PDA

View Full Version : Chiêm nghiệm vẻ đẹp qua một tách trà



Kasumi
21-02-2007, 02:47 PM
Thiền sư Amano Koshun, nghệ nhân đến từ kinh đô cổ Kyoto cho biết ông đã từng đi biểu diễn trà đạo ở nhiều nước trên thế giới, cả ở những nước có truyền thống sử dụng trà lâu đời như Trung Quốc, Đài Loan, nhưng không ở đâu có thể trong một thời gian ngắn (1 ngày) có thể dựng nên một trà thất in đậm phong cách Nhật đến như vậy, người Việt Nam quả thật rất am hiểu về Trà đạo Nhật Bản. Ông và các nghệ nhân cùng đi đều rất hài lòng với trà thất này và thật hào hứng được trình diễn nghi thức trà lễ tại trà thất này. Khách Việt, trong mấy ngày lễ hội, vốn hiếu khách pha lẫn với tò mò đã xếp hàng rất đông để được thưởng thức một tách trà Nhật do chính nghệ nhân nổi tiếng của Nhật phục vụ, điều mà lâu nay chỉ được đọc trên sách vở.


http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/original/images404887_thiensu.jpg
Thiền sư Amano Koshun đang chuẩn bị cho buổi trà lễ

Trà đạo được xếp vào hàng những nghệ thuật độc đáo nhất thế giới. Trà đạo đóng vai trò lớn lao trong sinh hoạt tinh thần và xã hội Nhật suốt nhiều thế kỷ. Tham dự vào nghi lễ nghiêm trang này thường chỉ gồm nghệ nhân pha và rót trà, những người ngồi chứng kiến rồi thưởng thức tách trà vừa pha xong. Mỗi người phải có một cách ứng xử thích đáng, bao gồm từ cách ngồi đến động tác, từ nét mặt đến cách thức nói năng. Nét đẹp trong nghi thức trà đạo vốn bị chi phối bởi các chủ thuyết Thiền, cũng như các loại hình nghệ thuật khác ở Nhật.

Từ xa xưa, trà đạo là nghi lễ không thể thiếu trong các buổi đàm đạo của giới triết gia và nghệ sĩ. Dần dà, lệ trà đàm bắt đầu lan sang nhiều tầng lớp khác trong xã hội. Từ thế kỷ 16-17, trà đàm bắt đầu thịnh hành trong giới quyền quý và kiếm sĩ (samurai). Trà đạo cũng đi vào thú tiêu dao của người Nhật ở các tầng lớp khác sau những lo toan, bận rộn thường nhật, được cử hành tại những nếp nhà xây riêng, gọi là trà thất. Theo nhiều sử sách, nếp trà thất đầu tiên được dựng nên tại Nhật là vào năm 1473. Mọi trà thất đều được kiến trúc bình dị, khiêm nhường, cả trong lẫn ngoài đều gợi cho ta liên tưởng tới những nếp lều tiều tụy của các bậc hiền sĩ ẩn dật, mang lại cho ta cảm giác thư thái, nhẹ nhàng của một người vừa trút bỏ được gánh nặng âu lo thường nhật.

Trang trí cho một trà thất thường chỉ là một bức liễn, ghi một câu danh ngôn của một triết gia, một bức họa cổ và một bình hoa. Câu danh ngôn có khi chỉ là một hoặc hai chữ Hán được viết theo bút pháp Thiền, vì vậy, có khi nhiều người không đọc nổi và cũng không hiểu hết hàm ý của câu danh ngôn đó. Cách bài trí trà thất và thú uống trà là công lao của hai nghệ nhân danh tiếng trà đạo Joo (1503 -1555) và Shenno Soeki (1521-1591), thường nổi danh với biệt hiệu Rikyu. Tất cả các nghệ nhân trà đạo, nhất là Rikyu đều là những Thiền sư cao thâm. Mọi lễ nghi và cách bài trí đều thấm đượm Thiền lý. Phòng uống trà (sukiya) chỉ rộng khoảng 8 thước vuông. Các nhà thiết kế Sukiya hẳn muốn gợi liên tưởng đến giáo lý của nhà Phật - phủ nhận trọng lượng và thể tích thật của vật khi đã thực sự đạt ngộ - nên mới ấn định kích thước nhỏ hẹp như vậy cho phòng uống trà.


http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/original/images404903_traNhat1.jpg
Dụng cụ pha trà và trà bột Nhật Bản

Ánh sáng yếu hắt ra từ một vuông cửa nhỏ sát trần, gợi cho khách thưởng trà cảm giác thư thái bởi được ẩn tịch trong bóng tối huyền ảo... Theo người Nhật, muốn thư giãn cần có một bầu không khí tranh tối tranh sáng, một sự sạch sẽ và thanh tịnh tột cùng. Chuẩn mực thẩm mỹ đó còn được áp dụng vào kiến trúc bên ngoài trà thất. Quanh trà thất nào cũng có một khoảnh vườn nhỏ, một lối đi nhỏ rải sỏi, giúp khách đến dự trà đạo thư giãn, giũ bỏ bụi trần, dồn hết tâm trí vào việc thưởng thức tách trà thơm ngát. Cả ngọn đèn ***g cũ kỹ soi đường trong buổi chiều hôm, chiếc bồn đá đựng nước rửa tay (tất cả khách đều phải rửa tay, thậm chí thay áo trước khi bước vào trà thất), khung cửa ra vào chỉ cao 90 cm khiến người ta phải cúi mình bước qua - tất cả đều như góp phần làm tăng thêm tâm trạng thanh thản cho khách. Kiếm sĩ (Samurai) khi đến trà thất cũng phải gác kiếm ở ngoài. Vào phòng, khách vái chào, xong ngồi xuống gối, chủ bước ra đón cũng cúi rạp người vái chào đáp lễ. Bên tai khách bắt đầu nghe tiếng reo của nước sôi. Trong khi chờ đợi, khách chăm chú theo dõi, quan sát mọi cử động chậm rãi, từ tốn, cẩn trọng của nghệ nhân cùng những dụng cụ pha trà giản dị, nhưng vô cùng tinh tế.


http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/original/images404909_mochi.jpg
Bánh dày Nhật có tên là Sakura Mochi

Bữa trà bắt đầu bằng một tách trà đặc. Chủ rót trà ra tách, nâng bằng hai tay mời. Khách vái chào, đón tách trà từ tay chủ, đặt lên lòng bàn tay trái, dùng tay phải khẽ xoay tách trà sao cho thấy được hoa văn đẹp nhất của tách trà, sau đó uống thật từ tốn ba ngụm, vừa uống vừa thưởng thức bánh ngọt, thường là một loại bánh dày Nhật có tên là Sakura Mochi, trông như những bông hoa anh đào chớm nở thật xinh xắn. Nước sôi dùng để pha trà phải nấu bằng than gỗ anh đào. Trà được dùng là trà xanh được nghiền thành bột. Điểm đặc sắc của trà xanh Nhật so với trà Việt Nam là trà xanh tuy đã qua chế biến nhưng vẫn giữ nguyên sắc xanh biếc của búp trà non, khi được pha trong một chiếc tách bằng đá màu đen, sắc xanh ấy trông thật tuyệt. Để giữ được sắc xanh nguyên của búp trà non, người Nhật trồng trà trong bóng râm, cây trà hầu như không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sau những ngày đông tuyết giá, khi mùa xuân vừa về, những lộc non vừa nhú đầu tiên được hái, để thẳng lá chứ không se lại như ở ta, rồi phơi khô, lấy hết gân lá, nghiền thành bột mịn trong cối đá. Sắc xanh của trà giữ được có lẽ là do lộc non chưa kịp tiếp xúc với ánh nắng nên lượng tanin thấp, vì vậy trà không bị đen lại khi chế biến như trà của ta.


http://www.nguoivienxu.vietnamnet.vn/dataimages/original/images404933_hoa.jpg
Một bình hoa đẹp không thể thiếu trong trà thất

Nếu tinh ý, khách thưởng trà người Việt cũng sẽ nhận ra rằng trà Nhật rất thơm nhưng không chát bằng Xuân trà Thái Nguyên của ta mặc dù được pha rất đặc. Nếu bạn chưa có dịp được thưởng thức một tách trà theo đúng phong cách Nhật thì mời bạn hãy ghé lại trà quán Kissaten, số 361/21/2 Nguyễn Đình Chiểu vào buổi hoàng hôn. Tại đây, có thể, bạn còn có được cuộc đàm đạo với bà Kim Nguyệt, chủ quán trà, một phụ nữ thông minh, lịch lãm, am tường về trà đạo, người vốn là hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

Ý nghĩa của trà đạo được thể hiện qua câu danh ngôn nổi tiếng của Nhật: "Trà đạo là chiêm nghiệm vẻ đẹp dưới ánh sáng mờ nhạt của ngày thường”. Cuộc sống công nghiệp hối hả khiến người Nhật hầu như chẳng còn thời gian cho những thuần phong mỹ tục xưa, nhưng với trà đạo thì lại khác. Do đã bám rễ rất sâu trong tâm thức người Nhật từ nhiều thế hệ nên trà đạo vẫn được trân trọng, giữ gìn và phát triển. Người Nhật cho rằng trà đạo giáo dục cho mỗi người đức giản dị, sự hồn nhiên và tác phong chững chạc. Thông qua việc tiếp thu các nghi lễ nghiêm ngặt, người Nhật còn học được sự ngăn nắp, trọng kỷ luật và tuân thủ các quy chế xã hội, Trà đạo là một trong những nền tảng vun đắp tình cảm dân tộc trong tâm thức người Nhật. Sự giao lưu văn hóa giữa các nước ngày nay quả thật bổ ích cho bất kỳ ai muốn học hỏi, khám phá những vẻ đẹp truyền thống của các dân tộc khác, làm dày thêm vốn sống cho chính mình, đồng thời cũng giúp ta hiểu người hơn, dễ thành công hơn trên đường hội nhập với thế giới.


trungtamtiengnhat