PDA

View Full Version : [Tập truyện ngắn] Chicken soup for the soul



Cốm
02-09-2007, 11:40 AM
Nguồn: hoahoctro.vn

Đi tìm sự ấm áp
(Thục Hân dịch)

Đó là một buổi sáng lạnh buốt ở vùng Denver. Thời tiết ở vùng này không thể dự đoán được. Chỉ mới ngày hôm qua, trời còn nắng ấm, hôm nay đã có bão tuyết ngập đường.

Một ngày như thế này nên là một ngày nghỉ ngơi trong nhà. Nhưng đó lại không phải là ngày của tôi. Hôm đó, tôi có một buổi nói chuyện ở Trung tâm Hội nghị Denver với khoảng 200 sinh viên.

Và khi tìm đến chiếc micro không dây, tôi lại phát hiện ra nó đã hết pin. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành mặc áo dựng cao cổ, quàng khăn và cắm cúi đi ra khỏi nhà.

Ngay góc dãy phố thứ hai, tôi thấy một biển hiệu nhỏ cho biết rằng có một cửa hàng tạp hoá ngay gần đó.

Trong cửa hàng cũng chỉ có hai người. Cô bán hàng là người da màu, đứng sau quầy thu tiền, có chiếc thẻ gắn ở ngực áo, đề tên Roberta. Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài mà đánh giá thì trông cô gái cũng rất đơn giản.

Người thứ hai là một ông cụ, dường như vào đây để tránh rét. Ông cụ loanh quanh giữa những giá hàng, có vẻ không vội vã gì.

Nhưng tôi cũng không có nhiều thời gian để quan tâm đến một ông cụ rảnh rỗi. Tôi cần mấy cục pin, và có gần 200 sinh viên đang chờ tôi ở Trung tâm Hội nghị. Chúng tôi có nhiều việc phải làm và có mục đích.

Ngay khi tôi định ra quầy tính tiền thì ông cụ đã ra đó trước tôi. Roberta mỉm cười. Ông cụ thì không nói lời nào. Roberta cầm từng món hàng mà ông cụ đã chọn để bấm mã số vào máy. Tôi tò mò nhìn theo. Hoá ra ông cụ đi giữa một buổi sáng lạnh lẽo đến tận đây chỉ để mua một cái bánh ngọt và một quả chuối! Thật là kỳ cục!

Roberta đã tính ra tổng số tiền, còn ông cụ thì chậm chạp cho tay vào túi chiếc áo khoác cũ. “Nhanh lên nào” - Tôi nghĩ - “Ông có thể rảnh rỗi cả ngày, nhưng tôi thì còn rất nhiều việc phải làm!”.

Ông cụ rút ra một tờ tiền nhàu nát và vài đồng xu, đặt lên quầy tính tiền. Roberta cười tươi, thu chỗ tiền lại như thể cô vừa nhận được một kho báu.

Khi Roberta cho chiếc bánh và quả chuối vào túi nylon, một điều đáng nhớ đã xảy ra. Ông cụ vẫn không nói lời nào, chỉ chìa bàn tay về phía trước. Bàn tay già nua, gầy guộc và run rẩy.

Roberta nhẹ nhàng ***g quai của chiếc túi nylon vào cổ tay ông cụ. Và cô cười tươi hơn.

Không chỉ thế, cô bất chợt nắm lấy cả hai bàn tay ông cụ, nhanh chóng lấy chiếc khăn cô đang đặt trên lò sưởi để quấn vào tay ông cho ấm.

Sau đó, Roberta quàng chiếc khăn lên cổ cho ông cụ, và cài thêm một khuy áo cho ông. Ông vẫn không nói lời nào, nhưng tôi tin rằng trong đôi mắt già nua đang có những tia sáng ấm áp. Có thể ông đang ghi nhớ lại khoảnh khắc này, ít nhất là đến ngày mai, khi ông quay lại đây mua hàng.

Quàng xong khăn cho ông cụ, Roberta nhìn ông và trách:

- Nào, cháu đã nhắc ông bao nhiêu lần là phải mặc thật ấm khi ra đường? Cháu dặn ông phải cẩn thận cơ mà?! - Cô dừng một chút như để nhấn mạnh - Cháu muốn ngày mai vẫn nhìn thấy ông đến đây khoẻ mạnh!

Ông cụ cầm chiếc túi và lại chậm chạp đi ra cửa.

Lúc đó, tôi nhận ra rằng ông cụ đến đây không phải để tìm một chiếc bánh ngọt và một quả chuối. Ông đến để tìm sự ấm áp. Trong trái tim.

Tôi hỏi Roberta:

- Đó là họ hàng hay hàng xóm của cô phải không, Roberta?

Roberta có vẻ phật ý khi tôi cho rằng cô chỉ đối xử như vậy với hàng xóm hoặc họ hàng. Đối với Roberta, rõ ràng, tất cả mọi người đều đặc biệt.

Cốm
02-09-2007, 11:41 AM
Điểm A
(Thục Hân dịch)

Thật may mắn, với tôi việc học hành bao giờ cũng dễ dàng. Nên khi được bố mẹ giao “trọng trách” dạy dỗ hai đứa em sinh đôi, tôi tự tin rằng nếu tôi dạy chúng như nhau thì chúng cũng sẽ giỏi y như tôi và luôn được điểm A.

Với Amanda, cô em gái trong cặp sinh đôi, thì đúng là như vậy. Nó học rất nhanh và luôn được điểm cao. Nhưng với Eric, cậu em trai, thì tôi hiểu cuộc sống còn quá nhiều thử thách.

Tôi cố hết cách. Nào là giúp Eric làm bài mỗi tối, dẫn nó đến các câu lạc bộ thiếu nhi, mua sách và đĩa cho nó học. Nhưng dù Eric (và cả tôi) có cố đến đâu, Eric vẫn luôn chỉ nhận được điểm C, kèm theo rất nhiều thất vọng của tôi và nước mắt của Eric. Tôi trở nên thường xuyên cáu bẳn và khó chịu mỗi khi phải kèm Eric học. Có lẽ nó không có “gene học giỏi” giống như tôi và Amanda chăng?!

Năm Eric 16 tuổi, một lần khi chúng tôi đang ngồi chờ ba đi làm về thì có điện thoại. Ba tôi bị đau tim đột ngột và đã được đưa vào bệnh viện. Ba tôi là người quan trọng nhất trong cuộc sống của Eric trong suốt những năm qua. Mẹ thì bận túi bụi, còn tôi, chị của nó thì luôn có những bận bịu của riêng mình. Chỉ có ba dẫn Eric đi cắt tóc, đi ăn kem và cùng chơi bóng chày với nó. Ba là Người bạn số một của Eric.

Khi chúng tôi hớt hải chạy vào bệnh viện, tôi đã lo lắng đến mức không còn để ý gì tới xung quanh. Chỉ trong một giây, tôi nhận ra rằng Eric không còn đi bên cạnh tôi. Khắp hành lang bệnh viện toàn những người lạ. Rất nhiều người già, họ chống gậy hoặc ngồi trên xe lăn. Nhưng không thấy Eric đâu cả. Chưa bao giờ tôi giận Eric như thế. Đây không phải là lúc gia đình tôi có thời gian để đi tìm nó, hoặc quan tâm đến nó nhiều như bình thường!

Tôi chạy lộn lại hành lang để tìm Eric. Ngay chỗ cầu thang, tôi thấy Eric đang lăng xăng. Chưa kịp gọi Eric, tôi thấy nó cúi xuống bên cạnh một cô y tá đang cố gắng dìu hai bệnh nhân già.

- Em giúp chị được không? - Eric nói với cô y tá, trong khi đỡ tay một trong hai bệnh nhân, và trong khi cô y tá còn chưa kịp trả lời, Eric nói tiếp - Ba em luôn giúp em đi từng bước khi em còn bé. Em nghĩ ba sẽ vui khi biết em có thể giúp một người khác bước đi.

Kể từ khoảnh khắc đó, tôi biết tôi sẽ không bao giờ trách móc Eric vì những điểm kém ở trường nữa. Tôi sẽ không bao giờ kỳ vọng nó phải thay đổi theo ý tôi nữa, bởi vì con người mà tôi đang nhìn thấy tốt hơn rất nhiều so với con người mà tôi vẫn muốn nó trở thành. Không cuốn sách nào dạy Eric làm điều mà nó đang làm. Và không có thang điểm nào để chấm.

Bây giờ Eric đã 20 tuổi. Điểm số của nó vẫn không cao, nhưng nó đang giúp việc ở bệnh viện gần nhà, tiếp tục mở rộng tình yêu thương và lòng quan tâm tới mọi người của mình. Đúng như Eric nói, ba tôi rất vui khi Eric giúp đỡ những người khác, dù nó chẳng bao giờ được điểm A. Mà có lẽ khi một người làm hết sức mình, người đó xứng đáng một điểm A của trái tim, dành cho trái tim.

Cốm
02-09-2007, 11:42 AM
Tình bạn từ cái nhìn đầu tiên
(Thục Hân dịch)

Nhóm trẻ của cô Roger với tôi sẽ cực buồn nếu không có Jesse. Ngay hôm đầu tiên được mẹ đưa tới đây, trong khi tôi còn đang vừa run vừa khóc, thì Jesse đã lại gần, nói đúng một câu: “Tớ sẽ là bạn của cậu, nín đi!”.

Lúc đó tôi khoảng 4-5 tuổi, và chúng tôi đã biết đào những đường hầm ngoằn ngoèo trong hố cát. Chúng tôi thậm chí còn có kế hoạch đào một đường hầm sang tận Trung Quốc.

Có lần, khi bắt đầu đào hầm, chúng tôi hè nhau khiêng một tảng đá to ra khỏi hố cát, và ở dưới đó là hai con bọ cạp! Trông chúng thật kinh, tôi bỏ chạy, la toáng lên: “Bọ Cạp tấn công! Chúng đến bao vây rồi!”. Jesse cũng lẹt quẹt chạy theo tôi và la hét. Lũ trẻ trong lớp được một trận cười vì sự nhát cáy của chúng tôi. Riêng cô Rogers hỏi Jesse: “Jesse, mọi khi em đâu có sợ bọ cạp?”. Hoá ra, Jesse không muốn làm tôi ngượng nên đã giả vờ sợ “những kẻ xâm chiếm” giống tôi.

Trưa nào cũng vậy, khi mở hộp bánh quy của mình, tôi sẽ lấy cái đề-can trong đó đưa cho Jesse. “Truyền thống” của bọn trẻ hồi đó là luôn đưa cái đề-can cho người bạn thân nhất, nên lúc nào tôi cũng đưa cái của tôi cho Jesse và Jesse đưa cái của cậu ta cho tôi.

Chúng tôi thường chui vừa cái ngăn kéo dưới cùng của chiếc tủ to nhà cô Rogers và giả vờ rằng đó là cỗ máy thời gian, chỉ cần đóng vào, rồi mở ra là đã tới được bất kỳ nơi đâu. Chúng tôi chơi với nhau cho đến khi các bạn khác về hết, và mẹ tôi đến đón - mẹ luôn đón tôi rất muộn. Jesse chờ tôi leo lên xe của mẹ rồi mới đi bộ về nhà mình gần đó.
Nhiều năm sau, chúng tôi vẫn học cùng trường nhưng Jesse học lớp 7, còn tôi lớp 6. Chúng tôi cũng ít gặp nhau hơn, nhưng thay vì kiểu cúi gằm mặt của tôi mỗi lần gặp cậu ấy ở sân trường vì sợ bị bạn bè trêu chọc, lúc nào Jesse cũng mỉm cười và chào tôi y như hồi còn nhỏ.

Còn tôi, những lần duy nhất tôi gọi Jesse là khi máy tính của tôi bị trục trặc. Jesse rất giỏi, cậu ấy có thể lắp cả một cái máy tính chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Và lần Jesse làm tôi xúc động nhất là khi cậu ấy đến chúc mừng sinh nhật tôi năm tôi 12 tuổi. Đúng trước sinh nhật tôi năm đó, Jesse phải nhập viện vì sốt cao. Đến thăm cậu ấy, tôi không dám nhắc về sinh nhật của mình, dù biết sinh nhật mà không có cậu ấy thì buồn lắm.

Nhưng đúng giờ - như tất cả những năm trước - Jesse vẫn xuất hiện, trong bộ quần áo bệnh viện. Cậu ấy trốn ra ngoài chỉ để đi mua búp bê Barbie đem tới cho tôi, và nói rằng phải quay lại bệnh viện lập tức. Tôi sụt sịt: “Cảm ơn Jesse, tớ thật không thể tin được là cậu đến”. Jesse cười nhăn: “Này, bạn bè để làm gì hả?” rồi ôm tôi rất chặt.
Tôi biết có nhiều người đến rồi đi trong cuộc sống của mỗi người - nhưng Jesse không hề như thế. Chính vì Jesse, tôi thực sự tin rằng có tình bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Cốm
02-09-2007, 11:43 AM
Món quà lớn nhất
(Thục Hân dịch)

Nhà thơ nổi tiếng người Chilê Pablo Neruda kể lại câu chuyện về món quà lớn nhất mà ông từng nhận được...

Ngày nhỏ, Pablo là một cậu bé cô độc và buồn bã, không có anh chị em, cũng chẳng có bạn bè. Một hôm, Pablo đang chơi một mình trong vườn thì chợt phát hiện ra dưới chân hàng rào bằng gỗ kín mít phía sau nhà lại có một cái lỗ. Thấy rất lạ, nên hôm nào Pablo cũng chơi quanh quẩn gần cái lỗ đó, thậm chí có khi còn hỏi to xem có ai ở bên kia hàng rào không. Nhưng chẳng có tiếng trả lời.

Bỗng nhiên, một hôm, khi Pablo đang chơi ở sau nhà thì có một bàn tay bé xíu thò qua cái lỗ ở hàng rào. Rồi cũng bất ngờ như lúc đầu, bàn tay bé xíu đó rụt ngay lại, để lại trên mặt đất một con cừu đồ chơi nhỏ bằng nhựa.

Pablo chạy ngay vào nhà và mở ngăn kéo, lấy ra món đồ chơi mà cậu yêu thích nhất - một quả thông khô rất to. Cậu nhấc lấy con cừu, rồi đặt quả thông xuống chỗ đó. Bàn tay kia lại xuất hiện, cầm lấy quả thông. Còn Pablo thì chạy vào nhà, cùng với con cừu đồ chơi.

Qua rất nhiều năm, kể cả cho đến khi trở nên nổi tiếng, Pablo Neruda vẫn giữ con cừu nhựa như một trong những món đồ mà ông yêu quý nhất. Không phải vì giá trị của con cừu, mà là món quà khi biết rằng mình được quan tâm, bởi ít nhất một người nào đó. Đó là món quà lớn nhất trong cuộc sống.

Pablo Neruda kết thúc câu chuyện: “Lần trao đổi quà bé nhỏ và bí ẩn đó mãi mãi ở trong tâm trí của tôi, sâu sắc và bền vững”.

Cốm
15-09-2007, 02:10 PM
(nguồn: blog đứa bạn :D here (http://blog.360.yahoo.com/blog-k2NiyP88frXoXvYVW28oHVY.3g--?cq=1))

Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh.Ngày qua ngày,cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh đất ruộng khô cằn để nuôi 2 chị em tôi ăn học
Một ngày kia,tôi lén đánh cắp 15 đồng trong ngăn kéo của cha để mua 1 chiếc khăn tay ma những đứa con gái trong làng đều có.Cha tôi phát hiện,ông lấy chiếc roi tre treo trên tường xuống.bắt 2 chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp.Vì sợ hãi tôi không dám đứng lên nhận lỗi.Cha tức giận định đánh đòn cả 2 chị em,ông đưa chiêc roi lên.Em níu tay cha lại và nói:

- Thưa cha,con đã trót dại....

Em nói loanh quanh, không giải thick được đã dùng số tiền ấy vào việc gì.Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như không thở được nữa

Đêm ấy mẹ tôi đã dỗ dành em.Nhìn thân hình đầy những lằn roi của em,tôi òa khóc.Em vội vàng nói:

- Chị ơi đừng khóc,kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!
Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi

* * *

Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học.Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí.Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho 2 chị em ăn học cùng một lúc.

Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý.Tôi nói:
-Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó sau này.Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.

Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và 1 ít muối mè trong chiếc túi xách nhỏ.Em đã lén đến bên giường tôi và để lại 1 mảnh giấy nhỏ bên gối tôi với lời nhắn nhủ: "Chị ơi,được vào đại học không phải là điều dễ dàng.Em sẽ tìm việc làm để gửi tiền về cho chị."
Tôi trào nước mắt,chẳng nói lên lời.
Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.

* * *

Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số tiền gởi về của em,cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học.
Một hôm đang ngồi học trong phòng,một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói:

-Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.

Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa,quần áo lấm lem dầu nhớt.Tôi hỏi em:

-Sao em không nói với bạn của chị,em là em trai chị chứ???

Em cười đáp lại:

-Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.
Tôi lặng người.Nước mắt tuôn trào

Em mỉm cười,đôi mắt ánh lên lấp lánh.Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:

-Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc,vì thế em mua tăng chị!
Tôi không kìm được niềm xúc động,ôm chầm lấy em khóc nức nở

Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20

* * *

Khi lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ,mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp,ngay cả miếng cửa sổ bị vỡ cũng đã được lắp lại.Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ,em đã bị miếng kính đâm vào tay chảy máu.

Tôi chạy vào tìm em.Nhìn vết thương trên tay em,tôi cảm thấy như có hàng trăm mũi kim đâm vào tim mình.Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em.Em cười:

-Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!

Năm ấy em 23 và tôi 26

* * *

Sau khi lập ra đình,tôi về sống với chồng ở thành phố.Vài năm sau chồng tôi trở thành giám đốc của 1 xí nghiệp.Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xầm xì bàn tán những lời không hay về chồng tôi.

30 tuổi,em lập gia đình với 1 cô gái trong thôn.

Năm tôi 40 tuổi,cuộc hôn nhân tưởng như mỹ mãn của tôi đổ vỡ vì sự xuất hiện của một người đàn bà khác.Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi,vực tôi dạy sau những đắng cay nghiệt ngã.

Rồi 1 ngày cả 2 chúng tôi đều già nua,tóc bạc gần hết 2 mái đầu.Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện ngày xưa.Ngày ấy,chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn 2 tiếng mới có thể đến trường.Một hôm,em làm mất chiếc giày.Một phần sợ cha đánh đòn,một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới,tôi đã nhường cho em đôi giày của mình.Và cứ thế,một ngày hơn 4 tiếng đi và về,chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đã nhọn trên mặt đường nóng bỏng.Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.
Năm ấy em chỉ vừa lên 5!

Mọi thứ trên đời đều có thể mất đi,duy chỉ có tình yêu thương là mãi mãi!

Cốm
15-09-2007, 02:10 PM
Anh lính, cô gái và bông hoa hồng

John Blanchard đứng dậy, chỉnh lại bộ quân phục và nhìn đám đông người đang qua lại nhà ga trung tâm. Anh tìm một cô gái mà anh chỉ được biết trái tim cô, chưa biết khuôn mặt cô, cô gái với bông hoa hồng.

Anh bắt đầu quan tâm tới cô từ 13 tháng trước tại một thư viện ở Florida. Lấy một cuốn sách ra khỏi kệ, anh thấy mình bị cuốn hút, không phải bởi những lời lẽ trong cuốn sách, mà bởi những dòng ghi chú bằng bút chì ở bên lề. Nét chữ viết tay mềm mại phản ánh một tâm hồn sâu sắc và một trí tuệ sáng suốt.

Ở mặt trước của cuốn sách, anh tìm thấy tên của người mượn sách lần trước, cô Hollis Maynell. Thời gian và sự nỗ lực đã giúp anh tìm ra địa chỉ của cô. Cô sống tại thành phố New York. Anh viết cho cô một lá thư giới thiệu về bản thân và xin cô hồi âm. Ngày hôm sau anh lên thuyền ra nước ngoài để phục vụ trong Thế chiến thứ 2.

Trong suốt 1 năm và 1 tháng tiếp theo, hai người đã dần hiểu nhau qua những lá thư. Mỗi lá thư là một hạt mầm gieo vào trái tim. Một câu chuyện tình bắt đầu nảy nở. Blanchard muốn xem hình cô, nhưng cô từ chối. Cô nghĩ rằng nếu anh thực sự quan tâm, thì việc cô trông như thế nào chẳng phải là vấn đề.

Ngày cuối cùng trước khi anh trở về quê nhà, họ đã sắp xếp buổi gặp đầu tiên - 7 giờ tối tại nhà ga trung tâm ở New York.

“Anh sẽ nhận ra em” - cô viết - “nhờ bông hồng đỏ em cài trên ve áo”. Vì thế vào lúc 7 giờ, anh đã ở trong nhà ga tìm kiếm một cô gái với trái tim mà anh yêu, nhưng với khuôn mặt anh chưa từng gặp.

Hãy để ông Blanchard kể tiếp câu truyện:

Một người phụ nữ trẻ bước về phía tôi, cô ấy thật cao và mảnh khảnh. Mái tóc vàng của cô rũ xuống thành từng lọn trên đôi tai thanh tú, đôi mắt cô xanh như những bông hoa.

Trong bộ đồ màu xanh nhạt, cô như mùa xuân đang đến, thật sống động. Tôi bắt đầu nhìn theo cô, hoàn toàn quên không nhận ra cô không cài hoa hồng. Khi tôi di chuyển, một nụ cười hé đầy khiêu khích hiện trên làn môi cong: “Đi theo tôi hả, anh chàng thủy thủ?” - cô thì thầm.

Gần như không còn tự kiểm soát được, tôi bước thêm một bước gần lại cô, và khi ấy tôi nhìn thấy Hollis Maynell. Cô đang đứng trực tiếp sau lưng cô gái.

Một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, mái tóc hoa râm giấu bên dưới một chiếc mũ đã sờn. Cô gái trong bộ đồ màu xanh đã rảo bước đi xa. Tôi cảm thấy như thể mình sắp chia thành đôi, một là khát khao đi theo cô gái, và một là mong muốn từ sâu thẳm được gặp người phụ nữ với tâm hồn đã luôn ở bên tôi và cổ động cho tâm hồn tôi.

Và cô đứng đó. Khuôn mặt tròn nhợt nhạt của cô thật cao quý và nhạy cảm, đôi mắt nâu của cô lấp lánh đầy ấm áp và nhân từ. Tôi không lưỡng lự. Những ngón tay của tôi kẹp chặt lấy bản sao bằng da màu xanh đã sờn của cuốn sách, một thứ thật quý giá, một thứ mà có lẽ còn tuyệt vời hơn cả tình yêu, một tình bạn, một thứ tôi đã và sẽ mãi mãi biết ơn.

Tôi đứng thẳng, chào và đưa cuốn sách cho người phụ nữ, mặc dù khi tôi nói, tôi cảm thấy sốc bởi sự cay đắng vì thất vọng. “Tôi là đại úy John Blanchard, và cô hẳn là cô Maynell. Tôi rất vui là cô có thể gặp tôi. Tôi có thể mời cô đi ăn tối được không?”.

Khuôn mặt người phụ nữ giãn ra với nụ cười khoan dung. “Tôi không biết cái này là thế nào, con trai ạ” - cô trả lời, “nhưng cô gái trẻ mặc bộ đồ màu xanh vừa đi qua đó, cô ấy nài nỉ tôi cài bông hoa hồng này lên áo. Và cô ấy nói rằng nếu anh muốn mời tôi ăn tối, lúc ấy tôi có thể đi và nói với anh rằng cô ấy đang chờ anh trong nhà hàng lớn dọc theo con phố này. Cô ấy nói đây là một phép thử!”.

Không khó để hiểu và khâm phục sự thông thái của cô Maynell. Bản chất thực sự của một trái tim được nhìn thấy từ phản ứng của trái tim ấy với những gì không quyến rũ.

Cốm
15-09-2007, 02:13 PM
Kỷ niệm khăn giấy

Tác giả: Jeanette Broderick Thục Hân (Dịch)

Cứ mỗi khi nhìn thấy một tờ khăn giấy chưa dùng mà bị bỏ sang một góc, tôi luôn nhớ lại tuổi thơ của mình...

Trời bao giờ cũng trở nên lạnh buốt khi Giáng sinh đến gần. Hiểu rằng ông già Noel chỉ có trong tưởng tượng chứ chẳng chui xuống từ cái ống khói nào cả, nên tôi quyết định sẽ mua cho mẹ một món quà, chứ không chỉ biết ngủ và chờ quà của mẹ.

Mới chỉ 8 tuổi, tôi chưa từng bao giờ mua quà. Tôi không biết phải mua quà gì và mua ở đâu. Tôi mổ lợn đất, bán mấy cái vỏ chai và lao thẳng đến... cửa hàng thuốc. ở đó, ngoài thuốc men họ còn bán rất nhiều thứ tuyệt vời khác. Và lúc nào trong cửa hàng cũng có mùi thơm rất dễ chịu mà cho đến tận bây giờ, chỉ cần nhắm mắt lại là tôi vẫn thấy như mùi hương đó ở quanh mình.

Đi dọc theo những giá bày hàng, tôi cẩn thận cân nhắc từng món đồ. Nhiều món tên tuổi kỳ lạ tới mức tôi không phát âm nổi. Với mỗi thứ, tôi lại tưởng tượng khuôn mặt của mẹ tôi khi mẹ mở quà vào ngày Giáng sinh.

Tôi nhìn thấy các loại nước hoa và cả những chiếc đồng hồ trong tủ kính tự xoay. Tôi biết chỗ tiền xu trong túi không đủ mua đồng hồ, nhưng tôi vẫn đứng rất lâu ở đó và tự nghĩ xem cái nào sẽ hợp với mẹ nhất.

Được một lúc lâu, tôi bắt đầu thấy nản lòng, không còn hy vọng gì nữa. Nhưng ngay khi đi qua giá hàng cuối cùng, tôi nhìn thấy một món quà hoàn hảo: một hộp giấy ăn khổng lồ!

Tất nhiên, bây giờ bạn có thể cho rằng một hộp giấy ăn không có vẻ gì là một món quà, nhưng đó lại là một thứ chưa bao giờ xuất hiện trong nhà tôi. Với 6 đứa con mà một mình mẹ tôi phải nuôi kể từ khi bố mất, mẹ luôn nói giấy ăn là một thứ xa xỉ. Mẹ không bao giờ mua vì nói rằng chúng sẽ được dùng hết ngay trong vòng vài ngày, và như thế là lãng phí.

Tôi vẫn nhớ rằng mình luôn tưởng tượng mẹ sẽ vui thế nào nếu mẹ có món đồ "xa xỉ" đó. Không phải để trong bếp cho cả nhà cùng dùng, mà để trong tủ riêng của mẹ và mẹ sẽ không phải chia sẻ nó với ai cả.

Tôi cười toe toét khi nhấc hộp giấy ăn ra khỏi giá và tự tin đi tới quầy tính tiền, hoàn toàn hài lòng với kỹ năng chọn quà của mình. Thế nào mẹ cũng rất thích món quà này!

Đêm Giáng sinh đến, và mẹ tôi, người tốt nhất trên thế giới này, đã khóc hạnh phúc khi nhận món quà của tôi. Lúc đó, tôi có cảm tưởng như mẹ vừa nhận được một sợi dây chuyền ngọc trai chứ không phải chỉ là một hộp giấy ăn.

Thế là, vào năm 8 tuổi, tôi học được rằng để tặng quà cho một người đặc biệt thì bản thân món quà không phải là quan trọng nhất, mà là những suy nghĩ và quan tâm của mình, và bọc món quà bằng sự yêu thương.

Cốm
15-09-2007, 02:14 PM
Động viên

Tác giả: Kid

Năm 14 tuổi, cô gái gốc Pháp Lillian sống ở ngoại ô thành phố Ontario (Canada) phải bỏ học để kiếm việc phụ giúp gia đình. Học hành dở dang khiến cô gái vốn nhút nhát lại càng thêm mặc cảm.

Cứ mỗi sáng, mang theo hy vọng mong manh, Lillian nhảy xe buýt lên hai thành phố lớn là Windsor và Detroit để tìm việc làm. Nhưng cô rụt rè đến mức chẳng dám gõ cửa xin việc ở bất kỳ đâu, Lillian cứ bước vu vơ trên đường và buồn bã trở về nhà khi trời chạng vạng.

Một ngày, Lillian chợt nhìn thấy trước cửa công ty Carhartt Overall treo một tấm bìa: “Cần tuyển thư ký, mời vào trong”. Dè dặt bước vào gian tiền sảnh rộng lớn, Lillian thận trọng gõ cánh cửa đầu tiên và gặp bà quản lý tên là Margaret Costello. Với cách phát âm tiếng Anh còn chưa chuẩn, Lillian tự giới thiệu là mình 19 tuổi, và đang rất quan tâm tới vị trí thư ký mà công ty cần tuyển.

Margaret dẫn Lillian tới một căn phòng nhỏ, đưa cho cô bé một bức thư để đánh máy. “12h tôi sẽ quay lại. Cố gắng nhé!” - Margaret vỗ nhẹ vai Lillian rồi bước ra khỏi phòng. Chỉ còn mình Lillian trong căn phòng với chiếc máy chữ đen xì và một tờ giấy đặc chữ. Lần đầu tiên thử việc, lần đầu tiên “sờ” tới máy chữ, Lillian rất lo âu.

Phải loay hoay một lúc với cái máy chữ, Lillian mới biết cách sử dụng. Lần đầu tiên, Lillian đánh xong dòng thứ nhất, 10 từ thì sai tới 8 lỗi. Đồng hồ chỉ 11h30, mọi người phòng trên đã gọi nhau chuẩn bị đi ăn trưa. Lillian nghĩ mình sẽ lẩn vào dòng người đi ăn trưa đó và bỏ về. “Nhưng mình cũng phải đánh cho xong bức thư chứ!”. Lill rút tờ giấy ra khỏi máy, vò nát trước khi lại ném vào sọt rác và ngước nhìn đồng hồ. 11h45, Lill tự nhủ: “Mình sẽ lẩn vào đám đông và cô Margaret Costello sẽ không bao giờ nhìn thấy mình nữa. Nhưng dù sao cũng phải đánh cho xong bức thư”. Sắp hết giờ, nhưng công việc vẫn ì ạch với chi chít lỗi. 11h55, “Chỉ còn 5 phút nữa sẽ được tự do” - Lill thở dài.

Cánh cửa bật mở, cô Margaret đi thẳng tới chỗ Lill, một tay đặt lên vai cô bé trong khi không ngừng đọc lá thư. Đột nhiên cô dừng lại và nói: “Cháu làm tốt lắm!”. Lill ngạc nhiên, hết nhìn lá thư rồi nhìn cô Margaret, nỗi lo lắng bỗng tan biến, sự phấn khích trỗi dậy và lòng quả quyết của Lill cứ thế tăng dần. “Nếu cô ấy nghĩ mình làm tốt thì càng phải làm tốt hơn. Mình sẽ làm việc ở đây”. Ngày 12-9-1922 ấy là ngày thử việc đầu tiên, cũng là ngày Lillian chính thức được nhận vào làm tại hãng Carhartt Overall.

Và Lillian Kennedy đã ở lại hãng Carhartt Overall tới 51 năm và trở thành Tổng giám đốc Công ty Carhartt Overall chỉ vì ở đó người ta đã tặng cho cô bé nhút nhát năm ấy sự tự tin.

Cốm
15-09-2007, 02:15 PM
Điểm A

Tác giả: Thục Hân (Dịch)

Thật may mắn, với tôi việc học hành bao giờ cũng dễ dàng. Nên khi được bố mẹ giao “trọng trách” dạy dỗ hai đứa em sinh đôi, tôi tự tin rằng nếu tôi dạy chúng như nhau thì chúng cũng sẽ giỏi y như tôi và luôn được điểm A.

Với Amanda, cô em gái trong cặp sinh đôi, thì đúng là như vậy. Nó học rất nhanh và luôn được điểm cao. Nhưng với Eric, cậu em trai, thì tôi hiểu cuộc sống còn quá nhiều thử thách.

Tôi cố hết cách. Nào là giúp Eric làm bài mỗi tối, dẫn nó đến các câu lạc bộ thiếu nhi, mua sách và đĩa cho nó học. Nhưng dù Eric (và cả tôi) có cố đến đâu, Eric vẫn luôn chỉ nhận được điểm C, kèm theo rất nhiều thất vọng của tôi và nước mắt của Eric. Tôi trở nên thường xuyên cáu bẳn và khó chịu mỗi khi phải kèm Eric học. Có lẽ nó không có “gene học giỏi” giống như tôi và Amanda chăng?!

Năm Eric 16 tuổi, một lần khi chúng tôi đang ngồi chờ ba đi làm về thì có điện thoại. Ba tôi bị đau tim đột ngột và đã được đưa vào bệnh viện. Ba tôi là người quan trọng nhất trong cuộc sống của Eric trong suốt những năm qua. Mẹ thì bận túi bụi, còn tôi, chị của nó thì luôn có những bận bịu của riêng mình. Chỉ có ba dẫn Eric đi cắt tóc, đi ăn kem và cùng chơi bóng chày với nó. Ba là Người bạn số một của Eric.

Khi chúng tôi hớt hải chạy vào bệnh viện, tôi đã lo lắng đến mức không còn để ý gì tới xung quanh. Chỉ trong một giây, tôi nhận ra rằng Eric không còn đi bên cạnh tôi. Khắp hành lang bệnh viện toàn những người lạ. Rất nhiều người già, họ chống gậy hoặc ngồi trên xe lăn. Nhưng không thấy Eric đâu cả. Chưa bao giờ tôi giận Eric như thế. Đây không phải là lúc gia đình tôi có thời gian để đi tìm nó, hoặc quan tâm đến nó nhiều như bình thường!

Tôi chạy lộn lại hành lang để tìm Eric. Ngay chỗ cầu thang, tôi thấy Eric đang lăng xăng. Chưa kịp gọi Eric, tôi thấy nó cúi xuống bên cạnh một cô y tá đang cố gắng dìu hai bệnh nhân già.

- Em giúp chị được không? - Eric nói với cô y tá, trong khi đỡ tay một trong hai bệnh nhân, và trong khi cô y tá còn chưa kịp trả lời, Eric nói tiếp - Ba em luôn giúp em đi từng bước khi em còn bé. Em nghĩ ba sẽ vui khi biết em có thể giúp một người khác bước đi.

Kể từ khoảnh khắc đó, tôi biết tôi sẽ không bao giờ trách móc Eric vì những điểm kém ở trường nữa. Tôi sẽ không bao giờ kỳ vọng nó phải thay đổi theo ý tôi nữa, bởi vì con người mà tôi đang nhìn thấy tốt hơn rất nhiều so với con người mà tôi vẫn muốn nó trở thành. Không cuốn sách nào dạy Eric làm điều mà nó đang làm. Và không có thang điểm nào để chấm.

Bây giờ Eric đã 20 tuổi. Điểm số của nó vẫn không cao, nhưng nó đang giúp việc ở bệnh viện gần nhà, tiếp tục mở rộng tình yêu thương và lòng quan tâm tới mọi người của mình. Đúng như Eric nói, ba tôi rất vui khi Eric giúp đỡ những người khác, dù nó chẳng bao giờ được điểm A. Mà có lẽ khi một người làm hết sức mình, người đó xứng đáng một điểm A của trái tim, dành cho trái tim.

Cốm
15-09-2007, 02:16 PM
Bí mật của bố tôi
(Thục Hân dịch)

Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn là trò cười của bạn bè vì tôi rất dở trong khả năng tìm đường. Có lần, cậu bạn tôi hài hước: “Hy vọng lối lên Thiên Đường cũng có bảng chỉ dẫn, nếu không cậu lạc mất”.

Tôi cười:
- Tớ chỉ cần tìm một ngọn đồi có hàng rào nhiều cây hoa giấy - Và khi cậu ta nhíu mày suy nghĩ xem đó là cái gì, thì tôi kể cho cậu ta nghe câu chuyện về bố tôi.

Ông bà nội tôi rất nghèo, bố và 5 anh em trai phải cố gắng ghê gớm để tồn tại. Chính thời thơ ấu đó đã làm cho bố tôi trở thành một người cứng rắn.

Khi anh em chúng tôi nhận ra rằng những đứa cùng lớp đều được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, chúng tôi đã hỏi xin bố tiền. Bố bình thản:
- Nếu các con đã đủ lớn để xin tiền thì các con cũng đủ lớn để kiếm tiền.
Và thế là, chúng tôi đi làm đủ các việc vặt cho khu phố, như dọn vườn hoặc lau nhà. Bố không bao giờ hỏi về số tiền mà chúng tôi kiếm được, cũng không bao giờ khen.
Khi chúng tôi lớn lên, đi học khá xa nhà. Không có xe riêng, chúng tôi phải đi xe bus. Dù bến xe bus cách nhà tới gần 2km, cả vào những ngày mưa gió bão bùng, bố tôi cũng chẳng bao giờ lái xe ra đón. Nếu ai đó càu nhàu (anh trai tôi càu nhàu suốt), bố sẽ nói nghiêm khắc:
- Chân các con để làm gì?
Còn tôi thì không ngại đi bộ bằng nỗi sợ đi một mình dọc theo đường cao tốc, vòng một vòng rồi mới có đường đi lên đồi để về nhà. Tôi cũng cảm thấy tủi thân vì dường như bố tôi chẳng quan tâm đến sự an toàn của tôi. Nhưng rồi cảm xúc đó biến mất vào một buổi tối mùa hè.

Đó là một ngày mệt mỏi với những bài thi dài làm tôi kiệt sức. Tôi chỉ muốn về nhà và nằm ngủ. Khi xe bus dừng ở trạm cuối, tôi xốc lại cái balô đầy ụ sách, chuẩn bị đi bộ một chặng dài.

Tôi đi dọc theo đường cao tốc ở dưới chân đồi, cho đến khi nhìn thấy một hàng rào nhiều hoa giấy chạy dọc theo con đường lên đồi dẫn tới nhà tôi. Lúc nào tôi cũng cảm thấy dễ chịu khi nhìn thấy cái hàng rào ấy, vì như thế có nghĩa là tôi sắp về đến nhà.

Hôm đó, khi tôi vừa nhìn thấy đám hoa giấy thì trời bắt đầu mưa. Tôi ngồi xuống để nhét mấy cuốn sách đang cầm trên tay vào balô, rồi lấy ra cái ô. Khi đứng dậy, tôi chợt nhìn thấy cái gì đó màu xám di chuyển dọc theo hàng rào. Nhíu mắt nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra đó chính là cái mũ của bố tôi. Và tôi biết rằng - mỗi ngày tôi về nhà, bố đều đứng trên đồi, sau dãy hàng rào để quan sát, cho đến khi bố biết tôi về nhà an toàn. Tôi lau mắt. Bố đã quan tâm mà tôi đã không bao giờ biết. Hôm đó, khi tôi về đến nhà, tôi thấy bố đang ngồi như không biết gì trên ghế bành, nói giọng thản nhiên:
- Về rồi hả con?
“Cậu thấy đấy” - Tôi kết thúc câu chuyện kể cho người bạn - “Tớ chẳng lo là không tìm thấy Thiên Đường”.
Có nhiều người nói Thiên Đường là khi bạn nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm, hay một chùm sáng trên cao. Nhưng tôi thì nghĩ tôi sẽ nhìn thấy một dãy hàng rào đầy hoa giấy dẫn lên đồi, và bố tôi sẽ đợi ở trên đỉnh đồi, và nói: “Về rồi đấy hả con?”.

Cốm
15-09-2007, 02:19 PM
Nói về người mình yêu

(Thục Hân dịch)

Có thể bạn đã từng nghe thấy có những người chồng, người vợ, khi nói về những người quyết định chia sẻ với họ cả cuộc đời, lại là những điều hoàn toàn không tích cực? Rất nhiều người như thế. Có thể họ chỉ đùa, có thể không. Nhưng tôi tin là nó có gây ảnh hưởng nào đó đến người nghe.

Nhưng bạn sẽ không bao giờ nghe thấy những điều như thế từ Bố Mẹ tôi. Bố luôn nói về Mẹ bằng những lời khen ngợi, và Mẹ cũng thế.

Tôi vẫn còn nhớ hồi tôi 12 tuổi, gia đình chúng tôi quyết định trải thảm và dán tường khắp cả nhà. Vào buổi trưa, bố gọi pizza cho đội thợ ăn và ngồi nói chuyện với người đội trưởng, còn tôi thì quanh quẩn ở phòng bên cạnh, lắng nghe.
Ông đội trưởng nói:
- Làm thế này đúng là tốn tiền, nhất là cả trong bếp cũng phải dán tường bằng giấy tốt. Phụ nữ luôn luôn biết cách tiêu tiền của chúng ta, phải không?
Bố trả lời:
- Để tôi nói anh nghe, khi họ ở bên anh từ lúc anh tay trắng, thì anh sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi làm được điều gì đó cho họ vào lúc anh có chút điều kiện.
Đó không phải là câu trả lời mà người đội trưởng nghĩ. Ông ta có hứng thú với một câu trả lời tiêu cực hơn. Nên ông ta nói tiếp:
- Nhưng họ luôn biết tận dụng điều đó và tiêu nhiều hết mức có thể, đúng không nào, anh bạn?

Bố lại trả lời, đúng y như tôi đoán:
- Nào nào, nếu họ chính là người giúp anh thành công, thì anh sẽ muốn làm cho họ những gì họ thích. Với một ông chồng, chẳng có niềm vui nào hơn thế!
2-0!
Người đội trưởng vẫn chưa bỏ cuộc:
- Nhưng mà họ cứ tận dụng khả năng của chúng ta hết sức có thể...
Bố mỉm cười:
- Vợ tôi là điều tuyệt vời nhất mà tôi từng có, tôi sẽ làm bất kỳ điều gì để cô ấy vui.
Tôi cố gắng không cười phá lên. Tôi biết ông đội trưởng muốn Bố chịu thua và nói: “Cũng có thể như thế...”. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra, một triệu năm nữa cũng không!
Cuối cùng, ông đội trưởng bỏ cuộc và quay lại làm việc, có thể còn lắc đầu ngán ngẩm.
Bố Mẹ tôi bây giờ đã về hưu và nhàn rỗi hơn. Bố Mẹ thích đi dạo, đọc sách, hoặc đơn giản là ngồi nói chuyện. Bố Mẹ vẫn nắm tay nhau khi đi bất kỳ đâu, và Bố vẫn nói với tôi: “Con có thể đợi đến bao lâu để kết hôn cũng được, nhưng nếu con tìm được một người chỉ bằng một nửa Mẹ con thôi, thì Bố đã có thể đảm bảo con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc rồi”.
Điều lớn nhất mà Bố và Mẹ dành cho tôi, đó là tình yêu thương nồng nàn mà họ dành cho nhau. Và bài học lớn nhất họ dạy cho tôi, bằng cả cuộc đời mình, chính là “cách nói về người mà mình vẫn hằng yêu”.

Cốm
15-09-2007, 02:22 PM
Người bạn đồng hành của tình yêu

(Thục Hân dịch)

Người ta kể rằng, một ngày kia, tất cả các cảm xúc và tính cách cùng tụ họp trên Trái Đất. Sau khi Nhàm Chán ngáp đến lần thứ ba, Chân Thành nảy ra một ý định:

- Bọn mình chơi trốn tìm đi!

Chân Thành nói xong, Nhiệt Tình và Nỗ Lực đồng ý liền. Hào Hứng thì phấn khích tới mức Lưỡng Lự, sau khi nghĩ đi nghĩ lại, cũng bị thuyết phục cùng chơi. Thậm chí cả Thờ Ơ, vốn chẳng có hứng thú với cái gì cả, cũng muốn cùng tham gia. Còn Sự Thật, dù đồng ý tham gia nhưng lại cho rằng mình chẳng muốn trốn đi đâu cả. Kiêu Ngạo nói trò “trốn tìm” thật trẻ con, còn Nhút Nhát thì không muốn thử rủi ro.

- Một, hai, ba... - Chân Thành nhắm tịt mắt lại và bắt đầu đếm.

Niềm Tin bay thẳng lên trời, với Niềm Tin thì không có điều gì là không thể! Chiến Thắng thì trèo lên đỉnh ngọn cây cao nhất, và Ghen Tỵ chạy ngay đến nấp sau cái bóng của Chiến Thắng. Rộng Lượng đã đi trốn ở một chỗ rất bí mật, nhưng lại nhường chỗ trốn cho một người bạn. Ngược lại, ích Kỷ đã tìm được một chỗ trốn vừa kín đáo, vừa dễ chịu, nhưng lại chẳng cho ai trốn cùng. Nói Dối thì trốn dưới đáy đại dương, tối âm u. Nồng Nhiệt và Khát Vọng thì trốn trên đỉnh những ngọn núi lửa nóng bỏng. Còn Hay Quên thì... (mm... xin lỗi nhé, mình quên mất chỗ bạn ấy trốn rồi).

- Một triệu! - Chân Thành đã đếm xong và mở mắt ra.
Khi lại gần hồ nước, Chân Thành tìm thấy ngay Vẻ Đẹp, cô ấy mải mê ngắm mình dưới hồ nước đến mức bị tìm thấy trước tiên. Do Dự, nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng ngồi trên cái hàng rào, chẳng thể quyết định là mình sẽ nhảy xuống bên nào, thế nên cũng bị tìm thấy ngay lập tức.

Lần lượt, Chân Thành tìm thấy tất cả mọi người: Khéo Léo trốn giữa những cọng cỏ tươi; Sầu Muộn trốn trong một cái hang tối tăm ẩm ướt; Nồng Nhiệt và Khát Vọng ở trên núi lửa. ích Kỷ thì khỏi phải đi tìm vì cậu ta đang cuống cuồng chạy trốn ra khỏi cái chỗ tưởng như êm ấm của mình khi bị một bầy ong tấn công - và tất nhiên, chẳng có ai giúp, vì ban đầu, cậu đã chiếm chỗ trốn đó một mình. Và Nói Dối được tìm thấy trên cầu vồng (Tất nhiên, đây là một lời nói dối, vì Nói Dối trốn dưới đáy đại dương cơ mà, bạn có nhớ không?).

Nhưng chỉ còn Tình Yêu là không thấy đâu cả. Chân Thành đi tìm sau những cái cây cổ thụ, dưới những con sông, trên đỉnh núi..., nhưng Tình Yêu vẫn biệt tăm. Tình Yêu lúc nào cũng khó tìm như vậy!

Sắp sửa bỏ cuộc, chợt Chân Thành nhìn thấy một bụi hoa hồng đầy gai đang rung rinh. Chân Thành nhặt một cành cây to và đập vào bụi hoa hồng vài lần xem có ai đang nấp không. Chợt có ai kêu thét lên rất đau đớn - gai của những bông hoa hồng đã đâm vào mắt của Tình Yêu. Quá hối hận, Chân Thành rối rít xin lỗi và hứa rằng từ đó trở đi, Chân Thành sẽ luôn ở bên cạnh để dẫn đường cho Tình Yêu. Những người bạn khác rất thương Tình Yêu nên cũng quây quần xung quanh, nói rằng họ sẽ lần lượt chăm sóc cho Tình Yêu.

Kể từ đó, Tình Yêu có rất nhiều người bạn Cảm Xúc, có lúc đi với người bạn này và có lúc đi với người bạn khác. Nhưng người ta nói với nhau rằng Tình Yêu và Chân Thành thì lúc nào cũng đi cùng nhau.

Cốm
15-09-2007, 02:23 PM
Người bạn thân đầu tiên của tôi

(Thục Hân dịch)

Tôi không hiểu tại sao tự nhiên tôi lại nghĩ đến cậu ấy.

Lúc đó tôi đang dọn dẹp nhà cửa thì bỗng nhiên nghĩ tới cậu ấy. Tôi đã từng nghĩ sẽ gửi cho cậu ấy một tấm thiệp hoặc gọi điện. Nhưng như thế có vẻ buồn cười lắm, ngớ ngẩn lắm. Lần cuối cùng gặp nhau, chúng tôi đã cãi nhau ầm ỹ và tôi nói không muốn nhìn thấy cậu ấy nữa cơ mà! Tôi đã từng muốn liên lạc với cậu ấy vài lần, và lần nào cũng cho rằng đó là một ý tưởng kỳ dị.

Cậu ấy là người bạn thân đầu tiên của tôi.

Cậu ấy sống ở cạnh nhà tôi rất nhiều năm về trước, khi chúng tôi còn rất nhỏ, khi cuộc sống còn mới mẻ mỗi sáng tỉnh dậy, khi mẹ tôi và mẹ cậu ấy đứng nói chuyện với qua hàng rào bên ngoài cửa sổ. Cậu ấy bé hơn tôi một tuổi rưỡi, có một anh trai và 4 chị gái.

Cuộc sống lúc đó rất đơn giản và dễ dàng.
Chúng tôi thường chơi xích đu cùng nhau trong vườn. Cùng đến thăm nhà bà tôi và cả nhà bà cậu ấy.

Bạn sẽ luôn luôn nhớ những điều bạn từng làm với những người bạn thân nhất. Như che chung một cái ô và giả vờ là đang đi cắm trại. Như đi ăn ở đâu cũng nhớ mang phần về cho con vẹt nhà cậu ấy.

Và trò “sưu tập” những con giun đất để đi câu. Chúng tôi đào những cái hố sâu để tìm giun. Tôi vẫn còn tưởng tượng ra vẻ mặt của mẹ cậu ấy lúc phát hiện chúng tôi giấu bọn giun ở dưới gầm giường. Khỏi phải nói, bọn giun không bao giờ tồn tại được ở đó lâu. Nhưng không phải là do mẹ cậu ấy bắt vứt đi, mà là do bọn giun đất không sống lâu được ở dưới gầm giường!

Tôi có một cái xe đạp bé màu xanh, có bàn đạp hẳn hoi. Còn cậu ấy có cái ô tô màu đỏ, cũng có thể lái được bằng cách đạp. Chúng tôi thường cùng đi xe tới tận cuối phố, và nhiều năm sau, bà cụ sống ở cuối phố vẫn nhắc lại rằng thường nghe thấy chúng tôi đỗ xe và nói chuyện về việc ngày nào đó sẽ làm đám cưới.

Nhưng tất nhiên, chuyện đó không xảy ra. Tôi đi học sớm hơn cậu ấy 2 năm. Chúng tôi có những người bạn cùng giới và cùng lớp. Nhưng chúng tôi vẫn trao đổi những đĩa nhạc mà chúng tôi thích nghe nhất, vẫn nói chuyện vọng qua cửa sổ.

Nhưng lần cuối cùng cũng đã lâu lắm rồi. Lần cuối cùng ngồi nói chuyện trong vườn, tôi và cậu ấy đã cãi nhau một trận chí chết, mà đến bây giờ tôi cũng không nhớ là vì cái gì nữa. Sau đó, bố mẹ cậu ấy mất. Gia đình chúng tôi thì chuyển đi. Sau đó tôi nghe nói là cậu ấy cũng chuyển đi. Chúng tôi mất liên lạc. Tôi đi học Đại học xa nhà. Tôi nghe nói cậu ấy không vào đại học, và tôi cũng không biết cậu ấy làm gì.

Thỉnh thoảng, tôi nghĩ đến việc liên lạc với cậu ấy.

Vào ngày Thứ năm, bố nói với tôi là Paulie mới mất vì một tai nạn giao thông. Tôi đã nghĩ đến cậu ấy và định gọi điện vào ngày Thứ ba. Cậu ấy là người bạn thân đầu tiên của tôi.

Cốm
15-09-2007, 02:25 PM
Phép thuật của những phù thủy

Tác giả: Evelyn M. Gibb - Thục Hân (Dịch)

Phép thuật của những phù thủy

Tôi đã chuẩn bị xong một túi kẹo đủ loại cho đêm Halloween, sẵn sàng chờ những cô cậu bé trong các bộ quần áo hoá trang. Nhưng đúng buổi sáng Halloween, tôi bị ngã cầu thang, chân sưng tấy và đến tối thì tôi hầu như không di chuyển được. Rõ ràng, không thể cứ mỗi lần có tiếng gõ cửa thì lại chạy ra, nên tôi quyết định treo túi kẹo vào tay nắm cửa, rồi ngồi từ phía trong nhà nhìn ra, xem có bao nhiêu cô cậu bé đi thu kẹo vào tối Halloween qua nhà mình. Thậm chí, tôi tắt đèn trong phòng khách để chúng nghĩ rằng không có ai ở nhà, khỏi bấm chuông cửa.

Đầu tiên là một vũ công balê hơi mập với ba chú ma bé nhỏ. Mỗi em lấy một chiếc kẹo. Khi “con ma” cuối cùng bốc một nắm kẹo, tôi nghe thấy “vũ công balê” quát:

- Mỗi người chỉ được lấy một cái kẹo thôi! Còn phải để cho những người đến sau chứ! Phải trung thực!

Tôi thấy thật vui vì trong bóng tối và không có ai nhìn thấy, một em nhỏ vẫn thực hiện đúng nguyên tắc trung thực của mình.

Các cô công chúa, những nhà du hành vũ trụ, những bộ xương và những người ngoài hành tinh là những vị khách tiếp theo. Có vẻ nhiều em nhỏ ghé qua nhà hơn là tôi tưởng, và dường như cái túi sắp hết kẹo. Ngay khi tôi định bật đèn phòng khách thì tôi thấy có bốn cô cậu bé nữa đi tới. Ba nhân vật lớn hơn thò tay vào túi và mỗi người lấy được một thanh sôcôla. Tôi nín thở, hy vọng còn ít nhất một cái kẹo cho cô bé phù thuỷ bé nhất. Nhưng khi cô bé rút tay ra khỏi túi, cô bé chỉ cầm mỗi một viên thạch bé tẹo màu da cam.

Lúc đó, ba cô cậu bé lớn hơn gọi to:

- Nào, Emily, đi thôi! Không có ai ở nhà để cho em thêm kẹo đâu!

Nhưng Emily ngập ngừng một chút nữa. Có thể em sẽ cố bấm chuông hay sao? Nhưng không, cô bé thả viên thạch bé xíu vào cái túi của mình rồi quay mặt vào cửa nhà tôi, nói to:

- Cảm ơn nhé, ngôi nhà! Tớ rất thích kẹo thạch đấy!

Rồi cô bé lũn chũn chạy theo các bạn.

Tôi mỉm cười trong bóng tối - nụ cười đầu tiên trong ngày kể từ lúc tôi bị ngã cầu thang. Hình như một cô phù thủy bé nhỏ đã phù phép cho tôi thì phải...

Cốm
15-09-2007, 02:29 PM
Nỗi ân hận mỳ ống

Tác giả: John Gaudet - Thục Hân (Dịch)


-Cả lớp, giờ thủ công ngày mai mỗi em chuẩn bị một cốc mỳ ống nhé?

Lời dặn của cô giáo khiến tôi rất lo lắng, vì tôi biết sẽ không thể tìm thấy một chút mỳ ống nào ở nhà. Sống trong một gia đình nghèo nhất khu phố, nhà tôi chẳng có gì nhiều cả, ngoại trừ những vỏ chai bia mà anh em tôi thường nhặt ngoài phố về để bán.

Tôi lê từ trường về nhà, đầu óc rối bời. Tôi sẽ phải tìm mỳ ống ở đâu bây giờ? Tôi biết một cửa hàng thu mua chai lọ ở gần ngoại ô. Họ trả 20 xu cho một chai bia rỗng, thế là tôi quyết định đi nhặt một ít vỏ chai bia, và như thế có thể mua một hộp mỳ nhỏ ở cửa hàng tạp hoá.

Khi về nhà, tôi tìm trong góc bếp được hai chai bia. Chạy khắp phố, tôi tìm thêm được 2 chai nữa. Bỏ bốn vỏ chai bia vào cái túi, tôi dắt Able - em trai tôi - đi cùng, vì nó đã phải chơi ở nhà một mình cả ngày.

Cửa hàng thu mua chai lọ trả cho tôi 80 xu. Tôi trở nên giàu sụ, dắt Able đi bộ về, đầu ngẩng cao. Còn Able thì cứ nhấp nha nhấp nhổm muốn xem những đồng xu trong túi tôi. Tiếng leng keng của những đồng xu trong túi làm tôi thấy yên tâm về vụ mỳ ống.

Nhưng vừa bước vào cửa hàng tạp hoá, chúng tôi đã ngửi thấy mùi bánh mỳ nóng. Able ngước nhìn lên, níu chặt lấy tay tôi, và ngay lập tức, tôi biết rằng mình sẽ đến trường vào ngày mai mà chẳng có chút mỳ ống nào cả.

Tôi mua hai chiếc bánh mỳ nóng và hai chiếc bánh vòng có mứt - món bánh sặc sỡ mà Able chưa bao giờ được ăn. Khi về đến nhà, chúng tôi cùng chia chỗ bánh mỳ và bánh vòng đều cho cả bốn anh em. Có lẽ, tối hôm đó, Able và hai đứa em của tôi ngủ ngon hơn. Nhưng tôi thì không.

Ngày hôm sau, càng gần đến giờ thủ công thì trong đầu tôi càng chẳng có gì ngoài mỳ ống. Và tôi cúi gằm mặt khi cô giáo nghiêm giọng:

- Em không nghe cô dặn hôm qua sao, John?

Tôi như bị đóng băng. Nhưng ngay lúc đó, cô bạn tên là Rosalyn ngồi phía trước tôi chợt quay xuống:

- Mình mang theo nhiều mỳ ống lắm, bạn có thể dùng một ít của mình.

Giọng nói Rosalyn rất ấm, và ánh mắt của cô bạn ấy chợt làm cho tôi gần như bật khóc. Tôi đứng bật dậy chạy ra khỏi lớp, thấy hết sức xấu hổ.

Tức là tôi đã chịu nhận điểm 0 trong giờ thủ công hôm đó. Tôi không lấy mỳ ống của Rosalyn, cũng không hề cảm ơn bạn ấy. Là một đứa con trai học lớp 2, “tự ái” của tôi cao đến mức độ tôi không bao giờ nói chuyện với bạn ấy nữa, vì tự thấy ngượng vì cả cách cư xử của mình.

Rồi cuộc sống cứ trôi đi, tôi lớn lên, có việc làm ổn định. Con gái tôi bây giờ đã lên tám, và ngày hôm qua, nó bảo rằng phải đem một ít mỳ ống tới cho giờ thủ công trên lớp hôm sau. Tôi gói một ít mỳ ống lại cho cô bé và với trái tim nặng nề, tôi nghĩ tới Rosalyn. Bỗng nhiên, tôi gói thêm một gói mỳ ống nữa rồi nói với con gái:

- Con cứ cầm theo nhiều một chút, biết đâu có bạn nào quên mang theo và con sẽ có thể tặng bạn ấy một ít.

Tôi thấy nhẹ nhõm hơn, cảm thấy Rosalyn sẽ hài lòng khi tôi cảm ơn cô ấy bằng cách này - đem sự thương yêu và tử tế trải rộng ra cho nhiều người, nhiều thế hệ.

Cốm
15-09-2007, 02:36 PM
Donna và Claudia
(Thục Hân dịch)


Donna là chị của tôi, và từ đầu tiên mà ai nhìn thấy chị ấy cũng nghĩ tới là: “xinh đẹp”. Khi Donna học trung học, với mái tóc dài, vàng óng và đôi mắt xanh trong veo, có cả tá anh chàng lẽo đẽo đi theo chị ấy mỗi ngày. Mỗi sáng, Donna chải tóc thật mượt và xịt dầu cho nó bóng sáng lên. Mỗi tối, Donna luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại và ngày lễ nào, chị ấy cũng nhận được rất nhiều hoa. Chính vì thế, bố mẹ tôi luôn để mắt kỹ càng tới những anh chàng táo tợn tìm đến tận nhà tôi.

Một ngày thứ bảy, một anh chàng mời chị ấy đi chơi công viên giải trí cùng với nhóm bạn. Lúc đầu, bố mẹ tôi không đồng ý, nhưng Donna cứ nài nỉ mãi, và hứa sẽ về nhà trước 11h.

Khoảng gần 11h, chuông điện thoại reo. Mẹ nghe điện, nấc lên một tiếng rồi ngồi khuỵu xuống ghế. Donna bị tai nạn ôtô, vì anh chàng lái xe phóng quá nhanh do sợ về muộn.

Bố mẹ tôi lao ra cửa, chỉ kịp dặn tôi và em Teri phải ngồi yên ở nhà. Mọi sự lại tệ hơn những gì chúng tôi nghĩ. Da đầu của chị Donna bị bong từng mảng, chảy nhiều máu và các bác sĩ phải cạo đi toàn bộ mái tóc. Các bác sĩ nói với bố mẹ tôi rằng có thể Donna sẽ không vượt qua được đêm đó. Bố mẹ tôi vừa khóc, vừa thu mái tóc dài vàng óng của Donna vào một chiếc túi để mang về.

Nhưng Donna vượt qua được đêm hôm đó, và 7h sáng hôm sau, tôi và Teri được vào thăm. Donna bị quấn băng trắng xoá trên đầu, hơi có thấm máu, mặt nhợt nhạt và trầy xước hết cả. Donna với tay, chạm vào mái tóc dài màu nâu của tôi và khóc.

Donna nằm viện hai tuần. Rất nhiều bạn bè đến thăm chị ấy, đặc biệt là chị Claudia, ngày nào cũng đến. Bố mẹ tôi không ưa Claudia lắm, vì chị ấy làm gì cũng vội vàng, và quá thẳng thắn. Ngày thường, Claudia cũng ngại và ít đến nhà tôi, nhưng kể từ hôm Donna nằm viện, chẳng hôm nào chị ấy vắng mặt.

Donna trở về nhà mà không còn chút tóc nào. Tôi nghĩ chị ấy bị khâu đến cả trăm mũi, trên đầu, trên trán, giữa hai lông mày. Chị ấy không thể chải tóc mỗi buổi sáng được nữa.

Rồi Donna quay trở lại trường. Tôi không biết những con người vô tâm từ đâu ra, nhưng rõ ràng là họ có tồn tại. Có nhiều cô gái trong lớp Donna giật mũ chị ấy đội để cười nhạo.

Donna không bao giờ kể chuyện đó với ai, nhưng Claudia vẫn biết. Donna đi đâu là Claudia có mặt. Không biết Claudia có vẻ “khó chơi” hay sao, mà từ lúc Claudia đi theo, chẳng ai dám trêu Donna nữa.
M
ột chiều thứ bảy, Claudia gọi điện rủ Donna đến nhà chơi. Bố mẹ tôi không muốn Donna đi, không chỉ vì họ không thích Claudia, mà còn vì quá sợ những gì đã xảy ra cho Donna. Nhưng Donna vẫn thế, không ai buộc được chị ấy ở nhà.

Claudia có một điều đặc biệt dành cho Donna: chị ấy ra mở cửa với một cái mũ trùm. Claudia đã cạo sạch mái tóc dài màu nâu của mình, và dẫn Donna đi mua tóc giả. Hai chị ấy đội hai mái tóc giả màu vàng y như nhau. Trông xa, họ giống như hai chị em sinh đôi vậy.

Donna và Claudia đội hai mái tóc giả giống hệt nhau đó suốt một năm, cho đến khi tóc họ đủ dài.

Cuối cùng, chị tôi cũng tốt nghiệp trung học, rồi tốt nghiệp đại học và đi làm đã được 8 năm. Trong suốt 15 năm đó, chị ấy vẫn có người bạn thân nhất là Claudia.

Cốm
15-09-2007, 02:38 PM
Món quà lớn nhất
(Thục Hân dịch)

Khi lái xe trên đường cao tốc, mẹ tôi đã “chuẩn bị tinh thần” cho chúng tôi về những gì mà chúng tôi sắp nhìn thấy. Một bà cụ đang hấp hối vì bệnh ung thư, và mẹ tôi đã đăng ký là cả gia đình tôi tình nguyện tới giúp đỡ việc nhà cho bà cụ.

- Bà Annie bị một khối u làm cho mặt bà bị biến dạng - Mẹ nhấn mạnh.
Mẹ đã kể cho bà Annie nghe rất nhiều về chúng tôi, và bà Annie cũng từng nói chuyện với tôi qua điện thoại. Có vẻ bà rất vui khi tôi nói chuyện với bà. Nhưng bà nói:

- Rất nhiều trẻ con đều sợ khuôn mặt bà, bà sẽ hiểu nếu cháu không muốn đến thăm bà.

Tôi đã đấu tranh rất nhiều khi mẹ nói sẽ đưa chị em tôi tới nhà bà Annie. Mẹ bảo chúng tôi phải hiểu rằng những người bị bệnh hoặc khuyết tật cũng giống như những người bình thường khác - cảm xúc của họ cũng có thể bị tổn thương.

- David - Mẹ nói với cậu em 5 tuổi của tôi - Con có nhớ bộ phim về cậu bé có khuôn mặt bị biến dạng không?

- Có, mẹ ạ - David đáp, trong khi tôi hơi rùng mình - Con hiểu rồi mà.

- Khối u trông như thế nào ạ? - Tôi rụt rè hỏi mẹ. Có lẽ tôi không dũng cảm như David.

- Nó làm cho da mặt bà Annie bị co lại và bà nói chuyện rất khó khăn - Mẹ đáp - Con sẽ thấy khi con gặp bà ấy. Nhưng không có gì phải sợ. Chỉ có điều, các con phải nhớ rằng đừng có nhìn chăm chăm vào bà Annie. Đừng có nhìn như thế.

- Các con đã sẵn sàng chưa? - Mẹ hỏi lại khi dừng xe trước cửa nhà Annie.
- Sẵn sàng rồi ạ! - David đáp mạnh mẽ như trong quân đội - Con không sợ đâu, mẹ!

Còn tôi thì gật gật đầu, hơi co người lại một chút.

Chúng tôi bước vào phòng khách, nơi bà Annie đang ngồi trên ghế bành. Trên bàn, trước mặt bà là rất nhiều thư và thiệp. Tôi chững lại một chút, trông bà Annie đáng sợ hơn tôi tưởng - đáng sợ hơn cả trong phim “Mặt nạ” mà tôi từng xem. Mẹ đi đằng sau, nắm lấy vai tôi.

Bà Annie ngẩng lên nhìn chúng tôi, và tôi thấy khuôn mặt nhăn nheo của bà sáng bừng lên:

- Các cháu đến đấy à, bà mừng quá!

Tiếng nói của bà Annie rất khó nghe, và khi bà nói, miệng bà càng co lại, trông rất kỳ lạ.

Rồi một điều kỳ diệu xảy ra. David chạy ào lại chỗ ghế bà Annie, vòng tay ôm lấy bà và hôn chụt vào gò má nhăn thành từng nếp. Vừa mỉm cười, David vừa nhìn vào mắt bà Annie và nói:

- Cháu cũng rất vui được gặp bà. Bà có khoẻ không?

Ngay khi đó, tôi bỗng cảm thấy mình bé nhỏ hơn David rất nhiều. Và tôi cũng chạy lại chỗ bà Annie, ôm bà thật chặt.

Đó là khi tôi cảm thấy má tôi hơi ươn ướt dù không hề khóc. Nước mắt của bà Annie. Lúc đó, tôi biết rằng tôi và David đã tặng bà Annie một món quà lớn hơn nhiều so với chuyện giúp đỡ việc nhà. Món quà lớn nhất mà một người lớn có thể nhận được: một cái ôm thật chặt của một đứa trẻ.

Cốm
15-09-2007, 02:39 PM
Một người trong số chúng ta
(Thục Hân dịch)

Vào ngày 15/2/1921, có một vị bác sĩ phải thực hiện ca mổ ruột thừa. Đó là bác sĩ Evan Kane, đã hoạt động trong ngành y suốt 37 năm và thực hiện gần 4000 ca cắt ruột thừa. Cho nên, ca phẫu thuật này không có gì là bất thường, ngoại trừ hai điều.


Điều thứ nhất, đây là lần đầu tiên loại thuốc gây tê cục bộ được dùng cho một ca phẫu thuật lớn. Bác sĩ Kane tin rằng loại thuốc tê một phần cơ thể này dùng sẽ an toàn hơn là việc gây mê làm cho bệnh nhân ngủ suốt cả ca mổ, hơn nữa lại tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Đa số các đồng nghiệp đều đồng ý với bác sĩ Kane, nhưng ai cũng muốn tận mắt chứng kiến xem có thật sự thành công không đã.


Thế là bác sĩ Kane tìm kiếm một tình nguyện viên - một bệnh nhân sẵn sàng trải qua một ca phẫu thuật hoàn toàn chỉ dùng thuốc tê cục bộ. Thật không dễ để tìm một người như vậy. Đa số mọi người không thể chịu nổi cái ý nghĩ mình cứ tỉnh như sáo trong suốt thời gian bác sĩ mổ cho mình - như thế thật không giống với bình thường. Còn những người khác thì sợ rằng thuốc tê sẽ mau chóng mất tác dụng khi còn chưa mổ xong.


Tuy nhiên, cuối cùng thì bác sĩ Kane cũng đã tìm được một tình nguyện viên. Vào buổi sáng thứ ba, ngày 15/2, ca phẫu thuật bắt đầu. Bệnh nhân được chuẩn bị đầy đủ và được đẩy xe lăn vào phòng mổ. Thuốc gây tê cục bộ được sử dụng. Như hàng ngàn lần trước đây, bác sĩ Kane bình tĩnh thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa. Bệnh nhân chỉ hơi thấy bất tiện một chút, nhưng hồi phục nhanh và được xuất viện chỉ sau hai ngày.


Bác sĩ Kane đã chứng minh được lý thuyết của mình. Nhờ tinh thần sẵn sàng của một tình nguyện viên, bác sĩ đã cho thấy rằng thuốc gây tê cục bộ là một lựa chọn tốt hơn thuốc mê cho những ca mổ ruột thừa.


Nhưng còn có một điều nữa làm cho ca phẫu thuật này không bình thường. Đó chính là tình nguyện viên - bệnh nhân chịu để “mổ thí nghiệm” chính là bác sĩ Kane. Tức là, để chứng minh điều mình nói, bác sĩ Kane đã tự phẫu thuật cho mình! Vị bác sĩ tự biến mình thành bệnh nhân để thuyết phục các bệnh nhân tin vào y học, không chỉ nên tin vào công dụng của thuốc gây mê, mà còn tin vào tinh thần và trách nhiệm làm việc của các bác sĩ.


Để có một điều gì đó mới được mọi người cùng tin tưởng sử dụng, trước hết, một người trong số chúng ta phải đủ can đảm để dám làm, dù đó là điều rất khác so với thông thường. Bác sĩ Kane đã chứng minh là một nguyên tắc sống như vậy: Luôn cần có một-người-trong-số-chúng-ta.

Cốm
18-09-2007, 12:24 PM
CHUYỆN CÂY TÁO

Ngày xửa ngày xưa có một cây táo to. Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo mỗi ngày. Nó leo lên ngọn cây hái táo ăn, ngủ trưa trong bóng râm. Nó yêu cây và cây cũng rất yêu nó. Thời gian trôi qua, cậu bé đã lớn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày.

Một ngày nọ, cậu bé trở lại chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu, cây táo reo to:

- Hãy đến chơi với ta.

- Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa. Cháu chỉ thích đồ chơi thôi và cháu đang cần tiền để mua chúng.

- Ta rất tiếc là không có tiền, nhưng cậu có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi cậu sẽ có tiền.

Cậu bé rất mừng. Nó vặt tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi. Cây táo lại buồn bã vì cậu bé chẳng quay lại nữa.

Một hôm, cậu bé – giờ đã là một chàng trai – trở lại và cây táo vui lắm.

- Hãy đến chơi với ta.

- Cháu không có thời gian để chơi. Cháu còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một mái nhà để trú ngụ. Bác có giúp gì được cháu không?

- Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng cậu có thể chặt cành của ta để dựng nhà.

Và chàng trai chặt hết cành cây. Cây táo mừng lắm nhưng cậu bé vẫn chẳng quay lại. Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.

Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ đã là người có tuổi – quay lại và cây táo vô cùng sung sướng.

- Hãy đến chơi với ta.

- Cháu đang buồn vì cảm thấy mình già đi. Cháu muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Bác có thể cho cháu một cái thuyền không?

- Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền. Rồi cậu chèo ra xa thật xa và sẽ thấy thanh thản.

Chàng trai chặt thân cây làm thuyền. Cậu chèo thuyền đi.

Nhiều năm sau, chàng trai quay lại.

- Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho cậu nữa. Không còn táo.

- Cháu có còn răng nữa đâu mà ăn.

- Ta cũng chẳng còn cành cho cậu leo trèo.

- Cháu đã quá già rồi.

- Ta thật sự chẳng giúp gì được cho cậu được nữa. Cái duy nhất còn lại là bộ rễ đang chết dần mòn của ta. – Cây táo nói trong nước mắt.

- Cháu chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ ngồi nghỉ. Cháu đã quá mệt mỏi sau những năm qua.

- Ôi, thế thì cái gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho cậu ngồi dựa vào và nghỉ ngơi. Hãy đến đây với ta.

Chàng trai ngồi xuống và cây táo mừng rơi nước mắt.

Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta. Cây táo là cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta còn trẻ, ta thích chơi với cha mẹ. Khi lớn lên, chúng ta bỏ họ mà đi và chỉ quay trở về khi ta cần họ giúp đỡ. Bất kể khi nào cha mẹ vẫn luôn sẵn sàng nâng đỡ chúng ta để ta được hạnh phúc.

Bạn có thể nghĩ cậu bé đã rất bạc bẽo với cây táo, nhưng đó cũng là cách mà chúng ta đang đối xử với cha mẹ mình đấy.

(Hương Giang dịch)

Cốm
18-09-2007, 12:25 PM
ĐIỀU ĐÓ RỒI CŨNG QUA ĐI

Một ngày nọ, vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: “Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ và ta cho ông 6 tháng để tìm chiếc vòng đó.”

Benaiah trả lời: “Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?”

Nhà vua đáp: “Nó có những sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn vào nó sẽ thấy vui.” Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.

Vào đêm trước ngày lễ, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi: “Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?”. Ngươi bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng ngời một nụ cười.

Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mùa lễ hội. “Nào, ông bạn của ta – vua Salomon hòi – ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?”. Tất cả cận thần có mặt đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người. Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: “ Nó đây, thưa đức vua.” Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó có khắc dòng chữ: “ Điều đó rồi cũng qua đi.”

Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều chỉ là phù du, bởi vì một ngày nào đó ông cũng chỉ là cát bụi….

(Đào Thị Diễm Tuyết dịch)

Cốm
18-09-2007, 12:25 PM
TÌNH BẠN

Hai người đi trên con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt và một người đã không kiềm chế được giơ tay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lời. Anh viết lên trên cát: “Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.”

Họ lại tiếp tụ đi, đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Anh bạn kia không may bị chuột rút và suýt chết đuối, may mà được người bạn cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên trên đá: “Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi.”

Anh bạn kia ngạc nhiên hỏi: “Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá?”

Mỉm cười, anh trả lời: “Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó lên cát, gió sẽ thôi bay chúng đi cùng sự tha thứ… Và khi có điều gì đó to lớn xảy ra chúng ta nên khắc nó lên đá như khắc sau vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xoá nhoà được…”

Hãy học cách viết trên cát và đá…

(Lê Thu Hiền dịch)

Cốm
18-09-2007, 12:25 PM
Tôi sẽ ngừng than vãn

Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có áo quần để mặc, có mộtmái nhà che đầu và một nơi nghỉ qua đêm là bạn đã giàu hơn 75% thế giới này.

Nếu bạn có tiền tiêu trong ví, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, bạn thuộc 8% những người giàu nhất thế giới.

Nếu sáng nay bạn thức dậy thấy mình khoẻ hơn ngày hôm qua một chút thì bạn đã may mắn hơn 1 triệu người không thể sống qua nổi tuànnafy.

Nếu bạn chưa bao giờ phải trải qua nguy hiểm của chiến tranh, cô đơn của tù tội, đớn đau của tra tấn hay vật vã của đói khát, bạn đã hạnh phúc hơn 500 triệu người trên thế giới.

Nếu bố mẹ bạn còn sống và hạnh phúc bên nhau thì so với thế giới trường hợp của bạn không nhiều đâu.

Và cuối cùng nếu bạn đọc được thông điệp này thì bạn đã sung sướng hơn 2 tỷ người trên thế giới chẳng bao giờ được đọc bât cứ thứ gì cả.

Hãy nâng niu những gì trong vòng tay bạn, bởi rất nhiều người đang thèm được như bạn đấy.

(Hương Giang dịch)