PDA

View Full Version : Trung - Nhật: Không chỉ có mâu thuẫn



Kasumi
17-04-2007, 01:05 PM
Người ta thường nói về những mâu thuẫn giữa hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng ít người biết được họ cần nhau như thế nào...


Được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo với chi phí rất lớn, sân bay quốc tế Kansai, theo như một số ước tính, là công trình lớn nhất thế giới.

Với mái dốc dài đến 1 dặm trông giống như hình viền một chiếc mũ võ sĩ đạo, công trình này là một biểu tượng phù hợp cho những tiêu chuẩn cao, năng lực, và trên hết là sự thịnh vượng của nước Nhật.

Tuy nhiên, cũng có một vấn đề. Vào một ngày chủ nhật, khi tôi đang ngồi chờ chuyến bay trở lại Thượng Hải, tôi nhận ra rằng cái kết cấu khổng lồ và đầy ấn tượng đó dường như không được tận dụng mấy.

Lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, những người hàng xóm vốn là những nhà nước đơn nhất lâu đời nhất trên thế giới, đã trải qua nhiều sóng gió, bởi cả hai bên từng ngày từng giờ đều tìm cách ngăn chặn sự thăm dò lẫn nhau.

Những tin tức chính thức trong những ngày gần đây cho thấy một sự hoà giải khiêm tốn với hàng loạt những chuyến thăm cấp cao qua lại sau thời kỳ đóng băng trong hầu hết những năm cầm quyền của Koizumi.

Tuy nhiên, sân bay Kansai nói lên một điều còn rõ ràng hơn rất nhiều so với những chuyến thăm viếng lẫn nhau, một điều vừa mới bắt đầu, và có lẽ là tất yếu, nhưng các nhà lãnh đạo hai nước cũng chưa sẵn sàng để công nhận điều đó.

Dù cho có cơ sở hạ tầng trên cả tuyệt vời cộng với mức sống người dân cao, hầu hết nền văn hoá đại chúng của Nhật Bản cũng sẽ dần dần bị người Trung Quốc áp đặt. Đổi lại, Nhật Bản sẽ có lợi từ nguồn bổ sung lao động, năng lượng, trí óc và cả dòng máu Trung Quốc.

Sự trao đổi lớn và có lợi cho cả hai nước này có thể bị làm chậm lại hoặc được đẩy nhanh bởi các chính khách của cả hai phía, nhưng dường như nó sẽ không dừng lại bởi những lí do đang ngày càng trở nên bức thiết hơn. Dân số của Nhật Bản sẽ đạt mức tối đa là 127,7 triệu người vào năm 2006 và người ta cho rằng con số này sẽ giảm xuống còn 100 triệu vào năm 2050, với sự suy giảm thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Trên hết, một nhân tố quan trọng là sự già đi nhanh chóng của dân số Nhật Bản. Cho đến năm 2050, tới 1/3 dân số dự tính sẽ ở độ tuổi 65 trở lên. Trong trường hợp đó, tư tưởng bài ngoại vốn phổ biến ở đất nước này, cùng với mơ ước về một thế giới công nghệ cao với những người máy thông minh và chu đáo chăm sóc người già, sẽ phải nhường chỗ cho một cái nhìn hiện thực hơn khi đứng trước nhu cầu cần phải có nguồn nhập cư. Đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Một dự đoán của Liên hợp quốc rằng Nhật Bản sẽ muốn duy trì mức dân số kỷ lục gần đây là 127,7 triệu người cho thấy rằng điều này chỉ có thể đạt được khi hàng năm số người nhập cư trung bình phải là 381.000 người. Điều đó có nghĩa là từ năm 2005 đến năm 2050 cần phải có 17 triệu người nhập cư vào Nhật, và cho đến năm 2050 tổng số người nhập cư và hậu duệ của họ phải đạt 22,5 triệu người, chiếm tới 17,7% dân số.

Mặc dù dân nhập cư có thể là từ nhiều nước khác nhau, nhưng một số lượng lớn như vậy thì chắc chỉ có Trung Quốc là có thể đáp ứng được nhiều nhất.

Ông Masaru Tamamoto, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế ở Tokyo đã nói rằng: “Những ai biết suy nghĩ đều hiểu rằng chúng ta cần phải có thêm người nhập cư. Chúng ta có thể cố gắng tăng năng suất một cách tối đa, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn cần công nhân cổ cồn, những người biết đọc và viết tiếng Nhật. Đội ngũ hùng hậu nhất những người như vậy là từ Trung Quốc.

“Tuy vẫn chưa thể được chấp nhận nhưng điều này đang ngày càng trở thành một chủ đề được bàn luận nhiều.”

Về phía Trung Quốc, đời sống ngày một khá hơn cũng có tác động tiêu cực là khiến mọi người ngày càng cảm thấy ngột ngạt. Những mong muốn về không gian và sự riêng tư sẽ tăng lên cùng với thu nhập; và Trung Quốc, vốn đã đầy chật người, sẽ bắt đầu cảm thấy điều này gay gắt hơn trong những năm tới. Cộng với thực tế là diện tích đất có thể sử dụng ở Trung Quốc thực sự đang thu hẹp do tác động của ô nhiễm tràn lan, thiếu nước và sa mạc hoá, và đối với nhiều người, giấc mộng Trung Quốc có thể vẫn sẽ mãi xa vời.

Khi điều đó xảy ra, Nhật Bản sẽ trở thành một phần tất trong câu trả lời đối với một số người Trung Quốc, đặc biệt là những người có học ở phía Tây đất nước, những người đã hết hi vọng về việc có một chỗ đứng trong cái xã hội cạnh tranh gay gắt của chính họ.

Do ý tưởng này dường như vẫn còn gây sốc đối với nhiều người Nhật Bản cũng như những người Trung Quốc, sự hội nhập tới đây của hai nước không nên gây sốc đối với bất kỳ ai. Đối với Nhật Bản và Trung Quốc, những tiền lệ trong lịch sử có rất nhiều, từ sự lan toả của Phật giáo, Nho giáo và những kí tự Trung Quốc tới Nhật, điều đã giúp cho Trung Quốc khởi đầu thời kỳ tăng trưởng dài và đáng kể của mình. Thực ra, tuy vẫn còn phải xem xét, nhưng xu hướng này trên thực tế đã bắt đầu diễn ra.

Hiện có khoảng 80.000 sinh viên Trung Quốc trong các trường đại học và cao đẳng ở Nhật Bản, chiếm tới gần 2/3 số du học sinh tại Nhật. Các công ty của Nhật đang hiện diện ngày một đông ở Trung Quốc, trong những thành phố như Thượng Hải, Đại Liên, Thiên Tân, nơi những “khu phố Nhật Bản” đang nở rộ.

Ảnh hưởng của Nhật Bản đối với văn hoá đương đại Trung Hoa có thể dễ dàng nhận thấy khi xem các chương trình hay nghe những bài hát pop trên đài.

Một vài người có thể phản đối và cho rằng những ảnh hưởng nước ngoài mạnh mẽ thực ra là từ Đài Loan hay Hồng Kông, nhưng ý kiến này đã bỏ qua một thực tế rằng kể cả phong cách của hai lãnh thổ trên đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nhật Bản.

Đồng thời những trung tâm nghiên cứu và phát triển Nhật Bản được xây dựng trên khắp Trung Quốc nhằm ươm trồng những tài năng của đất nước này.

Nhưng sự hội nhập kiểu này sẽ dần dần tỏ ra là không đủ khi mỗi nước tự nhận thấy mình cần nước kia đến thế nào.

Nếu như nhu cầu bức thiết nhất của Nhật Bản là nhân lực thì đối với Trung Quốc đó có lẽ là bí quyết công nghệ. Không chỉ là những kiến thức phân tích theo nghĩa hẹp, như là qui trình sản xuất hay những cái tương tự, mà là hầu hết những kiến thức xã hội.

Nhật Bản có nhiều điều để chỉ cho Trung Quốc thấy rằng không nên chỉ coi trọng tăng trưởng GDP trong khi phá hoại môi trường một cách vô thức, mà phải hướng tới sự phát triển bền vững và thân thiện với con người.

Cuối cùng, sự hội nhập tới đây sẽ có thể còn giúp Trung Quốc tìm ra cách hướng đến một mục tiêu khác: đó là làm cho xã hội Trung Quốc trở nên cởi mở hơn.

Những định kiến và lòng căm thù rất khó vượt qua. Nhưng nếu nhìn theo cách này, cả hai nước có nhiều điều để mang lại cho nhau, hơn là e ngại lẫn nhau.

Howard W. French
Theo IHT
Minh Hiếu (biên dịch)
baomoi