PDA

View Full Version : [Truyện ngắn] Người câm bất ngờ - Fui No Oshi (Oe Kenzaburo)



Kasumi
28-08-2007, 07:10 PM
Người dịch : Lê Ngọc Thảo
theo erct


Một chiếc xe jeep chở lính ngoại quốc chạy trong sương mù sáng sớm.

Thằng bé vai mang một khoanh kẽm, xỏ chùm những cánh chim nhỏ mắc bẩy, đang đi một vòng kiểm soát bãi săn thú của mình ở ngoài thung lũng. Chợt thấy chiếc xe, nó nhẹ nín hơi theo dõi.

Chiếc xe jeep vượt đồi, chạy xuống chỗ trũng, phải lên đồi lại, rồi mới vào được trong xóm ở thung lũng. Còn có thì giờ. Thằng bé thở hổn hển chạy về trong xóm. Cha nó làm trưởng xóm ở thôn ấp nhỏ nầy. Nó xanh mặt chạy về tới nhà thì vừa đúng lúc ông cha đã chuẩn bị xong mọi việc để ra đồng.

Ông cha đánh cồng tập họp mọi người sống trong thung lũng đến trước sân nhà ở trên lưng núi nhìn xuống thung lũng. Ông chỉ thị cho đàn bà trẻ đến túp lều nướng than ở chân núi ẩn náu. Đàn ông mang những vật có thể bị nghi là vũ khí vào trong những gian nhà nhỏ ở ngoài đồng. Sau hết dẫu có chuyện gì đi nữa nhất định không được tranh chấp với bọn lính. Những chỉ thị và những hành động cần thiết đã được tập luyện trước đó nhiều lần rồi.

Thế nhưng, đợi mãi vẫn không thấy bọn lính ngoại quốc đến cái xóm ở trong thung lũng.

Bọn con nít thì nóng lòng nên cứ đi tới đi lui trên con đường ngắn trong xóm, người lớn thì làm cầm chừng những việc như canh tác, chăm sóc ong nuôi, hoặc trộn thức ăn cho gia súc. Cứ thế cho đến khi mặt trời lên khá cao, chiếc xe jeep mới chạy vào trong xóm ở thung lũng với một tốc độ thật nhanh nhưng thật yên lặng.

Chiếc xe dừng lại trước sân trường làng đang đóng cửa trong mùa hè. Năm anh lính ngoại quốc và ông thông dịch người Nhật xuống xe. Bọn họ kéo tay bơm nước ở trong sân, lấy nước lúc nào cũng trắng đục lên uống và lau mình. Bọn người lớn và trẻ con trong xóm bao quanh xa xa, canh chừng họ. Bọn đàn bà, kể cả những nguời già yếu đã khom lưng ẩn náu trong túp lều nền đất tối tăm chật hẹp, nhưng chắc chắn không có ai muốn đi ra ngoài.

Khi bọn lính ngoại quốc lau mình xong, quay về quanh chiếc xe jeep, vòng vây của người lớn và trẻ nít trong xóm dãn rộng ra. Lần đầu tiên bọn họ được nhìn những binh sĩ ngoại quốc từ xa đến nên ai nấy đều lúng túng, lo lắng.

Ông thông dịch với gương mặt nghiêm nghị, lớn giọng gắt gỏng.

-Ông trưởng xóm ở đâu? Gọi ông trưởng xóm ra đây.

Đó là câu nói đầu tiên trong buổi sáng hôm đó.

Ông cha của thằng bé đang đứng chung với người trong xóm theo dõi cử chỉ của bọn lính ngoại quốc, đã bước ra.

-Tôi đây. -Ông cha nói.

-Chiều nay, bọn nầy sẽ nghỉ ở trong xóm nầy cho đến khi trời mát ra. Không làm phiền ai cả. Tập quán ăn uống của những người nầy khác với người Nhật nên không cần phải tiếp đãi gì cả. Dẫu có làm thì cũng chỉ mất công thôi. Nghe rõ chứ!

-Cứ vào trường học nghỉ đi, không sao đâu. -Ông cha nói với vẻ rộng lượng.

-Người lớn trở lại làm việc đi. Bọn nầy muốn được nghỉ ngơi. -Ông thông dịch nói.

Anh lính ngoại quốc có đầu tóc nâu chúm miệng lại nói nhỏ gì đó với ông thông dịch.

-Anh ta nói cám ơn các ông đã ra đón. -Ông thông dịch nói.

Anh lính tóc nâu mĩm cười vui vẻ. Dẫu ông thông dịch đã bảo như thế nhưng để được nhìn lính ngoại quốc bọn người lớn cứ đứng y nguyên không chịu ra về. Bọn họ và đám con nít vừa xì xào, vừa phập phồng nhìn bọn lính ngoại quốc.

-Người lớn, trở lại công việc của mình đi. -Ông thông dịch nói lại một lần nữa.

-Ai nấy, trở lại công việc của mình đi chứ. -Cha đứa bé nói.

Đến đây bọn người lớn mới chịu tản ra nhưng vừa đi vừa quay lại nhìn như vẫn còn luyến tiếc không muốn rời. Chỉ cần có một cơ hội nhỏ là bọn họ sẽ trở lại đây một lần nữa. Và hình như bọn họ không có cảm tình đối với ông thông dịch. Chỉ có bọn trẻ nít còn ở lại nên chúng tỏ vẻ sợ sệt vì sự có mặt của lính ngoại quốc. Tụi nó lui lại phía sau xe jeep một chút và cứ nhìn chừng bọn lính.

Một anh lính ngoại quốc bắt đầu dội nước múc từ giếng lên, rửa xe. Một người khác đến trước khung cửa sổ của phòng học, lấy lược ra chảy những sợi tóc vàng óng ánh trong ánh sáng mặt trời. Cũng có người lấy súng ra lau. Bọn trẻ nín hơi tiếp tục chăm chú nhìn.

Ông thông dịch cố tình đến gần bọn trẻ, ra mặt nghiêm nghị quay nhìn bốn phía rồi sau đó đã trở lại ghế lái trong xe jeep. Nhờ thế bọn trẻ đã có dịp nhìn chừng những ông khách từ xa đến mà không phải lo để ý đến bất cứ chuyện gì. Bọn lính ngoại quốc có vẻ hiền lành, lễ độ. Thân cao, vai rộng ra vẻ hiên ngang. Để được nhìn rõ hơn, bọn trẻ đã lần lần vây gần bọn lính. Không có gì đáng sợ cho lắm.

Quá trưa, trời bắt đầu nóng nên bọn lính đã đi xuống con sông dưới thung lũng. Ở đó có nhiều chỗ sâu lội được. Bọn trẻ kinh đảm nhìn thân thể lõa lồ của bọn lính. Bọn lính da trắng bóc, lông vàng óng ánh trong ánh sáng mặt trời. Bọn nó tạt nước qua lại, cùng nhau la hét ồn ào.

Bọn trẻ mình mẩy đẩm mồ hôi nhưng vẫn ngồi yên lặng ở bờ sông nhìn bọn lính. Ông thông dịch đã xuống chỗ đó, cũng lột hết quần áo ra, nhưng da của ông ta có màu vàng nâu, thân thể lại không có một cọng lông, toàn thân trơn tru, trông có vẻ dơ dáy. Khác với bọn lính ngoại quốc, ông ta lấy tay che kín hạ bộ rồi mới dìm mình xuống nước. Bọn trẻ lên tiếng cười có phần khinh bỉ cách làm của ông thông dịch. Bọn lính chẳng có ai để ý đến ông ta. Trừ khi ông thông dịch tự mình đi tạt nước, một vài anh lính tức thời bao vây khiến ông ta phải vừa la hét vừa rút lui, chỉ có chuyện như vậy thôi.

Bọn lính ngoại quốc vừa phát ra những tiếng kì quái vừa lau mình, mặc áo quần lại rồi chạy về phía phòng học. Khi bọn nít đuổi theo thì không thấy ông thông dịch đi chung. Một lúc sau ông thông dịch hấp tấp trở về như gặp chuyện bất ngờ ngoài ý muốn. Ông ta quờ quạng không biết làm sao đi được trên con đường đá nóng nên bọn trẻ và bọn lính ngoại quốc đã cùng nhau cười rộ lên, đón ông thông dịch đang lòm khòm chổng đít.

Nhưng ông thông dịch nào ở trong trạng thái cười được đâu, gương mặt ông ta hết sức nghiêm nghị. Ông ta ra điệu bộ giải thích một điều gì đó với bọn lính ngoại quốc. Một lần nữa, bọn lính ngoại quốc đã lên tiếng cười sặc sụa khi nghe chuyện đó. Bọn trẻ cũng đã mở to họng ra cười với vẻ khoái trá.

Ông thông dịch đi đến gần bọn trẻ đang cười. Chỉ liếc nhìn cũng đã biết ông ta đang nổi quạu. Ông ta lên giọng trách mắng bọn trẻ.

-Nầy, tụi bây, có thằng nào biết đôi giày của tao không? -Ông ta ngo ngoe cái chân không. -Đôi giày của tao mất đâu rồi!.

Bọn trẻ cười rộ lên. Ông thông dịch nhăn cái mặt nhỏ nhắn đen điu ra vẻ khó chịu. Ông ta đã trở thành đối tượng cho bọn trẻ nhìn ngắm.

-Tại sao lại cười? -Ông thông dịch lớn tiếng nạt bọn trẻ - Trong đám tụi bây có đứa nghịch ngợm. Hả, tao có nói sai không?

Bọn trẻ trong xóm ngưng cười, nuốt nước dãi nhìn lên ông thông dịch. Ông thông dịch nói với bọn trẻ với vẻ mặt như đã chịu thua.

-Nầy. Có ai thấy đôi giày của tao không?

Không một ai trả lời. Những con mắt của bọn trẻ đang nhìn vào cái chân không, trắng, dài của ông thông dịch. Cái chân trông có vẻ yếu đuối, có phần nào khó coi khác hẳn với chân của những người trong xóm không bao giờ có dịp mang giày.

-Tụi bây, không đứa nào biết hết à? -Ông thông dịch lên tiếng tức giận. -Toàn là một bọn không ra gì cả.

Bọn lính ngoại quốc đã đi vào dưới mái trường để tránh nắng nóng, từ chỗ đó bọn chúng theo dõi những cử chỉ giữa ông thông dịch và bọn trẻ. Bọn họ có vẻ vui thích được nhìn ông thông dịch trong dáng dấp tương phản lạ lùng giữa bàn chân trắng bóc và y phục màu đen của ông ta.

-Gọi trưởng xóm ra đây. Bảo ông ta ra ngay. -Ông thông dịch nói như ra lịnh.

Thằng con của ông trưởng xóm rời bạn bè, băng qua rừng, chạy lên con đường dốc đá gần như thẳng đứng. Cha nó ngồi trong gian nhà nền đất tối tăm đang cùng với mẹ nó lấy tay chia những lá trúc phơi khô thành từng bó nhỏ. Công việc không hợp với một người cha có cổ to và đôi vai vạm vở một chút nào cả. Nhưng trong cái làng của cậu bé nầy không phải lúc nào cũng có thể làm được những công việc có vẻ đàn ông. Ngược lại đôi lúc đàn bà phải làm những công việc dành cho đàn ông.

-Hả? -Bằng một giọng khàn khàn, ông cha đã trả lời tiếng gọi của thằng con.

-Ông thông dịch bị mất giày không biết phải làm sao !

-Chuyện đó làm sao tao biết được. -Ông cha nói với vẻ khó chịu. -Giày của thằng cha dơ dáy đó, ai mà biết được.

Nhưng ông cha đã đứng dậy theo thằng bé đi ra ngoài. Vừa đi ông vừa nhíu mắt nhỏ lại để tránh ánh nắng chói lọi ở ngoài cửa. Bọn họ đi xuống thung lũng.

Kasumi
28-08-2007, 07:11 PM
Người lớn ở trong xóm đã tập hợp lại chung quanh chiếc xe jeep ở sân trường để nghe ông thông dịch giải thích việc liên quan đến đôi giày. Khi ông trưởng xóm trán đượm mồ hôi đi đến nơi, ông thông dịch đã lập lại một cách hùng hồn.

-Trong lúc đang lội, giày tao đã bị ăn cắp. Mầy có trách nhiệm về chuyện của xóm mầy. Lấy giày lại cho tao.

Ông cha của thằng bé đã quay lại nhìn những người lớn trong xóm trước khi trả lời. Sau đó ông cha đã chậm rãi quay mặt lại ông thông dịch, lắc đầu.

-Mầy muốn gì? -Ông thông dịch nói.

-Tôi không có liên hệ gì đến chuyện nầy. -Ông cha nói.

-Tao đã bị ăn cắp trong xóm của mầy. -Ông thông dịch cứ khăng khăng. -Xóm của mầy có trách nhiệm về chuyện đó.

-Bị ăn cắp hay không làm sao mà biết được. -Ông cha nói. -Có lẽ đã bị trôi sông mất rồi.

-Tao đã lột giày ra để trên cát cùng với quần áo của tao. Rõ ràng như vậy. Làm sao mà trôi đi được.

Một lần nữa, ông cha đã quay sang phía người lớn và trẻ em, nói với tất cả mọi người.

-Tụi bây. Có thằng nào ăn cắp giày không? -Rồi ông ta quay lại nói với ông thông dịch. -Hình như không có ai cả.

-Đừng giở trò gạt con nít. -Ông thông dịch giận đỏ mặt lên. Cái môi mỏng của ông ta run lật bật. - Đừng coi thường tao.

Cha thằng bé không có lấy một tiếng. Ông thông dịch đổ trách nhiệm lên đầu người cha.

-Giày đó là đồ của quân đội. Kẻ nào dấu hoặc ăn cắp đồ đạc của quân đội sẽ ra thế nào, có biết không?

Khi ông thông dịch quay người đưa tay lên, thì để đáp lại việc đó, từ sân trường, một anh chàng tóc vàng thật cao và những anh chàng tóc nâu đã đi đến vây xung quanh người cha và ông thông dịch. Người cha hoàn toàn mất hút giữa những đôi vai rộng và cao của bọn lính ngoại quốc. Bọn lính ngoại quốc không biết tại sao lúc nầy lại mang trên vai những cây súng ngắn chắc nịch, để báng súng đụng cồm cộp vào hông.

Bọn lính ngoại quốc tháo vòng vây, người cha ló mặt ra lớn tiếng nói.

-Thôi thì đến sông tìm thử xem sao. Ai cũng phải đến giúp nhen.

Thế là ông thông dịch và người cha dẫn đầu, bọn lính ngoại quốc, người lớn trong xóm và bọn trẻ đi theo xuống con sông dưới thung lũng.

Bọn trẻ hăng hái vừa đi theo vừa lấy chân hất, đạp tứ tung những gốc ráng rậm rạp. Đi tìm kiếm trên bờ sông ngắn là một việc hết sức đơn giản. Ngoài ông thông dịch ra không ai có vẻ làm hết sức mình.

Trong đám lính ngoại quốc có một anh lính còn trẻ măng, mặt đầy tàn nhang cặp súng lên vai nhắm ngọn cây đồng. Trên cây đồng có một con chim xám sổ lông tròn trịa mới từ bên bờ kia sông bay đến. Con chim im lìm không động đậy nhưng anh lính đã không bắn. Khi anh ta đưa mũi súng xuống, và bắt đầu rảo mắt tìm giày ở bờ sông, người lớn trong xóm và bọn trẻ tất cả thở phào ra. Hơi thở của họ nóng hổi. Mọi người trong xóm bắt đầu cảm thấy như được giải thoát khỏi những căng thẳng đối với lính ngoại quốc.

Nhưng ông thông dịch đã nhặt được sợi dây giày của ông ta từ một bụi cỏ cách bờ sông khá xa. Khi ông giận dữ đưa sợi dây bị cắt bằng một lưỡi dao bén lên, không khí lúng túng lẫn sợ sệt đã trở lại trong đám người trong xóm. Bọn trẻ đã thụt lùi lại trong những bụi trúc lùn, cỏ dại và những đám ráng rậm rạp.

Khi ông thông dịch hét to lên bằng tiếng ngoại quốc, anh lính có cái ngực dày, cái đầu tóc nâu đã khệnh khạng đến gần ông ta. Ông thông dịch lấy sợi dây giày bị cắt ra giải thích sự việc rồi đưa tay chỉ khoảng cách từ bờ sông đến chỗ nhặt được sợi dây. Trong khi đó, người cha nhăn mày lắng nghe với vẻ khó chịu nhưng vì không hiểu tiếng ngoại quốc nên ông ta chỉ suy nghĩ mông lung đến những chuyện khác. Anh lính chậm rãi gật đầu rồi đưa mắt nhìn quanh đám người lớn trong xóm. Sau đó ông thông dịch bắt đầu nói như nạt người cha.

-Trong xóm mầy có người ăn cắp. Thằng đó là ai? Chắc chắn mầy biết. Gọi nó ra thú tội đi.

-Làm sao tui biết được. -Ông cha nói. -Trong xóm nầy không có ai đi ăn cắp cả.

-Láo khoét. Mầy tưởng như vậy là có thể gạt được tao à. -Ông thông dịch ăn nói đểu cáng ra. -Thằng nào ăn cắp thiết bị của quân đội dẫu có bị xử bắn cũng đành phải chịu. Thế mà vẫn chối hả.

Người cha không có một phản ứng. Ông thông dịch chau mày lại nhìn ông ta. Anh lính tóc nâu nói cái gì đó với ông thông dịch bằng một giọng hết sức bình thường. Ông thông dịch gật đầu trả lại vẫn với dáng điệu khó chịu. Rồi bọn chúng rút hết về sân trường, nhưng vì phải đi trên con đường nóng cháy bằng chân không nên dáng điệu của ông thông dịch hết sức tiếu lâm. Ông thông dịch đi như nhảy nhót , lâu lâu đưa tay lau mồ hôi dơ ở cổ.

Ở sân trường, sau khi khoa chân múa tay nói chuyện với anh lính tóc nâu, ông thông dịch đã lên tiếng với dáng điệu rõ ràng nhằm gây hiệu quả làm rúng động tất cả những người lớn trong xóm.

-Bọn tao sẵn sàng đi lục soát tất cả nhà cửa của tụi bây. -Ông ta nhấn mạnh. -Bọn tao sẽ bắt thằng dấu giày. Nhưng nếu bây giờ chịu đưa giày ra xin lỗi thì bọn tao sẽ tha cho.

Mọi người trong xóm không có ai bối rối cả. Ông thông dịch càng ngày càng trở nên tức giận.

-Nầy, tụi con nít, trong dám tụi bây có ai thấy thằng nào dấu giày không? Nếu có thì ra đây nói với tao. Tao sẽ thưởng cho.

Bọn trẻ cũng im lặng, không một lời. Ông thông dịch lại nói chuyện với anh lính ngoại quốc với dáng điệu hùng hổ. Anh lính gật đầu trở lại phòng học với vẻ không biết phải làm sao hơn. Ông thông dịch ngẩng cái đầu đầy mồ hôi lên nói.

-Phải lục soát tất cả mọi nhà. Ai ăn cắp thiết bị của quân đội mà cứ im miệng dấu kín, người đó sẽ bị xử phạt.

Rồi ông ta ra lịnh.

-Tất cả theo tao. Bắt đầu lục soát từ đầu phía bắc, trước mặt tất cả mọi người. Cho đến khi tìm được đôi giày, không có ai được phép làm chuyện riêng.

Người lớn trong xóm không có ai cục cựa. Ông thông dịch phùng má lớn tiếng lên.

-Sao cứ ngú ngớ chậm chạp như vậy hả. -Ông ta lớn tiếng hối thúc những người trong xóm. -Tao đã bảo là theo tao. Không muốn theo hả?

Tiếng nói của ông ta bị trời nóng cháy hút mất, và bọn đàn ông trong xóm cứ khoanh những cánh tay bắt đầu đượm mồ hôi, đứng nguyên một chỗ. Ông thông dịch vì quá giận, như bị ai đó vặn tréo người, ông ta mở cặp mắt bốc hỏa ra lườm lườm nhìn bốn phía, thân thể run lật bật.

-Đã bảo là theo tao, lục không chừa một nhà nào hết.

-Thôi cứ đi theo đi. Phải có mặt để làm chứng chớ. -Người cha nói.

Bọn đàn ông trong xóm đã đi theo ông thông dịch đến phía bắc thung lũng. Đây là giờ trời nắng rọi xuống thung lũng mạnh nhất. Giận đến độ như phát điên, ông thông dịch phải đem toàn tâm toàn lực ra để đi bằng chân không một cách hết sức tiếu lâm, trên những hòn đá nóng bỏng trải trên đường, nhưng ông phải ráng chịu đựng. Vì thế nên bọn trẻ đang đưa mắt nhìn theo họ đã phải bật cười. Bọn lính ngoại quốc cũng đã cười như hoàn toàn không biết phải làm sao hơn. Bọn trẻ đã nhanh chóng lấy lại tình cảm thân thiện đối với bọn lính ngoại quốc.

Trong lúc ông thông đang lục lạo, bọn lính không thể đi về được nên bọn chúng cứ rảo quanh xe jeep mà không biết phải làm gì, cuối cùng bọn chúng đã rút hết về phòng học. Bọn trẻ theo nhìn chừng bọn lính, được hưởng một thời gian vui thích. Bọn lính có vẻ lạ với một bé gái nhỏ mặc kimono nên đã chụp ảnh và ghi kỉ niệm trong sổ tay. Nhưng vì việc lục soát quá lâu nên bọn họ cũng đã cảm thấy chán chuyện đó.

Kasumi
28-08-2007, 07:12 PM
Ông thông dịch vẫn cứ một mực tiếp tục lục soát. Bọn lính để nguyên chân mang giày, leo lên sàn nhà lót gỗ trong trường. Có người nằm lăn ra ngủ, có người dựa lưng trên ghế chờ đợi. Bọn họ hình như không biết phải làm thế nào. Trong đám có một anh lính trẻ cứ luôn đưa hàm ra ngáp, thỉnh thoảng anh ta lại nhổ nước bọt màu hồng xuống trên mặt đất đầy bụi, khô khan vì nắng nóng.

Bọn người lớn đi theo ông thông dịch lục soát từng nhà, nhưng bọn trẻ cứ quây quần trong sân trường nhìn xe jeep hoặc nhìn bọn lính đang ngán ngẫm. Bọn con nít ngắm họ thích thú, không biết chán. Anh lính trẻ liệng cho bọn nó túi kẹo anh ta đang cắn. Bọn nó mặt mỉm cười, lòng rộn ràng vì vui thích. Chúng lấy kẹo ăn, nhưng thứ kẹo gì cứ dính răng, giống như da, cắn mãi không đứt. Tất cả bọn trẻ đã phun thứ kẹo đó ra nhưng ai cũng cảm thấy thỏa mãn.

Bỗng trời nắng dịu lại, mặt núi bao quanh thung lũng đen dần, gió bốc lên, cây cỏ dưới rừng dẻ lay động. Trời đã xế chiều. Cuối cùng ông thông dịch cũng đã mệt nhừ, ông ta dẫn bọn người lớn trong xóm trở lại trường học với vẻ bực tức, miệng không một lời. Cái chân không của ông ta dính đầy bụi và mồ hôi, vừa dơ dáy giống như bị bọc bằng vải đen, vừa to lớn khó coi.

Hình như ông ta đang giải thích mọi việc cho bọn lính ở trong phòng học nghe. Trong bọn lính, không còn có tiếng cười nữa. Bọn lính đã mệt mỏi chờ đợi nên ra vẻ không nhẫn nhục được nữa. Khi bọn lính mang súng lên vai tiến ra sân trường, ông thông dịch như được nâng đỡ ở sau lưng, ông ta đã quay mình đối diện với bọn người lớn trong xóm.

-Hợp tác với tôi đi. -Ông ta nói với giọng như cầu khẩn. -Hợp tác với tôi đồng nghĩa với hợp tác với quân chiếm đóng. Từ nay trở đi, người Nhật nếu không hợp tác với quân chiếm đóng thì không có cách nào để sống được. Tụi bây là những người bại trận phải không nào? Dẫu có bị những người thắng trận tàn sát đi nữa cũng không thể nào nói được một lời bất mãn. Không chịu hợp tác thì đúng là điên, phải không?

Bọn người lớn yên lặng chăm chăm nhìn ông thông dịch. Ông thông dịch tức giận lên, ông ta vừa trỏ tay chỉ người cha của thằng bé, vừa la hét với cái giọng đầy vẻ uy hiếp.

-Bọn tao sẽ không ra khỏi cái xóm nầy cho đến khi bọn tụi bây trả lại đồ ăn cắp của tao. Tao chỉ cần nói với bọn lính rằng trong cái xóm nầy có người chống đối đang cầm vũ khí ẩn náu bên trong thì bọn lính sẽ ở lại cái xóm nầy và sẽ bất đầu tra hỏi từng người. Bọn lính mà ở lại đây, bọn tụi bây thì ngay bây giờ, bọn vợ con của tụi bây đang trốn trên núi cũng không biết sẽ phải ra sao.

Ông thông dịch vừa mím chặt môi vừa lườm mắt nhìn xung quanh như để xác nhận những gương mặt bối rối của những người trong xóm.

-Hả! Bọn bây nhất định không hợp tác hả?

-Không có ai nói là biết đôi giày của ông. Ai cũng nói rằng chắc nó đã trôi dưới sông. -Người cha của thằng bé nhẫn nại nói. -Không phải là vấn đề hợp tác hay không hợp tác.

-Cái thằng chó đẻ nầy. -Ông thông dịch nhăn răng ra hét lên, bất ngờ hắn đưa tay đánh thẳng vào mặt người cha.

Người cha đưa tay ôm chặt cái cằm gân guốc của mình, thân thể không một chút lay động. Môi bị đứt, máu bắt đầu rơi từng giọt. Gò má rám nắng của ông ta bắt đầu đỏ ra. Như bị nỗi lo âu đè nặng lên ngực, đứa con đưa mắt lên nhìn cha nó .

-Thằng chó đẻ nầy. -Ông thông dịch thở hổn hển. -Mầy là trưởng xóm. Mầy phải có trách nhiệm. Nếu mầy không nói tên của thằng ăn cắp ra, tao sẽ nói với bọn lính rằng mầy là thằng ăn cắp. Tao sẽ để bọn nó bắt mầy giao cho hiến binh của quân chiếm đóng.

Người cha chậm rãi đổi hướng quay lưng về phía ông thông dịch rồi bắt đầu đi. Thằng bé cảm thấy cha mình đã hoàn toàn mất bình tĩnh. Ông thông dịch lớn tiếng cố gọi trở lại nhưng ông cha không có một phản ứng, ông ta cứ mạnh dạn đi nhanh lên.

-Đứng lại. Đồ ăn cắp. Chạy trốn hả. -Ông thông dịch la lên, tiếp theo đó ông ta đã hét lên bằng tiếng ngoại quốc.

Anh lính trẻ cặp súng bên hông nhảy ra và cũng đã nạt bằng tiếng ngoại quốc. Ông cha quay mặt lại rồi bỗng như cảm thấy khiếp đảm, ông ta quýnh chân chạy đi. Ông thông dịch hét lên, anh lính trẻ đã nổ súng, ông cha dang hai cánh tay ra, thân thể như bay lên trên không rồi đổ nhào xuống đất. Những người trong xóm chạy xúm lại, nhưng trước khi đó thằng bé con ông đã nhảy vào ôm ông cha đang nằm lăn. Từ mắt, mũi và lỗ tai máu tràn ra và người cha đã chết. Đứa bé vừa lắc lư khóc tức tưởi vừa úp mặt vào cái lưng như sắp cháy bùng lên vì nhiệt của người cha. Một mình nó đã ôm cứng người cha. Những người ở trong xóm quay mặt lại và qua không khí đậm đặc xế chiều, bọn họ nhìn ông thông dịch và thằng lính ngoại quốc đang đứng như mất hồn. Ông thông dịch bước hai ba bước rời khỏi thằng lính, ông ta lên tiếng gọi như điên cuồng nhưng người lớn trong xóm và bọn trẻ không một ai trả lời. Tất cả mọi người chỉ im miệng trừng trừng đưa mắt nhìn ông thông dịch.

Đêm sắp tàn, chỉ có thằng bé và mẹ nó ở bên cạnh xác chết to lớn nằm trên sàn nhà. Bà mẹ tay ôm gối ngồi bệt xuống sàn giống như đàn ông, thân thể không nhúc nhích. Từ cửa sổ tiếp diện với thung lũng, thằng bé chăm chăm nhìn xuống dưới, thân thể không động đậy, miệng cũng không mở ra nói một lời nào.

Sương mù dày đặc bốc lên từ con sông dưới đáy thung lũng. Thằng bé nhướng mắt chăm chú nhìn thì thấy có một đám người lớn đang ở trên con đường đá từ xóm đi lên. Sương mù từ dưới cũng chuyển động dần lên phía trên như đuổi theo bọn họ. Bọn người lớn, miệng không một lời, chầm chậm đi lên. Như cõng trên lưng một vật nặng, bọn họ bước từng bước một đi lên. Thằng bé cắn môi chăm chú nhìn. Ngực nó đập thình thịch. Bọn người lớn quả thật chậm chạp nhưng chắc chắn, từng bước đi lên. Thằng bé như muốn chết ngất. Rồi bỗng nhiên người mẹ lết lại gần thằng bé, nhìn ra ngoài cửa sổ. Thằng bé biết mẹ nó đã nhìn thấy đám người lớn. Người mẹ choàng tay ôm lấy vai thằng bé. Thằng bé dấu thân mình trong cách tay người mẹ.

Kasumi
28-08-2007, 07:13 PM
Vừa mới thấy bọn người lớn khuất dạng sau cụm cây sồi, thì liền sau đó bọn họ đã đưa tay đẩy cánh cửa dẫn đến căn nhà nền đất, mà không lên một tiếng gọi, bọn họ đứng thành một đám trong căn phòng, im lặng chăm chăm nhìn thằng bé. Thằng bé cảm thấy người mẹ đang ôm mình bắt đầu run rẩy, như thể bị truyền nhiễm, thân thể nó cũng bắt đầu run rẩy.

Nhưng nó đã tháo cánh tay người mẹ ra và đứng dậy. Sau đó nó đi chân không xuống căn phòng nền đất giữa đám người lớn. Bọn người lớn lần xuống con đường dốc ướt đẫm mù sương, và thằng bé không dứt run rẩy vì sương lạnh và vì sợ, nó lúp xúp chạy theo đám người lớn.

Con đường được làm ra để lấy đá vôi, đến một chỗ bằng phẳng ở trước một chỗ lấy đá nhỏ thì chia ra hai nhánh. Băng qua cây cầu bằng đất thì đến những bậc thang đá đi xuống chỗ sâu của con sông trong thung lũng. Nơi đó có bọn đàn ông râu ria xồm xoàm, với những gương mặt nghèo nàn thâm độc bị méo mó vì căng thẳng, nhìn xuống thằng bé. Bọn họ chăm chăm nhìn thằng bé mà không có một lời nào.

Thằng bé quàng tay thật chặt thân mình để đèn nén cơn run, vừa cảm thấy cái nhìn của bọn người lớn chăm chú theo sau lưng, nó đã lúp xúp một mình nhắm hướng sân trường. Chiếc xe jeep đậu im lìm trong ánh trăng mềm mại. Thằng bé đến trước chiếc xe rồi dừng lại. Bọn lính chắc đang ngủ trong lớp học. Thằng bé ngậm đầy nước dãi dinh dính trong cổ họng, chăm chú nhìn chiếc xe jeep.

Trong ghế lái xe có bóng người ngồi bật dậy. Cái bóng đó mở cửa chồm nửa mình ra ngoài.

-Ai vậy. -Có tiếng của ông thông dịch. -Đến đây làm gì vậy.

Thằng bé im lặng. Nó đưa mắt nhìn lên cái đầu đen thui của ông thông dịch.

-Mầy biết chỗ dấu giày tao hả. -Ông thông dịch nói. -Mầy muốn nói với tao để lấy phần thưởng hả?

Thằng bé căng má ra, dùng hết sức mình ngước mặt lên. Và nó im lặng. Ông thông dịch nhẹ mình nhảy xuống. Ông ta vỗ bịch lên vai thằng bé.

-Mầy khôn lắm. Ừ, cứ dẫn tao đi đi. Không có chuyện gì phải lo, tao sẽ không nói với ai cả.

Thằng bé và ông thông dịch vừa lộp cộp đụng vào người nhau, vừa quay lại đi theo con đường thằng bé đã đi. Thằng bé đem toàn tâm toàn lực ra cố làm sao để không bị để ý rằng nó đang run.

-Mầy muốn được thưởng cái gì đây. -Ông thông dịch nói không ngớt miệng. - Nầy, mầy muốn được thưởng cái gì hả? Mầy muốn tao xin mấy thằng lính cho mầy kẹo không? Mầy có thấy bưu ảnh lần nào chưa? Hay mầy muốn tao cho mầy tạp chí của mấy thằng lính nó đã đọc xong.

Thằng bé vẫn im lặng nín hơi. Bàn chân không của nó bị đá đâm đau điếng. Đối với ông thông dịch chắc còn đau hơn nữa. Ông ta vừa nói chuyện vui vẻ vừa đi theo thằng bé.

-Mầy câm hả? -Ông thông dịch hỏi. -Thằng nầy câm nhưng khôn ghê à. Bọn người lớn trong xóm mầy, họ làm sao đâu á.

Hai người đã đến trước chỗ lấy đá. Qua cây cầu đất, bọn họ lần xuống những bậc đá trơn trợt ướt sương mù. Từ bóng tối dưới cây cầu đất bất ngờ có một cánh tay vung ra bịt miệng ông thông dịch. Sau đó, một vài người lớn với bộ sinh dục trần truồng teo héo trên thân, với những bắp thịt cứng như đá, với những cọng lông cứng mọc đầy phía trước, đã vây quanh ông thông dịch. Ông thông dịch không tài nào động đậy được. Những người trần truồng ôm chặt ông ta rồi từ từ kéo đến chỗ sâu nhận chìm ông ta xuống dưới nước. Người nào không tiếp tục nín thở nổi nữa sẽ buông ra, đưa mặt lên nước thở xong, lại lặn xuống, ôm chặt ông thông dịch. Một khoảng thời gian dài, bọn người lớn cứ thay nhau làm đi làm lại cái công việc đó. Sau đó họ đã để một mình ông thông dịch ở lại trong nước sâu, rồi leo trở lên bậc đá. Bọn họ ai cũng lạnh run. Thân thể đang run lẩy bẩy, nhưng họ đã vuốt nước và mặc lại quần áo. Bọn người lớn đã tiễn chân thằng bé đến tận đầu dốc đường. Rồi như bị tiếng chân quay lại của bọn người im miệng thôi thúc, thằng bé lúp xúp chạy qua cánh rừng hừng sáng.

Khi thằng bé mở cửa, sương mù của buổi rạng đông mềm mại, xanh xám đã tràn đầy vào cánh cửa đang mở. Người mẹ với cái lưng đen, đứng im lìm quay mặt sang phía căn nhà nền đất, đã lên tiếng ho. Thằng bé đứng trong căn nhà nền đất, cũng lên tiếng ho. Người mẹ quay lại nhìn nó với cặp mắt đầy trách móc. Thằng bé im lặng đưa chân bước lên căn nhà lót ván, đến nằm xuống ở một góc chiếu có thân thể to lớn của ông cha chiếm hết phân nửa. Thân thể nó nổi da gà vì lạnh. Ánh mắt của người mẹ đang bò quanh cái vai hẹp và cái cổ nhỏ của nó. Nó khóc tức tưởi không ra tiếng. Nó mệt nhoài, cảm thấy đau buồn và khổ sở với tình cảm thấy mình bất lực, nhưng hơn cả mọi chuyện, có lẽ là nó đã cảm thấy run sợ mãnh liệt. Người mẹ đưa tay nhẹ sờ ót nó. Nó cắn môi, quạu quọ gạt mạnh tay người mẹ ra. Nước mắt nó ràn rụa. Có tiếng chim nhỏ hót lên rộn ràng trong cánh rừng rậm có lẫn lộn một vài cây dẻ mọc đến sát sau nhà.

Sáng đến, một anh lính ngoại quốc đã tìm thấy ông thông dịch thò hai bàn chân trắng lên nổi lềnh bềnh trên chỗ sâu của con sông dưới thung lũng. Hắn đánh thức đồng bọn dậy, kể cho nghe chuyện đó. Bọn họ định gọi những người trong xóm đi vớt ông thông dịch. Nhưng chung quanh bọn họ không có một đứa trẻ nào đến gần, xa xa cũng không có một đứa trẻ nào theo dõi bọn họ.

Bọn người lớn, có kẻ đang ra đồng làm việc, có kẻ đang sửa chữa những thùng mật ong, lại có kẻ đang cắt cỏ. Bọn lính ngoại quốc khoa chân múa tay cố nói những điều mình muốn, nhưng người lớn trong xóm không có ai có phản ứng. Bọn họ tiếp tục làm việc, trước mắt họ bọn lính chỉ là những cây cỏ hoặc là những viên đá cuội trên đường. Tất cả mọi người đều im lìm làm việc. Ngay như việc bọn lính đang vào trong làng, họ cũng quên mất.

Cuối cùng, một thằng lính ngoại quốc đã cởi quần áo ra, xuống sông vớt xác chết mang lên xe jeep. Suốt thời gian cho đến khi trời sắp đến trưa, bọn lính ngoại quốc khi thì ngồi, khi thì đi lẩn quẩn chung quanh xe jeep. Bọn họ có vẻ hết sức bối rối và tức giận.

Sau đó, chiếc xe jeep đã bất ngờ quay trở lại con đường vô xóm. Người trong xóm và bọn con nít không một ai để ý đến chuyện đó, họ vẫn sinh hoạt như thường ngày. Trên con đường vừa ra khỏi xóm, có một bé gái đang vuốt ve vành tai một con chó. Anh lính mắt xanh trong trẻo nhất trong bọn đã liệng một gói kẹo cho cô bé, nhưng cô bé và con chó cứ tiếp tục đùa giởn, không để ý gì đến gói kẹo.

- hết -