PDA

View Full Version : [Giới thiệu] Món ăn lạ ở Kyushu



Kasumi
03-06-2007, 12:01 PM
Lang thang nhiều nơi trên đất Nhật Bản, được nếm nhiều món ẩm thực đã lạ, nhưng đến vùng đảo cực nam mới thấy các đồ ăn thức uống nơi đây quả là... cực lạ. Mà quý lắm các bạn mới đãi khách các món đặc sản địa phương như vậy.


http://img514.imageshack.us/img514/3808/avatarir1.jpg (http://imageshack.us)
Trong cửa hàng bán bánh.

Kyushu, tên chữ Hán là Cửu Châu, nghĩa là đất của 9 châu (đơn vị hành chính xưa giống như quận huyện. Ở ta, tương tự, vào đầu thời Bắc thuộc có Giao Châu). Người Nhật cũng giữ nguyên chữ Hán để viết như vậy, mặc dù qua vài ngàn năm, chữ Nhật đã cải biến khá nhiều.


http://i1167.photobucket.com/albums/q632/daisukijin01/japan_kyushu.jpg

Đây là mảnh đất có khí hậu ấm áp hơn, có nhiều mối giao thương trong lịch sử với vùng lục địa như Triều Tiên, Trung Quốc và cả Việt Nam nữa. Vùng này hơi xa các kinh đô cũ ở miền trung nước Nhật nên vẫn giữ được nhiều nét địa phương về mặt văn hoá và về ẩm thực.

Anh bạn đồng nghiệp Matsumura, quê gốc ở đây, dẫn chúng tôi đi ăn đặc sản địa phương. Đó là một quán ăn nhỏ, bên ngoài trang trí theo kiểu rèm che với hai màu đen và trắng, có cả đèn ***g như bất kỳ một quán ăn cổ truyền nơi đây. Bên trong phòng nhỏ, nhưng trang trí từ đèn ***g, gốm sứ và tường vách, cửa lùa, đặc sệt một dạng quán ăn Nhật truyền thống. Một chiếc bàn thấp ở giữa và mọi người ngồi phệt xung quanh. Tuyệt nhiên trong phòng chẳng có một chiếc ghế nào.

Trước tiên là uống rượu. Đó là thứ rượu Shochu được chưng cất từ... khoai lang. Toàn cõi Nhật chỉ có vùng này mới có rượu khoai lang. Rượu được hâm nóng, đựng trong ấm sành men da lươn. Người Nhật không có thói quen để các nhân viên nhà hàng rót rượu, gắp thức ăn như một vài quán xá ở ta. Họ quan niệm ngồi ăn cũng cần có một không gian riêng tư, ấm cúng. Phong tục là chủ rót cho khách và khách lại đáp lễ rót lại cho chủ, cũng là một nét giao tiếp hay. Rượu khoai lang uống cũng... đường được, nhưng nồng độ hơi nhẹ và đắt, vì mọi khâu phải nấu thủ công như công nghệ của vài trăm năm trước.


http://i1167.photobucket.com/albums/q632/daisukijin01/3414490084_0cdcd38dce.jpg

Món đặc sản chỉ vùng Fukuoka mới có là... thịt gà. Nhưng lại là thịt gà còn tươi nguyên, chặt nhỏ ra từng miếng. Chỉ chọn phần thịt lườn, nạc và cứ thế chấm với nước chấm đặc biệt của vùng này chế biến từ thảo quả hay mù tạt. Quả là lần đầu tiên tôi mới thấy có món thịt gà ăn sống như vậy. Nếm thử thì thấy hơi nhàn nhạt, không mùi vị và cũng không tanh, ăn cũng không có cảm giác gì đặc biệt lắm. Cho đến khi đến món lục phủ ngũ tạng của gà được bày lên mâm để ăn sống thì quả là tôi hơi hãi, vì cái sự liều mình khám phá ẩm thực cũng chỉ có giới hạn.


http://img201.imageshack.us/img201/2038/nhat4ef6.jpg (http://imageshack.us)
Món trứng cá tuyết đóng hộp.

Món đặc sản nữa là cá Kibinago chỉ có ở trong vùng, ăn sống chấm với giấm hay một loại nước tương. Thực ra, món cá sống trở thành món ăn quốc hồn quốc tuý của dân đảo quốc này rồi và có tên gọi chung là sushi, nhất là cá voi và cá ngừ đánh bắt còn tươi roi rói đã xẻ thịt chấm với nước tương, ăn luôn. Sản lượng đánh bắt và tiêu thụ cá voi của Nhật lớn nhất thế giới chính là vậy. Người Nhật còn ăn sống cả tôm và hào ở biển nữa. Những món ăn sống bao giờ cũng đắt hơn những món ăn khác. Cá Kibinago lần này ăn ở Fukuoka có hương vị khác với cá voi vì là loài cá nhỏ dài có 7-8cm.


http://i1167.photobucket.com/albums/q632/daisukijin01/Ca-Kibinago.jpg

Vùng Kyushu còn có một món ăn nữa khá đặc biệt, có tên gọi là món trứng cá tuyết, trộn với nước xốt ớt đỏ nổi tiếng toàn Nhật Bản. Món này cũng được người Châu Âu rất thích. Người vùng này còn một món nữa, bình dân nhưng cũng khá lạ. Đó là món trứng sống trộn cơm. Cơm nóng xới ra, đập ngay quả trứng vào rồi trộn đều thật nhuyễn, thế là ăn được.


http://i1167.photobucket.com/albums/q632/daisukijin01/TrungCa-Ikura.jpg

Những ngày ở Kyushu, chúng tôi thích nhất ăn món Tempura của Nhật. Những con tôm càng to bự được tẩm bột, chiên lên. Ngoài tôm, các món như rau cũng được tẩm bột trong món gọi là Tempura này. Nghe đâu, món này được những đầu bếp Bồ Đào Nha mang đến Nhật từ thời Edo cách đây 400 năm, dần dà trở thành món ăn phổ thông của Nhật.

Một món ăn nữa rất ngon là món thịt bò nướng của vùng Kagoshima. Loại bò đen được nuôi trong điều kiện lý tưởng trong trang trại của Nhật Bản cho loại thịt thơm, không gây và mềm đã làm nên một thương hiệu lớn cho tỉnh này.

Các cửa hàng ăn ở Kyushu, kể cả quán ăn bình dân nhất cũng rất sạch sẽ và chuẩn hoá. Các món ăn được lượng hoá đến từng gam, giá tiền đề rõ ràng lại còn trưng bày ảnh mẫu từng món khá bắt mắt, giúp cho du khách chọn lựa khỏi lầm, hợp khẩu vị và cũng đỡ mất thời giờ.

Bổ sung cho cho các cửa hàng ăn uống là hệ thống bán hàng tự động bán các loại càphê, nước hoa quả, chỉ cần cho xu vào bấm nút là có ngay. Hệ thống này phục vụ cả ngày lẫn đêm, thật tiện cho người đi đường.

Đến Nhật mới thấy công nghệ quảng cáo cho ẩm thực phục vụ du lịch thật là hoàn hảo. Sản phẩm ẩm thực được chuẩn hoá, đa dạng. Sau khi tiếp xúc với thế giới phương Tây cách đây 150 năm, người Nhật đã làm phong phú thêm vốn văn hoá ẩm thực của mình, nhiều món đã Nhật hoá và nổi tiếng, nhưng nhiều món vẫn giữ nguyên bản sắc dân dã địa phuơng và trường tồn mãi.


TGS-TS Trịnh Sinh
Laodong