PDA

View Full Version : Bạo hành trường học và cải cách giáo dục Nhật Bản



Kasumi
21-06-2007, 06:27 PM
http://img413.imageshack.us/img413/3124/nhatbanew3.jpg (http://imageshack.us)
Ảnh minh họa của Newsweek

Ngay sau khi nhậm chức, tân thủ tướng Shinzo Abe đã bước vào những hoạt động nhằm thay đổi hệ thống giáo dục. Thế nhưng, các nhà phê bình Nhật Bản cho rằng dự án đổi mới nền giáo dục của thủ tướng Shinzo Abe đã không xác định được những vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến học sinh

Cô Ayumi Yabe, năm nay 18 tuổi, đã từng phải chịu đựng những đau đớn cực độ ngay từ khi bước vào lớp một. Một cậu bé trong lớp đã chọn cô làm đối tượng để quấy rối. Cậu ta hét vào mặt cô bé: “Mày hãy chết đi!”, và ngay sau đó thì những đứa trẻ khác cũng hùa theo trêu chọc. Khi đã lớn, cô vẫn bị những đứa con trai khác bám đuổi trên đường về nhà với những lời chửi rủa và đe doạ. Đôi lúc, chúng còn đẩy ngã và bắt cô ăn thứ quả làm cô phát ói. Nhưng cô nói rằng điều đau đớn nhất chính là việc các thầy cô giáo đã từ chối giúp đỡ cô.

Một lần, cô bé nhận được một thư dọa giết từ một người bạn cùng học lớp 5, cô mang đưa cô giáo và cô này sau đó đã đọc to lá thư đó trước lớp. “Họ thật là vô tâm!” Ayumi đã nghĩ như vậy và cô đã bắt đầu nghĩ đến cách để thoát khỏi những chuyện này. Cô nói: “Uớc gì tôi có thể chết đi. Nhưng tôi không có đủ can đảm”. Thật may mắn cho Yabe là mẹ cô đã xoay xở để tìm cho cô một nơi ẩn náu ở một ngôi trường mới.

Vài tháng gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải những câu chuyện kinh hoàng về những vụ tự tử ở lứa tuổi học đường. Nguyên nhân những vụ tự tử này rõ ràng là do bị bạo hành. Trong con mắt của rất nhiều người dân Nhật thì những vụ scandal này chỉ đơn thuần là hậu quả còn rơi rớt lại của cuộc khủng hoảng giáo dục. Các nhà phê bình cũng cho rằng kỷ cương và kỷ luật trong lớp học không còn được chú trọng như xưa. Tình trạng bắt nạt trong trường học đã tồn tại từ lâu nay lại trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Bà Midori Komori, người tham gia các hoạt động chống lại nạn bạo hành trường học nói: “Tôi nghĩ số vụ bạo hành trong trường học đang tăng đột biến, tuy nhiên, càng ngày càng khó để kiểm soát vấn đề này vì nhiều vụ không hề đơn giản chút nào. Thực chất, việc đe doạ, bắt nạt bây giờ hoàn toàn khác so với một vài năm trước. Những tên ác ôn có thể dùng điện thoại di động hoặc Internet để gửi những lời nguyền rủa của chúng tới các em mà các bậc phụ huynh chúng ta không hề hay biết” (Từ khi con gái của bà tự tử vì bị bắt nạt, bà đã đến hàng chục trường học để tuyên truyền, vận động chống lại vấn nạn này)

Có một số người băn khoăn rằng chính phủ mới của thủ tướng Shinzo Abe đã vội vã tiến hành cái mà chính phủ gọi là kế hoạch mới mang tính “đột phá” để cải cách trường học. Tháng trước, Nghị viện Nhật đã dễ dàng thông qua dự luật cải cách giáo dục. Theo các nhà phê bình, vấn đề là ở chỗ kế hoạch này chưa có sự “đột phá” một cách toàn diện.

Thực tế là ông Abe đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ phía các giáo viên, các phụ huynh và thậm chí là một số chuyên gia giáo dục trong chính phủ ông, những người đã cực kỳ thất vọng khi thấy rằng dự luật mới không làm được gì hơn ngoài việc thể chế hoá việc giáo dục đạo đức và tinh thần ái quốc trong trường học Nhật và không nhận định được những lo âu thường trực của các học sinh bị bao vây, bắt nạt ở trường học.

Các nhà phê bình cũng cho rằng dự án giáo dục của thủ tướng Abe thậm chí đã không đề cập đến tính cần thiết của việc thúc đẩy lối tư duy sáng tạo trong học sinh - một điểm được dẫn ra trong rất nhiều năm như là một yếu kém trong hệ thống giáo dục – và đã không xác định được những vấn đề then chốt khác trong trường học như chứng từ thu học phí và việc cải cách các sở giáo dục địa phương.

Ông Asahi Shimbun, một người có tư tưởng tự do đã chỉ trích kế hoạch cải cách giáo dục của ông Abe vì đã không chú trọng đến những vấn đề mấu chốt đã phải thốt lên rằng: “Việc cải cách giáo dục lại tiếp tục đi chệch hướng.”
Cuộc tranh cãi này càng làm tăng thêm những lo lắng về khả năng lãnh đạo của ông Abe. Ba tháng trước đây, nhờ việc xử trí khéo léo vấn đề thử nghiệm hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và những đề nghị ngoại giao với Trung Quốc và Hàn Quốc mà tỷ lệ ủng hộ ông đã được nâng lên 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã bị tụt xuống chỉ còn 47% theo một cuộc điều tra gần đây, một phần là bởi những băn khoăn, lo lắng ngày càng lớn của dân chúng về hệ thống giáo dục của Nhật.

Theo các chuyên gia thì việc cải tổ hệ thống trường học là rất cần thiết để có thể đào tạo được những nhà lãnh đạo quốc tế trong tương lai, đẩy mạnh nền kinh tế Nhật Bản và trong một chừng mực nào đó, thúc đẩy chế độ phúc lợi xã hội đang phải chịu sức ép rất lớn do cơ cấu dân số già hoá nhanh.

Các nhà cải cách cho rằng hệ thống giáo dục của Nhật quá cứng nhắc, quan liêu và bị sa lầy vào tình trạng học vẹt, khuôn mẫu. Điều này rất có hại cho học sinh. Bộ Giáo dục đã quản lý hệ thống trường học bằng nắm đấm thép, đưa ra những chỉ định ngặt nghèo về việc thuê tuyển giáo viên, soạn và áp dụng chương trình giảng dạy và quy định về việc giải quyết các vấn đề của học sinh như thế nào.

Theo các chuyên gia xã hội học thì tình trạng bạo lực này là những áp lực mà những đứa trẻ phải chịu trong trường học. Những đứa trẻ học trong một môi trường cạnh tranh thì thường kết bè kết bạn với nhau. Và nếu một đứa nào có áp dụng chiến thuật giao tiếp im lặng thì ngay lập tức, cách giao tiếp này sẽ bị phản ứng bởi việc cả lớp sẽ kiên quyết không chào hỏi hay nói chuyện mỗi ngày.

Kasumi
21-06-2007, 06:28 PM
Mặc dù khó nắm bắt được hết các thống kê có tính tin cậy nhưng chỉ riêng số vụ bạo hành do cơ quan cảnh sát quốc gia giải quyết đã lên đến 165 trong năm 2005, trong khi con số này là 93 trong năm 1997. Rất nhiều nhà bình luận xã hội lập luận rằng vấn đề này thực tế còn tồi tệ hơn rất nhiều vì nhiều (nếu không muốn nói là hầu hết) vụ quấy rối đều không được thông báo cho giáo viên hoặc ban lãnh đạo nhà trường.

Những lo lắng, bất ổn về thực trạng này đã lên đến đỉnh điểm vào mùa thu năm trước khi có ít nhất 7 trẻ em tự tử trong vòng có 2 tháng. Ông Bunmei Ibuki, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ đã quy vấn đề này cho sự suy đồi đạo đức xã hội.

Ông nói “Chúng ta phải tìm mọi cách để khôi phục mối liên kết giữa gia đình và cộng đồng trong hoàn cảnh hiện nay khi mà mọi trách nhiệm đều được giao phó hoàn toàn cho giáo viên”. Bộ Giáo dục đã quá nhạy cảm với vấn đề bạo hành trong trường học đến nỗi họ khăng khăng khẳng định rằng không có một vụ tự tử nào của học sinh liên quan đến việc bị bắt nạt trong trường học trong giai đoạn từ 1999 – 2005.

Bà Komori thì lại có suy nghĩ hoàn toàn khác. Con gái bà đã tự tử vào năm 1998. Trong 8 năm ròng rã, bà đã cố gắng thu thập thông tin liên quan đến cái chết của con từ ngôi trường cấp 3 mà cô học. Nhưng cả trường học lẫn Bộ Giáo dục đều từ chối cung cấp chi tiết vụ việc. Bà đang chuẩn bị đưa trường này ra toà. Bà nói: “Sự việc này đã phản ánh suy nghĩ quan liêu cố hữu. Nguyên tắc cơ bản là các bạn đã nhìn theo một hướng khác”.

Các nhà cải cách khẳng định rằng các trường học cần được tự chủ hơn trong việc giải quyết những vấn đề như nạn bạo hành và được phép thuê các giáo viên thuộc các lĩnh vực khác nhau để phát triển tính tư duy sáng tạo của học sinh. Ông Abe cũng đồng ý như vậy. Nhưng điều luật mới chỉ tạo thêm quyền hành cho Bộ Giáo dục.

Ông Yoshihiro Izumi, một thầy giáo tiểu học tại Tokyo 51 tuổi, người vừa cùng 5.000 người khác tập trung trước nhà Nghị viện để phản đối dự luật mới với lo lắng rằng dự luât này sẽ chỉ làm tăng thêm những thiếu sót, sai lầm trước đây của chính phủ, cho rằng “Việc cải cách này sẽ đẩy mạnh khả năng kiểm soát của chính phủ và xu hướng tăng tính cạnh tranh trong trường học hiện nay”. Ông nói “Tôi tin rằng nạn bạo hành chỉ xảy ra trong một xã hội không có nhân quyền”.

Một hội đồng tư vấn giáo dục đang nghiên cứu làm thế nào để Nhật Bản có thể khôi phục lại hệ thống trường học. Hội đồng này có trách nhiệm đề xuất, kiến nghị lên thủ tướng Abe. Bản báo cáo cuối cùng sẽ được Bộ Giáo dục và các chính trị gia quản lý LDP xem xét, những người mà theo các nhà cải cách thì họ thà thấy rằng các chính sách hiện tại không được sửa đổi còn hơn.

Nếu thủ tướng Abe muốn làm yên lòng các cử tri thì phải nhanh chóng giải quyết vấn đề giáo dục và chứng tỏ rằng ông thực sự quyết tâm muốn cải cách giáo dục.


Theo Hà Phương
Nguồn: Vietimes
Giaoduc