PDA

View Full Version : [cảm nhận] Trò chuyện đầu tuần



Cốm
30-08-2007, 10:58 PM
Chuyên mục Trò chuyện đầu tuần trên HHT. Kishi thấy cái này rất hay và cũng dễ đọc, mong mọi người ủng hộ :big_smile


Thiên hạ vô tặc

1. Anh bạn người Nhật tên là Cosi, chắc bạn còn nhớ đã đôi lần chúng ta nhắc đến tên anh. Anh là một thanh niên tình nguyện sang dạy tiếng cho sinh viên Việt Nam. Trong một lần vui chuyện, anh hồn nhiên "phổ cập công nghệ" chống móc túi ở TP HCM. (Người Nhật vốn thông minh và giỏi công nghệ). Như sau: Nếu bạn có chiếc ví cũ không dùng nữa, bạn chớ vứt đi. Bạn phải sử dụng chiếc ví cũ này làm vật nghi binh, bên trong dĩ nhiên là không đựng tiền mà thay vào đó là vài tờ giấy loại hoặc dăm tờ vé số cũ. Bạn gập ví cũ này lại và kẹp vào giữa chiếc ví đựng tiền mà bạn đang sử dụng.

Khi gặp kẻ gian móc túi, họ sẽ chỉ rút được cái ví cũ và yên chí lớn với chiến lợi phẩm vừa đánh cắp được, còn cái ví bạn đang dùng đựng tiền thì coi như thoát nạn. Rất thông minh và đắc dụng! Nhưng, được phổ cập công nghệ kiểu như thế này bạn có thấy đau không?

2. Tôi có quen một anh bạn người Nhật ở Tokyo. Anh làm nghề phiên dịch tiếng Việt, rất yêu Việt Nam. Anh kể rằng anh rất thích dịch cho bạn bè Việt Nam. Chỉ có điều đôi khi anh rất đau lòng khi phải nhận phiên dịch cho cảnh sát Nhật trong những trường hợp tội phạm là người Việt. Có 2 lần anh thông dịch cho trường hợp chị M. Chị này đã phạm tội ăn cắp nhiều lần rồi nhưng vì có con nhỏ nên đã được tha, chưa bị trừng phạt lần nào. Lần ấy chị lại tiếp tục vào ăn cắp mỹ phẩm trong siêu thị. Anh cũng thông dịch nhiều vụ ăn cắp xe cày ở nông thôn. ở nông thôn Nhật, người ta để xe cày rất tự nhiên ở ngoài đồng, thế là người mình đến ngang nhiên tháo ra cho vào bao tải vác đi. Anh Quý, nạn nhân chiến tranh sống ở Hiroshima cho biết, ở đây có cả người mình hành nghề ăn cắp hẳn hoi. Bạn ơi, nghe những câu chuyện này bạn có xót xa không?

3. Tiếng Việt thế kỷ 21 bỗng chợt buồn bởi có 2 khối u kỳ quặc. Một "tiền tố" đạo: đạo văn, đạo nhạc, đạo luận án, đạo phần mềm, đạo…báo cáo! Giải Trí tuệ Việt Nam đã đạo, giải Sao Khuê cũng đạo. Và "hậu tố" tặc: Lâm tặc, tôm tặc, ngư tặc, càphê tặc, tiêu tặc…Mang 2 khối u trong tiếng Mẹ đẻ, bạn có thấy xấu hổ không?

4. Trên con đường vào chung cư Linh Đàm, một khu nhà ở cao tầng đẹp và hiện đại, trong lành như một khu du lịch sinh thái, mọc lên một tấm biển: Đề phòng cướp giật! Thật không có một biển báo nào xấu xí hơn. Thử tưởng tượng, nếu thế giới này không trộm cắp, nghĩa là "thiên hạ vô tặc", thì sẽ không có khoá cổ khoá càng, không có những đầu tư chống trộm, không có ***g sắt cửa xếp, chuông báo động, camêra…Hẳn là chúng ta sẽ có nhiều tiền hơn cho trẻ em nghèo, tàn tật, cho người neo đơn, cho trường học, trạm xá…Bạn có thấy nuối tiếc không?

5. Bạn đọc 8X, 9X thân mến ơi! Nếu như đọc những dòng này mà bạn thấy quan tâm, bạn còn thấy đau, thấy xót xa, bạn thấy xấu hổ, bạn thấy nuối tiếc, thì thật là may mắn, vì như thế có nghĩa là bạn vẫn chưa "đứt dây thần kinh xấu hổ". Và sẽ thật là tốt đẹp một khi bạn vẫn luôn biết giật mình, biết tự điều chỉnh mình trong mọi không gian và thời gian, từ những manh nha nhỏ nhặt cám dỗ hằng ngày, để sao cho mỗi ngày qua đi là một ngày yên tâm không hổ thẹn, khi bạn trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Khi bạn biết rằng nói dối cũng chính là ăn cắp niềm tin của bạn bè. Chạy điểm là ăn cắp tri thức, quay cóp là ăn cắp sức lao động. Bắt nạt bạn nữ là ăn cắp sự bình đẳng. Đua xe phá phách là ăn cắp sự bình yên. Thoả hiệp với cái xấu là ăn cắp sự minh bạch, tự trọng…

6. Người Trung Hoa đã viết "Người Trung Quốc xấu xí", đã làm phim "Thiên hạ vô tặc" là để thể hiện lòng quyết tâm đoạn tuyệt với cái xấu như thế. Còn ta?

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy

Cốm
02-09-2007, 11:24 AM
Em mong chờ mùa thu

Em mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ…

Mùa thu đem đến mơ màng, đánh thức lãng mạn giữa thế gian trần trụi.

Thu về cho đất trời làm điệu, khoác voan vàng kiêu sa.

Thu về cho nắng thuỷ tinh, để nắng có thể đi vào trong mắt em.

Mùa thu cho em phá cỗ, cho chị em trèo lên quán dốc ngồi gốc cây đa hát hội trăng rằm.

Đáy đĩa mùa đi, mùa thu ăn cốm. Thu tới thay ca cho hạ về nghỉ ngơi sau tháng ngày mệt nhoài vì toả nhiệt ấp ủ cho hoa trái chín rộ, ngọt ngào.

Mùa thu là ốc đảo của sa mạc thời gian.

Thu về để thời gian có dấu ấn của đổi thay. Để thời gian cũng có màu, để biết giật mình thương cảm những sợi tóc nhuốm thu. Thu về cho se giọt mồ hôi trên cánh đồng. Cho mo cơm của cha lâu thiu, cho bầu nước của mẹ lâu cạn. Thu về cho đất trời mát dịu, cho năng suất lao động tăng, cho cánh đồng vàng cổ tích, cho bức tranh tăng trưởng thêm màu sáng. Thu về cho quê hương em đủ 4 bức tứ bình, an lành và thịnh vượng.

Mùa thu Hà Nội nhắc ai một lần rời xa phải đếm ngày đếm tháng, thương nhớ suốt mười hai.

Thu về lá rụng trên bức phù điêu trường nữ học xứ Huế. Nhắc em chiếc lá xà cừ rụng trong cặp, đọc lại những dòng ghi trên lá từ trước hạ, để rồi suốt năm sau không hết bồi hồi.

Thu về cho em trở lại trường, lại lên Thành phố, gặp thầy gặp bạn. Một năm khởi đi từ mùa xuân. Năm học khởi đi từ mùa thu, nên vui biết mấy, ơi mùa thu - mùa xuân của học đường…

Thu về cho tiết tấu rõ ràng để nhịp đi thêm rộn rã. Thu về cho niềm cảm hứng mới. Thu về cho em có thể xênh xang quần áo. Để không chỉ sắc trời thu quyến rũ, cuộc đời cũng quyến rũ, và con người cũng quyến rũ.

Và thế là, em mong chờ mùa thu…

Mùa thu còn nhắc rằng, em lớn lên từ quê hương tháng Tám, loa vang lời cách mạng một mùa thu. Nhắc em khí phách của mỗi con người Việt Nam dám đứng lên phá cường bạo, bước qua gông xiềng phong kiến và nô lệ, để mỗi người dân được làm một công dân, chứ không phải là một thảo dân hoặc tiện dân, là cỏ rác hay đáng bị sỉ nhục coi thường.

Mùa thu nhắc em ngày sinh nhật nước, ngày khai sinh một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một chính thể mang những giá trị tiên tiến nhất Đông Nam á ngay từ giữa thế kỷ trước.

Và từ đó, em mong chờ mùa thu. Em càng yêu quý mùa thu…

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy

Cốm
02-09-2007, 11:25 AM
Trái Đất và Trái Nước

Có lần, một bạn học sinh hỏi tôi rằng: Trái Đất ba phần tư là nước, sao không gọi là Trái Nước mà gọi là Trái Đất?

Câu trả lời rất có thể là vì con người lấy không gian sống của mình để định vị, và họ gọi tên theo thể hoán dụ. Con người thân thiện với đất hơn là với nước. Đơn bào, đa bào…Có thể hàng triệu triệu năm trước, con người đi ra từ nước. Nhưng khoảng thời gian quá lâu đủ để họ xa lạ với cái nôi của mình. Nước sâu thăm thẳm, đại dương bao la tiềm ẩn bao bất trắc. Nào là ma tà, thuỷ quái, tam giác quỷ, tàu ma, sóng thần… Kể từ đó, họ đã thân thiện với Sơn Tinh hơn là Thuỷ Tinh.

"Giọt lệ giữa không trung"- là Trái Đất- đã thực sự là nước mắt khi một con sóng thần đã tàn phá Nam á và Đông Nam Á trong ngày Chủ nhật định mệnh vừa qua, cướp đi sinh mạng của gần 90.000 người. Đó chưa phải là con số cuối cùng. Những ngôi làng chài nghèo từ bao đời của những nước nghèo, trong phút chốc hoang tàn. Những người mẹ trong phút chốc mất con, tiếng kêu lạc giọng. Những ngôi nhà đổ nát, những xác người. Ôi, những xác người đã qua kiếp người, đã tạm biệt cuộc sống hiền hoà, lương thiện. Những em bé. Có những em bé, chết rồi mà cánh tay vẫn vươn lên, không thể hạ xuống được. Có thể đó là động tác cuối cùng vươn tay gọi mẹ trong nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng.

Vậy là đã có trái nước, trong một nghĩa nào đó! Gió có trái gió, và nước có trái nước. Khốc liệt, bạo tàn. Đất nước mình nằm xoài trên bờ biển. Nhiều bão lũ. Và rất nhiều những người đàn ông ra biển không về. Cho nên chúng mình hiểu được nỗi đau thiên tai. Hôm nay chúng mình cùng chia sẻ nỗi đau với thế giới, cũng như thế giới cũng đã từng bao lần cùng dân mình chia bất hạnh.

Mặt Trăng. Mặt Trời. Sao Hoả. Sao Kim… Chỉ có Địa Cầu được gọi là Trái Đất. Trái chín, trái rụng, trái là phải lửng lơ giữa không gian. Mong manh làm sao! Tôi đã từng khuyên em phải viết hoa cả hai chữ Trái Đất. Đâu phải bởi chỉ vì đó là luật chính tả cho danh từ riêng, là độc nhất vô nhị. Mà còn vì lòng trân trọng thiêng liêng trước sự mong manh này.

Rồi sẽ hàn gắn nỗi đau và rút cho mình những suy ngẫm. Suy ngẫm đầu tiên là trận động đất này có thể báo động kịp nếu thông tin có thể chia sẻ. Thông tin đã không được chia sẻ vì không đủ thiết bị lắp đặt hệ thống cảnh báo, các nước không đủ khả năng tài chính để tham gia dịch vụ thuê bao chia sẻ thông tin. Indo, Sri Lanka, ấn Độ, Bangladesh, Somalia…Người nghèo bao giờ cũng ở trong nhóm có nguy cơ cao. Nước nghèo cũng vậy?

Tự nhiên này còn biết bao điều chúng ta chưa hiểu hết, hiểm hoạ vẫn còn rình rập. Vậy thì thế giới này hãy tiếp tục tập trung cho sự khám phá, hiểu biết tự nhiên, để con người luôn được dự báo nhiều nhất có thể.

Mất mát, khổ đau. Thêm một lần nữa để con người biết e ngại trước mẹ thiên nhiên. Để trong khả năng của mình có thể, trong một phạm vi khác, con người có trách nhiệm hơn trong môi trường sống của mình, để xã hội này phát triển bền vững như ước vọng.

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy

Cốm
02-09-2007, 11:26 AM
Mặt Trời hình chữ nhật

Khoảnh khắc mà bố ưa thích nhất trong ngày là đi qua những ngõ nhỏ yên tĩnh của buổi chiều muộn, và nhận ra từ xa, cửa sổ nhà mình đã sáng đèn. Cảm giác có ai đó đang chờ đợi mình sau vầng sáng hình chữ nhật ấm áp kia, đối với bố, vô cùng quý giá!

Đôi khi, bố nhận thấy vào lúc cuối ngày, khi chiều đã muộn, sau một ngày dài căng thẳng, lại thường là lúc mà bố làm việc vô cùng hứng khởi và những việc bố làm vào lúc này thường suôn sẻ lạ. Có lẽ đó là bởi vì bố tưởng tượng ra khung cửa sổ nhà mình đã sáng đèn. Đã có người đang chờ đợi bố. Có tiếng cười của các con. Có tiếng vù vù của ngọn lửa xanh trong bếp ga. Tiếng reo lanh tanh của nước sôi trong nồi. Thoảng một mùi cơm thơm chín tới từ nồi cơm điện. Và có một nụ cười của mẹ đang dành sẵn trên môi cho cuộc gặp gỡ với bố sau một ngày dài...

Cái cảm giác biết mình là người đang được mong chờ thật hạnh phúc...
Đã bao ngày, bố là người về muộn... được hưởng cái hạnh phúc của người được cuối cùng trở về nhà.

Hôm nay, khi bố trở về, Mặt Trời hình chữ nhật vẫn chưa toả sáng. Đầu tiên là một cảm giác buồn bã và trống vắng. Bố là người đầu tiên trở về nhà, người đầu tiên tra chìa khoá vào ổ, bước vào căn nhà vắng lặng, là người bật đèn và mở cửa sổ. Là người cắm nồi cơm điện, bật bếp ga và đun nước...

Hôm nay, bố là người chờ đợi. Bố không bật tivi, không nghe nhạc, vì muốn ngóng tai lắng nghe, chờ đợi tiếng xe máy của mẹ, tiếng cười reo của các con... Và bố chờ đợi trong lặng lẽ, chờ cho đến khi không gian bỗng đầy ắp, không phải chỉ là âm thanh mà cả hình dáng nụ cười...

Bất ngờ thay, hạnh phúc của người đầu tiên trở về nhà, thắp lên Mặt Trời hình chữ nhật, hạnh phúc của người chờ đợi, khắc khoải hơn nhưng cũng thật tràn đầy

Tác giả: Ngô Thị Phú Bình

Cốm
02-09-2007, 11:27 AM
COPYRIGHT & bản quyền danh dự, bản quyền tự trọng

1. Nhớ lại năm trước, trong một khoá học quản lý báo chí ở Thuỵ Điển, giờ dạy môn trình bày báo. Tay hoạ sĩ lên lớp tên là Michael của báo Barometern. Tay này đã từng sang huấn luyện đặt trang cho báo Thanh niên tại Việt Nam, được hoạ sỹ DAD ký hoạ cho một cái biếm hoạ chân dung về hí hửng treo trước bàn làm việc. Sau thủ tục làm quen, đến phần giới thiệu sách tham khảo, Michael giới thiệu cho chúng tôi cuốn sách The Newspaper Designer's Handbook của Tim Harrower. Cuốn sách này về sau cũng đã được mua dễ dàng qua mạng Amazon.com. Điều đáng nhớ là Michael đã không quên căn dặn chúng tôi rằng, các bạn chỉ xem thôi, nếu xuất bản thì phải nhớ đừng vi phạm bản quyền nhé! Anh ta hóm hỉnh nói tiếp: Tôi nghe nói người Việt Nam định nghĩa copyright là right được copy, tức là quyền được copy!

2. Câu đùa nhẹ nhàng mà nhớ lâu, dù không đau cũng chẳng tức. Bởi thực tế của chúng ta vốn như vậy mà. Nói chuyện bản quyền trí tuệ đối với một nước nghèo, lạc hậu cũng thiên nan vạn nan như chuyện một anh trai cày bần cố nông phải tậu vài mẫu ruộng. Và ta vốn dĩ coi chuyện dùng trí tuệ của người khác mà không phải trả tiền là chuyện bình thường, cũng như ta dùng định luật Newton và bao nhiêu kiến thức tây học khai sáng mà chẳng phải trả cho ai một đồng phí tổn nào. Đành là vậy. Nhưng luật lệ của thời hội nhập thì không thể không tính đến. Người ta có thể châm chước nhưng mình không thể không có một lộ trình. Tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở nước ta còn đạt con số 92%, đứng đầu thế giới, ok, đó có thể là điều dễ hiểu. Nhưng khi ngay cả các doanh nghiệp thiết kế phần mềm cũng sử dụng phần mềm không phép, cũng vi phạm bản quyền thì là điều không dễ chấp nhận.

3. Trương Tùng người Tây Xuyên, xấu xí nhưng cực thông minh. Thời Tam quốc ông nhận lệnh đi sứ vào Hứa Đô định liên kết với Tào đánh Hán Trung. Tào Tháo thấy ông này hình dung cổ quái lại khí phách cao ngạo nên ghét, việc đi sứ không thành. Tuy nhiên, có một chi tiết rất hay, lưu truyền sử sách. Tướng của Tào Tháo là Dương Tu lấy cuốn sách Mạnh Đức tân thư của Tào Tháo mới viết đem cho Trương Tùng đọc, mục đích để sứ giả khâm phục Tào Tháo. Trương Tùng mở sách liếc qua một lượt cuốn sách dày cả 13 thiên, thuộc cả. Rồi cười ầm lên mà rằng: Sách này trẻ con nước Thục tôi đứa nào cũng thuộc cả, đó là do người vô danh thời Chiến quốc viết ra, sao lại gọi là "tân thư". Thừa tướng đã … vi phạm bản quyền rồi! Tháo thất kinh nói: "Hay là người đời xưa cũng hợp ý ta chăng?" Lập tức sai xé vụn quyển sách ấy và đem đốt đi.

4. Đúng là hành động đẹp của một tính cách lớn. Tào Tháo giỏi kiếm cung, giỏi trị nước theo hướng pháp trị, và nổi bật một phẩm chất hào hoa nghệ sĩ, rất con người. Cầm ngọn giáo phá Khăn vàng, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, thu Viên Thiệu, thọc sâu Tài Bắc, ruỗi thẳng đến Liêu Đông, tung hoành trong bốn bể thật không hổ danh một kẻ đại trượng phu. Mẩu chuyện vừa dẫn cho thấy ông ta còn là người có phẩm cách tự trọng. Chẳng thèm vi phạm bản quyền ngay cả khi chỉ là một sự áp đặt mơ hồ.

5. Chuyện bản quyền, hãy bỏ qua tầm vóc vĩ mô đầy khó khăn của một nước kém phát triển, thì rất nhiều khi đây lại là câu chuyện của lòng tự trọng. Đó là khi ta cứ chép bài của bạn ngồi bên cạnh trong giờ kiểm tra. Đó là khi ta đạo văn, đạo luận văn, đạo giáo trình, đạo nhạc, đạo từ điển và đạo tất cả những gì có thể đạo…

6. Là một nước nghèo chậm phát triển, làm thế nào mà không sử dụng trí tuệ của nhân loại cho được khi mà mọi điều đều đã được khai phá từ trước đó. Tuy nhiên, không có bản quyền trí tuệ thì ta vẫn còn bản quyền về danh dự, bản quyền về sự lương thiện, bản quyền về lòng tự trọng. Chẳng nhẽ ta mất nốt? Nếu như vậy thì ta cũng đánh mất luôn bản quyền làm người công dân loại một về tay thiên hạ luôn rồi hay sao?

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy

Cốm
02-09-2007, 11:28 AM
Những lời khen chứa một phần xấu xí

Năm 1859, một phụ nữ bỗng ngã lăn ra chết hai ngày sau đêm khiêu vũ. Trong đêm này bà ta được ca tụng là người có tấm lưng ong đẹp nhất. Mổ khám nghiệm tử thi mới hay bà ta bị dập 3 chiếc xương sườn, xương đâm vào lá gan gây ra tử vong. Thủ phạm là chiếc corset thắt quá chặt.

Một tư liệu phương Tây đã dẫn nguồn tin đáng tin cậy.
Thì ai còn lạ gì chuyện ấy, khi cô nàng Scaclet trong Cuốn theo chiều gió phải nghiến răng kìm tiếng rên đau đớn để cho bà vú mạnh tay siết chặt eo chiếc váy khi nàng chuẩn bị đi dự dạ hội khiêu vũ ở trang trại Mười hai cây sồi. Khổ chưa, cái giá phải trả thật là khốn khổ để được cánh đàn ông khen đẹp!


Khi người Trung Quốc khen phụ nữ có gót sen nhỏ nhắn cũng là khi người phụ nữ xứ họ phải chịu cực hình trong tục bó chân tàn bạo, mỗi đôi chân là một sự tàn phế man dại.


Khi người Nhật khen người phụ nữ xinh đẹp trong chiếc áo Kimônô cũng là khi người phụ nữ Nhật phải chịu làm hình nộm cứng đờ, đau nhức các khớp xương gần như là mạn tính.


Khi người đàn ông khen chiếc áo dài Việt cũng là khi rất có thể họ đang hả hê thưởng thức 2 miếng phó mát ở 2 bên eo bạn, là khi họ đắc thắng ngâm thơ: “ Áo em trắng quá nhìn thâu da”, hay: “ Trời Sài Gòn anh đi mà chợt “thấy”…/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Thấy hết, và kệ cái nóng 35 độ trong bó cứng của xứ Huế hay cái lạnh 10 độ trong phong phanh của trời Hà Nội.


Khi giới chính trị đàn ông khen người phụ nữ “tòng phu” thì cũng là khi họ vì họ, vì muốn giữ giọt máu, nguồn gien của chính họ trong một xã hội cha truyền con nối.


Khi người đàn ông khen người phụ nữ “tiết hạnh”, chồng chết mà vẫn “tòng tử”theo con thì cũng là khi họ muốn giữ mảnh ruộng của dòng tộc họ không về tay kẻ khác, mặc cho thân phận người phụ nữ có thể úa tàn.


Khi họ muốn người phụ nữ phải hội đủ công dung ngôn hạnh, cũng rất có thể là khi họ bày tỏ lòng tham không đáy, muốn có cả bốn phương trong bàn tay mình, muốn có cả 4 mùa trong một ngày, muốn cả 4 cung bậc chỉ trong một nốt nhạc, mặc cho người phụ nữ phải loay hoay xoay xở hàng thiên niên kỷ trong một cổ bốn tròng.


Thế đấy bạn gái ạ, trong những lời khen đôi khi có chứa vài sự thật đắng cay.


Cũng như khi người đàn ông khen người phụ nữ thắt đáy lưng ong là khi họ mong muốn một người khéo chiều chồng và khéo nuôi con. Đúng thế, chắc chắn chỉ có những người làm nhiều và ăn ít, thức khuya dậy sớm thì mới thắt đáy lưng ong ở trong cái xã hội không có aerobic cũng như thể dục thẩm mỹ, chạy bộ, lắc vòng…


Nên chi, bạn ạ, bạn phải coi chừng những lời khen.


Đôi khi họ khen mình là nữ tính để họ dễ bề thôn tính cả không gian và âm thanh, khi bạn thu mình lại và ăn nói nhỏ nhẹ trước họ. Khen bạn dịu dàng là để bạn không bộc lộ trí thông minh hơn họ: Không cãi lại họ và họ dễ dàng áp đặt.


Họ khen bạn là phái đẹp để bạn đừng làm hơn những gì của một bông hoa.


Họ khen bạn là hoa để họ làm ong làm bướm, đậu rồi lại bay. Họ khen bạn là hoa để bạn làm vai trò trang trí, để bạn không ở địa vị cao, không nhận nhiều lương của họ. Và đôi khi, cao hứng lên, họ còn trịch thượng phán xét bạn là hữu sắc vô hương nếu bạn lỡ không hơn một vật trang trí.


Họ khen vợ họ là bà nội tướng giỏi để họ yên tâm một mình tung hoành nơi biên ngoại với tri thức, sự nghiệp, khoa bảng, quan trường, nhà trò con hát…

Thế đấy! Đừng sung sướng với những lời khen để biến mình thành người khác. Mỗi bạn gái đã là một kho tàng của chính mình. Mỗi người chỉ cần là một nốt nhạc cũng đủ làm cho giai điệu cuộc sống rực rỡ âm thanh. Có những lời khen chứa đựng một phần xấu xí. Hỡi một nửa nhân loại, hãy cảnh giác với lời khen!

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy

Cốm
02-09-2007, 11:29 AM
Điều con người cần nhất


1 Đó là một buổi tối rất bình yên, cả nhà tôi đang cùng xem bộ phim truyền hình yêu thích thì chuông điện thoại reo. Mẹ nhấc máy. Chăm chú lắng nghe, nói “Vậy à, vậy à, ừ...”. Rồi đặt máy. Tôi thoáng thấy mẹ làm một việc rất lạ nữa - rút “giắc” cắm điện thoại. Rồi mẹ lại cùng bố con tôi xem phim. Đó là đêm cháy chợ Đồng Xuân. Bạn hàng hốt hoảng báo cho mẹ biết là lửa đã cháy đến sạp vải của nhà chúng tôi. Sau đó là những năm vay mượn, đầu tắt mặt tối, gây dựng lại từ đầu. Có lần tôi hỏi mẹ về tối hôm đó, mẹ trả lời êm ả: “Mẹ không muốn bố cuống lên rồi lao đến đó, nhỡ có làm sao...”. Cả cơ nghiệp lao đao, nhưng trong giây phút đó, mẹ chỉ nghĩ đến bố tôi.
2Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi... Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà. Không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.
3Cha tôi là một người thành đạt, cha rất yêu công việc, đi sớm về khuya, mất ăn mất ngủ. Còn mẹ tôi, trong mắt mọi người, là một phụ nữ thật bình thường với những lo toan giản dị. Nhưng có lần cha nói với tôi rằng dù cha rất yêu thích công việc, nhưng cha không cần nó, cũng như cha cũng chẳng cần lắm nhà cửa, tiền bạc. Tất cả những gì cha cần là mẹ, có mẹ là cha có tất cả, kể cả những thứ rất quý giá, như là... chúng tôi ^_^

Đôi khi bạn phải ngạc nhiên về những người mà bạn yêu quý. Sự an nhiên nơi tâm hồn họ. Những quyết định đơn giản mà quyết liệt. Sự bình thản của họ trước những thứ tưởng chừng rất quan trọng, nhưng lại không thật sự quan trọng. Cái cách mà họ tha thiết với con người. Giản đơn, nhưng mãnh liệt.
Nhưng hiểu được họ, bạn sẽ hiểu được niềm vui của thuỷ thủ đoàn khi nhìn thấy đất liền, của khách lữ hành khi nhìn thấy làng mạc, của nhà du hành vũ trụ qua khung cửa tàu nhìn thấy Trái Đất, của Robinson khi có được Thứ Sáu, nụ cười âu yếm của bất kỳ ai khi thấy một em bé sơ sinh. Cả việc tại sao, con người cứ mải mê tìm kiếm những nền văn minh ngoài Trái Đất... Và nỗi đau đớn khôn nguôi trào ra thành nước mắt và tiếng thét khi con người vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bệnh tật, mà phải mất nhau trong cõi nhân gian...

Liệu bạn có nhận thấy, điều mà con người cần nhất trên thế gian này không phải danh vọng, không phải tiền bạc, không phải nhà cửa, không phải đất đai... Bạn có nhận ra không, điều mà Con Người cần nhất chính là Con Người...

Tác giả: NGÔ THỊ PHÚ BÌNH

Cốm
02-09-2007, 11:31 AM
Quả cau, miếng trầu và ân tình nước non

Quê hương là gì hỡi em? Quê hương là thôn Đoài thôn Đông, là cau thôn Đông nhớ trầu không thôn Đoài trong thơ Nguyễn Bính. Quê hương là hoa cau rụng trắng ngoài thềm trong thơ Đỗ Trung Quân. Quê hương là Bình Định, là nơi gia tộc Nguyễn Nhạc buôn trầu mà nuôi dạy nên "tam kiệt", ba anh hùng áo vải cờ đào. Quê hương là đất Quảng Nam, có những vườn cau bát ngát, có vợ nhà văn Nhất Linh tần tảo nghề buôn cau cho chồng xây lên một Tự lực văn đoàn nổi tiếng. Quê hương là chiếc quạt mo cau cậu bé Nguyễn Ngọc Ký dùng chân quạt cho mẹ những đêm hè. Quê hương là miếng trầu cánh phượng để nhận tình chồng vợ, nhận nghĩa quân vương. Quê hương là tất cả. Nhưng trong tất cả vẫn bền bỉ ẩn hiện suốt chiều dài lịch sử là quả cau, miếng trầu. Có thể nói quê hương đất nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn. (thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Một truyện cổ tích Việt Nam cực kỳ sâu sắc lại là về tình người, tình gia tộc, một câu chuyện về đạo lý, nghĩa tình. Một câu chuyện thăng hoa tuyệt đỉnh về tình đoàn kết anh em: Chuyện Trầu cau. Ba người hoá thân trong trầu, cau, vôi hoà quyện không thể tách rời. Tình đoàn kết không chỉ hoà quyện ở mức độ hỗn hợp. Nó đã biến thành một hợp chất, thắm đỏ.

Cách mạng Tháng Tám thành công 59 năm trước mở ra ngày Quốc khánh 2-9, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hoà. Những thước phim tư liệu ngày ấy cho ta những hình ảnh xúc động về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, từ anh viên chức, thợ thuyền đến ông quan đại thần. Từ mọi thành phần đến mọi lứa tuổi, cùng hân hoan reo vui trong ngày quốc khánh, ngày sinh nhật của nền dân chủ cộng hoà, là thành quả và cũng trở thành mục tiêu cách mạng từ dạo ấy.

"Có phải duyên nhau thì thắm lại". Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945 là một cơ duyên của dân tộc để toàn dân thắm lại dưới một màu cờ đỏ, tạo nên một sức mạnh tổng lực để một quốc gia còn yếu hèn sau 80 năm nô lệ mà vẫn dám mơ về một ngày "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Quả cau, miếng trầu và lòng từ ái, khoan hoà, bao dung, kết đoàn chính là phẩm hạnh người dân Việt và cũng chính là ân tình với nước non. Tình đoàn kết ở một tầm cao mới và với một độ sâu mới về chất-hợp chất- rất cần để chuẩn bị cho một mùa hoan ca trong ngày đại khánh 60 mùa hoa vào năm tới, ất Dậu 2005.

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy

Cốm
02-09-2007, 11:32 AM
Em lớn lên rồi! Ta sao?

1. Gặp lại trò sau 2 tháng hè, ta thấy trò lớn lên hẳn. Ta lại nhớ tới bài tập đọc của các em lớp một: Năm nay em lớn lên rồi/ Không còn nhỏ xíu như hồi lên năm/ Nhìn trời, trời bớt xa xăm / Nhìn sao sao cách ngang tầm cánh tay. Trò, cùng với bao bạn bè, sẽ trở thành một lực lượng xã hội hùng mạnh, kế thừa. Khi mình lớn, trời đất cũng bớt cao, các ngôi sao cũng nhỏ lại.

2. Trong nỗi vui mong con khôn lớn từng ngày, trò có thấy nỗi ái ngại của mẹ cha khi chưa kịp đổi cho trò một bộ quần áo giờ đã ngắn cũn?

3. Trò có thấy nỗi ái ngại trong mắt thầy khi bàn ghế chưa kịp đóng mới? Khi chỗ ngồi giờ cũng trở nên chật chội theo những cô cậu đã lớn lên. Trò có thấy nỗi ái ngại trong mắt thầy khi chương trình giáo dục chưa được mạch lạc, hiệu quả, để cho hôm nay, dù chưa đến ngày khai trường nhưng trò đã phải đi học lại, đã phải tất tả đem mùa thu về trong mùa hạ?

4. Trò có nhìn thấy nỗi ái ngại trong mắt thầy khi hệ thống giáo dục chưa ưu việt, để mẹ cha phải băn khoăn chọn trường chọn lớp? Khi những cuốn sách, những bài học cải cách có thực sự có ích cho chính tương lai của các em hay là có ích cho hiện tại của một ai khác?

5. Trò có nhìn thấy nỗi ái ngại trong mắt người lớn khi trò lớn lên mà đất đai thì hẹp lại, đường sá không còn chỗ chen chân cho người sau? Những con đường thì đầy bụi khói, những cánh đồng xanh không còn, phù sa không còn, những cánh rừng cạn kiệt, những con thú còn lại bỏ ta đi…Trẻ em Nhật 4 tuổi có thể một mình đi ra phố mua đồ giúp mẹ và để chứng tỏ con đã lớn khôn, nhưng ở Việt Nam như thế là vi phạm luật pháp. Trẻ em Việt Nam dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị phải có người dắt tay, theo Điều 30 Bộ luật Giao thông đường bộ. Luật pháp bảo hộ các em bởi vì đường phố bề bộn chưa thực sự dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

6. Phố phường phồn hoa, phát triển. Nhưng ta đang đi vay tiền. Em có đọc thấy không nỗi ái ngại trong mắt người lớn khi người lớn đang tiêu đi những khoản tiền của các em sẽ kiếm được trong tương lai?

7. Em lớn lên, là niềm vui trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng vẫn còn đó là những âu lo nếu gia đình, nhà trường và xã hội chưa kịp chuẩn bị vị thế cho em. Do đó mà em đã có thể nhìn thấy, đọc thấy đôi điều ái ngại. Trẻ em có quyền tiếp cận thông tin, bày tỏ ý kiến- theo Bộ luật Bảo vệ, Chăm sóc và giáo dục trẻ em. Có thể trò chưa nói ra nhưng người lớn cũng đã thấy trách nhiệm của mình. Vì có lẽ nào các em thì lớn lên còn ta lại lớn xuống?

Nỗi niềm áy náy này như một lời tạ lỗi trước các em.

Tác giả: ĐOÀN CÔNG LÊ HUY

Cốm
02-09-2007, 11:33 AM
Trả lại cho nhà văn Thanh Tịnh 2 chữ "hoang mang"?

Có lẽ khó có một đoạn Việt văn nào trong trẻo và hay đến thế khi viết về kỷ niệm buổi đầu đi học. Đó là đoạn văn của Thanh Tịnh trích trong tập Quê mẹ, viết từ thời tiền chiến, đã trở thành kỷ niệm của rất nhiều cô cậu học trò qua bao thế hệ. "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…"

Nhà văn Thanh Tịnh có lý do để dùng chữ "hoang mang". Ông giải thích 3 lý do: (1) Cậu trò nhỏ nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ, chốc nữa đây người thân về rồi thì sẽ ra sao? (2) Họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ. (3) Họ ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Bất chấp 3 lý do đó, đùng một cái, đoản văn bất hủ này xuất hiện trong sách tập đọc những năm sau này đã bị các nhà biên soạn bỏ mất 2 chữ "hoang mang" và thay vào đó bằng từ "mơn man" thực vô nghĩa và hoàn toàn không phù hợp với văn cảnh và tâm trạng của cậu học trò lớp một. Sự thay đổi này không biết có được phép của nhà văn Thanh Tịnh hay chưa? Và làm như thế có tuỳ tiện với di sản văn chương và vi phạm luật bản quyền hay không?

Trở lên là chuyện văn chương. Nay không nói đến chuyện văn chương nữa. Trở về với cuộc sống. Trở về với ngày khai trường năm nay của những cô cậu học trò mới lớn, những người sẽ thành cô tú, cậu tú nay mai. Này tôi hỏi bạn, bạn có chút chi vương víu "hoang mang" không? Này là lớp mình có cùng nhau đi đến bờ đến bến không? Ai đỗ, ai trượt? Ai sẽ bị bỏ học giữa chừng vì cơm áo? Này là mẹ cha có đủ việc làm, có đủ thu nhập cho con yên tâm đến lớp? Này là thầy cô giáo, ai dữ, ai hiền? Có ai bắt học sinh phải liếm ghế, "thụt dầu"? Có ai đủ tình thương, có ai thô bạo "mày tao, lợn gà" với đám trò nhỏ? Thầy có đủ sức để dạy hay không, nhà trường có "mạnh dạn đổi mới" hay rụt rè thế thủ? Có đủ trường lớp hay phải học ca ba? Thi tốt nghiệp năm nay sẽ ú tim môn gì?…

Vậy là vẫn còn đó bao nhiêu điều để "hoang mang". Lựa chọn một thái độ tích cực là xã hội phải phấn đấu để cho mỗi ngày đến lớp của các em là một ngày vui, không còn một chút vương víu hoang mang. Là "ngành giáo dục - đào tạo phải cương quyết khắc phục những mặt hạn chế yếu kém, mạnh dạn đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục" như lời động viên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong thư gửi thầy trò nhân ngày khai giảng năm học mới 2004-2005.

Phải vậy thôi! Nếu có phải trả lại cho nhà văn Thanh Tịnh 2 chữ "hoang mang" thì cũng chỉ vì lý do văn chương mà thôi, không vì cuộc sống!

Tác giả: Đoàn Công Lê Huy