nghĩ làm sao dựng nên một nước Nhật không bị coi thường, làm sao xây dựng một tổ quốc Nhật Bản không bị ngoại quốc khinh thị. Muốn vậy, họ nghĩ, cần phải có võ lực mạnh. Nếu dùng võ lực đánh đuổi được đoàn tàu đen đi, thì ngoại quốc không thể khinh thường Nhật Bản được nữa. Võ sĩ samurai Nhật Bản thời ấy đã chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy mà thôi.

Cũng có phiên chúa tưởng thế là thật, đã thực sự thử sức với ngoại quốc. Chẳng hạn, phiên bang Choshu đã nã pháo vào thương thuyền Mỹ hoặc chiến hạm Pháp và Hà Lan trong khi những tàu này chạy ngang qua Bakan (nay là Shimonoseki); phiên bang Satsuma thì từ pháo đài trên bờ nã pháo vào chiến hạm Anh khi tàu này xâm nhập vịnh Kagoshima. Vụ trước gọi là trận chiến tranh Bakan, vụ sau là trận chiến tranh Satsu-Anh.

Thế nhưng đoàn tàu đen trang bị hơn 100 khẩu đại bác thì quá mạnh. Sự hơn thua về hỏa lực giữa địch và ta đã rành rành. Không thể chỉ lấy áo giáp, mũ sắt, đao kiếm, súng hỏa mai và vài nòng pháo cổ điển mà có thể đương đầu được. Muốn đánh thắng ngoại bang, thì phải có tàu chiến tố tân trang bị đại bác lớn. Mà phải có thật nhiều cơ.

Khi biết rõ sự thực như trên, các phiên chúa cũng như mạc chúa Tokugawa bèn chạy tới các thương gia Hà Lan ở Nagasaki, hỏi mua súng đại bác, tàu chiến. Nhưng đại pháo và chiến hạm thì giá đắt. Hơn nữa, mua bằng tiền giấy của phiên bang đâu có được. Phải mua bằng vàng bạc. Thế là các võ sĩ samurai mới tỉnh ngộ ra rằng, phải dựng xưởng đúc đại pháo, phải xây xưởng đóng tàu mới có thể có được những võ khí mạnh đó.

Việc này không dễ dàng gì. Họ dần dần nghĩ ra rằng, muốn có vàng bạc thì phải dựng nên những ngành nghề chế tạo sản phẩm có thể bán ra nước ngoài được. Muốn thế, muốn gây dựng những ngành nghề sản xuất mới, thì phải học kỹ thuật, học chế độ ngoại quốc để công nghiệp hóa đất nước, chứ không thể cứ một mực "tôn hoàng nhương di (tôn vua đuổi man di)" được nữa. Muốn xây dựng một nước khiến ngoại quốc không còn khinh rẻ được nữa, thì không còn có chỗ nào khác hơn là "khai hóa văn minh."

Nói tóm lại, các chí sĩ Duy tân, xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc đã đi tới kết luận "khai hóa văn minh" để xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Người ta có cảm tưởng như điểm xuất phát và điểm đích hình như nghịch đảo. Nhưng đây là kết luận đúng. Nhưng chỉ vì quá hăng say, nên có lúc họ đã đi quá trớn. Vì muốn du nhập kỹ thuật hiện đại, cơ chế hiện đại của ngoại quốc, họ đã truyền bá ý nghĩ bỏ hết truyền thống có sẵn của Nhật Bản. Chẳng hạn, hạng người như Mori Arinori[16] đã chủ trương bỏ hẳn tiếng Nhật và lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức thay thế.

Mục đích của Duy tân là làm cho Nhật Bản thành một nước không bị ngoại quốc khinh thị, nên nếu những người ban đầu chủ trương dùng võ lực xua đuổi ngoại bang đi, nhưng sau đó cũng chính những người này lại khởi xướng việc học hỏi ngoại quốc, thì cứu cánh vẫn là một, dầu cho thủ đoạn có khác đi. Người theo chủ nghĩa dân tộc chủ trương "tôn hoàng nhương di" cũng đồng thời lại là người tôn thờ chủ nghĩa Âu hóa chủ trương "khai hóa văn minh." Thế mà những người như vậy không hề coi mình là kẻ thất tiết. Quả thật đây là tiến trình chuyển biến tư tưởng rất Nhật Bản, mà Okubo Toshimichi là một đại biểu vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:43 PM
Như thế, trở thành người chủ trương Khai hóa Văn minh, Okubo Toshimichi đã dùng mọi thủ đoạn cô lập Saigo Takamori, chèn ép Eto Shinpei, mà hẳn vẫn cho mình đã làm việc chính đáng. Trong Chính phủ Minh Trị, lập ra cái mà người đời gọi là "thể chế độc tài Okubo," rồi áp dụng chính sách khai hóa văn minh và chủ trương gia tăng sản xuất, tân hưng sản nghiệp để làm cho Nhật Bản giầu mạnh không bị ngoại bang khinh thị nữa, hẳn Okubo đã làm với niềm tin của ông vậy.


Xây dựng cơ chế trong nước rập theo đế quốc Ðức.

Nhật Bản thời Minh Trị đứng về phe đế quốc Anh trên mặt ngoại giao, nhưng mỗi cơ chế trong nước thì lại rập theo khuôn mẫu của đế quốc Ðức. Ðây là biểu hiện của đường lối thực tế của Okubo Toshimichi.

Thật ra, sự kiện Nhật Bản thuộc phe đế quốc Anh về mặt ngoại giao, không phải là tự ý Nhật Bản lựa chọn như vậy.

"Ðoàn tàu đen" gồm bốn chiến hạm, do đô đốc Perry chỉ huy, tới đòi Nhật Bản mở cửa năm 1853 (niên hiệu Gia Vĩnh năm thứ sáu), là của Mỹ. Năm sau, Perry lại tới đòi đàm phán. Nhưng ngay sau đó, ở Mỹ đã xẩy ra cuộc nội chiến Nam Bắc quanh vấn đề giải phóng nô lệ, gây tổn hại lớn đến nội lực, khiến Mỹ không còn bụng dạ nào quan tâm đến một đảo quốc nhỏ bé ở vùng Cực Ðông nữa.

Một mặt, giữa lúc Nhật Bản chìm đắm trong sự hỗn độn thời cuối Edo, thì Âu châu đang ở thời kỳ đại loạn với cuộc chiến tranh Phổ - Áo (1866), rồi chiến tranh Phổ - Pháp (1870-1877). Ðế quốc Phổ với trung tâm là thành phố Berlin ngày nay, đã liên tiếp thắng Áo rồi Pháp. Kết quả là năm 1871, nước Ðức đã được thống nhất và đế quốc Ðức với nước Phổ làm trung tâm đã ra đời. Thời điểm này, nước Italia cũng được thống nhất thành một quốc gia. Châu Âu đã trải qua một thời kỳ 10 năm ly loạn. Do đó, cả Pháp, Ðức, Áo đều không có ý định dùng quân sự xen vào nội bộ Nhật Bản. Trong các cường quốc ở châu Âu lúc đó, chỉ còn có Anh và Nga là còn có thể gửi quân lực tới miền Cực Ðông. Thế nhưng, đế quốc Nga lúc đó tuy có quân lực hùng mạnh luôn luôn có tham vọng bành chướng, nhưng trình độ kinh tế, kỹ thuật lại thấp kém, và chế độ xã hội thì lại có phần thua kém Nhật Bản. Vào thời kỳ Duy tân Minh Trị của Nhật Bản, thì đế quốc Nga chỉ mới bắt đầu cuộc giải phóng nông nô, nên khó có kỹ thuật cũng như tư bản để viện trợ cho Nhật Bản.

Ðến thế này, thì Nhật Bản chỉ còn Anh quốc để về hùa mà thôi. Tình huống này được lặp lại sau trận Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thật vậy, năm 1951 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ 26), Nhật Bản ký hòa ước San Francisco để thuộc vào phe các nước Tây phương, nhưng Nhật Bản bị Mỹ chiếm đóng, rồi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, nên Nhật Bản không còn cách lựa chọn nào khác hơn là về phe với Anh quốc trên mặt ngoại giao.

Thời Minh Trị, Nhật Bản cũng chỉ còn cách về phe với Anh quốc. Kể từ sau khi "đoàn tàu đen" tới Nhật Bản, thì tin tức ngoại quốc xuất phát từ Anh quốc đã lần lần thay thế cho tin tức ngoài nước trước đó xuất phát từ Hà Lan. Người Nhật thời Minh Trị quan niệm rằng, một quốc gia hiện đại là một nước có chủ nghĩa dân chủ và nền kinh tế tự do như Anh quốc vậy. Thế nhưng, khi Okubo Toshimichi đóng vai phó sứ của phái đoàn Iwakura sang tới châu Âu, ông mới thấy rằng chẳng riêng gì Anh quốc, mà cả Ðức, Pháp, Áo - Hung (năm 1867, đế quốc Áo đã cải tổ thành đế quốc Áo-Hung) đều là các quốc gia hiện đại. Mỗi nước đều có thể chế khác nhau. Trong các nước này, Okubo Toshimichi đã đặc biệt quan tâm tới đế quốc Ðức, một thế lực tân hưng đang sục sôi khí thế bá chủ.

Trong các nước châu Âu, Anh quốc là nơi đã dấy lên làn sóng cách mạng công nghiệp hiện đại đầu tiên. Theo sau đó là Pháp, Hà Lan. Chậm hơn nữa là đế quốc Ðức. Ðể đuổi kịp Anh quốc, đế quốc Ðức đã áp dụng chính sách mạnh mẽ nuôi dưỡng các ngành nghề sản suất. Với hỗn danh "Tể tướng máu sắt," Thủ tướng Otto von Bismarck đã áp dụng chủ nghĩa quan liêu, một chế độ và tổ chức khác hẳn với Anh quốc.

Từ khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII, ở Anh quốc đã nổ ra cuộc cách mạng công nghiệp. Nhiều kỹ thuật, nhiều phương pháp mới đã được phát minh ra. Nhưng, kỹ thuật nào tốt, phương pháp nào hay, thì thực ra chưa ai biết được. Bởi đó là thời kỳ mà người ta đã mất niềm tin của cả ngàn năm trước, tức là "lời Chúa" trong Kinh Thánh. Nào Kinh Thành nói "đất không chuyển động," nhưng có vẻ là "trái đất chuyển động" mới đúng. Nào Kinh Thánh nói "Chúa sáng tạo ra con người," nhưng không chừng con người là do loài vượn tiến hóa mà thành. Nếu "lời Chúa dạy" đã được tin là đúng không lay chuyển cả ngàn năm rồi, mà nay còn bị nghi ngờ, thì lời nói của bọn quan lại, học giả, v.v. làm sao tin được? Nói cách khác, tiền lệ cũng như tiêu chuẩn, tất cả đều trở thành vô dụng.

Trong bối cảnh như vậy, người Anh thế kỷ thứ XVIII đã nghĩ như sau. Mỗi người đều đáng được "bình đẳng trong cơ hội" trở thành người cung cấp sản vật. Cho tới thời bấy giờ, những người sản xuất đều họp thành một "tổ ngành nghề (guild)." Chỉ những ai ở trong "tổ ngành nghề" mới được phép sản xuất và bán ra sản phẩm. Ðồ sắt thép phải là do những người trong "tổ thợ rèn" mới được chế tạo và bán ra. Hàng len phải là do "tổ dệt len" mới được dệt và bán ra.

"Bình đẳng về cơ hội" có nghĩa là mỗi người đều được phép chế - bán ra sản phẩm không phân biệt họ xuất thân từ giai tầng nào. Nói cách khác, đây là sự tự do cạnh tranh.

Thế rồi, sản phẩm nào tốt, ai khéo tay, sẽ để cho người tiêu dùng lựa chọn. Nghĩa là thực hiện chủ quyền của người tiêu dùng qua sự quyết định "hàng bán chạy là hàng tốt." Người cung cấp sản phẩm bán chạy trên thị trường sẽ được phát đạt. Ðây là triết lý "kẻ thích nghi sinh tồn," "kẻ thích nghi phồn vinh." Sau này, trong sách "On the Origin of Species by Means of Natural Selection (Bàn về nguồn gốc chủng loại bằng sự chọn lọc {đào thải} tự nhiên)," Charles Robert Darwin đã nâng triết lý này lên hàng "nguyên lý tự nhiên," song thật ra, người Anh đã thực hành điều này cả trăm năm trước đó rồi.

Ðiều vừa kể mới thực sự là hình thức kinh tế tự do kiểu Anglo-Saxon. Nền kinh tế tự do Anh quốc bảo đảm sự "bình đẳng về cơ hội," tức là sự "tự do về nghề nghiệp." Ai cũng có thể trở thành nhà cung cấp. Kết quả sẽ được quyết định bởi cạnh tranh. Ai được đông đảo người tiêu dùng ủng hộ thì phát đạt, ai mất sự ủng hộ của người tiêu dùng thì tiêu diệt.

Ý nghĩ như vậy về kinh tế tự do, về chủ quyền thuộc về người tiêu dùng, đem áp dụng vào chính trị thì trở thành chủ nghĩa dân chủ. Trong chế độ chính trị dân chủ chủ nghĩa, ai ai cũng có thể, trên nguyên tắc, ứng cử làm chính khách được. Nghĩa là ai ai cũng có cơ hội trở thành người cung cấp chính trị. Và sự lựa chọn ai làm chính khách là quyền của cử tri, tức là người tiêu dùng chính trị. Ứng viên nào được sự ủng hộ của đông đảo cử tri, sẽ đắc cử đại biểu quốc hội. Ðảng có chính kiến hay nhất sẽ nắm được chính quyền. Nói cách khác, chủ nghĩa dân chủ là mọi người dân làm chủ, là phiên bản chính trị của chủ nghĩa kinh tế tự do.

Ngày nay, chúng ta chỉ còn biết rằng người Anh đã chế ra những máy móc tuyệt diệu như máy kéo sợi Hargreaves, đầu máy xe lửa Stevenson. Nhưng những thứ còn được truyền tụng như vậy ngày nay đều là những phát minh thành công cả. Thật ra, phần lớn những máy móc được sáng chế ra trong thời kỳ của cuộc cách mạng cơ giới đó, là đồ bỏ, là đồ vô dụng. Một số những máy móc như vậy ngày nay vẫn còn được triển lãm ở tầng hầm của Viện Bảo Tàng Ðế Quốc Ðại Anh ở London. Chẳng hạn có những thứ như "máy vừa ngủ vừa được uống cà phê," v.v.. Trong khoảng từ hậu bán thế kỷ thứ XVIII sang thế kỷ thứ XIX, những máy như vậy được chế ra rất nhiều ở Anh quốc. Có nhiều người đã xuất vốn cho chế tạo ra, rồi cũng có người đã cất công đi rao bán những máy như vậy.

Buôn bán lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp giật cũng hoành hành. Nước Anh vào thời kỳ cách mạng công nghiệp, thật ra là một xã hội méo mó hỗn tạp. Tình trạng như vậy đã kéo dài gần một trăm năm, và kết quả là những cái tốt, cái hay sống sót, và nền công nghiệp hiện đại chế tạo những cái đó đã phát đạt vậy.

Thế rồi sau cuộc chiến tranh Napoléon, kể từ khoảng năm 1830 trở đi, thì Pháp, Ðức cũng gia tăng tốc độ công nghiệp hóa. Ðến khoảng năm 1870, Bismarck lãnh đạo đế quốc Ðức đã quyết tâm học hỏi tiền lệ để đuổi kịp Anh quốc về mặt công nghiệp hóa.

Nghĩa là Anh quốc đã làm cuộc thí nghiệm về chủ quyền của người tiêu dùng rồi, nay không cần chờ đợi sự đào thải bởi cạnh tranh tự do nữa. Ðức chỉ cần nhìn vào kết quả đó, thấy cái gì thành công hãy bắt tay vào công nghiệp hóa, thì như vậy không phí phạm. Ðồng thời, để cho những người hiểu biết tinh tường về tiền lệ ở Anh quốc lựa chọn cái nào tốt nhất mà sản xuất công nghiệp, thì như thế có thể hoàn thành sự hiện đại hóa một cách có hiệu quả. Như vậy, chuyện lừa bịp sẽ không có, phá sản sẽ không xẩy ra, quốc dân khỏi bị lừa đảo mà có thể sống an tâm hạnh phúc được.

Vậy ai là người hiểu biết tinh tường về tiền lệ ở Anh quốc? Ðó chính là đám quan liêu (công chức) ưu tú, các giáo sư đại học. Vậy, cứ để cho những người này chỉ dẫn đường hướng, chuẩn định quy cách sản phẩm, rồi cho giới công nghiệp chế tạo ra và cho quốc dân mua dùng. Ðây là chủ nghĩa khai sáng do quan liêu (công chức) chỉ đạo, nền tảng cho đế quốc Ðức vậy.

Phái bộ Okubo Toshimichi sang châu Âu, được nghe giải thích chế độ này của đế quốc Ðức, đã bị mê hoặc. Họ nghĩ "Nhật Bản nên du nhập và thực hiện chế độ này." Có thể là từ trước đó, Okubo Toshimichi đã thấy những mâu thuẫn của chủ nghĩa dân chủ kinh tế tự do của Anh và do đó có ác cảm với chủ nghĩa này.

Kasumi
10-02-2007, 12:44 PM
Giữ chức Bộ trưởng Nội vụ nắm toàn thể nền chính trị quốc gia

Trở về Nhật, Okubo Toshimichi đã chống lại đường lối "chinh Hàn" của bè phái Saigo Takamori, Itagaki Taisuke, Eto Shinpei. Ông chủ trương cải cách nội chính chứ không gửi quân đội viễn chinh sang bán đảo Triều Tiên. Rồi ông thuyết phục mọi người chung quanh rằng đường lối tốt nhất là áp dụng cơ chế đế quốc Ðức mà ông đã học hỏi được. Khi quan điểm lý luận của ông chiếm được đa số trong Chính phủ Minh Trị, ông bèn loại bỏ Saigo và Eto đi, rồi lôi kéo Itagaki vào bè phái của mình. Ðồng thời, để thực hiện đường lối "Thực sản hưng nghiệp" ông đã đích thân nắm chức bộ trưởng nội vụ, một mình quán xuyến mọi chính sách nội bộ.

Ðường lối của Okubo Toshimichi ngày nay nhìn lại, là chỉ tôn trọng bọn êlít, tức là đám người ưu tú, còn quốc dân thì bị khinh miệt là ngu dốt. Tuy vậy, so với chủ trương phân biệt dòng dõi (thị tộc) của bọn Saigo, thì đường lối này hãy còn tiến bộ hơn nhiều.

Ðồng thời, đối với đại đa số quốc dân, ông tỏ ra nhiệt tình với hoạt động khai sáng, hoạt động phổ biến kỹ thuật sản xuất. Chứng cớ là việc mở hội chợ.

Okubo Toshimichi đã đích thân đứng ra chủ trì ba lần hội chợ. Những hội chợ này là để trưng bầy kỹ thuật ưu tú của ngoại quốc, và chiêu mộ người trong nước đứng ra công nghiệp hóa những kỹ thuật đó. Ai dám đứng ra làm, sẽ được chính phủ trợ giúp vốn làm ăn. Thế rồi, áp dụng đường lối giáo dục bằng vật thực, ông cho dựng nhà máy mẫu bằng cách rập khuôn nguyên xi nhà máy kéo sợi của Pháp và nói "cứ bắt chước y hệt thế này là được." Tất cả những việc như vậy, chính Bộ trưởng nội vụ Okubo đã đích thân đứng ra làm.

Xem như vậy, thì thời đó, phạm vi hoạt động của Bộ Nội vụ bao gồm những bộ ngày nay như Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp, Bộ Nông thủy sản, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Bộ Tự trị, Tổng cục công an và tất cả nghiệp vụ của các Tỉnh trưởng.

Từ Bộ Nội vụ như vậy, công tác chuyên ngành lần lần thành hình và các bộ chuyên môn dần dần tách ra thành các bộ riêng. Trước nhất là Bộ Nông thương vụ được độc lập. Rồi năm 1925 (niên hiệu Ðại Chính năm thứ 14), bộ này lại tách ra thành Bộ Nông lâm và Bộ Công thương. Sang thời Showa (Chiêu Hòa, từ năm 1926 tới 1989), thì Bộ Y tế (1938), rồi sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ II thì Bộ Lao động (1947), Bộ Xây dựng (1948) được tách ra độc lập. Rồi các tỉnh trưởng được trực tiếp bầu ra, và Bộ Nội vụ sau cùng được chia thành Bộ Tự trị và Tổng cục cảnh sát, với chức năng giám sát điều chỉnh hoạt động hành chính của các tỉnh mà thôi.

Nói cách khác, Bộ Nội vụ thời Minh Trị đã quán xuyến từ vấn đề nội vụ tới việc tân hưng công nghiệp. Thời ấy, ngoài Bộ Nội vụ ra, còn có các bộ sau: Bộ ngoại giao coi việc ngoại giao, Bộ Lục quân và Bộ Hải quân lo việc quân sự, Bộ Cung đình coi việc hoàng gia, Bộ Tư pháp lo việc pháp luật, Bộ Văn coi việc học (giáo dục đào tạo), Bộ Kho bạc coi việc tài chính, Bộ Ðường sắt quản lý kinh doanh hệ thống đường sắt, Bộ Ðệ tín lo việc bưu chính, điện tín cùng những vấn đề khác như điện lực, vận tải đường biển.

Nghĩa là, trừ giáo dục, tài chính và các ngành nghề quốc doanh, còn mọi việc nội chính đều nằm trong tay Bộ Nội vụ. Những sản nghiệp như nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản (hầm mỏ), công nghiệp, vận chuyện hàng hóa, xây dựng, y tế, lao động, v.v., tất cả đều do một tay Okubo Toshimichi nắm giữ hết.

Chế độ quan liêu (công chức) Nhật Bản là rập theo khuôn mẫu của chủ nghĩa khai sáng kiểu quan liêu chỉ đạo của đế quốc Ðức. Trước hết là thành lập một loạt cơ quan công quyền có mục đích gây dựng những nhà cung cấp. Ví dụ, Bộ Văn (tương đương với Bộ Giáo dục và Ðào tạo ở ta) là cơ quan đào tạo thày giáo, phổ cập giáo dục học đường. Bộ Văn ngày xưa cũng như ngày nay, không hề để tâm tới học trò. Bộ Ðường sắt lo trải đường sắt ra toàn quốc, đào tạo kỹ sư và gây dựng xí nghiệp vận hành hệ thống đường sắt. Bộ Kho bạc trông coi việc phát triển của ngân hàng. Bộ Ðiện tín lo toan sự nghiệp phát triển điện tín và vận tải đường biển.

Mặt khác, cơ quan nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng, tức là quốc dân nói chung, cũng đã được lập ra. Trước cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là Bộ Nội vụ với các tỉnh trưởng và cảnh sát nắm quyền địa phương.

Bộ Nội vụ trước thời chiến tranh, là trung tâm của quyền hành chính địa phương, với đám quan liêu nặng đầu óc chăn dắt con dân. Chính họ đã tự ví mình là "mục dân quan (quan chăn dắt con dân)." Từ này đã được thông dụng cho tới khoảng năm 1970 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ 45). Nếu các bộ sở khác chú trọng việc cung cấp, thì Bộ Nội vụ chăm lo việc bảo hộ, dẫn dắt đám dân đen yếu hèn. Cái ý thức êlít của họ là như thế đấy.

Sự chỉ đạo của quan liêu theo kiểu đế quốc Ðức gồm có, một mặt là cơ quan nhà nước chuyên lo việc tạo dựng các ngành nghề sản xuất, mặt khác là Bộ Nội vụ chăm sóc quốc dân. Một sự cân bằng đã phát sinh ra giữa hai thế lực, một bên là phát triển quốc gia, một bên là bảo hộ quốc dân. Okubo Toshimichi đã rập khuôn nguyên xi chế độ đó của đế quốc Ðức, song, tự ông đã nắm giữ luôn Bộ Nội vụ và trong một thời gian khá dài, Bộ Nội vụ của ông đã làm luôn cả hai việc. Vì vậy, dẫu có bị gọi là "Okubo độc tài" cũng đáng lắm.

Hãy gác chuyện ấy sang một bên. Từ khi có chế độ quan liêu thời Minh Trị, người ta thấy đã lan rộng trong quần chúng cái ý thức nương tựa vào quan liêu, bởi vì "quan liêu học rộng hiểu nhiều," còn ở quan liêu, người ta thấy phát sinh ra cái ý thức coi "quần chúng ngu dốt, nên phải được bảo hộ." Nghĩa là, quan sẽ dạy bảo tất cả kỹ thuật, chế độ ưu việt của châu Âu cho, còn dân thì thành chân tay làm việc tại hiện trường là được.

Do đó, từ chủng loại và quy cách sản phẩm, tiêu chuẩn thiết bị tới thời gian lao động và chế độ thuê mướn lao động, tất cả đều do quan liêu định trước. Ðó là điều mà giới quan liêu cho là cần phải có, để gây dựng các ngành nghề sản xuất hiện đại, và như vậy mới có lợi cho người tiêu dùng. Một mặt, để bảo đảm cho dân ngu hèn khỏi bị đám con buôn lưu manh bóc lột, một lực lượng cảnh sát quốc gia đã hình thành, gồm có đám quan liêu Bộ Nội vụ, các tỉnh trưởng thị trưởng và cảnh sát hành chính, luôn luôn để mắt nhòm ngỏ, sẵn sàng bắt giữ trừng trị bọn người phạm pháp. Chế độ này quả thật đã có ích cho việc xây dựng Nhật Bản thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.


Chế độ quan liêu được tăng cường sau khi Okubo qua đời

Chế độ quan liêu Minh Trị do Okubo Toshimichi du nhập vào, được xác lập vào khoảng năm 1877 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 10), tức là vào lúc cuộc chiến tranh Tây Nam. Chính phủ Duy tân Minh Trị, cho đến năm 1871 (niên hiệu Minh Trị năm thứ tư), chỉ lo phá bỏ cái cơ chế có trước đó của thời mạc phủ Tokugawa, chứ chưa suy nghĩ nên làm gì sau đó. Việc này đã chỉ được bàn luận nghiêm chỉnh sau khi đoàn đại biểu Iwakura được cử đi thị sát nước ngoài năm 1871 đó.

Tất nhiên là một sự hỗn loạn đã diễn ra xung quanh vấn đề điều hành nước Nhật như thế nào. Năm 1873 (niên hiệu Minh Trị năm thứ sáu), chủ trương của bọn Okubo được nhìn nhận, thì đường lối cơ bản mới được định, là theo chế độ quan liêu chỉ đạo. Nhưng trong nước hãy còn nhiều nơi phản đối. Người ta chưa tin thực lực của chế độ quan liêu.

Thế rồi năm 1877, người ta thấy quân đội địa phương (trấn đài binh) gồm nông dân bị trưng binh, đã đánh bại quân đội sĩ tộc[17] của Saigo Takamori. Sự thế đã đổi hẳn: công chức (quan liêu) giỏi và mạnh hơn sĩ tộc.

Hơn thế nữa, do cuộc chiến tranh này mà các ngành nghề như đóng tàu, súng đạn, quân trang, quân giới, v.v., đã hình thành, nghề vận chuyển đường biển để chuyên chở quân nhu cũng phát đạt lớn lao.

Thua trận, Saigo Takamori đã tự mổ bụng ở Shiroyama. Kido Takayori cũng chết bệnh. Thế là ai ai cũng tưởng Okubo sẽ thành diễn viên độc nhất trên sân khấu, nhưng chính Okubo cũng đã bị ám sát năm 1878 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 11). Như vậy, thế hệ thứ nhất lãnh đạo cách mạng Minh Trị đã gần như không còn ai. Từ đó, thế hệ thứ hai lãnh đạo cách mạng, gồm có bọn Ito Hirobumi, Yamagata Aritomo, đã nắm giữ quyền hành của Chính phủ Minh Trị.

Chế độ quan liêu do Okubo dựng nên, đã được bọn Ito Hirobumi củng cố thêm cho vững chắc hơn. Ðể được như vậy, trước hết, họ thiết lập trường Ðại học quốc gia (đúng ra là Đại học đế quốc, ở đây tạm dịch là Đại học quốc gia) để đào tạo nhân tài cho chế độ quan liêu. Lúc đầu, chỉ có một trường Ðại học quốc gia (sau này trở thành Ðại học quốc gia Tokyo) nên không cần ghép chữ Tokyo vào tên đại học. Sau này, đến năm 1897 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 30), trường Ðại học quốc gia thứ hai được thiết lập ở cố đô Kyoto. Từ đó, Ðại học quốc gia thứ nhất được cải danh là Ðại học quốc gia Tokyo.

Ðại học quốc gia được lập ra với mục đích gì? Trước nhất, Ðại học Luật là để đào tạo quan hành chánh và quan tòa. Ðại học Công nghệ là để đào tạo quan chức công chánh, quan chức trị thủy, quan chức đường sắt, kỹ sư cho Bộ Ðệ tín và các bộ khác.

Ðại học quốc gia có uy tín hơn các đại học tư thục khác. Vì vậy, những người xuất thân từ Ðại học quốcgia khi vào làm việc ở các bộ sở, đương nhiên có ý thức êlít, bởi vì chính họ đã được đào tạo để tự coi mình ưu tú hơn người khác. Ở đây, người ta cũng thấy xuất hiện tư tưởng quốc gia kiểu quan liêu chỉ đạo do Okubo Toshimichi lập ra vậy.

Ngược lại, các xí nghiệp dân doanh tiếp nhận nhiều người tốt nghiệp các trường đại học tư, hay các trường cao đẳng chuyên môn (như Cao đẳng Thương nghiệp, Cao đẳng Công thương). Nghị viện đế quốc (quốc hội) cũng phần lớn là những người xuất thân từ các đại học tư. Nói cách khác, cái suy nghĩ của chế độ giáo dục này, là đào tạo những người tài giỏi (quan liêu) có năng lực quy hoạch cao độ có khả năng hoạch định đường lối, còn xí nghiệp dân doanh thì chỉ cần người có năng lực làm việc ở hiện trường.

Kasumi
10-02-2007, 12:44 PM
Năm 1890 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 23), nghị viện đế quốc được lập ra. Giống như trường hợp đế quốc Ðức, nghị viện này đã được bố trí sao cho các ủy viên chính phủ được ngồi ở vị trí cao hơn hẳn lên. Nghị viện, như vậy, chỉ được coi là nơi dân đen đệ đạt ý kiến lên chính phủ.

Các quan xuất thân Ðại học quốc gia được coi là tài giỏi hơn đại biểu dân cử do dân bầu ra. Hội trường quốc hội Nhật ngày nay đã được xây năm 1936 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ 11), gồm có ghế của chủ tịch quốc hội ở bậc cao nhất chính giữa, trước mặt ghế chủ tịch là diễn đàn, hai bên diễn đàn là hàng ghế bộ trưởng, phía sau hàng ghế bộ trưởng là hàng ghế ủy viên chính phủ, tức là ghế cho các quan chức bộ sở trung ương. Các nghị viên do quốc dân bầu ra, thì ngồi thấp hẳn xuống dưới, ngửa mặt nhìn lên hàng ghế các quan.

Nghị viện Anh quốc thì khác hẳn. Các nghị viên không có ghế riêng. Họ ngồi trên những hàng ghế dài, xếp đối diện với nhau thành từng bậc. Một bên là thủ tướng, các bộ trưởng và các nghị viên đảng cầm quyền, bên kia là các nghị viên đảng đối lập. Quan liêu các bộ sở trung ương không có chỗ tham dự trong cuộc tranh luận của nghị viện. Cũng là chế độ nội các nghị viện, song Nhật Bản và Anh quốc khác nhau xa lắm.

Còn hội trường của nghị viện đế quốc Ðức, tức là khuôn mẫu của hội trường quốc hội Nhật Bản, thì năm 1933 đã bị Hitler âm mưu phóng hỏa nên đã bị đóng cửa từ đó. Ðến khi quân đội Liên Xô tiến vào Berlin thì hội trường đã bị hủy hoại phần lớn. Từ đó, nó đã bị bỏ trống một thời gian dài bên cạnh "bức tường Berlin." Sau khi Ðức thống nhất, Berlin trở lại thành thủ đô liên bang, nó lại được dự kiến dùng làm hội trường của Hạ viện. Song, bên trong đã do kiến trúc sư người Anh, Sir Norman Foster thiết kế nên đã khác hẳn xưa kia.

Nước Nhật thời Minh Trị liệu có thể coi là đã thành công chăng? Nhờ về phe với Anh quốc trên mặt ngoại giao, nên Nhật Bản đã thắng hai cuộc chiến tranh Nhật - Thanh (1894-1895) và chiến tranh Nhật – Nga (1904-1905), rồi đã thành công trong việc thu hút đầu tư của Anh quốc. Kỹ thuật đường sắt, điện tín, bưu chính, v.v., cũng đã học được. Hơn thế nữa, trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Nhật Bản đã trở thành nước chiến thắng. Ðến nỗi có một lúc, Nhật Bản đã có thể tự hào là "một trong ba đại cường quốc thế giới."

Ở trong nước, thì nhờ học được thể chế của đế quốc Ðức, nên từ rất sớm hệ thống đường sắt đã được trải ra khắp nước, hệ thống điện tín được bành chướng, hệ thống giáo dục sơ cấp được phổ cập tới khắp miền xa miền sâu. Ðây chính là thành quả của chế độ Ðức sau khi đã loại bỏ sự cạnh tranh của dân gian và sự chập choạng mò mẫm.

Thành công trong ngoài như trên đã khiến Nhật Bản phát triển nhanh chóng từ thời Minh Trị (1868-1912) qua thời Ðại Chính (1912-1926).


Khuyết điểm của chế độ quan liêu kiểu Ðức

Chế độ quan liêu kiểu Ðức do Okubo Toshimichi đem vào Nhật Bản có nhiều điểm tích cực, song cũng có nhiều khuyết điểm lớn.

Thời kỳ đầu tiên, nhờ có những người như Okubo Toshimichi hay Ito Hirobumi, Yamagata Aritomo, tức là cha đẻ hay cha nuôi của chế độ cho nên chỉ cần một lời nói của họ đủ làm cho bọn quan liêu các bộ sở không dám ho he nữa. Yamagata Aritomo còn là người dễ dàng bịt nổi miệng đám quân nhân nữa. Sự việc này cũng giống như vị tể tướng máu sắt Bismarck của đế quốc Ðức đã làm việc suôn sẻ với thống chế Hermuth Carl Graf von Moltke[18].

Dần dà, càng về sau, khi không còn những bậc nguyên huân hay những chính khách lớn có uy lực làm câm miệng đám quan liêu, thì cơ cấu quan liêu được phân hóa theo chiều dọc. Quan liêu Bộ Văn chỉ biết nghĩ tới việc giáo dục, quan liêu Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp chỉ biết việc gây dựng ngành nghề sản xuất. Bộ Nông lâm Thủy sản, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, tất cả chỉ lo việc của nghiệp giới mình mà thôi, chứ không có sự điều hợp tương hỗ giữa các bộ với nhau nữa.

Sự việc trên, người đời gọi là "bản tính phân chia địa bàn" hoặc "ý thức quyền hạn." Ðúng vậy, quan liêu sở dĩ làm việc là vì cái ý thức quyền hạn như vậy. Ví dụ, nếu là quan liêu Bộ Nông lâm Thủy sản, thì quyền hạn của họ là bảo hộ nông nghiệp, ổn định hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; nếu là quan liêu Bộ Văn, thì công tác bảo hộ trường học và thày giáo là quan trọng nhất. Vì nghĩ như vậy, nên họ sốt sắng làm việc. Quan liêu mà không làm việc, thì đó chẳng qua là vì họ không có ý thức quyền hạn, họ bắt đầu nghĩ rằng việc làm của họ chẳng có gì quan trọng, chẳng có ích cho ai cả.

Nhưng nếu tất cả các quan liêu đều có ý thức quyền hạn, đều coi việc làm của mình là quan trọng nhất, rồi ai nấy đều vì mục tiêu của chính mình mà đeo đuổi cho đạt bằng được, thì sẽ ra sao? Thứ nhất, quy chế sẽ thêm nhiều ra và được tăng cường, đồng thời, chi phí tài chính sẽ lớn lên.

Trước hết, quan liêu tự coi họ giỏi dang. Họ nghĩ "ta phải làm, không thể để cho dân thường làm được." Từ ý thức đó, họ gia tăng quy chế để củng cố quyền hạn của mình. Cái đáng sợ của cơ cấu quan liêu là, chỉ cần một số rất nhỏ trường hợp không ai phản đối cả, nhưng căn cứ vào đó, họ tăng cường quy chế đưa đến kết quả là vừa làm mất tính tiện lợi vừa làm tốn tiền bạc. Cơ quan công quyền là nơi không thèm để ý gì tới vấn đề thâu hồi tiền bạc và công sức đầu tư, cho nên họ có thể gia tăng quy chế một cách vô tội vạ.

Chẳng hạn, sau trận động đất lớn Hanshin-Awaji, vì một số đường cao tốc đã bị xụp đổ, người ta đã bàn tới việc tăng cường quy chế xây dựng sao cho các đường cao tốc phải chịu được độ lắc 7[19]. Khi có cơ quan tiền tệ (ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty bảo hiểm) bị phá sản, thì người ta liền bàn tới việc tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ quan này. Ðiều này đương nhiên có nghĩa là không cho vay mượn trái với ý muốn của quan liêu, tức là của bộ chủ quản. Mới nghe tưởng như hợp lý lắm. Nhưng, vì đó, phí tổn sẽ gia tăng, và sự kinh doanh tự do không còn được nữa. Xí nghiệp mỗi khi làm ăn sẽ phải nhìn vẻ mặt các quan, sẽ trở nên thụ động, sẽ có thái độ người làm sao ta làm vậy để tránh mọi rắc rối. Các quan thì hể hả, bảo đảm cho đánh đổi quy chế thành phí tổn mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Thêm nữa, sự giám thị quy chế theo cách phân công bề dọc, sẽ làm phát sinh ra quy chế hai tầng, ba tầng, thậm chí bốn tầng, năm tầng. Thủ tục vì thế trở nên phức tạp, phiền toái. Kinh doanh bị gò bó không cựa quậy được. Kết cục là phí tổn gia tăng, và giá cả tăng lên. Ðây là cái tệ hại của chế độ quan liêu (công chức).

Vấn đề thứ hai là, nếu các bộ sở đâu đâu cũng chỉ lo đeo đuổi truy cầu mục tiêu của riêng mình, thì sự cọ sát với ngoại quốc sẽ không thể nào tránh khỏi. Bộ nào cũng cố thủ lãnh vực của mình không chịu nhượng bộ. Trên mặt ngoại giao, có khi người ta phải nhường A để được B, song đám quan liêu phân quyền theo chiều dọc thì không chịu nhượng bộ lãnh vực của họ. Nói đến xuất cảng xe ôtô thì Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp không chịu nhượng bộ. Nói đến vận tải hàng không thì Bộ Giao thông vận tải không nhường bước. Vấn đề gạo thì Bộ Nông Lâm Thủy sản không chịu lùi. Ở bàn hội nghị thuế rượu thì Bộ Kho bạc không chịu lùi nửa bước. Bộ nào cũng không chịu lùi bước nên sự cọ sát với ngoại quốc không thể tránh được. Thật ra, tình trạng tương tự đã xẩy ra ở đế quốc Ðức sau khi Bismarck đã rút lui khỏi chính trường.

Bismarck đã làm nhiều công phu mua chuộc đồng minh và nỗ lực xây dựng một hệ thống bảo đảm an toàn cho đế quốc. Ðó thường được gọi là "chính sách bảo đảm hai tầng."

Nhưng sau khi Bismarck và Moltke về hưu rồi, thì không còn chính khách nào trấn áp nổi đám quan liêu các bộ nữa. Bộ Lục quân, Bộ Hải quân, Bộ Ðường sắt, Bộ Công Thương,... bộ nào cũng đòi phần hơn. Do đó, đế quốc Ðức bị cả thế giới đối lập. Ðến nỗi, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bộc phát, thì chỉ có đế quốc Áo-Hungari chứ không còn một đồng minh nào về phe với Ðức nữa. Sự kiện này cũng giống như Nhật Bản đã phải đối địch với cả thế giới trước cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Ðó, cái tai hại của cơ chế quan liêu là như vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:45 PM
Tình trạng bó chân bó tay ngày nay

Từ thời Minh Trị (1868-1912), qua thời Ðại Chính (1912-1926) tới thời Chiêu Hòa (1926- 1989), ý thức quan liêu kiểu Okubo Toshimichi trở nên rất mạnh. Nhất là sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, chỉ có Bộ Nội vụ với các "mục dân quan" là không còn nữa, chứ các bộ sở chuyên đào tạo ra người cung cấp, thì còn lại tất cả. Do đó, quan liêu chỉ về hùa với người cung cấp, và trở thành địch thủ của người tiêu dùng. Vì thế, ở những lãnh vực không có sự cạnh tranh quốc tế, thì phí tổn mỗi ngày một lên cao, quy chế mỗi ngày một khắt khe hơn. Ðời sống trở nên mỗi ngày một bất tiện, bực bội.

Với ý nghĩa như vậy, phải nói rằng, mặc dù Okubo Toshimichi đã lập nên cơ sở cho cơ chế quan liêu Nhật Bản, đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển ngành nghề sản xuất thời Duy tân Minh Trị, song ông phải chịu trách nhiệm về việc làm cho Nhật Bản bị khốn đốn vì sức ép của quy chế, làm cho vật giá chênh lệch giữa trong và ngoài nước, làm cho người Nhật mất sự tự do lựa chọn. Nói cách khác, chính ông là nhân vật đã lập ra nước Nhật "giàu có nhưng không sung sướng."

Nếu Okubo Toshimichi không bị ám sát và sống qua được thời Minh Trị, thì hỏi nước Nhật sau đó sẽ ra sao? Mười năm sau khi cuộc Duy tân bắt đầu, tức là năm 1878 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 10) cuộc chiến tranh Tây Nam xẩy ra, và thể chế quan liêu Nhật Bản đã trở nên vững chắc. Năm sau đó Okubo Toshimichi bị ám sát. Nghĩa là, Okubo chỉ đã lập ra cơ chế quan liêu, chứ chưa thực tay điều động cơ chế đó. Nếu sau đó Okubo vẫn còn sống, thì chắc hẳn ông sẽ theo gót Bismarck lập ra thể chế độc tài. Rồi, cùng với nội chính, ông sẽ xía vào cả vấn đề ngoại giao, như sửa đổi hiệp ước.

Những năm đầu của thời Minh Trị, ở trong nước Nhật đã có sự lo ngại là thể chế mạc phủ sẽ trở lại. Người ta lo ngại phiên chúa Satsuma sẽ lại trở thành Chinh Di Ðại Tướng Quân, lập ra mạc phủ với Okubo Toshimichi làm tể tướng độc tài. Có người cho rằng kẻ ám sát Okubo đã ôm ấp nỗi lo âu đó.

Chính vì thế, về sau, tức là năm 1889 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 22), bản Hiến pháp Ðế quốc Ðại Nhật Bản (Hiến pháp Minh Trị) được ban bố, đã có sự lo liệu không để cho thể chế mạc phủ tái lập nữa. Theo Hiến pháp Minh Trị, các Bộ trưởng (Ðại thần) đều được nối liền với vua (thiên hoàng), chứ thủ tướng không có quyền bổ nhiệm hay bãi nhiệm họ. Hơn nữa, quyền thống suất lục quân, hải quân cũng thuộc vua và được tách rời khỏi quyền quốc vụ của chính phủ. Tại sao người ta đã để cho mọi quyền lớn đều tập trung vào nhà vua, và các quyền hạn đều phân lập ra như vậy? Ðây chính là vì người ta lo ngại nếu tập trung quá nhiều quyền hạn vào một vị thủ tướng, thì ông này sẽ có thể hành sử quyền độc tài kiểu mạc phủ.

Tuy Okubo Toshimichi đã chuẩn bị xong thể chế độc tài trước khi bị ám sát, nhưng ông quyết không bao giờ mở ra nhà mạc phủ.

Lịch sử Nhật Bản có rất ít người độc tài. Những nhân vật độc tài có tầm nhìn xa trông rộng như Nobunaga hay Okubo đều đã bị ám sát. Sống trong hòa bình lâu dài rồi, Nhật Bản không cần có những người phát huy quyền lãnh đạo mạnh mẽ, cho nên một nhân vật nào đó nếu trở thành độc tài thì dễ bị ghen ghét.

Thời Minh Trị, nhiều chí sĩ đã xả thân cho cải cách. Ðiều khiến họ hi sinh như vậy chính là cái chủ quan xã hội của họ. Ðó là sự nhiệt tâm của họ muốn lật đổ thể chế mạc phủ Tokugawa, một thể chế lấy sự "ổn định" làm nền tảng, để lập ra một thể chế mới, lấy "tiến bộ (khai hóa văn minh)," lấy "hiệu năng (gia tăng sản xuất và gây dựng sản nghiệp)," lấy "trung nghĩa (trung thành với quốc gia)" làm cơ sở luân lý xã hội. Okubo đã làm cho cuộc chiến tranh Tây Nam bùng ra, mà vẫn kiên quyết gây dựng thể chế quan liêu, hẳn là vì muốn đạt được ba chính nghĩa đó.

Vì muốn lập ra nước Nhật không bị ngoại bang miệt thị, Okubo Toshimichi đã chọn chế độ quan liêu chỉ đạo, hướng tới xây dựng một nước Nhật có hiệu suất cao, có hiệu năng cao. Ðiều này đã có hiệu quả tốt trong khoảng 40 năm kể từ thời đại Okubo. Sau đó, là thời kỳ đám quan liêu quân đội đã hành động quá khích, quá lố, không thèm đếm xỉa đến ai cả.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, cơ chế quan liêu lại một lần tỏ ra có hiệu quả đối với sự phát triển và tăng trưởng. Thế nhưng ngày nay thì nó đã trở thành gông chân cùm tay, làm cho không thể cựa quậy được.

Phải nói rằng dù với ý nghĩa tốt hay với ý nghĩa khó xử, Okubo Toshimichi cũng là một nhân vật trọng yếu đã dựng nên nước Nhật ngày nay vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:45 PM
Chú thích:

[1] Nội các do thủ tướng Hashimoto Ryutaro cầm đầu, bắt đầu từ ngày 1/11/1996. Sách này xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6/1997, thì lúc đó còn là thời kỳ hoạt động của nội các này.
[2] Nội các do thủ tướng Suzuki Zenko dẫn đầu, từ 17/7/1980 tới 26/11/1982.
[3] Nội các do thủ tướng Nakasone Yasuhiro cầm đầu, gồm có 3 đợt: đợt 1 từ 27/11/1982 tới 26/12/1983, đợt 2 từ 27/12/1983 tới 22/7/1986, đợt 3 từ 22/7/1986 tới 6/11/1987.
[4] Ủy ban này được nội các Nakasone lập ra tháng 7/1983 và do Doko Toshio, lúc ấy là Chủ tịch Tập đoàn Toshiba làm chủ nhiệm. Ủy ban đã đưa ra bản báo cáo tháng 6/1986 để đáp ứng sự tư vấn của nội các về "phương sách thực hiện một chính phủ nhỏ trong sự lợi dụng sức sống của dân sự." Dựa vào bản báo cáo này, chính phủ Nhật Bản đã quyết định chuyển cho dân sự kinh doanh ba công ty quốc doanh khổng lồ là Hệ thống đường sắt quốc doanh, Tổng Công ty bán độc quyền (thuốc lá, muối) và Tổng Công ty điện tín điện thoại. Tháng 4/1985 hai công ty sau đã được chuyển sang suôn sẻ cho dân sự kinh doanh, nhưng Hệ thống đường sắt quốc doanh mang món nợ quá lớn, phải tới tháng 4/1987 mới được phân cắt ra thành 7 công ty và chuyển sang cho dân sự kinh doanh. Hiện nay, tất cả những công ty dân sự này đều ở trong tình trạng kinh doanh tốt, không còn bị thua lỗ nữa.

[5] NTT là viết tắt chữ Nippon Telephone & Telegraph, JT là viết tắt chữ Japan Tobacco.
[6] Êlít là từ tiếng Pháp élite dịch âm, nghĩa là phần tử ưu tú.
[7] Ðây là nói thời điểm sách này được soạn thảo, tức là năm 1998. Hiện nay, năm 2003, đã có loại hình cây xăng tự phục vụ này ở Nhật Bản rồi, tuy hãy còn là số ít.
[8] Xem lời chú 16 Ch. 7.
[9] Một bậc nguyên huân khác của thời Duy tân Minh Trị, đã có công chỉ huy và chiếm thành Edo không đổ máu, khiến cho mạc chúa Tokugawa phải trao trả lại quyền chính trị cho thiên hoàng Minh Trị, rồi trong chính phủ Minh Trị mới, đã được phong Ðại tướng lục quân, giữ chức Tham mưu, song vì chủ trương gửi quân sang Triều Tiên bị phe đối lập phản đối nên đã từ quan năm thứ 6 của niên hiệu Minh Trị (1874). Năm 1877, cử binh làm phản, song bị thua nên đã tự sát. Vụ này gọi là cuộc Chiến tranh Tây Nam. Mặc dầu kết thúc bi đát như vậy, song nhân vật Saigo Takamori vẫn được tôn trọng như là một công thần của sự hiện đại hóa Nhật Bản. Một ngôi tượng đồng lớn toàn thân Saigo ngay trước vườn thú Ueno, Tokyo, đã minh chứng điều này.

[10] Hàn là quốc hiệu của triều Lý ở bán đảo Triều Tiên. Vậy Hàn là tên gọi đồng nghĩa với Triều Tiên. Chinh Hàn là chinh phạt Hàn, là xâm lược bán đảo Triều Tiên.

[11] Hội nghị tổ chức ở Osaka giữa phe phái Okubo Toshimichi và phe đã từ chức nhân cuộc tranh luận "chinh Hàn." Kết quả của hội nghị này là Itagaki Taisuke và Kido Takayoshi phục chức, và những cơ chế quân chủ lập hiến được xác lập tại Nhật Bản.

[12] Nguyên văn Shokusan Kôgyô (Thực sản Hưng nghiệp), nghĩa là Gia tăng sản xuất và Gây dựng ngành nghề sản xuất (sản nghiệp), tức là công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, v.v..
[13] Ðại lão là chức quan cao nhất của mạc phủ Tokugawa, tức là tương đương với chức Thủ tướng hiện đại.
[14] Nguyên văn là "Bunmei Kaika (văn minh khai hóa)," tức là mở mang hiểu biết làm cho xã hội văn minh.
[15] Nguyên văn là "Kuro-Fune no Raiko." Những con tàu đen là chỉ hạm đội của Ðô đốc Perry của hải quân Mỹ, đã tới Nhật Bản tháng 7 năm 1853, mang theo quốc thư của tổng thống Mỹ, đòi Nhật Bản mở cửa thông thương. Năm sau, hạm đội trở lại vịnh Edo (nay là vịnh Tokyo), ký hòa ước ở Yokohama, mở đầu cho thời kỳ mở cửa của Nhật Bản.
[16] Mori Arinori (1847-1889) : Phiên sĩ phiên bang Satsuma, chính trị gia thời Minh Trị. Du học Âu Mỹ, gia nhập chính phủ Minh Trị, làm tới Bộ trưởng Giáo dục. Có công ban bố pháp lệnh học đường, củng cố cơ sở chế độ giáo dục. Bị coi là tôn thờ chủ nghĩa Âu Mỹ hóa, nên bị phần tử chủ nghĩa quốc túy ám sát đúng ngày ban bố Hiến pháp đế quốc, tức là Hiến pháp Minh Trị, ngày 11 tháng 2 năm 1889 (niên hiệu Minh Trị năm thứ 22).
[17] Theo chế độ giai cấp thời Minh Trị, thì giai cấp trên hết là quí tộc (hoa tộc), thứ đến là sĩ tộc, và dưới cùng là bình dân. Tuy phân chia như vậy, nhưng về mặt pháp lý, sĩ tộc không được quyền lợi ưu tiên nào cả. Đến năm 1947 thì chế độ giai cấp bị phế bỏ.

[18] Danh tướng Phổ đã đánh thắng hai trận chiến tranh Phổ - Áo và Phổ - Pháp, và đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp thống nhất đế quốc Ðức.
[19] Tổng Cục Khí tượng Nhật Bản chia độ lắc động đất ra làm 10 bậc, đánh số từ 0 tới 7. Như vậy, độ lắc 7 là độ lắc lớn nhất. Sở dĩ 10 bậc mà chỉ có 8 con số là vì có số có 2 bậc, như 6 nhẹ, 6 mạnh, chẳng hạn.

Kasumi
10-02-2007, 12:49 PM
Shibusawa Ei-ichi
Thủy tổ của "chủ nghĩa tư bản Nhật"

http://img401.imageshack.us/img401/9518/eichieu1.th.jpg (http://img401.imageshack.us/my.php?image=eichieu1.jpg)

Người lập ra "giới kinh tài"

Shibusawa Ei-ichi là nhân vật đã có những hoạt động rộng lớn trong thời Minh Trị, đã có quan hệ với rất nhiều xí nghiệp, đã dựng nên hầu hết các ngành nghề sản xuất hiện đại của Nhật Bản.

Các ngành nghề mà Shibusawa đã có quan hệ gồm từ ngân hàng tới đường sắt, vận tải đường biển, xí nghiệp chế tạo, công ty mậu dịch, v.v.. Có thể nói, ông đã dựng nên khoảng năm trăm xí nghiệp lớn trong hầu hết các ngành nghề.

Chỉ bao nhiêu đó thôi, có thể nói Shibusawa chính là nhân vật tiên phong trong chủ nghĩa tư bản Nhật. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Cái quan trọng là ông đã tạo ra "giới kinh tài," một giới không thấy có ở nước ngoài.

Thí dụ, ở Mỹ có vua sắt thép Andrew Carnegie, vua ôtô Henry Ford, những người đã đẻ ra những xí nghiệp khổng lồ, đã lập ra những tài đoàn[1] lớn mạnh để cống hiến cho văn hóa, học thuật. Thế nhưng, họ đã không lập ra "giới kinh tài," tức là đoàn thể gồm những doanh nhân cùng làm ăn, cùng hoạt động với nhau. Nhân vật kinh doanh lớn như Rothschild của Anh, Krupp của Ðức, cũng vậy, nghĩa là cũng không lập ra "giới kinh tài."

Nhật Bản là nơi duy nhất đã thấy hình thành "giới kinh tài," từ đó phát sinh ra thể chế "phe phen[2]," "thể chế đồng lõa" của giới kinh doanh. Ðó là bởi vì Shibusawa đã đồng thời có quan hệ với hàng mấy trăm xí nghiệp, và như vậy đã tạo ra môi trường cho các xí nghiệp này cùng xuất vốn làm ăn với nhau. Là người đã tạo ra phong cách làm ăn độc đáo như vậy của chủ nghĩa tư bản Nhật, Shibusawa Ei-ichi quả có giá trị đặc biệt, đã để lại ảnh hưởng lớn đối với nước Nhật ngày nay. Ông thật xứng đáng là một trong số "Mười hai người lập ra nước Nhật" vậy.

Shibusawa Ei-ichi sinh năm 1840 (niên hiệu Thiên Bảo thứ 11), và mất năm 1931 (niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ sáu), hưởng thọ 91 tuổi. Thật là sống lâu lạ thường so với những người đương thời.

Xuất thân ở quận Hanzawa, đất Musashino (nay là thị trấn Fukaya, tỉnh Saitama), từ một gia đình phú nông. Thời nay, khi nói nông gia hay nông dân, người ta thường mường tượng một cách sai lầm rằng đó là một gia đình làm ruộng, trồng lúa, trồng rau, tự cấp tự túc thực phẩm. Nhưng nông gia thời mạc phủ Tokugawa thì không hẳn thế. Gia thế Shibusawa Ei-chi thật ra làm nghề nuôi tằm, chế thuốc nhuộm bằng lá lam (lá tràm), và như vậy là một nhà kinh doanh tiểu công thương nhiều mặt.

Tơ tằm cũng như thuốc nhuộm, đều là những sản phẩm để đổi bán lấy tiền. Tự mình chế ra sản phẩm, đồng thời lại mua góp của những nhà sản xuất địa phương, rồi bán ra như là một nhà bán buôn địa phương vậy.

Xem như vậy, nên coi gia thế Shibusawa Ei-ichi là nhà buôn, là thương gia, hơn là nhà nông. Ngoài ra, nghe nói gia đình ông còn làm cả nghề cầm đồ nữa. Gia đình ông hẳn phải có máu mặt trong địa phương. Xem như vậy, Shibusawa Ei-ichi đã sống thời thiếu niên trong gia cảnh vừa là nhà nông, vừa là nhà buôn lại vừa là nhà công nghiệp. Là một gia đình phong lưu, cho nên ông có điều kiện học hỏi được nhiều thứ.

Năm Shibusawa 14 tuổi, đoàn tàu đen của đề đốc Perry tới vịnh Uraga, gây ra sự xôn xao lớn làm cho dư luận trong nước Nhật chia hai.

Năm 22 tuổi, ra thành Edo, Shibusawa đã nhập bọn với đám người chủ trương xua đuổi bọn man di và như vậy đã bôn tẩu phấn đấu nhiệt tình cho mục đích đó. Ông đã nhập bọn với đám người âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama nghĩa là đã tham gia vào những hoạt động quá khích. Ðiều này chứng tỏ ông ở tuổi thanh niên đã là một người theo chủ nghĩa quốc túy, chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt.

Âm mưu đốt cháy khu nhà ở của người ngoại quốc ở Yokohama là do Kiyokawa Hachiro chủ mưu. Nhân vật này đã đề xướng việc thành lập đội tự vệ Shinsen-Gumi, đã tìm mọi cách để thực hiện âm mưu đó nhân giai đoạn hỗn độn cuối thời mạc phủ Tokugawa, song sắp đến lúc thực thi kế hoạch thì mục đích lại thay đổi, nên cuối cùng bị ám sát. Việc âm mưu đốt khu nhà người ngoại quốc ở Yokohama này bị thất bại nửa chừng như vậy, phần lớn là vì tính khí của Kiyokawa.

Bỏ trốn về Kyoto được, Shibusawa năm 1864, tức là chỉ bốn năm trước cuộc cách mạng Meiji, đã được nhận vào làm cho gia đình Hitotsubashi, một trong ba dòng họ mạc chúa Tokugawa. Thế rồi, khi công tử Yoshinobu được chọn lên làm mạc chúa (đời thứ 15), thì Shibusawa cũng trở thành một nhân vật trung tâm của thể chế mạc phủ.

Trái hẳn với phần đông những nhân vật hoạt động trong thời Minh Trị, Shibusawa đã vào làm gia thần cho mạc chúa ở thời kỳ mạt vận. Năm 1867 (niên hiệu Khánh ứng năm thứ ba) ông tháp tùng công tử Tokugawa Akitake, em mạc chúa Yoshinobu, sang dự Hội chợ Paris và như vậy có cơ hội được mắt thấy tai nghe về Âu Mỹ. Tuy nhiên, nửa chừng cuộc viễn du đó, cuộc cách mạng Minh Trị xẩy ra và mạc phủ Tokugawa bị giải tán.

Lúc đó tại Hội chợ Paris có đủ cả hai phe ủng hộ và chống đối mạc phủ. Sau này, cùng với Shibusawa trở thành một nhân vật lớn trong giới kinh tài thời Minh Trị, là Godai Tomoatsu, cũng có mặt ở Paris trong đoàn đại biểu của phiên bang Satsuma, đang triển khai đường lối ngoại giao hư hư thực thực ở đó.

Năm 1868 (niên hiệu Minh Trị nguyên niên), Shibusawa về nước, bèn cùng với gia đình Tokugawa lui về sống ở Shizuoka, và có một lúc đã lãnh chức kế toán trưởng, tức là quan chức phát hành tiền tệ của phiên bang Sunpu. Ðây chỉ là một thời gian rất ngắn.


Trước nhất lập ra chế độ lưu thông tiền tệ

Từ Paris về nước, việc làm trước tiên của Shibusawa Ei-ichi là vay của lãnh địa Tokugawa ở Shizuoka 500 ngàn "lượng" (lúc ấy tiền còn tính bằng "lượng") tiền giấy phi hối đoái, để lập ra "Phòng thương mại," một công ty hợp doanh, tức là công ty cổ phần đầu tiên của Nhật Bản. Trong thời gian Hội chợ Paris diễn ra, Shibusawa đã được mắt thấy châu Âu, và ông đã tỏ ra vô cùng quan tâm tới sự thành lập công ty. Bởi thế, ông đã lập tức thực hành ý tưởng đó.

Vậy "Phòng thương mại" là công ty làm gì? Thật ra, đây chỉ là sáng kiến mượn tiền của chính phủ trong khi chưa quyết định nội dung việc làm của công ty. Chính chỗ này cho thấy rõ cái cách suy nghĩ, cái điểm tựa tư tưởng của Shibusawa trong hoạt động sau này của ông. Nghĩa là, Shibusawa Ei-ichi chỉ quan tâm thành lập những tổ chức, chứ không chú trọng tới việc làm giầu cũng như tới việc gây dựng ngành nghề.

Nhưng, Shibusawa không ở lại Shizuoka. Ông tức thời từ chức và năm sau, 1869 (niên hiệu Minh Trị thứ hai), trở thành công chức Bộ Kho bạc của tân chính phủ. Thời ấy vì thiếu nhân tài, nên chính phủ đã vui lòng thu nhận cả cựu thần của mạc phủ.

Năm 1871 (niên hiệu Minh Trị thứ tư), đơn vị tiền tệ đổi từ "lượng" thành Yen. Năm sau, chính phủ chế định điều lệ Ngân hàng quốc doanh với mục đích thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ, đồng thời, đốt bỏ những tiền giấy phi hối đoái đã phát hành từ trước. Cùng với động thái này, Shibusawa năm 1872, đã từ chức khỏi Bộ Kho bạc và vận động thiết lập "Ngân hàng quốc doanh số 1" để năm sau nữa, năm 1873, chễm chệ ngồi vào ghế thống đốc của ngân hàng này.

Thời đó, Shibusawa được coi là nhân vật số một trong những vấn đề tiền tệ, ngân hàng, tổ chức công ty. Cho nên, khi ngân hàng quốc doanh được thiết lập, thì trước hết người ta đã ngỏ lời mời Shibusawa vậy.

Sự việc này đã quyết định vận mệnh của Shibusawa. Bởi vì từ đó về sau, ông đã có cơ hội lập ra nhiều tổ chức, nhiều công ty khác nữa.

Trước hết, Shibusawa đã liên quan đến sự thiết lập hệ thống ngân hàng. Không phải chỉ có "Ngân hàng quốc doanh số 1," mà ông còn can dự vào sự thiết lập rất nhiều ngân hàng mang tên có số hiệu tại mỗi địa phương nữa.

Sau này, tới năm 1882 (niên hiệu Minh Trị thứ 15), Ngân hàng Nhật Bản, ngân hàng Nhà Nước "chính hiệu" mới được thiết lập. Chứ cho đến lúc đó, những ngân hàng như "Ngân hàng quốc doanh số 1," hay những ngân hàng địa phương khác, tuy gọi là Ngân hàng quốc doanh, nhưng thực chất chỉ là ngân hàng dân doanh, được Nhà nước cho đặc quyền phát hành tiền tệ, không có vốn của Nhà nước đổ vào, cũng chẳng được Nhà nước bảo đảm gì cả.

Với hiểu biết hạn chế, cũng như chỉ có vốn hạn hẹp, chính phủ Minh Trị đã lập ra chế độ theo đó Nhà nước cho những thương gia hay những nhà giầu có uy tín ở các địa phương, được đặc quyền phát hành tiền tệ. Thay vào đó, họ phải nộp thế chấp cho Nhà nước bằng tiền vàng tiền bạc thực. Nói cách khác, Nhà nước dựa vào uy tín của những nhà giầu, giữ vàng bạc của họ làm thế chấp, rồi cho họ phát hành một lượng tiền giấy, gọi là Phiếu Ngân hàng quốc doanh, nhiều gấp mấy lần giá trị thế chấp của họ.

Việc cho phát hành ngân phiếu quốc doanh như trên còn có một mục đích nữa. Ðó là dùng những ngân phiếu quốc doanh đã được Nhà nước nắm giữ thế chấp như vậy, đổi cho loại tiền giấy phi hối đoái đã được phát hành trước đó. Loại tiền giấy phi hối đoái do chính Chính phủ Minh Trị Duy tân phát hành, song vì lạm phát nên đã bị mất tín nhiệm.

Kasumi
10-02-2007, 12:50 PM
Ngoài ra, bởi vì ngân hàng còn có chức năng giữ tiền gửi nữa. Vừa phát hành tiền tệ vừa giữ tiền gửi mà nếu phá sản, thì vấn đề phức tạp lắm. Cho nên Nhà Nước bắt phải nộp thế chấp bằng vàng bạc thực. Ðó là chế độ đã được lập ra vào đầu thời Duy tân Minh Trị. Không biết ai đã đề xướng ra chế độ đó, nhưng xem ra quả là một phương pháp thao tác tinh vi sự lưu thông tiền tệ tín dụng.

Trụ sở Ngân hàng quốc doanh số 1 ở khu Nihon-Bashi, một kiến trúc hoành tráng kiểu phương Tây do chính người Nhật thiết kế thi công, đã trở thành một danh thắng ở Tokyo, một đối tượng cho bà con dân quê lên tham quan rất đông.

Tiếp theo Ngân hàng Quốc doanh số 1 này, trên một trăm ngân hàng khác có tên gọi bằng số thứ tự, đã được thiết lập ở khắp nước Nhật. Một số ngân hàng như vậy hiện nay vẫn còn hoạt động. Chẳng hạn Ngân Hàng Số 4 ở Niigata[3], là một ngân hàng như vậy. Một số không nhỏ những ngân hàng như vậy đã được thiết lập với sự nhúng tay của Shibusawa. Tuy nhiên, phải nói rằng, sự nghiệp đầu tiên của Shibusawa là thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ của Nhật Bản, chứ không phải chỉ là thiết lập ngân hàng.


Cha đẻ ra chủ nghĩa hòa hợp kiểu Nhật Bản

Thứ đến, Shibusawa đã lập ra rất nhiều xí nghiệp sản xuất. Năm 1873 (niên hiệu Minh Trị thứ sáu), ông đã thiết lập công ty giấy ở Oji, Tokyo (công ty này sau mang tên Cty Giấy Oji), cho người cháu đứng làm giám đốc kỹ thuật. Sản xuất giấy là việc làm vô cùng quan trọng ở thời Minh Trị.

Chín năm sau, tức là năm 1882 (niên hiệu Minh Trị thứ 15), ông đã sáng lập công ty Sợi Dệt Osaka. Ðây chính là mốc khởi đầu của nền công nghiệp dệt may hiện đại của Nhật Bản. Từ đó, Nhật Bản đã dần dần trở thành nước tâm điểm của thế giới về may dệt. Ngoài ra, Shibusawa còn tham gia sáng lập ra nhiều xí nghiệp may dệt khác, như Công ty sợi dệt Mie, v.v..

Năm 1887 (niên hiệu Minh Trị thứ 20), ông đã sáng lập ra Công ty phân bón nhân tạo Tokyo. Nghĩa là khi thấy rằng phân bón hóa học không thể thiếu được trong công cuộc chấn hưng nông nghiệp, ông đã lập tức thiết lập công ty phân bón hóa học vậy.

Sau đó, Shibusawa đã tham gia vào sự thiết lập nhiều công ty khác như Ðiện lực Tokyo, Khí đốt Tokyo, Khách sạn đế quốc, Ðường sắt mỏ than Hokkaido, Tàu biển Toyo, Ðường sắt Kyofu, v.v..

Từ năm 1906 (niên hiệu Minh Trị thứ 39) cho đến 40 năm sau, phong trào huy động vốn bằng cổ phiếu để khuếch trương hay tân lập công ty, đã trở nên rất sôi nổi. Hễ Shibusawa trở thành chủ tịch cho ủy ban huy động nào, thì cổ phiếu của công ty đó bán chạy như tôm tươi, đến nỗi nhà văn Hasegawa Kotaro, trong cuốn "Bút ký về sự thịnh suy của các tài phiệt (Tài phiệt thịnh suy ký)," đã miêu tả sự kiện như vậy bằng lời viết "những cổ phiếu quyền lợi của công ty đã mọc cánh mà bay." Sự kiện này đã nói lên sự kỳ vọng của người ta trước sự việc Shibusawa đã gây dựng nên bao nhiêu công ty vậy.

Shibusawa Ei’ichi trong khi hoạt động tích cực gây dựng ngân hàng và công ty như vậy, thì đồng thời năm 1891 (niên hiệu Minh Trị thứ 24) đã nhậm chức Hội trưởng Phòng thương nghiệp Tokyo. Tổ chức này đã được thiết lập năm 1878 với tên gọi là Phòng thương luật, rồi đổi tên thành Phòng thương nghiệp. Ðến năm 1927 (niên hiệu Chiêu Hòa thứ hai), tổ chức này lại đổi tên thành Phòng thương công. Trong suốt thời gian ấy, Shibusawa đã liên tục giữ chức Hội trưởng.

Nói tóm lại, không những ông đã lập ra những xí nghiệp cá thể, mà còn lập ra tập thể gọi là "giới kinh tài" nữa. Chính Shibusawa đã tỏ ra vô cùng quan tâm tới việc lập ra giới này.

Theo Shibusawa, cái cơ sở để tạo nên chủ nghĩa tư bản Nhật là chủ nghĩa góp vốn và chủ nghĩa hợp tác. Nghĩa là, góp vốn từ mỗi người rồi hợp tác với nhau gây dựng ngành nghề sản xuất. Muốn vậy, không phải mỗi nhà kinh doanh chỉ một mình lo toan mỗi việc, là xong, mà phải đặt phòng thương nghiệp ở khắp nơi, rồi để cho phòng thương nghiệp này kêu gọi những nhà hằng sản địa phương bỏ vốn ra xây dựng công ty. Như thế mới là cách làm đúng. Nói cách khác, đây là sự đề xướng ra "chủ nghĩa hợp tác Nhật Bản" vậy. Thật ra, sự kiện này cho thấy chính Shibusawa đã hiểu lầm rằng công ty cổ phần là cơ quan hợp tác giữa các nhà tư sản. Sự hiểu lầm đó đã khiến Shibusawa đề xướng ra "chủ nghĩa góp vốn," rồi trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nó đã dần dần biến thành "chủ nghĩa tư bản kiểu hợp tác" đặc trưng của Nhật Bản. Chủ nghĩa như vậy lại dần dần phát triển thành "chủ nghĩa hợp tác của giới kinh tài" như thấy biểu hiện ở sự kiện mỗi khi thấy cần đầu tư vào vấn đề gì, là các xí nghiệp chủ yếu liền được kêu gọi góp vốn.

Cứ như thế, từ thời Minh Trị, qua Ðại Chính tới Chiêu Hòa, Shibusawa Ei’ichi đã hoạt động ở cương vị chỉ đạo trung tâm của giới kinh tài. Hễ có việc gì, là lập tức người ta lại bảo nhau "tốt hơn hết là hãy mời Shibusawa chủ trì."

Chủ nghĩa hợp tác kiểu Nhật Bản lại càng trở nên gắn kết mãnh liệt trong thời hậu chiến. Nó đã hình thành ra thể chế phe đảng hay thể chất phe phen của từng ngành nghề. Ðến nỗi ngày nay, mỗi khi muốn thành lập một ngành nghề mới, phải để cho Keidanren[4] hay Kankeiren[5] lên tiếng trước, rồi để cho các ngành nghề đã có trước góp vốn vào tùy theo tôn ti trật tự. Sự việc này đã trở thành "lệ." Có thể nói chính Shibusawa là cha đẻ ra xã hội phe phen kiểu Nhật Bản.


Iwasaki Yataro, một tồn tại đối chọi

Xem những nhà kinh doanh thời Minh Trị, người ta có thể chia họ ra làm loại người chủ trương hợp tác, dùng phương thức góp vốn để gây dựng ngành nghề như Shibusawa Ei’ichi, hay Godai Tomoatsu ở vùng Kansai, và một loại người khác có chủ trương đầu tư tiến bộ, phong cách kinh doanh "cá nhân chủ nghĩa." Ðiển hình của loại người thứ hai này là ông tổ của nhóm tài phiệt Mitsubishi, tức là Iwasaki Yataro.

Iwasaki Yataro là người đáng coi là kình phùng địch thủ của Shibusawa EiỴichi, cả trên trường kinh doanh, lẫn về kinh nghiệm nhân sinh, cũng như về chủ trương, chủ nghĩa. Hai người này, sau này va chạm với nhau kịch liệt trong nghề vận tải đường biển, quả là hai tồn tại đối chọi với nhau, nhưng lại bổ trợ lẫn cho nhau trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản Nhật.

Vậy Iwasaki Yataro là nhân vật như thế nào? Ðể hiểu rõ thời đại Minh Trị, người ta không thể bỏ qua điều này được.

Iwasaki Yataro sinh năm 1834 (niên hiệu Tenpo thứ năm), nghĩa là lớn hơn Shibusawa Ei’ichi sáu tuổi. Xuất thân ở phiên bang Tosa (nay là tỉnh Kochi), con một võ sĩ samurai không chúa nghèo xác mùng tơi, mãi đến ba năm trước thời Minh Trị, tức là năm 1865 (niên hiệu Keio nguyên niên), mới mua nổi một chân hương sĩ[6]. Xem như vậy đủ biết Yataro thời niên thiếu, thanh niên rất nghèo khổ. Trong khi đó, Shibusawa lại có thời kỳ trưởng thành trong may mắn tột bực.

Iwasaki Yataro cũng dính dáng tới những phong trào chính trị cuối thời mạc phiên. Năm 1862 (niên hiệu Bunkyu: Văn cửu thứ hai), ông đã cùng với Yoshida Toyo, một trọng thần của phiên bang Tosa, bôn ba cải cách chính trị của phiên bang. Sau khi Yoshida bị thích khách thuộc phe cần vương ám sát, thì Iwasaki đuổi theo hung thủ tới Osaka. Nhưng, việc không thành, ông lại trở về phiên bang.

Sau đó, ông mở cửa hàng bán gỗ, chẳng bao lâu thất bại. Ðây là lúc khởi đầu của cuộc đời thương gia, rồi nhà kinh doanh của Iwasaki. Năm Minh Trị nguyên niên, tức 1867, ông mở Thương hội Tosa ở Nagasaki để mua trang thiết bị cho phiên bang, rồi làm cố vấn cho thương hội này.

Trong cùng năm, người ta thấy Shibusawa đã vay 50 vạn lượng tiền giấy phi hối đoái của chính phủ để lập ra Sở thương luật ở Shizuoka trong lãnh địa của họ Tokugawa và Iwasaki cũng lập ra một tổ chức để khởi sự làm ăn trong vùng lãnh địa của phiên bang Tosa. Thời kỳ này, Iwasaki còn xưng tên là Tosaya Zembei, chứ mãi sau này ông mới đổi tên là Iwasaki Yataro. Thế nhưng, Thương hội Tosa cũng chẳng phát triển được bao nhiêu. Bởi vì phiên bang Tosa đã bị lung lay sau sự đổi đời sang thời Minh Trị.

Năm 1870 (niên hiệu Minh Trị thứ ba), Tosaya Zembei lập công ty Tosa Kaijosha. Công ty này cũng gặp bế tắc, nên đổi tên là Thương hội Tsukumo. Năm sau, với sự hủy bỏ chế độ phiên bang, thương hội này trở thành công ty tư của Iwasaki. Thời gian này, công ty chuyên dùng thuyền bè của phiên bang làm nghề thông thương đường biển. Năm 1872, công ty đổi tên thành Thương hội Mitsukawa, và năm sau lại đổi thành Thương hội Mitsubishi. Ðến đây thì quyền kinh doanh và quyền sở hữu của Iwasaki đã thực sự xác lập.

Sở dĩ Iwasaki cho đổi tên công ty liên tục là để có thể vay thêm tiền kinh doanh. Thời gian như vậy chính là lúc Iwasaki bị thất điên bát đảo. Sau này, nhìn vào những thành công của ông, người ta khó có thể tưởng tượng ra được những thất bại như vậy. So với Shibusawa đã được đi Tây, được mọi người tín nhiệm vì có hiểu biết mới mẻ, thì Iwasaki khác xa lắm vậy.

Kasumi
10-02-2007, 12:50 PM
Chủ nghĩa cá nhân trong phép kinh doanh của Iwasaki

Sau một thời gian xoay xở liên hồi, từ năm 1874 (niên hiệu Minh Trị thứ bảy) Iwasaki bỗng phất lớn. Nghĩa là khi trụ sở chính của Thương hội Mitsubishi đã chuyển về Tokyo, rồi năm sau đổi tên thành Công ty Tàu Bưu chính Mitsubishi (Mitsubishi Yusen Gaisha) và bắt đầu mua được những tàu do chính phủ mạc phiên và Chính phủ Minh Trị thanh lý. Nói cách khác, nhờ công ty tàu biển này ông đã phất lớn.

Năm 1874 xảy ra loạn Saga. Công ty Mitsubishi được chính phủ thuê chở binh lính, quân nhu tới nơi xảy ra xung đột. Lúc ấy công ty vừa dùng tàu bè của phiên bang Tosa, vừa thuê thêm tàu thuyền khác và vận hành khéo léo. Năm sau, công ty được nhà nước bán lại cho tàu thuyền thanh lý, nhờ có thành tích tốt.

Thế nhưng, sự kiện làm cho Công ty Mitsubishi phát đạt vượt mức, là trận chiến tranh Tây Nam năm 1877 do Saigo Takamori khởi hấn. Ðể dẹp loạn này, chính phủ đã phải tập trung quân đội ở khắp nơi trên toàn quốc về Osaka, rồi từ đó dùng tàu chở tới Kyushu. Công ty tàu bưu chính Mitsubishi của Iwasaki đã lãnh thầu chuyên chở và nhờ đó đã có lời lớn. Lúc đó, binh sĩ của Saigo xuất thân từ hàng sĩ tộc (samurai) nên rất tinh nhuệ. Vì thế, giới lãnh đạo chính phủ Minh Trị như bọn Okubo Toshimichi đều thấy cần phải huy động một quân số và trang bị áp đảo so với loạn quân. Lại đúng là mùa đông, nên quan quân phải mua sắm đủ trang bị, nào quần áo dạ, nào giầy da, nào súng ống đạn dược. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản quân đội đã đi giầy da đánh trận.

Với Chính phủ Minh Trị lúc đó, đây là trận quyết định hơn thua, nên không hề cò kè đắt rẻ. Nhờ thế, các nhà thầu đều đã kiếm được những mẻ lời lớn. Có không ít người đã trở thành triệu phú, như họ Shibukawa nhờ cung cấp dạ, họ Okura nhờ cung cấp giầy da, v.v.. Riêng Iwasaki thì lời vô kể. Ðây là khởi điểm của nhóm tài phiệt Mitsubishi vậy.

Dùng tiền lời, Iwasaki đã bỏ ra mua rẻ các mỏ than và mỏ quặng. Mỏ quặng thời đó cũng có nhiều vấn đề, như vấn đề lao động, vấn đề nước ngầm, v.v., nên rất khó khai thác. Thế nhưng, nếu không giải quyết kịp thời thì sự nghiệp hiện đại hóa Nhật Bản không thực hiện được. Do đó, Chính phủ Minh Trị đã quyết định bán những hầm mỏ quốc hữu, quốc doanh cho tư nhân khai thác. Iwasaki mới nhân cơ hội đó, dùng tiền lời kiếm được từ nghề vận tải đường biển, đầu tư vào mua hầm mỏ do nhà nước bán lại, khéo léo chỉnh đốn lại kinh doanh nên lại lời lớn hơn nữa.

Cái suy nghĩ của Iwasaki luôn luôn là "chính mình." Công ty chỉ là bề ngoài, chỉ là cái vỏ mượn. Nói cách khác, ông muốn mọi cái của Mitsubishi đều phải tập trung vào cá nhân Iwasaki. Ông dát vàng lên quạt giấy, rồi nói huênh hoang "khi người ta cúi đầu trước vàng, người ta không thấy bực bội." Chuyện này đã được truyền tụng phổ biến.

Do đó, ông không chủ trương góp vốn của người khác. Trái lại, ông coi là ông vay tiền của người khác làm tiền riêng của mình, rồi dùng tiền đó đầu tư làm hết việc này tới việc khác. Khác với Shibusawa chủ trương góp vốn của đông đảo người hằng sản, Iwasaki chỉ chuyên đi vay mượn.

Một nhà báo kiêm sử gia hoạt động ở thời Minh Trị và thời Ðại Chính (Taisho), tên Yamaji Aizan, trong khi phân tích các nhà tư bản Nhật Bản trong sách "Luận về phú hào ngày nay," đã viết "một thân làm nên sự giầu có của một họ, thì chủ nghĩa của người như vậy gọi là chủ nghĩa cá nhân chẳng được sao?" Ông kể những đại phú hào như vậy là Iwasaki, Mitsui, Sumitomo và Yasuda[7].

Nếu Iwasaki chủ trương "để tao, để tao," thì ngược lại Shibusawa theo chủ nghĩa "mọi người, mọi người." Họ đại diện cho hai đường lối làm ăn điển hình của thời Minh Trị.


Ðối chọi trực tiếp với Iwasaki trong ngành vận tải đường biển

Hai nhân vật đã trực tiếp đối đầu với nhau trong ngành vận tải đường biển.

Công ty vận tải đường biển Tàu Bưu chính Mitsubishi (sau này đổi tên là Công ty Tàu Bưu chính Nhật Bản: Nihon Yusen) do Iwasaki lập ra, làm ăn mỗi ngày một lời lớn. Thấy vậy, trong nước đã xuất hiện ý kiến là phải phá vỡ sự độc quyền của Mitsubishi, mới mong làm cho ngành vận tải đường biển phát triển hơn nữa. Một người như Shibusawa, vốn chủ trương hình thức công ty hợp doanh (công ty cổ phần ngày nay), thì không thể bỏ qua sự thành công như vậy của Iwasaki được. Ông bèn góp vốn của đông đảo nhà đầu tư, lập ra một công ty hải vận đặt tên là Vận tải Cộng đồng (Kyodo Un’yu), và bắt đầu vận chuyển hàng hóa giữa Tokyo và Osaka.

Dĩ nhiên là giữa hai công ty đã có sự cạnh tranh khốc liệt. Lúc đó là thời nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản, cho nên sự cạnh tranh "đấm đá" đã diễn ra. Chẳng riêng gì hai công ty vận tải này, mà khắp nơi đâu đâu cũng thấy sự cạnh tranh quá khích. Sự cạnh tranh quá khích đã lên tới tột bực ở giữa hai công ty Tàu Bưu chính Mitsubishi và công ty Vận tải Cộng đồng. Hai bên đua nhau hạ giá cước. Thậm chí, cuối cùng giá cước đã thành miễn phí. Chưa dừng lại ở đó, họ còn quảng cáo: "Nếu đi tàu của chúng tôi thì còn được chiêu đãi cơm hộp nữa," hoặc "Biếu thêm một tấm vải nữa." Nghĩa là, sự cạnh tranh đã tới điểm xuẩn động. Bên nào cũng trở nên bướng bỉnh, khó trị.

Kết quả, công ty Vận tải Cộng đồng của Shibusawa bị phá sản. Phía Iwasaki, nhờ trận chiến tranh Tây Nam đã tích lũy được nhiều vốn, tàu thuyền đã khấu hao xong, thủy thủ được huấn luyện tốt hơn, nên đã cạnh tranh thắng. Thế nhưng, về mặt kinh doanh, công ty cũng bị liểng xiểng. Ðồng thời, năm 1885 (niên hiệu Minh Trị thứ 18) Iwasaki Yataro qua đời ở tuổi 52.

Ngay vào thời đó, thì tuổi 52 cũng hãy còn là trẻ. Người ta nói chính vì vụ cạnh tranh với Công ty vận tải cộng đồng, Iwasaki đã bị hao mòn sức khỏe mới đến nông nỗi ấy.

Trước khi hai công ty đua nhau hạ giá cước, Iwasaki và Shibusawa đã hội đàm với nhau. Shibusawa đề nghị: "Hãy cùng góp vốn mở công ty hợp doanh." Ðối lại, Iwasaki chủ trương: "Làm công ty mà như làm hội thân hữu, làm câu lạc bộ, thì làm sao giảm kinh phí được. Nhân viên mỗi công ty phải xả thân ra, phải phát huy tài năng mà cạnh tranh, để cho cái tốt sống sót, thì hơn." Tóm lại hai bên đã cãi nhau mà chia tay.

Nói riêng về vụ cạnh tranh này, Công ty tàu bưu chính Mitsubishi của Iwasaki đã thắng, Công ty vận tải cộng đồng của Shibusawa phá sản. Nhưng, sự việc này cho thấy sự hình thành hai luồng tư tưởng của chủ nghĩa tư bản Nhật.


"Tài phiệt" và Nhóm Xí nghiệp Liên hệ khác nhau thế nào?

Một là hình thức tài phiệt đại biểu bởi nhóm Mitsubishi của họ Iwasaki, theo đó những người đồng tông đồng tộc cùng nhau lập ra công ty, rồi lợi nhuận thu được thì trả về cho cổ đông (cá nhân).

Lúc đầu chỉ có gia đình Iwasaki thôi, nhưng sau đó Công ty Mitsubishi mẹ trở thành cổ đông, và lợi ích thu được từ công ty con lại được công ty mẹ đầu tư vào công ty khác. Ví dụ, tiền lời thu được qua công ty tàu thuyền, thì được đầu tư vào để lập ra Công ty khoáng sản Mitsubishi. Công ty này khai thác than đá, có lời, thì tiền lời lại chia cho Công ty Mitsubishi mẹ để đầu tư dựng nên Công ty hóa chất Mitsubishi, Công ty điện cơ Mitsubishi. Nói cách khác, nhóm tài phiệt áp dụng hình thức chủ nghĩa tư bản vốn có xưa nay để lập ra rất nhiều công ty.

Không cứ gì nhóm tài phiệt Mitsubishi của dòng họ Iwasaki, những nhóm tài phiệt khác như Mitsui, Sumitomo, Yasuda cũng vậy. Nhất là tài phiệt Mitsui thì rõ ràng là "Công ty hợp danh Mitsui," tức là của riêng một họ Mitsui.

Iwasaki coi công ty là của cổ đông, cho nên, lợi nhuận phải được phân chia cho cổ đông. Vì thế, lợi nhuận do Công ty tàu bưu chính Mitsubishi kiếm được là của cá nhân Iwasaki Yataro. Ông dùng tiền này làm vốn lập ra Công ty khoáng sản Mitsubishi, chứ không để cho Công ty tàu bưu chính Mitsubishi lập ra công ty con về than đá, rồi công ty con về than đá lại lập ra công ty cháu về đóng tàu.

Nói khác đi, ở Nhật Bản cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, sự hình thành tư bản cũng giống như ở những nước tư bản khác. Nghĩa là, một công ty thời tiền chiến dù cho lớn đến cỡ nào đi chăng nữa, cũng không có tới năm mươi vừa công ty con vừa công ty cháu. Tuy có quan hệ gia đình trong cùng nhóm tài phiệt, song tất cả các công ty đều gắn liền với công ty nắm cổ phần, chứ không phải là công ty con của các công ty chuyên ngành hay của ngân hàng trong nhóm tài phiệt.

Trong nền kinh tế của Nhật Bản, Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo,... đều là những tài phiệt khổng lồ. Song những công ty thuộc nhóm tài phiệt chỉ là cùng hội cùng thuyền với công ty xuất vốn (công ty chủ chốt của nhóm tài phiệt), chứ về mặt kinh doanh họ đều độc lập. Chỉ có một tổ chức duy nhất, tức là công ty chủ chốt của nhóm tài phiệt, đứng ra thống suất tất cả các công ty thành viên. Thế nhưng, số nhân viên cán bộ được bố trí tới các công ty thành viên chỉ là khoảng vài chục người. Các công ty đều độc lập và hình thức làm thuê suốt đời cũng không có. Ở điểm này, sau chiến tranh, sự kiện các xí nghiệp đã được hệ thống hóa lấy sự lưu thông vốn liếng làm nòng cốt, thì khác hẳn.

Sau chiến tranh, nếu xí nghiệp được nhiều lợi nhuận, họ chỉ phân phát cho cổ đông một phần rất nhỏ thôi, còn phần lớn họ bảo lưu lại trong nội bộ xí nghiệp, rồi tùy theo sự phán đoán của người kinh doanh, tiền lời đó sẽ được dùng đầu tư vào công ty con hay khuếch đại kinh doanh của công ty mẹ. Do đó, tầm hoạt động doanh nghiệp và quan hệ nhân sự lớn rộng ra, khiến sinh ra nhiều địa vị cho sự "thuyên chuyển từ trên xuống dưới[8]."

Kasumi
10-02-2007, 12:50 PM
Ngày nay, một công ty lớn vừa vừa thôi cũng có thể có tới năm trăm công ty con và công ty cháu. Những công ty khổng lồ như Hitachi, Mitsubishi mậu dịch, thì có tới hơn một ngàn công ty con và công ty cháu. Chính vì họ đã lập ra nhiều công ty con và công ty cháu như vậy, nên họ có đủ chỗ cho những nhân viên trung niên và cao niên có thể thuyên chuyển xuống công ty cấp dưới, và như vậy thực hiện được chế độ làm thuê suốt đời[9].

Iwasaki Yataro và những người khác đã lập ra những nhóm tài phiệt, đều chủ trương chủ nghĩa cá nhân, tức là coi công ty cổ phần là sở hữu của cổ đông. Phương thức này là dập theo một cách trung thực chủ nghĩa tư bản Anh Mỹ.


"Giới tài phiệt," đoàn thể của những nhà kinh doanh làm thuê

Một cách suy nghĩ khác trái ngược hẳn, của Shibusawa EiỴichi, là công ty không nên là của riêng của một cá nhân nào cả. Nhiều người chung tiền lập ra công ty, vì thế nên coi đó là sản vật của chủ nghĩa góp vốn. Người có nhiều vốn có thể góp nơi này một ít, nơi kia một ít, để có quan hệ với nhiều công ty. Theo ông, cách làm như vậy đúng hơn. Nói cách khác, mỗi cổ đông chỉ góp chút ít vốn thôi, thì không có ai chiếm phần vốn áp đảo trong công ty cả. Người kinh doanh công ty sẽ cũng chỉ là người làm thuê.

Xuất thân phú nông, tiến thân làm quan cho mạc chúa, chuyển sang làm quan cho tân Chính phủ Minh Trị, sau nhờ có kiến thức mới nên được người ta cầu khẩn xin chỉ đạo lập công ty, Shibusawa không muốn mang toàn thân mình ra đánh cá độ. Vì chỉ muốn giữ địa vị "một người có máu mặt an toàn," cho nên ông cũng muốn cho những nhà kinh doanh làm thuê như ông được quyền thế và vinh dự vậy.

Nhà kinh doanh làm thuê là những người không phải đã đóng góp một số vốn lớn cho công ty, nhưng có hiểu biết, có máu mặt, nên ở trong công ty đã leo thang danh vọng lên tới địa vị tổng giám đốc, chủ tịch. Shibusawa đã nghĩ tới "giới kinh tài" như là câu lạc bộ cho những nhà kinh doanh làm thuê như vậy.

Shibusawa Ei’ichi đã không trở thành đại phú hào như Iwasaki Yataro. Cũng không thấy xuất hiện "nhóm tài phiệt Shibusawa." Thế nhưng, ông có quan hệ ở khắp nơi; nơi nào cũng thấy có mặt ông; ông đã lập ra rất nhiều công ty, đã tổ chức hóa rất nhiều người. Không có một công ty nào trở thành vật sở hữu của ông cả. Ðồng thời, ông cũng không lãnh trách nhiệm đối với bất cứ công ty nào. Chẳng hạn, khi công ty Vận tải Cộng đồng thua cuộc cạnh tranh và bị phá sản, thì Shibusawa cũng không chịu trách nhiệm gì cả.

Shibusawa đã lập ra Phòng Thương mại và công nghiệp (Phòng thương công), một tổ chức kết hợp tất cả những nhà kinh doanh làm thuê, tức là những người chỉ xuất vốn ít thôi nhưng lại nắm trong tay quyền kinh doanh công ty. Rồi ông lại lập ra những đoàn thể chuyên ngành, như Hiệp hội Sợi dệt, hoặc những đoàn thể khác. Ông quan niệm và thực thi sự hòa hợp trong giới kinh doanh, coi đó là cơ sở cho nền kinh doanh hiện đại.

Xem như trên, giới kinh tế Nhật Bản thời Minh Trị gồm có hai trào lưu, một đại biểu bởi Shibusawa với ý chí hướng tới các đoàn thể chuyên ngành, và một đại biểu bởi Iwasaki với chủ trương hình thành các nhóm tài phiệt. Thế nhưng, năm 1885 Iwasaki Yataro qua đời ở tuổi 52, nhóm tài phiệt Mitsubishi bị mất vị chủ soái.

Người kế nghiệp Yataro làm tổng giám đốc đời thứ hai, là em ruột Yataro tên là Yanosuke. Người này cũng có khả năng, song không thuộc loại có tài lãnh đạo độc tài, nên dần dần đã ngả dần sang lối làm việc hòa hợp. Thế rồi, sang thời Showa (Chiêu Hòa), công chức (quan liêu) các bộ Thương Công, Bộ Kho Bạc lần lần xía sâu vào nội bộ các ngành nghề sản xuất. Rồi từ sau khi Shibusawa mất năm 1931, thì thể chế hòa hợp do quan liêu chỉ đạo kiểu Nhật Bản đã hoàn thành.

Từ đó, mỗi người đều hòa hợp với nhau, toàn thể giới kinh doanh đều nhịp bước với nhau dưới sự chỉ đạo của quan liêu. Người kinh doanh cũng quan liêu hóa, sự thăng tiến trong các công ty trở thành hình thức theo thứ tự thâm niên. Hơn thế nữa, bản thân người kinh doanh lại không phải đã góp phần lớn vốn cho công ty, nên thái độ kinh doanh của họ trở nên tiêu cực. Họ nhìn trước trông sau, ngó phải liếc trái, sao cho không gây sóng gió, sao cho không chơi trội hơn người khác, sao cho xếp hàng ngang cùng với mọi người khác.

Cách làm ăn này rất dễ cho quan liêu thống suất. Kể từ khoảng năm 1935 trở đi, thì việc thống suất trở nên ngặt nghèo, quan liêu bắt đầu thống suất giới kinh doanh qua các đoàn thể chuyên ngành, bất chấp luật lệ nữa. Ðây là cái gọi là "thể chế quan dân hòa hợp" đặc trưng của Nhật Bản vậy.

Thể chế trên đã bị băng hoại một thời kỳ ngắn sau khi Nhật Bản bại trận. Nhưng chẳng bao lâu, thể chế đó đã phục sinh. Nói cách khác, trạng thái lý tưởng do Shibusawa quan niệm, đã được xác lập tại Nhật Bản thời hậu chiến vậy.


Khuyết điểm của chủ nghĩa góp vốn

Hiện nay, giới kinh tế Nhật Bản đang tổ chức theo cái gọi là "Ðoàn tàu hộ tống."

"Ðoàn tàu h tống" là nói nhiều tàu chở hàng hợp lại thành một đoàn tàu xung quanh có khu trục hạm của hải quân hộ tống chống lại sự tấn công của tàu ngầm địch.

Ví dụ, tất cả các ngân hàng đều họp lại thành một đoàn tàu, rồi được Bộ Kho bạc hộ vệ xung quanh cho tiến lên, không để cho một ngân hàng nào bị tụt hậu cả. Phương thức này làm cho cả đoàn tàu phải tiến theo tốc độ của con tàu chậm nhất. Những tàu có sức tiến nhanh cũng phải hạ bớt sức máy, phải chạy ngoằn ngoèo, khiến cho toàn thể giới doanh nghiệp có năng suất thấp, kinh phí cao.

Ðiều này không riêng gì giới lưu thông tiền tệ như ngân hàng hay công ty chứng khoán, mà từ giới vận tải đường bộ bằng xe tải, giới y bác sĩ, cho tới giới nông gia, tất cả những giới cần có giấy phép hành nghề do nhà nước cấp, đều họp thành đoàn tàu hộ tống như vậy cả.

Khi cho phép định giá lệ phí, chính phủ sẽ dựa theo nơi nào có kinh phí lớn nhất. Nghĩa là, căn cứ vào đơn vị làm ăn tệ nhất để tính lệ phí, sao cho không một đơn vị nào bị thua lỗ, không nơi nào bị phá sản cả. Ðiều này làm cho phí tiêu dùng lên cao, đồng thời sinh ra sự chênh lệch giữa giá cả trong nước với nước ngoài.

Ấy thế mà, hễ có xí nghiệp nào sắp phá sản, thì bèn cho hợp nhất với công ty khác để cứu sống. Vì thế, công ty mạnh phải nai lưng ra cõng công ty yếu, khiến cho kinh phí đã cao càng cao hơn nữa. Chính phủ thì coi sóc tỉ mỉ sao cho công ty yếu cũng không bị phá sản, nên sự can thiệp của quan liêu vào giới doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, sự chỉ đạo của họ ngày càng mạnh mẽ. "Chủ nghĩa góp vốn" của Shibusawa chính là đã đưa đến phương thức đoàn tàu hộ tống này. ít nhất nó cũng đã manh nha sinh ra phương thức ấy.

Trong phương thức đoàn tàu hộ tống, tàu có sức chạy nhanh cũng phải chạy chậm. Những tàu chạy nhanh sẽ có năng lực thặng dư, nghĩa là những công ty ưu tú sẽ kinh doanh có lời lớn. Thế nhưng, cho là có sức kinh doanh tốt, có tài nguyên kinh doanh phong phú, nhưng vì thế mà kiếm lời quá nhiều, thì thế gian sẽ phê phán là làm loạn nhịp bước của đồng đội.

Do đó, những công ty kinh doanh giỏi, có vốn kinh doanh dư dả, thì cơ quan nhà nước sẽ bắt nhận một số quan liêu thuyên chuyển từ trên xuống, nghĩa là phải nuôi báo cô một số người ngồi chơi xơi nước[10], sao cho giảm bớt lợi nhuận đi. Ấy thế mà nếu hãy còn lợi nhuận cao, thì bắt thôn tính hợp nhất với một công ty thua lỗ, nghĩa là "nuốt chửng" công ty thua lỗ này vào công ty mình. Ðổi lại sự hi sinh đó, phần chia (thị phần) của công ty bị thôn tính sẽ được trao cho công ty hợp nhất để khuếch đại phần chia của mình, để mở rộng địa bàn hoạt động. Ðể khuyến khích các công ty làm ăn giỏi tiếp nhận sự thôn tính hợp nhất như vậy, người ta cần đánh giá nhà kinh doanh không phải bằng lợi nhuận mà người ấy đạt được, mà bằng quy mô kinh doanh và bằng phần chia địa bàn kinh doanh.

Cho tới thập niên 1990, nền hành chính ngân hàng đúng là như kể trên vậy. Kết quả là tất cả các ngân hàng đều có kinh phí cao, và một khi bong bóng kinh tế nổ xẹp, thì tất cả đều ôm nặng bụng một mớ giấy nợ không trang trải được.

Ở Nhật Bản hiện nay, những ngành nghề ít bị cạnh tranh quốc tế, như xây dựng, ngân hàng, vận tải, điện lực, viễn thông, tin học, v.v., đều được bảo hộ bằng phương thức đoàn tàu hộ tống. Ðối với họ, kinh phí trở nên rất cao, đến nỗi phải coi tỷ giá đôla Mỹ là 1 đôla lớn hơn 200 Yen. Nói cách khác, chủ nghĩa góp vốn do Shibusawa nghĩ ra, ngày nay mới lộ khuyết điểm ra vậy.

Là người đề xướng rồi thực hiện chủ nghĩa tư bản Nhật Bản như kể trên, Shibusawa EiỴichi quả là người có ảnh hưởng lớn tới nước Nhật ngày nay.

Kasumi
10-02-2007, 12:51 PM
Thang danh vọng kiểu Nhật

Một ảnh hưởng lớn nữa Shibusawa Ei’ichi đã để lại, là ý nghĩ về mục tiêu nhân sinh của nhà kinh doanh.

Theo suy nghĩ của Iwasaki Yataro, mục đích sống của doanh nhân là khuếch trương sự nghiệp để làm ra tiền. Doanh nhân làm ra tiền không phải là để khi chết cất đi. Trái lại, tiền lời làm ra, lại được đầu tư vào sự nghiệp mới để cống hiến cho xã hội. Như thế, doanh nhân tài ba như Iwasaki nếu cố gắng lập nên nhiều sự nghiệp, thì cách làm ăn khéo léo và kỹ thuật sẽ được phổ cập, nhân tài và tài nguyên sẽ được sử dụng tốt. Như vậy, bản thân sẽ được lợi mà xã hội cũng tốt ra, phong phú ra, mỗi người có chỗ làm việc để phát huy tài năng. Ðây mới là sự đóng góp đúng đắn của doanh nhân. Iwasaki Yataro hẳn muốn nói lên như vậy. Suy nghĩ như vậy chính là chủ nghĩa cá nhân Anglo-Saxon, là chủ nghĩa tư bản nguyên sơ.

Ðối lại, theo đường lối hòa hợp của Shibusawa EiỴichi, nếu một xí nghiệp nào đó có tài làm ra sản phẩm giá thành thấp, thì những xí nghiệp khác không làm được như vậy sẽ khốn đốn. Cho nên, những doanh nhân có tính hòa hợp phải đứng ra lãnh đạo điều chỉnh giới kinh tài. Như vậy, trong giới doanh nhân, người nào chăm lo việc của tập thể doanh nhân, biết điều chỉnh hoạt động, thì đáng được tôn vinh, hơn là người nâng cao lợi nhuận của xí nghiệp và làm giầu cho bản thân.

Ngày nay cũng vậy, một nhân viên lần lần leo thang danh vọng qua chủ sự, giám đốc rồi tới quản trị viên trơn, thì đều chỉ chăm lo việc nội bộ công ty. Chứ nếu đã lên tới địa vị quản trị viên thường trực, quản trị viên chuyên vụ, phó tổng giám đốc, tổng giám đốc, người ấy sẽ coi trọng vấn đề hòa hợp với toàn thể giới doanh nghiệp và sẽ không còn làm điều gì liều lĩnh nữa. Nếu là chủ tịch, thì người ấy bèn chú trọng tới chăm lo việc của giới doanh nghiệp hơn là việc của công ty nhà và bắt đầu nhắm nhía địa vị hội trưởng Phòng thương công, hoặc phó hội trưởng, hội trưởng Liên hiệp đoàn thể kinh tế (Keidanren). Nghĩa là từ người kinh doanh trở thành người "kinh tài." Làm người kinh tài để dẫn dắt giới kinh doanh và cố vấn cho chính phủ. Con đường danh vọng của đông đảo doanh nhân Nhật Bản là như vậy, nghĩa là họ muốn trở thành "Shibusawa của thời nay."

Trong thời hậu chiến, người ta còn thấy cả hai loại doanh nhân, kiểu Iwasaki và kiểu Shibusawa. Người kế thừa tư tưởng Iwasaki trong việc phát huy tài năng để khuếch trương kinh doanh, cống hiến cho xã hội, có lẽ là Matsushita Konosuke.

Matsushita Konosuke đã không trở thành Hội trưởng Liên hiệp Ðoàn thể Kinh tế, cũng không làm Hội trưởng Phòng Thương Công. Ông chỉ chăm lo phát triển công ty Matsushita Denki Sangyo và các công ty con, sản xuất ra những sản phẩm tiện và rẻ để cung cấp cho người tiêu dùng, trả lương cao cho nhân viên, phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Những việc như vậy, ông thường nói, là báo đáp lại cho xã hội. Nói khác đi, ông coi trách nhiệm của nhà kinh doanh là cống hiến cho xã hội qua sản phẩm của công ty Matsushita và các công ty con trong cùng nhóm. Kết quả là chính ông đã trở thành cổ đông lớn của công ty và trở nên giầu có.

Những người khác cùng có chung quan niệm triết học như Matsushita Konosuke, tức là những người đã đóng góp lớn cho nền kinh tế Nhật Bản đồng thời nâng cao mức sống của người Nhật, là Honda So’ichiro, Ibuka Masaru, Ishibashi Nobuo, những người đã sáng lập ra những công ty Honda, Sony và Daiwa House.

Mặt khác, cũng có nhiều người xuất thân đi làm thuê, lần lần leo thang danh vọng trong công ty, rồi lên tới địa vị hội trưởng Phòng Thương Công, hội trưởng Keidanren, tức là trở thành những nhà kinh tài kiệt xuất. Những người như vậy rõ ràng là những nhà kinh tế tài ba, nhưng về mặt kinh doanh công ty, khó có thể phán xét được họ là doanh gia giỏi hay dở.

Ví dụ, so sánh với công ty Matsushita (Denki Sangyo), công ty Toshiba có thành tích kém hơn về mặt lợi nhuận. Từ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Toshiba đã là xí nghiệp khổng lồ nhưng từ sau chiến tranh, thì Toshiba thụt xuống đứng sau Matsushita. Nếu chỉ xét mặt này thôi, thì phải coi Matsushita Konosuke là một nhà kinh doanh tuyệt vời, còn Toshiba thì không có ai sánh được như vậy. Thế nhưng, từ Toshiba, người ta đã thấy có đến hai nhân vật làm hội trưởng Keidanren: Ðó là Ishizaka Tanzan và Doko Toshio. Không những thế, cả hai người này đều là hội trưởng vĩ đại, đều là những nhân vật đáng nể trọng. Với thước đo kiểu Shibusawa, cả Ishizaka lẫn Doko đều là những nhà kinh tài tuyệt vời, đều là những hiện thân của chủ nghĩa góp vốn cả.


Ðã đến lúc thoát xác khỏi mẫu ngưới Shibusawa

Quả thật chính Shibusawa Ei’ichi đã đẻ ra, đã thực hiện và đã để lại khuôn mẫu cho sự thành đạt từ một nhà kinh doanh tới nhà kinh tài đặc trưng của Nhật Bản. Thế nhưng, liệu Shibusawa có tiên liệu được phần nào của thực trạng giới kinh tài trong thời hậu chiến chăng, đã tiên đoán được lề lối làm ăn triệt để kiểu đoàn tàu h tống chăng?

Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy là như sau. Thời trước chiến tranh, nhân vật đứng ra lèo lái giới kinh tài chỉ cần có tài năng như vậy là được, chứ kích thước lớn nhỏ của công ty người ấy xuất thân không thành vấn đề. Nhưng sau chiến tranh, người như vậy, ngoài sự kiện phải là người có nhân cách có kiến thức, còn phải có thêm điều kiện nữa, là quy mô của xí nghiệp mà người ấy kinh doanh.

Ở thời Shibusawa Ei’ichi, chính ông không kinh doanh một công ty lớn nào cả, mà chỉ chuyên tâm vào công tác môi giới. Ông đã gây dựng ra và có quan hệ với khoảng 500 công ty, nên không thể trực tiếp điều hành quản lý tất cả được. Bởi vì, dù cho mỗi ngày chỉ quản lý một công ty thôi, thì một năm cũng không luân phiên quản lý được tất cả. Việc làm của Shibusawa là một loại tư vấn kinh doanh kiêm chỉ đạo khởi nghiệp, và hơn tất cả, ông chỉ đóng vai trò của người tổ chức, người vận động xuất vốn, lập ra công ty rồi chọn người đích đáng trao quyền kinh doanh. Shibusawa là người đại diện cho sự khai hóa văn minh thời Minh Trị nhưng đã sống và tiếp tục thi thố ảnh hưởng cho tới tận thời Chiêu Hòa (Showa). Sau khi Shibusawa nghỉ hưu rồi thì một loại người đáng gọi là chuyên gia môi giới đã xuất hiện. Xí nghiệp người này kinh doanh tuy không lớn, nhưng là xí nghiệp lâu đời. Người ấy không cần phải miệt mài vào công tác kinh doanh, mà xí nghiệp vẫn đứng vững vàng. Nghĩa là, người đứng ra cầm trịch giới kinh tài không cần phải là người có tài kinh doanh lớn, nhưng phải là người có nhân cách, có kiến thức phong phú, được mỗi người kỳ vọng.

Ðể dẫn chứng, trước huyền quan Trụ sở Phòng Thương Công Osaka, người ta thấy có ba tượng đồng. Tượng thứ nhất là Godai Tomoatsu. Người này được coi như là "Shibusawa của vùng Kansai." Ông đã đẻ ra nhiều công ty cho miền Tây Nhật Bản và đã sáng lập ra Phòng thương công Osaka. Người thứ hai là Inabata Shotaro. Công ty Inaba Sangyo là công ty có truyền thống từ đời Minh Trị, và người kinh doanh công ty, Inaba Shotaro, một người có nhân cách và kiến thức được coi như mẫu mực cho thương gia Osaka. Người như vậy xứng đáng đại diện cho giới kinh tài Osaka, cho nên đã nhiệm chức Hội trưởng Phòng thương công Osaka và để lại nhiều thành tích vẻ vang. Người thứ ba là Sugi Michisuke. Ông này là một doanh nhân thời hậu chiến, giữ chức Tổng giám đốc Công ty mậu dịch Yagi Shoten. Ðây là một công ty mậu dịch có từ ba đời trước, một trong số 8 công ty vừa vừa của "5 công ty lớn 8 công ty vừa" của giới mậu dịch Kansai. Thế nhưng, Sugi Michisuke được ngưỡng mộ bởi nhân cách thanh cao, kiến thức phong phú, tính khí ôn hậu, đáng đứng địa vị thâu tóm toàn bộ giới kinh tài Osaka. Vì thế, ông đã giữ chức hội trưởng Phòng thương công Osaka nhiều năm.

Tuy nhiên, những điều kiện trên chỉ phù hợp cho tới khoảng năm 1960 (niên hiệu Showa thứ 35) thôi. Sau đó, trong ý thức của giới kinh tài, người ta cũng bắt đầu cho "to là tốt," và bước vào thời đại chú trọng tới quy mô kinh doanh của xí nghiệp. Nói khác đi, người ta bắt đầu quan niệm nếu không là doanh gia của một công ty khổng lồ, thì không xứng đáng ngồi ở địa vị chóp bu của giới kinh tài nữa.

Cho nên, đến địa vị hội trưởng Keidanren hay hội trưởng Phòng thương công, thì phải tự mình chuẩn bị đoàn thư ký, phải chi một số tiền đáng kể cho giao tế phí. Vì thế các doanh nhân xí nghiệp vừa và nhỏ không thể kham nổi nữa. Và đương nhiên, hội trưởng Keidanren đều là những doanh gia xuất thân từ những xí nghiệp khổng lồ không lo bị phá sản, như Ðiện lực Tokyo, Shin-Nittetsu, Toshiba, v.v..

Những cơ chế không thấy có ở các nước ngoài, như thể chế quan dân đề huề, thể chế phe phen của giới chuyên ngành đã hình thành, chính là xuất phát từ chủ nghĩa góp vốn của Shibusawa. Chủ nghĩa này đã cống hiến lớn lao cho sự hiện đại hóa ở thời Minh Trị, sự phục hưng kinh tế ở thời hậu chiến Chiêu Hòa. Nhưng từ nay về sau có nên duy trì cơ chế này nữa hay không, là vấn đề khác hẳn.

Thời nay lại là thời loạn, không khác gì thời Duy tân Minh Trị hay thời phục hưng hậu chiến. Nhưng khác với thời Minh Trị, ngày nay không phải là lúc kiến thức hay kỹ thuật có thể đổ ập vào như thời xưa. Do đó, không phải kiểu người như Shibusawa, mà phải chăng mẫu người kinh doanh như Iwasaki Yataro thời Minh Trị, Matsushita Konosuke hay Honda So’ichiro thời hậu chiến mới đáng cần có?

Tuy nhiên, động hướng duy trì thể chế quan dân đề huề kiểu Shibusawa của giới quan liêu và giới xí nghiệp đã có, hẳn sẽ tiếp diễn không ngừng. Những phiêu ngữ như Cải cách Hành chính, Nới lỏng Quy chế, Xây dựng Xã hội Cạnh tranh Tự do, đều là nhằm thoát xác khỏi mô hình Shibusawa. Sự kiện người ta đã phải nhiệt liệt hô to những phiêu ngữ đó, đủ cho thấy cái ảnh hưởng sâu đậm như thế nào của Shibusawa Ei’ichi.

Kasumi
10-02-2007, 12:51 PM
Giới hạn của sáng kiến xuất phát từ "Luận ngữ"

Quyển Luận ngữ[11] mà Shibusawa Ei-ichi say mê đọc lúc sinh thời, đã được giới thiệu trong một chương trình TV của hệ thống truyền hình NHK. Ðó là một quyển Luận ngữ của giới Chu Tử học, có vẻ đã được đọc đi đọc lại, bị mòn rách tả tơi.

Ảnh hưởng Chu Tử học đối với chủ nghĩa tư bản và sự hiện đại hóa Nhật Bản đã được đánh giá hoàn toàn khác nhau từ thập niên 1960 tới thập niên 1990.

Trước kia, người ta đã đặt câu hỏi tại sao châu Á không phát triển như châu Âu sau thời kỳ Phục hưng (Renaissance) và sau cuộc cách mạng công nghiệp, là vì ảnh hưởng xấu của Luận Ngữ. Theo Luận Ngữ, thì xã hội có những trật tự cố hữu có sức nặng bất biến, như quan hệ cha con, quan hệ vua tôi, quan hệ già trẻ, quan hệ nam nữ. Nghĩa là, cơ chế "hạ khắc thượng" lật đổ trật tự của thế gian là không tốt. "Hạ khắc thượng" thật ra có phần gần với chủ nghĩa dân chủ. Chẳng hạn ở thời Minh Trị hình như đã có tự điển dịch từ "Democracy" thành "Hạ khắc thượng." Sự dạy bảo của Nho giáo lấy Luận ngữ làm trung tâm, không ưa sự lật ngược trật tự vốn có, cho nên đã cản trở sự phát triển và tiến bộ. Ðó là sự đánh giá âm đối với Luận ngữ.

Thế nhưng, từ khoảng những năm 1980 trở đi, Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore, Hong Kong đều phát triển nhanh chóng. Tiếp theo là các nước Ðông nam Á, rồi từ năm 1990 trở đi thì Trung Quốc cũng bắt đầu phát triển mạnh về kinh tế. Kết quả là, người ta đã thấy xuất hiện những từ vựng như "vùng văn hóa Nho giáo," "vùng kinh tế Nho giáo," nghĩa là người ta tìm cách trích ra từ Nho giáo những giá trị tinh thần như sự làm ăn cần cù. Nhất là "chủ tri chủ nghĩa" (sư coi trọng hiểu biết) của Chu tử học, chẳng phải đã gắn với chế độ gia đình tạo ra tinh thần hiếu học, tinh thần lao động nhiệt tâm đó sao? Nghĩa là người ta đã bắt đầu có sự đánh giá tích cực đối với Luận Ngữ.

Với ý nghĩa như trên, tư tưởng của Shibusawa Ei-ichi cũng phản ánh tư tưởng của Luận Ngữ (Nho giáo). Ðó là, một mặt thì gây dựng nhiều ngành nghề tiên tiến, đồng thời coi trọng trật tự và sự hòa hợp. Không như Iwasaki Yataro chủ trương "Dù là mấy trăm vạn, ta cũng gánh," mà đằng này thì mỗi người bỏ ra một ít vốn, rồi lợi nhuận thì chia nhau đồng đều.

Tuy vậy, đối tượng của sự phân chia đồng đều này chỉ hạn chế ở giới thượng lưu của xã hội, tức là những người có khả năng xuất vốn. Chẳng hạn, huy động vốn từ những nhà hằng sản ở địa phương để lập ra ngân hàng quốc gia, góp vốn của các hào thương ở Tokyo và Osaka để lập ra công ty Vận tải Cộng đồng, nghĩa là thực hiện chủ nghĩa hòa hợp giai cấp thượng lưu dựa trên trật tự vốn có của giai cấp này. Ðiều này phải chăng cũng là tư tưởng kiểu Luận Ngữ?

Luận Ngữ một mặt thuyết: "Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân, bất hoạn quả nhi hoạn bất an[12];" song mặt khác lại dạy phải duy trì trật tự vua là vua, tôi là tôi, "con vua thì lại làm vua, con người thày chùa vẫn quét lá đa."

Ở thời Tokugawa, lúc ảnh hưởng của Chu tử học còn mạnh, cả mạc chúa, phiên chúa lẫn nông dân, có người còn nghèo rành rành, thế mà lại nói "không lo nghèo túng mà chỉ lo không được đồng đều," thì rõ ràng là thời đó, bậc minh quân đã chỉ đi tìm "cái bình đẳng chiều dọc," chứ không phải "cái bình đẳng chiều ngang."

Trong các loại bình đẳng, có "bình đẳng về cơ hội" và "bình đẳng về kết quả." Ví dụ, ai ai cũng dự thi tuyển sinh được, ai ai cũng có thể ra ứng cử nghị viên được, ai ai cũng có thể buôn bán tự do được. Ðây là sự "bình đẳng về cơ hội."

Thế nhưng, nếu duy trì sự "bình đẳng về cơ hội" thì thế nào cũng có người đậu kẻ rớt, thế nào cũng có người đắc cử và người thất cử, thế nào cũng có công ty làm ăn phát đạt và công ty phá sản. Nghĩa là, kết quả ắt phải là bất bình đẳng. Cái "bình đẳng" được tôn dương trong phiêu ngữ cách mạng Pháp hay trong bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tự do - Bình đẳng - Bác ái, là cái bình đẳng như vậy.

Ðối lại với cái bình đẳng trên, Luận Ngữ thuyết giảng cái "bình đẳng về kết quả." Trong cái "bình đẳng về kết quả," lại có "bình đẳng chiều dọc" và "bình đẳng chiều ngang."

Thời mạc phủ Tokugawa thì không có "bình đẳng chiều ngang." Mạc chúa và nông dân, cha và con, nam và nữ, tất cả đều không bình đẳng, và cũng không thấy có tư tưởng cách mạng nào đòi thay đổi tình trạng ấy. Vậy sao lại nói "không lo nghèo túng mà lo không đồng đều?" Ðây là ý muốn thực hiện sự "bình đẳng chiều dọc."

Cụ thể hơn là ví dụ sau.

Ở một thời điểm nào đó, thu nhập và tài sản của mỗi người dân đều không còn sai lệch lớn lao nữa, thì lúc đó có thể nói là sự "bình đẳng chiều ngang" đã thực hiện được. Nhưng, đối lại, 30 năm trước một người lính trơn bây giờ vẫn là lính trơn, 20 năm trước một nhóm tốt nghiệp đại học cùng vào làm cho công ty, nếu nay tất cả đều đã trở thành chủ nhiệm bộ môn thì sự "bình đẳng chiều dọc" đã được thực hiện trong nhóm đó.

Một người trong đám phiên chúa 30 năm trước nay đã trở thành lính trơn. Ngược lại, một người trong đám lính trơn 30 năm trước nay đã trở thành phiên chúa. Dù cho mỗi trường hợp như vậy đều có lý do chính đáng xui khiến ra, nhưng đây là sự "bất bình đẳng chiều dọc."

Cái mà Luận Ngữ đi sâu vào, chính là "chủ nghĩa bình đẳng chiều dọc." Nhật Bản ngày nay cũng đang có "chủ nghĩa bình đẳng chiều dọc" rất mạnh.

Chẳng hạn, nhà nông trồng lúa thì được bảo hộ, được chăm sóc, sao cho suốt đời có thể chuyên tâm vào trồng lúa. Không chừng người này bỏ nghề trồng lúa, quay sang xây chung cư lại có thể trở nên giầu hơn. Thế nhưng, mỗi người thấy an tâm hơn nếu mỗi người cứ giữ nghề trước. Nghĩa là người ta sẽ xin được bảo hộ để có thể tiếp tục làm nghề trồng lúa.

Ở công sở hay ở xí nghiệp tư, cơ chế thứ tự thâm niên chính là để duy trì sự "bình đẳng chiều dọc." Những người cùng thế hệ gia nhập công ty, thì đều được đồng loạt thăng lên làm trưởng phòng, chẳng hạn. Ðây chính là hai mặt phải và trái của chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa. Cái đó đã phát triển thành "chủ nghĩa quan dân đề huề" ngày nay vậy.

Chủ nghĩa "bình đẳng chiều dọc" không làm cho xã hội phát triển. Duy trì cơ chế này là nền "chính trị đố kỵ." Xét điểm này, ta thấy Luận Ngữ cũng có hạn chế, và như vậy, chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa cũng có hạn chế.

Nhật Bản trong thời đại Heisei (Bình Thành, niên hiệu hiện nay của Nhật Bản) có thể vượt lên trên "Shibusawa" được không? Có thể vứt bỏ hẳn "Shibusawa" được không? Ðây là vấn đề lớn, quan trọng, có tính cách quyết định sự thành bại của sự cải cách hành chính.

Kasumi
10-02-2007, 12:52 PM
Chú thích:

[1] "Tài đoàn" là từ Nhật bản, đọc âm Việt, dùng để dịch từ Foundation của Anh ngữ, hay Fondation của Pháp ngữ. Ðây là một loại hình pháp nhân tài chính được thành lập dưới sự giám sát của chính phủ để hoạt động cho một mục đích nhất định, như từ thiện, học thuật, nghệ thuật,... Một tổ chức như vậy được lập ra để quản lý một tài sản lớn, thường là của một cá nhân đã cúng cho mục đích đó. Ford Foundation là một trường hợp điển hình ở Mỹ. Tài đoàn Ford này đã tài trợ nhiều chương trình văn hóa xã hội tại Việt Nam. Ở Việt Nam chưa thấy có những tổ chức nào tương tự. Ở Trung Quốc cũng chưa thấy có những tổ chức như vậy. Ở Rossia (Nga) có Gorbachev Foundation. Tuy nhiên, tiếng Hoa đã du nhập từ "tài đoàn" của tiếng Nhật. Quyển Hán Việt Từ Ðiển Hiện Ðại, Nhà Xuất Bản Thế Giới, trang 84, có sưu tập từ này, tuy nhiên đã giải thích sai lầm với nghĩa xấu là "tập đoàn tư sản cỡ bự, trùm tư bản." Ở VN, Foundation có được dịch là Quỹ, tức là lẫn lộn với Fund.

[2] "Phe phen" là dịch ý từ "Dangô (Ðàm hợp)" của Nhật Bản. "Ðàm hợp" có nghĩa là "thỏa hiệp ngầm," "sắp xếp ngầm" giữa các nhà thầu trước khi tham gia đấu thầu, vừa để chia nhau những gói thầu, đồng thời để tự mình định mức giá thầu.

[3] Ở ngay chính trung tâm Tokyo, trước nhà ga Shinjuku, người ta cũng thấy có ngân hàng mang bảng hiệu Ngân Hàng 101.

[4] Viết tắt của Keizai Dantai Rengokai, tức là Hội liên hiệp doanh nghiệp, tức là hội đoàn của tất cả các xí nghiệp kinh doanh của miền Ðông Nhật Bản.
[5] Viết tắt của Kansai Keizai Dantai Rengokai, tức là tổ chức tương tự như Keidanren (xem lời chú ngay trên) ở miền Tây Nhật Bản.
[6] Hình thức samurai ở thôn quê, chứ không phải samurai ở thành thị. Sống bằng nghề nông nhưng được hưởng một số đặc quyền của giai cấp samurai.

[7] Tên bốn dòng họ chủ của bốn nhóm tài phiệt Nhật Bản, tức là Mitsubishi, Mitsui, Yasuda và Sumitomo. Những nhóm tài phiệt này đều là những tập thể doanh nghiệp bao trùm hàng mấy trăm xí nghiệp lớn, từ ngân hàng tới các công ty sản xuất công nghiệp nặng nhẹ, công ty xây dựng, công ty vận chuyển đường thủy đường bộ, v.v.. Sau khi Nhật Bản thua trận Chiến tranh thế giới lần thứ hai rồi, tất cả các nhóm tài phiệt đã bị giải thể. Thế nhưng trên thực chất, những xí nghiệp trong cùng một nhóm tài phiệt xưa, ngày nay vẫn còn có quan hệ khá mật thiết với nhau trên phương diện kinh doanh.

[8] "Thuyên chuyển từ trên xuống dưới" là dịch nghĩa từ "amakudari (từ trên trời xuống)," một hình thức xử lý nhân sự theo đó một nhân viên của một cơ quan chính quyền thuyên chuyển xuống làm cho một công ty trực thuộc cơ quan chính quyền đó hoặc một công ty tư nhân có liên hệ với cơ quan chính quyền đó, hay một nhân viên của công ty mẹ thuyên chuyển xuống làm cho một công ty con hoặc công ty cháu.

[9] Chế độ làm thuê ở Nhật Bản cơ bản làm suốt đời, nghĩa là cho tới khi người làm thuê về hưu. Tuy nhiên, cấu tạo nhân sự của mỗi công ty, mỗi cơ quan đều theo hình chóp (hình kim thự tháp, hình pyramid), nghĩa là càng lên cao thì số địa vị càng ít đi. Vì thế, một số nhân viên trung niên và cao niên trong công ty mẹ, sẽ không có cơ hội tiến thân. Ðể giải quyết tình trạng này, người ta đã lập ra những công ty con và công ty cháu, tức là tăng thêm cơ hội cho những nhân viên trung niên và cao niên đó thuyên chuyển xuống giữ địa vị cao hơn địa vị đáng lẽ của họ ở công ty mẹ.

[10] Như đã nói ở Chú thích ngay trên, chế độ nhân sự gọi là "thuyên chuyển từ trên xuống" một phần là để giải quyết những vấn đề nhân sự khúc mắc của cơ quan chủ quản. Những cơ quan này ôm đồm nhiều công chức trung niên và cao niên nhưng không có cơ hội thăng tiến nữa. Những người như vậy ăn lương cao nhưng không làm công việc tương xứng với đồng lương. Những gánh nặng như vậy, cơ quan chủ quản sẽ tìm cách bán khoán cho những công ty có quan hệ. Ở công ty họ được thuyên chuyển xuống, họ cũng sẽ không có việc làm tương xứng mà sẽ chỉ "ngồi chơi sơi nước." Tiếng Nhật gọi họ là "bọn ngồi bên song cửa," nguyên văn là Mado Giwa Zoku.

[11] Luận Ngữ là một sách trong Tứ Thư (Ðại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử) của Nho giáo.

[12] Nghĩa là: "Không lo nghèo túng mà lo không đồng đều, không lo vắng người mà lo không yên ổn." Câu này trích trong Thiên 16, Quí Thị, là lời đức Khổng tử nói với một học trò tên là Nhiễm Hữu.

Kasumi
10-02-2007, 12:56 PM
MacArthur
Thí nghiệm biến Nhật Bản thành một "nước Mỹ lý tưởng"


http://img171.imageshack.us/img171/9607/macarthurci8.th.jpg (http://img171.imageshack.us/my.php?image=macarthurci8.jpg)

Tốt nghiệp thủ khoa trường võ bị Westpoint

Nguyên soái[1] Douglas MacArthur đã được chọn làm người thứ mười trong "Mười hai người lập ra nước Nhật." Ðây là người ngoại quốc duy nhất được chọn.

Xét nước Nhật hơn 50 năm sau chiến tranh, người ta sẽ thấy ảnh hưởng vô cùng lớn của quân đội chiếm đóng Nhật Bản như tượng trưng bởi MacArthur. Việc Douglas MacArthur, một quân nhân Mỹ có cá tính cương cường, tổng chỉ huy quân đội Liên hợp quốc, đã thống suất Ðại Bản doanh chiếm đóng Nhật Bản, là sự kiện đã mang lại ảnh hưởng không nhỏ cho nước Nhật ngày nay.

Trước nhất hãy kể lại lý lịch của nhân vật này.

Douglas MacArthur sinh năm 1880 tại Little Rock, bang Arkansas, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Arkansas cũng là bang xuất thân của Tổng thống Bill Clinton, và Little Rock là thủ phủ bang này. Cha, Arthur MacArthur, cũng là quân nhân lục quân, đã hạ sinh Douglas trong khi đồn trú tại Little Rock.

Như vậy, ông không là người miền Nam chính tông. Trong sách tự truyện, MacArthur đã dài dòng kể rằng tổ tiên mình thuộc dòng dõi danh gia thế phiệt Scotland. Sự kiêu hãnh về gia thế như vậy, đã ảnh hưởng tới ngôn từ và phong cách rất đặc trưng của ông.

Thời niên thiếu, cha ông đã giữ chức tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philipines, lúc ấy mới trở thành thuộc địa của Mỹ. Vào cuối thế kỷ thứ XIX, Philippines đã được Tây Ban Nha cát nhượng cho Mỹ làm thuộc địa, do kết quả cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha.

Thời đó, Philippines chưa được khai phá mấy. Ðó cũng là thời kỳ người da trắng chiếm ưu thế và chủ nghĩa thực dân đang độ phát triển mạnh mẽ. Thiếu niên Douglas đã trưởng thành trong bối cảnh như vậy, với tư cách là con trai vị tổng tư lệnh quân đội đồn trú Philippines.

Douglas lớn lên, vào học trường Sĩ quan Lục quân Westpoint, rồi tốt nghiệp thủ khoa với thành tích ưu tú một cách kỷ lục. Trường võ bị Westpoint là nơi đã đào tạo ra hầu hết sĩ quan của lục quân Hoa Kỳ. Thế mà thành tích của Douglas đến nay vẫn còn được truyền tụng. Nghe nói, ông đọc nhiều biết rộng và có trí nhớ kinh dị.

Năm 1905, nhân cha ông trở thành võ quan quan sát cuộc chiến tranh Nhật - Nga, còn ông đã là sĩ quan trợ lý, và do đó đã ở Nhật một thời gian ngắn.

Ðến thời kỳ cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Mỹ tham chiến, ông đã đề nghị thành lập sư đoàn Rainbow (Cầu Vồng) gồm toàn binh sĩ đặc biệt tinh nhuệ. Ðề nghị được chấp thuận, ông đã đích thân làm tham mưu trưởng chỉ huy sư đoàn này. Tên Cầu Vồng là hàm cái nghĩa cầu nối giữa Mỹ với Âu châu và phô trương một sư đoàn tinh nhuệ như trong mộng. Nội việc đề xuất sự thành lập một sư đoàn tinh nhuệ, rồi đích thân đứng làm tham mưu trưởng, cũng đủ rõ cái ý thức êlít và ý muốn chơi trội như thế nào rồi.

Sau đó, năm 1919, ở tuổi 39, ông đã trở thành Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân và năm 1925, ở tuổi 45, ông đã được phong Trung Tướng[2] (Major General). Cả hai chức danh trên đều là kỷ lục về độ tuổi thấp nhất. Ðiều này chứng tỏ ông là thành phần siêu ưu tú của lục quân Mỹ vậy.

Tuy nhiên, cần chú thích ít nhiều về Douglas MacArthur. Ðó là, giai đoạn hoạt động nhất của đời quân nhân của ông, tức là những năm từ 1925 tới 1930, lại rơi vào thời kỳ giải trừ quân bị và đại khủng hoảng kinh tế.

Từ thập niên 1920 sang thập niên 1930, do Hiệp ước Washington và Hội nghị giải trừ quân bị London, Mỹ đã cắt giảm quân số so với các nước khác. Chỉ trong thời gian ngắn, chi phí quân sự của Mỹ đã rút xuống tới khoảng một phần trăm của tổng sản phẩm quốc dân (GNP), nghĩa là chỉ tương đương với chi phí cho lực lượng phòng vệ[3] của Nhật Bản ngày nay.

Hiệp ước Washington hạn chế số tàu quân sự. Nhật Bản thời đó, Anh quốc, và những nước khác cũng chịu sự hạn chế như vậy. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ Coolidge còn làm triệt để hơn, bằng cách bán chiến hạm đang đóng cho công ty điện ảnh, rồi cho quay phim cảnh đánh chìm. Ðối với quân nhân, thì đó không những là sự đau lòng về mặt kinh tế, mặt tổ chức, mà còn là sự nhục nhã về mặt tinh thần nữa.

Lục quân thì bì cắt giảm một số sư đoàn, võ khí quân trang cũng hầu như không được trang bị mới nữa. Toàn thế giới chìm đắm trong bầu không khí hòa bình, nơi nơi đua nhau ký kết hiệp ước bất chiến, lực lượng võ trang mỗi ngày một được thu nhỏ lại. Trong xã hội, địa vị quân nhân ngày một xuống thấp, cho nên, những phần tử ưu tú không còn gia nhập quân đội nữa.

Ở Nhật Bản còn có từ gọi thời đại này là "Thời giải giáp Taisho." Người mặc quân phục vào cửa hàng liền bị chế diễu. Thậm chí, người ta còn nói "quân nhân thì không có ai chịu đến làm dâu cả." Thời kỳ MacArthur hoạt động với tư cách là Trung Tướng, tham mưu trưởng, lại trùng với thời kỳ giải giáp dài hơn thời giải giáp ở Nhật Bàn này, là điểm đáng chú ý.

Cha là quân nhân, bản thân mình cũng là quân nhân ưu tú đậu thủ khoa Trường Sĩ quan lục quân Westpoint, Douglas MacArthur hẳn đã phải sống những ngày sầu muộn vì chí chẳng đạt.


Ðoạt lại Philippines rồi chiếm đóng Nhật Bản

Cùng với sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc, phong trào đòi độc lập ở Philippines cũng dâng cao. Năm 1935, Douglas MacArthur trở thành quân nhân dự bị và được cử làm cố vấn quân sự xây dựng quân đội quốc gia Philippines. Cha đã làm tổng tư lệnh bộ đội Mỹ đồn trú ở đó, nay lại đến lượt MacArthur theo sự cam kết của tổng thống Roosevelt là sẽ trao trả độc lập cho Philippines, nên MacArthur đã được cử tới làm cố vấn quân sự, để xây dựng quân đội mới cho nước sắp độc lập này. Nhưng lần này, khác với MacArthur cha, MacArthur con hẳn không lấy làm phấn khởi bằng.

Với tư cách cố vấn sáng lập quân đội Philippines, Douglas MacArthur đã tham gia vào sự soạn thảo hiến pháp Philippines và đã chuẩn bị nhiều phương án cùng một lúc. Việc soạn thảo hiến pháp này của ông đã có sự liên hệ tới bàn thảo hiến pháp Nhật Bản. Nghĩa là, cái lý tưởng mà MacArthur ôm ấp đã có một sự liên tục nhất quán.

Sau khi hoàn thành xong vai trò cố vấn quân sự ở Philippines, ông đã giải ngũ. Nhưng tháng 7 năm 1941 (niên hiệu Showa thứ 16), trước tình trạng Nhật Bản và Mỹ sắp giao chiến, ông đã trở lại quân ngũ và nhậm chức tư lệnh lục quân Mỹ tại Viễn đông, đóng tại Philippines. Là quân nhân Mỹ, MacArthur quả đã có duyên với vùng Viễn đông. Thế rồi, năm tháng sau thì trận Chiến tranh Thái bình dương nổ ra. Năm tháng sau nữa, trước sức tấn công mãnh liệt của quân đội Nhật, ông đã rút lui qua đảo Mindanao, sang tới Australia. Lúc đó, ông đã phát ra lời nói đầu tiên "I shall return (Tôi quyết sẽ trở lại)" nay đã trở thành danh ngôn. Lời này hình như ông đã nói ra khi đặt chân tới Australia chứ không phải khi rời khỏi Philippines.

Khi tình huống chiến tranh trở bề có lợi cho Mỹ, MacArthur bèn mở cuộc phản công mãnh liệt. Lúc đó Mỹ có hai phương án phản công.

Một do đại tướng hải quân (đề đốc) Chester William Nimitz (sau thăng Nguyên soái) vạch ra, gồm tiến quân từ nhóm đảo Mariana lên chiếm đảo Iojima để tới Nhật Bản. Phương án này gọi là "cuộc tiến công kiểu những tảng đá dẫm chân." Nghĩa là không đánh trên bộ nhiều, mà chỉ chiếm đoạt các hòn đảo để lập căn cứ không quân, rồi từ đó triển khai hàng không mẫu hạm ra phong tỏa từ ngoài biển, làm tiêu hao chiến lực của Nhật Bản đi.

Phương án thứ hai do đại tướng lục quân Douglas MacArthur vạch ra. Ông này nôn nóng chiếm lại Philippines, trù liệu tiến công từ Australia lên phía bắc, trước hết chiếm Tân Guinea, rồi từ Nam Thái bình dương đánh sang đảo Leyte, từ đó đoạt lại toàn lãnh thổ Philippines, rồi đánh qua Ðài Loan, Okinawa và từ đó đánh vào nội địa Nhật Bản. Nghĩa là ông chủ trương chiếm đoạt một vùng đất rộng lớn.

Nếu chỉ xét về mục đích của vấn đề là đánh thắng Nhật Bản, thì phương án của đề đốc Nimitz tỏ ra rất có hiệu quả, vì chi phí thấp mà vẫn thắng được. Nhưng, xét về chính trị, thì phương án của đại tướng MacArthur theo đó lần lần giải phóng từ Tân Guinea, tới Philippines, Ðài Loan, có hiệu quả lớn làm sáng tỏ chính nghĩa của trận chiến. Cứ xem cách đánh trận, ta đủ thấy cái ý đồ chính trị sâu xa của MacArthur.

Quân đội Mỹ rút cục đã áp dụng cả hai phương án, một mặt điều động hải quân phong tỏa Nhật Bản, một mặt điều lục quân đánh chiếm Philippines và Okinawa. Trong khi tiến hành chiến dịch này thì năm 1944, đại tướng MacArthur được thăng lên nguyên soái (tướng 5 sao).

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng. Tức khắc, Nguyên soái MacArthur được phong Tổng tư lệnh quân đội của Liên hợp quốc chiếm đóng Nhật Bản. Ông bay ngay tới Nhật Bản. Máy bay quân đội chiếm đóng hạ cánh xuống căn cứ không quân Atsugi lần đó là ngày 30 tháng 8. Lập tức, đại bản doanh được đặt ở Sở quan thuế Yokohama (sau này chuyển tới tòa nhà Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi, ở bên bờ hào Hoàng cung Tokyo). Sự chiếm đóng Nhật Bản thực chất bắt đầu từ ngày đó. Ngày 2 tháng 9, lễ ký kết Văn kiện Ðầu hàng đã diễn ra trên chiến hạm Missouri, để hợp thức hóa việc chiếm đóng này.

MacArthur để lại ảnh hưởng lớn tại Nhật Bản, dĩ nhiên là vì ông đã đánh bại Nhật Bản, nhưng hơn thế nữa, chính vì chính sách ông đã thực thi trong sáu năm chiếm đóng Nhật Bản.

Kasumi
10-02-2007, 12:56 PM
Năm 1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. MacArthur liền nhậm chức tổng tư lệnh quân đội Liên hợp quốc với quân đội Mỹ làm nòng cốt. Lúc ấy, ngoài cương vị tổng tư lệnh quân đội, MacArthur còn đối phó với mỗi sự việc bằng chủ trương chính trị của mình nữa. Ðiều này đã để lại ảnh hưởng trọng đại đối với tương lai của Nhật Bản.

Trong chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu, miền Nam tức là Hàn Quốc đại bại. Sư đoàn 24 Mỹ đóng tại Nhật Bản liền tới cứu viện. Nhưng gặp phải sức mạnh của đoàn chiến xa hạng nặng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Sư đoàn 24 hầu như bị tiêu diệt. Trung tướng sư đoàn trưởng Dean bị bắt làm tù binh. Liên quân Mỹ - Hàn bị dồn tới đường cùng ở "Ðầu cầu Pusan (Phẫu Sơn)," tưởng như sắp bị quét xuống biển.

Nhưng, được tăng viện bởi Lộ quân 1, MacArthur liền triển khai một chiến dịch hào nhoáng. Ông cho đổ bộ lên Inchong (Nhân Xuyên) rồi cùng với lộ quân thứ 8 ở Ðầu cầu Pusan, đánh gọng kìm phá được đối phương. Cách đánh này chứng tỏ đường lối diễn xuất nhằm hiệu quả chính trị của MacArthur.

Mùa Thu năm 1950, khi liên quân Mỹ - Hàn dưới quyền chỉ huy của MacArthur đánh lần tới biên giới Trung Quốc ở phía bắc, thì một sự đảo ngược lại diễn ra. Tháng 11 năm đó, ông công bố quan điểm lạc quan rằng: "Cho đến lễ Giáng sinh, sẽ cho hai sư đoàn về nước," chủ quan coi là "Ðến lễ Giáng sinh sẽ thắng."

Nhưng, quân tình nguyện Trung Quốc đã ồ ạt kéo vào bán đảo Triều Tiên qua sông Áp Lục Giang, lúc đó mùa đông nên đóng băng cứng, đã phản kích mãnh liệt, khiến liên quân Mỹ Hàn bị thiệt hại nặng nề, phải bỏ chạy. Ðến nỗi Thượng tướng Walker chỉ huy Lộ quân thứ 8 bị tử trận, quân tướng và vũ khí khí tài của Mỹ bị mất gần hết.

Rơi vào cùng địa, MacArthur chủ trương oanh kích miền Bắc Trung Quốc, nhưng tổng thống Mỹ Truman lúc đó không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nên đã quyết định giải nhiệm Nguyên soái MacArthur.

Nguyên soái MacArthur bị giải nhiệm năm 1951, trở về tổ quốc. Lúc đó, tuổi đã ngoài 70, diễn thuyết trước Quốc hội Mỹ, ông đã để lại danh ngôn "Old soldiers just fade away (Lính già chỉ còn nước biến đi thôi)," rồi giải ngũ và từ quan. Có một thời gian, ông đã giữ chức Tổng giám đốc Công ty Remington. Cuối đời, ông ở khách sạn Vip Walt Astoria ở New York, vẫn duy trì lối sống hào hoa của mình. Năm 1964, ông mất ở tuổi 84.


Biến thành kiểu mẫu cho một "nước Mỹ lý tưởng"

Chính sách chiếm đóng Nhật Bản, do một quân nhân có cá tính mãnh liệt như kể trên triển khai, đã để lại cho Nhật Bản thời hậu chiến ảnh hưởng vô cùng lớn lao.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Ðức cũng là nước chiến bại, nửa phía đông thì do Liên Xô kiểm soát, nửa phía tây do ba nước Mỹ, Anh và Pháp chiếm đóng. Nguyên soái Dwight Eisenhower (sau trở thành tổng thống Mỹ) đứng làm tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng. Chính sách chiếm đóng của ba nước Mỹ Anh Pháp là do văn quan Cao ủy McLloyd chỉ đạo. Nhật Bản thì thực chất do Mỹ đơn độc chiếm đóng, đồng thời Nguyên soái MacArthur, với tư cách tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng, đã thi thố mỗi quyền lãnh đạo, từ chính trị, kinh tế, tới cải chính hiến pháp, nghi lễ của hoàng gia, nhất thiết mỗi việc đều do một tay MacArthur quyết đoán cả.

Lúc đó, Nguyên soái MacArthur ôm ấp một giấc mơ lớn đối với Nhật Bản dưới sự thống trị của ông. Giấc mơ đó trước kia ông đã ôm ấp đối với Philippines và giờ đây là biến Nhật Bản thành một quốc gia dân chủ chủ nghĩa kiểu nước Mỹ. Ðiều này đã được thể hiện một cách rõ ràng trong "Thuyết Nhật Bản mười hai tuổi," như sau:

"Hiện nay (nửa cuối thập niên 1940), Nhật Bản mới được 12 tuổi, mới có trình độ trung học đệ nhất cấp (cơ sở). Nhưng rồi đây, tốt nghiệp xong trung học đệ nhất cấp, tiến lên bậc trung học đệ nhị cấp (phổ thông), thành người trưởng thành ra làm việc xã hội. Cuối cùng, hẳn Nhật Bản cũng sẽ thành một nước người lớn bề thế như Mỹ. Quốc dân Nhật Bản phải biết nhắm tới mục tiêu ấy."

Không riêng gì MacArthur, những người tri âm của Nhật Bản đời thứ nhất sau chiến tranh, như Tiến sĩ Edwin O. Reischauer (học giả Nhật Bản học, đại sứ tại Nhật 1961-66), cũng có cùng quan điểm:

"Mỹ và Nhật khác nhau ở nhiều điểm. Nhưng đó là vì Nhật Bản nghèo nàn về kinh tế, và lạc hậu về văn hóa. Rồi đây, Nhật Bản trở nên giầu có, văn hóa phát triển, trình đ dân chúng được nâng cao lên, thì ắt cũng thành một nước như Mỹ. Sự khác nhau giữa Mỹ và Nhật Bản chủ yếu là giai đoạn phát triển khác nhau. Trong thời chiến tranh, giới lãnh đạo Nhật Bản đã có những sai lầm, nhưng rồi đây, khi Nhật Bản trở thành một nước dân chủ, một nước công nghiệp giầu mạnh, thì cũng như nước Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ có nền văn hóa tự do coi trọng sự lựa chọn của cá nhân. Hơn thế nữa, Nhật Bản nên là như vậy."

Tư tưởng trên đã được duy trì mãi về sau. Người ta tiếp tục nói "Nếu Nhật Bản trở thành một nước giầu có thì hẳn sẽ như Mỹ trở thành một nước dân chủ chủ nghĩa và tự do kinh tế."

Tuy nhiên, MacArthur nói "Nhật Bản sẽ thành một nước như Mỹ," thì "nước Mỹ" ở đây không phải là nước Mỹ hiện thực bây giờ, mà là nước Mỹ ông coi là lý tưởng, một "nước Mỹ phải nên như thế."

Như đã kể, thời thiếu niên ông ở Philippines cùng với cha, từ năm 1935 lại đóng đồn ở Philippines, rồi trở thành tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng Nhật Bản, nên MacArthur đã ở hải ngoại nhiều hơn ở nước nhà. Vì vậy, ông đã mỹ hóa Tổ quốc hơn thực sự, đã có tư tưởng lý tưởng hóa Tổ quốc. Thế rồi ông tìm cách biến Nhật Bản thành "nước Mỹ lý tưởng đó."

Vậy, "nước Mỹ lý tưởng của ông," mục tiêu Nhật Bản nên tiến tới, là như thế nào?


Hãy là Thụy Sĩ của Viễn đông

Trước hết, về ngoại giao hãy rập theo Mỹ không nên thắc mắc gì cả. Với tư cách tổng tư lệnh quân đội chiếm đóng, điều này là đương nhiên. Nhất là năm 1949, sau khi chính quyền Tưởng Giới Thạch bị đuổi khỏi đại lục Trung Quốc, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, khiến cho khuôn khổ chiến tranh lạnh được xác lập ở vùng Viễn đông này, thì ý đồ biến Nhật Bản thành đồng minh có thể lợi dụng được trong phe Mỹ, lại càng trở nên mạnh.

Trong khuôn khổ chiến tranh lạnh, không phải ông chỉ nghĩ biến Nhật Bản thành nước đồng minh như một đàn em phục tùng Mỹ. Hơn thế nữa, MacArthur tin rằng, nếu Nhật Bản muốn được hạnh phúc, thì Nhật Bản phải nằm trong khối Mỹ, phải hợp tác và tuân theo Mỹ. Ðây không những là nhiệm vụ đương nhiên của một quân nhân Mỹ, một quan cai trị do Mỹ gửi tới Nhật Bản, mà đồng thời còn là niềm tin cá nhân của MacArthur, người đã lý tưởng hóa nước Mỹ.

Sau đó, về hình thức chính trị, ông đã cho xây dựng chủ nghĩa dân chủ nghị viện ở Nhật Bản, dựa trên hình thức dân chủ do đầu phiếu của Mỹ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, ông đã không áp đặt chế độ tổng thống, mà đã nhìn nhận chế độ thiên hoàng tượng trưng có một thủ tướng được nghị viện bầu ra, nghĩa là, thiên hoàng chỉ là tượng trưng, không được tham gia vào chính trị. Chính trị là việc của các nghị viên được bầu ra, của thủ tướng do các nghị viên bầu ra. Ở điểm này, ông đã không áp dụng chế độ tổng thống được trực tiếp bầu ra, mà lại chọn chế độ nội các nghị viện kiểu Anh quốc. Có thể ông đã lo ngại nếu tổ chức bầu cử tổng thống trên toàn quốc, thì khả năng sẽ có một nhân vật chống Mỹ đắc cử.

Ðồng thời, ông coi trọng quyền tự trị địa phương kiểu Mỹ và hi vọng quyền này bén rễ vững chắc. Nhưng, quan niệm về quyền tự trị của Nhật Bản và Mỹ khác nhau nhiều lắm. MacArthur hình như đã không hiểu rõ điều này.

"Con người ta ai cũng muốn tự mình cai trị xóm làng mình. Do đó, nếu phế bỏ Bộ Nội vụ, cơ quan trung ương thống chế các địa phương, rồi trực tiếp bầu cử tỉnh trưởng, thì chính quyền địa phương sẽ mạnh lên, sẽ có khả năng kiềm chế chính phủ trung ương."

MacArthur hẳn đã nghĩ như vậy. Nghĩa là, nếu hạn chế tố đa ảnh hưởng của nhà nước trung ương thì quyền tự trị địa phương sẽ phát triển, dân chúng hẳn mong muốn như vậy. Ông đoán rằng quyền tự trị địa phương như thế kết hợp với nghị viện có quyền lực lớn mạnh, hẳn sẽ biến Nhật Bản thành một nước dân chủ.

Về kinh tế thì sao? Ở đây, MacArthur cũng đem mô hình kinh tế tự do cạnh tranh kiểu Mỹ vào và nghĩ rằng những xí nghiệp nhỏ và vừa không có khả năng gắn liền với sức mạnh quân sự, và nền nông nghiệp tự canh tác quy mô nhỏ, là tốt. Ông không hề nghĩ tới sức cạnh tranh quốc tế của những ngành nghề chế tạo Nhật Bản lại có thể lên tới mức 1 đôla xấp xỉ 100 Yen.

Sự lầm lẫn này không phải riêng gì MacArthur. Mỗi người Nhật cũng như mỗi người Mỹ đều nghĩ sai như vậy. Nếu MacArthur có sai, thì đó là điểm ông cho rằng người Nhật sẽ hài lòng dù cho mức độ kinh tế không được cao lắm, nhưng nếu được sống trong hòa bình. Vì vậy, ông nghĩ rằng Nhật Bản cần phải giải quyết ba vấn đề: giải tán các nhóm tài phiệt để cho xí nghiệp vừa và nhỏ dễ phát triển, cải cách ruộng đất và tổ chức công đoàn.

Kasumi
10-02-2007, 12:57 PM
Nguyên soái MacArthur nghĩ rằng trước hết phải triệt để cho cạnh tranh tự do, phải giải tán những nhóm tài phiệt. Rồi để cho các nhóm tài phiệt không thành hình được nữa, phải có luật cấm độc quyền như Mỹ. Như vậy các xí nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội phát triển. Ðồng thời, phải giải phóng đất nông nghiệp, làm cho những người thuộc tầng lớp tiểu nông có ruộng đất canh tác trong tay. Nông dân có ruộng đất sẽ bảo thủ hóa và sự tập trung vào đô thị sẽ không còn nữa. Nếu cả nước là nông thôn với những gia đình tiểu nông, rồi rải rác có những xí nghiệp nhỏ và vừa xen lẫn vào, thì những xí nghiệp quân sự sẽ không có cơ hội phát triển, và Nhật Bản sẽ trở thành một nước hòa bình đẹp đẽ và không thể gây hại cho thế giới được nữa. Ðây chính là lý tưởng của MacArthur về hình ảnh một "Nhật Bản hãy là Thụy Sĩ của Viễn đông. "

Lý do là, một nước có địa hình phần lớn là núi đá với dân số vài triệu người như Thụy Sĩ thì không sao gây dựng được đại xí nghiệp. Nhưng, mức sinh hoạt quốc dân lại rất cao. Nếu là một nước như vậy thì cũng tốt lắm chứ. Mỹ hóa Thụy Sĩ, và tuy bỏ qua điều kiện địa lý vốn có của Thụy Sĩ hay chủ trương phát triển kinh tế đất nước bằng du lịch của Thụy Sĩ, song cái ý muốn cho Nhật Bản trở thành một nước hòa bình gồm có những tiểu nông và những xí nghiệp vừa và nhỏ, là ý tốt.


Du nhập nền luân lý coi trọng bình đẳng và an toàn

Về cải cách ý thức xã hội, MacArthur coi Nhật Bản là xã hội phong kiến cổ hủ, nên phải quảng bá sự "bình đẳng." Sự bình đẳng nam nữ, xúc tiến tổ chức công đoàn, giải phóng đất nông nghiệp, v.v., đều là hướng tới mục đích đó. Cho tới cuộc chiến tranh Triều Tiên, thì thật sự ông đã ủng hộ phong trào lao động cánh tả. Việc này một phần cũng chịu ảnh hưởng của phái chủ trương chính sách "New Deal[4]" dưới thời Tổng thống Roosevelt.

Ông cũng nghĩ rằng muốn thực hiện bình đẳng thì phải phế bỏ chế độ đại gia tộc truyền thống của Nhật Bản. Nguyên soái MacArthur cùng nhóm cộng sự của ông cho rằng chế độ đại gia tộc của Nhật Bản chính là chế độ giai cấp gò bó dưới quyền gia trưởng, dòng trưởng, và chính thể chế thiên hoàng đã làm cho chế độ đại gia tộc đó bành trướng ra khắp nước Nhật thời tiền chiến.

Vì vậy, không những ông chủ trương phải bỏ chế độ đó, ông còn coi trọng sự bình đẳng nam nữ, đồng thời áp dụng chính sách bài xích "trật tự già trẻ."

Thứ hai, ông dạy cái lẽ phải của sự "an toàn." Trước nhất, an toàn tức là "hòa bình." Không có gì nguy hiểm hơn là chiến tranh. Vì thế, ông đã tôn dương sự chối bỏ chiến tranh, coi mỗi hình thức chiến tranh đều là xấu hết. Thêm vào đó, ông triệt để phủ nhận bạo lực và vũ lực, thậm chí nghiêm cấm không cho thày giáo hay cha mẹ dùng "roi vọt yêu."

Thứ hai, an toàn là "sức khỏe." Trong nền hành chính và giáo dục thời hậu chiến, sức khỏe được chú trọng đặc biệt, sâu bọ và ký sinh trùng được nỗ lực khu trừ triệt để. Thời nay, người ta mới coi phương pháp canh nông bằng phân hữu cơ là tốt, chứ thời kỳ ngay sau chiến tranh, tới 70 phần trăm người Nhật có ký sinh trùng, cho nên thời đó phân hữu cơ bị coi là không có gì xấu bằng, lại dơ bẩn nữa. Người ta quan niệm nông nghiệp hiện đại phải dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Nghĩa là toàn nước Nhật đã được truyền bá ý thức vệ sinh như vậy. Ðây là cái ý nghĩ của quân đội Mỹ thời đó đối với tình hình vệ sinh của Nhật Bản. Thậm chí, người ta đã loan tin rằng rau Nhật Bản dơ bẩn, chớ có ăn.

Ngày nay, nhìn vào người Mỹ thường, người ta khó có cảm tưởng là họ quá bận tâm đến vệ sinh như vậy, nhưng quân nhân Mỹ chiếm đóng Nhật Bản đã đòi hỏi sự sạch sẽ hơn cả thực tế. Cũng có lẽ sự nhấn mạnh vào vấn đề vệ sinh, là họ muốn nói rằng Nhật Bản dơ bẩn nên phải coi chừng, đồng thời muốn phô trương rằng người Mỹ sạch sẽ như vầy kia.

Thứ ba, an toàn là "phòng chống sự cố, tai nạn." Sự nhấn mạnh vào vấn đề an toàn để phòng chống tai nạn lao động, cũng đã có ảnh hưởng tới luật về tiêu chuẩn kiến trúc, luật phòng cháy chữa cháy, đồng thời đã đóng góp vào sự hình thành xã hội quy chế và tình trạng giá cả cao của Nhật Bản ngày nay.

Sự du nhập tư tưởng luân lý coi trọng an toàn của MacArthur đã để lại ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội Nhật Bản, khiến Nhật Bản không những đã chối bỏ chiến tranh, mà còn phủ nhận mọi hình thức bạo lực khác.

Về văn hóa thì tuyên truyền văn hóa Mỹ là tối cao không phải đắn đo một hai gì cả. Hơn nữa, tượng trưng cho văn hóa Mỹ được tuyên truyền là "3 S," tức là screen (điện ảnh), sports (thể thao) và sex (tính dục).

MacArthur còn lợi dụng giáo dục học đường để phổ cập văn hóa Mỹ. Trong chế độ 6-3[5], ông đã cho vào đó hoạt động gọi là phòng Homeroom[6] và hội phụ huynh - thày cô (PTA: Parent Teacher Association).

Tuy nhiên, về giáo dục, hẳn đã có nhiều điều không được như MacArthur muốn. Ðây là vì ông đã duy trì chế độ giáo dục sơ đẳng (tiểu học) công lập và chế độ phân chia học sinh theo khu vực như các "trường quốc dân" cũ, trong đó đặt nặng vấn đề giáo dục đại trà và hủy diệt cá tính cá nhân.

Xem ra các cộng sự viên của MacArthur đã bỏ sót không thấy tinh thần hiếu học của người Nhật ngay từ thời mạc phủ Tokugawa. Chính MacArthur đã nhìn nhận và kinh ngạc: "Trẻ em trai gái Nhật đánh giầy cũng đọc báo."

Cuối cùng, MacArthur đã cố tình phủ nhận chủ nghĩa tinh thần Nhật Bản, để cho Nhật Bản không trở lại chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa đế quốc nữa. Việc này, về một khía cạnh, là một "dòng chảy của sự hiện đại hóa."

Chủ nghĩa hiện đại là coi trọng tính khách quan và văn minh vật chất. Ở Tây Âu, chủ nghĩa tinh thần thời Trung cổ đưa tới sự tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của tôn giáo. MacArthur đã nhân danh "hiện đại hóa" phủ nhận chủ nghĩa duy tâm, và tìm cách gieo trồng chủ nghĩa duy vật vào Nhật Bản. Ðể làm cho Nhật Bản cảm phục sự phong phú vật chất của Mỹ rồi tin tưởng vào Mỹ, Mỹ đã trọng dụng các học giả kinh tế học, các quan chức ngành kinh tế, để tuyên truyền quan niệm giá trị của chủ nghĩa năng suất: "Hãy học hỏi nước Mỹ giầu sang." Nói cách khác, sau chiến tranh, năng suất đã trở thành một "chính nghĩa" như bình đẳng và an toàn vậy.

Mặt khác, MacArthur đã triệt để phủ nhận truyện thần thoại Thiên tôn Giáng lâm và "Tinh thần Nhật Bản." Quân đội Mỹ đã cố tình tuyên truyền rằng Nhật Bản đã thua Mỹ vì kém về mặt vật chất. Lý luận này dễ cho người Nhật chấp nhận, vì họ đã chiến đấu dũng cảm mà vẫn thua, nên có thể chịu thuyết phục như vậy.

Tóm lại, MacArthur một bên trưng bầy nền văn hóa Mỹ lý tưởng hóa, bên kia để nguyên nền văn hóa cổ của Nhật, rồi tìm mỗi cách biến Nhật Bản thời hậu chiến thành một nước sùng bái Mỹ.


Chủ nghĩa dân chủ đầu phiếu và nền tự trị địa phương trở nên trống rộng
Ý đồ như kể trên của MacArthur đã trở thành hiện thực như thế nào?

Kết quả có nhiều mặt: Chỗ thì đúng như ý muốn, chỗ thì không như ý muốn, có chỗ sau khi tiêm nhiễm tư tưởng MacArthur đã diễn ra phản ứng hóa học biến thành khác hẳn, v.v..

Trước nhất, về ngoại giao, ý đồ MacArthur đã hoàn toàn thành công. Từ sau MacArthur, và không kể từ sau năm 1991 trở đi, ngoại giao Nhật Bản chủ yếu là theo đuôi ngoại giao Mỹ. Chỉ có một lần duy nhất, nó hơi bị lung lay, là trong phong trào phản đối Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960[7]. Ðối với Nhật Bản, sự phụ thuộc phe Tây phương đã mang lại lợi ích to lớn. Nhờ theo đuôi ngoại giao Mỹ đúng như MacArthur đã định, Nhật Bản đã được bảo đảm an ninh một cách ít tốn kém, có nguồn nhập cảng nguyên liệu và thị trường xuất cảng ổn định, như thế thực hiện được sự phát triển cao độ về kinh tế.

Trong thể chế chính trị, thì ý đồ của MacArthur về chủ nghĩa dân chủ kiểu đầu phiếu và nền tự trị địa phương, đã bị "trống rộng hóa" mau chóng, rồi biến thành kiểu tập quyền vào quan liêu ở trung ương.

Tự trị địa phương là do sự khuếch đại của tinh thần tự trợ cá nhân mà thành. Con người ta ai nấy đều tự mình giúp mình đi tìm hạnh phúc cho mình. Tinh thần tự trợ như vậy của cá nhân, nếu khuếch đại ra, chính là sự tự trị địa phương của Mỹ vậy.

Tự sức mình đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình, chính là cách sống nguyên lai của con người ta. Do đó, tự mình đóng cửa cài then, tự mình xua đuổi trộm cướp, là tốt nhất. Nhưng, một mình đơn độc thì không chống lại trộm cướp được, nên phải thành lập đoàn dân phòng. Dân phòng không thôi không đủ hiệu quả, thì bỏ tiền thuê "quan bảo an[8]." Như thấy trong những phim kịch cao bồi, sự khuếch đại của tinh thần tự trợ là quyền tự trị địa phương, rồi nhiều địa phương như vậy kết tụ lại thành bang, nhiều bang hợp nhất lại thành quốc gia. Ðó chính là Hợp chủng quốc Hoa kỳ. MacArthur trông đợi Nhật Bản cũng phát triển theo mô hình này.

Thế nhưng, tư tưởng tự trị vốn không nẩy sinh ra từ cư dân địa phương Nhật Bản. Hơn thế, trước đó nữa, tinh thần tự trợ cũng không có ở Nhật Bản. Truyền thống nông thôn trồng lúa của Nhật Bản vốn là chủ nghĩa tập thể. Vì thế, khi chính quyền địa phương hình thành theo chỉ thị của MacArthur, chúng liền biến thành cơ quan được chính phủ trung ương chia xẻ quyền hạn cho, nhận trợ cấp để đại lý quyền hành chính của nhà nước trung ương.

Kasumi
10-02-2007, 12:57 PM
Trong cuộc tranh luận về sự phân quyền địa phương ngày nay, người ta cũng chỉ nhiệt tâm thảo luận vấn đề chính quyền địa phương sẽ được chia xẻ những quyền hạn gì và nguồn tài nguyên nào của nhà nước trung ương. Thậm chí, có câu nói "ba mươi phần trăm tự trị." Thật ra, đừng nói gì tới ba mươi phần trăm, chính quyền địa phương thực ra chỉ muốn làm cơ quan thầu khoán cho khỏe khoắn. Nhật Bản xưa nay là nước mà mạc tướng ra lệnh cho các phiên tướng di chuyển từ đất này sang đất khác. Ở trong một nước có truyền thống tập quyền trung ương như thế, lý tưởng của MacArthur đã không nẩy nở được.

Tiếp đến, chủ nghĩa dân chủ kiểu đầu phiếu cũng không được như lý tưởng. Nghị viện (Quốc hội) đã không trưởng thành được về mặt quyền hạn, mà thực chất đã chỉ biến thành cơ quan môi giới nguyện vọng điều trần tới cửa quan.

Ở Mỹ, mỗi khi tổng thống hay quan chức trung ương làm điều bất chính, thì lập tức Nghị viện mở cuộc điều trần để điều tra. Làm chính trị là việc của Phủ lập pháp (Nghị viện), còn Phủ hành pháp (Chính phủ trung ương) chỉ thi hành cho đúng chính sách đó thôi. Tuy nhiên, ở Nhật Bản thì tình trạng là ngược lại.

Trong Hiến pháp Nhật Bản, MacArthur chấp nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng khác hẳn với ở Mỹ, ông cũng đồng thời nhìn nhận quyền đề xuất luật pháp của chính phủ. Vấn đề then chốt là ngân sách, thì chỉ có chính phủ mới có quyền đề xuất. Kỳ lạ thay, Hiến pháp Nhật Bản quy định "ngân sách là do chính phủ đề xuất." Thậm chí không thấy viết "dự thảo ngân sách" mà viết thẳng thừng là "ngân sách." Sự kiện quan chức chiếm ưu thế đã có từ thời Okubo Toshimichi (Chương VIII). Thế mà, nay lại để lại một chế độ chéo cẳng ngỗng như vậy, cho nên, sự tập trung quyền lực vào tập thể quan chức trung ương, là chuyện tất nhiên. Ở điểm này, sự kỳ vọng và dự đoán của MacArthur cũng đã bị phản bội.



"Thể chế năm ‘55 " đánh đổ chính sách giải thể tài phiệt và giải phóng đất nông nghiệp

Trên phương diện kinh tế, ý đồ của MacArthur về một xã hội cạnh tranh tự do giữa các trung tiểu xí nghiệp và tiểu nông tự canh tác cũng mau chóng trật đích. Thật ra, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, ý đồ của Mỹ (MacArthur) đã đổi thành ý muốn Nhật Bản làm tiền đồn.

Sau khi thu hồi được độc lập, Nhật Bản dần dần trở lại thể chất "quan liêu chỉ đạo" và "quan dân đề huề" như Okubo Toshimichi (Chương VIII) và Shibusawa Ei-ichi (Chương IX) đã quan niệm. Trong kinh tế và giáo dục, "Thể chế Showa năm thứ 16 (1941)" đã sống lại.

Một điều "không may" cho MacArthur là tình trạng thiếu thốn vật chất của Nhật Bản trong thời kỳ bị chiếm đóng. Thời đó, mỗi thứ đều thiếu thốn. Từ thực phẩm, quần áo, tới giấy in báo nếu không được phân phát thì không in báo được. Do đó chế độ "bao cấp" đã không thể tránh được. Và vì vậy, MacArthur đã không thể hủy bỏ cơ cấu quan chức quan liêu thống suất được.

Quan chức quan liêu thống suất kiểu Nhật Bản là trước khi chỉ định xí nghiệp, họ để cho ngành nghề liên quan nói chuyện với nhau đã. Ở đây, hình thức hòa hợp ("phe phen") kiểu Shibusawa Ei’ichi đã len vào. Ðiện lực là như vậy, may dệt cũng vậy, ngành nghề nào cũng vậy.

Vì thế, đoàn thể ngành nghề đã thành hình một cách kiên cố. Ðoàn thể ngành nghề như vậy "bám dính" vào bộ sở chủ quản, tìm cách cắt bỏ xí nghiệp nào không chịu tuân theo ý kiến của đa số. Từ đó phát sinh ra "thể chế hòa hợp trong đoàn thể ngành nghề dưới sự lãnh đạo của quan chức." Xí nghiệp thực hiện sự hiện đại hóa hay đại quy mô hóa dưới sự lãnh đạo của quan chức. Quan chức một mặt hạn chế sự vào cuộc của xí nghiệp mới, mặt khác lấy tiền công quỹ đổ vào xí nghiệp cũ bằng mọi hình thức như đầu tư, cho vay, tài trợ, v.v..

Như trên, khác với ý đồ của MacArthur chỉ muốn Nhật Bản thành một quốc gia phân tán làm nhiều mảnh nhỏ cạnh tranh tự do với nhau, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế dưới sự lãnh đạo của quan chức. Trên thực tế, cái gọi là "thể chế năm ’55" đã xác lập. Trong đó, đại xí nghiệp đã chỉ hình thành trong các ngành nghề chế tạo, chứ nông nghiệp và lưu thông hàng hóa thì vẫn ở trạng thái quy mô nhỏ. Do đó, ở mỗi địa phương đã hình thành đủ loại tập thể lớn nhỏ gom góp những thành phần nhỏ lại thành "đoàn tàu hộ tống."

Từ đó, ngành nghề chế tạo, nhất là ngành nghề chế tạo đại trà theo quy cách, đã phát triển lớn mạnh. Ðến nỗi riêng các ngành nghề này thì số lượng xuất cảng ngày càng tăng. Họ đã có sức cạnh tranh quốc tế có thể chịu đựng được hối suất 1 đôla bằng 100 Yen. Thế nhưng, các ngành nghề duy trì quy mô sản xuất nhỏ như lưu thông hàng hóa, nông nghiệp, hay những ngành nghề được sự bảo hộ của nhà nước như xây dựng, vận tải, truyền thông, thì giá thành lên cao đến nỗi tỷ giá hối đoái lên tới từ 1 đôla bằng 200 Yen, có khi tới 400 Yen. Nghĩa là so với các nước Âu Mỹ và các nước châu Á khác, Nhật Bản đã trở thành một xã hội khác hẳn về chế độ giá cả.

Với ý nghĩa này, hầu như tất cả ý đồ của MacArthur về mặt kinh tế đều không thực hiện được điều gì cả. Cơ chế do MacArthur lập ra để biến Nhật Bản thành một nước có cạnh tranh tự do, như luật cấm độc quyền đã không hoạt động có hiệu quả. Giải thể nhóm tài phiệt cũng chỉ xong ở chỗ loại bỏ gia đình tài phiệt ra khỏi nhóm tài phiệt mà thôi.

Luật cấm độc quyền bị vô hiệu hóa ở chỗ quan liêu làm như không biết đến. Ủy ban giao dịch công chính mà có chủ tịch là cựu quan liêu Bộ Kho bạc thuyên chuyển xuống, sẽ không hoạt động hiệu quả nữa. Thậm chí, Bộ Thương nghiệp quốc tế và công nghiệp và Bộ Kho bạc đã công nhiên chỉ đạo vi phạm luật cấm độc quyền.

Việc giải phóng đất nông nghiệp và duy trì nền nông nghiệp quy mô nhỏ, cũng chỉ được một đời. Ðất thì khó vứt bỏ đi được. Vì thế, nông dân được cấp đất nhờ sự giải phóng đất nông nghiệp, vẫn tiếp tục canh tác quy mô nhỏ. Nghĩa là, Nhật Bản đã trở thành "Thụy Sĩ ở Viễn đông" với nhiều nông gia quy mô nhỏ. Ðây là mưu mô quỷ quái để cảnh giới không cho Nhật Bản tái vũ trang.

Thế nhưng, cùng với sự hoàn thành "thể chế năm ’55," mưu mô trên cũng bị thất bại.

Những nông dân quy mô nhỏ được cấp đất trước kia vẫn cố thủ đất đai và tiếp tục làm nghề nông, đúng như MacArthur nghĩ. Bộ Nông nghiệp cũng áp dụng chính sách ưu đãi tiểu nông. Nhưng, con cháu những nông dân này, sau khi tốt nghiệp trung học, đã đua nhau ra thành thị đi làm công nhân cho xí nghiệp. Thành ra, các tiểu nông trở thành già nua, đồng thời kiêm thêm nghề khác.

Hiện nay, những người làm nghề nông ở Nhật Bản tập trung ở lứa tuổi 60. Nghĩa là nông dân vào nghề trong vòng 20 năm từ sau chiến tranh, bây giờ vẫn làm nòng cốt cho nông nghiệp. Những người dưới tuổi họ vào nghề nông rất ít. Khôi hài thay, chính vì giới trẻ nông thôn ra tỉnh thành làm công nhân, mà những thói quen ít thông thoáng như chế độ sống lâu lên lão làng hay chế độ làm công suốt đời đã hình thành, có lợi cho sự khuếch đại kinh doanh của các đại xí nghiệp. "Thể chế năm ’55" đã có lợi vô cùng cho xí nghiệp, vì nhờ đó họ đã có thể chỉ thuê lớp người trẻ tuổi thôi.


Sinh ra nguyên nhân băng hoại chế độ gia tộc

Xét về mặt xã hội, việc tạo ra giới tiểu nông đã có lợi cho ý đồ của MacArthur. Ðó là sự giải thể chế độ gia tộc. Nhờ cải cách ruộng đất, cha mẹ ở lại nông thôn, còn con cái sau khi tốt nghiệp trung học, liền bỏ ra thành thị làm công nhân. Sự kiện này chia rẽ nơi cư trú của cha mẹ và con cái, và làm "hạt nhân hóa" gia đình.

Chính sách cải cách ruộng đất của MacArthur nhằm mục đích phân tán lực lượng lao động về nông thôn làm cho Nhật Bản không thể trở thành nước công nghiệp lớn được. Từ cuộc chiến tranh Triều Tiên trở về trước, Mỹ đã áp dụng chính sách này.

Thế nhưng kết quả là chỉ có lớp người trung và cao niên ở lại nông thôn, còn lớp trẻ mới tốt nghiệp thì ra thành thị làm công nhân, ở ký túc xá của xí nghiệp, và vì không phải nuôi gia đình nên sẵn sàng làm công với đồng lương thấp. Nghĩa là một tình trạng ngược lại với ý đồ của MacArthur đã xẩy ra.

Một mặt, MacArthur cho rằng chế độ cha anh làm cốt lõi gia tộc, chính là nguyên mẫu của quốc gia dân tộc chủ nghĩa lấy Thiên hoàng làm đầu. Vì thế, muốn phá bỏ chủ nghĩa quốc gia dân tộc và chế độ Thiên hoàng, trước hết phải đập bỏ chủ nghĩa gia tộc theo chế độ cha anh làm trưởng tộc. Ðây chính là căn nguyên của xã hội phong kiến Nhật Bản, ở đó người ta có thể tấn công tự sát nếu được Thiên hoàng xuống chiếu ra lệnh. Nghĩa là, ông đã áp dụng thuyết về "chế độ chuyên chế châu Á" của những nhà xã hội học cũ như Wittfogel[9] vào trường hợp Nhật Bản. MacArthur cho rằng nếu phá bỏ được chế độ này, Nhật Bản sẽ trở thành một nước hòa bình dân chủ. Thực tế là sự đập bỏ chế độ gia tộc đã sinh ra rất nhiều "người xí nghiệp," giúp thực hiện được sự sản xuất đại trà theo quy cách.

Nói tóm lại, sự cải cách Nhật Bản của MacArthur là thay đổi quan niệm luân lý và ý thức thẩm mỹ, sửa đổi chế độ gia tộc và cơ cấu địa phương, đảo lộn tất cả giai tầng xã hội đi. Nhưng, ông đã không đả phá được thể chế quan liêu chỉ đạo, mà ngược lại đã giúp cho Nhật Bản thực hiện được giấc mơ từ thời Minh Trị là hình thành một xã hội công nghiệp hiện đại với sản xuất đại trà theo quy cách. Sự phủ nhận chủ nghĩa tinh thần đã biến người Nhật thành "người xí nghiệp," thành "súc vật kinh tế ."

Kasumi
10-02-2007, 12:58 PM
Cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ

Ở Nhật Bản ngày nay, ảnh hưởng quan trọng nhất do MacArthur để lại, là cải cách luân lý và ý thức thẩm mỹ. Ba điều được coi như đúng tuyệt đối là "năng suất," "bình đẳng" và "an toàn." So với bất cứ nước nào khác trên thế giới, Nhật Bản coi ba điều này là "chính nghĩa" một cách triệt để hơn hết. Tuy nhiên, cái "bình đẳng" ở đây không phải là "bình đẳng về cơ hội" của cách mạng Pháp hay nói trong bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ.

"Bình đẳng về cơ hội" là "bình đẳng trước pháp luật." Ai cũng được dự kỳ thi tuyển sinh, ai cũng được ứng cử, ai muốn làm nghề gì cũng được.

Nhưng, dự kỳ thi tuyển sinh thì phải có người đậu, kẻ rớt. Cùng làm một nghề thì cũng có người thành công, kẻ thất bại. Cùng có quyền trở thành cầu thủ bóng chày, nhưng có người thành siêu sao, có kẻ không thành gì cả. "Bình đẳng về cơ hội" đã sinh ra "bất bình đẳng về kết quả." Ðể làm nhẹ bớt "kết quả bất bình đẳng," chế độ đánh thuế lũy tiến đã được áp dụng vào những "người thành công về kết quả" và những "người thất bại về kết quả" thì được săn sóc tận tình bằng chính sách phúc lợi xã hội. Nghĩa là sự khác sai về kết quả cần phải được tu chính.

Nhưng, chủ nghĩa dân chủ Nhật Bản thời hậu chiến lại coi ưu tiên sự "bình đẳng về kết quả" hơn là "bình đẳng về cơ hội." Vì coi trọng sự "bình đẳng về kết quả," nên người ta đã kiềm chế "bình đẳng về cơ hội." Không phải dùng thuế lũy tiến hay phúc lợi xã hội để tu chính sự "bất bình đẳng về cơ hội," mà người ta đã hạn chế "bình đẳng về cơ hội" để tạo ra "bình đẳng về kết quả" bằng chủ nghĩa quan chức quan liêu thống suất.

Hiến pháp Nhật Bản do MacArthur để lại, bảo đảm quyền "tự do nghề nghiệp," nhưng lại hạn chế sự vào nghề của người mới. Ví dụ, mở hiệu thuốc thì tự do nhưng sự thật là bị hạn chế bởi chế độ đăng ký. Trường hợp cây xăng cũng tương tự.

Như nói ở chương trước, trong "bình đẳng về kết quả," thì "bình đẳng chiều dọc" được coi trọng ở Nhật Bản hơn là "bình đẳng chiều ngang".

Nhật Bản ngày nay là nước đã thực hiện được sự "bình đẳng chiều ngang" nhất thế giới. Người ta nói, muốn biết sự bình đẳng kinh tế đã đạt được hay chưa, thì không gì thích đáng bằng so sánh "thu nhập năm giai đoạn." Ðó là sự cách xa giữa thu nhập của một phần năm số người có thu nhập cao nhất so với một phần năm số người có thu nhập thấp nhất. Con số này ở Nhật Bản là 2,9, ở Mỹ là 9,4, ở Âu châu ít nhất là Ðức cũng là 6,0 còn các nước khác đều hơn 10. Ở các nước đang phát triển, con số này còn lớn hơn nhiều.

Còn "bình đẳng chiều dọc" thì bây giờ chỉ còn là vấn đề luân lý cá biệt của Nhật Bản thôi. Trong cái "bình đẳng" do MacArthur cổ súy, cũng có phần nào cái khái niệm "bình đẳng chiều dọc" từ thời mạc phủ Tokugawa. Biểu hiện của điều này là chế độ sống lâu lên lão làng. Ví dụ, cùng tốt nghiệp đại học rồi cùng vào làm công ty, nếu hai mươi năm sau mỗi người đều lên tới hàng trưởng phòng, thì như vậy là có "bình đẳng chiều dọc."

Nông gia trồng lúa từ hai mươi năm trước, thì sau này vẫn nên tiếp tục trồng lúa. Bởi vậy để duy trì tình trạng này, phải bảo hộ những nhà nông như vậy[10]. Người bán lẻ bây giờ cũng vậy, cũng nên tiếp tục bán lẻ hai mươi năm sau. Vì thế, đã có đạo luật hạn chế những nhà hàng bán lẻ quy mô lớn (siêu thị).

Nhưng, nếu nhấn mạnh vào sự "bình đẳng chiều dọc," thì sức lao động trở thành cứng ngắc. Thế nhưng, nếu thế hệ đổi mới, mọi thứ đều đổi hết. Ví dụ, đời cha làm ruộng, nhưng người kế nghiệp làm ruộng không nhất thiết phải là con. Cha kinh doanh tiệm bán lẻ, nhưng con không kế nghiệp cha. Nghĩa là, những người cùng thế hệ còn làm việc với nhau thì cấu tạo công ăn việc làm không thay đổi lắm, nhưng khi thế hệ mới xuất hiện thì cấu tạo ấy thay đổi hẳn đi.

Tư tưởng "bình đẳng" mà MacArthur đem vào đã đẻ ra một thứ "bình đẳng không có tự do" khác hẳn với ý đồ của ông.

Về "an toàn," thì Nhật Bản đã đi quá xa so với ý đồ của MacArthur. Ông cho rằng Nhật Bản đã đẻ ra "đội đặc công quyết tử" thì Nhật Bản hẳn là "dân tộc không sợ chết," không nghĩ gì tới an toàn cả. Vì thế, MacArthur đã đặt nặng vấn đề an toàn, cổ súy chủ nghĩa bình đẳng, ý thức vệ sinh và xã hội không sự cố, không tai nạn.

Thế nhưng, Nhật Bản đã đưa những việc này lên tới mức cực đoan. Ngày nay, người Nhật quan niệm rằng, chiến tranh là xấu tuyệt đối bất kể lý do là gì, hòa bình là tốt tuyệt đối. Vì thế, dù chỉ là gửi quân tham gia hoạt động hậu phương trong chiến tranh vùng Vịnh, hay tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng lập tức có đông người phản đối như một phản xạ tự nhiên.

Ý thức vệ sinh cũng trở nên cực đoan. Chẳng hạn, học trò tiểu học chơi ở bãi cát sợ bẩn tay nên đeo bao tay, quần áo hàng hiệu sợ vấy bẩn nên không chơi ở sân trường, v.v..

Thế rồi, để cho sự cố khỏi xẩy ra, quan liêu đã tăng cường tiêu chuẩn quy cách, khắt khe hóa quy chế. Do đó, khi quan chức (chuyên viên) nói "không chừng có thể có sự cố" thì quy chế khắt khe nào cũng thông qua được. Những sự việc như vậy đã làm tăng quyền hạn của quan chức quan liêu trong thập niên 1980, và để công tác quản lý dễ dàng, quy chế và hạn chế độ được tăng cường vô tội vạ. Như đã viết, những vụ việc, như vụ động đất lớn Hanshin-Awaji, vụ ngộ độc vi khuẩn O157, vụ khủng hoảng hệ thống lưu thông tiền tệ, v.v., đã cho thấy rõ quy chế tuy khắt khe mà thực chất tính an toàn lại đạt được rất thấp.


Phủ nhận tinh thần sinh ra sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng

Một điều nữa là, do sự cổ súy ý thức về giá trị của nền văn minh vật chất, đồng thời phủ nhận những giá trị tinh thần như thần thoại Nhật Bản hoặc "hồn Yamato," đã đưa Nhật Bản tới sự sùng bái vật lượng và tín ngưỡng số lượng một cách kỳ lạ. Chẳng hạn, thứ bậc công ty được xếp đặt theo quy mô kinh doanh lớn hay nhỏ, công ty vừa và nhỏ mặc dầu có truyền thống và kỹ thuật tiên tiến đến đâu cũng không được kính trọng. Xưa kia, chủ nhân những công ty vừa và nhỏ cũng được giới kinh tài kính trọng. Nhưng nay, những nhà kinh doanh với doanh thu khoảng 100 tỷ Yen (khoảng non 1 tỷ đôla không còn lọt vào ghế Hội trưởng Phòng thương công Tokyo hoặc Osaka, hoặc Keidanren nữa.

Ở ngoại quốc, như ở Ðức, người ta thấy Hội trưởng liên hiệp công nghiệp Ðức (tương đương với Keidanren Nhật Bản) là những người như chủ công ty gọng kính Rosenstock hay giám đốc công ty dao kéo Henkel. Công ty nào cũng chỉ có số doanh thu khoảng từ 1 đến 2 tỷ đôla nghĩa là, người ta coi trọng truyền thống và kỹ thuật được người đời biết đến, cũng như nhân cách của nhà kinh doanh, hơn là quy mô kinh doanh của công ty.

Nhưng ở Nhật Bản, thì tất cả đều là số lượng. Thậm chí, tranh vẽ cũng tính giá bằng kích cỡ, bằng cân nặng. Số lượng đã thấm sâu vào xã hội, khiến nẩy sinh ra tư tưởng coi trọng kinh tế, sùng bái tiền bạc.

Xem như vậy đủ thấy sự phủ nhận tinh thần đã đi quá trớn. Có lẽ MacArthur không biết rằng Nhật Bản là nước không có tôn giáo theo đúng nghĩa của tôn giáo.

Như đã đề cập ở Chương I về Thái tử Shotoku, quan niệm tôn giáo của Nhật Bản là "hay đâu âu đấy." Trong bối cảnh như vậy, sự phủ nhận truyện thần thoại, bác bỏ tính duy tâm đã khiến Nhật Bản có chủ nghĩa duy vật thật là quái dị.


Là quân nhân đồng thời là nhà chính trị

MacArthur là quân nhân, đồng thời lại là nhà chính trị. Là quân nhân, ông đã hoạt động trong ba lần chiến tranh: chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Ðối với một quân nhân Mỹ, như vậy ông đã ra trận khá nhiều lần. Không những thế, khi ở Philippines ông đã chuẩn bị bản hiến pháp để xây dựng một nhà nước mới. Ở Nhật Bản, ông đã lấn sâu rộng vào chính sách chiếm đóng. Như vậy, ông là nhân vật rất chú trọng tới vấn đề chính trị. Hơn hết tất cả, ông là người tự tôn tự đại, có ý thức êlít mãnh liệt.

Nhất là những cải cách của ông trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản, phải coi là của một chính trị gia, hơn là của một quân nhân. Mà là một chính trị gia độc tài, chứ không phải kiểu chính trị gia được quần chúng nhân dân ủng hộ, hay kiểu chính trị gia đấu tranh phe phái.

Thông thường, một nhà chính trị phải vận động chiếm được sự ủng hộ của người khác, đoạt được phiếu trong tuyển cử hay trong nghị viện. Nhưng MacArthur thì có sức mạnh quân sự nước ngoài ở sau lưng. Vì thế, ông bất chấp các chính trị gia khác, không cần thỏa hiệp với quan chức, mà chỉ cần ra lệnh là được. Nói cách khác, ông chỉ cần làm chính trị kiểu đế vương.

Năm 1952, MacArthur đã định ra tranh cử tổng thống Mỹ với tư cách ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa, nhưng không được. Lúc đó, người được chọn làm ứng viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa rồi đắc cử tổng thống, là Nguyên soái Eisenhower, tổng chỉ huy mặt trận Âu châu, thuộc lớp đàn em của ông trong hàng ngũ quân nhân lục quân. Xem như vậy đủ thấy MacArthur không phải là nhà chính trị quyền mưu thuật số, không phải là một người khôn khéo trong vấn đề vận động nghị viện.

Kasumi
10-02-2007, 12:58 PM
Thế nhưng, trong khi làm chính trị ở Nhật Bản, ông đã tỏ ra thích phô trương và khéo léo. Ðồng thời, để cho người Nhật hiểu ông là một người Mỹ hào hoa, ông đã diễn xuất rất tinh vi.

Chẳng hạn, nếu xem bức hình chụp cuộc hội kiến giữa ông và Thiên hoàng Nhật Bản, người ta thấy Thiên hoàng mặc bộ lễ phục đuôi én, trong khi ông mặc áo sơmi trần. Muốn cho thấy Thiên hoàng chỉ là người thường chứ không phải thần thánh, thì đây quả là một hành vi có hiệu quả. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, ông có thể từ từ phản công đánh từ phía nam lên một cách ăn chắc, nhưng ông đã không làm như vậy. Ông đã dám cho đổ bộ lên Inchong, gần Seoul, một diễn xuất có tính chất kịch bản. Nói chung, ông rất khéo diễn xuất. Cũng may cho ông là ông đã thành công phần lớn nhờ vào "lượng vật chất" phong phú một cách áp đảo của Mỹ.

Trong dòng lịch sử Nhật Bản, đột nhiên xuất hiện nhân vật thống trị MacArthur từ nước ngoài đến, một người chưa có hiểu biết chính xác về Nhật Bản, nhưng đã ôm một giấc mơ muốn biến Nhật Bản thành một nước Mỹ lý tưởng.

Những ý đồ của MacArthur có cái đã thành công mỹ mãn, có cái đã đi quá trớn. Nhưng tựu trung, chúng đã để lại ảnh hưởng mãnh liệt trong xã hội Nhật Bản ngày nay. "Thể chế năm ’55," một hình thức tu chính để triệt tiêu những ý đồ của MacArthur, nay đã băng hoại, nên bây giờ là lúc cần xét xem phần nào đáng nhân rộng ra, phần nào phải cắt bỏ đi.




Chú thích:

[1] Nguyên soái: Cấp bậc cao nhất trong quâ n đội, trên đại tướng (Ðại Tự Ðiển tiếng Việt, NXB VHTT, tr.1217); tương đương với Thống chế (?) (sách đã dẫn, tr.1588).
[2] Nguyên văn tiếng Nhật là Shosho. Trong Quân đội Hoàng gia Nhật Bản, Shosho là "tướng 2 sao," tương đương với Major General của Mỹ, và Trung Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì thế, ở đây dịch là Trung Tướng.
[3] Nhật Bản ngày nay chỉ có Ðội Tự vệ (nguyên văn tiếng Nhật là Jieitai). Hiến pháp Nhật Bản (điều 9) đã chối bỏ chiến tranh, cho nên Nhật Bản không thể có Quân đội được. Vì thế, luật pháp Nhật Bản chỉ quy định một tổ chức quân sự đặt tên là Ðội Tự vệ, với chức năng thuần túy tự vệ.

[4] New Deal là đường lối cải cách cấp tiến của tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, chủ yếu nhắm vào bảo hiểm xã hội và phục hồi kinh tế (1933-1939).
[5] Học chế của Nhật Bản cho tới trước thềm đại học, là chế độ 6-3-3, nghĩa là 6 năm tiểu học, 3 năm trung học cấp 1 (cơ sở) và 3 năm cấp 2 (phổ thông). Giáo dục bắt buộc (nghĩa vụ) là 9 năm đầu.
[6] Homeroom là phòng học dành riêng cho một nhóm học sinh nhất định hàng ngày tới lui sinh hoạt với một thầy cô nhất định (thầy cô phụ trách) để được chỉ bảo, hướng dẫn những điều cần thiết trước khi phân tán vào các lớp học khác nhau.
[7] Cuộc đấu tranh chống lại Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 1960, là phong trào quần chúng qui mô lớn nhất lịch sử cận đại của Nhật Bản. Nó đã lan rộng ra toàn quốc Nhật Bản, và trong những tháng 5, 6 năm 1960, mỗi ngày đều có hàng chục ngàn người biểu tình bao quanh trụ sở Quốc hội Nhật Bản. Thậm chí, tổng thống Mỹ đương thời là Eisenhower, đã phải hủy bỏ cuộc viếng thăm chính thức tới Nhật Bản dịp đó.

[8] "Quan bảo an" là dịch từ ngữ Sheriff của tiếng Mỹ. Ngày nay, Sheriff là quan chức có quyền cảnh sát của một quận, do dân bầu ra, phục vụ theo nhiệm kỳ. Nhưng thời kỳ Khai thác miền Tây, khi tình hình trị an còn thấp kém, Sheriff phần lớn là những tay súng bắn nhanh (fast draw gun man) được dân địa phương thuê. Rất nhiều phim truyện cao bồi Mỹ đã được xây dựng trên những truyền thuyết về những Sheriff bắn nhanh như vậy.

[9] Karl August Wittfogel (1896-1988), nhà nghiên cứu Trung Quốc từ thời Ðức Quốc xã, năm 1934 lưu vong sang Mỹ, làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung quốc của Ðại học Columbia ở New York.

[10] Nhật Bản có chính sách bảo hộ nông gia trồng lúa vô cùng triệt để. Từ trợ cấp, ấn định chỉ tiêu sản xuất, định giá gạo do chính phủ thu mua, nâng hàng rào quan thuế lên để ngăn chặn không cho gạo nhập cảng từ ngoại quốc vào, v.v.. Đến nỗi, giá gạo ở Nhật Bản bình quân cao hơn giá gạo trên thị trường thế giới khoảng 20 lần.

Kasumi
10-02-2007, 01:02 PM
Ikeda Hayato
Sự thực hiện một đại cường quốc kinh tế


http://img109.imageshack.us/img109/184/hayatoyk1.th.jpg (http://img109.imageshack.us/my.php?image=hayatoyk1.jpg)

Con đường tới "gấp đôi thu nhập"

Người thứ 11 trong "Mười hai người lập ra nước Nhật," là Ikeda Hayato.

Nói tới Ikeda Hayato, ai nấy đều biết đó là thủ tướng Nhật Bản từ năm 1960 (niên hiệu Chiêu hòa thứ 35) tới 1964, tức là năm Nhật Bản đứng ra đăng cai Thế vận hội Tokyo.

Trong biết mấy đời thủ tướng thời hậu chiến, tại sao lại chỉ chọn một mình Ikeda Hayato làm một trong "Mười hai người lập ra nước Nhật?"

Lý do: Ông là người đã dẫn dắt Nhật Bản thời hậu chiến trở thành đại cường quốc kinh tế. Không cứ gì thành tích ông đã đạt được về sự tăng trưởng kinh tế, điểm quan trọng nhất là ông đã thảo ra "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" trong đó ông đã dương cao lý tưởng đưa Nhật Bản lên hàng "đại cường quốc kinh tế."

Lý tưởng cho một nước có nhiều thể loại: Nước được toàn thế giới tôn trọng về mặt chính trị, nước được vị nể và nương tựa về sức mạnh quân sự, nước được ngưỡng mộ về mặt văn hóa, nước được mỗi người yêu thích vì con người vui nhộn, v.v.. Thế mà Ikeda Hayato đã đặt cho Nhật Bản lý tưởng là trở thành đại cường quốc kinh tế, rồi ông thuyết phục được mọi người đồng ý với ông. Nghĩa là, nội các Ikeda đã tuyên bố "dốc toàn lực cho chính sách gấp đôi thu nhập" và đã được toàn dân ủng hộ mạnh mẽ.

Việc này một mặt đóng góp vào sự phát triển kinh tế ngày nay, mặt khác đã sinh ra quan niệm coi đồng tiền là trên hết, và như vậy đã tạo ra "xã hội trọng quyền lực của đồng tiền[1]." Cũng có thể nói, nó đã làm nẩy sinh ra cấu tạo công nghiệp sản xuất đại trà theo quy cách, cấu tạo địa phương kiểu đô thị tập trung, hay đã biến Nhật Bản thành xã hội chức tước bổng lộc hay "xã hội chức lộc", trong đó toàn dân Nhật trở thành "người xí nghiệp."

Với ý nghĩa trên, Ikeda Hayato đáng được coi là có công lao lớn nhất trong các thủ tướng Nhật Bản trên phương diện quyết định ý nghĩa và luân lý của xã hội Nhật Bản.

Trong số các Thủ tướng Nhật Bản thời hậu chiến, người ta thường hay kể đến bốn người: Yoshida Shigeru, Ikeda Hayato, Sato Eisaku, rồi Tanaka Kakuei. Trong bốn người, Yoshida Shigeru là một nhân vật lớn, nhưng hầu hết những quyết định trọng yếu của ông đều đã xuất phát từ quân đội chiếm đóng, tức là từ MacArthur.

Trong khi đó, Ikeda Hayato với sáng kiến riêng, đã để lại ảnh hưởng lớn đối với lối sống của người Nhật, hay đúng ra, đối với thực trạng xã hội Nhật Bản ngày nay.

Trước hết, như thường lệ, hãy xét qua lai lịch nhân vật này.

Một công chức (quan liêu) thành đạt muộn

Ikeda Hayato sinh năm 1899 (niên hiệu Minh Trị thứ 32) tại tỉnh Hiroshima. Như thế ông có tuổi chẵn bằng số năm của thế kỷ thứ XX[2].

Năm 1925, ở tuổi 25, ông tốt nghiệp Trường Ðại học luật, thuộc Ðại học quốc gia Kyoto. Như vậy, ông đã tốt nghiệp đại học chậm từ 2 tới 3 năm. Có lẽ ông không phải là loại học giỏi. Một phần là vì sức khỏe không được tốt, mãi tới 18 tuổi ông mới vào trường Ðệ ngũ Cao đẳng[3]. Rồi để tiến lên Ðại học Kyoto, ông đã phải mất 4 năm trong khi đáng lẽ chỉ mất 3 năm thôi. Không thể nói như vậy là ông học kém, nhưng nếu so sánh với người tiền nhiệm của ông, tức là Thủ tướng Kishi Nobusuke, một người đã từ Ðệ nhất Cao đẳng tiến lên Ðại học Quốc gia Tokyo rồi tốt nghiệp trong thời hạn ngắn nhất, thì phải nói là ông đã bị vất vả lắm trong kỳ thi tuyển sinh.

Tốt nghiệp đại học xong, ông lập tức vào làm công chức Bộ Kho bạc. Hai năm sau, 27 tuổi, ông đã lấy người con gái thứ ba của Bá tước Hirosawa Kinjiro, tên là Naoko. Người chủ hôn là Bộ trưởng Kho bạc đương thời Inoue Junnosuke. Cứ nhìn tên tuổi những người này, ta có thể thấy ông là công chức êlít (ưu tú), được đánh giá cao trong Bộ Kho bạc.

Nhưng chẳng bao lâu, năm 1932, Naoko đã vi vã qua đời vì bệnh tim mạch. Năm trước đó, chính Ikeda Hayato cũng bị bệnh, phải xin nghỉ việc để dưỡng bệnh. Nghe nói đó là một bệnh nan y (một bệnh phát ban). Vì thế, ông đã cùng mẹ đi hành hương 88 linh địa trên đảo Shikoku[4].

Khỏi bệnh, năm 1934, ông trở lại Bộ Kho bạc làm việc. Năm sau, tái hôn. Người vợ sau tên là Machie.

Cuộc chiến Thái bình dương bùng nổ[5], rồi năm 1942, ở tuổi 42, ông được thăng trưởng phòng Phòng Thuế số 1, Cục Thuế.

Thời đó trưởng phòng Thuế số 1 có hàm cán bộ cấp ba. Ở tuổi 42 mà còn lẹt đẹt ở địa vị này, là quá muộn. Chắc tương lai cũng không có triển vọng nào.

Năm 1944, ông được thăng chức cục trưởng Cục Tài vụ Tokyo. Nhưng chức này cũng chỉ là cán bộ cấp hai. Thời ấy, đáng lý ông phải lên tới chánh văn phòng bộ trưởng, mới xứng. Ðịa vị của ông như vậy cũng tương tự như ngày nay đã đến tuổi 56, 57 mới lên được tới chức cục trưởng một cục địa phương. Nói cách khác, ông đã đi chệch quỹ đạo danh vọng.

Tóm lại, xem lý lịch Ikeda Hayato cho tới đây, dù bị bệnh đến phải nghỉ việc, nhưng xét ra ông đã phải phấn đấu khá gian nan với cuộc đời công chức.

May thay, năm 1945, ông đã được thăng chức cục trưởng Cục Thuế. Là cục trưởng Cục Thuế rồi, ông có thể có cơ hội làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quốc gia. Như vậy là ông đã trở lại được quỹ đạo danh vọng. Vừa lúc ấy, cuộc chiến tranh chấm dứt, rồi bộ Tổng chỉ huy quân đội chiếm đóng bắt đầu cuộc thanh trừng "công chức"[6].

Cán bộ cao cấp Bộ Kho bạc nhiều người bị thanh trừng. Không biết có phải vì vậy không, năm 1947, ở tuổi 47, Ikeda Hayato bỗng được nâng lên làm chánh văn phòng Bộ Kho bạc. Có thể nói là bản thân Ikeda dẫu muốn cũng khó được địa vị này. Thật đã tới buổi hạnh vận của Ikeda vậy.

Thế nhưng, năm sau 1948, ở tuổi 48, ông đã từ quan. Nghe nói lý do là sự bất đồng ý kiến với nội các liên hiệp Katayama - Ashida. Thực tế là thế nào thì không rõ.

Năm sau, 1949, nhân có cuộc tổng tuyển cử Hạ nghị viện ngày 23 tháng 1, ông ứng cử và ngay lần đầu tiên đã đắc cử. Rồi ngày 26 tháng 2, nhân thủ tướng Yoshida Shigeru thành lập nội các lần thứ ba, ông đã một bước nhẩy vọt lên chức bộ trường Bộ Kho bạc. Cuộc thanh trừng công chức cao cấp làm thiếu hụt nhân tài khiến ông đã được đắc dụng, rồi lại nhờ thói quen độc tài của Thủ tướng Yoshida, ông bỗng dưng nhẩy vọt từ chánh văn phòng lên bộ trưởng Kho bạc chỉ trong vòng vài tháng.

Thời nay, phải là 57, 58 tuổi mới lên tới chánh văn phòng. Sau đó, ứng cử nghị viên, nếu đắc cử cũng phải ba hay bốn nhiệm kỳ sau mới mong được cất nhắc lên làm bộ trưởng. Ấy là chưa kể bộ trưởng Kho bạc là vị trí trọng yếu[7], không dễ gì giành được.

Nhờ có cuộc chính biến[8] nên đã được làm bộ trưởng Kho bạc rất sớm, là trường hợp đảng trưởng Takemura Masayoshi của Ðảng Sakigake. Ấy thế mà ông này trước đó cũng đã làm thủ hiến tỉnh hai nhiệm kỳ, đã đắc cử nghị viên ba nhiệm kỳ và đã 60 năm tuổi. Nhưng, ở thời ngay sau chiến tranh mà nghị viên mới đắc cử lần thứ nhất đã được chọn làm bộ trưởng, cũng không đáng ngạc nhiên. Thời ấy, tuổi 49 là tuổi lão thành hơn thời nay, đồng thời vì cuộc thanh trừng công chức nên rất nhiều người trẻ tuổi đã được nâng lên chức trọng quyền cao. Ðó là "thế hệ thứ nhất hậu chiến."

Ikeda đã từ chánh văn phòng nhẩy vọt lên làm bộ trưởng Kho bạc. Hơn thế nữa, trong nội các Yoshida lần thứ ba, bộ trưởng Kho bạc lại kiêm luôn cả bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp. Nghĩa là ông đã chiếm vị trí trung khu của các bộ trưởng liên quan tới kinh tế.

Ðến đợt nội các Yoshida lần thứ tư, ông cũng giữ chức bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp kiêm bộ trưởng Quy hoạch kinh tế. Sau đó, ông đã giữ chức chủ nhiệm Ủy ban điều hợp chính sách[9], nghĩa là nghiễm nhiên đóng vị trí trung tâm của chính giới Nhật Bản.

Trong thời kỳ nội các Yoshida đợt thứ năm, ở Nhật Bản đã xẩy ra một vụ xcăngđan về tiền trợ cấp cho kế hoạch đóng tàu. Vụ này gọi là vụ xcăngđan đóng tàu[10].

Một người nữa được coi là rất sáng giá dưới trướng Thủ tướng Yoshida, tức tổng thư ký Sato Eisaku, lúc ấy có trát bắt giữ. Nhưng bộ trưởng Tư pháp lúc ấy, Inukai Takeru, đã sử dụng quyền chỉ huy đối với viện trưởng Viện Kiểm sát để cản lệnh bắt giam Sato Eisaku. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử xcăngđan của chính giới Nhật Bản thời hậu chiến mà quyền chỉ huy đã được sử dụng.

Việc sử dụng quyền chỉ huy như vậy, bị người đời chỉ trích là lạm quyền, Inukai Takeru phải từ chức bộ trường Tư pháp, nội các đổ, nhưng Sato Eisaku thoát khỏi bị bắt.

Lúc đó, chỉ có trát bắt giam đối với Sato Eisaku thôi, nhưng tin đồn là Ikeda Hayato cũng có nghi vấn. Vì quyền chỉ huy đã được sử dụng, Sato Eisaku đã thoát khỏi bị bắt, mà Ikeda Hayato cũng không thấy có trát đòi nữa.

Kasumi
10-02-2007, 01:03 PM
Nhân vụ bê bối đóng tàu đó, ngày 28 tháng 2 Ikeda đã ra điều trần trước quốc hội với tư cách người tham khảo[11]. Nhưng năm tháng sau, ông nhậm chức tổng thư ký đảng Tự do. Xem như vậy đủ thấy bầu không khí chính trị bất chấp dư luận của những năm đầu thời hậu chiến. Nghĩa là, vụ bê bối đóng tàu này đã không để lại dấu ấn xấu nào đối với lý lịch chính trị của cả Sato Eisaku lẫn Ikeda Hayato.

Từ đó về sau, Ikeda Hayato trở thành nhân vật số một sành sỏi vấn đề tài chính, nên trong nội các Ishibashi, nội các Kishi đợt một, ông đã giữ chức bộ trưởng Kho bạc, rồi bộ trưởng vô nhiệm sở trong nội các Kishi đợt hai, bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp trong nội các Kishi cải tổ. Thế rồi, nhân vụ rối loạn vì cuộc đấu tranh phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ năm 1960, nội các Kishi tổng từ chức, Ikeda Hayato liền có cơ hội lập nội các nắm lấy chính quyền. Ðó là ngày 19-7-1960.

Cho tới lúc đó, Ikeda Hayato mới đắc cử nghị viên Hạ nghị viện được năm lần. Nếu là thời nay, thì như vậy ông mới chỉ được chức "bộ trưởng dự tiệc[12]." Trước nay, ông chỉ được thế gian coi là "học trò giỏi của trường Yoshida," một đàn em đắc lực của Yoshida, nhưng nay ở tuổi 60, Ikeda Hayata mới bắt đầu phát huy bản lãnh của mình.


Bắt đầu tôn thờ GNP (Tổng sản phẩm quốc dân)

Ðến đây, tưởng cần nhắc qua nội các Kishi, tức là nội các trước nội các Ikeda.

Năm 1951, đồng thời với Hòa ước San Francisco, Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ cũng được ký kết với thời hạn là mười năm. Năm 1961 là lúc hiệp ước hết hạn mười năm đó, và từ năm này trở đi, nếu muốn, "mỗi bên đều có thể thông báo cho bên kia ý định hủy bỏ hiệp ước một năm trước khi thực sự hủy bỏ."

Tháng 2 năm 1957, nhậm chức thủ tướng, Kishi Nobusuke đã sửa đổi hiệp ước cho tương xứng với hai nước độc lập và tìm cách kéo dài hiệp ước thêm mười năm. Nghĩa là ông muốn "cố định hóa thể chế hậu chiến" vì theo ông, Nhật Bản đương nhiên nên đứng vào phe tây phương. Nhưng, một cuộc lộn xộn vĩ đại đã diễn ra quanh vấn đề này. Ðó là cuộc đấu tranh "phản đối Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ năm 60."

Ðúng lúc đó, "thể chế năm 55" cũng đã đứng vững, Nhật Bản đang mạnh tiến trên con đường công nghiệp hóa từ một "Thụy Sĩ ở Viễn đông" kiểu MacArthur. Một biểu hiện rõ rệt của sự mạnh tiến này là sự hợp lý hóa (cụ thể hơn là "lưu thể hóa") năng lượng. Tức là, động thái đổi nguồn năng lượng từ than đá (chất rắn) nội địa sang nguồn năng lương dầu mỏ (lưu thể) nhập cảng. Trong quá trình này, sự thu nhỏ công nghiệp than đá là tất yếu. Ðến nỗi, mỏ than lớn nhất Nhật Bản, là Mitsui Mi’ike, cũng bắt đầu giảm bớt công nhân. Vì thế, phản đối sự việc này, công đoàn đã mở cuộc tranh nghị lớn. Ðó là cuộc đấu tranh Mitsui Mi’ike, thường gọi là "cuộc đối đầu giữa tổng tư bản và tổng công đoàn."

Trong tình thế hỗn độn như vậy, nội các Kishi tháng 5 năm 1960 đã cương quyết cho biểu quyết Dự án Sửa đổi Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ tại Hạ nghị viện, rồi ngồi chờ cho Hiệp ước được thành lập tự nhiên[13] để tổng từ chức.

Nội các Ikeda tiếp nối nội các Kishi. Có thể nói là nội các này đã được thành lập vào lúc sự đối lập tả hữu trong nội bộ Nhật Bản, tức là sự phản ánh cấu tạo chiến tranh lạnh đối lập Ðông - Tây, đã lên tới tột điểm. Lúc đó, lực lượng cánh tả đã thấm mệt vì cuộc đấu tranh kéo dài, dân chúng thì chán ngấy biểu tình và míttinh. Ikeda đã khéo léo lợi dụng tình trạng tâm lý ấy.

Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là vấn đề chính trị quốc tế trọng đại đến nỗi nội các Kishi bị đổ. Thế mà, thủ tướng Ikeda Hayato, người kế vị, lại không hề đả động gì tới vấn đề này cả. Ông chỉ một lòng hướng về những vấn đề kinh tế thôi.

Ngày 19 tháng 7 nội các ra đời, thì chỉ một tháng rưỡi sau, tức là ngày 5 tháng 9, ông đã tuyên bố "Kế hoạch gấp đôi thu nhập." Chính phủ chính thức quyết định bằng nghị quyết của nội các là ngày 27 tháng 12 năm ấy. Nghĩa là trong sáu tháng kể từ khi nội các Kishi đổ cho tới lúc nội các quyết nghị "Kế hoạch gấp đôi thu nhập," ông đã cố ý dập tắt ý thức đối với vấn đề chính trị quốc tế và sự đối lập công nhân - giới chủ, đã hướng sự quan tâm của dân chúng vào vấn đề tăng trưởng kinh tế.

"Kế hoạch gấp đôi thu nhập," chính sách trung tâm của nội các Ikeda, chính sách đã có ảnh hưởng trọng yếu đối với Nhật Bản, thực ra bắt nguồn từ "Kế hoạch gấp đôi lương tháng" của nội các Kishi.

Nội các Kishi một mặt xúc tiến việc sửa đổi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, mặt khác tiến hành "Kế hoạch gấp đôi lương tháng" coi như là chính sách kinh tế của mình. Sáng kiến này đúng về mặt lịch sử, nhưng vụng về mặt chính trị.

Như thấy trong cuộc đấu tranh Mitsui Mi’ike đã kể trên, sự hợp lý hóa ngành nghề và sự quốc tế hóa kinh tế (nhập cảng nguyên liệu dầu thô rẻ tiền) là điều không tránh khỏi trong đường lối tăng trưởng kinh tế cao độ. Ðiều này có nghĩa là phải hội nhập vào phe kinh tế tự do của tây phương. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế bị coi là "kẹo ngọt[14] của đường lối theo đuôi Mỹ." Thành ra trong cơn vũ bão của làn sóng phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, chính sách tăng trưởng kinh tế cao độ cũng bị lu mờ đi.

Nhưng, Ikeda Hayato đã nắm vấn đề từ quan điểm chuyên gia, đã tuyên bố chính sách "gấp đôi tổng sản phẩm quốc dân (GNP)," một ngôn từ khó hiểu ngay với chuyên gia thời đó chứ đừng nói gì tới thường dân.

Nói "gấp đôi lương tháng" và nói "gấp đôi thu nhập" thì nội dung khác nhau. "Kế hoạch gấp đôi lương tháng" là làm cho thu nhập cá nhân tháng tháng tăng lên gấp đôi, một chuyện gần gũi dễ hiểu đối với quốc dân. Nhưng cũng vì thế nó có màu sắc chính trị rõ rệt và do đó bị coi là "kẹo ngọt để đổi lấy Hiệp ước an ninh."

So với trên, "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" của nội các Ikeda có mục tiêu làm tăng GNP lên gấp đôi, và như vậy mang tính chất tổng tư bản hơn. Nghĩa là Ikeda và các cố vấn của ông nghĩ tới nền kinh tế quốc dân hơn là tới sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Việc này khá phức tạp phải là chuyên gia kinh tế mới thảo luận khúc chiết được. Ðồng thời, cũng khó "thò đuôi" ra cho người ta tóm lấy.

Cái may của Ikeda là thời đó, "thể chế năm ’55" đã xác lập, đông đảo quốc dân đã trở thành "người xí nghiệp." Nhờ thế, nói "gấp đôi thu nhập" được cả giới kinh doanh lẫn giới làm công hưởng ứng, ủng hộ, hơn là nói "gấp đôi lương tháng."


Gặp dịp phồn thịnh chưa từng thấy từ thời Jinmu

"Kế hoạch gấp đôi thu nhập" của nội các Ikeda rất được hoan nghênh. Chẳng mấy chốc, GNP đã trở thành lời cửa miệng của mỗi người Nhật Bản. Nội các Ikeda đã đặt mục tiêu mười năm (từ 1960 tới 1970) tăng GNP lên gấp đôi. Không những chỉ đưa ra kế hoạch tổng thể, mà cả những kế hoạch thực thi tỉ mỉ cũng lần lượt được công bố.

Ví dụ, dựa vào Luật khai thác tổng hợp toàn quốc, "Kế hoạch phát triển tổng hợp toàn quốc Nhật Bản" với mục tiêu chỉnh đốn từng địa vực, đã được hoạch định năm 1962. Từ sau đó, kế hoạch này đã được làm lại thành "Kế hoạch phát triển tổng hợp toàn quốc mới" năm 1969, rồi "Kế hoạch Phát triển tổng hợp toàn quốc đợt ba," " Kế hoạch phát triển tổng hợp toàn quốc đợt bốn."

Cái khéo của Ikeda Hayato là, bằng những kế hoạch phát triển như vậy, ông đã mở rộng hoạt động xây dựng công cộng, rồi bằng những "đô thị công nghiệp mới" ông đã tập trung được sự phát triển vào từng nơi một cách hiệu quả, làm cho giới công nghiệp và dân chúng toàn quốc đều kỳ vọng. Hiệu quả kinh tế đã cao, hiệu quả chính trị càng cao hơn vì nó làm cho mỗi người phải nương tựa vào Ðảng Dân chủ tự do.

Rồi, từ xuất cảng, nhập cảng tới công kỹ nghệ và nông lâm thủy sản nghiệp, nhất nhất đều được chỉ rõ bằng "chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong kế hoạch gấp đôi thu nhập quốc dân." Ông lần lượt cho công bố kế hoạch chi tiết: Ngành nghề nào thì làm thế nào sẽ đạt chỉ tiêu. Ðồng thời trợ cấp cho những ngành nghề như vậy trong khi làm theo kế hoạch.

Cũng may là, sau khi kế hoạch gấp đôi thu nhập được công bố, nền kinh tế Nhật Bản đã bước vào thời kỳ phồn thịnh. Trong thập niên 1950, kinh tế Nhật Bản cùng với hiệu quả của phiêu ngữ "đuổi kịp" để phục hưng, đã tăng trưởng cao độ với tỉ lệ bình quân hàng năm là 9,6%. Sang đến thập niên 1960, tỉ lệ này là 10,3%.

Nhất là, trong bốn năm đầu của nội các Ikeda, tức là kể từ hậu bán năm 1960 trở đi cho tới hết Olympic Tokyo mùa Thu năm 1964, Nhật Bản gặp được lúc làm ăn phát đạt như chưa từng thấy, nên đã có câu "dịp phồn thịnh kể từ thời Jinmu[15]." Sự hâm mộ cuồng nhiệt đối với "vua kinh tế Ikeda" quả đã có điều kiện cơ sở để đứng vững.

Thế mà, chỉ đến cuối năm 1964, cổ phiếu bỗng sụt giá, thị trường đượm màu sắc kinh tế suy sụp. Ikeda, lợi dụng phong thái chất phác của kẻ lận đận đường công danh như mình, hay dùng câu nói cửa miệng "Tôi không nói dối đâu," nhưng thị trường cổ phiếu sụt giá đã làm tổn thương đến thanh danh của ông rất nhiều. Từ cuối năm 1964, người ta lật ngược câu nói cửa miệng của Ikeda thành câu nói bỡn cợt "Ikeda nói dối." Tuy nhiên, may hay rủi thì không biết, nhưng Ikeda đã mắc bệnh ung thư cuống họng, khiến ông phải từ chức thủ tướng tháng 11 năm ấy, rồi ngày 13 tháng 8 năm sau, 1965, ông mất.

Ikeda Hayato làm thủ tướng vẻn vẹn có 4 năm 3 tháng. So với Yoshida Shigeru (5 năm 2 tháng) hay Sato Eisaku (6 năm 8 tháng) thì thời gian làm thủ tướng của ông ngắn hơn. Thế nhưng, trong khoảng thời gian ngắn đó, tư tưởng kinh tế ưu tiên do ông cấy trồng và cơ chế quan liêu lãnh đạo để thực hiện tư tưởng đó, thì ngày nay cũng không hề suy suyển. Bởi vì "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" do Ikeda Hayato hoạch định và thực hiện đã thành công vĩ đại.

Kasumi
10-02-2007, 01:04 PM
Thành công vượt xa kế hoạch

"Kế hoạch gấp đôi thu nhập" thành công lớn là vì đã đi đúng con đường tốt nhất mà toàn dân mong chờ.

Trước nhất, về thành tích kinh tế, thành quả đạt được đã vượt xa mục tiêu. Ðể tăng GNP lên gấp đôi trong 10 năm, mỗi năm phải đạt được sự tăng trưởng kinh tế 7,2%. Thế mà trong thập niên 1960, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Nhật Bản là 10,3%. Với tốc độ này, chỉ cần 6 năm rưỡi để tăng GNP lên gấp đôi. Nghĩa là tới năm mục tiêu của kế hoạch (năm 1970) thì kế hoạch vượt hơn hẳn mục tiêu quá xa.

Một điểm nữa là khi "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" này được công bố có rất nhiều ý kiến lo lắng và phản đối. Nhất là các đảng đối lập đã phê phán quyết liệt. Nhưng lời phê phán của họ không trúng một chút nào cả.

Họ nói, nếu "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" được thực thi, người giầu sẽ càng giầu hơn, và người nghèo sẽ càng nghèo hơn. Nghĩa là họ lo sợ khoảng cách thu nhập sẽ ngày một gia tăng. Nhưng thực tế là trong khoảng thời gian đó, khoảng cách thu nhập mỗi ngày một thu nhỏ lại.

Họ còn nói, nếu áp dụng chính sách khuếch đại một cách quá đáng với mục đích tăng trưởng kinh tế, thì lạm phát sẽ hoành hành. Quả vật giá có tăng lên, nhưng tính bằng số phần trăm hàng năm thì sự gia tăng cũng chỉ trong vòng an toàn mà thôi.

Họ phản đối là nếu áp dụng chính sách ưu đãi xí nghiệp để xúc tiến phát triển kinh tế một cách mạnh bạo, thì sẽ gây ra nhiều "rạn nứt." Nghĩa là đó đây sẽ xẩy ra nạn "giảm biên chế," nạn thất nghiệp sẽ tràn lan. Hơn nữa, thành thị sẽ bành chướng một cách vô trật tự, tội phạm sẽ hoành hành, khiến cho thế tình trở thành bất an. Nhưng, thực tế là tỷ lệ thất nghiệp giảm đi, tỷ lệ tội phạm cũng xuống thấp.

Tóm lại, những phê bình, phê phán của các thế lực đối lập đối với "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" của nội các Ikeda, đã không trúng một chút nào cả.

Nếu chỉ coi những vấn đề đã được bàn đến khi "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" được công bố, thì ý nghĩ của Ikeda đúng.

Nhưng, ở góc cạnh hoàn toàn khác, góc cạnh mà chính các phe phái đối lập cũng không hề đoán ra, đã nẩy sinh nhiều vấn đề rắc rối. Ðó là vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề dân số quá đông đúc và quá thưa thớt. Những nhà phê bình "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" cũng không đoán trước được ảnh hưởng này, nhưng tới năm 1970, tức là năm mục tiêu của kế hoạch, thì tình trạng đã trở nên nguy kịch lắm.


Ý nghĩa của câu nói "người nghèo hãy ăn lúa mạch"

Vậy, Ikeda Hayato là người có tư tưởng như thế nào, hành động ra sao và đã để lại ảnh hưởng gì đối với người Nhật ngày nay?

Trước hết, Ikeda Hayato để lại một "tập ngôn từ" đầy phóng ngôn kỳ ngôn. Thử nghe câu sau đây:

"Người nghèo hãy ăn lúa mạch!"

Câu này ông đã nói ra khi làm bộ trưởng Kho bạc trong nội các Yoshida đợt ba (1950). Thật ra, chi tiết câu nói của ông là như sau:

"Hãy trở lại tập tục xưa nay... Người thu nhập ít ăn nhiều lúa mạch, người thu nhập nhiều ăn toàn gạo. Tôi chỉ muốn làm theo nguyên tắc kinh tế như vậy."

Câu nói là như vậy, nhưng đã bị dịch ra thành ngôn ngữ báo chí như trên. Một câu nữa như sau:

"Dăm mười kẻ buôn bán bất chính mà có bị phá sản rồi tự sát thì cũng đành vậy thôi!"

Lời phóng ngôn như vậy khi loan truyền ra, đã bị người đời chỉ trích gắt gao. Ðúng ra, để trả lời câu hỏi về nguy cơ phá sản của những xí nghiệp vừa và nhỏ, ông đã trả lời như sau:

"Những người buôn bán trái với những nguyên tắc chính đáng, như đầu cơ tích trữ, thì dẫu dăm mười người có bị phá sản thì điều đó cũng là bất khả kháng."

Ông nói mềm dẻo như vậy, không hề đả động tới "tự sát."

Ikeda Hayato không hề nổi giận mỗi khi báo chí bóp méo lời nói của ông một cách khôi hài. Ðiều này làm ông được báo chí ưa thích.

Năm 1949, khi Ikeda nhậm chức bộ trưởng Kho bạc trong nội các Yoshida đợt ba, thì đó là lúc bắt đầu của thời kỳ làm ăn khó khăn và cái gọi là Ðường lối Dodge[16] được công bố.

Trong thời chiến tranh, ngân sách lớn đã được tiêu dùng cho quân bị quân trang. Sau chiến tranh, tiền cũng đã được rải ra nhiều cho binh sĩ giải ngũ. Thế rồi lại phải tiêu nhiều tiền cho công cuộc phục hưng. Nghĩa là tiền đã được rắc ra rất nhiều. Kết quả là sự lưu thông tiền tệ gia tăng và nạn lạm phát ác tính đã phát sinh. Ðể chặn đứng tình trạng này, chỉ còn một cách là siết chặt lưu thông tiền tệ. Vì vậy, không tránh khỏi tình trạng làm ăn khó khăn, buôn bán trì trệ.

Chỉ đạo chính sách siết chặt lưu thông tiền tệ là công sứ Dodge. Ông này trước là thống đốc Ngân hàng Detroit ở Mỹ, được MacArthur mời và đã được chính phủ Mỹ cử sang Nhật Bản. Ông đã áp dụng chính sách siết chặt không thương tiếc. Nhờ vậy, nạn lạm phát được chặn đứng và vật giá ổn định lại. Nhưng cũng vì thế tiền tệ lưu thông bị tắc nghẽn khiến cho các xí nghiệp vừa và nhỏ nối đuôi nhau phá sản.

Trong hoàn cảnh đó, bộ trưởng Kho bạc Ikeda Hayato chủ trương rằng, với chính sách tài chính siết chặt Dodge như vậy, nếu có dăm mười xí nghiệp vừa và nhỏ phá sản, hoặc nếu người nghèo có phải ăn lúa mạch, thì âu cũng không thể tránh khỏi.

Xem như thế đủ thấy cái tư tưởng tiềm ẩn trong lời nói của Ikeda Hayato là "tuân theo nguyên lý kinh tế." Nghĩa là theo nguyên lý kinh tế, nếu có người bị phá sản thì đó là chuyện không tránh được. Người có tài, có vận, có nỗ lực mà trở nên giầu có, được ăn gạo, được tiêu xài nhiều, còn người không được như vậy đành chịu ăn lúa mạch, đành chịu tiêu xài ít. Sự cách biệt như thế cũng là chuyện đương nhiên.

Lời nói đầu tiên khi lên làm bộ trưởng Kho bạc đã là sự khẳng định nguyên lý kinh tế như vậy, cho nên, điểm này có ý nghĩa trọng yếu trong vấn đề tìm hiểu tư tưởng của Ikeda.

Năm 1956 Ikeda Hayato lại làm bộ trưởng Kho bạc trong nội các Ishibashi Tanzan (nội các kéo dài trong 2 năm 1956 - 1957). Lúc này, quân đội chiếm đóng không còn nữa , và "thể chế năm ’55" đã xác lập. Ikeda đã tự mình đưa ra và tiến hành chính sách tài chính tích cực. Chính sách như vậy là ngược hẳn lại Ðường lối Dodge của nội các Yoshida đợt ba.

Thời đó có câu "Một trăm tỷ giảm thuế, một trăm tỷ đầu tư." Nghĩa là tăng chi phí xây dựng công trình công cộng một trăm tỷ Yen, thì cũng giảm thuế một trăm tỷ Yen. Một trăm tỷ Yen thời đó có giá trị khác xa với một trăm tỷ Yen thời nay, bởi vì lúc đó nó gần bằng một phần mười tổng ngân sách quốc gia. Nếu là thời nay, câu nói phải là "bảy ngàn tỷ giảm thuế, bảy ngàn tỷ đầu tư."

Ðó, Ikeda thi hành chính sách tài chính tích cực như vậy đó. Dẫu có phải viết hàng chữ đỏ trong sổ tài chính, ông vẫn tiếp tục phục hồi sự phồn thịnh, phát triển kinh tế. Nhờ thế số thuế thu gia tăng, nhà nước giầu có hơn, và kinh tế Nhật Bản tăng trưởng lên.

So với chính sách thắt lưng buộc bụng "người nghèo ăn lúa mạch" thời nội các Yoshida, chính sách tài chính của ông trở nên khác hẳn. Song tựu trung, chúng có một điểm chung là, Ikeda chỉ làm theo nguyên lý kinh tế.

Có một điều nên chú ý là Ikeda làm theo nguyên lý kinh tế, là trong bối cảnh quan liêu chỉ đạo, chứ không phải trong bối cảnh kinh tế thị trường tự do. "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" của Ikeda là tiến hành phát triển kinh tế theo kế hoạch do quan liêu chỉ đạo sao cho đúng với nguyên lý kinh tế. Nói cách khác, ông đã đổi từ nền kinh tế chỉ huy thời tiền chiến sang nền kinh tế kế hoạch chỉ đạo.

Thế mà, năm 1960, khi nội các Ikeda được thành lập, sắp sửa đưa ra "Kế hoạch gấp đôi thu nhập," Thủ tướng Ikeda đã đưa ra chủ trương đầu tiên của ông là "Khoan dung và nhẫn nại." Nghĩa là, đối với các phe đối lập, nội các ông phải biết khoan dung, phải biết nhẫn nại đối thoại thuyết phục họ. Ðây chính là "tư thế thấp," là thái độ "nhũn như con chi chi." Vị thủ tướng kế tiếp là Sato Eisaku đã tiến xa hơn một bước, lấy khẩu hiệu là "Khoan dung và hài hòa." Câu này đã trở thành danh ngôn, và được đảng Dân chủ tự do tiếp tục dùng để biểu hiện tư thế chính trị của mình.

"Tư thế thấp" của Thủ tướng Ikeda chính là phản đề của lời tuyên bố lúc trước "Người nghèo hãy ăn lúa mạch." Tuy nhiên, đây không phải là lời nịnh bợ, lời nói lấy lòng suông. Ông thực sự đã xúc tiến ba chính sách kinh tế cột trụ: giảm thuế, bảo đảm xã hội và xây dựng công cộng.

Kasumi
10-02-2007, 01:04 PM
Hướng tia mắt nhìn của quốc dân vào nước Mỹ giầu có

Nhìn vào toàn thể nội các Ikeda, người ta thấy trọng điểm thứ nhất là kinh tế, thứ nhì cũng là kinh tế.

Về mặt ngoại giao, ông triệt để theo gót Mỹ như phương châm của MacArthur nghiêm chỉnh thực thi đường lối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ do nội các Kishi đã xác lập. Ngay từ đầu, thủ tướng Ikeda không hề có ý định lấy điểm bằng chính sách ngoại giao.

Các đời thủ tướng trước đều giải quyết những vấn đề ngoại giao trọng đại: Thủ tướng Yoshida ký Hòa ước San Francisco (chấm dứt tình trạng chiếm đóng Nhật Bản bởi Quân đội Mỹ)[17], Thủ tướng Hatoyama ký Hiệp ước Nhật - Xô (phục hồi bang giao với Liên Xô), Thủ tướng Kishi sửa đổi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ (đảm bảo an ninh quốc phòng). Sau Thủ tướng Ikeda, Thủ tướng Sato Eisaku thu hồi được các quần đảo Ogasawara và Okinawa[18], rồi thủ tướng kế tiếp là Tanaka Kakuei thì phục hồi quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông nào cũng hoạt động mạnh về mặt ngoại giao. Chỉ có Thủ tướng Ikeda Hayato là không quan tâm tới vấn đề nào khác ngoài vấn đề kinh tế cả. Cũng có thể vì ông muốn cho thấy Nhật Bản là quốc gia coi trọng kinh tế nên đã cố ý không nhúng tay vào bất cứ vấn đề ngoại giao nào.

Khi Thủ tướng Kishi định sửa đổi Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, thì ở Nhật Bản có nhiều ý kiến khá mạnh cho rằng Nhật Bản nên phế bỏ Hiệp ước này, nên tách khỏi khối tây phương, nên bước gần tới khối Liên Xô hay trở thành nước trung lập.

Chính vì thế mà cuộc đấu tranh phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ đã trở nên kịch liệt và nội các Kishi phải đổ. Ðối lại, nội các Ikeda chủ trương Nhật Bản nên giữ im lặng trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Ngoài điều này ra, không nên suy nghĩ gì khác cả. Ikeda đã khéo léo hướng tia mắt quốc dân chú ý tới vấn đề kinh tế, đến nỗi chủ trương vô vi vô sách về ngoại giao như vậy đã được mỗi người đồng tình.

Khi ra nước ngoài, Thủ tướng Ikeda lúc nào cũng dương cao mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9%. Vì thế, các nước khác đã gọi ông là "ông chín phần trăm." Tổng thống Pháp De Gaulle thì nói rằng: "Ông ta (Ikeda) chỉ là một anh lái buôn transistor chứ gì." Dưới mắt một người chỉ miệt mài đi tìm vẻ vinh quang của nền chính trị Pháp như Tổng thống De Gaulle, Thủ tướng Ikeda chỉ nói về kinh tế, hẳn bị coi là hạng tiểu nhân (lái buôn transistor).

Nhưng xét cho cùng, chẳng phải Ikeda không làm gì có tính chính sách ngoại giao đâu. Từ quan điểm kinh tế ưu tiên, ông đã thành công trong việc đổi hẳn hình ảnh nước Mỹ trước con mắt người Nhật thời đó.

Thật thế, Thủ tướng Ikeda nắm chính quyền là ngay sau cuộc đấu tranh phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Cho nên cảm tình của người Nhật đối với nước Mỹ hãy còn khá phức tạp.

Ngay sau chiến tranh, MacArthur đã ghi vào con mắt người Nhật ấn tượng tốt về nước Mỹ: Mỹ tốt, Mỹ là cường quốc, Mỹ là quốc gia thể hiện chính nghĩa.

Nhưng kể từ sau khi ký kết Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, người Nhật trở nên có mặc cảm sâu sắc đối với Mỹ. Vì thế, đô vật wrestling chuyên nghiệp người Nhật Rikidozan[19] xuất hiện với những pha đòn ngoạn mục vật ngã đối thủ người Mỹ, đã làm cho người Nhật cảm thấy vô cùng khoái trá. Bởi vì chỉ những lúc đó họ mới cảm thấy hơn người Mỹ. Tay bơi Furuhashi Hironoshin hay võ sĩ quyền Anh Shirai Yoshio chắc cũng vậy.

Nhưng, từ cuộc phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, ở người Nhật bỗng nẩy ra một tình cảm mâu thuẫn vừa là ác cảm về mặt chính trị vừa là sự thèm khát về mặt vật chất. Cuộc lộn xộn phản đối Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ đã làm cho người Nhật nghĩ rằng "Mỹ không phải là quốc gia của chính nghĩa, mà ngược lại Mỹ chỉ là một thế lực chiến tranh lợi dụng Nhật Bản thôi." Ý nghĩ này đã được báo chí thổi phồng lên.

Trong bối cảnh như vậy, Thủ tướng Ikeda lên nắm chính quyền, đã không đả động gì tới vấn đề Mỹ có là chính nghĩa không, mà chỉ nhấn mạnh vào mặt kinh tế phong phú của Mỹ thôi. Thời đó, có một từ rất phổ biến là "sinh hoạt kiểu Mỹ (American life)." Ðó là sự mơ ước một cuộc sống phong túc nhộn nhịp, có nhà ở ngoại ô, đầy đủ tiện nghi điện hóa, có xe ôtô riêng, hàng ngày vui thú thể thao.

Lập trường ngoại giao của Thủ tướng Ikeda là đánh giá cao sự phong túc vật chất này, và Nhật Bản cũng sẽ trở nên sung túc nếu kết hợp với cuộc sống đó. Muốn vậy, Nhật Bản phải có Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Nếu không xích lại gần Mỹ, kỹ thuật và đầu tư của Mỹ cũng sẽ không có, xuất cảng hàng hóa sang Mỹ cũng không được. Như vậy ông đã thuyết giảng rằng sự liên kết với Mỹ là thiết yếu, Hiệp ước An ninh Nhật Mỹ là cần thiết, và như vậy đã biến hiệp ước này thành một phương tiện để phát triển kinh tế.

Ðể đạt mục tiêu, ông đã tuyên truyền cổ súy sự giàu có vật chất của Mỹ, đã mỹ hóa cuộc sinh hoạt Mỹ hơn cả thực tế. Lý luận của ông là, duy trì cuộc sinh hoạt như vậy là nền công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất, cho nên Nhật Bản cũng phải phát triển những công nghiệp này.

Lại nữa, nền công nghiệp ôtô phát triển đã lôi kéo theo những công nghiệp khác. Cho nên Nhật Bản muốn tăng trưởng kinh tế cao độ, tất phải xây dựng đường cao tốc và phát triển công nghiệp ôtô.

Nói cách khác, ông xây dựng lý luận bằng cách đưa kinh tế toàn diện ra trước, rồi mới cài chính trị theo sau, để chính đáng hóa đường lối theo đuôi Mỹ. Với Ikeda, Hiệp ước An ninh Nhật Mỹ cũng là một điều kiện thiết yếu cho "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" của ông.


Xây nhà máy trước nhất để phát triển địa phương

Xét lịch sử, người ta thấy những nhà tài chính được quốc dân ngưỡng mộ thì rất hiếm. Những người hô hào thôi chiến tranh vì chiến tranh làm tài chính bị khốn đốn, đều bị chê cười. Ngược lại, tướng lãnh thắng trận thì ở đâu cũng được hâm mộ cả.

Ở Nhật Bản ngày xưa, Kato Kiyomasa chủ trương đánh Triều Tiên đã được mỗi người hâm mộ, nhưng Konishi Yukinaga vận động chấm dứt chiến tranh, mở mang thông thương, đã bị mỗi người chê bai.

Ở bên Trung Quốc cũng vậy, đời Tống có tướng Nhạc Phi chủ trương đánh nước Kim của dân du mục phương bắc, thì được mỗi người tán thưởng. Hiện nay còn miếu thờ Nhạc Phi ở khắp Trung Quốc. Trong khi đó, Tần Cối chủ trương nhượng bộ cầu hòa để duy trì sự ổn định kinh tế, vì tình trạng tài chính không cho phép chiến tranh, thì bị mọi người ghét. Thậm chí, ở một góc những miếu thờ Nhạc Phi, người ta đều thấy có tượng đá vợ chồng Tần Cối bị trói hai tay lại sau lưng, để cho người đi lễ nhổ nước bọt lên trước khi ra về.

Nhờ đường lối tài chính mà được quốc dân hâm mộ là chuyện hi hữu. Thủ tướng Ikeda được quốc dân hâm mộ có thể quy tất cả vào đường lối kinh tế tài chính của ông. Ông đã hướng xã hội Nhật Bản tới trạng thái tâm lý chấp nhận điều đó.

Ông đã làm thế nào để được như vậy. Trước nhất, ông đã áp dụng chính sách tài chính tích cực gồm ba cột trụ "giảm thuế, bảo đảm xã hội và xây dựng công cộng." Nhờ thế, thày thuốc, hiệu thuốc, nhà thầu xây dựng làm ăn phát đạt có lời to, các công ty sản xuất đồ điện và chế tạo ôtô đã phát triển lớn. Quốc dân thời đó đều muốn có đồ điện gia dụng và xe ôtô.

Thứ hai, ông đã chuyển đổi cấu tạo từ công nghiệp nhẹ sang công nghiệp nặng: giảm bớt sản phẩm xuất cảng chủ yếu của Nhật Bản thời đó là hàng may dệt và tạp hóa, tích cực tập trung đầu tư vào hoặc cho vay tiền những ngành nghề chế tạo công nghiệp nặng như sắt thép, ôtô, điện máy v.v..

Ðồng thời xúc tiến chỉnh trang đất đai cho công nghiệp nặng và hóa chất. Cụ thể, là trong "Kế hoạch tổng hợp khai thác toàn quốc," ông chỉ định nơi thành lập những "đô thị công nghiệp mới," hay "khu vực đặc biệt để triển khai công nghiệp," rồi trợ cấp tài chính cho xây dựng công cộng như san lấp mặt bằng, làm đường xá, chỉnh trang bến cảng, v.v..

Trong không khí coi công nghiệp dẫn đầu sự phát triển địa phương như vậy, các đơn vị hành chính địa phương đều đua nhau thu hút nhà máy về địa phương mình. Những nhà máy như vậy đã đóng góp lớn lao vào sự phát triển công nghiệp của Nhật Bản qua sản xuất đại trà theo quy cách.

Nhờ đất đai được chỉnh trang thuận tiện cho sự xây dựng nhà máy công nghiệp nặng và hóa học, những thành phố như Yokkaichi, Mizushima, Kashima, ... đã biến thành những đô thị công nghiệp mới trên toàn quốc. Nhờ thế, những ngành công nghiệp chế tạo, nhất là công nghiệp nặng và hóa học, đã mua được đất rẻ để xây nhà máy, công nhân viên dễ mua được nhà ở gần nơi làm việc, thậm chí việc chuyên chở dầu thô, quặng sắt từ ngoại quốc vào cũng thuận lợi.

Ðó là lý thuyết về tính dẫn đầu của công nghiệp nặng. Muốn phát triển địa phương, trước hết hãy thu hút đầu tư vào các nhà máy chế tạo quy mô lớn. Những cơ sở chế tạo nhỏ và các ngành nghề phục vụ như bán lẻ sẽ tự động phát triển theo. Khi những nhà máy công nghiệp quy mô được xây dựng rồi, thì tự nhiên phố phường buôn bán sầm uất nhờ việc mua sắm của công nhân viên nhà máy. Trường học tăng thêm số lượng học sinh, bệnh việc đông khách hơn, tiệm ăn và khách sạn đều đắt khách lên. Lý thuyết là như vậy.

Kasumi
10-02-2007, 01:05 PM
Thời nội các Ikeda, các tỉnh trưởng hay thị trưởng đều tin rằng muốn cho địa phương mình phát triển, họ phải đi vay tiền chỉnh trang khu công nghiệp, lắp đặt hệ thống nước công nghiệp, xây đắp đường xá, sửa sang bến cảng. Họ đã không tiếc tiền đổ vào chỉnh trang đất công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng, với mục đích thu hút đầu tư nhà máy chế tạo công nghiệp nặng và hóa chất.

Lý thuyết về tính dẫn đầu của công nghiệp nặng như trên, là hoàn toàn sai, sai cả về mặt lịch sử lẫn sai về mặt lý luận. Các đô thị trên thế giới phần lớn được hình thành từ một ngành thứ ba[20]. Không phải không có thành phố xuất phát từ một nhà máy, nhưng rất ít, và quy mô nhỏ.

Thế mà, "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" lại lý giải khả năng dẫn đầu của công nghiệp nặng bằng lý luận "trước hết là nhà máy." Cơ quan hành chính địa phương đều đổ xô vào xây dựng nhà máy công nghiệp nặng và hóa chất. Nhờ đó việc hiện đại hóa sản xuất đại trà theo quy cách đã hoàn thành nhanh chóng.

Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp tuyên truyền phổ cập nhãn hiệu JIS (quy cách công nghiệp Nhật Bản: Japanese Industrial Standard), đồng thời bộ Nông lâm cũng đưa ra nhãn hiệu JAS (quy cách nông nghiệp Nhật Bản: Japanese Agricultural Standard). Gạo, rượu sake, nhất nhất cái gì cũng quy cách hóa. Nhiều mặt hàng đã bắt đầu từ thời trước chiến tranh, nhưng trong "Kế hoạch gấp đôi thu nhập," chủng loại sản phẩm đã được giảm bớt đi để dễ tiến hành sản xuất đại trà. Việc làm như vậy được coi là chính đáng.

Cơ cấu lưu thông hàng hóa và hình thức bán lẻ cũng được cải cách cho phù hợp với sản xuất đại trà theo quy cách. Nhiều siêu thị quy mô lớn xuất hiện để bán thật nhiều sản phẩm theo quy cách. Không chỉ có thế. Thông tin, tin tức về sản phẩm cũng được phát ra tập trung từ Tokyo. Mỗi thông tin nếu xuất phát từ Tokyo thì lập tức sản phẩm theo đúng quy cách liền được lưu thông ra khắp cả nước, tạo ra một xã hội đồng chất trên toàn quốc.

Nói tóm lại, nội các Ikeda đã coi năng suất là chính nghĩa xã hội tố cao.


Quy cách hóa con người và tập trung dân số vào thành thị

Vấn đề quy cách hóa con người và giáo dục đại trà theo quy cách cũng được nghĩ ra và thực hiện. Giáo trình giáo dục được ấn định, bản chỉ đạo giáo dục được soạn ra và trường học trên toàn quốc nhất loạt giảng dạy cùng một nội dung. Việc chỉ đạo học sinh chủ yếu là làm mất khuyết điểm đi, hơn là chú trọng tới phát triển ưu điểm. Vì thế, tất cả học sinh đều trở thành tương tự như nhau, không có sở trường cũng không có khuyết điểm, tất cả đều trở thành những con người "tròn trĩnh," nghĩa là không "gai góc," không bướng bỉnh. Áp dụng phép chấm điểm năm bậc, thì học sinh giỏi đều được điểm 5 cho mỗi môn học, học sinh trung bình được điểm 3. Năng lực của người ta được đo bằng độ lớn của khuyên tròn. Khuyên tròn là nói trị giá thiên lệch trong thống kê năng lực của học sinh. Nghĩa là chỉ một khuyên tròn như vậy đủ đánh giá con người!

Ở Mỹ hay ở châu Âu, người ta chú trọng tới phát triển cá tính. Cho nên học sinh có đứa giỏi thể thao nhưng dốt toán, có đứa giỏi toán sau này có khả năng làm giáo sư đại học được nhưng kém về thể thao. Có một dạo bộ phim Forest Gamp khá được hâm mộ ở Nhật Bản. Forest Gamp đỗ vào đại học được vì là cầu thủ bóng đá Mỹ[21] chứ chữ cũng chưa viết được ra hồn (về sau bỏ ngang).

Nhưng ở Nhật Bản, dù cho giỏi thể thao đến mấy, nhưng nếu không khá toán, quốc văn, Anh văn thì không sao vào đại học được. Ngay vào đại học Mỹ thuật để học vẽ, cũng phải học toán. Sở dĩ như vậy là từ khi có pháp lệnh về trường học quốc dân trong thời chiến tranh, rồi nội các Kishi làm chặt chẽ hơn, và nội các Ikeda thực thi triệt để. Ðó là ý tưởng tạo ra con người thích hợp cho sự sản xuất đại trà theo quy cách.

Mặt trái và mặt phải của sự việc đã được thể hiện rõ rệt trong sự tập trung dân số vào các đô thị. Song song với tiến độ triển khai sự chế tạo đại trà, lớp trẻ đã tập trung vào các thành thị.

Kết quả là thôn quê trở thành vắng người. Người ít tuổi ra thành thị, làm việc trong nhà máy chế tạo đại trà, bán hàng cho các siêu thị lớn. Ở thôn quê chỉ còn lại lớp người trung cao niên mà thôi.

Nội các Ikeda có phần khuyến khích tình trạng này để có lực lượng lao động cho đô thị. Chính phủ xúc tiến xây dựng những khu chung cư quanh đô thị để cung cấp nhà ở cho đám người từ nông thôn ra thành thị làm việc cho những xí nghiệp sản xuất đại trà. Ðồng thời, chính phủ cũng cho chỉnh trang hệ thống đường sắt chuyên chở mau chóng và rẻ tiền. Vì coi năng suất là hàng đầu, cho nên nội các Ikeda đã xúc tiến đường lối đưa đến sự tập trung thái quá và sự thưa thớt thái quá của dân số. Ðó là phản ánh của tư tưởng quán triệt nguyên lý kinh tế vậy.

Người dân Nhật nhờ "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" đã mau chóng trở nên giầu có. Ðiều lo lắng về khoảng cách giầu nghèo, đã không xẩy ra, nhưng vấn đề quá đông và quá vắng của dân số, đã xẩy ra. Thế rồi, nơi quá đông người phát sinh vấn đề ô nhiễm môi trường, mà ngay những người chê bai kế hoạch cũng không nghĩ ra lúc ban đầu.


Tăng cường thể chế chỉ đạo của quan liêu (công chức)

Thêm một ảnh hưởng trọng đại nữa của chính trị gia Ikeda Hayato là sự cấu kết của ba giới: chính trị, quan liêu và kinh tài, qua sự tăng cường thể chế chỉ đạo của giới quan chức.

Cho đến khoảng 15 năm sau chiến tranh, tức là với những nội các Yoshida, Hatoyama và Kishi, tư tưởng và cơ chế dân chủ do MacArthur vun trồng còn giữ được một phần. Chứ tới nội các Ikeda với "Kế hoạch gấp đôi thu nhập," cơ chế quan liêu chỉ đạo càng mạnh. Tầng lớp quan chức có quyền lực lớn qua kiểm soát quy cách và quản lý xây dựng công cộng.

Ðám chính trị gia xuất thân từ quan trường như Thủ tướng Ikeda, cùng đám quan chức đương nhiệm ở các bộ sở trung ương đã nắm tay nhau, xúc tiến kiến thiết đường bộ, đường sắt, chung cư, thiết bị đô thị. Các chính trị gia như Ikeda đã đồng tình ủng hộ và rót tiền vào những dự án do quan liêu thảo ra để nuôi dưỡng mô hình sản xuất đại trà theo quy cách của công nghiệp nặng và hóa chất.

Như thế, đô thị cũng như địa phương, tất cả đều trở thành giống nhau nhất loạt không có cá tính gì cả nữa. Trường học cũng vậy, trở thành đồng chất không còn đặc điểm gì nữa. Việc không làm được ngay cả trong thời kỳ chiến tranh, đã làm xong dưới thời Thủ tướng Ikeda.

Tổ chức quan liêu được thêm sức mạnh như vậy đã kết hợp với đảng Dân chủ tự do. Ðồng thời, dưới sự chỉ đạo của quan liêu, các đoàn thể ngành nghề cũng được tăng cường.

Ví dụ, các xí nghiệp trong Liên minh sắt thép bàn bạc với nhau, rồi quyết định phân chia lò luyện thép với nhau, chẳng hạn, Công ty A ba lò, Công ty B hai lò, Công ty C một lò, v.v.. Rồi quyết định như vậy được đem đến Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp trình bẩm: "Như vầy được chăng?" Các quan bèn phán: "Như thế hơi nhiều. Cắt bớt một lò đi." Trong quá trình chỉ đạo như vậy, quyền hành của quan liêu ngày một mạnh hơn lên.

Một hình thức khen thưởng đã được lợi dụng để tăng cường sự chỉ đạo của quan liêu, là huân chương. Thời MacArthur, huân chương đã bị bỏ đi, nhưng sau lại phục hồi, và được dùng làm đón bẩy cho sự chỉ đạo của quan chức. Khi một doanh gia trở thành chủ tịch của một đoàn thể ngành nghề, thì có chính sách khen tặng huân chương hạng nhất. Ðương nhiên, nếu thuận theo sự chỉ đạo của quan liêu, thì dễ trở thành chủ tịch như vậy. Cho nên, các doanh gia ham muốn huân chương đã ngoan ngoãn nghe theo quan chức.

Quan chức làm trung tâm, giật dây điều khiển một bên là đám chính trị gia thuộc đảng Dân chủ tự do, một bên là các đoàn thể ngành nghề, tạo ra một thể chế hòa hợp do quan chức chỉ đạo. Có thể nói, thể chế như vậy đã được xác lập là vào thời kỳ nội các Ikeda.

Từ giới doanh nghiệp, tiền cúng cho chính trị gia đã được đổ ra. Ðể bù lại, chính trị gia đóng vai truyền đạt ý hướng của giới doanh nghiệp tới quan liêu. Quan chức suy nghĩ đắn đo. Chính trị gia lại lợi dụng sự suy nghĩ đắn đo như vậy của quan chức. Nghĩa là, một hình tam giác hỗ trợ lẫn nhau đã thành hình, gọi là "tam giác chính trị - quan chức - doanh nghiệp."

Trong tam giác đó, quan chức có sức mạnh nhất. Luật pháp cấm chính trị gia không được hoạt động cho một xí nghiệp cá biệt, cho nên họ phải hoạt động với danh nghĩa cho toàn thể giới doanh nghiệp thông qua các bộ sở trung ương để được ủng hộ tiền hoạt động chính trị. Có câu nói "chính tri gia nào bị quan chức ghét thì không mở mặt được." Câu này là biểu hiện một truyền thống do nội các Ikeda và bè phái Ikeda trong đảng Dân chủ tự do tạo ra.

Cái thể chất tiền và quyền như vậy khiến cho kinh tế tăng trưởng, tích cực xúc tiến xây dựng công cộng và phát triển công nghiệp nặng. Thể chất này mỗi năm một được tăng cường. Ðến nỗi, người ta quan niệm rằng, chỉ có nhờ các nghị viên đảng Dân chủ tự do mới có tiền tài trợ, chứ các đảng khác thì không xong. Do đó, đảng Dân chủ tự do mỗi ngày một vững vàng hơn. Thậm chí, tiến thêm một bước nữa tới "thời đại phe phái lớn" trong đảng Dân chủ tự do.

Kasumi
10-02-2007, 01:06 PM
Sức mạnh của Hội Hoằng Chì[22] trong việc thâu góp tiền ủng hộ

Lịch sử phe phái trong nền chính trị Nhật Bản bắt đầu từ thời cuối nội các Yoshida, từ sau khi các chính trị gia thoát khỏi lệnh thanh trừng công chức. Những người như Hatoyama Ichiro, Miki Takeyoshi đã được phục quyền sau khi lệnh trên hết hiệu lực. Họ lập ra phe phái để chống lại hình thức độc tài của thủ tướng Yoshida. Ðến thời nội các Kishi, thì xung quanh những chính trị gia có máu mặt, có khả năng quyên tiền lớn đã kết tụ thành phe phái. Khi nội các Hatoyama đợt thứ ba từ chức và nội các Ishibashi thành lập, người ta đã thấy những phe nhóm như phái Ono, phái Kono, v.v., hoạt động mạnh mẽ. Kết quả vận động của những phe phái này, là ba người đã ra ứng cử chức chủ tịch đảng Dân chủ tự do. Ðó là Kishi, Ishibashi và Ishii. Kishi được nhiều phiếu nhất, nhưng người thứ nhì Ishibashi và người thứ ba Ishii hợp lực lại, đánh bại Kishi bằng 7 phiếu và do đó Ishibashi đã đứng ra lập nội các (Ngay sau đó, ông ngã bệnh). Việc này để lại vết rạn nứt làm cho các phe phái đối lập nhau mãi.

Cho tới đó, đại biểu phe phái đều là những nhân vật có sức quyến rũ cá nhân và săn sóc đàn em chu đáo. Nhưng kể từ nội các Ikeda trở đi, phe phái trở thành một tổ chức mạnh vượt ra ngoài tầm của cá nhân người đại biểu. Khi Ikeda qua đời, Hội Hoằng Chì vẫn không vì thế mà tan rã. Tức thời, Maeo Shige-Saburo kế thừa. Maeo từ chức, thì Ohira Masayoshi thế chân. Ohira mất đi, thì Suzuki Zenko kế tiếp. Sau Suzuki là Miyazawa Ki’ichi[23]. Nghĩa là phe phái trở nên một tồn tại tách rời khỏi cá nhân của người đại biểu.

Khác với phái Ikeda kể trên, những phái khác như phái Ono, phái Kono và phái Kishi đã phân tán rồi hợp nhất với phe khác mỗi khi lãnh tụ qua đời hay thay đổi. Thế rồi phái cực lớn do Thủ tướng Sato Eisaku lập ra, khi Sato nghỉ hưu, cũng tách ra làm hai, là phái Fukuda và phái Tanaka mới ổn định. Phái Kono được Thủ tướng Nakasone Yasuhiro kế thừa, đổi thành phái Nakasone cũng hoạt động thành một tổ chức hợp nhất. Cuối cùng là một phái "nhỏ nhưng lâu đời" do Thủ tướng Miki Takeo lập ra. Như vậy, là hình thành đầy đủ phe phái trong đảng Dân chủ tự do: bốn phái lớn và một phái nhỏ, thường nói là "bốn sư đoàn cộng với một liên đội.[24]"

Tại sao khác với phái Kono và phái Ono, phái Ikeda (Hội Hoằng Chì) lại xác lập thành một tổ chức chắc nịch được? Ðó là vì họ kết hợp với giới kinh doanh nên nhận được tiền ủng hộ đều đều. Ðó cũng là nhờ sự nhìn xa trông rộng của cố thủ tướng Ikeda nghĩa là, sau khi ông mất rồi, người kế vị ông vẫn thu thập được tiền ủng hộ của giới kinh tài.

Tóm lại, khi tìm hiểu thể chế hậu chiến của Nhật Bản, người ta thấy Ikeda Hayato và "Kế hoạch gấp đôi thu nhập" do nội các của ông làm ra, quả là có ý nghĩa trọng yếu đặc biệt.

Trong thập niên 1990 này, điều mà Nhật Bản đang cần phải giải quyết, chính là cải cách "cấu tạo gấp bội thu nhập." Cấu tạo như vậy lấy tiền đề là kinh tế tăng trưởng, xí nghiệp lớn ra, thu nhập của cá nhân tăng lên. Ðương nhiên, như vậy thuế cũng tăng lên. Giá đất và giá cổ phiếu phải tăng đều đều lâu dài. Xí nghiệp đầu tư trước để khuếch đại quy mô sản suất, thì chắc chắn có lời. Dù không có lời thường niên hay lời doanh nghiệp ngay, thì "tài sản theo thời giá" tăng lên, thành ra cũng như có lời. Người từ thôn quê ra tỉnh thành đông đúc, cho nên phải đầu tư vào chung cư, vào đường xe điện ngầm. Như vậy, giá đất đai tất sẽ lên cao. Thành ra, người nào mua nhà sớm ắt có lời.

Phủ nhận sự bất an chính trị và tư tưởng cách mạng, hướng con mắt quốc dân nhìn vào vấn đề kinh tế, cái gì cũng nghĩ theo chiều hướng tích cực. Ðó là tư tưởng hậu chiến được nuôi dưỡng từ thời đại "gấp đôi thu nhập" vậy.

"Kế hoạch gấp đôi thu nhập" không những chỉ đẻ ra sự tăng trưởng kinh tế. Nó còn làm cho kỹ thuật tiến bộ và xí nghiệp lớn lên. Do đó, giá đất và giá cổ phiếu tăng. Tương lai thì nhuốm màu hồng, cho nên xí nghiệp hễ đầu tư trước là có lời. Xí nghiệp vì thế chăm lo cuộc sống của công nhân viên, trong khi công nhân viên thì thấy cuộc đời quy thuộc vào xí nghiệp là an tâm, là có lợi. Nhờ đó "xã hội chức lộc" đã xác lập.

Thế nhưng điều kiện cơ bản hiện nay đã làm cho cơ chế xã hội "gấp đôi thu nhập" và niềm tin tâm lý do Ikeda Hayato cấy vào người Nhật Bản, đã dần dần biến đổi. Người ta phải có can đảm nhìn thẳng vào hiện thực như vậy.







Chú thích:

[1] Nguyên văn là Kinken, tức "Kim quyền" nếu đọc âm Việt Nam của từ Hán Nhật gốc. Kim quyền là quyền lực phát sinh ra từ đồng tiền, quyền lực nhờ có tiền mà có được.

[2] Sách này xuất bản vào gần cuối thể kỷ thứ XX nên viết như vậy cho người ta dễ tính tuổi tác của nhân vật nói đến. Nhưng, nay đã sang thế kỷ thứ XXI, nên phải hiểu rằng: "số tuổi chẵn của ông bằng số năm của thế kỷ thứ XXI cộng với 100." Nói cách khác, nếu Ikeda Hayato còn sống thì năm 2003 tuổi ông là 103.

[3] Học chế của Nhật Bản thời trước chiến tranh khác với ngày nay. Thời đó, trường tiểu học là 6 năm, trường trung học 5 năm (trừ vài năm cuối của cuộc chiến tranh thế giới lấn thứ hai, được rút lại thành 4 năm). Ở trên trường trung học này là trường "cao đẳng," với thời gian học 3 năm. Tất cả có 5 trường cao đẳng được thiết lập, với tên gọi theo số thứ tự từ Ðệ nhất cho tới Ðệ ngũ. Trường "cao đẳng" như vậy thực chất là trường dự bị đại học. Ðại học Quốc gia theo chế độ cũ là 3 năm. Như vậy tổng cộng thời gian từ tiểu học tới hết đại học là 17 năm, tức là dài hơn hiện nay 1 năm. Vì thế, người ta thường coi những người tốt nghiệp đại học thời trước chiến tranh tương đương với bậc Cao học (Thạc sĩ).

Kasumi
10-02-2007, 01:06 PM
[4] Shikoku là một trong bốn hòn đảo lớn tạo thành quần đảo Nhật Bản. Xưa, một cao tăng tên là Không Hải (Hoàng Pháp Ðại sư) đã tu hành ở đảo đó. Người này đã từng sang Trung Hoa đời nhà Ðường (năm 804) học đạo, rồi về Nhật Bản lập ra một giáo phái Mật tông gọi là Shingonshu. 88 linh địa là những chùa chiền có vết chân vị thánh tăng này. Người Nhật, khi muốn cầu xin điều gì, chẳng hạn làm ăn phấn chấn, trị bệnh nan y, v.v., thường hay đi hành hương 88 linh địa này.

[5] Ngày 8 tháng 12 năm 1941, Nhật Bản khai chiến với Mỹ bằng cách oanh tạc Pearl Harbour (Chân Châu Loan. Ở Việt Nam, địa danh này quen goi Trân Châu Cảng. Chân Châu Loan là tên Nhật đọc âm Hán-Việt).

[6] "Công chức" ở đây là những chức vụ công cộng, như nghị viên, quan liêu (công chức, theo nghĩa hẹp), hoặc những địa vị lãnh đạo trong giới chính trị, giới kinh tài, giới ngôn luận, v.v.. Một trong những chính sách dân chủ hóa do bộ Tổng tư lệnh quân đội chiếm đóng Nhật Bản của MacArthur thực thi, là năm 1946, cấm không cho những người theo chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa quốc gia làm "công chức." Số người như vậy là khoảng 200 ngàn. Tháng 4 năm 1952, sau khi Hòa ước San Francisco bắt đầu có hiệu lực, thì lệnh cấm này hết hiệu lực.

[7] Ở Nhật Bản, tổ chức nào cũng có một thứ tự rõ rệt cho sự xếp đặt vị thứ các thành viên. Với nội các, thủ tướng đứng đầu là lẽ đương nhiên, nhưng dưới thủ tướng các bộ trưởng xếp hàng ra sao thì có thứ tự hẳn hoi. Theo truyền thống, đứng đầu là bộ trưởng Tư pháp, rồi đến bộ trưởng Ngoại giao, bộ trưởng Kho bạc, v.v.. Xem như vậy thì vị trí bộ trưởng Kho bạc trong nội các là vô cùng trọng yếu.

[8] Năm 1993, lần đầu tiên trong gần 40 năm liên tục nắm giữ chính quyền, đảng Dân chủ tự do đã phải nhường chính quyền cho một nội các liên hiệp do thủ lãnh một đảng Bảo thủ, là Hosokawa Morihiro cầm đầu. Takemura là thủ lãnh một đảng trong nội các liên hiệp, nên đã được giữ ghế bộ trưởng Kho bạc.

[9] Một trong bộ ba cán bộ lãnh đạo của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản.

[10] Vụ này xẩy ra năm 1954, trong đó giới công nghiệp đóng tàu và đảng cầm quyền bị nghi ngờ có sự lén lút đưa và nhận hối lộ. Bộ trưởng Tư pháp Inukai Takeru đã sử dụng quyền chỉ huy chấm dứt cuộc điều tra của viện Kiểm sát, khiến vụ việc bị ém nhẹm đi không bao giờ phơi bày ra ánh sáng nữa.

[11] Người ra điều trần trước Quốc hội có hai hình thức: Người làm chứng và người tham khảo. Người làm chứng thì phải tuyên thệ và nếu khai man sẽ bị xử theo luật định. Người tham khảo không phải tuyên thệ.

[12] Nguyên văn là Banshoku Daijin, tức là bộ trưởng chưa có thực lực, chỉ làm "cảnh" trong những bữa tiệc thết đãi khách quý mà thôi.

[13] Thủ tục thông qua một dự án hiệp ước hay dự án luật ở quốc hội Nhật Bản là như sau. Trước hết Hạ nghị viện thảo luận rồi biểu quyết. Sau đó mới đến Thượng nghị viện thảo luận và biểu quyết. Nếu Thượng nghị viện không thông qua, dự án được trả về cho Hạ nghị viện thảo luận lại. Tuy nhiên, dù cho Thượng nghị viện có biểu quyết nghịch, thì biểu quyết thuận của Hạ nghị viện vẫn là ưu tiên. 30 ngày sau khi Hạ nghị viện đã thông qua, thì dự án thành lập một cách tự nhiên.

[14] Nói chung, các chính trị gia khôn khéo thường áp dụng mánh lới "kẹo ngọt và roi vọt." Ðể thực thi một chính sách cứng rắn (sửa đổi Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, roi vọt), người ta ghép đôi nó với một chính sách khác mềm dẻo (gấp đôi lương tháng, kẹo ngọt).

[15] Jinmu là Thiên hoàng đầu tiên, một người trong thần thoại của Nhật Bản. Theo truyền thuyết thì ông lên ngôi vua năm 660 trước Công nguyên. Từ thời Jinmu là nói từ lúc khai thiên lập địa.

[16] Joseph Morrell Dodge (1890-1964), doanh gia ngân hàng, tới Nhật Bản năm 1949 làm cố vấn cho bộ Tổng tư lệnh quân đội chiếm đóng Nhật Bản. Ðường lối Dodge là chính sách ông vạch ra nhằm mục tiêu ổn định và tự lập cho nền kinh tế Nhật Bản. Ðường lối này nói chung là đường lối siết chặt lưu thông tiền tệ.

[17] Năm 1951, tức là 6 năm sau khi Nhật Bản đầu hàng, Hòa ước San Francisco đã được ký kết, chấm dứt sự chiếm đóng Nhật Bản bởi Quân đội Ðồng minh. Tuy nhiên, để thay thế, Nhật Bản và Mỹ đã ký kết Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ theo đó quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú tại Nhật Bản, song không còn với tư cách quân đội chiếm đóng nữa, mà chỉ là quân đội đồng minh bảo vệ an ninh quốc phòng theo Hiệp ước An ninh đó.

[18] Việc thâu hồi chủ quyền những phần đất đã bị mất bởi chiến tranh bằng thương lượng không tốn một viên đạn, đã được đánh giá cao và thủ tướng Sato Eisaku đã được Giải Nobel Hòa Bình năm 1975.

[19] Người Nhật gốc Triều Tiên, tên thật là Momota Mitsuhiro, vốn là đô vật Sumo, chuyển sang võ vật Wrestling chuyên nghiệp, nhiều lần đoạt chức vô địch thế giới của môn võ vật này.

[20] Kỹ nghệ thứ ba (tertiary industries) là các ngành nghề phục vụ (services industries) như khách sạn, siêu thị, nhà hàng ăn uống, công ty du lịch,...

[21] American football, một môn thể thao dùng bóng dẹt, rất hung bạo, khác với bóng đá Anh, gọi là soccer.

[22] Hội Hoằng Chì là tên gọi của phái Ikeda trong đảng Dân chủ tự do. Hoằng là to lớn, Chì là ao, là chuôm. Vậy Hội Hoằng Chì là Hội Ao Lớn. Sở dĩ lấy tên như vậy là vì tên thủ tướng Ikeda nếu viết chữ nho là Chì Ðiền, tức là Ao Ruộng, cho nên nhóm nghị viên ủng hộ ông họp thành một phái lấy một chữ trong tên ông đặt tên phái là Hội Hoằng Chì.

[23] Chỉ trừ Maeo, còn cả ba ông Ohira, Suzuki và Miyazawa đều đã làm thủ tướng.

[24] Ðây là hình ảnh đảng Dân chủ tự do Nhật Bản vào khoảng năm 1997. Người ta nói, chính trường Nhật Bản là sân khấu "ly hợp tụ tán," cho nên hình ảnh hiện nay của đảng này không phải là như thế này nữa.

Kasumi
10-02-2007, 01:10 PM
Matsushita Konosuke
Kinh doanh kiểu Nhật và triết lý kinh doanh

http://img401.imageshack.us/img401/2074/konosukegc1.th.jpg (http://img401.imageshack.us/my.php?image=konosukegc1.jpg)

Doanh gia trở thành anh hùng dân tộc

Người cuối cùng được chọn trong "Mười hai người lập ra nước Nhật," là Matsushita Konosuke.

Matsushita Konosuke bắt đầu cuộc đời là một người lao động, đã gây dựng nên một xí nghiệp có tầm cỡ thế giới, đồng thời trong thập niên 1960, là một triết gia có tư tưởng kinh doanh và quan niệm về lao động độc đáo, đã để lại ảnh hưởng lớn cho Nhật Bản ngày nay.

Ðiểm đặc sắc nhất của Matsushita là, không giống những nhà giầu khác hay những nhà kinh doanh dựng nghiệp khác, ông đã trở thành anh hùng dân tộc trong quá trình Nhật Bản tiến tới một đại cường quốc kinh tế. Với ý nghĩa này, ông là người đã để lại ngày nay những ảnh hưởng tuyệt đại, cả ảnh hưởng hữu hình cũng như ảnh hưởng vô hình.

Trong biết bao nhiêu phú hào và doanh gia khởi nghiệp, tại sao chỉ có Matsushita Konosuke được kể là anh hùng dân tộc?

Năm 1955, trong bảng thứ bậc nhà giầu (người đóng thuế nhiều nhất) do tổng cục thuế công bố, lần đầu tiên Matsushita Konosuke đã đứng đầu bảng. Tin này đã gây một xúc động mãnh liệt trong toàn dân Nhật Bản.

Bảng thứ bậc nhà giầu được công bố hàng năm đã có từ lâu rồi. Song trước đó, những nhà giầu nhất nước đều là nhưng người làm nghề than đá, tức là ngành nghề được Nhà nước ưu đãi, hay những nhà giầu xổi kinh doanh bất động sản được trúng mẻ.

Nhưng, Matsushita Konosuke là người cần cù khắc khổ từ thuở thiếu thời, nhờ nỗ lực và sáng kiến của riêng mình, đã tích lũy gây dựng nên Công ty Matsushita Denki Sangyo cùng những công ty liên hệ, phát triển kinh doanh mà chèo lên tới địa vị số một trong Bảng thứ bậc nhà giầu như vậy, nên ấn tượng mới mãnh liệt. Thời đó là lúc mỗi thứ đều thiếu thốn, người dân thường sống trong bầu không khí chán nản, nhưng tin Matsushita trở thành người giầu nhất nước, đã làm họ phấn khởi. Họ nghĩ nếu mình cố gắng thì mình cũng có thể trở nên giầu có như vậy được. Matsushita quả đã là một anh hùng mang lại niềm hi vọng cho quốc dân Nhật Bản trong thời kỳ phục hưng sau chiến tranh.

Matsushita Konosuke đã trở thành hiện thân của "giấc mơ Nhật Bản," cái đích cho mỗi người khao khát. Chính vì vậy mà lời nói của ông đã có ảnh hưởng lớn của một triết nhân.

Gặp gỡ điện khí

Matsushita Konosuke sinh ngày 27-11-1894 (niên hiệu Minh Trị thứ 27), tại thị trấn Wakayama (thời đó còn gọi là thôn Wasa, quận Umigusa). Gia đình nghèo, năm chín tuổi Konosuke phải đi ở đợ. Ðầu tiên, Konosuke ở cho một nhà hàng bán lò than. Năm sau, chuyển sang một cửa hàng bán xe đạp, Konosuke lại làm đứa ở gần 6 năm nữa nghĩa là từ tuổi lên mười cho đến tuổi hơn 15, Konosuke đã sống với xe đạp.

Năm 1910, Matsushita Konosuke trở thành thợ học nghề của công ty Osaka Dento (nay là công ty Ðiện lực Osaka). Ðây là buổi hội ngộ giữa Matsushita Konosuke với điện khí.

Matsushita tiếp tục cuộc đời thợ điện ở công ty này cho tới năm 1917 (niên hiệu Taisho thứ sáu) tức là giữa thời Chiến tranh thế giới thứ nhất, thì xin thôi, tách ra độc lập, và phát minh ra kiểu đui (chân cắm) hai bóng đèn. Năm sau, ông sáng lập ra công ty kinh doanh cá nhân Mastsushita Denki Kigu Seisakusho. Lúc đầu, sản phẩm chỉ có phích cắm điện, đui chĩa hai, tức là đui hai bóng đèn nói trên. Dùng loại đui này thì chỉ một dây đèn có thể nối ra thành mấy ngọn đèn cũng được. Thời đó, giá tiền điện ở Nhật Bản còn tính khoán và mỗi nhà chỉ được kéo một đường dây đèn thôi. Nếu dùng đui đèn chĩa hai, có thể kéo thêm nhiều ngọn đèn khác, nên phụ kiện này bán khá chạy.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tình hình làm ăn trở nên khó khăn. Rồi năm 1923, sau trận động đất lớn vùng Kanto, ông đã dùng kinh nghiệm với xe đạp chế ra đèn điện cho xe đạp. Sản phẩm này bán rất chạy. Rồi năm 1926, lần đầu tiên ông đã bán ra loại đèn pin với pha đèn hình vuông có gắn nhãn hiệu National. Sản phẩm này bán chạy như tôm tươi. Thời đó, ông đã yêu cầu công ty pin đèn hợp tác nên đã có thể phát không 10 ngàn chiếc đèn pin như vậy để quảng bá. Sản phẩm này còn bán chạy cho tới sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Năm 1929, ông đổi tên công ty thành Matsushita Denki Seisakusho. Hai năm sau, ông được dịp nhẩy vọt như sau.

Năm 1931, Ðài Phát thanh Tokyo (nay là Hãngi Truyền thông Nhật Bản NHK) đã mở kỳ thi kiểu radio tiêu chuẩn với mục đích phổ cập radio giá hạ, vì thời đó radio hãy còn hiếm và giá đắt. Sản phẩm của công ty Matsushita Denki Seisakusho đã đoạt giải nhất. Công ty bèn sản xuất đại trà kiểu radio này, đặt tên là "Kiểu trúng giải."

Từ thời điểm này, hoạt động kinh doanh mỗi ngày một lớn ra, công ty Matsushita Denki Seisakusho lần lần chiếm được địa vị một công ty chế tạo đồ điện tổng hợp. Ngay từ năm 1933, công ty đã áp dụng đường lối kinh doanh theo chế độ bộ môn. Mỗi bộ môn đều có quyết toán độc lập. Thể chế này được duy trì cho tới ngày nay.

Năm 1935, sau khi pháp nhân hóa tổ chức và đổi tên là Công ty Cổ phần Matsushita Sangyo, Matsushita Konosuke liền nhậm chức tổng giám đốc, tiếp tục sản xuất radio và bóng đèn cùng những sản phẩm điện khác nữa.

Thế rồi cuộc Chiến tranh Thái bình dương nổ ra, công ty ông chế tạo quân nhu như máy vô tuyến điện, máy radar, rồi cả máy bay nữa. Vì thế, sau khi Nhật Bản thua trận, ông bị bộ Tổng tư lệnh Quân đội chiếm đóng Nhật Bản liệt vào hàng tài phiệt, và bị thanh trừng khỏi các chức vụ công cộng. Sự kiện ông đã bị liệt vào hàng tài phiệt ngay sau chiến tranh, đủ cho thấy công ty ông đã thành một đại xí nghiệp rồi. Lúc đó Matsushita Konosuke 50 tuổi.

Năm 1947, nhờ sự đấu tranh phản đối của công đoàn Matsushita, ông được xóa tên khỏi danh sách tài phiệt và được phục quyền trở về làm kinh doanh. Tuy nhiên, những sự kiện vừa xảy ra, chiến tranh rồi bị thanh trừng, là những điều khó quên đối với ông.


Sự phổ cập "đường lối kinh doanh Matsushita" qua mạng lưới bán hàng vững chắc

Ðược phục quyền trở lại làm tổng giám đốc, Matsushita Konosuke đã hăng say khuếch trương kinh doanh làm cho Công ty Matsushita Denki Sangyo ngày một lớn hơn. Kết quả là năm 1955, ông đã trở thành người giầu nhất Nhật Bản, như kể trên. Ðây là cái giầu tính bằng phần chia lời cổ phiếu, chứ không phải là cái giầu nhất thời như doanh thu hay do bán tư sản. Vì thế, sau đó, ông còn nhiều lần đứng đầu bảng những người giầu nhất Nhật Bản.

Sau chiến tranh, năm 1949, Thị trường cổ phiếu Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Năm đó nếu mua cổ phiếu Matsushita Denki Sangyo với giá 100 ngàn Yen, rồi từ đó cứ tiếp tục dùng tiền được chia lời cổ phiếu đóng thêm mỗi khi có tăng vốn, thì tới năm kinh tế bong bóng 1989, trị giá cổ phiếu đó đã lên tới 2,4 tỉ Yen. Nghĩa là trong 40 năm, giá cổ phiếu của Matsushita Denki Sangyo đã tăng gấp 24 ngàn lần.

Ðương nhiên, là người sáng lập đồng thời là cổ đông lớn của công ty, Matsushita Konosuke đã giầu to. Số cổ phiếu của ông không nhiều lắm vì công ty đã bán công khai cổ phiếu từ rất sớm. Vì thế, ngoài ông ra, còn nhiều người khác đã có cơ hội làm giầu. Trên thực tế, phải có hàng mấy chục người như vậy.

Từ năm 1955, tức là năm đầu tiên Matsushita Konosuke trở thành người giầu nhất Nhật Bản, người ta đã thấy có rất nhiều sản phẩm điện gia dụng. Rồi tới thời đại "ba bửu bối" tức là máy TV, máy giặt và máy lạnh. Công ty Matsushita Denki Sangyo đã thừa cơ có phòng trào điện hóa gia đình này phát triển không ngừng. Công ty đã chế ra hết sản phẩm này tới sản phẩm khác, sản xuất đại trà, bán thật nhiều. Rồi công ty mở rộng mạng lưới bán ra nước ngoài khiến nhãn hiệu Panasonic được nổi tiếng khắp thế giới.

Một đặc điểm nữa của công ty Matsushita Denki Sangyo là từ năm 1949, công ty đã lập ra một mạng lưới bán sản phẩm chằng chịt trên khắp Nhật Bản. Bằng mạng lưới này, công ty đã có một hệ thống bán hàng hùng mạnh đồng thời phổ cập ra khắp Nhật Bản triết lý kinh doanh Matsushita.

Ở Nhật Bản, Matsushita Konosuke được người ta ngưỡng mộ như là "ông thánh kinh doanh." Thật ra, tài kinh doanh của ông được như vậy cũng là nhờ có mạng lưới kinh doanh trên. Chính Matsushita Konosuke và những nhân vật khác của nhóm Matsushita đã đích thân chỉ dẫn các tiệm bán trong mạng lưới khiến cho những tiệm bán cũng rất thỏa mãn.

Năm 1961, Matsushita Konosuke trở thành chủ tịch công ty, năm 1973, là Cố vấn, nghĩa là trên bề mặt, ông không còn giữ vai trò trục tiếp lãnh đạo công ty nữa, mà chỉ đưa ra những quan điểm vĩ mô cho công ty thôi. Thế nhưng, trên thực chất, ông vẫn là người có ảnh hưởng tuyệt đại đối với công ty.

Kasumi
10-02-2007, 01:11 PM
Ngoài sự nghiệp kinh doanh như kể trên, Matsushita còn có nhiều đóng góp về mặt tư tưởng. Năm 1946, tức là chẳng bao lâu sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã lập ra "Viện Nghiên cứu PHP" với mục đích phát động phong trào "Hòa bình và Hạnh phúc trong Phồn thịnh (Peace and Happiness through Prosperity)."

Rồi năm 1979, mặc dầu đã tới tuổi 85, ông còn quyết chí đào tạo nhân tài để cải cách nền chính trị Nhật Bản. Ông bỏ tiền riêng ra mở "Trường Kinh tế chính trị Matsushita" rồi tự mình đứng ra làm chủ tịch hội đồng quản trị và hiệu trưởng. Số người tốt nghiệp trường này trở thành nghị sĩ quốc hội cũng có tới vài chục người.

Matsushita Konosuke đã sống những năm cuối đời như một triết nhân, người đề xướng cải cách, rồi ngày 17-4-1989, ông đã kết thúc cuộc đời ở tuổi 94.

Tuổi thọ cũng là một yếu tố đóng góp vào sự nghiệp của con người. Bởi vì, có sống lâu mới làm được nhiều việc. Vào lúc cuối đời, với tầm nhìn xa trông rộng của mình, Matsushita đã đóng góp những ý kiến về tương lai Nhật Bản và được nhiều người hưởng ứng. Nói cách khác, cho tới chết, ảnh hưởng của ông đối với xã hội Nhật Bản vẫn không hề bị suy giảm.


Tại sao trở thành anh hùng dân tộc được?

Khi luận về Matsushita Konosuke, điểm đáng nói nhất là từ một doanh gia ông đã trở thành anh hùng dân tộc vĩ đại nhất thời hậu chiến của Nhật Bản. Một nhà kinh doanh như ông có lẽ còn lâu mới lại xuất hiện.

Tại sao như vậy? Ta thử tìm hiểu qua thân thế, tư tưởng, hành động của ông xem sao. Như vậy, ta có thể thấy nhân vật này có ảnh hưởng thế nào đối với người Nhật thời nay, sẽ còn có ảnh hưởng gì tới người Nhật của thế kỷ XXI.

Ðiểm thứ nhất làm cho Matsushita Konosuke trở thành anh hùng dân tộc là truyện lập thân thành đạt của ông.

Nhà nghèo phải bỏ ngang trường tiểu học để đi ở đợ, rồi sau xây dựng nên một xí nghiệp khổng lồ, ông thật đáng gọi là "Thái tể đời nay[1]."

Sinh ra ở một vùng quê nghèo nàn đến nỗi năm lên 9 tuổi phải bỏ ngang trường tiểu học đi ở đợ. Học lịch của ông như vậy là "bỏ ngang bậc tiểu học." Vậy mà ông đã gây dựng nên một đại xí nghiệp có tầm cỡ lớn nhất Nhật Bản, có hoạt động trên khắp thế giới. Truyện thành công như vậy đáng so sánh với truyện Thái tể Hideyoshi. Ðiều này ai cũng mơ ước đạt được và vì vậy đã trở thành yếu tố khiến Matsushita Konosuke trở thành anh hùng dân tộc của Nhật Bản.

Thêm nữa, thời nhỏ Matsushita yếu ớt cũng là điểm khiến người ta có cảm tình. Thật vậy, ông nhỏ con, gầy gò, chứ không có thân hình cứng cáp. Lại hay bệnh tật, tức là không được may mắn về mặt thể lực. Ðiểm này ông cũng giống như Hideyoshi.

Hideyoshi cũng thua kém người ta về mặt thể lực. Thời Chiến quốc, phải có thể lực mạnh mới trở thành hào kiệt được, nhưng Hideyoshi lại bé nhỏ, gầy yếu.

Cùng xuất thân nghèo nàn, cùng có thể lực yếu đuối, nhưng hai người đã thành công lớn trong thiên hạ. Với ý nghĩa đó, Matsushita Konosuke và Toyotomi Hideyoshi có nhiều điểm tương đồng. Ðiều này khiến cho mỗi người có cảm tình, và khi thành công rồi cũng thấy ít người ganh tị, ghen ghét. Nếu ông là con nhà giầu, tốt nghiệp trường đại học hạng nhất, rồi lại có thể hình đường đường một đấng nam nhi, thì có lẽ ông đã không được người ta coi là anh hùng dân tộc đâu.

Ðiểm thứ hai là con đường tới thành công của ông thật là trong sáng.

Từ phát minh ra đui đèn chĩa hai, đèn xe đạp, tới chế tạo ra radio "Kiểu trúng giải," rồi sau chiến tranh thì sản xuất "ba bảo bối" máy thu hình trắng đen, máy giặt và tủ lạnh, tất cả đều là những sản phẩm gia dụng gần gũi. Vì thế, ông được coi là người cải cách cuộc sống của người tiêu dùng.

Xưa nay, những người thành công trở thành tỷ phú có ít người là nhà cải cách mà phần lớn bị coi là đã dùng mánh lới buôn bán hoặc thủ đoạn chính trị bóc lột quốc dân đại chúng để tích lũy tài sản.

Chẳng hạn, người lập ra nhóm tài phiệt Mitsubishi, Iwasaki Yataro, quả là người tài. Thế nhưng, sự khởi nghiệp của ông là lập ra một công ty vận tải đường biển được chính phủ che chở. Rồi, nhờ có cuộc chiến tranh Tây Nam, ông chuyên chở lương thực quân nhu mà được lời to. Sau đó, "nhúng tay" vào than đá, ông cũng được cung cấp cho quân đội hay cơ quan nhà nước nên cũng lời lớn. Nghĩa là, có nhiều chi tiết về ông phải nói, song dù sao người đời cũng có ấn tượng rằng ông đã giầu to nhờ làm ăn với chính phủ.

Sau chiến tranh, còn nhiều doanh gia khác trở nên giầu sụ như Matsushita Konosuke. Nhưng phần đông những người đó đều nhờ trúng mánh về bất động sản, đường sắt hay than đá, nghĩa là dựa vào sự che chở của chính phủ, hoặc kinh doanh liều mạng, hoặc bám dính vào giới chính trị, nên nhiều khi bị nghi ngờ có sự mờ ám ở đằng sau lưng.

So với họ, Matsushita Konosuke chủ yếu phổ cập đồ điện gia dụng, nên được hâm mộ vì gần gũi với quốc dân hơn. Mỗi người cảm thấy cuộc sống được tiện nghi hơn nhờ sản phẩm mang nhãn hiệu National. Với hình ảnh một người cải cách về cả hai mặt, kỹ thuật và kinh doanh, Matsushita đã có những sáng kiến hay và dám mạnh bạo thực hiện những sáng kiến đó, vừa làm cho mỗi người được thoải mái đồng thời chính mình được giầu có. Người đời có ấn tượng tốt về ông là như vậy.


Khởi đầu kiểu "Kinh doanh Nhật Bản" với hình thức làm công suốt đời

Thứ ba là đã xây dựng nên kiểu Kinh doanh Nhật Bản thời hậu chiến.

Matsushita Konosuke là người đầu tiên có nhiều sáng kiến mới ở Nhật Bản. Trong những cái như vậy, sáng kiến dùng người suốt đời ông đưa ra trong những năm đại khủng hoảng kinh tế đầu thời Showa (tức là cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới hồi năm 1930). Hình thức thuê người suốt đời như vậy về sau đã lan rộng ra khắp nước Nhật và trong thời hậu chiến đã được gọi là kiểu Kinh doanh Nhật Bản.

Thật ra, tập tục thuê người làm suốt đời ở Nhật Bản trước kia đã bị hiểu lầm là kiểu Kinh doanh Nhật Bản, chứ thật ra không phải vậy.

Thuê người làm suốt đời là tập tục có từ xưa của Nhật Bản.

Nhưng, trước đây đã có người thuyết giải như sau:

Thời Tokugawa, khi một đứa trẻ vào làm công cho một thương gia, nó bắt đầu bằng "thằng nhỏ," rồi "thằng nhỡ," cuối cùng là "quản gia" và được "chia màn cửa[2]." Truyền thống này ngày nay được kế tục bằng hình thức thuê người suốt đời và thay cho sự "chia màn cửa" là khoản "tiền thôi việc[3]."

Hoàn toàn sai. Việc chủ nhà "chia màn cửa" cho người làm thời Tokugawa là truyện bịa đặt sau thời chiến tranh. Ngay trong thời làm ăn thịnh vượng Genroku, thì năm người hay mười người mới có một người làm tới "quản gia." Rồi trong đám "quản gia" như vậy cũng phải mấy người mới có một người được "chia màn cửa." Sang thời Kyoho, nếu không vào ở rể, thì đừng hi vọng được "chia màn cửa."

Sang đến thời Taisho và Showa (tức là trước cuộc chiến tranh thế giới I tới đầu cuộc chiến tranh thế giới II), "tỷ lệ đổi ngang lao động" ở Nhật Bản cao nhất thế giới. Ðổi ngang lao động là đổi chỗ làm việc theo chiều ngang: tài xế lái xe nơi này lại đổi sang nơi khác cũng lái xe, thợ tiện ở xưởng này lại đổi sang xưởng khác cũng vẫn là thợ tiện. Người ta nói, không có nước nào trên thế giới mà người lao động lại dễ dàng bị sa thải như ở Nhật Bản thời đó. Cho đến năm 1939, cho đến khi "luật nhà máy" được sửa đổi, không có gì ngăn chặn được sự sa thải bừa bãi như vậy. Thậm chí còn có lý luận khẳng định sự sa thải vô tội vạ như vậy, chẳng hạn "lý thuyết về lao động tha phương."

Công nhân nhà máy Nhật Bản cơ bản là người lao động tha phương. Họ là con trai thứ hay con gái nhà nông. Vì thế, dù có bị sa thải, họ vẫn được cha anh hay bà con cô bác ở quê hương tiếp đón nồng hậu. Họ vẫn có thể trở lại làm nghề nông được, tuy thu nhập giảm đi nhưng không sợ chết đói. Rồi chờ có cơ hội tốt lại ra thành thị làm công nhân hay làm thuê cho nhà buôn.

Quanh đi quẩn lại như vậy từ sau khi tốt nghiệp tiểu học, con gái bắt đầu đi làm từ tuổi 13, 14 cho tới khoảng 20 tuổi, dành dụm tiền mua vật dụng chuẩn bị đi ở riêng, con trai đi làm tới khoảng 40 tuổi, nếu mua được dăm ba sào ruộng bằng tiền dành dụm để quy nông, thì như thế được coi là ăn nên làm ra rồi. Nhật Bản lấy chế độ đại gia tộc làm trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục, cho nên người Nhật không câu nệ nơi làm việc. Người lao động không cần phải lập công đoàn đấu tranh phản đối sa thải. Ðó là chỗ đặc sắc của Nhật Bản.

Tóm lại, hầu hết người Nhật đều có nông thôn làm quê quán. Chỉ có một thời gian của đời người, họ đi làm tha phương ở nhà máy hay nhà buôn thôi. Như câu nói "nghề làm công lãnh lương là nghề bèo trôi bập bềnh," họ không quan niệm gửi gắm toàn thể cuộc đời mình cho nghề đi làm lãnh lương. Họ cũng không nghĩ rằng nơi làm việc có trách nhiệm với toàn thể cuộc đời mình.

Kasumi
10-02-2007, 01:11 PM
Với bối cảnh trên, cuộc đại khủng hoảng kinh tế đã bùng ra vào những năm 1929, 1930. Lúc đó, Matsushita Konosuke đã không sa thải nhân viên. Ông cho làm việc nửa ngày. Ngày nghỉ thì nhân viên cùng nhau đi bán sản phẩm tồn kho. Công ty ông nhờ thế đã vượt qua khỏi tình thế khó khăn. Như vậy, ông đã nghĩ ra và thực thi chính sách xí nghiệp có trách nhiệm đối với đời sống của công nhân.

May thay, như đã kể trên, từ máy radio "Kiểu trúng giải," doanh thu gia tăng khiến công ty ông không phải lo tới sa thải người nữa. Tuy có may mắn thật, song sáng kiến cố gắng vượt qua khó khăn của ông là độc đáo. Quả là sáng kiến của một người xuất thân lao động, hiểu thấu tâm can của người lao động. Phương thức này sau chiến tranh đã lan rộng ra tất cả các xí nghiệp và trở thành kiểu "Kinh doanh Nhật Bản" vậy.


Kỹ thuật thì Honda, Kinh doanh thì Matsushita

Matsushita Konosuke thường được xếp ngang hàng với Honda So’ichiro như là đại biểu cho những nhà kinh doanh mở nghiệp. Một bên là đồ điện một bên là ôtô, tuy khác nhau, nhưng đều là những sản phẩm đại trà đã phát triển thời hậu chiến cả. Nhưng giữa hai người, có một điểm khác nhau căn bản. Cả hai cùng xuất phát từ cảnh ngộ giống nhau, nhưng phương pháp kinh doanh quản lý của họ khác nhau lắm.

Honda So’ichiro khởi nghiệp từ xe môtô rồi sau mới tiến sang xe ôtô, nghĩa là chỉ đeo đuổi một mục tiêu duy nhất. Ông xuất phát từ một nhà kỹ thuật thuần túy, rồi cũng giã từ cuộc đời với tư cách nhà kỹ thuật thuần túy.

Nghĩa là, Honda So’ichiro say mê xe môtô và xe ôtô nên đã dốc toàn tâm toàn lực vào đó. Nhờ ngành ôtô thành công mà ông đã thành đạt. Chứ nếu ngành ôtô không thành công thì chưa chắc gì Honda đã trở thành một doanh gia vĩ đại.

Trong cuốn sách của mình nhan đề là "Ðắc ý giương buồm lên," Honda So’ichiro có viết ông đã làm cái đắc ý nhất và đã xả thân ra thực hành điều đó. Trong sinh hoạt cá nhân, Honda cũng ngang nhiên làm những gì ưa thích, không để ý đến con mắt những người xung quanh, như đeo dây xuyến vàng, lái máy bay, v.v.. Về mặt kinh doanh, ông cũng tự biết giới hạn của mình, vì thế, ông đã giao hẳn quyền kế toán và quản lý vốn liếng cho người phó của ông, là Fujisawa Takeo. Làm được như vậy, quả Honda là người xuất chúng, đồng thời không hề che đậy những điểm yếu của mình, điều này cũng chứng tỏ Honda là người giỏi.

Khi từ chức tổng giám đốc, ông nói ông đã gây dựng nên một công ty là theo ý thích của mình nên chủ trương không truyền lại cho con trai, rồi cùng với người phụ tá của mình rút chân khỏi mọi chức vị trong công ty. Ðiều này chứng tỏ ông là người biết mình, một người hạnh phúc đã đặt cả cuộc đời mình cho việc làm ưa thích, một nhân vật sống theo niềm tin của mình.

Ðối lại, Matsushita Konosuke là một doanh gia có quan niệm hài hòa. Từ đui đèn chĩa hai cho tới những sản phẩm điện gia dụng khác, ông đã có rất nhiều phát minh và sáng chế. Người ta nói số bằng phát minh của ông đứng hàng nhất nhì trong giới điện cơ. Thế nhưng bản thân ông không câu nệ vào một lãnh vực sản phẩm nào cả. Thậm chí, ông khéo xây dựng tổ chức và quan hệ người đối người, đến nỗi người ta ví ông là "Kinh doanh thì Matsushita." Ở điểm này, ông khác hẳn với Honda So’ichiro.

Nói cách khác, Matsushita tuy là một kỹ thuật gia ưu tú, nhưng chính về mặt tổ chức và quan hệ con người, ông đã phát huy tài thiên bẩm còn hơn thế nữa. Vì thế, ông đã xây dựng nên được tư tưởng và hệ thống kinh doanh kiểu Nhật Bản, từ mạng lưới cửa hàng bán lẻ, tới chế độ thuê người suốt đời.

Chế độ thuê người suốt đời mới chính là bước đầu của nền kinh doanh kiểu Nhật Bản. Từ năm 1933, ông đã áp dụng chế độ kinh doanh bộ môn, nghĩa là phân chia doanh nghiệp ra thành nhiều bộ môn một để phân tán quyền hạn. Ðây chính là tạo ra một cơ cấu quyết định theo chủ nghĩa tập đoàn, một đặc điểm vô cùng lớn của nền kinh doanh kiểu Nhật Bản.

Ở nước ngoài, tổng giám đốc là người nắm toàn quyền của công ty. Vì thế, quyết định được mau lẹ và trách nhiệm được minh bạch. Công ty Matsushita Denki Sangyo cũng thế, Matsushita Konosuke là người khởi nghiệp, lại được coi là "ông thánh kinh doanh," thì hẳn ông có quyền tuyệt đối. Nếu giữ nguyên tổ chức như vậy, ông hẳn sẽ trở thành độc tài. Ðể tránh điều đó, Matsushita Konosuke đã tìm cách phân tán quyền hạn bằng cách áp dụng chế độ kinh doanh bộ môn. Làm như vậy cũng chẳng lu mờ cái tính thần thánh của cá nhân ông đi mà lại phân tán được quyền hạn trong tổ chức. Thật ra, có thể nói chính vì ông biết rằng ông vẫn có thể có quyết định tối chung được, nên mới dám áp dụng chế độ kinh doanh bộ môn như vậy. Nói cách khác, ông đã khéo kết hợp sự phân chia quyền hạn với sự tập trung quyền uy.


Công bố và thực thi phong trào PHP

Lý do thứ tư khiến Matsushita trở thành anh hùng dân tộc được, là ông còn là nhà triết học thuyết giảng khái niệm kinh doanh nữa.

Như đã nói, chẳng bao lâu sau chiến tranh, ông đã có sáng kiến và phát động phong trào PHP. Làm được như vậy là vì ông có tự tin vào thành công trong việc chế tạo ra nhiều sản phẩm làm cho đời sống người dân tiện nghi hơn, đồng thời nâng cao thu nhập của người làm công và tạo ra sự phồn vinh cho các cửa hàng đại lý.

Sản xuất thật nhiều đồ điện gia dụng tiện lợi, rồi bán ra với giá rẻ, sẽ làm cho nền kinh tế phát triển, làm cho công ty chế tạo có lời, nhân viên được lương bổng cao, cửa hàng đại lý kinh doanh vững bền với hợp đồng làm ăn lâu dài với nhà sản xuất. Nghĩa là như vậy có thể trông nom được toàn diện mọi mặt. Matsushita đã ngay từ sớm xây dựng mạng lưới như vậy rồi.

Với thành tựu như trên, Matsushita Konosuke nghĩ rằng con người ta nếu làm ăn cần cù sẽ được sung sướng. Vậy ở thời buổi ngày nay, người ta nên nhờ sự phồn thịnh kinh tế mà ổn định cuộc sống hòa bình và hạnh phúc. Ðây là phản đề đối với tư tưởng quân phiệt đã gây ra chiến tranh, đã tìm cách xây dựng vùng Ðại Ðông Á Cộng Vinh Quyển[4].

Tư tưởng khuyến khích sự cần cù của Matsushita Konosuke có chỗ tương đồng với Ishida Baigan nói ở Chương VII. Có thể nói đó là tư tưởng "triết học cần cù" của thế kỷ XX. Song, khác với Baigan, ông không thuyết giảng sự tiết kiệm. Ðối với ông, việc sử dụng những sản phẩm văn minh như đồ điện gia dụng, là tốt. Nhờ dùng những sản phẩm như vậy mà công việc lao động giảm đi, các bà nội trợ có thêm thời giờ nhàn rỗi, thì đó là điều hay.

Năm 1946, khi Matsushita lập ra Viện Nghiên cứu PHP với mục đích chính là để quảng bá tư tưởng của ông, hơn là bắt tay vào công tác văn hóa xí nghiệp. Thời ấy, ở Nhật Bản chưa có khái niệm hoàn trả lại xã hội một phần lợi nhuận đã thâu được từ xã hội. Ông đã lập ra Viện Nghiên cứu PHP vào lúc mỗi người sống trong sự bất an của thời kỳ bị chiếm đóng. Bản thân Matsushita bị hạn chế đủ thứ bởi những luật lệnh mới về dân chủ và về kinh tế. Ông không nghèo nhưng cũng không lấy gì làm giầu. Tương lai thì u ám không có triển vọng tốt đẹp. Chưa kể, không chừng ông có thể bị tống giam lúc nào chưa biết.

Trước nhất, ông đã bỏ tiền riêng ra để truyền bá "triết học Matsushita". Nhiều người khuyên ông nên tổ chức thành Hội công ích để được lợi về mặt thuế khóa, nhưng ông đã không làm như vậy. Ông giữ nguyên hình thức công ty cổ phần. Có lẽ ông muốn tách rời hẳn vấn đề văn hóa xí nghiệp ra với những vấn đề văn hóa khác.

Viện nghiên cứu PHP, với mục đích quảng bá tư tưởng của Matsushita Konosuke, hướng dẫn quần chúng về mặt tư tưởng, nay đã trở thành một cơ quan xuất bản và tu nghiệp quy mô, truyền bá một loại tư tưởng mới đáng gọi là "văn hóa PHP." Viện nghiên cứu này chủ trương kinh tế tự do và chủ nghĩa dân chủ. Còn hơn thế nữa, hoạt động của viện đã chỉ nhờ vào sự kinh doanh cá nhân của Matsushita Konosuke. Ông quan niệm:

"Tiền hoạt động của mình do mình tự kiếm ra, như thế hoạt động mới phát triển và kéo dài vĩnh viễn được. Làm việc gì có ích cho đời, tự nhiên sẽ có tiền."

Thật là một ý thức tự giác kinh doanh mãnh liệt. Cho nên, sự kiện Viện Nghiên cứu PHP đã được tổ chức thành một công ty cổ phần, và hoạt động sao cho có lời, là triết lý độc đáo của chính Matsushita.

Qua những bài luận thuyết trên tạp chí cơ quan của Viện Nghiên cứu PHP và những tác phẩm khác, Matsushita đã liên tục biểu đạt tư tưởng của mình.

Ví dụ, xí nghiệp phải có nguồn vốn nội bộ như nước chứa trong đập, lúc tháo ra lúc đổ vào, chứ không nên làm ăn kiểu gạo ăn đong từng bữa. Ông triển khai lý luận về "kinh doanh kiểu đập nước," trong đó ông khẳng định quyền ưu tiên cho việc bảo lưu vốn nội bộ, và kết luận rằng giới kinh doanh Nhật Bản nên làm như vậy.

Lý luận trên của ông như vậy là ngược hẳn với tinh thần chủ nghĩa tư bản Âu - Mỹ, theo đó xí nghiệp chỉ là hình tức trá hình, lợi nhuận của xí nghiệp phải được chia đều cho cổ đông. Nhưng, lý luận của ông đã được người Nhật tiếp nhận và sự chia phần lời thấp cho cổ đông đã trở thành thông lệ ở Nhật Bản. Thậm chí, lời nói của ông khẳng định lợi nhuận thích đáng, như gọi đó là "phần thưởng" của người tiêu dùng, cũng đã được mỗi người đồng tình.

Xí nghiệp nhờ có lợi nhuận mới đứng vững được. Ðồng thời, giảm giá thành sản phẩm xuống, sản xuất đại trà để cung cấp được thật nhiều. Như vậy ổn định được sự sử dụng lao động, xúc tiến được sự tiêu dùng, và kết quả là mỗi người đều sung sướng cả. Ðó là "triết học tăng trưởng" của Matsushita.

Kasumi
10-02-2007, 01:11 PM
Với niềm tin đối với chủ trương xí nghiệp phải có lời như vậy, Matsushita Konosuke cuối cùng đã trở thành người đề xuất cải cách chính trị ở tuổi quá 90. Trong những năm cuối đời, ông nói không ra tiếng nữa, người thường nghe không được, phải nhờ người thư ký riêng quen nghe tiếng nói của ông diễn đạt lại mới hiểu, nhưng sự nhiệt tâm của ông muốn làm cho Nhật Bản trở nên tốt hơn nữa, vẫn không hề suy giảm.

Trong những cải cách chính trị của ông, có những đề nghị như đại cải cách toàn quốc, bỏ hẳn mỗi thứ thuế, nghĩa là biến Nhật Bản thành một quốc gia không có thuế.

Matsushita đã chỉ dẫn thành công cho nhiều nhà kinh doanh cửa hàng đại lý, rồi nhiều nhà kinh doanh xí nghiệp. Sau cùng, ông cảm thấy cần phải đào tạo thêm nhiều nhân tài để cải cách Nhật Bản. Cho nên, ông đã lập ra trường "kinh tế chính trị Matsushita." Rồi ông lại tổ chức "Hội tọa đàm Kyoto," tự mình làm chủ tọa và tiếp tục tham gia cho tới 90 tuổi, chịu khó lắng nghe ý kiến của những học giả.


Xúc tiến chí hướng lập thân xử thế

Người Nhật ngày nay đã chịu ảnh hưởng gì, đã tiếp thu ý thức gì của Matsushita Konosuke?

Trước nhất, đó là tư tưởng về "nghề buôn bán là nghề bán hạnh phúc."

Xưa nay, người ta quan niệm rằng nghề buôn bán chỉ có mục đích ích kỷ là làm giầu. Hơn nữa, phần lớn người ta đều cho làm rằng lao động là cực nhọc, mà chỉ có tiêu tiền kiếm được sau khi lao động cực nhọc, mới là sung sướng.

Matsushita Konosuke đã thoát ra khỏi cái quan niệm đó, ông coi nghề buôn bán là nghề làm cho thiên hạ được sung sướng. Do đó, làm việc là thú vui, xí nghiệp là nơi có lẽ sống. Xí nghiệp là một cộng đồng sinh hoạt, từ đó chế tạo rồi bán ra sản phẩm làm cho đời sống gia đình tiện nghi, và như thế làm cho thế gian trở nên hạnh phúc. Với ông, bản chất của nghề buôn bán là đem lại hạnh phúc trước nhất cho nhân viên xí nghiệp, rồi cho gia đình người tiêu dùng và rốt cục cho toàn thế gian. Như vậy, ông đã đưa ra khái niệm mới coi "nghề buôn bán là nghề bán hạnh phúc" và suốt đời đã không ngừng cống hiến cho mục đích này.

Sự mỹ hóa nghề buôn bán, tư tưởng cộng đồng hóa xí nghiệp, đòi hỏi lòng ham muốn lao động và lòng trung thành của nhân viên với xí nghiệp, đều là sự "tán dương con người xí nghiệp."

Xem như trên, ta thấy Matsushita Konosuke đã làm thành một đôi tương xứng với Ikeda Hayato. Cái mà Ikeda Hayato nghĩ về mặt chính trị, thì Matsushita thực hành về mặt kinh doanh. Nhờ hai bánh xe chính trị và kinh doanh như vậy mới tạo ra nước Nhật tăng trưởng trong thời hậu chiến được.

Thứ hai, ông đã cổ súy cho triết lý lập thân xử thế.

Với hai bàn tay trắng dựng nên nghiệp lớn, Matsushita đã cưu mang hàng mấy chục ngàn người làm, làm giầu cho bao nhiêu cổ đông, mang lại tiện nghi hạnh phúc cho biết bao nhiêu gia đình trên toàn quốc Nhật Bản. Nhìn vào cái hình ảnh đó, nhiều người Nhật khác cũng đã ôm ấp một giấc mơ tương tự.

Thời hậu chiến, tỷ lệ học sinh trung học tiến lên bậc đại học, đã tăng lên gấp mấy lần so với thời tiền chiến. Sự thi đậu vào trường đại học trở nên khó khăn. Vì thế, ai nấy đều không lấy làm hổ thẹn khi nêu cao mục tiêu: đậu vào trường đại học hạng nhất, đỗ đạt rồi đi làm cho xí nghiệp hạng nhất.

Bản thân mình học đại học hạng nhất, con cái cũng cho vào đại học hạng nhất. Ðể được như vậy, từ bậc tiểu học đã đi học thêm, nào lớp tư thục, rồi lớp luyện thi. Ðậu đại học rồi, thì chen chân vào xí nghiệp có khả năng phát triển, mau chóng tiến thân đừng để chậm hơn người khác. Ðể được như vậy, thì làm thêm giờ hay làm cả ngày nghỉ cũng không quản ngại. Rồi mau mau mua nhà, con trai cũng lại cho vào đại học hạng nhất. Ngày nay nỗ lực của người ta, là để đạt được mục tiêu ấy. Sự nỗ lực không mệt mỏi, cái chủ nghĩa hướng tới tương lai, hướng tới thành công trong xử thế ấy, đã đóng vai trò to lớn là làm cho nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng.

Giấc mộng lập thân xử thế như trên đã ăn sâu vào lòng người Nhật thời hậu chiến. Nhưng, khôi hài thay, truyền bá giấc mộng ấy lại là Matsushita Konosuke, một người ít học chính quy nhưng đã thành công.

Thời Minh Trị, giấc mộng của người ta là "Sau này làm nên đại tướng hay đại thần (bộ trưởng)." Nhưng thực tế là có rất ít người đạt được như vậy. Phần đông người ta đã bỏ giấc mộng đó từ sớm, đã thôi học từ bậc tiểu học.

Thời hậu chiến, thanh thiếu niên Nhật ít người còn ôm những giấc mộng lớn không tưởng nữa. Họ bằng lòng với một giấc mộng nhỏ: đó là tốt nghiệp một đại học hạng nhất rồi vào làm cho một công ty hạng nhất. Chính vì như vậy, mà đông người có thể cùng có chung một giấc mộng được. Trong đám người như vậy, sự hiện diện của một vị anh hùng ít học như Matsushita Konosuke, đã cho người ta một lời bào chữa kỳ diệu. Họ nói: tụi tôi đeo đuổi giấc mộng cỏn con bằng cách chăm lo học thi, trở thành người xí nghiệp, nhưng quyết không hề coi thường hay miệt thị những người ít học. Hãy coi Matsushita Konosuke, không thấy toàn dân Nhật kính trọng ông đó sao?

Giấc mộng Mỹ (American Dream) là ai cũng có thể thành công lớn, ai cũng có thể trở thành đại phú hào. Ðó là giấc mộng từ ngôi nhà tranh thành tổng thống (Abraham Lincoln) hoặc từ một cái vali hành lý thành đại doanh gia, tức là giấc mộng xuất phát từ những cá nhân thành công.

Giấc mộng Nhật Bản (Japanese Dream) thì khác. Ðó là: học luyện thi, đậu trường đại học kha khá, vào làm công ty kha khá hay cơ quan công quyền để có cuộc sống ổn định, không lo bị sa thải, có tiền tiêu vặt, có nhà riêng. Rồi giá bất động sản tăng lên thì cũng trở nên giầu có vừa vừa. Ðó chính là một giấc mộng xã hội bình thường, mà Matsushita Konosuke ấp ủ với chế độ làm thuê suốt đời và chế độ phân tán quyền hạn của đường lối kinh doanh Nhật Bản thời hậu chiến.


Ðẻ ra "người xí nghiệp" và "xã hội chức lộc"

Như nói trên, thành tựu thứ ba của Matsushita Konosuke là "Kinh doanh kiểu Nhật." Hình thức kinh doanh này lan rộng ra đã đẻ ra "người xí nghiệp" và "xã hội chức lộc."

Với thành công ở công ty Matsushita Denki Sangyo, Matsushita Konosuke lý luận rằng mỗi xí nghiệp nên áp dụng đường lối thuê người suốt đời. Trong thời kỳ trước chiến tranh và ngay trong khoảng mười năm sau chiến tranh, hầu hết các nhà kinh doanh khác ở Nhật Bản đều phủ nhận đường lối đó. Họ vẫn tiếp tục đường lối sa thải tùy ý trong kinh doanh. Vì thế, đã xẩy ra nhiều cuộc đấu tranh gay gắt của người lao động, như vụ Shimoyama[5] và vụ Matsukawa[6] của Hệ thống đường sắt quốc doanh, hay những vụ khác như vụ đình công của ngành điện cơ, vụ ngày Lao động đẫm máu, v.v..

Thế rồi, kinh tế Nhật Bản phục hồi nhanh chóng. Năm 1950, cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Các xí nghiệp Nhật Bản bắt đầu tích cực giữ người làm. Thế rồi từ năm 1955 thì chế độ thuê người suốt đời mới bén rễ. Nghĩa là sự việc đã đúng như "Matsushita Konosuke đã nói."

Những nước công nghiệp tiến bộ phương Tây như Anh, Ðức, Mỹ, tất cả đều có một thời kỳ kinh tế phát triển mạnh. Ðó là thời kỳ các công nghiệp đại quy mô thành hình, hệ thống lưu thông vật tư và giao thông được hiện đại hóa. Trong quá trình ấy, xã hội địa vực và chế độ gia đình bị băng hoại, thành thị tràn đầy những người "lao động tự do." Nhưng sự phát sinh ra "người xí nghiệp" và "xã hội chức lộc" như ở Nhật Bản, thì không thấy có ở nước nào khác cả.

Tại sao như vậy? Ðó là vì trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao độ sau chiến tranh, thanh niên nông thôn đã đổ xô ra thành thị, làm trong các xí nghiệp, ở trọ trong ký túc xá hay chung cư của xí nghiệp. Vì thế, một mặt thì cộng đồng xã hội địa vực ở nông thôn bị "băng hoại", mặt khác cộng đồng địa vực ở thành thị lại không thành hình. Do đó, đám người lao động từ nông thôn ra thành thị chỉ có nơi làm việc để nương tựa cho nên họ bám chặt lấy xí nghiệp.

Như vậy đó là lý do khách quan làm cho người Nhật thời hậu chiến phát triển thành "người xí nghiệp." Thêm vào đó, là chủ trương của Matsushita Konosuke cộng đồng hóa xí nghiệp thành nơi làm việc suốt đời. Như vậy đủ làm cho người Nhật có ý thức quy thuộc thân phận vào xí nghiệp. Xí nghiệp cũng lợi dụng ý thức đó cổ võ cho lòng trung thành đối với xí nghiệp.

Xí nghiệp xây ký túc xá cho người làm công từ thôn quê ra. Xí nghiệp chuẩn bị đầy đủ cơ sở an sinh phúc lợi, khuyến khích và tài trợ các hoạt động câu lạc bộ như câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ nghệ thuật cắm hoa, câu lạc bộ giải trí, v.v.. Ðể mua hàng, thì xí nghiệp tổ chức hợp tác xã bán hàng hóa với giá rẻ cho người làm công. Ði du lịch thì ở trọ ngay các cơ sở nghỉ ngơi của xí nghiệp, vừa rẻ vừa tiện lợi. Tóm lại, xí nghiệp làm mọi cách giữ người lại cho mình.

Kinh doanh kiểu Nhật Bản như vậy là do Matsushita Konosuke nghĩ ra và thực hiện trước nhất. Rồi sau khi "thể chế năm ’55" được xác lập thì kiểu kinh doanh như vậy lan rộng ra toàn nước Nhật, và dần dần trở thành "đặc điểm Nhật Bản."

Kasumi
10-02-2007, 01:12 PM
Kết quả là "người xí nghiệp" không giao thiệp với người ngoài xí nghiệp. Họ trở nên kinh sợ đối với vấn đề chuyển đổi nơi làm việc, vì sợ mất hết bạn đồng nghiệp, mất hết bạn chơi.

Nói một cách tượng trưng, "xã hội chức lộc" do "người xã hội " tạo thành, là nơi dù gặp khó khăn cũng không sa thải nhân viên, như Matsushita Konosuke đã làm trong thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế. Sự kiện Matsushita Konosuke không sa thải người trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, ít nhất cũng đã trở thành truyện "thần thoại" có hiệu quả lớn đối với sự xác lập của hình thức kinh doanh Nhật Bản.


Tạo ra ảo tưởng coi doanh gia là "tài giỏi"

Ðiều thứ tư, là sự kiện Matsushita Konosuke một mặt thực hiện hết lý tưởng nọ tới lý tưởng kia của mình, mặt khác đã đề xuất nhiều cải cách, đã phát sinh ra ở Nhật Bản thời hậu chiến một xu hướng coi "doanh gia là tài giỏi."

Ai ai cũng nhìn nhận Matsushita là một doanh gia vĩ đại. Ông không dừng lại ở vị trí một doanh gia, ông còn đề xuất nhiều cải cách được mỗi người hưởng ứng, lôi kéo sự chú ý của đại chúng.

Thật ra, người như Matsushita Konosuke khó có thể tìm thấy được người thứ hai. Ở bất cứ nước nào, doanh gia là người kinh doanh xí nghiệp sao cho thu được nhiều lợi nhuận. Những doanh gia thành công, đã đem một phần tài sản của mình ra trả lại xã hội bằng cách ủng hộ, tài trợ các loại hình nghệ thuật, giúp làm sạch đẹp thành phố, xây dựng cơ sở từ thiện, thì có rất nhiều.

Thế nhưng, một doanh gia hiện dịch đã có ảnh hưởng xã hội như một triết gia, có tiếng nói làm mỗi người tin nghe, tạo ra trong xã hội lề lối tham khảo ý kiến doanh gia, là điều đặc trưng của xã hội Nhật Bản thời hậu chiến.

Ngày nay, ở Nhật Bản, những ủy ban tư vấn, những hội đồng thẩm nghị, những sự kiện quốc tế đều có một doanh gia đứng làm chủ nhiệm. Ðiều này đã trở thành thông lệ.

Thời trước chiến tranh, doanh gia bị coi là chỉ biết đến lợi riêng chứ ít nghĩ tới công ích. Do đó, những chức chủ tịch ủy ban, hội đồng có tính cách công cộng, không bao giờ tới tay các nhà kinh doanh cả. Trước hết là quý tộc, rồi đến những người có kinh nghiệm lập pháp và hành chính, tức là những người xuất thân từ quan trường rồi trở thành nghị viên thượng viện (viện quý tộc), sau đó là các tướng lĩnh hồi hưu hay các giáo sư đại học.

Ở nước ngoài thì ngay ngày nay vẫn vậy, hàng đầu là dòng dõi vương tộc hay quý tộc, thứ đến là các nhà tôn giáo hay cựu quân nhân, sau đó mới là học giả, trí thức, văn nhân. Những nhà kinh doanh xí nghiệp thường chỉ được tham khảo ý kiến mà thôi.

Ví dụ, năm 1992 Hội chợ quốc tế đã được tổ chức ở Sevilla, tôi (Sakaiya Taichi) giữ nhiệm vụ giám đốc tổ chức gian hàng Nhật Bản. Nhìn qua danh sách ủy viên các nước khác có nhiệm vụ tương đương, thì thấy nào là vương tộc, nào là quý tộc, rồi nhà tôn giáo, cựu quân nhân. Các nước châu Âu nước nào cũng như vậy cả. Hoa Kỳ thì thay cho vương tộc quý tộc là những người thuộc dòng dõi đại phú hào (như Rockefeller, Ford,...) chứ không thấy bóng một nhà kinh doanh nào cả. Các nước khác cũng tương tự.

Ở Nhật Bản sau chiến tranh, những cựu quân nhân thuộc lực lương phòng vệ Nhật Bản ít có khi nào được coi là người có học thức từng trải, trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt. Nhà tôn giáo thì không bao giờ được kể đến. Rốt cục chỉ còn doanh nhân và cựu quan chức. Trong số này, doanh nhân thường ngồi ở ghế chóp bu. Ví dụ, Hội đồng thẩm nghị kinh tế, Hội đồng thẩm nghị di chuyển chức năng thủ đô, Ủy ban khắc phục hậu quả động đất Hanshin - Awaji, v.v., tất cả đều có chủ tịch là chủ tịch Keidanren, chủ tịch Kankeiren hay chủ tịch Doyukai (tất cả đều là đoàn thể doanh gia).

Sở dĩ như vậy một phần là quả thật có nhiều nhà kinh doanh tài giỏi, nhưng cũng một phần là vì hình ảnh vị anh hùng dân tộc Matsushita Konosuke quá ấn tượng. Ông không hề giữ một chức vụ công cộng nào cả nhưng ông đã có những lời "phát biểu tốt." Nhất là những năm cuối đời, ông đã rời xa khỏi vấn đề lợi ích của xí nghiệp mà phát biểu từ quan điểm cao xa, rằng xí nghiệp phát triển là lợi ích chung cho quốc gia dân tộc. Quan điểm này đã thấm sâu vào mỗi tầng lớp xã hội. Kết quả là mỗi người cho rằng các nhà kinh doanh xí nghiệp có con mắt nhìn bao quát thiên hạ.

Sự đánh giá quá cao như vậy một mặt là niềm hạnh phúc cho giới doanh gia, đồng thời mặt khác lại là một gánh nặng cho họ.


Ðã đến lúc vượt qua ảnh hưởng của vĩ nhân

Matsushita Konosuke mất tháng 4 năm 1989, tức là chỉ bốn tháng sau khi niên hiệu Showa chấm dứt. Thật là một nhà kinh doanh tiêu biểu cho sự vinh quang của thời Showa, đã sống và chết với thời đại đó. Có thể nói, ông đã sống một thời đại xứng đáng với một triết gia có chủ trương rằng sự phát triển của xí nghiệp phải gắn liền với hạnh phúc của quốc dân.

Nhưng, những gì Matsushita đã làm, có nhiều cái không còn hợp với thời đại ngày nay nữa. Ðã đến lúc cần có cái gì khác vượt lên trên ảnh hưởng do ông để lại cho thời đại Showa.

Vậy thì lý tưởng và hệ thống do Matsushita đưa ra, ngày nay vấp phải hạn chế nào?

Năm 1930, từ lúc Matsushita bắt đầu sản xuất đại trà kể từ radio "Kiểu trúng giải," thì chế tạo đại trà sản phẩm quy cách tốt, rồi bán nhiều sẽ làm cho giá hạ xuống và sản phẩm được phổ cập. Ðó là đúng nguyên lý công nghiệp hiện đại. Matsushita đã quan niệm được điều đó một cách hoàn toàn đúng. Phương thức sản xuất đại trà theo quy cách đã tiếp tục được áp dụng trong thời hậu chiến cho đủ mỗi sản phẩm, từ TV, tủ lạnh, thậm chí máy vi tính...

Nhưng gần đây, sự sản xuất đại trà theo quy cách dần dần đã vấp phải hạn chế. Ðó là quan niệm đối với sự chế tạo đồ cứng. Chứ đối với đồ mềm[7] thì sự sản xuất đại trà theo quy cách có giá trị ít, thậm chí có nhiều chỗ không nên làm. Thời đại tin học đòi hỏi đồ mềm hơn là đồ cứng, phẩm chất hơn là số lượng.

Matsushita Konosuke và công ty Matsushita Denki Sangyo là nhà vô địch về sản xuất đại trà theo quy cách, là tượng trưng của thời đại công nghiệp tiên tiến. Nhưng Nhật Bản ngày nay đã vấp phải giới hạn. Nếu chỉ đơn thuần là vấn đề sản xuất đại trà theo quy cách, thì các nước châu Á có nhân công rẻ hơn Nhật Bản, cũng làm được.

Thứ hai là giới hạn của phương pháp kinh doanh kiểu Nhật Bản. Nhất là thể chế thuê người suốt đời khó mà duy trì được trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang diễn ra khốc liệt. Thể chế thuê người suốt đời chỉ hữu hiệu trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh, xí nghiệp liên tục tăng trưởng, dân số gia tăng và sức lao động trẻ có nhiều. Thời đại Showa chính là thời kỳ như vậy cho nên thể chế thuê người suốt đời mới thành công. Tuy nhiên, từ khi bước vào thời đại Heisei (từ năm 1989), số nhân viên cao tuổi có lương lớn tăng lên, và xí nghiệp gặp phải những khó khăn sâu sắc. Ở Nhật, năm 1995 là năm mà tỷ lệ dân số trẻ lên tới tột đỉnh rồi từ đó bắt đầu giảm dần đi. Vì thế, chế độ thuê người suốt đời đã tới giới hạn.

Thứ ba, Matsushita Konosuke đã nêu ra "triết lý cần cù" của thế kỷ XX. Nhưng bây giờ là lúc phải xem xét lại. Thế kỷ XX có nhiều tư tưởng hay ý thức hệ nhưng tựu trung có thể gom thành ba loại. Thứ nhất là "chủ nghĩa cần cù có hiệu suất" mà Henry Ford chủ trương khi chế tạo ôtô, hay Matsushita Konosuke thuyết giảng khi sản xuất đồ điện gia dụng. Tư tưởng đó là làm việc với hiệu suất cao để gia tăng sản xuất, và nhờ đó mỗi người được hạnh phúc. Thứ hai là "chủ nghĩa bình đẳng về kết quả." Ðây là lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Thứ ba là "chủ nghĩa khoái lạc," chủ trương giải trí vui chơi, làm cho mỗi người vui vẻ, thoải mái, kiểu vua hài Charles Chaplin, kiểu vua phim hoạt hình Walt Disney, kiểu nhạc rock The Beatles, v.v.. John Lehnon, một thành viên của nhóm The Beatles này là, đã nói: "Nghĩ cho cùng, tôi chỉ quan tâm đến Yêu và Hòa Bình."

Trong thế giới sau chiến tranh lạnh, chủ nghĩa khoái lạc này đã lan tràn và trở nên một sức mạnh đáng nể. Chủ nghĩa cần cù có hiệu suất cao kiểu Ford-Matsushita cần phải thay hình đổi dạng thế nào để thích nghi với tình huống này. Ðại diện cho chủ nghĩa hiệu suất cao, Matsushita Konosuke có niềm tin chắc chắn rằng "là nhà cung cấp, công ty Matsushita Denki Sangyo cương quyết cung cấp sản phẩm tốt nhất," nhưng ông lại nghĩ rất ít về sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Tóm lại, đối với người Nhật trong thời đại Heisei này, cái gì nên giữ lại và cái gì nên vượt qua trong ảnh hưởng của Matsushita Konosuke, con người vĩ đại tượng trưng cho thời đại Showa, là đề tài phải suy nghĩ.

Kasumi
10-02-2007, 01:12 PM
Chú thích:

[1] Nguyên văn "Ima Taiko," tức là vị "Thái cáp đời nay." Thái cáp là từ tôn xưng quan tể tướng. Ở Nhật Bản, khi nói đến Taiko người ta thường ám chỉ Toyotomi Hideyoshi, một người cũng xuất thân đi ở đợ sau làm đến tể tướng (1537-1598).

[2] "Chia màn cửa" là dịch nguyên văn từ Noren-Wake. Noren là tấm màn vải viết tên và nhãn hiệu của nhà hàng treo ngay cửa vào nhà hàng. Người làm công lâu năm sau khi đã lên tới hàng quản gia, được chủ cho phép ra mở tiệm riêng và được phép dùng thương hiệu của chủ. Việc cho phép như vậy gọi là Noren Wake.

[3] "Tiền thôi việc" là dịch từ Taishoku-Kin. Taishoku-Kin là một món tiền lớn mà một người làm công lâu năm nhận được vào lúc thôi việc. Thông thường số tiền này được tính theo tỷ lệ mỗi năm thâm niên được từ một tới vài tháng lương, tùy theo số năm làm việc ít hay nhiều. Một người có thâm niên hai ba chục năm, có thể được lĩnh món tiền thôi việc lên tới năm bảy chục tháng lương. Món tiền này biệt lập với tiền hưu trí.
[4] Ðại Ðông Á Cộng Vinh Quyển, là khái niệm xây dựng một khối thịnh vượng chung rộng lớn bao trùm từ Trung Quốc, Mãn châu cho tới hết Ðông Nam Á, đuổi hết người da trắng (Âu Mỹ) đi, hòa hợp tất cả các dân tộc Á châu lại với nhau lấy Nhật Bản làm minh chủ. Ðây là lý luận chính đáng hóa cuộc chiến tranh chiếm đoạt thuộc địa của Nhật Bản trong thời kỳ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
[5] Tháng 7 năm 1948, trong lúc nội các Yoshida đang cắt giảm bớt biên chế của hệ thống đường sắt quốc doanh Nhật Bản, thì người ta tìm thấy thi thể của Shimoyama Sadanori, tổng giám đốc hệ thống đường sắt này, bị vứt bỏ trên tuyến đường sắt Joban. Hai thuyết, tự sát và tha sát, đã đối lập với nhau trong vụ này.

[6] Ngày 17 tháng 8 năm 1949, xe lửa bị lật đổ ở gần ga Matsukawa trên tuyến Tohoku Honsen. Một số người hoạt động công đoàn đấu tranh phản đối sự cắt giảm biên chế, đã bị đưa ra tòa xét xử. Phán quyết của tòa sơ thẩm và tòa thượng thẩm đều là có tội, song đến tòa tối cao thì tất cả đều được trắng án.

[7] Ðồ cứng, đồ mềm là dịch từ hardware và software của Anh ngữ. Nó tương tự như phần cứng phần mềm. Nhưng phần cứng và phần mềm chỉ áp dụng được cho hardware và software của máy vi tính thôi. Ở đây, đồ cứng, đồ mềm được dùng với ý nghĩa bao quát hơn. Ví dụ: Một bức danh họa tuy được vẽ trên vải bố, tức là một đồ cứng, nhưng cái giá trị của nó không phải là miếng vải bố, mà là những đường nét vẽ, cho nên phải coi nó là một đồ mềm. Giá trị của một cuốn tiểu thuyết hay cũng vậy, không phải là ở khía cạnh cứng của nó, tức là ở giấy in tốt ở mực in đẹp, mà là ở nội dung, ở văn chương, tức là ở khía cạnh mềm. Vậy phải coi đó là một đồ mềm hơn là một đồ cứng.

Kasumi
10-02-2007, 01:13 PM
Lời kết

Trong tình trạng xã hội kinh tế đang được toàn cầu hóa và "mềm hóa[1]," tính sáng tạo của người Nhật đã được bàn luận rất nhiều.

Từ xưa, người Nhật học hỏi, gạn lọc, tiếp thu rồi sử dụng kỹ thuật và chế độ, tư tưởng và học vấn của Trung Quốc và của Tây Âu. Nhờ vậy, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế, một nước tiên tiến về giáo dục, thậm chí một nước kỹ thuật hàng đầu về chế tạo đại trà theo quy cách. Nhưng bước vào thời đại "mềm hóa," thì việc bắt chước người khác không thôi là chưa đủ. Người Nhật vốn ít có những phát minh, sáng chế có tình cách mạng, liệu có thể qua nổi thời đại đại cạnh tranh sắp tới không.

Người Nhật quả đã nhiệt tâm tiếp thu văn hóa ngoại lai. Từ cổ xưa, là kỹ thuật hay chế độ một khi Nhật Bản đã học được rồi, thì chỉ bốn mươi năm sau thôi, Nhật Bản đã làm được còn hơn cả "nước thầy." Kỹ thuật đúc đồng học từ Trung Quốc thời Nara (thế kỷ VIII), kỹ thuật đúc súng học từ người Bồ Ðào Nha thời Chiến quốc (thế kỷ XV, XVI), kỹ thuật chế sợi và dệt vải thời Minh Trị (thế kỷ XIX), tất cả đều như vậy. Nói Nhật Bản chỉ cần 40 năm để vượt hơn nước thầy, không phải chỉ đúng trong trường hợp đồ điện gia dụng hay xe ôtô thời hậu chiến.

Người Nhật mặt khác cũng đã phát huy tính sáng tạo độc đáo. Sách này chọn 12 người trong đó có cả nhân vật hư cấu, cả người ngoại quốc. Kể cả nhưng người đó, h đã ảnh hưởng tới người Nhật, rồi từ ảnh hưởng của họ, người Nhật đã tạo ra một nền văn hóa có một không hai trên thế giới này.

Chẳng hạn, quan niệm tôn giáo do Thái tử Shotoku đưa ra là một sáng tạo độc đáo. Trong lúc chủ nghĩa nguyên lý của đạo Cơ đốc và đạo Islam đang bộc hưng khiến cho sự đối lập tôn giáo có thể sẽ trở nên kịch liệt, không chừng tư tưởng tôn giáo mà người Nhật kế thừa từ Thái tử Shotoku có thể có giá trị thực dụng trên toàn thế giới.

Cấu tạo quyền lực hai tầng do Minamoto Yoritomo nghĩ ra, chế độ tách rời quyền hạn và quyền uy, cũng là những cơ chế không thấy có ở nơi khác trên thế giới. Hơn thế nữa, với cơ chế này, chế độ mạc phủ mạc tướng, tức là "quan chế ngoài luật lệnh," đã có thể tồn tại được gần bảy trăm năm, là điều đáng kinh ngạc. Nghĩa là, người Nhật có bản năng khẳng định về mặt luân lý để duy trì cái gì họ thấy là tiện dùng.

Tâm học Thạch môn là một triết lý độc đáo đáng hãnh diện với thế giới. Ý tưởng độc đáo này đã ăn sâu vào tâm khảm người Nhật cho tới ngày nay như thế nào, thật là điều đáng nể.

Kể từ thời Minh Trị trở đi, nói là học hỏi kỹ thuật và cơ chế của nước ngoài, thực ra người Nhật đã thêm vào đó cách giải thích và mục tiêu riêng của mình.

Chẳng hạn, Shibusawa Ei’ichi, sau khi xuất ngoại học hỏi được hiểu biết mới trở về, quả đã lập ra ngân hàng, gây dựng công ty, nhưng thực ra ông dạy và quảng bá "chủ nghĩa góp vốn," "chế độ phe phen" của giới doanh nghiệp, tức là những thứ không có ở Âu - Mỹ.

Ikeda Hayato cũng thế. Tuy ông dùng những từ kinh tế quen thuộc trên thế giới như GNP, như kế hoạch kinh tế, nhưng đến khi thực hành thì ông làm khác hẳn. Nghĩa là tuy ông xen kẽ vào lý luận của mình những ngôn từ của học vấn Âu - Mỹ, nhưng thực chất ông đã thực hành một chủ nghĩa kinh tế Nhật Bản độc đáo.

Những kỹ thuật Matsushita Konosuke áp dụng, đều đã phát sinh ra ở Âu - Mỹ. Những phát minh sáng chế của ông đều là kỹ thuật ứng dụng, mang tính cải thiện, cải cách. Nhưng, đường lối kinh doanh kiểu Nhật Bản của ông là hoàn toàn độc đáo. Với ông, kỹ thuật điện hay điện tử thật ra chỉ là những trang trí sân khấu để cho ông hoàn thành lý luận về kinh doanh kiểu Nhật Bản.

Tưởng không cần nói rằng 12 người nói tới trong sách này, chỉ là một phần nhỏ trong nhiều người đã lập ra nước Nhật. Bởi người Nhật sống trên một tầng thổ nhưỡng văn hóa dầy đặc, do vô số tiền nhân vun đắp thành. Cái sự nghiệp đáng nói của các bậc tiền nhân dân tộc Nhật Bản là không để mất cái đã có trong quá trình tiếp thu cái mới. Phật giáo lan rộng ra nhưng người ta vẫn tiếp tục thờ Thần đạo. Mạc phủ mạc tướng được lập ra, nhưng quan thái tể vẫn không bị phế đi. Cơ chế và kỹ thuật Âu - Mỹ được truyền bá rộng rãi, nhưng tinh thần học Thạch Môn vẫn còn.

Nói cách khác, ở Nhật Bản, "quá khứ" là một hiện thực vĩ đại. Thành công cũng như thất bại ngày nay của Nhật Bản đều dính dáng tới "quá khứ" cả.

Ngày nay, Nhật Bản lại đang bước vào thời đại cải cách lớn. Nhật Bản tuy không vứt bỏ hẳn "quá khứ" đi, nhưng đã khéo léo cắt bỏ đi những gì không cần thiết của "quá khứ." Ví dụ, Minamoto Yoritomo khi mở ra mạc phủ ở Kamakura, đã cắt bỏ nền văn hóa quý tộc thời Heian đi. Oda Nobunaga đã thực hiện cơ chế "chợ vui tổ buôn vui" và sự "phân tách binh nông" để cắt bỏ nền văn hóa của cơ chế mạc phủ Ashikaga.

Qua sự xác lập cơ chế chỉ đạo của quan liêu (công chức) đỗ đạt, Okubo Toshimichi đã phủ nhận không những chế độ và quyền lực, mà luôn cả văn hóa của giai cấp samurai nữa. Từ năm 1877 trở đi, người ta không thấy quần áo, mái tóc, thậm chí ngôn từ samurai được phục hồi nữa. Nghĩa là Nhật Bản thời Minh Trị đã hoàn tất, một cách không đổ máu, sự nghiệp mà cả cách mạng Pháp lẫn cách mạng Nga đều không làm xong.

Một sự kiện tương tự đã xẩy ra sau cuộc chiến tranh Thái bình dương. Người Nhật Bản thời hậu chiến, dưới sự chỉ đạo của MacArthur, đã xóa bỏ hẳn văn hóa quân nhân. Người Nhật ngày nay, không những đã trở nên tiêu cực đối với vấn đề quân bị, quân sự, mà còn không coi quân nhân là loại người có văn hóa, đã phủ nhận toàn b những đức tính quân nhân như dũng cảm, quả cảm.

Người Nhật ngày nay phải đương đầu, không chỉ là sự cải cách chế độ hay tổ chức, sự sửa đổi sổ sách tài chính và thủ tục văn thư. Cái phải làm bây giờ là, cải cách nền "văn hóa quan liêu" từ thời Minh Trị, xây dựng một nền "văn hóa dân sự." Nghĩa là, chính người Nhật phải vượt qua được "Mười hai người lập ra nước Nhật" này.

Giữ cái gì lại, bỏ cái gì đi? Sự lựa chọn này sẽ quyết định tương lai của Nhật Bản và của người Nhật vậy.


Chú thích:

[1] "Mềm hóa" là từ dịch thẳng từ Nhật ngữ. Nó không có từ Anh ngữ tương đương. Mềm ở đây là nói tới phần mềm (software) của máy vi tính. Như vậy nghĩa đen của "mềm hóa" là "software hóa." Nhưng, thật ra, nó có nghĩa rộng hơn. Nó trỏ sự trở nên quan trọng của khía cạnh "mềm" của sự vật và sự việc.

Linh Linh Linh
25-07-2009, 11:12 PM
oi dzoi! phần lịch sử này ít nhất cũng phải dành ra 5 ngày cho vô cái đầu:be_eaten:! uhm! cứ từ từ!
du sao cũng thanks bạn nha!:loi:

makoto
26-07-2009, 10:26 PM
hình như thiếu Oda Nobunaga!

tipsy
24-08-2009, 08:07 PM
đúng rồi thiếu phần của Oda Nobunaga!

Kasumi
12-05-2012, 01:13 AM
Bổ sung chương IV về Oda Nobunaga, xin lỗi vì sự chậm trễ và thiếu sót :">

---

Chương IV : Oda Nobunaga

Người anh hùng bị phủ nhận của lịch sử Nhật Bản




https://encrypted-tbn2.google.com/images?q=tbn:ANd9GcSimgEb41nyPo9_gwRVQGnxa0QryfV8T 92MW36mZ3PrWGQBAip1


Thời chiến quốc, thời kỳ đổi mới kỹ thuật lớn

Oda Nobunaga là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của lịch sử Nhật Bản. Thời nay, giới trẻ vẫn còn coi nhân vật này là "bảnh," là "tuyệt" ở chỗ đó là một người cải cách có lối sống "phá thiên hoang[1]" trong thời chiến quốc[2] Nhật Bản.

Cũng như những nhân vật lịch sử nổi tiếng khác, hình ảnh Oda Nobunaga như được lưu truyền trong truyền thuyết, trong kịch bản, nếu có phần khác với sự thực là điều khó tránh khỏi được. Tuy nhiên, vì cuộc đời và hành động của Nobunaga đã khiến ông dễ trở thành vai chính của truyện kể cũng như kịch bản, nên cái "thực ảnh" và cái "hư ảnh" của ông khác nhau tương đối ít chăng. Chỉ có một điểm khác xa, là người ta thường nói Nobunaga có tính nóng nẩy cục cằn, song thật ra ông là người chịu nhịn, nhẫn nại.

Quả thật Nobunaga là con người có tình cảm thất thường, lời nói và hành động cũng nghiêm khắc. Song nếu nhìn hành động suốt cuộc đời ông, ta mới thấy ông là người bền chí, đa mưu túc kế, hiểu biết tinh tường và nói chuyện lý thú. Những điều này rất quan trọng cho việc nhận xét nhân vật Oda Nobunaga.

Oda Nobunaga sinh năm 1534, đúng là lúc thời "chiến quốc" vừa chuyển từ giai đoạn tranh giải địa phương (nửa đầu) sang giai đoạn tranh giải toàn quốc (nửa cuối). Nên biết thêm rằng, chín năm sau thì súng nòng thép được truyền tới Nhật Bản và 15 năm sau thì Francisco Xavier[3] đặt chân lên đất Nhật Bản.

Nobunaga sinh ra đúng thời nhà mạc phủ Ashikaga đã suy đồi, toàn nước Nhật lâm vào thời loạn "hạ khắc thượng." Từ giữa thế kỷ thứ XV, kể từ sau loạn Onin, toàn quốc Nhật Bản đã lâm vào cảnh loạn ly tứ tung, khắp nơi xẩy ra những cuộc va chạm nhỏ. Tuy nhiên, kỹ thuật tiến bộ hơn và nền kinh tế cũng phát triển hơn. Thời kỳ Oda Nobunaga sống là thế kỷ thứ XVI, ở Nhật gọi là "thời chiến quốc," song ở bên châu Âu thì thời kỳ đó gần trùng với "thời Phục Hưng (Renaissance)". Mới nghe hai tên gọi này người ta mường tượng ra hai cảnh xã hội hoàn toàn khác nhau, song thực ra chúng lại rất giống nhau. Thời đó đã có những cải cách kỹ thuật ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều phát hiện mới về địa lý[4], và cải cách tư tưởng cũng tiến bộ. Nghĩa là thời cận đại đã manh nha. Gần 500 năm trước đó, từ đời Ðường mạt sang đời Tống, khoa học tự nhiên và kỹ thuật đã phát triển ở Trung Hoa. Chúng được truyền sang Tây Âu và Nhật Bản dưới dạng thức đã hoàn thành để được đưa vào thực dụng.

Thế kỷ thứ XV, một trong những kỹ thuật mới được ứng dụng ở Nhât Bản là kỹ thuật phát triển đất đai, bằng cách tát nước khỏi những đồng lầy để phân ra thành đất trồng trọt và ao hồ. Kết quả là diện tích trồng trọt tăng lên, sản lượng nông nghiệp gia tăng. Mặt khác, ao hồ thì nuôi cá, thả sen. Nhờ đó, thức ăn được phong phú hơn, tình trạng dinh dưỡng được cải thiện hơn.

Lại nữa, những vùng đất cằn cỗi cũng được dẫn nước vào, biến thành đất trồng trọt. Kết quả là ở mỗi vùng đất đều được trồng trọt hoa mầu thích hợp, xúc tiến phương thức đất nào hoa mầu nấy. Nhờ vậy đã thấy có những hoa mầu trước đó xa lạ đối với Nhật Bản, như trà, vừng (mè), khoai lang, hạt cải. Chẳng bao lâu sau, người ta thấy xuất hiện bông (gòn) và đậu. Thật ra trà và vừng là những hoa mầu đã có ở Nhật từ lâu, như đã thấy lưu giữ trong Shosoin[5], song nhờ kết quả khai thác đất đai, những hoa mầu này đã được sản xuất ra rất nhiều.

Ðến thế kỷ XVI thì năng suất thu hoạch càng tăng, chỉ một người canh tác cũng thừa nuôi được cả gia đình. Do đó, sốngười không làm gì cũng sống được, tăng vọt lên. Những người trước kia gọi là "samurai địa phương," tức là giai cấp địa chủ, dần dần biến thành võ sĩ samurai chuyên nghiệp. Họ là những người mà sử sách sau này gọi là "hào trưởng."

Tuy nói thế, nhưng ở tiền bán thế kỷ XVI tức là nửa đầu của thời chiến quốc thì những hào trưởng này vẫn chưa thể bỏ nông nghiệp được. Họ còn sống ở nông thôn, kinh doanh quản lý sở đất của mình, cũng có khi tự mình canh tác đồng thời thu sưu thuế và giữ việc trị an thôn xóm.

Ở thế kỷ XX, thì những nước phát triển giầu có lại không tăng dân số, trong khi những nước đang phát triển lại có dân số tăng vọt. Thế nhưng một định luật phổ biến trong lịch sử là nếu cuộc sống được phong túc hơn thì dân số tăng lên. Nhờ khai thác đất đai và tiến bộ kỹ thuật nên năng suất sản xuất đã tăng lên, và như vậy đã làm cho dân số Nhật Bản thời chiến quốc tăng nhiều.

Ðại khái, kể từ lúc hết loạn Onin (năm 1477) cho tới trận đánh Sekigahara[6] (năm 1600), tức là trong khoảng hơn 120 năm, Nhật Bản đã tăng dân số gấp đôi và tổng sản phẩm quốc dân (GNP) gấp ba.

Ở khắp nơi, các hào trưởng xuất hiện và cùng với bọn thủ hạ của họ, làm thành những nhóm gọi là "đảng con cháu gia đình." Ðám người này sống nhờ vào sản xuất thặng dư, làm thành một giai cấp trung gian mới. Thường ngày họ tụ tập thành vài chục người vừa làm nông nghiệp vừa lo việc quản lý đất đai và trị an. Họ là những tập thể khác hẳn với những võ sĩ quản lý nông trại, trang ấp của giới quý tộc sống ở kinh đô, như đã nói ở những chương trước. Họ kết hợp nhiều nhóm lại với nhau để một mặt chống lại kẻ địch bên ngoài, một mặt tranh giành lẫn nhau để chiếm đoạt quyền cai quản đất đai.

Vì vậy, trong giai đoạn đầu của thời chiến quốc, từ cuối thế kỷ thứ XV tới khoảng những năm 30 của thế kỷ thứ XVI hay là lúc Oda Nobunaga sinh ra, ở Nhật Bản đã có nhiều trận tranh giành, nhỏ là cỡ thôn xóm, lớn cũng không hơn cỡ quận huyện. Từ thắng lợi qua những trận đánh như vậy, hoặc qua hôn nhân hay nhận con nuôi, dần dần người ta thấy xuất hiện những hào trưởng có thế lực lớn.

Sử sách Nhật kể lại những trận đánh liên quan tới việc tranh đoạt quyền chúa của mạc phủ Ashikaga, cũng chỉ thấy nói quy mô của trận đánh là khoảng bốn, năm ngàn người. Những trận đánh xẩy ra ở khắp nơi nói ở đoạn trên thì nhỏ hơn, thông thường chỉ với quy mô vài trăm người. Ðó là những trận đánh do các hào trưởng cầm đầu thôn xóm, chỉ huy động nổi vài trăm tráng đinh nông dân là cùng. Tướng dẫn đầu và quân lính như vậy chỉ là những người nửa nông dân nửa bộ đội.

Xem như vậy, chức năng của hào trưởng là vừa kinh doanh nông nghiệp vừa bảo vệ xóm làng. Do đó, nếu người cha chết yểu rồi mà người con hãy còn nhỏ thì người gia thần trưởng lão hoặc người chú trở thành người đỡ đầu nắm giữ thực quyền. Nói cách khác, kẻ có thực lực đã vươn lên được và như thế sinh ra trạng thái "hạ khác thượng."

Bởi thế, những kẻ làm nên như vậy thường là có năng lực, lại khéo kinh doanh nông địa, nên họ càng làm tăng thêm hoa lợi, mở mang thêm ruộng đất, sản xuất hoa mầu mới, khéo lưu thông hoa mầu mới này để làm tăng thế lực của mình. Với thể lực gia tăng như vậy, họ chiếm đoạt thêm đất đai bên cạnh.

Ðến khi Oda Nobunaga sinh ra thì thực sự mới thành hình những thế lực đáng gọi là nước (tiểu quốc). Họ Hojo ở Sagami, họ Takeda ở Kai, họ Imagawa ở Tsuruga, họ Miyoshi ở Awa, họ Ouchi ở Suo v.v..

Họ Oda của Nobunaga cũng là một thế lực mới nổi dậy như trên.

Thằng đại ngốc thống nhất vùng Owari

Oda Nobunaga sinh ra trong gia đình bầy tôi của Oda Yamatonokami, ông này lại là bầy tôi giữ chức phụ tá cho thái thú châu Owari, là họ Shiba. Như vậy, họ Oda làm bầy tôi cho bầy tôi của họ Shiba, nghĩa là chẳng lấy gì làm danh giá.

Song cha Nobunaga, tức là Oda Nobuhide lại là nhân vật khá bản lĩnh. Ông mở hà cảng (cảng sông) ở nơi bản quán Tsushima, rồi khai thác mở rộng đất canh nông. Tiền làm ra từ đó ông đem mua chuộc các hào trưởng xung quanh để lấy vây cánh. Rồi ông đã được nâng lên hàng đội trưởng samurai của bốn quận thuộc châu Owari hạ, tức là làm chức lớn nhất trong hàng con cháu Oda Yamatonokami. Vùng Owari hạ ngày nay bao gồm từ thành phố Nagoya tới bán đảo Chita nghĩa là chẳng lớn là bao. Nobuhide có lãnh địa ở đó và giữ địa vị tương tự như tổ trưởng của các hào trưởng vậy.

Năm 1551 Nobuhide đột nhiên qua đời.

Nobunaga là con thứ ba của Nobuhide. Hai người anh đều là con vợ lẽ ở địa vị kém nên Nobunaga có triển vọng được nối nghiệp cha. Thế nhưng chưa chắc gì Nobunaga đã được nối nghiệp. Thời ấy chưa có lệ cho con lớn thừa kế. Vả chăng, người em cùng mẹ của Nobunaga tên là Nobuyuki lại ở thành Suemori cùng với cha. Nghĩa là khi cha là Nobuhide mất, Nobunaga có được thừa hưởng gia tài hay không còn là chuyện bấp bênh. Chức đội trưởng samurai của bốn quận vùng Owari hạ, Nobunaga có kế nghiệp được không, lại càng không chắc chắn lắm. Số là, khi cha còn sống, Nobunaga vẫn bị cha gọi là "thằng đại ngốc."

Quả có thế, tuy là con một lãnh chúa trong tay có mấy thành, nhưng Nobunaga chỉ mặc áo ngắn, bụng thắt một sợi dây thừng đeo lủng lẳng một bầu nước, lưng khoác túi đựng đá lửa và vài vật linh tinh, cưỡi ngựa chạy nhông ngoài đồng như một tên khùng. Ðiều này đã thấy viết trong sách "Truyền ký về Nobunaga" và nhiều sách khác. Nói theo lối thời nay nghĩa là, con ông tổng giám đốc công ty mà tóc nhuộm vàng, cưỡi mô-tô chạy nhông nhông ngoài đường...

Khi cha chết, Nobunaga lúc ấy 18 tuổi, đã tới đám tang cũng ăn mặc kỳ cục như thường ngày, vốc một nắm nhang bột, ném vào bài vị cha. So với thế thì người em nhỏ hơn một tuổi là Nobuyuki đã ăn mặc chỉnh tề, làm lễ theo đúng nghi thức.

Thời đó, 18 tuổi là đã thành niên được ba năm, nghĩa là đã hoàn toàn trưởng thành rồi. Thời nay có thể coi như tương đương với người đã tốt nghiệp đại học được 5, 6 năm, nghĩa là đã tới tuổi gần ba chục rồi. Một đứa con trai như vậy mà đến đám tang cha lại ăn mặc cẩu thả, ném bột nhang vào bài vị cha, thì dẫu có bị thiên hạ đàm tiếu là "con cái đâu mà kỳ cục vậy" cũng là chuyện đương nhiên. Do đó, vấn đề chọn người thừa kế tất nhiên đã trở thành đề tài tranh luận dữ dội trong gia đình Oda vậy.

Từ thủa niên thiếu, Nobunaga đã bị nhiều người không ưa. Cha Nobuhide yêu người em, Nobuyuki, đến nỗi cho ở cùng thành Suemori với mình. Trong khi đó, Nobunaga thì cho bọn Hirate Masahide phò tá đóng giữ thành Nagoya.

Bọn Shibata Katsu’ie, Hayashi Michikatsu, tức là những trọng thần đời đời của họ Oda, cũng phần đông ủng hộ Nobuyuki.

Hơn thế nữa, chỉ hai năm sau khi cha chết, Nobunaga đã bắt người lão thần tên là Hirate Masahide do cha chỉ định làm phụ tá cho mình, phải mổ bụng. Do đó trong trận đánh với em, Nobunaga đã không được tới hai chục phần trăm thủ hạ theo mình. Sách "Truyền ký về Nobunaga" viết rằng phe ủng hộ Nobunaga chỉ có bảy trăm người, còn phe ủng hộ Nobuyuki là bảy ngàn người. Cho dù số bảy ngàn người nói như vậy là quá đáng đi chăng nữa, thì sự kiện phe Nobuyuki đông hơn cũng là điều chắc chắn.

Thế nhưng, khi nhập cuộc thì Nobuyuki trọng lễ nghi, chỉ lo bàn tính dình dang chứ không thấy ra quân. Các tướng thì mỗi người một ý kiến nên hành động không thống nhất.

Trong khi đó, hai tướng Shibata Katsu’ie và Hayashi Michikatsu sốt ruột, xông ra đối đầu với Nobunaga. Nobunaga dẫn khoảng bảy trăm quân, tự mình đi đầu xung trận đâm chết em của Hayashi Michikatsu là Mitsuharu. Shibata Katsu’ie giật mình trước khí thế của quân Nobunaga, đã rút lui, và Nobunaga đã đoạt được thắng lợi.

Ðến đây, ta thấy rõ cái suy nghĩ của Nobunaga về quân sự, quân đội. Ông không như đám hào trưởng trông cậy vào quân đội xuất thân từ nông dân. Nòng cốt của quân đội ông là lính đánh thuê ăn tiền, được ông chỉ huy nghiêm khắc.

Cái lập trường trên được thấy rõ rồi, thì mặt khác người ta e Nobunaga có nguy cơ bị ám sát. Một bộ hạ trung tín của Nobunaga là Sasa Narimasa cũng là một trong những người đã mưu toan ám hại ông.

Sasa Narimasa đã đồng mưu với ngôi chùa có cửa quan[7] mà Nobunaga đã bắt phải dẹp bỏ đi, bện rơm thành một con rắn lớn dìm xuống ao, làm cho dân quê kinh sợ la lên: "có rắn lớn xuất hiện." Họ nghĩ, thế nào Nobunaga cũng đến xem vì ông vốn có tính tò mò. Lúc ấy, họ chèo thuyền đưa ra giữa ao, đợi cho Nobunaga cúi đầu nhìn xuống đáy ao thì chém tới, làm cho ông ngã xuống ao; như thế chắc chắn sẽ giết được. Mưu mô là như vậy, song Nobunaga lại không làm như thế. Vừa tới nơi, ông liền cởi quần áo ra, ở trần nhẩy ùm xuống ao để tự mình xác nhận là không có rắn lớn ở đâu cả. Thế là mưu mô của Narimasa cũng thành vô ích.

Mọi chuyện như vậy xong, Nobunaga đã được kế nghiệp cha. Ông nghĩ là phải lập ra quân đội riêng của mình. Nếu nhờ các hào trưởng chọn tráng đinh trong lãnh địa của họ cho nhập ngũ, thì quân đội như vậy không thể chiến đấu như ý muốn của ông được. Ông muốn lập một quân đội không cần đông người, nhưng có sức dẻo dai có thể di chuyển thần tốc theo ý muốn của ông. Oda Nobunaga là người Nhật hiếm có, đã nghĩ ra những chiến lược, chiến thuật với sáng kiến về thời gian hơn là sáng kiến về không gian. Sau khi chiếm được quyền cai quản lãnh địa của cha để lại rồi, ông lần lượt tiêu diệt bà con thân thích thuộc họ Oda ở xung quanh mình. Ðánh chiếm lãnh địa của họ cũng có, xúi giục họ đánh lẫn nhau rồi ám sát kẻ thắng cũng có, phần lớn là dùng mưu mô xảo quyệt thôn tính họ. Khôn khéo nhất là ông đã xui thái thú Shiba và phụ tá thái thú Oda Yamatonokami đánh lẫn nhau, rồi diệt luôn cả hai. Thế là ông đã thống nhất được quá nửa bán đảo Owari lúc mới 24 tuổi.

Trong suốt tám năm trời kể từ khi cha chết, Nobunaga chỉ lo thanh toán các hào trưởng trong vùng Owari. Thế rồi, hầu như vừa thanh toán xong vùng Owari thì xảy ra trận đánh nổi tiếng là trận Okehazama.

Trận Okehazama không phải là đánh úp

Trận Okehazama đã diễn ra năm 1560; tính tuổi đếm lúc ấy Nobunaga được 27 tuổi. Thời ấy tuổi 27 tương đương với giữa lứa tuổi 30, nghĩa là lúc con người đang trên đà phát triển; Nobunaga lúc đó hẳn là sung sức lắm.

Trận Okehazama có ấn tượng mãnh liệt nên đã được viết thành nhiều truyện. Nội dung thường được kể lại, có thể tóm lược như sau. Ðể đối lại đại quân ba vạn người của tướng Imagawa Yoshimoto, Oda Nobunaga với vẻn vẹn hai ngàn người đã xông tới, rồi nhằm lúc trung quân Imagawa Yoshimoto đang tránh mưa rào ở nơi cùng địa, đã đột kích vào, chém chủ tướng Yoshimoto. Mất ý chí chiến đấu, quân Imagawa tan rã phải rút lui. Tuy nhiên, trên thực tế trận này không phải là đánh úp. Mọi hành động của quân Nobunaga đều được phía Imagawa thấy rõ hết.

Ðiểm trọng yếu là, trong khi quân Imagawa tiến hành dọc theo tuyến đường dài, thì bị Nobunaga tấn công vào ngang hông. Xét địa hình và trạng thái đường lộ thời ấy thì ba vạn quân Imagawa phải xếp hàng dài trên 22 kilômét. Như vậy nếu bị đánh vào ngang hông thì sẽ yếu lắm. Do đó, phía Imagawa cũng đã chia quân phòng hờ hai bên trái và phải.

Thế nhưng, bị mưa rào nên gió đổi chiều. Nhằm đúng lúc đó, Nobunaga đã từ đầu gió đánh xuống và đã đoạt thắng lợi. Ðây là vì với đi quân của riêng mình, ông đã có thể đoán ngay, quyết định ngay và như thế đã nắm được lúc gió đổi chiều.

Có hai điểm người ta hay hiểu lầm về trận đánh Okehazama.

Thứ nhất, người ta dễ có thể tưởng tượng rằng Nobunaga nửa đêm đột nhiên thức dậy, vừa ngâm thơ vừa múa bài Atsumori: "Năm mươi năm đời người ta, nếu so trong thiên hạ thì chỉ như một giấc mơ..." rồi nhẩy phóc lên lưng ngựa phóng từ thành Kiyosu, lúc ấy là thành chính của ông, nhằm lúc địch quân không phòng bị, đánh úp mà được thắng lợi. Thế nhưng, sự thật không thể là như vậy được. Bởi vì, Nobunaga xuất quân khỏi thành Kiyosu là hồi hai giờ sáng, nhưng tới Okehazama là lúc một giờ hay hai giờ chiều. Như thế, từ thành tới trận địa là khoảng 12 tiếng đồng hồ, nhưng khoảng cách này chỉ bằng quãng đường đi bốn, năm tiếng đồng hồ mà thôi. Trong khoảng thời gian này, ông đã ghé lại làm lễ ở đền Atsuta, chờ bộ hạ tụ tập lại đó. Ông đi vòng quanh mấy ải quan, thu nạp hết quân đội để tập trung lực lượng vào trận quyết chiến này. Ðến gần trưa, ông mới phát hiện được trung quân của Imagawa, ông bèn cho quân vào một ải gần đó chờ thời cơ. Những chuyển động vừa kể hẳn phe Imagawa cũng thấy rõ cả. Khu Okehazama này từ tám năm trước đã là lãnh địa của Imagawa, có thành quách, có ải quan của phe Imagawa. Thế nhưng may thay bỗng có mưa rào. Nobunaga đã đoán sẽ có mưa rào vì ngày hôm trước đã có mưa rào rồi, mà theo câu tục ngữ địa phương thì hẳn có "mưa rào ba ngày liền." Ở chỗ này, điều quan trọng là Nobunaga đã nhận được báo cáo rằng "trung quân của Yoshimoto giữ nguyên đội hình, đang nghỉ ngơi trong thung lũng Okehazama." Nobunaga đã ban thưởng công đầu cho Yanada Hirotada (Masatsuna), người đã đem thông tin này về.

Ðiểm thứ hai là sức thống suất của quân Nobunaga với sự kiện họ đã di chuyển liên tục, từ đông sang tây, trong hơn 12 tiếng đồng hồ. Quân Imagawa mặc dù nhìn thấy quân Nobunaga di chuyển như vậy mà không đối phó lại được. Ðó là vì họ vốn là quân đội liên hợp của nhiều hào trưởng, không thể ra lệnh một tiếng mà làm chuyển động ngay được. Ðương nhiên, phe Imagawa cũng nghĩ tương tự về quân Nobunaga, nên đã không cho rằng địch quân có thể tấn công toàn lực một cách bất ngờ như vậy. Do đó, sợ toàn quân bị rối loạn nên họ đã không gọi quân tiên phong trở lại, họ cũng không tìm cách để cho chủ tướng Yoshimoto thoát được ra vùng an toàn. Nghĩa là, tổ chức cứng ngắc của quân đội liên hợp hào trưởng, thì không thể tùy cơ ứng biến được. Từ đó, họ đâm ra đoán sai là có thể cầm cự bằng lực lượng năm ngàn người của trung quân dù có bị đánh vào bên hông.

Vì ấn tượng mãnh liệt của trận Okehazama theo truyền thuyết, nên hể nói đến Oda Nobunaga là nhiều người cho đó là võ tướng dụng binh thần tốc, giỏi đánh úp. Thế nhưng, thật ra với quân số ít mà nhờ đánh úp nên thắng được đại quân, thì trong đời Nobunaga cũng chỉ có hai lần. Một lần là trận Okehazama vừa kể, lần thứ hai là trận đánh với Ozaka Honganji năm 1576. Lúc đó ải Tennoji bi một vạn mấy ngàn quân nổi loạn bao vây. Nobunaga đã thống suất bốn ngàn quân phá trùng vây vào cứu bọn Akechi Mitsuhide cố thủ trong ải này. Chính Nobunaga cũng bị thương. Sở dĩ ông dám liều mạng như vậy là vì ông đoán rằng quân nổi loạn không nhất thống nên có thể thắng được.

Thành công lớn, song không lập lại cách làm như vậy. Ðây là điểm chứng tỏ lý trí đáng phục của nhân vật Oda Nobunaga. Người thường hễ thành công rồi thì hay làm đi làm lại cùng một phương thức. Trận Okehazama, Nobunaga đã dùng đoản binh mà thắng được đại quân, thì lần sau cũng lại áp dụng chiến pháp đó chăng? Nhưng không, Nobunaga đã không hề lập lại cái kinh nghiệm thắng của mình.

Trong những trận đánh sau, với mười lần xuất quân ra Mino, đánh Anegawa hay Nagashino, lần nào Nobunaga cũng điều động quân số nhiều hơn địch. Ðể được quân số đông hơn, ông đã không quản ngại khó khăn, không tiếc tiền, thậm chí không ngại mất thể diện. Chẳng hạn, trong trận đánh Anegawa, để đối lại 15 ngàn quân liên hợp Asakura-Arai, Nobunaga đã có tới 29 ngàn quân của riêng mình rồi; thế mà ông còn cầu cứu thêm viện binh của Tokugawa Yeyasu ở Mikawa, để có tổng số quân lên tới 34 ngàn người, mới đánh trận. Trong trận Nagashino cũng vậy, để đối lại hơn mười ngàn quân Takeda, Nobunaga đã điều động hơn 30 ngàn quân.

Ðiều động nhiều quân thì vừa mất thời gian vừa tốn tiền. Vì thế, cho đến lúc Nobunaga kéo được quân đội cứu viện, thì phe mình đã nhiều lần bị mất ải quan trước rồi. Ấy thế mà ông vẫn không hoảng hốt, không hấp tấp, vẫn bài binh bố trận đàng hoàng. Nhập trận, ông để cho địch tấn công trước, rồi sau khi chặn được đợt tấn công của địch rồi ông mới phản công mãnh liệt. Nghĩa là ông chuyên áp dụng chiến thuật "thắng sau." Ðúng là chiến thuật cần có sức chịu đựng, có niềm tin bền bỉ.

Nhìn suốt cuộc đời Nobunaga, thì trận Okehazama là ngoại lệ của ngoại lệ, một chiến trận trái ngược với sở thích của Nobunaga. Mặc dầu vậy, chiến thắng đó thật là ngoạn mục. Nhờ chiến thắng Okehazama, Nobunaga đã cất được mối lo âu về phía đông, lôi kéo được Tokugawa Yeyasu (thời đó còn gọi là Matsudaira Motoyasu) bỏ phe Imagawa nhập phe mình, để ông yên tâm đánh dẹp miền "đàng trên[8]," hướng vào cách châu Mino, Ise, Omi rồi Kyoto. Sư lựa chọn như vậy cho thấy Nobunaga đã có con mắt chiến lược tinh tường. Thế nhưng, nói về chiến thuật và tác chiến thì Nobunaga chưa hẳn đã là tay giỏi. Chỉ một châu Mino mà ông đã mất bảy năm mới lấy xong. Trong khoảng thời gian đó, ông đã phải động binh tới mười lần, hầu hết bị thua.

Tuy nhiên, bỏ ra bảy năm với mười lần ra quân chỉ để chiếm Mino, đủ chứng tỏ cái chí bền bỉ, cái chân giá trị của Nobunaga vậy.

Phương sách "phân ly binh nông" thể hiện nhu cầu thời đại

Vậy một người vụng về chiến thuật và tác chiến như vậy, lại đã hoàn thành được tới 70 phần trăm cái chủ trương chính trị "thiên hạ bố võ[9]," là tại sao?

Ðiều thứ nhất Nobunaga đã thực hiện, là trả tiền cho binh sĩ. Nói cách khác, ông đã áp dụng đường lối "tách rời binh nông," tức là tách quân lính ra khỏi nông dân.

Tuy nhiên, nếu chỉ coi hiện tượng "tách rời binh nông" là sự kiện một loại lính nhà nghề, không làm nông nghiệp nữa, đã xuất hiện, thì phải nói họ Asakura ở vùng Hokuriku đã thực hiện đầu tiên. Như kể trên, nhờ năng suất nông nghiệp cao lên, nên có một loại võ sĩ samurai không cần canh tác ruộng đất mà cũng có ăn. Họ không cần tự mình đứng ra quản lý đất đai nữa, mà có thể trao công tác này cho quản gia. Còn bản thân họ thì sống ở thành thị, bên cạnh chúa, tham gia vào hoạt động xã giao, bàn luận việc chính trị.

Nhờ kinh tế phát triển mà binh và nông đã tự nhiên tách rời nhau ra, là hình thức đã phát sinh ở vùng kinh kỳ, vùng Etsuzen từ trước thời Nobunaga, song sự việc đó không có ý nghĩa chính trị quân sự đáng kể nào cả. Ngược lại, vì có thêm nhiều gia thần ở địa vị cao tụ tập xung quanh, sinh ra thói họp hành bàn bạc làm cho việc nước chỉ thêm dềnh dang hơn mà thôi.

Cơ chế "tách rời binh nông" của Nobunaga thì trái ngược hẳn. Nó đã được thực hiện từ hàng võ sĩ hạ cấp trở lên. Nghĩa là, ông đã lập ra một đội quân trả lương. Ðiều này làm cho quân đội của Nobunaga khác hẳn các quân đội khác. Ðây là điểm xuất phát của nhiều cải cách khác nữa.

Thời chiến quốc tuy nói là đời "hạ khắc thượng," song không hề thấy một võ sĩ vô danh tiểu tốt, một nhân vật với lai lịch không rõ rệt nào, lại có thể trở thành một đại võ tướng được. Hàng thái thú, quận thú, lại càng không thấy có như vậy. Những người như Hojo Soun, Saito Dosan, Matsunaga Hisahide tuy xuất xứ không rõ rệt song đều là những quận thú đáng nể cả. Phương pháp của họ là, trước hết đóng vai sư trà đạo[10] hay thương gia để được gần gũi gia đình thái thú. Từ đó họ tìm cách làm thân với con gái, rồi vào ở rể nhà thái thú. Hoặc, họ làm thân với vị gia thần trưởng lão, rồi tìm cách lật đổ thái thú đi.

Tuy nhiên, trong đám gia thần của Nobunaga thì không ít người lai lịch xuất xứ không rõ rệt, đã trở thành đại tướng. Bọn Hashiba (sau này đổi tên là Toyotomi) Hideyoshi, Akechi Mitsuhide, Takigawa Kazumasu đều là như vậy cả.

Tại sao việc này lại chỉ xẩy ra ở dòng họ Oda, chứ không xẩy ra ở các dòng họ khác? Muốn hiểu rõ điều này, cần phải xét chế độ quân binh thời đó. Như đã kể trên, trước khi Nobunaga xuất hiện, quân binh là do các hào trưởng chiêu mộ tráng đinh trong thôn xóm họ, rồi tự họ đứng làm đội trưởng. Những đội binh như vậy tụ tập lại thành quân đội lớn. Chẳng hạn, quân đội của Shibata Katsuie là gồm những tráng đinh trong lãnh địa của ông tụ tập lại mà thành.

Vì thế, những người không có lãnh địa thì không có gia thần, hoặc nếu có cũng chỉ có hai, ba người, bởi vì tiền lương hoặc thóc gạo chủ cấp cho chỉ có thể nuôi được một sốngười ít ỏi. Tiêu chuẩn thời đó là cứ chỉ huy năm binh lính thì được cấp bổng lộc một năm là 100 hộc lúa (mỗi hộc khoảng 180 lít). Như thế, muốn chỉ huy một đi quân 500 người thì phải có lãnh địa đủ cung cấp một vạn hộc lúa.

Miyamoto Musashi[11] hình như có tham chiến trong trận Sekigahara. Ông đã được mướn vì có võ nghệ siêu quần. Song dù cho là bậc kiếm hào, nhưng chỉ với tài cá nhân như vậy, thì cao lắm cũng chỉ được bổng lộc 100 hộc lúa. Ấy là chưa kể, ông đã tham gia vào phe chiến bại, cho nên chẳng được chức tước gì cả. Ngay cả nếu tham gia vào phe thắng đi chăng nữa, rồi lập công hai lần ba lượt, thì cũng chỉ được bổng lộc 300 hộc là cùng. Thủ hạ chỉ có 15 người.

Thế nhưng Nobunaga có nhiều lính thuê bằng tiền, không có quan hệ gì với lãnh địa cả. Có đội trưởng không có lãnh địa, nhưng đã có tiền thuê hàng mấy chục, mấy trăm lính.

Tuy nhiên, thời đó dùng lính thuê bằng tiền, thường là vất vả và bị mang tiếng. Ðó là vì, thời ấy những người lương thiện thì đều phải thuộc một tổ chức nào đó. Cho nên, binh lính thuê bằng tiền như vậy chỉ là những thành phần lưu lạc giang hồ, hành khất, du thủ du thực.

Nông dân thì thuộc vào xóm làng, thày chùa thuộc vào chùa chiền, đạo từ thuộc vào đền miếu, mỗi người đều có tổ chức riêng biệt. Người đi buôn cũng phải thuộc vào một tập thể, gọi là "za (tổ buôn)" mới làm ăn được. Buôn bán lén lút bị cấm, và là tội phạm. Nghĩa là thời trung cổ như vậy ai ai cũng phải thuộc vào một tập thể nào đó. Cho nên nếu không thuộc vào một đoàn thể, tập thể nào cả thì bị coi là "du thủ du thực (ruronin)", tương tự như người vô gia cư (homeless) ngày nay vậy. Còn tệ hơn thế nữa, tên gọi đó gần đồng nghĩa với người tội phạm.

Thời Nobunaga dân số tăng vọt lên, nên phát sinh ra nhiều ruronin. Hàng hóa lưu thông nhiều, nên chỉ những thương nhân thuộc những đoàn thể chính thống không thôi, thì không đủ giải quyết. Do đó, dù cấm mấy cũng không ngăn chặn được những người buôn bán lén lút. Ngay như Hideyoshi cũng đã có một thời bán kim khâu, rõ ràng là buôn bán lén lút, buôn lậu.

Binh lính do Oda Nobunaga thuê là những người như vậy. Nhân cách thì xấu, đánh trận thì yếu. Bởi thế, mặc dầu Nobunaga đánh ra Mino với số quân đông gấp ba mà vẫn bị thua nhiều lần. Ðiều này là chuyện đương nhiên. Thời đó, binh sĩ, nhất là đám hạ sĩ quan, liều chết ngoài chiến trận chẳng phải vì trung thành với chủ, cũng chẳng phải vì sợ bị thần phạt. Họ chỉ sợ khi trở về làng bị bà con xỉa xói: "Thằng ấy bỏ chạy trước. Nó là thằng hèn. Vì nó bỏ chạy nên mọi người bị khổ lây." Nói cách khác, chỉ vì muốn lên mặt với bà con lối xóm nên họ đã đánh trận chối chết. Thế nhưng, binh sĩ đánh thuê cho Nobunaga chẳng có tập thể, chẳng có cộng đồng nào để trở về cả, cho nên có tiền ở trong thành thì ăn to nói lớn, song ra trận thì hể thấy nguy là bỏ chạy trước. Cái khuynh hướng này tiếp diễn cho tới trận Nagashino.

Trận Nagashino là trận Nobunaga dùng súng (súng nòng thép) bắn tan quân Takeda, thế mà quân Nobunaga cũng giảm đi mất bốn ngàn người, không phải vì bị thương hay tử trận, mà vì đã bỏ chạy trước khi lâm trận. Ấy đấy, họ là những binh lính thiếu tin cậy như vậy đó.

Chiến thuật mới là "chơi xấu"

Nobunaga thuê toàn hạng lính yếu hèn như vậy cho nên thua trận luôn. Ðến nỗi các gia thần đã phải phàn nàn rằng "Sao tiểu chủ lại làm việc khờ dại như vậy? Sao không để bọn tôi đem quân nông dân từ lãnh địa ra đánh trận thay cho?" Cái lý do lớn nhất Nobunaga bị gọi là "thằng đại ngu," là như vậy. Thế nhưng Nobunaga tin tưởng rằng quân đội yếu nhất Nhật Bản của ông lại có thể chinh phục thiên hạ được. Bởi vì mỗi trận đánh thì họ yếu thật, song họ đánh lúc nào cũng được và đánh mãi cũng được. Lính nông dân mạnh thật. Nhưng lúc mùa màng họ phải về quê gặt hái, cầy cấy. Nếu cả hai bên địch ra đều là lính nông dân cả, thì đến lúc mùa màng hai bên tự nhiên phải ngưng chiến. Thế nhưng, lính do Nobunaga bỏ tiền nuôi, thì không gặt cũng không cấy lúa. Nhằm lúc bên địch chỉ còn vài chục người giữ ải thôi, thì với một ngàn, hai ngàn quân bao vây, thế nào ông cũng thắng dù là với quân đội yếu hèn.

Như thế, ông chiếm được một, hai, ba quan ải hay thành trì, thì vừa đúng lúc việc canh tác xong, lính nông dân trở lại chiến trường. Nobunaga lại thua, bỏ chạy. Một số tử trận có, bỏ trốn có, nên quân số giảm đi. Nhưng, đem tiền ra mua chuộc thì bọn người du thủ du thực, khất thực lại tụ tập tới và quân số lại tăng ngay.

Thế nhưng, phía lính nông dân thì không như vậy được. Họ còn phải nuôi cả gia đình sống sót của người đã tử trận nữa. Thậm chí, nếu ngay trong lúc mùa màng mà cũng bị động viên nữa, thì nông dân chịu không nổi. Do đó, họ nghĩ rằng thà chịu cho Nogunaga cai trị còn hơn. Thế rồi, họ chịu bị "thuyết hòa" và dần dần chịu thần phục Nobunaga.

Nobunaga dùng tiền thuê lính nên dù bộ đội yếu hèn cũng có thể đánh dẳng dai, đánh mãi không chán. Kẻ địch của Nobunaga đều chịu thua vì sự dẳng dai này. Chẳng hạn, Asai Nagamasa là một võ tướng giỏi, thành Kotani của ông được coi như vững không thể hạ được. Quân mạnh và đoàn kết chặt chẽ. Ông nghĩ rằng chỉ cần cố thủ trong thành là sẽ thắng, hay ít nhất cũng không thua. Ông cho rằng phe tấn công sẽ phải lui trước khi mùa gặt tới và ông đã chỉ chuẩn bị lương thực dựa vào ý nghĩ đó mà thôi. Thế nhưng binh của Nobunaga là binh lãnh lương nên họ không triệt thoái. Họ xây thành phụ bên cạnh thành Kotani để canh chừng, bao vây lương thực. Ðó là chiến thuật của Nobunaga. Asai Nagamasa vì không thấy Nobunaga chịu đường đường đối chọi với quân mình mà chỉ dằng dai bao vây lương thực, đã gọi Nobunaga là "đồ hèn," rồi chết.

Nói chung, những chiến lược chiến thuật gia giỏi đều thoạt đầu là đồ hèn cả. Bởi vì họ đã phá vỡ cái thường thức từ trước, nên bị gọi là đồ hèn. Trong trận Gempei, họ Minamoto đã thắng trận hải chiến là nhờ Minamoto Yoshitsune bắn chết người lái thuyền. Cho đến thời ấy, phàm đánh thuyền, người ta chỉ bắn chết võ sĩ samurai tức là thành viên chiến đấu, chứ cả hai bên đều tránh không bắn chết lái thuyền vì đó không phải là thành viên chiến đấu. Bởi nếu làm như vậy, sau này ngư dân lái thuyền sẽ không chịu đầu quân nữa, và thủy quân sẽ không thành được.

Yoshitsune vốn là người miền Ðông, không nghĩ xa tới tương lai thủy quân, nên đã phá lệ cũ, nhằm bắn người lái thuyền trước nhất. Người lái thuyền không mặc giáp trụ, nên bị trúng tên thì bị thương nặng không lái thuyền được nữa. Vì vậy, họ sợ bỏ chạy hết, khiến đoàn thuyền của Heike không xoay xở được. Các tướng Heike đã thốt lên "Yoshitsune là đồ hèn!" mà chết đi.

Về chiến lược, hay trên mặt kinh doanh cũng thế, người đầu tiên nghĩ ra phương pháp mới đều là phá bỏ cái cũ, cái thường thức đi. Như vậy, cũng có thể coi đó là hèn, hay ít lắm cũng là chơi xấu. Tuy nhiên, chính ở đó mới có tính sáng tạo. Nobunaga là người giầu tính sáng tạo, tuyệt đối tin tưởng vào con mắt tiên kiến của mình. Ông không hề sờn chí vì một hay hai lần thất bại. Ngược lại, ông dẳng dai đối phó làm cho địch thủ phải ngán. Ngay từ đầu, ông đã tiên liệu sự thất bại và lời chê bai của người đời vậy.

Cơ chế thị trường tự do "chợ vui, tổ buôn vui" đã làm đổi nền kinh tế

Ðiều thứ hai cần suy nghĩ về đường lối chiến tranh và chính trị của Nobunaga, là nguồn gốc tài chính. Ðiểm này tất cả các tiểu thuyết hoặc sử sách từ trước tới nay đều bỏ qua không bàn tới.

Nếu đã dùng tiền để thuê lính đánh trận, đương nhiên Nobunaga cần có rất nhiều tiền. Tiền đó lấy ở đâu ra? Dĩ nhiên nếu lãnh địa tăng lên thì lúa gạo hoa màu thu được cũng nhiều, bán đi hẳn được nhiều tiền hơn. Thế nhưng, tiền như vậy vẫn chưa đủ. Vì vậy, Nobunaga đã nghĩ ra cơ chế "chợ vui, tổ buôn vui."

Theo lịch sử ghi chép, thì Nobunaga lần đầu tiên áp dụng cơ chế "chợ vui, tổ buôn vui" ở chợ Kano, là năm 1568 sau khi chiếm xong đất Mino. Ðương nhiên, khi đã thành văn như vậy nghĩa là chế độ đã hoàn thành, và như vậy hẳn đã phải có một thời gian thử nghiệm trước đó rồi. Hẳn là một mẫu hình của cơ chế "chợ vui, tổ buôn vui" đã phải được áp dụng ở vùng Owari từ trước đó mấy năm rồi.

Trước đó, khắp nơi có cửa quan và các tổ buôn. Hàng hóa muốn được lưu thông thì phải đóng thuế (thuế thông hành) cho đền chùa hay hào trưởng mỗi khi qua cửa quan. Thương nhân thì tổ chức thành tổ, thành nhóm, nộp tiền vận chuyển, hoặc cho đền chùa hay cho quý tộc ở kinh đô.

Nobunaga đã bãi bỏ cửa quan và tổ buôn đi. Thoạt mới nhìn thì tưởng làm như vậy không thu được thuế nên tiền không vào nữa. Nhưng Nobunaga đã dám làm. Ðương nhiên, những đền chùa hoặc quý tộc có thu nhập từ những cửa quan đều phản đối. Về sau, Nobunaga đốt chùa Hieizan, chùa Ishiyama-Honganji hay đánh nhau với shogun Ashikaga, cũng đều là vì vấn đề bãi bỏ cửa quan và tổ buôn này.

Nói theo lối ngày nay, thì bãi bỏ cửa quan và tổ buôn là một hình thức giảm bớt quy chế, luật lệ. Ðương nhiên, những người thuộc thể chế cũ phản đối, song kinh tế tự do phát triển, thì sinh ra sức mạnh kinh tế lớn. Nhất là đối với Nobunaga, ông cần có tiền nuôi quân đội, thì sự tự do hóa làm cho kinh phí lưu thông giảm bớt đi, ông có thể bán đắt sản vật vùng Owari để mua rẻ súng ống. Cái đó mới quan trọng.

Xưa nay, có cửa quan hay có tổ buôn thì có tiền vào nhất thời, song thực tế là tốn kém hơn. Nhất là đối với Nobunaga, ông phải mua nhiều quân trang quân cụ nên chính ông là người mua nhiều nhất. Vậy, để cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, kinh phí lưu thông rẻ đi là điều cần thiết đối với ông. Ông biết rằng nếu kinh tế phát đạt, thì nhờ thế nguồn thu nhập của ông cũng sẽ tăng lên.

Cho dù thu nhập tài chính nhất thời có giảm đi, song cứ tự do hóa để cho kinh tế phát triển, là chính sách kinh tế mà tổng thống Mỹ Reagan (gọi là Reaganomics) đã áp dụng. Chính sách như vậy Nobunaga đã nghĩ ra từ thế kỷ thứ XVI và đã áp dụng thành công, thì quả thật Nobunaga là một bậc thiên tài.

Ðường lối "chợ vui, tổ buôn vui" làm cho kinh tế phát triển, thì tiền "thuế" thâu được nhiều. Rồi với tiền đó, lại thuê thêm lính, mở rộng lãnh địa hơn, tức là lại có cơ sở thu thuế được nhiều hơn nữa. Như vậy là đã tạo ra được cái "vòng thiện." Ðồng thời đã thay đổi được tổ chức.

Sự thay đổi tổ chức và sự xuất hiện của "binh gia" chuyên nghiệp

Quân đội vốn do các hào trưởng mộ tập từ xóm làng dắt tới. Người dắt tới như vậy đương nhiên có tiếng nói quan trọng. Họ trở thành một tập thể gia thần với quyền lợi cá nhân của họ được coi là ưu tiên. Cái gọi là "24 tướng lĩnh của Takeda" chính là bọn hào trưởng cai trị các địa phương của châu Koshu mà Takeda làm chúa.

Nobunaga đã bắt đầu dùng lính thuê. Các hào trưởng, gia thần của ông lấy thế làm bất mãn, và do đó đã liên tiếp xẩy ra những vụ âm mưu ám sát ông. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì người cha đã sáng lập ra công ty, rồi người con kế nghiệp làm ông chủ đời thứ hai, song ông chủ đời thứ hai này đã xuất hiện trong bộ quần "gin" áo blu-dông da, ưu đãi bọn du thủ du thực và bọn người làm mướn. Ðương nhiên, các nhân viên kỳ cựu từ đời cha sáng lập, phải thì thầm với nhau rằng: "Không thể để như vậy được! Phải đổi người em lên làm tổng giám đốc." Thế nhưng, ông tổng giám đốc trẻ tuổi đời thứ hai lại có nhiều sáng kiến làm cho công ty phát đạt. Không những thế, ông cắt bỏ những mặt hàng cũ, bắt đầu những mặt doanh thương mới. Nhân viên thì ông không chú trọng tới bằng cấp, thâm niên nữa, mà để cho mọi người thi đua tự do. Nếu trước kia, công ty lợi dụng mối quan hệ tốt với các cơ quan nhà nước để bán sản phẩm với giá đắt, thì nay ông bỏ lối làm ăn đó đi, quay sang bán rẻ để thu hút khách hàng từ quảng đại quần chúng. Ông phế bỏ những đại lý cũ đi, mà bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Hơn thế nữa, với các cấp chủ nhiệm, trưởng phòng và các nhân viên êlít xuất thân từ các đại học danh tiếng, thì ông tuyên bố: "Tụi bay chớ có chõ mõm vào. Tao làm việc với đám nhân viên cưng mới tuyển kia." Thực tế, ông đã dùng toàn những nhân viên ít học, mới mướn. Ngay cả Toyotomi Hideyoshi (sau này thay ông làm chúa thiên hạ) đã từng buôn lậu, tức là phần tử đáng lẽ đã bị gạn lọc ra khỏi xã hội coi trọng học lực, song cũng được ông trọng dụng. Ông lần lượt đưa những người như vậy vào để triệt để cải cách tổ chức.

Trong trận Nagashino năm 1575, Nobunaga, năm ấy 42 tuổi, đã dàn ba ngàn tay súng bắn tan đội quân khét tiếng là vô địch của Takeda. Truyện này đã trở nên quá nổi tiếng. Nhưng tại sao ông đã làm được như vậy? Hay nói đúng hơn, tại sao những lãnh chúa khác lại không làm được như vậy?

Bảo rằng Nobunaga có con mắt tiên kiến nên đã biết súng là một võ khí lợi hại, thì không đúng hẳn. Thời ấy, hầu hết các lãnh chúa đều biết súng là võ khí lợi hại cả. Ngay như họ Mori thì từ 20 năm trước đó, đã ghi lại rằng binh sĩ bị thương nhiều nhất vì bị súng bắn. Tuy nhiên, sử dụng súng một cách tập trung triệt để như Nobunaga thì chưa ai biết làm, cũng chưa ai làm được, trước đó cả. Lý do là họ không có căn bản tài chính để mua nổi ba ngàn khẩu súng.

Lính tráng thời ấy là do các hào trưởng dắt tới, cho nên võ khí, lương thực đều phải tự túc. Hào trưởng thì cưỡi ngựa mặc giáp trụ. Lính nông dân kha khá một chút mới có súng vác theo. Vì thế, súng tuy có thật song tính theo đơn vị bộ đội của mỗi thôn xóm thì số súng chỉ chiếm khoảng 5 tới 10 phần trăm. Như vậy, muốn lập một đội súng thì phải gom mấy tay súng của thôn A, cộng với vài tay súng của thôn B, thêm vào đó dăm cây súng của thôn C, v.v.. Chừng đó, người hào trưởng thôn A sẽ kêu lên: "Không thể dắt thằng đó của tôi đi được." Hào trưởng thôn C thì nói: "Người thôn khác tới đây đâu được!" v.v..

Thế nhưng, Nobunaga thì tự bỏ tiền ra mua súng phát cho lính, lính cũng do chính mính bỏ tiền ra thuê. Vì vậy chỉ riêng họ Oda đã lập ra được đội quân bắn súng. Còn đám tướng sĩ cưỡi ngựa trước kia thì bị gạt lui xuống hậu trường. Nói cách khác, đám người mới tuyển chỉ có học lực trung học thì được ưu đãi, còn nhóm êlít tốt nghiệp đại học thì bị cho ngồi chơi xơi nước. Ðương nhiên, bọn ngồi chơi xơi nước này phản ứng. Nhưng Nobunaga không sợ, không chùn, đã quyết tâm làm và làm được.

"Rải võ ra khắp thiên hạ" và ý thức "quốc gia"

Cái đáng phục của Nobunaga là ông đã sáng tạo ra một loạt cơ chế mới, từ tổ chức, tài chính, nhân sự tới chiến lược chiến thuật. Nhờ đó, xã hội đã đổi hẳn bộ mặt. Nói cách khác, đường lối của Nobunaga đã gây ra một luồng biến đổi từ xã hội trung cổ sang xã hội cận đại, xã hội hiện đại, về mọi mặt, từ tài chính, kinh tế, tới quân sự.

Tất nhiên, các thế lực thủ cựu đều phản đối, và vì thế, các vụ âm mưu ám sát Nobunaga đã xẩy ra không dứt. Vụ Akechi Mitsuhide được nổi tiếng vì đã thành công, song trước đó đã có biết bao nhiêu vụ âm mưu ám sát ông rồi. Như đã nói, ngay từ khi còn ở Owari đã có nhiều vụ âm mưu như vậy, cho tới khi ông vào kinh đô thì những vụ đó tiếp diễn liên tục. Asai Nagamasa lấy em gái ông, tên là O-Ichi, đã đồng lõa với họ Asakura làm loạn. Mạc chúa Ashikaga Yoshiaki, vốn được Nobunaga đôn lên địa vị đó, đã chống lại ông ba lần. Matsunaga Hisahide, thì dù biết chẳng làm nên cơm cháo gì, cũng đã dương cờ phản hai lần. Gia thần có ảnh hưởng lớn là Araki Murashige ở vùng Settsu cũng làm phản. Nghĩa là, vì Nobunaga đã thực hiện cải cách, không nhìn nhận những quyền đã có, nên đám gia thần có ảnh hưởng từ trước đã phản kháng liên tục. Nhưng Nobunaga không sờn lòng, cứ tiếp tục đường lối cải cách của mình.

Kết quả cải cách của Nogunaga đã để gì lại cho lịch sử Nhật Bản? Trước hết với phiêu ngữ "Rải võ ra khắp thiên hạ," ông đã thống nhất được một nửa nước Nhật. Chính vì có Oda Nobunaga, mà sau này mới có Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Yeyasu, những người đã thống nhất được Nhật Bản. Chính Nobunaga là người đã sáng lập ra nước Nhật tập quyền trung ương kiểu hiện đại.

Thời mạc phủ Ashikaga trước đó, rồi thời mạc phủ Kamakura trước nữa, đều đã nhìn nhận sự phân quyền của quý tộc, của đền chùa và của samurai có lãnh địa. Tình trạng phân quyền như vậy đã được duy trì cho tới khi Nobunaga hô hào "rải võ ra khắp thiên hạ," nâng tầng lớp võ sĩ samurai lên thành thế lực chính trị duy nhất trong thể chế tập quyền trung ương mà chế độ luật lệnh thời cổ đã hướng tới.

Nhật Bản là nước từ xưa đã được thống nhất về mặt lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, cả đến tín ngưỡng và tập quán. Song về mặt chính trị, thì cái ý thức quốc gia coi Nhật Bản là một nước duy nhất, càng ngày càng trở nên mỏng manh hơn, kể từ thời cổ tới sau thời đại Nara. Nhận thức điều đó rõ ràng và làm sống lại ý thức quốc gia chính là Nobunaga vậy.

Nếu Nobunaga không tỏ ý muốn thống nhất thiên hạ mạnh mẽ như vậy, thì Nhật Bản có thể đã trở thành một liên bang giống như Ðức, Italia hay Ấn Ðộ. Người Nhật từ xưa vẫn có ý thức mạnh mẽ coi đất nước Nhật là một "thiên hạ", song cái ý thức rằng "bởi đây là một nước nên mỗi người đều phải phục tùng một chính phủ, phải chấp nhận một chính quyền chung" như người Nhật ngày nay quan niệm về chế độ tập quyền trung ương, thì đã mất đi mất rồi. Chủ trương như vậy và bằng hành động của chính mình làm sống lại chế độ đó, chính là Nobunaga với đường lối cải cách và tập quyền của ông vậy.

Nếu Nobunaga sống thêm mười năm nữa, thì nước Nhật sẽ ra sao? Ðó không phải chỉ là một cái "nếu của lịch sử," mà thực ra nó làm cho người ta tưởng tượng được xa hơn nhiều. Bởi vì Nobunaga đã vẽ ra được hình ảnh nước Nhật sau khi ông thống nhất được thiên hạ.

Thời kỳ chiến quốc có nhiều võ tướng tài ba. Takeda Shingen, Uesugi Kenshin, Mori Motonari đều là những võ tướng tài ba cả. Thế nhưng, chỉ có hai người đã làm sáng tỏ được vấn đề "sau khi thống nhất được thiên hạ rồi thì trị nước ra làm sao?" Ðó là Oda Nobunaga và Tokugawa Yeyasu. Võ tướng, lãnh chúa thời chiến quốc mà lại có cái nhìn tổng quan như vậy thì quả là hai người này xuất sắc hơn cả.

Trong hai người, thì Nobunaga, với tư tưởng "rải võ ra khắp thiên hạ," đã có kế hoạch rõ rệt là thực hiện quyền thống trị toàn quốc bời tầng lớp võ sĩ được thâu tóm lại, với chính ông đứng ở thượng đỉnh, để lập ra một vương chế tuyệt đối, tức là một chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối. Trước hết, ông chủ trương rằng, tôn giáo chỉ nên dừng lại ở trong tâm người ta. Nói cách khác, đó là một hình thức phân tách chính trị khỏi tôn giáo. Vì thế, chính Nobunaga đã không trở thành một nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời ông cũng không can thiệp vào vấn đề tín ngưỡng. Thứ nhì, ông nghĩ rằng vua (thiên hoàng) và công khanh thì chỉ nên chăm lo mặt nghi lễ, văn hóa. Còn quyền chính trị thế tục thì hoàn toàn phải do tầng lớp võ sĩ samurai nắm giữ. Hơn thế nữa, ông không chấp nhận sự phân quyền cho địa phương, mà chủ trương lập ra một chính phủ tập quyền trung ương, một vương quyền tuyệt đối vậy.

Nobunaga không hề giấu giếm cái tư tưởng như vậy. Vì thế, ông không cho kẻ địch đã đầu hàng được quyền tự trị. Về điểm này, thì Hideyoshi nối tiếp sự nghiệp của Nobunaga, đã bị sa đọa nên đã nhìn nhận Mori, Uesugi, chứ nếu là Nobunaga thì ông đã tiêu diệt những người này đi rồi. Ðó là vì ông phải làm như thế mới xác lập được vương quyền tuyệt đối vậy.

Viễn tượng về một vương quyền tuyệt đối đầu tiên trong lịch sử thế giới

Cái đáng sợ của Nobunaga là ông không để a tới cái lợi trước mắt, mà kiên trì theo đuổi niềm tin của mình. Khi phong đất cho gia thần, ông cũng không cho họ quyền tự trị. Chẳng hạn, khi phong đất Etsuzen cho Shibata Katsuie, ông bảo phải phục tùng mệnh lệnh của ông, cấm không cho nằm ngủ duỗi chân về phía ông[12].

Không những thế, Nobunaga hình như đã có chủ ý trong việc phân công các gia thần của mình vào công tác trấn giữ các địa phương. Chẳng hạn, ông phong cho Hideyoshi làm Hashiba Etsuzen no Kami (thái thú châu Etsuzen, nay là phía bắc đảo Kyushu), Akechi Mitsuhide làm Koreto Hyuga no Kami (thái thú châu Hyuga, nay là tỉnh Miyazaki, phía nam đảo Kyushu). Lại nữa, Niwa Nagahide được ông phong cho họ Koreto và cho trấn giữ miền tây. Ðại để, ông để cho ba thủ hạ thân tín này cai quản đảo Kyushu. Một mặt, ông để cho Shibata Katsuie trấn giữ hai châu Dewa và Etsugo, Takigawa Kazumasu thì cho giữ châu Kita-Kanto, rồi Tokugawa Yeyasu thì hình như định giao cho giữ châu Mutsu rộng 1 triệu 600 ngàn hộc. Nghĩa là ông đã phân công cho bọn Tokugawa trấn giữ toàn quốc, và định thâu tóm quyền quản lý trực tiếp về trung ương. Ông đã có ý định rõ rệt như vậy.

Ðồng thời, Nobunaga tuy xuất thân từ vùng Owari, nhưng đã đóng đô ở thành Gifu, rồi lại đổi sang ở thành Azuchi, và nếu còn sống, hẳn ông đã đổi sang ở thành Ozaka. Các võ tướng lãnh chúa thời chiến quốc thường bám chặt lấy nơi quê quán. Chẳng hạn, Takeda Shingen cố thủ Kaitsutsujigasaki, Uesugi Kenshin không rời khỏi Kasugayama. Trong khi đó, Nobunaga lần lần đổi sang ở nơi tiện lợi hơn. Bởi vì ông coi việc thực hiện một vương chế tuyệt đối trên toàn quốc Nhật Bản là mục tiêu của mình, nên không câu nệ tính địa phương của nơi đóng bản doanh.

Thời ấy, vua Tây Ban Nha Felippe II và nữ hoàng Anh quốc Elizabeth I cũng đang xây dựng vương chế tuyệt đối nhưng không có tính cách triệt để như thể chế Nobunaga định lập ra. Phải chờ đến khoảng một trăm năm sau một vương chế như vậy mới thành hình dưới thời vua Pháp Louis XIV. Nếu Nobunaga thực hiện xong việc "rải võ ra khắp thiên hạ," thì ở Nhật Bản đã xuất hiện một nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối đầu tiên trên thế giới vậy.

Những người như thế nào đã sống trên thế giới thời đó? Thế giới lúc đó đã có nhiều người đáng chú ý. Nga hoàng Ivan IV, người đã cải cách nước Nga, sinh trước Nobunaga bốn năm và mất sau Nobunaga hai năm. Vua Felippe II, người đã lập ra hạm đi vô địch của Tây Ban Nha, thì sinh trước Nobunaga bảy năm và sống thêm 16 năm nữa sau khi Nobunaga đã mất. Nữ hoàng Anh Elizabeth I hơn Nobunaga một tuổi song sau này mới hoạt động mạnh. Họ đều là người cùng thời với Nobunaga. Có thể nói Nobunaga đã có ý thức thống nhất Nhật Bản sớm sủa không thua kém gì các bậc đế vương châu Âu vậy.

Bởi thế, nếu Nobunaga sống thêm 10 năm nữa, thì Nhật Bản hẳn đã trở thành một nước có nền quân chủ chuyên chế tuyệt đối, đã có chính sách trọng thương[13] và như vậy đã phát triển kinh tế, kỹ thuật. Thế nhưng sau khi Nobunaga mất đi, thì Nhật Bản có thể đã bị ngoại bang xâm lược.

Ðối lại, Tokugawa Yeyasu đã áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng, giữ cho Nhật Bản khỏi bị ngoại xâm. Song, ông đã làm cho Nhật Bản trở thành một nước không có gì hấp dẫn cả. Nếu Oda Nobunaga sống, thì chắc chắn ông đã làm Nhật Bản thành một nước sinh động hơn, náo nhiệt hơn. Lịch sử Nhật Bản hẳn đã đổi khác đi nhiều. Với ý nghĩa này, Nobunaga còn có thể coi là một phần "lịch sử Nhật Bản đã bị phủ nhận".

Tuy nhiên, Nobunaga là người đầu tiên tỏ rõ ý chí thống nhất và lập ra một chính thể tập quyền trung ương ở Nhật Bản, sau khi nước này đã bị phân hóa kể từ thời trung cổ. Ðồng thời, ông đã để lại "thần thoại" chứng minh rằng nước Nhật có thể cải cách được. Vì vậy, mặc dù đường lối "rải võ ra khắp thiên hạ," của ông đã chỉ mới hoàn thành nửa chừng, song những gì ông để lại cho Nhật Bản quả là lớn lao.

---

[1] Thiên hoang là chỉ lúc thiên hạ còn hỗn độn chưa mở mang. Phá thiên hoang là chỉ việc làm có tính cách khai thiên lập địa, chưa từng có.
[2] Thời chiến quốc Nhật Bản là kể từ loạn Onin (1467-1477) cho tới lúc Oda Nobunaga đứng ra thống nhất thiên hạ (1582). Khác với thời chiến quốc Trung Hoa (403-221 trước công nguyên).

[3] Francisco Xavier (1506-1552) là giáo sĩ Cơ đốc thuộc dòng Tên (Jésuites) đầu tiên đặt chân lên đất Nhật. Ông là người đầu tiên đã dùng mẫu tự La-tinh phiên âm tiếng Nhật. Tương truyền rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes, cũng thuộc dòng Tên, đã tham khảo công trình của Xavier trong việc hoàn thành phương pháp viết tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh năm 1651. Cho nên, chỉ nêu tên Alexandre de Rhodes trong sự nghiệp La-tinh hóa Việt ngữ là thiếu sót!

[4] Chẳng hạn Christopher Columbus đã tìm ra châu Mỹ vào cuối thế kỷ thứ XV (1492). Ở Việt Nam, nhân vật này hay được gọi là Christophe Colombe, tức là đọc theo tiếng Pháp. Thật ra, ông là người Italia, nên đáng lẽ phải gọi ông bằng tên tiếng Italia, tức là Cristoforo Colombo. Cách đọc ở đây, Christopher Columbus, là theo tiếng Mỹ (Anh).
[5] Shosoin là một viện bảo tàng lập ra ở Nara vào thế kỷ thứ VIII để tàng trữ hơn ch ín ngàn bảo vật của thiên hoàng Shomu (701-756).
[6] Trận đánh quyết định giữa hai phe, một bên là Ishida Mitsunari và một bên là Tokugawa Yeyasu. Tất cả các lãnh chúa thời đó đều đã về phe với một trong hai võ tướng này. Phe Tokugawa đã thắng trận và do đó Tokugawa Yeyasu đã lên làm chúa lập ra mạc phủ Tokugawa kéo dài gần 300 năm ở Edo (Tokyo ngày nay).

[7] Cửa quan là nơi kiểm soát người đi lại và hàng hóa lưu thông, vừa có trách nhiệm về trị an vừa để thâu thuế đường và thuế chợ.
[8] Miền "đàng trên" là dịch chữ Kamigata. Kamigata là tên gọi miền đất gồm có kinh đô Kyoto và những châu quận quanh đó, tương tự như xưa kia ở VN ta gọi "đàng trong" là vùng đất quanh nơi chúa Nguyễn cai quản.

[9] Thiên hạ bố võ, nghĩa là "rải võ ra khắp thiên hạ," tức là rải nền chính trị võ gia (samurai) ra khắp thiên hạ. Ðây là chủ trương chính trị của Nobunaga. Ông đã lấy bốn chữ này khắc vào dấu, ấn cũng như in vào cờ, xí của quân đội của ông.
[10] Thời chiến quốc Nhật Bản, "trà đạo" phần lớn là do các nhà sư truyền bá. Sư Nhật Bản lấy vợ được.
[11] Miyamoto Musashi thường được coi là kiếm khách võ nghệ siêu quần, binh pháp tinh thông, có một không hai trong lịch sử samurai Nhật Bản.

[12] Người Nhật khi tôn kính ai, chịu ơn ai, thì hay tỏ thái độ đó bằng cách không duỗi chân về phía người ấy trong khi nằm ngủ.
[13] Chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) là chủ trương kinh tế coi trọng thương mại của các nước châu Âu từ khoảng giữa thế kỷ XV sang tới giữa thế kỷ XVIII. Chủ trương này là nhà nước bảo hộ và can thiệp vào mậu dịch với mục đích làm giầu bằng cán cân mậu dịch có lợi cho mình.

Kasumi
12-05-2012, 01:17 AM
Bổ sung thêm lời tựa của dịch giả ^^

---


Lời tựa của dịch giả



Khi nói đến Nhật Bản thì không cứ gì ở Việt Nam, mà ở khắp nơi trên thế giới, người ta đều coi đó là một hiện tượng thần kỳ.

Vâng, với diện tích đất đai chỉ lớn hơn Việt Nam khoảng mười phần trăm[1], và dân số khoảng gấp rưỡi Việt Nam[2], Nhật Bản đang có sức mạnh kinh tế thứ nhì trên thế giới, bằng một nửa Mỹ[3], bằng hơn năm lần Trung Quốc[4]. Sản phẩm công nghiệp của Nhật, từ nặng tới nhẹ, từ lớn tới nhỏ, từ tinh vi tới siêu kỹ thuật, luôn luôn đứng hàng đầu thế giới.

Ấy thế mà, mới chỉ 150 năm trước đây thôi, khi Nhật Bản sắp sửa mở cuộc canh tân Minh Trị[5] thì nói chung xã hội Nhật Bản, nền kinh tế Nhật Bản cũng không hơn gì Việt Nam thời đó. Ðừng nói gì chuyện 150 năm trước cho dông dài, hãy nhìn lại khoảng năm chục năm qua, tức là từ sau trận chiến tranh thế giới lần thứ hai, tới nay thôi, ai ai cũng phải nhìn nhận rằng Nhật Bản lại làm một phép lạ, một kỳ tích lần thứ hai, tức là phục hưng lại xứ sở của một nước thua trận, đã bị phá hủy tan hoang, để rồi trở lại sân khấu thế giới một cách hãnh diện là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Khi tôi bắt đầu sang du học Nhật Bản tháng 4 năm 1957, tức là chưa đầy 12 năm kể từ sau khi Nhật Bản thua trận chiến tranh thế giới lần thứ hai[6], thì lúc đó Nhật Bản đã đứng đầu thế giới về nền công nghiệp đóng tàu. Lúc đó, mức thu nhập của một người trí thức tốt nghiệp đại học của Nhật so với người Mỹ, chỉ tương tự như mức thu nhập của người Việt Nam ngày nay so với người Mỹ, mà thôi. Thật vậy, khoảng những năm đầu của thập kỷ 1960, mức lương tháng của một người Nhật mới tốt nghiệp đại học là khoảng 50 đôla Mỹ. Trong khi đó, một người Mỹ có trình độ tương tự, lĩnh lương tháng trung bình là 600 đô-la nghĩa là hơn gấp 12 lần. Thế mà chỉ 20 năm sau thôi, thu nhập của người Nhật đã đuổi kịp người Mỹ rồi, và Nhật Bản nghiễm nhiên trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới như vừa nói.

Ở địa vị một nước thua trận, bị quân đội Mỹ (quân đội đồng minh) chiếm đóng, với diện tích đất đai nhỏ hẹp, dân số đông đúc, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, Nhật Bản đã vươn lên được để chỉ trong chưa đầy 20 năm sau, đã đường đường đứng ra tổ chức Thế Vận Hội đầu tiên ở châu Á năm 1964. Việc đăng cai tổ chức Thế Vận Hội chứng tỏ quốc lực của Nhật Bản đã hồi phục hoàn toàn.

Giới thiệu một tác phẩm nói về sự thành lập nước Nhật Bản, bằng cách chọn 12 nhân vật đã đóng góp nhiều nhất cho sự nghiệp đó, bởi một tác giả được coi là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế, người đã được thủ tướng Obuchi mời vào làm bộ trưởng kế hoạch kinh tế để giải quyết những khúc mắc kinh tế, tài chính do tình trạng kinh tế bong bóng bị nổ xẹp gây ra, chúng tôi hi vọng cống hiến một số tư liệu lịch sử của một trường hợp dựng nước thường được coi là thành công, và đã được nhiều nước, nhất là những nước đang mở mang ở Ðông nam Á, lấy làm mẫu mực, để tham khảo và so sánh.

Trong số 12 người nói đến ở đây, không ai là vị vua khai thiên lập địa, cũng không ai là vị tướng tài đánh dẹp ngoại xâm. Mà họ là 12 người đã để lại ảnh hưởng sâu đậm đối với nước Nhật và người Nhật ngày nay. Họ là những người đã đưa ra quan niệm tôn giáo, tiêu chuẩn luân lý, phong cách xử thế, tức là những giá trị tinh thần của người Nhật, tới những cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội còn tồn tại, hoặc vẫn còn ảnh hưởng lớn tới ngày nay.

Về cách diễn đạt, chúng tôi đã cố gắng "dịch từng chữ" của nguyên văn tiếng Nhật, cực lực tránh "dịch thoát," để không đưa cái chủ quan của người dịch vào nội dung. Ngoài ra, có rất nhiều từ, nhất là những từ có tính cách lịch sử, và nhiều sự kiện lịch sử trong nguyên văn vừa khó đọc lại vừa khó hiểu đối với độc giả Việt Nam. Trong những trường hợp này, chúng tôi đã cố gắng chú thích thêm cho đầy đủ. Chú thích xuất hiện dưới hai dạng: cước chú và lời chú đóng trong ngoặc đơn. Phần chú thích như vậy vốn không có trong bản gốc tiếng Nhật. Người dịch chịu trách nhiệm hoàn toàn về những chú thích như vậy.


Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Quý Mùi (năm 2003)
Người dịch Ðặng Lương Mô


[1] Diện tích Việt Nam là khoảng 334 ngàn kilômét vuông, trong khi đó diện tích Nhật Bản là khoảng 369 ngàn kilômét vuông.

[2] Dân số Việt Nam là khoảng 80 triệu người, so với khoảng 120 triệu người của Nhật Bản.

[3] Mỹ có diện tích đất đai gấp khoảng 25,4 lần và dân số khoảng 2,5 lần Nhật Bản.

[4] Trung Quốc có diện tích đất đai gấp 26,5 lần và dân số gấp hơn 9 lần Nhật Bản.

[5] Vua Minh Trị của Nhật Bản chính thức thâu hồi được quyền chính trị là tháng 11 năm 1867.

[6] Nhật Bản chính thức đầu hàng phe đồng minh là ngày 15 tháng 8 năm 1945.