PDA

View Full Version : Người Việt không còn 'sính' hàng Nhật



Kasumi
07-12-2012, 02:44 PM
Từ chỗ là những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, những sản phẩm như TV, điện thoại, máy tính mang thương hiệu Nhật Bản đang dần tỏ ra yếu thế trên thị trường Việt.

"Nét như Sony, đẹp như Panasonic", từng có thời nhắc đến TV là người Việt Nam nghĩ ngay đến những thương hiệu hàng đầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam khi đi mua TV đã tâm niệm trong đầu một slogan khác: "đẹp như Samsung, rẻ như LG". Sự trỗi dậy mạnh mẽ của những thương hiệu Hàn Quốc, với ưu thế rõ rệt về giá cả, tính thẩm mỹ và tốc độ cập nhật công nghệ mới, đã khiến cán cân trên thị trường TV không còn nghiêng hẳn về phía các thương hiệu Nhật như trước. Thực trạng này còn đang xảy ra ở nhiều ngành hàng công nghệ khác, nơi trước đây các hãng sản xuất Nhật Bản vẫn luôn chiếm thế thượng phong.

Trên thực tế, việc tụt hạng của các thương hiệu Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và đồ công nghệ cũng đang được cảnh báo ở nhiều thị trường khác chứ không chỉ ở Việt Nam. Cách đây không lâu, trang tin công nghệ nổi tiếng CNET đã có một bài viết phân tích rất sâu về sự tụt hạng của các công ty Nhật Bản, mà lý do chính được đưa ra là việc họ quá chậm chạp trong việc cập nhật những công nghệ mới cho sản phẩm của mình, trong khi xu hướng của người dùng lại thay đổi từng ngày.

Ở Việt Nam, nơi mà uy tín của những sản phẩm gắn mác "made in Japan" đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ như là chuẩn mực cho chất lượng và độ tin cậy tuyệt đối, cách đây khoảng 3-5 năm, nhiều người tiêu dùng vẫn sẵn sàng chi thêm một khoản tiền chênh lệch để được sở hữu một chiếc TV thương hiệu Nhật. Tuy nhiên, cùng với những thay đổi về thói quen tiêu dùng và sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ, tình hình kinh tế khó khăn trong một vài năm trở lại đây càng khiến cho những sản phẩm có giá cao đến mức vô lý của Sony, hay có thiết kế không mấy ấn tượng của Panasonic, Toshiba, JVC... trở nên thất thế.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/slot5/sony-panasonic-tv.jpg
Sony, Panasonic đang phải đối mặt với các đối thủ sừng sỏ từ Hàn Quốc.

Dẫn lời một hãng nghiên cứu thị trường uy tín, ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc của hệ thống siêu thị Media Mart cho biết, thị phần TV Nhật Bản và Hàn Quốc đang có một sự cân bằng nhất định tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét về tương quan lực lượng, khi người Nhật có đến 4 đại diện lớn là Sony, Panasonic, Toshiba và Sharp, còn Hàn Quốc chỉ có hai là Samsung và LG, thì rõ ràng người Hàn Quốc đang kinh doanh tốt hơn trên thị trường TV Việt.

Dạo qua các siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội như Pico Plaza, Media Mart hay Topcare, Samsung gần như đang nắm giữ ưu thế tuyệt đối trong phân khúc TV LED ở mức giá phổ thông (dưới 7 triệu đồng) và dòng TV Plasma tầm trung (7-15 triệu đồng), cũng là phân khúc phổ biến được nhiều người chọn mua thời điểm hiện tại. Các “ông lớn” Nhật Bản như Sony, Sharp đang dần yếu thế trong việc giành giật thị trường, còn nhãn mác JVC hay Pioneer thì chỉ còn xuất hiện lác đác với các sản phẩm dàn âm thanh.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/slot5/toshiba-satellite-u920t.jpg
Dòng laptop Satellite của Toshiba không được đánh giá cao tại thị trường Việt.

Không chỉ dần thất thế ở nhóm hàng điện tử, các sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghệ thông tin như laptop của các hãng Nhật Bản cũng đang thể hiện khả năng cạnh tranh yếu kém trước các đối thủ có xuất xứ từ Mỹ, Đài Loan hay Trung Quốc, như HP, Acer, Asus, Lenovo. Laptop Toshiba chưa bao giờ được xem là lựa chọn yêu thích của giới trẻ Việt Nam, trong khi dòng Vaio của Sony dù sở hữu thiết kế sang trọng, đẹp mắt và chất lượng tốt nhưng vẫn tự đặt mình vào thế khó khi đưa ra những mức giá không dành cho số đông. Trong khi những model tầm thấp của Asus, Acer, Lenovo... được rao bán với giá chỉ từ 8 đến 12 triệu đồng, thì để sở hữu một chiếc Vaio giá thấp nhất, người dùng cũng phải bỏ ra khoảng 15 triệu đồng.

Theo thống kê mới nhất của IDC trong quý III năm nay, Asus là hãng laptop số 1 tại thị trường Việt Nam, với hơn 14% thị phần, theo sau lần lượt là các hãng như Dell, HP, Acer và Lenovo. Không một thương hiệu Nhật nào có tên trong top 5 nhà sản xuất laptop lớn nhất tại Việt Nam.


http://i1104.photobucket.com/albums/h326/Kasumi_JPN/slot5/dsc2822.jpg
Smartphone cao cấp Sony Xperia Ion chỉ là lựa chọn thứ yếu sau những iPhone hay Galaxy S III.

Điện thoại thông minh, một trong những mặt hàng công nghệ hot nhất hiện nay, tiếp tục là một lãnh địa đánh dấu sự thua thiệt của các thương hiệu Nhật. Từ chỗ xếp ngang hàng với các hãng sản xuất mạnh nhất trên thị trường điện thoại như Nokia hay Samsung, với các dòng điện thoại chụp hình và nghe nhạc cực "đỉnh", Sony Ericsson đã lần lượt để các đối thủ mới nổi như Apple, HTC, LG vượt mặt trên thị trường, do không đủ độ nhanh nhạy để bắt kịp trào lưu smartphone cảm ứng phát triển nhanh như vũ bão.

Phải đến năm 2012, sau khi thâu tóm cổ phần của đối tác Ericsson trong liên doanh sản xuất điện thoại để quy thương hiệu về một mối là Sony, các sản phẩm Xperia mới ít nhiều tạo được tiếng vang tại thị trường Việt Nam, nhờ chính sách đổ bộ ồ ạt và truyền thông mạnh mẽ. Tuy nhiên, để có thể thành công về mặt doanh số cũng như thương hiệu, Sony vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Hiện tại, để chọn một smartphone cao cấp, số đông người tiêu dùng Việt vẫn đang tìm đến với iPhone, Galaxy S III hay HTC One X. Với đối tượng người dùng bình dân tìm đến các model giá rẻ, họ chọn Nokia, LG hoặc các thương hiệu điện thoại Việt, thậm chí là hàng “nhái”, thay vì Sony.

Những dẫn chứng trên được đưa ra để thấy rằng, thói quen tiêu dùng và tâm lý “chuộng” hàng Nhật của người Việt Nam đã thay đổi nhiều. Người tiêu dùng giờ đây có nhiều lựa chọn hơn, và họ cũng cân nhắc kỹ càng hơn mỗi khi quyết định móc hầu bao. Sức mạnh thương hiệu vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định nào đó, nhưng không còn là yếu tố lớn chi phối mạnh nhất đến quyết định mua đồ công nghệ của người dùng Việt.

Nói vậy không có nghĩa, hàng Nhật hiện nay không còn giữ được uy tín, hay có chất lượng kém hơn trước. Thực tế cho thấy, các chuyên gia và người tiêu dùng vẫn đánh giá rất cao chất lượng của các sản phẩm điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản. Vấn đề nằm ở chỗ, họ tỏ ra không đủ thức thời và chậm chạp trong việc thay đổi, nắm bắt xu hướng của thị trường.

Ông Lê Quang Vũ nhận định: “Dù không được như trước nhưng hàng điện tử Nhật vẫn có sức tiêu thụ khá mạnh tại Việt Nam, bởi phần lớn chúng đều là những mặt hàng thiết yếu, gắn chặt với cuộc sống người Việt. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất Nhật Bản cũng đang thay đổi sách lược, bằng cách chuyển dây chuyền lắp ráp sang các nước Đông Nam Á để hưởng thuế suất thấp, nhằm tạo ra những sản phẩm cạnh tranh hơn về giá. Vị thế của các thương hiệu Nhật có thể đang lung lay, nhưng vẫn chưa thể bị thay thế và đánh bại tại thị trường Việt Nam".


THÀNH DUY
Theo Infonet