PDA

View Full Version : Nữ giới có gia đình, khó có sự nghiệp



Kasumi
09-08-2007, 04:06 PM
Yukako Kurose bắt đầu đi làm năm 1986, một năm sau khi Nhật Bản thông qua luật Cơ hội bình đẳng lần thứ nhất. Giống như mọi phụ nữ trẻ muốn có sự nghiệp, cô hy vọng luật này sẽ mở ra nhiều cánh cửa tương lai. Nhưng sự nghiệp đầy hứa hẹn của cô đã kết thúc 15 năm trước đây khi cô sinh em bé.

Yukako đã không được thăng chức kể từ khi bắt đầu rời công sở trước 6h30 tối để về nhà chăm sóc con cái. Sau đó, cô bị chuyển xuống làm công việc văn phòng, cuối cùng, cô bỏ việc.

“Thói quen làm việc của người Nhật tạo ra điều không thể đối với phụ nữ muốn có cả gia đình lẫn sự nghiệp’’, Kurose, 45 tuổi, hiện đang làm việc cho một công ty polyester, nói.

Kể từ khi Luật Cơ hội việc làm bình đẳng có hiệu lực năm 1985, người ta thấy có nhiều phụ nữ Nhật Bản xuất hiện tại các nhà máy, địa điểm xây dựng và thậm chí sau vô lăng taxi. Tuy nhiên, họ không thành công trong các vị trí quản lý, vốn chủ yếu dành cho nam giới.

Trong năm 1985, phụ nữ chỉ chiếm 6,6% tất cả các nghề quản lý trong các công ty, cơ quan chính phủ Nhật Bản, theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế. Đến năm 2005, con số này cũng tăng rất khiêm tốn là 10,1% mặc dù với 27 triệu người đang làm việc, phụ nữ Nhật Bản chiếm gần một nửa lực lượng lao động. Tổ chức Lao động quốc tế cho hay, trong khi đó vào năm 2005, ở Mỹ, phụ nữ chiếm khoảng 42,5% các nghề quản lý.

Theo các chuyên gia nghiên cứu những vấn đề nữ giới, định kiến chỉ là một phần vấn đề của Nhật Bản. Có một rào cản lớn hơn kìm hãm sự phát triển tiến bộ của nữ giới là kiểu ‘’văn hoá’’ công ty nổi tiếng ở Nhật, đặc biệt là hình thức làm việc từ sáng sớm tới nửa đêm.

Thống kê của chính phủ Nhật cho thấy, rất nhiều phụ nữ đã rời bỏ vị trí quản lý khi họ ở vào độ tuổi cuối những năm 20, đầu những năm 30 và bắt đầu sinh hạ con cái. Khi tỉ lệ sinh của Nhật giảm mạnh cùng với sự già hoá dân số, đã có nhiều quan ngại rằng, Nhật có thể để mất quá nhiều tiềm năng.

“Nếu cứ làm việc khoảng 15 giờ/ngày, thì phụ nữ sẽ từ bỏ vị trí’’, Kuniko Inoguchi, nguyên là một bộ trưởng nội các nói. ‘’Nhật Bản đang mất đi một nửa năng lực trí tuệ của mình và phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động’’.

Thậm chí còn rất nhiều lời phê bình, chỉ trích nhưng các vụ kiện tụng về lao động rất hiếm bởi có một văn hoá ‘’lánh xa tranh chấp’’ trong lực lượng lao động Nhật Bản. Một vấn đề lớn khác là Luật Cơ hội bình đẳng về cơ bản không có sức mạnh. Mặc dù qua hai lần sửa đổi, luật này vẫn không có quy định cụ thể nào trong việc phạt các công ty phân biệt lao động. Đáng kể hơn là Bộ Lao động có thể làm được việc công khai tên tuổi công ty vi phạm nhưng lại chưa bao giờ làm thế.

Kết quả là, theo Chương trình Phát triển LHQ, Nhật Bản đứng vào hàng ‘’bất bình đẳng nhất’’ trong các nước giàu trên thế giới. Dựa vào chỉ số đánh giá sự đóng góp của nữ giới với kinh tế và chính trị của một quốc gia do Chương trình Phát triển LHQ đưa ra, Nhật đứng thứ 42 trong số 75 quốc gia được điều tra năm 2006, đứng trước Macedonia và còn cách xa nhiều quốc gia phát triển như Mỹ (thứ 12), dẫn đầu là Na Uy.

“Đây là một thực tế đáng buồn’’, Kumiko Morizane, Phó Giám đốc bộ phận bình đẳng việc làm của Bộ Lao động Nhật Bản cho biết. ‘’Thậm chí ở Pakistan, nơi phụ nữ còn mang mạng che mặt, họ cũng có một nữ thủ tướng’’.

Thực tế số phụ nữ nắm giữ vị trí quản lý trong các cơ quan, công ty Nhật Bản tăng lên không đáng kể phản ánh những quan điểm xã hội ‘’thâm căn cố đế’’ về vai trò giới.

Takako Ariishi, 36 tuổi, là người thấu hiểu và ‘’kinh qua’’ sự phân biệt này khi cô là con độc nhất của Chủ tịch Daiya Seiki, một nhà máy sản xuất quy mô nhỏ. Đầu tiên, người cha thất vọng đã cắt tóc cô giống như con trai, cấm cô không được chơi búp bê. Khi cô sinh hạ bé trai vào 10 năm trước đây, ông đã sa thải cô khỏi công ty và quyết định tuyên bố cậu cháu trai còn đang ẵm ngửa là người nối nghiệp.

Tuy vậy, Ariishi vẫn nắm giữ ghế chủ tịch khi cha cô qua đời ba năm trước đây. Cô nói, cô là người phụ nữ duy nhất trong đội ngũ 160 người lãnh đạo các nhà cung cấp cho Nissan. Lần đầu tiên khi tham dự cuộc họp hàng năm của các nhà cung cấp, cô kể đã được yêu cầu ở lại phòng chờ cùng các thư ký. “Tôi vẫn luôn chứng tỏ ở mọi lúc là một phụ nữ có thể làm chủ tịch’’, trong văn phòng của mình, Ariishi, một kỹ sư mặc đồng phục xanh dành cho công nhân nhà máy, nói. Cô cho biết, ngày nào cũng về nhà lúc 7 giờ tối để chăm con, cho con đi ngủ rồi lại trở lại làm việc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng như Ariishi. Gánh nặng thời gian làm việc đã buộc hầu hết nữ giới phải từ bỏ trước khi họ đạt tới vị trí quản lý. Midori Ito, Chủ tịch Trung tâm hành động vì việc làm nữ giới, nói, hơn một nửa phụ nữ đã bỏ việc khi mới 30 tuổi, số khác lại lựa chọn con đường độc thân.

Miiko Tsuda, 38 tuổi thường làm việc tới 10-11h đêm trong văn phòng nên không có thời gian nghĩ đến chuyện kết hôn. Tuy nhiên, Tsuda cũng cho hay, cô thường xuyên cảm thấy bị phân biệt đối xử. Thu nhập của cô kém hơn nam giới cùng độ tuổi khoảng 10-20%. Theo Tsuda, từ khi cô bắt đầu gia nhập công ty 17 năm trước, vẫn chỉ có 5 người trong số 300 quản lý của công ty là nữ.

Hiện nay, có một số công ty đang tiến hành những bước đi nhỏ trong việc khuyến khích nữ giới làm quản lý. Kể từ khi bỏ việc năm 2002, Kurose đã trở thành người đứng đầu chi nhánh phát triển ở Teijin, một nhà máy sản xuất polyester tại Osaka. Cô tổ chức các lớp đào tạo phụ nữ làm quản lý, đưa ra kế hoạch thuê lao động nữ và giúp đỡ các bà mẹ sinh con trở lại làm việc có một vị trí vững chắc trong công ty.

Tuy nhiên, quá trình này khá chậm chạp. Chỉ có khoảng 50 trong số 2.000 quản lý của Teijin là nữ. Dù sao thì theo Kurose, con số này đã tăng gấp ba lần so với hồi cô mới vào công ty. Giờ đây, những nhà hoạt động vì quyền nữ giới đã bắt đầu thúc giục chính phủ thực hiện nỗ lực hơn nữa. Họ đưa ra các nghiên cứu chứng tỏ rằng, những nước có sự tham gia nhiều hơn của nữ giới trong lực lượng lao động như Mỹ, thường có tỉ lệ sinh cao hơn.

Kỳ Thư (Theo NYtimes)
VNN