PDA

View Full Version : Hội họa hiện đại Nhật Bản



Kasumi
29-03-2007, 09:24 AM
Vào cuối thế kỷ XIX, khi nền tranh khắc gỗ truyền thống Nhật Bản, tức tranh Phù thế (Ukiyo-e), sau hơn hai thế kỷ phát triển rực rỡ, đang đi đến giai đoạn suy tàn, thì cũng là lúc nước Nhật của Minh trị thiên hoàng (1868-1912) mở rộng cửa để đón nhận những tư tưởng nghệ thuật mới mẻ đến từ bên ngoài, đặc biệt là từ phương Tây.

Điều thú vị, và rất có ý nghĩa, là cùng lúc ấy, chính hội họa hiện đại phương Tây lại rút ra được những bài học quý báu từ những bức tranh Phù thế, để đưa nền hội họa của mình tiến xa thêm một bước nữa.


http://img485.imageshack.us/img485/7788/resized40cb949f0cfm5.jpg
Yorozu Tetsugoro, Chân dung tự họa (1912) [ảnh hưởng rõ rệt của Kirchner, trường phái biểu hiện Đức]



http://img485.imageshack.us/img485/5512/abebcd5048qe5.jpg
Togo Seiji, Người đàn ông đội mũ (1921) [ảnh hưởng của trường phái lập thể Pháp và trường phái tạo dựng Nga].

Trường Mỹ thuật quốc gia Nhật Bản được thành lập từ năm 1876, nhưng mãi đến năm 1896 mới thật sự đi theo hướng đi của nghệ thuật hiện đại phương Tây: về mặt hội họa, lúc đầu người ta đặc biệt chú ý đến những trường phái tượng trưng và biểu hiện, sau đó đến các trường phái vị lai, lập thể và trừu tượng; về kiến trúc, chủ yếu là phong trào Tân nghệ thuật.

Nói chung, do điều kiện giao lưu văn hoá thuận lợi, các họa sĩ Nhật Bản, ngay từ đầu, đã được biết đến hầu hết các trào lưu nghệ thuật đang thịnh hành ở phương Tây vào lúc đó, từ tượng trưng, biểu hiện, lập thể, siêu thực, dada, đến trừu tượng. Họ đã không bị giới hạn và cô lập như các họa sĩ Việt Nam được đào tạo ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945) đã không có điều kiện để biết đến ngay cả những tác phẩm của trường phái ấn tượng!



http://img294.imageshack.us/img294/5776/fa08bdf4a0bt3.jpg
Koga Harue, Biển (1929) [ảnh hưởng của các trường phái siêu thực, đađa : Marcel Duchamp, Max Ernst....]

Ngay từ 1910, các nghệ sĩ Nhật Bản đã biết đến Matisse, Rodin, Marinetti với trường phái vị lai. Nữ họa sĩ người Nga, Varvara Burnova, đã sang tận Nhật để giới thiệu trường phái "Constructiviste" của Nga...

Cũng ngay từ năm này, Takamara Kôtarô, một họa sĩ Nhật Bản đã tuyên bố: “Nếu bây giờ có ai vẽ mặt trời màu xanh lá cây, tôi cũng không chống". Lời tuyên bố của Takamara Kotarou giống như một tuyên ngôn của trường phái biểu hiện Nhật Bản, và người ta thấy ngay sau đó, Yorozu Tetsugoro đã vẽ bức chân dung tự họa với hai con mắt đỏ ngầu như mắt quỷ.
Năm 1915, người ta thấy xuất hiện những tác phẩm khắc gỗ trừu tượng đầu tiên của Guchi Kochiro.


http://img255.imageshack.us/img255/9354/3852c8f575ws8.jpg
Koga Harue, Điểm tụ không ở đường chân trời (1930) [xu hướng siêu thực, đađa]

Trong giai đoạn từ 1934 đến 1938, nhiều nhóm họa sĩ trừu tượng đã ra đời, với những tên tuổi như: Yamaguchi Takeo, Yoshihara Jiro, Saito Yoshishige; Fukuzawa Ichiro, Migishi Kotaro, Kitawaki Noboru, Hasegawa Saburo, Murai Masawari, Yamaguchi Kaoru.

Nổi bật nhất là nhóm Gutai ra đời vào năm 1950, với những họa sĩ mà sau này sẽ nổi tiếng như: Kazuo Shiraga, Sadamasa Motonaga, Atsuko Tanaka, Minoru Onoda.

Năm 1988, tại Osaka, một Hội diễn tranh vẽ trên diều đã được tổ chức, với sự hỗ trợ của viện Goethe và hãng hàng không Lufthansa (Đức), tập hợp được hầu hết các họa sĩ có tên tuổi của Nhật Bản và của thế giới, mỗi họa sĩ tham gia với một tác phẩm tiêu biểu.

Về phía Nhật Bản, có 28 họa sĩ thuộc nhiều thế hệ khác nhau tham gia. Dưới đây là danh sách các họa sĩ đó với năm sinh: Yae Asano (1914), Yayoi Kusana (1929), Akira Kurosaki (1937), Mitsuo Kano (1933), Hisashi Monose (1944), Kakeshi Hara (1942), Ryusho Matsuo (1951), Tami Fujie (1950), Yoshio Kitayama (1948), Mnoru Onoda (1937), Kazuo Shiraga (1924), Keiji Usami (1940), Sadamasa Motonaga (1922), Susumu Shingu (1937), Yukio Imamura (1935), Toyoshige Watanabe (1931), Kumi Sugai (1919), Atsuko Tanaka (1932), Tadanori Yokoo (1936), Lee U Fan (1936)...

Về phía các họa sĩ quốc tế được mời tham gia, có trên 70 người, trong đó có những tên tuổi lẫy lừng, như: Appel (Pháp, 1921), Arman (Pháp, 1928), Bulatov (Nga, 1933), Sam Francis (Mỹ, 1923), Niki de Saint Phalle (Pháp, 1930), Rauschenberg (Mỹ,1925),Bernard Schultze (Đức, 1915), Emil Schumacher (Đức, 1912), Frank Stella (Mỹ, 1936), Leon Polk Smith (Mỹ, 1906), Tapies (Tây Ban Nha, 1923) , Tinguely (Pháp, 1925), Vasarely (Pháp, 1908), Emilio Vedova (Ý, 1919)...

Qua hội diễn nghệ thuật tranh vẽ trên diều này, người ta có thể thấy được hầu hết các xu hướng hội họa hiện đại Nhật Bản, từ dòng tranh ký hiệu (Yukio Imamura, Sadamasa Motogana, Kumi Sugai, Toyoshige Watanabe), đến dòng tranh thể hiện cái đẹp của nhịp điệu (Tami Fujie, Takeshi Hara, Yoshio Kitayama, Ryusho Matsuo, Minoru Onoda); từ những bố cục hình học chặt chẽ, tĩnh lặng (Mitsuo Kano, Hisashi Monose) đến những bố cục năng động, nhiều tầng nhiều lớp, chồng chéo lên nhau (Tadanori Yokoo, Atsuko Tanaka), hoặc những tác phẩm vẽ một cách xuất thần, mạnh bạo, phóng khoáng, theo phong cách thư pháp (Kazuo Shiraga).

Trong số các họa sĩ Nhật Bản thành danh, một số đã được đi ra ngoại quốc, có người đã từng hành nghề ở Mỹ, Pháp, Đức, Ý...
Sugai, chẳng hạn, sau khi theo học ở trường Mỹ thuật Osaka, và sau một thời gian nghiên cứu về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, đã sang Pháp lập nghiệp từ năm 1952, cùng một thời gian với ZaoWu Ki, họa sĩ người Trung Quốc Sugai, cũng như Zao Wu Ki, ngay từ đầu đã vẽ những bức tranh trong đó người ta nhận ra một phong cách, và một cái phông văn hóa Á Đông rõ rệt, song mỗi người theo một hướng khác nhau: Sugai thiên về ký hiệu, còn Zao Wu Ki thiên về nhịp điệu. Cả hai đều đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa gốc của mình, từ thư pháp cho đến những bức tranh thủy mặc cổ.
Mặc dù đạt tới một trình độ hiện đại ngang bằng với những nghệ sĩ hiện đại nhất của thế giới, song trong tranh của hai họa sĩ này người ta vẫn thấy một cái gì đó rất Á Đông. Điều này gần như là một hiện tượng tự nhiên, vì nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của họ, vốn đã được nuôi dưỡng trong những nền văn hóa khác với nền văn hóa của phương Tây.

Những yếu tố truyền thống, được gạn lọc bởi cái gu thẩm mỹ của người họa sĩ, không những đã không ảnh hưởng đến tính cách hiện đại của tác phẩm của họ, mà ngược lại, còn làm giàu cho quan niệm về cái đẹp muôn hình muôn vẻ của nghệ thuật.

Tuy nhiên, trong bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào, yếu tố sáng tạo vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Trong một cuộc triển lãm quốc tế, như Hội diễn tranh vẽ trên diều ở Osaka, chẳng hạn, một tác phẩm chinh phục được người xem, trước hết là vì nó đẹp, và đem lại những ý tưởng nghệ thuật mới mẻ, chứ không nhất thiết vì nó mang nặng bản sắc của một cộng đồng văn hóa nào.

Nói chung, mỗi họa sĩ đều có một hành trang văn hóa riêng biệt, cái khó là phải vượt lên khỏi những giá trị truyền thống để đạt tới những giá trị phổ biến, được sự đồng thuận của mọi người.

Hội họa hiện đại Nhật Bản cũng đã không nằm ngoài quy luật này. Với dòng tranh trừu tượng, là dòng tranh mũi nhọn của nó từ nhiều thập kỷ nay, hội họa Nhật Bản không những đã theo kịp nền hội họa tiền phong của thế giới, mà còn đóng góp một cách tích cực vào sự phát triển của nền nghệ thuật này, với chính những nét văn hoá độc đáo của dân tộc mình, song với một sự gạn lọc tinh tế.


Một vài tác phẩm tiêu biểu trong Hội diễn tranh vẽ trên diều tổ chức ở Osaka năm 1988 và sau đó được triển lãm ở Bảo tàng Hoàng gia Bỉ năm 1991:



http://img258.imageshack.us/img258/1685/95c10ea825mv3.jpg
Minoru Onoda, Tác phẩm 88- 2.24, 282 x 282cm (1988)

http://img294.imageshack.us/img294/4572/0eec111615cm8.jpg
Kazuo Shiraga, Lên cao, 282 x282cm (1988)

http://img294.imageshack.us/img294/571/74f1266b0fwk4.jpg
Sadamasa Motonaga, Hình thể màu đỏ,280 x150cm (1988)

http://img471.imageshack.us/img471/8374/6ff4bef7e5ee3.jpg
Toyoshige Watanabe, Nhảy lên không, 380 x 200cm (1988)


Văn Ngọc
baomoi