PDA

View Full Version : “Đi” trong lòng đất Tokyo



Kasumi
07-07-2007, 07:01 PM
http://img400.imageshack.us/img400/9761/01tm6.jpg (http://imageshack.us)
Một hệ thống ống ngầm ở khu vực Hivida đang được xây dựng rộng 6,7m.

Đứng trước những yêu cầu bức xúc của cuộc sống, từ những năm 1963, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã khởi động dự án ngầm hoá các hệ thống cáp điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước, gas,… Sau hàng chục năm sử dụng hệ thống này đã chứng tỏ được lợi ích lớn và vẫn đang tiếp tục được mở rộng ở Tokyo và các thành phố khác. Cùng với những kỹ sư thiết kế và xây dựng hệ của Nhật Bản, phóng viên VnMedia đã có dịp thị sát hệ thống các công trình ngầm ở Tokyo.

Sau 30 phút đi bằng tàu điện ngầm, chúng tôi đã đến một ngã tư thuộc khu vực Hivida và được đưa tới một khu vực đang có rào chắn thi công công trình xây dựng rộng khoảng trên 200m2. Chưa thể hình dung hệ thống ngầm của Tokyo ra sao, chúng tôi đã được Kỹ sư trưởng công trình dẫn vào nhà làm việc của Đội thi công nằm ngầm tại khu vực giếng chính. Giếng chính rộng khoảng 20m và sâu hơn 40 m. Từ đây công việc đào hệ thống ngầm đã bắt đầu nhiều năm trước và cũng là nơi xuất phát của những đường ống ngầm, chuyển chở đất, vật liệu thi công,… tới và đi khởi công trình.

Trước khi thị sát thực tế hệ thống ống ngầm tại khu vực này, chúng tôi đã có cuộc gặp ngắn với các kỹ sư tham gia xây dựng công trình tại nhà làm việc ở giếng chính. Nhà làm việc cũng là nơi chứa nhiều hình ảnh, mô hình liên quan đến hệ thống cáp lắp đặt trong đường ống, các công nghệ thi công đường ống, hệ thống thiết kế, sơ đồ đường ống,… với những hệ thống cáp điện và cáp viễn thông có đường kính đến gần 20cm, ống nước cỡ lớn, mỗi bánh răng của máy đào đất bằng đến cả gần chục kg, được thiết kế bằng kim loại có độ bền cao. Ở đây chúng tôi phần nào hình dung được công cuộc ngầm hoá đã và đang diễn ra rất sôi động ở Nhật Bản.



http://img400.imageshack.us/img400/9057/02ua2.jpg (http://imageshack.us)
Một hệ thống đường ống ngầm đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng (ảnh chụp ngày 29/6/2007).

Theo các kỹ sư hướng dẫn, trước kia khi chưa có các đường ống ngầm, hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống điện, viễn thông được đi nổi, chiếm rất nhiều không gian của hè phố, đường phố. Việc đào bới để lắp đặt, sửa chữa các hệ thống cấp, thoát nước, gas, cũng làm mất mỹ quan đô thị, tốn kém. Sau khi các hệ thống ngầm được xây dựng đã thực sự tạo được bộ mặt mới cho Thủ đô Tokyo. Không gian đường phố rộng hơn, người đi bộ, đi xe đạp có thêm diện tích, việc thay thế, sửa chữa, đào đường cũng dễ dàng. Với hệ thống đường ngầm mới các chuyên gia điện, nước, viễn thông,… có thể đi đến bất kỳ điểm hỏng hóc nào cần sửa chữa mà không phải đào bới.

Cho đến thời điểm cuối tháng 6/2007, có khoảng 120km chiều dài hệ thống ống ngầm cỡ lớn đã được xây dựng ở Tokyo. Đa số các thành phố ở Nhật Bản cũng đang xây dựng những công trình ngầm như ở Tokyo. Cả nước đã có 540 km ống ngầm được xây dựng. Tuổi thọ thiết kế của các hệ thống này là sử dụng trong 100 năm. Để đào những đường ống này, các kỹ sư Nhật Bản đang sử dụng những máy đào cực lớn, mỗi máy đào có 280 bánh răng, nặng 6kg. Có thể đào ống ngầm có đường kính đến 6,7m. Công nghệ này hiện rất phổ biến ở đất nước mặt trời mọc.

Do đây là dự án phục vụ các mục đích công cộng, có rất nhiều các công ty tham gia, các công ty xây dựng tham gia đóng góp 60% kinh phí, Chính phủ hỗ trợ 40% kinh phí. Các công ty sử dụng đường ống cho việc cung cấp các dịch vụ điện, nước, viễn thông,… sẽ thuê lại để dùng cho việc cung cấp các dịch vụ. Từ hệ thống này, điện, nước,… được cung cấp cho hệ thống các tàu điện ngầm và các khu hành chính, chung cư, người tiêu dùng. Riêng Dự án xây dựng đường ống khu vực Hivida tốn khoảng 80 tỷ yên và sẽ kéo dài từ 10 đến 12 năm. Để đảm bảo an toàn, hệ thống gas sẽ được thiết kế đi một đường riêng để đề phòng cháy nổ.

Để đến hệ thống ngầm khu vực Hivida, chúng tôi đi bằng thang máy từ giếng chính tới. Hệ thống đường ống ngầm thường được xây dựng phía trên các hệ thống tàu điện ngầm, cách mặt đất từ 10 đến 40m. Từ giếng chính ở Havida hiện có hai hệ thống ống ngầm đã và đang được xây dựng đi về hai hướng Nắc và Nam. Dự án này sẽ kết thúc vào năm 2020. Sẽ có 3 đường ống, mỗi đường rộng 6,7m, dài 1,5km được xây dựng.

Đường ống chúng tôi đi vào đầu tiên cách mặt đất khoảng 20m. Đây là hệ thống đã xây dựng xong và bắt đầu lắp đặt các đường nước, viễn thông, rộng 6,7m. Đường ống được chia thành các tầng, phục vụ cho các hệ thống điện, viễn thông, cung cấp nước. Các kỹ sư cho biết, khi máy đào được 1,3m thi các hệ thống tấm chắn bằng bê tông hoặc sắt có khung uốn được máy tự động lắp đặt để tạo khung hình ống và chống đỡ xụt, lún. Trung bình, 1 ngày máy có thể đào được 9,6m đường ống và cao điểm có thể tới 15m/ngày. Đất sẽ được chuyển đi trong các thùng khép kín, đưa ra biển Tokyo.



http://img453.imageshack.us/img453/7596/03ew2.jpg (http://imageshack.us)
Tác giả tới thăm một hệ thống đường ống ngầm đang thi công tại Tokyo.


Tiếp tục công cuộc thị sát hệ thống ngầm, chúng tôi xuống độ sâu 40m, tới đường ống thứ hai đang trong quá trình thi công với cả hệ thống đường ray được lắp đặt để phục vụ cho việc chuyên chở thiết bị và vật liệu thi công. Những kỹ sư thi công cho biết, trước khi đào đường ống, đất và nước quanh khu vực đào được làm lạnh bằng các hệ thống máy làm lạnh. Nếu không làm lạnh, khi gặp đất bùn, nhão sẽ gây lún, sụt rất nguy hiểm. Sau khi đào xong, lắp đặt ống đỡ, nhiệt độ xung quang toàn tuyến ống ngầm được duy trì khoảng 18 độ C thông qua các hệ thống máy làm lạnh được đặt dọc theo ống. Bên cạnh đó, để duy trì không khí thông thoáng trong ống, cũng có các hệ thống thổi khí từ bên ngoài vào. Không khí trong ống được lưu thông sau 30 phút. Để xây dựng một công trình lớn như thế này, công trường chỉ duy trì từ 20 đến 40 công nhân làm việc. Hệ thống cáp điện sử dụng để cung cấp điện có tuổi thọ đến 60 năm.

Vấn đề an toàn lao động trong quá trình thi công và an ninh cho toàn hệ thống ống ngầm là đặc biệt quan trọng. Các hệ thống ngầm đều được lắp đặt camera theo dõi ở các khu vực. Trong trường hợp bị ngập sẽ có hệ thống bơm nước ra ngoài. Hệ thống phun nước cứu hoả tự động cũng được trang bị cho hệ thống ống ngầm. Theo ký sư trưởng công trình Havida, về lý thuyết, khi có các thảm hoạ, nhu chiến tranh, bão,… hệ thống ống ngầm có thể là chỗ chú cho người dân của cả một khu vực.

Những hệ thống ngầm đã thực sự giúp không chỉ Tokyo mà nhiều thành phố ở Nhật Bản có các hệ thống đường phố, vỉa hè rộng hơn, thông thoáng hơn cho giao thông, người đi bộ, cây xanh. Nó cũng đem lại một môi trường an toàn hơn. Giúp phần nào bảo vệ người dân khỏi những cơn động đất xảy ra rất thường xuyên ở đây. Nó cũng là điểm tham quan thu hút nhiều khách tới thăm - nhiều hệ thống ngầm mở cửa cho khách tới thăm sau khi đã xây dựng xong và vận hành.


Bài, ảnh: Lê Quang
VNMedia