PDA

View Full Version : [Tham khảo] Nhìn Murakami để đối chiếu bản thân mình



Kasumi
21-03-2007, 06:59 PM
http://img263.imageshack.us/img263/4438/imageviewjs9.jpg
Cuộc tọa đàm về hai tác giả Nhật Bản đương đại - Haruki Murakami và Banana Yoshimoto

Cuộc tọa đàm bàn tròn về hai tác giả Nhật Bản đương đại - Haruki Murakami và Banana Yoshimoto - giữa các dịch giả, nhà phê bình, giảng viên đại học của Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra đầy sôi nổi sáng 17-3 trong bầu không khí văn chương.

Không có gì ngạc nhiên khi phần lớn thời gian và tâm huyết của các diễn giả tập trung vào việc mổ xẻ hiện tượng Murakami tại Việt Nam. Dịch giả người Nhật Norio Kato, diễn giả chính của tọa đàm Thế giới của Haruki Murakami và Banana Yoshimoto, bày tỏ: "Khi giới thiệu văn học đương đại của Nhật Bản mà chọn giới thiệu hai nhà văn này, theo tôi là xuất sắc. Họ có số lượng độc giả nhiều nhất và đặc biệt đều cùng có ý tưởng tinh tế. Tôi rất mừng vì độc giả Việt Nam quan tâm đến văn học Nhật từ Murakami và Banana. Tôi muốn biết sự quan tâm của các bạn như thế nào?".

Bàn về sex trong các tác phẩm của Murakami

Một trong những cuốn sách gây chú ý về sex nhất, có lẽ là Rừng Nauy. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: "Theo tôi, sex với liều lượng như trong Rừng Nauy là nằm trong ý đồ nghệ thuật của nhà văn: những sự chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn. Hãy nhớ lại câu Naoko nói với Wanatabe ở đầu cuốn truyện nhưng là ở giữa chuyện của hai người: "Làm sao anh lại có thể ngủ với em hôm ấy? Làm sao anh lại có thể làm một chuyện như vậy được? Làm sao anh lại không để cho em được yên thân một mình?". Ông Nguyên còn khẳng định: "Viết về lớp trẻ của Nhật những năm 60, 70 mà không có tình dục là không thành thật".

Dịch giả Nhật Chiêu kể một câu chuyện vui: "Vừa rồi tôi có đi ĐH Vinh nói về văn chương Đông Á. Có một câu hỏi thế này: Dịch Murakami ở Việt Nam có làm đồi trụy hóa người Việt Nam không? Rồi có người được tặng sách Murakami còn phản ứng tại sao tặng sách bậy bạ, vì cho rằng mình là người đứng đắn. Đừng đổ lỗi cho Murakami. Nhiều người thấy yếu tố tình dục trong tác phẩm của Murakami phản cảm là do sự khác biệt của 2 nền văn hóa. Ở Nhật không có đề tài cấm kỵ nên nói về chuyện đó khá thoải mái. Trong khi các độc giả Việt Nam cho rằng Murakami "bậy bạ" vì quá quen với "sự cấm kỵ" rồi. Cho nên, có lẽ là văn chương Việt Nam phải bước ra khỏi "sự cấm kỵ" mà xưa nay ít khai thác đến".

Yếu tố ma ảo

Dịch giả Nhật Chiêu là người đưa ra khái niệm "ma ảo" trong các tác phẩm của Murakami. Trong Kafka bên bờ biển có nhiều yếu tố ma ảo: Giấc mơ và tưởng tượng lôi cuốn chúng ta khi đọc Murakami Haruki. Nhưng chính nhờ vào sự tưởng tượng và giấc mơ mà thế giới của Haruki lại rất thực, thực hơn nhiều văn tài khác... Có thể thấy, Haruki Murakami không xem thiếu tưởng tượng là một thiếu sót bình thường. Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, thiếu tưởng tượng là một tội ác. "Nghệ thuật của ông trở về với ngọn nguồn của tiểu thuyết, thời mà tiểu thuyết còn đầy tự do, không bó buộc phải sao chép hiện thực. Văn chương đi trước triết học và trước cả cuộc sống. Hay nói cách khác, cuộc sống đi sau những giấc mơ, mà văn chương là một dạng thức khác của giấc mơ".

Ông Chiêu cho rằng: "Cái chân thực đó chỉ có thể được sáng tạo từ một nhà văn lớn như Murakami và chính nó gây cảm hứng lớn lao ở bất cứ nơi nào tác phẩm của ông xuất hiện, trong đó có Việt Nam. Cùng chia sẻ ý kiến này, ông Trần Hinh - giảng viên Khoa Văn, ĐHKHXH &NV Hà Nội - hưởng ứng: "Bấy lâu nay ta dạy văn, học văn cứ cho rằng văn học phải phản ánh hiện thực. Anh Nhật Chiêu nói rất hay, để tồn tại được chúng ta phải biết tưởng tượng. Giá như các nhà văn Việt Nam có mặt ở đây để nghe và thay đổi kiểu viết. Cả độc giả cũng cần thay đổi kiểu đọc nữa, bởi nếu người đọc không thay đổi sẽ làm nền văn học trì trệ".

Sức hấp dẫn của nàng Scheherazade trong Murakami

Làm thế nào để một nhà văn Nhật Bản đương đại có thể xuất bản tác phẩm của mình tới 38 nước trên thế giới, trở thành hiện tượng văn hóa ở nhiều nước? Một trong những lý do được mổ xẻ chính là cách viết đầy hấp dẫn của Murakami.

Trong bản dịch Dịch Murakami - Thảo luận bàn tròn qua thư điện tử của Trịnh Lữ, dịch giả tiếng Anh Jay Rubin đã nhận xét: "Sau nhiều năm tập trung vào văn chương hiện thực lặng lẽ và xám ngắt của Nhật Bản, tôi không thể tin lại có một nhà văn Nhật mạnh bạo và có trí tưởng tượng hoang dại như Murakami... Kể từ thời sinh viên còn mê mẩn Dostoievsky, chưa có nhà văn nào khiến tôi có phản ứng mãnh liệt như thế".

Dịch giả trẻ Cao Việt Dũng, người đưa ra bài nghiên cứu Bí ẩn như là thủ pháp của cách kể chuyện nhấn mạnh đến lối viết của Murakami từ một tác phẩm cụ thể thì cho rằng: "Hơn ở đâu hết, trong Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời, cái bí ẩn hiện lên rất rõ ràng là cái bí ẩn không được giải thích... Tác phẩm của Murakami được dựng lên một phần trên sự từ chối giải thích, nó đi ngược lại ham muốn soi sáng của tiểu thuyết". Và lý giải cho một chiến lược khiến tác phẩm được coi là xuất sắc, Cao Việt Dũng nhấn mạnh: "Có lẽ cần viện đến nhiều giả thuyết mới có thể giải thích đến tận cùng hiện tượng này, nhưng đơn giản và ngắn gọn hơn cả là dựa vào năng lực kể chuyện của Murakami. Murakami, trước hết và xét đến cùng, là một người kể chuyện giỏi".

Dịch giả Dương Tường, người đang dịch Kafka bên bờ biển, cũng hết lời ngợi ca sức hấp dẫn của Murakami: "Xem ra, Kafka bên bờ biển có đủ thứ - siêu thực, hiện thực kỳ ảo, bi kịch Hy Lạp, uy-mua (hài hước), suspense (hồi hộp), ảo giác, chiêm bao, những leitmotiv (chủ đề) về định mệnh, bóng ma của Thế chiến II... Những triết luận về văn học, phân tâm học, âm nhạc học. Mưa cá. Mưa đỉa. Lại cả một cô gái điếm trích dẫn Bergon. Nói bằng thuật ngữ "chưởng" thì Murakami tung ra hơi nhiều chiêu thức... Với cái tài kể chuyện của một nàng Scheherazade, Murakami đã tạo nên một cuốn sách hấp dẫn đến độ đã cầm lên là phải đọc gấp đến trang cuối không rời tay".

Murakami và vấn đề bản sắc

Ngay trong cuộc tọa đàm đã có 2 luồng ý kiến: người cho rằng văn phong của Murakami đã được quốc tế hóa, người ra sức bảo vệ bản sắc Nhật trong văn chương của Murakami. Nhưng thực ra trong hai dạng ý kiến này đều hướng tới sự đồng nhất.

Ông Phạm Xuân Thạch cho rằng: "Tiểu thuyết của Murakami không có tính Nhật Bản: nghe nhạc của Rossini qua đài FM, nấu spaghetti (Biên niên ký chim vặn giây cót). Nhưng nói đúng ra, cuốn tiểu thuyết là một phản đề về "bản sắc Nhật Bản". Thực ra, khi nói đến mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại của một dân tộc, người ta dễ dẫn đến vấn đề về bản sắc văn hóa. Đặc biệt, trước khuynh hướng toàn cầu hóa diễn ra một cách không thể tránh khỏi, người ta thường dễ coi bản sắc như một di sản quý giá mà con người hiện tại được thừa hưởng từ quá khứ và họ cần phải bảo vệ. Thế nhưng, liệu có phải bản sắc văn hóa lúc nào cũng có một ý nghĩa tích cực? Ít nhất, cần có một sự phản tư về bản sắc. Với một số dân tộc kiểu như người Đức và quá khứ thời Quốc xã, lịch sử chính là một cơ hội để tự phê phán chính cái gọi là bản sắc văn hóa. Có lẽ người Nhật cũng nằm trong số này và tiểu thuyết của Murakami là một biểu hiện của khuynh hướng đó".

Giảng viên ĐH KHXH &NV Hà Nội Phan Quý Bích nêu ý kiến: "Tôi tán thành văn chương Murakami mang màu sắc phương Tây, văn chương Nhật Bản truyền thống có ít ẩn dụ. Chúng ta đi đến toàn cầu hóa và văn chương cũng thế". Ông Nhật Chiêu nói: "Murakami là nhà văn của thế kỷ 21 và ghi lại những gì đang diễn ra ở Nhật Bản. Những gì ông viết, đương nhiên là văn học Nhật Bản không chạy đi đâu hết. Không nói tới kimônô, trà đạo, võ sĩ đạo... là nói thật, chính người thiếu tưởng tượng mới viết về Nhật Bản truyền thống và gọi là hiện thực".

Ông Phạm Xuân Nguyên lẩy ra một ý từ việc bàn về bản sắc văn học Nhật Bản của Murakami: "Tôi có một ý về nhà văn Việt Nam đầu thế kỷ 21 nhìn vấn đề toàn cầu bằng con mắt của nhà văn Việt Nam và viết bằng tiếng Việt". Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, người dịch Biên niên ký chim vặn dây cót, cho rằng: "Vấn đề lớn nhất khi đối diện với Murakami là câu hỏi về bản sắc và diện mạo. Tôi mong rằng độc giả Việt Nam và đặc biệt là các nhà văn Việt Nam hãy suy nghĩ một cách không khoan nhượng: thế nào là bản sắc? Nhìn Murakami để đối chiếu bản thân mình: thế nào là bản sắc Việt Nam và nhà văn Việt Nam cần phải viết như thế nào để đạt được tầm vóc một tác phẩm lớn?".

Theo VnExpress

tinnygy
23-03-2007, 10:08 AM
Chưa được đọc Rừng Nauy của Murakami vì lần nào ra nhà sách cũng hết hàng T__T . Nhưng có cơ hội xem qua vài tác phẩm truyện ngắn của ông ấy, thực sự là rất nhiều những chi tiết liên quan tới sex, cứ như ở Nhật, sex không là gì cả, lần đầu đọc rất choáng. Nhưng thật ra những tình tiết đó không hề khiến ta cảm thấy đấy là truyện đồi trụy vì chúng mang một ý nghĩa nhất định trong từng tác phẩm, Murakami không dùng các chi tiết sex đó để tiêu khiển hay câu khách do đó, chúng được miêu tả một cách nhẹ nhàng.

Còn cái chuyện tưởng tượng trong tác phẩm của Murakami cũng là một thứ đáng để nói tới. Thứ nhất ông nhân cách hóa các con vật, sư tử biển, mòng biển và nhất là cừu. Đọc cũng được hơn chục truyện ngắn của ông, tôi gặp người cừu trong một nửa số truyện, thậm chí có cả một truyện viết về một thế giới cừu, tôi thích truyện đó nhất. Vì nó khiến tôi không ngừng ao ước phải chi mình là chú cừu lạc vào xứ thần tiên kì diệu đó (à dĩ nhiên nó cũng có chút hơi hướm giống giống truyện Alice lạc vào xứ sở thần tiên nhưng Alice thì tìm con thỏ vì tò mò, còn chú cừu này đi tìm thánh cừu để nhờ ông xóa bỏ lời nguyền vì ăn phải bánh có lỗ trong lễ thánh cừu ^^, cả một thế giới cừu cơ mà!) Thứ hai chính là cái khung cảnh trong những câu chuyện của ông luôn khiến người đọc phải không ngừng tưởng tượng, thích thú và lại tiếp tục tưởng tượng, nếu là truyện tranh thì có lẽ truyện của Murakami sẽ rất phong phú về phần background.

Đọc truyện của Murakami, về cá nhân, tôi luôn suy nghĩ, từ mỗi câu nói của nhân vật cho đến hành động vì tôi sợ mình sẽ lỡ mất một cái ý nghĩa sâu xa nào đó trong nó. Đọc truyện của Murakami vừa để giải trí với trí tưởng tượng ngộ nghĩnh của ông, vừa để suy nghĩ trong từng lời văn của ông để xem ta có nhận ra mình trong chúng không.

Fuyu_no_hana
23-03-2007, 03:27 PM
Tớ chưa đọc tác phẩm nào của Murakami nhưng mà nghe nói "hot" lắm nên cũng chưa dám đọc :D Nhưng mà tớ thix Banana Yoshimoto,truyện của bà nhẹ nhàng và tiết tấu chậm rãi. Cách miêu tả khung cảnh ***g ghép với những dòng suy tư sâu lắng làm người đọc cảm thấy mình đang xem một bộ phim tự sự nhưng ko hề nhàm chán. Văn của Banana Yoshimoto có một không khí rất Nhật ngay từ khi mới đọc những dòng đầu cho tới khi kết thúc truyện. Có lẽ truyện của bà ko đề cập đến nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng như Murakami nhưng trong cuộc sống hiện đại đầy bộn bề này mà được lắng đọng trong từng trang viết dịu dàng và cùng tìm kiếm một cuộc sống yên bình giản dị cũng thú vị đấy chứ. Enjoy ^^