PDA

View Full Version : Hồ sơ những vụ án nhiễm độc kinh hoàng ở Nhật Bản (Kỳ I)



Kasumi
18-09-2007, 06:34 PM
Sự cố và man trá


Nhật Bản là một nước được đánh giá cao về việc quản lý chất lượng trong sản xuất công nghiệp, những chương trình Q.C (Quality Control) của các tập đoàn công nghiệp của nước này luôn được xem là khuôn mẫu, tấm gương sáng cho các nước đang phát triển. Nhờ vậy hàng hóa “made in Japan”có uy tín rất lớn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển với những thành tựu vô cùng rực rỡ từ năm 1950 đến nay, nhân dân - người tiêu dùng Nhật Bản cũng đã phải trả giá đắt cho những bài học: sông ngòi, đất đai, không khí và con người luôn phải đối chọi với nạn ô nhiễm ngày càng gay gắt. Bệnh Itai-Itai; Minamata; Hen suyễn… do nhiễm độc cadimi, thủy ngân, chì, hóa chất… đã gây đau đớn, tật nguyền và cái chết không đáng có cho biết bao con người.


http://img490.imageshack.us/img490/4420/01yo3.jpg (http://imageshack.us)
Ô nhiễm môi trường ở chân núi Phú Sĩ

Với chuyên đề về ô nhiễm độc tố trong thực phẩm, chúng tôi đã chọn một số vụ án xảy ra trong quá khứ, có sự kiện đã trải qua gần nửa thế kỷ trước nhưng hậu quả của nó vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay… với hi vọng nước ta sẽ tránh được vết xe đổ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó vấn đề quản lý việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm trong môi trường cũng như trên con người thông qua thực phẩm chế biến, là những vấn đề thời sự nóng bỏng.

Theo nguồn tin mới nhất của WHO, hàng năm nước ta có khoảng 8 triệu người bị ngộ độc thực phẩm trong đó chỉ có 0,1% (8.000 người) được phát hiện và chữa trị, đây có phải là một thực tế đáng báo động?

Trong loạt bài này, chúng tôi cũng sẽ đề cập đến Văn hóa “tự xử”(Jiketsu) của người Nhật Bản, một triết lý sống độc đáo thể hiện trách nhiệm và đạo đức (mỹ học) của cá nhân trước cộng đồng xã hội trong đó tinh thần của “thần đạo” (Shinto) vẫn còn đậm nét… mà bạn đọc có thể chứng kiến trong đời sống chính trị, xã hội của người Nhật ngày nay.

Hồ sơ nhiễm tụ cầu khuẩn trong sữa SNOW BRAND tháng 8/1955 và tháng 6/2000

Nhiễm khuẩn lần thứ nhất

Là một tập đoàn chế biến sữa, thịt và thực phẩm nổi tiếng, có uy tín tại tỉnh Hokkaido, đứng hàng đầu ở Nhật Bản, được thành lập năm 1925 nhưng Snow đã gây ra sự kiện ngộ độc tập thể vào sáng ngày 1/3/1955 khi hơn 1.936 em học sinh của 5 trường tiểu học ở Tokyo bị đau bụng và tiêu chảy do nhiễm tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus Aureus) có trong lô sữa gầy (ít chất béo) do nhà máy Yagumo của hãng này sản xuất được cung cấp trong bữa cơm trưa thay thế sữa nhập khẩu.

Ngày 2/3/1955, Công ty Snow đã họp báo phủ nhận nhưng sáng ngày hôm sau, Sở Y tế thành phố Tokyo công bố kết quả kiểm nghiệm chính thức xác nhận sữa này nhiễm độc tố tụ cầu khuẩn vàng là nguyên nhân gây chóng mặt, đau bụng, buồn nôn... buộc lòng Snow phải chịu trách nhiệm, lập tức cho thu hồi toàn bộ sản phẩm đồng thời đăng tải “Lời cáo lỗi” khách hàng trên các báo.

Qua điều tra tại hiện trường, được biết nguyên nhân phát sinh tụ cầu khuẩn trong sữa nguyên liệu vì sự cố cúp điện xảy ra trong nhiều giờ, lượng sữa ngưng tụ ở bồn gia nhiệt quá lâu đồng thời nhân viên nhà máy còn tận dụng sữa cũ của những ngày hôm trước để “tái chế”, vì vậy lượng sữa nhiễm khuẩn tăng đột ngột.

Việc Công ty sữa Snow có hành động đối phó tức thời khi phát hiện sai sót bằng cách cho thu hồi triệt để sản phẩm nhiễm độc, bày tỏ thái độ thành khẩn với khách hàng như cử cán bộ đến từng nhà người gặp nạn để thăm hỏi, chăm sóc thuốc thang... đã được dư luận đánh giá cao, không những giảm thiểu được thiệt hại cho người tiêu dùng, mà về lâu dài đã giúp sản phẩm của Snow vực lại được sự tin cậy, tạo cơ hội cho sữa của Công ty Snow phát triển không ngừng, trở thành 1 trong 3 tập đoàn chế biến sữa mạnh nhất tại Nhật Bản trong những thập niên kế tiếp.

Sau đó, với kinh nghiệm này, Snow đã thực hiện việc giáo dục triệt để các nhân viên mới vào chương trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt chưa từng có nhưng tiếc thay 45 năm sau, khi quy mô sản xuất mở rộng và phát triển lớn mạnh, Snow lại để xảy ra sự cố nhiễm độc tương tự nhưng quy mô lớn hơn gấp bội, đưa đến tình trạng suy thoái bi đát nhất trong lịch sử 75 năm của Tập đoàn Snow.

Nhiễm độc lần thứ hai vào 45 năm sau

Năm 1963, Chính phủ Nhật Bản quyết định cung cấp sữa miễn phí trong buổi cơm trưa của các cháu mẫu giáo và tiểu học tại trường vì vậy lượng sữa tiêu thụ năm 1964 tăng 1,822 % so với năm 1948. Đây là điều kiện để ngành sữa phát triển trong đó Snow vươn lên đứng đầu trong thị trường có quy mô 10 tỷ đô-la/năm trước khi xảy ra sự cố.

Vụ sữa Snow nhiễm độc lần thứ hai xảy ra vào ngày 26/6/2000 ở vùng Kansai làm 14.780 người bị ngộ độc. Đây là sự kiện nhiễm độc lớn nhất trong lịch sử, vượt cả quy mô nhiễm độc arsenic (thạch tín) trong sữa Morinaga xảy ra vào tháng 8/1955.

Theo điều tra thì sữa nguyên liệu sản xuất tại Nhà máy Taiki (Hokkaido) đã bị nhiễm tụ cầu khuẩn vàng từ độc tố ruột nguy hiểm nhất (Enterotoxin A), được đưa về nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa ở Osaka và gây ngộ độc cho người dân trong vùng khi được tung ra thị trường.

Lý do được giải thích là vì sự cố cúp điện như sự cố năm 1955, trong thời gian này tụ cầu khuẩn đã phát sinh trong bồn chứa sữa đậm đặc và khâu phân ly (tách) sữa và kem, đồng thời đoàn kiểm tra phát hiện lối quản lý vệ sinh, quy trình sản xuất vô cùng bê bối, và phát hiện việc tận dụng loại sữa không tiêu thụ hết được nhà máy này thu hồi “tái chế” trở lại.

Rõ ràng đây không phải là sai sót như lần đầu tiên mà bộc lộ cung cách làm ăn chạy theo lợi nhuận triệt để của một tập đoàn công nghiệp tư bản. Từ khi phát hiện sự việc đến khi ban giám đốc công ty này ra lệnh thu hồi sản phẩm phải chờ đợi mất 4 ngày vì những lời nói dối loanh quanh, cố tình phủ nhận, bưng bít thông tin của lãnh đạo.

Kasumi
18-09-2007, 06:34 PM
Mãi đến ngày thứ năm, Chủ tịch Ishikawa Takuro mới chính thức thừa nhận, họp báo để “xin lỗi” khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong lúc số người bị hại mỗi lúc một tăng, tăng vọt, lan khắp 15 tỉnh thành ở Nhật Bản. Tình hình này đã gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo Snow đã bị giới truyền thông phản ứng dữ dội trước sự lan tỏa của sữa nhiễm độc và thái độ lừng khừng vô trách nhiệm của tập đoàn này.

Đến ngày 2/7/2000, tức một tuần lễ sau khi phát hiện sự cố, Snow tuyên bố đóng cửa nhà máy Osaka vô thời hạn, Chủ tịch Tập đoàn Snow - ông Ishikawa Takuro họp báo vào ngày 9/7/2000 nói rằng ông “sẽ từ chức để nhận trách nhiệm” sau khi giải quyết hậu quả của sự cố để xoa dịu sự căm phẫn và phê phán gay gắt của công luận. Tuy nhiên ngày 10/7/2000, tức một ngày sau buổi họp báo, người ta lại phát hiện nhà máy Osaka vẫn tiếp tục sử dụng sữa bị nhiễm khuẩn thu hồi “tái chế” để đưa ra thị trường.

Điều này đã lộ rõ “bản chất” của Tập đoàn Snow, những phát biểu xin lỗi hay cải thiện... trước đó là giả dối, gây phản ứng dữ dội không những từ phía khách hàng mà Bộ Y tế Nhật Bản đã lập tức ra lệnh thu hồi chứng nhận HACCP (Hệ thống kiểm soát điểm hiểm nguy và vệ sinh an toàn thực phẩm) của nhà máy Osaka, đồng thời buộc 21 nhà máy trên cả nước của Snow phải ngừng sản xuất để kiểm tra vệ sinh, quy trình bảo vệ an toàn chất lượng sản phẩm trong đó nghiêm xét việc sử dụng sữa quá hạn để sản xuất trong suốt thời gian qua.

Trước sức ép lớn của xã hội cũng như sụp đổ uy tín nghiêm trọng này, ban lãnh đạo Tập đoàn Snow gồm 8 người đã phải từ chức đồng loạt vào ngày 28/7/2000, tức 32 ngày sau khi xảy ra sự việc.


http://img259.imageshack.us/img259/5037/02qp8.jpg (http://imageshack.us)
Lãnh đạo Snow xin lỗi Chính phủ và nhân dân Nhật Bản


Snow là một tập đoàn sản xuất sữa chiếm 45% thị phần cả nước với doanh thu 10 tỷ đô la/năm, là nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm sữa lớn nhất tại Nhật Bản nhưng với cung cách quản lý cẩu thả và lối làm ăn gian dối liên tục xảy ra như trên đã đẩy công ty này đến bờ vực thẳm của phá sản.

Tất cả các siêu thị, trường học và gia đình từ chối sản phẩm của Snow, trong đó thế mạnh của Snow là siêu thị, 82,3% sản phẩm Snow trên thị trường được tiêu thụ qua mạng lưới này hoàn toàn bị loại trừ, các nhà kinh doanh bán lẻ thẳng tay “tẩy chay” không kinh doanh sản phẩm Snow vì sợ bị vạ lây và 10% sữa phân phối trong các trường mẫu giáo, tiểu học cũng không còn chỗ đứng.

Đánh tráo thịt bò “ngoại” thành thịt bò “nội” - một hành động man trá

Những sự việc tiêu cực đối với Snow đã không ngừng tại đây khi nội bộ tố cáo thịt bò mang nhãn hiệu “Snow” của Công ty Thực phẩm Snow (Snow Food company, một công ty con trong tập đoàn, Công ty mẹ là Snow Brand Milk chiếm giữ 65% cổ phần) ghi xuất xứ “Nhật Bản” nhưng thực chất là thịt bò nhập khẩu từ Australia và Mỹ.

Vào tháng 9/2001, Nhật Bản phát hiện bò điên bị chết cùng lúc với nạn dịch này bùng nổ ở Anh quốc, vì vậy Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh các nhà cung cấp thịt bò xuất xứ trong nước khẩn cấp thu hồi thịt trên thị trường để nộp cho chính phủ nhằm ngừa bệnh “bò điên” lây lan và có chính sách bù lỗ cho các nhà cung cấp khi thực hiện chủ trương này.

Tháng 10/2001, lợi dụng sự chênh lệch về giá thịt trong nước thu mua cao gấp 3 lần giá thịt bò nhập khẩu, Công ty Thực phẩm Snow đã cho nhà máy chế biến thịt ở Osaka dùng thịt của Australia vào bao bì ghi xuất xứ trong nước để hưởng sự bù lỗ của chính phủ, sau đó còn dùng thịt bò nhập từ Mỹ dán nhãn “xuất xứ trong nước” đưa ra tiêu thụ khi thị trường đang khan hiếm thịt nội địa. Đây là một hành động gian lận thương mại không tiền khoáng hậu, vừa lừa dối chính phủ để nhận tài trợ “bù lỗ” vì nạn dịch “bò điên” đồng thời lừa gạt khách hàng một cách trắng trợn.

Đến ngày 1/2/2002, Snow công bố là đã “dán nhầm” lên tổng cộng 30 tấn thịt bò (13,8 tấn thịt của Australia và 16 tấn của Mỹ) thành xuất xứ trong nước, gây thiệt hai vô cùng nghiêm trọng lên cả công ty mẹ vì phản ứng dây chuyền, lỗ gần 71,4 tỷ yên (tương đương 541 triệu đô la) trong năm tài khóa 2001 (ở Nhật, năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau - ở đây là tháng 3/2002), đồng thời bản thân Công ty Snow Food cũng tuyên bố phá sản, “dẹp tiệm” vào ngày 30/4/2002 sau khi thiệt hại trên 25 tỷ yên, hoàn toàn bị đẩy lùi khỏi thị trường cung cấp thịt bò tại Nhật Bản.

Viện kiểm sát Osaka đã bắt ngay 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao đồng thời niêm phong trụ sở của Công ty Thực phẩm Snow để điều tra và khởi tố hình sự về hành vi gian lận thương mại.

Ngay lập tức, giá cả cổ phiếu của Tập đoàn Snow nói chung và Thực phẩm Snow nói riêng đã tụt dốc nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán Tokyo - Osaka, buộc lãnh đạo tập đoàn phải thả nổi cổ phiếu của công ty con đồng thời vận động ngân hàng cũng như các đối tác thân cận đứng ra chia sẻ, duy trì việc hỗ trợ tài chính cho hoạt động của Công ty mẹ (Sữa Snow) mặc dù Snow đã giảm số nhân viên từ 15.000 (năm 2000) người xuống còn 4.591 người (năm 2003) trong chương trình “tái thiết” công ty.

Tình trạng lao đao của Snow kéo dài, hậu quả vẫn còn cho đến tận ngày nay, chưa thể phục hồi mặc dù lãnh đạo mới của Snow không ngừng cam kết bảo đảm chất lượng và tích cực sửa đổi cung cách làm ăn hòng cứu vãn uy tín của sản phẩm Snow, nhưng ấn tượng gian dối và lừa đảo trong sản xuất và kinh doanh của tập đoàn này không những đã tác động lên toàn ngành sản xuất sữa mà còn gây ấn tượng “chất lượng dỏm” của sản phẩm Nhật Bản đối với thế giới qua hai sự kiện nói trên.


4 căn bệnh lớn do ô nhiễm tại Nhật Bản

http://img259.imageshack.us/img259/5916/untitledtn4.jpg (http://imageshack.us)

Theo Hồng Lê Thọ
TTOL

Kasumi
18-09-2007, 06:38 PM
Đầu độc hay ngộ độc?

Vụ án sữa Snow brand nhiễm khuẩn xảy ra vào tháng 3/1955 chưa kịp lặng yên thì vào mùa hè tháng 8/1955, cả nước Nhật Bản vô cùng bàng hoàng khi hàng nghìn trẻ sơ sinh các tỉnh vùng miền tây nước này ngộ độc bởi một chất “kỳ lạ” gây co giật, ói mửa, nhức đầu, trướng bụng... không biết từ đâu đến.

Hồ sơ nhiễm thạch tín trong sữa bột Morinaga tháng 8/1955. Sự nhầm lẫn tai hại

Vụ án sữa Snow brand nhiễm khuẩn xảy ra vào tháng 3/1955 chưa kịp lặng yên thì vào mùa hè tháng 8/1955, cả nước Nhật Bản vô cùng bàng hoàng khi hàng nghìn trẻ sơ sinh các tỉnh vùng miền tây nước này ngộ độc bởi một chất “kỳ lạ” gây co giật, ói mửa, nhức đầu, trướng bụng... không biết từ đâu đến. Theo kết quả điều tra sơ bộ thì từ tháng 6 - 8/1955 đã có 12.131 trẻ sơ sinh bị nhiễm độc trong đó có 130 trẻ bị thiệt mạng. Điểm chung là những em bé sơ sinh bú bình sữa bột của Morinaga do nhà máy ở Tokushima sản xuất và có các triệu chứng nhiễm độc giống nhau khi đến khám tại bệnh viện vào các ngày trước khi vụ việc bị phanh phui.

Qua điều tra sơ bộ hiện trường, cán bộ Sở Y tế của tỉnh đã phát hiện trong khâu trộn nguyên liệu, nhân viên nhà máy theo thói quen không kiểm tra, sử dụng chất hỗn hợp asen (thạch tín) thay vì disodium phosphate để ổn định và tăng độ hòa tan của sữa pha chế. Ngày 24/8/1955, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo xác nhận sự kiện ngộ độc này và tổ chức thanh kiểm ra nhà máy nhưng không phát hiện được nguyên nhân rõ rệt mặc dù Sở Y tế tỉnh Hyogo đã phát hiện asen có trong tóc và gan của trẻ bị nạn.


http://img469.imageshack.us/img469/3007/03qf8.jpg (http://imageshack.us)
Nhà máy Morinaga ngày nay


Qua kiểm tra biên bản, số lượng 200.000 lon loại 1 ounce (31g) của lô sữa bột nhiễm độc này sản xuất vào tháng 4/1955, được phát tán khắp các tỉnh miền tây, trong đó tỉnh Okayama tập trung nhiều nhất. Ngay hôm sau (25/8/1955), Morinaga ra lệnh thu hồi lô sữa này nhưng trên thực tế trong hơn 3 tháng đó các cháu sơ sinh đã uống gần hết vì vậy số lượng người nhiễm độc chính xác cho đến nay vẫn còn là ẩn số.

Theo thống kê từ tháng 8/1955 - 3/1981, số người thiệt mạng đã lên đến con số hơn 600 và gần 14.000 trẻ ngộ độc thạch tín trong đó có 624 người chịu tác hại lâu dài như tê liệt thần kinh, bại não, co giật, chậm phát triển... trong số 6.093 người ngộ độc nặng. Theo nghiên cứu của các bác sĩ đại học Okayama theo dõi liên tục trong 14 năm từ năm 1955 - 1969, số lượng thạch tín các cháu sơ sinh đã nhiễm từ 4-7 mg/lít tức khoảng 60mg trong thời gian sử dụng sữa này trong vài tuần nhưng hậu quả của asen vẫn còn kéo dài vì các chứng bệnh mạn tính.

Quanh co và dối trá

Điều quan trọng và bất ngờ hơn cả là người ta đã phát hiện Morinaga sử dụng hóa chất này hơn hai năm trước khi sự cố xảy ra, từ năm 1953 trong quy trình công nghệ làm chất “ổn định sữa”, số trẻ em bị nhiễm độc không thể lường hết vì sản phẩm đã được phát tán khắp cả nước. Thời bấy giờ, đã có nhiều trẻ em bị nhiễm độc nhưng không rõ lý do, tự chữa chạy rất nhiều do các bà mẹ không được thông tin hoặc không hề biết con mình bị nhiễm độc tố từ sữa.

Mặt khác, nhà sản xuất Morinaga không chấp nhận những kết quả xét nghiệm, luôn chối bỏ trách nhiệm gây độc, cho rằng trách nhiệm “nhầm lẫn” khi nạp nguyên liệu ở phân xưởng là do nhà cung cấp hóa chất đã đóng bao bì sai quy cách mặc dù trong cuộc họp báo vào ngày 25/8/1955 (sau khi Bộ Y tế công bố), Morinaga thừa nhận việc sử dụng dipotasium phosphate với hàm lượng thạch tín 5-8% (là phế phẩm công nghiệp) cấm sử dụng trong công nghệ thực phẩm.


Thạch tín (asenic) là một chất độc thường có trong nước giếng, nước ngầm sinh ra ngộ độc cấp tính như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, cơ thể bị thâm tím, bí tiểu... Nhiễm asen lâu ngày sẽ bị các chứng ung thư (gan, phổi, bàng quang, thận), viêm khớp, răng, cao huyết áp, tim, mạch. Theo tiêu chuẩn của WHO, hàm lượng cho phép phải dưới 0,01 mg/l trong nước sử dụng.

Tháng 7/2000, lại một vụ sữa yaourt nhiễm khuẩn của Morinaga do chai cũ không được vệ sinh bằng hóa chất, buộc phải thu hồi 210.000 chai sữa yaourt cùng với lúc sự kiện sữa Snow đang bị lên án vì nhiễm khuẩn đã gây thêm cú sốc mới cho người dân Nhật Bản.

Cùng thời gian này, 4 tấn sữa của Công ty Murayama cũng bị nhiễm khuẩn gây đau bụng, nôn mửa... cho thấy không những các công ty, tập đoàn sản xuất sữa lớn mà các công ty vừa và nhỏ cũng vi phạm quy định vệ sinh an toàn vì sữa là một trong những sản phẩm được cung cấp trong cơm trưa miễn phí ở các trường tiểu học và mầm non tại Nhật Bản, một thị trường vô cùng màu mỡ và đảm bảo lợi nhuận cao nhất.

Sự quanh co và dối trá của Morinaga rành rành, một mặt đăng báo chính thức xin lỗi khách hàng, đề nghị chuyển sang dùng các loại sữa tương tự mang ký hiệu khác của hãng này để thay thế trong khi chính các loại sữa đó cũng bị nhiễm độc vì tất cả đều được chế biến theo một quy trình công nghệ.

Đồng thời, cao tay hơn là: Morinaga tự tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, kết hợp với các cơ quan y tế thanh kiểm tra do công ty này tài trợ... để đưa ra kết luận là sữa Morinaga nhiễm độc nhưng không gây di chứng lâu dài cho nạn nhân nhằm trấn an và gìn giữ thị phần trong khi số trẻ em động kinh, bại liệt, ung thư nội tạng... ngày càng tăng do độc tố tích lũy trong cơ thể bộc phát.

Phản ứng của dư luận: tẩy chay

Thái độ lẩn tránh của Morinaga cũng như phản ứng chậm chạp của cơ quan y tế đã gây nhiều căm phẫn trong dư luận, phong trào “tẩy chay” và đòi Công ty Morinaga phải bồi thường thiệt hại hình thành khắp nơi, đẩy tập đoàn này vào khủng hoảng nghiêm trọng trong những năm 1960, từ vị trí hàng đầu xuống hàng thứ ba trên thị trường sau Meiji và Snow.

Cuộc tranh luận giữa các ý kiến về chuyên môn về sự độc hại của chất lượng sữa Morinaga dai dẳng, kéo dài đến 1963 thì bắt đầu sáng tỏ khi Khoa y Trường đại học Okayama chứng minh được hậu quả nhiễm độc của sữa có thạch tín lên cơ thể trẻ sơ sinh từ khi phơi nhiễm đến thời điểm này (tức các bé đã được 14 tuổi).

Tòa án tỉnh Okayama đã tuyên án hình sự, phạt tù nguyên Trưởng phòng sản xuất Nhà máy Tokushima của Morinaga, thúc đẩy cuộc hòa giải giữa 3 bên Bộ Y tế - người bị hại - Morinaga, trong đó Morinaga chấp nhận đền bù và đến năm 1974, lập ra Hội Ánh sáng (Hikari) để tiếp tục chăm sóc lâu dài những người bị hại.

Vào thời điểm năm 1955, sữa bột cho trẻ sơ sinh ở Nhật Bản là một loại hàng cao cấp, được bán theo toa của bác sĩ và lúc đó Bộ Y tế chưa có quy chế cụ thể về tiêu chuẩn an toàn cũng như chế tài đền bù cho người tiêu dùng... vì vậy đây cũng là những kẽ hở về luật pháp để nhà sản xuất chây ỳ trong việc nhận trách nhiệm gây ra hậu quả tai hại.

Người tiêu dùng, cha mẹ các trẻ sơ sinh đã kiên trì đấu tranh, kết hợp với các nhà khoa học có lương tâm để làm sáng tỏ vụ việc nhưng thực tế đã có hàng nghìn đứa trẻ lớn lên trong tật nguyền, dị dạng, tâm thần... vẫn là bằng chứng hùng hồn tố cáo tội ác nghiêm trọng của những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, buông lơi quản lý chất lượng, xem thường sức khỏe người tiêu dùng, gây chết người một cách oan uổng trong lúc chính quyền chưa có chế tài và trừng phạt cụ thể.

Những vụ việc tương tự vẫn còn tái diễn và sẽ đuợc chúng tôi gửi đến các bạn qua những hồ sơ được lật lại.

Theo Hồng Lê Thọ
TTOL

Kasumi
18-09-2007, 06:39 PM
Nhiễm độc PCB, Dioxin trong dầu ăn - Vụ án Kanemi

Báo Asahi ngày 13/4/2007 cho biết vấn đề phơi nhiễm dioxin qua vụ án Kanemi Shoko trải qua gần 40 năm nhưng hiện vẫn mang tính thời sự, là thử thách “nóng” đối với Chính phủ Nhật Bản trong việc đưa ra được một bức tranh tổng thể của độc tố dioxin đối với sức khỏe con người và xây dựng một chế độ cứu chữa hữu hiệu đối với những người đã và đang bị tổn thương do nhiễm độc.

Độc tố trong dầu ăn

Kanemi Soko là nhà sản xuất dầu ăn chiết suất từ cám gạo nổi tiếng tại Nhật Bản, năm 1968 đã gây vụ ngộ độc hóa chất nghiêm trọng cho hơn 14.000 người trong đó 1.853 người là những nạn nhận bị phơi nhiễm PCB (Polychlorinated Biphenyls) rất nặng, gây các chứng bệnh mạn tính suốt đời và có thể di truyền sang thế hệ kế tiếp qua sữa mẹ theo điều tra vào năm 1986.

Báo Asahi ngày 10/10/1968 đưa tin nhiều gia đình ở vùng Fukuoka và Nagasaki mang các chứng bệnh kỳ quái tập thể như chân tay run rẩy, màu da nổi chàm... Ngày 15/10/1968, Cơ quan y tế thành phố Ogura ra lệnh đình chỉ việc bán dầu ăn của Kanemi và cấm công ty này sản xuất và kinh doanh dầu ăn từ cám gạo. 2 ngày sau, Đại học Kyushu lập đoàn điều tra “bệnh do dầu ăn” với sự tham dự của Trưởng bộ môn vệ sinh công cộng của tỉnh mặc dù đây là đoàn không phải do Chính phủ tổ chức, phủ nhận nguồn tin dầu này bị nhiễm arsenic.


http://img394.imageshack.us/img394/6550/04mf7.jpg (http://imageshack.us)
Thai nhi bị nhiễm độc dioxin ngay từ trong bụng mẹ

Ngày 4/11/1968, qua 2 tuần, đoàn điều tra của Viện nghiên cứu vệ sinh tỉnh Kochi công bố dầu bị nhiễm hợp chất chlorine hữu cơ. Cùng ngày Tổ nghiên cứu chuyên môn của Đại học Kyushu chính thức xác nhận nguyên nhân các triệu chứng lạ ở người bệnh là do dầu ăn có hàm lượng PCB 2000-3000 ppm từ sản phẩm “Kaneclor 400” - một hóa chất có chứa PCB khi gia nhiệt -chiên xào tạo ra hợp chất PCDF (Polychlorinated Dibenzofuran - một loại dioxin) độc hại.

“Kaneclor 400” - là sản phẩm của Công ty hóa chất Kanegafuchi được sử dụng làm dung môi trong quy trình khử mùi dầu cám của Kanemi. Lô hàng này được sản xuất trước tháng 2/1968 và khả năng cao nhất gây ngộ độc cho người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ tháng 3-10/1968.

Mặc dù nguyên nhân nhiễm độc đã được làm sáng tỏ, nếu như các đoàn thanh - kiểm tra có trách nhiệm làm việc nghiêm túc thì sự việc đã được phát hiện trước đó 8 tháng và số người bị hại sẽ giảm thiểu rất nhiều. Sở dĩ 8 tháng trước là vì đây là thời kỳ bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc dầu ăn và cùng lúc đó xảy ra vụ gà bị nhiễm “dầu màu nâu” chết hàng loạt. Trong tháng 2 và 3 năm 1968 lượng gà nhiễm loại “dầu màu nâu” này bị chết hàng loạt, đã có 400.000 con có tỷ lệ lượng trứng sinh nở xuống thấp bất thường trong số 2 triệu con ở vùng Kyushu, Shikoku thuộc miền Nam nước này vì ăn thức ăn trộn dầu có hàm lượng PCB của Công ty Kanemi.

Sự kiện gia súc bị phơi nhiễm này đã bị lướt qua trong đợt kiểm tra chiếu lệ của nhân viên thú y của tỉnh cho đến khi dầu ăn của công ty này gây tai biến cho người tiêu dùng trong đó có hơn 100 người bị tử vong thì sự việc mới được lưu ý. Ngày 29/11/1968, thành phố Bắc Kyushu khởi tố Công ty Kanemi vi phạm Luật vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau đó, Viện Kiểm sát Fukuoka tiếp tục khởi tố Tổng giám đốc công ty và giám đốc phân xưởng sản xuất vì tội “thiếu trách nhiệm gây thương tích nghiêm trọng”. Mặt khác, việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương cũng đã bị người dân truy cứu trách nhiệm, đòi hỏi phải có biện pháp thích đáng để giải quyết cho người bị hại.

Ai bảo vệ người bị hại, trách nhiệm cơ quan quản lý?

Nghiên cứu của GS. Miyata năm 1978 công bố người bị nhiễm PCB bình quân là 0,67g và PCDF (dioxin) là 5,1mg, một con số vượt mức chịu đựng của cơ thể con người. Năm 1982, Tòa án Fukuoka đã công nhận 363 bệnh nhân bị nhiễm độc từ dầu ăn, buộc 2 công ty Kanemi Shoko và Kanegafuchi đền bù, đồng thời Chính phủ Nhật cũng phải bồi thường số tiền 8,4 tỷ yên về thiếu trách nhiệm trong quản lý, đã không có biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm kịp thời.

Tháng 3/1985 tòa thượng thẩm tỉnh Fukuoka quyết định Chính phủ phải nhận trách nhiệm về 719 nạn nhân khác, và phải trả 1,4 tỷ, đồng thời 2 công ty hóa chất liên quan phải bồi thường tổng cộng 3,3 tỷ yên. Tương tự, nhiều nạn nhân khác ở Kyushu và Nagasaki cũng đã khởi kiện nhà nước và hai công ty nói trên, kéo dài cho đến ngày nay vẫn chưa ngã ngũ. Đây là một vụ ngộ độc hóa chất trong thực phẩm phức tạp, số người bị hại cao nhất từ trước đến nay, gây tai biến trầm trọng và tật nguyền mang tính di truyền vì vậy chưa thể thống kê hết số nạn nhân bị phơi nhiễm.

Tất cả 7 vụ khởi tố của tập thể người bị hại kéo dài hơn 15 năm đã được tòa án tối cao (chung thẩm) đứng ra hòa giải giữa họ và các bên liên quan năm 1989 để đi đến kết luận cuối cùng về việc đền bù. Tuy nhiên trong số 14.000 nạn nhân thì số người chính thức được xác nhận là nạn nhân trực tiếp của vụ nhiễm độc này dừng lại ở mức 1.800 người, một con số quá nhỏ so với thực tế.

Sở dĩ có tình trạng này bởi lẽ những luận cứ về y học ảnh hưởng của dioxin lên con người vào những năm 1970 chưa đạt được kết luận cuối cùng, đồng thời có nhiều người dân sử dụng dầu ăn Kanemi không lên tiếng vì chưa hiểu được những tác hại của PCB, cho rằng mắc bệnh vì những nguyên do khác.

Mặc dù Giám đốc nhà máy Kanemi lãnh án tù 1 năm 6 tháng ở phiên tòa hình sự tỉnh Fukuoka vào năm 1982 nhưng khung hình phạt về tội sản xuất thực phẩm có độc tố gây hại còn gây nhiều tranh cãi, mãi đến tháng 7/1994, bộ luật về “trách nhiệm của nhà sản xuất” mới ra đời tại Nhật Bản xác định trách nhiệm về mặt luật pháp đối với hành vi gây ô nhiễm.

Tháng 12/2001, Bộ trưởng Y tế - Lao động Nhật Bản Chikara Sakaguchi chính thức thừa nhận nạn nhân của Kanemi là do dioxin gây ra, nhờ vậy lượng người được xác minh là “nạn nhân” tăng thêm được 39 người nhưng trên thực tế lượng người bị hủy hoại cơ quan chức năng nội tạng như thận, gan, phổi... vẫn là số đông mặc dù họ phơi nhiễm ở nồng độ thấp, không được Nhà nước hay 2 nhà sản xuất nói trên đền bù.

Đợt kiểm tra sức khỏe vào năm 1986, Đại học Kyushu công bố kết quả người bị phơi nhiễm PCDF(dioxin) qua dầu ăn Kanemi có 5-56 lần cao hơn người bình thường, điều đó chứng tỏ qua 18 năm hàm lượng dioxin tích lũy trong cơ thể vẫn cao, không thể thải ra ngoài vì vậy số người bị di chứng qua các đời sau là rất lớn, đặc biệt tỷ lệ nạn nhân nữ bị hư thai, sảy thai và các chứng ung thư tử cung chiếm gần 50% bệnh nhân.

Ngày nay, di chứng do phơi nhiễm dioxin không còn là điều mới mẻ qua sự kiện quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi chất độc màu da cam trên chiến trường miền Nam Việt Nam và ngày càng sáng tỏ bởi những bằng chứng cụ thể mà trẻ em lẫn người lớn phải gánh chịu trong suốt 3 thập niên vừa qua đồng thời còn tiếp tục di truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp, không ai biết đến khi nào mới kết thúc.

Vụ án nhiễm dioxin trong dầu ăn vẫn còn đó

Vụ án Kanemi chắc chắn sẽ còn được nhắc lại trong lịch sử phát triển của Nhật Bản khi số người phơi nhiễm tiếp tục vẫn chưa ngừng hẳn. Các phiên tòa sơ - thượng thẩm đều buộc Chính phủ Nhật Bản phải chịu trách nhiệm thiếu sót trong quản lý và có ngân sách đền bù cho nạn nhân, tuy nhiên vấn đề đã ngừng ở việc thỏa hiệp khi đề án hòa giải của tòa án tối cao được những nạn nhân và hai nhà sản xuất chấp thuận. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều vướng víu phần trách nhiệm của Nhà nước mặc dù trước đây Chính phủ đã “tạm ứng”cho họ để chữa bệnh.

Theo Hồng Lê Thọ
TTOL

Kasumi
20-09-2007, 09:11 PM
Bánh kẹo Fujiya sống chung với chuột

Từ những tài liệu nội bộ của Nhà máy Niiza (tỉnh Saitama) của Tập đoàn Fujiya nổi tiếng, đứng thứ 5 trong các tập đoàn sản xuất bánh kẹo tại Nhật Bản, người ta phát hiện ở đây đã nhiều lần triển khai chiến dịch "diệt chuột" và số con bị "sa lưới" từ tháng 1/2003 - 8/2006 là 485 con theo thống kê ghi trong tài liệu "bí mật".


Từ chuột "mai phục" sữa quá đát đến E.Coli


http://img528.imageshack.us/img528/6506/fujiyaxk6.jpg (http://imageshack.us)
Trụ sở Tập đoàn Fujiya ngày nay

Từ những tài liệu nội bộ của Nhà máy Niiza (tỉnh Saitama) của Tập đoàn Fujiya nổi tiếng, đứng thứ 5 trong các tập đoàn sản xuất bánh kẹo tại Nhật Bản, người ta phát hiện ở đây đã nhiều lần triển khai chiến dịch "diệt chuột" và số con bị "sa lưới" từ tháng 1/2003 - 8/2006 là 485 con theo thống kê ghi trong tài liệu "bí mật".

Điều đó cho thấy từ lâu việc sản xuất bánh kẹo của nhà máy này luôn bị các chú chuột "mai phục", nguồn gây bệnh phát sinh trong các dây chuyền sản xuất này đã làm cả nước Nhật kinh hoàng, nhất là trẻ em vốn rất ưa chuộng bánh, kẹo, thức ăn (ở restaurant) của Tập đoàn Fujiya.

Sự thật che giấu được lôi ra ánh sáng khi nguồn tin từ bên trong tiết lộ với báo chí vào ngày 10/1/2007 rằng, trong các đợt điều tra của "Nhóm nghiên cứu dự án phát triển" nằm bên ngoài công ty do chính hãng này lập ra đã báo cáo "trong tháng 10 và 11/2006, đã có 8 lần nhà máy Niiza sử dụng sữa quá đát để làm nhân kem cho "bánh tươi" nhưng ban giám đốc công ty đã giấu nhẹm vì sợ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ vụ bánh mùa Noel gần kề.

Thông qua buổi họp báo của Tổng giám đốc Fuji Rintaroo (cháu ruột của người sáng lập), hàng loạt sự thật về tình trạng nhiễm khuẩn, sử dụng trứng quá hạn, bắt "được" chuột, gián, sâu... trong đó có cả bánh "Pekochan"- một sản phẩm nổi tiếng hơn 100 năm của Fujiya - bị nhiễm khuẩn E. Coli cao hơn 100 lần quy định của chính hãng này trong nhiều năm liền đã được công bố cho thấy tình trạng quản lý chất lượng quá ư bê bối của hãng này, "nhưng vì quy mô người bị nhiễm quá ít, chỉ phản ánh qua điện thoại nên chúng tôi không công bố và xin lỗi khách hàng". Đó là lời biện bạch của ban lãnh đạo công ty.

Tẩy chay và từ chức

Ngày 11/1/2007, Tổng giám đốc Tập đoàn Fujiya, ông Fuji Rintaroo họp báo chính thức "tạ lỗi" và tuyên bố đình chỉ việc bán bánh tươi trên các quầy và cửa hàng của hãng. Sang ngày 16/1/2007, Fujiya quyết định đóng cửa toàn bộ 890 cửa hàng Fujiya trên toàn quốc đồng thời thu hồi sản phẩm đang bày bán ở siêu thị, cửa hàng sau khi bị khiếu nại về chất lượng.

Dư luận các cơ quan truyền thông đã trở nên ầm ĩ với vụ việc này, nhất là một số công nhân viên của Nhà máy Hiratsuka của Fujiya cáo giác là họ đã "tái chế" các sản phẩm không bán được, thay đổi thời hiệu sử dụng để tiếp tục đưa ra thị trường tiêu thụ, nhà máy lúc nào cũng có gián, ruồi bay trong phòng thay áo, gia công... và họ từng bị ban giám đốc đe dọa phải "giữ miệng".

Ngày 22/1/2007, tức 10 ngày sau lần họp báo đầu tiên, Tổng giám đốc Fuji Rintaroo đã từ chức để "nhận lãnh trách nhiệm" như đã tuyên bố vào 1 tuần lễ trước đó.

Nhưng tình trạng vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được bảo đảm khi khách hàng phát hiện có sâu mọt trong bánh chocolat (4 lần) ở Osaka hay các đoàn thanh - kiểm tra báo cáo là hầu hết cơ sở sản xuất bánh kẹo của tập đoàn này đều không được quản lý nghiêm túc, luôn bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột gấp nhiều lần so với quy định trong nguyên liệu chế biến: phụ gia, sữa, trứng bột, mứt làm nhân...

Phong trào tẩy chay sản phẩm của Fujiya để tránh vạ lây lan rộng. Ngay từ khi phát hiện, các siêu thị lớn (các tập đoàn hệ thống bán lẻ như Seiyu với 400 cửa hàng, Aeon với 3.000 quầy, Seven - Eleven với 12.000 cửa hàng, Lawson với 330 cửa hàng...) có quy mô rộng khắp cả nước và những cửa hàng bánh kẹo đều tuyên bố rút sản phẩm của Fujiya ra khỏi quầy từ ngày 15/1/2007.

Điều này đã tác động rất lớn đến các công ty con thuộc Tập đoàn Fujiya như công ty nước giải khát, những restaurant... hầu hết đều đã phải tạm ngừng kinh doanh. Từ doanh thu đạt 84,8 tỷ yên năm tài khóa 2006, Fujiya đã bị thiệt hại 8 tỷ yên trong đó giảm 24,7% lượng "bánh tươi" tương đương với 6,7 tỷ yên (55 triệu đô la), đồng thời bồi thường thiệt hại cho các cửa hàng tiêu thụ 4 tỷ yên vì sự cố này.

Để cứu vãn sự suy sụp của Tập đoàn Fujiya, ngoài Công ty bánh mì Yamazaki đã mua 35% cổ phần của Fujiya, Tập đoàn sữa Morinaga cũng đã góp phần mua lại cổ đông vì Fujiya là khách hàng, một đối tác quan trọng của 2 công ty nói trên.

"Chuyện thường ngày ở huyện"


http://img528.imageshack.us/img528/9822/fujiya1bc4.jpg (http://imageshack.us)
Cửa hàng rút sản phẩm Fujiya ra khỏi quầy

Sự kiện nhiễm độc của các hãng sữa Morinaga, Snow vào những năm trước vẫn còn "tươi" trong ký ức của các bà mẹ Nhật, niềm hy vọng các công ty chế biến lương thực sẽ rút được bài học kinh nghiệm đau đớn này nhưng hàng loạt vụ nhiễm độc lớn nhỏ, từ công ty nổi tiếng đến các công ty địa phương liên tục xảy ra trong những năm gần đây càng biểu hiện thái độ xem thường sức khỏe của khách hàng, nhất là trẻ sơ sinh hay lớp tuổi tiểu học là người tiêu thụ sữa hay bánh kẹo nhiều nhất.

Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Nhật Bản cảnh báo 73,6% người mắc các loại bệnh mạn tính về đường ruột hay gan, thận... ở Nhật Bản là có nguồn gốc từ thức ăn, thực phẩm chế biến, không kể hiện tượng tiêu chảy, kiết lỵ hay nôn mửa vì nhiễm khuẩn E.Coli, Salmonella... xảy ra đến mức "hóa quen", trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Nếu theo dõi danh sách thực phẩm được lệnh thu hồi của FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm) trên thị trường của Hoa Kỳ, chúng ta thấy hầu như ngày nào cũng xảy ra vài ba sự kiện vi phạm tuy rằng qui mô không lớn như Fujiya.

Đặc biệt gần đây, trong 6 tháng đầu năm 2007, FDA đã tích cực công bố hàng hóa, thực phẩm nhập khẩu vi phạm (tạp chất, dư lượng kháng sinh, vi khuẩn gây bệnh, bao bì không đúng với qui cách...) từ các nước, cho thấy việc kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt so với những năm trước đây, hàng rào kiểm dịch đã được siết lại nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng nội địa.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết, 35% trong số 150.000 người chết mỗi năm vì ung thư tại nước ta cũng do thực phẩm trong đời sống, vì vậy việc bảo đảm vệ sinh an toàn và phòng dịch... để đối phó với nguy cơ gây bệnh đang "mai phục" không chỉ là vấn đề ở Nhà máy Fujiya nói trên mà còn là vấn đề của bản thân chúng ta, trong đó việc kiểm tra chất lượng đầu vào trong quy trình sản xuất và chế biến thực phẩm cần được "luật" hóa với chế tài nghiêm khắc về trách nhiệm của nhà sản xuất, là tội ác mang tính đầu độc giết người chứ không phải là lỗi hành chính như hiện nay.


Công ty Fujiya thành lập năm 1910, là một tập đoàn sản xuất bánh kẹo, kinh doanh restaurant, nước ngọt thuộc gia đình Fuji mà Tổng giám đốc Fuji Rintaroo là cháu ruột của người sáng lập Fuji Rinemon. Bánh nướng Pekochan ra đời cách đây 60 năm là một thương hiệu được trẻ em Nhật Bản ưa chuộng.

Những sự cố thu hồi gần đây:

- Công ty Kyowa Pefumery & Perfumery: sản phẩm phụ gia có acetaldehyde, propionaldehyde and Castor oil và các nhà chế biến lương thực sử dụng hương liệu của công ty này đe dọa khởi kiện để đòi đền bù thiệt hại, trong đó có:

- Công ty Nichirei chuyên sản xuất hàng đông lạnh thu hồi 5 sản phẩm "gratin" (món hầm) có phô mai và tôm.

- Công ty Otsuka Pharmaceutical thu hồi 3 trong những sản phẩm mang tên "the Calcium" (480.000 mẫu).

- Công ty Oriental Land thu hồi các sản phẩm của Morinaga, Meiji Seika bán ở khu nghỉ mát Disneyland.

Đây là các công ty trong số 600 nhà sản xuất đã thu hồi sản phẩm sử dụng hương liệu của công ty Kyowa.

Phát hiện dao cắt kim loại trong cá đóng hộp: Công ty Nhật Bản thu hồi 5 triệu hộp cá ngừ.

Ngày 13/2/2007, Công ty Nichiro ở Tokyo đã ra lệnh thu hồi 4,8 triệu hộp cá ngừ do Công ty Highland Dragon ở Việt Nam sản xuất.

Theo Hồng Lê Thọ
TTOL