PDA

View Full Version : Geisha Nhật Bản - Đời không như phim!



Kasumi
28-04-2007, 10:04 AM
Cô Kokimi Yamaguchi, 28 tuổi, một trong số 27 kỹ nữ đích thực tại Nhật Bản, là những người thuộc nhóm Gion Kobu tuân theo những luật lệ khắt khe của nghiệp đoàn kỹ nữ geisha ở cố đô Kyoto, và cũng là nơi duy nhất mà những kỹ nữ vẫn còn giữ được đặc tính truyền thống nguyên thủy.

Tự hào là kỹ nữ chuyên nghiệp

Bắt đầu vào trường geisha từ năm 15 tuổi sau khi tốt nghiệp trung học cấp 1, cô Yamaguchi đã phải qua một chương trình tập luyện cam go, trong đó có cả múa hát, cách nói chuyện, trang điểm và phục sức, trước khi trở thành một kỹ nữ chuyên nghiệp. Hiện nay cô được liệt kê là kỹ nữ trung cấp, là những người tiêu khiển cho hội chúng, các công ty, chính trị gia, những ngôi sao âm nhạc quốc tế và những yếu nhân của ngoại quốc tại các quán trà và các quán ăn vào mỗi đêm.

Khách hàng của cô là những người giàu có, họ đến để nghe cô múa hát và nói chuyện. Một số những người ngưỡng mộ cô cũng đã đứng đợi ở ngoài các quán trà, với hy vọng có thể chụp hình cô mỗi lúc cô ra vào nơi này. Nhờ cuốn phim của phim trường Hollywood mang tựa đề Memoirs of a Geisha (Hồi ký của một kỹ nữ), nhiều du khách ngoại quốc thường tụ tập tại quận Gion, để xem cuộc sống thực sự của những nàng kỹ nữ Phù Tang như thế nào.

Tại Nhật Bản, những kỹ nữ chuyên nghiệp được gọi là geiko. Cô Yamaguchi cho biết cô rất tự hào là một geiko, và cô cũng rất cảm kích khi cuốn phim nói trên đã gây sự chú ý của các du khách ngoại quốc. Nhưng cô nói thêm rằng cuốn phim có số khán giả kỷ lục này đã gây nên những nhận thức sai lầm về những người hành nghề kỹ nữ truyền thống tại Nhật Bản.

Cô giải thích rằng trong quá khứ, nhiều khi tình huống cũng đã xảy ra giống như cuốn phim mô tả - mà cô gọi là thảm kịch, đặc biệt là trước thập niên 1950, lúc mà đa số các kỹ nữ đã bị buộc phải hành nghề một cách miễn cưỡng để có tiền trả nợ cho bố mẹ. Cô nói thêm rằng mọi người cần chú ý những tình tiết trong cuốn phim nói trên chỉ là sự tưởng tượng, chứ không có liên hệ gì với thế giới thực sự của những nàng kỹ nữ Phù Tang. Cũng theo cô, sự khác biệt rõ rệt nhất là những nàng kỹ nữ của phim trường Hollywood do các nữ tài tử ngoại quốc đóng, với mục đích chinh phục các khách hàng nam giới.

Cuộc sống không dễ dàng

Sau những buổi trình diễn tại những quán ăn hoặc tiệm trà, cô Yamaguchi thường trở về căn chung cư của cô vào lúc trời gần sáng. Và sau khi về nhà, cô liền chuẩn bị cho những buổi trình diễn kế tiếp bằng cách bỏ nhiều tiếng đồng hồ để luyện tập những bài hát và nhạc cụ mới. Hàng ngày, cô tự làm những công việc lặt vặt trong nhà như dọn dẹp và giặt giũ quần áo - những bộ đồ cô mặc khi trình diễn trên sân khấu.

Cô nhìn nhận là cuộc sống của kỹ nữ không dễ dàng, 1/3 trong số những người bạn của cô đã bỏ học ngành kỹ nữ nửa chừng vì không thể chịu đựng được gian nan. Tuy nhiên, cô cho biết cô không bao giờ có ý định bỏ cuộc. Cô nói rằng có thể cô đã vấp phạm rất nhiều lầm lỗi, nhưng nếu phải trở về lứa tuổi 15 của thời học sinh, thì cô vẫn quyết định chọn con đường mà cô đã theo.

Một trong những thành tựu lớn nhất của cô đó là biểu diễn Miyako Odori, mà theo tiếng Nhật có nghĩa là Vũ điệu thủ đô (là chương trình văn nghệ rất phổ biến tại Nhật Bản, thường tổ chức hàng năm vào mùa hoa anh đào nở rộ tháng tư). Lễ hội này được thiết lập từ năm 1872 và tiếp tục diễn ra trong suốt 135 năm qua, ngay cả trong thời kỳ Đệ nhị thế chiến. Lễ hội mô tả cuộc sống của người Nhật tùy theo từng mùa, như mùa xuân có hoa anh đào nở, mùa thu có lá bay và mùa đông có tuyết rơi. Những vũ điệu của các nàng kỹ nữ được phụ họa bằng âm nhạc.


Trước năm 1960 có khoảng 400 kỹ nữ và những thiếu nữ học nghề, trong đó chỉ có một số ít người được lựa chọn để lên sân khấu trình diễn. Ngày nay chỉ còn khoảng 30 kỹ nữ thật sự tại cố đô Kyoto, sau khi “hồi sinh” một cách yếu ớt vào cuối thập niên 1990. Con số này là rất nhỏ so với triều đại Edo từ năm 1603 đến 1867, lúc ấy có khoảng 1.000 kỹ nữ.

Ngọc Lữ (tổng hợp)
sggp