PDA

View Full Version : Nước Nhật : Tốt - Xấu



Ren Shuyamaru
06-08-2007, 01:44 AM
Giới thiệu vài bài viết , mời mọi người :


http://f3.yahoofs.com/blog/4373229bz8c32dbcf/23/__sr_/a466.jpg?mgoDhtGBLVt5OauZ



Cuộc sống ở Nhật bản


Nguyễn Đình Đăng



Rào trước:
Viết bài này, tôi không hề có ý định nói về cuộc sống của người Việt Nam nói chung tại Nhật. Tôi chỉ nêu nhận xét chủ quan của riêng tôi đối với những điều tai nghe mắt thấy tác động trực tiếp đến cuộc sống của cá nhân và gia đình tôi tại Tokyo. Vì thế nếu các ý kiến của tôi khiến một số quý vị không đồng tình, mong các quý vị bỏ quá.

Trước khi tới xứ sở của hoa anh đào, tôi đã sống 18 năm thời niên thiếu của mình rồi sau này làm việc vài năm tại Việt Nam, 11 năm tại Liên xô cũ, một thời gian tại châu Âu, và thăm một số trường đại học tại Hoa kỳ. Cuộc sống ở nhiều nước đã giúp tôi kiểm chứng trong một chừng mực nhất định độ tin cậy của câu ngạn ngữ tôi thường nghe thời còn là sinh viên tại Nga:

Ba năm đi Pháp bằng một giáp đi Nga.
Năm năm ở Tây bằng một giây ở Nhật.

Theo tôi, cái “may mắn” lớn nhất của thần dân xứ Phù Tang có lẽ là nước Nhật đã thua trong Đại chiến thứ Hai. Về mặt tâm lý, thất bại đó khiến người Nhật cảm thấy nhục nhã, và quyết tâm đưa dân tộc mình vươn lên về mọi mặt để “rửa hận”. Thất bại đó cũng khiến dân tộc Nhật trở nên khiêm tốn, nhún nhường hơn trong giao tiếp vì có lẽ họ không có “chiến thắng oanh liệt” nào để họ có thể “vênh váo” với thế giới, và quá khứ thê thảm của Đệ Nhị Thế Chiến không để lại gì để họ có thể trở thành “ăn mày dĩ vãng” [1]. Về chính trị, thất bại đó khiến nước Nhật ngay sau chiến tranh “bị” đặt dưới sự kiểm soát cuả Hoa kỳ. Từ đó Nhật bản được Hoa kỳ giúp đỡ về mọi mặt và trở thành đồng minh chặt chẽ của Hoa kỳ. Bản Hiến pháp của Nhật sau Đại chiến thứ Hai là do người Mỹ viết năm 1946 [2]. Đó là một bản hiến pháp hết sức dân chủ. Người Nhật, từ ông thủ tướng (và gia đình, họ hàng ông ta) đến cậu học sinh tiểu học, tất cả đều rất tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng Hiến pháp. Đó là điều mấu chốt đưa đến những ưu điểm dưới đây.

1) Cuộc sống ở Nhật rất an toàn
Hồi còn đi học, tôi đọc sách thấy nói mô hình của xã hội giàu có thanh bình là thời vua Nghiêu vua Thuấn bên Tàu, tiền rơi ngoài đường không có ai thèm nhặt. Lúc đó tôi đã tự hỏi không biết bao giờ và ở đâu mới lại có được một xã hội như vậy. Nhật bản là câu trả lời khẳng định cho tôi. Ở đây nếu đi tàu mà bạn vô tình quên túi (trong đó có thể có tiền, máy ảnh, điện thoại di động v.v.) trên tàu, bạn chỉ cần báo cho nhân viên nhà ga. Sau đó họ sẽ gọi điện nhắn bạn đến nhận vì thông thường là họ sẽ tìm thấy đồ bạn để quên, do không có ai đụng đến nó cả. Một lần chúng tôi đi tàu ra sân bay. Sau khi chúng tôi lên tàu rồi, trong lúc chờ tàu khởi hành, bỗng một nhân viên nhà ga xuất hiện, tay dơ cao một cái túi và nói to đủ để tất cả hành khách đều nghe thấy: “Cái túi này của ai đây?”. Vợ tôi giật mình nhận ra đó chính là túi của mình để quên trên ghế phòng đợi tàu, vội chạy tới nhận, chỉ vài giây trước khi tàu chuyển bánh. Một lần khác, vợ tôi đi chợ và đánh rơi ví. Trong ví có tiền, giấy căn cước, chìa khóa nhà, v.v. Hai hôm sau, người gác cửa báo xuống nhận. Người nhặt được ví và mang đến trả tận nơi là một sinh viên. Con trai tôi có lần đi chơi cũng đánh rơi ví trong đó có thẻ học sinh và chìa khoá vào nhà. Mấy hôm sau, những thứ cháu đánh rơi đã được ai đó tìm thấy và gửi đến địa chỉ nhà tôi mà không đề địa chỉ người gửi. Năm 1999 chúng tôi tổ chức một hội thảo quốc tế tại viện nghiên cứu vật lý hóa học Nhật bản (gọi tắt là viện RIKEN) – nơi tôi làm việc từ 1995 tới nay. Một nhà vật lý Italia đại biểu hội nghị, trong khi đi chơi ở Tokyo, đã đánh rơi hộ chiếu của mình. Anh ta hết sức hốt hoảng vì chỉ sau hai ngày anh ta sẽ phải bay về nước. Chúng tôi nói anh cứ yên trí, gọi điện báo cho Đại sứ quán Italia, rồi ngồi chờ. Quả nhiên ngày hôm sau, Đại sứ quán Italia gọi điện nói có người đã nhặt được hộ chiếu của anh và gửi đến Đại sứ quán, anh chỉ việc đến nhận lại hộ chiếu. Anh ta thốt lên: “Thật là không thể tin được!”. Anh đã lên đường về nước đúng như lịch trình.

Mặc dù đôi khi đọc báo hay xem TV tôi cũng thấy tin nói về các vụ kẻ trộm đột nhập nhà ở, kẻ cướp cướp nhà băng, kẻ cắp móc túi người say rượu trên các chuyến tàu vắng khách về khuya, nhưng tôi chưa hề bị hoặc chứng kiến bất cứ một vụ ăn cắp vặt nào ở nơi công cộng tại Nhật, kể cả trên những chuyến tàu chật cứng người vào giờ đi làm sáng sớm. Mới đến Nhật người ta có thể lấy làm lạ là mọi người ra đường để đồ đạc của mình rất hớ hênh: ví tiền bỏ túi sau không cài, nhô cả ra ngoài, điện thoại di động nhét túi sau với cả một đám dây trang trí như mời gọi kẻ móc túi, vào tiệm ăn thì vứt túi lên ghế rồi bỏ đấy đi nhà vệ sinh, mà không hề sợ là túi sẽ “bốc hơi” lúc mình vắng mặt. Sau khi đã sống ở Nhật một thời gian, người ta hiểu rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với những “sơ ý” đó, vì xã hội ở đây rất an toàn. Hầu như không có ai động đến sở hữu của người khác. Đi chơi ban đêm mà bị trấn lột là chuyện khó xảy ra ở Tokyo.

Người Nhật không ồn ào, không nói chuyện oang oang hoặc gọi nhau í ới ngoài phố, và tất nhiên là tôn trọng luật đi đường. Nếu họ chẳng may đụng phải nhau, thì cả hai cùng cúi xuống xin lỗi nhau với một thái độ thực sự thành khẩn. Xe cộ rất nhiều nhưng hầu như không nghe thấy tiếng còi xe hơi. Nếu xe hơi hay xe máy quệt phải nhau thi họ cũng từ tốn giàn xếp hoặc chờ cảnh sát tới. Tôi có lần chứng kiến một xe hơi đi từ hẻm ra đường lớn, chẳng may đụng phải một thanh niên đang phóng xe máy phân khối lớn. May thay anh ta không việc gì, vì nhảy vọt được ra khỏi xe, như trong phim Holywood vậy. Chỉ có xe máy là bẹp. Người lái xe hơi chắc chắn là sai. Ngay cả khi đó, anh thanh niên, trông rất “ngầu”, cũng không hề to tiếng. Cả hai bên để nguyên hiện trường chờ cảnh sát tới giải quyết.

3) Khách hàng thực sự là vua
Ở Nhật người bán hàng hết sức lễ phép và thực sự chiều chuộng khách hàng, cho dù khách hàng chỉ xem, không mua gì, hoặc giá trị của thứ mua chỉ vài trăm yên (vài USD). Không bao giờ người bán hàng nhận xét, bình phẩm về sự lựa chọn của khách hàng. Sau khi khách hàng mua, trả tiền xong, họ đều gói ghém hết sức cẩn thận trước khi trao hàng cho khách, sau đó chắp hai tay trước bụng cúi chào cung kính, mắt nhìn xuống. Nếu những người bán hàng đó đi mua hàng (đi chợ chẳng hạn), họ cũng là khách hàng như bạn và cũng được những người bán hàng khác phục vụ tử tế như vậy.

Ít lâu sau khi tôi vừa đến Nhật, một lần tôi ghé hiệu Yamano Music - một hiệu bán nhạc cụ nổi tiếng ở khu Ginza – Tokyo. Tại hiệu này có bán các đàn đại dương cầm Yamaha, Steinway, Bechstein giá hàng trăm ngàn US dollars. Nhưng thứ mà tôi mua chỉ là một miếng dạ đỏ để phủ phím đàn piano. Giá miếng dạ đó là 600 yen (khoảng 6 USD). Tôi gọi người bán hàng. Ông ta dạ ran chạy đến. Tôi lại không có tiền lẻ, nên tôi đưa ông ta 10,000 yen (khoảng 100 USD). Ông ta cúi người, hai tay đỡ lấy tờ tiền, nói: “Xin quý khách đợi cho một lát”, sau đó chạy nhanh vào phía trong. Một khoảnh khắc sau, ông ta quay lại, hai tay cầm một cái đĩa sứ nhỏ trên để miếng dạ đã được gói cẩn thận, hóa đơn thanh toán, tiền thừa. Rồi ông ta lại cung kính cúi mình hai tay nâng cái đĩa lên ngang mặt để tôi dễ lấy. Sau đó, ông ta lại cúi rạp xuống một lần nữa, miệng nói to: “Xin cảm tạ quý khách!”

Rất ấn tượng về điều này, tôi kể chuyện đó với một giáo sư Nhật. Ông ta nói: “Đấy là tiêu chuẩn phục vụ thông thường ở đây, nhất là tại các cửa hàng nổi tiếng như Yamano Music. Anh trả tiền và anh có quyền được hưởng sự phục vụ tốt nhất”. Sau này tôi thấy đó là trình độ phục vụ rất chuyên nghiệp của xã hội Nhật bản, vượt xa tất cả các nước khác mà tôi đã đến (là Việt Nam quê hương tôi, Trung Hoa, Nga Xô, Ấn độ, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia, Hy lạp, Tây Ban Nha, và Hoa kỳ).

Miếng dạ là thứ nhỏ. Bây giờ tôi kể đến thứ to hơn một chút. Cách đây vài năm tôi mua một cái đàn đại dương cầm (grand piano) ghép kỹ thuật số gọi là GranTouch cuả hãng Yamaha, giá ngót nghét 6,000 USD (kể cả ghế ngồi). Sau khi đàn được vận chuyển đến nhà, tôi chơi vài hôm và phát hiện ra một trục trặc nhỏ là khi chơi một hợp âm nhiều nốt, độ vang của một hai nốt thỉnh thoảng bị cắt sớm hơn các nốt khác. Tôi gọi điện phàn nàn với cửa hàng. Sau vài hôm, hãng Yamaha cử chuyên gia tới nhà tôi dùng máy để kiểm tra, vì hiện tượng này rất khó phát hiện, và không phải lúc nào cũng xảy ra. Sau khi xác nhận là có trục trặc thật, họ vận chuyển một cái đàn khác, cũng mới tinh đến, để cạnh cái đàn kia để tôi chơi cả hai để so sánh. Sau một hồi đắn đo, tôi đã chọn cái đàn họ mới mang đến. Họ lại vui vẻ đem cái đàn kia đi. Mỗi lần vận chuyển như vậy xe cần trục phải trục cả cái đàn to tướng lơ lửng qua bao-lơn nhà (balcony). Một tốp gồm ba người đàn ông lực lưỡng, và một chuyên gia kỹ thuật cùng làm việc. Tôi không phải trả thêm bất cứ một yen nào. Thấy họ lao động vất vả, tôi mời họ uống nước giải khát. Họ lễ phép từ chối với lý do là họ đang làm công vụ.

Vợ tôi luôn cảm kích mỗi khi nhớ lại lần phải nằm bệnh viện nhà nuớc (công) ở Nhật. Tất cả mọi người - từ bác sỹ, y tá, hộ lý, đến nhân viên phục vụ, quét dọn - đều rất lịch sự, dịu dàng, quan tâm chăm sóc như thể cả bệnh viện chỉ có mỗi một mình vợ tôi là bệnh nhân vậy, khiến vợ tôi nói: “Mình thật sự cảm thấy mình là một con người với ý nghĩa đầy đủ của nó.” Máy móc ở bệnh viện đều rất tối tân. Phần lớn các bác sỹ nói được tiếng Anh. Một số bác sỹ trẻ nói tiếng Anh giỏi. Mấy người bạn Việt Nam khác ở đây, từng vào bệnh viện Nhật, cũng đồng ý với chúng tôi như vậy. Đến khi vợ tôi kể chuyện này với một người bạn Nhật, bà này chẳng tỏ vẻ gì là ngạc nhiên cả. Bà ta cho điều đó là tất nhiên. Bà ta bảo: “Người bệnh là người ốm yếu, đầy lo lắng ưu tư, nên bác sỹ, y tá phải có nhiệm vụ làm dịu đi sự băn khoăn đó”. Nghe nói bệnh viện tư nhân phục vụ còn tốt hơn thế.

Chuyện phục vụ tốt trên mặt đất ở Nhật kể không hết. Phục vụ trên trời cũng “siêu” không kém. Ai đã bay Japan Air Lines (JAL) có thể dễ dàng nhận thấy điều đó. Các cô chiêu đãi viên của Nhật bao giờ cũng hết sức nhã nhặn, lịch sự, nói như rót mật vào tai. Có lần tôi đang ngồi trên một chuyến bay của JAL từ Tokyo sang châu Âu, thì một con muỗi từ đâu đó xuất hiện vo ve trước mặt tôi. Tôi đành vỗ hai bàn tay đập chết con muỗi. Ngay lúc đó một cô chiêu đãi viên xinh đẹp tình cờ đi ngang qua nhìn thấy. Cô ta lập tức cúi xuống, miệng mỉm cười, bàn tay trắng muốt xòe ra để … đỡ lấy cái xác con muỗi đem vứt đi.

4) Không ai xâm phạm quyền tự do biểu hiện
Điều 21 trong Hiến pháp cuả Nhật [2] đảm bảo hoàn toàn không có bất cứ một sự kiểm duyệt nào đối với quyền tự do biểu hiện của mỗi người dân. Vì vậy, ở Nhật không có bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào có quyền bắt bạn cắt xén sáng tạo của bạn, hoặc ngăn cấm bạn triển lãm hoặc in ấn tác phẩm của mình vì những gì bạn viết hoặc vẽ ra trong tác phẩm của bạn. Nếu có tranh chấp liên quan xảy ra, thì cả hai phía: phía muốn kiểm duyệt và phía tác giả hoặc nhà xuất bản đều bình đẳng trước pháp luật, tức là đều có quyền mời luật sư và giải quyết tranh chấp tại tòa án (Như vụ con gái một chính khách kiện một nhà xuất bản đã đăng vụ ly dị của cô ta lên báo gần đây). Tiêu chuẩn duy nhất để một bức tranh được treo tại triển lãm tập thể của một hội mỹ thuật nào đó, tại một địa điểm công cộng nào đó như bảo tàng mỹ thuật, gallery, v.v. là nghệ thuật thuần tuý, và chỉ có nghệ thuật mà thôi. Tranh đẹp thì được treo. Tranh xấu (hoặc không đẹp bằng) thì bị loại. Tất nhiên đẹp hay xấu còn tuỳ thuộc vào thẩm mỹ của hội đồng nghệ thuật. Vì thế để giảm tối thiểu sự thiên vị của một vài “ủy viên hội đồng nghệ thuật”, các hội mỹ thuật ở Nhật thường mời tất cả các hội viên (vài trăm người) cùng họp để chọn tranh, bằng cách dơ tay biểu quyết. Tranh nào được nhiều hội viên chọn thì được treo.

5) Hệ thống văn hoá giáo dục và các viện nghiên cứu
Nhật bản là nước có tỷ lệ người biết đọc biết viết cao nhất thế giới, tới 99% dân số. Người Nhật kể cả tầng lớp lao động ít học cũng hành xử rất có văn hóa. Mọi người nói năng rất lịch sự. Không thấy ai nói tục chửi bậy ở nơi công cộng. Trên các phương tiện giao thông công cộng, ngoài phố, rất khó phân biệt người giàu người nghèo, vì ai nấy đều ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự như nhau, tuy là không ai giống ai. Những người làm cho các công ty thường mặc “com-lê” đeo “cà-vạt”. Giới trẻ ăn mặc hiện đại, lố lăng hơn, nhưng không hề có ai dám tỏ ý phê bình, chê bai, chứ chưa nói là cấm đoán, dù là với bất cứ lý do gì kể cả “thuần phong mỹ tục”. Ai cũng hiểu đó là quyền tự do cá nhân được hiến pháp tôn trọng tuyệt đối. Một số ít trường không cho phép học sinh trung học nhuộm tóc. Nhiều trường khác không hề ngăn cấm. Có lần một thày giáo bị bố mẹ một học sinh kiện vì đã bắt con của họ gội sạch mái tóc nhuộm, vì như vậy là vi phạm tự do thân thể của học sinh. Trừ một số người “vô gia cư” (homeless) sống thường trực tại công viên Ueno ở trung tâm Tokyo, ngoài phố hầu như không gặp người rách rưới hoặc người ăn xin. Trong quan hệ giao tiếp, người Nhật thường rất nhún nhường, ít khi nói về mình, về gia đình con cái mình. Đặc biệt họ không bao giờ khoe khoang, nhất là khoe giàu, khoe giỏi hơn người khác, vì họ tránh hết sức lòng ghen tị [3]. Họ đánh giá cao tình hữu nghị lâu dài. Sau khi họ đã tin tưởng bạn, họ giúp đỡ bạn vô điều kiện.

Nói chung học sinh Nhật rất tôn trọng thầy cô giáo và các học sinh lớp trên. Hệ thống tiểu học của Nhật khá nhẹ nhàng, học như chơi. Lên trung học thì bắt đầu căng hơn vì phải học để thi vào các trường cao học (cấp 3) tốt thì mới có cơ may thi được vào các trường đại học tốt. Tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng (như ĐHTH Tokyo, ĐHTH Waseda, v.v.) thì khả năng tìm được việc làm ở các công ty tốt sẽ lớn hơn. Vì thế học sinh Nhật cũng “học thêm” ở các trung tâm luyện thi bên ngoài. Nhưng những thầy dạy ở các trung tâm “học thêm” đó tuyệt đối không được dạy tại các trường học chính quy. Hoàn toàn không có việc một thầy (cô) giáo sáng dạy chính khóa, chiều lại dạy “thêm” cho chính học sinh lớp mình. Giáo giới được xã hội rất tôn trọng, và được trả lương khá cao, tăng lương định kỳ, và được tiền thưởng hàng năm bằng 5 tháng lương. Lương một giáo viên độc thân 23 – 24 tuổi mới vào nghề là khoảng 3 triệu yen (27 ngàn USD) mỗi năm. Một giáo viên 40 tuổi có một vợ và 2 con hưởng lương khoảng 5.5 triệu yen (50 ngàn USD) mỗi năm, tương đương lương phó giáo sư đại học (không quá 35 tuổi) khoảng 5 triệu yên (45 ngàn USD) mỗi năm [4].

Sách vở, thiết bị phục vụ cho việc học ở Nhật rất đẹp, hiện đại và đầy đủ. Lớp học thường được trang bị các phương tiện nghe nhìn như TV, video, v.v. Đặc biệt các môn ngoại khóa rất đa dạng. Tất cả học sinh từ trung học trở lên đều tham gia hoạt động ngoại khóa tại các câu lạc bộ khác nhau (âm nhạc, hội họa, thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng chầy, tennis, badminton, bơi, judo, karate, aikido, kiếm thuật, bắn cung, v.v.). Tất cả đều được trang bị rất chuyên nghiệp và luyện tập hàng ngày (Người Nhật đã làm gì thì thích làm rất “chuyên nghiệp”, ít nhất là về trang bị dụng cụ.).

Khá nhiều trẻ con Nhật được bố mẹ cho học nhạc, tuy không phải tất cả theo được đến cùng. Nhiều gia đình có đàn piano đứng (upright piano), thậm chí đàn grand piano (đại dương cầm). Hãng Yamaha có một mạng lưới dạy âm nhạc trên toàn nước Nhật. Các cô giáo đều tốt nghiệp đại học âm nhạc, tài nghệ cao, trình độ sư phạm rất giỏi, và không bao giờ quát mắng học trò. Một cô giáo piano, khi giảng cho học sinh phải chơi không rung cổ tay, đã để một cục tẩy lên cổ tay mình rồi chạy ngón mà cục tẩy vẫn nằm trên cổ tay cô, không rơi xuống đất (!) Học sinh học piano đến giờ lên lớp bao giờ cũng được chơi đại dương cầm Yamaha. Nhiều người khi vào đại học đã học 10 -12 năm piano, sau đó lại tiếp tục học thêm, tuy không trở thành nhạc sỹ chuyên nghiệp. Vì thế trình độ âm nhạc nghiệp dư của người Nhật khá cao. Các kinh điển của các nhà soạn nhạc cổ điển như Bach, Mozart, Beethoven, Mendelssohn, Chopin, Listz, các nhạc sỹ nghiệp dư này đều chơi như “cháo” cả. Ở Tokyo có nhiều phòng hoà nhạc cho các nhạc sỹ nghiệp dư biểu diễn không mất tiền, hoặc phải trả rất ít tiền, nhưng nhạc cụ bao giờ cũng là hạng đầu bảng như Steinway hoặc Yamaha concert grand piano. Tất nhiên, không phải xin phép bất cứ một cơ quan văn hoá nào để trình diễn ca nhạc. Mọi việc đều do ca sỹ, nhạc công và chủ phòng hòa nhạc quyết định.

Các viện nghiên cứu quốc gia lớn của Nhật thường giầu có hơn các trường đại học. Ví dụ là viện RIKEN đã nói ở trên. Đây là một viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới. Viện này có khoảng 5,500 người làm việc, trong đó chỉ có khoảng 700 nhân viên hành chính phục vụ các nhà nghiên cứu. Viện có 5 cơ sở đóng tại Wako (ngoại ô Tokyo), Tsukuba, Harima, Yokohama, và Kobe. Kinh phí nghiên cứu của viện hàng năm, chủ yếu do Nhà nước cấp, vào khoảng 80 – 85 tỷ yên (ngót ngét 800 triệu USD), tức là trung bình chi phí cho mỗi đầu người làm việc tại RIKEN là khoảng 150 ngàn USD mỗi năm [5].

Khối cán bộ hành chính của RIKEN làm việc đúng như “các đầy tớ của các nhà khoa học”. Ở đây không hề có chuyện phòng “Tổ chức cán bộ” hay vụ “Hợp tác quốc tế” “tác oai” các cán bộ nghiên cứu. Các nữ thư ký đều hiểu rất rõ vị trí và chức năng của mình. Một số người trong số họ cũng đã từng tu nghiệp ở Anh, Hoa Kỳ, nói tiếng Anh như người Anh người Mỹ. Họ luôn luôn niềm nở, rất lịch sự, khiêm tốn, và rất thành thạo trong công việc của mình. Mỗi lần tôi đi công tác nước ngoài (dự hội nghị quốc tế, hợp tác nghiên cứu), bất kể đó là Hoa kỳ, châu Âu, Trung quốc, hay Việt Nam v.v., tôi chỉ phải làm hai động tác. Đầu tiên là thông báo cho giám đốc của laboratory của tôi. Sau khi giám đốc đồng ý (thường là bằng miệng), tôi phải điền vào một trang A4 in sẵn hành trình, thời gian công tác của tôi, kèm theo một dự báo giá vé máy bay của hãng du lịch. Tất cả mọi việc còn lại là công việc của cô thư ký và bộ phận tài chính của viện. Họ sẽ tính tiền công tác phí chi cho tôi (gồm chi phí ăn, ở, đi lại) cộng với tiền vé máy bay. Sau đó toàn bộ số tiền đó sẽ được viện tự động chuyển tới tài khoản cá nhân của tôi tại ngân hàng, trước khi tôi đi công tác. Sau khi đi công tác về, nếu có những khoản chi tiêu khác liên quan tới công việc, viện sẽ thanh toán nốt theo biên lai. Trong 9 năm trời làm việc ở RIKEN tôi chưa bao giờ thấy họ chậm trễ trong việc chi trả đó. RIKEN quan niệm rằng việc một cán bộ khoa học của RIKEN được mời dự hội nghị quốc tế, hoặc hợp tác quốc tế, là một cơ hội để phát triển khoa học nói chung, đồng thời đem lại lợi ích, danh giá cho RIKEN nói riêng trong cộng đồng quốc tế. Quà cáp biếu xén sau khi đi công tác về là điều “bất ngờ”, không chờ đợi, và không phải thông lệ ở đây, ngoại trừ đó là ý thích của cá nhân người đi công tác. Và cũng không phải vì thế mà người đó được đối xử tốt hơn hoặc tồi hơn so với người khác.

Đón sau:

Một xã hội cho dù có văn minh đến đâu cũng có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Bài này chỉ liệt kê một số mặt tốt của xã hội Nhật bản.

Một anh bạn Việt Nam mới sang Nhật cùng vợ và con trai học lớp 1. Tôi hỏi cháu: “Cháu thấy trường Nhật khác với trường Việt Nam thế nào?” Cháu trả lời: “Ở trường Nhật cháu cảm thấy được nói năng tự do thoải mái.” Tôi nhớ lại câu chuyện không lấy gì làm vui của chính con trai mình. Cháu nói với tôi là cháu đã nói dối lần đầu tiên khi cháu học lớp 1 ở Hà Nội. Hôm đó cô giáo quát: “Ai quên mang lọ mực để tay lên bàn”. Các bạn để tay lên bàn đều lãnh một vụt thước kẻ của cô vào tay rất đau. Con tôi cũng quên mực, nhưng không muốn ăn vụt, nên cháu đã nói dối: “Thưa cô, sáng nay lúc em chuẩn bị lọ mực đi học, mẹ em đã đánh đổ mất!”. Cháu được cô tha. Dạy dỗ dựa trên sự sợ hãi không cảm hóa được con người mà chỉ làm con người trở nên dối trá, thủ đoạn.

Không thể xây dựng một xã hội tự do, văn minh, hạnh phúc dựa trên sự sợ hãi của người dân. Có lẽ người Nhật hiểu rất rõ điều đó khi xây dựng xã hội của họ.

Tokyo, 12 tháng 8 năm 2004

(thêm trích dẫn [3] ngày 17/8/2004)


Trích dẫn:

[1] Theo tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai

[2] Xem “The Consitution of Japan” tại http://www.shugiin.go.jp/itdb_english.nsf/html/kenpou/english/constitution.htm

[3] Nước Nhật có khoảng 127 triệu dân. Bình quân thu nhập đầu người khoảng 27 ngàn USD. Theo tác giả Tomoko Otake (Japan Times, 17/8/2004), số triệu phú tiền USD ở Nhật là 1 triệu 312 ngàn người, chiếm 1% dân số. Phần lớn các nhà triệu phú Nhật nằm trong năm loại người: các nhà kinh doanh, các nhà chuyên môn (như bác sỹ, luật sư, lực sỹ,…), các giám đốc công ty, những người thừa kế gia tài, và các văn nghệ sỹ (như các nhạc sỹ và các nhà văn). Các nhà triệu phú Nhật chi tiêu ít hơn nhiều so với thu nhập của họ. Phần lớn họ sống rất giản dị và tiết kiệm.

[4] Theo Japanese Education System – The Teaching Profession tại http://members.tripod.com/h_javora/jed4.htm

[5] Theo RIKEN: Personel/Budget tại http://www.riken.jp/engn/r-world/riken/personnel/

Ren Shuyamaru
06-08-2007, 01:54 AM
Thử nhìn từ bên trong nước Nhật

http://f3.yahoofs.com/blog/4373229bz8c32dbcf/24/__sr_/1f77.jpg?mgoDhtGByntvIprs

(Dộc giả Nguyễn Nam Di hiện là giáo viên dạy tiếng Việt cho các học sinh ở bậc đại học của Thái Lan. Trước đó chị đã có ba năm sống và làm việc ở Nhật Bản. Chị gửi BBC bài viết về một số cảm nhận trong thời gian ở Nhật)

Với tôi nước Nhật giống như một cô gái nhan sắc trung bình nhưng có ý thức chăm chút bản thân và khéo che đậy khuyết điểm. Còn Việt Nam thì như một cô gái đẹp nhưng hơi cẩu thả và thiếu tự tin.

Ba năm sống ở Nhật cho tôi sự tự tin rằng nhận xét của mình không đến nỗi nông nổi.

Người Nhật hay nước Nhật thoạt nhìn thì rất dễ mê hoặc lòng người vì vẻ đẹp thanh lịch mà họ rất có ý thức tạo ra. Cách họ vận kimono, cách họ ăn mặc, đi đứng, chào hỏi, đối đãi với nhau, tất cả đều tuân theo những nghi thức nhất định.

Tiếng Nhật phản ánh điều này rất rõ.

Ví dụ, đi ra khỏi nhà thì người đi nhất định phải nói : Itte kimasu, người ở nhà đáp trả: Itte rassai.

Rời khỏi công ty sớm hơn bạn đồng nghiệp thì phải nói: Osakini (xin phép tôi về trước); người còn ở lại làm việc sẽ đáp trả: Otsukaresama (Anh/Chị đã vất vả nhiều.)

Vào nhà ai thì phải nói : Ojyamashimasu (Xin lỗi vì quấy rầy);
Bắt đầu ăn cơm thì nói: Itadakimasu (Cám ơn đã được nhận thức ăn như thế này), v.v…

Tốt khoe ra xấu xa đậy lại

Ðiểm chung dễ nhận thấy là người Nhật ít khi nói về những điểm không tốt ở Nhật cho người nước ngòai nghe.


Với phần đông người Nhật, cách sống tốt nhất là tuân thủ theo những nguyên tắc mà xã hội đề ra.


Có lẽ vạch áo cho người xem lưng là điều tối kỵ với người Nhật. (Dĩ nhiên trừ những tác phẩm văn học, nơi người dẫn chuyện có thể ẩn náu vào không gian hư hư thực thực.)

Vì thế đối với khách du lịch nước ngòai, mọi thứ ở Nhật đều trông có vẻ rỡ ràng, đẹp đẽ.

Năm đầu tiên khi mới đến Nhật tôi cũng những tưởng như vậy nhưng khi hiểu tiếng Nhật tốt hơn, có cơ hội thâm nhập sâu hơn thì mới biết cuộc sống ở Nhật căng thẳng và nặng nề.

Sự căng thẳng và nặng nề này phần lớn là do tính cách Nhật tạo ra.

Với phần đông người Nhật, cách sống tốt nhất là tuân thủ theo những nguyên tắc mà xã hội đề ra.

Lọai nhân viên mà các công ty mong muốn được gọi là Inu-ningen, dịch một cách thô tháp là lọai người trung thành như chó (Inu: chó, ningen: người). Còn những ai mà “bị” gọi là Neko-ningen (người có tính cách khó bảo như mèo) thì hoặc phải là người thực sự độc đáo, có tài năng xuất sắc bằng không thì sẽ bị xã hội ruồng bỏ, và có thể đưa đến tự sát. (Nhật là một trong những nước có tỷ lệ tự sát cao nhất trên thế giới.)

Có lẽ cũng vì thế mà nhà cửa ở Nhật được xây theo một kiểu na ná như nhau. Một trệt, một lẩu với mái ngói giả nâu.

Nhớ dai

Quan hệ giữa người với người ở xã hội Nhật thì lại càng phức tạp.

Ở VN, người ta có thể giận nhau, cãi nhau, thậm chí đánh nhau nhưng ngày hôm sau lại đâu vào đấy, trong khi ở Nhật, một lần thất thố trong quan hệ thì xem như mối quan hệ đó vĩnh viễn bị chôn vùi, người trong cuộc sẽ không muốn nhìn mặt nhau lần thứ hai nữa.

Một anh bạn đồng nghiệp người Nhật nói với tôi: “Người Nhật thì không quên cái gì cả.”

Vì thế họ rất cẩn trọng trong ăn nói, đối đãi với người khác. Luôn luôn lịch sư có thể nói là nguyên tắc số một trong giao tiếp mang tính xã hội ở Nhật.

Thế nhưng đằng sau sự lịch sụ đó là bao ẩn ức bị đè nén.

Tôi thật sự bị sốc khi lần đầu hiểu được tin trên ti vi là vì thù ghét nhau mà người ta đã nhẫn tâm đốt cháy cả chung cư có người mà mình thù ghét đang ở; rồi thì tình trạng Ijime, nghĩa là đứa trẻ nào không may có ngoại hình xấu hoặc ốm yếu hoặc không hòan tòan là người Nhật (cha hoặc mẹ là người nước ngoài, đặc biệt là người châu Á) sẽ bị bạn cùng lớp thay nhau đánh đập; rồi thì mẹ giết con vì thấy mệt mỏi khi phải chăm sóc con, rồi thì con dùng búa giết chết cả nhà vì bị người cha la mắng, …

Những tin lọai này được phát hàng đêm trên ti vi Nhật nhưng trong câu chuyện hàng ngày, ngay cả giữa ngừơi Nhật với nhau, hầu như không đả động đến.

Tự hào dân tộc

Một điểm đáng học tập ở người Nhật là lòng tự hào dân tộc của họ.

Hầu như người Nhật nào cũng chỉ ưa chuộng những sản phẩm thuộc về nước Nhật.

Tôi có một anh bạn, tự xem mình là lọai chống lại xã hội, bên lề xã hội Nhật nhưng hễ nói về món ăn thì nhất định wasyoku- món ăn kiểu Nhật là ngon hơn cả; washitsu -phòng theo kiểu Nhật là đẹp hơn cả, wafuku-quần áo kiểu Nhật là thanh lịch hơn cả.

Cái sự yêu nước thấm vào tận tim óc như anh này là điều phổ biến hầu như đối với từng người Nhật.

Ngay cả đối với nét mặt, anh nào mà mắt ti hí, mũi tẹt trông rất Nhật, được gọi là mặt nước tương, syoyu-gao, (syoyu: lọai nuớc chấm được chế biến kỳ công, có hàng trăm lọai khác nhau, được dùng phổ biến ở Nhật) thì được các bà mẹ Nhật khen ngợi hơn anh có khuôn mặt sausu-gao, lọai nước sốt dùng cho tây – nghĩa là người có mắt sâu, mũi cao như tây.

Một biệt tài của người Nhật theo tôi là biến những cái hầu như không có thành có thể và còn hơn có thể, trở thành biểu tượng.

Đó là những ấn tượng chính của tôi về Nhật Bản.

Xin hẹn sẽ trao đổi thêm vào lần sau.

Là nạn nhân của kinh tế trì trệ những năm 1990, một bộ phận giới trẻ Nhật hiện đang sống trong những điều kiện ngày càng bấp bênh. Từ lâu im lặng, tự hủy hoại mình, nay “thế hệ bị lấy mất” này bắt đầu lên tiếng...



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=208758
Nhà văn nữ Karin Amamlya (bìa trái) xuống đường cùng các freeters tại Tokyo


... Vào tháng 1-2007, một thanh niên 20 tuổi đã bị bắt giữ vì không có tiền trả cho một quán cà phê manga (quán mở cửa 24/24 giờ, nơi khách có thể vào đọc truyện tranh manga và vào Internet). Anh ta đã ở trong quán suốt ba ngày, trong túi chỉ có đúng 15 yen. Anh ta vào quán để tránh cái lạnh và trong suốt ba ngày ấy chỉ ăn mỗi một món cùng một đĩa khoai tây chiên.

... Một thanh niên vào một quán cà phê manga và ở lì trong đó suốt một tuần lễ. Trong thời gian này, anh ta không ăn gì mà chỉ uống. Sợ anh ta chết đói, nhân viên của quán đã phải gọi điện báo cho cảnh sát.

Những hình ảnh về một lớp lao động trẻ nghèo như thế đã không còn xa lạ ở Nhật Bản. Từ nhiều tháng qua, từ “Những người tị nạn của Net” đã xuất hiện trên báo chí của nước này. Rất nhiều tạp chí cũng như đài truyền hình đã cho đăng và phát các phóng sự dài về những thanh niên nam nữ “tị nạn” trong các quán cà phê manga hay cà phê Internet, do không có chỗ ở hay không đủ tiền mua vé xe về nhà trong đêm khuya.

Các tác giả truyện tranh cũng không bỏ qua đề tài này khi đề cập những khó khăn trong việc tự định hướng của giới trẻ hiện nay trong một xã hội mà tất cả các điểm mốc - gia đình, học đường và xí nghiệp - đều biến mất. Báo chí Nhật Bản đã gọi bộ phận giới trẻ này là freeters (freeter được ghép hai từ free trong tiếng Anh và arbeiter trong tiếng Đức để chỉ một người đang kiếm sống bằng những công việc linh tinh, bấp bênh).

Trong đội quân này cũng gồm cả những sinh viên đã tốt nghiệp nhưng không kiếm được việc làm, những thanh niên được gọi là NEET (not in education, employment or training - thất học, không việc làm hay không có nghề) cùng những lao động tạm thời với đồng lương đói sau khi thanh toán tiền nhà cùng các hóa đơn tiền điện, tiền sưởi.

Theo Sách trắng về thanh niên được công bố vào cuối tháng sáu vừa qua, hiện có khoảng 2.490.000 lao động bấp bênh thuộc độ tuổi 15-34, giảm so với năm 2003 (2.810.000) nhờ kinh tế cải thiện phần nào. Nhưng theo một cuộc điều tra khác được công bố cùng thời điểm, tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên hiện vẫn cao so với tỉ lệ toàn cầu (4,1% vào năm 2006).

Rõ ràng đối với hàng triệu thanh niên Nhật Bản, đất nước từng có một thời kỳ thịnh vượng kéo dài từ sau Chiến tranh thế giới lần hai, nay đã trở thành một chiến trường, ở đó họ đang phải cố tồn tại trong nghèo đói và làm những công việc bấp bênh.

Thời kỳ kinh tế trì trệ kéo dài đã phá vỡ chính nền tảng của lao động. Trong một thập niên qua, đông đảo thanh niên đã không tìm được việc làm ổn định. Chỉ có 1,6% các xí nghiệp muốn nhận các freeters hay NEET vào làm việc. Chính phủ Nhật cũng đã đưa ra chương trình mang tên “Thách thức mới” với mục tiêu từ nay đến năm 2010 giảm 20% số freeters. Nhưng điều gì sẽ xảy ra cho số 80% còn lại?

Kazuhiko Yatabe, trên tuần báo AERA, thử nhận diện “chân dung” lớp trẻ này: “Ở độ tuổi 25-35, tất cả họ đều thuộc về thế hệ bị lấy mất (lost generation), một thế hệ bị hi sinh cho sự ổn định công ăn việc làm của cha anh họ vốn là những “baby-boomers, và “bị lấy mất” cả theo nghĩa xã hội đã tước mất tương lai lẫn bản sắc của họ”.

Còn trong bài “Những cơn mưa rào đầu tiên của cơn giận dữ” đăng trên tạp chí Ronza, khi đề cập đến lớp trẻ này, nhà văn trẻ Karin Amamlya cũng thử phân tích: “Dẫu sao, cơn giận dữ của họ không lấy xã hội làm mục tiêu. Bị mê hoặc bởi khẩu hiệu thời thượng từ nhiều năm qua: “Mỗi người hãy chịu trách nhiệm lấy số phận của mình”, họ đang trút lỗi cho chính bản thân mình, tự trừng phạt mình bằng cách tự làm cho mình què quặt đi hay tự kết liễu chính cuộc đời mình.

Từ năm 2002, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trẻ từ 20-39 tuổi là tự sát. Phải chăng đó là bằng chứng cho thấy xã hội đã không ngừng gửi cho họ một thông điệp: “Chẳng tích sự gì cả, hãy biến đi cho khuất mắt càng nhanh càng tốt”. Và cô tự hỏi: “Trong những điều kiện như thế, làm sao giới trẻ có thể lấy lại cái mà họ đã bị lấy mất, nghĩa là lấy lại cái quyền đơn giản là được tồn tại không một điều kiện tiên quyết?”.

Một trong những câu trả lời của họ giờ đang được thể hiện trên... đường phố. Từ lâu im lặng nay “thế hệ bị lấy mất” này bắt đầu lên tiếng. Họ xuống đường trong... hòa bình cùng tiếng nhạc. Tháng 9-2006, họ tụ tập trong một công viên, giương cao các khẩu hiệu: “Chúng tôi đang sống trong những ngôi nhà tồi tệ”, “Chúng tôi đang chui rúc trong những căn phòng chật chội chỉ có 7,4m2”, và hô to: “Nhà ở miễn phí!”. Dẫn đầu đoàn người biểu tình là một chiếc xe tải ở đó đang phát ra ầm ĩ mọi thứ âm nhạc từ techno đến dân ca. Bài hát No future (Không tương lai) của nhóm Six Pistols như đang lay động trái tim của một công chúng không có tương lai này.

Những người biểu tình giải thích: “Nhà ở quá đắt đỏ! Chúng tôi khốn khổ mới kiếm được chút tiền sống qua ngày, làm sao có thể bỏ ra nhiều chục ngàn yen để trả tiền nhà!”.

Trước những điều kiện lao động ngày càng tồi tệ, làn sóng phản đối âm ỉ này đang được tổ chức lại. Nhiều hình thức nghiệp đoàn hình thành. Ngày 30-4 vừa qua, tại Shinjuku, các freeters đã xuống đường kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1-5 căng khẩu hiệu: “Hãy cho chúng tôi việc làm! Hãy cho chúng tôi tình yêu!”.

Đề cập đến sự kiện này, báo Asahi Shimbun viết: “Tuyên ngôn của họ loan báo cuộc phản công của giai cấp bấp bênh (tạm dịch từ précariat, một từ ghép dường như xuất phát từ Ý gồm hai từ bấp bênh - précarité và từ giai cấp vô sản - prolétariat), đòi kết thúc một cuộc sống lo âu vì bị khinh miệt, bị chế nhạo và bị thương hại do bị từ chối hay là do không thể kiếm được việc làm”.

Là người cùng thế hệ (sinh năm 1975), Karin Amamlya hiện đang là một trong những gương mặt tiêu biểu cho nền văn học dấn thân ở nước này, một tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho các quyền cơ bản của các freeters. Cuối bài viết của mình, cô viết: “Rất nhiều bạn trẻ của thế hệ mà người ta đang gọi là “Thế hệ bị lấy mất”, kể cả bản thân tôi, đã tuân phục đa số, đã nỗ lực và được vỗ về bởi những ảo tưởng - được học hành đàng hoàng, được có một chỗ làm tử tế. Nhưng ngay khi họ bước chân vào thị trường lao động, những ảo tưởng này đã nhanh chóng tan biến.

Thật vậy, các bạn trẻ giờ đây đang rụt rè bày tỏ sự chán chường của mình, nhưng nó lại đang mang một hình thức đáng phàn nàn, đó là việc tự làm cho mình trở nên què quặt, tự giam hãm mình trong một thế giới biệt lập hoặc gây bạo lực trong gia đình. Nhưng chỉ cần các bạn trẻ bày tỏ sự giận dữ của mình với thế giới bên ngoài, chứ không phải là với chính bản thân mình, chỉ khi đó sự chán chường tự hủy hoại ấy mới mang hình thức một cuộc phản công”.

(Theo tuoitre.com.vn)

NHẬT BẢN ... ( caphekhongtan - TTVNOL)

Giá trị quan quan trọng nhất với người Nhật là chữ “Hòa” (和). Hòa có nghĩa là hòa bình, điều hòa, dung hòa (peace, harmony,…). Nói một cách đơn giản, “hòa” tức là “cùng chung sống yên ổn, không xích mích với nhau”. Tại sao đối với người Nhật, “Hòa” lại trở thành giá trị quan quan trọng nhất?Nhật Bản là đảo quốc nên khác với lục địa và bán đảo ở điểm: Tại lục địa và bán đảo các cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược xảy ra như cơm bữa, còn đảo quốc do điều kiện tự nhiên hầu như không mấy khi phải lo lắng về điều đó. Vì thế mối nguy lớn nhất không phải là ngoại địch, mà là sự giao tranh của chính các cư dân trên đó. Ở quốc đảo nếu chiến tranh nổ ra sẽ không có chỗ đường thoát chạy và dân tộc đó sẽ bị diệt vong. Nên ngay từ đầu thế kỷ 7 Nhật Bản đã xác định rõ lý niệm tối cao cho quốc gia là chữ “hòa” (tên nước Nhật vốn là Đại Hòa - Yamato). Nhằm quy định nền tảng quốc gia cơ bản cho Nhật Bản, thái tử Shotoku (574 – 622) đã chế định bản hiến pháp gồm 17 điều. Ngay trong điều đầu tiên nhấn mạnh chữ “hòa” (以和爲貴、無忤爲宗。人皆有黨。亦 ??達者。是以、或不順君父。乍違于 里。然上和下睦、諧於論事、則事理 ?通。何事不成 – Dĩ hòa vi quý, vô ngỗ vi tôn….) Sự coi trọng chữ “hòa” không chỉ ở Nhật Bản mà đó là điểm chung của hầu hết các đảo quốc. Tại đảo quốc, để mọi người cùng chung sống hòa bình không giao tranh với nhau thì điều trước tiên và không ai có thể bỏ qua đó là một tồn tại có tính thần thánh. Mỗi khi có phân tranh thì tồn tại đó sẽ đóng vai trò trung gian. Trong đảo quốc cũng có những nhân vật có thế lực, và việc những người đó muốn trở thành người nắm quyền lực tối cao là hết sức tự nhiên. Hiển nhiên khi mình đã trở thành người nắm quyền lực cao nhất, tất yếu xuất hiện một kẻ mạnh khác và chiến tranh lại xảy ra. Kết cục là cả đất nước bị cuốn vào các cuộc chiến liên miên và không ai có thể tồn tại được. Để tránh điều đó thì ở các quốc đảo sẽ hiện diện một tồn tại mang tính thần thánh không có quyền lực thực sự và một nhà thống trị về hình thức nằm dưới tồn tại đó nhưng có thực quyền lãnh đạo quốc gia. Và hình thành nên một cơ cấu hai tầng. Vào thời kỳ mới lập quốc, một nhà thống trị thực hiện cả hai chức năng trên nhưng sau nhiều thử nghiệm trong môi trường đặc trưng của đảo quốc dần chuyển biến thành cơ cấu hai tầng như trên.Đối với trường hợp Nhật Bản, ban đầu Thiên Hoàng đóng cả hai vai trò nhưng về sau chỉ còn là biểu tượng quốc gia mà thôi . Vào thời Mạc phủ của chính quyền võ sĩ, Mạc phủ nắm quyền lực và chi phối đất nước. Shogun về mặt thực chất là người có quyền lực tối cao (nước Anh cũng tương tự…).Cách thứ hai để giữ chữ Hòa cũng là cách đơn giản nhất, lý tưởng nhất. Đó là “không trực tiếp tiếp xúc với nhau”. Đập hai tay vào nhau sẽ phát ra tiếng động, nếu không đập tay vào nhau thì sao có thể phát ra âm thanh được. Đó là con đường gần để chung sống tránh xung đột và giao tranh. Phương pháp tốt nhất là tránh tiếp xúc một cách trực tiếp ngay từ đầu. Điều đó đã trở thành tư tưởng cơ bản của người Nhật, thấm nhuần trong từng hành động và tập quán của họ.Để không xung đột với nhau, họ nhận thấy cần phải quan sát hành động của nhau, chú ý không gây bất hòa. Vì thế suy nghĩ xem đối phương thích gì, ghét gì là điều rất quan trọng, và người Nhật đối với nhau luôn kikubari 気配る (để tâm hành động phù hợp với đối phương). Bao giờ họ cũng tỏ thái độ tốt, không làm cho đối phương phải phật ý, tổn thương. Ấn tượng về dân tộc Nhật có cách cư xử với người khác thật mềm mỏng, lễ độ, đã quá nổi tiếng trên thế giới. Và dường như Nhật Bản là nước là những từ ngữ xấu ít “phát triển” nhất thế giới (bạn nào học tiếng Nhật sẽ thấy là biết 3,4 từ chửi bậy đã là nhiều lắm rồi!). Chính vì người Nhật không nói những điều quá khích mạnh mẽ với đối phương nên dẫn đến suy nghĩ thực với lời nói của họ có độ chênh rất lớn. 本音(Honne - suy nghĩ thực) khác với 建前 (Tatemae - lời nói ra) là tập tính của hầu hết dân Nhật. Đó là lý do vì sao đối với người ngoại quốc thì người Nhật thật là khó hiểu. Tuy nhiên giữa người Nhật với nhau thì họ hiểu ý nhau đằng sau câu nói. Chẳng hạn ông thày mà nói “Nghiên cứu của cậu về mặt học thuật thì tốt rồi đấy, nhưng nếu mà dụng công thêm một chút nữa thì… “ thì SV phải hiểu thế có nghĩa là trượt vỏ chuối. Đó là sự “hòa” về ngôn ngữ. Về hành động của cũng hệt như vậy: “tránh không tiếp xúc trực tiếp với nhau” cả về cơ thể: khi gặp nhau thì cúi gập người, rất hiếm khi người Nhật bắt tay nhau. Lại nữa nếu chẳng may nhỡ chạm vào nhau thì thế nào cũng phải có lời xin lỗi. Dù có thân đến mấy cũng không đời nào bắt gặp cảnh bá vai bá cổ hay đánh yêu nhau. Do vậy trong quan hệ của người Nhật dù có thân đến thế nào đi nữa cũng không xâm phạm vào đối phương. Trong suy nghĩ của họ, điều đặc biệt cấm kị là làm phiền người khác, và quan hệ trở thành quan hệ giữa những con người thu mình trong thế giới riêng. Nhìn qua thì có vẻ như là mỗi người một kiểu, tuyệt đối không thể đoàn kết lại nhưng một khi có chung một mục tiêu thì họ lại thể hiện một sức mạnh đoàn kết hơn bất kỳ dân tộc nào khác trên thế giới.Trái ngược với người Nhật, đối với người Hàn Quốc quan hệ giữa bạn bè, thân quyến với nhau rất thân mật. Tôi có thể "xâm phạm" đến anh và ngược lại (dễ thấy người Hàn Quốc hay quát tháo, đập bàn đập ghế, vỗ vai nhau xuồng sã,... ). Có thể thấy
rất rõ sự khác nhau này khi trông vào các trò chơi điện tử ở hai nước này. Giới trẻ Nhật rất thích những game chơi một mình (Play Station, Nintendo,…). Những games thể loại đó ở Nhật có thể nói là phát triển nhất thế giới. Nhưng games online ở nước này tương đối lạc hậu (kể cả so với VN!). Còn Hàn Quốc thì ngược lại, đó đúng là thiên đường của games online và các quán internet café. Há chẳng phải điều đó thể hiện sự khác nhau trong suy nghĩ của dân hai nước hay sao? Điều người Nhật coi trọng nhất trong giáo dục con cái là “không được gây phiền phức cho người khác”. Họ ý thức được rằng trong một đảo quốc không có đường lùi nếu cứ giao tranh nhau liên miên sẽ làm cho nhau khốn đốn, nên tinh thần “hòa”, chung sống không giao tranh với nhau là giá trị quan lớn nhất của người Nhật.

Nói vậy chứ nước nào chẳng có vấn đề của riêng họ. Nhưng đúng là họ có rất nhiều thứ đáng phải học tập. Hệ thống đường sắt của Nhật là xếp đầu thế giới, đường phố thấy rất thoáng, ít khi bị tắc lắm, kể cả giờ cao điểm. Ngoài đường không thấy 1 hạt bụi nào cả. Từ hồi tớ sang bên này khỏi luôn bệnh viêm xoang... cái bệnh mà mỗi năm minh phải vào bệnh viện mấy lần vẫn không khỏi.

Còn về văn hóa, những gì mình được dậy về nước Nhật bên VN chỉ là do tụi Nhật đi quảng cáo với thế giới thôi. Sang bên này để thưởng thức những thứ đó thì rất đắt tiền, dân thường không dám đâu (trà đạo, hoa đạo, geisha, maiko...). Bên này ai cũng cắm đầu đi làm cả thôi, về đến nhà là mệt phờ, thả người xuống giường chẳng muốn ngọ nguậy ngón tay... Giá cả mọi thứ gấp 10-20 lần giá ở HN hay TP HCM.

Up lên cái hình hôm trước chụp ở 大阪城 chụp các ban nhạc nghiệp dư đang biểu diễn miễn phí ngoài trời. Bên này đến tối, ở các ga tàu điện, siêu thị lớn lớp trẻ Nhật tụ tập lại tập đàn, ca hát, patin, múa... rất hấp dẫn, chuyên nghiệp


http://www1.ttvnol.com/uploaded2/tieuphutre/bannhactre.jpg

axc_xi
11-08-2007, 09:40 PM
Quả thật là mọi thứ đều chính xác.

Mình đang làm việc chung với người Nhật và thực sự là trong quan hệ với nhau rất thân thiết, chưa bao giờ thấy nói nặng nhẹ với nhau. Thực sự thì có lẽ còn chả chạm vào nhau ấy chứ.

Đường xá và giao thông phải nói là tuyệt hảo. Muốn đi đâu chỉ cần kiếm tàu điện đi là xong. Nhà ga thì ... có khắp mọi nơi.

Vài lời thêm. Thanks Shuya có mấy bài hay wá.

Ren Shuyamaru
11-08-2007, 10:31 PM
Cảm ơn axc_xi , thêm vài dòng đối chiếu với ở VN thêm vui :D
1.LÀm việc với người VN, quan hệ thì thật phức tạp, phổ biến là kiểu " bằng mặt nhưng không bằng lòng" , bất đồng một cái là thôi rồi . Đặc biệt có rất nhiều cách để "chạm nhau" nếu muốn :D

2.Đường xá giao thông thì rất bất cập, thể hiện rõ qua lượng người chết vì tai nạn giao thông ngày càng tăng lên phát hãi. Ở Hà Nội , phương tiện công cộng duy nhất là xe bus, chỉ giúp bạn đến nơi bạn cần, chứ ko thể đưa bạn đến nơi bạn muốn ; và nhà ga thì chỉ có ... một

:D

Ren Shuyamaru
11-08-2007, 10:33 PM
http://www.old-picture.com/japanese-internment-world-war-ii/pictures/Japanese-Man-001.jpg

Có thể nói yếu tố con người rất quan trọng trong việc phát triển của xã hội. Người Nhật, với các bản tính đặc biệt đã tạo giúp cho Nhật Bản có một nền văn hoá, xã hội đặc biệt.

1. Tính kỷ luật cao và hành động theo nhóm.

Người Nhật là những con người của tính kỷ luật rất cao. Xã hội của họ phân chia theo từng nhóm cấu kết rất chặt chẽ với nhau. Sức lôi cuốn của nhóm và ước muốn được hoà mình vào nhóm là là phần căn bản trong tính cách người Nhật. Người Nhật luôn thuộc vào một nhón nào đó như gia đình, công ty.. vì nó mang lại cho họ cảm giác an toàn khi được thuộc về một nhón nào đó.

Đơn vị cơ bản của nhóm là gia đình giống như các xã hội khác. `Mặc dù vẫn duy trì mối quan hệ gia đình hoặc gia đình mở rộng trong suốt cuộc đời nhưng người Nhật còn đi xa hơn và chuyển ràng buộc này sang trường học công sở.

Sự gắn bó mạnh mẽ vào tập thể cũn có mặt trái của nó.Nó có thể khơi dậy tình cảm bài trừ người ngoài. Việc tuân thủ các tác phong và nghi thức giúp kiềm chế chủ nghiã cá nhân, và người lãnh đạo nhóm có thể trông đợi một sự phục tùng mù quáng và lơị dụng tập thể cho mục đích cá nhân. Nó cũng có thể khoá chặt cuộc đời một con người vào tập thể nào đấy.

2. Ý thức về bổn phận

Mọi người Nhật đều ý thức về bổn phận của họ. Bổn phận phải đền đáp lại những gíup đỡ đã nhận được, phải làm điều phải để bảo vệ tập thể. Với người Nhật thực hiện bổn phận của mình là điều tối quan trọng.

3. Giữ thể điện

Song song với việc ý thức về bổn phận là quan niệm về việc giữ thể diện. Không những giữ thể diện cho riêng mình mà còn phải giữ thể diện cho những người xung quanh. Ví dụ một người Nhật không những phải kính trên nhường dưới như Việt nam mình vẫn quan niệm mà còn phải biết hiểu tâm tư tình cảm của cả trên và dưới. Và khi hành động gì thì phải suy nghĩ đến những người này và chú ý không làm mất thể diện của họ và cả của chính bản thân mình.

Điều đó có nghĩa là cái tôi bên trong phải được kiềm chế hoặc che giấu. Chính vì thế mà người Nhật tránh đưa ra một câu trả lời rõ ràng, tránh cam kết hoàn toàn và né tránh sự đối đầu trực diện. Điều đó không có nghĩa là gian giảo hay giả dối. Đó chỉ là cần phải sử dụng mặt nạ để giữ cho các mối quan hệ cá nhân được êm thấm và không bị xáo trộn. Họ mô tả tính cách này bằng 2 chữ TATEMAE, tức là vẻ bộc lộ bên ngoài và HONNE là những suy nghĩ thực sự bên trong. Điều này đã gân ra cho người nước ngoài cảm nhận rằng người Nhật có tính hai mặt và không bao giờ nói thật.

4. Tính khéo léo và cẩn thận

Hẳn ai có cơ hội tiếp xúc và làm việc với người Nhật mới nhận ra bàn tay khéo léo của họ. Người Nhật rất xem trọng kiểu dáng và mẫu mã. Hầu hết các sản phẩm điện tử tinh vi đều có kiểu dáng rất phù hợp. Cộng với tính khéo léo là tính tỷ mỷ và cẩn thận tuyệt đối đã gíúp cho Nhật Bản nổi tiếng vời nhiều mặt hàng máy móc điện tử.

5. Tinh thần chịu khó và lạc quan

Có lẽ do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã tạo cho người Nhật Bản tính lạc quan. Trong quá khứ nhiều trận động đất lớn xẩy ra nhưng ngay sau đó người Nhật lại lạc quan xây lại từ đống tro tàn đổ nát. Cũng có lẽ xuất phát từ tinh thần lạc quan này mà người Nhật cho dù già rồi vẫn cố gắng làm việc cống hiến cho gia đình xã hội.

(sưu tầm)

Ren Shuyamaru
11-08-2007, 10:42 PM
Điều giản dị nhất

http://jamesjpn.com/photos/hitch/2006-08/nakano-jinjamae.jpg

Gia đình nhà Nakano cùng ba đứa trẻ từ nhà họ ở Chiba trên đường về thăm cha vào dịp Obon (cách họ 200 km) . Bức ảnh chụp ngày 30/10/2005

Ren Shuyamaru
11-08-2007, 10:55 PM
http://www.geogr.uni-goettingen.de/kus/pics/vn15/vn2006_hcmc_two_boys_playstation_18cm.jpg

Là một kỹ sư phần mềm làm ở Nhật về, nhưng trong ngày gặp mặt bạn bè, T. lại thấy mình lép vế về khoản “chơi” khi một số người bạn đã cười mỉa vì thấy T. xài chiếc điện thoại di động Nokia “nồi đồng cối đá” 8210 giá chỉ vài trăm ngàn đồng.

Nhiều đứa châm chọc T. lương tháng gần 3.000 USD, tiền trong tài khoản cả tỉ đồng nhưng không biết “chơi”, rồi nói thêm: kiếm tiền không quan trọng, xài tiền mới quan trọng.

T. chỉ cười và nói rằng như nhiều người Nhật khác, T. quan tâm đến giá trị mà chiếc điện thoại mang lại hơn là trị giá của chiếc điện thoại đó. Và quan trọng hơn, hưởng thụ có tính toán, chừng mực những gì do chính mình tạo nên.

Người bạn Nhật đi cùng T. thì ngạc nhiên khi thấy nhiều bạn trẻ VN thường tụ tập suốt ngày tại các quán cà phê, quán nhậu, tiệm Internet, bida... bất kể khi nào. Anh hỏi: Họ thất nghiệp? Nhưng thất nghiệp thì phải đi tìm việc làm chứ? Thất nghiệp thì lấy đâu ra tiền để xài như vậy?

Lẽ nào chúng ta có thể tự hào về “tính cách Việt” ấy?!

(Theo TT)

Ren Shuyamaru
11-08-2007, 11:11 PM
Ngày nay giới trẻ Nhật Bản đa số không còn muốn sống theo lối sống của cha mẹ chúng.


http://www.jamieradford.com/blog/wp-content/uploads/2007/01/tigarah-1.jpg

Trong tháng 1 và 2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã có cuộc thăm dò ý kiến của 7500 thanh niên độ tuổi từ 15 đến 29 và cha mẹ của họ. Cuộc điều tra cho thấy chỉ có 16,7% câu trả lời cho rằng lối sống của cha mẹ họ là lý tưởng, 15,5% cho rằng họ tìm thấy sự đồng cảm từ những bà mẹ. Tuy nhiên, có đến 46,2% câu trả lời cho rằng những ông bố luôn là người dễ chịu và thấu hiểu con cái nhất, 54,8% cho rằng các bà mẹ luôn là người phàn nàn quá nhiều chuyện.

Trong khi Chính phủ Nhật Bản đang phải đối mặt với con số thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng thì có tới 52,9% học sinh cuối trung học phổ thông và những thanh niên đang thất nghiệp nói rằng họ sẽ đi làm nếu kiếm được một công việc phù hợp với sở thích của mình. Cũng theo bản báo cáo, 52,6% các bậc cha mẹ nói rằng họ muốn con cái của họ đi làm cả những công việc không phù hợp với sở thích của chúng. Điều này cho thấy sự bất đồng lớn trong nhận thức giữa cha mẹ và con cái ở xã hội Nhật Bản ngày nay.

Vũ Hồng Nhung

Nguồn: Weekly Japan Newletters – Kyodo News

(Tháng 8/2005)

samurai
12-08-2007, 08:45 PM
Shuya sưu tầm ở đâu ra mấy bài hay thiệt.boku sắp qua bên đó làm nhờ thế mà biết thêm nhiều điều.

lao_con_phong_d
14-08-2007, 08:48 AM
Đọc bài này rất là bổ ích, e cũng dự định sang Nhật nhưng mà nghĩ đến cách sống của họ sao mà oải thế nhỉ, nghe mấy anh chị trong công ty Nhật kể thì đúng là rất bức xúc.

titanic1441992
23-08-2007, 03:53 PM
em cũng có ý định sang nhật nhưng sau khi đọc xong thì chắc cần xem xét lại mình có phù hợp với xã hội nhật ko đã ^^ ''

hayvevoianh
05-08-2008, 01:17 AM
Tan tiệc, bia bọt tràn lan, thức ăn dư thừa rất nhiều. Anh hỏi người ta sẽ làm gì với đồ ăn còn thừa đó, khi được biết nó sẽ bị bỏ, anh ồ lên ngạc nhiên: lãng phí không thể tin nổi!
Rất tiếc một điều rằng họ nói chúng ta lãng phí nhưng mà họ chẳng lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết ở đất nước của họ, tại các COMBINI (cửa hàng 24h) ngày nào cũng phải vứt đi cả mấy bao đồ ăn không bán hết. Hơn thế nữa họ nói với tôi rằng, phải bỏ vào thùng rác, không được để ở ngoài vì những người vô gia cư sẽ lấy ăn:(. Tại sao lại như thế nhỉ, đằng nào cũng vứt đi sao lại không để làm miếng ăn cho những người khó khăn, chí ít cũng giúp được người nghèo.

Ren Shuyamaru
05-08-2008, 01:27 AM
Tớ biết, muôn mặt của đời sống luôn có 2 thái cực và vần đề là : cái j cũng có mặt trái của nó. Nhưng xem ra 1 nước với thu nhập ngất ngưởng như họ sẽ đỡ phải xấu hổ hơn khi 1 nước tầng lớp thứ 3, thuộc dạng nghèo nhất thế giới như mình lại có thể coi giá trị đồng tiền như thế.

Nhiều người khá giả chứ ko nghèo khổ j , khi đi chợ thì mặc cả lên, mặc cả xuống, kì kèo vài trăm hay vài ngàn với những người bán chợ. Giả sự bị bà bán rau "chém" 1, 2 ngàn có thấm tháp j so với đống đồ ăn thừa như ở đám cưới kia.

Nhưng có lẽ ấy ko biết, nếu ở Nhật ngta đổ vào thùng rác, thì ở VN, đồ thừa như vậy luôn là niềm vui mừng đối với đầu bếp và phục vụ. Họ có cơ hội đc nếm những chai rượt hảo hạng hay những món mĩ vị. Có thể niềm vui ấy sẽ lan về tận gia đình, trên nét hớn hở của những đứa con khi họ xách những đồ ăn thừa đó về. Những gì tớ nói là thật vì cô tớ làm pha chế ở 1 nhà hàng có tiếng ở HN đã kể tớ nghe như vậy :(

juchiro
13-08-2008, 06:56 PM
Rất tiếc một điều rằng họ nói chúng ta lãng phí nhưng mà họ chẳng lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết ở đất nước của họ, tại các COMBINI (cửa hàng 24h) ngày nào cũng phải vứt đi cả mấy bao đồ ăn không bán hết. Hơn thế nữa họ nói với tôi rằng, phải bỏ vào thùng rác, không được để ở ngoài vì những người vô gia cư sẽ lấy ăn:(. Tại sao lại như thế nhỉ, đằng nào cũng vứt đi sao lại không để làm miếng ăn cho những người khó khăn, chí ít cũng giúp được người nghèo.

:run: có lẽ họ muốn người vô gia cư sống tự lập thay vì đến lấy những món ăn thừa và sống 1 cách nhẹ nhàng.
:congratz:

A&A
18-08-2008, 11:19 PM
5- Ăn mì hay soba húp xùm xụp (người Nhật nổi tiếng lịch sự, nhưng khi ăn mì nước, bún nước... thì họ húp kêu rất to, theo họ, ăn như vậy mới đã).
Ừm điểm này thú vị phết ^^ Lúc ăn phở trộn chua ngọt, 1 bạn người Nhật cũng phát ra tiếng cực hoành tráng khiến cả quán khựng lại lắng nghe :))

azarashi
18-08-2008, 11:45 PM
Aza không muốn bình phẩm về tốt hay xấu của người Nhật!Nhưng như những người mà Aza làm việc cùng thì họ dều để lại ấn tượng tốt nơi Aza và những người khác.Họ chăm chỉ, làm việc nghiêm túc và đôi khi hơi cứng nhắc nhưng khi chơi họ cũng rất nhiệt tình.
Và Aza thấy họ còn rất là đáng yêu và thân thiện nữa!

makoto
20-08-2008, 11:38 AM
Còn về vấn đề phim 3x ở Nhật, tớ nghĩ phần lớn là để kích thích các ông bà công nhân viên cảm thấy hứng thú để làm "trẻ hóa" đất nước, nước Nhật hình như là nước có tỉ lệ sinh con gần như rất thấp so với thế giới, lý do của việc thờ ơ với tình dục là do tần suất công việc cao, dẫn tới mệt mỏi, không thể hoạt động về đêm được...:D

fukuto_jun
13-07-2009, 11:52 PM
hix, thế thì quy củ quá. Giống như cái ***g vậy. Nản thật!!! Nhưng vẫn muốn đi Nhật :x:hehe: :hehe: :be_eaten:

jerrymlb
14-07-2009, 11:16 PM
zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz zzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzzz

makoto
15-07-2009, 10:57 AM
Nhiều khi thoải mái quá thì lại sinh ra lười biếng, chỗ tớ thì đa phần tớ thấy công nhân viên chức đều đi cà phê cà pháo đến gần 8h30 mới bước vào công ty! một số đi xã giao cũng ngồi bàn chuyện phiếm cả thôi, nói chung ở Việt Nam, tớ thích mỗi buổi sáng và buổi tối, có chút gì đó thanh bình, yên ả, cho nên hè là tớ với 1, 2 đứa bạn đi cà phê, thoải mái mà thú vị vô cùng!:be_eaten:
Ở Nhật, tớ thấy chỉ có làm những việc không phụ thuộc giờ hành chánh thì mới thoải mái được đôi chút, nhưng bù lại thì lương không cao lắm!

Tasaki
15-07-2009, 11:12 AM
- Văn hoá làm việc của họ lâu nay vẫn vậy, cũng có mặt tốt mặt xấu như bao nước khác thôi. Làm nhiều thì được trả lương nhiều, hy sinh đời bố củng cố đời con, con không hưởng thì tiếp tục hy sinh cho cháu chắt. :crisp:
- Nói tóm lại một câu... tôi yêu Việt Nam nhất. :big_ love:

cicile
15-07-2009, 07:06 PM
chưa từng đc đặt chân đến Nhật nên cũng không dám nói nhiều chỉ thấy thèm cái tự do ăn mặc bên đấy >"<

vừa hết đời học sinh nghĩ lại thấy sao VN mình cổ hủ wa', tóc tai nam sinh cứ nhất thiết phải ngắn cỡ gần trọc, dài 1 tí (em thì thấy bt) đã bị lôi lên trc trg`, cô chủ nhiệm cầm kéo xoẹt cho 1 phát như kiểu cạo đầu bôi vôi ngày xưa:dead1:

trong khi đó bên kia người ta đâu có cấm, có lẽ hcính vì thế mà bên đấy sự snág tạo được kích thích cao độ hơn VN mình

makoto
15-07-2009, 09:40 PM
Tóc dài thì lên đại học được mà, tương lai tớ sẽ để tóc dài buộc dây túm phía sau, không thì đầu đinh, chứ không dài lỡ cỡ như các bác teen hiện nay, nhìn ốm yếu gầy gò lắm :die_die: