PDA

View Full Version : [Tham khảo] "Cái tôi muốn mô tả là Những - con - người"



Kasumi
20-03-2007, 03:06 PM
Haruki Murakami là một trong những gương mặt lớn nhất của văn chương Nhật Bản hiện đại, được coi là ứng cử viên hàng đầu với giải Nobel Văn học của đất nước hoa anh đào hiện nay. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng trên thế giới và là tác giả có lượng độc giả rất lớn trên toàn cầu.


http://img133.imageshack.us/img133/4100/vtc43143murakamioy5.jpg
Nhà văn Haruki Murakami.

- Bằng cách nào ông đã nảy ra ý tưởng về cái giếng sâu trong Biên niên ký Chim vặn dây cót? Có phải ý tưởng đó đến với ông một cách bất ngờ, ngẫu nhiên, hay đó là hiện thân của một khoảng rỗng nào đó trong lòng cái thế giới hư cấu mà ông bị hút vào trong khi viết cuốn tiểu thuyết này?

- Tôi thích giếng; cá nhân tôi ngay từ khi còn nhỏ đã bị một cái giếng thu hút mãnh liệt. Đây không phải là ẩn dụ, chẳng phải là so sánh. Bạn có thể gọi đó là một sự ám ảnh. Phân tích thì được thôi, bởi bất cứ văn bản nào cũng tùy người đọc tự do tiếp cận. Tuy nhiên, việc của tôi không phải là phân tích văn bản. Nghề của tôi là viết ra văn bản.

- Tác phẩm của ông dường như tiêu biểu cho cái gọi là sự tiếp biến văn hóa giữa các khu vực khác nhau trên thế giới trong thời hậu hiện đại. Ông có đồng ý với một số nhà phê bình (cụ thể như Will Socombe) rằng văn hóa Nhật trong tác phẩm của ông không phải là văn hóa Nhật mà là một văn hóa đã bị Mỹ hóa?

- Tôi thích rượu vang Pháp. Nhưng chẳng ai bảo rằng vì vậy mà tôi chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Pháp. Tôi chỉ thích rượu vang Pháp. Thế thôi. Tôi thích nhạc jazz. Tôi thích rượu vang. Tôi thích Dostoyevsky. Nhưng dù vậy đi nữa tôi vẫn là một tiểu thuyết gia Nhật Bản, không gì khác. Tôi không nghĩ đấy là điều gì lạ lùng, sai lạc, kỳ quặc, trái khoáy, phi tự nhiên hay đáng thẹn. Một số nhà phê bình hay học giả phương Tây có cái thói hễ văn chương châu Á thì cứ phải “đặc thù châu Á”. Chẳng có lý do gì tôi phải thỏa mãn cái lối nhìn rập khuôn của họ. Cái mà tôi muốn mô tả trong tác phẩm của tôi là NHỮNG CON NGƯỜI. Tôi gọi họ là “những con người của tôi”. Có thể diễn dịch rằng ấy là “người Nhật”. Mà cũng có thể diễn dịch họ là con người nói chung, sống ở bất cứ đâu trên thế giới này. Tùy bạn chọn.

- Cũng như nhiều nhân vật chính khác của ông, Okada Toru trong Biên niên ký Chim vặn dây cót dường như quá cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết đến những vấn đề của bản thân ở phần đầu câu chuyện, nhưng càng về cuối truyện anh ta càng “dấn thân” vào thế giới quanh mình. Ông có nghĩ rằng chính vì có một chiều kích tinh thần và đạo đức sâu xa mà tác phẩm của ông khác hẳn với văn chương giải trí thuần túy không?

- Tôi không nghĩ tác phẩm của tôi là “văn chương giải trí”. Bởi tôi viết những gì tôi muốn, theo cách tôi muốn. Tôi không hề có ý định “mua vui” cho bất cứ ai khi viết. Khi tôi viết, cái duy nhất mà tôi muốn nó vừa lòng là tâm trí tôi, óc tưởng tượng của tôi. Và mỗi khi khởi bút tôi không hề có kế hoạch gì trước. Thế nên bản thân tôi cũng có phần ngạc nhiên khi thấy Toru tấn công Wataya Noboru một cách đầy bạo lực, mặc dù tôi tin rằng đó có lẽ là đoạn kết duy nhất đúng cho cuốn sách này. Nói thật, tôi không biết điều gì là đạo đức điều gì không đạo đức. Tôi chỉ biết cái gì là ĐÚNG đối với câu chuyện. Điều đó không xuất phát từ logic mà từ trực giác.

- Như tôi thấy, thực tại chiến tranh trong Biên niên ký Chim vặn dây cót có thể hiểu như là biểu tượng của thế lực ác ở dạng thuần túy nhất của nó. Không chỉ người Nhật giết một người Trung Hoa một cách cực kỳ khác thường (dùng gậy bóng chày) mà người Mông Cổ cũng giết một người Nhật một cách vô cùng rùng rợn (lột da sống). Ông có nghĩ rằng nghĩa vụ đạo đức của ông - với tư cách nhà văn cũng như tư cách một con người - là nói về thế lực ác đó, đối mặt với nó thẳng thừng và không khoan nhượng không?

- Khi viết Biên niên ký Chim vặn dây cót, tôi có ý định viết về CÁI ÁC. Hai mươi năm trước có người bảo tôi chẳng bao giờ viết về một cái gì ÁC cả. Anh ta nói đúng. Hồi trẻ tôi không có khả năng viết về bất cứ cái gì ác, vì một số lý do. Thế rồi tôi quyết định rằng một lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ viết về CÁI ÁC. Và trong cuốn sách này tôi thử viết nên một cảnh từ “mặt tối của mặt trăng”. Trong thế giới thực tại này hầu như bất cứ ai cũng có thể ác, hầu như bất cứ ai cũng có thể làm điều ác, trong một số hoàn cảnh nhất định. Khỏi phải nói, CHIẾN TRANH là một trong những hoàn cảnh đó. Chiến tranh không chỉ là một sự kiện lịch sử. Nó sống trong tâm trí chúng ta. Nó có thể ăn tươi nuốt sống chúng ta khi thời cơ đến.

- Nhiều nhà phê bình chỉ ra một số khía cạnh và thủ pháp hậu hiện đại trong tác phẩm của ông. Ông có tự cho mình thuộc về dòng hậu hiện đại trong đó có những tác giả kiệt xuất như Thomas Pynchon, Milorad Pavic, Umberto Eco và nhiều người khác không?

- Tôi không nghĩ mình là nhà văn hậu hiện đại, mặc dù nếu bạn gọi tôi bằng cái tên đó thì tôi không phản đối. Nói thật, người ta gọi tôi là gì tôi cũng chẳng quan tâm. Theo ý tôi, tôi chỉ là người kể chuyện. Một người kể chuyện khá cừ, chắc vậy. Tôi cho rằng trên thế giới có hai loại tiểu thuyết gia: tiểu thuyết gia đầy cảm hứng và tiểu thuyết gia thường. Bạn cũng đoán được rồi đó, tôi muốn mình là loại thứ nhất.


http://img441.imageshack.us/img441/5941/vtc43145murakamisachuv6.jpg
"Biên niên ký chim vặn dây cót" và "Rừng Na-uy" của Murakami đã xuất bản tại Việt Nam. Các tiểu thuyết này đều có lượng độc giả rất lớn trên toàn cầu.

- Nhiều người nhắc đến ông như một ứng viên nặng ký cho giải thưởng Nobel văn chương, ông nghĩ thế nào về việc trở thành người đoạt giải thưởng đó? Nếu điều đó là sự thật, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống và sự viết của ông?

- Tôi chẳng mấy quan tâm đến bất kỳ thứ giải thưởng nào. Giải thưởng đích thực của tôi là độc giả, những độc giả đang mong chờ tác phẩm kế tiếp của tôi. Tôi rất trân quý sự quan tâm và thủy chung của họ. Tôi đã nỗ lực suốt nhiều năm trời để nắm được tư tưởng họ, tâm hồn họ. Và dường như tôi đã nắm được tư tưởng tâm hồn độc giả, nhiều độc giả. Xét cho cùng, đó là thành tựu to lớn nhất của tôi. Giải thưởng là cái gì so với thành tựu đó?

- Oe Kenzaburo, nhà văn Nhật đoạt giải Nobel năm 1994, trong bài Diễn từ Nobel đã mô tả chính mình như một người sinh ra “ở một vùng ngoại biên, hẻo lánh, xa trung tâm của một xứ sở ngoại biên, hẻo lánh, xa trung tâm là Nhật Bản” và người đó “tìm kiếm những phương pháp văn chương hầu đạt tới cái phổ quát”. Có bao giờ ông cảm thấy mình là kẻ sinh ra ở một khu vực văn chương “ngoại biên” không? Làm thế nào ông đã “đạt được cái phổ quát”?

- Ừ thì chính tôi cũng nghĩ tôi là người sinh ra ở một nơi "ngoại biên, bên lề, xa trung tâm". Nói cách khác, tôi chỉ là một gã thường thường bậc trung như bất cứ ai thôi. Chẳng có gì đặc biệt. Nhưng tôi biết viết văn. Tôi có một kỹ năng khác thường, đặc biệt. Và truyện hễ đã hay thì cũng là phổ quát. Dù ngoại biên hay không, một khi truyện đã hay thì anh có độc giả, dù ở bất cứ đâu trên thế giới này.

- Nếu người ta đề nghị ông có một lời khuyên, chỉ một lời thôi, cho những nhà văn Việt Nam có khát vọng được thừa nhận trên phạm vi thế giới, ông sẽ nói gì?

- Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết. Đây không phải một lời khuyên. Đơn giản là chính tôi đã trải qua như thế.


Trần Tiễn Cao Đăng (thực hiện)
baomoi

Iaygii
21-03-2007, 02:22 PM
Mình phải nói là rất may mắn, tình cờ có được tất cả các truyện ngắn của Murakami-sama từ những năm 70 cho đến nay, và gần như đủ các tiểu thuyết của ông (tất nhiên là ebook). Thế giới nội tâm của các nhân vật khác thường, điều này thể hiện ra cách cư xử, các mối quan hệ của họ và dẫn đến một xã hội Nhật Bản phức tạp như ngày nay. Phải nói ông viết về sex hơi nhiều, nhiều đến mức mình không hiểu cái ẩn ý của tác giả gửi gắm trong Rừng Na Uy. Đoạn cuối tác giả cho nhân vật Toru have sex (đúng nghĩa have sex, nghĩa là không có tình yêu) với bà chị già Reiko mà không hề có một lý do nào cả. Toru sống không vì ngày mai, anh sống những tưởng rất nhiệt tình nhưng trong tâm can lại rất hời hợt với những thứ đang diễn ra xung quanh, với một khoảng đen được khóa kín trong tâm hồn về Naoko, mối tình đầu của anh. Nhưng nói chung đây là một tiểu thuyết đáng đọc, tuy đây không phải là phong cách viết chủ lực của tác giả.

Kagie
20-07-2012, 11:49 AM
Ôi,Haruki Murakami,thần tượng của mình!tình cờ được biết đến ông qua tác phẩm Sau nửa đêm và rồi sau đó là Rừng Na Uy và Biên niên kí chim vặn dây cót.dù tác phẩm nào cũng phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới hiểu được ý nghĩa nhưng mình rất thích cách viết của ông.lấy cái mơ hồ để diễn tả thực tế.tâm lí nhân vật cũng được miêu tả sâu sắc,nội tâm phức tạp đc viết bằng 1 phong cách lôi cuốn hấp dẫn...với mình thì truyện của ông lúc nào cũng có 1 sức hút kì lạ!
cảm ơn bạn đã post bài này nha.