PDA

View Full Version : Nghệ thuật xâm mình Nhật Bản xưa và nay



Kasumi
11-02-2007, 10:06 PM
TỪ THỜI KỲ JOMON TỚI THỜI KỲ TIỀN EDO


Nguồn gốc của thuật xăm mình Nhật Bản đã được chứng minh là tồn tại từ thời Jomon (khoảng năm 10.000 đến năm 300 trước Công Nguyên). Jomon có nghĩa là "hoa văn dây thừng". Rất nhiều bình lọ bằng gốm với vết thừng trên về mặt đã được tìm thấy trong thời kỳ này. Sản phẩm tượng nhỏ bằng đất sét được làm trong thời gian này được gọi là dogu. Những bức dogu cổ nhất được tìm thấy gần Osaka năm 1977 có dấu vết của thuật xăm mình trên mặt. Chúng được đánh giá là có từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Những bức tượng nhỏ với dấu xăm cũng được tìm thấy trong thời Yayoi (từ năm 300 trước Công Nguyên đến năm 300 sau Công Nguyên).

Tục xăm mình của Nhật Bản được miêu tả trong lịch sử Trung Quốc thế kỷ thứ 3, Gishiwajinden, cũng là ghi chép lâu đời nhất đề cập đến Nhật Bản. Nhật Bản được gọi là Wa, và tục xăm mình được nói đến như sau:

"...Người Wa xăm lên mặt và vẽ lên người những mẫu hình. Họ thích lặn kiếm cá và vỏ sò. Trước đây họ vẽ mình chỉ để ngụy trang khỏi những loài cá lớn, nhưng sau này những mẫu hình trở thành vật trang trí. Những bộ lạc khác nhau có những cách sơn mình khác nhau. Vị trí và kích thước của hình mẫu thay đổi phụ thuộc vào vị trí trong xã hội hay mỗi cá nhân... Họ bôi lên mình màu hồng và đỏ giống như người Trung Hoa chúng ta dùng bột màu..."

Thời Kofun (năm 300 đến năm 600 sau Công Nguyên) là tiếp theo của thời Yayoi. Kofun mang nghĩa là "mộ cổ". Vào khoảng thời gian này những tượng đất sét hình búp bê, ngựa và nhà cửa đều được tìm thấy trong những nấm mồ. Những tượng này được gọi là haniwa - chỉ là cách gọi khác của dogu thời Jomon. Dấu hiệu trên một số haniwa được đánh giá như là những hình xăm.

Năm 622 sau Công Nguyên, một công sứ Trung Quốc đã ghi chép lại tục xăm mình của Nhật Bản trong Zuisho. Trong đó có một phần miêu tả thói quen xăm mình của những người phụ nữ vùng Ryukyu, "Ryukyu kokuden". Những đảo thuộc Ryukyu nay nằm trong quận Okinawa, ở miền cực Nam của Nhật Bản. Khi nơi này còn là một nước độc lập, nó luôn bị đe doạ bởi sự thống trị của Trung Quốc và Nhật Bản.

Ghi chép này, Zuisho, còn cho thấy Okinawa và Đài Loan đã thiết lập mối quan hệ thông thương từ thời đó. Tuy nhiên nó lại không chỉ rõ Ryukyu trong Zuisho có quan hệ với Okinawa hay Đài Loan. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định mẫu xăm ở Okinawa rất giống với kiểu xăm của một bộ phận thổ dân Trung Quốc. Hình xăm Okinawa có thể không chỉ liên hệ với tục xăm mình ở Đài Loan mà còn với Đông Nam Á.

Sách in ở Nhật Bản đã xuất hiện từ trước thế kỷ thứ 8. Cuốn Kojiki (năm 712 sau Công Nguyên) liệt kê ra rằng có 2 kiểu xăm mình. Kiểu thứ nhất là đánh dấu tước vị của những người đàn ông có địa vị cao trong xã hội. Kiểu còn lại là để nhận dạng tội phạm. Sau này trong cuốn ký sự niên đại của Nhật Bản, Nihonshoki, hoàn thành năm 720 sau Công Nguyên, có ghi chép về một người tên là Azumi no Murajihamako đã bị xăm lên người vì tội phản bội. Đây là ví dụ cho việc sử dụng xăm mình làm một hình phạt. McCallum (1988) đã tổng kết thói quen xăm mình của người Nhật Bản trong suốt thời Kofun. Khởi đầu thời kỳ này, xăm mình vẫn được coi như một tục lệ xã hội có thể chấp nhận được. Tuy nhiên dường như nó đang bắt đầu bắt gặp sự cấm đoán từ các tổ chức, có lẽ từ giữa thời kỳ.

Giữa năm 600 trước Công Nguyên và năm 1600, có rất ít tài liệu đề cập đến tục xăm mình. Tamabayashi (1956) và Van Gulik (1982) đã chỉ ra rằng bộ luật Joei lưu hành năm 1232 đã đề cập đến xăm mình như một hình phạt. Cũng theo một số nhà nghiên cứu (Richie 1980 và Van Gulik) thì xăm mình được sử dụng để đánh dấu và phân biệt những thành phần bị xã hội ruồng bỏ. Do vậy, những người nhận hình phạt xăm mình thường tập trung thành những nhóm nhỏ, bị gọi là eta (cách nói trại của người làng) và hinin (không phải con người).

Izawa (1973) và Tamabayashi (1956) cho biết tục xăm mình cũng được tìm thấy giữa những chiến binh samurai thế kỷ thứ 16. Trong thời gian đó, samurai xăm mình để được nhận dạng.

Người lính ra trận thường mặc áo giáp và có những đồ đạc để nhận dạng riêng nhưng những loài chim ăn xác thối thường lột trần những xác chết trên chiến trường làm cho việc nhận dạng trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp này những hình xăm là cách nhận dạng dễ dàng nhất.

Trong thời Tensho (1573~1591), những chiến binh samurai của bộ tộc Satsuma (giờ là vùng Kagoshima) đã xăm lên mình những ký tự tiếng Nhật lên bắp tay. Nhưng thông tin dạng này không rõ ràng để chứng thực lắm.



XĂM MÌNH Ở AINU VÀ RYUKYU


Tục xăm mình ở Ryukyu được đề cập đến đầu tiên 1461. Tuy nhiên một vài học giả lại coi đoạ miêu tả hình xăm trong Zuisho năm 662 là tài liệu lâu đời nhất của tục xăm mình Ryukyu cho dù tài liệu này còn nhiều chi tiết tự biện. Tài liệu cổ nhất về hình xăm Ainu được ghi lại bởi một nhà nghiên cứu người Ý, Girolamo de Angelis vào năm 1612 và 1621. Người Ainu xăm hình lên mặt và mu bàn tay cũng như cánh tay. Trên mặt họ xăm vòng quanh môi, hai má, trán hay cả lông mày. Có rất nhiều lý do để người Ainu xăm mình: để trang điểm, để phân biệt các bộ lạc, trong dịp thành niên hay biểu thị tôn giáo. Mặc dù chỉ có những hình xăm của phụ nữ Ainu được nói đến nhưng cũng có ghi chép rằng ở một vài vùng khác đàn ông cũng xăm mình.

Những cô gái Ainu bắt đầu xăm mình từ khi họ 10 đến 13 tuổi. Một vài người còn bắt đầu từ khi mới 5 hay 6 tuổi. Những hình xăm của họ sẽ hoàn thành khi họ đến tuổi lấy chồng. Mẫu xăm của người Ainu có liên hệ với quần áo truyền thống của bộ tộc họ.

Tosabayashi (1948) đã trình bày quá kết quả nghiên cứu trên những hình xăm của người Ainu khá chi tiết. Theo đó mẫu xăm có ý nghĩa tương tự như chiếc dây lưng của phụ nữa Ainu, là biểu tượng của sự trinh bạch, trong trắng. Hình xăm Ainu còn được sử dụng để bảo vệ người có nó khỏi bị hành hung bởi những bộ lạc khác.

Hình xăm của Ryukyu lại chỉ có trên mu bàn tay, bao gồm cả ngón tay, cổ tay và khửu tay. Không có mẫu xăm vào phù hợp với mặt. Tục xăm mình không phải là thói quen ở tất cả các đảo thuộc Ryukyu. Ở một vài vùng cả nam và nữ đều có hình xăm nhưng ở một số nơi chỉ phụ nữ mới có. Độ tuổi bắt đầu xăm mình cũng khác nhau, phụ thuộc vào ví trí đảo và các thế hệ. Hình xăm Ryukyu biểu trưng cho tín ngưỡng, sự trưởng thành, kết hôn, trang trí cơ thể, khác biệt về giới tính và truyền thống của bộ lạc. Glacken (1955) đã ghi chép lại rằng phụ nữ Ryukyu xăm mình để tránh không bị bắt vào các nhà chứa tại Nhật Bản. Bắt cóc là việc thường xuyên xảy ra trong lịch sử tồn tại của Ryukyu, và người Ryukyu thì biết rõ rằng người Nhật Bản không thích phụ nữ xăm mình.

Có nhiều ví dụ về việc hình xăm Ainu và Ryukyu có thể chữa bệnh. Người ta tin rằng xăm mình có thể chữa lành một số phần bị nhiễm bệnh. Đây không phải giống như châm cứu, mà có phần siêu thực.



BỐI CẢNH VĂN HOÁ XÃ HỘI

Tokugawa Ieyasu, vị shogun đầu tiên của thời Edo (1600~1867) đã thống nhất lại đất nước và đặt bộ máy chính phủ tại Edo (Tokyo ngày nay). Ông đặt ra một hệ thống xã hội cứng nhắc được chia làm 4 tầng lớp: shi (những chiến binh samurai), no (nông dân), ko (thợ thủ công) và sho (nhà buôn). Những vị trí này được phân chia dựa trên đạo Khổng. Samurai là tầng lớp cao nhất. Nông dân và thợ thủ công ở vị trí cao hơn nhà buôn vì họ góp phần sản xuất chính cho đất nước. Vào thời đó, thuế được trả bằng nguồn lương thực chủ yếu là gạo. Dù vậy nông dân vẫn bị coi như tầng lớp hạng hai. Ieyasu tiếp tục lưu hành những đạo luật khắc nghiệt, những ý tưởng tôn giáo bắt buộc. Năm 1614, ông cấm hẳn đạo Cơ Đốc. Lời tuyên bố của Ieyasu chống lại Chúa rõ ràng để công báo rằng Nhật Bản mới là đất nước của Thần. Thú vị hơn, Ieyasu còn trích trong Đạo Khổng câu nói: "Thân thể, tóc và da thịt là chúng ta nhận được từ cha ta và mẹ ta; không làm tổn hại đến chúng là khởi đầu của chữ Hiếu. Giữ gìn được cơ thể chính chúng ta đã là tỏ lòng thành kính với ông Trời rồi". Đạo hiếu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong tư tưởng triết học của Đạo Khổng, nó bao gồm những bổn phận của con cái đối với cha mẹ như: vâng lời, có trách nhiệm với cha mẹ và lòng trung thành. Đó cũng là nền tảng của lễ nghi phong kiến. Hơn nữa, những hệ thống của Chu Hsi, một triết gia nghiên cứu về Đạo Khổng mới sau này còn được Hayashi Razan, một trong những triết gia nổi danh nhất thời tiền Edo dẫn dắt. Chu Hsi nhấn mạnh sự liên hệ giữa con người với nhau qua năm mối quan hệ chính: giữa cha và con trai, giữa người cai trị và kẻ bị trị, giữa chồng và vợ, giữa anh và em và giữa bạn bè với nhau.

Buke Shohatto (luật nhà binh) được ban hành năm 1615 và nhanh chúng trở thành bộ luật cơ bản của samurai. Nó bao gồm 13 điều, đề cập một cách nghiêm khắc đến cung cách sống hàng ngày của một samurai bao gồm cách giáo dục và hôn nhân, thậm chí cả kiểu ăn mặc. Điều thứ 10 của Buke Shohatto nói rõ : "Tất cả trang phục và đồ trang sức đều phải thích hợp với vị thế của người mặc. Không được đi quá xa trong màu sắc hay kiểu dáng". Những sự hạn chế về trang phục thời Edo rất nghiêm ngặt. Ieyasu ban hành những luật về kiểu cách ăn mặc liên tục trong suốt thời gian trị vì. Ngay cả đối với người thường, luật về phục trang cũng được ban hành cực kỳ chi tiết.

Kasumi
11-02-2007, 10:07 PM
Tiếp theo sự phát triển và mở mang của samurai trong thời Edo, mật độ dân thường cũng tăng ở cả nông thôn và thành thị. Nhà buôn, tầng lớp thấp nhất trong xã hội dần dần giành được quyền lực vào khoảng thế kỷ thứ 18, kéo theo sự phát triển của nền kinh tế. Những thương nhân có tiền của thường được viên chức chính phủ thuê làm việc và trở nên giàu có hơn cả samurai. Nhờ sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế, mức sống của dân thành phố đã được nâng lên. Họ được hưởng thụ sự đầy đủ về vật chất và đời sống nghệ thuật cực kỳ phong phú.

So với khoảng thời gian về trước, điểm nổi bật thu hút nhất của thời này là sự tươi vui đổi mới trong màu sắc, kiểu dáng quần áo và đồ trang trí; nó thể hiện rõ nhất hoàn cảnh của thời đại. Đó là một diện mạo đáng chú ý, hoàn toàn mới của lịch sử xã hội Nhật Bản với sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp bán hàng và thợ thủ công, kéo theo đó là thời kỳ sáng tạo không ngừng của các loại hình nghệ thuật.

Đây là thời Genroku (1688-1704) hay nói cách khác là ukiyo, có nghĩa là "thế giới nổi". Từ này bắt nguồn từ một thành ngữ của đạo Phật, vốn có nghĩa là : "một thế giới đen tối, thăm trầm của tồn tại hay sự ngắn ngủi của cuộc đời". Qua sự thay đổi của xã hội qua nhiều thế kỷ, nghĩa của từ trở thành "thế giới nổi". Tiểu thuyết gia Ryoi là người đầu tiên sử dụng từ này cho tác phẩm của mình, cuốn "Ukiyo Monogatari", "Truyền thuyết của Thế giới nổi". Trong đó ông miêu tả cuộc sống xã hội thời tiền Edo mà theo ông chính là một ukiyo.

Những người dân thành thị giàu có xung quanh ông giờ không còn lo lắng đến sự cứu rỗi trong tương lai, họ hứng thú hưởng thụ cuộc sống vật chất, trần tục và thích những khoái lạc đánh thẳng vào cảm giác. Họ sống vì "một thoáng phù du". Không đếm xuể những công trình sáng tạo nghệ thuật được thực hiện trong thời đại này, và chonin bunka, văn minh của người thành thị cũng phát triển hoàn thiện trong cùng thời điểm.



MẠI DÂM HỢP PHÁP


Tình yêu của con người và nhu cầu gần gũi tự nhiên của nó không thể kiểm soát được bởi bất cứ thứ đạo đức luân lý thông thường nào, cho dù trên cơ sở tội ác hay tinh thần thượng võ mà chỉ bởi mỹ học và sự lịch thiệp vì chính bản thân nó. Tình yêu là một thể loại nghệ thuật thực sự, một môn kịch nghệ tuyệt vời. Nghĩa đen của từ geisha có nghĩa một người tham gia vào công việc nghệ thuật hay giải trí. Họ là những nghệ sĩ thật sự chuyên nghiệp. Geisha được luyện tập để chơi được các loại nhạc cụ, biết hát, biết nhảy trước khi trình diện lần đầu tiên với danh nghĩa một Geisha. Họ không chỉ đơn giản là gái làm tiền mà là những người mua vui cho thiên hạ có giáo dục. Và mặc dù geisha bị cấm không được có những hành động mại dâm nhưng luật này không phải khi nào cũng được tuân theo.

Từ geisha được sử dụng lần đầu tiên vào thời Edo. Sau khi geisha đầu tiên, Kasen của Ogiya trình diện công chúng vào năm 1762, số lượng geisha đột ngột tăng nhanh. Khách hàng lúc đầu chủ yếu là samurai nhưng sau dần được thay thế bởi những người dân thành thị.

Yoshiwara là một trong những khu ăn chơi nổi tiếng, và cũng là nơi thể hiện rõ ràng nhất nền văn hoá Edo qua những hoạt động như ukiyo-e, kabuki (kịch) và thơ văn. Vào thời Edo, nghề mại dâm luôn bị đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ Tokugawa. Hành động này là hợp pháp nhưng cần phải có giấy phép. Không giống với geisha, yujo là những người phụ nữ hành nghề thực sự. Mại dâm hợp pháp thực tế vẫn tồn tại đến năm 1957.

Van Gulik chỉ ra rằng hệ thống hôn nhân tại Nhật Bản và sự phụ thuộc của phụ nữ thời đại đó đã mở đầu cho sự phát triển của những khu phố vui chơi. Cưới xin là vấn đề của cả gia tộc, được quyết định bởi hai bên gia đình nhằm mục đích duy trì tên tuổi dòng họ, vị trí trong xã hội, quyền lợi của đôi bên và rất nhiều bổn phận. Bởi vậy những cuộc tình lãng mạn, những sở thích riêng tư và những mối quan hệ xã hội tự do không gò ép giữa nam nữ chỉ thường tìm thấy ở những khu phố giải trí.

Cách sống và địa vị xã hội của người phụ nữ hoàn toàn dựa vào Đạo Khổng. Sansom (1963) đã nói: người phụ nữ phải chịu đựng những cách đối xử tồi tệ nhất. Suốt đời người phụ nữ phải hy sinh cho cái gọi là "tam tòng" (sanju): tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Học vấn quá nhiều bị cho là sẽ làm hư người phụ nữ, nhưng ở tầng lớn trung lưu và thượng lưu một số có thể được chấp nhận như cầm, kỳ, thi, hoạ. Vào thời kỳ đó, người đàn ông Nhật Bản quan hệ với vợ để duy trì nòi giống và với yujo để giải trí.



KISHOBORI - XĂM THỀ


Từ irebokuro có nghĩa là hình xăm, được sử dụng ở thời Edo. Ire hay ireru là thêm vào, bokuro hay hokuro là cái chấm đẹp. Thời tiền Edo, xăm mình chỉ như một dấu chấm, chưa có hình tượng. Irebokuro bắt nguồn từ giới yujo. Thói quen làm irebokuro được coi như đặc điểm nhận dạng của giới gái làm tiền hợp pháp. Theo Tamabayashi (1956), những người có irebokuro chủ yếu là yujo, sau đó đến geisha. Hiếm có cô gái bình thường nào lại đi xăm mình. Mặt khác, trong toàn thể dân số nam giới hầu hết là khách hàng của yujo và geisha hoặc những gã lăng nhăng. Xăm mình thỉnh thoảng cũng thấy ở các linh mục hay thanh niên.

Tamabayashi cũng chỉ ra một mẫu irebokuro cổ với hình một người đàn ông nắm tay một người đàn bà, trên tay hai người có một hình xăm trông giống nốt ruồi tại điểm đầu ngón tay cái đặt vào. Irebokuro là một tín vật của những người yêu nhau, tượng trưng cho lời thề tình yêu vĩnh cửu. Có người nói một vài yujo xăm lên tên người mình yêu với những ký tự tiếng Nhật và giữ nó suốt của cuộc đời (inochi). Nó như một bằng chứng tượng trưng cho tình yêu. Tamabayashi cũng nói đến irebokuro trong mối quan hệ đồng tính giữa linh mục và những cậu trai trẻ. Những hình xăm kiểu này còn được gọi là kishobori, xăm thề. Yujo thường xăm ở cánh tay, đặc biệt là mặt dưới của cánh tay và sát nách, không xăm ở cẳng tay. Những hình xăm của họ thường là về những mối tình bí mật, bị cấm đoán hay những mong ước của bản thân. Nguyên nhân xăm mình của yujo thường là để đánh dấu một lời thề quan trọng, chứng hôn hay biểu hiện cho tình yêu vĩnh cửu, bằng chứng mình giành cả trái tim và linh hồn cho một mối tình chân chính. Với một số khác, irebokuro chỉ đơn giản là một công cụ để làm vừa lòng và giữ khách, nhằm tiến đến một thứ gái làm tiền hạng sang hơn.

Geisha và yujo tự đặt ra những thói lệ lạ để giữ khách. Một vài tác giả (Fujimoto, Tamabayashi, Seigle, Van Gulik) đã trích dẫn ví dụ về những hành động của geisha.

1. Người phụ nữ đưa cho người mình yêu tờ giấy làm tin.
2. Cô xăm tên người mình yêu lên cánh tay.
3. Cô cắt tóc.
4. Cô cắt bỏ ngón tay út.
5. Cô rút móng của một ngón trong bàn tay đi.
6. Cô đâm vào khửu tay hay đùi mình.

Trong văn học của thời Edo, những thói quen như viết thư làm tin, xăm mình, cắt ngón tay, cắt tóc, rút móng rất hay được nói đến. Bức thư làm tin là bức thư có vài giọt máu của cả người đàn ông và người phụ nữ. Xăm mình cũng tương tự như vậy. Rất nhiều yujo và geisha xăm mình để làm vừa lòng khách hàng.

Tuy nhiên, giới geisha cấp cao lại coi xăm mình như một hành động thô tục và thiếu suy nghĩ, họ có xu hướng tránh việc này. Nhưng một vài khách hàng dùng chiêu nài nỉ và geisha buộc phải làm theo. Vậy là họ học ngay cách xoá hình xăm, đó là đốt vết xăm với cỏ ngải cứu. Hình xăm cũng có thể trở nên rắc rối với những geisha hạng sang khi cô ta có vài người khách khác nhau. Có nhiều ghi chép cho thấy nhiều yujo và geisha phải liên tục xăm lại và xoá đi hình xăm cũ mỗi khi khách hàng thay đổi. Cắt tóc, cắt ngón tay và rút móng là những bằng chứng nghiêm túc hơn bởi nó sẽ luôn hiện hữu. Nấc cao nhất thể hiện tình yêu là shinju, tự tử đôi. Rất nhiều đôi tình nhân đã cùng nhau tự tử, và hiện tượng này đạt đến mức tối đa vào thời Genroku (1688-1703) tới năm 1720. Cuối thời Tokugawa, kishobori không còn phổ biến nữa.



XĂM PHẠT


Chính phủ Tokugawa gặp phải nhiều vấn đề về tài chính. Yoshimure trở thành vị shogun thứ tám vào năm 1716, bắt đầu có những cải cách trong chính sách. Một trong những sự thay đổi lớn nhất là chủ trương tiết kiệm. Chính bản thân ông tự giảm bớt chi phí tiêu dùng của mình và ra lệnh cho tất cả những quan chức khác cắt giảm những chi phí giành cho các bộ ban ngành. Dân thành thị cũng bị bắt buộc phải hạ thấp mức sống của mình xuồng. Họ không được mặc những trang phục phô trương và xa xỉ.

Điều thay đổi quan trọng nhất là đưa thói quen xăm mình trở thành một hình phạt vào năm 1720 thay thế cho cắt mũi và tai. Xăm phạt không được áp dụng với tầng lớp samurai. Theo những điều luật của Yoshimune thì ăn trộm và giết người sẽ chịu phạt tử hình. Những tội khác như tống tiền, lừa đảo thì sẽ chịu phạt xăm mình. Kẻ có tội bị xăm một vòng màu đen bao quanh cánh tay cho mỗi tội, hoặc một ký tự Nhật lên trán.

Kasumi
11-02-2007, 10:07 PM
Xăm phạt có tác dụng cách ly những kẻ sống ngoài vòng pháp luật khỏi xã hội. Mục đích của hình phạt này vốn để nhận dạng tội phạm và nhắc nhở những người phạm tội khác, nhưng phạt xăm mình lại trở thành một vòng luẩn quẩn. Những kẻ đã bị xăm sẽ bị tẩy chay bởi xã hội trong suốt phần đời còn lại. Một vài trong số họ bỏ lại tất cả niềm hy vọng, trượt dốc và chìm sâu vào vòng tội ác. Vì lẽ đó, những người đã phạm tội tạo nên một nhóm thiểu số sống ẩn dật, được gọi là tầng lớp eta, những kẻ sống ngoài xã hội. Cũng vì lý do này mà những người dân bình thường bắt đầu sợ những kẻ có hình xăm. Những người bị xăm phạt lại thường sử dụng dấu tích khắc trên da của mình cho những hành vi phạm pháp nên họ càng khó khăn hơn trong việc gây dựng lại lòng tin của xã hội. Một số thấy tuyệt vọng và liên tục tái phạm. Hiện tượng này càng làm người khác sợ, dẫn đến việc họ coi người nào xăm mình cũng là tội phạm hay phần tử bất lương. Phô ra hình xăm của mình bạn có thể bị coi như một mối đe doạ của toàn xã hội.

Cuối cùng, xăm phạt cũng bị bãi bỏ vào năm 1870 sau 150 năm áp dụng.



NGUỒN GỐC CỦA XĂM HÌNH


Xăm hình xuất hiện đầu tiên vào thời Horeki (1751-1764). Giai đoạn đầu hình còn khá nhỏ, mẫu chủ yếu là gia huy hay những hình ảnh hầm hố như một vài chiếc đầu lâu. Cho dù mỗi người bắt đầu có đôi ba hình xăm trên cơ thể nhưng chúng không hề có sự liên hệ với nhau.

Sự phát triển của nghệ thuật ukiyo-e đã thay đổi hẳn kiểu dáng của hình xăm Nhật Bản. Ukiyo-e là từ chỉ những bức tranh của "thế giới nổi", chủ yếu miêu tả cảnh quan và cuộc sống hàng ngày của con người, bao gồm cả những hình thức giải trí như kịch kabuki hay các khu phố vui chơi. Tranh lúc đầu được minh hoạ trên những bản khắc. Đến năm 1650, từ bản khắc gỗ những bức ukiyo-e mới được chuyển thể thành sách bày bán rộng rãi. Forrer (1988) và Hillier (1981) đã chỉ ra sự khác nhau giữa bản vẽ phương Tây và của Nhật Bản. Trong khi người Tây phương sử dụng rất nhiều loại dụng cụ thì Nhật Bản chủ yếu lại chỉ sử dụng bút lông và mực. Sự hạn chế về dụng cụ này đã mở đầu cho thể loại tranh thuỷ mặc (sumie hay suibokuga) phát triển, hơn nữa còn tác động đến sự hồi phục của tục xăm mình. Đến tận sau này, màu mới được nhập khẩu vào từ nước ngoài.

Cảm hứng của xăm mình Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật truyền thống. Bút lông đã được biến tấu thành những chiếc kim xăm. Xăm cũng trở thành một loại hình nghệ thuật phổ biến ở tầng lớp dưới. Suikoden, truyện truyền thuyết của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định đến cách thiết kế mẫu xăm. Suikoden kể về cuộc phiêu lưu của những nhân vật thần thoại. Truyện được dịch lần đầu từ bản tiếng Trung sang tiếng Nhật bởi Okajima Kanzan năm 1757. Rất nhiều hoạ sĩ đã miêu tả lại câu chuyện theo nhiều cách khác nhau. Utagawa Kuniyoshi, một nghệ sĩ của thể loại ukiyo-e đã minh hoạ lại Suikoden vào năm 1827. Tác phẩm của ông đã đạt được sự ủng hộ của rất nhiều người dân thành thị. Ngày nay tác phẩm của ông vẫn được sử dụng như nền tảng của thiết kế mẫu xăm. Những bản in hình chiến binh của Kuniyoshi cũng tạo cảm hứng chủ đạo cho sự phát triển của xăm toàn thân.

Thời đó tinh thần dũng cảm của những người anh hùng trong truyện thu hút rất nhiều người. Nhân vật trong Suikoden luôn tràn đầy tinh thần thượng võ. Họ đi ăn cướp để bảo vệ những người yếu đuối khỏi kẻ ác tâm. Có lẽ vì vậy mà tinh thần iki của người dân Edo dường như được chia sẻ cũng nhân vật của Suikoden. Dân thường ngưỡng mộ những anh hùng đó. Trong Suikoden nhân vật nổi tiếng nhất là Kyumonryu Sinshin, người đã xăm lên mình chín con rồng. Để ganh đua với nhau, rất nhiều người đã xăm rồng như của Sinshin. Hơn nữa, hình ảnh con rồng được coi như biểu tượng của nước nên nó cũng phổ biến trong giới phòng cháy chữa cháy.

Thời Tokugawa tại Edo đã xảy ra rất nhiều vụ hoả hoạn, vì thế hệ thống nhân viên chữa cháy được phát triển khá tốt. Đó là lý do mẫu xăm hình rồng rất hay bị bắt gặp. Không thể phủ nhận rằng những minh hoạ cho cuốn Suikoden của Kuniyoshi có ảnh hưởng rất lớn tới thiết kế mẫu xăm. Suốt thế kỷ thứ 19, xăm mình trở nên rất thịnh hành giữa những người thuộc tầng lớp dưới, và bản in chiến binh của Kuniyoshi cũng được sử dụng rộng rãi như khuôn mẫu của loại hình nghệ thuật ngầm này.

Có hai lý do chính giải thích vì sao xăm toàn thân của Nhật Bản lại phát triển: sự xuất hiện của sumie, hay tranh thuỷ mặc và sự xuất hiện của thời trang. Trước khi những bức ukiyo-e xuất hiện, kỹ thuật vẽ mực đã du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Vào thời sơ khai của xăm hình, chỉ có những nét bên ngoài của mẫu xăm là được xăm. Điều này được gọi là sujibori, phác thảo. Một vài màu được sử dụng cho hình xăm như mực đen, đỏ son và nâu. Xăm mình tiếp tục ứng dụng thêm bokashibori - đánh bóng, phát triển từ kỹ thuật vẽ mực. Đặc điểm của thể loại này là bao gồm những mảng đậm nhạt mà mực đen và bút lông có thể tạo ra được. Nhiều màu hơn được sử dụng khiến hình xăm trở nên đẹp hơn và phát triển hơn các mẫu xăm hình.

Ý tưởng xăm toàn thân xuất phát từ một trang phục của các chiến binh samurai, được gọi là jimbaori - áo dùng trong chiến đấu không có tay. Trông nó giống như áo gilê, có thể dễ dàng choàng lên người để che đi vũ khí. Samurai có hoa văn mình thích ở mặt sau chiếc áo, thường là những mẫu thể hiện tinh thần dũng cảm và niềm kiêu hãnh như các thần bảo hộ hay rồng.

Ban đầu hình xăm chỉ được thực hiện ở phần lưng. Dần dần các hoa văn mở rộng ra đến vai, cánh tay và đùi, rồi trên toàn cơ thể. Tamabayashi miêu tả rất chi tiết đặc điểm về hình dạng, hoa văn và những mẫu thiết kế của xăm toàn thân. Van Gulik lại chỉ nhắc đến một loại mẫu xăm là munawari: xăm toàn bộ mặt trước của phần thân trên chừa ra một phần dọc thẳng từ ngực đến bụng, tạo cảm giác của một chiếc áo gilê không vài.

Từ iki có nghĩa là thanh lịch, kiểu cách, tượng trưng cho bản chất của nền văn hoá Edo và tinh thần chung của cộng đồng. Ý nghĩa của từ iki được phát triển từ sự kháng cự đối với xã hội đầy hạn chế và chèn ép thời bấy giờ. Người dân chỉ được phép mặc những quần áo đơn giản, vậy là phát sinh sự ghen ghét đối với những tầng lớp cao hơn. Xăm mình được phát triển ra như một hình thức đấu tranh. Người dân bắt đầu thể hiện cái iki của mình với người khác, những cuộc ganh đua về iki được gọi là date hay date shin. Trong tiếng Việt từ iki có nghĩa là những thứ 'tuyệt vời' nhất. Có hình xăm toàn thân là iki, là sẽ nhận được sự ngưỡng mộ của những người khác. Đặc biệt là trong thời kỳ Bunka Bunsei (1804-1830), số lượng người có hình xăm tăng đột biến, và những nhà xăm mình chuyên nghiệp cũng đã xuất hiện.

Chính phủ Tokugawa ngăn cấm xăm mình với mục đích kiểm soát lại đời sống người dân và phong tục đất nước nhưng nó chẳng "xi nhê" gì với người dân thường. Một vài tác giả đã giải thích rằng nhà buôn không được phép mặc những bộ kimono sặc sỡ bởi những quy tắc xã hội cứng nhắc nên họ phải xăm mình thay thế. Nhưng Tamabayashi lại phản bác lại rằng những nhà buôn giàu có không hề có hình xăm. Xăm mình chủ yếu là người dân thường, đặc biệt là công nhân giàn giáo, phu kéo xe và các con bạc. Giữa giới lái buôn, cũng là một phần của dân thành thị rất hiếm khi thấy tục xăm mình. Nhà buôn có thế lực không bao giờ xăm. Cho dù một vài người buôn nhỏ như bán cá có thể có hình xăm, nhưng đó là rất hiếm.

Iizawa (1973) đã nói "samurai và người thuộc các tầng lớp trên không xăm mình, nhưng hầu hết thợ thủ công (công nhân) đều có". Samurai và lái buôn nghiêng về việc không để lộ ra hình xăm của họ nếu có bởi địa vị xã hội của mình. Đây có lẽ là kết quả của sự phổ biến đạo khổng trong hai giới này.



THỜI MINH TRỊ (1868-1912) CHO ĐẾN NGÀY NAY


Thời Minh Trị (1868) đã đánh dấu bước đầu của sự đổi mới tại Nhật Bản. Hệ thống phong kiến bị xoá bỏ, Nhật Bản tiếp thu luồng văn minh mới từ phương Tây. Morton (1994) đã trích dẫn từ phép tắc đầu tiên ( Năm Lời Thề ), được đề ra tháng 4 năm 1868: "Những hủ tục của quá khứ sẽ bị dẹp bỏ và mọi thứ sẽ căn cứ vào quy luật tự nhiên". "Những hủ tục của quá khứ" là bao gồm cả mạc phủ Tokugawa và những hành động của nó, còn "quy luật tự nhiên" là từ nói chung. Tư tưởng này rất quen thuộc đối với phương Tây nhưng cũng được biết đến ở phương Đông trên cơ sở của đạo Khổng và đạo Lão.

Du nhập các kiểu quần áo Tây phương đã thay đổi trầm trọng bộ mặt của Nhật Bản. Áo đuôi tôm vào mũ quả dưa cho các quý ông, đồ chít eo và ngực dành cho quý bà trở thành thời thượng - chúng tuyên bố rằng người mặc chúng là thế hệ mới của Nhật Bản, không thua kém gì người Châu Âu và Châu Mĩ.

Mục tiêu của Nhật Bản là trở thành một trong các quốc gia đứng đầu như một nước văn minh và sành điệu. Chính phủ đánh giá xăm mình như một hành động của lũ man rợ, thô lỗ chưa được khai phá và cấm tất cả hành động liên quan, kể cả những bộ tộc xăm mình như Ainu hay Ryukyu.

Việc cấm mọi hành động xăm mình có ảnh hưởng đến cả văn học. Tanizaki Junichiro, một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng đương thời đã cho xuất bản một cuốn sách với tựa đề Shisei ( Người Xăm Mình ) vào năm 1910. Câu chuyện kể về một bậc thầy xăm mình và một cô gái đẹp. Lúc đầu tác phẩm của Tanizaki được lấy bối cảnh ở chính xã hội đương thời, nhưng sau lại đổi thành thời Edo có lẽ bởi một vài sức ép xã hội thời kỳ đó.

Kasumi
11-02-2007, 10:08 PM
Thật mỉa mai là, luật cấm xăm mình lại chỉ áp dụng với người Nhật Bản, không hề có hiệu lực với người nước ngoài. Rất nhiều khách du lịch phương Tây đã bị ấn tượng với những mẫu xăm của Nhật Bản. Giới thủy thủ từ cao nhất tới thấp nhất đều có hình xăm sau khi thả neo tại cảng Nhật Bản. Burchett (1958) đã kể lại cuộc gặp mặt của mình với một chuyên gia xăm mình Nhật Bản thời Minh Trị là Hori Chyo. Theo ông, Hori Chyo đã xăm cho rất nhiều quý tộc Anh quốc như Công tước Clarence, Công tước York (sau này là vua Geogre đệ Ngũ) và một người thuộc Hoàng tộc Nga (sau này là Nga hoàng Nicholas đệ Nhị). Vậy là xăm mình Nhật Bản được du nhập ra nước ngoài và nhanh chóng gây dựng được danh tiếng bên ngoài Nhật Bản. Nakano đã trích dẫn rất nhiều bài báo nói về sự phổ biến của xăm mình Nhật Bản tại phương Tây.

Năm 1948, luật cấm xăm mình ở Nhật bị bãi bỏ. Tuy nhiên, xăm vẫn bị cấm với thanh thiếu niên chưa đủ 18 tuổi, và những kẻ khuyến khích thanh thiếu niên xăm mình sẽ phải chịu hình phạt thích đáng.

Bởi bối cảnh lịch sử của mình, xăm mình để lại một bộ mặt tiêu cực và đen tối cho Nhật Bản ngày nay. Một vài người hành nghề xăm không dám trưng biển cho xưởng làm việc của mình cho dù ngày nay hành động này là hợp pháp.

Nakano đã đề cập đến cách nhìn nhận hành động xăm mình tại Nhật Bản. Một võ sĩ sumo khi thi đấu phải che hình xăm ở cánh tay trái của mình lại, còn tay đánh bốc chuyên nghiệp Mike Tyson đã dấu hình xăm của mình đi trong chuyến thăm đất nước này. Bản thân Nakano là vợ của một người xăm mình chuyên nghiệp, cả người cô đầy hình xăm. Cô nói người ta tỏ ra rất sợ hình xăm của cô khi nhìn thấy. Tất nhiên là cô chẳng sợ gì họ, nhưng đó là phản ứng thông thường đối với xăm toàn thân tại Nhật Bản.



YAKUZA VỚI TỤC XĂM MÌNH


Yakuza dùng để chỉ những thành viên băng nhóm khét tiếng Nhật Bản. Lịch sử tồn tại của họ có thể tính được hơn 300 năm. Nguồn gốc của tổ chức này thì có từ thời Edo. Những bậc tiền bối của giới yakuza hiện đại sử dụng hình xăm như một cách đánh dấu thân thế của mình.

Hình xăm là "đặc điểm nhận dạng" nổi bật nhất của yakuza. Lấy ví dụ khi chúng ta xem một bộ phim về yakuza, ta có thể thấy những yakuza với hình xăm thường xuyên xuất hiện. Rome (1975) nhắc đến giới yakuza hiện đại với cái tên "Những Kẻ Xăm Mình" và miêu tả một cảnh thường gặp trong phim về yakuza. Đó là cảnh trong một sòng bạc, khi có một người gian lận bị phát hiện. Những chiếc kimono được tụt xuống một bên vai để lộ hình xăm, dao gươm loá lên và máu phun tung toé.

Kaplan và Dupro (1986) đã ước chừng có khoảng 73% trong giới yakuza có hình xăm. Chịu đựng quá trình xăm mình được coi như một cách thể hiện sức mạnh. Một hình xăm truyền thống của Nhật phải mất khá nhiều thời gian để hoàn thành. Để mang trên mình một hình xăm hoàn chỉnh, người xăm phải kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn kéo dài. Với một vài yakuza, hình xăm là bằng chứng của sức mạnh, lòng dũng cảm, sự dẻo dai và tính đàn ông. Bên cạnh đó, hình xăm cũng làm cho người mang nó cảm thấy một cảm giác liên kết nào đó, như là thành viên của một tổ chức. Khi ấy xăm mình được coi như một cách thể hiện sự trung thành đối với tổ chức.

Mặc dù yakuza đã coi xăm mình như một tục lệ từ thời Edo, nhưng khi ấy đó chưa phải là điểm đặc biệt. Theo đà phát triển kinh tế của Nhật Bản, mật độ yakuza đột nhiên tăng vọt, và giới này cũng thường dính dáng đến những hành vi phạm pháp hơn. Bởi những thành phần xấu này, người dân dần có sự liên đới giữa xăm mình và yakuza. Cuối cùng, suy nghĩ "chỉ có tội phạm mới xăm mình" đã được dựng nên.

Tuy nhiên những năm gần đây số lượng yakuza xăm mình đã giảm. Nguyên nhân bởi vì những bộ luật cấm đoán mới được đặt ra, yakuza cũng mất rất nhiều nguồn cung cấp tài chính. Hơn nữa, bản chất của yakuza cũng đã thay đổi. Mặc dù dành cả cuộc đời cho tổ chức vẫn là cách thức tồn tại trong giới yakuza, những thành viên yakuza trẻ ngày nay ngày càng trở nên "khó bảo". Thế hệ mới này cũng quay lưng lại với xăm hình toàn thân. Thay vào đó, những hình xăm đường nét đơn giản và câu chữ được chọn lựa. Họ xăm lên bắp tay giống giới trẻ phương Tây. Nguyên do, theo nhà nghiên cứu Hoshino, không phải là bởi sự thay đổi "gu" thẩm mĩ. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ, những hình xăm cũ giờ đáng giá bằng cả gia tài, nó không còn đáng để người xăm chịu cả nỗi đau thể xác và tài chính cùng một lúc.

Từ khi Đạo luật về Ngăn chặn những hành động phi pháp của thành viên Boryokudan (băng nhóm) được thông qua năm 1992, ảnh hưởng của giới này đã giảm sút. Theo một số báo cáo gần đây (Asahi shinbun 1997), rất nhiều yakuza đang có ý định xoá hình xăm và đi mổ thay các ngón tay bị mất để có thể quay lại với xã hội.

Xăm mình ở Nhật Bản đồng nghĩa với từ bỏ xã hội bình thường và bước chân vào xã hội đen. Thực sự rất nhiều yakuza bây giờ thiên về việc không xăm mình. Xăm không còn được coi như thử thách sức mạnh hay tượng trưng cho sự đoàn kết giữa các yakuza nữa.



HÌNH XĂM ĐƠN


Xăm mình hiện đại ảnh hưởng phần lớn từ phương Tây. Giờ đây xăm mình được coi như một môn nghệ thuật cơ thể và ngày càng được ưa chuộng trong giới trẻ. "Xăm đơn" có nghĩa chỉ có một hình xăm trên người, thường được giới trẻ Nhật Bản sử dụng. Một vài người xăm hình đầu lâu, hoa hồng hay trái tim. Cách ăn mặc của thế giới giải trí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến văn hoá của giới trẻ. Ví dụ, bạn tôi là một rock fan, có hình xăm hoa hồng là biểu tượng của ban nhạc. Thời gian gần đây, ca sĩ diễn viên Nhật Bản thường xuất hiện trên TV hay trên báo với hình xăm. Một ca sĩ pop xăm hình mã vạch lên cổ tay và giới trẻ đang lục đục theo chân cô gái đó.

Nakano (1988) cũng nói rõ rằng xăm mình đã trở nên phổ biến trong nữ giới nhiều hơn nam giới. Mảng xăm mình trước đây là khu vực thống trị của đàn ông, nhưng tỷ lệ phụ nữ xăm mình hiện đang tăng nhanh. Nữ giới thường là giới theo đuổi thời trang nhiều hơn nam giới, và xăm mình thì đang được chấp nhận như một phong cách thời trang mới.

Thái độ đối với xăm đơn và xăm toàn thân là khác nhau. Khác xăm toàn thân, xăm đơn về khía cạnh nào đó được chấp nhận như một khuynh hướng thời trang mới trong giới trẻ Nhật Bản.



NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THỜI TRANG - VĂN HOÁ NHẬT BẢN


Theo một bài báo gần đây ở Nhật Bản, xăm mình và đeo khoen mình được coi như một phong cách trang điểm thời thượng, một kiểu thể hiện bản thân và thay đổi hình dạng cơ thể của giới trẻ (Nhật Báo Yomiuri, 1994). Tuy nhiên, kiểu thời trang cố định không hoàn toàn thoả mãn mọi khách hàng. Dù một người vừa ý với hình xăm của mình, họ vẫn phải tính đến những trở ngại trong văn hoá Nhật Bản. Một người trẻ tuổi không vừa lòng đôi chút với hình xăm của mình. Anh ta không còn mặc được áo sơ mi trắng khi đi làm bởi hình xăm sẽ lộ rõ qua lớp vải. Một thanh niên 21 tuổi khác nói trong nuối tiếc: "Nếu bạn có hứng thú với những kiểu thời trang mới, hãy nhớ xăm mình là mãi mãi" (Nhật Báo Yomiuri, 1994).

Những quy định về văn hoá vẫn là một phần không nhỏ trong những chuẩn mực đạo đức của Nhật Bản. Các loại nghệ thuật cơ thể như đeo khuyên mình, nhuộm tóc, trang trí móng, xăm tạm thời vì thế trở nên phổ biến hơn so với hình xăm thật. Bên cạnh đó, những nhà xăm mình trẻ đương thời giờ sử dụng công nghệ vi tính để tạo ra những hoạ tiết xăm mới. Hình ảnh được đồ hoạ trên máy và in ra để tạo thành những hình xăm tạm thời. Khách hàng có thể mang trên mình những bức hình trông như hình xăm có thể tẩy đi dễ dàng. Xăm tạm thời đang là một xu hướng cuốn hút rất nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản. Doanh thu từ hình thức này đã tăng vọt. Giờ mọi người có thể tận hưởng xăm mình như một mốt thời trang mà không lo vi phạm những quy định về văn hoá.



TỪ XĂM ĐƠN ĐẾN TATUU


Thời gian gần đây, xăm mình trở nên phổ biến tại Nhật Bản hơn một vài năm về trước, không chỉ như "xăm đơn" mà là "tatuu" (tattoo). Tatuu là một từ Nhật-Anh, xuất phát từ "tattoo" - một từ tiếng Anh. Người Nhật hiện nay thường sử dụng tatuu thay cho irezumi hay horimono. Một tờ tạp chí đã mô tả trạng thái hiện tại của xăm mình. Rất nhiều người xăm và người đi xăm Nhật Bản đã tập trung đến Osaka cho một cuộc chụp ảnh tập thể do một tờ tạp chí xuất bản tháng 4 năm 1999 tổ chức. Họ tự hào khoe hình xăm của mình và so sánh, ganh nhau: "Hình xăm của tôi đáng tiền hơn anh". Theo bài báo này, số lượng người Nhật trẻ học cách xăm mình ở phương Tây đang tăng nhanh. Trong khi các mẫu xăm nước ngoài trở nên phổ biến giữa giới trẻ Nhật Bản thì hình xăm truyền thống lại được ưa chuộng giữa các cặp tình nhân. Người Nhật dùng youbori và wabori để phân biệt hai kiểu xăm đó. Youbori là hình xăm theo phong cách Tây phương. Những mẫu xăm này thường là hoa lá, động vật, những nhân vật hoạt hình..., hầu hết được làm bởi kỹ thuật vi tính. Từ wabori (kiểu Nhật), nói đến hình xăm thể hiện những bức tranh ukiyo-e. Đó là rồng, bọ cạp, Phật, lá thích hay hoa mẫu đơn. Rất nhiều nhà xăm mình truyền thống cũng sử dụng máy xăm, nhưng là theo cách truyền thống. Xăm Nhật Bản chủ yếu được thực hiện bằng tay. Tebori, xăm bằng tay, yêu cầu những kỹ thuật đặc biệt và chỉ một vài nhà xăm mình truyền thống mới có thể thực hiện được. Điểm khác biệt lớn giữa kiểu Tây phương và kiểu Nhật là nền của mẫu xăm. Trong khi ở kiểu Tây phương, mẫu xăm thường không có bóng đổ làm nền thì kiểu Nhật không những có mà còn rất đẹp bởi nhiều phá cách.


tác giả: Mieko Yamada
*~© 2000 by Mieko Yamada~*
*~*~translated by maianh~*~*
Re-up: killuaxlove - ACCVN