PDA

View Full Version : Chợ xổm xứ Phù Tang



Kasumi
02-05-2007, 07:20 PM
Ở một đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ và có một nền khoa học-kỹ thuật hiện đại như Nhật Bản, thật khó tin khi nghe nói về …chợ xổm. Chỉ khi đến Nhật, chúng tôi mới tin đó là sự thật. Tại đây, người ta có thể mua từ bó rau, con cá đến các loại dao được rèn theo quy trình thủ công như khi làm kiếm Nhật.



http://img209.imageshack.us/img209/9804/images178426kochingay19ew2.jpg (http://imageshack.us)
Khách hàng mua đồ lưu niệm tại chợ xổm

Từ Hiroshima, chúng tôi đến Kochi sau hơn 4 giờ đi xe bus trên những xa lộ rộng rãi, chui qua hàng chục đường hầm xuyên núi dài dằng dặt. Nằm ở miền Nam Nhật Bản, Kochi vốn là một vùng đất nghèo khó của nước Nhật, từng được các triều đại phong kiến trước kia chọn làm nơi giam giữ tù nhân vì xa cách với thế giới văn minh và phạm nhân khó lòng vượt….ngục.

Thế nhưng, vượt qua mọi trở ngại trong suốt nhiều giai đoạn lịch sử, Kochi đã phát triển mạnh công nghiệp, nông nghiệp, trong đó một số nghề thủ công như làm giấy, đánh cá vẫn được duy trì đến ngày nay.

Sau khi làm việc với đại diện Kochi Sinbum-tờ báo địa phương có số xuất bản lớn nhất ở đây, chúng tôi dành thời gian đi thăm một số thắng cảnh. Tsuji-một đồng nghiệp người Nhật mách nước: “Các bạn đã nghe về khu chợ đặc biệt ở Kochi chưa đấy? Nếu chưa thì nên đi cho biết”. Ở một đất nước có nền công nghiệp hiện đại và hầu hết đã đô thị hóa như Nhật Bản, việc tồn tại một khu chợ nhóm ngoài trời kiểu như chợ quê, chợ xổm ở xứ mình quả là khó tin.

Nhưng đó là sự thật. Chợ được nhóm trên khu đất nằm gần một tòa thành cổ. Hàng hóa được đặt trên các sạp làm bằng gỗ, đơn giản và có thể di chuyển lúc tan chợ. Bên trên các gian hàng được giăng các tấm bạt và dù để che mưa nắng. Hàng hóa khá phong phú, từ thực phẩm, hoa kiểng, vật dụng phục vụ cho sản xuất, làm vườn đến bình gốm, đồ đồng giả cổ…

Tại đây diễn ra cảnh mua bán sôi động không kém gì một khu chợ ở Việt Nam. Chỉ có điều vệ sinh môi trường ở đây khá tốt. Dạo khắp chợ không thấy có mùi hôi. Người mua kẻ bán khá tấp nập. Ở một gian hàng, chúng tôi thấy bày biện rất nhiều loại dao, kéo… sử dụng trong nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày.

Chủ gian hàng-một người đàn ông trạc tuổi trung niên, giới thiệu: “Các dụng cụ này được rèn bằng loại thép tốt và quy trình làm gần giống quy trình sản xuất kiếm nên không sợ rỉ sét và rất bén”. Chúng tôi ai cũng ngắm nghía, sờ thử và suýt xoa tiếc rẻ vì dù có được khuyến mãi mua 1 tặng đến… 3 cũng không thể mang những thứ này về nước.

Ông chủ gian hàng cười rất tươi khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam. Ông cho biết đã nghe một số bạn bè, người thân đi du lịch Việt Nam về kể nhiều chuyện thú vị nhưng bản thân ông chưa thể đi được do việc mua bán níu kéo. “Nghe nói ở nước các bạn hải sản và các thứ đồ lưu niệm có giá rất rẻ phải không? Tôi rất thích hải sản nhưng ở Nhật Bản rất đắt đỏ. À, Việt Nam còn có nhiều cảnh đẹp nữa chứ”. Và ông khẳng định chắc như đinh đóng cột khi chia tay chúng tôi: “Vài năm nữa tôi sẽ đến Việt Nam!”.

Ở một gian hàng khác bày bán các loại rau và cây, hoa kiểng. Có rất nhiều loại rau tương tự xứ mình như: hành, ngò, bắp cải…nhưng hình dáng, kích cỡ thường to và dài hơn. Không thấy các loại cây kiểng loại lớn mà chỉ có các loại bonsai xinh xắn đặt trong những chiếc chậu bé tí. Một người bạn Nhật cho biết, đất đai ở các đô thị của Nhật rất hiếm, phần lớn các căn nhà có diện tích hạn chế nên người Nhật thích trang trí các chậu hoa, cây cảnh nhỏ.

Điều gây ấn tượng đối với chúng tôi là trong toàn bộ các gian hàng ở đây, bất cứ mặt hàng nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều có giá kèm theo. Hai củ gừng to bằng ba ngón tay chụm lại: 200 yên, bó rau cải nhỏ xíu 150 yên, 6 quả quýt giá 400 yên, một bịch cá bé tẹo giá 500 yên…Người mua chỉ cần chọn lựa và quyết định mua hay không chứ không mất thời gian “kỳ kèo bớt một thêm hai”. Cũng là “chợ xổm”, chợ kiểu nhà quê nhưng cách mua bán ở đây thì chẳng “quê” chút nào!

Tô Hoa Dung
sggp