PDA

View Full Version : Canon kinh doanh trực tiếp: sớm hay muộn?



Kasumi
29-07-2012, 06:13 PM
Các kênh phân phối và bán lẻ của Việt Nam đã phát triển đa dạng và đã trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều cùng với lộ trình mở cửa theo WTO. Đầu tuần này (23.7), Canon – tập đoàn công nghệ có thị phần hàng đầu tại Việt Nam đã thành lập công ty thương mại. Tham vọng của Canon tại Việt Nam chắc chắn sẽ làm thị trường sôi động hơn.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/Slot3/ImageHandler-28.jpg
Các sản phẩm máy chụp hình của Canon đang được ưa chuộng tại Việt Nam

Canon thành lập công ty thương mại nhằm đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam dưới tên mới: công ty TNHH Canon Marketing Vietnam có vốn 65 tỉ đồng với mục tiêu xây dựng hệ thống nhập khẩu, phân phối, bán hàng và dịch vụ cho Canon tại Việt Nam.

Có lẽ Canon là một trong số ít tập đoàn công nghệ vừa là nhà sản xuất lớn, vừa là nhà kinh doanh khai thác có thị phần hàng đầu tại Việt Nam, nhưng sau năm năm doanh nghiệp nước ngoài được quyền kinh doanh phân phối trực tiếp theo lộ trình WTO, thì hãng này mới chuyển sang kinh doanh trực tiếp. Những công ty cùng lĩnh vực và là đối thủ Canon như Sony, Samsung, Panasonic, LG… đã chuyển đổi từ khá lâu.

Đích doanh số 500 triệu USD

Mô hình kinh doanh thông qua đối tác phân phối đã trở nên lạc hậu với không gian tăng trưởng của Canon? Trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Kensaku Konishi, chủ tịch Canon Sinagapore, nói: “Vì Canon nhận thấy nền kinh tế Việt Nam triển vọng tiến xa hơn, tạo ra nhu cầu cấp thiết để Canon thiết lập hệ thống marketing chiến lược tại chỗ. Ngoài những bộ phận kinh doanh hiện tại, Canon còn có cơ hội mở rộng thị phần trong các mảng kinh doanh mới như in ấn công nghiệp, điện ảnh và truyền hình”.

Ông Noriji Yoshida, tổng giám đốc công ty TNHH Canon Marketing Vietnam, cho biết Canon muốn tìm cơ hội lớn hơn tại Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng 20 – 30% hàng năm để đạt doanh số 500 triệu USD vào năm 2016.


Theo số liệu của GfK và IDC, năm 2011 Canon dẫn đầu ở các phân khúc máy ảnh chuyên nghiệp, máy ảnh phổ thông và máy in văn phòng với thị phần tương ứng là 47%, 30% và 52%; đứng thứ hai về thị phần máy photocopy và máy in công nghiệp với 24% và 43%.

Ông Hideki Ozawa, chủ tịch Canon Marketing châu Á còn cho biết, các nhà đầu tư đều đang tập trung vào châu Á và Canon còn nhận thấy cơ hội phát triển vượt bậc ở ASEAN, đặc biệt là Indonesia và Việt Nam. “Đây là lý do mười năm qua, Canon thiết lập bốn nhà máy sản xuất và hai văn phòng đại diện với sự tham gia của 20.000 người lao động trong nước”.

Ông Noriji cho biết, bên cạnh việc mở các kênh kinh doanh mới là nỗ lực cải tiến khâu hậu cần và kiểm soát hàng tồn kho để kinh doanh hiệu quả. “Việc kinh doanh trực tiếp giúp cho Canon cải thiện chất lượng dịch vụ, hỗ trợ đối tác hiệu quả hơn và nâng cao thương hiệu tại Việt Nam”.

Rộng chỗ cho nhiều đối thủ

Còn nhớ những năm 2007 – 2008, hiệu ứng chuyển đổi của hầu hết các công ty lớn từ sản xuất sang kinh doanh trực tiếp, hoặc lập bộ phận kinh doanh độc lập bên cạnh mảng sản xuất. Nhìn lại các bước đi tương tự như của Sony, Samsung, LG… cho thấy họ đã nắm thế chủ động trên thị trường và sự cạnh tranh trở nên năng động hơn nhiều. Do bị sức ép cạnh tranh, các kênh phân phối và bán lẻ của Việt Nam cũng phát triển đa dạng và đã trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Với tổng doanh số tiêu dùng các mặt hàng điện tử – công nghệ thông tin hàng năm 5 tỉ USD, nhưng Việt Nam vẫn là thị trường còn không gian tăng trưởng rất lớn nếu tính trên số dân gần 90 triệu người. Khi thị trường đủ độ lớn, nhiều công ty khác cũng bắt đầu thay đổi cách tiếp cận của mình. Theo số liệu của bộ Công thương, có khoảng 50% các dự án mới vào Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2012 đã bổ sung mục tiêu hoạt động mua bán hàng bên cạnh kênh hoạt động sản xuất. Nhiều dự án phân phối hàng tiêu dùng gắn với dự án của các nhà đầu tư có quy mô lớn hơn trước rất nhiều.

Bộ Công thương cũng cho biết, các đối tác đầu tư vào kênh kinh doanh năm qua chủ yếu từ châu Á, Nhật Bản là đối tác có số dự án được cấp phép nhiều nhất, tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ý, Pháp, Đức… Các nhà kinh doanh nhắm vào các khu vực phát triển như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh…

Bước đi của Canon cũng không nằm ngoài luồng đầu tư và kinh doanh mạnh mẽ của các công ty Nhật tại Việt Nam từ năm 2011 đến nay.


TUYẾT ÂN
SGTT.VN