PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Setsuwa (thuyết thoại) của Nhật Bản



Kasumi
11-02-2007, 09:40 PM
Setsuwa (Thuyết thoại) là cách gọi chung cho thể loại thần thoại, truyền thuyết và truyện kể dân gian Nhật Bản. Trong kho tàng Thuyết thoại Nhật Bản, Nihonreiki (thế kỷ thứ 9) và Konjakumonogatarishu (thế kỷ thứ 12) được coi là hai tác phẩm tiêu biểu, ra đời vào thời kỳ Phật giáo và văn học Trung Quốc được du nhập và phát triển rực rỡ tại Nhật Bản. Sau khi chữ Kana ra đời, Thuyết thoại ngày càng phát triển và chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Nhật Bản. Tuy số lượng không nhiều song giá trị mà nó đem lại vô cùng to lớn, không chỉ cho việc nghiên cứu văn học Nhật Bản, mà cho cả việc nghiên cứu lịch sử văn học so sánh ở Đông Á.

I. Vài nét về Setsuwa của Nhật Bản

1. Về khái niệm Thuyết thoại 說 話(Setsuwa).

Setsuwa (từ đây chúng tôi gọi là Thuyết thoại) theo định nghĩa của Từ điển chuyện cổ tích Nhật Bản 日 本 昔 話 事 典 (Nihon muka shibana shi jiden)(1) là cách gọi chung cho các chuyện được kể theo một chủ đề nhất định. Khái niệm này được sử dụng rộng rãi trong giới nghiên cứu. Trong văn học Nhật Bản, người ta phân loại văn học tự sự thời Thượng đại (khoảng trước sau thời đại Nara, 71- 784) thành thần thoại, truyền thuyết, thuyết thoại. Thuyết thoại, ngoài thần thoại và truyền thuyết còn được quan niệm là thể loại có dây mơ rễ má với văn xuôi tự sự. Hoặc, người ta coi thuyết thoại là các câu chuyện ngắn, không tuân theo những quy định nghiêm ngặt, khác xa với thể loại monogatari là dòng chủ lưu của tản văn thời kì Heian (khoảng 400 năm từ thời Thiên hoàng Kanmu 737 - 806 cho đến Kamakura Bakufu 1206). Sau thời kỳ Heian, các sưu tập về thuyết thoại chủ yếu là các truyền thuyết về kinh Phật ở các chùa chiền, tuy được kể thành từng chuyện, nhưng vẫn như trước, thuyết thoại chỉ được coi là một thể loại tản văn mang tính "đoản thiên" và "sắp xếp các tình tiết câu chuyện" mà thôi. Hơn thế nữa, trong văn học Nhật Bản, thuyết thoại được dùng để gọi chung không hạn định cho loại hình truyện kể dân gian, truyện truyền miệng đã được văn bản hóa. Cũng có nghĩa trong văn học Nhật bản, Thuyết thoại được sử dụng một cách khá linh hoạt. Trong lĩnh vực Dân tục học Nhật Bản, các nhà nghiên cứu ít dùng thuật ngữ thuyết thoại, nhưng đối với những truyện kể dân gian được định hình bằng chữ Hán, thì mọi người lại thường xuyên sử dụng thuật ngữ thuyết thoại. Với nghĩa rộng, nó bao gồm cả truyện kể Phật giáo, truyền thuyết dân gian, truyện cổ tích và truyện thế tục, trong đó có cả truyện cười, truyện châm biếm...

2. Các sưu tập thuyết thoại nổi tiếng Nhật Bản.

Theo nhà nghiên cứu Nhật Bản Kono Tatsu 今 野 達 (trong Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản), sưu tập thuyết thoại cổ nhất trên thế giới có thể kể đến các tác phẩm như Truyện kể AEdop, thời cổ đại Bồ Đào Nha, ra đời vào khoảng thế kỷ 6 trước công nguyên; Nghìn lẻ một đêm, Truyện kể Jataka (Phạn ngữ), thời Ấn Độ cổ đại; hay các truyện chí quái thời Hán, Ngụy, Lục triều của Trung Quốc. Thuyết thoại cổ nhất của Nhật Bản hiện còn là Nihonreiiki (Nhật Bản linh dị ký) 日 本 靈 異 記 , ra đời vào năm Konin 14 (823), tác giả là nhà sư Kekai 景 戒 (sẽ được giới thiệu cụ thể dưới đây). Cùng hệ phả với Nhật Bản linh dị ký còn có Nihon kanrei roku (Nhật Bản cảm linh lục) 日 本 感 靈 錄, do nhà sư Gisho 僧 義 詔 soạn vào năm Kasho 嘉 祥 thứ 3 (850); Sanbo eji (Tam bảo hội từ) 三 寶 繪 詞 do Gentame Nori 源 為 憲 biên soạn vào năm Eikan 永 觀 thứ 2 (984); Nihon ojyo kyorakuki (Nhật Bản vãng sinh cực lạc ký 日 本 往 生 極 樂 記 do Yoshishige Yasutane 慶 滋 保 胤 soạn vào Kan wa 寬 和 thứ 2 (986) Các truyện vãng sinh, tín ngưỡng Pháp Hoa kinh như Nihon hotsuke genki (Nhật Bản pháp hoa nghiệm ký) 日 本 法 華 驗 記 (1044) hay Uchigikishu (Đả khai tập) 打 開 集 (1134) đều do nhà sư Chingen 僧 鎮 源 biên soạn. Tất cả các tác phẩm kể trên đều là truyện kể Phật Giáo. Cùng hệ phả này đến đầu thế kỷ 12 (1110) còn có tác phẩm Hotsuke shuho itsuhyaku kikigaki sho (Pháp Hoa tu pháp nhất bách tòa văn thư pháp) 法 華 修 法 一 百 座 聞 書 抄 , được coi là tư liệu quan trọng để tìm hiểu về tình hình thuyết kinh (giảng giải kinh Phật) thời bấy giờ. Sang đầu thế kỷ thứ 10, nở rộ phong trào sưu tầm, ghi chép truyện cổ tích, truyện lạ trong dân gian. Đi đầu là tác phẩm Zengehiki (Thiện gia bí kí) 善 家 秘 記 của Miyoshiki Kyotsura 三 善 清 行 ; thứ hai là Kike kaii jitsu roku (Kỉ gia quái dị thực lục) 紀 家 怪 異 寔 錄 . Cả hai tác phẩm đều là sưu tập truyện quái dị được viết bằng Hán văn và đều là tác phẩm chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chí quái thời Lục triều, thời Đường. Có thể nói, sự ra đời của thuyết thoại Nhật Bản, bao gồm cả truyện kể Phật giáo đều xuất phát từ việc coi trọng các cuộc tiếp xúc với các sách vở đến từ Trung Quốc.
Sau khi chữ Kana ra đời, phong trào ghi chép truyện kể dân gian ngày một phát triển. Đầu thế kỷ thứ 12, Konjakumonogatarishu (Kim tích vật ngữ tập) 今 昔 物 語 集 - tác phẩm ghi chép truyện dân gian đồ sộ ra đời. Kim tích vật ngữ tập không chỉ là sưu tập truyện kể Phật giáo mà còn là tác phẩm mang tính thế giới, bao quát vào nó cả truyện thế tục không chỉ của Nhật Bản, mà còn có cả truyện kể dân gian Ấn Độ và Trung Quốc (xin giới thiệu dưới đây). Đến sau thời kì Kamakura 鐮 鎗 thuyết thoại tuy không ra khỏi khuôn khổ cơ bản đã được định hình từ thời Heian 平 安 đó là ghi chép truyện kể Phật giáo và thế tục, nhưng số lượng tác phẩm đã tăng một cách mạnh mẽ, nội dung cũng phong phú hơn rất nhiều. Có thể nói từ thời kì đầu Kamakura đến Trung kì là thời đại của thuyết thoại... trong đó nổi tiếng có Kojidan (Cổ sự đàm) 古 事 談 , Zoku kojidan (Tục cổ sự đàm) 續 古 事 談, Kokon cho mon jyu (Cổ kim trứ văn tập) 古 今 著 聞 集 là những sưu tập truyện kể Phật giáo và dân gian của tầng lớp quý tộc quan nhân có hứng thú với thuyết thoại và cổ thư. Một số tác phẩm thuyết thoại được viết theo lối Kana như Uji shu i monogatari (Vũ trị thập di vật ngữ) 宇 治 拾 遺 物 語 , Kohon setsuwa shu (Cổ bản thuyết thoại tập) 古 本 說 話 集 , Kon monogatari (Kim vật ngữ) 今 物 語 ; Một số tác phẩm như Hasshin shu (Phát tâm tập) 發 心 集 , Shen jyu sho (Soạn tập sao) 撰 集 抄... ra đời do nhu cầu học đạo, tìm đến cuộc sống tu thân thanh tịnh của những người muốn xuất gia lánh đời. Những thuyết thoại mang nội dung giáo huấn, dạy cách ứng xử, nổi tiếng có sưu tập thuyết thoại của ba nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản như Shi ju hyaku in nen shu (Tư tụ bách nhân duyên tập) 私 聚 百 因 緣 集 , Chu ko sen jyu (Chú hảo soạn tập) 注 好 撰 集 , và các tác phẩm khác như Ho butsu shu (Bảo vật tập) 寶 物 集 , Sha seki shu (Sa thạch tập) 沙 石 集 , So tan shu (Tạp đàm tập) 雜 談 集 . Trong đó đáng chú ý có Shin do shu (Thần đạo tập) 神 道 集 , được chùa Angu biên soạn vào thời Nam Bắc triều (1336-1392); Ngoài ra còn có San goku ten ki (Tam quốc truyện ký) 三 國 傳 記 được biên soạn vào đầu thời Muromachi (1392-1573) vừa là sưu tập thuyết thoại nối theo truyền thống của Kon jakumonogata ri shu (Kim tích vật ngữ tập) 今 昔 物 語 集 và Shi ju hyaku in nen shu (Tư tục bách nhân duyên tập) 私 聚 百 因 緣 集 , vừa là thuyết thoại của thời Tam quốc. Từ cuối thời Mu romachi đến sơ kì thời Cận thế đã xuất hiện các truyện quái dị và tiếu lâm như Ki i so tan shu (Kì dị tạp đàm) 奇 異 雜 談 và Sei sui sho (Tỉnh thụy tiếu) 醒 睡 笑 , tuy nhiên những sưu tập thuyết thoại truyền thống ngày càng thưa, và mai một dần trong phong trào văn học mới Genre (Janru) (thơ, tiểu thuyết, hí khúc). Người ta đã đưa một phần của thuyết thoại thời cận thế vào Kanajoshi (đoản biên tiểu thuyết thời kỳ Edo)và Hanashiban, một phần được đưa vào Tùy bút. Độ dày của các sưu tập thuyết thoại thời cận thế đã được tổng hòa một cách thực chất hơn ở các thuyết thoại được biên soạn tiếp sau này cho đến thời cận đại và chiếm một vị trí khá quan trọng trong lịch sử văn học Nhật Bản. Số lượng các tác phẩm cũng nhiều hơn, trong đó đáng chú ký có Do dan sho (Giang đàm sao) 江 談 抄 , Fu ke go (Phú gia ngữ) 富 家 語 , Chu gai sho (Trung ngoại sao) 中 外 抄... là các thuyết thoại ghi chép truyện kể của các gia tộc lớn; Kyo gun sho (Giáo huấn sao) 教 訓 抄 , Zoku kyo gun sho (Tục giáo huấn sao) 續 教 訓 抄... là các thuyết thoại bằng tranh vẽ cuộn thu thập các truyện lợi sinh và duyên khởi của thần phật. Về thuyết thoại kỹ nghệ có các tác phẩm Kyogun sho (Giáo huấn sao) 教 訓 抄 , Zoku kyogun sho (Tục giáo huấn sao) 續 教 訓 抄 ; hay các tập xướng đạo có Gen sen shu (Ngôn tuyền tập) 言 泉 集 và Ten bo rin sho (Truyền pháp luận sao) 轉 法 論 抄 . Đây là những tác phẩm không thể thiếu khi nghiên cứu Setsuwashu của Nhật Bản. Quả thực số lượng các sưu tập thuyết thoại của Nhật Bản chỉ nói một lời là hết nhưng giá trị mà nó đem lại vô cùng lớn, đặc biệt cho việc nghiên cứu về truyện kể dân gian mà đầu tiên là truyện cổ tích Nhật Bản (Nihon muka shibana shi). Tuy nhiên các thuyết thoại cho đến nay vẫn chưa được chỉnh lý và sử dụng một cách có hiệu quả. Việc phân loại tuy dựa vào tính cách và nội dung của thuyết thoại nhưng vẫn chưa đi đến được cách phân loại có tính tổ chức, tính tổng hợp để có thể bao quát được toàn bộ những thủ pháp nghệ thuật, hình thức biên tập hay ý đồ biên tập với đối tượng là toàn bộ tác phẩm. Việc khảo sát các sưu tập thuyết thoại mới chỉ dừng ở việc khảo sát một bộ phận như cốt truyện, motip, và đó vẫn còn là vấn đề tồn tại của tương lai.

Kasumi
11-02-2007, 09:42 PM
II. Nihonreiki 靈 異 記 (Nhật Bản linh dị ký)

Nhật Bản linh dị ký (Ghi chép những chuyện linh nghiệm, kỳ lạ của Nhật Bản), tên thường gọi là Linh dị kí (Ryoiki) (từ đây gọi là Linh dị ký), tên đầy đủ là Nhật Bản quốc hiện báo thiện ác linh dị ký, là tập truyện cổ Phật giáo đầu tiên viết bằng chữ Hán của Nhật Bản. Đây là tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học cổ điển Nhật Bản, phản ánh nhiều mặt của nền văn hóc Nhật Bản thời trung đại. Sách được biên soạn năm En ryaku thứ 6 (787), hoàn thành năm Konin thứ 13 (822). Tác giả là nhà sư Kekai, sống ở chùa Yakushi ở kinh đô Na ra (nay thuộc tỉnh Na ra).
Linh dị ký gồm 3 quyển: Thượng, Trung, Hạ. Quyển Thượng có 35 truyện, Trung có 42 truyện và Hạ có 39 truyện. Cả thảy có 116 truyện. Đầu mỗi truyện là lời Tựa, sau phần lớn mỗi truyện là lời Tán, xen kẽ giữa các truyện là các đoạn thơ, ca dao. Tác phẩm tập trung vào các đề tài như truyện về các thiền sư, về người có sức khỏe, truyện trả ơn của súc vật, các truyện báo ứng luân hồi, ở hiền gặp lành, làm ác phải chịu quả báo, sự linh nghiệm của Phật Quan âm, Diệu kiến Bồ tát, Di lặc Bồ tát, sự biến hóa của kinh điển và tượng Phật. Tất cả các truyện kỳ lạ, linh nghiệm đều được dàn dựng gắn với hiện thực trên nền lịch sử có thật, được tác giả sắp xếp theo trục thời gian từ thời Thiên hoàng Yuryaku (Hùng Lược, 478) cho đến hết thời thiên hoang Kamu (Hằng Vũ, 781-806).
Linh dị ký là tác phẩm được viết dưới ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo, nó là sản phẩm của thời kỳ Phật giáo và văn hóa Trung Quốc được du nhập và phát triển rực rỡ ở Nhật Bản. Các tác phẩm chí quái Trung Quốc đời Tấn như Sưu thần ký 搜 神 記 các tác phẩm truyền kỳ đời Đường nổi tiếng đương thời như Nhâm thị truyện 任 氏 傳 và truyện kể Phật giáo Trung Quốc như Minh báo ký 冥 報 記 Kim cương bát nhã kinh tập nghiệm ký 金 剛 般 若 經 集 驗 記... được lưu hành rộng rãi ở Nhật Bản thời bấy giờ đã có ảnh hưởng lớn đến Linh dị ký. Tác giả Linh dị ký còn sử dụng nhiều mô típ có tính khuôn mẫu đã được định hình trong truyện kể dân gian không chỉ riêng của Nhật Bản mà chung của thế giới như: mô típ về sự sinh nở kỳ lạ; sự hóa thân từ người sang vật; những nhân vật có khả năng kỳ diệu, hôn nhân giữa người và động vật, những nhân vật xấu xí mà tài ba...
Truyện 3 quyển Thượng kể về người nông dân làng Katawa đi dẫn nước vào ruộng, gặp trời mưa liền trú mưa dưới gốc cây. Đúng lúc đó thần Sấm giáng hạ, người nông dân định dùng gậy sắt đập chết thần Sấm, nhưng khi nghe thần Sấm nói trả ơn bằng cách cho đứa con, ông bèn làm máng nước bằng cây quế hương, thả lá tre xuống cho thần Sấm bay về trời.
Đây là phần đầu truyện Bắt thần Sấm trong Linh dị ký. Thần Sấm là nhân vật thường xuất hiện trong truyện cổ và truyền thuyết dân gian ở các nước trong khu vực. Tuy vị trí địa lý có khác nhau, song Trung Quốc (vùng phương Nam), Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam từ xa xưa cũng là những nước nông nghiệp, lấy lúa nước làm cây trồng cơ bản. Với khí hậu ấm áp, lượng mưa mùa hạ lớn đã đem lại cho các nước thảm thực vật phong phú, hoa trái bốn mùa tươi tốt, nghề nông với cây lúa nước có điều kiện để phát triển và giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nước cũng phải hứng chịu những khắc nghiệt do thiên nhiên mang lại, đe dọa cuộc sống và tính mạng con người như lũ lụt, ngập úng, hạn hán và sấm sét. Xuất phát từ nhu cầu ca ngợi tôn vinh, ngay từ những tác phẩm ghi chép truyện dân gian đầu tiên ở các nước đã xuất hiện những anh hùng chống thiên tai mang tầm vóc vũ trụ. Trong cuộc đấu tranh đó, những người bình thường nhưng có khả năng hòa hợp với thiên nhiên, sau khi chết đi được tôn thành thần, và họ cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Truyện về những người "bắt thần Sấm" trong Linh dị ký và truyện kể dân gian ở các nước trong khu vực phản ánh một chiều kích khác của đời sống tâm linh của con người.
Trong khi nghiên cứu Linh dị ký với thuyết thoại của Trung Quốc, nhà nghiên cứu Kono Kimiko 河 野 貴 美 子 (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã có sự so sánh tỉ mỉ cốt truyện bắt thần Sấm trong Linh dị ký và các truyện kể dân gian của Trung Quốc và thuyết thoại Nhật Bản, từ nhân vật, địa điểm, hình dáng thần Sấm, phương pháp bắt thần Sấm, thần Sấm bay lên trời, sự báo thù, trả ơn của thần Sấm (17) . Kono cho rằng, phần lớn nhân vật bắt thần Sấm trong các thuyết thoại của Trung Quốc là người nông dân, hoặc người dân bình thường. Phương pháp bắt thần Sấm cũng muôn hình muôn vẻ, người dùng vết nứt của bia để kẹp lấy thần Sấm (truyện 1, quyển Thượng, 靈 異 記 ); dùng gậy sắt giơ lên bắt thần Sấm (truyện 3, quyển Thượng, Linh dị ký 靈 異 記 ); đọc Kinh Pháp hoa bắt thần Sấm giáng hạ ở ngay ngôi tháp do thần Sấm phá vỡ (quyển Hạ, Pháp Hoa nghiệm ký 法 華 驗 記 - Nhật Bản); dùng cuốc đánh gẫy đùi thần Sấm (quyển 111, Sưu thần ký 搜 神 記); vừa cưỡi ngựa vừa giơ mâu lên để giết thần Sấm (Quyển 18, Bắc Tề thư 北 齊 書 ); dụ cho thần Sấm nhảy xuống cây, dùng vết nứt ở thân cây kẹp chặt lại rồi bắt thần Sấm (Tiên cảm ngẫu truyện 仙 感 偶 傳 , quyển 394 trong Thái Bình quảng ký 太 平 廣 記 ); dùng đồ thần Sấm kiêng ăn như cá vàng, thịt lợn, gọi thần Sấm xuống, rồi dùng dao chém vào đùi thần Sấm, làm thần Sấm rơi xuống (Truyền kỳ 傳 奇 , quyển 394 trong Thái Bình quảng ký 太 平 廣 記 ...
Nét độc đáo ở cốt truyện bắt thần Sấm trong Linh dị ký, theo Kono và một số nhà nghiên cứu Nhật Bản, thể hiện ở trang phục của Sugura - người được Thiên hoàng ra lệnh đi bắt thần Sấm. Sugura được mô tả: "...trên trán thắt dây bìm bìm mầu đỏ, vác cây mâu trên cắm lá cờ đuôi nheo cũng màu đỏ, cưỡi con ngựa đi từ con đường Yamabe, thôn Abe ra tới con đường trước chùa Toyora". Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, Suga ru đã mặc trang phục của võ sĩ Nhật Bản thời xưa khi ra trận. Màu đỏ tía của dây bìm bìm và cờ đuôi nheo cắm ở ngọn nâu để trừ ma tà là thể hiện tinh thần dũng mãnh của người võ sĩ. Chi tiết này được tác giả tái tạo một cách thẩm mỹ dựa theo những yếu tố truyền thống trong sinh hoạt của người dân Nhật Bản.
Về chi tiết thần Sấm báo thù, và trả ơn, ở truyện 1, quyển Thượng, truyện kể sau khi Suga ru mất, Thiên hoàng ra lệnh làm lễ mai táng ông bảy ngày bảy đêm, mai táng ông ở nơi thần Sấm giáng xuống, dựng bia trên mộ đề rằng: "Mộ của Sugu ru, người đã bắt được thần Sấm". Thần Sấm thấy vậy, lấy làm oán ghét, giáng sấm sét xuống tấm bia, rồi nhảy xuống định dẫm nát trụ bia, nhưng lại bị kẹp chặt vào vết nứt của trụ bia. Thiên hoàng nghe chuyện, sai người gỡ ra, thần Sấm mới thoát chết; Chi tiết thần Sấm báo ơn xuất hiện ở truyện 3, quyển Thượng, thần Sấm sau khi được tha đã tặng cho người nông phu đứa bé con.
Theo Kono, trong thuyết thoại của Trung Quốc đều xuất hiện hai tình tiết, báo ơn và trả thù đối với người đánh nhau với thần Sấm. Ở quyển 18, Bắc Tề thư, kể lại sau khi đánh nhau với thần Sấm, tóc của Thệ Cô Diên cùng lông và bờm ngựa bị cháy hết; quyển 394, sách Thái Bình quảng ký kể lại, sau khi bay về trời, thần Sấm để trả thù luôn đuổi theo sau Trần Loan Phượng, nhưng do Phượng luôn đề phòng, đi đâu cũng mang dao đi theo, lại đào hố để ẩn náu nên vẫn bình yên. Ông còn có khả năng gọi mưa, nên người đời gọi là Vũ sư (thày gọi mưa). Truyện 394, Thần Tiên cảm ngẫu truyện, chi tiết thần Sấm báo ơn được thể hiện bằng việc thần Sấm giúp dân làm mưa, trừ dịch bệnh.
Đoạn kết truyện bắt thần Sấm ở Linh dị ký và thuyết thoại các nước phần lớn mang cảm hứng tôn vinh. Sasuga, người bắt được thần Sấm, sau khi chết đi được vua xây mộ, dựng bia đề ngợi ca: "Một Suga ru, người lúc sống bắt được thần Sấm, khi mất cũng bắt được thần Sấm". Trần Loan Phượng (Trung Quốc) cũng được phong làm Vũ sư. Truyện Cường Bạo Đại Vương (Việt Nam) tình tiết tuy có khác với Linh dị ký và thuyết thoại Trung Quốc, song rốt cuộc, sau khi chết, cũng được dân làng phong làm Phúc thần, lập đền thờ phụng.

III. Konjakumonogatarishu

Sau Nihonreiki, Konjakumonogatarishu (dưới đây xin được gọi tắt là Kim tích) được đánh giá cao của thể loại setsuwa trong kho tàng văn học trung đại Nhật Bản. Sách được biên soạn từ nửa đầu thế kỷ 12 đến thời cuối thời Hean. Chưa rõ tác giả, gồm 31 quyển với khoảng trên một ngàn truyện, được viết bằng chữ Hán xen lẫn chữ Kana. Đây là bộ sưu tập setsuwa lớn nhất của Nhật Bản từ trước tới nay, nó không chỉ thâu nạp truyện kể Phật giáo, truyện kể dân gian của Nhật Bản mà còn thu thập khá nhiều truyện cổ của Ấn Độ và Trung Quốc.
"Kim tích" (Xưa nay) là từ mào đầu câu chuyện (giống như câu mào đầu của truyện cổ tích: "Ngày xửa ngày xưa") được tác giả lấy đưa vào tên bộ sưu tập. Thế giới của Kim tích được chia làm ba phần: Thiên trúc (tức Ấn Độ); Chấn Đán (tức Trung Quốc) và Bản triều (tức Nhật Bản), đề cập tới ba chủ đề lớn: Phật pháp, Vương pháp và Thế tục. Phần thứ nhất, quyển 1 được bắt đầu bằng truyện kể về Thích Ca từ trên trời xuống, thác thai vào làm con của Maya, tiếp đó là các truyện lạ, truyện kỳ về quá trình Phật giáo du nhập vào Nhật Bản; Phần thứ hai là truyện lạ, truyện kỳ được trích từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc (cho đến hết quyển 10); Tiếp sau đó từ quyển thứ 11 cho đến quyển thứ 31 là các truyện lạ, truyện kỳ của Nhật Bản. Kim tích đề cập đến nhiều nhân vật, từ Phật Thích Ca, Quan âm Bồ Tát; Địa tạng Bồ tát, đến các nhà sư, đạo sĩ, người tu hành; đến các tầng lớp quý tộc như Quốc Vương, Hoàng đế, Thiên hoàng, các tầng lớp khác trong xã hội như quý tộc, bề tôi, võ sĩ, kẻ cắp, lực sĩ Sumo, thày thuốc, thày âm dương, phụ nữ và trẻ em... đến cả các thần linh, quỷ dữ, ma ác, các vật kì dị và động vật. Không gian của Kim tích rộng lớn, từ Thiên trúc, Thiên giới, Núi Tu di, Trung Quốc, Triều Tiên... đến các cung điện, chùa chiền, đền miếu của Nhật Bản, tiếp đó đến thế giới bên kia như minh giới, địa ngục.

Kasumi
11-02-2007, 09:43 PM
Cũng như Linh dị ký, Kim tích được viết dưới ảnh hưởng của Phật giáo và văn họcTrung Quốc. Ngoài các tác phẩm của Trung Quốc như Tam bảo cảm ứng yếu lược lục, Minh báo ký, Sưu thần ký... Kim tích còn chịu ảnh hưởng của các thuyết thoại viết bằng chữ Hán như Nhật Bản linh dị ký, Pháp Hoa nghiệm ký, hay các tác phẩm nổi tiếng viết bằng chữ Hán xen lẫn với Kana như Bách nhân duyên tập, Vũ trị thập di vật ngữ, Cổ bản thuyết thoại tập...
Kim tích còn sử dụng nhiều motip được định hình trong truyện kể của khu vực và thế giới như motip cây thiêng, gò đống, đồi núi, mây mù, sông nước, đến các motip sinh nở kỳ lạ, thai sinh, thác sinh...
Tác phẩm không chỉ là tư liệu quý cho việc nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản, mà còn là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử văn học so sánh ở Đông Á. Nhiều truyện của Kim tích đã được dịch ra tiếng Anh, gần đây là tiếng Trung Quốc, và một số rất ít truyện được dịch ra tiếng Việt... Việc nghiên cứu tác phẩm ở nước ngoài, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Nhật Bản tuy có muộn, song thực sự nó đã góp phần giới thiệu những tinh hoa của văn học cổ điển Nhật Bản ra thế giới, là nhịp cầu giao lưu nối các nền văn hóa mang bản sắc riêng xích lại gần nhau hơn.
Giáo sư Nhật Bản Komine Kazuaki 小 峰 和 明, khi nghiên cứu về motip "thủ thuật lấy cắp dưa" trong thuyết thoại Nhật Bản (18) có dẫn câu chuyện tương đồng trong Bão Phác tử 抱 朴 子 , sách Nghệ văn loại tụ 藝 文 類 聚 của Trung Quốc. GS. Komene cho rằng, việc ông già dùng thủ thuật để lấy trộm dưa trong Kim tích vốn bắt nguồn từ truyện kể dân gian Trung quốc. Tuy nhiên, việc ông già xuất hiện khi mọi người dừng chân nghỉ dưới gốc cây to, sau đó dùng phép lạ để lấy dưa lại liên quan đến motip "cây thiêng" là motip mang tính thế giới. Theo tín ngưỡng cổ đại, thần linh thường trú ngụ trên các cây lớn, cây cổ thụ. Cây là tụ điểm trung tâm của cộng đồng, đồng thời là nơi giao tiếp giữa trời và người, giữa thần và người. Nếu trên cây xuất hiện thần linh nắm giữ và bảo hộ sinh mệnh thì cũng có lực lượng ma quỷ, trấn áp và làm hại sinh mệnh. Trường hợp ông già xuất hiện ở dưới gốc cây làm cho tính thiêng của không gian cây đã cụ thể hóa bằng nhân vật của truyền thuyết.
Trong Kim tích có khá nhiều chuyện đề cập đến motip trên cây có vật lạ, cây thiêng. Truyện thứ 3, Quái vật biến thành ông Phật ngồi trên cây, quyển 20 kể rằng:
Xưa nay, vào thời Thiên hoàng Engi, ở ngôi đền thời Saennokami ở Gojo có cây hồng không ra quả. Một hôm, trên cây bỗng xuất hiện đức Phật, tỏa những tia vàng rực rỡ. Đức Phật ngự trên cây thả xuống những bông hoa muôn màu, cảnh tượng thật đáng kính. Nghe tin, người trong Kinh thành nô nức rủ nhau tới xem, xe ngựa nườm nượp, không còn chỗ chen chân. Bấy giờ có vị đại thần Hikaru. Ông là con của Thiên hoàng Fukku sa, hiền tài thông minh bậc nhất. Ông không tin đức Phật lại có thể hiện ra ở nơi cây cao như vậy, bèn dùng thuật thôi miên khiến vị Phật đó phải biến thành con diều hâu gẫy cánh, từ trên cây rơi xuống. Ông được mọi người khen ngợi hết lời và câu chuyện được truyền đi như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu Nhật Bản, trên cây có vật lạ là motip thường thấy ở thuyết thoại Nhật Bản và truyện kể dân gian Trung Quốc. Trong phần truyện kể Trung Quốc ở Kim tích, có truyện trên cây Hán Cao tổ ẩn nấp, xuất hiện rồng ngũ sắc (truyện 2, quyển 10).
Liên quan đến không gian thiêng trên cây, truyện 25, quyển 15, Kim tích còn có motip, trên cây có tiếng đàn sáo, đó là âm thanh của đoàn rước đưa người có duyên về cõi Cực lạc. Trong nhóm truyện có motip "cây" ở Kim tích, còn xuất hiện motip độc đáo "thế giới khác trên ngọn cây". Truyện tóm tắt như sau:
Xưa nay, cũng không biết từ bao giờ, có nhà sư sống ở chùa Ni shinoto, chiều chiều trong ánh nắng tà, ông đứng ngoảnh mặt về chùa Higa shi sanmude để tụng kinh. Bỗng có chàng trai khôi ngô tuấn tú không biết từ đâu đi tới, muốn mời nhà sư về nhà để cảm ơn. Nhà sư lấy làm ngạc nhiên, nhưng cũng không có cách nào từ chối bèn đi theo, tới chỗ gốc cây lớn ở chùa Higa shi sanmude, chàng trai bảo nhà sư trèo lên cây. Nhà sư lo lắng, sợ ngã, nhưng chẳng có cách nào từ chối bèn nghe lời chàng trai, trèo lên chỗ cây cao nhất. Khi đến nơi, nhà sư thấy có một cung điện. Nhìn ra phía đông là cảnh ngày Tết, hoa đào nở khắp nơi, chim ca ríu rít. Phía bên kia, dựng bình phong, bày toàn món ăn ngon. Nhìn về phía Đông nam, nhà sư thấy có rất nhiều người mặc trang phục đi săn. Ở núi Futaoka bọn trẻ du chơi, nam nữ cùng nhau múa hát. Những cô gái mặc váy áo màu tía, phía dưới rủ xuống những vạt vải màu hoa hồng, trông thật nhã nhặn. Phía Nam là các xe chở lễ vật tới lễ hội Moka đang trên đường trở về đi qua giữa cánh đồng hoa tím, phong cảnh thật diễm lệ. Lại thấy nhà nhà đặt cây xương bồ, túi hoa cỏ thơm tránh tà khí vào lễ hội mồng Năm tháng Năm... (Truyện 33 quyển 19).
Điểm qua sơ lược như thế cho thấy motip "cây" là biểu tượng không gian thiêng của rất nhiều cộng đồng cư dân trên thế giới. Việc xuất hiện với tần số cao các truyện có liên quan đến motip "cây" ở các tác phẩm giai đoạn đầu của văn học các nước trong khu vực văn hóa Hán, chứng tỏ sự sự gần gụi về ý nghĩa của các biểu tượng văn hóa thế giới và sự tương đồng trong nấc thang tư duy của nhân loại.

Từ Linh dị ký và Kim tích có thể nhận ra những nét riêng và nét chung với truyện kể dân gian Trung Quốc và thuyết thoại Hán văn của Việt Nam. Những nét chung thường dễ nhận ra bởi như nhiều nhà nghiên cứu folklore nhận xét, trong văn học dân gian, đặc biệt trong truyện cổ thần kỳ, tính chung nhân loại làm cho người đọc, nhà nghiên cứu dễ nhận ra và tìm thấy hơn tính riêng - tính dân tộc (20). Văn hóa Nhật Bản xét về cơ tầng chiều sâu và bề rộng cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Nam Á. Nếu xét ở quá trình tiếp biến thì văn hóa Nhật Bản cũng không tách rời quan hệ giao lưu quốc tế và không nằm ngoài những quy luật nội tại của sự sáng tạo dân gian nói chung.
Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, cái làm nên nét riêng độc đáo của mỗi nước, mỗi dân tộc, lại phụ thuộc vào một thứ "gen di truyền" của cộng đồng, cộng thêm vào đó là đặc điểm địa lý, tâm lý văn hóa, đời sống xã hội, ngôn ngữ dân tộc, truyền thống dân cư... những cái đó đã tạo ra bản sắc riêng của mỗi dân tộc, làm nên những tiêu chí quan trọng để phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác (21). Nó góp phần giải thích vì sao có những tác phẩm bị thờ ơ ở nước mẹ đẻ lại được nồng nhiệt đón nhận ở nước ngoài (21). Vì lẽ đó nghiên cứu văn học so sánh sẽ giúp tìm ra những mảng màu khác biệt, làm cho bức tranh chung trở nên hấp dẫn và lôi cuốn.



TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nihon muka shibana shi jiden (Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản). Yanada Ko ji 稻 田 浩 二 , Ooshima Tatehiko 大 島 建 彥 , Kawabata Toyohiko 川 端 豊 彥 , Fukuda Akira 福 田 晃 , Mihara Yukihisa 三 原 幸 久 biên soạn. Nhà xuất bản Kobunto. 1984.

2. Kawamoto Kunie 川 本 邦 衛 : Denkimanroku sanpanko (Khảo về các bản in của Truyền kỳ mạn lục ). Đại học Keio, 1988.

3.Kono Kimiko 河 野 貴 美 子 : Nihon reiki to Chugoku no den sho (Nhật Bản linh dị ký và truyện kể dân gian Trung Quốc). Nxb. Benjyosha, 1987.

4. Komine Kazuaki 小 峰 和 明 : Inseiki bungakuron (Bàn luận về văn học thời kỳ In sei)

5. Komine Kazuaki 小 峰 和 明 : Konjakumonogatarishu wo manabu hito no tameni (Dành cho người mới học tác phẩm Kon jakumonogata ri shu). Nxb. Sekai shiso. 2003.

google.com