PDA

View Full Version : Tokyo mùa hoa anh đào



Kasumi
14-04-2007, 07:51 PM
Nhật Bản có quá nhiều điều để tự hào với thế giới, không chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, không chỉ ở những sản phẩm siêu công nghệ làm choáng váng người tiêu thụ, mà còn thu hút sự viếng thăm mỗi năm hàng chục triệu du khách gần xa. Đã thành hò hẹn, mỗi năm vào dịp cuối tháng 3 đầu tháng 4, nước Nhật lại đón thêm vài triệu du khách đến để được tận mắt chứng kiến mùa hoa anh đào nở rộ khắp xứ sở mặt trời. Những ai chiêm ngưỡng sắc hồng của anh đào, người đó hẳn sẽ có nhiều may mắn. Và tôi, cũng hy hữu được nằm trong số đó, do lời mời thân thiện và đầy ý nghĩa của EPSON - tập đoàn tiên phong lừng danh về công nghệ máy in màu.


http://img144.imageshack.us/img144/190/ds258dncn2cm0.jpg (http://imageshack.us)
Tác giả ở Tokyo

Tuy nhiên, hoa nở rộ hay không, nở dài ngày hay ngắn ngày... lại tùy thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thích hợp nhất là khúc giao mùa từ đông lạnh lẽo sang mùa xuân ấm áp. Đây cũng là thời điểm bước vào mùa kết toán tài chính của các doanh nghiệp và các công dân; người ta bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ ngơi sau một năm “tiền nong” vất vả. Vì thế “lễ hội anh đào” lại càng thắm đượm ý nghĩa tinh thần. Cả đất nước Nhật như bừng dậy sắc hồng, từ các phố phường, công viên, đường phố; từ các quầy thực phẩm, hoa tươi cho tới những cặp má phơn phớt xuân thì thiếu nữ vốn trước đó đã trắng ngần tinh khôi của cả một mùa lạnh kéo dài.

So với đào Nhật Tân, anh đào Nhật không rực rỡ bằng nhưng lại lớn hơn, hồng dịu ngả sang màu trắng nhẹ. Người ta thường tụ tập thành từng nhóm dưới gốc cây để vui đùa, ca hát và thưởng thức rượu sa-kê; thường đắm đuối cùng nhau ngày này sang ngày khác. Cây anh đào cao lớn và có hàng chục chủng loại khác nhau nhưng chỉ nở rộ hoa trong một vài ngày, hãn hữu nở trong khoảng một tuần.

Lần giở những trang sử cũ, thấy ghi rằng lễ hội mừng anh đào đã có từ thế kỷ thứ 13, khi mùa màng vừa thu hoạch xong, những gia đình giàu có tề tựu nhau vui chơi quanh gốc cây và uống rượu. Sang thế kỷ thứ 17, sinh hoạt “thượng lưu” này trở nên phổ biến đối với mọi tầng lớp người dân và lâu dần hình thành một biểu trưng văn hóa của nước Nhật. Người châu Âu gọi anh đào là “cherry”, người Nhật gọi là “sakura” và đặt tên riêng cho lễ hội mừng hoa nở là Hanami. Hanami trở thành một danh từ quen thuộc đến mức chỉ cần đặt chân tới Nhật, nói thật nhẹ từ này, người ta đều hiểu lý do viếng thăm nước Nhật chủ yếu của khách thập phương. Hanami quyến rũ mọi người không chỉ vì chiều sâu văn hóa Nhật, mà còn vì nó diễn ra vào thời điểm người Nhật đang “thở phào” khi tạm thời rũ bỏ nỗi lo cơm áo gạo tiền thường nhật, vốn làm người dân đất nước giàu có nhất nhì thế giới này luôn luôn cảm thấy quay cuồng.

Có lẽ là gặp may trong những ngày chúng tôi ở Tokyo, trời không mưa nắng đẹp, thời tiết thật dễ chịu: ban ngày khoảng 18 - 23 độ C, ban đêm từ 15 - 18 độ C, bạn chỉ cần mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng là có thể ung dung dạo phố. Thành phố Tokyo cũng giống như một số thành phố lớn khác ở vùng Đông Nam Á, chỉ có điều mật độ ôtô lưu thông trên đường không nhiều như ở Seoul (Hàn Quốc) hay Bangkok (Thái Lan) mặc dù Nhật là một trong những nước có nền công nghiệp sản xuất ôtô lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh Nhật đưa hầu hết các công xưởng sản xuất ra hải ngoại, bắt đầu lấy kỷ nguyên “thuê ngoài” làm đoàn bẩy của nền kinh tế đã và đang phát triển rực rỡ và vượt bậc trong liên tục 4 thập niên, người Nhật với bản chất cần cù vẫn quen thói lao động cật lực và ý thức trách nhiệm triệt để vào công việc, dù trong văn phòng, công xưởng, đi bộ trên đường phố, trên tàu điện ngầm ai cũng thấy bận rộn và quá mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng. Tokyo có hai đặc điểm dễ nhận nhất, đó là hệ thống bán hàng tự động và hệ thống xe điện ngầm. Trung bình cứ 10m là có một cửa hàng tự động bán các loại nước uống, bánh kẹo và thuốc lá, còn hệ thống xe điện ngầm thì quá hiện đại và thật sự choáng ngợp. Theo thống kê của ngành vận tải Nhật, mỗi tuần có tổng cộng... 4.000 chuyến tàu rời bến (khoảng 600 chuyến/ngày). Cộng với hệ thống đường sắt mặt đất và tàu cao tốc trượt từ trường có tốc độ trung bình 280km/giờ, việc di chuyển ở Nhật hết sức tiết kiệm và thuận lợi. Đó là còn chưa kể giá cả rẻ đến kinh ngạc: chỉ bằng 1/20 giá taxi thôi. Người ta chỉ cần tốn 700 yên (chừng 100 ngàn đồng tiền Việt) là có thể di chuyển suốt ngày trên các phương tiện giao thông này. Tuy vậy, nước Nhật cũng thật “khéo tính” khi cho dừng hoạt động của các đoàn tàu vào lúc 9 giờ đêm để nhường phần “làm ăn” cho xe buýt và taxi. Nói gì đi nữa, ngay cả những quốc gia từng tự hào với lịch sử metro hàng trăm năm như Nga hay Pháp, chắc chắn phải kính cẩn gọi metro Nhật là... anh cả.

Nhật được tất cả các cẩm nang du lịch và các tạp chí tài chính quốc tế xếp vào hàng ngũ đất nước đắt đỏ nhất thế giới. Điều này làm cho du khách rất dễ... sờn lòng khi móc hầu bao. Muốn vào cổng 1 của Disneyland Tokyo (rộng 80 hécta, được xây năm 1983, là Disneyland đầu tiên ngoài nước Mỹ), bạn phải chi 5.000 yên, rồi sau đó vào “chuyên đề” nào, lại phải trả tiền cho riêng “chuyên đề” đó. Khách sạn Tokyo DOME nơi chúng tôi ở có giá 450 USD một phòng cũng đã làm cho một số du khách Mỹ than phiền là đắt quá. Vào trong các quán bar, nếu không “nắn túi” trước thì ẩm khách có thể sẽ rất... mau say vì hóa đơn tính tiền. Nó đắt hơn ở Việt Nam từ 7 đến 10 lần. Chẳng trách sao rất nhiều nhà kinh doanh Nhật muốn tới Việt Nam, không chỉ vì môi trường đầu tư thuận lợi, mà còn được hưởng một khoản chi tiêu quá thấp, trong khi thu nhập thậm chí lại cao hơn khi còn trong nước. Tuy vậy, cá nhân tôi vẫn cảm thấy lòng lâng lâng tự hào vì 2 lý do: Nhật là một trong những nước nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhiều nhất; và tất cả những người Nhật tôi gặp, nhất là các thương gia, đều biểu lộ một lòng kính trọng dân tộc Việt và người Việt một cách chân thành không hề kiểu cách. Thực tế đã cho thấy điều này là sự thực, vì Nhật đứng thứ 2 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, và du khách Nhật đông thứ 2 trong số khách nước ngoài đến Việt Nam! Hơn nữa, người Nhật luôn nhắc đến những tương đồng về văn hóa giữa hai đất nước, luôn ca ngợi những phẩm chất ưu tú của người Việt Nam và đặt niềm tin tưởng sâu xa vào sự hợp tác song phương ngày càng bền chặt.

XUÂN MINH
baomoi