PDA

View Full Version : [Truyện ngắn] Xe Lửa - Ressha (Dazai Osamu)



Kasumi
02-09-2007, 06:17 PM
Phạm Vũ Thịnh dịch
thep erct



Lời người dịch: Tác phẩm đầu tay dưới bút danh Dazai Osamu, đoạt giải "Sunday To-oku" năm 1933, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật "Ressha" trong bản công khai trên mạng Aozora Bunko (Kho Sách Ngoài Trời) tháng 5 năm 2000.

Ðầu máy xe lửa ấy kiểu C51 chế tạo năm 1925 tại công xưởng Umehachi, kéo theo ba toa hạng ba, toa phòng ăn, toa hành khách hạng nhì, toa phòng ngủ hạng nhì, đều chế tạo tại cùng một công xưởng ấy, ngoài ra, có thêm ba toa chở hàng dành cho bưu-kiện và hành lý các thứ, tổng cộng là chín cái hộp chất lên chừng hai trăm người khách và trên một trăm ngàn bưu-kiện kèm theo bao nhiêu là hệ-lụy đau lòng, bất chấp ngày mưa ngày gió, cứ đến 2 giờ rưỡi chiều là khởi động trục xe, bắt đầu chạy từ Ueno hướng đến Aomori. Tùy bữa mà được tống tiễn bằng tiếng hô vạn-tuế, hay lưu luyến trong khăn tay vẫy theo, hoặc chìm đắm trong tiếng nức-nở ly-biệt. Chiếc xe lửa mang số 103.

Con số ấy mang lại cảm giác khó chịu. Từ năm 1925 đến nay, đã 8 năm liền, con tàu nầy đã xé nát ái-tình của biết mấy vạn người rồi. Ngay cả tôi đây cũng đã vì con tàu nầy mà gặp chuyện cay đắng vô cùng. Ðó là lúc Shiota tiễn cô Tetsu về quê nhà, mới mùa đông năm ngoái đây.

Cô Tetsu và Shiota cùng quê, từ thời thơ ấu đã thân thiết với nhau, còn tôi và Shiota là bạn cùng thức ngủ chung phòng trong cư xá trung học cấp ba, thỉnh thoảng vẫn được nghe về mối tình của họ. Cô Tetsu là con nhà nghèo nên gia đình Shiota vốn là nhà khá giả, không chấp nhận cho hai người kết hôn, vì thế mà Shiota đã lắm lần cãi cọ kịch liệt với ông bố. Lần cãi lẫy đầu tiên, Shiota đã tức uất đến gần bất tỉnh, máu mũi trào ra ròng ròng. Chuyện ngây ngô đến thế mà cũng đã kích động lạ thường tâm tình non trẻ của tôi ngày ấy.

Thế rồi cả tôi lẫn Shiota xong trung học cấp ba, cùng vào đại học ở Tokyo. Ba năm trôi qua. Ðối với tôi đã là những năm tháng khổ-nhọc, nhưng có vẻ Shiota thì không thế, cứ sống thoải mái ngày nầy như ngày khác. Tôi thì lúc đầu phải ở nhà trọ nhưng nhờ sát ngay trường học nên Shiota khoảng mới vào học cũng có đến chơi hai, ba lần gì đấy, thế nhưng hoàn cảnh lẫn tư tưởng của cả hai đứa dần dần tách biệt hẵn ra, nên không còn mong gì có lại được tình bạn khắng khít như ngày trước nữa. Có thể chỉ vì thiên kiến thôi, nhưng tôi nghĩ nếu thời ấy mà không có chuyện cô Tetsu lên kinh đô nầy thì có lẽ Shiota hẳn đã định chia tay mãi mãi với tôi rồi.

Mùa đông ba năm sau khi ngưng giao du thân tình với tôi, đột nhiên, Shiota đến nhà tôi lúc ấy ở ngoại vi thành phố, cho biết là cô Tetsu đã lên Tokyo. Hẳn là cô ấy không còn chờ đợi đến khi Shiota tốt nghiệp được nữa, nên đã một mình trốn nhà lên Tokyo.

Khoảng ấy thì tôi cũng đã kết hôn với một cô gái quê thất học, đúng lúc đang mất dần cảm giác trẻ trung để có thể hưng phấn trong lòng về chuyện tình của Shiota như ngày xưa, nên khi Shiota đột nhiên đến chơi như thế, tôi đã có phần bối rối, tuy vậy tôi cũng đủ sáng suốt để nhìn thấu được đáy lòng Shiota về chuyến thăm viếng đột ngột ấy. Sự kiện một thiếu nữ yêu mình đến nỗi bỏ nhà đi theo ấy, đem nói tràn lan trong đám bạn thân của mình, thì hẳn đã làm thoả mãn được lòng tự hào của Shiota biết bao nhiêu! Tôi cảm thấy khó chịu vì vẻ mãn nguyện tột đỉnh của hắn, đến đâm ra nghi ngờ thực-tâm của hắn đối với cô Tetsu. Mà rồi niềm hoài nghi nầy của tôi đã được thực chứng một cách tàn nhẫn. Một lần, sau khi đã biểu lộ niềm vui cuồng nhiệt, niềm cảm kích cùng tột, Shiota nhíu mày hỏi nhỏ: "Bây giờ phải làm sao đây?". Tức thì, chẳng hơi đâu mà đồng-tình với trò chơi của kẻ nhàn rỗi như thế, tôi nói thẳng, đúng như hắn đang suy tính: "Cậu khôn thật. Cậu đã không còn thấy thương yêu cô ấy như trước nữa, thì chỉ còn cách chia tay nhau thôi chứ gì nữa!".

Rõ ràng là khoé miệng hắn nhếch một nụ cười, nhưng Shiota tỏ vẻ suy nghĩ lung lắm.

Bốn năm ngày sau, tôi nhận được một bưu thiếp giao gấp từ Shiota. Bưu thiếp ấy ghi vắn tắt đại ý rằng vì tương lai của cả hai, và cũng vì bạn bè khuyên nhủ, nên sẽ đưa trả cô Tetsu về lại quê nhà, cô ấy sẽ lên chuyến xe lửa 2 giờ rưỡi ngày mai. Tôi liền quyết định sẽ đến đưa cô Tetsu đi, mặc dù chẳng ai nhờ đến cả. Tôi có cái tật đáng buồn hay quyết định dễ dãi như thế.

Ngày hôm sau, mưa bắt đầu rơi từ sáng. Tôi thúc hối vợ tôi đang ngần ngừ, để đi chung ra ga Ueno.

Chiếc xe lửa số 103 ấy đang phun khói đen vào màn mưa lạnh buốt, chờ đến giờ khởi hành. Chúng tôi đến từng cửa sổ, nhìn vào trong, chăm chú tìm kiếm. Và thấy cô Tetsu ngồi trong toa hành khách hạng ba ngay sau đầu máy xe lửa. Ba, bốn năm trước, do Shiota giới thiệu nên tôi đã gặp cô một lần, nhưng so với thời đó, bây giờ cô có da mặt trắng hơn nhiều, và nơi cằm đã đẫy ra nhiều hơn. Cô cũng nhớ mặt tôi nên nhận ra ngay. Khi nghe tôi gọi, cô liền nhoài nửa người ra khỏi cửa sổ mà chào hỏi. Tôi kéo vợ tôi lại nói chuyện với cô. Sở dĩ tôi đặc biệt kéo vợ theo là vì tôi suy nghĩ độc đoán rằng vợ tôi cũng là người xuất thân bần hàn như cô Tetsu, nên chuyện an ủi cô thì hẳn là vợ tôi có thái độ và lời nói thích hợp hơn tôi. Thế nhưng, tôi đã bị phản thùng một cách trắng trợn. Cô Tetsu và vợ tôi chỉ trao đổi cử chỉ chào hỏi cứ như là hai bậc mệnh phụ phu nhân, mà chẳng nói gì với nhau cả. Tôi lúng túng lấy cán dù gõ cốc cốc vào hàng chữ "Su Ha Fu" viết theo hàng ngang kèm dãy số "134273" viết nhỏ bằng sơn trắng trên thân toa hành khách, mà chẳng hiểu là phù hiệu gì.

Rồi cô Tetsu và vợ tôi trao đổi hai, ba câu về chuyện thời tiết. Nhưng nói xong thì cả bọn lại chìm vào im lặng. Cô Tetsu có vẻ đăm đăm nhìn không chán một chỗ nào đấy, trong khi mười ngón tay tròn trịa đặt khép nép trên bệ cửa sổ cứ co vào duỗi ra không ngớt. Tôi chẳng làm sao mà đứng yên đấy ngắm mãi quang cảnh như thế, nên âm thầm rời chỗ cô Tetsu, đi lang thang trên sân đợi dài và rộng lớn ấy. Hơi nước phun ra từ dưới xe lửa biến thành khí lạnh phủ trắng gót chân tôi.

Tôi dừng chân đứng trước trụ đồng hồ điện mà ngắm chiếc xe lửa. Chiếc xe ướt đẫm nước mưa, loang loáng sáng ánh xanh đen.

Tôi chợt nhìn thấy một khuôn mặt đen sạm đang nhướng cổ ra ngoài cửa sổ hành khách hạng ba ở toa thứ ba, sụt sùi chào hỏi năm, sáu người đưa tiễn. Thời ấy, Nhật Bản vừa khai chiến với một nước khác, nên anh ta hẳn là đã bị động viên rồi. Tôi như đã nhìn thấy thứ không nên nhìn thấy, ngực tức như bị nghẹt thở.

Vài năm trước đây, tôi có chút quan hệ với một đoàn thể tư tưởng nọ, rồi không lâu sau, đã ly khai hẳn, với một lý do không đẹp đẽ gì mấy. Bây giờ, đứng nhìn không chớp mắt người lính ấy, rồi nhìn cô Tetsu đã chịu nhục, chịu vấy bẩn mà lủi thủi trở về quê, tôi cảm thấy lý do ấy của mình, dù có đứng vững hay không đứng vững, cũng chẳng đáng kể đến.

Tôi ngước nhìn lên đồng hồ điện. Còn ba phút nữa là đến giờ tàu chạy. Tôi cảm thấy không chịu nổi. Có lẽ ai cũng vậy, đối với người đưa tiễn, không có gì khó nói cho bằng ba phút cuối cùng nầy. Những điều cần nói thì đã nói ra hết rồi, chỉ còn biết nhìn nhau vô vọng mà thôi. Huống chi lúc nầy, tôi lại chẳng nghĩ ra được lời gì cần nói. Giá vợ tôi mà là một người đàn bà tài trí chút nữa, thì tôi đã thơ thới hơn rồi, thế nhưng nhìn xem! vợ tôi dù đứng bên cạnh cô Tetsu nhưng mặt mày sưng sỉa như không bằng lòng điều gì, từ nãy đến giờ cứ đứng yên như tượng ở đấy. Tôi đành phải bước lại song cửa của cô Tetsu.

Sắp đến giờ tàu chạy rồi. Con tàu phấn khích hẳn lên trước hành trình 450 dặm, sân đợi nhộn nhịp khắp nơi. Lòng tôi không còn dư giả gì để đoái tưởng đến thân phận người khác nữa, nên lúc an ủi cô Tetsu, đã thốt ra những chữ như "tai nạn" thật là vô trách nhiệm.

Trong khi đó, người vợ kém thông minh của tôi đứng nhìn hàng chữ bám đầy những hạt nước mưa trên tấm bản nhỏ màu xanh gắn trên thân tàu, lẩm nhẩm đọc nho nhỏ từng chữ mới học được dạo sau này: "FOR A-O-MO-RI" [1].

- hết -

Cước chú:

[1] "For Aomori": (chuyến xe lửa) Ði Aomori.